...... ... |
. |
. |
. |
. |
. |
Kinh
Hoa Sen Chánh Pháp
HT. Thích Trí Quang dịch giải
Phần 2
Phẩm 1: Mở Đầu
Tôi nghe như vầy.
Một thời đức Thế tôn (1) ở
thành Vương xá, trong đỉnh Linh sơn, cùng chúng đại tỷ kheo mười hai ngàn
vị, toàn là những bâểc a la hán (2) mà sự sơ hở (3) đã được tận diệt,
sự phiền não không còn tái sinh, đã đạt được sự ích lợi của bản
thân, đã dứt hết sự ràng buộc vào hiện hữu (4) , tâm trí tự tại giải
thoát. Tên các vị ấy là tôn giả Kiều trần như, tôn giả Đại ca diếp,
tôn giả Tần loa ca diếp, tôn giả Già da ca diếp, tôn giả Na đề ca diếp,
tôn giả Xá lợi phất, tôn giả Mục kiền liên, tôn giả Ca chiên diên,
tôn giả A nâu lâu đà, tôn giả Kiếp tân na, tôn giả Kiều phạn ba đề,
tôn giả Ly bà đa, tôn giả Tất lăng già, tôn giả Bạc câu la, tôn giả
Câu hy la, tôn giả Nan đà, tôn giả Tôn đà ra nan đà, tôn giả Phú lâu
na, tôn giả Tu bồ đề, tôn giả A nan, tôn giả La hầu la (5) , đại loại
như vậy, những vị a la hán mà mọi người đều biết. Lại có hai ngàn vị
tu học tiếp tục và tu học hoàn tất (6) , có tỷ kheo ni Đại thắng sinh
chủ cùng với sáu ngàn người tùy thuộc, có thân mẫu tôn giả La hầu la
là tỷ kheo ni Trì dự cùng với những người tùy thuộc, đều đến tụ tập.
Chúng đại bồ tát có sáu mươi ngàn,
toàn là những vị không thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng (7) ,
được các pháp tổng trì (8) , được các tài hùng biện mà trong đó có sự
biện thuyết hoan hỷ (9) , biện thuyết về pháp không thoái chuyển (10) ;
đã hiến cúng vô lượng trăm ngàn chư Phật, vun trồng các gốc rễ công
đức ở nơi chư Phật ấy, và thường được chư Phật ấy tán dương; sửa
mình bằng đức tính từbi, khéo nhập vào tuệ giác Phật đà, thông suốt
tuệ giác vĩ đại, đạt đến bờ bến bên kia; danh tiếng vang khắp vô lượng
quốc độ, hóa độ vô số trăm ngàn chúng sinh. Tên các vị ấy là bồ
tát Văn thù sư lợi, bồ tát Quan thế âm, bồ tát Đại thế chí, bồ tát
Thường tinh tiến, bồ tát Bất hưu tức, bồ tát Bảo chưởng, bồ tát Dược
vương, bồ tát Dũng thí, bồ tát Bảo nguyệt, bồ tát Nguyệt quang, bồ
tát Mãn nguyệt, bồ tát Đại lực, bồ tát Vô lượng lực, bồ tát Việt
tam giới, bồ tát Hiền hộ, bồ tát Di lạc, bồ tát Bảo tích, bồ tát Đạo
sư, đại loại như vậy, tám mươi ngàn vị đại bồ tát đều đến tụ
tập.
Chư thiên thì có Đế thích cùng
hai mươi ngàn thiên nhân tùy thuộc; Nguyệt thiên tử, Phổ hương thiên tử,
Bảo quang thiên tử, và bốn vị Đại thiên vương, cùng mười hai ngàn
thiên nhân tùy thuộc; Tự tại thiên tử và Đại tự tại thiên tử cùng
ba mươi ngàn thiên nhân tùy thuộc; phạn vương chủ thế giới hệ Kham nhẫn,
cùng các phạn vương đại loại như phạn vương Thikhí (11) , phạn vương
Quang minh, và hai mươi ngàn thiên nhân tùy thuộc, đều đến tụ tập. Các
bộ khác thì có tám long vương là Hỷ, Hiền hỷ, Diêm hải, Cửu đầu,
Đa thiệt, Vô nhiệt não, Từ tâm và Hồng liên hoa, mỗi vị cùng mấy trăm
ngàn tùy thuộc; có bốn khẩn na la vương là Pháp và Diệu pháp, Đại pháp
và Trì pháp, mỗi vị cùng mấy trăm ngàn tùy thuộc; có bốn càn thát bà
vương là Nhạc và Nhạc âm, Myՠvà Myՠâm, mỗi vị cùng mấy trăm ngàn
tùy thuộc; có bốn a tu la vương là Tối thắng, Dục cẩm, Yến cư và Hấp
khí, mỗi vị cùng mấy trăm ngàn tùy thuộc; có bốn ca lâu la vương là Đại
uy đức, Đại thân, Đại mãn và Như ý, mỗi vị cùng mấy trăm ngàn tùy
thuộc, đều đến tụ tập (12) .
Nhân loại thì có con hoàng hậu Vi
đề hy là hoàng đế A xà thế, cùng mấy trăm ngàn tùy thuộc, cũng đến
tụ tâp. Tất cả các chúng trên đây, mỗi chúng đảnh lễ ngang chân đức
Thế tôn, rồi lui lại mà ngồi mỗi chúng một chỗ.
Vào lúc này, đức Thế tôn được
bốn chúng vây quanh, hiến cúng, cung kính, tôn trọng, tán dương. Ngài nói
cho các vị bồ tát bản kinh đại thừa tên Nghĩa vô lượng, bản kinh dạy
cho bồ tát và được Phật giữ gìn (13) . Nói kinh ấy rồi, đức Thế tôn
vẫn ngồi xếp bằng ở ngay giữa đại hội mà nhập định Vị trí của
nghĩa vô lượng, thân thể và tâm trí đều không dao động. Ngay khi ấy
chư thiên mưa xuống hoa mạn đà, hoa mạn đà lớn, hoa mạn thù, hoa mạn
thù lớn, rải trên đức Thế tôn và cả đại hội. Khắp cõi Phật (14)
này chấn động đủ cả sáu cách. Trong đại hội, bốn chúng là tỷ kheo
và tỷ kheo ni, ưu bà tắc và ưu bà di; tám bộ là thiên, long, dạ xoa, càn
thát bà, a tu la, ca lâu la, khẩn na la, ma hầu la dà, toàn là những người
không phải loài người, và các chúng khác mà trong đó có các vị quốc vương
và các vị luân vương, hết thảy các chúng như vậy đều được sự
chưa từng có, hoan hỷ, chắp tay, và chuyên chú chiêm ngưỡng đức Thế tôn.
Còn đức Thế tôn thì từ nơi tướng lông trắng giữa hai đầu của hai hàng
lông mày phóng ra ánh sáng, chiếu soi mười tám ngàn thế giới hệ ở về
hướng đông, không thế giới hệ nào mà không chiếu soi dưới đến Vô
gián ngục trên đến Sắc cứu cánh. Làm cho đại hội ở thế giới hêể
này mà thấy hết chúng sinh trong sáu loài của các thế giới hệ ấy; lại
thấy chư Phật hiện tại của các thế giới hệ ấy, nghe kinh pháp của
chư Phật ấy nói, thấy bốn chúng, những người hành đạo và đắc đạo
trong các thế giới hệ ấy; lại thấy các vị bồ tát đi theo đường đi
của bồ tát bằng các thứ yếu tố, các cách tin hiểu và các loại hình
thức; lại thấy chư Phật nhập diệt, thấy sau đó xá lợi của chư Phật
ấy được đem ra xây dựng những ngôi tháp bằng bảy chất liệu quí báu
mà tôn thờ.
Bấy giờ đức Di lạc suy nghĩ, hôm
nay đức Thế tôn biểu hiện cảnh tượng thần biến. Vì lý do gì mà có
điềm lành như vậy? Đức Thế tôn đang nhập định, sự thể hiếm có
và ngoài tầm nghĩ bàn được biểu hiện ra đây (15) , ta nên hỏi ai, ai giải
đáp được? Đức Di lạc lại nghĩ, bồ tát Văn thù, vị thái tử của đức
Pháp vương, đã từng thân gần phụng sự vô lượng chư Phật quá khứ, tất
đã thấy được cảnh tượng hiếm có này, vậy ta nên hỏi người. Cùng
lúc, cả bốn chúng, tám bộ và các chúng khác, ai cũng nghĩ rằng, cảnh
tượng thần biến biểu hiện bởi ánh sáng của đức Thế tôn như vầy,
nên đem hỏi ai? Đức Di lạc muốn giải quyết nghi ngờ của mình, lại
xét tâm trí của cả đại hội, nên hỏi bồ tát Văn thù, vì lý do nào
mà có điềm lành ẩ có cảnh tượng thần biến là đức Thế tôn phóng
ánh sáng lớn chiếu soi mười tám ngàn cõi Phật ở về hướng đông, làm
cho đại hội ở đây mà thấy hết mọi sự huy hoàng của các cõi Phật
ấy? Đức Di lạc muốn lặp lại ý nghĩa đã hỏi, nên hỏi bồ tát Văn
thù bằng những lời chỉnh cú (16) sau đây.
- (1) Văn thù đại sĩ,
- vì lý do nào
- mà đức Thế tôn,
- vị thầy dẫn đạo,
- từ nơi lông trắng
- giữa hai đầu mày,
- phóng ánh sáng lớn
- chiếu soi khắp cả?
- (2) Chư thiên mưa xuống
- bao nhiêu hoa quí
- mạn đà mạn thù,
- và thổi làn gió
- hơi thơm đàn hương,
- đẹp lòng đại hội.
- (3) Vì vậy mặt đất
- cả quốc độ này
- rực rỡ huy hoàng,
- và cả quốc độ
- đều chấn động lên
- đủ hết sáu cách.
- Làm cho bốn chúng
- hoan hỷ tất cả,
- cơ thể tâm trí
- đều thấy thích thú,
- cảm nhận sự thể
- chưa bao giờ có.
- *
- (4) Chỉ một ánh sáng
- phóng từ lông trắng
- giữa hai đầu mày
- chiếu soi hướng đông,
- mà khiến một vạn
- tám ngàn quốc độ
- đều như màu sắc
- ánh từ vàng ròng.
- (5) Trong các quốc độ
- được chiếu như vậy,
- từ Vô gián ngục
- đến Sắc cứu cánh,
- hết thảy chúng sinh
- thuộc cả sáu loài
- sinh từ loài này
- chết đến loài khác,
- (6) hành vi lành dữ,
- kết quả tốt xấu,
- ở quốc độ này
- mà thấy rõ cả.
- (7) Lại thấy chư Phật,
- chúa của thánh hiền,
- tuyên thuyết kinh pháp
- tinh túy bậc nhất,
- bằng tiếng trong thanh
- xuất lời hòa nhã
- mà dạy bồ tát
- vô số ức vạn.
- (8) Bằng tiếng Phạn thiên
- thâm thúy kỳ diệu
- khiến người thích nghe,
- chư Phật ở nơi
- quốc độ của mình
- diễn giảng chánh pháp,
- vận dụng vô số
- yếu tố, ví dụ,
- soi sáng chánh pháp
- thức tỉnh chúng sinh:
- (9) Ai bị khổ não,
- chán già bịnh chết,
- thì nói cho họ
- về pháp niết bàn,
- để họ diệt tận
- biên cương khổ não.
- (10) Ai có phước đức
- từng hiến cúng Phật,
- chí cầu đạt được
- chân lý cao hơn,
- thì nói cho họ
- về pháp duyên giác.
- (11) Còn các con Phật (17)
- làm mọi hạnh nguyện
- để cầu thành tựu
- tuệ giác vô thượng,
- thì nói cho họ
- tuệ giác trong suốt.
- *
- (12) Văn thù đại sĩ,
- tôi ở nơi đây
- mà thấy và nghe
- đến như thế đó,
- có ngàn ức việc.
- Việc nhiều như vậy
- nay tôi chỉ kể
- một cách vắn tắt.
- (13) Tôi thấy bồ tát
- như cát sông Hằng,
- của trong tất cả
- thế giới hệ ấy,
- đem mọi yếu tố
- cầu tuệ giác Phật (18) .
- (14) Có người thực hành
- hạnh nguyện bố thí:
- bạc, vàng, san hô,
- chân châu, ma ni,
- xa cừ, mã não,
- kim cương, của quí,
- tôi tớ, xe thuyền,
- vật để cỡi chở,
- (15) xe liễn, xe dư (19)
- trang hoàng vàng ngọc,
- cũng rất hoan hỷ
- mà đem hiến cho,
- rồi hồi hướng cả
- về nơi trí Phật,
- (16) nguyện được xe Phật (20) ,
- cỗ xe bậc nhất
- trong cả ba cõi,
- được Phật tán dương.
- (17) Hoặc có bồ tát
- cho xe quí báu
- kéo bởi bốn ngựa,
- lại có lan can
- mui trần hoa myՠ(21)
- mái riềm trang hoàng.
- (18) Lại thấy bồ tát
- cho thân cho thịt
- cho tay cho chân
- cho cả vợ con,
- quyết chí đạt đến
- tuệ giác vô thượng.
- (19) Lại thấy bồ tát
- cho đầu cho mắt
- cho cả thân thể -
- cho mà vui thích,
- để cầu thành tựu
- tuệ giác Phật đà.
- (20) Văn thù đại sĩ,
- tôi thấy vua chúa
- đi đến chỗ Phật
- hỏi pháp vô thượng,
- rồi từ bỏ liền
- đất nước thịnh vượng,
- bỏ cả cung điện
- đình thần hậu phi,
- (21) cạo sạch râu tóc
- mà mặc pháp y.
- (22) Hoặc thấy bồ tát
- mà làm tỷ kheo,
- chỉ ở một mình
- nơi chỗ thanh vắng,
- vui vẻ thích thú
- đọc tụng kinh điển.
- (23) Lại thấy bồ tát
- dũng mãnh tinh tiến,
- vào chốn núi sâu
- suy nghĩ trí Phật.
- (24) Lại thấy bồ tát
- tách rời dục vọng,
- thường xuyên trú ở
- những chỗ trống vắng,
- tu sâu thiền định
- được năm thần thông.
- (25) Lại thấy bồ tát
- chân đứng vững vàng
- tư tưởng tập trung
- hai tay chắp lại,
- đem cả ngàn vạn
- bài văn chỉnh cú
- hoan hỷ ca tụng
- các đấng Pháp vương.
- (26) Lại thấy bồ tát
- trí sâu, nhớ chắc,
- có thể thưa hỏi
- chánh pháp nơi Phật,
- nghe rồi tiếp nhận
- ghi nhớ đủ cả.
- (27) Lại thấy con Phật
- đủ cả định tuệ,
- áp dụng vô số
- mọi sự ví dụ,
- diễn giảng chánh pháp
- cho các chúng khác;
- (28) lại vui thuyết pháp
- giáo hóa bồ tát,
- chiến thắng ma vương
- và binh đội nó,
- rồi gióng lớn lên
- tiếng trống chánh pháp.
- (29) Lại thấy bồ tát
- vắng bặt im lặng,
- trời rồng cung kính
- không lấy làm mừng.
- (30) Lại thấy bồ tát
- ở trong núi rừng
- mà phóng ánh sáng
- cứu khổ địa ngục,
- thức tỉnh cho họ
- hướng vào trí Phật.
- *
- (31) Lại thấy con Phật
- chưa từng ngủ nghỉ,
- kinh hành (22) trong rừng
- siêng cầu trí Phật.
- (32) Lại thấy có vị
- giới pháp đầy đủ,
- uy nghi vẹn toàn,
- sạch sẽ trong suốt
- in như ngọc quí
- để cầu trí Phật.
- (33) Lại thấy con Phật
- trụ vào sức nhẫn,
- bao kẻ thượng mạn (23)
- mắng nhiếc đánh đập
- vẫn nhẫn được cả
- để cầu trí Phật.
- (34) Lại thấy bồ tát
- từ bỏ trò chơi,
- bỏ luôn những kẻ
- thân thuộc ngu dốt,
- chỉ biết thân gần
- những người thánh trí,
- (35) chuyên nhất tâm ý
- trừ bỏ loạn động,
- trú ở núi rừng
- tập trung tư tưởng,
- trải qua ức vạn
- những năm như vậy
- để cầu thành tựu
- tuệ giác Phật đà.
- (36) Hoặc thấy bồ tát
- cỗ bàn quí trọng,
- thức uống, đồ ăn,
- các loại dược phẩm,
- đều đem hiến cúng
- Phật bảo Tăng bảo.
- (37) Y phục danh tiếng
- và thượng hảo hạng,
- giá trị ngàn vạn
- hoặc đến vô giá,
- đều đem hiến cúng
- Phật bảo Tăng bảo.
- (38) Nhà cửa quí báu
- bằng gỗ đàn hương,
- trong đó đồ nằm
- rất tốt và đẹp,
- nhà và đồ ấy
- nhiều đến vạn ức,
- đều đem hiến cúng
- Phật bảo Tăng bảo.
- (39) Vườn rừng quang đãng,
- trong đó đủ cả
- hoa trái tốt nhiều,
- suối chảy ao tắm,
- đều đem hiến cúng
- Phật bảo Tăng bảo.
- (40) Đồng đẳng như vậy,
- họ đem hiến cúng
- đủ hết những thứ
- rất là tinh tế,
- mà lòng hoan lạc
- không biết nhàm chán,
- chí quyết đạt đến
- tuệ giác vô thượng.
- (41) Hoặc có bồ tát
- bằng nhiều minh chứng,
- nói về nguyên lý
- tuyệt đối vắng lặng (24) ,
- huấn dụ vô số
- các loại chúng sinh.
- (42) Hoặc thấy bồ tát
- xét thấy bản thể
- tất cả vạn hữu
- in như hư không:
- không những khái niệm
- đối kháng lẫn nhau.
- Lại thấy con Phật
- tâm không vướng mắc,
- đem tuệ mầu này
- cầu tuệ vô thượng (25) .
- *
- (43) Văn thù đại sĩ,
- có những bồ tát
- Phật nhập diệt rồi
- hiến cúng xá lợi.
- (44) Lại thấy con Phật
- dựng bao chùa tháp
- nhiều bằng Hằng sa
- tô điểm quốc độ.
- (45) Tháp thì tráng lệ,
- làm bằng bảy báu,
- chiều cao có đến
- năm ngàn do tuần,
- chu vi rộng đến
- hai ngàn do tuần.
- (46) Mỗi một chùa tháp
- cờ phướn cả ngàn,
- màn được kết ngọc (26) ,
- chuông nhỏ hòa reo,
- tám bộ thiên long,
- loài người loài khác,
- thường đem hiến cúng
- hoa hương, kịch nhạc (27) .
- (47) Văn thù đại sĩ,
- những con Phật ấy
- chính vì hiến cúng
- xá lợi của Phật
- mà cố trang hoàng
- những ngôi chùa tháp,
- nên cả quốc độ
- tự nhiên tráng lệ
- tuyệt diệu tuyệt hảo,
- in như cây chúa
- của trời Đế thích
- toàn bộ nở hoa.
- *
- (48) Thế tôn chỉ phóng
- một đường ánh sáng
- mà làm cho tôi
- và cả đại hội
- thấy quốc độ này
- đủ mọi vẻ đẹp.
- (49) Những thần thông lực
- và trí tuệ lực
- của đức Thế tôn
- thật là hiếm có:
- chỉ phóng một đường
- ánh sáng rực rỡ
- mà chiếu khắp cả
- vô lượng quốc độ.
- (50) Làm cho chúng tôi
- nhìn cảnh tượng này
- ai cũng cảm được
- sự chưa từng có.
- Phật tử Văn thù,
- xin hãy giải thích
- cho nỗi nghi ngờ
- của cả đại hội.
- (51) Tất cả bốn chúng
- thích thú trông ngóng,
- nhìn vào nhân giả
- và nhìn vào tôi.
- (52) Ai cũng muốn biết
- tại sao Thế tôn
- phóng ra ánh sáng
- đến như thế này?
- (53) Phật tử Văn thù,
- hãy đáp ứng gấp,
- giải tỏa nghi ngờ
- cho họ hoan hỷ:
- vì ích lợi nào
- mà đức Thế tôn
- phóng ra ánh sáng
- đến như thế này -
- (54) Chánh pháp tinh túy
- mà đức Thế tôn
- đã chứng ngộ được
- trong khi mới ngồi
- nơi bồ đề tràng,
- ngài muốn tuyên thuyết
- về chánh pháp ấy,
- hay muốn thọ ký (28) ?
- (55) Ánh sáng Thế tôn
- đã làm hiện ra
- cho chúng tôi thấy
- bao nhiêu cõi Phật
- đẹp và sáng lên
- với những ngọc quí,
- lại được thấy cả
- chư vị Phật đà,
- thì đó không phải
- là sự kiện nhỏ.
- (56) Văn thù đại sĩ,
- nên biết tất cả
- bốn chúng tám bộ
- và các chúng khác,
- nhìn xem nhân giả
- nói cho thế nào?
Lúc ấy bồ tát Văn thù nói với
đức Di lạc, và các vị đại sĩ khác, chư vị Thiện nam tử, theo tôi suy
xét thì đức Thế tôn hiện nay muốn nói chánh pháp vĩ đại, đổ mưa chánh
pháp vĩ đại, thổi loa chánh pháp vĩ đại, đánh trống chánh pháp vĩ đại,
diễn nghĩa chánh pháp vĩ đại. Chư vị Thiện nam tử, nơi chư Phật quá
khứ, tôi đã từng thấy điềm lành như vậy. Các ngài phóng ra ánh sáng
này rồi là nói về chánh pháp vĩ đại. Do đó, chư vị nên biết, đức
Thế tôn hiện nay phóng ra ánh sáng thì cũng sẽ làm như vâểy. Muốn làm
cho chúng sinh ai cũng nghe biết được cái pháp mà cả thế gian đều khó
tin, nên đức Thế tôn biểu hiện điềm lành như vầy.
Chư vị Thiện nam tử, như trong quá
khứ, lâu đến vô lượng vô biên, không thể nghĩ bàn vô số thời kỳ
(29) , bấy giờ có đức Phật danh hiệu Nhật nguyệt đăng minh, đủ mười
đức hiệu: bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết
đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải
vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả
trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời (30) . Ngài
tuyên thuyết chánh pháp một cách phần đầu phần giữa phần cuối ba phần
đều tuyệt hảo, nghĩa lý sâu xa, lời tiếng tuyệt diệu, thuần nhất
không tạp, đủ hết sắc thái phạn hạnh (31) trắng trong. Ấy là người
cầu Thanh văn thì nói mà đáp ứng bằng bốn chân lý, để họ vượt qua
sinh già bịnh chết, cứu cánh niết bàn; người cầu Duyên giác thì nói
mà đáp ứng bằng mười hai duyên khởi; còn các vị Bồ tát thì nói mà
đáp ứng bằng sáu ba la mật, làm cho họ được tuệ giác vô thượng,
nghĩa là thành bậc Tuệ giác biết tất cả (32) .
Kế đó lại có đức Phật cũng tên
Nhật nguyệt đăng minh, kế đó nữa lại có đức Phật cũng tên Nhật
nguyệt đăng minh. Như vậy có hai mươi ngàn đức Phật đều cùng một
tên, tên Nhật nguyệt đăng minh, và cùng một họ, họ Phả la đọa. Di lạc
đại sĩ, đại sĩ nên biết, đức Phật đầu tiên cũng như đức Phật cuối
cùng đều cùng một tên Nhật nguyệt đăng minh, cùng đủ mười đức hiệu,
và pháp mà các ngài tuyên thuyết cũng phần đầu phần giữa phần cuối
ba phần đều tuyệt hảo. Đức Phật cuối cùng, khi chưa xuất gia, có tám
vương tử, thứ nhất tên Hữu ý, thứ hai tên Thiện ý, thứ ba tên Vô lượng
ý, thứ tư tên Bảo ý, thứ năm tên Tăng ý, thứ sáu tên Trừ nghi ý, thứ
bảy tên Hướng ý, thứ tám tên Pháp ý. Cả tám vương tử đều uy đức
tự tại, thống lãnh bốn đại lục (33) . Khi nghe phụ hoàng xuất gia,
thành tựu tuệ giác vô thượng, thì tám vương tử ấy cùng bỏ ngôi vua
mà xuất gia theo, phát tâm đại thừa, thường hành phạn hạnh, và cùng
làm pháp sư, vì đã từng gieo trồng các gốc rễ điều lành ở nơi ngàn
vạn đức Phật. Bấy giờ đức Phật Nhật nguyệt đăng minh cũng đã nói
bản kinh đại thừa tên Nghĩa vô lượng, bản kinh dạy cho bồ tát và được
Phật giữ gìn. Nói kinh ấy rồi, đức Phật ấy cũng đã ở ngay giữa đại
hội mà ngồi xếp bằng, nhập định Vị trí của nghĩa vô lượng, thân
thể và tâm trí đều không dao động. Lúc ấy chư thiên cũng mưa xuống
hoa mạn đà, hoa mạn đà lớn, hoa mạn thù, hoa mạn thù lớn, rải trên đức
Phật và cả đại hội. Khắp cõi Phật này cũng chấn động đủ hết sáu
cách. Trong đại hội, bốn chúng, tám bộ và các chúng khác, hết thảy
các chúng như vậy cũng được sự chưa từng có, hoan hỷ, chắp tay,
chuyên chú mà chiêm ngưỡng đức Phật. Còn đức Phật thì cũng từ nơi
tướng lông trắng giữa hai đầu của hai hàng lông mày phóng ra ánh sáng,
chiếu soi mười tám ngàn cõi Phật ở về hướng đông, không cõi Phật
nào mà không chiếu soi khắp cả, y như những cõi Phật mà ngày nay chư vị
đang thấy.
Di lạc đại sĩ, đại sĩ nên biết,
trong đại hội lúc ấy có hai mươi ức bồ tát ưa thích nghe pháp. Các vị
bồ tát này thấy ánh sáng của Phật chiếu khắp các cõi Phật như vậy
thì cũng được sự chưa từng có, và cũng muốn biết mục đích của ánh
sáng ấy. Bấy giờ có một vị bồ tát tên là Diệu quang, có tám trăm đệ
tử. Đức Phật Nhật nguyệt đăng minh xuất định, nhân bồ tát Diệu
quang mà nói bản kinh đại thừa tên Diệu pháp liên hoa, bản kinh dạy cho
bồ tát và được Phật giữ gìn. Ngài nói đến sáu mươi thời kỳ bậc
nhỏ (34) , không đứng dậy khỏi pháp tòa. Đại hội thính giả lúc ấy cũng
ngồi một chỗ, trải qua sáu mươi thời kỳ bậc nhỏ mà thân thể và
tâm trí đều bất động, nghe đức Phật nói thì cho rằng chỉ bằng thì
gian một bữa ăn. Cả đại hội không một ai mà thân thể hay tâm trí sinh
nhác sinh mệt. Đức Phật Nhật nguyệt đăng minh nói kinh Pháp hoa trong sáu
mươi thời kỳ bậc nhỏ rồi, liền ở giữa đại hội các chúng phạn vương,
ma vương, sa môn, bà la môn, và chư thiên, nhân loại, tu la, tuyên ngôn rằng
giữa đêm hôm nay Như lai sẽ nhập niết bàn hoàn toàn (35) . Bấy giờ có
bồ tát tên Đức tạng, đức Phật Nhật nguyệt đăng minh liền thọ ký
cho, bằng cách nói với chư vị tỷ kheo, rằng vị bồ tát Đức tạng này
sẽ kế tiếp làm Phật, danh hiệu Tịnh thân, bậc Đến như chư Phật, bậc
Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp (36) . Thọ ký rồi, ngay giữa
đêm ấy, đức Phật nhập niết bàn hoàn toàn. Sau đó bồ tát Diệu quang
ghi nhớ Pháp hoa, diễn giảng cho người trọn tám mươi thời kỳ bậc nhỏ.
Tám vương tử con đức Phật Nhật nguyệt đăng minh đều tôn thờ bồ
tát Diệu quang làm thầy, bồ tát ấy giáo hóa, làm cho tám vương tử vững
chắc đối với tuệ giác vô thượng. Tám vương tử, sau đó, hiến cúng
vô lượng trăm ngàn vạn ức đức Phật rồi, được thành Phật cả, và
vị thành Phật cuối cùng danh hiệu là Nhiên đăng. Trong tám trăm đệ tử
của bồ tát Diệu quang, có một vị tên là Cầu danh, đam mê danh lợi, dẫu
cũng đọc tụng kinh pháp mà không thông suốt, phần nhiều quên mất, nên
mới có cái tên Cầu danh. Nhưng vị này cũng nhờ sự gieo trồng các gốc
rễ điều lành mà được gặp vô lượng trăm ngàn vạn ức đức Phật,
hiến cúng, cung kính, tôn trọng và tán dương. Di lạc đại sĩ, đại sĩ nên
biết bồ tát Diệu quang lúc ấy đâu phải ai khác, mà chính là tôi đây,
còn bồ tát Cầu danh thì chính là đại sĩ (37) . Ngày nay thấy điềm lành
như vầy so với ngày xưa không khác gì cả, nên tôi nghĩ rằng đức Thế
tôn hiện nay sẽ tuyên thuyết về bản kinh đại thừa tên là Pháp hoa, bản
kinh dạy cho bồ tát và được Phật giữ gìn.
Lúc ấy, ở giữa đại hội, bồ tát
Văn thù muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau
đây.
- (57) Tôi nhớ quá khứ
- vô số thời kỳ,
- có đức Phật đà,
- bậc tôn cao nhất,
- danh hiệu ngài là
- Nhật nguyệt đăng minh.
- (58) Đức Phật đà ấy
- tuyên thuyết chánh pháp
- hóa độ vô lượng
- các loại chúng sinh,
- và vô số ức
- các vị bồ tát,
- làm cho vào được
- tuệ giác Phật đà.
- (59) Có tám vương tử
- con của Phật sinh
- lúc chưa xuất gia,
- thấy Phật xuất gia
- cũng xuất gia theo
- thực hành phạn hạnh.
- (60) Bấy giờ Phật nói
- bản kinh đại thừa
- tên Nghĩa vô lượng,
- giảng giải rộng rãi
- nghĩa lý vô lượng
- cho cả đại hội.
- (61) Phật tuyên thuyết xong
- bản kinh ấy rồi,
- liền ngồi xếp bằng
- ngay trên pháp tòa,
- nhập định Vị trí
- của nghĩa vô lượng.
- (62) Chư thiên mưa xuống
- hoa mạn đà la,
- và trống chư thiên
- tự kêu vang rền;
- tám bộ thiên long
- dùng hoa trống ấy
- hiến cúng lên bậc
- tôn cao nhất người.
- (63) Toàn cõi Phật này (38)
- đồng thời chấn động.
- Và rồi đức Phật
- phóng ra ánh sáng
- từ nơi lông trắng
- giữa hai đầu mày,
- biểu hiện đủ cả
- cảnh tượng hiếm có.
- *
- (64) Ánh sáng như vậy
- chiếu soi một vạn
- tám ngàn cõi Phật
- ở về hướng đông,
- biểu hiện cho thấy
- tất cả những chỗ
- các loại chúng sinh
- sinh ra chết đi,
- hành động lành dữ,
- hưởng chịu tốt xấu.
- (65) Lại được nhìn thấy
- có những cõi Phật
- toàn thể trang hoàng
- bằng bao vàng ngọc,
- ánh lên màu sắc
- lưu ly pha lê;
- đại hội thấy được
- đến như thế này
- là do ánh sáng
- của Phật chiếu soi.
- (66) Lại thấy tất cả
- tám bộ thiên long
- cùng với nhân loại
- tại mỗi quốc độ
- cùng nhau hiến cúng
- đức Phật của mình.
- (67) Lại thấy chư Phật
- tự thành Phật tuệ,
- thân như núi vàng
- cực kỳ tráng lệ.
- Các ngài ở giữa
- đại hội thánh hiền
- diễn giảng nghĩa ý
- của pháp sâu xa,
- thì trông giống như
- những tượng vàng thật
- hiện trong các khối
- lưu ly trong suốt.
- (68) Trong mỗi cõi Phật,
- thanh văn vô số,
- cũng nhờ ánh sáng
- của Phật chiếu soi
- mà thấy rõ cả
- chúng thanh văn ấy.
- (69) Thấy chư tỷ kheo
- ở trong núi rừng,
- tinh tiến giữ giới
- như giữ ngọc sáng.
- (70) Lại thấy bồ tát
- nỗ lực bố thí
- kiên trì nhẫn nhục,
- số bồ tát ấy
- nhiều như hằng sa
- mà thấy được cả,
- là do ánh sáng
- của Phật chiếu soi.
- (71) Thấy các bồ tát
- tinh tiến nhập định
- một cách sâu xa,
- thân tâm bất động,
- đem thiền định ấy
- cầu trí vô thượng.
- (72) Thấy các bồ tát
- biết rất thấu suốt
- thật tướng vắng lặng (39)
- của tất cả pháp,
- thuyết thật tướng ấy
- nơi quốc độ mình,
- đem bát nhã này
- cầu thành trí Phật.
- (73) Bấy giờ bốn chúng
- được thấy đức Phật
- Nhật nguyệt đăng minh
- biểu hiện thần lực
- đến như thế ấy,
- lòng họ hoan hỷ
- và cùng hỏi nhau,
- rằng cảnh tượng này
- vì lý do nào
- mà Phật biểu hiện?
- *
- (74) Khi ấy đức Phật,
- đấng mà trời người
- ai cũng tôn thờ,
- vừa mới xuất định,
- tức thì khen ngợi
- bồ tát Diệu quang:
- (75) Ông là con mắt
- của cả thế gian!
- Ai cũng qui về
- tin tưởng nơi ông!
- Ông kính giữ được
- kho tàng chánh pháp!
- Kho tàng chánh pháp
- mà rồi Như lai
- sẽ nói hết ra,
- chỉ ông chứng biết!
- (76) Đức Phật khen ngợi
- làm cho bồ tát
- Diệu quang hoan hỷ,
- rồi nói Pháp hoa
- suốt hết sáu mươi
- thời kỳ bậc nhỏ.
- (77) Và pháp tối thượng
- tuyệt diệu như vậy
- được Phật tuyên thuyết
- mà không đứng dậy
- rời khỏi pháp tòa,
- pháp sư Diệu quang
- vẫn tiếp nhận được
- và ghi nhớ cả.
- (78) Đức Phật tuyên thuyết
- về kinh Pháp hoa
- làm cho các chúng
- hoan hỷ cả rồi,
- liền trong ngày ấy
- ngài bảo các chúng:
- (79) Thật tướng các pháp
- Như lai đã đem
- nói cho các người.
- Giữa đêm hôm nay
- Như lai sẽ nhập
- niết bàn hoàn toàn.
- (80) Các người cần phải
- một lòng tinh tiến
- chuyên chú vào pháp
- Như lai đã nói,
- còn sự phóng dật
- nên tránh thật xa;
- vì lẽ chư Phật
- rất là khó gặp,
- vạn ức thời kỳ
- mới thấy một lần.
- (81) Đệ tử của Phật
- nghe Phật loan báo
- sắp sửa nhập diệt,
- ai cũng đau buồn
- nghĩ Phật nhập diệt
- sao mà mau chóng.
- (82) Vị chúa thánh triết
- và vua các pháp
- an ủi các chúng:
- sau khi Như lai
- nhập niết bàn rồi
- các người đừng lo.
- (83) Bồ tát Đức tạng
- tâm trí thấu triệt
- thật tướng thuần khiết (40) ,
- sẽ kế Như lai
- thành đức Phật đà
- danh hiệu Tịnh thân,
- và cũng hóa độ
- vô lượng các chúng.
- (84) Rồi giữa đêm ấy
- đức Phật nhập diệt
- như củi mà hết
- thì lửa cũng tắt.
- Sau đó xá lợi
- được phân bủa ra
- và xây dựng lên
- vô số bảo tháp.
- (85) Chư vị tỷ kheo
- và tỷ kheo ni
- số lượng nhiều đến
- như cát sông Hằng,
- lại càng nỗ lực
- tinh tiến hơn lên
- để cầu đạt được
- tuệ giác vô thượng.
- *
- (86) Phần ngài Diệu quang,
- pháp sư bồ tát,
- kính giữ kho tàng
- chánh pháp của Phật,
- trải qua tám mươi
- thời kỳ bậc nhỏ
- tuyên thuyết rộng rãi
- Diệu pháp liên hoa.
- (87) Còn tám vương tử
- thì nhờ bồ tát
- Diệu quang khai hóa,
- tất cả đều được
- vững chắc đối với
- tuệ giác vô thượng,
- nên sau gặp được
- vô số Phật đà.
- (88) Các vị phụng sự
- chư Phật như vậy,
- cùng nhau đi theo
- con đường vĩ đại (41) ,
- nên kế tiếp nhau
- được thành Phật cả,
- và theo thứ tự
- thọ ký cho nhau.
- (89) Đức Phật cuối cùng,
- vị trời nhất trời,
- danh hiệu ngài là
- Nhiên đăng như lai,
- bậc thầy dẫn đạo
- các vị hiền triết,
- độ cho giải thoát
- vô số các chúng.
- (90) Pháp sư Diệu quang
- có một đệ tử
- tính thường biếng nhác
- đam mê danh lợi,
- (91) cầu hồ danh lợi
- một cách không chán,
- nên hay giao du
- với nhà dòng dõi,
- bỏ bê kinh pháp
- đã được tụng tập,
- nên hay quên mất
- chứ không thông suốt.
- (92) Vì lý do ấy
- có tên Cầu danh.
- (93) Nhưng cũng thực hành
- đủ các pháp lành,
- gặp được vô số
- chư vị Phật đà,
- phụng sự hiến cúng
- Phật đà như vậy
- và cũng đi theo
- con đường vĩ đại,
- hoàn thiện sáu pháp
- đến bờ bên kia,
- nên nay lại gặp
- Sư tử họ Thích.
- (94) Thì gian sau ngài,
- sẽ kế làm Phật
- với danh hiệu là
- Di lạc từ tôn,
- cứu độ rộng rãi
- các loại chúng sinh
- mà số lượng ấy
- không thể tính kể.
- *
- (95) Sau khi đức Phật
- Nhật nguyệt đăng minh
- nhập niết bàn rồi,
- người hay biếng nhác
- chính là đại sĩ,
- còn vị pháp sư
- bồ tát Diệu quang
- là bản thân tôi.
- (96) Chính tôi xưa kia
- ở nơi đức Phật
- Nhật nguyệt đăng minh
- đã từng thấy được
- điềm lành ánh sáng
- như tôi vừa nói.
- (97) Vì vậy tôi biết
- Thế tôn ngày nay
- chủ ý muốn nói
- về kinh Pháp hoa.
- (98) Cảnh tượng hiện nay
- giống điềm lành cũ,
- và là phương tiện
- của chư Thế tôn:
- Thế tôn ngày nay
- phóng ánh sáng lớn
- là để hỗ trợ
- phát hiện thật tướng (42) .
- (99) Chư vị nên biết
- chủ ý như vậy,
- và hãy chắp tay
- nhất tâm mà chờ.
- Thế tôn sẽ đổ
- nước mưa chánh pháp,
- sung túc những người
- cầu tuệ giác Phật.
- (100) Tất cả những người
- cầu ba cỗ xe
- nếu có điều gì
- hoài nghi hối tiếc,
- thì vị Toàn giác
- sẽ giải trừ cho -
- giải trừ sạch hết,
- không còn sót lại.
Chân
thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh
Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng
Word, VNI font. Thích Nhật Từ 3-5-2000
Phần | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
|
|