Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Kinh Hoa Sen Chánh Pháp
HT. Thích Trí Quang dịch giải


Phần 5



Phẩm 4: Tin Hiểu [^]

Lúc ấy Tu bồ đề, vị tôn giả lấy tuệ giác làm sinh mạng, cùng các tôn giả Ca chiên diên, Đại ca diếp và Mục kiền liên, từ nơi đức Thế tôn nghe được điều chưa từng có, là nghe đức Thế tôn trao cho tôn giả Xá lợi phất lời ghi thành tựu tuệ giác vô thượng, thì thấy thật là hiếm có, nên hoan hỷ, phấn chấn, tức thì từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa pháp y, trần vai phải, đầu gối bên phải quì xuống chấm đất, chuyên nhất tâm trí mà chắp tay chiêm ngưỡng đức Thế tôn, rồi cúi mình, cung kính thưa rằng, bạch đức Thế tôn, chúng con ở vào địa vị đứng đầu chư tăng, tuổi cùng già cả, ai cũng tự cho đã được niết bàn, không kham làm gì được nữa, không thể bước tới mà cầu tuệ giác vô thượng. Trước đây, mỗi khi đức Thế tôn thuyết pháp lâu, thì chúng con lúc ấy cũng ngồi tại chỗ nghe pháp, nhưng cơ thể mệt mỏi, chỉ nghĩ nhớ về không, không sắc tướng và không ưa thích (103) . Còn đối với pháp bồ tát, như thần thông du hóa mà làm sạch thế giới làm nên chúng sinh, thì chúng con không có ý gì thích thú. Như vậy là vì đức Thế tôn đã làm cho chúng con thoát ba cõi, chứng niết bàn, thêm nữa tuổi chúng con đã già cả, nên đối với tuệ giác vô thượng mà đức Thế tôn dạy cho bồ tát, chúng con không có một ý niệm ham thích. Ngày nay, đối trước đức Thế tôn, chúng con được nghe ngài trao cho thanh văn lời ghi thành tựu tuệ giác vô thượng thì lòng quá hoan hỷ, được sự chưa từng có. Chúng con không ngờ ngày nay bỗng nhiên được nghe điều hiếm cóấy. Chúng con tự mừng một cách sâu xa vì được ích lợi vĩ đại, vô số ngọc báu chúng con không cầu mà tự được cả.

Bạch đức Thế tôn, bây giờ chúng con thích thú mà trình bày một sự ví dụ để thưa rõ ý nghĩa như vậy. Vínhư có người tuổi đã nhỏ dại mà lại bỏ cha trốn đến xứ khác, ở lâu mười năm, hai mươi năm, cho đến năm mươi năm. Khi tuổi lớn rồi, lại thêm nghèo khốn, người ấy bôn ba khắp nơi để kiếm cơm áo, lần hồi đến nhằm đô thành cha ở (104) . Còn người cha thì từ trước đến giờ tìm con mà không được, nên dừng lại mà ở tại đô thành ấy (105) . Ông rất giàu có. Tài sản và bảo vật, đại loại như bạc vàng, lưu ly, san hô, hổ phách, pha lê và chân châu thì vô số. Mọi kho tàng đều tràn đầy. Có lắm phụ tá, môn lại và tôi tớ. Voi ngựa, xe cộ và bò dê thì vô số kể. Lợi tức thu chi khắp cả các nước. Thương khách rất đông đảo.

Người con nghèo khốn đi qua các vùng dân cư, hết xứ lớn đến xứ nhỏ, và rồi đến nhằm đô thành cha ở. Người cha vẫn thường nhớ con. Xa con hơn năm mươi năm mà ông chưa bao giờ nói việc ấy với ai, chỉ nghĩ riêng mà buồn tiếc. Ông lo già cả, nhiều của, vàng ngọc kho tàng tràn đầy mà không có con cháu, một mai chết đi thì của ấy tiêu tan vì không có người để giao phó. Lo nghĩ như vậy nên ông thường tha thiết nhớ con. Ông nghĩ nếu gặp con để giao của thì hết lo hết nghĩ, vui thích biết mấy.

Bạch đức Thế tôn, người con nghèo khốn làm thuê làm mướn, lần hồi đến nhằm lâu đài người cha, đứng lại bên cửa, xa thấy người cha ngồi trên ngai sư tử mà ghế đẩu nâng chân cũng trang hoàng vàng ngọc. Bà la môn, sát lợi và cư sĩ thì kính cẩn bao quanh. Thân ông trang sức bằng chuỗi ngọc chân châu giá trị ngàn vạn tiền vàng. Môn lại và tôi tớ thì cầm quạt lông trắng đứng hầu hai bên. Trên đầu thì che trướng đính ngọc và treo rủ xuống là những dải phan kết hoa. Dưới đất thì được rưới nước thơm và rải những thứ hoa danh tiếng. Bảo vật thì la liệt và đang được thu chi. Đủ thứ hoa myՠvà đặc biệt tôn nghiêm như vậy. Người con nghèo khốn thấy người cha tư thế lớn lao đến thế thì sợ hãi, hối tiếc đến nhằm chỗ này. Nghĩ thầm đây là vua hoặc ngang với vua, không phải chỗ mình làm mướn kiếm ăn. Chẳng bằng đi đến xóm nghèo, có chỗ bán sức, cơm áo dễ kiếm hơn. Ta đứng mãi ở đây thì có thể bị cưỡng bách làm việc. Nghĩ vậy nên bỏ chạy thật mau. Người cha, vị trưởng giả giàu có ấy, ngồi trên ngai sư tử nhưng thấy con thì nhận biết được liền, lòng rất vui mừng, nghĩ rằng bảo vật kho tàng của ta nay đã có người để giao phó rồi. Ta nhớ mãi đứa con này, không làm sao gặp được mà nay nó bỗng nhiên tự đến, rất hợp nguyện ước của ta. Ta già rồi mà vẫn ham con tiếc của! Tức thì sai phái viên cấp tốc chạy theo dẫn về. Phái viên chạy mau đến bắt. Người con nghèo khốn kinh hãi, lớn tiếng kêu oan, tôi đâu có xúc phạm gì đến các người, tại sao các người bắt tôi? Phái viên bắt càng gấp, kéo bừa dẫn về. Người con nghèo khốn tự nghĩ vô tội mà bị bắt như bắt tù thì chắc phải chết. Càng nghĩ càng sợ nên ngất đi mà ngã xuống đất. Người cha từ xa thấy vậy thì bảo phái viên, ta không cần người này nữa; đừng dẫn người này về theo cách cưỡng bách như thế. Hãy lấy nước lạnh rưới mặt cho người này tỉnh lại, nhưng đừng nói gì với người này nữa. Người cha bảo như vậy vì biết con mình ý chí thấp hèn. Ông tự biết chính sự cao sang của mình làm cho con mình khiếp sợ. Biết đích là con trai của mình, nhưng người cha áp dụng phương tiện, không nói với ai rằng người này là con tôi. Ông bảo phái viên nói với con mình, rằng ta thả anh, anh đi đâu tùy ý. Người con nghèo khốn mừng như được sự chưa từng có, từ đất đứng dậy, đi đến xóm nghèo để kiếm cơm áo.

Trưởng giả muốn dẫn dụ con mình nên lập chước phương tiện. Ông kín đáo sai hai phái viên hình sắc tiều tụy, không oai phong gì, dặn rằng các người đi tìm người nghèo khốn vừa rồi, từ từ nói rằng ở đây ta có việc thuê làm, trả giá gấp đôi. Người ấy chịu thì các người dẫn về cho làm. Người ấy có hỏi muốn thuê làm gì, thì các người bảo thuê quét dọn dơ bẩn (106) , và chúng tôi cùng làm với anh. Hai phái viên tức khắc đi tìm người con nghèo khốn. Tìm được rồi nói rõ mọi việc. Người con nghèo khốn hỏi biết giá thuê, rồi đi liền đến lâu đài người cha mà quét dọn dơ bẩn với hai người kia.

Người cha thấy con như vậy thì vừa thương xót vừa quái lạ. Ngày khác, từ trong cửa sổ, ông xa thấy thân con gầy ốm tiều tụy, phân đất bụi bặmlàm bẩn cả người. Tức khắc ông cởi chuỗi ngọc, cởi áo mềm mịn thượng hạng và bao nhiêu đồ trang sức khác, thay vào, ông mặc chiếc áo thô rách cáu bẩn,lại làm cho bụi đất lấm lem cả người, rồi tay phải cầm dụng cụ quét dọn dơ bẩn, bộ dáng có vẻ ghê sợ đồ dơ, đến bảo những người làm thuê: các người hãy làm cho siêng, đừng nhác đừng nghỉ. Với cách phương tiện ấy ông mới gần được con ông. Sau đó lại bảo: chàng trai này, hãy làm luôn ở đây, đừng đi đâu nữa. Ta sẽ trả thêm tiền thuê cho anh. Cần gì về thau chậu, gạo bún, muối giấm, thì đừng có e ngại. Có người sai vặt vừa già vừa xấu kia, cần thì ta cấp cho. Anh hãy yên tâm. Ta như cha anh, anh đừng lo nghĩ gì cả. Ta đối xử như vậy là vì ta già cả mà anh trai trẻ, với lại anh làm việc thường không dối không nhác, không tức giận không oán than. Ta không thấy anh có những tính xấu ấy như các người làm thuê khác. Từ nay về sau anh như con trai của ta sinh ra. Trưởng giả tức thì đặt cho cái tên gọi là con. Người con nghèo khốn, dẫu mừng vì sự đãi ngộ ấy, vẫn tự xưng như cũ, rằng mình là người ngoài, người làm thuê hèn hạ. Do vậy mà trong hai mươi năm trời, vẫn chỉ được bảo quét dọn dơ bẩn. Qua thì gian này rồi lòng mới tin nhau, và người con nghèo khốn ra vào trong lâu đài một cách không e ngại gì nữa. Nhưng chỗ ở thì vẫn thích ở chỗ cũ.

Bạch đức Thế tôn, bấy giờ trưởng giả bị bịnh, tự biết gần mất, mới bảo người con nghèo khốn, ta có lắm vàng ngọc, kho tàng tràn đầy. Trong đó nhiều ít và đáng thu đáng chi thế nào, con phải biết cho rõ. Ý cha như vậy, con phải thể theo. Nay thì cha với con không khác gì cả. Con phải chú ý,đừng để thất thoát. Người con nghèo khốn, khi ấy, tức thì vâng lời, lãnh nhận và biết rõ mọi thứ, từ vàng ngọc cho đến kho tàng. Nhưng không có ý gì mong lấy cho đủ một bữa ăn, và chỗ ở vẫn ở chỗ cũ, tâm lý thấp kém cũng chưa bỏ được. Phải qua ít lâu nữa, cha biết con tâm trí đã thênh thang, chí lớn đã thành đạt, đã biết tự khinh bỉ tâm lý ngày trước của mình, nên lúc sắp chết, ông gọi con và triệu tập họ hàng, quốc vương, đại thần, sát lợi, cư sĩ. Mọi người tập hợp cả rồi, ông tự tuyên bố, rằng xin các vị biết cho, người này là con trai của tôi, do tôi sinh ra. Trước đây, tại đô thành cũ, con tôi đã bỏ tôi mà trốn chạy, lưu lạc khổ sở hơn năm mươi năm. Con tôi vốn tên như vậy, tôi tên như vậy. Ngày xưa, tại đô thành ấy tôi lo lắng tìm kiếm mà không được, ngày nay, tại đô thành này bỗng nhiên tôi gặp được con tôi. Nó thật con tôi, tôi thật cha nó. Ngày nay, hết thảy tài sản bảo vật của tôi đều là của con tôi, và trước đây thu chi thế nào, con tôi đã biết rõ cả. Bạch đức Thế tôn, khi người con nghèo khốn nghe lời ấy của người cha trưởng giả thì cùng cực vui mừng, được sự chưa từng có, nghĩ rằng mình vốn không có lòng nào mong cầu, vậy mà ngày nay kho báu tự đến.

Bạch đức Thế tôn, người cha, vị trưởng giả giàu có ấy là đức Thế tôn. Chúng con chỉ như con Phật, nhưng đức Thế tôn vẫn thường gọi chúng con là con Phật. Bạch đức Thế tôn, chúng con vì ba sự đau khổ (107) mà chịu bao nhiêu nóng rát phiền bực trong chốn sống chết, đời này vẫn ngu và lầm, không biết nhận thức gì hết nên ưa thích giáo pháp thấp nhỏ. Đức Thế tôn phải bảo chúng con vận dụng tư duy tu mà quét dọn cho sạch hý luận dơ bẩn đối với các pháp. Trong huấn dụ ấy, chúng con nỗ lực tinh tiến, đạt được niết bàn như cái giá một ngày làm thuê. Đạt được như vậy mà lòng chúng con rất mừng, tự cho đầy đủ, và tự bảo, ở trong giáo pháp của đức Thế tôn, chúng con nhờ nỗ lực tinh tiến mà đã nhận được rất nhiều. Nhưng đức Thế tôn biết tâm lý chúng con vốn đắm say dục lạc thô tệ, bị khổ vì thế mà thành ra ưa thích giáo pháp thấp nhỏ, nên tạm thời buông thả, bỏ đó mà chưa phán bảo rằng các người cũng có phần nhận được kho tàng tuệ giác của Như lai, mặc dầu đức Thế tôn đã khéo léo nói cho chúng con biết về kho tàng tuệ giác ấy. Chúng con, từ đức Thế tôn, nhận được niết bàn chỉ như cái giá làm thuê một ngày mà lại cho là đã được lớn lao, còn đối với cỗ xe vĩ đại thì chúng con không có chí nguyện gì mong cầu. Chúng con cũng dựa vào tuệ giác của đức Thế tôn mà diễn giảng tuệ giác ấy cho chư vị bồ tát (108) , nhưng tự mình thì không có chí mong ước. Như vậy là vì đức Thế tôn biết tâm lý chúng con ưa thích giáo pháp thấp nhỏ nên áp dụng phương tiện mà thuyết pháp theo tâm lý chúng con, và chúng con không hề biết mình là thật con Phật. Ngày nay chúng con mới biết đức Thế tôn không tiếc lẫn gì về tuệ giác của ngài; chỉ vì chúng con tuy xưa nay vẫn là thật con Phật mà lại ưa thích thấp nhỏ, nếu biết ưa thích vĩ đại thì ngài đã dạy cho giáo pháp vĩ đại. Ngày nay, qua kinh Pháp hoa này, đức Thế tôn tuyên bố chỉ có cỗ xe Phật đà duy nhất, như vậy ngày trước, trước mặt chư vị bồ tát, ngài chê thanh văn chúng con ưa thích giáo pháp thấp nhỏ là, sự thật, ngài chỉ muốn đem giáo pháp vĩ đại mà giáo hóa chúng con. Do vậy nên chúng con nói chúng con vốn không có tâm nguyện gì mong cầu mà ngày nay kho báu vĩ đại của đấng Pháp vương tự đến với chúng con: con Phật đáng nhận được gì thì chúng con đã nhận được cả.

Lúc ấy tôn giả Đại ca diếp muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Nay chúng con nghe
tiếng nói Thế tôn,
lòng mừng rộn rã
được chưa từng có.
(2) Đức Thế tôn nói
chư vị thanh văn
sẽ được làm Phật,
như vậy có nghĩa
đống ngọc tối thượng
của đức Thế tôn,
chúng con không cầu
mà tự nhận được.
(3) Như đứa bé trai
nhỏ dại ngu ngơ,
bỏ cha trốn đi
đến xứ xa lạ.
(4) Lang thang các xứ
hơn năm mươi năm.
Người cha lo nhớ
tìm kiếm khắp nơi.
(5) Tìm kiếm quá mệt
dừng một đô thành,
tạo lập lâu đài
vui với ngũ dục.
(6- 8)Ông rất giàu sang
có lắm bạc vàng
xa cừ mã não
chân châu lưu ly,
voi ngựa dê bò,
xe liễn xe dư
và xe thuyền khác;
có lắm ruộng đất
lắm người phục dịch
và nhiều môn lại.
Lợi tức thu chi
khắp cả các nước,
thương khách buôn bán
ở đâu cũng có.
Có vạn ức người
kính trọng hướng về.
Thường được vua chúa
quí mến quan tâm,
quan quyền thân hào
ai cũng tôn trọng.
Vì nhiều duyên cớ
đông người qua lại.
(9- 10) Giàu sang đến thế
thế lực lại lớn,
nhưng mà tuổi già
nên càng nhớ con,
ngày đêm lo nghĩ.
Rằng chết sắp đến,
con dại bỏ ta
hơn năm mươi năm,
kho tàng bảo vật
rồi làm sao đây.
(11) Người con nghèo khốn
vì kiếm cơm áo
từ xứ nhỏ này
đến xứ nhỏ khác,
từ xứ lớn khác
đến xứ lớn này.
(12) Chỗ thì cũng có,
chỗ không có gì,
đói khát gầy ốm
mình sinh ghẻ chốc.
(13) Lần hồi đi đến
nhằm ngay đô thành
của người cha ở,
làm thuê làm mướn
lại lần đến nhằm
lâu dài người cha.
(14) Trưởng giả lúc ấy
ngồi ở trong cửa,
chăng trướng báu lớn
ngồi ngai sư tử.
Tùy thuộc bao quanh
lắm kẻ phục dịch.
(15) Lại có những người
kế toán vàng ngọc,
thu chi tiền của,
ghi chép giấy tờ.
(16) Người nghèo thấy cha
sang cả tôn nghiêm
thì cho là vua
hoặc ngang với vua,
sợ và tự quái
đến chi chốn này!
(17) Lại nghĩ nếu ta
đứng mãi ở đây,
có thể bị ép
bắt buộc làm việc.
Nghĩ suy như thế
người nghèo bỏ chạy
để hỏi xóm nghèo
mà đến làm thuê.
(18) Trưởng giả lúc ấy
ngồi ngai sư tử,
xa thấy con mình
biết mà không nói,
sai ngay phái viên
đuổi bắt đem về.
(19) Người nghèo kêu hoảng
ngất xỉu xuống đất,
vì nghĩ người này
bắt mình chắc giết;
vị gì cơm áo
đến nhằm chỗ này (109) !
(20) Trưởng giả biết con
u mê hèn kém,
chắc chắn không tin
ta nói là cha.
(21) Ông liền phương tiện
đổi sai vài người
chột mắt, lùn xấu,
không chút oai phong,
rằng hãy tìm bảo
muốn thuê mướn nó,
(22) quét dọn dơ bẩn
giá trả gấp đôi.
(23) Người nghèo nghe nói
vui vẻ đi theo
đến dọn dơ bẩn
làm sạch phòng nhà.
(24) Nhìn qua cửa sổ
trưởng giả thường xuyên
quan sát con mình,
nghĩ rằng con mình
ngu muội thấp kém
thích làm việc hèn.
(25) Do đó trưởng giả
đổi mặc áo dơ
cầm đồ dọn bẩn
đi đến chỗ con,
phương tiện gần gũi
bảo hãy siêng làm.
(26) Ta thêm tiền công
cho dầu xoa chân
ăn uống đầy đủ
đệm chiếu dày ấm.
(27) Trưởng giả la mắng
anh làm cho siêng,
lại dịu dàng bảo
anh như con ta.
(28) Trưởng giả khéo léo,
lần hồi sai bảo
ra vào lâu đài.
Sau hai mươi năm,
bảo nắm mọi việc
trong lâu đài ấy.
(29) Ông chỉ cho biết
tất cả vàng ngọc,
tài sản thu chi
cũng cho biết cả.
(30) Được đãi như vậy
nhưng người nghèo khốn
vẫn ở ngoài cửa
nương náu chòi tranh,
tự nghĩ mình nghèo
đâu có của đó.
(31- 33) Thêm ít lâu nữa
trưởng giả biết con
tâm chí dần dần
đã lớn rộng ra.
Muốn giao tài sản,
ông họp họ hàng
quốc vương đại thần
sát lợi cư sĩ.
Trước những người ấy
ông nói người này
là con trai tôi,
bỏ tôi mà trốn
đi đến xứ khác
đến năm mươi năm.
Từ khi gặp lại
cho đến ngày nay
cũng đã trải qua
hai mươi năm nữa.
Xưa nơi thành ấy
mất người con này,
tôi tìm khắp nơi
mới đến ở đây.
(34) Ngày nay tất cả
tài sản tôi có,
kể cả lâu đài
và bao gia nhân
đều giao con tôi
mặc ý sử dụng.
(35) Người nghèo khi ấy
tự nghĩ xưa kia
mình quá nghèo khốn
tâm chí thấp hèn,
nay từ nơi cha
cả được vàng ngọc
được luôn lâu đài
được hết tài sản,
nên rất vui mừng
như chưa từng có.
*
(36) Thế tôn cũng vậy.
Biết rõ chúng con
chí thích thấp nhỏ,
nên ngài chưa hề
tuyên bố chúng con
cũng được làm Phật,
chỉ nói chúng con
đạt được một ít
thành quả thuần khiết
và thành những vị
đệ tử thanh văn
trong cỗ xe nhỏ (110) .
(37) Thế tôn sắc bảo
chúng con giảng nói
đường lối tối thượng,
đường lối mà ai
tu tập trọn vẹn
đều sẽ thành Phật.
(38) Vâng lời Thế tôn
chúng con cũng đã
vận dụng những thứ
yếu tố ví dụ
cùng bao lời chữ
mà giảng nói về
đường lối tối thượng
cho đại bồ tát.
(39) Những con Phật ấy
từ nơi chúng con
nghe đường lối này,
ngày đêm tư duy
nỗ lực tu tập,
bấy giờ Thế tôn
cùng với chư Phật
liền thọ ký cho,
rằng trong vị lai
sẽ được làm Phật.
(40) Do vậy chúng con
từng nghĩ lầm rằng
kho tàng bí yếu
của Phật thế tôn
chỉ có bồ tát
mới được nói cho,
chúng con không được
nói cho pháp ấy.
Ngày nay chúng con
tự biết in như
kẻ nghèo khốn kia
dầu được gần cha
và biết bảo vật
mà không mong lấy;
(41) chúng con giảng nói
kho báu chánh pháp
của Phật thế tôn,
mà tự chúng con
không chí muốn có
hì cũng như vậy.
(42) Chúng con mới được
niết bàn nội tại
mà lại tự cho
đã là đầy đủ,
chỉ biết sự ấy
không biết gì hơn.
Chúng con nếu được
nghe nói những việc
làm sạch thế giới
làm nên chúng sinh
thì không cảm thấy
thích thú chút nào.
(43) Tại sao như vậy,
bởi vì toàn thể
các pháp đều không:
không sinh không diệt
không lớn không nhỏ
đã không phiền não
cũng không khử trừ,
tư duy như vậy
cho nên chúng con
không còn thích gì.
(44) Với tuệ giác Phật
chúng con trường kỳ
không ham không mê
không chí ưa thích,
trong khi đối với
niết bàn của mình
thì lại tự cho
đã là cứu cánh.
(45) Chúng con trường kỳ
tu tập về Không,
thoát được cái họa
khổ não ba cõi,
làm cho thân này
thành thân cuối cùng,
và thực hiện được
niết bàn chưa toàn (111) ;
thế là đối với
giáo huấn Thế tôn
chúng con tự cho
đã thực hiện được
một cách chắc chắn,
và cho thế là
đã báo đáp được
hồng ân Thế tôn.
(46) Cho dẫu chúng con
nói pháp bồ tát
cho các con Phật
để họ cầu được
tuệ giác Phật đà,
nhưng chính chúng con
đối với pháp ấy
không thích bao giờ.
(47) Đức Đại đạo sư
bỏ qua chúng con
chính vì xét thấy
tâm lý như vậy.
Và chưa bao giờ
ngài khuyên chúng con
tinh tiến bước tới,
bằng cách nói rõ
bước tới thì có
ích lợi chân thật.
(48) Như trưởng giả giàu
biết con chí kém
nên dùng phương tiện
khắc phục lòng con,
rồi sau mới giao
tất cả tài sản.
(49) Thế tôn cũng vậy,
làm việc hiếm có:
biết rằng chúng con
chí thích thấp nhỏ
nên đức Thế tôn
dùng phương tiện lực
trước hết thuần hóa
tâm trí chúng con,
sau đó mới dạy
tuệ giác vĩ đại.
*
(50) Ngày nay chúng con
được chưa từng được,
vốn không hy vọng
nay tự được cả,
như người nghèo khốn
được bao của báu.
(51) Bạch đức Thế tôn,
ngày nay chúng con
mới được tuệ giác
và được thành quả:
được mắt trong suốt
thấy pháp thuần khiết.
Chúng con trường kỳ
nghiêm trì tịnh giới,
ngày nay bắt đầu
nhận được thành quả.
(52) Ở trong giáo pháp
của đức Pháp vương,
chúng con lâu ngày
thực hành phạn hạnh,
ngày nay nhận được
thành quả vĩ đại
đã rất thuần khiết
lại không gì hơn.
(53) Chúng con ngày nay
mới thật Thanh văn:
đem cái tiếng nói
của tuệ giác Phật
mà phát lộ ra
cho mọi người nghe.
(54) Chúng con ngày nay
cũng thật La hán:
khắp trong thế gian
bao gồm tất cả
chư thiên nhân loại
ma vương phạn thiên,
chúng con ứng thọ
cho họ hiến cúng.
(55) Hồng ân Thế tôn
thật là cao cả:
ngài đã vận dụng
mọi cách hiếm có
thương xót giáo hóa
ích lợi chúng con.
Nên dẫu trải qua
vô số thời kỳ,
ai mà trả được
hồng ân như vậy.
(56) Tay chân phục dịch
đầu đỉnh lễ kính,
cúng hiến tất cả
cũng không trả được.
Đội bằng đỉnh đầu
vác với hai vai,
hằng sa thời kỳ
tôn kính hết lòng;
(57- 58) lại hiến cỗ bàn
cực kỳ myՠvị,
hay dâng vải quí
nhiều đến vô lượng,
đồ nằm thuốc thang
cúng hiến đủ cả;
đem gỗ đàn hương
và những vàng ngọc
mà dựng bảo tháp
và cất tự viện,
rồi dùng vải quí
mà trải mặt đất;
với những cách ấy
hiến cúng Thế tôn
hằng sa thời kỳ
cũng không trả được.
(59) Thế tôn là bậc
cực kỳ hiếm có,
lại có đủ cả
vô lượng vô biên
đại thần thông lực
ngoài tầm nghĩ bàn;
ngài không sai sót
lại không xao động,
làm một vị vua
thống lãnh các pháp,
vậy mà có thể
vì kẻ thấp kém,
ngài nhẫn chịu được
mọi sự thấp kém.
(60) Đối với bao kẻ
phàm phu cố chấp,
ngài vẫn tùy nghi
mà thuyết pháp cho,
bởi vì đối với
tất cả các pháp
Thế tôn đã được
sự rất tự tại.
(61) Thế tôn biết hết
thị hiếu, sở thích,
chí hướng, năng lực
của các chúng sinh,
tùy sức của họ
kham nhiệm được gì
thì dùng vô lượng
những sự ví dụ
mà thuyết cho họ
giáo pháp phong phú.
(62) Lại tùy căn lành
mà chúng sinh có
từ các đời trước,
và biết rất rõ
ai đã thuần hóa
ai chưa thuần hóa;
xét đủ mọi mặt
biết rành tất cả,
rồi chính ở nơi
cỗ xe duy nhất,
Thế tôn tùy nghi
nói ba cỗ xe.

 

Phẩm 5: Cỏ Thuốc [^]

Khi ấy đức Thế tôn bảo tôn giả Đại ca diếp, và các vị đại đệ tử của ngài, rằng tốt lắm Đại ca diếp, tôn giả đã nói rất khéo về công đức thật của Như lai. Thật đúng như lời tôn giả đã nói. Đại ca diếp, Như lai còn có vô lượng vô biên vô số công đức mà các vị nói đến vô số vạn ức thời kỳ cũng không thể hết được.

Đại ca diếp, tôn giả nên biết, Như lai là vua của các pháp, nói ra điều nào cũng không trống rỗng. Đối với các pháp, Như lai đem phương tiện của tuệ giác Như lai mà tuyên thuyết, và pháp được tuyên thuyết toàn là để đạt đến địa vị Tuệ giác hoàn toàn. Như lai xét biết ý nghĩa của các pháp, biết đạo hạnh của chúng sinh, biết một cách thông suốt, vô ngại, và bằng sự xét biết tường tận như vậy mà Như lai khai thị cho chúng sinh về tuệ giác hoàn toàn.

Đại ca diếp, ví như toàn cõi đại thiên thế giới, núi đồi hang rãnh và ruộng đất mọc lên cây cỏ và cỏ thuốc, với bao nhiêu là chủng loại mà tên gọi và màu sắc không giống với nhau. Nhưng mây dày nổi lên và dăng bủa khắp cả đại thiên thế giới ấy, mưa xuống một cách đồng thời và đồng đều, thì nước mưa thấm khắp tất cả. Tất cả cây cỏ và cỏ thuốc, rễ nhỏ thân nhỏ nhánh nhỏ lá nhỏ, rễ vừa thân vừa nhánh vừa lá vừa, rễ lớn thân lớn nhánh lớn lá lớn, các cây thì tùy chủng loại lớn nhỏ và cỏ thuốc thì tùy tính chất tốt vừa kém mà hấp thụ đủ cả. Một loại mây đổ mưa xuống, xứng hết với các mầm, nên thứ nào cũng được sinh ra, lớn lên, trổ hoa, ra trái và kết hạt. Cùng một đất mọc lên, một mưa thấm xuống, nhưng các cây cỏ và cỏ thuốc vẫn có khác nhau.

Đại ca diếp, Như lai cũng vậy. Như lai xuất hiện thế gian in như mây lớn nổi lên. Rồi in như mây lớn bủa khắp đại thiên thế giới, Như lai xuất ra âm thanh rất lớn, vang khắp thế giới chúng sinh, trong đó có chư thiên, nhân loại và tu la, phổ cáo tất cả các chúng, rằng Như lai là bậc Đến như chư Phật, bậc Thích ứng hiến cúng, bậc Biết đúng và khắp, bậc Hoàn hảo sự sáng, bậc Khéo qua niết bàn, bậc Lý giải vũ trụ, bậc Không ai trên nữa, bậc Thuần hóa mọi người, bậc Thầy cả trời người, bậc Tuệ giác hoàn toàn: bậc Tôn cao nhất đời. Ai chưa vượt đến bờ bến Như lai làm cho vượt đến, ai chưa cởi mở ràng buộc Như lai làm cho cởi mở, ai chưa yên ổn Như lai làm cho yên ổn, ai chưa niết bàn Như lai làm cho niết bàn. Đời này đời sau, Như lai biết đúng như sự thật. Như lai là người biết tất cả, người thấy tất cả, người biết đường, người mở đường, người chỉ đường. Tất cả các chúng hãy nên đến Như lai, đến để nghe pháp. Bấy giờ vô số vạn ức chủng loại chúng sinh đều đến chỗ Như lai mà nghe pháp. Như lai lúc ấy xét chúng sinh này các căn lanh chậm thế nào, siêng nhác ra sao, rồi tùy năng lực của họ mà thuyết pháp đủ cách, làm cho ai cũng hoan hỷ, thích thú vì được lợi lành. Họ nghe pháp rồi thì đời này yên vui, đời sau sinh chỗ hiền lành, đem đạo lý mà hưởng thụ hạnh phúc, và được nghe pháp thêm nữa. Nghe rồi thoát được mọi sự trở ngại, đối với pháp được nghe thì năng lực làm được, nên dần dần vào được tuệ giác Như lai. Sự thể ví như mây lớn đổ mưa xuống tất cả cây cỏ và cỏ thuốc, xứng với các mầm nên thứ nào cũng thấm nhuần mà sinh trưởng được cả. Như lai thuyết pháp cũng vậy. Pháp ấy chỉ có màu sắc và mùi vị đồng nhất, là màu sắc mùi vị giải thoát, tách rời và hủy diệt dục vọng, cứu cánh đạt đến tuệ giác Biết tất cả. Lại nữa, sự thể cũng như cây cỏ và cỏ thuốc không thứ nào tự biết chủng loại lớn nhỏ và tính chất tốt vừa kém (112) , chúng sinh nào nghe pháp của Như lai mà ghi nhớ, đọc tụng và thực hành như lời được nghe, thì thành quả họ đạt được họ không thể tự biết. Chỉ có Như lai thấy biết chủng loại và tính chất của những chúng sinh ấy nhớ việc gì nghĩ việc gì tu việc gì, nhớ thế nào nghĩ thế nào tu thế nào, đem pháp gì mà nhớ đem pháp gì mà nghĩ đem pháp gì mà tu, bằng pháp nào thì được pháp nào và ở vị trí nào, chỉ có Như lai thấy biết đúng như sự thật, thấy biết thấu suốt, vô ngại.

Như lai biết về pháp có màu sắc mùi vị đồng nhất là màu sắc mùi vị giải thoát, tách rời và hủy diệt dục vọng, cứu cánh niết bàn theo như bản thể thường tự vắng lặng, kết cục qui về nơi Không. Biết về pháp ấy rồi, Như lai quán sát tâm tính và thị hiếu của chúng sinh mà tế nhị nâng đỡ cho họ, nên không đột ngột nói ngay cho họ về tuệ giác Biết tất cả. Đại ca diếp, chư vị thật hiếm có, biết được Như lai tùy nghi thuyết pháp, tin được nhận được. Như lai tán dương như vậy, vì sự tùy nghi thuyết pháp của chư Phật như lai thì khó hiểu khó biết.

Khi ấy đức Thế tôn muốn lặp lại ý nghĩa đã nói, nên nói những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Là vị Pháp vương
phá hủy ba cõi,
Như lai xuất hiện
trong thế gian này,
tùy theo thị hiếu
của các chúng sinh
mà thuyết pháp cho
bằng đủ mọi cách.
(2) Như lai cao trọng,
tuệ giác sâu xa,
từ lâu yên lặng
không ham vội vã
nói về cái pháp
bí yếu như vầy.
(3) Vì người có trí
nghe thì tin hiểu,
không trí đột nhiên
nghe thì ngờ vực,
và như thế thì
lầm lạc lâu dài.
(4) Vì vậy Ca diếp,
Như lai tùy theo
năng lực chúng sinh
mới nói cho họ,
bằng cách vận dụng
mọi thứ yếu tố,
làm họ đạt được
thấy biết của Phật.
(5) Ca diếp nên biết
ví như mây lớn
nổi trong không gian,
bủa khắp tất cả.
(6) Mây tuệ giác ấy
chứa nước thấm mát,
điện chớp sáng lóa
sấm nổ vang xa,
làm cho vạn vật
thức tỉnh vui đẹp.
(7) Mặt trời bị khuất
mặt đất mát mẻ,
mây bủa thấp xuống
như với nắm được,
và mưa đồng đều
khắp nơi cùng đổ.
(8- 11) Trút nước vô số
mặt đất thấm cả.
Núi đồi hang rãnh
sâu mấy mà có
cây cỏ, cỏ thuốc,
các cây lớn nhỏ,
các giống lúa má,
và mía với nho,
trận mưa thấm cho
đầy đủ hết thảy.
Đất khô thấm đều,
thuốc, cây cùng tốt.
(12) Mây lớn đổ xuống
nước mưa một vị,
các loại cỏ cây
tùy phần thấm nhuần.
(13) Tất cả cỏ cây
tốt vừa kém gì
cũng xứng lớn nhỏ
mà được sinh trưởng.
(14) Rễ thân nhánh lá
hoa trái màu sắc,
một mưa khắp hết
nên tươi tốt cả.
(15) Đúng như tính chất
tốt vừa và kém,
xứng với chủng loại
lớn cũng như nhỏ,
thấm nhuần là một
cùng tốt tươi riêng.
*
(16) Như lai cũng vậy,
xuất hiện thế gian
là như mây lớn
bủa khắp hết thảy.
Sau khi xuất hiện
Như lai tuyên thuyết
chân lý các pháp
cho bao chúng sinh.
(17) Như lai đại giác
tuyên cáo các chúng
chư thiên nhân loại
mà nói như vầy:
Ta là Như lai
phước tuệ cao cả,
xuất hiện thế gian
in như mây lớn.
(18) Ta mưa thấm hết
chúng sinh khô cằn,
làm cho hết khổ
được vui yên ổn
là vui thế gian
và vui niết bàn.
(19) Chư thiên, nhân loại,
hãy nghe Như lai!
hãy nên đến đây
ngắm đức Vô thượng!
Như lai là đấng
tôn cao nhất đời,
tất cả thế gian
không ai sánh bằng,
muốn làm chúng sinh
được yên vui cả
cho nên xuất hiện
trong thế giới này.
(20) Chính vì vô số
các loại chúng sinh,
Như lai tuyên thuyết
về pháp cam lộ
tinh khiết trong suốt,
chỉ một mùi vị
ấy là mùi vị
giải thoát niết bàn.
(21) Chỉ dùng âm thanh
nhiệm mầu duy nhất,
Như lai diễn đạt
về pháp như vậy,
thường tạo yếu tố
bước tới đại thừa.
Nhìn khắp chúng sinh
coi rất bình đẳng,
cho nên Như lai
không có tâm lý
phân chia riêng rẽ
người này kẻ kia,
kẻ đáng thương mến
người nên ghét bỏ.
(22) Như lai cũng không
có ý tham lam
hay hạn chế gì,
chỉ thường thuyết pháp
cho các chúng sinh
một cách bình đẳng,
như vì một người
thuyết pháp thế nào
thì vì nhiều người
thuyết pháp cũng vậy.
(23) Cho nên Như lai
thường xuyên thuyết pháp,
bận rộn độc nhất
với sự vụ ấy.
Dầu khi đi lại
hay lúc đứng ngồi,
Như lai thuyết pháp
không hề chán mệt.
(24) Tựa như nước mưa
thấm nhuần khắp cả,
Như lai sung mãn
niềm vui cho đời,
bất kể sang hèn,
cao thượng thấp kém,
giữ hay không giữ
giới luật trong suốt.
(25- 26) Uy nghi hoàn hảo
hay không hoàn hảo,
kiến thức chính xác
hay là sai lầm,
các căn lanh lợi
hay là chậm chạp,
đối với tất cả
những người như vậy,
Như lai đồng đều
mưa xuống mưa pháp
mà không bao giờ
biếng nhác mỏi mệt.
(27- 28) Hết thảy chúng sinh
nghe pháp Như lai
đều theo sức mình
mà tiếp nhận được,
và được ở vào
những vị trí này:
Ở trong trời người
được ngôi Luân vương,
Phạn vương, Đế thích,
là cỏ thuốc kém.
(29- 30) Thấu pháp thuần khiết
được sự niết bàn,
được sáu thần thông
và ba minh trí,
nghĩa là những vị
được tuệ Thanh văn;
riêng ở núi rừng
thường hành thiền định
được tuệ Duyên giác,
là cỏ thuốc vừa.
(31) Cầu chỗ Như lai,
biết sẽ làm Phật,
tinh tiến kiên định,
là cỏ thuốc tốt.
(32) Những người con Phật
chuyên tâm hạnh Phật,
thường hành từ bi
tự biết làm Phật,
quyết định, không nghi,
đó là cây nhỏ.
(33) Vận dụng năng lực
thần thông quảng đại,
chuyển đẩy bánh xe
không còn thoái chuyển,
cứu độ vô số
ức ngàn chúng sinh,
Bồ tát như vậy
gọi là cây lớn.
(34) Như lai thuyết pháp
một cách bình đẳng
y như nước mưa
chỉ một mùi vị,
chúng sinh tùy tính
tiếp nhận không đồng
in như cây cỏ
hấp thụ khác cả.
(35) Như lai giả thiết
ví dụ như vầy
là để phương tiện
khai thị cho biết:
bao nhiêu lời chữ
đều để tuyên thuyết
về pháp đồng nhất,
và với trí Phật
chỉ như giọt nước
xuất từ biển cả.
(36) Như lai mưa xuống
nước mưa chánh pháp
tràn đầy cho cả
chúng sinh thế gian.
Đối với chánh pháp
một mùi vị ấy,
họ tùy sức họ
mà tu hành theo.
(37) Sự thể in như
các thứ cỏ thuốc
cùng các thứ cây
tùy loại lớn nhỏ,
nhưng cùng thấm nhuần
nước mưa một vị
và cùng lớn dần
hoa quả tốt tươi.
(38) Chánh pháp Như lai
thường đem một vị
làm cho chúng sinh
tiếp nhận đủ hết,
và tu tập dần
mà được đạo quả:
(39) Thanh văn, Duyên giác
ở chốn núi rừng,
bằng thân cuối cùng
nghe pháp được đạo,
đó là cỏ thuốc
cùng được lớn lên.
(40) Còn chư Bồ tát
trí tuệ vững chắc,
thấu triệt ba cõi,
cầu xe tối thượng,
đó là cây nhỏ
cùng được lớn lên.
(41) Lại có Bồ tát
ở trong thiền định
được sức thần thông,
nghe đạo lý Không
của tất cả pháp
lòng rất hoan hỷ,
phóng ra vô số
ánh sáng mầu nhiệm,
hóa độ vô số
các loại chúng sinh,
đó là cây lớn
cùng được lớn lên.
(42) Như vậy Ca diếp,
Như lai thuyết pháp
in như mây lớn
đổ mưa một vị
thấm khắp hoa người
kết trái hạt cả.
(43) Ca diếp nên biết,
đem các yếu tố
và mọi ví dụ
để mà chỉ dạy
tuệ giác Phật đà
cho cả chúng sinh,
đó là phương tiện
của Như lai đây
và của tất cả
chư vị Phật đà.
(44) Như lai nay nói
sự rất thật này:
chư vị thanh văn
chưa thật niết bàn;
tất cả chư vị
toàn là đi theo
đường đi bồ tát,
cho nên chư vị
tu học dần dần
sẽ thành Phật đà (113) .

 

Phẩm 6: Thọ Ký [^]

Nói những lời chỉnh cú trên đây rồi, đức Thế tôn tuyên cáo với toàn thể đại hội các chúng: Đại đệ tử của Như lai là tôn giả Đại ca diếp đây, trong thì vị lai, sẽ được phụng hầu ba trăm vạn ức chư Phật như lai, hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương, tuyên thuyết rộng rãi vô số chánh pháp vĩ đại của các ngài, rồi thân cuối cùng thành đức Phật đà danh hiệu Quang minh như lai, đủ mười đức hiệu. Quốc độ tên Quang đức, thời kỳ tên Đại trang nghiêm. Quang minh như lai sống lâu mười hai thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp nguyên chất tồn tại thế gian hai mươi thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp tương tự cũng tồn tại hai mươi thời kỳ bậc nhỏ. Quốc độ huy hoàng, không có những thứ dơ và xấu như ngói sỏi gai góc và đại tiểu tiện lợi. Quốc độ ấy lại bằng thẳng, không có cao thấp, hầm hố gò đống. Đất bằng lưu ly, cây ngọc thành hàng, dây hoàng kim phân chia lề đường. Rải các hoa quí, đâu cũng sạch sẽ. Trong quốc độ ấy chúng bồ tát vô số ngàn ức, chúng thanh văn cũng vô lượng như vậy. Không có việc ma ; vua ma và dân ma tuy có, nhưng toàn là những kẻ hộ trì Phật pháp. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa đã nói bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(1) Này chư tỷ kheo,
Như lai sử dụng
con mắt Phật đà
nhìn thấy tôn giả
Đại ca diếp đây
trong thì vị lai
vô số thời kỳ
sẽ thành Phật đà.
(2) Vị lai tôn giả
phụng hầu hiến cúng
ba trăm vạn ức
chư Phật như lai,
vì tuệ giác Phật
mà tu phạn hạnh.
(3) Sau khi hiến cúng
chư Phật như lai
phước tuệ tối thượng,
và tu tập về
tuệ giác tối thượng
biết khắp tất cả,
thì thân cuối cùng
được thành đức Phật.
(4- 6) Quốc độ sạch sẽ,
lưu ly làm đất.
Có lắm cây ngọc
hàng lối bên đường.
Dây vàng chia đường
ai thấy cũng thích.
Cây phát hương thơm,
rải xuống hoa quí
đủ loại đẹp lạ,
sử dụng trang hoàng.
Đất ấy bằng thẳng,
không có hố đồi.
(7) Chúng chư bồ tát
thì hết tính toán,
tâm trí thuần hóa
được đại thần lực,
kính giữ kinh pháp
đại thừa của Phật.
(8) Chúng chư thanh văn
toàn thân cuối cùng,
không còn phiền não,
làm con Pháp vương,
số lượng các ngài
cũng khó tính toán,
dùng mắt chư thiên
đếm cũng không nổi.
(9) Quang minh như lai
sống lâu mười hai
thời kỳ bậc nhỏ,
giáo pháp nguyên chất
tồn tại hai mươi
thời kỳ bậc nhỏ,
giáo pháp tương tự
tồn tại cũng vậy.
Quang minh như lai
việc ngài như thế.

Bấy giờ tôn giả Mục kiền liên, tôn giả Tu bồ đề và tôn giả Ca chiên diên, đều chấn động cả người, chuyên chú mà chắp tay chiêm ngưỡng đức Thế tôn, mắt không rời ngài một thoáng, và đồng thanh thưa ngài bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(10) Bạch đức Thế tôn
bậc đại hùng lực!
thưa đấng Pháp vương
dòng họ Thích ca!
xin ngài thương xót
hết thảy chúng con,
ban cho chúng con
tiếng nói của Phật.
(11) Thế tôn nếu biết
thâm tâm chúng con,
trao cho chúng con
lời ghi làm Phật,
thì như rưới nước
cam lộ mát ngọt
làm cho chúng con
hết nóng được mát.
(12) Y như những kẻ
đến từ nước đói,
bỗng gặp cỗ bàn
của đức vua lớn,
nhưng còn nghi sợ
chưa dám dùng liền,
nếu được vua bảo
mới dám ăn dùng.
(13) Chúng con cũng vậy,
thường nghĩ nhược điểm
của pháp thấp nhỏ,
không biết làm sao
sẽ được tuệ giác
vô thượng của Phật.
(14) Dẫu chúng con nghe
Thế tôn đã nói
chúng con rồi ra
sẽ làm Phật cả,
nhưng còn lo sợ
chưa dám dùng ngay.
(15) Nếu được đội ơn
Thế tôn thọ ký,
chúng con mới được
yên vui hoàn toàn.
(16) Bạch đức Thế tôn,
đấng đại hùng lực
thường muốn yên vui
cho cả thế giới!
xin ngài ban cho
lời ghi làm Phật,
như kẻ đang đói
cần bảo dùng đi!

Đức Thế tôn biết lòng mong ước của các vị đại đệ tử, nên bảo chư vị tỷ kheo, vị tôn giả Tu bồ đề này trong thì vị lai, phụng hầu ba trăm vạn ức trăm triệu (114) chư Phật như lai, hiến cúng cung kính tôn trọng tán dương, thường tu phạn hạnh, đi trọn đường đi bồ tát, và thân cuối cùng được thành Phật đà, danh hiệu là Danh tướng như lai, đủ mười đức hiệu. Thời kỳ của ngài tên là Hữu bảo, quốc độ của ngài tên là Bảo sinh. Quốc độ ấy bằng thẳng, đất là pha lê, cây ngọc tráng lệ, không có núi đồi, hầm hố, cát sỏi, gai góc, tiện lợi dơ bẩn. Hoa quí phủ đất, đâu cũng sạch sẽ. Người quốc độ ấy đều ở đài ngọc và lầu ngọc. Đệ tử của đức Danh tướng như lai thuộc chúng thanh văn thì vô lượng vô biên, toán số ví dụ không thể xác định; thuộc chúng bồ tát thì vô số ngàn vạn ức trăm triệu. Danh tướng như lai sống lâu mười hai thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp nguyên chất tồn tại thế gian hai mươi thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp tương tự cũng tồn tại hai mươi thời kỳ bậc nhỏ. Danh tướng như lai thường đứng trong không gian mà thuyết pháp cho các chúng, hóa độ vô lượng bồ tát và thanh văn. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa đã nói bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(17) Này chư tỷ kheo,
nay bảo chư vị
hãy cùng nhất tâm
nghe Như lai nói.
Vị đại đệ tử
Tu bồ đề này
sẽ thành Phật đà
hiệu là Danh tướng.
(18) Sau khi hiến cúng
vô số chư Phật,
đi theo đường hướng
chư Phật đã đi,
dần dần hoàn chỉnh
tuệ giác vĩ đại;
(19) thì thân cuối cùng
đủ bâm hai tướng,
trang nghiêm tráng lệ
tựa như núi ngọc.
(20) Quốc độ của đức
Danh tướng như lai
đẹp sạch bậc nhất
ai thấy cũng thích.
Ngài ở trong không
của quốc độ ấy
thuyết pháp hóa độ
vô lượng các chúng.
(21) Trong giáo pháp ngài
có nhiều bồ tát,
toàn là những bậc
các căn lanh lợi,
chuyển đẩy bánh xe
không còn lui lại.
Quốc độ của ngài
thường lấy các vị
bồ tát như vậy
làm sự trang hoàng.
(22) Chúng chư thanh văn
không thể tính toán,
được ba minh trí
và sáu thần thông,
đặt mình vững vàng
trong tám giải thoát,
vị nào cũng có
uy đức rất lớn.
(23) Danh tướng như lai
thuyết pháp thì hiện
vô lượng thần biến
siêu việt nghĩ bàn,
chư thiên nhân loại
nhiều bằng hằng sa
đều chắp tay lại
nghe nhận lời ngài.
(24) Ngài sống mười hai
thời kỳ bậc nhỏ,
giáo pháp nguyên chất
tồn tại hai mươi
thời kỳ bậc nhỏ,
giáo pháp tương tự
cũng được tồn tại
với thì gian ấy.

Đức Thế tôn lại bảo chư vị tỷ kheo, Như lai bây giờ lại tuyên cáo với chư vị, vị tôn giả Ca chiên diên này, trong thì vị lai, đem những cúng phẩm mà hiến cúng phụng sự tám ngàn ức chư Phật như lai, cung kính tôn trọng. Sau khi các ngài nhập diệt, đối với ngài nào tôn giả Ca chiên diên cũng xây dựng bảo tháp cao một ngàn do tuần, và chu vi năm trăm do tuần, toàn đem bạc, vàng, lưu ly, xa cừ, mã não, chân châu và mai khôi, bảy chất liệu quí báu như vậy hợp lại tạo thành. Lại hiến cúng các bảo tháp ấy bằng các loại hoa, vòng hoa, các hương liệu, lọng dù và tràng phan (115) . Sau đó tôn giả Ca chiên diên còn hiến cúng hai vạn ức chư Phật như lai nữa, cũng với sự hiến cúng như trên. Hiến cúng chư Phật như lai, đi trọn đường đi bồ tát rồi, tôn giả Ca chiên diên sẽ thành đức Phật đà với danh hiệu là Diêm phù na đề kim quang như lai, đủ mười đức hiệu. Quốc độ của ngài bằng thẳng và đất là pha lê, cây ngọc tráng lệ, dây hoàng kim phân chia lề đường, hoa đẹp phủ đất, khắp nơi sạch sẽ, ai nhìn cũng thích. Không có bốn đường dữ là địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh và tu la, mà lại có nhiều chư thiên và nhân loại. Còn thanh văn chúng và bồ tát chúng thì vô số vạn ức, trang hoàng cho quốc độ ấy. Diêm phù na đề kim quang như lai sống lâu mười hai thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp nguyên chất tồn tại thế gian hai mươi thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp tương tự cũng tồn tại hai mươi thời kỳ bậc nhỏ. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa đã nói bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(25) Chư vị tỷ kheo,
nhất tâm mà nghe!
Như lai lại nói
lời không sai lầm.
(26) Đại ca chiên diên
sẽ đem bao nhiêu
cúng phẩm tốt đẹp
hiến cúng chư Phật.
Chư Phật nhập diệt,
dựng tháp bảy báu
và đem hoa hương
hiến cúng xá lợi.
(27- 28) Nên thân cuối cùng
được tuệ giác Phật,
trở thành một đấng
Biết đúng và khắp,
với một quốc độ
cực kỳ sạch sẽ,
hóa độ vô số
vạn ức chúng sinh,
lại được mười phương
ai cũng hiến cúng.
Ánh sáng của ngài
không ai hơn được
nên được danh hiệu
Diêm phù kim quang.
(29) Bồ tát thanh văn
đã cắt buộc ràng
vào cõi sống chết
thì nhiều vô số,
làm cho trang nghiêm
quốc độ của ngài.

Đức Thế tôn lại bảo đại hội các chúng, bây giờ Như lai lại tuyên cáo với chư vị, vị tôn giả Mục kiền liên này, trong thì vị lai, đem những cúng phẩm mà hiến cúng tám ngàn chư Phật như lai, cung kính, tôn trọng. Sau khi các ngài nhập diệt, đối với ngài nào tôn giả Mục kiền liên cũng xây dựng bảo tháp cao đến một ngàn do tuần và chu vi rộng đến năm trăm do tuần, toàn đem bảy chất liệu quí báu hợp lại tạo thành. Lại đem các loại hoa, vòng hoa, các hương liệu, lọng dù và tràng phan mà hiến cúng bảo tháp ấy. Sau đó tôn giả hiến cúng hai trăm vạn ức chư Phật như lai nữa, cũng với sự hiến cúng như trên, rồi thành đức Phật đà với danh hiệu Đa ma la bạt chiên đàn hương như lai, đủ mười đức hiệu. Thời kỳ của ngài tên là Hỷ mãn, quốc độ của ngài tên là Ý lạc. Quốc độ ấy bằng thẳng và đất là pha lê, cây ngọc tráng lệ, rải hoa ngọc chân châu, đâu cũng sạch sẽ, ai thấy cũng thích. Rất nhiều chư thiên và nhân loại. Bồ tát và thanh văn thì vô lượng vô số. Đa ma la bạt chiên đàn hương như lai sống lâu hai mươi bốn thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp nguyên chất tồn tại thế gian bốn mươi thời kỳ bậc nhỏ, giáo pháp tương tự cũng tồn tại bốn mươi thời kỳ bậc nhỏ. Đức Thế tôn lặp lại ý nghĩa đã nói bằng những lời chỉnh cú sau đây.

(30) Đệ tử Như lai
Đại mục kiền liên
bỏ thân này rồi
được gặp tám ngàn
hai trăm vạn ức
chư Phật như lai.
(31) Để được thực hiện
tuệ giác Phật đà,
tôn giả tôn kính
hiến cúng các ngài,
nơi chỗ các ngài
thường tu phạn hạnh.
(32- 33) Vô lượng thời kỳ
tôn giả kính giữ
tất cả giáo pháp
của chư Phật ấy.
Và khi các ngài
nhập niết bàn rồi
tôn giả xây dựng
những tháp bảy báu,
lại dựng trụ vàng
tiêu biểu lâu dài (116) ,
rồi đem hoa hương
và tấu nhạc khí
cung kính hiến cúng
những tháp Phật ấy.
(34) Dần dần hoàn bị
đường đi bồ tát,
tại cõi Ý lạc
thành Phật với hiệu
Đa ma la bạt
đàn hương như lai.
(35) Đức Như lai ấy
sống lâu hâm bốn
thời kỳ bậc nhỏ,
thường xuyên tuyên thuyết
giáo pháp Phật đà
cho cả trời người.
(36) Đệ tử thanh văn
vô số vô lượng
nhiều bằng hằng sa,
đủ ba minh trí
và sáu thần thông
uy đức rất lớn.
(37) Đệ tử bồ tát
vô lượng vô biên,
trí nhớ cứng chắc
tinh tiến thường trực,
đối với trí Phật
không ai thoái chuyển.
(38) Phật nhập diệt rồi
giáo pháp nguyên chất
tồn tại bốn chục
thời kỳ bậc nhỏ,
giáo pháp tương tự
tồn tại cũng vậy.

*

Đệ tử Như lai uy đức toàn vẹn số có năm trăm, sẽ được thọ ký trong thì vị lai đều thành Phật đà. Và sự tương quan từ thời xa xưa, liên hệ Như lai cùng với chư vị, Như lai sắp nói, chư vị khéo nghe!


Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ 3-5-2000


Phần | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |

 


Cập nhật: 3-6-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang