Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT KINH
Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán 
Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch Từ Hán Sang Việt
Từ Ân Thiền Ðường Santa Ana, Hoa Kỳ Xuất Bản 1991

Phẩm Chúc Lụy

Thứ 14

Bấy giờ, Phật bảo Di Lặc Bồ Tát rằng:

-Di Lặc! Nay ta đem pháp Vô Thượng Bồ Ðề đã tích tụ từ vô lượng a tăng kỳ kiếp phó chúc ngươi. Sau khi Phật diệt độ, trong thời mạt pháp, các ngươi nên dùng thần lực phổ biến giảng giải những kinh này khắp cõi Ta Bà, chớ cho đoạn dứt. Tại sao? Trong đời vị lai, sẽ có thiện nam tử, thiện nữ nhơn, với thiên long bát bộ, quỷ thần, la sát v.v... phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề, ưa pháp Ðại Thừa. Giả sử không được nghe những kinh này thì sẽ mất thiện lợi. Họ được nghe những kinh như thế, ắt phải phát tâm hy hữu, hoan hỷ tín thọ. Ngươi nên tùy sự nhu cầu đắc lợi của chúng sanh mà ứng cơ rộng thuyết.

Di Lặc nên biết căn cơ Bồ tát có hai tướng:

1) Bồ Tát sơ học, ham tìm hiểu văn chương, nghĩa cú.

2) Bồ Tát đã tu lâu; có đạo hạnh; đối với những kinh điển thâm sâu vô nhiễm, vô trước đó, nghe rồi tâm tịnh, thọ trì, đọc tụng, theo pháp tu hành, hay nhập thâm nghĩa, chẳng có khiếp sợ.

Di Lặc! Người sơ học còn có hai pháp chẳng thể quyết định vào nơi thâm nghĩa:

Một là nghe kinh thâm diệu sanh lòng khiếp sợ, nghi hoặc chẳng tin, không thể tùy thuận, lại phỉ báng rằng: "Xưa nay chưa nghe kinh. Kinh này từ đâu mà có?"

Hai là gặp có người hộ trì và giải thuyết kinh thâm diệu này, chẳng những không chịu thân cận cung kính cúng dường, lại còn theo đó nói xấu người ấy.

Do hai pháp này thì biết được Bồ Tát sơ học đó tự tổn hại mình, không thể ở nơi pháp thâm diệu, tự điều phục tâm.

Di Lặc! Ngoài ra còn có hai pháp:

Một là khinh mạn Bồ Tát sơ học mà chẳng dạy dỗ họ.

Hai là dù tín giải pháp thâm diệu, lại chấp tướng phân biệt.

Hai hạng người này, dù có tín giải pháp thâm diệu mà vẫn tự làm tổn thương, do đó chẳng thể đắc Vô Sanh Pháp Nhẫn.

Di Lặc Bồ Tát nghe xong, liền bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Thật chưa từng có. Như lời Phật thuyết, con sẽ xa lìa các lỗi lầm này, mà thọ trì pháp Vô Thượng Bồ Ðề của Như Lai đã tích tụ từ vô lượng a tăng kỳ kiếp. Nếu đời vị lai, mơi thiện nam tín nữ, có kẻ cầu Ðại Thừa sẽ đắc nhập kinh này, và được sức ghi nhớ để thọ trì, đọc tụng, rộng thuyết cho người khác nghe. Nếu đời mạt pháp, có người nào hay thọ trì, đọc tụng, giảng giải cho người khác nghe. Nên biết người ấy là do thần lực hộ trì của Di Lặc.

Phật bảo:

-Lành thay! Lành thay! Di Lặc! Như lời ngươi nói, ta mừng cho ngươi.

Lúc ấy, tất cả Bồ Tát chấp tay bạch Phật rằng:

-Sau khi Phật diệt độ, chúng con sẽ phổ biến giảng giải pháp Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác khắp mười phương quốc độ và dẫn dắt cho những người thuyết pháp, khiến cho đắc nhập ý thâm diệu của kinh này.

Bấy giờ Tứ Thiên Vương bạch Phật rằng:

-Thế Tôn! Những thành thị, thôn quê, núi rừng, đồng bằng, bất cứ nơi nào hễ có người đọc tụng, giải thuyết kinh này, con sẽ cùng các quyến thuộc đến nơi đó nghe pháp, và ủng hộ trong phạm vi một trăm do tuần, không ai có dịp để làm hại người ấy.

Khi ấy, Phật bảo A Nan:

-Nên thọ trì kinh này, phổ biến giảng giải.

-Vâng! Con xin thọ trì pháp yếu của kinh này. Thế Tôn! Kinh này tên gọi là gì?

Phật bảo A Nan:

-Kinh này gọi là Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, cũng gọi là Pháp Môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì. Ngươi nên thọ trì.

Phật thuyết kinh này xong, Trưởng giả Duy Ma Cật, Văn Thù Sư Lợi, Xá Lợi Phất, A Nan, v.v... và trời ngươì, A Tu La, tất cả đại chúng nghe Phật sở thuyết đều rất hoan hỉ, tín thọ phụng hành.

~~oOo~~

Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14

 


Vào mạng: 11-12-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang