Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT KINH
Tam Tạng Pháp Sư Cưu Ma La Thập dịch từ Phạn sang Hán 
Tỳ Kheo Thích Duy Lực Dịch Từ Hán Sang Việt
Từ Ân Thiền Ðường Santa Ana, Hoa Kỳ Xuất Bản 1991

Phẩm Bất Tư Nghì

Thứ Sáu

Bấy giờ Xá Lợi Phất thấy trong phòng chẳng có giường ngồi mà nghĩ rằng:
"Các Bồ Tát và chúng đại đệ tử sẽ ngồi đâu?"
Duy Ma Cật biết ý liền nói với Xá Lợi Phất rằng:
-Thế nào, Nhơn giả vì pháp đến hay vì giường ngồi mà đến.
Xá lợi Phất đáp:
-Tôi vì pháp đến chớ chẳng vì giường ngồi.
Duy Ma Cật nói:

- Xá Lợi Phất! Kẻ cầu pháp thân mạng còn chẳng tiếc, huống là giường ngồi. Kẻ cầu pháp chẳng cẩu nơi ngũ uẩn, lục nhập, thập bát giới, cũng chẳng cầu nơi dục giới, sắc giới, vô sắc giới. Xá Lợi Phất! Kẻ cầu pháp chẳng chấp cầu Phật, cầu Pháp, cầu Tăng. Kẻ cầu pháp chẳng cầu nơi khổ, tập, diệt, đạo. Tại sao? Pháp chẳng hí luận, nếu ta nói thấy khổ phải đoạn tập, chứng diệt, tu đạo, ấy là hí luận, chẳng phải cầu pháp.

Xá Lợi Phất! Pháp gọi Tịch Diệt, nếu hành nơi sanh diệt là cầu sanh diệt, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi là Vô Nhiễm, nếu nhiễm nơi pháp cho đến Niết Bàn, ấy là nhiễm đắm, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng chỗ hành, nếu hành nơi pháp, ấy là chỗ hành, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng thủ xả, nếu thủ xả pháp, ấy là thủ xả, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng xứ sở, nếu chấp xứ sở, ấy là chấp xứ sở, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi Vô Tướng, nếu nhận biết theo tướng, ấy là cầu tướng, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng thể trụ, nếu trụ nơi pháp, ấy là trụ pháp, chẳng phải cầu pháp. Pháp chẳng thể Kiến Văn Giác Tri, nếu hành Kiến Văn Giác Tri, ấy là Kiến Văn Giác Tri, chẳng phải cầu pháp. Pháp gọi Vô Vi, nếu hành hữu vi, chẳng phải cầu pháp. Như thế, Xá Lợi Phất! Kẻ cầu pháp, đối với tất cả pháp nên Vô sở cầu.

Khi Ngài nói lời ấy rồi, năm trăm thiên tử nơi các pháp được Pháp Nhãn Tịnh.

Bấy giờ, Duy Ma Cật hỏi Văn Thù rằng:

-Nhơn giả đã dạo qua vô lượng muôn ngàn ức A Tăng Kỳ cõi Phật, thấy cõi nào có tòa sư tử được thành tựu công đức vi diệu nhất?

Văn Thù nói:

-Cư sĩ! Bên phương Ðông cách đây ba mươi sáu hằng sa quốc độ, có thế giới gọi là Tu Di Tướng, hiện nay có Phật hiệu là Tu Di Ðăng Vương. Thân Phật ấy cao tám muơi bốn ngàn do tuấn, tòa sư tử cũng cao như thế, trang nghiêm hạng nhất.

Duy Ma Cật nghe xong liền hiện thần thông. Tức thì Ðức Phật ấy điều khiển ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng trang nghiêm, đến trong phòng Duy Ma Cật. Các Bồ Tát, đại đệ tử và Thích Phạn Tứ Thiên Vương, v.v... đều thấy việc xưa nay chưa từng thấy. Phòng nhỏ này dung nạp ba mươi hai ngàn tòa sư tử cao rộng như thế, mà chẳng thấy ngăn ngại, nơi thành Tỳ Da ly, cho đến cõi Ta Bà, bốn thiên hạ cũng chẳng thấy chật hẹp, tất cả trạng thái đều y như cũ.

Khi ấy Duy Ma Cật mời Văn Thù và các Bồ Tát thượng nhơn an tọa. Những Bồ Tát đắc thần thông liền biến hình cao bằng tòa sư tử và lên ngồi. Nhưng các sơ tâm Bồ Tát và đại đệ tử vì chưa được thần thông tự tại, đều chẳng thể lên ngồi.

Kế đó, Duy Ma Cật mời Xá Lợi Phất an tọa. Xá Lợi Phất nói:

-Thưa Cư sĩ! Tòa này cao rộng quá, tôi chẳng thể lên được.

Duy Ma Cật nói:

-Xá Lợi Phất! Hãy đảnh lễ Tu Di Ðăng Vương Như Lai thì mới ngồi được.

Nghe vậy, các sơ tâm Bồ Tát và đại đệ tử đầu đảnh lễ Tu Di Ðăng Vương Như Lai, liền ngồi được trên tòa sư tử.

Xá Lợi Phất nói:

-Thưa Cư sĩ! Thật chưa từng có. Phòng nhỏ này dung nạp các tòa cao rộng như thế, mà nơi thành Tỳ Da Ly chẳng thấy ngăn ngại, các thôn quê, thành phố, trong cõi Ta Bà và cung điện của chư Thiên, Long Vương, quỷ thần nơi tứ thiên hạ cũng chẳng thấy chật hẹp.

Duy Ma Cật nói:

-Xá Lợi Phất! Chư Phật Bồ Tát có pháp môn giải thoát gọi là Bất Khả Tư Nghì. Nếu Bồ Tát trụ pháp giải thoát đó, đem núi Tu Di cao rộng để trong hạt cải mà chẳng thêm bớt, tướng chúa núi Tu Di vẫn như cũ. Tứ Thiên Vương và Ðao Lợi chư Thiên cũng chẳng hay biết mình đã vào đó, chỉ có người đáng độ mới thấy núi Tu Di vào trong hạt cải thôi, ấy gọi là pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì.

Lại nữa, Bồ Tát đem nước của bốn biển lớn để vào một lỗ chân lông, mà các loài thủy tộc như: cá, rùa, tôm, cua, v.v... chẳng bị khuấy động, tánh biển vẫn y như cũ. Các loài rồng, quỷ thần, A Tu La, v.v... cũng chẳng hay biết mình đã vào đó, đối với những chúng sanh ấy cũng chẳng bị khuấy động.

Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi giải thoát Bất Khả Tư Nghì, rút lấy đại thiên thế giới, như lấy đồ gốm để trong bàn tay phải, quăng ra ngoài hằng sa thế giới, rồi đem trở lại chỗ cũ, mà chúng sanh ở trong đó chẳng hay biết mình bị di chuyển qua lại từ xa, tướng thế giới này cũng vẫn y như cũ.

Xá Lợi Phất! Hoặc có chúng sanh đáng độ, mà ham trụ lâu nơi thế gian, thì Bồ Tát biến hiện bảy ngày dài như một kiếp, khiến chúng sanh kia tưởng là một kiếp. Hoặc có chúng sanh đáng độ mà chẳng ham trụ lâu thì Bồ Tát rút một kiếp lại thành bảy ngày, khiến chúng sanh ấy tưởng là bảy ngày.

Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, đem sự nghiệp trang nghiêm của tất cả cõi Phật gom trong một quốc độ để thị hiện cho chúng sanh biết. Lại nữa, Bồ Tát ấy đem chúng sanh trong tất cả cõi Phật, để trên bàn tay phải bay khắp mười phương thế giới, bày ra cho ai cũng thấy mà chỗ ở vẫn như cũ, chẳng bị lay động.

Xá Lợi Phất! Những đồ cúng dường chư Phật của mười phương chúng sanh, Bồ Tát khiến đều hiện nơi một lỗ chân lông cho ai cũng được nhìn thấy, khiến tất cả nhật nguyệt tinh tú trong cõi mười phương cùng hiện nơi một lỗ chân lông cho tất cả đều thấy.

Xá Lợi Phất! Tất cả khắp mười phương thế giới, Bồ Tát hút vào trong miệng mà thân hình chẳng thêm bớt, cây cối cũng chẳng gãy ngã. Khi kiếp hỏa cháy tan cõi mười phương, Bồ Tát đem kiếp hỏa ấy để trong bụng, hỏa đang cháy mà bụng chẳng bị thương tổn. Bồ Tát từ hằng sa thế giới nơi phương dưới, đem một cõi Phật đưa lên phương trên, đi qua hằng sa thế giới như cầm mũi kim ghim một lá táo, mà tất cả chúng sanh trong đó chẳng thấy khuấy động.

Xá Lợi Phất! Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, dùng thần thông hiện làm thân Phật, hoặc hiện thân Duyên Giác, hoặc hiện thân Thanh Văn, hoặc hiện thân Ðế Thích, hoặc hiện thân Phạm Vương, hoặc hiện thân vua chúa thế gian, hoặc hiện thân Chuyển Luân Pháp Vương. Lại khiến tất cả âm thanh lớn nhỏ trong mười phương thế giới đều biến thành âm thanh của Phật, diễn ra các tiếng vô thường, khổ, không và vô ngã, v.v... cho đến mỗi mỗi pháp của mười phương chư Phật sở thuyết đều ở trong đó, ai cũng được nghe.

Xá Lợi Phất! Nay ta lược thuyet năng lực của Bồ Tát giải thoát bất khả tư nghì như thế, nếu nói rộng ra thì cùng kiếp cũng chẳng hết.

Khi đó, Ðại Ca Diếp nghe nói pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì của Bồ Tát, tán thán việc chưa từng có, lại nói với Xá Lợi Phất rằng:

-Ví như có người hiện nhiều sắc tướng trước mặt người mù. Những tướng ấy đều chẳng phải sở thấy của họ. Tất cả hàng Thanh Văn Duyên Giác nghe pháp môn Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì này, cũng chẳng thể hiểu biết như thế. Nếu người trí được nghe thì có ai mà chẳng phát tâm Vô Thượng Bồ Ðề. Tại sao chúng ta tuyệt hẳn giống Phật nơi Ðại Thừa nầy như hạt giống thúi mục? Vậy tất cả hàng Thanh Văn nghe pháp môn này đều nên khóc to và tiếng khóc ấy vang cả đại thiên thế giới. Tất cả Bồ Tát lại nên vui mừng mà thọ lãnh pháp này. Nều có Bồ Tát tín giải pháp môn này, tất cả bọn ma muốn khuấy phá cũng chẳng làm gì được.

Ðại Ca Diếp nói lời này rồi, có ba mươi hai ngàn thiên tử phát tâm Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác.

Bấy giờ Duy Ma Cật nói với Ðại Ca Diếp rằng:

-Nhơn giả! Các vị làm ma vương trong mười phương vô lượng A Tăng Kỳ thế giới, đa số là Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, vì dùng phương tiện để giáo hóa chúng sanh nên thị hiện làm ma vương.

Ca Diếp! Mười phương vô lượng sơ tâm Bồ Tát đôi khi có người đến xin tay, chân, tai, mũi, đầu, mắt, xương, thịt, tủy não, nhà cửa, vợ con, quyến thuộc, xe cộ, trâu ngựa, vàng bạc, thất bửu, cho đến quần áo, thức ăn, v.v... Những kẻ ăn xin như thế, đa số là Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì, dùng phương tiện để thử thách, khiến lòng tin họ vững chắc. Tại sao? Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì mới có oai đức hành sự bức ngặt như thế, để chỉ bày cho chúng sanh những việc khó làm. Nếu là phàm phu hạ liệt thì chẳng có sức mạnh thần diệu để bức ngặt những sơ tâm Bồ Tát như thế. Ví như sự đá đạp của long tượng, chẳng phải con lừa có thể làm được. Ấy gọi là cửa trí huệ phương tiện của Bồ Tát trụ nơi Giải Thoát Bất Khả Tư Nghì.

~~oOo~~

Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14

 


Vào mạng: 11-12-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang