Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
DUY-MA-CẬT SỞ THUYẾT KINH
Trực Chỉ Đề Cương

CHƯƠNG THỨ TƯ

BỒ TÁT

I.- VẤN ĐỀ THỌ KÝ

            Bấy giờ đức Phật gọi Bồ Tát Di Lặc bảo: “Di Lặc! Ông hãy đi thăm bệnh Trưởng giả Duy Ma Cật!”
            Bồ Tát Di Lặc thưa: “Bạch Thế Tôn! Con không kham nhận trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả! Bởi vì trước đây, trong một hôm nọ con vì Đâu Suất Thiên Vương và một số chư Thiên quyến thuộc, dạy cho họ về hạnh bất thối chuyển đối với quả vô thượng Bồ Đề. Bấy giờ Ông Duy Ma Cật đến bảo con rằng:
            - Thưa Ngài Di Lặc! Thế Tôn thọ ký cho Ngài một đời sẽ thành vô thượng Bồ Đề; vậy Ngài định dùng đời nào, khi Ngài nhận sự thọ ký ấy? Đời quá khứ? Đøời hiện tại? Hay đời vị lai ư? Nếu đời quá khứ thì đã qua rồi! Đời vị lai thì chưa đến! Đời hiện tại? Có hiện tại nào lại không vận động biến chuyển? Có hiện tại nào tồn tại cố định? Đức Phật đã thường dạy: “Nầy các thầy Tỳ Kheo! Ngay bây giờ, các thầy vừa có sanh, vừa có lão, vừa có diệt vong!” Hay là Ngài định xử dụng cái vô sanh mà cho rằng được thọ ký ư? Nói đến vô sanh tức là chánh vị. Đã là chánh vị thì không có vấn đề thọ ký và cũng không có cái gọi là “được” quả vô thượng Bồ Đề. Thế thì làm sao Ngài Di Lặc lại “được thọ ký” một đời? Hay là Ngài dựa theo đời của chân như sanh mà được thọ ký? Hay là đời của chân như diệt mà được thọ ký?  Nếu dựa theo đời của chân như sanh không được. Vì chân như không có sanh. Nếu dựa theo đời của chân như diệt cũng không được. Vì chân như không có diệt. Ngài nên biết tất cả chúng sanh đều NHƯ. Tất cả pháp đều NHƯ. Các thánh hiền cũng NHƯ. Chính Di Lặc ngài cũng NHƯ. Nếu Ngài được thọ ký thì tất cả chúng sanh lẽ ra cũng được thọ ký. Vì luận về nghĩa NHƯ thì không còn có cái hai. Không có cái nào khác với cái nào. Nếu Ngài được vô thượng Bồ Đề lẽ ra tất cả chúng sanh cũng được quả vô thượng Bồ Đề! Vì tất cả chúng sanh là tướng của Bồ Đề. Nếu Ngài được diệt độ thì tất cả chúng sanh cũng phải được diệt độ. Vì chư Phật biết tất cả chúng sanh là tướng của Niết Bàn vốn đã vĩnh cửu tịch diệt. Cho nên chẳng còn gì để diệt nữa. Vì vậy, Ngài không nên lấy pháp bất thối chuyển mà dạy cho các Thiên tử. Thực ra không có người phát tâm vô thượng Bồ Đề và cũng không có người thối thất với quả vô thượng Bồ Đề. Ngài nên hướng dẫn cho các Thiên tử này xã bỏ quan niệm chấp mắc về quả Bồ Đề. Vì sao? Vì Bồ Đề không phải được từ nơi thân, cũng không phải được từ nơi tâm. Tịch diệt là Bồ Đề, vì diệt hết các tướng chấp. Bất quán là Bồ Đề, vì xa lìa hết các trần duyên. Bất hành là Bồ Đề, vì không lưu một ức niệm, một hy vọng nào. Đoạn là Bồ Đề, vì xa lìa tất cả kiến chấp. Ly là Bồ Đề, vì lìa xa tất cả vọng tưởng. Chướng là Bồ Đề, vì chống lại tất cả mong muốn. Bất nhập là Bồ Đề, vì không dính dáng vào chuyện tục lụy. Thuận là Bồ Đề, vì thuận theo chân như. Trụ là Bồ Đề, vì hằng trụ ở pháp tánh. Chí là Bồ Đề, vì đạt đến chỗ thật tế của chân lý. Bất nhị là Bồ Đề, vì xa rời ý căn và pháp trần. Đẳng là Bồ Đề, vì bình đẳng như hư không. Vô vi là Bồ Đề, vì không sanh, không trụ, không dị, không diệt. Tri là Bồ Đề, vì rõ biết hết tâm hành của chúng sanh. Bất hội là Bồ Đề, vì các nhập không nhóm được. Bất hiệp là Bồ Đề, vì dẹp tan hết các phiền não. Giả danh là Bồ Đề, vì biết rõ tánh của ngôn ngữ văn tự vốn không. Như hóa là Bồ Đề, vì không còn dính ở thủ, xã hai bên. Vô loạn là Bồ Đề, vì tự tâm thường trụ tướng tịch tĩnh. Thiện tịch là Bồ Đề, vì thể tự tánh lúc nào cũng vắng lặng. Bất thủ là Bồ Đề, vì xa lìa hết các phan duyên. Bất dị là Bồ Đề, vì nhìn các pháp bằng cái thấy bình đẳng. Vô tỉ là Bồ Đề, vì các pháp không có tướng đối đải để so sánh. Vi diệu là Bồ Đề, vì các pháp khó biết mà biết rõ tất cả.
            -Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Di Lặc thưa. Khi Trưởng giả Duy Ma Cật thuyết thời pháp ấy, hai trăm Thiên tử được vô sanh pháp nhẫn. Vì vậy, con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh”.

TRỰC CHỈ

            Kinh Phật thường gọi đức Di Lặc là Bồ Tát nhất sanh bổ xứ. Được Phật thọ ký một đời sẽ thành vô thượng Bồ Đề.
            Tự tin mình một đời sẽ thành tựu quả vô thượng Bồ Đề. Bồ Tát Di Lặc chẳng có lỗi gì. Đem hạnh nguyện bất thối chuyển dạy cho chư Thiên Đâu Suất cung, khiến cho “bất thối chuyển” quả vô thượng Bồ Đề, Bồ Tát Di Lặc cũng chẳng có lỗi gì. Vì lợi tha là Bồ Tát hạnh.
            Điểm yếu của Bồ Tát Di Lặc ở chỗ:
            1.- Tin vào ngữ ngôn Thọ Ký.
            2.- Tin ở văn tự Một Đời.
            3.- Tin ở quả chứng Bồ Đề.
            Kinh Hoa Nghiêm, “Nhật xuất tiên chiếu” Phật dạy:
          “Tất cả chúng sanh sẽ thành Phật. Vì tất cả chúng sanh đều có phước đức trí tuệ Phật”.
            Kinh Pháp Hoa, “Nhật một hoàn chiếu” Phật dạy:
            “Tất cả chúng sanh đã thành Phật”.
            Xem thế, không phải chỉ có Bồ Tát Di Lặc được “Thọ ký” mà tất cả chúng sanh cũng đã được Phật thọ ký từ lâu rồi.
            Đời, nói cách khác là Thời gian. Thời gian thì không có “Mốc”. Chỉ dựa trên hiện tượng vật chất, người ta đánh giá “Mốc thời gian”.
            Thời gian thọ mệnh của rùa...
            Thời gian thọ mệnh của người...
            Thời gian thọ mệnh của “Cẩu”, của “Kê”... 
            Thời gian thọ trưởng của cây tùng, cây bách...

            Thời gian thọ trưởng cam, quít, lựu, lê...

            Xóa bỏ vật chất ra sẽ không có Đời. Dựa trên vật chất để đánh giá Đời, thì Đời chẳng có gì để làm tiêu chuẩn.
            Tin ở ngữ ngôn văn tự, Bồ Tát Di Lặc bị “Hố”, đối với chân lý đệ nhất nghĩa.
            Xưa kia đùức Thích Ca cũng có lần được Phật Nhiên Đăng thọ ký thành Phật sau này. Đức Thích Ca hồi ấy có nghe; mà không để lòng nghĩ ngợi đặt hy vọng ở lời Thọ Ký của Phật Nhiên Đăng. Nhờ vậy, đức Thích Ca thành Phật trước.
            Người thực khách thông minh, không tin ở tấm biển “MAI ĂN KHỎI TRẢ TIỀN” của tiệm ăn quảng cáo có nhiều đặc sản ấy.
            Trông chờ hy vọng “quả vô thương Bồ Đề”. Coi chừng! Sai một ly, đi một dặm.
            “Nhật hành lãnh thượng mạc tầm sơn”!
            Cần phải khai quật Bồ Đề tâm, phát huy Bồ Đề tự tánh. Đó mới là con đường tiến đến vô thượng Bồ Đề. Đi theo con đường đó thì:
            * Tịch diệt là Bồ đề.
            * Bất quán là Bồ đề.
            * Bất hành là Bồ đề.
            * Đoạn là Bồ đề.
            * Ly là Bồ đề.

            * Chướng là Bồ đề.

            * Bất nhập là Bồ đề.
            * Thuận là Bồ đề.
            * Trụ là Bồ đề.
            * Bất nhị là Bồ đề.
            * Đẳng là Bồ đề.
            * Vô vi là Bồ đề.
            * Tri là Bồ đề.
            * Bất hội là Bồ đề.
            * Bất hiệp là Bồ đề.
            * Vô xứ là Bồ đề.
            * Giả danh là Bồ đề.
            * Như huyễn là Bồ đề.
            * Vô loạn là Bồ đề.
            * Thiện tịch là Bồ đề.
            * Vô thủ là Bồ đề.
            * Vô dị là Bồ đề.
            * Vô tỷ là Bồ đề.

            * Vi diệu là Bồ đề.
            Bồ Đề đạo là đạo tỉnh thức.
            Bồ Đề giả là người tỉnh thức.
            Luôn luôn tỉnh thức sống đúng, sống hợp chân lý là sống trong Bồ Đề đạo, không cần phải lo lắng vấn đề “thối chuyển”. Ôm tâm trạng “Sợ” thối chuyển là đã sụp đổ một góc lâu đài Niết Bàn rồi.
            Cố học và giữ gìn cái “Hạnh bất  thối chuyển”,  càng làm cho tòa Niết Bàn mờ ảo xa xăm hơn.
            Trước mắt, Bồ Đề chưa thấy mà Niết Bàn của các Thiên vương cứ sụp đổ và mất hút dần.
            Chưa thâm ngộ “thật tướng” học pháp “bất liễu nghĩa”, thực hành pháp “bất liễu nghĩa” thường bị “kẹt”. Nhìn Bồ Đề Niết Bàn, còn bị bao phủ những lớp sương mù “chấp mắc”.

I I. VẤN ĐỀ ĐẠO TRÀNG

            Đức Phật gọi Quang Nghiêm Đồng Tử bảo: "Quang Nghiêm! Ông hãy đi thăm bệnh Trưởng giả Duy Ma Cật".

            Quang Nghiêm Đồng Tử thưa: "Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách  nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật! Bởi vì, trước  đây vào một hôm nọ, con từ thành Tỳ Da Ly đi ra, Ngài Duy Ma Cật thì từ ngoại thành đi vào. Con lễ phép chào và hỏi:

            - Thưa cư sĩ! Ngài từ  đâu đến đây?

            Ông Duy Ma Cật đáp: Tôi từ  đạo tràng đến.

            Con lấy làm lạ hỏi: Ngài nói đạo tràng, vậy đạo tràng nào? Ở đâu?

            Ông Duy Ma Cật đáp:

            Trực tâm là đạo tràng: Tâm hạnh thành thật, thẳng thắn không hư dối quanh co.

            Phát hạnh là đạo tràng: Siêng năng tinh tấn làm tất cả việc.

            Thâm tâm là đạo tràng: Luôn luôn vun bồi công đức và làm tăng trưởng công đức.

            Bồ đề tâm là đạo tràng: Vận dụng trí tuệ trong sự thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết...để tránh mọi si mê lầm lạc.

            Bố thí là đạo tràng: Thí tài, thí pháp và thí cả vô úy cho chúng sanh mà không hy vọng đáp đền ơn nghĩa.

            Trì giới là đạo tràng: Giữ giới thanh tịnh đúng như chí nguyện mong ước lúc phát khởi sơ tâm.

            Nhẫn nhục là đạo tràng: Tâm được điều thuận, nhu nhuyễn đối với tất cả chúng sanh không còn bị chướng ngại.

            Tinh tấn là đạo tràng: Không lúc nào giải đãi trong việc học chánh pháp, hành chánh pháp và sống trong chánh pháp.

            Thiền định là đạo tràng: Tâm nhu hòa an ổn, không dong rủi ở lục dục thất tình.

            Trí tuệ là đạo tràng: Thấy rõ bản chất vô thường, vô ngã và bất tịnh của các pháp đúng như thật.

           Từ là đạo tràng: Đối với tất cả chúng sanh đều thương như con một.

            Bi là đạo tràng: Vận dụng mọi phương tiện cứu khổ cho chúng sanh.

            Hỉ là đạo tràng: Lúc nào cũng vui mừng khi thấy người khác được vui.

            Xã là đạo tràng: Đoạn hết mọi ý niệm ghét thương trong lòng.

            Thần thông là  đạo tràng: Thành tựu đầy đủ lục thông.

            Giải thoát là đạo tràng: Luôn luôn vận dụïng pháp bội xã và sống trong pháp bội xã.

            Phương tiện là đạo tràng: Giáo hóa chúng sanh bằng nhiều hình thức, tùy căn cơ, đối tượng.

            Tứ nhiếp là đạo tràng: Thuyết pháp độ chúng sanh bằng nhiều cách và tùy cơ duyên mà hóa độ.

            Đa văn là đạo tràng: Nghe chánh pháp rồi thật hành đúng chánh pháp.

            Phục tâm là đạo tràng: Vận dụng chánh quán mà quán các pháp.

            Ba mươi bảy phẩm trợ đạo làđạo tràng: Rời bỏ hết các pháp hữu vi.

            Tứ đế là đạo tràng: Thấy đúng như thật, biết đúng như thật, nói đúng như thật các pháp thế gian.

            Duyên khởi là đạo tràng: Biết rõ từ vô minh cho đến lão tử đều không có cái hết.

            Các phiền não là đạo tràng: Vì nhận biết sự tác hại của phiền não một cách quyết định.

            Chúng sanh là đạo tràng: Vì nhận biết sự hòa hợp, sự nương gá tạm bợ, biết rõ tánh chất vô thường vô ngã của chúng.

            Tất cả pháp là đạo tràng: Vì biết rõ tất cả pháp vốn không.

            Hàng ma là đạo tràng: Vì biết trước các thế lực bất hảo của ma.

            Tam gới là đạo tràng: Dù nhận có tam giới mà không bị ràng buộc trong tam giới.

            Sư tử hống là đạo tràng: Vì sự thuyết pháp độ sanh đạt đến vô sở úy.

            Thập lực, tứ vô sở úy, thập bát bất cộng pháp là đạo tràng: Vì thân, khẩu, ý đã thuần thục đạt đến chỗ tột cùng của thanh tịnh, không còn có sự sai lầm.

            Tam minh là đạo tràng: Nhận thức các pháp thấu suốt tận gốc, tột nguồn.

            Nhất niệm tri nhất thiết pháp là đạo tràng: Vì thành tựu nhất thiết chủng trí.

            Thế đấy! Quang Nghiêm đồng tử! Bồ Tát nếu ứng dụng trí tuệ ba la mật giáo hóa chúng sanh thì mọi hành động giở chân lên, hạ chân xuống đều từ đạo tràng đến và lúc nào cũng ở trong Phật pháp vậy.

            Bạch Thế Tôn! Quang Nghiêm thưa. Trưởng giả Duy Ma Cật nói thời pháp ấy rồi có năm trăm trời, người đều phát tâm vô thượng Bồ đề. Vì vậy con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh".

TRỰC CHỈ

            ĐẠO TRÀNG, thông thường người ta có ba cách nghĩ:

            Một, chỗ đức Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề

            Hai, chỗ tụ hội của một tập thể đông đảo.

            Ba, chỗ làm chay có xô đàn thí rế, cầu siêu, bạc tiền...

            Trong nhận thức của Quang Nghiêm đồng tử cũng chưa vượt ra ba ý nghĩa đó.

            Bồ Tát Duy Ma Cật trong dáng vẻ ung dung tự tại đi vào nội thành Tỳ Da Ly, khiến cho Quang Nghiêm đồng tử rất ngạc nhiên khi nghe Ông Duy Ma Cật trả lời:

            "Tôi từ đạo tràng đến".

            Một câu trả lời bình thường như bao nhiêu ngữ ngôn bình thường. Vậy mà sức công phá hết sức lớn lao. Nó xé toạt màn vô minh vĩnh viễn cho thế hệ tương lai, vén mây ngút chỉ trời xanh cho những người thức giả lúc bất ngờ rằng:

            Đạo tràng không phải là chỗ Phật ngồi. Cũng không phải là chỗ tụ hội của một nhóm người đông đảo, cũng không phải đám làm chay có xô đàn thí rế, tụng tán chóc choeng...

            - Trực tâm là đạo tràng.

            - Thâm tâm là đạo tràng.

            - Bồ Đề tâm là đạo tràng.

            - Phát hạnh là đạo tràng.

            - Bố thí là đạo tràng.

            - Trì giới là đạo tràng.

            - Nhẫn nhục là đạo tràng.

            - Tinh tấn là đạo tràng.

            - Thiền định là đạo tràng.

            - Trí tuệ là đạo tràng.

            - Từ là đạo tràng.

            - Bi là đạo tràng.

            - Hỉ là đạo tràng.

            - Xã là đạo tràng.

            - Đoạn là đạo tràng.

            - Thần thông là đạo tràng.

            - Giải thoát là đạo tràng.

            - Phương tiện là đạo tràng.

            - Tứ nhiếp là đạo tràng.

            - Đa văn là đạo tràng.

            - Phục tâm là đạo tràng.

            - Ba mươi bảy phẩm trợ đạo là  đạo tràng.

            - Tứ đế là đạo tràng.

            - Thập nhị nhân duyên là đạo tràng.

            - Các phiền não là đạo tràng.

            - Chúng sanh là đạo tràng.

            - Tất cả pháp là đạo tràng.

            - Hàng ma là đạo tràng.

            - Tam giới là đạo tràng.

            - Sư tử hống là đạo tràng.

            - Thập lực là đạo tràng.

            - Tứ vô sở úy là đạo tràng.

            - Thập bát bất cộng pháp là đạo tràng.

            - Tam minh là đạo tràng.

            - Nhất niệm tri nhứt thiết pháp là đạo tràng.

            Bồ Tát sống trong các Ba la mật môn, giáo hóa chúng sanh khiến cho họ phát tâm thì nhất cử, nhất động, giở chân lên, để chân xuống đều từ đạo tràng đếùn và ở chỗ nào, cũng là ở trong Phật pháp.

III. PHÁP VUI VÔ TẬN

            Đức Phật gọi Bồ Tát Trì Thế bảo: "Trì Thế! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật".

            Bồ Tát Trì Thế thưa: "Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả.

            Bạch Thế Tôn! Con còn nhớ một hôm nọ con đang ở nơi tịnh thất, bấy giờ có ma Ba tuần đem theo cả một vạn hai ngàn Thiên nữ, giả dạng y như Trời Đế Thích. Họ đánh trống thổi kèn, đàn nhạc, ca hát, đi đến chỗ con. Một số đông dập đầu lễ lạy dưới chân con; rồi chấp tay cung kính đứng trước con, hàng ngũ trang nghiêm trật tự. Con nghĩ họ là Trời Đế Thích. Con bèn thuyết pháp cho họ rằng:

            Quí hóa thay! Kiều Thi Ca! Các vị có phước báu, nhưng không nên buông lung, trong khi hưởng phước. Phải quán ngũ dục là vô thường, để trồng sâu cội phúc. Dựa trên tự thân, trên của cải vô thường mà tu tập quán chiếu, ngõ hầu được cái thân bền chắc...!

            Bấy giờ trong số người đó nói với con rằng: Thưa Chánh sĩ! Chúng tôi xin hiến cho Ngài, hai nghìn Thiên nữ này, Ngài hãy nhận để làm người hầu hạ. Họ sẽ giúp đở cho Ngài công việc khi cần.

            Bạch Thế Tôn! Lúc bấy giờ con bèn nói với họ: Kiều Thi Ca! Không nên đem hàng Thiên nữ như thế mà hiến tặng cho sa môn Thích tử chúng tôi. Việc làm đó phi pháp, hàng sa môn Thích tử chúng tôi không thể nhận những người như thế để giúp việc.

            Con nói chưa dứt lời thì Ông Duy Ma Cật đến, bảo con rằng:

            Nầy Ngài Trì Thế! Họ không phải là Đế Thích. Họ là ma đến để trêu ghẹo ông đấy.

            Ông Duy Ma Cật bèn nói với các ma: Các cô gái kia ơi! Hãy hiến các cô cho tôi! Như tôi đây mới là người đáng nhận sự hầu hạ giúp đở của các cô.

            Bấy giờ bọn ma rất sợ hãi, nghĩ rằng: Có thể Ông Duy Ma Cật sẽ làm bức não chúng ta!

            Tất cả đều muốn biến hình trốn đi, nhưng vẫn không biến được. Chúng vận hết sức thần cũng không sao ẩn hình trốn thoát. Bỗng nhiên, trên không trung có tiếng vọng lên rằng: "Ma Ba tuần hãy hiến tặng các cô gái ấy đi thì mới có thể rời khỏi nơi đó".

            Bọn ma cả sợ, lạy sấp, lạy ngửa mà dâng.

            Bấy giờ Ông Duy Ma Cật bảo các cô gái rằng: Ma đã hiến các cô cho tôi rồi! Các cô nên phát tâm vô thượng Bồ Đề đi!

            Sau đó, tùy căn tánh mỗi người, trưởng giả Duy Ma Cật thuyết pháp khiến cho hàng ma nữ vui mừng phát tâm hướng về Phật đạo...

            Trưởng giả Duy Ma Cật dạy tiếp: Các cô đã phát tâm theo Phật đạo, các cô sẽ có cái vui chính của các cô, mà không cần đến cái vui của ngũ dục nữa.

            Thiên nữ hỏi: Cái vui đó là thế nào?

            Ông Duy Ma Cật đáp: Vui thường tin Phật. Vui ham nghe Pháp. Vui cúng dường Tăng. Vui vĩnh ly ngũ dục. Vui quán ngũ ấm như ác tặc. Vui quán tứ đại như độc xà. Vui quán nội nhập như rỗng không. Vui thuận theo ý đạo. Vui lợi ích chúng sanh. Vui kính trọng và cúng dường sư trưởng. Vui làm bố thí được nhiều. Vui giữ giới kiên trì và thanh tịnh. Vui nhẫn nhục nhu hòa. Vui siêng nhóm thiện căn. Vui thiền định không loạn. Vui cấu hết, tuệ sanh. Vui được tâm Bồ Đề rộng lớn. Vui hàng phục các ma. Vui đoạn các phiền não. Vui thấy cõi Phật thanh tịnh. Vui thành tựu tướng hảo. Vui tu các công đức lành. Vui trang nghiêm đạo tràng. Vui nghe pháp sâu xa mà không sợ. Vui với tam giải thoát môn. Vui gần bạn đồng học. Vui ở trong chỗ phi đồng học mà tâm không bị chướng. Vui chuyển hóa được những người ác tri thức. Vui tâm thường thanh tịnh. Vui tu vô lượng đạo phẩm. Đó là pháp vui của Bồ Tát, các cô nên biết. Khi bấy giờ, Ma Ba tuần bảo các ma nữ rằng: Ta muốn các ngươi cùng ta hãy trở về thiên cung.

            Các ma nữ nói: đã hiến chúng tôi cho cư sĩ, bấy giờ chúng tôi có được pháp vui, chúng tôi vui lắm rồi. Từ đây chúng tôi không thích cái vui ngũ dục nữa.

            Ma Ba tuần nói: Thưa cư sĩ! Mong Ngài thả các cô ấy đi! Theo chúng tôi biết Bồ Tát hạnh là xả thí tất cả các sở hữu của mình cho người khác.

            Ông Duy Ma Cật nói: Tôi đã thả rồi, các cô tự ý mà đi. Các cô hãy nhớ làm thế nào cho chúng sanh đều được học chánh pháp như các cô vậy.

            Bấy giờ các cô gái hỏi Ông Duy Ma Cật: Khi trở về cung ma, chúng tôi phải làm gì? Thưa Ngài Duy Ma Cật!

            Ông Duy Ma Cật bảo: Này các cô! Có pháp môn tên là :"Vô tận đăng", các cô hãy siêng năng tu học. Vô tận đăng có nghĩa là cây đèn vô tận. Ví như một ngọn đèn đem mồi thêm ra cả trăm ngọn đèn, khiến cho chỗ tối được sáng, sáng rộng và sáng mãi mà ngọn đèn nguyên thủy chẳng hao mòn chút ánh sáng nào. Cũng như vậy, thưa các cô! Bồ Tát có thể dạy dỗ cho trăm, ngàn chúng sanh khiến cho họ phát tâm vô thượng Bồ Đề mà đạo tâm và đạo hạnh của Bồ Tát chẳng có giảm sút. Ví như ngọn vô tận đăng ấy! Các cô dù ở cung ma xử dụng pháp "Vô tận đăng" khiến cho chư Thiên tử, thiên nữ phát tâm vô thượng Bồ Đề, thì chính các cô đã đền đáp thâm ân Phật.

            Bấy giờ các Thiên nữ đầu mặt lễ dưới chân Ông Duy Ma Cật. Lễ xong, cùng theo thiên ma về cung. Tất cả hốt nhiên biến mất.

            Bạch Thế Tôn! Bồ Tát Trì Thế thưa: Trưởng giả Duy Ma Cật có trí biện tài tự tại như thế, cho nên con không dám lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh".

TRỰC CHỈ

          Ma Ba Tuần mà nhận là Thiên Đế Thích. Thế là lầm lẫn đối tượng trong khi thuyết pháp.

            Pháp thuyết sai đối tượng không phát huy được công dụng của pháp. Thuốc hay trị không đúng bệnh mất đi công hiệu của thuốc. Bệnh trị không đúng thuốc, uống thuốc cũng như không.

            Sợ ma bị ma nhiểu loạn. Không sợ ma, ma sợ lại. Bồ Tát Trì Thế không dám nhận "Thiên nữ", lại được ép tặng 'Thiên nữ" cho. Bồ-Tát Duy Ma Cật rất bằng lòng nhận các "Thiên nữ", tất cả "Thiên nữ" đều kinh tâm táng đởm.

            Đối với ma quân, Bồ Tát gặp lúc cần phải trực diện đương đầu. Từ đó thi thố khả năng điều phục.

            Phật tánh tùy duyên nhi bất biến. Bất biến nhi tùy duyên.

            Dù là "Nữ thiên ma", khi gặp thiện tri thức khai thị Phật tri kiến cho mình, ma có khả năng quay về chánh đạo, phát tâm cầu tiến vô thượng Bồ Đề.

            Vui trong ngũ dục, là cái vui của người nướng mình trên hầm lửa. Cái vui của con người bệnh hoạn. nhiễm nặng vi rút vô minh.

            Người trí chọn cho mình cái vui trường cửu ở mọi hoàn cảnh ở mọi thời gian.    Bồ Tát Duy Ma Cật nói:

            Vui thường tin Phật. Vui ham nghe Pháp. Vui cúng dưòng Tăng.Vui vĩnh ly ngũ dục. Vui quán ngũ ấm như oán tặc. Vui quán tứ đại như độc xà. Vui thuận theo ý đạo. Vui lợi ích chúng sanh. Vui kính trọng sư trưởng. Vui bố thí được nhiều. Vui giữ giới thanh tịnh. Vui nhẫn nhục nhu hòa. Vui tinh tấn thiện hạnh. Vui thiền định không loạn. Vui trí tuệ tăng trưởng.

            Dù là thiên ma, khi phát Bồ đề tâm là đã "Hồi đầu thị ngạn". Bấy giờ các thiên nữ có cái vui chân thật không còn thích cái vui ngũ dục nữa. Các cô từ chối không muốn trở lại ma cung.

            Bồ Tát Duy Ma Cật cho rằng các cô có thể trở về ma cung mà chẳng có tổn hại gì.

            "Ngọc trắng dù ở trong bùn bẩn, không vì vậy mà hoen ố sắc màu".

            "Người phát Bồ Đề tâm dù ở trong cảnh trược, không vì vậy nhiễm loạn chất thanh cao".

            Điều cốt yếu, các cô hãy luôn luôn bồi dưõng trí tuệ, phát Bồ đề tâm ngày thêm rộng lớn.

            Để đền đáp ơn Phật, các cô hãy mồi thêm mãi "Vô tận đăng" khiến cho chỗ tối được sáng, chỗ sáng được rực rỡ huy hoàng.

            Vô tận đăng tức là ngọn đèn chánh pháp. Học Bồ Tát hạnh, các cô có trách nhiệm truyền bá rộng rãi đến tất cả, khiến cho thiên tử, thiên nữ phát Bồ đề tâm thì các cô đền đáp được thâm ân Phật.

IV.- HỘI ĐẠI THÍ

            Bấy giờ Phật gọi trưởng giả tử Thiện Đức bảo: "Thiện Đức! Ông hãy đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật".

            Thiện Đức thưa: "Bạch Thế Tôn! Con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh ông Duy Ma Cật. Vì trước đây, lúc ở tại nhà của thân phụ, con có thiết lập một hội đại thí, kỳ hạn bảy ngày cúng dường các sa môn, Bà la môn, ngoại đạo và bố thí cho tất cả những người nghèo khó, cho những kẻ ăn xin. Khi bấy giờ, Ông Duy Ma Cật đến nói với con rằng:

            Thưa trưởng giả tử! Hội đại thí lập như vậy chưa đúng. Ngài lập hội tài thí trong bảy ngày, những người được thọ thí đở khổ trong bảy ngày. Sau bảy ngày họ không còn gì nương cậy. Ngài nên lập hội pháp thí mới đem lại lợi ích lâu dài cho người thọ thí.

            Con hỏi: Hội pháp thí là thế nào?

            Ông Duy Ma Cật nói: Hội pháp thí không phải chỉ có lợi cho thời gian trước hay thời gian sau, trong một thời cúng dường cho tất cả chúng sanh.

            - Thế nghĩa là sao? Thưa cư sĩ, con hỏi.

            - Nghĩa là vì vô thượng Bồ đề, khởi từ tâm. Vì cứu độ chúng sanh, khởi bi tâm. Vì hộ trì chánh pháp, khởi hỉ tâm. Vì sự nghiệp trí tuệ, khởi xả tâm. Vì hóa độ xan tham khởi bố thí ba la mật. Vì hóa độ phạm giới, khởi trì giới ba la mật. Vì biết rõ tánh vô ngã của các pháp, khởi nhẫn nhục ba la mật. Vì biết rõ thân tâm như huyễn, khởi tinh tấn ba la mật. Vì Bồ đề, khởi thiền định ba la mật. Vì nhất thiết chủng trí, khởi bát nhã ba la mật. Vì giáo hóa chúng sanh, khởi quán vạn pháp giai không. Nhằm trực diện với các pháp hữu vi, khởi quán chư tướng vô tướng. Thị hiện thọ sanh, mà khởi quán không, vô tác. Nhằm truyền bá chánh pháp, khởi nhiều phương tiện. Nhằm hóa độ chúng sanh, thực hành pháp tứ nhiếp. Vì cung kính tất cả, khởi trừ tâm ngã mạn. Vì biết rõ thân mệnh tài như huyễn, khởi ái mộ pháp thân, bát nhã và giải thoát. Đối với lục niệm, thường khởi tưởng niệm. Đối với pháp lục hòa, khởi tâm chánh trực. Dùng tâm hoan hỉ, khởi ý gần gủi thánh hiền. Khởi tâm điều phục, không ghét người ác. Với pháp xuất gia, khởi tâm kính mộ. Vì tri hành không lệch lạc, khởi ý chí đa văn. Nhằm tránh mọi ràng buộc, khởi ý đặt mình như ở chỗ cô tịch. Nhằm đạt đến Phật tuệ, khởi chí tọa thiền. Vì ái mộ cõi Phật thanh tịnh, khởi làm việc phước đức.

            Thế đấy, Thiện nam tử! Nếu Bồ Tát lập hội pháp thí như thế, thì vừa là đại thí chủ vừa là phước điền cho tất cả chúng sanh.

            Bạch Thế Tôn! Trưởng giả tử Thiện Đức thưa. Ông Duy Ma Cật thuyết thời pháp ấy, có hai trăm Bà la môn phát tâm vô thượng Bồ Đề. Riêng con cảm thấy tâm mình được cởi mở nhẹ nhàng thanh thoát. Con đảnh lễ dưới chân Ông và cởi xâu chuổi anh lạc giá trị trăm ngàn vàng dâng cúng; nhưng Ông Duy Ma Cật không nhận.

            Sau lời thỉnh cầu, hiến dâng thành khẩn của con, Ông Duy Ma Cật nhận lấy và liền chia làm hai phần. Một phần bố thí cho người hành khất tối hạ cơ cực nhất. Một phần Ông dâng cúng đức Nan Thắng Như Lai. Khi bấy giờ cả chúng hội đều được thấy cõi nước trang nghiêm của đức Nan Thắng. Đồng thời thấy chuỗi anh lạc biến thành bốn trụ cột của một bảo đài. Bốn mặt đài đẹp đẽ trang nghiêm và trong suốt không chướng ngại nhau.

            Ông Duy Ma Cật nói với đại chúng rằng: Một thí chủ bố thí cho người hành khất tối hạ bằng tấm lòng bình đẳng y như cúng dường đấng Như Lai phước điền tối thượng. Cúng dường và bố thí phát xuất từ một bi tâm. Không hy vọng trả ơn không mong cầu phước báu.

            Đó là mô hình của hội pháp thí viên mãn nhất.

            Bạch Thế Tôn! Trưởng giả tử Thiện Đức thưa: Những người hành khất tối hạ thấy thần lực của Ông Duy Ma Cật và nghe thuyết những pháp thậm thâm như thế, họ đều phát tâm hướng về vô thượng Bồ Đề. Vì duyên cớ đó, con không kham lãnh trách nhiệm đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật".

            Nhiều vị Bồ Tát ở trước Phật cùng trình bày những trường hợp bị khiển trách của mình. Tất cả đều từ khước không dám đi thăm bệnh trưởng giả Duy Ma Cật.

TRỰC CHỈ

            Bố thí cúng dường là hạnh thứ nhất trong lục độ Ba la mật.

            Bố thí cúng dường đúng chánh pháp, lợi mình, lợi người, lợi ở hiện tại và tương lai.

            Bố thí cúng dường không đúng chánh pháp có thể đem lại cho mình hậu quả khổ đau đời nầy kiếp nọ. Phật là người trí mới thấy biết hết điều nầy.

            Bố thí cúng dường có hai cách: Một, thí tài. Hai, thí pháp.

            Bố thí tài có hai cách: Một, nội tài. Hai, ngoại tài.

            Nội tài, người tại gia hay xuất gia đều làm được.

            Ngoại tài, để cho vua quan, cư sĩ, cận sự nam, cận sự nữ.

            Cúng dường đồng nghĩa như bố thí. Cúng dường là bố thí cho kẻ bề trên. Bố thí là cúng dường, không phân biệt đối tượng.

            Người thọ lễ cúng dường, kẻ nhận quà bố thí, thực chất đều là "Khất thực", không ai hãnh diện hơn ai.

            Đó là dụng ý thâm sâu của Thế Tôn ta về bài học "Diệt ngã vì vô ngã".

            Tài thí giúp cho người "đở ngặït" chưa giúp được "đỏ nghèo". Yêu cầu "đở khổ" tài thí chẳng gíúp được gì.

            Đạo Phật lấy sự cứu khổ là chánh: Cứu ngặt, cứu nghèo, phần việc đó có vua, quan, cư sĩ...Các nhà khoa học, kỹ thuật, kinh tế gia chăm lo việc xã hội ấy.

            Lập hội pháp thí mới là cứu khổ cho tất cả mọi người trong mọi giai tần xã hội. Lợi ích của pháp thí không có biên giới. Vua. quan, cư sĩ giàu nghèo, sang hèn đều có khổ. Chỉ khác nhau hoàn cảnh và môi trường. Khổ không có ranh giới quá khứ, hiện tại hay tương lai.

            Chỉ có hội pháp thí trong một thời mới có thể cúng dường cho tất cả.

            Người hoàn thành pháp thí hội, vừa là đại thí chủ, vừa là phước điền cho tất cả chúng sanh.

            Người hoàn thành pháp thí hội phải là người làm được những việc sau:

            - Vì vô thượng Bồ Đề, khởi tâm Từ.

            - Vì cứu độ chúng sanh, khởi tâm Bi.

            - Vì hộ trì chánh pháp, khởi tâm Hỉ.

            - Vì sự nghiệp trí tuệ, khởi tâm Xả.

            - Vì độ xan tham, khởi Bố thí ba la mật.

            - Vì độ sai trái của ba nghiệp, khởi Trì giới Ba la mật.

            - Vì độ tánh chấp ngã, khởi Nhẫn nhục Ba la mật.

            - Vì nhận rõ thân tâm như huyễn, khởi Tinh tấn Ba la mật.

            - Vì Bồ Đề, khởi Thiền định Ba la mật.

            - Vì nhất thiết chủng trí, khởi Trí tuệ Ba la mật.

            - Vì giáo hóa chúng sanh, khởi Vạn pháp giai không.

            - Vì đối diện các pháp hữu vi, khởi Chư pháp vô tướng.

            - Vẫn thọ sanh khởi Không vô tác.

            - Vì hoàng dương chánh pháp, khởi nhiều Phương tiện.

            - Vì hóa độ chúng sanh, khởi Tứ nhiếp pháp.

            - Vì biết rõ thân, mệnh, tài như huyễn, khởi tâm ham mộ Pháp thân Bát nhã, giải thoát.

            - Vì tri hành chân lý, khởi Đa văn.

            - Vì giải thoát triền phược, khởi Cô tịch độc hành.

            - Vì Phật trí tuệ, khởi Tọa Thiền...

            Nói tóm lại, những kinh điển Đại thừa khó nghe, khó hiểu, khó tin, khó hành. Mà nghe được, hiểu được, tin được và thực hành được. Từ đó, mình được giác ngộ, giải thoát trước rồi mới truyền bá cho mọi người học tu để cùng được giác ngộ, giải thoát.

            Đó là cách cúng dường ưu việt nhất. "Chư cúng dường trung, pháp cúng dường tối".

            Người cúng chuỗi anh lạc phát xuất từ tâm thanh tịnh vô cầu.

            Người nhận chuỗi, không thấy nhận, thỏa lòng ham muốn.

            Một phần cúng dường người ăn xin tối hạ. Một phần cúng dường đức Nan Thắng Như Lai tối thượng.

            Tuyệt diệu thay! Tinh thần Bình đẳng!

            Năng sở bình đẳng. Cao hạ bình đẳng.

            Do vậy chuỗi anh lạc kết thành bốn cột trụ trong suốt của tòa bảo đài chân lý.

~~oOo~~
Thanh Sơn đánh máy

Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14

 


Vào mạng: 11-12-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang