Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... ..  . ..  .  .
CẨM NANG VIẾT
KHẢO LUẬN, LUẬN VĂN VÀ LUẬN ÁN

CHƯƠNG I
TỔNG LUẬN VỀ NGHIÊN CỨU
(INTRODUCTION TO RESEARCH)

 
I. KHÁI NIỆM NGHIÊN CỨU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Khái Niệm Nghiên Cứu

Về phương diện nghĩa đen, nghiên cứu, theo chữ Hán, là suy xét (cứu) và nghiền ngẫm (nghiên) một vấn đề cho thấu đáo. Trong tiếng Anh, từ “nghiên cứu” là “research.” Bắt nguồn từ tiếng pháp “recerche(r), từ ‘research’ được kết hợp bằng hai thành tố “re” có nghĩa là lập đi lập lại nhiều lần, và “search” có nghĩa là tìm kiếm để phát hiện hay khám phá. Như vậy, ghép hai thành tố lại, từ “reseach” có nghĩa là tìm kiếm nhiều lần để khám phá hay phát hiện ra những điều chưa biết hay những thông tin mới.

Về phương diện của khoa học nghiên cứu, nghiên cứu không chỉ đơn thuần là “hành vi tìm kiếm để phát hiện ra những sự kiện mới hay thêm vào mảng thông tin những điều chưa biết.”[1]  Bởi lẽ, theo giáo sư Phillips và Pugh, nghiên cứu được hiểu như sự phát hiện ra những sự kiện mới và thêm những thông tin chưa biết là định nghĩa của người thường, không phải của khoa học nghiên cứu. Và hơn hết, định nghĩa như vậy có phạm vi vừa quá rộng và quá hẹp.[2] Quá rộng vì nó bao gồm nhiều hoạt động, chẳng hạn như tìm thời giờ cho chuyến xe lửa kế đến Luân-đôn, hay cũng như làm giảm nhiệt độ của hồ bơi, cái mà chúng ta không thể xem là nghiên cứu... Dù là quá rộng, định nghĩa như vậy lại trở nên quá hẹp, bởi lẽ, có rất nhiều nghiên cứu không liên hệ gì đến “phát hiện ra những gì bạn chưa biết,” nhưng lại liên hệ đến “sự phát hiện ra cái mà bạn chưa biết về vấn đề nào đó.”[3]

Thực ra, nghiên cứu là quá trình khảo sát hay thẩm tra một vấn đề, là công trình thí nghiệm đặc biệt, nhằm mục đích khám phá những kiến thức mới hoặc giải thích lại những sự kiện cũ bằng các học thuyết mới hoặc hiệu đính, tu chính những học thuyết, định luật đã có hoặc dựa theo những sự kiện mới tìm được để hình thành nên học thuyết hoàn hảo hơn. Nói đơn giản, nghiên cứu là công trình khảo sát, là nỗ lực tìm kiếm hay khám phá những sự kiện hay thông tin hay kiến thức mới bằng các phương pháp có hệ thống và khoa học về một lãnh vực nghiên cứu nào đó, với mục đích mở rộng hay đào sâu hơn kiến thức về một chủ đề trong lãnh vực đã chọn đó. Nó liên hệ đến việc xử lý tài liệu, khái niệm, biểu tượng với mục đích phổ quát hóa vấn đề đến một tầm mức nào đó, hiệu đính hay kiểm chứng kiến thức.

Ngoài ra, theo giáo sư C. C. Crawford,[4] một nghiên cứu theo đúng nghĩa phải bao gồm chín đặc điểm sau đây:

— Xoay quanh hay đào sâu một vấn đề.

— Liên hệ đến tác phẩm nguyên thủy.

— Nội dung phong phú do thái độ đam mê của người viết.

— Đòi hỏi một khối óc rộng mở.

— Nó dựa trên giả định rằng mọi sự vật đều có qui luật và trật tự của nó.

— Đối tượng của nó là nhằm khám phá các qui luật và tiến đến phổ quát hóa.

— Nó là sự khảo sát về nhân và quả của vấn đề.

— Nó dựa trên các phương pháp đo lường.

— Nó gắn liền với kỹ thuật ý thức.

2. Khái Niệm "Phương Pháp Nghiên Cứu"

Phương pháp nghiên cứu, tiếng Anh gọi là “method of research” hay “research methodology” hay còn được viết gọn bằng một chữ “methodology.” Trước hết, chúng ta cần phân biệt hai phương diện của nghiên cứu, đó là, nội dung và phương pháp.

Nội dung là những gì chúng ta sẽ phải trình bày cho độc giả trí thức. Nó là trọng tâm hay chủ đề chính của công việc nghiên cứu. Phương pháp là cách thức chúng ta giải quyết chủ đề trọng tâm đó. Giữa hai cái, nội dung thuộc về phần chủ não và quan trọng, vì đó là những gì chúng ta sẽ đóng góp kiến thức cho học giới. Phương pháp chỉ là công cụ nên tầm quan trọng của nó chỉ thuộc cấp độ hai, vì nó cũng cần thiết cho việc hỗ trợ nhà nghiên cứu hoàn thành công việc nghiên cứu đúng thời hạn, đạt tiêu chuẩn. Phương pháp phải được lựa chọn ngay sau khi và phải thích hợp với bản chất của nội dung.

Phương pháp bao giờ cũng là phương pháp của một công việc hay cho một vấn đề nào đó. Do vậy, phương pháp sử dụng cho lãnh vực này không thể ứng dụng cho lãnh vực khác. Chẳng hạn như, phương pháp của vật lý, loại phương pháp thực nghiệm trong phòng thí nghiệm, không thể áp dụng cho lãnh vực thuộc khoa học xã hội, như kinh tế học, bộ môn cần dựa vào sự quan sát số lớn các sự kiện khác nhau hoặc thống kê v.v... Như vậy, tiêu chí cho sự toàn hảo về một phương pháp là nhằm đáp ứng các yêu cầu của nội dung. Trong một mức độ nào đó, phương pháp chọn lựa thích hợp sẽ có thể kéo theo chất lượng và giá trị của tác phẩm nghiên cứu, và ngược lại. Chính vì lý do này, nhà nghiên cứu không chỉ lưu ý về những gì được nghiên cứu mà còn về phương pháp hay cách thức giải quyết chúng. Vì thế, tìm hiểu về phương pháp nghiên cứu trở nên cần thiết đối với nhà nghiên cứu.

Trở lại vấn đề, thuật ngữ “methodology” có nghĩa là khoa học phương pháp (the science of method) hay học thuyết nghiên cứu (the theory of research) hay phương pháp nghiên cứu có hệ thống và có khoa học (scientific and systematic method of study). Phương pháp luận nghiên cứu là sự nghiên cứu đặc biệt về các phương pháp được áp dụng trong nghiên cứu. Mục đích của phương pháp luận nghiên cứu một mặt là nhằm nhận dạng các đặc điểm chung và riêng của phương pháp nghiên cứu và mặt khác nhằm xác định phương cách các đặc điểm của phương pháp khác nhau tùy theo bản chất của các ngành, lãnh vực mà chúng trực thuộc.

Nền tảng của sự nghiên cứu, tìm tòi này nằm trong các trường hợp cụ thể của các nghiên cứu đã được thực hiện. Các nghiên cứu đó sẽ cho chúng ta biết được các điểm mạnh cũng như điểm nhược, thành công cũng như thất bại tong việc ứng dụng các phương pháp của những người làm công tác khảo cứu.

Nói tóm lại, trên căn bản, phương pháp nghiên cứu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp chúng ta, từ việc đúc kết các kinh nghiệm xương máu của các nhà nghiên cứu trước, tránh được các thao tác dư thừa trong khi tiến hành và không vấp phải những sai suất trong khi thực hiện.

II. PHÂN LOẠI NGHIÊN CỨU

Dù phương pháp nghiên cứu là đa dạng và các vấn đề hay chủ đề nghiên cứu đã, đang và sẽ được thực hiện là nhiều đến độ không thể tính đếm, loạïi hình nghiên cứu trên bản chất là có giới hạn và có thể được phân thành ba phần chính sau đây:

1. Nghiên Cứu Phân theo Số Người Tham Dự: gồm có

— Nghiên cứu của cá nhân.

— Nghiên cứu của tập thể gồm từ hai người trở lên.

2. Nghiên Cứu Phân theo Địa Điểm Thực Hiện: gồm có

— Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm.

— Nghiên cứu ngoài phòng thí nghiệm.

3. Nghiên Cứu Phân theo Bản Chất hay Mục Đích: gồm có

— Nghiên cứu thuần túy.

— Nghiên cứu ứng dụng.

Trong ba phân loại trên, nghiên cứu phân theo bản chất hay mục đích là quan trọng nhất. Về mối tương quan giữa chúng, bất kỳ một công trình nghiên cứu nào cũng liên hệ đến ba phân loại trên. Một nghiên cứu nào cũng có người thực hiện. Người thực hiện có thể một mình hay có sự cộng tác của một hay nhiều người đồng nghiệp. Kế đến, nghiên cứu đó sẽ thuộc vào một trong hai loại sau đây, ứng dụng hay thuần túy. Và, nếu nó là nghiên cứu ứng dụng thì thường nó sẽ được tiến hành trong phòng thí nghiệm. Nếu nó là nghiên cứu thuần túy thì nó có thể được tiến hành trong hoặc ngoài phòng thí nghiệm tùy theo lãnh vực nghiên cứu. Do đó, ta có thể phân loại tất cả các nghiên cứu thành hai loại hình chính, đó là, nghiên cứu thuần túy và thực dụng.

a) Nghiên cứu thuần túy (pure research): Là các công trình tìm tòi và khám phá kiến thức mới cho một lãnh vực nào đó một cách không vụ lợi, không bị vẩn đục bởi các tính toán liên hệ đến các hình thái sử dụng xã hội, theo đó, các khám phá có thể được đưa vào.[5] Nói cách khác, nghiên cứu thuần túy mang tính cách bất vụ lợi, chỉ nhằm mục đích khám phá và làm cho vấn đề trở nên chân thiện mỹ mà thôi.

b) Nghiên cứu ứng dụng (practical or applied research): Là công trình nghiên cứu của một cá nhân hay tập thể hay của các viện, ban, ngành, công ty kỹ nghệ v.v.. . thực hiện với mục đích nhằm phát minh các sản phẩm mới hay cải tiến các sản phẩm đã có, để phục vụ cho các mục đích xã hội, nhất là kinh tế. Nói cách khác, nghiên cứu ứng dụng là các công trình tìm kiếm và khám phá ra những cái mới, nhắm đến mục đích phục vụ cho các nhu cầu xã hội, để gặt hái các hiệu suất kinh tế.

c) Mối liện hệ giữa chúng: Các nghiên cứu thuần túy, trên thực tế, có thể liên hệ đến các nghiên cứu khoa học thuộc thực dụng hay ứng dụng. Các nghiên cứu thuần túy của ngày hôm qua trở thành các nghiên cứu ứng dụng ngày hôm nay, và rồi chúng có thể trở thành các máy móc, vật dụng hay tiến trình của ngày mai.[6]

III. TIÊU CHUẨN CHUNG VÀ CHUYÊN MÔN CỦA NHÀ NGHIÊN CỨU

Đam mê thuần túy vẫn chưa đủ để trở thành nhà nghiên cứu giỏi. Đam mê có thể giúp bạn thâu thập được kiến thức cần thiết. Để trở thành nhà nghiên cứu giỏi, ngoài kiến thức như điều kiện cần thiết, tức ngoài đam mê, và thông thạo phương pháp làm việc, bạn còn phải hội đủ các tiêu chuẩn chung và riêng sau đây:

1.  Các Tiêu Chuẩn Chung cho Việc Nghiên Cứu

a) Thông thạo về lãnh vực nghiên cứu

Vì nghiên cứu nhằm hướng đến kiến thức chuyên sâu về một lãnh vực quen thuộc, nó đòi hỏi nhà nghiên cứu cần phải có các kiến thức nền tảng về lãnh vực đó. Chỉ khi nào bạn có được các kiến thức nền tảng về một lãnh vực nào đó, bạn mới có thể dễ dàng tiến xa và sâu vào lãnh vực, phát hiện ra những thông tin mới và đóng góp chúng cho học giới. Bằng không, bạn chỉ mãi là người thừa kế hay thừa hưởng thành quả nghiên cứu của các học giả khác mà thôi.

b) Động cơ phát minh

Nhà nghiên cứu phải có thái độ đam mê trong khám phá những thông tin chưa được biết đến. Đam mê khám phá là thái độ, là niềm khao khát nâng cao kiến thức của bản thân. Càng có nhiều đam mê, nhà nghiên cứu càng có nhiều cơ hội phát hiện và đóng góp những kiến thức mới cho một lãnh vực theo đuổi nào đó. Đức tính này cần đượïc phát triển ngay khi bạn bắt đầu vào nghiên cứu và cần được duy trì và phát huy trong suốt thời gian bạn dấn thân vào công tác nghiên cứu.

c) Khả năng tư duy

Để có thể đạt được niềm khát khao của mình, nhà nghiên cứu cần phải có khả năng tư duy và phản ánh một cách logic, có hệ thống và biện chứng. Thường con người có bản năng tư duy và phản ánh. Nhưng bản năng này chỉ được phát triển ở một mức độ nhất định trong những trường hợp tình cờ hay ngẫu nhiên mà chưa được đào luyện để trở thành một phản xạ có điều kiện. Nhà nghiên cứu phải đào luyện chính mình phản xạ phản ánh và tư duy có hệ thống về các vấn đề, nhất là vấn đề đang theo đuổi nghiên cứu.

2. Các Tiêu Chuẩn Chuyên Môn cho Việc Nghiên Cứu

a) Kiến thức về ngôn ngữ nguồn tài liệu

Đây là điều kiện tiên quyết giúp bạn đi sâu vào lãnh vực chuyên ngành. Không có kiến thức về ngôn ngữ chuyên ngành, dù có động cơ tốt, có khả năng tư duy bén nhạy, có kiến thức nhiều, bạn cũng khó có thể bước chân vào con đường phát hiện ra những kiến thức mới. Muốn trở thành chuyên gia về triết học Aán Độ, điều kiện tiên quyết là bạn phải rành ngôn ngữ triết học Aán như Sanskrit gốc (Pure Sanskrit), Sanskrit Phật giáo (Buddhist Hybrid Sanskrit) và Pli. Tương tự, muốn trở thành chuyên gia về triết học phương Tây, bạn phải rành về tiếng Hy-lạp, tiếng La-tinh, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Anh. Kiến thức chuyên môn về ngôn ngữ nguồn tài liệu gốc là chìa khóa đưa bạn đến tiếp cận văn bản gốc, tư duy về văn bản gốc và khám phá chúng. Bằng không, bạn chỉ có thể dựa vào bản dịch hay sử dụng các tài liệu hai về chủ đề mà thôi.

b) Thông thạo về ngôn ngữ báo cáo

Ngôn ngữ báo cáo là ngôn ngữ bạn sử dụng viết công trình nghiên cứu của bạn. Nhà nghiên cứu cần phải thông thạo ngôn ngữ mà mình sẽ phản ánh hay phúc trình công trình nghiên cứu. Không có khả năng diễn đạt chuyên môn và lão luyện về ngôn ngữ báo cáo, nhà nghiên cứu khó có thể thành công trong việc thông tin cho độc giả những khám phá mới của mình. Nhu cầu thông thạo về ngôn ngữ viết không có nghĩa buộc nhà nghiên cứu phải trở thành nhà văn lão luyện, mà chỉ yêu cầu nhà nghiên cứu có khả năng diễn đạt một cách chính xác, rõ ràng ý tưởng của mình. Chỉ có diễn đạt chính xác mới có thể dẫn đến sự đọc hiểu chính xác ở người đọc.

c) Khả năng phân tích

Vì luận án là một trong những hoạt động nghiên cứu cao cấp, ngôn ngữ diễn đạt của nó nên nặng về phân tích hơn là mô tả. Mô tả chỉ dành cho sách giáo khoa và sách thông thường. Ngôn ngữ của luận án phải là ngôn ngữ phân tích. Nhờ phân tích, luận án của bạn mới có sức thuyết phục người đọc về những luận điểm và luận chứng của bạn về một kết luận nào đó. Nói cách khác, “nghiên cứu vượt khỏi mô tả và cần đến phân tích. Nó tìm kiếm sự giải thích, các mối quan hệ, các so sánh đối chiếu, các dự đoán, khả năng phổ quát hoá và tạo dựng học thuyết.”[7]

IV. CÁC LOẠI ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Mặc dù có vô số đề tài nghiên cứu, chúng có thể được phân thành năm loại chính, đó là, @ đề tài dựa vào tác phẩm hay tác giả, @ đề tài dựa vào khái niệm, @ đề tài so sánh, @ đề tài siêu-triết học, và @ đề tài liên ngành.

1. Đề Tài Dựa vào Tác Phẩm hay Tác Giả

(Thinker or Text-Based Topics)

a) Chọn tác phẩm hay tác giả nổi tiếng

Trong trường hợp này, bạn phải tìm ra những vấn đề và góc cạnh còn bỏ dỡ, chưa được khám phá, để làm đề tài nghiên cứu của bạn.

b) Chọn tác phẩm hay tác giả ít được biết đến

Trong trường hợp này, bạn có vô số vấn đề và góc độ để viết và khám phá, do đó, cơ hội đóng góp của bạn cho học giới cũng nhiều hơn.

2. Đề Tài Dựa vào Khái Niệm (Concept-Based Topics)

Đây là đề tài xoay xung quanh một hay vài khái niệm hoặc thậm chí một hệ thống các khái niệm quan trọng, trình bày một hệ thống tư tưởng hay học thuyết. Các khái niệm càng ít được người biết đến sẽ là những khái niệm có nhiều tiềm năng cung cấp học giới các kiến thức mới về lãnh vực đó. Nếu bạn chọn những khái niệm quen thuộc thì phương pháp và nội dung phân tích của các bạn phải khác hơn các nghiên cứu trước đây về cùng một hay nhiều khái niệm.

3. Đề Tài So Sánh (Comparative Topics)

Trong hai loại đề tài trên, loại đầu liên hệ đến văn bản hay tác giả, loại thứ hai liên hệ đến khái niệm (tư tưởng) của một tác giả (nhà tư tưởng) hay của tác phẩm. Cả hai loại này trên thực tế là nền tảng cho các đề tài so sánh. Sự so sánh có thể diễn ra với hai tác giả, hai tác phẩm, hai khái niệm của hai truyền thống khác nhau, và ngay cả của cùng một truyền thống. Có nghĩa là nhà tư tưởng trong truyền thống này có thể được so sánh với nhà tư tưởng thuộc truyền thống khác. Hay hai nhà tư tưởng cùng một truyền thống nhưng có hai học thuyết khác nhau cũng có thể được so sánh trong nghiên cứu. Tương tự, hai hay nhiều văn bản hoặc khái niệm có thể được so sánh với nhau.

Các chủ đề so sánh thường hấp dẫn người đọc nhưng cũng khó hơn các chủ đề không thuộc so sánh. Nhà nghiên cứu phải nắm vững cả hai hệ thống tư tưởng trước khi tiến hành so sánh những điểm giống cũng như khác nhau của chúng. Khi so sánh, nhà nghiên cứu phải thật vô tư và khoa học. Thái độ lấy một ý thức hệ A để làm trọng tâm trong khi đánh giá một ý thức hệ khác hơn mình hay xem hệ tư tưởng A là chân lý và lấy nó làm tiêu chuẩn đánh giá các hệ tư tưởng còn lại, là điều thường dẫn đến các thành kiến và giải thích sai trong nghiên cứu.

4. Đề Tài Siêu-Triết Học (Meta-Philosophical Topics)[8]

Triết học thường khảo cứu hay thảo luận về thực tại, nhận thức và giá trị. Các thảo luận về bản thân triết học được xem là siêu-triết học. Các chủ đề siêu-triết học thường khảo sát về nguồn gốc, tiền giả định, mục đích, phương pháp, kết quả và giới hạn của triết học bằng cách so sánh những thành tựu của các triết gia hay nhà tư tưởng khác nhau.

5. Đề Tài Liên Ngành (Inter-disciplinary Topic)

Là đề tài liên hệ đến ít nhất hai ngành học hay lãnh vực nghiên cứu khác nhau. Ngày nay, nhờ sự phát triển của ngành phương pháp nghiên cứu, chúng ta có thể khảo cứu một đề tài dưới góc độ của các ngành học khác liên hệ. Sự liên hệ chủ đề nghiên cứu đến các lãnh vực khác nhau làm cho nội dung cũng như phương pháp tiếp cận trở nên phong phú và hấp dẫn hơn. Chẳng hạn, giới luật trong đạo Phật có thể được tiếp cận qua nhiều góc độ khác nhau, như tôn giáo học (bằng cách so sánh với các điều răn của các tôn giáo khác), đạo đức học (thuộc triết học) và môi trường học (qua giới không sát sanh, vì không sát sanh bao gồm không phá hủy sinh thái của con người và các loại động vật).

V. CÁC PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong nghiên cứu có vô số vấn đề cần phải khảo sát. Để giải quyết các vấn đề khác nhau này, nhà nghiên cứu cần vận dụng các phương pháp nghiên cứu khác nhau. Chỉ khi nào, phương pháp nghiên cứu được chọn lựa một cách thích hợp với đề tài thì công trình nghiên cứu mới có thể đem lại những thành quả như mong đợi. Trong phần này, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về các phương pháp thông dụng trong các nghiên cứu thuộc khoa học xã hội.

1. Phương Pháp Chất Lượng (Qualitative Method)

Trong phương pháp này, trước nhất nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu rồi sau đó tiến hành phân tích chúng. Trên nền tảng này, nhà nghiên cứu công bố các thông tin sự kiện cho xã hội. Nói khác hơn, trong phương pháp này, trước nhất nhà nghiên cứu chọn lựa các cá thể rồi nghiên cứu triệt để các cá thể đó. Sự quan sát được tiến hành từ các sự kiện, rồi kế đến là tiến hành phỏng vấn quần chúng, sau cùng trên nền tảng này, nhà nghiên cứu rút ra kết luận.

2. Phương Pháp Số Lượng (Quantitative Method)

Phương pháp này còn được biết đến với tên gọi phương pháp thống kê. Trong phương pháp này, các dữ liệu được đo lường, và chỉ có các đơn vị được chọn lọc là được đo lường mà thôi. Phương pháp này giúp nhà nghiên cứu loại trừ được yếu tố chủ quan ra khỏi phạm vi nghiên cứu. Hạn chế của phương pháp này là bỏ lơ việc cân nhắc chất lượng của các đơn vị được tiến hành, và chỉ đề cập đến số liệu chứ không đến nguyên nhân.

3. Phương Pháp Nghiên Cứu Hiện Trường (Field Study Method)

Đây là phương pháp nghiên cứu đòi hỏi sự dấn thân của nhà nghiên cứu ở hiện trường. Nghĩa là, nhà nghiên cứu phải đích thân tham gia hay tham quan từng hiện trường một để quan sát và đúc kết dữ liệu. Phương pháp này rất thích hợp cho những nghiên cứu có chủ đề liên hệ đến tài liệu nguyên thủy. Khó khăn của phương pháp này là thời gian, tài chánh và khí hậu, những trở ngại đôi lúc làm nhà nghiên cứu phải bỏ cuộc nửa đường.

4. Phương Pháp Thực Nghiệm (Experimental Method)

Phương pháp này được tiến hành bằng những thực nghiệm trong những tình huống có thể kiểm soát được (controlled situations) và thường chỉ ứng dụng cho các ngành khoa học tự nhiên. Trong nghiên cứu xã hội, phương pháp này có phạm vi rất hạn chế, bởi vì các cá nhân, tánh khí và hành vi ứng xử của họ, phương pháp tiếp cận vấn đề và thái độ đối với người khác dễ dàng thay đổi nhanh chóng. Phương pháp này có tên khác là phương pháp thí nghiệm (laboratory method).

5. Phương Pháp Khảo Sát (Survey Method)

Khác với phương pháp thực nghiệm, phương pháp này không cần đến tình huống có thể kiểm soát được. Trong phương pháp này, nhà nghiên cứu phải đến từng hiện trường để tiến hành khảo sát. Phạm vi khảo sát của phương phướng này là không hạn định. Nhà nghiên cứu phải chịu trách nhiệm về việc hình thành giả thuyết và đúc kết kết luận trên nền tảng những gì được khảo sát. Cái khó của phương pháp này không phải là khảo cứu các hiện tượng hay vấn đề xã hội mà là con người.

6. Phương Pháp So Sánh (Comparative Method)

Trong nghiên cứu xã hội, phương pháp này đóng vai trò khá quan trọng. Phương pháp này nhằm tiến hành việc so sánh sự hình thành, phát triển cũng như những điểm tương đồng và dị biệt của các cá thể hay phổ quát trong cùng một bối cảnh hay khác bối cảnh của cùng một hay khác xã hội. Phương pháp này giúp xác định các vấn đề của các xã hội khác nhau, để nhằm khắc phục và hỗ trợ cho sự phát triển của cộng đồng.

7. Phương Pháp Phỏng Vấn (Interview Method)

Đây là phương pháp cung cấp nhiều dữ liệu sống đáng tin cậy nhất. Dữ liệu được đúc kết của phương pháp này thường bắt nguồn từ những tình huống trao đổi với từng hay nhiều nhân vật khác nhau để đi đến một kết luận. Khó khăn của phương pháp này là nhà nghiên cứu không dễ gì có được nhiều cơ hội cần thiết để tiếp xúc và phỏng vấn nhiều đối tượng, đảng phái khác nhau. Kế đến nữa là các thông tin truyền miệng như vậy đôi lúc khó chính xác và khó đạt được mức độ thấu đáo của vấn đề.

8. Phương Pháp Bảng Câu Hỏi (Questionnaire Method)

Phương pháp này đưa ra nhiều câu hỏi và nhằm đạt được các câu trả lời thuận hay nghịch, tích cực hay tiêu cực, có hay không (Positive or negative). Người khảo cứu phải liệt kê tất cả những câu hỏi cần thiết cho từng vấn đề, rồi tiến hành phân phối cho nhiều đối tượng và cá thể khác nhau. Dựa trên nền tảng của những dữ liệu trả lời, nhà nghiên cứu đúc kết kết luận cho một vấn đề nghiên cứu. Phương pháp này có điểm nhược là chưa chắc người trả lời đã nghiêm túc trình bày ý kiến của mình. Kế đến, chưa hẳn người tiến hành hỏi và đúc kết cũng có được thái độ giải thích khách quan cần thiết.

9. Phương Pháp Nghiên Cứu Tiêu Biểu (Case Study Method)

Đây là phương pháp nghiên cứu chuyên về một nhân vật, một gia đình, một cộng đồng, một quốc gia, một xã hội được xem như là trường hợp tiêu biểu nhất. Phương pháp này giúp tổ chức các dữ liệu xã hội và duy trì tính hợp nhất của chủ thể được nghiên cứu. Lỗ hỏng của phương pháp này là nếu trường hợp điển hình không được nghiên cứu thấu đáo thì việc loại suy hay ứng dụng cho các trường hợp còn lại sẽ rơi vào sai lầm nghiêm trọng.

10. Phương Pháp Phân Tích (Analytical Method)

Theo phương pháp này, nhà nghiên cứu giả định các mẫu lý tưởng nhất định đang hiện hữu trong xã hội rồi tiến hành hoặc phủ định hay xác chứng các giả định đó. Khó khăn của phương pháp này là cái gọi là “mẫu lý tưởng xã hội” không thống nhất trong một xã hội, và hơn nữa, nó khác nhau từ xã hội này sang xã hội khác. Kế đến là, cùng chung một tình huống lý tưởng, thường hai nhà nghiên cứu khác nhau có thể đúc kết thành hai kết luận khác nhau.

11. Phương Pháp Liên Ngành (Inter-Disciplinary Method)

Dưới lăng kính nghiên cứu, các vấn đề liên hệ mật thiết với nhau. Chính vì thế, một nghiên cứu có ý nghĩa chỉ có thể được tiến hành khi có nhiều đối tượng tác giả thuộc các lãnh vực khác nhau hợp tác để tìm giải pháp của một vấn đề. Phương pháp này đưa ra tất cả các nguyên nhân hay giả thuyết có thể có từ một vấn đề rồi suy nghiệm nên ứng dụng cách thức nào để giải quyết vấn đề có hiệu quả nhất. Phương pháp này hay nhưng khó thực hiện vì nó đòi hỏi sự tập hợp nhiều chuyên gia của nhiều lãnh vực hay một kiến thức bao quát để tìm giải pháp hiệu quả nhất cho một vấn đề.

Nói tóm lại, mỗi phương pháp có những ưu khuyết điểm của nó. Tùy theo đối tượng, loại hình, tính chất của vấn đề và mục đích phục vụ, bạn nên chọn phương pháp nghiên cứu thích hợp nhất cho đề tài của riêng mình, để tránh những khuyết điểm có thể có và đạt được thành quả nghiên cứu như mong đợi.

VI. NGUỒN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

1. Dẫn Nhập

Tài liệu là công cụ duy nhất giúp nhà nghiên cứu tiến hành công việc nghiên cứu của mình. Không có tài liệu thì dù có đầu óc vĩ đại cỡ nào đi nữa, nhà nghiên cứu cũng khó có thể cho ra đời các sáng tác tầm vóc và có giá trị siêu thời gian.

Nguồn tài liệu nghiên cứu có thể bao gồm các loại ấn phẩm, sách vở, báo chí, tự điển các loại (song ngữ, thuật ngữ, đối chiếu, chuyên ngành, bách khoa), ấn phẩm của chính phủ, các bài giảng thuyết, phỏng vấn, băng từ, phim ảnh, bảng biểu đồ, dữ liệu vi tính (đĩa CD hoặc đĩa floppy) và ngay cả các tư liệu chưa xuất bản hay chỉ lưu hành nội bộ.

2. Tầm Quan Trọng của Tài Liệu

— Nhà nghiên cứu có thể học hỏi kinh nghiệm phát hiện thông tin, cách sử lý thông tin đó của các tác giả trước.

— Nhà nghiên cứu có thể tiết kiệm thời giờ trong việc tìm kiếm tài liệu đã được phát hiện.

— Nhà nghiên cứu có thể phát kiến nhiều tư tưởng mới mẻ và nguyên thủy do sử dụng tài liệu hay.

— Giúp tác giả có cơ sở đặt giả thuyết, tiến xa các luận điểm và xác định các bằng chứng.

3. Phân Loại Nguồn Tài Liệu

Toàn bộ các tài liệu dù dưới hình thức đã xuất bản hay chưa xuất bản được chia thành ba nguồn chính sau đây.

a) Nguồn Tài Liệu Gốc (Primary Sources)[9]

Định nghĩa

Nguồn tài liệu gốc là tất cả sáng tác thuộc nguyên thủy (first-hand accounts) của một tác giả nào đó.

Phân loại

Nguồn tài liệu gốc có thể bao gồm các sáng tác nguyên thủy sau đây:

— Sách nguyên thủy (books).

Luận án (theses and dissertations).

— Chuyên khảo (monographs).

— Bài nghiên cứu trong tạp chí (articles in journals and magazines).

— Thư từ (letters), nhật ký (diaries), hồi ký (memoirs), bút ký nhân chứng (eyewitness accounts).

— Kịch (plays), thơ ca (poems), tiểu thuyết (novels), tự truyện (autobiographies).

— Tài liệu phỏng vấn (interviews) và bảng câu hỏi (questionnaires), khảo cứu thống kê (statistical investigations).

— Cáo loại báo cáo và phúc trình (personal reports, reports of government agencies, annual reports).

— Các loại biên bản (minutes or proceedings).

— Lời khai hay bản chứng nhận (court testimonies).

Công báo (informations and notices), văn kiện (documents), diễn văn (lectures) thông điệp của các cơ quan và tổ chức (messages).

Chức năng và yêu cầu

— Về phương diện tham khảo, nguồn tài liệu gốc là đáng tin cậy nhất. Càng tiếp xúc và sử dụng nguồn tài liệu gốc nhiều, nhà nghiên cứu càng có cơ hội đóng góp nhiều khám phá mới cho học giới về lãnh vực nghiên cứu đã chọn.

— Để có thể sử dụng nhiều tài liệu gốc, nhà nghiên cứu cần có kiến thức rộng về ngôn ngữ gốc của loại tài liệu này. Nghĩa là, nhà nghiên cứu phải thông thạo nhiều cổ ngữ liên hệ đến lãnh vực nguyên cứu nguyên thủy của mình.

b) Nguồn tài liệu hai (Secondary sources)

Định nghĩa

Nguồn tài liệu hai bao gồm các sáng tác dựa trên tài liệu gốc, viết về tài liệu gốc hoặc các bản dịch khác nhau về tài liệu gốc.

Phân loại

Nguồn tài liệu hai bao gồm tất cả các sáng tác không thuộc nguyên thủy như sau đây:

— Các bản dịch (translations).

— Các bản sớ giải hay chú thích (commentaries).

— Các bản tóm tắt (summaries).

— Các mục hay tạp chí điểm sách (reviews of books or researches).

— Từ điển bách khoa (encyclopedias).

— Các tạp chí hay sách tóm tắt tác phẩm (abstracts).

— Các đánh giá (evaluations).

— Các sách hướng dẫn (guide books).

— Các ấn bản chứa các thông tin về sự kiện (factual informations).

Chức năng

— Về phương diện tham khảo, nguồn tài liệu hai không đáng tin cậy lắm vì có nhiều khả năng sai lầm về cách tiếp cận, cách hiểu và cách giải thích.

— Do vì nó là nguồn tài liệu không hoàn hảo lắm, nhà nghiên cứu nên sử dụng càng ít càng tốt, và nhất là chỉ sử dụng khi không thể tìm ra nguồn tài liệu gốc, hoặc chỉ để tham khảo tư tưởng thuần túy.

c) Nguồn tài liệu ba (Tertiary sources)

Định nghĩa

Nguồn tài liệu ba bao gồm tất cả các sáng tác dựa trên nguồn tài liệu hai.

Phân loại

— Các loại sách giáo khoa.

— Các loại sách tương tự.

Các loại xã luận trên báo, đài.

Chức năng

— Các tài liệu có thể cung cấp cho người đọc cái nhìn tổng quát hay bản tóm lược chính xác về một chủ đề nào đó.

— Có một số sách giáo khoa có tiêu chuẩn của một sách nghiên cứu tầm vóc, cho nên nó vẫn được xem là các tác phẩm tham khảo thẩm quyền trong trường hợp này.

— Tuy nhiên, bạn nên hạn chế tối đa việc sử dụng các tài liệu này trong các trích dẫn của bạn.  Ngoại trừ, trong trường hợp nguồn tài liệu gốc đã mất hoàn toàn hoặc không thể tham khảo được, bạn phải dựa chính yếu nghiên cứu của bạn vào nguồn tài liệu hai, lúc ấy bạn phải chấp nhận sử dụng đến nguồn tài liệu thứ ba này.

VII. TIẾN TRÌNH NGHIÊN CỨU[10]

Tiến trình nghiên cứu, còn được gọi là các giai đoạn quản trị của một công trình nghiên cứu, có thể được chia thành ba giai đoạn chính, đó là, giai đoạn chọn lựa và sưu tầm, giai đoạn tổ chức và giai đoạn trình bày.

Chọn lựa và sưu tầm bao gồm trước nhất là chọn lựa đề tài nghiên cứu thích hợp và tiến hành thu thập các dữ liệu làm nền tảng cho bài khảo cứu hay luận án. Tổ chức là công việc đặt tất cả tài liệu trong mối tương quan có ý nghĩa. Trình bày là việc chuyển các tài liệu đã được tổ chức thành một tác phẩm hoàn chỉnh.

Ba giai đoạn này tương quan mật thiết với nhau, và do đó, nếu thiếu một trong ba, công tác khảo cứu không thể mang lại kết quả như mong đợi.

1. Chọn Lựa và Sưu Tầm

— Đề tài chọn lựa phải được cân nhắc kỹ lưỡng dưới các tiêu chí sau đây: chủ đề mới mẻ và có giới hạn, có người hướng dẫn, thuộc về sở thích và sở trường, đủ khả năng xử lý, có đủ tài liệu và phương tiện nghiên cứu, có tiềm năng đóng góp cho học giới và nhà nghiên cứu có thể hoàn thành trong thời gian ấn định.

— Các nguồn tài liệu gốc và hai phải tương đối đầy đủ. Người nghiên cứu phải xác định được xuất xứ của nguồn tài liệu và hiện chúng được tàng trữ ở thư viện nào, và nếu muốn mua để làm tài liệu riêng thì có thể mua ở đâu.

— Người nghiên cứu không chỉ tư duy về đề tài của mình mà còn phải nghĩ đến đáp án giả định (provitional solution) hay các giả thuyết (hypothesis). Giả thuyết, như tên gọi của nó trong tiếng Anh, là cái ít hơn (hypo-) một kết luận đã hình thành (thesis). như vậy, giả thuyết cũng là kết luận hay giải pháp giả định cho vấn đề của luận án. Giả thuyết mặc dù chỉ là các giải pháp giả định nhưng lại là tiêu chí chuẩn mực cho việc sưu tầm tài liệu thích hợp.

Các sự kiện hay dữ liệu được thu thập cần xác chứng giả thuyết đưa ra. Nếu không, nhà nghiên cứu phải thay thế giả thuyết đó bằng một giả thuyết hoàn chỉnh và khả thi hơn.

2. Tổ Chức Tài Liệu

— Sau khi đã thoả mãn về số lượng tài liệu sưu tập, nhà nghiên cứu cần chuyển hướng đầu tư từ chọn lọc và sưu tầm sang mối tương quan đa phương của chúng. Các tài liệu cần thêm thì phải tìm cho ra để bổ sung cho thích đáng với cấu trúc của nhu cầu tổ chức.

— Người nghiên cứu tiến hành phân bổ thời giờ cho các phương diện chính của vấn đề bằng cách đọc tất cả các tài liệu liên hệ đến chúng rồi tiến hành xử lý chúng trong một cấu trúc ghi chép có logic, phê bình và phân tích.

Các vấn đề của bài khảo luận hay luận án được trình bày trước nhất bằng các phán đoán (statements and judgements) về những sự kiện chưa được biết tới trong văn học của lãnh vực, hơn là chỉ mô tả chúng (description). Các phán đoán này phải được trình bày bằng phong cách phê bình có logic (logically critical) và được hỗ trợ bằng nhiều luận điểm (arguments) thích hợp.

— Các giả thuyết và luận điểm phải thống nhất, không mâu thuẫn nhau để đi đến một kết luận, được xem như kết quả giả định của luận án. Để kết quả giả định này vững vàng và thuyết phục người đọc, nhà nghiên cứu phải liên hệ chặt chẽ kết cấu của các chương trong một tổng thể không thể phân cách và nhằm cùng một mục đích cung ứng những luận chứng cho giải pháp nêu ở kết luận đó.

3. Trình Bày

a. Phần dẫn nhập

Bao gồm trang bìa (cover-page), trang để trống (blank page), trang tựa đề (title-page), trang xác nhận của giáo sư hướng dẫn và giáo sư trưởng bộ môn (certificate), trang tuyên bố của nghiên cứu sinh (declaration), lời đầu sách (preface), lời cảm ơn (acknowledgements), mục lục (table of contents), bảng liệt kê các bảng biểu, hình ảnh minh họa, nếu có (list of tables, figures and illustrations or plates) và bảng viết tắt (abbreviations).

b. Phần văn bản (Texts)

Bao gồm chương dẫn nhập (introduction), các chương nội dung và chương kết luận hay tóm tắt (conclusion or summary).

c. Phần tham khảo (References)

Bao gồm phụ chú (appendixes), bảng chú giải thuật ngữ hay thuật ngữ đối chiếu (glossaries), thư mục tham khảo (bibliography) và bảng chú dẫn mục từ  (indexes).

Lưu ý: Phần trình bày nêu trên ứng dụng cho công trình nghiên cứu thuộc luận văn hay luận án. Đối với bài khảo luận thông thường, các chi tiết nêu trên không cần thiết lắm, mà chỉ cần bao gồm bốn phần, đó là, phần dẫn nhập, phần thân bài, phần kết luận và tài liệu tham khảo.

VIII. CÁC THÀNH PHẨM NGHIÊN CỨU

Nếu nghiên cứu là một công trình thì thành quả của nó được xem là thành phẩm nghiên cứu. Thành phẩm nghiên cứu thường được trình bày dưới hình thức các tập phúc trình. Tùy theo bản chất, loại hình cũng như chiều dài hay số trang của các tập phúc trình này, mà các thành phẩm nghiên cứu đó được phân biệt và gọi bằng các tên gọi khác nhau, như biên khảo, tiểu luận, bài khảo luận, chuyên khảo, luận văn và luận án.

1. Biên Khảo (Writings)

Là thuật ngữ chỉ chung cho các thành phẩm nghiên cứu không mang tính chất học đường, không mang tính cách thi cử hay đệ trình để được cấp văn bằng hay chứng chỉ. Biên khảo là bài nghiên cứu hay biên khảo nói chung nhằm công bố, cung cấp hay phổ biến kiến thức về một vấn đề nào đó.

Vì không mang tính cách học đường và là dạng khảo cứu nói chung, biên khảo không có giới hạn về số trang và phạm vi nghiên cứu. Nó có thể là một bài viết về một vấn đề trong vài trang và cũng có thể là một quyển sách gồm nhiều vấn đề và lãnh vực khác nhau, dày đến vài ngàn trang.

2. Bài Luận Văn (Essays)

Là các bài viết ngắn (essays) của các sinh viên ở cấp cử nhân và cao học. Nó  chỉ là bài viết ngắn trong một học phần của một cấp học nào đó. Số trang của bài luận văn thường có giới hạn trong vòng 20 trang trở lại. Bài luận văn là thành phẩm nghiên cứu nhỏ nhất trong các thành phẩm nghiên cứu mang tính học đường.

3. Bài Khảo Luận (Writen Assignments)

Là thuật ngữ chỉ cho các thành phẩm nghiên cứu mang tính học đường. Nó có thể là một bài nghiên cứu bắt buộc trong một học phần của một cấp học nào đó như essay hoặc cũng có thể là các bài nghiên cứu thuần túy (research paper) hoặc là bài nghiên cứu bắt buộc giữa hay cuối một học kỳ (term paper) của một khóa học nhất định. Số trang của bài khảo luận thường nằm trong giới hạn 50 trang trở lại.

4. Chuyên Khảo (Monograph)

Chuyên khảo là khảo cứu chuyên về một chủ đề hay một lãnh vực nào đó. Đây là bài nghiên cứu chuyên ngành không giới hạn số trang. Nó có thể là bài khảo cứu chuyên ngành cho mục đích học đường nhưng cũng có thể cho các mục đích nghiên cứu thuần túy.

5. Luận Văn Cử Nhân  (Graduation Treatise)

Còn được gọi bằng các tên khác nhau như luận văn tốt nghiệp, luận văn tốt nghiệp cử nhân hay tiểu luận tốt nghiệp. Luận văn cử nhân là một tập luận án nhỏ về phạm vi và chiều sâu của vấn đề và nhỏ về lượng (tức trong vòng 100 trang trở lại). Thời gian tiến hành cho luận văn cử nhân thường từ một tháng đến ba tháng, tùy theo trường đại học. Luận văn cử nhân thường được tiến hành vài tháng trước khi kết thúc năm học cuối. Đề tài luận văn tốt nghiệp thường do sinh viên tự chọn với sự cố vấn của giáo sư hướng dẫn. Vì số trang và thời gian có giới hạn, sinh viên nên chọn những đề tài hẹp về phạm vi để có dịp chuyên sâu vào một vấn đề hơn là chọn các đề tài rộng.

6. Luận Án (Dissertation / Thesis)

Luận án là thành phẩm nghiên cứu cao cấp của các cấp học từ cao học trở lên. Luận án có ba loại, đó là, luận án cao học, luận án phó tiến sĩ và luận án tiến sĩ. Luận án phó tiến sĩ chỉ có ở những nước chịu ảnh hưởng hệ thống giáo dục Anh và Liên-xô.

Trên căn bản, luận án cũng là tập phúc trình kết quả của một công trình nghiên cứu nguyên thủy về một chủ đề nào đó. Đề tài của luận án thường phải mới và có tiềm năng đóng góp những thông tin hay kiến thức mới mẻ cho lãnh vực nó trực thuộc, hay ít nhất trình bày những học thuyết mới từ những vấn đề cũ.

Từ luận án của tiếng Việt được sử dụng đồng nghĩa vói hai từ ‘dissertation’ và ‘thesis’ trong tiếng Anh. Thesis dissertation được sử dụng đồng nghĩa trong hệ thống giáo dục Mỹ,[11] để chỉ cho luận án cao học và tiến sĩ, và ngược lại. Trong hệ thống giáo dục Anh, thesis thường được sử dụng cho luận án tiến sĩ, trong khi dissertation được sử dụng cho luận án cao học (đối với một số bộ môn)[12] hay luận án phó tiến sĩ mà thôi.

Về thời hạn qui định, thời gian tối thiểu hay sớm nhất cho một luận án cao học hay phó tiến sĩ được nộp để được xét duyệt và cấp văn bằng là ba tháng hay sáu tháng tùy theo trường; trong khi đối với luận án tiến sĩ là hai năm. Thời hạn trễ nhất phải nộp luận án tiến sĩ là năm năm theo hệ thống Anh, là mười năm theo hệ thống Mỹ,[13] mặc dù có một số trường ấn định tối đa là ba năm, và một số trường khác lại cho gia hạn thêm một hai năm nữa, sau khi đã hết thời hạn ấn định.

Về hình thức, luận án có số trang nhiều hơn các bài khảo cứu, khảo luận, tiểu luận và luận văn cử nhân. Mặc dù không có qui định bắt buộc về số trang tối thiểu của luận án, các luận án thường có số trang tối thiểu là 150 trang hay nhiều hơn. Có nhiều luận án dày hơn 500 trang khổ A-4. Tốt nhất, bạn nên theo qui định mặc ước hay truyền thống của trường mà bạn đăng ký học, để tránh những trường hợp phải cắt ngắn hay viết thêm sau khi luận án đã hoàn tất.


[1] The Oxford Advanced Learner’s Dictionary of Current English. (London: Oxford University Press, 1980), p. 855.

[2] Estelle M. Phillips and D. S. Pugh., How to Get a Ph. D., a Handbook for Students and Their Supervisors. (Delhi: UBSPD, 1996), p. 41.

[3] Ibid.

[4] Xem chi tiết của phần luận chứng này ở C. C. Crawford., The Technique of Research in Education. (Boston: Houghton Mifflin Company, 1928), chs. 1-2.

[5] S. K. Das., An Introduction to Rersearch. (Calcutta, Delhi: A. Mukherjee & Co. Pvt. Ltd., 1986), p. 3.

[6] Xem chi tiết luận điểm này ở tác phẩm của Roger Burlingame., Inventors Behind the Inventor. (New York: 1947), chs. 3-5.

[7] E. M. Phillips and D. S. Pugh., op. cit., p. 42.

[8] T. P. Ramachadra., The Method of Research in Philosophy. (Madrass: Radhakrishnan Institute for Advanced Study in Philosophy, University of Madrass, 1984), pp. 12-3.

[9] Xem thêm phần VI. A. của chương “Thư mục tham khảo.”

[10] Chi tiết của phần này được trình bày ở chương “Tiến trình soạn thảo bài khảo luận, luận văn và luận án.”

[11] Xem Janathan Anderson., Thesis and Assignment Writing. (Delhi: Wiley Eastern Pvt. Ltd., 1971), pp. 4-5; tương tự xem S. K. Das., An Introduction to Rersearch. (Calcutta, Delhi: A. Mukherjee & Co. Pvt. Ltd., 1986), p. 4.

[12] Theo hệ thống giáo dục Anh, từ cấp cao học trở xuống, thông thường sinh viên không phải làm luận án cuối khóa mà chỉ thi viết thôi. Trong một số trường theo hệ thống này, luận án cuối khóa được áp dụng cho  một số bộ môn như ngôn ngữ học, luật học, giáo dục học, y khoa v.v…

[13] E. M. Phillips and D. S. Pugh., Op. Cit., p. 122.

-oOo-

Lời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | Sách tham khảo

 


Vào mạng: 20-10-2001

Trở về mục "Tham khảo"

Đầu trang