Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... ..  . ..  .  .
CẨM NANG VIẾT
KHẢO LUẬN, LUẬN VĂN VÀ LUẬN ÁN

CHƯƠNG VIII
THƯ MỤC THAM KHẢO
(BIBLIOGRAPHY)

I. ĐỊNH NGHĨA THƯ MỤC THAM KHẢO

Thư mục hay thư tịch tham khảo (Bibliography) là bản liệt kê danh sách các tài liệu tham khảo trong bài khảo cứu, tác phẩm, sách, luận văn tốt nghiệp hay luận án. Thư mục tham khảo là sự mô tả có hệ thống về toàn bộ hay lịch sử ấn bản về một đề tài nghiên cứu nào đó bao gồm các chi tiết tên tác giả, tựa đề tác phẩm, (tên dịch giả nếu có) nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản hay tái bản của các tác phẩm tham khảo. Nó chủ yếu đề cập đến các nguồn gốc thông tin về sách tham khảo, và là bản liệt kê có hệ thống danh sách các tài liệu có cùng tính chất hay chung đặc điểm, chẳng hạn như cùng chủ đề hay cùng tác giả. Thư mục tham khảo còn được gọi bằng các tên khác nhau như “Thư mục trích dẫn” (Works cited hay List of Works cited), “Sách tham khảo” (Reference hay List of Reference), “Thư mục chọn lọc” (Select Bibliography) hay “Tham khảo chọn lọc” (Select Reference).

Thư mục tham khảo có thể bao gồm sách vở, báo chí, tự điển các loại (song ngữ, thuật ngữ, đối chiếu, chuyên ngành, bách khoa..), ấn phẩm của chính phủ, các bài giảng thuyết, phỏng vấn, băng từ, phim ảnh, bảng biểu đồ, dữ liệu vi tính và ngay cả các tư liệu chưa xuất bản hay lưu hành nội bộ.

Thư mục tham khảo còn có thể được định nghĩa như một nghệ thuật khám phá thông tin về sách vở và truyền bá thông tin đó cho người đọc, hay sự tập hợp thông tin về sách vở và tài liệu liên hệ đến một chủ đề, lãnh vực, con người, sự việc và thời kỳ nào đó.

II. TẦM QUAN TRỌNG CỦA THƯ MỤC THAM KHẢO

1)     Nhờ sự hỗ trợ của thư mục tham khảo, công việc chọn lựa và sưu tập sách trở nên dễ dàng, nhanh chóng và hiệu quả hơn.

2)     Thư mục tham khảo giúp người đọc biết rõ về nguồn ra đời của lịch sử đề tài của một nước hay của một ngôn ngữ nào đó.

3)     Thư mục tham khảo giúp nhà nghiên cứu nâng cao thành quả nghiên cứu của mình bằng cách tiết kiệm được thời giờ trong việc tự tìm kiếm những nguồn tài liệu tham khảo mà các nhà nghiên cứu trước đã dày công đọc, phát hiện và giới thiệu.

4)     Thư mục tham khảo còn làm cho chúng ta trở nên thích thú hơn trong việc tìm hiểu và biết được văn minh và văn hóa của một nước, một dân tộc bằng cách ghi chép và lưu trữ các tài liệu văn học.

III. CHỨC NĂNG CỦA THƯ MỤC THAM KHẢO

1)     Hỗ trợ đắc lực cho người nghiên cứu và người đọc có thể truy nguyên, đối chiếu hoặc thâm cứu về các chú thích trong cước chú hay hậu chú của tác phẩm có thư mục tham khảo.

2)     Giúp cho nhà nghiên cứu biết rõ các xuất bản hay tái bản khác nhau về một đề tài nghiên cứu nào đó không chỉ trong phạm vi của một nước mà còn ở khắp nơi trên thế giới.

3)           Cung cấp cho người đọc các chi tiết về tên tác giả, tựa đề tác phẩm, nơi XB, tên NXB, năm XB hay tái bản của các tác phẩm.

4)     Đánh giá nguồn tài liệu hay thông tin đã được nêu trong một trật tự để giúp nhà nghiên cứu giới hạn trong việc truy tìm tài liệu liên hệ.

5)     Cung cấp thông tin về lịch sử đề tài nghiên cứu từ trước đến giờ để giúp nhà nghiên cứu xác định hướng và giới hạn phạm vi nghiên cứu của mình.

6)     Cung cấp thông tin về tài liệu nghiên cứu và nhất là cung cấp dữ liệu cho việc nghiên cứu và đánh giá văn bản.

7)     Giúp nhà nghiên cứu tìm chọn hoặc mua sách chuyên ngành hay cùng lãnh vực đang nghiên cứu hay các lãnh vực liên hệ một cách nhanh chóng và hiệu quả.

IV. SỰ KHÁC NHAU GIỮA THƯ MỤC THAM KHẢO VÀ CƯỚC CHÚ

1. Về trật tự tên tác giả

Nếu tác giả là người Âu Mỹ: Trong thư mục tham khảo, họ tác giả đặt trước, kế đến là tên và chữ lót, trong khi đó trong cước chú, tên tác giả đặt trước, kế đến là chữ lót và họ. Nếu tác giả là người Việt Nam thì không có sự khác nhau về cách trình bày: họ-chữ lót-tên.

Thư mục: Warder, A. K., Indian Buddhism (Delhi: Motilal Banarsidass, 1991).

Cước chú: A. K. Warder., Indian Buddhism (Delhi: Motilal Banarsidass, 1991).

2. Về các Chi Tiết của Tác Phẩm

Đối với cước chú, tên tác phẩm có thể viết tắt,[1] nơi XB, nhà XB và năm XB có thể tỉnh lược trong một số trường hợp, trong khi đối với thư mục tham khảo, các chi tiết này phải ghi đầy đủ trong mọi trường hợp.

3. Về Mục Đích

Cước chú nhằm xác định xuất xứ của tài liệu trích dẫn trong khi thư mục tham khảo nhằm cung cấp cho người đọc đầy đủ chi tiết về nguồn tài liệu để tham khảo, truy cứu, khi cần thiết.

V. CÁC QUI ĐỊNH CĂN BẢN VỀ THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Về Vị Trí

Thư mục tham khảo thường được đặt trước phần phụ lục hay phụ bản và ngay sau chương cuối cùng hay trang cuối cùng của một tác phẩm, sách, luận văn, luận án hay bài khảo cứu.

2. Về Cách Trình Bày

Tiêu đề “THƯ MỤC THAM KHẢO” phải được viết bằng chữ in hoa ở chính giữa hàng đầu tiên của trang đầu tiên của mục này. Không cần gạch dưới hay chấm câu cho tiêu đề thư mục tham khảo.

3. Về Trật Tự

Thư mục tham khảo phải được xếp theo thứ thự mẫu tự của tên tác giả (đối với thư mục tên tác giả) hoặc tựa đề tác phẩm (đối với thư mục tên tác phẩm hay tài liệu gốc thuộc kinh điển của các tôn giáo).

4. Về Nội Dung

Thư mục tham khảo phải bao gồm các chi tiết tên tác giả, tựa đề tác phẩm nguyên tác, (người dịch hay xuất bản, tựa đề bản dịch nếu có), nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản hay tái bản và giới hạn số chương, mục, trang, đối với các bài nghiên cứu trong bách khoa hay tạp chí.

5.  Về Phép Viết Hoa và Nghiêng

a) Viết hoa toàn bộ tên họ tác giả, Nơi XB, Nhà XB.

b) Viết hoa tên tác phẩm, ngoại trừ các liên từ, giới từ, mạo từ xác định. Nếu ba từ loại này đứng đầu câu trong tên tác phẩm tham khảo thì chúng phải được viết hoa.

c) Chỉ in nghiêng tên tác phẩm.

6. Về Cách Trình Bày Tên Tác Giả

a)     Nếu tác giả là người Âu Mỹ thì tên họ của ông/bà được ghi theo trật tự sau: Họ +Tên+ Chữ lót (nếu viết tắt tên và chữ lót thì sau tên và chữ lót phải có dấu chấm). Nhưng đối với cước chú hay hậu chú, trật tự này như sau: Tên + Chữ lót + Họ.

b)     Nếu tác giả là người Trung Quốc thì tên họ của ông/bà được ghi theo trật tự sau: Họ (dấu phết) Chữ lót-tên (chữ lót hoa, tên viết thường và có gạch nối ở giữa).

c)     Nếu tác giả là người Việt Nam thì tên họ của ông/bà được ghi theo trật tự sau: Họ-Chữ lót-Tên (viết hoa đầy đủ và có gạch nối giữa các thành tố). Cách viết này giúp cho người Việt Nam dễ dàng tra cứu nhân danh người Việt trong các tác phẩm Anh Pháp hơn; bằng không tên sẽ được hiểu là họ và ngược lại, họ là tên.

d)     Tên và chữ lót của tác giả có thể viết tắt bằng các chữ cái đầu tiên với một dấu chấm sau chúng. Nhưng nếu tác giả là người nữ thì tên của bà không được viết tắt.

e)     Đối với tác giả có từ 2 tác phẩm trở lên, từ tác phẩm thứ 2 trở đi này, tên tác giả được tỉnh lược bằng cách điền chữ “idem  hay do hay bằng một gạch ngang dài bằng khoảng cách tên tác giả đó và cuối gạch ngang có một dấu chấm trước tựa tác phẩm.” Trong trường hợp này, tựa đề của các tác phẩm đồng tác giả cũng phải được sắp theo thứ tự của mẫu tự.

7. Chi Tiết về Ấn Bản

a)     Ghi đầy đủ nơi xuất bản và tên nhà xuất bản. Nếu trong tài liệu tham khảo không có ghi tên nhà xuất bản thì ta có thể để trống hay ghi ký hiệu “n.p.” (no publisher) cho tác phẩm tiếng Anh; “p.e.” (pas d’éditions) cho tác phẩm tiếng Pháp và knxb (không nhà xuất bản) cho tác phẩm tiếng Việt.

b)     Ghi rõ năm xuất bản hay tái bản của tác phẩm được trưng dẫn. Nếu trong tài liệu tham khảo không có ghi năm xuất bản và tái bản thì ta ghi ký hiệu “n.d.” (no date of publication) cho tác phẩm tiếng Anh; “p.d.” (pas de date) cho tác phẩm tiếng Pháp và kn (không năm xuất bản) cho tác phẩm tiếng Việt.

c)     Năm XB có thể đặt sau nhà XB theo trật tự sau đây (Nơi XB: NhàXB, năm XB), và cũng có thể đặt sau tên tác giả nhưng phải bỏ trong ngoặc đơn và sau nó phải có dấu chấm.

8. Về Số Trang

Không cần ghi số trang nếu tài liệu tham khảo là sách, luận văn, luận án hay bài khảo luận. Nếu tài liệu tham khảo là từ điển bách khoa hay báo chí, tạp chí thì tổng số trang của bài nghiên cứu hay của mục từ được tham cứu phải liệt kê ra, để cho người đọc dễ truy cứu, khi cần.

VI. PHÂN LOẠI THƯ MỤC THAM KHẢO

Sự khác nhau về mục đích và sở thích là nền tảng của sản phẩm và phân loại thư mục thành nhiều dạng thức. Mỗi loại thư mục đóng một chức năng khác nhau trong việc trả lời hay đáp ứng các nhu cầu khác nhau của người nghiên cứu. Ngoài ra, yếu tố thời gian, không gian, phạm vi, loại hình tài liệu và sự sắp xếp cũng là những yếu tố quan trọng trong việc xác định loại hình khác nhau của thư mục.

A) Loại Thư Mục Chính

Có hai loại thư mục chính là thư mục tác phẩm hay tài liệu gốc (Primary bibliography) và thư mục tác phẩm hay tài liệu hai (Secondary bibliography).

1. Thư Mục Tài Liệu Gốc (Primary Bibliography or Source)

Là danh sách các tác phẩm hay sáng tác hay giảng dạy của một nhân vật về một chủ đề nào đó. Có hai loại tài liệu gốc: tài liệu gốc thuộc kinh điển tôn giáo và tài liệu gốc không thuộc kinh điển tôn giáo.

a) Tài liệu gốc thuộc kinh điển tôn giáo là các sáng tác bằng văn bản của chính người sáng lập ra tôn giáo đó hay những lời giảng dạy truyền miệng của vị giáo chủ đó được hậu thế ghi chép lại thành văn bản về sau.

b) Tài liệu gốc không thuộc tôn giáo là các sáng tác bằng văn bản của một cá nhân.

Ví dụ, khi viết về Đức Phật, về tư tưởng và học thuyết của ngài thì ba tạng Kinh điển Pli được xem là tài liệu gốc. Tương tự, viết về tư tưởng và học thuyết của triết gia Bertrand Russell thì tất cả các sáng tác của chính ông được xem là tài liệu gốc.

2. Thư Mục Tài Liệu Hai hay Tác Phẩm Nghiên Cứu (Secondary Bibliography or Secondary  Source or Studies)

Thư mục tài liệu hai là danh sách các tác phẩm nghiên cứu, phê bình, nhận định, đánh giá về tài liệu gốc của một nhân vật nào đó. Ví dụ, các tác phẩm viết về đức Phật từ trước đến giờ bằng nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới được xem là nguồn tài liệu hai về ngài. Tương tự, các tác phẩm nghiên cứu, phê bình, nhận định, đánh giá về các sáng tác của Russell trên khắp thế giới được xem là các tài liệu hai.

B) Các Loại Thư Mục Khác

Trên đây là hai loại thư mục thường gặp nhất và được sử dụng rộng rãi trên khắp thế giới từ trước tới giờ cho việc soạn thảo và sử dụng thư mục tham khảo của sách, bài khảo cứu, luận văn tốt nghiệp hay luận án. Ngoài ra còn có nhiều loại thư mục khác nhau, phục vụ cho các mục đích khác nhau và được phân loại khác nhau tùy theo từng học giả. Dưới đây là sự mô tả tóm lược về vài loại thư mục thường gặp.

1. Thư Mục Tác Giả (Author’s bibliography or Author-wise Bibliography)

Là danh sách các sáng tác hay tác phẩm được sắp xếp theo thứ tự của mẫu tự tên tác giả. Loại thư mục này thường được sử dụng làm thư mục tài liệu gốc không thuộc kinh điển tôn giáo và thư mục tài liệu hai hay tài liệu nghiên cứu. Ngoài ra, nó còn được sử dụng trong phong cách cước chú chi tiết ở cuối mỗi trang giấy hay hậu chú sau mỗi chương hay ở cuối sách. Nếu một tác giả có nhiều tác phẩm trong thư mục thì từ tác phẩm thứ hai trở đi, tên tác giả sẽ được tỉnh lược bằng cách thay thế từ idem hay do hay một gạch ngang dài có dấu chấm ở cuối, trước tựa đề tác phẩm. Trong trường hợp này, trật tự của các tác phẩm này phải được sắp xếp theo thứ tự mẫu tự của tựa đề tác phẩm.

2. Thư Mục Tựa Đề (Title-wise Bibliography)

Là danh sách các sáng tác hay tác phẩm được sắp xếp theo thứ tự của mẫu tự tựa đề tác phẩm. Loại thư mục này thường được sử dụng trong các quyển catalogue giới thiệu sách của các nhà xuất bản, và ngày càng ít được sử dụng làm thư mục tham khảo cuối sách, bài khảo luận, luận văn hay luận án như trước đây.

3. Thư Mục Chủ Đề (Subject Bibliography)

Là danh sách tài liệu hay sáng tác đầy đủ về một chủ đề nào đó. Chủ đề ở đây có thể là con người, nơi chốn, thời kỳ, vấn đề hay đề tài nào đó. Loại thư mục này rất hữu dụng cho các chuyên gia hay nhà nghiên cứu, giúp họ biết tất cả các tài liệu hiện hành về chủ đề mà họ đang theo đuổi hay nghiên cứu.

4. Thư Mục Chọn Lọc (Electic or Selective Bibliography)

Là danh sách các tác phẩm hay sách hay nhất (best books) cho một loại thư viện hay loại độc giả nhất định. Đây là loại công cụ tốt nhất để chọn lọc tài liệu chuyên ngành và đóng vai trò đáp ứng mục đích chọn lọc trong nghiên cứu.

Ví dụ: Bhatt, S. S., Indian Best Books. (Delhi: Government of India, 1996).

5. Thư Mục Quốc Gia (National Bibliography)

Là danh sách tất cả các sách hay tác phẩm sáng tác của một quốc gia. Mỗi mục trong thư mục loại này bao gồm tên tác giả, tựa đề tác phẩm, nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản và giá cả. Yếu tố địa dư đóng vai trò quan trọng trong loại thư mục này.

Ví dụ: Indian National Bibliography, Delhi: 1998.

6. Thư Mục Thương Mại (Trade Bibliography)

Là sách về thư mục của các nhà xuất bản, người bán sách, nhà in nhằm giới thiệu danh sách các tác phẩm hiện hành.

Ví dụ: Books in Print.

7. Thư Mục về Thư Mục (Bibliography of Bibliographies)[2]

Là loại sách thư mục giới thiệu các loại thư mục khác nhau về các chủ đề khác nhau. Loại sách thư mục này thường bao gồm các loại thư mục sau đây:

a) Thư mục người tiêu dùng (Consumer bibliography):

— Danh sách tác phẩm cần đọc (Reading Lists).

— Thư mục tên tác giả (Author’s bibliography).

b) Thư mục tư tưởng của người phân phối (Distributor’ s [thought] bibliography):

— Thư mục chủ đề (Subject bibliography).

— Danh sách sách chọn lọc (Book-selection lists).

— Danh mục thư viện (Library catalogues).

c) Thư mục tài liệu của người phân phối (Distributor’s [material] bibliography):

 — Danh mục của nhà xuất bản (Publishers’ catalogues).

 — Danh mục của người bán sách (Book-sellers’ catalogues).

d) Thư mục tư liệu của nhà sản xuất (Producers’ [material] bibliography):

— Danh sách tác quyền (Copyright lists).

— Thư mục nhà in (Printers’ bibliography).

— Thư mục người đóng sách (Binders’ bibliography).

e) Thư mục tư tưởng của nhà sản suất (Producers’ [thought] bibliography):

— Thư mục tác giả (Author bibliography).

VII. CÁCH TRÌNH BÀY THƯ MỤC TÀI LIỆU GỐC[3] KHÔNG THUỘC KINH ĐIỂN TÔN GIÁO VÀTHƯ MỤC TÁC PHẨM NGHIÊN CỨU

a) SÁCH

1. Sách chỉ Có một Tác Giả

Họ+ tên+ chữ lót tác giả. (năm XB) Tên tác phẩm in nghiêng, số tập, Nơi XB: NXB.

Wayman, Alex. (1974). The Lion’s Roar of Queen Ưriml, New York: Columbia University Press.

Họ+ Tên+ Chữ lót tác giả., Tên tác phẩm in nghiêng, số tập, (Nơi XB: NXB, năm XB).

Sopa, G., Lectures in Tibetan Buddhism, 2 vols, (Delhi: Motilal Banarsidass, 1986).

2. Sách chỉ Có một Người Dịch hay Biên Tập

Họ+Tên+Chữ lót người biên tập. (ed.) (năm XB) (:) Tên tác phẩm in nghiêng, số tập, Nơi XB, NXB.

Lancaster, L., (ed.) (1977). Praj–pramit and Related Systems, Berkeley, University of California Press.

Họ+Tên+Chữ lót dịch giảû. (trans.) (năm XB) (:) Tên tác phẩm in nghiêng, số tập, Nơi XB: NXB.

Anacker, S. (trans.) (1984). Seven Works of Vasubandhu, Delhi: Motilal Banarsidass.

Phạm Kim Khánh. (dịch) (1991). Đức Phật và Phật Pháp, Hồ Chí Minh: Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ Chí Minh.

3. Sách gồm có Dịch Giả và Người Ấn Hành

Họ+Tên+Chữ lót dịch giả. (trans.), Họ, tên người ấn hành. (ed. / bt.) (năm XB) Tên dịch phẩm in nghiêng (tên nguyên tác trong ngoặc đơn in nghiêng), Nơi XB: NXB.

Bhattacharya, K. (trans.), Johnston, E. H. and Kunst, A. (eds) (1978). The Dialectical Method of Ngrjuna (Vigrahavyvartan­), Delhi: Motilal Banarsidass.

4. Sách Gồm có Tác Giả và Người Ấn Hành / Biên Tập

Họ+Tên+Chữ lót tác giả. (năm XB) Tên tác phẩm in nghiêng, ed. / bt. Tên họ người ấn hành, Nơi XB: NXB.

Jayatilleke, K. N. (1974). The Message of the Buddha, ed. Ninian Smart, New York: Free Press.

5. Sách gồm Có 2 Tác Giả hay 2 Dịch Giả hay 2 Biên Tập Viên

Họ+Tên+Chữ lót 2 dịch giả/biên tập viên. (trans. / eds.) (năm XB) Tên tác phẩm in nghiêng, Nơi XB: NXB.

Grazia, A. D., and Stevenson, F. H. (eds.) (1965). World Politics, New Nork: Barnes and Noble.

Trần Tam và Trần Tứ. (dịch) (1997). Phật Giáo Ngày Nay, Hồ Chí Minh: NXB Tuổi Trẻ.

6. Sách Gồm Nhiều Tác Giả hay Nhiều Biên Tập Viên

Họ+Tên+Chữ lót tác giả. et al. / và tgk. (năm XB) Tên tác phẩm in nghiêng, Nơi XB: NXB.

Jamspal, L. et al. (1978). Ngrjuna’s Letter to King Gautam­putra, Delhi: Motilal Banarsidass.

Thích-Minh-Châu và tgk. (1964). Đường về Xứ Phật, Sài Gòn: Viện Đại Học Vạn Hạnh.

b) BÀI NGHIÊN CỨU TRONG TUYỂN TẬP / TỰ ĐIỂN BÁCH KHOA

Họ+Tên+Chữ lót tác giả., “Tên bài nghiên cứu,” in  Họ Tên người biên tập (ed.) Tên tuyển tập / bách khoa tự điển in nghiêng, (năm XB) Nơi XB: NXB, số tập : số trang.

Kalupahana, D. J., “Dhamma (1),” in Malalasekera, G. P. (ed.) Encyclopaedia of Buddhism, (1979). Sri lanka: The Government of Sri lanka, vol. IV: 438-53.

Schlossberger, E., “The Self in Wittgenstein’s Tratatus,” in Leinfellner, E., et al. (eds.) Wittgenstein and His Compact on Contemporary Thought, (1978). London: Croomhelm, pp. 2-9.

c) BÀI NGHIÊN CỨU TRONG TẠP CHÍ HAY BÁO CHÍ

Họ+Tên+Chữ lót tác giả., “Tên bài nghiên cứu,” Tên tạp chí / báo chí in nghiêng, (Nơi XB), số tập (ngày XB), số trang.

Thích-Duy-Tân., “Bàn về quyển Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam,” Giác Ngộ, (Hồ Chí Minh), số 34 (11-8-1989), 3-4.

Richard. W. M., “Wittgenstein, Lion and Other Animals,” University of Dayton Review (Dayton, U.S.A), vol. 9, no. 2 (1970), 144-53.

d) BÀI VIẾT KHÔNG CÓ TÊN TÁC GIẢ

Tên bài viết trong ngoặc, Tên báo / tạp chí / tự điển / bách khoa in nghiêng, số tập (ngày XB), trang.

‘Chùa Một Cột’, Tư Tưởng Vạn Hạnh, số 37 (ngày 12-12-1963), 123-65.

e) PHỤ TRƯƠNG CỦA BÁO / TẠP CHÍ

Họ+Tên+Chữ lót tác giả. Tên bài viết trong ngoặc, Tên báo / tạp chí, Phụ trương số (ngày XB), trang.

Trần Anh. ‘Huế của Ta’, Nhân Dân, Phụ trương số 23 (1990), 123-44.

Warder, A. K., ‘Dhamma and Data’, Journal of Indian Philosophy, Dordrecht (Reidel) 1971.

f) LUẬN ÁN CHƯA XUẤT BẢN

Họ+Tên+Chữ lót tác giả. (năm trình) Tên luận án in nghiêng, bậc luận án. Địa điểm trường: tên trường đại học.

Sait‡, A. (1984). The Emptiness of Emptiness, Ph. D. Dissertation. Delhi: University of Delhi.

Bhatta, A. (1990) Buddhism in America, M. A. Dissertation. Washington: University of Washington.

g) ẤN PHẨM CỦA TỔ CHỨC HAY CHÍNH PHỦ

Tên tổ chức / chính phủ. (năm XB) Tên văn bản in nghiêng. Nơi XB: Nhà XB.

United Nations Centre for National Resources. (1980) Petroleum Enterprises in Developing Countries. Elmsford: Pergamon.

Giáo hội Phật Giáo Việt Nam. (1981). Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Hồ Chí Minh: Ban In Aán GHPGVN.

h) BÀI GIẢNG THUYẾT

Họ+Tên người thuyết trình. (ngày tháng năm thuyết trình) “đề tài giảng thuyết,” Lecture / Giảng thuyết in nghiêng. Địa điểm giảng thuyết: hội trường / tên trường.

Thích-Mãn-Giác. (11-12-1963). “Bồ-tát Thích Quảng Đức,” Giảng Thuyết. Sài Gòn: Trường Đại Học Vạn Hạnh.

i) BẢN PHÚC TRÌNH

Họ+Tên+Chữ lót người phúc trình. Tựa đề phúc trình in nghiêng. Nơi phúc trình: ngày phúc trình.

Allen, A. B. et al. Delhi University Research Scientist Report. Delhi: 3-3-1996.

j) PHỎNG VẤN

Họ+Tên, chức vụ người được phỏng vấn, Interview / Phỏng Vấn in nghiêng. (Nơi phỏng vấn: ngày phỏng vấn).

Thích Trí Tịnh, Chủ tịch, GHPGVN, Phỏng Vấn. (Thủ Đức: ngày 12-7-1998).

k) THƯ TỪ

Họ+Tên, chức vụ người viết thư, Letter / Thư Từ in nghiêng. (nơi viết: ngày viết).

Trần-Tiến, Giáo sư Sử học, Trường Đại học Cần Thơ, Thư Từ. (Cần Thơ: 12-2-1956).

l) PHẦN MỀM VI TÍNH

Họ+Tên+Chữ lót người viết chương trình. (năm ấn bản) Tên phần mềm in nghiêng, version / số ấn bản. Computer Software / Phần mềm vi tính, Tên nhà xuất bản.

Richard, R. C. (1997). Windows 97 Photoshop, version 1.2. Computer Software, Microsoft Company.

N) WEBSITE

Họ+Tên+Chữ lót tác giả/ dịch giả. Tên tác phẩm in nghiêng. Địa chỉ truy cập chi tiết của Website chứa tài liệu trích dẫn

Minh Châu, Thích (dịch). Kinh Trường Bộ. http://members.nbci.com/_XMCM/budtoday/viet/kinh/pali/Truongbo0.htm

VIII. CÁCH TRÌNH BÀY THƯ MỤC TÀI LIỆU GỐC
THUỘC KINH ĐIỂN TÔN GIÁO

Có hai loại tài liệu gốc: loại kinh điển tôn giáo và loại tác phẩm không thuộc kinh điển tôn giáo. Đối với các tác phẩm thuộc kinh điển tôn giáo, tên tác giả luôn được tỉnh lược, vì tác giả của các kinh điển này cũng chính là vị sáng lập ra tôn giáo đó, do đó, không cần nêu ra thì người đọc cũng biết và không bị lẫn lộn. Tựa của các tác phẩm kinh điển phải được sắp xếp theo thứ tự mẫu tự. Lưu ý, các mạo từ đứng đầu tựa đề tác phẩm không tính theo thứ tự mẫu tự. Đối với các tác phẩm không thuộc kinh điển tôn giáo thì các yếu tố họ-tên-chữ lót tác giả, tựa tác phẩm, nơi xuất bản, nhà xuất bản và năm xuất bản hay tái bản phải hội đủ. Cách trình bày chúng cũng giống như cách trình bày “thư mục tên tác giả hay thư mục tài liệu hai.” Sau đây là cách trình bày thư mục tài liệu gốc thuộc kinh điển tôn giáo:

1. Chỉ Có Bản Nguyên Tác

Tựa nguyên tác in nghiêng, số tập, ed. by Họ+Tên người ấn hành. (Nơi XB: nhà XB, năm XB).

AÏguttara Nikya, 4 vols, ed. by Kasyapa, Bhikkhu G. (Nalanda: Bihar Government, 1960).

D­gha Nikya, 3 Vols, ed. by Rhys Davids, T.W., & Capenter, J. E. (London: PTS, 1890-1911).

2. Chỉ Có Bản Dịch

Tựa bản dịch in nghiêng, số tập, tr. by Họ+Tên dịch giả. (Nơi XB: nhà XB, năm XB).

The Gradual Sayings, tr. Woodward, E. L. (London: PTS, 1989).

Kinh Tăng Chi Bộ, tập II, Thích Minh Châu dịch. (Hồ Chí Minh: Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, 1996).

3. Gồm Nguyên Tác và Bản Dịch

Tên nguyên tác in nghiêng, số tập, ed. by Họ+Tênï người ấn hành. (Nơi XB: Nhà XB, năm XB) ; tr. by Họ+Tên dịch giả, Tên dịch phẩm in nghiêng. (Nơi XB: NhàXB, năm XB).

Aơguttara Nikya, 6 Vols, ed. by Morris, R., Hardy, E.,  & Rhys Davids, C. A. F. (London: PTS, 1885-1910); tr. by Woodward, E. L., The Gradual Sayings. (London: PTS, 1989).

D­gha Nikya, 3 Vols, ed. by Rhys Davids, T.W., & Capenter, J. E. (London: PTS, 1890-1911); tr. by Nalsha, Maurice. The Long Discourses (London: PTS, 1987).

Khuddaka Nikya, 15 Vols, ed. by Tucci, G. (London: P.T.S); tr. by Nanamoli, Bhikkhu. The Minor Reading. (London: PTS, 1991).

Majjhima Nikya, 4 Vols, ed. by Trenck, V., Chalmer, R.  & Mrs. Rhys Davids. (London: PTS, 1888-1925); tr. by Horner, I.B. The Middle Length Sayings (London: PTS, 1987).

Sayutta Nikya, 4 Vols, ed. by Feer, L.  & Mrs Rhys Davids. (London: PTS, 1884-1925); tr. by Rhys Davids, The Kindred Sayings. (London: PTS, 1989).

IX. CÁCH TRÌNH BÀY THƯ MỤC THAM KHẢO NHẤN MẠNH NĂM XB

Thư mục tham khảo nhấn mạnh năm xuất bản là thư mục đặt số năm xuất bản hay tái bản trong ngoặc đơn ngay sau tên tác giả. Thư mục này tương ứng với loại chú thích vắn tắt nhấn mạnh năm xuất bản, để giúp cho nhà nghiên cứu trình bày một cách ngắn gọn các chú thích và không làm phân tâm độc giả trong khi đọc.

Loại thư mục này chỉ áp dụng cho tài liệu nghiên cứu (Secondary Sources / Studies) và tài liệu gốc không thuộc kinh điển tôn giáo (Primary Sources excluding Religious Bibles) và không thể áp dụng cho tài liệu gốc thuộc kinh điển tôn giáo. Vì đối với tài liệu gốc thuộc kinh điển tôn giáo, tên tác giả (được hiểu là vị khai sáng ra tôn giáo đó) được tỉnh lược, do vậy, các kinh điển gốc của tôn giáo được liệt vào thư mục tên tác phẩm.

Trình tự của thư mục nhấn mạnh năm xuất bản như sau:

1. Đối với Tác Giả chỉ Có một Tác Phẩm

Họ + Chữ lót + Tên tác giả. (năm XB) Tựa tác phẩm in nghiêng. Nơi XB: năm XB.

Warder, A. K. (1991). Indian Buddhism. Delhi: Motilal Banarsidass.

Cassirer, Bruno. (1967). Thirty Years of Buddhist Studies­: Selected Essays by Eward Conze. London: Bruno Cassirer Publishers Ltd.

2. Đối với Tác Giả Có Nhiều Tác Phẩm Khác Năm Xuất Bản

Về cách trình bày: cũng giống như trường hợp “tác giả chỉ có một tác phẩm trong thư mục tham khảo.”

Về trật tự: trật tự của các tác phẩm này phải sắp theo biên niên kỷ, nghĩa là quyển nào xuất bản trước thì đứng trước và ngược lại.

Warder, A. K. (1974). Introduction to Pali. London: PTS.

__________. (1991). Indian Buddhism. Delhi: Motilal Banarsidass.

3. Đối với Tác Giả Có Ít Nhất 2 Tác Phẩm Xuất Bản cùng Năm

Để tránh sự lẫn lộn trong khi trích dẫn cước chú hay hậu chú về các tác phẩm xuất bản cùng năm của cùng một tác giả được nêu trong thư mục tham khảo, bạn nên thêm ký hiệu a, b, c, d, ngay sau năm XB của các tác phẩm, để phân biệt chúng. Chi tiết của cách cước chú này, do đó, chỉ gồm:

Họ + Tên + Chữ lót tác giả. (năm a/b) Tên tác phẩm in nghiêng. Nơi XB: năm XB.

Wittgenstein, L., (1954a) Philosophical Atomism. London: Basil Backwell.

__________.  (1954b) Philosophical Investigations. London: Basil Backwell.

X. CÁCH SOẠN THƯ MỤC THAM KHẢO VỀ MỘT CHỦ ĐỀ

Để soạn thảo tốt thư mục tham khảo về một chủ đề, người nghiên cứu cần cân nhắc một số điều sau đây: — Giới hạn lãnh vực và phạm vi nghiên cứu? — Tác phẩm thuộc chọn lọc hay toàn diện? — Loại hình tài liệu nào cần phải có? — Hình thức loại mục nào cần sử dụng? Sau đó người nghiên cứu cần lưu ý hay nắm vững các điểm sau đây:

1)     Phạm Vi Văn Học của Đề Tài: Người nghiên cứu cần nắm vững hiện có bao nhiêu tài liệu và loại hình tài liệu nào cần thiết cho chủ đề nghiên cứu và cần đưa vào thư mục tham khảo.

2)     Công Cụ Hỗ Trợ Nghiên Cứu: Các công cụ nghiên cứu cần tham khảo là các loại bách khoa (encyclopedias), danh bạ sách (directories), danh mục sách (catalogues), các dịch vụ tóm tắt tác phẩm, luận văn và luận án (abstracting services), các loại tạp chí (periodicals), luận văn và luận án (dissertations and theses), mục điểm sách (book reviews). Các công cụ này một mặt giúp nhà nghiên cứu biết được các bài viết và sách vở chuyên ngành hay liên hệ đến đề tài và mặt khác cung cấp cho nhà nghiên cứu các kiến thức căn bản về đề tài nghiên cứu.

3)     Kiến Thức về Chủ Đề: Bao gồm kiến thức làm việc về chủ đề, kiến thức về các phân loại về chủ đề, kiến thức về thuật ngữ về chủ dề, kiến thức về lịch sử đề tài và kiến thức về các tác phẩm nền tảng về chủ đề.

4)     Kiến Thức về Nguồn Tài Liệu: Người nghiên cứu cần nắm vững cơ sở của nguồn tài liệu, nơi lưu hành, hình thức, thời gian và ngôn ngữ của tài liệu, để tham khảo khi cần đến.

5)     Xác Định Đề Mục của Chủ Đề: Sau khi biết được nguồn lưu hành tài liệu, người nghiên cứu cần xác định chính xác loại đề mục của chủ đề để phân loại tài liệu đúng cách và dễ dàng tra khảo.

6)     Tham Vấn Chuyên Gia về Đề Tài: Người nghiên cứu nên tham cứu các chuyên gia về chủ đề đang nghiên cứu để nắm vững và biết thêm các nguồn tài liệu quý hiếm và chưa được công bố.

7)     Chọn Lọc Nguồn Tài Liệu: Có hai nguồn tài liệu là tài liệu xuất bản và tài liệu chưa xuất bản. Tài liệu đã xuất bản bao gồm các loại thư mục (bibliographies), các bản chỉ dẫn về thuật ngữ, nhân danh và địa danh (indexes), danh mục đã in ấn (printed catalogues), các sách hướng dẫn văn học về đề tài (guides to literatures), dịch vụ tóm tắt luận án và sách (abstracting services). . . Tài liệu chưa xuất bản bao gồm các danh mục thư viện (library catalogues), các tài liệu văn bản thuộc các viện (institutional records) và các sáng tác hay tư liệu cá nhân (individual records).

8)     Đánh Giá Nguồn Tư Liệu: Người nghiên cứu cần đánh giá hoặc ghi chú về tính thẩm quyền của tác giả; phạm vi, mục đích, phong cách tác phẩm và các đặc điểm nếu có, để tránh mất thời giờ tìm đọc những tác phẩm không có giá trị và do đó, không đáng đưa vào thư mục tham khảo.

9)     Sắp Xếp Mục Loại: Bao gồm cách sắp xếp theo phân loại, theo biên niên kỷ, theo mẫu tự tác giả và tác phẩm, theo tài liệu gốc và theo tài liệu hai. Cách sắp xếp theo phân loại chỉ thích ứng cho thư mục chủ đề. Cách sắp xếp theo biên niên kỷ chỉ thích hợp với tác phẩm đồng tác giả. Cách sắp xếp theo mẫu tự tác giả là loại phổ biến nhất và có thể áp dụng cho cả tác phẩm gốc không thuộc kinh điển tôn giáo và tài liệu hai. Cách sắp xếp theo mẫu tự tựa tác phẩm có thể áp dụng cho tài liệu gốc thuộc kinh điển tôn giáo. Cách sắp xếp tài liệu gốc thuộc tôn giáo có thể tỉnh lược tên tác giả. Cách sắp xếp tài liệu gốc không thuộc tôn giáo và tài liệu hai thường theo thứ tự mẫu tự tên tác giả.

Nói cách khác, sau khi chọn đề tài, tham vấn các chuyên gia, tìm đọc thư viện và các công cụ hỗ trợ nghiên cứu, người nghiên cứu có được kiến thức căn bản về văn học và phạm vi đề tài rồi tiến hành chọn và làm mục loại cho thư mục của mình. Mục loại phải được sắp theo tài liệu gốc trước và tài liệu nghiên cứu sau. Người nghiên cứu phải trình bày theo mặc ước quốc tế về phép viết hoa, in nghiêng, chấm phết và trật tự trước sau của các chi tiết tên tác giả, tựa tác phẩm, người biên tập, dịch giả, nơi xuất bản, nhà xuất bản, năm xuất bản hay tái bản cho từng loại hình tài liệu khác nhau, như đã được trình bày trong chương này.

Điều cần lưu ý là trong quá trình nghiên cứu, nhà nghiên cứu phải biết tận dụng tài liệu trích dẫn và tham khảo để làm sáng tỏ các luận điểm của mình. Nguồn tài liệu trích dẫn và tham khảo, do đó, trở thành công cụ đắc lực trong việc nối dài tư tưởng của người viết đến người đọc thông qua tiếng nói của các nhà học giả trong cùng lãnh vực. Tại Việt Nam, thường có quan niệm cho rằng tác phẩm hay không cần trích dẫn nhiều. Tệ hơn nữa, có người còn cho việc trích dẫn kinh sách chỉ là công việc "từ chương." Quan niệm này chỉ đúng với các loại sách tư tưởng và tôn giáo. Đối với loại sách này đối tượng độc giả thường là những người tìm kiếm các thông tin "sống" hoặc những "lời hay ý đẹp" để ứng dụng vào đời sống. Họ không cần biết đến xuất xứ của những ý tưởng được trình bày trong sách, và ai là tác giả của chúng. Họ chỉ cần đọc các thông tin và kiến thức được chuyển tải trong sách bằng một giọng văn nhẹ nhàng, trong sáng, để mà thưởng thức hay ứng dụng. Tuy nhiên, sách loại này không giúp nhiều cho giới độc giả muốn truy tầm nguồn gốc hay tính nguyên thủy của tài liệu và thông tin. Quý độc giả của loại sách này thường thích truy nguyên nguồn tài liệu, do đó các trích dẫn và thư mục tham khảo sẽ trở thành nguồn thông tin quý báu, giúp họ tiến sâu vào lãnh vực nghiên cứu và đóng góp nhiều điều mới mẻ cho học giới.

Nói tóm lại, tuỳ theo bản chất, đối tượng và mục tiêu mà nhà nghiên cứu nên chọn lựa cách viết thích hợp cho mình. Dù có dẫn chứng và minh hoạ bằng nhiều tác phẩm hay không, điều mà nhà nghiên cứu cần lưu ý là phải phát triển càng nhiều càng tốt các quan điểm, cách tiếp cận và các góc độ nghiên cứu riêng để tạo nên đặc điểm của tác phẩm. Có như vậy thì tác phẩm của mình mới thật sự đóng góp vào văn học của lãnh vực mà mình đang nghiên cứu.


[1] Xem phần  VII. Phong cách trình bày cước chú và hậu chú vắn tắt trong chương này

[2] Ram S. Sharma. (ed.) Bibliography and Documentation. (Patiala: Madan Publishers, 1974), pp. 88-9.

[3] Tổng hợp từ T. R. Ramachandra., op. cit., pp. 48-52; S. K. Dass., op. cit., pp. 75-84; J. Anderson et al., op. cit., pp. 61-71;  Judith Butcher., op. cit., pp. 226-261; B. S. Manhas., op. cit., pp. 10-21.

-oOo-

Lời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | Sách tham khảo

 


Vào mạng: 20-10-2001

Trở về mục "Tham khảo"

Đầu trang