Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... ..  . ..  .  .
CẨM NANG VIẾT
KHẢO LUẬN, LUẬN VĂN VÀ LUẬN ÁN

CHƯƠNG III
CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
(THE FORMAT OF THE THESIS)

 

I. DẪN NHẬP

Có một số qui định mang tính quốc tế về cách trình bày hình thức hay cấu trúc của luận án mà người nghiên cứu cần tuân thủ để hình thức của luận án được rõ ràng, thích ứng, logic và đạt tiêu chuẩn. Thông thường cấu trúc của luận án hay sách tiêu chuẩn bao gồm ba phần: phần dẫn nhập, phần văn bản và phần tham khảo. Chiều dài hay số trang của ba phần này và giữa các chương không nhất thiết phải cân đối, miễn sao đáp ứng được mục đích nghiên cứu và phục vụ người đọc.

A. Phần Dẫn Nhập (The Preliminaries)

1)      Trang bìa (Cover-Page).

2)      Trang để trống (Blank Page) hay trang đệm (Fly-Page) hay trang nửa tựa đề (Half-Title Page).                          

3)      Trang tựa đề (Title-Page)

4)      Trang tưởng niệm (Dedicated page)

5)      Trang xác nhận của giáo sư hướng dẫn và giáo sư trưởng bộ môn (Certificate).

6)      Trang tuyên bố của nghiên cứu sinh (Declaration).

7)      Mục lục (Table of Contents).

8)      Lời đầu sách (Preface).

9)      Lời cảm ơn (Acknowledgements).

10)  Bảng liệt kê các bảng biểu, hình ảnh minh họa, nếu có (List of Tables, Figures and Illustrations or Plates).

10.  Bảng viết tắt (Abbreviations).

11.  Ghi chú về cách đánh số, ngôn ngữ và bản dịch (A Note on Numerals, Language and Translation)

B. Phần Văn Bản (The Text or the Thesis)

1)      Chương dẫn nhập (Introduction).

2)      Chương hai.

3)      Chương ba.

4)      Chương v.v...

5)      Chương kết luận hay tóm tắt (Conclusion or Summary).

C. Phần Tham Khảo (References)

1)      Phụ chú (Appendixes).

2)      Bảng chú giải thuật ngữ hay thuật ngữ đối chiếu (Glossaries).

3)      Thư mục tham khảo (Bibliography).

4)      Bảng chú dẫn mục từ  (Indices).

II. VỀ PHẦN DẪN NHẬP

1. Trang Bìa

a) Các chi tiết cần và đủ: tựa đề của luận án, cấp luận án, khoa, tên nghiên cứu sinh, tên giáo sư hướng dẫn, tên bộ môn, tên trường, địa điểm trường, năm trình luận án.

b) Qui định về trình bày

— Khổ của luận án là khổ giấy A-4.

— Tất cả được trình bày ở giữa trang.

— Tựa đề của luận án, chữ “luận án,” tên nghiên cứu sinh và người hướng dẫn phải viết chữ in hoa và đậm.

— Các phần còn lại viết chữ thường.

— Tỉnh lược toàn bộ các dấu chấm câu.

c) Mẫu trang bìa

 
PHÊ BÌNH HỌC THUYẾT NGÔN NGỮ CỦA
WITTGENSTEIN
 
                                        
LUẬN ÁN
Trình tại Bộ môn Triết học thuộc Khoa Văn
của Trường Đại học Phật Giáo Việt Nam
để hoàn tất các yêu cầu được cấp Văn bằng
Tiến sĩ Triết học về
TRIẾT HỌC
 
 
 
Nghiên cứu sinh
THÍCH TRÍ NHÂN
 
Người hướng dẫn
Tiến sĩ THÍCH CHÂN NGUYÊN
Giáo sư Pali và Phật giáo Thượng Tọa Bộ
 
 
 
 
 
 
Bộ môn Triết học
Trường Đại học Phật Giáo Quốc Tế
TP. Hồ Chí Minh
1998
 

2. Trang Đệm hay Trang Nửa Tựa Đề

Đối với luận văn và luận án, trang đệm có thể là một trang để trống. Đối với sách xuất bản, trang đệm được thay thế bằng trang nửa tựa đề tức là trang chỉ ghi tựa tác phẩm bằng một phong chữ in nhỏ ở phần đầu trang.

3. Trang Tựa Đề hay Nhan Đề

Các chi tiết và cách trình bày trang nhan đề giống như trang bìa của luận văn hay luận án.

4. Trang Xác Nhận của Giáo Sư Hướng Dẫn và Giáo Sư Trưởng Bộ Môn

a) Nội dung yêu cầu: Bao gồm 3 ý chính. Thứ nhất là xác nhận rằng luận văn hay luận án của sinh viên hay nghiên cứu sinh là công trình nghiên cứu của chính anh/chị, không sao chép hay dựa vào bất kỳ luận văn, luận án hay sách vở nào từ trước đến giờ. Thứ hai là xác nhận rằng luận văn hay luận án này chưa xuất bản và chưa nộp cho bất kỳ trường nào để được cấp văn bằng. Thứ ba là xác nhận rằng luận văn hay luận án này xứng đáng được cứu xét cho văn bằng của cấp luận văn hay luận án đó.

b) Mẫu xác nhận: Không có một tiêu chuẩn chung được áp dụng phổ quát về lời văn xác nhận. Ở đây, chúng tôi chỉ đưa ra mẫu gợi ý.

XÁC NHẬN CỦA GIÁO SƯ HƯỚNG DẪN
VÀ GIÁO SƯ TRƯỞNG BỘ MÔN

  Chúng tôi xin xác nhận rằng đây là luận án do chính nghiên cứu sinh Trần Tịnh thực hiện dưới sự hướng dẫn của chúng tôi.

  Luận án này là công trình mới, có nhiều sáng tạo, và do đó,  đáng được cứu xét để được cấp văn bằng Tiến sĩ.

Ngày tháng năm xác nhận

Giáo sư hướng dẫn
Ký tên
Chức vụ
Địa chỉ liên hệ  
Giáo sư trưởng bộ môn
Ký tên
Chức vụ
Địa chỉ liên hệ  

 

5. Tuyên Bố của Sinh Viên hay Nghiên Cứu Sinh (nếu yêu cầu)

a) Nội dung yêu cầu: Bao gồm 2 ý chính. Thứ nhất là tuyên bố rằng luận văn hay luận án này là sản phẩm nghiên cứu của chính mình, chứ không chép hay dựa vào bất kỳ sách vở hay luận án nào từ trước đến giờ. Thứ hai là tuyên bố rằng luận văn hay luận án này chưa nộp cho bất trường nào để được cấp phát bất kỳ văn bằng nào.

b) Mẫu gợi ý:

  LỜI TUYÊN BỐ CỦA NGHIÊN CỨU SINH

       Chúng tôi xin tuyên bố rằng đây là tác phẩm nghiên cứu của riêng chúng tôi, không có sự hợp tác của ai, không sao chép hay dựa vào tác phẩm nào từ trước đến giờ. Luận án này chưa nộp cho bất kỳ trường nào để được cấp phát bất kỳ chứng chỉ hay văn bằng nào.

Ngày tháng năm nộp luận văn hay luận án
Chữ ký
Họ tên của sinh viên hay nghiên cứu sinh

 

6. Lời Nói Đầu

Lời nói đầu’ thường phải toát lên được các ý sau đây: — mục đích nghiên cứu của luận văn hay luận án, — điểm lược bối cảnh của đề tài nghiên cứu, — phạm vi nghiên cứu, — giới thiệu nội dung bao quát của luận văn hay luận án, — cho biết lý do của những điểm được nhấn mạnh trong luận văn hay luận án.

Nếu tác giả không thấy có gì quan trọng hay cần thiết để viết thì “Lời nói đầu” có thể được tỉnh lược và thay vào đó là “Lời cảm ơn.”

7. Lời Cảm Ơn

a) Đối tượng cảm ơn: Lời cảm ơn thường bao gồm một vài hay tất cả các đối tượng sau đây: cha mẹ, gia đình, thầy tổ, người hướng dẫn, thầy cô giáo, người cố vấn và góp ý, ân nhân, bạn bè, cơ quan, đoàn thể, tổ chức, trường viện, thư viện và các nhà xuất bản đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ nghiên cứu sinh hoàn thành luận văn hay luận án này.

b) Cảm ơn chung và riêng: Nếu đối tượng cảm ơn quá ít và không gì đặc biệt thì không cần lời cảm ơn riêng biệt. Trong trường hợp này, ta có thể kèm lời cảm ơn trong lời nói đầu của luận văn hay luận án. Những người đóng vai trò quan trọng trong đời hay trong sự nghiệp nghiên cứu của tác giả có thể đưa ra trang cảm ơn riêng biệt bằng những lời lẽ đặc biệt, cụ thể và cảm xúc. Các đối tượng còn lại có thể ghi cảm ơn chung trong một vài trang sau đó. Lời cảm ơn về tác quyền thường nằm một trang riêng với đối tượng cảm ơn đặc biệt.

c) Nội dung yêu cầu: Lời cảm ơn phải biểu cảm, chân tình, rõ ràng, cụ thể và tránh viết những lời chung chung. Thứ tự ghi phải thật tế nhị và cần cân nhắc kỹ lưỡng để tránh phật lòng người thi ơn, vì thông thường người có công nhiều lại không có chức vụ và tên tuổi, và ngược lại.

8. Bảng mục lục

a) Nội dung yêu cầu

Mục đích của bảng mục lục là nhằm cung cấp cho người đọc ý niệm bao quát và có hệ thống về nội dung nghiên cứu của luận văn hay luận án. Qui chuẩn học đường về mục lục của luận văn và luận án thường bao gồm chương dẫn nhập, các chương nội dung, chương kết luận hay tóm tắt, thư mục tham khảo, phần phụ chú, các bảng từ vựng (glossaries) và các bảng chú dẫn mục từ (indices), nếu có. Mỗi chương thường có nhiều phần. Mỗi phần thường có nhiều ý nhỏ. Mỗi ý nhỏ đó lại có nhiều ý khác. Mục lục càng chi tiết càng tốt.

b) Cách đánh số trang

— Đánh số la-mã cho các trang lời nói đầu, lời cảm ơn, mục lục, bảng liệt kê các biểu bảng, hình ảnh minh họa.

Đánh số á-rập cho các phần còn lại của luận văn hay luận án. Số thứ tự của số á-rập được tính từ trang đầu tiên của chương thứ nhất cho đến trang cuối cùng của luận văn hay luận án.

— Không điền số trang cho các trang đệm và trang tựa đề, trang xác nhận, trang tuyên bố nhưng số trang la-mã phải được tính từ trang tựa đề của luận văn hay luận án.

Không điền số trang cho các trang đầu của các chương, thư mục tham khảo, phụ chú, bảng từ vựng và bảng chú dẫn mục từ nhưng số trang vẫn được tính liên tục không gián đoạn giữa chúng.

c) Cách trình bày

— Từ “MỤC LỤC” phải đặt ở chính giữa cách đầu trang khoảng 2.5 cm bằng chữ in hoa và đậm.

Đánh chữ in hoa cho các tiêu đề Lời cảm ơn, Xác nhận của giáo sư hướng dẫn, Tuyên bố của sinh viên (nếu yêu cầu), Lời đầu sách, các chương, thư mục tham khảo, phụ chú, bảng từ vựng và bảng mục từ tham khảo.

— Đánh chữ hoa thường cho các phần đoạn, tiểu mục của các chương, ngoại trừ các giới từ, liên từ và mạo từ. Nếu các từ này đứng đầu câu hay tiêu đề thì chúng phải được viết hoa.

— Số trang được ghi ở bên phải của tờ giấy theo chiều thẳng dọc và phải tương ứng với phần, chương, mục, chi tiết của chúng.

9. Các Minh Họa / Bảng Liệt Kê các Bảng và Hình Ảnh Minh Họa

a) Mô tả

— Các minh họa: Từ “minh họa” (illustrations) có thể được hiểu chung cho các ví dụ và tranh ảnh các loại. Có hai loại trình bày bằng hình thức biểu bản và tranh ảnh (pictorial representation) là biểu bản (tables) và hình ảnh (figures). Hình ảnh bao gồm các ảnh chụp (Photographs hay plates), tranh họa (paintings), bản đồ (maps), bảng (tables), biểu (charts), đồ thị (graphs) và biểu đồ (diagrams). Nghiên cứu sinh có thể dùng từ “các minh họa” để thay thế chung cho tất cả các bản liệt kê và hình ảnh minh họa, hoặc tách riêng ra thành các bảng riêng biệt như dưới dây.

Bảng liệt kê các bản: Là bảng liệt kê các bảng (tables),biểu (charts), bản đồ, họa đồ (maps), đồ thị (graphs), biểu đồ (diagrams) và các thống kê (Statistics) có liên quan đến hay nhằm minh họa một cách ấn tượng các điểm trong luận văn hay luận án. Các biểu đồ và thống kê có thể đặt xen vào ngay trang cần minh họa. Bản đồ và họa đồ thường đặt ở cuối sách, trước hình ảnh minh họa (Plates).

Bảng hình ảnh minh họa: Là bảng liệt kê các hình ảnh, tranh họa và các hình thức minh họa bằng chữ hay đoạn trích dẫn có liên quan đến các vấn đề của luận văn hay luận án. Có hai loại hình minh họa: hình minh họa ngay trang cần minh họa (Figures) và hình minh họa ở cuối sách (Plates).

b) Cách trình bày

Về tiêu đề: Các tiêu đề của bảng liệt kê và hình ảnh minh họa được viết theo phong cách câu, nghĩa là chỉ viết hoa chữ đầu câu và các nhân danh và địa danh.

Về nội dung: Gồm ba phần: số các chương mục có phần minh họa + tiêu đề của minh họa + số trang có phần minh họa.

Về trật tự: Các minh họa được bố cục theo thứ tự xuất hiện của chúng trong văn bản hay luận văn, luận án.

c) Ví dụ

chuong3-1.jpg (14218 bytes)

chuong3-2.jpg (13853 bytes)

10. Bảng Viết Tắt[1]

a) Phạm vi ứng dụng: Trong các luận án, bảng viết tắt thường chỉ ứng dụng cho các tác phẩm thuộc tài liệu gốc (Primary sources), bách khoa, tạp chí nghiên cứu và những tác phẩm được trích dẫn nhiều lần trong tác phẩm. Trong các bách khoa và từ điển nói chung, bảng viết tắt còn ứng dụng cho các thuật ngữ, ngôn ngữ hay từ loại, tên các bộ môn cũng như nhân danh và địa danh.

b) Cách viết tắt: Mặc dù không có một chuẩn tắc cho cách viết tắt tựa đề tác phẩm, thông thường các nhà nghiên cứu thường viết hoa và nghiêng các chữ cái đầu của các thực từ (tức không tính liên từ, giới từ và mạo từ) của tựa đề tác phẩm. Trường hợp, các tác phẩm có các chữ cái của thực từ giống nhau, ta có thể viết thêm bằng chữ thường một hay vài mẫu tự kế của thực từ đầu tiên của tựa đề để phân biệt chúng. Nói chung, ký tự viết tắt phải ngắn gọn và gợi hình, để người đọc dễ nhớ và nhận dạng.

c) Ví dụ

AN.: Aơguttara Nikya.      A.: Aơguttara Nikya.

DN.: D­gha Nikya                         D.: D­gha Nikya

KU: Kena Upaniãad.                      Kau. U: Kauã­tak­ Upaniãad.

III. VỀ PHẦN VĂN BẢN (The Text or the Thesis)

1. Chương Dẫn Nhập

a) Về qui định: Đối với luận văn và luận án, chương dẫn nhập là chương cần thiết và bắt buộc. Mục đích của chương dẫn nhập là nhằm trình bày vấn đề nghiên cứu trong một bối cảnh nhất định, để gây sự hứng thú cho người đọc về những điểm chính của tác phẩm.

b) Về nội dung: Chương này thường bao gồm các phần sau:  mục đích nghiên cứu và tầm quan trọng của đề tài, điểm lược lịch sử đề tài, phạm vi nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, các giả thuyết, học thuyết và khám phá mới của nghiên cứu sinh.

c) Về chức năng: Chương dẫn nhập đóng vai trò quan trọng trong việc phác thảo khung sườn của luận văn hay luận án, và do đó cần được viết một cách thận trọng, súc tích và rõ ràng, để gây ấn tượng tốt cho các chương nội dung.

2. Các Chương Nội Dung

a) Về yêu cầu: Đây là thân thể hay phần cốt lõi của luận văn hay luận án. Mỗi chương đóng một vai trò khác nhau, và do đó, dữ liệu, phương pháp, cách trình bày và chiều dài của chúng không nhất thiết giống nhau hay cân xứng. Mỗi chương cần được chia thành nhiều phần. Mỗi phần lại được chia thành nhiều mục. Mỗi mục nên có nhiều chi tiết. Mỗi chi tiết nên có nhiều ý tưởng. Tất cả phải được liên kết với nhau và bổ sung cho nhau trong việc phác thảo và hình thành “ngôi nhà” nội dung của luận văn hay luận án. Ý tưởng của các chương phải liên hệ mật thiết với nhau để cùng làm nổi bật chủ đề của luận án. Tiêu đề của các chương và phần, mục của luận án phải phản ánh được nội dung của các chương, phần, mục mà nó mô tả. “Rao dưa bán dừa” là điều vô cùng cấm kỵ trong việc đặt tiêu đề.

b) Về cách trình bày

Về phép viết hoa: Viết bằng chữ in và đậm các chương và phần mục chính. Viết theo dạng thức câu cho các phần mục còn lại bằng chữ thường và đậm.

Về vị trí: Tiêu đề của các chương phải được đặt giữa trang và cách đầu dòng khoảng 3 cm. Tiêu đề của các phần mục còn lại có thể đặt ở đầu dòng nơi chúng xuất hiện, hoặc vào đầu dòng sau mỗi chi tiết mới của phần mục.

Về số của chương mục: Đánh toàn bộ số á-rập cho cách trình bày 1 hay phối hợp số la-mã, á-rập và mẫu tự cho cách trình bày 2, như mẫu dưới đây.

Mẫu trình bày

chuong3-3.jpg (4593 bytes)

 

3. Chương Kết Luận hay Tóm Tắt

a) Nội dung yêu cầu: Cũng giống như chương dẫn nhập, chương kết luận hay tóm tắt là chương cần thiết cho luận văn hay luận án. Mục đích chính của chương này là nhằm tóm tắt các nội dung nghiên cứu đã được nghiên cứu sinh khám phá hoặc hình thành giả thuyết mới. Do đó, phần kết luận cần phải nhắc độc giả về những gì đã được đặt ra trong phần dẫn nhập của luận án, và trên nền tảng của toàn bộ những luận điểm nêu ra trong các chương, phần tóm tắt hay kết luận này phải làm nổi bật hay sáng tỏ chúng. Hay nói khác hơn, nó làm chức năng tóm tắt và tái xác định các khám phá hay đóng góp của mỗi chương trong một trình tự logic và biện chứng của các luận điểm trong luận án.

Để làm chức năng này, phần kết luận phải được diễn tả theo một phong cách riêng. Nghĩa là, tránh trích đoạn lại những gì nêu ra trong chương dẫn nhập và trong các chương nội dung. Nó phải được viết bằng một phong cách diễn đạt mới, súc tích, cô đọng, ấn tượng. Ngoài ra, nếu có thể, chương kết luận cũng nêu lên một số nhận xét, nhận định, đánh giá vấn đề hoặc đưa ra một số vấn đề phát sinh từ các luận điểm của luận án nhưng lại vượt quá phạm vi giới hạn của đề tài, để cho các nhà nghiên cứu về sau tiếp tục nghiên cứu và khám phá.

b) Tóm  tắt: Nói khác hơn, chương kết luận phải bao gồm các điểm sau đây:

— Ý nghĩa nghiên cứu về đề tài.

Tóm tắt nội dung các chương và các đóng góp của riêng tác giả.

— Các phương diện ứng dụng của luận án.

— Các đánh giá, nhận định, phê bình của tác giả.

— Các đề nghị cho các nghiên cứu về sau.

c) Về cách trình bày: giống như các chương nội dung.

IV. VỀ PHẦN THAM KHẢO

1. Phần Phụ Chú (Appendixes)

a) Định nghĩa và nội dung yêu cầu: Phụ chú là những tài liệu tương đối dài hay những bằng chứng gián tiếp liên heä hay nhằm bổ sung một hay vài vấn đề quan trọng nào đó trong luận án hay sách nghiên cứu. Vì là gián tiếp nên không thể đưa chúng vào trong văn bản chính, để tránh làm loãng vấn đề và phân tâm người đọc. Nhưng vì có liên hệ hay bổ sung một hay vài vấn đề quan trọng nào đó trong luận án nên các phụ chú không thể thiếu, bằng cách đưa ra sau văn bản chính để tham khảo khi cần thiết. Chính vì thế, nghiên cứu sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng xem phần nào nên đưa vào phụ chú và phần nào nên giữ lại trong văn bản, để mục đích và tác dụng trình bày đạt được cao nhất.

b) Tầm quan trọng: Các phụ chú đóng vai trò sau đây:

— hỗ trợ tham khảo đắc lực cho người viết và người đọc.

— đóng vai trò bảo vệ, hỗ trợ và bổ sung những vấn đề được trình bày trong luận án.

— giúp cho độc giả biết rõ và chuyên sâu các vấn đề liên hệ gián tiếp đến luận án.

— làm cho luận án có sức thuyết phục cao hơn và trở nên tiêu chuẩn hơn.

c) Các qui định về phép trình bày

Về co chữ: Vì không phải là phần quan trọng, các phần phụ chú được in bằng mọt co chữ nhỏ hơn co chữ trong văn bản chính, để không chiếm nhiều không gian không cần thiết.

Về phép viết: Từ “PHỤ CHÚ” phải được viết in hoa và đặt ngay chính giữa, cách đầu trang giấy khoảng 3 cm. Bạn có thể gạch dưới nó hoặc không gạch dưới nó nhưng sau nó không có dấu chấm hay phết nào cả.

Về số lượng: Nếu có từ hai phụ chú trở lên, ta có thể phân biệt chúng bằng cách thêm các chữ cái in hoa như A, B, C hay I, II, III .. . sau từ “PHỤ CHÚ,” như PHỤ CHÚ A, PHỤ CHÚ B, PHỤ CHÚ C, tức PHỤ CHÚ I, PHỤ CHÚ II và PHỤ CHÚ III v.v. . Trong trường hợp này, mỗi phụ chú phải được trình bày ở một trang độc lập.

Về vị trí: Phần phụ chú thường đứng trước bảng giải thích các thuật ngữ và thư mục tham khảo (mặc dù có vài nhà nghiên cứu thích đặt sau phần thư mục tham khảo). Thứ tự của các phần phụ chú phải thích ứng với thứ tự các phần mà chúng bổ sung hay minh họa.

2. Bảng Giải Thích Thuật Ngữ (Glossaries)

a) Định nghĩa: Bảng giải thích thuật ngữ là danh sách các thuật ngữ, từ ngữ quan trọng được giải thích kỹ càng về phương diện ý nghĩa, hoặc là danh sách liệt kê các thuật ngữ đối chiếu từ hai thứ ngôn ngữ trở lên. Bảng giải thích thuật ngữ còn có thể bao gồm cả phần giải thích nhân danh, địa danh có nguồn gốc nước ngoài.

b) Tầm quan trọng: Bảng giải thích thuật ngữ đóng vai trò quan trọng trong luận án và sách nghiên cứu công phu. Nhờ nó mà người đọc hiểu được những thuật ngữ mới lạ và khó hiểu cũng như các thuật ngữ có nguồn nước ngoài. Bảng giải thích thuật ngữ cho phép chúng ta đánh giá gián tiếp về mức độ công phu, tiêu chuẩn và giá trị nghiên cứu của luận án.

c) Phân loại: Có hai loại chínhĐbảng giải thích thuật ngữ chung (General Glossary) và bảng giải thích thuật ngữ phân loại (Classified glossaries).

Bảng giải thích thuật ngữ chung: là bảng giải thích chung các thuật ngữ, nhân danh, địa danh tiếng nước ngoài với các từ ngữ khó và thuật ngữ không quen thuộc đối với độc giả.

Bảng giải thích thuật ngữ phân loại: là bảng giải thích thuật ngữ và nhân địa danh cho từng ngôn ngữ nước ngoài được trích dẫn trong tác phẩm. Chẳng hạn như, bảng giải thích thuật ngữ Pali (Pali glossary), bảng giải thích thuật ngữ Sanskrit (Sanskrit glossary), bảng giải thích thuật ngữ Tây Tạng (Tibetan glossary), bảng giải thích nhân địa danh v.v.. .

d) Qui định về phép viết

— Viết hoa và đậm các mục từ thuộc nhân danh và địa danh.

— Viết bằng chữ thường và đậm tất cả các mục từ còn lại.

— Viết nghiêng tất cả các thuật ngữ tiếng nước ngoài.

e) Vị trí: Bảng giải thích thuật ngữ thường đứng sau phần phụ lục” và trước phần sách tham khảo.” Các thuật ngữ, nhân danh và địa danh này phải được sắp xếp theo thứ tự của bảng mẫu tự của ngôn ngữ gốc. Nghĩa là, nếu các thuật ngữ cần giải thích viết bằng tiếng Anh thì chúng phải được xếp theo thứ tự mẫu tự tiếng Anh. Tương tự, cho tiếng Pali, Sanskrit, Tây Tạng.

3. Thư Mục Tham Khảo: xem chương “Thư mục tham khảo.”

4. Bảng Chú Dẫn Mục Từ  (Indices)

a) Định nghĩa: Bảng chú dẫn mục từ là danh sách các thuật ngữ, nhân danh, địa danh và tựa đề tác phẩm có số trang liên hệ được trình bày một cách chi tiết theo thứ tự bảng mẫu tự ở phần cuối cùng của luận án hay sách. Nó có thể được xem như quyển từ điển nhỏ về các thuật ngữ, nhân danh, địa danh và tên tác phẩm được sử dụng trong tác phẩm với số trang liên hệ.

b) Chức năng: Bảng chú dẫn mục từ đóng chức năng tham khảo chéo hay hỗ tương (cross-reference) hoặc cung cấp thông tin cho tham khảo dọc, không chỉ cho các chủ đề hay nội dung của luận án đó mà còn cho các tác phẩm khác. Mức độ chi tiết và công phu của bảng chú dẫn chứng tỏ tác giả là người nghiên cứu kỹ lưỡng và tác phẩm thuộc tiêu chuẩn và có giá trị. Ngoài ra, bảng chú dẫn mục từ còn giúp độc giả biết nhanh chóng và bao quát hầu hết các vấn đề liên hệ trong luận án và các tác phẩm khác.

c) Phân loại chú dẫn: Có hai loại chínhĐbảng chú dẫn mục từ chung (General index) và bảng chú dẫn mục từ phân loại (Classified indices).

 Bảng chú dẫn mục từ chung: là bảng chú dẫn chung cho các thuật ngữ, nhân danh, địa danh và tựa đề tác phẩm trong một danh sách chú dẫn, theo thứ tự bảng chữ cái.

 Bảng chú dẫn mục từ phân loại: là bảng chú dẫn riêng biệt theo thứ tự bảng chữ cái cho các tựa đề tác phẩm, tên tác giả, dịch giả, các thuật ngữ của từng ngôn ngữ nước ngoài được sử dụng trong tác phẩm. Sau đây là một số loại chú dẫn chính thường được sử dụng trong luận án và các tác phẩm tiêu chuẩn.

— Chú dẫn tác phẩm (Title indices): Nếu luận án trích dẫn và liên hệ đến nhiều tác phẩm bằng nhiều thứ tiếng khác nhau thì chú dẫn tác phẩm có thể phân ra thành các loại như chú dẫn tác phẩm Pali, chú dẫn tác phẩm Sanskrit, chú dẫn tác phẩm Tây Tạng v.v.. .

— Chú dẫn nhân danh (person name indices): Tương tự, nếu luận án trích dẫn và liên hệ đến nhiều nhân danh hay tác giả và dịch giả bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, chú dẫn nhân danh có thể phân ra thành hai loại như chú dẫn nhân danh và chú dẫn tác giả và dịch giả (author-translator index).

— Chú dẫn địa danh (Place name index): Bao gồm danh sách chú dẫn các tên địa dư, sự vật, chùa tháp, bia ký, kiến trúc, pháp khí và vật dụng trong đạo Phật và các tôn giáo khác v.v. ..

Chú dẫn thuật ngữ (Terminology index): Bao gồm chú dẫn các thuật ngữ của ngôn ngữ viết luận án và các thuật ngữ tiếng nước ngoài.

— Chú dẫn danh mục đối chiếu (Comparative catalogue index): Là bảng chú dẫn đối chiếu các danh mục tác phẩm của từ hai ngôn ngữ trở lên, về phương diện thứ tự và tên văn bản.

d) Chi tiết của một mục từ chú dẫn: bao gồm [tên mục từ (heading hay entry)+ số trang]+ [các phần trực thuộc của mục từ (subheadings hay subentries) + số trang] + [(nếu có thể) các phân mục nhỏ của các phần trực thuộc của mục từ + số trang] + [tham khảo chéo, thường là từ “xem” hay “xem thêm” hay “xin xem thêm.]”

e) Các qui định về trình bày

Về mục tư: Các mục từ của bảng chú dẫn phải là các danh từ hay đại danh từ và không thể là động từ, tính từ hay trạng từ v.v…

— Nếu là nhân danh Âu Mỹ thì mục từ chính của chú dẫn là “họ” trong khi đối với nhân danh Việt Nam là “tên.”

    Ví dụ: tiêu đề mục từ của chú dẫn Bertrand Russell là Russell, (Bertrand) chứ không phải là Bertrand. Tương tự, tiêu đề mục từ của chú dẫn Thích Trí Quang là Quang, (Thích Trí) thay vì là “Thích” như các tác giả Âu Mỹ thường nhầm lẫn, do không rành về trật tự họ tên Việt Nam.

— Nếu địa danh bắt đầu bằng từ “sông, núi, hồ, chùa, tháp, bia” thì mục từ chính của chú dẫn loại này là danh từ riêng đi sau chúng.

Ví dụ: tiêu đề mục từ của chú dẫn “sông Sài Gòn” là Sài Gòn, (sông) chứ không phải là sông. Tương tự, tiêu đề mục từ của chú dẫn chùa Một Cột là Một Cột, (chùa) chứ không phải là chùa.

Về phép ngắt dòng: Có hai cách, đó là cách ngắt dòng sau số trang của tiêu đề mục từ chính và sau số trang của các phần trực thuộc của mục từ chính đó và cách viết liên tục giữa tiêu đề mục từ và các phần trực thuộc của mục từ đó.

Đối với cách một, bạn phải trình bày tụt vào đầu dòng sau các phần trực thuộc mục từ chính; nếu các phần trực thuộc đó lại có các phần trực thuộc nữa thì phần trực thuộc kế đến này phải vào đầu dòng nhiều hơn, để phân biệt chúng. Đối với cách hai, mục từ chính phải được trình bày ló đầu ra trong khi các phần trực thuộc mục từ này được viết liên tục; nếu chúng xuống hàng thì phần xuống hàng này phải tụt vào một khoảng cách đều nhau, và phải nhỏ hơn khoảng cách vào đầu hàng của mục từ chính của nó.

Cách thứ hai không tốn giấy nhưng không rõ ràng. Cách thứ nhất rõ ràng và dễ gây ấn tượng cho người đọc nhưng chiếm nhiều không gian trình bày. Tùy theo sở thích và mục đích trình bày, bạn có thể chọn một trong hai cách sau đây.

Ví dụ về cách trình bày ngắt dòng

Phật
     định nghĩa về, 123, 200
     phân loại
          theo Đại thừa, 25-6
         theo Thượng tọa bộ, 27-9
    thời thái tử, 15-46, 123
    chuyển pháp luân, 55-7, 156
    cách tu chứng, 42, 55, 67

Ví dụ về cách trình bày liên tục

Phật, định nghĩa về, 123, 200; phân loại, theo Thượng tọa bộ 25-6, theo Đại thừa, 27-9; thời           thái tử, 15-46, 123; chuyển pháp luân, 55-7, 156; cách tu chứng, 42, 55, 67

Về cách chọn tiêu đề mục tưø: Tiêu đề của mục từ chú dẫn phải là từ bao quát hay bao gồm các phần liên hệ đến nó.

Về phép viết:

— Không sử dụng dấu chấm ở cuối mỗi mục từ của bảng chú dẫn (đối với cách liên tục) và không sử dụng phép chấm phết sau các số trang của mục từ chính và các phần thuộc mục từ chính đó (đối với cách ngắt dòng).

Viết bằng chữ hoa các nhân danh, địa danh và tên tác phẩm.

Viết bằng chữ thường cho các mục từ còn lại.


[1] Chi tiết của phần này được trình bày ở chương “Bảng viết tắt.”

-oOo-

Lời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | Sách tham khảo

 


Vào mạng: 20-10-2001

Trở về mục "Tham khảo"

Đầu trang