Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

 

...... ... ..  . ..  .  .
CẨM NANG VIẾT
KHẢO LUẬN, LUẬN VĂN VÀ LUẬN ÁN

CHƯƠNG X
THỦ TỤC TIẾN SĨ
(Ph. D. FORMAL PROCEDURES)
 
I. THỦ TỤC TIẾN SĨ LÀ GÌ?

Thủ tục tiến sĩ là tất cả những qui định và qui trình hành chánh được áp dụng từ lúc nghiên cứu sinh bắt đầu đăng ký khóa học cho đến khi hoàn tất và nhận văn bằng tiến sĩ. Mỗi trường đại học thường có tập sách nhỏ qui định về điều khoản và luật lệ cho văn bằng tiến sĩ khác nhau (Regulations and Rules for the Degree of Doctor of Philosophy/Doctor of Literature/ Doctor of Civil Law). Là một nghiên cứu sinh tiến sĩ, bạn nên có tập sách này bằng cách mua hay xin ở văn phòng bộ môn (Department office) hay văn phòng khoa (Faculty office) thuộc trường đại học bạn đăng ký học.

II. CÁC LOẠI VĂN BẰNG TIẾN SĨ

Theo tác phẩm World Guide to Higher Education do Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp Quốc[1] xuất bản năm 1996, hệ thống giáo dục đại học (higher education) trên thế giới có thể được chia thành ba giai đoạn chính, đó là cử nhân (BA/BSc), cao học (MA/MSc) và tiến sĩ triết học (Ph. D), mặc dù có vài nước chỉ chia thành hai giai đoạn như các nước nói tiếng Đức; trong khi các nước theo hệ thống giáo dục Anh chia thành năm giai đoạn, ngoài ba giai đoạn trên, còn có thêm giai đoạn Phó tiến sĩ (M.Phil) và Tiến sĩ văn học/Khoa học/Luật dân dụng, một loại văn bằng tiến sĩ cao hơn tiến sĩ triết học.[2] Như vậy, trên cơ bản có hai cấp văn bằng tiến sĩ, đó là tiến sĩ triết học và tiến sĩ cao hơn tiến sĩ triết học (higher/senior doctorate). Sau đây, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về hai cấp tiến sĩ này qua hệ thống giáo dục của các nước tiêu biểu hoặc các nước có nhiều ảnh hưởng đến nền giáo dục đại học trên thế giới, đó là Đức, Mỹ, Liên-xô và Anh.

1. Bằng Tiến Sĩ theo Hệ Thống Đức, Dokto hay Promotion

Tại Đức và tại các nước nói tiếng Đức, sau khi đậu các kỳ thi Staatsprufung (kỳ thi cuối khóa để được tuyển vào các nghề công chức như giáo viên, luật sư, do chính phủ tổ chức),[3] Diplom (bằng tốt nghiệp về khoa học, kỹ sư, kinh tế, khoa học xã hội) hay Magister (văn bằng về các môn thuộc nhân văn) loại I (tức rất giỏi), các sinh viên tại các trường đại học tổng hợp, đại học kỹ thuật, các cao đẳng sư phạm sẽ được tuyển vào khóa học tiến sĩ, doktor hay còn được gọi là promotion. Văn bằng tiến sĩ này sẽ cấp cho các luận án nghiên cứu độc lập, nguyên thủy từ hai đến năm năm và trải qua một kỳ thi bảo vệ luận án bằng thuyết trình.[4]

2. Bằng Tiến Sĩ theo Hệ Thống Mỹ, Doctor of Philosophy

Sau khi đậu hai giai đoạn cử nhân và cao học, sinh viên sẽ bước vào giai đoạn giáo dục đại học thứ ba là khóa học để được văn bằng tiến sĩ triết học về một lãnh vực nào đó (Doctor of Philosophy thường được viết tắt là D. Phil. hay Ph. D.). Đối với các ngành thuộc khoa học và nghệ thuật (Sciences and Arts) truyền thống, khóa học tiến sĩ triết học này kéo dài từ ba đến năm năm sau bằng cao học (master’s degree), một kỳ thi toàn diện (comprehensive examination) và nghiên cứu độc lập dẫn đến luận án và kỳ thi bảo vệ luận án đó. Cần nói rõ thêm rằng mặc dù văn bằng tốt nghiệp (graduate degrees) của y học (medicine), nha khoa (dentistry) và thú y (veterinary) cũng được viết là doctor’s degree, nhưng không được hiểu là bằng ‘tiến sĩ,’ mà chỉ là bằng bác sĩ (professional doctor’s degree), vì thực chất chúng chỉ là các văn bằng được cấp cho sinh viên đậu bốn năm học và thực tập tại các bệnh viện thuộc cấp cử nhân (bachelor’s degree). Đặc biệt, các bộ môn thuộc khoa học truyền thống còn có thêm các khóa học hậu tiến sĩ (post-doctorate studies) kéo dài từ một đến ba năm.[5] Như vậy, đối với hệ thống giáo dục Mỹ, bằng tiến sĩ triết học được xem là văn bằng học đường cao nhất, cấp cho sinh viên sau cao học hoàn tất công trình nghiên cứu độc lập.

Ngoài ra, hệ thống Mỹ còn có những văn bằng tiến sĩ khác tương đương với bằng tiến sĩ triết học, như tiến sĩ giáo dục (Doctor of Education viết tắt là EdD), tiến sĩ nghệ thuật nhạc (Doctor of Musical Arts, viết tắt là DMA), tiến sĩ hành chánh kinh doanh (Doctor of Business Administration, viết tắt là DBA), tiến sĩ công trình (Doctor of Engineering, viết tắt là D.eng hay DES).[6]

3. Bằng Tiến Sĩ theo Hệ Thống Liên-xô, Doktor Nauk

Bằng tiến sĩ theo hệ thống giáo dục của Liên-xô là bằng tiến sĩ khoa học (Doktor nauk) mà tiếng Anh thường dịch là Doctor of Science. Đây là văn bằng học đường cao nhất.[7] Để có được văn bằng tiến sĩ khoa học, sinh viên phải trải qua các giai đoạn sau đây: bốn năm cử nhân (bachelor’s degree), hai năm cao học (master’s degree), hai năm nghiên cứu sau cử nhân (postgraduate studies), hai hoặc ba năm giảng viên (lecturer), ứng cử viên khoa học hay phó tiến sĩ (candidate of science tương đương với private docent và associate professor) và tiến sĩ khoa học (doctor of science).[8] Hệ thống giáo dục Liên-xô là hệ thống duy nhất có số năm học đường nhiều nhất để có được văn bằng tiến sĩ khoa học.

4. Bằng Tiến Sĩ theo Hệ Thống Anh, Doctor of Philosophy Senior/Higher Doctorate

Theo hệ thống giáo dục Anh, có hai loại văn bằng tiến sĩ, đó là văn bằng tiến sĩ triết học và tiến sĩ cao hơn tiến sĩ triết học (senior doctorate or higher doctorate).[9]

Về bằng tiến sĩ triết học

Sau khi đậu hạng tiên tiến khóa cao học triết học[10] về một môn nào đó (upper/high second class in M. Phil. với 55% điểm trở lên) hay đậu hạng giỏi khóa cao học văn khoa hay khoa học (first class in MA or MSc với 60% điểm trở lên), sinh viên có thể đăng ký học tiến sĩ triết học về một môn học nào đó (Doctor of Philosophy, viết tắt là D. Phil. hay Ph. D.).[11] Đối với khoa y, bằng tiến sĩ triết học này tương đương với bằng tiến sĩ dược (Doctor in Medicine, viết tắt là MD hay DM), tiến sĩ giải phẩu (Doctor in Surgery, viết tắt là ChM hay MCh).

Về văn bằng tiến sĩ cao hơn văn bằng tiến sĩ triết học

Có ba loại văn bằng tiến sĩ cao hơn văn bằng tiến sĩ triết học, đó là, tiến sĩ văn học (Doctor of Letters/Literature, viết tắt là D. Litt.), tiến sĩ khoa học (Doctor of Science, viết tắt là D. Sc.), tiến sĩ luật (Doctor of Laws, viết tắt là LLD). Điều kiện để trở thành nghiên cứu sinh của khóa học tiến sĩ này là đương sự trước nhất phải có một văn bằng tiến sĩ triết học về một môn học nào đó, và phải là giáo viên (lecturer) ít nhất hai năm của University hay College trực thuộc. Đối với một số trường đại học, một vị tiến sĩ triết học có tác phẩm đã xuất bản được học giới đánh giá cao, không cần là giáo viên cũng có thể được xét duyệt cho khóa học này. Sau đó, đương sự bắt đầu tiến hành viết đề cương luận án tiến sĩ văn học hay khoa học hay luật và phải hoàn tất luận án trong thời gian qui định, thường từ hai đến năm năm.

Như vậy, trong hệ thống giáo dục đại học trên thế giới có hai cấp văn bằng tiến sĩ, đó là văn bằng tiến sĩ triết học và văn bằng tiến sĩ cao hơn tiến sĩ triết học. Bằng tiến sĩ triết học của hệ thống Mỹ và Anh tương đương với bằng tiến sĩ của Đức và tiến sĩ khoa học của Liên-xô XHCN. Ngoài ra, nó còn tương đương với văn bằng tiến sĩ y học, tiến sĩ giáo dục, tiến sĩ công trình, tiến sĩ hành chánh thương mại v.v.. Bằng tiến sĩ cao hơn tiến sĩ triết học là bằng tiến sĩ văn chương, tiến sĩ luật học, tiến sĩ khoa học (của hệ thống Anh, không phải hệ thống của Liên-xô). Bằng tiến sĩ cao hơn này tương đương với nghiên cứu hay văn bằng hậu tiến sĩ của hệ thống Mỹ, Liên-xô và một số nước trên thế giới như Pháp,[12] Trung Quốc[13] v.v.. .

Khái niệm “tiến sĩ” mà chúng tôi sử dụng trong chương này nói riêng, trong tập sách này nói chung là từ gọi chung cho các văn bằng tiến sĩ (như của Đức) hay tiến sĩ triết học (như của Mỹ và Anh) hay tiến sĩ khoa học (như của Liên-xô XHCN), cho đơn giản trong khi viết. Tương tự, khái niệm cử nhân được hiểu chung cho cử nhân văn khoa hay khoa học; cao học được hiểu chung cho cao học văn khoa hay khoa học cho giản tiện.

III. GHI DANH VÀO SỔ BỘ NGHIÊN CỨU SINH
(ENROLMENT AND REGISTRATION)

1. Điều Kiện Tuyển Sinh

Ghi danh học tiến sĩ là khát vọng của rất nhiều người dấn thân vào con đường học vấn. Nhưng bất hạnh thay, không phải ai thích học cũng được chấp nhận cho ghi danh vào học khóa học này. Điều kiện tuyển sinh cho khóa học tiến sĩ tương đối gắt gao. Chỉ có ai đáp ứng được tiêu chuẩn về điểm hạng qui định của trường mới được ghi danh. Thông thường tiêu chuẩn này được qui định khác nhau tùy theo từng hệ thống giáo dục và của từng trường đại học.

a) Theo hệ thống Anh

Đối với các trường nổi tiếng, tiêu chuẩn tối thiểu để được ghi danh học tiến sĩ là đậu phó tiến sĩ loại tiên tiến (upper or high second class/division)[14] tức từ 55% điểm trở lên, hay chỉ cần đỗ cao học với loại giỏi (first class). Đối với các trường còn lại, chỉ cần đậu cao học với loại khá, tức 50% điểm (second class) là có thể ghi danh học tiến sĩ. Hiện nay còn rất ít các trường đại học theo hệ thống Anh có khóa học phó tiến sĩ. Đối với trường hay bộ môn có khóa học phó tiến sĩ thì tiêu chuẩn tuyển sinh tương đối cao hơn. Tiêu chuẩn tuyển thẳng lên khóa học tiến sĩ mà không phải trải qua phó tiến sĩ thường là đậu cao học loại giỏi, tức 60% trở lên. Trong các trường hợp đặc biệt, nếu nghiên cứu sinh là giáo viên của University hay College trực thuộc hay có công trình nghiên cứu có giá trị đã được xuất bản thì chỉ cần đậu tiên tiến khóa cao học cũng được tuyển thẳng vào khóa học tiến sĩ, đối với bộ môn hay trường có khóa học phó tiến sĩ.[15]

b) Theo hệ thống Mỹ

Tùy theo uy tín và tầm vóc, các trường đại học ở Mỹ và các trường theo hệ thống Mỹ có tiêu chuẩn tuyển sinh khác nhau. Thường thì, nghiên cứu sinh phải đỗ cao học loại xuất sắc mới được tuyển chọn vào khóa học tiến sĩ tại các trường đại học có uy tín. Tương tự, phải đỗ cao học loại giỏi mới được tuyển sinh cho khóa tiến sĩ tại các trường khá nổi tiếng. Đối với các trường không nổi tiếng lắm, hay các trường địa phương hoặc tư thục, tiêu chuẩn tuyển sinh có phần nhẹ và dễ dãi hơn.

2. Ghi Danh vào Sổ Bộ Nghiên Cứu Sinh

a) Theo hệ thống Anh

Sau khi đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển sinh, một số trường theo hệ thống Anh chấp nhận cho bạn nộp đơn song song với bản đề cương luận án tiến sĩ (synopsis hay research proposal).[16] Nếu đề cương tiến sĩ của bạn được hội đồng nghiên cứu của bộ môn và hội đồng nghiên cứu sinh của khoa chấp thuận thì bạn chính thức được ghi danh vào sổ bộ (registration). Một số trường khác cũng theo hệ thống Anh, trước nhất chỉ cho bạn ghi danh (enrolment) nghiên cứu sinh. Gần một năm kể từ ngày enrolment, bạn phải thuyết trình thành công đề cương nghiên cứu trước hội đồng bộ môn hay thi đậu khóa phương pháp luận. Sau đó, bạn mới được nộp đề cương nghiên cứu tiến sĩ. Chỉ khi đề cương nghiên cứu của bạn được hội đồng nghiên cứu sinh của khoa duyệt và chấp thuận, bạn mới chính thức được ghi danh trở thành nghiên cứu sinh tiến sĩ trong danh bạ của trường đại học (registration).

b) Theo hệ thống Mỹ

Sau khi đáp ứng được tiêu chuẩn tuyển sinh, bạn sẽ chính thức được ghi danh trong danh bạ tiến sĩ (registration). Trong năm đầu tiên, bạn phải trải qua các khóa học bắt buộc. Năm thứ hai, bạn phải thi đậu các học phần bắt buộc khác. Đầu năm thứ ba, bạn mới bắt đầu tiến hành phác thảo và nộp đề cương nghiên cứu (research proposal). Sau đó, tiến hành viết bản thảo.[17]

 IV. HỆ THỐNG THI CỬ CỦA KHÓA HỌC TIẾN SĨ[18]

1. Hội Thảo trước khi Nộp Luận Án

a) Dẫn nhập

Thông thường, trước khi nộp luận án, nghiên cứu sinh phải thuyết trình đề tài của mình (pre-submission seminar) trước sự tham dự của các giáo sư thuộc bộ môn, các đồng nghiên cứu sinh và một số khách mời. Tại Việt Nam sau năm 1975, khái niệm này được biết đến qua tên gọi “bảo vệ luận án thử.”

b) Chức năng

Cuộc hội thảo trước khi nộp luận án hay bảo vệ luận án thử trở nên vô cùng quan trọng đối với nghiên cứu sinh về hai phương diện:

— Cung cấp cho nghiên cứu sinh nhiều kinh nghiệm về kỹ năng thuyết trình và nghệ thuật bảo vệ luận án.

— Nhờ sự góp ý và phê bình của ban giảng huấn cũng như thành phần tham dự nói chung, nghiên cứu sinh nhận chân rõ ràng đâu là điểm mạnh và khuyết điểm trong luận án của mình, để kịp thời hiệu đính hay bổ sung những điểm cần thiết; tỉnh lược hay bỏ đi những gì không cần thiết, trước khi nộp.

2. Nộp Luận Án (Submitting the Thesis)

a) Thời hạn

Thời gian tối thiểu để nghiên cứu sinh được nộp luận án (submitting the thesis) là hai năm, kể từ ngày ghi danh vào sổ bộ nghiên cứu sinh (registration), theo một số trường thuộc hệ thống Anh và Mỹ. Có một số trường qui định ba năm; trong khi có một số trường khác qui định đến bốn năm.

b) Yêu cầu

— Luận án của bạn phải là một công trình nghiên cứu tiêu chuẩn về những khám phá, về phương diện trình bày, về phương pháp, về văn phong và về số trang.

Trước khi nộp luận án, nghiên cứu sinh phải thuyết trình đề tài nghiên cứu trong buổi hộïi thảo tại phòng hội thảo của bộ môn.

— Nghiên cứu sinh nên thảo luận kỹ với giáo sư hướng dẫn về bản thảo cuối cùng và chỉ nộp khi giáo sư hướng dẫn đã hài lòng. Bằng không, bạn có thể gặp khó khăn trong hội thảo vì giáo sư hướng dẫn có thể, do bất đồng với bạn, không hỗ trợ hay bênh vực bạn khi bạn bị nạn vấn hay bắt bí.

— Nghiên cứu sinh sẽ phải nộp tối thiểu năm bản luận án hoàn chỉnh cho văn phòng bộ môn. Ba bản sẽ được gởi đi chấm. Một bản đưa vào thư viện của trường và một bản lưu tại văn phòng bộ môn. Ngoài ra, bạn nên gởi tặng giáo sư hướng dẫn một bản và giáo sư trưởng bộ môn một bản.

— Ngoài ra, nghiên cứu sinh cũng phải nộp cho văn phòng bộ môn bản tóm tắt luận án khoảng 300Đ600 chữ. Bản tóm tắt này sẽ được gởi đến giám khảo song song với luận án để giám khảo nắm được phương pháp, các điểm chính và đóng góp của luận án.

3. Hội Đồng Giám Khảo (Examiner Committee)

a) Bổ nhiệm giám khảo

Ngay sau khi nghiên cứu sinh nộp luận án cho văn phòng bộ môn, giáo sư trưởng bộ môn sẽ chuyển luận án đó đến văn phòng của người quản thủ danh bạ của trường (registrar) hay người kiểm quản thi cử của trường (controller of examinations) hay văn phòng nghiên cứu sinh của khoa (office of Board of research studies), tùy theo hệ thống hành chánh của từng trường đại học. Luận án của bạn sẽ được gởi đến ba vị giám khảo, theo danh sách đề nghị của giáo sư trưởng bộ môn và giáo sư hướng dẫn.

b) Số lượng giám khảo

Ban giám khảo thông thường bao gồm ba vị, hai vị thuộc ngoài trường đại học của nghiên cứu sinh (external examiners) và vị còn lại thuộc trong trường đại học của nghiên cứu sinh (internal examiner). Vị thuộc trường đại học đó có thể là giáo sư hướng dẫn của nghiên cứu sinh, nếu trong trường không có giáo sư nào chuyên về đề tài nghiên cứu đó. Trong trường hợp này, giáo sư hướng dẫn phải được giáo sư trưởng bộ môn đề nghị bằng văn bản và phải được hội đồng nghiên cứu tiến sĩ của khoa (Board of Research Studies) chấp thuận.

4. Bảo Vệ Luận Aùn (Defence of the Thesis)

a) Dẫn nhập

Giai đoạn cuối cùng của luận án tiến sĩ là bảo vệ luận án (defence of the thesis) theo dụng ngữ của hệ thống Mỹ và Liên-xô, mà tiếng Anh thường gọi là the viva-voce hay the viva hay the oral examination. Thực ra, bảo vệ luận án là cuộc thi bằng thuyết trình về những gì đã được nghiên cứu sinh viết trong luận án của mình.

b) Mục đích

Mục đích của bảo vệ luận án này nhằm kiểm tra những kiến thức cũng như những đóng góp trong luận án có thực sự là của chính nghiên cứu sinh viết ra hay do người nào khác viết dùm. Kế đến, nó nhằm kiểm tra khả năng bảo vệ về phương pháp nghiên cứu, các khám phá và đóng góp và những giải thích của nghiên cứu sinh. Ngoài ra, đó còn là điều kiện bắt buộc rằng nghiên cứu sinh không chỉ viết tốt mà còn thuyết trình tốt nữa. Đây là các yêu cầu cần và đủ của kỳ thi bảo vệ luận án tiến sĩ.

c) Điều kiện và thời điểm

Buổi thuyết trình hay bảo vệ luận án chỉ được tiến hành khi đã có ít nhất hai bản phúc trình của hai người chấm đồng ý và đề nghị cấp văn bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh. Thông thường, luận án được gởi đến ba người chấm (examiners), trong đó, chỉ có một người thuộc trong trường hay viện nơi nghiên cứu sinh tiến hành viết luận án (internal examiner), và hai người chấm còn lại thuộc ngoài viện trường (external examiners), để tính khách quan được cao và tránh khỏi những sắp xếp mang tính đút lót, hối lộ người chấm.

Sau khi nhận được hai bản phúc trình đồng ý (approval), giáo sư trưởng bộ môn hay phân khoa (Head of Department) sẽ sắp xếp và công bố thời gian bảo vệ.

d) Đối tượng tham dự

Thông thường, đối tượng tham dự cuộc thi bảo vệ luận án chỉ giới hạn trong phạm vi của bộ môn, bao gồm giáo sư chủ khảo (thường là một trong hai vị chấm văn bản luận án ngoài trường), người chấm văn bản luận án trong trường viện (internal examiner), giáo sư trưởng bộ môn (Head of Department), giáo sư khoa trưởng (Dean of Faculty, thỉnh thoảng), ban giảng huấn của bộ môn (Academic or Department Staff), các nghiên cứu sinh cùng bộ môn (Research fellow hay Doctoral candidates) và một số bạn bè, thân hữu. Một số trường nổi tiếng ở Mỹ và Liên-xô thường công bố ngày bảo vệ luận án tiến sĩ một cách rộng rãi, do đó, số người tham dự có thể rất đông.

e) Kết Quả Thi Cử (The Results of the Examination)

Tùy theo khả năng bảo vệ của nghiên cứu sinh về những gì được trình bày trong luận án, kết quả của thi cử có thể rơi vào một trong bốn tình huống, đó là, thất bại hoàn toàn, không viết lại nhưng phải thuyết trình lại, thành công nhưng phải sửa chữa chút đỉnh và thành công trọn vẹn.

(1) Cuộc bảo vệ hay thuyết trình của nghiên cứu sinh không thành công. Nghiên cứu sinh buộc phải hiệu đính hay bổ sung một số vấn đề hay về phương pháp nghiên cứu. Trong trường hợp này, nghiên cứu sinh phải sửa hay bổ sung theo đề nghị của giáo sư chủ khảo. Sau đó, nộp và có thể bảo vệ lại lần thứ hai. Về thủ tục, mỗi trường thường có những qui định riêng. Do đó, tốt nhất nghiên cứu sinh nên theo những qui định riêng này.

(2) Cuộc bảo vệ luận án của nghiên cứu sinh không làm thỏa mãn giáo sư chủ khảo như những gì đã được trình bày trong luận án. Nghĩa là giáo sư chủ khảo chỉ hài lòng với nội dung luận án nhưng nghi ngờ về khả năng viết của nghiên cứu sinh. Trong trường hợp này, nghiên cứu sinh phải bảo vệ hay thuyết trình lại trong vòng một tháng cho đến một năm, tùy theo sự sắp xếp của giáo sư trưởng bộ môn, giáo sư hướng dẫn và nghiên cứu sinh. Bạn không thể có được cơ hội trình bày lần thứ tư (một số trường chỉ cho phép bạn trình bày tối đa là lần thứ hai thôi), nếu như lần bảo vệ lần thứ hai và thứ ba không thành công. Trong trường hợp này, nghiên cứu sinh được xem như bị rớt, và tối đa, nghiên cứu sinh chỉ được cấp văn bằng phó tiến sĩ (M. Phil.), theo hệ thống Anh, thay vì bằng tiến sĩ. Cách phát văn bằng giống như trường hợp thứ tư.

(3) Nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án nhưng phải sửa chữa hay bổ sung một vài điểm nhỏ trong luận án. Trong trường hợp này, nghiên cứu sinh không phải bảo vệ lại mà chỉ hiệu đính sao cho hài lòng giáo sư hướng dẫn và giáo sư chấm thuộc trường viện thôi. Cách phát văn bằng cũng giống như trường hợp thứ tư dưới đây.

(4) Cuộc bảo vệ hay thuyết trình của nghiên cứu sinh thành công hoàn toàn. Sẽ có hai trường hợp xảy ra, tùy theo hệ thống giáo dục của trường mà nghiên cứu sinh theo học. Đối với các trường theo hệ thống giáo dục Mỹ và Liên-xô, văn bằng tiến sĩ sẽ được trao tận tay cho nhà nghiên cứu ngay sau khi buổi bảo vệ luận án kết thúc. Đối với các trường theo hệ thống giáo dục Anh, nghiên cứu sinh chỉ được công bố đã đậu tiến sĩ bằng tờ xác nhận đậu tiến sĩ tạm thời (provisional certificate) và phải chờ đến ngày cấp phát văn bằng tập thể (Convocation) để lãnh văn bằng tiến sĩ.

5. Các Chuẩn Bị Cần Thiết

Để bài thuyết trình của bạn trở nên ấn tượng cũng như các câu trả lời của bạn đi vào trọng tâm và gây sự chú ý, bạn nên chuẩn bị kỹ lưỡng các điều sau đây.

a) Những vật dụng cần mang theo

— Quyển luận án hoàn chỉnh.

— Bản tóm tắt luận án.

— Danh sách câu hỏi và trả lời giả định.

— Các ghi chú cần thiết.

— Sổ tay ghi chú các câu hỏi.

— Máy cassette nhỏ, vài cuồn băng cassette 90 phút, 4-8 cục pin dự trữ, để thâu buổi thuyết trình hay bảo vệ luận án.

— Các hình ảnh, dụng cụ, sách vở v.v.. . minh họa, nếu cần thiết.

b) Bản tóm tắt luận án[19]

Bản tóm tắt luận án phải được viết bằng một văn phong cô đọng, ngắn gọn và rõ ràng về tầm quan trọng của đề tài nghiên cứu và về những đóng góp riêng của luận án. Mỗi đóng góp riêng của luận án thường được trình bày bằng một đoạn độc lập với sự hỗ trợ của các luận điểm có hệ thống và logic.

c) Danh sách câu hỏi và trả lời giả định

Nghiên cứu sinh nên hình dung, giả định và phác thảo trước danh sách các câu hỏi có thể được hỏi về đề tài nghiên cứu của mình. Sau đó, nghiên cứu sinh làm bản danh sách các câu trả lời mẫu tương ứng với các câu hỏi. Câu trả lời mẫu sẽ giúp cho nghiên cứu sinh có thể trả lời tự tin, chính xác và gây ấn tượng ban giám khảo với một giọng văn điêu luyện và văn chương. Muốn vậy, nghiên cứu sinh phải trau chuốt câu trả lời mẫu và thực tập nhiều lần cho đến khi nhuần nhuyễn, để trả lời thật tự nhiên.

d) Các ghi chú cần thiết

— Các đoạn nguyên tác quan trọng để minh họa khi cần thiết.

— Các nhận định thật hay của các tác giả khác, để minh họa khi cần thiết.

— Các ghi chú liên hệ trực tiếp hay gián tiếp đến luận án có thể được thảo luận trong lúc thuyết trình hay bảo vệ luận án.

6. Các Câu Hỏi thường Gặp trong Thuyết Trình và Bảo Vệ Luận Án

Sau đây là danh sách các câu hỏi mà các giáo sư chấm luận án thường đặt ra cho nghiên cứu sinh. Các câu hỏi có thể được chia thành năm nhóm chính.

a) Các câu hỏi về lý do và mục đích

— Tại sao bạn chọn đề tài này?

Các vấn đề hay các trị số trong đề tài có hỗ trợ nhau không?

— Tại sao không chọn vấn đề A, B, C trong đề tài của bạn?

— Đề tài này có thích ứng với xã hội hiện đại không?

— Tầm quan trọng của đề tài này ở chỗ nào? hay

— Hãy cho biết tầm quan trọng của đề tài.

b) Các câu hỏi về nội dung

— Hãy cho chúng tôi biết về luận án của bạn.

Hãy trình bày tóm lược các đóng góp của luận án của bạn.

— Hãy trình bày các thành tựu trong luận án của bạn.

— Hãy trình bày những điểm mạnh hay đặc biệt trong luận án của bạn.

— Hãy trình bày những gì bạn đạt được trong suốt quá trình nghiên cứu luận án.

c) Các câu hỏi về phương pháp

— Tại sao bạn chọn phương pháp nghiên cứu này?

— Hãy cho biết chức năng và tính hiệu quả của phương pháp này.

— Tại sao bạn không đồng tình với phương pháp A của các tác giả B, C, D ?

— Bạn có nghĩ rằng phương pháp này không thích hợp cho đề tài của bạn không?

— Ngoài phương pháp đã chọn ra, bạn có nghĩ rằng ít nhất còn có phương pháp khác cũng thích hợp hay thích hợp hơn không?

— Nếu bạn phải chọn phương pháp A chẳng hạn thì vấn đề nghiên cứu của bạn sẽ như thế nào?

d) Các câu hỏi chi tiết hay chuyên sâu về đề tài

— Hãy trình bày một cách chi tiết về khái niệm hay ý tưởng bạn vừa trình bày.

— Hãy nói rõ hơn về điểm hay vấn đề A mà bạn vừa trình bày.

— Bạn có thể cho biết về sự khác nhau giữa khái niệm hay học thuyết A và B vừa trình bày.

— Đâu là điểm trọng tâm của khái niệm hay học thuyết A?

— Hãy trình bày nội dung của vấn đề A.

e) Các câu hỏi về đề nghị nghiên cứu về sau

— Hãy cho biết những điểm mà bạn chưa đề cập trong luận án của bạn?

— Nếu phải nghiên cứu thêm về đề tài, bạn sẽ chọn vấn đề gì và tại sao?

— Bạn có đề nghị gì cho các nghiên cứu về sau không?

— Nếu có cơ hội ứng dụng, bạn sẽ làm gì với những học thuyết được trình bày trong luận án?

— Hiệu quả của vấn đề sẽ như thế nào, nếu học thuyết của bạn được ứng dụng?

— Hãy cho biết giá trị của luận án của bạn về phương diện ứng dụng và thực hành.

7. Tiêu Chí Trả Lời các Nạn Vấn trong Thuyết Trình và Bảo Vệ Luận Án

— Tranh thủ những lời chào hỏi chân tình, lễ độ trước khi trả lời câu hỏi đầu tiên của giám khảo.

— Phải bình tĩnh, tự tin trong khi trả lời.

— Luôn thể hiện thái độ hoan hỷ, cởi mở và sẵn sàng đón nhận các câu hỏi.

— Chân thành trong kiến thức và trả lời.

— Tuyệt đối tránh thể hiện thái độ ta đây là giỏi, nghiên cứu của ta là ghê gớm, chê bai các tác giả trước là không ra chi hay tỏ ý khinh thường giám khảo và người tham dự.

— Câu trả lời của bạn nên rõ ràng, chính xác, cô đọng và gây ấn tượng.

— Cái gì không biết thì nên khiêm tốn trả lời là không biết: đừng qua mặt người chấm hay múa riều qua mắt các chuyên gia.

— Nếu câu hỏi không được rõ ràng thì bạn có thể diễn đạt lại câu hỏi rồi hỏi lại xem có đúng ý người hỏi không, hay bạn có thể yêu cầu người hỏi trình bày rõ ràng hơn.

— Trường hợp gặp những câu hỏi mang tính đả phá, phủ bác, nạn vấn hay đánh đổ, bạn phải thật sự bình tĩnh, không nên thể hiện thái độ bực tức hay giận dữ và khéo trả lời để làm hài lòng người nạn vấn.

— Nếu quan điểm của bạn khác với giám khảo, bạn phải dùng lời lẽ khiêm tốn để thuyết phục. Không nên chọc giận giám khảo, khi giám khảo bảo thủ quan điểm của ông/bà.

— Đừng để cho những bất đồng giữa người chấm và bạn trở thành trở ngại cho bạn, vì giám khảo có quyền tuyệt đối.

— Trước khi chấm dứt, nghiên cứu sinh tranh thủ tỏ lời cám ơn chân thành đến ban giám khảo, giáo sư hướng dẫn, các thầy cô giáo trong bộ môn, các giáo sư, giảng viên và những người đến dự.


[1] UNESCO., World Guide to Higher Education: a Comparative Survey of Systems, Degrees and Qualifications. (France: UNESCO, 1996), pp. xvii-xix.

[2] Ibid., p. 519.

[3] Tác giả chân thành cảm ơn thầy Hạnh Tấn đã giúp tác giả hiểu rõ phần này.

[4] UNESCO., Op. Cit., pp. 191-2, 194.

[5] Ibid., pp. 530-1.

[6] Ibid., p. 534.

[7] Ibid., p. 425.

[8] Ibid., p. 422.

[9] Ibid., p. 521-2.

[10] Tức Master of Philosophy Course, khóa học giữa cao học và tiến sĩ triết học, mà tại Việt Nam thường gọi là phó tiến sĩ.

[11] UNESCO., op. cit., p. 519.

[12] Ibid,. p. 175.

[13] Ibid., p. 101.

[14] E. M. Phillips and D. S. Pugh., Op. Cit., p. 121.

[15] Xem chi tiết các qui định này ở quyển “Extracts from Ordinance VI-B and Rules & Regulations Relating to the Degree of Doctor of philosophy, University of Delhi,” pp. 2 and 14.

[16] Về chi tiết của đề cương nghiên cứu luận án tiến sĩ, xem chương “Đề cương luận án và bản tóm tắt luận án.”

[17] E. M. Phillips and D. S. Pugh., op. cit., pp. 147-8.

[18] Ở đây chúng tôi chỉ giới thiệu về thủ tục tiến sĩ triết học (của hệ thống Mỹ và Anh) hay tiến sĩ (của hệ thống Đức) hay tiến sĩ khoa học (của hệ thốntg Liên-xô XHCN).

[19] Xem chi tiết của phần II của chương “Đề cương luận án và bản tóm tắt luận án.”

-oOo-

Lời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | Sách tham khảo

 


Vào mạng: 20-10-2001

Trở về mục "Tham khảo"

Đầu trang