Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
CHÚ GIẢI NGẠ QUỶ SỰ
Dịch từ Pali sang Anh Ngữ: PETER MASEFIELD
Tỳ kheo MINH HUỆ dịch Việt

[1.a]

CHƯƠNG I: XÀ PHẨM (URAGAVAGGA)

-ooOoo-

I.1 PHƯỚC ÐIỀN QUỈ SỰ
(KHETTUUPAMAAPETTAVATTHUVA.N.NANAA)

Ðức Thế Tôn, khi đang ngụ ở chỗ nuôi ăn của những con sóc, trong khu rừng Trúc tại Raajagaha, đã kể lại câu chuyện này liên quan đến một Ngạ quỉ nọ mà trước kia là con trai của một vị thương Nhân giàu có.

Tương truyền rằng, tại Raajagaha có một vị Thương nhân giàu có nọ, có của cải lớn, vật sở hữu lớn, nhiều nguồn vật chất và vô số Ko.ti của cải tích lũy. Chính vì ông ta có của cải lớn mà ông ta đơn giản được nổi danh là Mahaa dhanasetthi (Ðại Trưởng giả). Ông ta chỉ có một đứa con trai duy nhất, được ái nịch nhiều và được chiều chuộng. Khi cậu ta đến tuổi thành niên thì cha mẹ của cậu nghĩ rằng, "nếu con trai của chúng ta tiêu xài một ngàn đồng mỗi ngày trong một trăm năm thì cả số của cải này cũng không hết. Hãy cho nó hưởng tài sản này theo ý thích của nó với một thân và tâm không mỏi mệt, vì không cần phải học một nghề nào". Họ đã không để cho cậu ta học nghề và khi cậu đến tuổi thành niên, họ đem về cho cậu một nàng dâu thuộc một gia đình tốt, trẻ trung, xinh đẹp và duyên dáng, nhưng là người ưa khoái lạc nhục dục và không quan tâm đến lối sống tâm linh. Khi cậu ta hưởng những khoái lạc tình yêu với nàng, cậu chẳng hề có một ý nghĩ về chánh Pháp và trở nên bất kính với những vị Sa môn, Bà la môn và những bậc đáng kính, và lại được vây quanh những người ác. Và được bám sát như thế, cậu ta vui thích trong ngũ dục bằng tánh si mê của cậu, cậu mải mê đắm chìm trong khoái lạc và trải qua cuộc đời như thế.

Khi Cha mẹ qua đời, anh ta hoang phí của cải của mình, vung vải tiền bạc đến những vũ nữ những ca sĩ và những người khác theo ý thích của anh ta. Chỉ trong một thời gian ngắn, tất cả của cải của anh ta dần dần cạn hết, anh ta bắt đầu sống bằng cách cấn nợ vay tiền. Khi anh ta không thể kiếm thêm tiền vay và bị thúc ép bởi những chủ nợ, anh ta cho họ đất trồng trọt, nhà cửa và những thứ khác, rồi đến sống trong phước xá dành cho những người nghèo túng trong cùng thành Phố ấy, ăn (cái gì anh ta kiếm được) bằng cách đi lang thang cầm bát xin ăn.

Một hôm nọ, có một số tên cướp kéo đến và nói với anh ta rằng, "Hãy nhìn đây, này người kia, tại sao cuộc sống của anh lại vất vả đến như thế này? Anh còn trẻ lại có sức mạnh, nhanh nhẹn và có khả năng. Tại sao phải sống như nguời mất tay mất chân vậy? Nào! Nhờ đi ăn cắp với chúng ta, anh có thể kiếm về của cải của những người khác và sống thoải mái!" "Tôi không biết cách ăn cắp". Anh ta đáp lại. "Chúng ta sẽ chỉ cách cho anh. Anh chỉ cần làm theo mọi điều mà chúng ta bảo," những tên cướp nói. "Thôi được", anh ta đồng ý và đi chung với chúng. Rồi những tên cướp đặt một cây gậy lớn vào tay anh ta rồi đột nhập vào nhà. Khi chúng đi vào, chúng để anh ta đứng ở cửa ngạch, dặn rằng, "nếu có ai khác đến đây thì cầm cây gậy này đánh vào người ấy một cú cho chết". Ðầy si mê rồ dại và không biết cái gì là tốt hay xấu đối với anh ta, anh ta đứng ở đó, nhìn quanh chờ những người lạ đi đến, trong khi đó những tên cướp đi vào nhà lấy bất cứ cái gì chúng có thể rớ tới, và chạy đi loạn xạ ngay khi những người trong nhà biết được việc làm của chúng. Những người trong nhà đứng lên, chạy rất nhanh và lùng sục tìm kiếm chúng khắp mọi hướng, trông thấy người đàn ông đứng ở cửa, nơi mà chúng đã đột nhập vào. "Nó đó kìa, tên cướp." Họ nói, và rồi tóm lấy anh ta và đánh anh ta bằng cây gậy và những thứ khác trên hai tay và hai chân của anh ta. Họ đưa anh ta đến trước đức vua và nói rằng "Tâu Bệ hạ", đây là tên cướp đã bị tóm bắt ở cửa miệng ngạch". "Truyền chém đầu nó!" Ðức vua truyền lệnh cho đội binh bảo vệ thành phố. "Xin tuân lệnh, tâu bệ hạ", Ðội lính canh Thành phố nói và sai trói chặt hai cánh tay của anh ta ra sau lưng. Với một tràng hoa Kanaviira màu đỏ được buộc quanh cổ của anh ta và cái đầu của anh ta bị làm vấy bẩn bởi bụi gạch, người ta đánh anh ta bằng roi trong khi dẫn anh ta đến pháp trường theo con đường đã được công bố bằng tiếng trống xử trảm. Họ dẫn anh ta đi từ con đường này đến con đường khác, và từ ngã tư đường này đến ngã tư đường khác, trong khi đó tiếng la ó từ hai bên đường vang lên rằng, "đây là tên cướp đã bị tóm bắt trong Thành Phố này!"

Bấy giờ trong Thành Phố ấy, vào trường hợp ấy, có cô gái điếm của Thành phố, tên là Sulasaa, đang đứng trong cung điện nhìn ra qua cửa sổ mắt cáo, và trông thấy anh ta bị dẫn đi như thế. Do đã làm quen với anh ta trong quá khứ, lòng thương xót đối với anh ta khởi lên trong nàng vì nàng nghĩ rằng: "Người đàn ông này mà đã thường thọ hưởng sự hưng thịnh lớn trong cùng thành phố này, nay phải rơi vào tình cảnh bất hạnh như thế, đi đến cảnh ngộ khốn đốn như vậy". Nàng gởi ra bốn loại đồ ngọt và một ít nước, và sai công bố với đội lính canh của Thành phố rằng, "Xin các ngài hãy tạm dừng một chút cho đến khi người đàn ông này đã ăn xong những thứ đồ ngọt này và uống nước này". Bấy giờ, trong khoảng thời gian xảy ra sự việc này, Ðại đức Moggallaana trông thấy cảnh ngộ của anh ta khi Ngài dò xét thế gian bằng thiên Nhãn của Ngài, tâm của Ngài bị kích động bởi lòng bi mẫn và Ngài nghĩ rằng, "Người đàn ông này đã không làm những việc phước, anh ta chỉ gây ra những ác nghiệp mà thôi. Vì lý do này anh ta sẽ anh vào trong Ðịa Ngục. Nhưng nếu ta đi đến đó và anh ta chịu cho ta những thứ đồ ngọt và nước uống, thời anh ta sẽ ra đi cọng trú với những vị chư Thiên địa cầu. Lành thay, nếu ta giúp đỡ người ấy", Và Ngài xuất hiện trước mặt người đàn ông khi những thứ đồ ngọt và nước uống đang được đem đến cho anh ta. Khi anh ta trông thấy Trưởng lão, với lòng tịnh tín, anh ta suy nghĩ rằng "Nếu ta ăn những thứ đồ ngọt này thì có ích gì cho người sắp bị giết chết? Nhưng chúng có thể làm hành trang cho người đi sang thế giới bên kia". Và anh ta nhờ người dâng những thứ đồ ngọt và nước uống đến Trưởng lão. Với mục đích làm gia tăng lòng tịnh tín của anh ta, Trưởng lão ngồi xuống ở một chỗ để anh ta có thể trông thấy Ngài, và ăn những thứ đồ ngọt và uống nước, rồi đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi. Người đàn ông bị những Ðao Phủ thủ dẫn đến pháp trường và chém đầu. Dầu anh ta đáng được sanh vào cõi Devaloka thù thắng nhờ việc phước mà anh ta đã gieo tạo nơi Trưởng Lão Mahaa Moggallaana, là phước điền vô thượng, nhưng vì anh ta đã nghĩ rằng, "Chính nhờ ơn của Sulasaa nên ta có được phước này", nên những ý nghĩ vào lúc lâm chung của anh ta bị lấm nhơ bởi những cảm nghĩ về tình thương đối với Sulasaa, và vì thế anh ta sanh lên ở cấp độ thấp, làm một vị thọ Thần trong một cây đa lớn giữa một đám cây rừng có bóng mát dầy đặc.

Tương truyền rằng, Nếu trong thời thanh xuân của anh ta mà anh ta làm việc chăm chỉ và trông nom gia hệ, thời chắc chắn anh ta sẽ là một người tối thắng trong những vị thương nhân giàu có trong cùng thành phố ấy; nhưng trái lại, nếu khi ở tuổi trung niên, thời anh ta sẽ là người tối thắng trong những vị thương nhân giàu có bực trung; và nếu ở tuổi già, thời anh ta sẽ là một trong những vị thương nhân bực thấp nhứt. Tuy nhiên, nếu trong thời thanh niên của anh ta mà anh ta đi xuất gia, thời anh ta sẽ trở thành một vị A la hán; nhưng trái lại, nếu trong thời trung niên, thời anh ta sẽ trở thành một vị Bất lai hay Nhất lai; và nếu trong tuổi già của anh ta, thì anh ta sẽ trở thành một vị Tu đà huờn (Sotaapanna). Nhưng người ta nói rằng, do sự kết hợp của anh ta với bạn ác, anh ta đã trở nên ngang ngạnh và xu hướng theo hạnh kiểm xấu, và chơi bời trụy lạc với những nữ nhân, uống rượu, và đến một lúc nào đó anh ta đã tiêu phí hết tất cả tài sản của mình và đi đến cảnh ngộ bi đát to lớn ấy.

Rồi về sau vị chư Thiên ấy trông thấy Sulasaa đang đi đến công viên. Ðầy tham ái và dục vọng, vị ấy làm cho nàng mê mờ, rồi đưa nàng đến cõi của chính vị ấy, và sống gắn bó với nàng trong bảy ngày và rồi cho nàng trông thấy chơn tướng của mình. Mẹ của nàng, vì không thể trông thấy nàng ở đâu, bèn rảo đi khắp các nơi mà khóc lóc. Khi mọi người trông thấy bà ta, họ nói rằng: "Ðức Mahaamoggallaana tôn quí là Người có đại thần thông và đại uy lực, sẽ biết được chỗ ở của nàng. Bà nên đi hỏi Ngài" "Tốt lắm, thưa các người", Bà ta nói, đoạn đi đến Trưởng lão và hỏi Ngài về vấn đề ấy. Trưởng lão nói rằng Bà sẽ trông thấy nàng ở mé góc của hội chúng khi Ðức Thế Tôn đang thuyết Giảng Chánh Pháp ở Mahaa vihaara, trong khu rừng trúc, trong bảy ngày kể từ hôm nay". Rồi Sulasaa nói với vị Devaputta rằng, "Thật không thích hợp để tôi sống trong trú xứ của ngài, ngày hôm nay là ngày thứ bảy, và mẹ của tôi vì không thể trông thấy tôi, sẽ rất nóng lòng và buồn khổ, xin hãy đưa tôi về lại chỗ đó, Deva ạ!" vị ấy đưa nàng đi khi đức Thế Tôn đang thuyết giảng Chánh Pháp ở khu rừng trúc, và đặt nàng ở mé góc của hội chúng, rồi đứng ẩn mình. Nhân đó mọi người, khi trông thấy Sulasaa, bèn nói rằng, "Sulasaa cưng, cô đã ở đâu trong nhiều ngày như vậy? Mẹ của cô, vì không thể trông thấy cô, đầy mong ngóng và buồn khổ như người đảng trí". Nàng kể cho mọi người biết biến cố đã xảy ra. Và khi mọi người hỏi rằng, "Làm sao mà người đàn ông ấy, là người đã đắm chìm trong những hành động ác như thế, và cũng là người chưa hề làm việc thiện nào, lại được sanh làm một vị Dava?" Salasaa đáp lại rằng: "Anh ta đã cho đến Trưởng lão cao quí Mahaa Moggallaana những loại đồ ngọt và nước uống mà tôi đã cho anh ta; chính do việc phước nầy mà anh ta được sanh làm một vị Deva ". Sau khi mọi người nghe được điều này thì họ lấy làm ngạc nhiên; và họ cảm thấy hoan hỷ lớn và thoả mãn khi nghĩ rằng: "Những bậc A-la-hán quả thật là phước điền vô thượng của thế gian - Ngay cả một việc thiện nhỏ nhất được làm đến cho các ngài cũng khiến cho những chúng sanh ấy được sanh làm chư thiên".

Các vị Tỳ kheo nêu lên vấn đề này với đức Thế Tôn; và do nhân cần thiết đã sanh lên, đức Thế Tôn bèn nói những câu kệ này:

 

1.

Thánh Tăng như ruộng tốt tươi,
Những kẻ dâng cúng như người trồng cây;
Hạt giống như phước thí đây:
Từ những nhân ấy quả này cho ra.

2.

Hạt này với thuở ruộng này,
Với công trồng trọt kết xây quả lành
Cho người quá vãng của mình
Và cho người đã tạo thành phước kia;
Ngạ quỉ hưởng phước được chia,
Người cho nhờ đó sanh về cõi vui.

3.

Ở đây khi phước tạo rồi,
Và cho Ngạ quỉ đứng ngồi chờ mong-
Phước lành khi đã tạo xong,
Người kia khi chết sanh trong cõi trời.

 

Chú giải:

1- Ở đây: "NHƯ RUỘNG TỐT TƯƠI (Khettaa Pamaa): Thửa ruộng là chỗ nuôi dưỡng những hạt giống đã được vãi ra và được gieo xuống trong đó, và là chỗ bảo vệ chúng bằng cách biến chúng thành quả lớn. Ðó là chỗ dành cho những hạt lúa đang mọc lên v.v... "Như ruộng tốt tươi" Nghĩa là các Ngài tương tự như thửa ruộng đã được sửa soạn để cày. THÁNH TĂNG (Arahato): Những người đã đoạn trừ các lậu hoặc, các Ngài được gọi là "A-la-hán" bởi vì kẻ thù là ô nhiễm và những cái căm của bánh xe luân hồi đã bị các ngài phá nát rồi; vì các Ngài đã xa lìa chúng; bởi vì các Ngài thọ những món vật dụng; và vì các Ngài không làm những ác nghiệp, ngay trong chỗ những chỗ kín đáo. Về điều này, cũng như một thửa ruộng đã được khéo sửa soạn, vì nó không bị phá hoại bởi những cây cỏ, khi được gieo bởi những hạt giống thì cho ra kết quả lớn nhờ công chăm bón trồng trọt. Khi được gieo nghĩa là nó được tưới nước đúng thời và những điều kiện cần thiết khác cũng được làm xong. Cũng vậy, đối với người mà trong tâm người ấy các lậu hoặc đã được đoạn trừ, người đã chứng đắc rốt ráo và không còn ô nhiễm về tham -sân - si, khi được gieo bằng hạt giống phước thí, thì đem lại quả báu lớn cho người cúng dường, chỉ cần đúng thời và những điều kiện cần thiết khác có mặt. Vì lý do này mà Ðức Thế Tôn nói rằng, "Các vị A-la-hán như một thuở ruộng". Ðây là lời giải thích bằng lối đ?nh nghĩa rốt ráo, vì những người hữu học thì không được bao gồm trong thửa ruộng ấy. NHỮNG NGƯỜI CÚNG DƯỜNG (Daayakaa): Những người cúng dường là những người đã cho đi những vật dụng như y phục v.v... bằng sự bố thí rộng rãi của họ những người đã cho đi là những người dã cắt đứt lòng tham và những ô nhiễm khác trong tâm của chính họ, nghĩa là những người làm cho thanh tịnh và phòng hộ tâm của họ. NHƯ NHỮNG NGƯỜI NÔNG DÂN (Kasakaapamaa): Tương tự như người nông dân: Cũng y như người nông dân có được kết quả thù thắng và dồi dào về những vụ mùa của ông ta nếu ông ta cày xới những thuở ruộng của ông ta và chăm chỉ vun bón đều đặn, và thực hiện hệ thống tưới nước, sự cất vào kho và sự bảo vệ v.v...; Cũng vậy, người mà cho ra cũng được quả báu dồi dào và thù thắng từ vật thí của người ấy, nếu người ấy siêng năng trong việc làm phước. Và bằng tánh rộng rãi về việc cúng dường đến những vị A- la- hán. Vì lý do này mà Ngài nói rằng: "Những người cúng dường giống như những người nông dân". SỰ LÀM PHƯỚC CÚNG DƯỜNG NHƯ HỘT GIỐNG (Biijuupama.m deyya dhamma.m): nghĩa là tương tự như hạt giống là thí vật, vì đây là tên đối với mười loại vật thí mà sẽ được cho ra, như đồ ăn thức uống v.v... TỪ NHỮNG VẬT THÍ NẦY QUẢ TRỔ SANH (Etto Nibbattate Phala.m): nghĩa là từ những vật thí này, từ (Sự liên kết của người cho, sự cho lãnh và sự cho vật thí, quả của vật thí sanh ra, sanh lên và tiếp tục tồn tại bằng cách chúng được liên kết trong một thời gian rất lâu. Liên quan đến điều này, vì bản chất của các vật như đồ ăn và thức uống v.v... được sửa soạn bằng không gì khác ngoài tác ý bố thí chúng. Do đó, "sở thí vật như hạt giống " là cách mà vật thí được đem ra so sánh.

2. HẠT GIỐNG, MẢNH RUỘNG VÀ SỰ GIEO TRỒNG NÀY (Eta.m bija.m kaasiikhett.m): hạt giống đã được nói ở trên,mảnh ruộng và sự gieo trồng đã được nói ở trên. Ðiều được gọi như vậy có nghĩa là sự gieo hạt giống ấy trong mảnh ruộng ấy. Ba cái này khả ái với ai? Ngài nói rằng: "Cho những ngạ quỷ và người cho đi". Nếu người cho vật thí mà nhân danh Ngạ quỉ thì hạt giống này, sự gieo trồng và mảnh ruộng này sẽ có lợi ích cho cả những Ngạ quỉ ấy và những người cho ra. Trong khi đó, nếu người cho vật thí ấy mà không nhân danh Ngạ quỉ, thời chúng chỉ có lợi cho riêng người cho mà thôi- ý nghĩa là như vậy. Rồi để định rõ lợi ích này, "Những ngạ quỷ dùng phước được hồi hướng này, trong khi người cho nhờ phước ấy mà được sanh lên" được nói đến. Ở đây, NHỮNG NGẠ QUỈ DÙNG PHƯỚC ÐƯỢC CHO NÀY (Ta.m Petaa Paribhu~nnjanti): trong khi vật thí được cho ra nhân danh những Ngạ quỉ, do bởi những người cho, những Ngạ quỉ thọ hưởng quả của vật thí ấy mà có lợi cho những Ngạ quỉ do sự thành tựu về phước điền đã được nêu ra ở trên, sự gieo trồng và hạt giống được nêu ra ở trên, và do sự thọ hưởng (được cho thấy bởi những Ngạ quỉ). TRONG KHI NGƯỜI CHO NHỜ PHƯỚC ẤY MÀ SANH LÊN (Daataa Pu~n~nena Vaddhati): Tuy nhiên, trong khi người cho, do bởi việc phước về bố thí của người ấy, được hưng thịnh dồi dào về những dục lạc thù thắng v.v...trong cõi chư thiên và nhân loại. Vì quả của việc phước cũng có thể gọi là "Phước" như trong câu: "Chính do sự gieo tạo những thiện Pháp, này các Tỳ kheo, mà phước này tăng tiến" v.v...

3. KHI ÐÃ LÀM VIỆC THIỆN NGAY Ở ÐÂY (Idha' eva kusa.la.m katvaa): Khi đã tích lũy ngay ở đây, trong chính kiếp sống này, phước bao gồm sự bố thí bằng cách cho ra nhân danh những ngạ quỷ, và cái gọi là điều thiện mang ý nghĩa rằng lạc quả không tỳ vết. VÀ LÀM VẺ VANG NHỮNG NGẠ QUỈ (Pete ca pa.tipuujaya.m): Tôn kính bằng sự bố thí nhân danh những Ngạ quỉ và giải phóng họ ra khỏi nỗi thống khổ mà họ đang gánh chịu, vì lý do này, "vì sự tôn kính đã được đem lại cho chúng ta" và "và vinh dự cao tột đã được sanh đến cho những Ngạ quỉ" được nói đến. VÀ ÐÃ LÀM VẺ VANG NHỮNG NGẠ QUỈ (Pete ca): Chữ "vaa" bao gồm những lợi ích của việc bố thí (được hưởng) trong chính kiếp sống này, như là: Người ấy được thương mến và chìu chuộng nhiều, người ấy sẽ được mọi người đến gần và tin cậy, người ấy sẽ được tôn kính, và người ấy sẽ được khen ngợi bởi các Bậc trí tuệ v.v.... khi đã làm việc lành ấy. NGƯỜI ẤY ÐI ÐẾN CÕI TRỜI (Sagga~n ca Kamati .thaana.m ka.mma.m katvaana bhaddhaka.m): Khi đã làm việc thiện, khải ái và tốt đẹp ấy, người ấy đi đến bằng sự sanh vào trong cõi Devaloka, chỗ tái sanh dành cho những người đã làm những việc phước, nên có tên là "Thiện thú" (Sagga.m) vì nó có mười đặc tánh thù thăng như thọ mạng của chư Thiên v.v...

Vào lúc kết thúc Pháp thoại này, Tuệ quán sanh đến cho tám mươi bốn ngàn chúng sanh bắt đầu từ vị devaputta ấy và nàng Sulasaa

Bằng sự giải thích này về ý nghĩa bên trong, bằng sự trình bày này rõ câu chuyện Ngạ quỉ này, Phước điền Ngạ quỉ sự được kết thúc.

-ooOoo-

I.2 TRỦNG QUỈ SỰ
(SUUKARA PETAVAT.THUVA.N.NANAA)

"Thân của ngươi hoàn toàn có màu vàng".

Pháp thoại nầy được bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở chỗ nuôi ăn của những con sóc trong khu rừng Trúc, gần Raajaagaha,liên quan đến một Ngạ quỉ nọ có mặt heo.

Tương truyền rằng, cách đây đã lâu, trong thời kỳ của Ðức Thế Tôn Kassapa có một vị Tỳ kheo có thân được thu thúc, nhưng khẩu thì không được thu thúc và thường lăng mạ chửi mắng các vị Tỳ kheo. Khi vị ấy chết, tái sanh trong địa ngục; ở đó vị ấy bị thiêu đốt trong suốt thời gian giữa vị Phật, đến thời gian này vị ấy chết đi ở đó, như là kết quả dư báo của nghiệp ấy, sanh làm một Ngạ quỉ ở dưới chân núi Kỳ-Xà-Quật gần Raajagaha . Thân của nó có màu huỳnh kim, nhưng mặt của nó giống như mặt của con lợn. Vào thời ấy, Ðại đức Naarada đang lưu trú ở núi Kỳ Xà Quật. Khi đã làm xong mọi nhu cầu về thân, vào lúc sáng sớm, trưởng lão mặc y và mang bát, và khi vị ấy đang đi vào thành Raajagaha để khất thực, trên đường đi trông thấy Ngạ quỉ ấy, trưởng lão bèn đọc lên câu kệ này để dò hỏi nhiệp mà nó đã tạo nên:

 

1.

"Thân ngươi mang sắc huỳnh kim,
Toả ra ánh sáng lung linh bốn bề;
Nhưng mặt ngươi giống lợn xề.
Nghiệp gì ngươi đã nặng nề tạo nên?"

 

Chú giải:

1. Ở ÐÂY, THÂN NGƯƠI MANG SẮC HUỲNH KIM (Kaayo te Sabbasova.n.no): Thân của ngươi, con người của ngươi, trên khắp đều có màu huỳnh kim giống như màu đỏ của vàng bị tan chảy. TOẢ RA ÁNH SÁNG LUNG LINH BỐN BỀ (Sabbaa Obhaasate Disaa): Nó toả sáng, nó chiếu ra khắp các hướng bằng hào quang của nó; hay nói cách khác câu nói: "nó trải ra ánh sáng" (Obhaasate) Có thể ngụ ý một ý nghĩa về thân, dầu điều này không được diễn đạt bằng hình thức văn phạm của nó, nghĩa là: "Thân của ngươi hoàn toàn vàng; NÓ SÁNG LÊN (Obhaaseti), nó chiếu ra ở mọi hướng"- Ðây là cách nên hiểu. TUY NHIÊN MẶT CỦA NGƯƠI LÀ MẶT CỦA CON LỢN (Mukha.nte-Suukarass'eva): Nhưng mặt của ngươi thì giống như mặt của con lợn, nghĩa là mặt của ngươi tương tự như mặt của con lợn. NGƯƠI ÐÃ LÀM NGHIỆP GÌ TRONG QUÁ KHỨ? (Ki.m ka.mma.m Akarii pure): Vị ấy hỏi nó đã tạo nghiệp nào trước kia trong kiếp quá khứ.

Ngạ quỉ ấy được hỏi như vậy bởi Trưởng lão về nghiệp mà nó đã tạo, bèn trả lời bằng cách thốt lên câu kệ này:

 

2. Tôi đã thu thúc về thân; về lời nói thì tôi không thu thúc. Vì lý do này, thưa Ngài (Naarada), sắc tướng của tôi như Ngài thấy đó."

Tôi đã thu thúc về thân,
Nhưng còn lời nói thì không hộ phòng;
Nên thân sáng đẹp vô ngần,
Còn mặt giống lợn muôn phần gớm ghê.

 

Chú giải:

Ở đây, TÔI ÐÃ THU THÚC VỀ THÂN (Kaayena Sa~n~nato aasi.m): Tôi đã thu thúc bằng sự thu thúc về thân, tôi đã kiểm soát bằng sự kiểm soát trong những vấn đề liên quan đến thân căn. VỀ LỜI NÓI THÌ TÔI KHÔNG THU THÚC (Vaacaayaasi.m asa~n~nato): Trong các điều liên quan đến lời nói thì tôi không có sự thu thúc, không có sự kiểm soát. VÌ LÝ DO NÀY (Tena): Do bởi sự thu thúc này và sự không thu thúc. SẮC TƯỚNG LÀ NHƯ THẾ (Taadiso va.n.no): là vậy như Ngài, thưa (Naarada), có thể thấy về chính tôi; tôi có sắc tướng là thân của tôi có hình người và màu huỳnh kim, nhưng mặt của tôi thì tương tự như con heo. Ðây là cách mà nó nên được hiểu. Chữ "Sắc tướng" (Va.n.no) nên được xem ở đây là sự đề cập đến nước da và hình tướng của vị ấy.

Khi Ngạ quỉ đã trả lời như vậy vấn đề mà nó được hỏi đến bởi Trưởng lão, khi nương vào lý do này, nó thốt lên câu kệ này để khuyên Trưởng lão:

 

3. "Do đo tôi xin nói với Ngài, Thưa Ngài (Naarada), chính Ngài đã trông thấy điều này; đừng tạo nghiệp ác về khẩu, đừng kết thúc bằng cái mặt heo!"

Vậy, hỡi (Naarada):

Tôi xin được nói rằng
Ðiều này Ngài đã thấy,;
Ác khẩu chớ tạo ra,
Ðừng để kiếp sau phải
Có mặt heo như ta!

 

Chú giải:

3. Ở đây, chữ DO ÐÓ: Ta.m=Tasmaa (...) hình thức văn phạm hoán chuyển (...). TÔI (NÓI) VỚI NGÀI: Taaha.m = Te aha.m (cách nối). NAARADA "Naarada":, Nó đang nói với Trưởng lão NÓI (Bruumi): Nói cho biết. CHÍNH NGÀI (Saama.m): Bởi chính Ngài. ÐIỀU NÀY (Ida.m): nó nói liên quan đến thân của chính nó. Ở đây, ý nghĩa như thế này: "Bởi vì Ngài, thưa Ngài Naarada, khi chính Ngài đã trông thấy trạng thái mà thân của tôi có hình người từ cổ trở xuống và hình tướng con heo (Từ cố trở lên). Do đó, tôi xin nói để khuyên Ngài. Ngạ quỉ đã nói điều gì? "Ðừng tạo ra ác nghiệp nào về lời nói, đừng kết thúc bằng cái mặt của con heo". Ở đây ÐỪNG (Maa): là một tiểu từ không biến đổi về sự cấm. VỀ KHẨU: Mukhasaa = Mukhena (Hình thức văn phạm hoán chuyển) Kho (không được dịch) Ðược dùng để nhấn mạnh. Ðừng gieo tạo, đừng làm ác nghiệp nào về lời nói. ÐỪNG KẾT THÚC BẰNG CÁI MẶT CỦA CON HEO (maa kho suukaramu kho ahu): đừng kết thúc bằng cái mặt cuả con heo như tôi đã bị. Nhưng nếu Ngài lỗ mãng và phạm phải những ác nghiệp về lời nói thời chắc chắn Ngài sẽ bị kết thúc bằng cái mặt của heo. Do đó, nó khuyên vị ấy như vầy: "Ðừng tạo ác nghiệp nào về lời nói cả", để ngăn đừng cho sanh quả là cái mặt ấy.

Rồi Trưởng lão Naarada đi tiếp đến Raajagaha để khất thực. Sau khi thọ thực xong, vị ấy trở về và nêu vấn đề với Bậc Ðạo sư khi Ngài đang ngồi ở giữa tứ chúng. Bậc Ðạo sư nói rằng: "Nầy Naarada Như Lai cũng đã trông thấy chúng sanh ấy trong quá khứ", và rồi thuyết Pháp khi giải thích bằng vô số cách về những quả liên quan đến ác hạnh . Thời pháp ấy đem lại lợi ích cho hội chúng đã hội họp ở đó.

-ooOoo-

I.3 XÚ KHẨU QUỈ SỰ
(PUUTIMUKKHA PETAVATTHUVA.N.NANAA)

"Ngươi có nước da đẹp như chư Thiên".

Pháp thoại này được Bậc Ðạo sư thuyết giảng trong khi Ngài đang ngụ ở chỗ nuôi ăn của những con sóc trong khu rừng trúc, liên quan đến một Ngạ quỉ nọ có miệng thúi.

Tương truyền rằng cách đây đã lâu, trong thời của Ðức Thế Tôn Kassapa,có hai chàng thanh niên thuộc gia đình danh giá, đã xuất gia theo giáo pháp của Ngài và có đầy đủ giới hạnh, sống cuộc đời khổ hạnh và trú ngụ với nhau trong sự hoà hợp ở trong một ngôi làng nọ. Rồi một vị Tỳ kheo nọ, có xu hướng theo những việc làm ác và thích đâm thọc, đã đến tại chỗ ngụ của họ. Hai vị Trưởng lão đã tiếp đón vị ấy một cách thân mật và lo cho vị ấy nơi ăn chốn ở. Vào ngày hôm sau, hai vị trưởng lão cùng với vị Tỳ kheo kia đi vào làng để khất thực. Khi trông thấy những vị này, dân chúng tỏ sự tôn kính tột bậc đến ba vị Trưởng lão và dâng cúng đến họ một bữa ăn bằng cơm dẻo và những thứ khác. Khi vị Tỳ kheo ấy đã đi vào Tịnh xá, vị ấy suy nghĩ, "Ngôi làng này là một nguồn vật thực hấp dẫn, vì những người của nó có đầy niềm tin, lại dâng cúng vật thực ngon, và tịnh xá nầy mát mẽ, lại có nước đầy đủ . Ta có thể sống hạnh phúc ở đây; Nhưng chừng nào hai vị Tỳ kheo này còn sống ở đây thì Tịnh xa này sẽ không đem lại cho ta sự thoả mái nào- Ta sẽ sống ở đây như một môn đệ thường trú. Thôi được, ta phải làm cho họ phải xa lìa nhau và làm theo cách nào để họ không thích sống ở đây nữa".

Bởi vậy vào hôm nọ, khi vị Trưởng lão lớn đã giáo giới hai vị kia rồi thì vị Tỳ kheo đâm thọc đi vào chỗ ngụ của vị ấy, ở lại đó một chốc lát và rồi đi đến vị Trưởng lão lớn ấy. Trưởng lão hỏi vị ấy rằng: "Này hiền giả, tại sao hiền giả đến vào lúc phi thời như thế?" " Thưa ngài, tôi có chuyện cần nói ra", (vị ấy đáp lại); Và khi Trưởng lão đã cho phép vị ấy (nói) thì vị ấy nói rằng: "Thưa Ngài, vị Trưởng lão bạn này của Ngài khoe mình như một người bạn trước mặt của Ngài, nhưng sau lưng thì nói những chuyện về Ngài như là một địch thủ". Khi được hỏi đó là điều gì, vị ấy nói rằng: " Hãy lắng nghe, thưa Ngài, vị ấy nói về điều mang tai tiếng của Ngài, rằng: "Vị Trưởng lão lớn láo cá, xảo quyệt và gian dối; vị ấy kiếm sống bằng những phương tiện bất chánh". "Ðừng nói như vậy, này hiền giả, vị Tỳ kheo này không nói những chuyện về tôi. Vị ấy đã biết tánh của tôi từ lúc chúng tôi còn là cư sĩ. Tôi luôn luôn có tánh thân ái và dễ thương". "Nếu Ngài nghĩ như vậy do bởi tấm lòng thanh tịnh của Ngài, thời điều ấy xem như xong đối với Ngài. Nhưng tôi thì không có cảm nghĩ xấu đối với vị ấy như vậy, thế thì tại sao tôi lại nói cho Ngài biết rằng vị ấy đã nói như vậy nếu vị ấy không nói điều đó? Tốt lắm, thưa Ngài, nhưng chính Ngài sẽ tự mình hiểu về điều ấy sau một thời gian", vị ấy nói. Nhưng vị Trưởng lão ấy, vì vẫn còn là một Puthujjana, bị rung động, tự hỏi rằng' "Có đúng như vị ấy nói không?" Và sự ngờ vực khởi lên trong tâm của vị ấy, lòng tin cậy của vị ấy bị lay động một ít. Sau khi đã làm ly gián vị Trưởng lão lớn, kẻ ngu ấy cũng đưa vị Trưởng lão kia vào tình trạng như đã nói ở trên . Vào ngày hôm sau, vị trưởng lão lớn chẳng nói chuyện với vị Trưởng lão kia khi mang y và bát, và đi vào ngôi làng ấy để khất thực. Khi họ đem về vật thực khất thực của họ, mỗi người ăn nó trong chỗ ngụ riêng của mỗi người và không trao đổi một sự xã giao nào, dầu nhỏ nhặt nhất, trãi qua ngày ngay tại chỗ đó; Trong khi vào lúc rạng sáng, mỗi người đi đến bất cứ chỗ nào mà người ấy thấy thuận tiện và không báo cho vị kia biết. Khi họ trông thấy vị Tỳ kheo đâm thọc đã đi vào ngôi làng ấy, là nơi có thể làm thành tựu tất cả những ước muốn của vị ấy, mọi người hỏi rằng: "Thưa Ngài, các vị Trưởng lão đã đi đâu rồi?" "Họ cãi lộn nhau suốt đêm. Tôi đã khuyên họ đừng cãi cọ mà hãy sống trong sự hoà hợp và rằng sự cãi vã ấy dẫn đến sự bất hạnh, đem lại sự đau khổ trong tương lai và đưa đến những việc làm bất thiện; Hơn nữa, bấy nhiêu điều có lợi ích mà đã được làm rồi xem như bị tiêu tan bởi sự tranh cãi và những điều khác. Nhưng họ đã bỏ đi và không quan tâm đến những lời khuyên của tôi". Khi nghe điều này, dân chúng nài nỉ rằng: "Hãy để những vị Trưởng lão ấy đi, nếu họ muốn nhu vậy. Nhưng Ngài phải ở lại đây vì lòng bi mẫn đối với chúng tôi. Ngài sẽ không có sự hối tiếc nào!" "Tốt lắm" Vị ấy đồng ý. Khi đã ở lại đó trong vài ngày, vị ấy suy nghĩ, "ta đã gây bất hoà cho những vị Tỳ kheo có giới đức và có tánh dễ mến, do lòng ham hố trú xứ của ta. Chắc chắn ta sẽ làm một điều ác độc rồi!" Và bị dày vò bởi lương tâm khó chịu cùng cực, vị ấy nhuôm bịnh bởi sức nặng của sự sầu khổ của vị ấy; chẳng bao lâu vị Tỳ kheo đâm thọc mạng chung và tái sanh trong địa ngục Aviiji .

Khi hai vị Trưởng lão bạn kia đi lang thang quanh khắp vùng ấy, họ gặp nhau ở một chỗ ngụ nọ và trao đổi những lời chào hỏi thân thiện với nhau. Họ báo cho nhau biết về những lời ly gián mà vị Tỳ kheo kia đã nói; và khi họ khám phá rằng không có sự chơn thật trong đó, lại hoà hợp trở lại; và đúng lúc họ trở về lại chính chỗ ngụ ấy. Khi dân chúng trông thấy hai vị Trưởng lão ấy, họ vô cùng vui sướng, và đầy hạnh phúc, dâng cúng hai vị Trưởng lão bốn món vật dụng. Hai vị Trưởng lão ở lại đó, được cung cấp bởi đồ ăn thích hợp và đã phát triển tuệ quán do sự tập trung của tâm, và không bao lâu sau chứng đắt đạo quả A-la-hán.

Vị Tỳ kheo đâm thọc bị thiêu đốt trong địa ngục trong một trung gian Phật thời; và trong suốt thời gian của Ðức Phật này, sanh lên không cách xa thành Vương xá làm một Ngạ quỉ có miệng hôi thối. Thân của nó có màu sắc huỳnh kim, nhưng có những con giòi bò ra từ miệng của nó và đục khoét chỗ này chỗ nọ trên mặt của nó. Nó toả ra mùi hôi thối, xông khắp cả không trung. Bấy giờ, khi Ðại Ðức Naarada đi xuống từ ngọn núi Kỳ-Xà- Quật, vị ấy trông thấy nó và hỏi về nghiệp mà nó đã tạo bằng câu kệ này:

 

"Người có sắc đẹp của chư Thiên. Nhưng khi ngươi đứng trong không trung, trong bầu trời, thì những con giòi đục khoét cái miệng thối của ngươi. Ngươi đã làm nghiệp gì trong quá khứ?"

"Thân ngươi đẹp sắc chư Thiên
Nhưng khi ngươi đứng ở trên bầu trời,
Thì từ cái miệng của ngươi
Bị đục khoét bởi đám giòi thối tha.
Nghiệp gì ngươi đã tạo ra
Trong thời quá khứ nói ta nghe nào?"

 

Chú giải:

1. Ở đây, CHƯ THIÊN, THẦN TIÊN (Dibha.m): thường có nghĩa là: có đặc tánh của chư Thiên, khi đã đạt đến trạng thái của chư Thiên, "chư Thiên" nghĩa là " như chư Thiên". ÐẸP (Sabha.m): chiếu sáng hay ở trong một trạng thái thù thắng. SẮC, NƯỚC DA (Va.n.nadhaatu.m): màu của da. NGƯƠI CÓ (Dhaaresi): Ngươi mang vào . KHI NGƯƠI ÐỨNG TRONG KHÔNG TRUNG, TRONG BẦU TRỜI (Vehaayasan Ti.t.thasi antalikkhe): Ngươi đứng trong không trung làm sáng rực bầu trời. MIỆNG THỐI (Puutigandha.m): có mùi của xác chết sình thối, nghĩa là mùi thối tha. NGƯƠI ÐÃ TẠO NGHIỆP GÌ TRONG QUÁ KHỨ (Kim ka.mma.m aakaasi Pubbe): vị ấy hỏi "Những con dòi đục khoét cái miệng có mùi thối của ngươi, tuy nhiên thân của ngươi thì có màu huỳnh kim. Loại nghiệp nào mà ngươi đã làm trong quá khứ để có thể là nguyên nhân cho sắc tướng như vậy?"

Khi được hỏi bởi Trưởng lão về nghiệp mà nó đã làm, con Ngạ quỉ thốt lên câu kệ để giải thích vấn đề:

 

2. "Ta là một Sa môn có miệng ác và thối tha; Dầu mang lốt của một vị Sa môn, nhưng ta không thu thúc cái miệng. Do sự tinh tấn khổ hạnh của ta khiến ta nhận được màu sắc này, và do lời nói đâm thọc của ta khiến ta có miệng hôi thối."

"Tôi là một vị xuất gia.
Nói lời chia rẽ thối tha không chừng.
Dầu mang tướng một Sa môn,
Nhưng về khẩu nghiệp tôi không hộ phòng.
Do công tinh tấn tu hành,
Nên thân tôi có sắc vàng huỳnh kim,
Và do đâm thọc xỏ xiên.
Nên miệng tôi bị thối rình như ri."

 

Chú giải:

2. Ở đây, TÔI LÀ MỘT VỊ SA MÔN ÁC (Samano aha.m Paato): Tôi là một vị Sa môn đáng khinh, một vị Tỳ kheo ác. CÓ MIỆNG THỐI (Du.t.thavaaco): có lời nói dơ bẩn thối tha; Tôi sát phạt những kẻ khác, tôi cũng đi quá xa với cái miệng của tôi, nghĩa là tôi là người nói hạ thấp giới đức của những kẻ khác. Có cách đọc khác là CÓ MIỆNG VÔ CÙNG HÔI THỐI (Atitu.t.thavaaco): vô cùng ác khẩu, thích ác hạnh về lời nói như nói dốí và nói lời nói đâm thọc v.v... TRONG HÌNH TƯỚNG CỦA MỘT VỊ SA MÔN (Tapassiiruupo): Mang lốt một vị Sa môn: BẰNG CÁI MIỆNG: Mukhasaa = Mukhena (thể văn phạm hoán chuyển), THỌ LÃNH (Laddhaa): có được, chữ "vaa" (ca) có ý nghĩa về sự kết hợp. TÔI: Me = Mayaa (Thể văn phạm hoán chuyển). DO SỰ KHỔ HẠNH CỦA TÔI (Tapasaa): Do phạm hạnh của tôi. DO LỜI NÓI ÐÂM THỌC CỦA TÔI (Pesuni yeịa): Do lời nói hiểm độc của tôi. THỐI (Puuti): mùi hôi thối.

Khi Ngạ quỉ ấy đã trình bày nghiệp mà nó đã tạo, sau đó nó nói lên câu kệ kết luận để khuyên Trưởng lão:

 

3. Chính Ngài đã trông thấy điều này, thưa ngài Naarada . Những người mà có lòng bi mẫn và có thiện tâm thường nói rằng: "Ðừng nói đâm thọc cũng đừng nói dối - như thế người sẽ trở thành một Yakkha với tất cả những mong muốn của người được làm thoả mãn."

"Chính Ngài đã thấy điều này,
Những người tốt bụng và hay thương người
Khuyên "Ðừng đâm thọc dối đời-
Nếu được như thế cõi trời chờ mong,
Làm chư Thiên hoặc Dạ Xoa,
Những điều mong muốn cho ta tức thì".

 

Chú giải:

Ở đây, ÐIỀU NẦY (Tayida.m): Sắc tướng này của tôi. NHỮNG NGƯỜI CÓ LÒNG BI MẪN VÀ CÓ TÁNH THIỆN THƯỜNG NÓI RẰNG: (Anuka.mpa kaaye kussalaa Vadeyyu.m): Những người mà có tánh thương người và có lòng bi mẫn là những người thiện, có trí tuệ trong việc làm lợi ích cho những người khác, như Ðức Phật và những người khác, thường nói y như điều mà tôi đang nói- đây là ý nghĩa cho thấy lời khuyên này. Rồi nó - nói rằng: "Ðừng nói đâm thọc cũng đừng nói dối - thời người sẽ trở thành một Yakkha với tất cả những ước muốn của người được làm thoả mãn. Ý nghĩa là như thế này: Ðừng nói ra lời nói có tánh chất đâm thọc cũng đừng nói dối: Nếu Ngài từ bỏ nói dối và lời đâm thọc hiểm ác, và có thu thúc về lời nói, thời Ngài sẽ trở thành một Yakkha hay một vị deva hay người trong tuỳ tùng của một vị Deva . Sau khi được sự ưu thắng thần tiên tốt đẹp nhất và bất cứ ước muốn nào mà có thể muốn, Ngài có thể thong dong từ chỗ này chỗ kia và được sung sướng bằng cách làm thoả mãn các căn theo ý thích.

Khi đã nghe qua điều này, Trưởng lão đi tiếp đến thành Vương Xá để khất thực. Khi đã độ thực xong sau khi khất thực trở về, vị ấy nêu lên vấn đề với Bậc Ðạo sư. Bậc Ðạo sư lấy đó làm nhân cần thiết đã sanh lên và thuyết giảng chánh pháp. Thời Pháp ấy đem lại lợi ích cho hội chúng đã tụ họp ở đó.

-ooOoo-

I.4 TÍCH TRUYỆN CÁI BÁNH ÐỒ CHƠI
(PI.T.THADHIITALIKA)

"Liên quan đến bất cứ ai!"

Bậc Ðạo sư, khi đang ngụ trong Jetavana tại Saavatthi, đã kể lại câu chuyện này, liên quan đến sự bố thí vật thực của gia chủ Anaa.thapi.n.dika .

Tương truyền rằng, đứa cháu gái của gia chủ Anaathapi.n.dika, vẫn còn là một cô gái nhỏ, được vú nuôi cho một cái bánh đồ chơi, bà ta nói rằng, "Hãy lấy cái này mà chơi". Cô bé xem nó như đứa con gái của chính mình. Rồi một hôm, trong khi đang chơi với nó, cô bé bất cẩn để nó rơi xuống và bị vỡ. Khi thấy vậy, cô bé bậc khóc, nói rằng, "con gái của tôi đã chết!" Nhưng không có người hầu nào có thể làm vơi nước mắt của nó được.

Bấy giờ trong cùng thời gian ấy, Bậc Ðạo sư đang ngồi trong chỗ ngồi đã được soạn sẵn trong nhà của gia chủ Anaathapi.n.dika, và vị Thương nhân rất giàu có ấy thì ngồi gần Ðức Thế Tôn. Bà vú nuôi đi với cô gái đến trước vị Thương nhân. Khi ông ta trông thấy bà ta, ông ta nói rằng, "tại sao cháu bé này khóc?" Bà vú nuôi tường thuật lại biến cố đã xảy ra với vị phú thương, và ông ta để cô bé ngồi trên đùi của ông ta và an ủi nó: "ông sẽ cúng dường vật thực nhân danh con gái của cháu". Và rồi bạch với Bậc Ðạo sư rằng: "Con muốn cúng dường vật thực nhân danh con gái cuả cháu gái con- là cái bánh đồ chơi này. Xin ngài hoan hỷ nhận lời mời của con, bạch Ðức Thế Tôn, và năm trăm vị Tỳ kheo đến thọ thực vào ngày mai". Ðức thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi vào ngày hôm sau, đức Thế Tôn đi với Năm trăm vị Tỳ kheo, đến nhà của vị phú Thương ấy và, khi Ngài đã thọ thực xong, bèn nói những câu kệ này để nói lên lời tán dương của Ngài:

 

1. Liên quan đến bất cứ ai, những người không bỏn xẻn cho vật thực, dầu đối với những Ngạ quỉ trước kia, hay hơn nữa đến những vị chư Thiên trong nhà,

2. Và Tứ Ðại Thiên Vương, là những kẻ hộ trì nổi tiếng của Thế gian; Ðó là: Kuvera, Dhatara.n.nha, ViRuupakkha, Virulhaka. Khi những vị này được tôn kính thì những người cho không phải không có quả báu.

3. Dầu khóc lóc, sầu muộn hay ta thán đến bao nhiêu cũng không đem lại lợi ích gì cho những Ngạ quỉ, dầu những quyến thuộc của họ mãi theo sát bên họ.

4. Nhưng sự bố thí này mà sau khi đã được làm rồi, đã gieo trồng vững chắc trong chư Tăng, thì bằng kết quả tức thời sẽ đem lại lợi ích lâu dài cho chúng.

Những người không bỏn xẻn
Hằng cho ra vật thí,
Rồi cho bất cứ ai,
Hoặc Ngạ quỉ quá vãng,
Hay đến những chư Thiên,
Ở trong các tư gia.
Và Tứ Ðại Thiên Vương,
Là những kẻ bảo vệ,
Nổi tiếng của thế gian -
Ðó là Kú Vê Rá
Dhá-Tá-Rá-tha
Vi-ru-bắc-khá
Cùng Ví-run-há-cá.
Khi những thiên vương này
Ðược tôn kính như vậy,
Thì những người bố thí
Không phải không có quả.
Dầu khóc lóc buồn rầu,
Hay ta thán thế nào,
Cũng không đem lợi ích
Ðến cho những Ngạ quỉ,
Dầu quyến thuộc của chúng
Cứ dai dẳng nhớ chúng.
Nhưng sự bố thí này
Mà đã được làm rồi,
Và đã trồng vững chắc
Trong chúng tăng của Phật
Thì hiệu quả tức thì
Sẽ làm lợi lâu dài
Cho những Ngạ quỉ ấy.

 

Chú giải:

1. Ở đây, LIÊN QUAN ÐẾN BẤT CỨ AI (Ya.m Ki~ncaara.mmana.m): Liên quan đến, nhân danh cho, bất cứ ai khác có (tham dự) trong những buổi lễ làm phước v.v... HẰNG CHO RA: (Dajjaa= Dadeyya) (thể văn phạm hoán chuyển). NHỮNG NGƯỜI KHÔNG BỎN XẺN (Amaccharii): Những người không bỏn xẻn là những người do sự vắng mặt của lòng bỏn xẻn có đặc tánh là không thể (chia) sự may mắn của chính họ cho những kẻ khác; Người có tánh rộng rãi. Họ thường cho ra sau khi họ đã tẩy sạch những bợn nhơ trong tâm như lòng bỏn xẻn và tham lam v.v... Ðây là cách nên được hiểu. DẦU CHO NHỮNG NGẠ QUỈ TRƯỚC KIA (Pubbe pete ca aarabbha): Dầu nhân danh cho bất cứ những tổ tiên nào đã quá vãng. NHỮNG VỊ CHƯ THIÊN TRONG NHÀ (vatthudevataa): liên quan đến những chư Thiên mà sống trong nhà hay trong những vùng đất của nhà v.v... Ðây là cách nên được hiểu. HAY HƠN NỮA (atha vaa): Chỉ rõ rằng những người hằng cho những vật thí theo cách này, cũng cho đến bất cứ những vị chư Thiên nào khác hay người hay bất cứ ai.

2. Ở đây, sau khi định rõ "và Tứ Ðại Thiên Vương". Trong chừng mức này chỉ về một số chư Thiên nổi tiếng trong những vị chư Thiên, Ngài lại nói, "Kuvera" và những vị khác để nói về tên của họ. Ở đây, Kuvera (Kuvera.m): (Vessavana). Dhata-ra.t.tha (Dhata-ra.t.tha.m) v.v... Là tên của những vị chư Thiên bảo vệ thế gian. Khi những vị này đã được tôn kính (te c'eva puujitaa honti): Khi bốn vị đại vương này, những thân nhân quá vãng và những vị chư Thiên trong nhà được tôn kính qua những việc phước thí nhân danh họ. NHỮNG NGƯỜI CHO KHÔNG PHẢI KHÔNG CÓ KẾT QUẢ (Daayakaa ca anpphalaa): Những người cho, những người mà cho những vật thí nhân danh những người khác, không phải hoàn toàn không có kết quả; Tương tự, họ cũng hưởng quả về những vật thí của chính họ. Rồi để cho thấy rằng những người mà khóc lóc, rên rỉ, ta thán với cái chết của những quyến thuộc của họ không làm lợi ích cho những quyến thuộc ấy, và chỉ làm khổ chính họ mà thôi, Ngài đọc lên câu kệ (bắt đầu) "Dầu khóc lóc bao nhiêu".

3. Ở đây, KHÓC LÓC (ru.n.na.m) = (Rudita.m) (hình thức văn phạm hoán chuyển): sự đổ lệ, sự chảy nước mắt. Những chữ còn lại giải thích rằng điều này không nên làm. BUỒN RẦU (soko): Than thở, làm khổ tâm, nghĩa là làm đốt cháy ở bên trong. BẤT CỨ SỰ TA THÁN NÀO KHÁC (Yà c'a~n~na Paridevanaa): bất cứ sự ta thán nào ngoài sự khóc lóc và sầu muộn, như nói lầm bầm rằng, "Ðứa con trai duy nhất của tôi đâu rồi?" v.v... Thì không nên, chữ "hay" (và) dưới mọi tình huống dùng để chỉ về một sự hoán chuyển: chẳng có sự khóc lóc nào đem lại lợi ích nào cho Ngạ quỷ quá cố. Do đó, họ không nên làm như vậy, cho dù những quyến thuộc ngu si của họ cứ dai dẳng bám theo họ - đây là ý nghĩa. Sau khi đã cho thấy sự vô ích của sự khóc lóc và ta thán như vậy rồi, Ngài đọc lên câu kệ (bắt đầu bằng): "Nhưng sự bố thí này" cho thấy sự hữu ích của việc bố thí cúng dường đến chư Tăng bởi Người cho dành cho những Ngạ quỉ và những người khác.

4. Ở ÐÂY (Aya.m): Ngài nói để chỉ về những vật thí trước mặt vị ấy mà được cho bởi thí chủ ấy. NHƯNG (Ca) là một chữ để định rõ một cái gì đó được thêm vào. Ngài làm sáng tỏ nét đặc biệt bằng cách nói rằng, chỉ vì khóc v.v... Không đem lợi ích cho Ngạ quỉ hoặc là bất cứ ai khác. Tuy nhiên, bằng sự bố thí này sẽ có lợi ích lâu dài cho họ. Kho (không được dịch) được dùng để nhấn mạnh. SỰ BỐ THÍ CÚNG DƯỜNG (Dakkhi.naa): Sự bố thí vật thực. ÐƯỢC TRỒNG VỮNG CHẮC TRONG CHƯ TĂNG, (Sa"ngha.mhi Suppati.t.thitaa): Ðược gieo trồng vững chắc trong Chư Tăng - là phước điền Vô thượng. SỰ LỢI ÍCH LÂU DÀI CỦA HỌ. (Diigharatta.m hitaa' Yassa): Ðiều tốt, lợi ích của Ngạ quỉ ấy trong thời gian lâu dài. SẼ ÐEM LẠI HIỆU QUẢ TỨC THỜI (.Thaanaso Upakappati): Nó có hiệu quả ngay, nghĩa là không có thời gian gián đoạn nào. Ðây quả thật là quy luật: Những Ngạ quỉ bày tỏ sự tùy hỉ của chúng khi vật thí được cho nhân danh chúng, thời ngay tức thì chúng được vơi đi những đau khổ do quả của sự tùy hỷ ấy.

Khi Ðức Thế Tôn đã thuyết giảng chánh pháp như thế và đã làm cho người ấy vui thích trong sự bố thí nhân danh những Ngạ quỉ, Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi và ra đi. Vào ngày hôm sau, người vợ của vị phú hộ ấy tổ chức một cuộc bố thí vật thực to lớn kéo dài đến một tháng. Rồi (Paasenadi) vua của nước (Kosala), đi đến Ðức Thế Tôn và hỏi rằng, "Bạch Ðức Thế Tôn, tại sao những vị Tỳ kheo không đến nhà của con cả tháng nay?". Khi Bậc Ðạo sư báo cho vị ấy biết lý do thì Ðức vua cũng vậy, noi theo gương của vị phú hộ ấy, tổ chức một cuộc lễ bố thí lớn đến chư Tăng có Ðức Phật dẫn đầu. Và khi trông thấy điều này thì những thần dân cũng noi theo gương của Ðức Vua và tổ chức một cuộc Ðại thí lớn kéo dài trong một tháng. Như vậy, họ đã tổ chức một cuộc đại thí kéo dài trong hai tháng, tất cả dều do cái bánh đồ chơi.

-ooOoo-

pali-sans.gif (2720 bytes)


Mục lục | 1.a | 1.b | 1.c | 1.d | 2.a | 2.b | 2.c | 2.d | 2.e | 3.a | 3.b | 3.c | 4.a| 4.b | 4.c | 4.d

 


Cập nhật: 9-9-2001

Trở về mục "Kinh điển"

Đầu trang