- Chín yếu tố phát triển
thiền quán
- Tác giả: Sayadaw U Kundalàbhivamsa
- Dịch giả: Tỳ kheo Thiện Minh
Lời Bạt
Ngày nay thiền Vipassanà không còn
dành riêng cho các thiền viện nghiêm mật thuộc các nước Phật giáo Nam
Tông (Theravàda) như Myanmar, Sri Lanka v.v... mà đã lan rộng hầu như khắp
nơi trên thế giới. Nhiều trung tâm thiền Vipassanà đã được thành lập
dưới nhiều hình thức khác nhau và hoạt động rất tích cực ở châu Âu
cũng như châu Mỹ. Vipassanà đã thu hút đông đảo giới trí thức phương
Tây nhờ tính chất trong sáng, giản dị và khoa học của thiền này.
Thiền Vipassanà chẳng những trực
tiếp đưa đến cứu cánh giác ngộ mà còn là phương pháp trị liệu rất
hữu hiệu cho những căn bệnh thể chất lẫn tinh thần, nên giới y học
phương Tây đã tích cực nghiên cưú và áp dụng lâm sàng tại các trung
tâm điều dưỡng của họ. Nhiều tường trình trên báo chí, đài truyền
thanh, truyền hình đã công bố kết quả kỳ diệu của phương pháp trị
liệu này, nhất là một số ca bệnh nan y.
Mặt khác, thiền Vipassanà không những
vượt qua mọi ranh giới dị biệt giữa các tông phái Phật giáo - chẳng hạn
như nhiều trường phái Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Mật Tông v.v... Ở
Tây Tạng, Trung Quốc, Nhật Bản v.v... ngày nay đều áp dụng thiền
Vipassanà như là yếu tố cho pháp môn riêng của mình mà còn thâm nhập
vào những sinh hoạt của các tôn giáo khác như Ky-tô giáo, Ấn Độ giáo
v.v... chẳng hạn như hàng ngàn vị linh mục ở Pháp, Anh, Đức, Mỹ v.v...
đã mời các vị thiền sư Myanmar đến hướng dẫn những khóa thiền
Vipassanà tại giáo xứ hay tu viện của họ.
Tuy nhiên trong cái thuận lợi của
sự phổ biến sâu rộng đó cũng không khỏi có cái tai hại cho tính thuần
túy, trong sáng của thiền Vipassanà, vì bị pha tạp, lai căng và phân hóa.
Bản chất thiền Vipassanà là sống trực tiếp, trong sáng, giản dị và tự
nhiên ngay trong tính tự tính của thực tại hiện tiền, nhưng phần đông
không đủ căn cơ để sống thiền trực tiếp như vậy, họ phải vận dụng
thành phương pháp để dễ thể nghiệm và truyền đạt cho người khác, nhờ
vậy mà thiền Vipassanà ngày càng được phổ biến rộng hơn, nhưng đó cũng
chính là khởi điểm của quá trình đa phức hóa, làm phát sinh nhiều trường
phái khác nhau. Thiền của Ngài Kundalàbhivamsa thuộc trường phái Thiền sư
Mahàsi nổi tiếng ở Myanmar. Vì phần đông tâm hành giả còn nhiều dao động
nên phương pháp của phái thiền này là giúp hành giả ổn định tâm rồi
mới đi sâu vào quán sau, do đó thiền sư đã hướng dẫn giai đoạn đầu
rất niêm mật từng chi tiết. Tuy nhiên khi đã thuần thục thì hành giả
có thể dễ dàng sống trực tiếp với pháp một cách thong dong tự tại.
Chính vì thiền Vipassanà là sống
trực tiếp nơi pháp (thực tại hiện tiền), không qua ý niệm và ngôn ngữ,
nên nói hay viết về thiền Vipassanà đã là việc vô cùng khó khăn huống
nữa là phải thông qua các bản dịch gián tiếp. Nguyên Đức Phật giảng
thiền Vipassanà bằng ngôn ngữ Pàli, các vị thiền sư Tích Lan, Myanmar, Ấn
Độ, Thái Lan v.v... giảng lại bằng ngôn ngữ của mình, sau đó được dịch
ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức v.v... rồi từ đó chúng ta mới dịch
ra tiếng Việt. Quá trình gián tiếp hóa nhiều giai đoạn này chắc hẳn
không sao tránh khỏi ít nhiều nhầm lẫn.
Bản dịch tập sách thiền "The
Nine Essential Factors Which Strengthening Indriya Of A Vipassana Meditating Yogi" của
thiền sư Kundalàbhivamsa do Đại Đức Thiện Minh thực hiện là một cố gắng
lớn lao nhằm giảm thiểu những nhầm lẫn chú tâm với tập trung tư tưởng.
Vipassanà là Thiền Quán, chỉ sử dụng sát-na định, do đó hành giả thường
chú tâm chứ không tập trung tư tưởng như trong thiền định. Chú tâm là
chuyên tâm chú niệm trên đối tượng Paramattha luôn luôn sinh động mới mẻ
trong sự soi chiếu của trí tuệ ttnh giác, còn tập trung tư tưởng là gắn
chặt tầm tứ trên một đối tượng Pannatti nhất định do tưởng nắm bắt.
Đối tượng của thiền Vipassanà luôn luôn chuyển biến sinh động nên
không thể tập trung tư tưởng như trong đối tượng tĩnh của thiền định
được.
Một điểm đáng lưu ý khác là nhiều
dịch giả đã sử dụng từ đệm "à" như : đi à, đứng à, đau
à, sân à v.v... nhằm mô tả của một tư thế hay trạng thái đang liên tục
diễn biến trên thân, thọ, tâm, pháp khi hành giả chú niệm. Để nhấn mạnh
tính liên tục của đối tượng, các thiền sư tạm nói "đi.i.i..."
kéo dài nghe như "à" chứ thực ra không có chữ "à" ; vì
khi niệm "đi à", "đứng à", v.v... thì hành giả dễ nhầm
lẫn với pháp môn niệm Phật, và nếu cứ lặp đi lặp lại nhiều lần
như vậy chắc chắn tưởng sẽ phát sinh, tỉnh giác sẽ mờ dần và kết
quả có tốt đi nữa cũng chỉ rơi vào thiền định. Vậy niệm trong
Vipassanà có nghĩa là chú tâm tỉnh giác ngay nơi thực tại đang diễn tiến,
chẳng hạn diễn tiến của "đi" gồm nhiều động tác liên tục
như giở... bước...đụng...đạp... nghiêng...tới...v.v... cần được quan
sát một cách minh bạch tự nhiên trong ttnh thức và lặng lẽ, chứ không
niệm bằng ý tưởng hoặc bằng lời như trong niệm Phật. Do đó tôi hoàn
toàn đồng ý với dịch giả là chỉ tạm nói "đi...", "đứng...",
"đau...", sân..." cho dễ hiểu chứ không dùng "à" để
tránh hiểu nhầm.
Tôi thành thật tán dương công đức
của dịch giả đã góp phần làm phong phú cho nền thiền học Việt Nam,
và mong rằng tập sách này sẽ giúp cho chư hành giả dễ dàng thâm nhập
thiền quán Vipassanà hơn.
Tổ Đình Bửu Long, ngày 6 - 4 -
1998
Tỷ kheo Viên Minh
Giới thiệu
| I |
II | III | IV | V
| VI | VII
| VIII |
IX | X | XI | Lời bạt
| Từ vựng