X-
CHƯƠNG TỊNH CHƯ NGHIỆP CHƯỚNG
Lúc bấy giờ, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng ở
trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật,
nhiễu bên phải ba vòng, quì dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đại Bi
Thế Tôn! Ngài đã vì bọn chúng con mà rộng nói việc bất tư nghì như
thế, là hành tướng nơi nhơn địa của tất cả Như Lai, khiến cả đại
chúng được nghe điều chưa từng nghe. Nhận thấy Đấng Điều Ngự trải
qua hằng sa kiếp, siêng năng cần khổ, tu tập tất cả công dụng trong
mọi cảnh giới giống như trong một niệm, hàng Bồ tát chúng con tự
thấy rất vui mừng an ủi.
Bạch
Đức Thế Tôn! Nếu Giác tâm này, bản tánh đã thanh tịnh, nhơn vì sao
lại bị nhiễm ô, khiến các chúng sanh mê muội, không nhập được Viên
Giác? Cúi mong Như Lai rộng vì chúng con mà khai ngộ Pháp tánh,
khiến cho đại chúng hiện ở đây và chúng sanh đời mạt pháp được con
mắt soi rọi về sau”.
Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng rằng: “Lành thay!
Lành thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và
chúng sanh đời mạt pháp, hỏi Như Lai những phương tiện như thế. Ông
hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng rất đỗi vui mừng, vâng theo lời
dạy, cùng đại chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này
Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay, do vọng
tưởng chấp có Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ mạng. Nhận bốn tướng điên
đảo này làm thật-ngã-thể của mình, do đó sanh hai cảnh yêu và ghét.
Trên cái thể hư vọng lại chồng lên cái chấp hư vọng; hai vọng nương
nhau mà sanh ra nghiệp đạo hư vọng. Người có vọng nghiệp thì vọng
thấy lưu chuyển; người chán sự lưu chuyển, lại vọng thấy Niết bàn.
Do đây, không thể nhập vào Giác-ngộ thanh tịnh. Chẳng phải tánh giác
chống lại những người nhập vào; có người vào được, cũng không phải
tánh giác làm cho họ vào. Thế nên, động niệm cùng với dứt niệm đều
đồng với mê muội.
Vì
cớ sao? Do vì vô minh sẵn có từ vô thủy đã làm chủ tể. Tất cả chúng
sanh, sanh ra không có mắt huệ, thân tâm đều là vô minh. Ví như có
người không tự đoạn mạng. Thế nên phải biết, có người yêu cái ngã
của mình, cùng ngã tùy thuận. Người không tùy thuận, liền sanh oán
ghét. Vì tâm yêu ghét nuôi dưỡng vô minh, tiếp tục cầu đạo đều không
kết quả.
Này
Thiện nam tử! Thế nào là Ngã-tướng? Là tâm sở chứng của các chúng
sanh. Này Thiện nam tử! Ví như có người thân thể thư thái, chợt quên
thân mình. Khi tứ chi tê liệt vì bảo dưỡng không đúng cách, được
châm cứu, liền biết có ngã. Thế nên chứng-thủ ngã-thể mới hiện ra.
Này Thiện nam tử! Như tâm kia chứng được rốt ráo, rõ biết Niết bàn
thanh tịnh của Như Lai, cũng đều là Ngã tướng.
Này
Thiện nam tử! Thế nào là Nhơn tướng? Là tâm ngộ chứng của các chúng
sanh. Này Thiện nam tử! Khi ngộ mình có Ngã-tướng, lại không nhận
ngã, sở ngộ phi ngã cũng lại như thế. Ngộ này dù đã vượt qua tất cả
tâm chứng, nhưng vẫn đều là nhơn tướng. Này Thiện nam tử! Cho đến
tâm kia viên ngộ Niết bàn cũng đều là ngã, vì tâm còn một chút ngộ,
chứng-lý đầy đủ, đều là Nhơn-tướng.
Này
Thiện nam tử! Thế nào là Chúng-sanh-tướng? Nghĩa là tâm của các
chúng sanh tự chứng ngộ không bì kịp. Này Thiện nam tử! Ví như có
người nói “Ta là chúng sanh” thì biết người ấy nói “chúng sanh” đó
chẳng phải là TA, cũng chẳng phải người khác. Vì sao chẳng phải là
TA? Vì ta là chúng sanh thì không phải là TA được. Vì sao chẳng phải
người khác? Vì ta là chúng sanh nên không phải là cái TA của người
khác. Này Thiện nam tử! Nhưng các chúng sanh khi liễu-chứng liễu-ngộ
đều là Ngã, Nhơn, mà tướng Ngã-Nhơn không bì kịp. Vì còn có cái
Sở-liễu, nên gọi là Chúng-sanh-tướng.
Này
Thiện nam tử! Thế nào là Thọ-mạng-tướng? Nghĩa là tâm chiếu thanh
tịnh của các chúng sanh giác ngộ cái Sở-liễu. Trí Tất-cả-nghiệp
không tự thấy nó cũng như mạng căn.
Này
Thiện nam tử! Nếu tâm chiếu thấy tất cả giác, đều là trần cấu, vì
năng giác và sở giác kia chưa rời trần. Như nước nóng làm tan băng,
không riêng có băng và cũng không có cái biết-tan-băng. Còn Ngã và
còn cái Giác-ngã cũng lại như thế.
Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp không rõ bốn tướng, tuy trải
qua nhiều kiếp cần khổ tu đạo, chỉ gọi là hữu vi, trọn không thể
thành tựu tất cả Thánh-quả. Thế nên gọi là Chánh-pháp đời mạt. Vì cớ
sao? Vì
nhận tất cả Ngã cho là Niết bàn, vì có chứng có
ngộ mà gọi đó là thành tựu. Ví như có người nhận giặc làm con, mọi
tài sản của người ấy đều bị phá tán. Vì cớ sao? Có người ái Ngã thì
cũng ái Niết bàn; khi điều phục được căn bản ái Ngã, là tướng Niết
bàn. Có người ghét Ngã cũng ghét sanh tử, mà không biết chính Ái mới
thật là cái nhơn sanh tử, riêng ghét sanh tử thì không giải thoát.
Làm
sao biết được pháp không giải thoát? Này Thiện nam tử! Chúng sanh
đời mạt pháp tu tập Bồ đề, cho mình chứng đắc là tự thanh tịnh, vẫn
chưa thể tận diệt gốc rễ của Ngã-tướng. Nếu lại có người khen ngợi
pháp kia, liền sanh hoan hỉ và muốn cứu độ họ. Ngược lại, nếu có ai
chê bai chỗ sở đắc của mình, liền sanh oán giận. Cho nên biết Ngã
tướng chấp trì một cách vững chắc, núp sâu trong tàng thức, dạo chơi
nơi các căn chưa từng gián đoạn. Này Thiện nam tử! Người này hành
đạo không trừ Ngã tướng, thế nên không thể nhập vào Giác ngộ thanh
tịnh.
Này
Thiện nam tử! Nếu biết Ngã không, không có người hủy báng Ngã. Có
Ngã thuyết pháp, vì chưa đoạn Ngã. Chúng sanh, Thọ mạng cũng lại như
thế.
Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt cho bệnh là pháp, thế nên gọi là
người đáng thương xót. Tuy siêng năng tinh tấn tu hành mà ngày càng
thêm bệnh. Vì vậy, không thể nhập vào Giác ngộ thanh tịnh.
Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp không rõ bốn tướng, lấy chỗ lý
giải và hạnh tu của Như Lai làm hạnh tu của chính mình, trọn không
thể thành tựu. Hoặc có chúng sanh chưa được mà cho là được, chưa
chứng mà nói chứng; thấy người tiến hơn mình, sanh tâm tật đố. Do
chúng sanh kia chưa đoạn được Ngã ái, thế nên không thể nhập vào
Giác ngộ thanh tịnh.
Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp hy vọng thành đạo, không chịu
cầu ngộ, chỉ thêm đa văn, tăng trưởng ngã kiến. Cần phải siêng năng
hàng phục phiền não, khởi đại dõng mãnh, chưa được phải làm cho
được, chưa đoạn phiền não phải khiến cho đoạn. Tham, sân, ái, mạn,
xiểm khúc, tật đố, đối cảnh chẳng sanh. Ta cùng với người ân nghĩa
yêu mến, thảy đều tiêu diệt. Phật nói người như thế, dần dần sẽ
thành tựu, cầu thiện tri thức, không lạc vào tà kiến. Nếu đối với
chỗ sở cầu
mà sanh tâm yêu ghét, thì không thể nhập
vào biển Giác ngộ thanh tịnh được”.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
“Tịnh Nghiệp! Ông nên biết!
Tất cả các chúng sanh
Đều do chấp Ngã-ái
Xưa nay vọng lưu chuyển
Do chưa trừ bốn tướng
Không thành tựu Bồ đề.
Nơi tâm sanh yêu ghét
Ở niệm còn xiểm khúc
Thế nên nhiều mê muội
Chẳng thể vào thành Giác.
Nếu ngộ trong sát na
Liền trừ Tham, Sân, Si,
Không còn tâm ái pháp,
Dần dần được thành tựu
Thân ta vốn không có
Yêu ghét do đâu sanh?
Người cầu Thiện tri thức,
Chẳng lạc vào tà kiến.
Sở cầu sanh tâm khác,
Rốt ráo chẳng thành tựu”.
Trong chương này, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng đại diện hội chúng,
thỉnh Phật chỉ dạy phương pháp tẩy trừ nghiệp chướng từ vô thủy.
“Tịnh Chư Nghiệp Chướng” nghĩa là sạch tất cả nghiệp chướng, những
bệnh mà hành giả có thể mắc phải trong lúc dụng công tu hành. Nhân
sự thưa thỉnh của Bồ tát, Đức Phật mới giảng về bốn tướng: Ngã,
Nhơn, Chúng sanh và Thọ mạng. Điều này khế hợp với kinh Kim Cang,
chỉ khác ở tướng thứ 4, kinh Kim Cang gọi là Thọ-giả-tướng. Thật ra
cũng là Thọ-mạng-tướng mà thôi. Nội dung diễn đạt về bốn tướng ở hai
kinh có hơi khác nhau, và ở kinh Viên Giác có phần sâu xa, tỉ mỉ
hơn. Thấu triệt được bốn tướng này, hành giả mới có thể phá trừ mọi
vô minh phiền não. Từ vô thủy, chúng sanh lầm chấp bốn tướng là thật
có, nên mãi chịu trầm luân sanh tử; còn hàng Bồ tát và Nhị-thừa vì
không rõ tự thể của chúng, nên không được Viên-mãn-giác.
“Lúc
bấy giờ, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng ở trong đại chúng, liền từ
chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng,
quì dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Ngài đã vì bọn
chúng con mà rộng nói việc bất tư nghì như thế, là hành tướng nơi
nhơn địa của tất cả Như Lai, khiến cả đại chúng được nghe điều chưa
từng nghe”: Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng ca ngợi Đức Phật từ
đầu bản kinh đến giờ, đã vì đại chúng giảng nói những điều không thể
nghĩ bàn, là những cách dụng công tu hành trải qua bao đời kiếp của
tất cả Như Lai. Các Ngài đã nhận ra nhơn vô sanh tức tự tánh Viên
Giác, sau đó mới tu, cho nên mới có quả vô sanh như thế.
“Nhận
thấy đấng Điều Ngự trải qua hằng sa kiếp, siêng năng cần khổ, tu tập
tất cả công dụng trong mọi cảnh giới giống như trong một niệm, hàng
Bồ tát chúng con tự thấy rất vui mừng an ủi”: Điều-Ngự là một
trong mười hiệu của Như Lai, còn gọi là Mã-tượng-sư. Chúng sanh cang
cường như voi như ngựa, Đức Phật là đấng điều phục những chúng sanh
hữu duyên như thầy dạy voi ngựa. Trong đoạn này, Bồ tát Tịnh Chư
Nghiệp Chướng nói lên một nghĩa lý rất uyên thâm, mà chỉ những người
đã tẩy trừ sạch nghiệp chướng như Ngài mới có thể thấu triệt: Đức
Phật đã tu tập rất nhiều pháp môn, đã hành Bồ tát đạo trong rất
nhiều thế giới, siêng năng cần khổ trải qua số kiếp nhiều như cát
sông Hằng, vậy mà khi nhìn lại, thấy như mới trong một niệm. Chúng
ta có tin được điều này không? - Đây là cái nhìn của người đã tẩy
sạch hết tập khí vô minh. Khi ánh giác ngộ bừng lên, người ấy nhận
thấy cả thời gian và không gian đều chỉ là con đẻ của vọng tưởng;
cho nên, một sát na chứa đựng vĩnh hằng, núi Tu di nằm trong hạt
cải!
Đối với hàng căn cơ bậc thấp, Đức Phật là thái tử Sĩ-Đạt-Ta, con vua
Tịnh-Phạn, tu tập thiền định trong 49 ngày đêm và thành đạo nơi cội
Bồ đề. Với hàng trung căn, Như Lai đã thành Phật từ vô lượng kiếp.
Nhưng với bậc thượng căn, pháp thân thường trụ của Như Lai vĩnh viễn
có mặt từ vô thủy đến vô chung. Nếu hiểu được ý nghĩa của nhà Thiền
“Nhất niệm vạn niên” hay “Trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư”,
chúng ta sẽ thấy pháp hội Linh-Sơn vẫn còn đó, bởi vì bao nhiêu năm
trôi qua cũng chỉ là một sát na tâm mà thôi.
“Bạch
Đức Thế Tôn! Nếu Giác tâm này, bản tánh đã thanh tịnh, nhơn vì sao
lại bị nhiễm ô, khiến các chúng sanh mê muội, không nhập được Viên
Giác?”: Trong chương Kim Cang Tạng, Bồ tát đã một lần đặt câu
hỏi này và Đức Phật đã dùng thí dụ “vàng trong quặng” để trả lời. Ở
đây, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng lại đặt vấn đề này một lần nữa,
nhân câu nói của Đức Phật trong chương trước: “Tánh Viên Giác thanh
tịnh của tất cả Như Lai vốn không có người tu tập và pháp tu tập”.
Như vậy, Giác tâm này vốn sẵn thanh tịnh, cớ sao lại bị nhiễm ô,
khiến trở lại vô minh, trôi lăn trong ba cõi?
“Cúi
mong Như Lai rộng vì chúng con mà khai ngộ Pháp tánh”: Pháp tánh
là tánh của tất cả các pháp, là đối tượng nhận biết của chúng ta;
nhưng nó là phản ảnh của tâm nên nó cũng chính là Giác tánh. Khi
khai ngộ Giác tánh, ta thấy mọi trần cảnh đều ở trong thể nhất như,
đều đồng một thể tánh - đó là Pháp tánh. Có thể nói, Pháp tánh là
biệt danh của Viên Giác, của Phật tánh. Viên Giác là cái tròn đầy
sẵn đủ nơi mỗi mỗi hàm linh, còn Pháp tánh chính là tự tánh của các
pháp thiên sai vạn biệt.
Ở
đây, Bồ tát thỉnh Phật vì toàn thể đại chúng mà giản trạch về những
nguyên nhân khiến chúng sanh mê mờ, để tất cả đều nhận biết, mọi
pháp dù thiên sai vạn biệt vẫn đồng một Giác tánh, nên nói là
“Khai ngộ pháp tánh”.
“Khiến
cho đại chúng hiện ở đây và chúng sanh đời mạt pháp được con mắt soi
rọi về sau.
Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng rằng: “Lành thay!
Lành thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và
chúng sanh đời mạt pháp, hỏi Như Lai những phương tiện như thế. Ông
hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Tịnh Chư Nghiệp Chướng rất đỗi vui mừng, vâng theo lời
dạy, cùng đại chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này
Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay, do vọng
tưởng chấp có Ngã, Nhơn, Chúng sanh và Thọ mạng. Nhận bốn tướng điên
đảo này làm thật ngã thể của mình, do đó sanh hai cảnh yêu và ghét”:
Khởi đầu Đức Phật đã đi thẳng vào vấn đề. Chúng sanh từ bao đời
kiếp trôi dạt trong biển sanh tử, chính là do chấp vào bốn tướng
Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ mạng. Sự lầm chấp này không rõ phát sanh
từ khi nào, nên nói là “từ vô thủy kiếp”. Bốn tướng trên,
thật ra chỉ là những kiến chấp điên đảo, do vọng tưởng mà có, nhưng
chúng sanh lại cho là ngã thể thật sự của mình. Từ đó, nếu thuận với
ngã thì sanh tâm yêu thích, nghịch với ngã lại khởi tâm chán ghét.
“Trên
cái thể hư vọng lại chồng lên cái chấp hư vọng; hai vọng nương nhau
mà sanh ra nghiệp đạo hư vọng”: Chấp bốn tướng là một lớp hư
vọng, sanh tâm yêu ghét là lớp hư vọng thứ hai. Hai lớp này nương
tựa nhau, sanh ra các vọng nghiệp, lẩn quẩn trong lục đạo.
“Người
có vọng nghiệp thì vọng thấy lưu chuyển, người chán sự lưu chuyển
lại vọng thấy Niết bàn”: Chúng sanh vì có vọng nghiệp nên vọng
thấy có sanh tử lưu chuyển trong ba cõi sáu đường. Nhị thừa chán
nhàm sanh tử, ưa thích Niết bàn; nhưng đó cũng chỉ là vọng. Tâm niệm
của chúng sanh và Nhị thừa đều là bệnh vọng, vì chưa lìa được bốn
tướng.
“Do
đây, không thể nhập vào giác ngộ thanh tịnh. Chẳng phải tánh giác
chống lại những người nhập vào; có người vào được, cũng không phải
tánh
giác làm cho họ vào”:
Như vậy, cả phàm phu vọng thấy lưu chuyển sanh tử và Nhị thừa vọng
thấy Niết bàn, đều không thể nhập vào Giác tánh thanh tịnh. Tánh
Giác vốn bản nhiên, không chống trái những người muốn nhập, mà vì
người ấy chấp vào bốn tướng nên không khế hợp với tự tánh. Ngược
lại, nếu dẹp được bốn tướng, tự nhiên tùy thuận Giác tánh mà chứng
nhập, chớ không phải tự tánh can thiệp vào. Ví dụ, bản chất của nước
là trong, do cặn bẩn làm cho đục. Nước lóng hết cặn sẽ tự trong,
không phải do nước tự làm trong hay đục. Vì thế, thể nhập được tự
tánh thanh tịnh hay không là do chính hành giả đã sạch hay chưa sạch
hết nghiệp chướng mà thôi.
“Thế
nên, động niệm cùng với dứt niệm đều đồng với mê muội”: Đây là
lời dạy hết sức tế nhị và thiết tha. Động niệm tức khởi niệm, buông
lung theo vọng tưởng, là của phàm phu. Dứt niệm là lối tu của
Nhị-thừa. Dứt niệm là tiêu cái dụng của tự tánh, còn động niệm thì
trái mất Giác thể. Thật ra tâm thể của chúng ta vốn trong lặng,
nghĩa là lặng lẽ mà luôn chiếu soi. Lối tu của Tối thượng thừa nên
lập cước trên tâm thể không khởi niệm cũng không dứt niệm; đối với
tất cả cảnh đều thấy biết mà không thêm hiểu biết. Tùy cảm tùy ứng
mà biết, nhưng biết mà không thêm gì hết, cái biết ấy có trong từng
sát na, ngay nơi động mà tức khắc được định. Có như vậy, ta mới nhận
được cái toàn thể toàn dụng của tâm, mới biến hóa vô số phương tiện,
vào các cõi giáo hóa chúng sanh, nghĩa là phát khởi diệu dụng của tự
tánh. Dụng công như thế hết sức nhẹ nhàng mà kết quả rất tốt. Có
điều phải cẩn thận, vì Phật cao một thước thì ma cao một trượng,
chúng ta phải thúc-liễm thân-tâm, tinh tấn tu hành đúng theo chánh
pháp. Không nên chưa ngộ cho là ngộ, chưa chứng cho là chứng rồi mặc
tình tạo tội, không khỏi đọa ba đường ác.
“Vì
cớ sao? Do vì vô minh sẵn có từ vô thủy đã làm chủ tể”: Tiếp
theo, Đức Phật giải thích vì sao nói động niệm cùng dứt niệm đều là
mê muội. Từ vô thủy kiếp, vô minh sẵn khởi khiến chúng sanh vọng
tưởng điên đảo, nhận lầm cái giả cho là thật. “Vô minh làm chủ
tể” là nguyên nhân căn bản.
“Tất
cả chúng sanh, sanh ra không có mắt huệ, thân tâm đều là vô minh. Ví
như có người không tự đoạn mạng”: Chúng sanh không có trí huệ
nên không thấy thân này là thân nghiệp chướng, tâm này là tâm chấp
bốn tướng. Do không biết thân tâm là vô minh nên không thể đoạn trừ
được vô minh, cũng như con người không thể tự đoạn mạng của mình.
“Thế
nên phải biết, có người yêu cái ngã của mình, cùng ngã tùy thuận.
Người không tùy thuận liền sanh oán ghét. Vì tâm yêu ghét nuôi dưỡng
vô minh, tiếp tục cầu đạo đều không kết quả”: Do vô minh vọng
khởi ngã chấp, cảnh hợp với ngã thì yêu thích, không hợp với ngã
liền chán ghét. Tâm yêu ghét trở lại làm tăng trưởng vô minh, từ đó
tạo nên một vòng lẩn quẩn, dù cần khổ tu hành đến đâu cũng không thể
nào thành tựu đạo quả. Vì thế, nếu không rời bốn tướng thì động niệm
hay dứt niệm cũng đồng mê muội mà thôi.
“Này
Thiện nam tử! Thế nào là Ngã tướng? Là tâm sở chứng của các chúng
sanh”: Đức Phật giảng lần lượt về bốn tướng mà người tu hay chấp
trong lúc dụng công, gọi là tế chấp của người cầu đạo. Đầu tiên,
Phật giảng về Ngã tướng, ở đây là Ngã Thánh chớ không phải cái ngã
của chúng sanh. Ngã tướng là tâm sở chứng, nghĩa là khi tu một thời
gian, ta thấy mình có chứng có ngộ. Kinh Kim Cang nói, nếu Bồ tát
thấy mình là Bồ tát, đó chưa phải là Bồ tát, chính vì còn chấp vào
Ngã tướng này.
“Này
Thiện nam tử! Ví như có người thân thể thư thái, chợt quên thân
mình. Khi tứ chi tê liệt vì bảo dưỡng không đúng cách, được châm
cứu, liền biết có ngã. Thế nên, chứng thủ ngã thể mới hiện ra”:
Khi con người mạnh khỏe, tứ đại điều hòa; hoặc khi tọa thiền, tâm an
định, chúng ta thường không nhớ mình có thân. Khi ngồi lâu hay ở một
tư thế nào đó không thay đổi trong một thời gian dài, thân thể tê
liệt, cũng không biết có thân. Trong trạng thái vong thân này, nếu
được châm cứu, do đau nên nhớ lại thân, liền biết có “cái ta”. Do
vậy, nhận biết (chứng thủ) mình có ngã.
“Này
Thiện nam tử! Như tâm kia chứng được rốt ráo, rõ biết Niết bàn thanh
tịnh của Như Lai cũng đều là Ngã tướng”: Đức Phật giảng về cái
ngã vi tế của người tu đạo, thường là chướng ngại trong công phu mà
ít người nhận thấy. Khi tu chứng đến cảnh giới Niết bàn của Như Lai,
nếu còn thấy đó là cảnh sở chứng và mình là người năng chứng, thì
cũng vẫn còn Ngã tướng. Như vậy, dù tâm đã chứng rốt ráo mà còn một
chút ý niệm năng sở, Ngã-tướng cũng chưa dứt sạch.
“Này
Thiện nam tử! Thế nào là Nhơn tướng? Là tâm ngộ chứng của các chúng
sanh”: Nhơn là đối tượng của Ngã. Theo nghĩa hẹp, người năng
chứng là Ngã, cảnh sở chứng là Nhơn. Ở đây, Đức Phật giảng một nghĩa
rộng và sâu xa hơn, Nhơn tướng là “tâm ngộ chứng” của chúng
sanh. Ngài muốn nói lên điều gì?
Đoạn trước, chúng ta đã hiểu, nếu còn phân biệt năng sở chứng (tức
còn tâm chứng) là còn Ngã tướng. Hành giả khi dụng công, nếu thấu
được lý này, gọi là có tâm-ngộ-chứng. Nhưng nếu cứ giữ cái tâm ngộ
chứng này, tức còn Nhơn tướng. Những đoạn giảng về bốn tướng, Đức
Phật đi từ cạn đến sâu dần, rất tinh tế và khó thấu triệt. Vì vậy,
chúng ta nên chú tâm lắng lòng mà nghe, mới có thể hiểu được cặn kẽ.
“Này
Thiện nam tử! Khi ngộ mình có Ngã tướng, lại không nhận ngã, sở-ngộ
phi-ngã cũng lại như thế. Ngộ này dù đã vượt qua tất cả tâm chứng,
nhưng vẫn đều là Nhơn tướng”: Hành giả biết mình có Ngã tướng
(tức có Tâm chứng) hiểu được tâm này là không đúng nên không nhận
ngã nữa. Đó là có tâm ngộ chứng như trên đã nói, tức gọi là Tâm-ngộ.
Biết có ngã thì cũng đồng thời biết cái không phải ngã (nghĩa là
biết có người chứng và cảnh bị chứng) gọi là cái Phi ngã. Cả ngã và
Phi ngã đều không chấp thủ, tức vượt tất cả Tâm chứng.
Tuy vậy, hành giả lại không quên được cái Tâm ngộ này, dường như
riêng có một tướng của người khác. Vì vậy nó được xem là đối tượng
của Ngã tướng, nên gọi là Nhơn tướng.
“Này
Thiện nam tử! Cho đến tâm kia viên ngộ Niết bàn cũng đều là ngã, vì
tâm còn một chút ngộ, chứng lý đầy đủ, đều là Nhơn tướng”: Đức
Phật nói đến Nhơn tướng vi tế cũng như ở đoạn bàn về Ngã tướng ở
trên. Nhà Thiền nói, nếu tình còn một niệm ngộ thì vẫn còn cách xa
nghìn trùng. Dù hành giả đã viên ngộ đến cảnh giới Niết bàn, nếu còn
một chút xíu cái tâm năng ngộ thì cũng còn kẹt ở Nhơn tướng.
“Này
Thiện nam tử! Thế nào là chúng sanh tướng? Nghĩa là tâm của các
chúng sanh tự chứng ngộ không bì kịp”: Chữ “chúng sanh” ở
đây có nghĩa là nhiều duyên hợp lại mà sanh. Đức Phật bắt đầu giảng
về Chúng sanh tướng.
Học qua các đoạn trên, chúng ta đã hiểu Tâm chứng là Ngã tướng, Tâm
ngộ là Nhơn tướng. Biết rõ hai tướng này là sai lầm, không còn chấp
Ngã và Nhơn, đạt được cảnh giới mà những tâm chứng ngộ nói trên đều
không bì kịp.
“Này
Thiện nam tử! Ví như có người nói: “Ta là chúng sanh” thì biết người
ấy nói “chúng sanh” đó chẳng phải là TA, cũng chẳng phải người khác.
Vì sao chẳng phải là TA? Vì ta là chúng sanh thì không phải là TA
được. Vì sao chẳng phải người khác? Vì ta là chúng sanh nên không
phải là cái TA của người khác”: Đức Phật dùng một ví dụ để minh
họa về ý niệm ly khai cả Ngã và Nhơn tướng: Khi nghe một người nói
câu “Ta là chúng sanh” thì chữ “chúng sanh” này không
phải nói về mình, cũng không phải nói về người khác :
-
Vì sao biết “chúng sanh” không phải là chính mình, nghĩa là TA? - Vì
đã là chúng sanh thì tất nhiên không phải cái TA của chính mình.
-
Vì sao biết “chúng sanh” không phải là người khác? - Vì người ấy nói
“Ta là chúng sanh” chớ không nói “Người khác là chúng sanh”.
“Này
Thiện nam tử! Nhưng các chúng sanh khi liễu chứng liễu ngộ đều là
Ngã, Nhơn, mà tướng Ngã-Nhơn không bì kịp. Vì còn có cái Sở liễu,
nên gọi là Chúng sanh tướng”: “Liễu chứng” là liễu đạt được Tâm
chứng, tức không còn chấp Ngã tướng; “Liễu ngộ” là liễu đạt
được Tâm ngộ, tức không còn chấp Nhơn tướng. Tâm liễu chứng liễu ngộ
này (gọi là Tâm-liễu), vượt hẳn cả chứng lẫn ngộ, nên tướng Ngã Nhơn
không thể bì kịp.
Đến đây, Ngã tướng và Nhơn tướng không còn ẩn nấp trong tâm hành
giả, nhưng lại có một cái biết rằng mình không còn Ngã và Nhơn
tướng. Đó gọi là cái Sở liễu là tâm chiếu soi, dù rất ẩn mật vi tế
nhưng cũng làm chướng ngại, chưa khế hợp với Giác tánh. Tâm này gọi
là Chúng sanh tướng.
Chúng ta thấy, chỉ còn chấp một chút thôi, vẫn còn dấu vết của tâm
phàm, huống nữa là người hiểu biết còn nông cạn mà cho là mình đã
kiến tánh, mặc tình tạo nghiệp. Đó là điều lầm lẫn lớn. Khi hiểu cặn
kẽ lời Phật dạy, chúng ta mới biết phải nỗ lực công phu một cách dày
dặn, tế nhị và ẩn mật. Dù được một vài kết quả nào đó cũng không nên
phô trương; vì nói không đúng đối tượng có thể làm hại mình hại
người. Người có công phu thực sự thì rất thâm trầm, có sự quán xét
sâu sắc nên ít bị lầm lẫn. Ngược lại, nếu tu vụng về mà lại khoe
khoang, thế nào cũng bị lộ chân tướng.
“Này
Thiện nam tử! Thế nào là Thọ-mạng-tướng? Nghĩa là tâm chiếu thanh
tịnh của các chúng sanh giác ngộ cái Sở liễu”: Hành giả tiến
thêm một bậc nữa, biết cái Tâm liễu còn là chướng ngại nên không
chấp vào đó. Cái biết này gọi là Tâm-chiếu. Tâm của hành giả đến đây
đã được thanh tịnh, cả Chứng, Ngộ và Liễu đều tiêu dung.
“Trí
tất cả nghiệp không tự thấy nó, cũng như mạng căn”: “Trí
Tất-cả-nghiệp” là trí có tất cả tác dụng, rất sâu kín, không thể
tự thấy được, cũng như không ai thấy được tuổi thọ tức mạng căn của
mình. Một ví dụ khác, con mắt không thể tự thấy lại con mắt. Đức
Phật dùng mạng căn để cho thấy rõ đặc tính âm thầm tương tục của nó,
luôn luôn tồn tại mà người đời không bao giờ thấy được; cũng như cái
Tâm chiếu thanh tịnh kia, thấy biết tất cả Ngã, Nhơn và Chúng sanh
tướng nhưng lại không biết được chính nó. Do không biết nên không
thể tự trừ, vì vậy vẫn còn có tướng trạng, dù rất ẩn mật vi tế. Do
ví dụ thọ mạng nên Phật đặt tên Tâm chiếu này là Thọ-mạng-tướng.
“Này
Thiện nam tử! Nếu tâm chiếu thấy tất cả giác, đều là trần cấu, vì
năng giác và sở giác kia chưa rời trần”: Tâm chiếu này đã rõ
biết tất cả ba tướng Ngã, Nhơn, và Chúng sanh đều là vọng cảnh.
Nhưng chính Tâm-chiếu cũng còn là trần cấu vì tâm chưa hoàn toàn
sạch chấp trước; còn một chút thấy mình được giác ngộ là trần cấu đã
nổi lên trong tâm. Một niệm khởi lên là năng sở còn tồn tại, cho nên
nói năng giác và sở giác kia chưa rời trần.
“Như
nước nóng làm tan băng, không riêng có băng và cũng không có cái
biết tan băng. Còn Ngã và còn cái Giác ngã cũng lại như thế”:
Bản chất của băng và của nước nóng cũng đều là nước, chỉ do gặp
duyên khác nhau nên mới có hình tướng sai thù. Ngã tướng và Nhơn
tướng được ví với băng, Chúng sanh tướng là nước nóng. Dùng nước
nóng tưới lên băng, băng tan thì nước nóng cũng nguội đi; nghĩa là
khi phá được Ngã tướng và Nhơn tướng, thì cái tâm biết mình phá được
hai tướng đó - tức Chúng sanh tướng cũng phải quét sạch. Khi băng
tan hết thì cái biết tan băng tức cái Tâm chiếu (Thọ mạng tướng)
cũng cần dẹp trừ, nghĩa là phải sạch tất cả mọi vi tế ngã tướng. Vì
vậy Phật bảo “Còn Ngã và còn cái Giác ngã cũng lại như thế”.
Liên hệ với phương pháp biết vọng của Hòa thượng Trúc Lâm, chúng ta
thấy có sự tương đồng rất rõ: Lúc đầu chúng ta dùng tâm hay biết
buông cái vọng bị biết. Một thời gian sau, ta thấy vọng bớt dần, tuy
vậy không làm sao hết sạch được. Đó là vì cái tâm lom lom nhìn biết
cái vọng đó, thật ra cũng chỉ là vọng. Do đó, chúng ta phải quét
sạch luôn cái tâm-biết-vọng, năng và sở vọng lúc ấy không còn. Khi
đã buông hết, cái biết của tự tánh mới phóng
xuất, chính là Tánh-biết-vọng, là
Tánh-Biết thường xuyên không gián cách, dù đang ở trong hoàn cảnh
nào. Nhà Thiền có câu “Ví như vòng sắt trên đầu chuyển, Định-Huệ
sáng tròn vẫn không mất” là chỉ cho Tánh-Biết này vậy.
“Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp không rõ bốn tướng, tuy trải
qua nhiều kiếp cần khổ tu đạo, chỉ gọi là hữu vi, trọn không thể
thành tựu tất cả Thánh quả. Thế nên gọi là Chánh pháp đời mạt”:
Nếu không rõ được bốn tướng, dù siêng năng cần khổ tu hành nhiều đời
nhiều kiếp, cũng chỉ là dùng nhơn thế gian mà tu. Đã dùng tâm sanh
diệt hữu vi tức nhơn thế gian để tu hành, thì làm sao thành tựu đạo
quả xuất thế?
“Vì
cớ sao? Vì nhận tất cả Ngã cho là Niết bàn, vì có chứng có ngộ mà
gọi đó là thành tựu”: Tất cả bốn tướng kể trên, thật sự đều lấy
ngã chấp làm căn bản, rốt cuộc đều là Ngã tướng. Chỉ vì sự chấp
trước cạn sâu không đồng, nên phải phân biệt thành bốn như thế.
Chúng sanh tu hành vọng nhận tất cả Ngã (tức bốn tướng) cho là Niết
bàn, đem cái Ngã ra tu rồi thấy có chứng đắc. Đây là căn bệnh của
nhiều người tu.
“Ví
như có người nhận giặc làm con, mọi tài sản của người ấy đều bị phá
tán”: Thiền sư Huyền Giác nói “Chân thành nhận giặc làm con
quí”. Chúng ta lâu nay nhận vọng tưởng sinh diệt làm tâm mình,
không biết vọng tưởng ấy khởi sanh ra cái ngã. Vọng chấp cái ngã là
mình, dùng ngã ấy tu hành thì dù trải qua hằng sa kiếp cũng không
thành tựu đạo quả. Cũng như người không rõ là giặc lại nhận làm con,
thì bao nhiêu gia tài sự sản chắc chắn sẽ bị phá hoại hết.
“Vì
cớ sao? Có người ái Ngã thì ái Niết bàn; khi điều phục được căn bản
ái Ngã, là tướng Niết bàn. Có người ghét Ngã cũng ghét sanh tử, mà
không biết chính Ái mới thật là cái nhơn sanh tử, riêng ghét sanh tử
thì không giải thoát”: Do lầm chấp ngã nên sanh tâm yêu ghét.
Nếu yêu cái ngã thì cũng nhân tâm ấy mà ưa thích Niết bàn; và nếu
tạm điều phục được tâm ái ngã ấy, tưởng mình đã ngộ chứng Niết bàn,
không ngờ đó cũng chỉ là vọng nhận. Ngược lại, có người ghét cái Ngã
thì cũng ghét sanh tử, vì thân này nằm trong vòng sanh tử. Chán sanh
tử nên ưa Niết bàn, chấp thủ Niết bàn và an trú luôn trong đó. Họ
không biết rằng, ghét là mặt trái của yêu, vì có Ái (yêu) là có Tắng
(ghét). Họ càng không biết, chính Ái là căn bản luân hồi, là nguồn
gốc của sanh tử. Nếu không đoạn được gốc Ái, chỉ một bề ghét sanh tử
yêu thích Niết bàn, dùng nhơn triền phược mà tu hành thì làm sao
giải thoát?
Trong Tín Tâm Minh có nói: “Lục trần bất ố hoàn đồng chánh giác”
- Không ghét sáu trần thì thành chánh giác. Chính nhờ trần cảnh,
chúng ta mới điều phục được tâm đam mê sáu trần. Nếu bảo lìa sáu
trần mới tu, thì đi nơi nào mà lìa được chúng? Cho nên, phải nhận
diện ngay thực tại, an trú trong thực tại, thấy biết tất cả mà không
sanh tâm khởi niệm. Chúng ta tu Thiền, không ai chẳng tâm đắc câu
thơ của Sơ Tổ Trúc Lâm Yên Tử: “Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền”
- tiếp xúc với trần cảnh không sanh tâm, ngay đó đã là thiền,
chẳng cần hỏi thiền làm gì nữa.
“Làm
sao biết được pháp không giải thoát? Này Thiện nam tử! Chúng sanh
đời mạt pháp tu tập Bồ đề, cho mình chứng đắc là tự thanh tịnh, vẫn
chưa thể tận diệt gốc rễ của Ngã tướng”: Đức Phật đặt câu hỏi để
sau đó giải thích. Vì sao yêu thích Niết bàn lại là không giải
thoát? Chúng sanh tu tập một thời gian, thấy tâm không còn chấp các
tướng. Nhưng nếu vẫn còn một niệm vi tế cho là mình chứng đắc, cho
đó là thanh tịnh, cũng vẫn chưa hết Ngã tướng.
“Nếu
lại có người khen ngợi pháp kia, liền sanh hoan hỉ và muốn cứu độ
họ. Ngược lại, nếu có ai chê bai chỗ sở đắc của mình, liền sanh oán
giận”: Đây là bệnh thường thấy ở những người hành Bồ tát đạo.
Các vị này có thể không động tâm khi có người khen chê chính bản
thân mình, nhưng khi có ai phê bình nhận xét về pháp tu hay chỗ sở
đắc của mình thì khó giữ được sự bình ổn trong tâm. Từ đó mới biết
Ngã chấp vẫn còn tồn tại. Cho nên, trên bước đường lợi tha, đôi khi
hành giả cũng cần gặp những đối tượng cang cường để đo lường định
lực của chính mình.
“Cho
nên biết Ngã tướng chấp trì một cách vững chắc, núp sâu trong tàng
thức, dạo chơi nơi các căn chưa từng gián đoạn”: Khi nghe người
khen mình vui, nghe người chê mình giận, phải biết sự chấp ngã của
mình còn vững chắc lắm! Cái Ngã tướng này rất nhỏ nhiệm, tiềm phục
trong tàng thức. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, nếu hợp với ngã
thì ưa, không hợp thì ghét, luôn luôn khởi niệm, cho nên nói ngã
tướng dạo chơi nơi các căn chưa từng gián đoạn.
“Này
Thiện nam tử! Người này hành đạo không trừ Ngã tướng, thế nên không
thể nhập vào Giác ngộ thanh tịnh”: Đức Phật kết luận một ý: Nếu
tu hành mà không trừ hết Ngã tướng, thì không thể nào viên thành
Phật đạo.
“Này
Thiện nam tử! Nếu biết Ngã không, không có người hủy báng Ngã. Có
Ngã thuyết pháp, vì chưa đoạn Ngã. Chúng sanh, Thọ mạng cũng lại như
thế”: Ở trên là nói về trường hợp có người khen chê ta mà ta
mừng hay giận, đó là còn Ngã tướng. Đến đây, tiến thêm một bước, ta
không vui không buồn khi nghe khen hoặc chê. Tuy vậy, vẫn chưa phải
là không có ngã, vì ta vẫn còn thấy có người khen chê ta. Cho nên
Phật dạy, nếu thật là Ngã không thì không thấy có người hủy báng
Ngã.
Mặt khác, khi hành Bồ tát đạo giáo hóa chúng sanh, nếu còn thấy có
đối tượng để ta thuyết pháp thì cũng chưa hoàn toàn đoạn được ngã
chấp, vì vẫn còn phân biệt kia là đối tượng sở thuyết và ta là người
năng thuyết. Từ đây, chúng ta có thể biện minh về Nhân-tướng, Chúng
sanh tướng và Thọ mạng tướng cũng tương tự như vậy.
“Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt cho bệnh là pháp, thế nên gọi là
người đáng thương xót. Tuy siêng năng tinh tấn tu hành mà ngày càng
thêm bệnh. Vì vậy, không thể nhập vào Giác ngộ thanh tịnh”:
Chúng sanh đời mạt, trên đường tu thường vọng nhận Ngã tướng cho là
Niết bàn, tức lầm tưởng bệnh đó là pháp. Phật nói, những người ấy
thật đáng thương! Vì không có chánh kiến nên dễ lạc đường tà, càng
siêng năng tinh tấn bao nhiêu lại càng xa rời chánh đạo bấy nhiêu,
càng không thể nhập vào Thanh tịnh giác.
Trong tập thể tu hành, chúng ta thấy điều này rất rõ. Mỗi người có
thể có một hạnh tu khác nhau, tùy căn cơ trình độ của từng người.
Mỗi người cũng có thể gặp chướng duyên nhiều hay ít, tùy nghiệp của
họ nặng hay nhẹ, không ai giống ai, như trong một khu vườn trồng
nhiều hoa, mỗi hoa một vẻ. Tuy nhiên, có một điểm chung nhất và
quyết định cho việc tu hành có kết quả, là phải đi đúng đường đúng
hướng. Người không có chánh kiến, càng dụng công tinh tấn, bệnh càng
thêm nặng.
“Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp không rõ bốn tướng, lấy chỗ lý
giải và hạnh tu của Như Lai làm hạnh tu của chính mình, trọn không
thể thành tựu”: Những người tu hành chưa lìa được bốn tướng,
dùng thức tâm phân biệt để hiểu ngôn giáo của Phật. Thấy Phật có chỗ
lý giải và hạnh tu như thế, tưởng rằng mình thực hành giống như vậy
là đã tương đồng với Phật. Thật ra, đó chỉ là hình thức bên ngoài,
còn nội tâm lại chẳng tương ưng, như nhà Thiền thường gọi “Giống
thì giống mà phải thì không phải”.
“Hoặc
có chúng sanh chưa được mà cho là được, chưa chứng mà nói chứng;
thấy người tiến hơn mình, sanh tâm tật đố”: Hạng người thứ hai
gọi là tăng thượng mạn. Những người này tu hành được đôi phần kết
quả, tâm có phần thanh tịnh, cho rằng mình đã thành tựu viên mãn. Đó
là tự dối mình chứ không phải là họ không biết. Khi đã dối mình thế
thì dối người càng dễ. Thấy ai tu học đức hạnh hơn mình, sanh tâm đố
kỵ ganh ghét, tìm cách đè bẹp người để tự nâng mình lên. Đây là điều
không hay, nhưng có thể thấy trong tập thể tu hành.
“Do
chúng sanh kia chưa đoạn được Ngã ái, thế nên không thể nhập vào
Giác ngộ thanh tịnh”: Những chúng sanh tăng thượng mạn kia, vì
chưa đoạn trừ được hành tướng vi tế của Ngã ái nên không thể thành
tựu viên mãn.
“Này
Thiện nam tử! Chúng sanh đời mạt pháp hy vọng thành Đạo, không chịu
cầu ngộ, chỉ thêm đa văn, tăng trưởng ngã kiến”: Chúng sanh tu
hành, hy vọng thành Phật. Nhưng nếu chỉ lo trau dồi kiến thức mà
không tu, chỉ tập trung học mà không hành, đó là bệnh đa văn. Mục
đích chúng ta học là để bổ túc cho sự tu, tu để bổ sung cho việc
học. Nếu không như vậy, những điều chúng ta học được chỉ là mớ lý
thuyết suông, càng làm tăng trưởng ngã kiến, chướng ngại cho việc
tiến tu. Ngài A-Nan là một trường hợp điển hình. Ngài nổi tiếng đa
văn đệ nhất trong Thập đại đệ tử của Phật, nhưng sở học của Ngài
không giúp ngài chứng quả A-la-hán. Lúc kết tập kinh điển lần thứ
nhất, Ngài bị Tổ Ca-Diếp ngăn không cho vào dự hội, vì Tổ bảo Ngài
vẫn còn tâm hữu vi. Sau một đêm nỗ lực thiền định, buông sạch mọi
vọng tưởng kiến chấp, Ngài mới thành tựu lục thông, chứng quả
A-la-hán.
“Cần
phải siêng năng hàng phục phiền não, khởi đại dõng mãnh, chưa được
phải làm cho được, chưa đoạn phiền não phải khiến cho đoạn. Tham,
sân, si, mạn, xiểm khúc, tật đố, đối cảnh chẳng sanh. Ta cùng với
người ân nghĩa yêu mến, thảy đều tiêu diệt”: Đây là lời Phật
thiết tha nhắn nhủ cho chúng ta, những người cầu đạo. Muốn cần cầu
sự giác ngộ tối thượng, điều trước tiên là phải tinh tấn hàng phục
phiền não. Hành giả phát khởi tâm đại dõng mãnh, vững vàng như núi
sừng sững giữa trời, dù có bão táp cuồng phong vẫn hiên ngang không
lay động. Tất cả công đức diệu dụng tu hành, trước chưa được nay
phải làm cho được. Tất cả chướng ngại phiền não, trước chưa đoạn nay
phải khiến cho đoạn. Tất cả Căn bản phiền não và Tùy phiền não đều
dứt sạch; tâm giống như màn lưới, gió thổi qua không dính vào mắt
lưới nào. Tất cả ân ái giữa ta và người là nguồn gốc của sanh tử,
đều phải bị tiêu diệt.
“Phật
nói người như thế, dần dần sẽ thành tựu, cầu Thiện tri thức, không
lạc vào tà kiến. Nếu đối với chỗ sở cầu mà sanh tâm yêu ghét thì
không thể nhập vào biển giác ngộ thanh tịnh được”: Những người
được như thế, dần dần dẹp trừ bốn tướng, thứ lớp thành tựu. Tuy vậy,
phải cầu Thiện tri thức chỉ dạy để trên đường tu khỏi lạc vào tà
kiến. Mặt khác, không nên có tâm phân biệt yêu ghét, đó là Ngã tướng
chưa diệt sạch, thường gây chướng ngại, không thể nhập vào biển Đại
tịch diệt của Như Lai.
“Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
Tịnh Nghiệp, ông nên biết !
Tất cả các chúng sanh
Đều do chấp Ngã ái
Xưa nay vọng lưu chuyển”.
Chúng sanh từ vô thủy kiếp đến nay, do chấp vào Ngã ái nên vọng thấy
có sanh tử luân hồi.
“Do chưa trừ bốn tướng
Không thành tựu Bồ đề.
Nơi tâm sanh yêu ghét
Ở niệm còn xiểm khúc
Thế nên nhiều mê muội
Chẳng thể vào thành Giác”.
Vì
chưa dẹp sạch các tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ mạng, nên dù cần
khổ tu hành bao lâu cũng không thành tựu đạo quả. Nếu còn Căn bản
phiền não (Tham, Sân, Si...) và các Tùy phiền não (Xiểm khúc, tật
đố...) thì vẫn còn nhiều mê muội, không thể nhập vào Thanh tịnh
giác.
“Nếu ngộ trong sát na
Liền trừ Tham, Sân, Si
Không còn tâm ái pháp
Dần dần được thành tựu
Thân ta vốn không có
Yêu ghét do đâu sanh? ”
Chúng ta có thể trải qua nhiều đời kiếp tu hành, nhưng khi ánh giác
ngộ bừng lên thì chỉ trong một sát na, tâm chấp ngã và chấp pháp đều
được đoạn trừ. Chúng ta thấy rõ thân này chỉ là duyên hợp giả có,
chỉ là huyễn hóa không thật, thì cái tâm yêu ghét y cứ nơi thân cũng
là hư giả mà thôi.
“Người cầu Thiện tri thức,
Chẳng lạc vào tà kiến
Sở cầu sanh tâm khác,
Rốt ráo chẳng thành tựu”.
Trên đường tu, thầy lành bạn tốt đối với chúng ta rất quan trọng và
cần thiết. Nhưng nếu đã cầu thiện tri thức mà còn sanh tâm phân biệt
yêu ghét, thì không thể nào thành tựu Bồ đề.
Tóm lại, trong chương này, nhân lời thưa thỉnh của Bồ tát Tịnh Chư
Nghiệp Chướng cầu Phật chỉ dạy phương pháp tẩy trừ nghiệp chướng,
Đức Phật giảng rõ về bốn tướng, là nguyên nhân khiến chúng sanh mãi
chịu trầm luân, dù cần khổ tu hành mà không viên thành Phật quả. Bốn
tướng ấy là: Ngã tướng, Nhơn tướng, Chúng sanh tướng và Thọ mạng
tướng.
1-
Ngã tướng: Ngã tướng có thô và tế:
-
Ngã tướng thô là tình cảm dục vọng của phàm phu. Đây là cái ngã
phàm, gọi là Phàm tình.
-
Ngã tướng tế là thấy mình đạt được một cảnh giới tu chứng nào đó.
Đây là cái ngã Thánh, gọi là Thánh giải.
Nhà Thiền có câu “Gặp Phật giết Phật, gặp ma giết ma”. Ma là
ngã phàm, Phật là ngã thánh. Phàm tình lẫn Thánh giải đều phải quét
sạch, mới có phần tương ưng.
Tâm chấp ngã thô thuộc về ý thức, Duy thức học gọi là Phân biệt ngã
chấp. Hình ảnh Tề Thiên trong Tây Du Ký là tượng trưng cho tâm này.
Tâm chấp ngã tế thuộc về Trí, tức là Huyễn trí, là Câu-sanh ngã-chấp
trong Duy thức học, thuộc Mạt-na-thức (thức thứ 7).
2-
Nhơn tướng: Hành giả biết cái ngã là không, không còn chấp
ngã. Tuy vậy, vẫn còn cái tâm biết mình không chấp ngã. Đó là Nhơn
tướng.
3-
Chúng sanh tướng: Không còn chấp Ngã và Nhơn tướng. Hành giả
lúc này không thấy có ta chứng và cảnh giới chứng, cũng không còn
cái tâm năng biết cảnh và người chứng nữa. Tuy nhiên, vẫn còn thấy
rằng mình không còn ngã và nhơn. Đó là Chúng sanh tướng.
Liên hệ với pháp Tri vọng: Khi đã buông sạch vọng, chúng ta thấy có
một sự trống không mênh mông. Trống không nhưng chúng ta vẫn biết.
Người buông vọng là Ngã tướng, cảnh trống không là Nhơn tướng. Không
còn người buông vọng và cái vọng bị buông, nhưng vẫn còn cái tâm hay
biết điều này: Đó là Chúng sanh tướng.
4-
Thọ mạng tướng: Lúc này nội tâm hành giả thanh tịnh đến mức
buông luôn cái tâm rõ biết mình không còn Ngã-Nhơn. Nhưng đến đây
vẫn còn cái Huyễn trí, sanh diệt tương tục, lại hết sức vi tế. Đây
là giai đoạn phá Hành-ấm. Hàng Nhị thừa không thấy được các niệm này,
tưởng đã sạch niệm, nhưng với mắt Phật thì nhìn rõ những niệm chi ly
khởi diệt liên tục trong tàng thức, Duy thức học gọi là “Thường
chuyển như bộc lưu”, ở xa nhìn tưởng dòng thác là một khối nước
đồng nhất, đến gần mới biết là tập hợp của vô số giọt nước đang lưu
chuyển. Huyễn trí chính là Thọ mạng tướng, phải buông sạch luôn mới
thật sự thành tựu.
Như thế, rõ ràng trong một niệm đã có đủ bốn tướng. Ví dụ như nhìn
một người, chúng ta đã nẩy lòng ưa hay ghét. “Ta nhìn” là ngã tướng,
“người được thấy” là Nhơn tướng, “sanh tâm ưa ghét” là Chúng sanh
tướng, “tuổi thọ của niệm” từ lúc sanh đến lúc diệt là Thọ mạng
tướng. Người tu khi đến chỗ đối cảnh không còn sanh tâm, đó là trừ
được bốn tướng. Hiểu điều này, chúng ta lấy đó làm chánh nhơn tu
hành. Đến khi tâm chứng Niết bàn, cũng không thấy ta là người chứng,
Niết bàn là cảnh chứng. Huyễn trí quét sạch, tất nhiên thể nhập Viên
giác.
Tóm lại, chấp bốn tướng là bệnh trọng tâm của hành giả, từ thô đến
tế. Càng dụng công, hành giả càng thấy rõ những niệm khởi nhỏ nhiệm
vi tế bên trong tâm thức, từ chuyên môn gọi là Sở tri chướng hay Vi
tế Sở tri ngu. Tiềm lực vô minh phiền não này rất ẩn mật sâu kín,
khó hàng phục trong nhất thời. Đó là lý do vì sao chúng ta cứ buông
vọng hết lớp này lại thấy có lớp khác. Các vị Thiền sư sau khi giác
ngộ tự tánh, cũng phải mất bao nhiêu năm, bào mòn tập khí. Chúng ta
chỉ mới tu vài năm mà lại nôn nóng muốn thành công, thì làm sao có
thể được? Do tâm nôn nóng vội vàng nên dễ gặp chướng duyên, nghiệp
lực lôi dẫn vào đường lầm ngã rẽ.
Chúng ta đã thấy sự tu hành không phải dễ dàng như hiểu qua lý
thuyết. Vì vậy, Hòa thượng Trúc Lâm dạy chúng phải có tâm kiên cố và
trường viễn. Kiên cố là vững chắc, không có gì lay chuyển nổi;
Trường viễn là lâu dài, không hạn cuộc thời gian, không nóng vội.
Chúng ta cứ kiên tâm bền chí, mỗi ngày mỗi tiến, thế nào cũng có lúc
trở về được căn nhà muôn đời của chính mình.
~~oOo~~