...... ... |
.. |
. |
.. |
. |
. |
- Kinh
Viên Giác
-
Luận Giảng
-
Chánh văn và Lược giải
V- CHƯƠNG
KIM CANG TẠNG
Lúc bấy giờ, Bồ tát Kim Cang Tạng ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quỳ dài chắp
tay mà bạch Phật rằng: “Đức Đại Bi Thế Tôn! Ngài hãy khéo vì tất cả
chúng Bồ tát mà tuyên dương pháp hạnh ở nơi Nhơn địa của Như Lai là Viên
Giác thanh tịnh Đại Đà-la-ni, và các phương tiện thứ lớp cho chúng sanh
khai phát được sự mê mờ. Pháp chúng ở trong hội này, nương nhờ lòng từ
bi thương xót dạy bảo của Ngài mà vén mở sự u tối, mắt huệ được sáng tỏ.
Bạch
Đức Thế Tôn! Nếu những chúng sanh bản lai đã thành Phật, thì sao lại có
tất cả vô minh? Nếu những vô minh của chúng sanh sẵn có, thì nhơn duyên
gì Như Lai lại nói bản lai thành Phật? Những loài Dị sanh ở mười phương,
nếu vốn đã thành Phật đạo rồi sau khởi ra vô minh, vậy thì bao giờ tất
cả Như Lai lại sanh tất cả phiền não nữa? Cúi mong Đức Thế Tôn không bỏ
đi lòng từ vô hạn, vì các Bồ tát mà khai mở tạng bí mật, và vì tất cả
chúng sanh đời mạt, được nghe pháp môn liễu nghĩa kinh giáo như thế mà
dứt hẳn sự nghi ngờ”.
Bồ
tát Kim Cang Tạng nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ
đầu đến cuối như vậy ba lần.
Lúc
bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Kim Cang Tạng rằng: “Lành thay! Lành
thay! Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời
mạt, mà hỏi Như Lai về những phương tiện cứu cánh và những bí mật sâu
xa, ấy là lời dạy liễu nghĩa Đại thừa tối thượng, dành cho các hàng Bồ
tát, có thể khiến cho các Bồ tát tu học ở mười phương và tất cả chúng
sanh đời mạt có được niềm tin quyết định, dứt hẳn sự nghi ngờ. Ông hãy
lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Kim Cang Tạng vui mừng vâng theo lời dạy của Phật, cùng đại
chúng lắng sâu tâm thức chuẩn bị nghe.
“Này
Thiện nam tử! Tất cả thế giới thủy-chung, sanh-diệt, tiền-hậu, có-không,
tụ-tán, khởi-chỉ, niệm niệm nối nhau, xoay vần qua lại, các thứ thủ-xả
đều là luân hồi. Nếu chưa ra khỏi luân hồi mà biện biệt tâm Viên Giác,
thì tánh Viên Giác kia cũng đồng với lưu chuyển, nếu nói thoát khỏi luân
hồi thì không thể có được.
Ví
như mắt chớp làm mặt nước gợn sóng; lại như mắt nhìn trừng trừng thấy
vòng lửa xoay. Mây bay trăng chạy, thuyền đi bờ dời, cũng lại như thế.
Này
Thiện nam tử! Các sự xoay vần chưa dứt, các vật kia muốn đứng lại trước,
còn không thể được, huống gì dùng cái tâm cấu sanh tử luân chuyển chưa
từng thanh tịnh mà quán tánh Viên Giác của Phật, thì không luân chuyển
được sao? Thế nên các ông mới sanh khởi ba điều nghi hoặc.
Này
Thiện nam tử! Ví như mắt nhặm nên vọng thấy hoa đốm trong hư không. Nếu
trị được mắt nhặm, không thể hỏi rằng cái nhặm đó đã dứt thì lúc nào lại
sanh khởi nữa. Vì cớ sao? Nhặm mắt và hoa đốm, hai pháp này vốn chẳng
đối đãi. Cũng như không - hoa diệt trong hư không, không thể hỏi rằng hư
không lúc nào lại sanh ra hoa đốm nữa. Vì cớ sao? - Vì hư không vốn
không có hoa, chẳng phải có sanh diệt. Sanh tử, Niết-bàn đồng là khởi
diệt, tánh Diệu Giác tròn chiếu thì lìa cả hoa và nhặm.
Này
Thiện nam tử! Phải biết hư không chẳng phải tạm có, cũng chẳng phải tạm
không, huống gì Viên Giác tùy thuận của Như
Lai lại là bản tánh hư không bình đẳng !
Này
Thiện nam tử! Ví như nấu kim khoáng, vàng chẳng phải do nấu mới có. Khi
đã thành vàng rồi, không trở lại làm khoáng nữa. Dầu trải qua thời gian
vô tận, tánh vàng vẫn không biến hoại. Cho nên, ông không thể nói rằng:
“Vốn chẳng thành tựu”. Viên Giác của Như Lai cũng lại như vậy.
Này
Thiện nam tử! Tâm Viên Giác nhiệm mầu của tất cả Như Lai vốn không có Bồ
đề và Niết-bàn, cũng không có việc thành Phật hay không thành Phật,
không phải Vọng-luân-hồi hay Phi-luân-hồi.
Này
Thiện nam tử! Các hàng Thanh văn viên mãn được cảnh giới của mình, thân
tâm ngôn ngữ đều đoạn dứt, mà còn không thể đến được Niết-bàn của tâm
Viên Giác, huống hồ dùng tâm tư duy mà đo lường cảnh giới Viên Giác của
Như Lai được sao? Ví như người dùng lửa đom đóm đốt núi Tu di, hẳn không
thể được. Dùng tâm luân hồi khởi ra cái thấy biết luân hồi mà vào nơi
biển Đại-tịch-diệt của Như Lai, cũng không thể được. Thế nên ta nói: Tất
cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt, trước hết phải đoạn trừ căn bản luân
hồi từ vô thỉ.
Này
Thiện nam tử! Cái tư duy có tạo tác là từ nơi Hữu tâm mà khởi, đều là
bóng dáng của sáu trần vọng tưởng duyên khí, cũng như không hoa, chẳng
phải tâm thể chân thật. Dùng tâm tư duy này biện biệt cảnh giới của Phật
cũng giống như hoa đốm mà kết thành quả trong hư không, vọng tưởng xoay
vần, thì không thể được.
Này
Thiện nam tử! Tâm Phù-động hư dối, nhiều xảo kiến, không thể thành tựu
được Viên Giác phương tiện. Ông phân biệt như vậy, không phải là vấn đề
chủ yếu”.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng :
“Kim Cang Tạng nên biết,
Tánh tịch diệt Như Lai
Chưa từng có thủy-chung.
Nếu dùng tâm luân hồi
Tư duy thêm rối rắm
Chỉ đến bờ luân hồi
Không vào được biển Phật.
Ví như nấu kim khoáng
Vàng chẳng nấu mới có.
Dù xưa nay là vàng
Nhờ nấu mới thành tựu.
Một khi đã thành vàng
Không trở lại làm khoáng.
Sanh tử và Niết-bàn
Phàm phu cùng chư Phật
Đồng là tướng không hoa.
Tư duy còn huyễn hóa
Huống chi các hư vọng.
Nếu liễu ngộ tâm này
Sau mới cầu Viên Giác”.
Trong
ba chương trước, Đức Thế Tôn nói rõ về tánh Viên Giác, về Như huyễn tam
muội, về phương tiện tiệm thứ tu hành. Nhờ vậy, đại chúng dứt bỏ mê mờ,
phát khởi trí thanh tịnh.
Tuy
nhiên, vì Đức Phật bảo, chúng sanh bản lai đã thành Phật, nên trong pháp
hội nảy sinh nghi ngờ. Bồ tát Kim Cang Tạng, vì muốn giải nghi cho đại
chúng và củng cố niềm tin vững chắc, nên đứng lên thưa hỏi Phật. Kim
Cang Tạng nghĩa là kho kim cương; niềm tin của đại chúng nếu chưa đạt
đến chỗ vững chắc như kim cương bất hoại, thì không thể tu được Viên
Giác. Do đó, chủ yếu của chương này là giải trừ mọi nghi vấn và tạo cho
các Bồ tát cùng chúng sanh đời mạt pháp một niềm tin kiên định.
“Lúc
bấy giờ, Bồ tát Kim Cang Tạng ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng
dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quỳ dài chắp tay mà
bạch Phật rằng: “Đức Đại bi Thế Tôn! Ngài hãy khéo vì tất cả chúng Bồ
tát mà tuyên dương pháp hạnh ở nơi Nhơn địa của Như Lai là Viên Giác
thanh tịnh Đại Đà-la-ni, và các phương tiện thứ lớp cho chúng sanh khai
phát được sự mê mờ. Pháp chúng ở trong hội này, nương nhờ lòng từ bi
thương xót dạy bảo của Ngài mà vén mở sự u tối, mắt huệ được sáng tỏ”:
Đây là đoạn mở đầu, gồm nghi thức thưa thỉnh và những lời Bồ tát Kim
Cang Tạng cầu xin Đức Phật vì lòng từ hối, tức lòng thương xót dạy bảo,
giúp đại chúng vén mở sự u tối và mở sáng mắt huệ. Sau đây là ba câu hỏi
mấu chốt của chương này:
“Bạch
Đức Thế Tôn! Nếu những chúng sanh bản lai đã thành Phật, thì sao lại có
tất cả vô minh? Nếu những vô minh của chúng sanh sẵn có, thì nhơn duyên
gì Như Lai lại nói bản lai thành Phật? Những loài Dị sanh ở mười phương,
nếu vốn đã thành Phật đạo rồi sau khởi ra vô minh, vậy thì bao giờ tất
cả Như Lai lại sanh tất cả phiền não nữa? Cúi mong Đức Thế Tôn không bỏ
đi lòng từ vô hạn, vì các Bồ tát mà khai mở tạng bí mật, và vì tất cả
chúng sanh đời mạt, được nghe pháp môn liễu nghĩa kinh giáo như thế mà
dứt hẳn sự nghi ngờ”.
Bồ
tát Kim Cang Tạng nói rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ
đầu đến cuối như vậy ba lần”: Khi nghe Đức Phật bảo, chúng sanh xưa
nay đã thành Phật, chúng ta có dám tin điều này
không? Nếu bản lai đã là Phật, sao bây giờ lại
là chúng sanh vô minh? Cũng như, nếu nước bản lai là trong, sao bây giờ
lại đục? Đó là nghi vấn thứ nhất.
Nghi
vấn thứ hai, đặt vấn đề ngược lại: Nếu những vô minh ấy của chúng sanh
là sẵn có từ nguyên thủy, thì đâu có được tự tánh thanh tịnh. Vậy nhân
duyên gì Phật lại nói chúng sanh bản lai thành Phật?
Nghi
vấn thứ ba khiến chúng ta liên hệ đến một câu trong kinh Lăng Nghiêm:
“Chơn tâm vốn thanh tịnh, hốt nhiên sanh ra sơn hà đại địa”. Những
loài chúng sanh khác nhau trong mười phương sáu nẻo luân hồi, nếu vốn đã
là Phật mà quên đi để làm chúng sanh, thì liệu có một lúc nào đó, các
Đức Như Lai lại khởi sanh phiền não nữa? Có lẽ trong chúng ta, nhiều
người cũng tự hỏi điều này. Bao nhiêu năm tu hành tích cực, tam thường
bất túc, chịu mọi kham khổ để vượt qua tất cả chướng ngại khó khăn,
thành tựu Phật quả. Rồi tự nhiên, đến một ngày nào đó phát sanh phiền
não, trở lại làm chúng sanh vô minh, thì còn ai muốn tu nữa?
Thật
ra, cả ba câu hỏi trên chỉ tập trung vào một vấn nạn: Có phải Phật và
chúng sanh cứ thay phiên nhau lưu chuyển trong một vòng lẩn quẩn hay
không? Và như vậy thì, ý nghĩa giải thoát nằm ở đâu? Rõ ràng ba câu hỏi
này là những nghi vấn
hàng đầu của mọi người tu hành, và nếu trả lời
được chúng một cách thỏa đáng, thì sẽ có một niềm tin vững chắc như kim
cương, không bao giờ bị hủy hoại. Đây là ý nghĩa thứ nhất của chương
này, có Bồ tát Kim Cang Tạng xuất hiện.
Ý
nghĩa thứ hai của kim cương là đặc tính quí báu nhất so với các kim
thạch khác, như tự tánh Viên Giác vừa bất sinh bất diệt vừa quí giá
không có gì sánh bằng. Mặt khác, kim cương được dùng để ví với trí tuệ
Bát nhã, nên gọi là Trí Kim Cương. Chỉ có Trí Kim Cương mới công phá
được thành quách vô minh, mới xâm nhập vào tạng bí mật của Như Lai. Mười
phương ba đời chư Phật chỉ có một bí mật, kể cả Bồ tát cũng không thể
hiểu thấu, đó là tự tâm Viên Giác. Gọi là “của Như Lai” vì chỉ
Như Lai mới có thể nhận rõ và sống trọn vẹn với tự tâm, còn ngoài ra
chưa phải là Viên-mãn-giác thì vẫn còn những điều nghi hoặc vi tế.
Theo
Giáo môn, Bồ tát phải đi qua một lộ trình tuần tự từ Thập tín, Thập trụ,
Thập hạnh, Thập hồi hướng, Tứ gia hạnh, Thập địa rồi mới qua Đẳng giác,
và cuối cùng là Diệu Giác tức thành Phật. Những vị đã nhận ra pháp thân
thường trụ, phát khởi trí kim cương công phá thành quách vô minh, thì
bước vào Kim-Cang-địa. Đây là địa vị của Bồ tát từ Sơ địa trở lên, thuộc
hàng Thập địa, là những địa vị Bất thối chuyển. Trong Thiền môn, người
có địa vị tương đương là những thiền sư đã kiến tánh. Các Ngài nhận ra
Phật tánh hằng hữu của chính mình nên có niềm tin kiên cố không gì lay
chuyển nổi, từ đó cứ tiếp tục tu hành cho đến ngày viên mãn.
Một
điều cần nhấn mạnh ở đây, sở dĩ Đức Phật bảo chúng sanh đã thành Phật,
là vì Ngài y nơi tánh Viên Giác sẵn đủ ở mỗi chúng sanh mà nói. Chúng
sanh sẵn đủ mầm mống giác ngộ nhưng chưa được thanh lọc hết tập khí
phiền não, nên chưa trở lại sự trong sáng nguyên thủy của mình. Ví như
có những đám mây vô minh bay ngang nền trời tự tánh, chúng ta cũng không
ngại gì khi bảo, đàng sau đám mây có mặt trời trí tuệ chiếu soi. “Tre
dầy chẳng ngại nước chảy qua” cũng có ý nghĩa như vậy.
“Lúc
bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Kim Cang Tạng rằng: “Lành thay! Lành
thay! Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời
mạt, mà hỏi Như Lai về những phương tiện cứu cánh và những bí mật sâu
xa, ấy là lời dạy liễu nghĩa Đại thừa tối thượng dành cho các hàng Bồ
tát, có thể khiến cho các Bồ tát tu học ở mười phương và tất cả chúng
sanh đời mạt có được niềm tin quyết định, dứt hẳn sự nghi ngờ. Ông hãy
lắng nghe, Ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy Bồ tát Kim Cang Tạng vui mừng vâng theo lời dạy của Phật, cùng đại
chúng lắng sâu tâm thức chuẩn bị nghe”: Đức Phật khen Bồ tát Kim
Cang Tạng đã vì hội chúng và chúng sanh đời mạt mà thưa thỉnh, mục đích
muốn vào kho tàng bí mật của Như Lai và củng cố niềm tin cho đại chúng.
Sau khi Phật hứa khả, Bồ tát Kim Cang Tạng cùng toàn thể hội chúng lắng
lòng nghe lời Phật dạy.
“Này
Thiện nam tử! Tất cả thế giới thủy-chung, sanh-diệt, tiền-hậu, có-không,
tụ-tán, khởi-chỉ, niệm-niệm nối nhau, xoay vần qua lại, các thứ thủ-xả
đều là luân hồi”: Đức Phật dạy, mọi sự vật trên thế giới đều được
nhìn bằng ý thức nhị biên phân biệt. Vì thế, chúng có bắt đầu rồi có
chung cuộc; có sanh rồi có diệt; có trước rồi có sau, tức có quá khứ,
hiện tại và vị lai; khi đủ duyên thì hiện hữu gọi là có; hết duyên tan
rã gọi là không; khi các duyên tập hợp là tụ, các duyên phân tán là tán;
lúc phát sanh là khởi, lúc dừng lại là chỉ. Tất cả các pháp đều luôn
luôn biến đổi sinh diệt trong từng sát na, cũng như niệm niệm nối tiếp
nhau không ngừng nghỉ. “Niệm niệm nối nhau” có nghĩa là từng sát
na không dừng của mỗi niệm, mà cũng là từng sát na biến đổi trong tự
thân của các pháp. “Xoay vần qua lại” chỉ cho sự luân hồi trong
vòng sanh diệt, như bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông thay nhau xoay vần,
gọi là Tuần-hoàn vãn phục. Đây là qui luật tất nhiên của cuộc sống.
Thật
ra, bản thân các pháp thật vốn vô tình, mà tâm niệm thủ xả là do thái độ
của chúng ta đối với các pháp. Thứ nào chúng ta ưa thích thì muốn thu
tóm về mình (thủ), thứ nào làm ta chán ghét thì muốn bỏ đi (xả). Từ đó
sinh ra các pháp đối đãi nhau, có năng-sở, chủ-khách, khiến chúng ta cứ
mãi tạo nghiệp và thọ khổ trong sáu nẻo luân hồi.
“Nếu
chưa ra khỏi luân hồi mà biện biệt tâm Viên Giác, thì tâm Viên Giác kia
cũng đồng với lưu chuyển, nếu nói thoát khỏi luân hồi thì không thể có
được”: Câu này có ý nghĩa rất sâu xa. Chẳng hạn, một người mới có
trình độ lớp ba không thể giải phương trình toán học của lớp mười. Một
đứa trẻ không thể hiểu được những kinh nghiệm xương máu của người đã lăn
lóc nhiều năm trong cuộc sống. Cũng vậy, nếu chúng ta đem cái tâm phàm
phu đầy dẫy vô minh mà muốn hiểu được tánh Viên Giác, thì không bao giờ
hiểu đến. Nếu chúng ta chưa thoát khỏi luân hồi, mà lại đem tâm luân hồi
để biện biệt Viên Giác, thì Viên Giác ấy cũng bị lưu chuyển theo.
Các vị
thiền sinh cần chú ý một điều: Chúng ta thường ngồi trong tư thế kiết
già ngày 1-2 thời, hoặc mỗi chiều thiền hành trong chánh niệm, hay có
những lần lao tác mà tâm vẫn ở một thời điểm tại đây và bây giờ; thì đột
nhiên một lúc nào đó, ta thấy có một cái gì khôn tả trào dâng trong ta.
Ánh hào quang bất chợt chiếu diệu, sự thật hiển bày trong tíc-tắc, và
mọi sự mọi vật trở nên nhiệm mầu vô cùng. Dĩ nhiên là tâm chúng ta không
được hoàn toàn thanh tịnh suốt ngày đêm vì còn quá nhiều tập khí. Nhưng
nếu mỗi ngày chúng ta có được vài giờ sống với tâm tĩnh lặng và chánh
niệm, cũng có thể thổi được một luồng sinh khí vào cuộc sống, bởi vì
Viên Giác là sức sống, mà là sức sống của chính mình. Mỗi người chúng ta
hãy tự kinh nghiệm lấy vấn đề này, không ai có thể truyền đạt được cho
ai.
Khi đã
hiểu được thâm ý của các kinh điển Đại thừa, chúng ta mới thấy, khi một
hạt lúa nẩy mầm thì cả thế giới đều chịu trách nhiệm chung. Cũng vậy,
nếu chúng ta tu hành có sự thanh tịnh tươi mát, sẽ ảnh hưởng tốt đến mọi
người và môi trường sống xung quanh. Còn nếu chúng ta cứ mãi bị những
thế lực của tham dục và vô minh chi phối, cam chịu cuộc đời sống say
chết mộng, thì chúng ta sẽ vung vãi những bất an vào những người quanh
ta.
“Ví
như mắt chớp làm mặt nước gợn sóng; lại như mắt nhìn trừng trừng thấy
vòng lửa xoay. Mây bay trăng chạy, thuyền đi bờ dời, cũng lại như thế”:
Đây là những ví dụ rất hay. Mặt nước hồ đang lặng, do mắt chớp liên
tục nên thấy nước gợn sóng. Ban đêm cầm một nén hương, ta quay cây hương
vòng tròn và chú mục nhìn thẳng, sẽ thấy có một vòng lửa liên tục. Do
mây bay nên thấy trăng chạy. Người ngồi trên thuyền đang đi mà lại thấy
bờ dời. Tất cả đều là những cái thấy sai lầm, do chủ thể nhận thức không
đúng lẽ thực nên đối tượng nhận thức bị sai lệch đi. Khi tâm chúng ta
đang loạn động, nhìn mọi vật ta không thấy được tự thể của nó. Nhưng nếu
đang trong chánh niệm, nhìn sự vật bằng ánh sáng trí tuệ, chúng ta sẽ
thấy vĩnh hằng nằm trong một sát na, mười phương thế giới thu trọn vào
đầu ngọn cỏ. Ta sẽ thấy cảnh vật xung quanh đã có mặt từ vô thủy đến vô
chung. Đức Phật vẫn đang thuyết kinh Pháp Hoa nơi hội Linh Sơn. Bởi vì,
chúng ta đang siêu việt cả không gian và thời gian. Bởi vì, tất cả các
pháp đều ở trong một sát-na-tâm, tất cả đều chỉ hiện hữu ở tại đây và
bây giờ !
“Này
Thiện nam tử! Các sự xoay vần chưa dứt, các vật kia muốn đứng lại trước,
còn không thể được, huống gì dùng cái tâm cấu sanh tử luân chuyển chưa
từng thanh tịnh mà quán tánh Viên Giác của Phật, thì không luân chuyển
được sao? Thế nên các ông mới sanh khởi ba điều nghi hoặc”: Tâm
chúng sanh chưa hết loạn động mãi nhìn sự vật thế gian một cách điên
đảo. Ví như lúc mây còn bay hay thuyền còn đi thì không thể nhìn thấy
trăng đứng yên hay bờ dừng lại được. Những việc thông thường mà chúng
sanh còn nhận thức sai lầm như vậy, huống gì đem cái cấu tâm sanh tử mà
quán cảnh giới Viên Giác của Phật, thì cảnh giới này không trở thành sai
lệch được sao? Bởi vậy, Ngài Kim Cang
Tạng mới phát sanh ba điều nghi ngờ, đưa ra
hỏi Phật.
“Này
Thiện nam tử! Ví như mắt nhặm nên vọng thấy hoa đốm trong hư không. Nếu
trị được mắt nhặm, không thể hỏi rằng cái nhặm đó đã dứt thì lúc nào lại
sanh khởi nữa. Vì cớ sao?”: Đức Phật rất từ bi, dùng nhiều ví dụ để
minh họa lời dạy, khiến tất cả mọi người đều có thể hiểu rõ. Khi mắt bị
nhặm, nhìn ra hư không ta sẽ thấy hoa đốm lăng xăng. Thật ra đó chỉ là
vọng thấy. Khi mắt được trị lành, chúng ta không thể hỏi chừng nào mắt
trở lại bị nhặm như lúc trước.
“Nhặm
mắt và hoa đốm, hai pháp này vốn chẳng đối đãi”: Ở câu này, tôi hơi
nghi ngờ lời dịch từ Phạn văn ra Hán văn. Bản chữ Hán là “phi tương
đãi”, nên chúng ta phải hiểu là “chẳng đối đãi”. Nhưng hoa
đốm bên ngoài là trần, mắt nhặm bên trong là căn; hai pháp này quả thật
đối đãi nhau. Do mắt bị bệnh nên khởi cái biết sai lầm mà thấy hoa đốm.
Vì thế, chúng ta nên hiểu như thế này: Hai pháp đó thật ra không có thực
thể.
“Cũng
như không hoa diệt trong hư không, không thể hỏi rằng hư không lúc nào
lại sanh ra hoa đốm nữa. Vì cớ sao? - Vì hư không vốn không có hoa,
chẳng phải có sanh diệt”: Khi mắt hết bệnh, không còn thấy hoa đốm.
Ta không thể hỏi chừng nào hư không lại sanh ra hoa đốm nữa. Kỳ thực, hư
không đâu có sanh ra hoa đốm, chỉ do mắt nhặm nên vọng thấy mà thôi. Như
vậy, cả hoa đốm lẫn mắt nhặm đều không thật, vì nếu thật sự có thì không
khi nào mất được. Hai pháp chỉ đối đãi nhau mà tạm có. Vì tạm có nên
cũng tạm không, cho nên bảo “chẳng phải có sanh diệt”.
“Sanh
tử Niết-bàn đồng là khởi diệt, tánh Diệu Giác tròn chiếu thì lìa cả hoa
và nhặm”: Sanh tử khởi diệt thì dễ hiểu, nhưng còn Niết-bàn sao cũng
khởi diệt? - Thực ra, sanh tử và Niết-bàn chỉ là hai pháp đối đãi nhau.
Do tâm vọng động nên chúng sanh thấy sanh tử là thật có. Vì tưởng sanh
tử là thật có nên Đức Phật phương tiện bảo là có Niết-bàn, để chúng sanh
nhàm chán sanh tử phiền não mà cầu về Niết-bàn an lạc. Đó là dùng lá
vàng dỗ con nít khóc. Khi hiểu ra, mới thấy cả sanh tử và Niết-bàn cũng
đồng khởi diệt.
Nhìn
chung, khi chúng ta giác ngộ rằng sáu trần bên ngoài và sáu căn bên
trong đều không thật có, căn-trần tác động đong đưa, là duyên sanh như
huyễn; khi chúng ta giác ngộ rằng ngay cả sáu thức phân biệt cũng không
thật có, thì chúng ta sẽ hiểu rõ, căn-trần-thức chỉ là những hình bóng
huyễn sanh huyễn diệt trên nền trời tự tánh. Chính tự tánh Viên Giác là
tự thể của căn-trần-thức, nhưng vì Viên Giác là vô hình vô tướng nên ta
dễ quên, mãi chạy theo những cái hữu hình hữu tướng. Vì do si nên chúng
ta không biết rằng, chính cái không hình tướng ấy mới là tự thể của tất
cả những cái có hình tướng. Chúng ta chấp những hình tướng kia là thật
nên khởi lòng Tham, nếu tham không được thỏa mãn thì Sân nổi lên. Vì
tham-sân-si nên cứ mãi làm chúng sanh, lẩn quẩn trong sáu nẻo luân hồi.
Vì
Viên Giác là tự thể của tất cả các pháp, nên siêu việt mọi ý niệm lưỡng
phân, nên chiếu soi mọi pháp đều thấy là huyễn mộng. Trong ví dụ trên,
hoa đốm là trần, mắt nhặm là căn. Căn trần đều không thật có và tự tánh
Viên Giác cũng lìa cả hai.
“Này
Thiện nam tử! Phải biết hư không chẳng phải tạm có, cũng chẳng phải tạm
không, huống gì Viên Giác tùy thuận của Như Lai là bản tánh hư không
bình đẳng !”: Ví dụ một cái cây mọc lên từ đất. Ta bảo cây tạm có
trong không gian, vì nó chỉ sống trong một thời gian nào đó. Sau đó nó
lại tạm không, vì hết duyên thì hủy hoại. Còn hư không thì không bị cây
làm ảnh hưởng. Không vì cái cây có mặt mà hư không tạm có, cũng không vì
cây bị hoại mà hư không tạm không. Hư không luôn luôn bất động dù các
pháp lưu chuyển, các pháp đắp đổi cho nhau trong lúc hư không vĩnh hằng.
Đức Phật dùng hư không ví cho tự tâm Viên Giác, không vì các pháp hiện
hữu hay hoại diệt, không vì thân năm uẩn còn hay mất mà tâm Viên Giác
biến đổi. Thân năm uẩn của chúng sanh vốn là Viên Giác hằng hữu từ vô
thủy đến vô chung. Chỉ có một điều, tâm chúng sanh thấy thân năm uẩn là
sự ngăn ngại, nhưng lúc nhận ra tâm Viên Giác, ta thấy thân năm uẩn là
một thực tại nhiệm mầu! Lúc này, ta mới hay, tất cả các pháp không ngoài
tâm Viên Giác, và chính Viên Giác làm các pháp có mặt nhiệm mầu.
Ở đây,
Đức Phật dùng hư không bất sinh bất diệt để ví với tâm Viên Giác hằng
hữu cho chúng ta dễ hiểu. Kỳ thực, hư không cũng là một pháp, cũng được
sanh ra trong Viên Giác. Viên Giác chính là tự thể của hư không. Trong
kinh Lăng Nghiêm, Phật đã so sánh hư không với chơn tâm cũng ví như hòn
bọt sánh cùng biển cả !
“Này
Thiện nam tử! Ví như nấu kim khoáng, vàng chẳng phải do nấu mới có. Khi
đã thành vàng rồi, không trở lại làm khoáng nữa. Dầu trải qua thời gian
vô tận, tánh vàng vẫn không biến hoại. Cho nên, ông không thể nói rằng:
“Vốn chẳng thành tựu”. Viên Giác của Như Lai cũng lại như vậy”: Kim
khoáng là vàng còn lẫn trong quặng. Ngay trong quặng đã có vàng, không
đợi đến lúc nấu mới có. Khi đã thành vàng ròng thì không bao giờ trở lại
là quặng nữa, dù trải qua thời gian bao lâu. Tự tâm Viên Giác cũng thế.
Lúc còn là chúng sanh, tâm Viên Giác bị lẫn lộn trong tập khí vô minh
cũng như vàng còn trong quặng, nhưng không bị vô minh làm hư hoại. Khi
đã tu hành, trải qua nhiều đời kiếp, thanh lọc dần tập khí phiền não,
một lúc nào đó tâm Viên Giác hiển bày trọn vẹn, giống như quặng đã được
lọc bỏ chỉ còn lại vàng ròng. Thành tựu giác ngộ tối thượng, vô minh
vĩnh viễn đoạn trừ, cũng như vàng ròng không khi nào trở lại thành quặng
nữa.
“Này
Thiện nam tử! Tâm Viên Giác nhiệm mầu của tất cả Như Lai vốn không có Bồ
đề và Niết-bàn, cũng không có việc thành Phật hay không thành Phật,
không phải Vọng luân hồi hay Phi luân hồi”: Trong cảnh giới Viên
Giác nhiệm mầu, mọi danh từ đều là rỗng, vì đều mang tính chất lưỡng
phân. Gọi là Bồ đề vì còn ý niệm Phiền não, gọi là Niết-bàn vì còn có
sanh tử. Nên Viên Giác không có Bồ đề hay Niết-bàn. Khi ta nói “thành
Phật”, chỉ là để diễn đạt một trạng thái tâm chứng tức thì, chứ
không có một ông Phật nào để thành, vì có một Phật để sanh thì lúc nào
đó sẽ có một Phật để hoại. Cho nên, Phật bảo “không có việc thành
Phật”. Tuy nhiên, nếu nói “không thành Phật” cũng không được,
vì khi nhận ra và sống viên mãn trong tâm Viên Giác, các Ngài đã không
còn là chúng sanh vô minh nữa. Do vậy, bảo “thành” không được, mà
bảo “không thành” cũng chẳng xong. Tâm Viên Giác không hình tướng
nên không thể nói là “thành”, nhưng nó vẫn hằng hữu nên không thể
nói “không thành”. Lối lý luận này rất chi ly và phức tạp, không
thể dùng tình thức thông thường mà hiểu cho tường tận được.
Tiếp
theo, Đức Phật lại bảo, tâm Viên Giác cũng không phải Vọng luân hồi hay
Phi luân hồi. Viên Giác không ở trong luân hồi, vì chúng sanh vô minh
đang trong luân hồi đâu có nhận ra nó. Nếu nói Viên Giác là Phi luân
hồi, tức có một cái riêng ở ngoài luân hồi, thì cũng không đúng. Cho
nên, khi lý luận đến chỗ chân thật này, một trong 20 bộ phái của Phật
giáo là Độc-tử-bộ đã chủ trương “Phi tức Phi ly uẩn ngã”, mà họ
gọi là Bổ-đặc-già-la. Cái chơn ngã này không phải tức ngũ uẩn, cũng
không lìa ngũ uẩn. Nếu cho nó là ngũ uẩn, ta đã nhận giặc làm con, vì
ngũ uẩn là sanh diệt còn chơn ngã là thường hằng. Nhưng nếu nói nó không
phải ngũ uẩn thì ta lại hiểu lầm là ngoài ngũ uẩn mới có chơn ngã, tự
nhiên phát sanh tâm niệm thủ xả, muốn bỏ cái này để bắt cái kia, đồng
với tâm xảo ngụy là tâm vô minh vi tế.
“Này
Thiện nam tử! Các hàng Thanh văn viên mãn được cảnh giới của mình, thân
tâm, ngôn ngữ đều đoạn dứt, mà còn không thể đến được Niết-bàn của tâm
Viên Giác, huống hồ dùng tâm tư duy mà đo lường cảnh giới Viên Giác của
Như Lai được sao?”: Các hàng Thanh văn đã dứt sạch mầm mống sanh tử,
tâm chìm vào chỗ lặng lẽ. Các Ngài thấy sanh tử đã đoạn trừ, cảnh giới
Niết-bàn là thật có. Lúc này, thân như tro tàn, trí bị cùn lụt, chìm hẳn
trong si định. Vì vậy Phật bảo, hàng Nhị thừa không thể hiểu được cảnh
giới Viên Giác của Phật, huống gì tâm phàm phu loạn động của chúng sanh,
làm sao hiểu thấu?
Ở đây,
chúng ta nên biết qua về lối tu của Đại thừa và so sánh với Nhị thừa.
Hàng Nhị thừa chú trọng giữ gìn giới luật và thiền định sâu xa, khi dứt
sạch mọi vọng tưởng điên đảo thì chìm vào trạng thái lặng lẽ, xả trừ
phiền não khởi tưởng Niết-bàn. Các vị cũng có trí huệ nhờ thiền định,
nhưng không phải là trí huệ tối thượng mà là Càn huệ, tức trí huệ khô
khan. Vì còn tâm thủ xả, hết ngã chấp nhưng còn pháp chấp nên chưa phải
là giác ngộ viên mãn. Đại thừa tối kỵ trạng thái trầm không trệ tịch
này. Các Ngài chủ trương phải rõ được cả ngã lẫn pháp đều như huyễn, từ
đó tự tại đối với các pháp, ngay động mà tịnh, ngay nơi phiền não mà
được Bồ đề, ngay sanh tử mà liễu hội Niết-bàn. Hoa sen từ bùn nhơ nước
đục mà vươn lên và tỏa hương thơm ngát, chứ không phải mọc từ chỗ sạch
sẽ thơm tho. Cũng vậy, Bồ tát muốn gieo Phật chủng thì phải từ mảnh đất
chúng sanh mà lập đại nguyện. Bồ tát phải lấy trí tuệ làm sự nghiệp, xem
giác ngộ là mạng sống. Các Ngài cũng cần có một thời gian yên tĩnh để
trưởng dưỡng thánh thai, nhưng sau khi tường tận sự thật, các Ngài không
còn ý niệm nhị biên phân biệt. Lúc này, động tịnh đối với các Ngài đều
như nhau, các Ngài vận dụng sức sống mãnh liệt, khởi Đại từ Đại bi Đại
nguyện đi vào các cõi, độ tận chúng sanh, thành tựu quả Phật.
“Ví
như người dùng lửa đom đóm đốt núi Tu di, hẳn không thể được. Dùng tâm
luân hồi khởi ra cái thấy biết luân hồi mà vào nơi biển Đại tịch diệt
của Như Lai, cũng không thể được”: Lửa đom đóm ví như Càn-huệ của
Nhị thừa hoặc tâm vọng tưởng của chúng sanh; núi Tu di chỉ cho Viên
Giác. Không thể dùng lửa đom đóm đốt núi Tu di, cũng như không thể đem
cái tâm luân hồi sanh diệt mà đo lường cảnh giới bao la không cùng và
lìa tất cả tướng của Như Lai.
“Thế
nên ta nói: Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt, trước hết phải đoạn trừ
căn bản luân hồi từ vô thỉ”: Căn bản luân hồi chính là những vọng
tưởng điên đảo của chúng sanh. Việc cấp thiết nhất là phải buông cho
sạch mọi chấp trước; khi tâm hư vọng dứt, chơn tâm hiện tiền. Đây cũng
là phương pháp “Biết vọng không theo” của Hòa thượng Trúc Lâm
hiện nay.
“Này
Thiện nam tử! Cái tư duy có tạo tác là từ nơi Hữu-tâm mà khởi, đều là
bóng dáng của sáu trần vọng tưởng duyên khí, cũng như không hoa, chẳng
phải tâm thể chân thật”: Tư duy có tạo tác, tức dùng tâm phan duyên
theo bóng dáng sáu trần mà khởi ra tư duy.Chúng sanh đều sống bằng
Hữu-tâm, tức vọng tưởng lăng xăng khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần. Gặp
sắc khởi theo sắc, phân biệt đẹp xấu; gặp tiếng khởi theo tiếng, phân
biệt hay dở..., đều là những thói quen từ nhiều đời, duyên lự theo các
pháp mà khởi tâm phân biệt, nên gọi là “vọng tưởng duyên khí”. Đó
không phải là tâm thể chân thật, chỉ như hoa đốm trong hư không.
“Dùng
tâm tư duy này biện biệt cảnh giới của Phật cũng giống như hoa đốm mà
kết thành quả trong hư không, vọng tưởng xoay vần, thì không thể được”:
Hoa đốm sanh ra trong hư không, rồi kết thành quả, đó là những hình ảnh
tưởng tượng chớ không thật có. Cũng vậy, nếu dùng tâm tư duy suy xét về
cảnh giới Viên Giác, chẳng khác nào không hoa kết thành không quả, chỉ
là vọng tưởng trong vọng tưởng mà thôi.
“Này
Thiện nam tử! Tâm phù động hư dối, nhiều xảo kiến, không thể thành tựu
được Viên Giác phương tiện. Ông phân biệt như vậy, không phải là vấn đề
chủ yếu”: Tâm sanh diệt hư giả khởi lên những cái thấy biết không
chân thật, chẳng phải là phương tiện để cầu được Viên Giác. Đức Phật kết
luận như vậy và quở nhẹ Bồ tát Kim Cang Tạng, đưa ra ba điều nghi hoặc
ấy, không phải là vấn đề chánh để đem ra hỏi ở đây. Thật ra, đây cũng
chỉ là lời quở giả vờ, vì ngài Kim Cang Tạng chỉ vì chúng sanh nên mới
thưa hỏi Phật như thế, để nhờ sự giải bày của Phật khiến chúng sanh đời
mạt được niềm tin vững chắc.
“Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:
Kim Cang Tạng nên biết,
Tánh tịch diệt Như Lai
Chưa từng có thủy chung”.
Phật
dạy, tánh Viên Giác chưa từng có bắt đầu và cũng chưa bao giờ kết thúc.
Thấy có bắt đầu và kết thúc là thấy theo sự tướng của các pháp bên
ngoài, còn tánh tịch diệt của Như Lai thì chưa từng có chung có thủy.
“Nếu dùng tâm luân hồi
Tư duy thêm rối rắm
Chỉ đến bờ luân hồi
Không vào được biển Phật”.
Dùng
tâm vọng tưởng đảo điên mà suy nghĩ về tâm Viên Giác chỉ càng thêâm lẩn
quẩn rối rắm, nhiều lắm chỉ đến được bờ mé của luân hồi chứ không thể
vào biển chân như của Phật được.
“Ví như nấu kim khoáng
Vàng chẳng nấu mới có.
Dù xưa nay là vàng,
Nhờ nấu mới thành tựu”.
Vàng ở
trong quặng đã có sẵn, không phải sau khi nấu mới có vàng. Tuy nhiên,
vàng phải nhờ tinh luyện mới thành được vàng ròng. Chúng sanh cũng
vậy, bản lai đã là Phật, không phải sau khi tu
mới là Phật. Nhưng nếu không trải qua thời gian tu hành miên mật, bào
mòn dần tập khí phiền não nhiễm ô, thì muôn đời cũng cứ mãi là chúng
sanh mà thôi. Vì vậy, không có gì mâu thuẫn giữa hai câu nói của Phật
“Chúng sanh bản lai đã là Phật” và “Ta là Phật đã thành, chúng
sanh là Phật sẽ thành”.
“Một khi đã thành vàng,
Không trở lại làm khoáng”.
Khi đã
tinh luyện thành vàng ròng, không bao giờ trở lại làm khoáng nữa. Chúng
sanh cũng thế, khi vô minh phiền não đã đoạn trừ, viên thành Phật đạo,
không bao giờ trở lại làm chúng sanh.
“Sanh tử và Niết-bàn
Phàm phu cùng chư Phật
Đồng là tướng không hoa”.
Nhận
ra và sống viên mãn với tự tâm thanh tịnh, chúng ta thấy vạn pháp đều
bình đẳng vì tự tánh đều là không. Cả sanh tử - Niết-bàn hay chúng sanh
và chư Phật, mọi danh từ đều chỉ là đối đãi, đều như hoa đốm trong hư
không.
“Tư duy còn huyễn hóa
Huống chi các hư vọng
Nếu liễu ngộ tâm này
Sau mới cầu Viên Giác”.
Tâm
thức phân biệt, khởi sanh khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, chỉ là hư
giả. Tâm hư vọng, khởi lên cái thấy biết hư vọng, làm sao biện biệt được
Viên Giác. Cho nên, trước tiên phải liễu ngộ tự tánh rồi mới có thể
thành tựu đạo nghiệp.
Ở đây,
chúng ta cần lưu ý một điều rất quan trọng. Trong chương này, Đức Phật
đã dùng rất nhiều ví dụ để làm sáng tỏ ba câu hỏi của Bồ tát Kim Cang
Tạng, và để đại chúng tin chắc rằng, tâm Viên Giác hằng hữu ở mỗi chúng
sanh. Chúng ta học Phật đáo cùng cũng chỉ để vén mở một chân trời đại tự
do và khám phá được bí mật của kiếp sống. Dù sử dụng bất cứ phương tiện
tu hành nào, mục đích cao tột của chúng ta cũng là nhận ra và thể nhập
tâm Viên Giác của chính mình. Nếu quên đi mục đích này, muôn kiếp tu
hành cũng uổng công vô ích mà thôi. Biết bao người xuất gia nhưng lại
hành tà pháp ngay trong ngôi Tam Bảo, lại còn hướng dẫn người khác tu
theo, thật chẳng khác gì một kẻ mù dẫn theo một đám người mù, tất cả
cùng rơi xuống hố. Cổ đức đã nói: “Người chánh mà hành pháp tà thì tà
cũng trở thành chánh. Người tà mà hành pháp chánh thì chánh cũng trở
thành tà”. Như vậy, người tu trước tiên phải có đủ chánh kiến, chánh
tín; phải chuẩn bị cho mình một kiến văn đầy đủ, một cái thấy biết như
thật. Và đến khi nào mình đạt đến trạng thái tương đối thanh tịnh cùng
một niềm vui trong đời tu, mình mới có thể giúp người khác đi vào chánh
đạo.
Một
điều nữa cũng không kém phần quan trọng: Chúng ta đọc trong Thiền sử, kể
chuyện các Ngài khi ngộ đạo rồi thấy mọi pháp đều là tự tánh thanh tịnh
của mình, từ đó chúng ta cũng bắt chước các Ngài, nhận tất cả cảnh vật
bên ngoài đều là tâm ta, thì coi chừng nhận lầm Viên Giác. Chỉ khi nào
chúng ta thực sự kiến tánh, mới thấy rõ ràng mọi pháp đều trong trạng
thái nhất như, đều lấy Viên Giác làm gốc. Lúc đó, chúng ta mới có thể
thỏng tay vào chợ, mới làm lợi ích cho muôn loài. Còn nếu chưa nhận ra
tâm Viên Giác mà vội vàng làm thầy thiên hạ, đã không giúp ích được cho
ai mà còn tạo thêm nghiệp chướng cho mình.
- ~~oOo~~
-
|
|