XII-
CHƯƠNG VIÊN GIÁC
Lúc bấy giờ, Bồ tát Viên Giác ở trong đại chúng
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba
vòng, quì dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Ngài đã
vì bọn chúng con rộng nói nhiều thứ phương tiện tịnh giác, khiến
chúng sanh đời mạt pháp được lợi ích lớn. Bạch Thế Tôn! Chúng con
hôm nay đã được khai ngộ; nếu sau khi Phật diệt độ, chúng sanh đời
mạt pháp chưa được khai ngộ, làm sao an cư để tu tập cảnh giới thanh
tịnh Viên Giác này? Ba loại tịnh quán trong Viên Giác này, lấy pháp
nào làm đầu? Cúi mong đức Đại bi, vì tất cả đại chúng và vì chúng
sanh đời mạt pháp ban cho những điều lợi ích lớn”.
Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Viên Giác rằng: “Lành thay! Lành thay!
Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể hỏi Như Lai những phương tiện
như thế để làm lợi ích lớn cho các chúng sanh. Ông hãy lắng nghe, ta
sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Viên Giác rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng đại
chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này
Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, nếu Phật trụ thế hay sau khi Phật
nhập diệt, hoặc trong thời pháp mạt, có các chúng sanh đủ tánh Đại
thừa, tin tưởng nơi tâm Đại Viên Giác bí mật của Phật mà muốn tu
hành, phải ở nơi già lam, xử yên đồ chúng. Nếu có duyên sự thì tùy
phần mà quán sát, như ta đã nói. Nếu không có nhơn duyên nào khác
thì phải kiến lập đạo tràng, an trú chỗ thanh tịnh. Phải lập kỳ hạn:
Trường kỳ 120 ngày; Trung kỳ 100 ngày; Hạ kỳ 80 ngày.
Nếu
Phật hiện còn, phải chánh tư duy. Nếu sau khi Phật nhập diệt, phải
thiết bày hình tượng, tâm ngưng mắt tưởng, sanh lòng nhớ nghĩ một
cách chơn chánh, giống như những ngày Như Lai còn tại thế; treo các
phan hoa. Trải qua 21 ngày, đảnh lễ danh hiệu mười phương chư Phật,
ai cầu sám hối. Nếu gặp cảnh giới lành, tâm sẽ được khinh an. Sau 21
ngày, một bề nhiếp niệm.
Nếu
vào đầu mùa Hạ, an cư ba tháng, phải cấm túc tu theo hạnh thanh tịnh
của Bồ tát, tâm lìa Thanh văn, không nhờ đồ chúng.
Đến
ngày an cư, liền ở trước Phật nói như thế này: “Con là Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tên..., nương Bồ tát thừa, tu hạnh
tịch diệt để nhập vào trụ trì thanh tịnh thật tướng, dùng Đại Viên
Giác làm già lam của mình, thân tâm an cư trong Bình đẳng tánh trí,
nương vào tự tánh Niết bàn không bị ràng buộc. Nay con kính thỉnh
(chư Phật chứng minh) nguyện chẳng nương vào Thanh văn, cùng mười
phương Như Lai và Đại Bồ tát, an cư ba tháng. Vì đại nhơn duyên tu
theo Diệu giác vô thượng của hàng Bồ tát, nên không cần đồ chúng
ràng buộc”.
Này
Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ tát thị hiện an cư, qua tam kỳ nhật muốn
đi không ngại.
Này
Thiện nam tử! Vào thời mạt pháp, những chúng sanh tu hành cầu đạo Bồ
tát vào ba kỳ hạn kia, nếu chẳng phải những cảnh giới mình đã được
nghe, thì không nên thủ.
Này
Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Xa-ma-tha, trước giữ sự chí
tĩnh, không khởi tư niệm. Khi tâm đến cực tĩnh là Giác. Cái tĩnh ban
đầu từ một thân, sau đến một thế giới; Giác cũng lại như thế. Này
Thiện nam tử! Nếu Giác biến-mãn cả một thế giới, trong thế giới ấy
có một chúng sanh khởi lên niệm nào, thảy đều hay biết! Trăm ngàn
thế giới cũng lại như thế. Nếu chẳng phải những cảnh giới mình đã
được nghe, thì không nên thủ.
Này
Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Tam-ma-bát-đề, trước phải nhớ
tưởng đến mười phương Như Lai và tất cả Bồ tát ở mười phương thế
giới. Sau đó, nương vào các thứ pháp môn, mỗi mỗi thứ lớp tu hành
Tam muội cần khổ, rộng phát đại nguyện, tự huân thành chủng tử. Nếu
chẳng phải những cảnh giới mình đã được nghe, thì không nên thủ.
Này
Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Thiền-na, trước phải giữ môn Sổ
tức. Trong tâm biết rõ từng niệm sanh-trụ-diệt, như thế trong cả bốn
oai nghi, phân biệt niệm số thảy đều hiểu thấu. Thứ lớp tăng tiến,
cho đến biết được một giọt mưa trong trăm ngàn thế giới cũng như mắt
nhìn thấy vật mình thọ dụng. Nếu chẳng phải những cảnh giới mình đã
được nghe, thì không nên thủ.
Đây
là phương tiện tối sơ của ba pháp quán. Nếu chúng sanh gồm tu cả ba,
siêng năng tinh tấn, tức là Như Lai xuất hiện ở đời.
Nếu
những chúng sanh độn căn vào thời mạt pháp sau này, tâm muốn cầu đạo
mà không được thành tựu, là bởi do nghiệp chướng quá sâu dầy. Người
đó phải siêng năng sám hối, thường khởi tâm hy vọng. Trước đoạn tâm
thương ghét, tật đố, dua nịnh, cầu tăng thượng tâm. Ba loại tịnh
quán tùy ý học một, nếu pháp quán này không được thì tu pháp quán
khác, tâm không buông bỏ, thứ lớp cầu sự chứng ngộ tối thượng.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại ý nghĩa này nên nói kệ rằng:
“Viên Giác, ông nên biết!
Tất cả các chúng sanh
Muốn cầu đạo Vô thượng
Trước kết hợp ba kỳ
Sám hối nghiệp vô thỉ.
Trải qua hăm mốt ngày
Sau đó Chánh tư duy.
Chẳng phải cảnh đã nghe
Hoàn toàn không nên thủ.
Xa-ma-tha chí tĩnh,
Tam ma chánh ức trì,
Thiền-na rõ số đếm,
Đây là ba Tịnh quán.
Nếu hay siêng tu tập,
Gọi là Phật ra đời.
Kẻ độn căn chưa thành,
Thường phải chuyên sám hối
Tất cả tội vô thỉ.
Các chướng nếu tiêu trừ,
Cảnh Phật liền hiện tiền”.
“Viên Giác” là tên vị Bồ tát đứng đầu bổn chương và cũng là tên của
bản kinh. Đây là chương cuối cùng trong phần Chánh tông tức là phần
nội dung chính của kinh. Chương này có gì quan trọng đặc biệt mà để
người phát lời thưa hỏi là Bồ tát Viên Giác?
Đại ý của bổn chương là, nhân lời thưa hỏi của Bồ tát Viên Giác, Đức
Phật giảng về sự tu tập ba quán môn và cách kiến lập Đạo tràng an
cư, qui định thể thức và kỳ hạn cho sự an cư tu tập. Rõ ràng ở đây,
Đức Phật chỉ nói về sự chứ không phải về lý nữa.
Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta phải nương sự để hiểu lý; ngược
lại, khi lý đã thông, phải chọn phương tiện thù thắng và sắp đặt
hoàn cảnh thuận tiện, để việc tu hành đạt được kết quả tốt nhất.
Trong quá trình luân hồi, chúng ta có thể đã nhiều kiếp gặp Phật
pháp, lần hồi chủng tử Phật pháp được huân trong tàng thức. Vì thế,
có thể chúng ta dễ dàng thâm nhập những chỗ sâu xa uyên áo trong
kinh điển. Tuy nhiên, lúc ứng dụng những hiểu biết ấy vào công phu,
lại gặp muôn vàn khó khăn trở ngại, từ bên ngoài và cả bên trong. Bồ
tát Viên Giác đã biết rõ điều này nên thỉnh Phật dạy về sự tướng tu
trì, nghĩa là cách tu thực tế nhất trong khi an cư, để đẩy lui những
tập khí vô minh ẩn sâu vi tế trong tâm của chúng sanh. Chúng ta
thấy, trong kinh này, ở chương nào Đức Phật cũng nhấn mạnh những
điều quan trọng tương ứng cho từng chủ đề của mỗi chương; nên có thể
nói, chỉ bày những vấn đề khẩn yếu là đặc thù của bộ kinh Viên Giác.
Lại nữa, vấn đề sự tướng tu trì ở chương này cũng như nền móng của
căn nhà, là vấn đề quan trọng nhất của người tu. Vì thế, người đứng
đầu bổn chương phải là Bồ tát Viên Giác.
“Lúc
bấy giờ, Bồ tát Viên Giác ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng
dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quì dài chắp
tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Ngài đã vì bọn chúng con
rộng nói nhiều thứ phương tiện tịnh giác, khiến chúng sanh đời mạt
pháp được lợi ích lớn”: Bồ tát Viên Giác ca ngợi Đức Phật đã dạy
nhiều phương tiện cho đại chúng và chúng sanh đời mạt pháp nương
theo tu tập. Các phương tiện đó như ngón tay chỉ mặt trăng, như
thuyền bè qua sông. Chúng sanh nương theo ngón tay sẽ thấy mặt
trăng; nương theo thuyền bè sẽ qua được bờ bên kia; và nương theo
các phương tiện Phật dạy để tu hành, sẽ đạt đến giác ngộ thanh tịnh.
Vì vậy Bồ tát gọi đó là “phương tiện tịnh giác”.
“Bạch
Thế Tôn! Chúng con hôm nay đã được khai ngộ; nếu sau khi Phật diệt
độ, chúng sanh đời mạt pháp chưa được khai ngộ, làm sao an cư để tu
tập cảnh giới thanh tịnh Viên Giác này? Ba loại Tịnh quán trong Viên
Giác này, lấy pháp nào làm đầu? Cúi mong đức Đại bi, vì tất cả đại
chúng và chúng sanh đời mạt pháp, ban cho những lợi ích lớn”: Bồ
tát Viên Giác thưa cùng Phật, qua những lời Phật dạy từ đầu pháp hội
đến bây giờ, tất cả đại chúng ở đây đều được khai ngộ. Nhưng chúng
sanh đời sau căn tánh ám độn, lại gặp nhiều phiền nhiễu chướng ngại
trên đường tu, khó có thể ngộ nhập Viên Giác. Do vậy, Bồ tát vì
chúng sanh đời mạt pháp nên thỉnh Phật chỉ dạy hai điều :
1-
Làm thế nào an cư để tu tập Viên Giác?
2-
Ba loại Tịnh quán trong Viên Giác này, lấy pháp nào làm đầu?
Trong chương Biện Âm, Đức Phật đã giảng rõ về 25 định luân, tùy căn
cơ trình độ của mỗi người mà chọn phương tiện thích hợp. Ở đây, Bồ
tát muốn hỏi về ba loại Tịnh quán trong tinh thần an cư là Xa-ma-tha
(Chỉ), Tam-ma-bát-đề (Quán) và Thiền-na (Quân bình chỉ quán), mỗi
loại dùng phương tiện nào là chính?
“Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Viên Giác rằng: “Lành thay! Lành thay!
Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể hỏi Như Lai những phương tiện
như thế để làm lợi ích lớn cho các chúng sanh. Ông hãy lắng nghe, ta
sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Viên Giác rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng đại
chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này
Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh, nếu Phật trụ thế hay sau khi Phật
nhập diệt, hoặc trong thời pháp mạt, có các chúng sanh đủ tánh Đại
thừa, tin tưởng nơi tâm Đại Viên Giác bí mật của Phật mà muốn tu
hành, phải ở nơi già lam, xử yên đồ chúng”: Đức Phật bắt đầu trả
lời câu thứ nhất. Thời pháp mạt là cuối thời mạt pháp. Giáo pháp của
Phật được chia làm ba thời kỳ: Chánh pháp lưu truyền từ lúc Phật
nhập diệt đến 500 năm sau; Tượng pháp tiếp theo sau trong 1000 năm
nữa; Mạt pháp là thời kỳ cuối cùng, lưu tồn trong vòng 10.000 năm.
Sau đó đến thời kỳ không còn Phật pháp trên thế gian này, rồi lại
bắt đầu một kỷ nguyên mới, một vị Phật khác ra đời. Như vậy, nếu
tính từ lúc Phật Thích Ca nhập diệt, chúng ta đã cách Phật trên 2500
năm tức là đang ở giai đoạn đầu của thời mạt pháp.
Dù
ở vào thời kỳ nào, trong chúng sanh vẫn có một hạng người mà Phật
gọi là “đủ tánh Đại thừa”. Những người này đã nhiều kiếp tu
theo Đại thừa, huân tập trong tàng thức những chủng tử tu hành, đã
có đủ căn tánh tín tâm Đại thừa, tin tưởng vào tâm Đại Viên Giác bí
mật của Phật. Vì sao gọi là “Tâm Đại Viên Giác bí mật của Phật?”
- Tâm Đại Viên Giác tức Giác tâm thanh tịnh, mỗi người đều sẵn
đủ, nơi Phật chẳng hơn mà nơi chúng sanh cũng chẳng kém. Đức Phật đã
nhận ra tâm này và sống miên viễn với nó, nên Ngài là Phật; còn
chúng sanh tuy có nhưng lại quên, nên cùng kiếp vẫn mãi là phàm phu.
Nếu không có Phật giác ngộ phát kiến ra tâm này, thì muôn đời chúng
sanh không thể biết mình đang có kho tàng vô giá trong tay. Do đó,
dù trên lý thì Phật và chúng sanh bình đẳng, nhưng trên sự thì rõ
ràng, Giác tâm thanh tịnh là bí mật của chư Phật, những ai chưa đến
địa vị cùng tột này thì không thể hiểu thấu.
Ý
đoạn này, Phật muốn nói, trong lúc Đức Phật còn tại thế hay sau khi
Phật nhập diệt, cho đến cuối thời mạt pháp, nếu có người nào đủ căn
tánh Đại thừa và tin chắc mình có Phật tánh, muốn tu hành theo giáo
pháp của Phật thì trước nhất, phải ở nơi già lam và xử yên đồ chúng.
Theo nghĩa thông thường, Già lam là Tòng lâm, Am viện, Thiền viện,
nơi tụ tập Tăng chúng tu hành. Vị ấy phải sắp xếp tổ chức chu đáo
các việc trong chùa, giúp đại chúng yên ổn tinh tấn tu hành. Đồ
chúng có yên, việc mình mới không bị phiền nhiễu.
Đối với nhà Thiền, bản tâm thanh tịnh chính là già lam của mỗi
người. “Thường tảo già lam địa, Thời thời phước huệ sanh”.
Nếu thường quét đất già lam tức quét sạch vọng tưởng tập khí, phước
huệ sẽ mỗi mỗi theo đó tăng trưởng. Chúng ta thấy ý nghĩa này rõ hơn
trong phần sau, khi Đức Phật giảng về cách an cư theo hạnh của Bồ
tát Đại thừa.
“Nếu
có duyên sự thì tùy phần mà quán sát, như ta đã nói. Nếu không có
nhơn duyên nào khác thì phải kiến lập đạo tràng, an trú chỗ thanh
tịnh. Phải lập kỳ hạn: Trường kỳ 120 ngày, Trung kỳ 100 ngày, Hạ kỳ
80 ngày”: Nếu vị ấy có trách nhiệm lớn đối với đại chúng, không
thể chuyên tâm tu tập, thì tùy khả năng mà công phu theo ba pháp
Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, như lời Phật đã chỉ dạy trong
hai chương Phổ Nhãn và Oai Đức Tự Tại. Những người không có chức
năng quan trọng hay duyên sự gì nhiều, nên nhập thất theo kỳ hạn,
120 ngày (trường kỳ), 100 ngày (trung kỳ) hoặc 80 ngày (hạ kỳ).
Ở
đây chúng ta cũng cần hiểu ý nghĩa của từ “Đạo tràng”. Trong
nhà Phật, khởi đầu dùng từ này để chỉ chỗ Đức Thích Ca thành đạo,
tiếng Phạn gọi là Bodhi - Manda. Sau này người ta dùng từ Đạo tràng
theo nhiều nghĩa khác nhau :
-
Nơi nhập thất tĩnh tu.
-
Nơi thăng tòa thuyết pháp.
-
Nơi cúng dường Phật.
-
Nơi một vị tu hành thanh tịnh chứng được Đạo quả.
-
Nơi tu tập của một vài người hay một nhóm người, theo pháp môn nào
đó của Phật, tức là trường-sở hành-đạo. Những nghĩa ấy là Sự Đạo
tràng.
Đạo tràng còn có một ý nghĩa đặc biệt, đó là Lý Đạo tràng, như kinh
Duy Ma Cật đã diễn đạt rất rõ: Chính trực tâm thanh tịnh của mỗi
người là Đạo tràng của người ấy (Trực tâm thị Đạo tràng).
Trong đoạn này, Đức Phật muốn nói đến nơi chốn tu hành. Người muốn
an cư phải lập riêng một chỗ thanh tịnh, tránh bớt các duyên, vừa
hạn chế về mặt không gian, vừa giới hạn về thời gian để có thể
chuyên tâm tu tập.
“Nếu
Phật hiện còn, phải chánh tư duy. Nếu sau khi Phật nhập diệt, phải
thiết bày hình tượng, tâm ngưng mắt tưởng, sanh lòng nhớ nghĩ một
cách chân chánh, giống như những ngày Như Lai còn tại thế; treo các
phan hoa. Trải qua 21 ngày, đảnh lễ danh hiệu mười phương chư Phật,
ai cầu sám hối. Nếu gặp cảnh giới lành, tâm sẽ được khinh an. Sau 21
ngày, một bề nhiếp niệm”: Khi Đức Phật còn tại thế, vì hành giả
đã an cư tại Đạo tràng, không thể đến tận nơi đảnh lễ Phật, nên phải
chánh niệm suy nghĩ về Đức Phật, tưởng như Phật đang đối diện với
mình. Khi Phật đã diệt độ, phải thiết bày hình tượng Phật, treo các
tràng phan, kết các loại hoa trong Đạo tràng cho thật trang nghiêm.
“Tâm ngưng mắt tưởng” nghĩa là phải quán tưởng bằng cách nhập
thần, tâm ngưng tụ vào hình tượng Phật, mắt chăm chú nhìn và khởi
tưởng về Đức Phật một cách chân chánh. Dù là hình tượng để trên bàn,
nhưng hành giả phải có lòng cung kính như đang thấy Đức Phật ở trước
mặt, vì vậy nói “giống như những ngày Như Lai còn tại thế”.
Có sanh tâm kính ngưỡng chân thành như thế mới có cảm ứng cùng mười
phương chư Phật, Bồ tát. Đây là tiền đề để việc tu tập có kết quả
như ý muốn.
Trong vòng 21 ngày, hành giả phải đảnh lễ danh hiệu mười phương chư
Phật, thành tâm sám hối. Vì sao sám hối được xem như một nghi thức
quan trọng, không thể thiếu trong nhà Phật? Chúng ta đã biết, “sám”
là trừ tội trước, “hối” là chừa lỗi sau. Khi hành giả mới bắt đầu an
cư, tâm chưa được thanh tịnh, nên phải trải qua 21 ngày sám hối.
Tinh thần sám hối là giúp nghiệp chướng tiêu trừ, như một cái bình
dơ, muốn dùng đựng nước trong, trước tiên phải súc rửa bình cho thật
sạch. Chúng ta từ vô lượng kiếp đến nay, do thân-khẩu-ý đã tạo ra
biết bao nhiêu nghiệp chướng; do trải qua bao nhiêu cam go trắc trở
trong cuộc đời nên phiền não đầy dẫy trong tâm. Bây giờ, muốn hạ thủ
công phu để từng bước tiến lên Thánh vị, điều trước tiên và thiết
yếu là phải chí tâm khấn nguyện, cầu mười phương chư Phật thương xót
chứng minh cho sự sám hối của mình.
Trong những ngày sám hối, nếu chúng ta thấy tâm khinh an, tinh thần
thanh thản thoải mái thì đó là cảnh giới lành. Đừng nghĩ cảnh giới
lành là thấy được ánh sáng, nghe âm thanh hay hình ảnh Phật, Bồ tát
hiện ra trước mắt. Nếu gặp những trường hợp nói trên mà sanh lòng
mừng, coi chừng lạc vào tà đạo. Kinh Kim Cang có nói “Nhược dĩ
sắc kiến ngã, Dĩ âm thanh cầu ngã, Thị nhơn hành tà đạo, Bất năng
kiến Như Lai”, nghĩa là “Nếu dùng sắc thấy ta, Dùng âm thanh cầu
ta, Người ấy hành đạo tà, Không thấy được Như Lai”.
Qua 21 ngày, hành giả có thể chuyên tâm tu tập ba quán môn, cho nên
nói “Một bề nhiếp niệm”.
“Nếu
vào đầu mùa hạ, an cư ba tháng, phải cấm túc tu theo hạnh thanh tịnh
của Bồ tát, tâm lìa Thanh văn, không nhờ đồ chúng”: Đức Phật bắt
đầu giảng về chế độ an cư theo Bồ tát hạnh, rất khác với lối an cư
của hàng Thanh văn, vì Bồ tát giữ gìn Tâm giới, còn Thanh văn chủ
yếu giữ Tướng giới.
Theo luật an cư, vào đầu mùa hạ là từ rằm tháng 4, Tự viện phải lập
Kiết giới đàn. Kiết giới là giới hạn mà chúng Tăng phải tuân thủ,
gồm có giới hạn về không gian là khuôn viên của chùa, giới hạn
về thời gian là ba tháng, tức cấm túc đến
rằm tháng 7 thì giải hạ. Trong thời gian này, chúng Tăng không được
ra ngoài vùng qui định nếu không có phép của đại chúng. Đến ngày
giải hạ, chúng Tăng tập hợp lại, mỗi người tự trình mọi lỗi lầm của
mình đã phạm, hoặc thỉnh cầu đại chúng chỉ bảo những lỗi tự mình
không nhận thấy. Đó gọi là ngày Tự tứ.
Đối với hàng Thanh văn, nhất thiết phải tuân thủ chặt chẽ chế độ an
cư này, vì tu theo Nhị thừa là phải nhờ đồ chúng bảo bọc. Nếu phạm
lỗi lầm gì, đồ chúng sẽ chỉ bảo cho mình để được sám hối trước Tam
Bảo. Tu theo Bồ tát hạnh thì khác, vì Bồ tát là đa hạnh, nếu phải
trói buộc vào một khuôn khổ nhất định thì khó thực hiện hạnh nguyện
của mình. Vì vậy Phật nói “Tâm lìa Thanh văn, không nhờ đồ chúng”.
“Đến
ngày an cư, liền ở trước Phật nói như thế này: “Con là Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo-ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, tên... nương Bồ tát thừa, tu hạnh
tịch diệt để nhập vào trụ trì thanh tịnh thật tướng, dùng Đại Viên
Giác làm già lam của mình, thân tâm an cư trong Bình đẳng tánh trí,
nương vào tự tánh Niết bàn không bị ràng buộc”: Đây là lời phát
nguyện của hành giả an cư theo Bồ tát thừa. Vì giới của Bồ tát, gồm
10 giới trọng và 48 giới khinh, hàng cư sĩ cũng có thể thọ được, nên
giới đàn an cư ở đây cũng có cư sĩ (Ưu bà tắc là cận sự nam, Ưu bà
di là cận sự nữ). Hành giả không đối trước tăng chúng như theo luật
Thanh văn, chỉ tự mình đến trước hình tượng Phật mà phát nguyện. Lời
thưa thỉnh này y cứ vào tự tánh Viên Giác làm mục đích tối hậu, nên
có những nội dung rất thâm sâu, chúng ta cần lưu ý:
1-
“Nương Bồ tát thừa”: Pháp môn của hành giả tu tập trong kỳ an
cư là pháp Đại thừa Bồ tát, không đồng với Nhị thừa.
2-
“Tu hạnh tịch diệt”: Hạnh tu lấy gốc là bản tâm chân thật của
chính mình, từ trong tu ra, theo pháp Thiền-na (tịch diệt).
3-
“Để nhập vào trụ trì thanh tịnh thật tướng”: Đây là biệt danh
của Viên Giác. Hành giả đã ngộ Viên Giác, nỗ lực tu hành thể nhập
Chơn như thật tướng.
4-
“Dùng Đại Viên Giác làm già lam của mình”: Hàng Thanh văn chú
trọng cảnh giới thanh tịnh, nên nơi an cư phải là khuôn viên của một
Tự viện thanh tịnh; còn hàng Bồ tát lại chú trọng về Tâm tánh thanh
tịnh, nên dùng tâm Viên Giác làm già lam, tức nơi chốn tu hành của
mình.
5-
“Thân tâm an cư trong Bình đẳng tánh trí”: Theo Duy thức học,
mọi người đều có 8 thức: Tiền ngũ thức (gồm 5 thức của mắt, tai,
mũi, lưỡi, thân), Ý thức, Mạt-na-thức, A-lại-da-thức. Khi hành giả
thể nhập Viên Giác, 8 thức chuyển thành 4 trí: Tiền ngũ thức thành
Thành sở tác trí, Ý thức (thức thứ 6) thành Diệu quan sát trí,
Mạt-na thức (thức thứ 7) thành Bình đẳng tánh trí và A-lại-da-thức
(thức thứ 8) thành Đại viên cảnh trí.
Chúng ta tu là đang vẫy vùng để thoát khỏi ngã chấp. Đầu tiên là
thoát khỏi phân biệt ngã chấp (thức thứ 6) đạt địa vị Hiền; sau đó
là thoát khỏi Câu sanh ngã chấp (thức thứ 7), đạt địa vị Thánh. Từ
đây, là quả vị Bồ tát Sơ địa trở lên, các Ngài đã chứng được Tự-tha
bình đẳng, thấy mọi loài chúng sanh và mình đều có tự tánh bình đẳng
như nhau, không còn phân biệt ta-người. Đó gọi là “an cư trong
Bình đẳng tánh trí”.
6-
“Nương vào tự tánh Niết bàn không bị ràng buộc”: Tự tánh Niết
bàn là Niết bàn sẵn đủ nơi mỗi chúng sanh, là Niết bàn bất trụ,
không sanh không diệt, không bị ràng buộc. Bồ tát Đại thừa an cư
theo tự tánh Niết bàn nên không bị câu thúc buộc ràng như phép an cư
của Nhị thừa.
“Nay
con kính thỉnh (chư Phật chứng minh) nguyện chẳng nương vào Thanh
văn; cùng mười phương Như Lai và Đại Bồ tát, an cư ba tháng. Vì đại
nhơn duyên tu theo Diệu giác vô thượng của hàng Bồ tát, nên không
cần đồ chúng ràng buộc”: Hành giả thỉnh cầu chư Phật chứng minh
để an cư trong ba tháng cùng mười phương Như Lai và Đại Bồ tát, chớ
không theo luật an cư của Thanh văn. Vì tu theo Đại thừa là nguyện
đạt được quả vị rốt cùng không có gì hơn, tức Phật vị, ở đây gọi là
Diệu giác vô thượng, nên hành giả đã nắm vững pháp tu, có ý chí xung
thiên, không cần sự bảo bọc của đồ chúng.
Học đến đây, chúng ta nên nhìn lại mình. Pháp tu, chúng ta nắm vững
chưa? Đối cảnh, chúng ta còn sanh tâm phân biệt không? Trình độ tu
tập, định lực của chúng ta đã đến được mức độ nào? Hãy thành thật
nhận xét chính mình, chúng ta mới thấy mình có cần lệ thuộc đồ chúng
hay không. Nếu chúng ta chưa đủ khả năng độc-hành độc-bộ, chưa có
đại nhân duyên như Phật đã nói, mà vội vàng thoát ly khỏi sự ràng
buộc trong chúng, coi chừng vấp phải nhiều lỗi lầm đáng tiếc. Do vậy
mới có câu “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan, Ly kinh nhất tự
tức đồng ma thuyết” (Y theo kinh mà giải nghĩa thì oan cho chư
Phật ba đời, Lìa kinh một chữ lại đồng ma nói).
“Này
Thiện nam tử! Đây gọi là Bồ tát thị hiện an cư, qua tam-kỳ-nhật muốn
đi không ngại”: Đức Phật kết luận câu trả lời thứ nhất. Tất cả
thể thức nói trên là lối an cư của Bồ tát, lấy ba kỳ hạn tự lập làm
tiêu chuẩn (120, 100 hoặc 80 ngày). Qua khỏi thời hạn này, muốn đi
đâu cũng không ngăn ngại.
“Này
Thiện nam tử! Vào thời mạt pháp, những chúng sanh tu hành cầu đạo Bồ
tát vào ba kỳ hạn kia, nếu chẳng phải những cảnh giới mình đã được
nghe, thì không nên thủ”: Trước khi trả lời câu thứ hai của Bồ
tát Viên Giác, Đức Phật khuyến cáo những người tu thiền định một
điều hết sức quan trọng: Trong ba kỳ hạn an cư tu tập thiền định,
nếu thấy bất cứ cảnh chứng nào mà mình chưa từng được nghe, thì
không nên chấp vào đó mà sanh tâm mừng hoặc sợ. Điều này có ý nghĩa
như thế nào?
Trong kinh Lăng Nghiêm, Đức Phật đã giảng giải tường tận về ngũ ấm
ma, là những cảnh giới không thật, hiện lên trong khi hành giả tọa
thiền. Đó là do khi tâm an định, nếu mống khởi lên một niệm, dù rất
vi tế, cũng có thể hiện lên những cảnh giới kỳ lạ. Như vậy, các ma
cảnh ấy từ tâm của hành giả sinh ra, không phải cảnh bên ngoài. Nếu
biết rõ điều này, không thủ không chấp trước vào chúng thì tự nhiên
chúng biến mất, không làm hại được mình. Nhưng nếu cho đó là thật,
thấy cảnh lành (như gặp Phật, Bồ tát đến xoa đầu thọ ký) khởi lòng
vui mừng; hoặc thấy cảnh dữ (như ma quỉ hiện lên dọa nhát) sanh tâm
sợ hãi, tất cả đều là bệnh, có thể khiến hành giả trở nên điên
cuồng.
Do
vậy, trước khi khởi công tu tập thiền định, chúng ta phải cụ bị cho
mình những kiến giải chân chánh, phải luôn luôn cầu học ở kinh giáo
của Phật- Tổ, ở các vị Thiện tri thức và ở các bạn đồng tu. Khi tu
tập, dù ý chí quyết tâm cầu sự giác ngộ tối thượng, nhưng không nên
chấp nhận tất cả những cảnh giới thấy được trong lúc tọa thiền. Kết
quả tu hành gọi là tốt khi chỗ chứng tương ưng cùng với cảnh giới đã
được mô tả trong kinh hay trong lời dạy của Thầy. Một lần nữa, chúng
ta lại thấy tầm quan trọng đặc biệt và cần thiết của chủ trương
Thiền-Giáo song hành.
“Này
Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Xa-ma-tha, trước giữ sự chí
tĩnh, không khởi tư niệm. Khi tâm đến cực tĩnh là Giác. Cái tĩnh ban
đầu từ một thân, sau đến một thế giới; Giác cũng lại như thế”:
Đức Phật trả lời câu hỏi thứ hai, tức giảng về ba pháp môn
Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na.
Đối với các chúng sanh tu Xa-ma-tha, trước tiên phải giữ cho tâm rất
vắng lặng, không suy nghĩ (tư), không vọng tưởng sanh diệt (niệm).
Đạt đến mức định tột cùng (cực tĩnh), ánh giác ngộ bừng lên. Như
vậy, từ Định phát Huệ, nên nói “Khi tâm đến cực tĩnh là Giác”.
Lúc tâm đã yên tĩnh cực độ thì thân cũng được yên tĩnh. Từ đó, phóng
tầm mắt ra khắp thế giới cũng là tịnh. Sự giác ngộ cũng tương tự như
vậy: Khi Huệ phát sinh, ánh giác chiếu rọi từ một thân cũng chiếu
rọi cùng khắp thế giới. Lúc đó, tất cả đều là Giác; năng giác và sở
giác đồng một pháp giới tánh thanh tịnh.
“Này
Thiện nam tử! Nếu Giác biến mãn cả một thế giới, trong thế giới ấy
có một chúng sanh khởi lên niệm nào thảy đều hay biết! Trăm ngàn thế
giới cũng lại như thế. Nếu chẳng phải những cảnh giới mình đã được
nghe, thì không nên thủ”: Mới nghe qua, chúng ta thấy khó tin
khó hiểu. Nhưng đây quả là diệu dụng của tự tánh. Khi Giác biến mãn
khắp cả thế giới, nghĩa là lúc này tâm hành giả đã giác thì toàn thế
giới đều nằm trong ánh sáng giác ngộ của vị ấy. Chúng sanh trong thế
giới đều không ngoài tự tâm Viên Giác, đó là ý nghĩa của câu
“Tình dữ vô tình tề thành Phật đạo”.
Vì
sao người đã giác ngộ biết được rành rẽ từng niệm khởi của chúng
sanh trong cả thế giới? - Có hai lý do: Thứ nhất, hễ còn là chúng
sanh là còn vọng tưởng, nên người giác ngộ hiểu rõ chúng sanh nào
cũng có niệm khởi hết. Thứ hai, giữa vị ấy và toàn thế giới đã bình
đẳng nhất như, một giọt nước biển cũng là tánh ướt của toàn thể biển
cả. Tâm chúng sanh có sanh diệt liên tục cũng không ngoài tâm Viên
Giác của vị ấy, nên bao nhiêu niệm khởi của chúng sanh đều như ảnh
hiện trong gương, không sót ảnh nào.
Một thế giới được ánh giác soi rọi thì trăm ngàn thế giới cũng lại
như thế. Tuy nhiên, trong lúc tu Chỉ như trên, không nên chấp thủ
các ma cảnh như đã nói ở đoạn trước.
“Này
Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Tam-ma-bát-đề, trước phải nhớ
tưởng đến mười phương Như Lai và tất cả Bồ tát ở mười phương thế
giới. Sau đó, nương vào các thứ pháp môn, mỗi mỗi thứ lớp tu hành
Tam muội cần khổ, rộng phát đại nguyện, tự huân thành chủng tử. Nếu
chẳng phải những cảnh giới mình đã được nghe, thì không nên thủ”:
Hành giả tu Tam-ma-bát-đề tức tu quán, phải lấy sự “nhớ tưởng”
làm đầu. Ở đây chúng ta cũng cần hiểu rõ vì sao Phật gọi cả ba
pháp môn là ba Tịnh quán. Xa-ma-tha là quán vô tướng, trước lắng hết
các vọng niệm thì huệ phát sanh. Tam-ma-bát-đề là quán hữu tướng,
trước phải nhớ tưởng đến chư Phật và Bồ tát mười phương; khi thành
tựu quán tưởng, nội tâm liền được thanh tịnh. Thiền-na là pháp tu
Chỉ Quán bất nhị hay Định Huệ đồng thời, dùng Sổ tức để vừa định tâm
nhưng cũng vừa rõ ràng thường biết. Chúng ta sẽ xét kỹ ở phần sau.
Trở lại pháp tu Tam-ma-bát-đề, Phật dạy hành giả quán tưởng những
đức tướng trang nghiêm của chư Phật, Bồ tát. Đồng thời, phải phát
đại nguyện tu Bồ tát đạo, hành Bồ tát hạnh, tùy duyên hóa độ chúng
sanh không nề gian khổ. Khi phát nguyện một cách thiết tha như thế,
lời nguyện sẽ huân thành chủng tử, tiềm phục trong A-lại-da thức.
Trong lúc tu hành, tâm an định, không nên thủ lấy các cảnh tà.
“Này
Thiện nam tử! Nếu các chúng sanh tu Thiền-na, trước phải giữ môn Sổ
tức. Trong tâm rõ biết từng niệm sanh-trụ-diệt, như thế trong cả bốn
oai nghi, phân biệt niệm số thảy đều hiểu thấu. Thứ lớp tăng tiến,
cho đến biết được một giọt mưa trong trăm ngàn thế giới, cũng như
mắt nhìn thấy vật mình thọ dụng. Nếu chẳng phải những cảnh giới mình
đã được nghe, thì không nên thủ”: Phật dạy về pháp môn thứ ba
của Tam-Tịnh quán: Thiền-na. Trước tiên, hành giả phải áp dụng môn
Sổ tức là đếm hơi thở. Đây là môn đầu tiên trong Lục Diệu pháp môn
của tông Thiên Thai (Sổ, Tùy, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh), cũng là phương
tiện đầu tiên cho những người mới tập tu thiền. Tâm hành giả lúc này
tâm còn tán loạn, vọng tưởng lăng xăng, nên phải chú tâm vào hơi
thở, đếm từng số rõ ràng từ 1 đến 10 rồi đếm lại; nếu đang đếm mà
quên, phải đếm lại từ 1. Như vậy, đây là phương tiện dành cho người
sơ cơ, tại sao Đức Phật lại áp dụng vào công phu Thiền-na?
Chúng ta nghe kỹ câu này mới rõ được thâm ý của Phật: “Trong tâm
biết rõ từng niệm sanh-trụ-diệt, như thế trong cả bốn oai nghi, phân
biệt niệm số thảy đều hiểu thấu”. Niệm là những ý tưởng dấy lên
trong tâm, không có chỗ khởi đầu và cũng không nơi kết thúc; chúng
ta thường gọi là vọng. Vọng lúc mới khởi lên gọi là Niệm sanh, Vọng
đang diễn tiến gọi là Niệm trụ, Vọng kết thúc gọi là Niệm diệt. Cả
ba giai đoạn của vọng, hành giả đều biết rõ, đếm số phân biệt tường
tận không lầm; không những biết rõ đang khi tọa thiền mà biết cả
trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi).
Như vậy, Sổ tức ở đây là một mặt định tâm, một mặt rõ biết, nghĩa là
vừa Định vừa Huệ. Đây là điểm độc đáo của pháp môn Sổ tức Đại thừa,
có thể gọi là Ma Ha Sổ tức. Trong khi đếm hơi thở, tâm gắn vào từng
số đếm, được an định, đó là Định. Nhưng còn cái gì biết được sự
sanh-trụ-diệt của niệm? Cái biết này không gián cách, đó là quán, là
dụng của tự tánh, chính là Huệ. Định-Huệ có mặt đồng thời trong khi
Sổ tức, nghĩa là Chỉ-Quán bất nhị, tức Thiền-na.
Khi quán thành tựu, hành giả phát khởi diệu dụng. Lúc này, tâm hành
giả trùm khắp pháp giới, rõ biết tất cả sự vật, nên một giọt mưa
cũng biết tường tận như vật đang thọ dụng hiện ở trước mắt. Tuy vậy,
không được giữ lấy những cảnh giới nào không phải là những cảnh mình
đã được nghe.
“Đây
là phương tiện tối sơ của ba pháp quán. nếu chúng sanh gồm tu cả ba,
siêng năng tinh tấn, tức là Như Lai xuất hiện ở đời”: Đức Phật
kết luận, Ngài đã chỉ rõ những phương tiện chủ yếu đầu tiên của ba
pháp Tịnh quán, để trả lời câu hỏi “lấy pháp nào làm đầu”.
Chúng sanh tu cả ba pháp, nỗ lực công phu, tinh tấn không lười mỏi,
sẽ nhập được Viên Giác tức thể nhập Phật tâm của chính mình, cho nên
nói “Như Lai xuất hiện ở đời”.
“Nếu
những chúng sanh độn căn vào thời mạt pháp sau này, tâm muốn cầu đạo
mà không được thành tựu, là bởi do nghiệp chướng quá sâu dầy. Người
đó phải siêng năng sám hối, thường khởi tâm hy vọng. Trước đoạn tâm
thương ghét, tật đố, dua nịnh, cầu tăng thượng tâm. Ba loại Tịnh
quán tùy ý học một, nếu pháp môn này không được thì tu pháp quán
khác, tâm không buông bỏ, thứ lớp cầu sự chứng ngộ tối thượng”:
Đối với những chúng sanh căn cơ thấp kém, chậm lụt, Phật dạy rằng:
Người muốn tu Tam quán nhưng không có kết quả là do nghiệp chướng
sâu dầy từ những đời trước, tạo những ác nghiệp cản trở việc tu
hành. Người ấy trước tiên phải thành tâm sám hối, phát nguyện cầu
đạo vô thượng. Thứ đến, bỏ hết các tâm thương ghét, ganh tị, dua
nịnh, cầu tâm cao cả thanh tịnh của người tu (tăng thượng tâm). Khi
nhơn duyên chướng đạo đã được dẹp trừ, hành giả tùy ý chọn một trong
ba pháp Tịnh quán mà hạ thủ công phu. Nếu trong một kỳ hạn nhất định
mà không thấy kết quả thì tu theo pháp quán khác. Cố gắng không bỏ
dở nửa chừng, tâm không lui sụt, tiến lần từng bước, cũng có ngày
thành tựu Bồ đề.
“Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
“Viên Giác, ông nên biết!
Tất cả các chúng sanh
Muốn cầu đạo Vô thượng
Trước kết hợp ba kỳ
Sám hối nghiệp vô thỉ”.
Tất cả chúng sanh cần cầu sự giác ngộ tối thượng phải thực hiện chế
độ an cư theo Bồ tát thừa, lập kỳ hạn 120, 100 hoặc 80 ngày. Trước
tiên, phải thành tâm sám hối những nghiệp mình đã tạo ra từ vô lượng
kiếp.
“ Trải qua hăm mốt ngày
Sau đó Chánh tư duy.
Chẳng phải cảnh đã nghe,
Hoàn toàn không nên thủ”.
Sám hối trong 21 ngày, hành giả chuyên tâm tu tập ba pháp Tịnh quán.
Trong khi công phu, nếu thấy những ma cảnh hiện ra thì không được
chấp thủ, để khỏi lạc vào tà đạo hay mắc chứng điên cuồng.
“Xa-ma-tha chí tĩnh,
Tam-ma chánh ức trì,
Thiền-na rõ số đếm,
Đây là ba Tịnh-quán”.
Tu
Xa-ma-tha, lấy sự vắng lặng tột cùng của tâm (chí tĩnh) làm đầu;
Tam-ma-bát-đề thì dùng tâm quán tưởng, nhớ nghĩ một cách chơn chánh
(chánh ức trì) đến chư Phật và Bồ tát mười phương; tu Thiền-na thì
dùng Sổ tức làm phương tiện. Đây gọi là ba pháp Tịnh quán.
“Nếu hay siêng tu tập
Gọi là Phật ra đời”.
Người căn tánh nhặm lẹ, siêng năng tu tập ba Tịnh quán đồng thời, sẽ
nhập được Viên Giác, ấy là Phật ra đời.
“Kẻ độn căn chưa thành
Thường phải chuyên sám hối,
Tất cả tội vô thỉ
Các chướng đều tiêu trừ,
Cảnh Phật liền hiện tiền”.
Những kẻ căn tánh ám độn, muốn cầu đạo Vô thượng nhưng không có kết
quả, trước phải ai cầu sám hối tất cả tội lỗi đã gây ra từ vô thỉ.
Khi nghiệp chướng tiêu trừ, người ấy tinh tấn tu hành không buông bỏ,
không lười mỏi, cũng có ngày thành tựu đạo quả, cõi Ta bà biến thành
Tịnh độ, tức cảnh Phật hiện tiền!
~~oOo~~