IX-
CHƯƠNG BIỆN ÂM
Lúc bấy giờ, Bồ tát Biện Âm ở trong đại chúng,
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba
vòng, quỳ dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Pháp môn
như thế, thật là hy hữu! Bạch Đức Thế Tôn! Các phương tiện này, tất
cả Bồ tát đối với môn Viên Giác, có bao nhiêu phương thức tu tập?
Nguyện Đức Thế Tôn vì đại chúng và chúng sanh đời mạt pháp mà
phương-tiện khai-thị, khiến ngộ thật-tướng”.
Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Biện Âm rằng: “Lành thay! Lành thay! Này
Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời mạt
pháp, hỏi Như Lai về những pháp môn tu tập như thế. Ông hãy lắng
nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Biện Âm rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng đại
chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này
Thiện nam tử! Tánh Viên Giác thanh tịnh của tất cả Như Lai vốn không
có người tu tập và pháp tu tập. Tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt
pháp, nương nơi sức huyễn chưa giác ngộ mà tu hành, lập bày ra hai
mươi lăm thứ định-luân thanh-tịnh:
1-
Nếu các Bồ tát chỉ giữ sự lặng lẽ cùng cực; do sức lặng lẽ đó, hằng
đoạn được phiền não, cứu cánh thành tựu, không rời chỗ ngồi, liền
vào Niết bàn. Vị Bồ tát này gọi là “Riêng tu Xa-ma-tha”.
2-
Nếu các Bồ tát chỉ quán như huyễn, nhờ Phật lực biến hóa thế giới,
có nhiều thứ tác dụng, đầy đủ diệu hạnh thanh tịnh của Bồ tát, đối
với Đà-la-ni không mất đi Tịch-niệm và các Tĩnh-huệ. Vị Bồ tát này
gọi là “Riêng tu Tam-ma-bát-đề”.
3-
Nếu các Bồ tát chỉ diệt các huyễn, không giữ nơi tác dụng, riêng
đoạn được phiền não; phiền não đoạn sạch liền chứng thật tướng. Vị
Bồ tát này gọi là “Riêng tu Thiền-na”.
4-
Nếu các Bồ tát, trước giữ sự chí tĩnh, dùng tâm tịnh-huệ chiếu các
pháp huyễn, liền ở trong đó khởi hạnh Bồ-tát. Vị Bồ-tát này gọi là
“Trước tu Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề”.
5-
Nếu các Bồ tát, trước dùng tịnh huệ chứng đến chỗ tánh tĩnh lặng,
liền đoạn phiền não, hằng thoát khỏi sanh tử. Vị Bồ tát này gọi là
“Trước tu Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na”.
6-
Nếu các Bồ tát, dùng huệ Tịch tĩnh lại hiện sức huyễn, nhiều thứ
biến hóa để độ chúng sanh; sau đó đoạn hết phiền não mà vào
Tịch-diệt. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Tam-ma-bát-đề,
sau tu Thiền-na”.
7-
Nếu các Bồ tát, dùng sức chí tĩnh đoạn hết phiền não, sau đó khởi
lên diệu hạnh thanh tịnh của Bồ tát độ các chúng sanh. Vị Bồ tát này
gọi là “Trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề”.
8-
Nếu các Bồ tát, dùng sức chí tĩnh tâm đoạn phiền não, lại độ chúng
sanh, kiến lập thế giới. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Xa-ma-tha,
sau đồng tu Tam-ma-bát-đề và Thiền-na”.
9-
Nếu các Bồ tát, dùng sức chí tĩnh giúp phát biến-hóa, sau đoạn phiền
não. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề,
sau tu Thiền-na”.
10-
Nếu các Bồ tát, dùng sức chí tĩnh giúp tịch diệt, sau đó khởi tác
dụng, biến hóa thế giới. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu
Xa-ma-tha và Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề”.
11-
Nếu các Bồ tát, dùng sức biến hóa mỗi mỗi tùy thuận, mà vẫn giữ được
chí tĩnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu
Xa-ma-tha”.
12-
Nếu các Bồ tát, dùng sức biến hóa tất cả cảnh giới, mà vẫn giữ được
sự tịch diệt. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu
Thiền-na”.
13-
Nếu các Bồ tát, dùng sức biến hóa làm tất cả Phật sự, mà vẫn an trụ
nơi tịch tĩnh và đoạn phiền não. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu
Tam-ma-bát-đề, giữa tu Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na”.
14-
Nếu các Bồ tát, dùng sức biến hóa, khởi tác dụng vô ngại đoạn các
phiền não, rồi an trụ nơi chí-tĩnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu
Tam-ma-bát-đề, giữa tu Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha”.
15-
Nếu các Bồ tát, dùng tác dụng phương tiện của sức biến hóa, đạt đến
chỗ chí-tĩnh và tịch- diệt, cả hai đều tùy thuận. Vị Bồ tát này gọi
là “Trước tu Tam-ma-bát-đề, sau đồng tu Xa-ma-tha và Thiền-na”.
16-
Nếu các Bồ tát, dùng sức biến hóa mỗi mỗi khởi tác dụng, giúp cho
chí tĩnh, sau đó đoạn phiền não. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu
Tam-ma-bát-đề và Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na”.
17-
Nếu các Bồ tát, dùng sức biến hóa giúp cho tịch-diệt, sau trụ nơi
Vô-tác Tĩnh-lự Thanh- tịnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu
Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha”.
18-
Nếu các Bồ tát, dùng sức tịch diệt mà khởi lên chí tĩnh, an trụ nơi
thanh tịnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Thiền-na, sau tu
Xa-ma-tha”.
19-
Nếu các Bồ tát, dùng sức tịch-diệt mà khởi tác dụng, đối với tất cả
cảnh vẫn có công- dụng tịch-diệt tùy-thuận. Vị Bồ tát này gọi là
“Trước tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề”.
20-
Nếu các Bồ tát, dùng sức tịch diệt các thứ tự tánh, an nơi tĩnh-lự
mà khởi biến hóa. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Thiền-na, giữa tu
Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề”.
21-
Nếu các Bồ tát, dùng sức tịch-diệt của tự tánh vô tác, khởi lên tác
dụng; nơi cảnh giới thanh tịnh, trở về tĩnh-lự. Vị Bồ tát này gọi là
“Trước tu Thiền-na, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha”.
22-
Nếu các Bồ tát, dùng sức tịch diệt mỗi mỗi thanh tịnh, rồi trụ nơi
tĩnh lự mà khởi ra các biến hóa. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu
Thiền-na, sau đồng tu Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề”.
23-
Nếu các Bồ tát, dùng sức tịch diệt giúp cho chí tĩnh, rồi khởi biến
hóa. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu Thiền-na và Xa-ma-tha, sau
tu Tam-ma-bát-đề”.
24-
Nếu các Bồ tát, dùng sức tịch diệt giúp cho biến hóa, rồi khởi lên
chí tĩnh cảnh huệ trong sáng. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu
Thiền-na và Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha”.
25-
Nếu các Bồ tát, dùng Huệ Viên Giác viên hiệp tất cả, đối với các
pháp Tánh-Tướng không rời Giác tánh. Vị Bồ tát này gọi là “Tu trọn
ba thứ tự tánh, thanh tịnh tùy thuận”.
Này
Thiện nam tử! Đây là hai mươi lăm định luân của Bồ tát. Tất cả Bồ
tát đều phải tu hành như thế. Nếu các Bồ tát và chúng sanh đời mạt
pháp, muốn y theo các luân này, phải giữ gìn phạm hạnh, tịch tĩnh tư
duy, thiết tha sám hối, trải qua hai mươi mốt ngày. Ghi rõ tên của
hai mươi lăm luân, chí tâm khẩn thiết, tùy tay bốc lấy, mở ra xem
liền biết Đốn hay Tiệm. Còn một niệm nghi ngờ thì không thành tựu.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
“Biện Âm, ông nên biết!
Tất cả các Bồ tát
Huệ thanh tịnh không ngại
Đều nương Thiền định sanh.
Ấy là: Xa-ma-tha
Tam-ma-đề, Thiền-na
Tu ba pháp Đốn-Tiệm
Thành 25 định luân.
Mười phương các Như Lai
Ba đời người tu hành
Đều nhơn nơi pháp này
Thành tựu được Bồ đề.
Chỉ trừ người Đốn ngộ
Người không tùy thuận pháp,
Tất cả các Bồ tát
Và chúng sanh đời mạt
Thường phải theo luân này
Tùy thuận siêng tu tập,
Nhờ sức đại bi Phật
Mau chứng được Niết bàn.
Trong chương này, Bồ tát Biện Âm thỉnh Phật giản trạch về các phương
pháp tu tập, y cứ vào ba phương tiện đã nói ở chương trước:
Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na. Tất cả gồm 25 phương pháp, gọi
là định luân, do sự kết hợp của ba phương tiện trên, một cách đa
dạng và phức tạp.
Biện là Biện biệt, Âm là âm thanh thuyết pháp của Phật. Biện Âm ở
đây nói về khả năng phân tích tư duy khéo léo hiểu được những lời
Phật dạy. Có hiểu tỏ tường mới ứng dụng tu tập, thể nhập Viên Giác.
“Lúc
bấy giờ, Bồ tát Biện Âm ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng
dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quì dài chắp
tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Pháp môn như thế, thật là hy
hữu !”: Trước tiên, Bồ tát Biện Âm ca ngợi ba pháp môn
Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, quả thật hiếm có trên đời.
“Bạch
Đức Thế Tôn! Các phương tiện này, tất cả Bồ tát đối với môn Viên
Giác, có bao nhiêu phương thức tu tập? Nguyện Đức Thế Tôn vì đại
chúng và chúng sanh đời mạt pháp mà phương tiện khai thị, khiến ngộ
thật tướng”: Các Bồ tát tu theo Viên Giác, có bao nhiêu cách hạ
thủ công phu từ ba pháp môn gốc nói trên? Các vị phải tu từng pháp
môn hay tu chung cả ba? “Thật tướng” tức tướng chân thật của
tất cả các pháp, là tự tâm Viên Giác - chỗ sở quy của mọi phương
tiện công phu.
“Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Biện Âm rằng: “Lành thay! Lành thay! Này
Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời mạt
pháp, hỏi Như Lai về những pháp môn tu tập như thế. Ông hãy lắng
nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy Bồ tát Biện Âm rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng đại
chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
Này
Thiện nam tử! Tánh Viên Giác thanh tịnh của tất cả Như Lai vốn không
có người tu tập và pháp tu tập”: Cũng như các chương trước, khởi
đầu bao giờ Đức Phật cũng nhấn mạnh đến tánh Viên Giác thanh tịnh.
Đây là thâm ý của kinh Viên Giác, luôn lấy tự tánh của mỗi người làm
chỗ y cứ, và cũng là thâm ý của các kinh điển Đại thừa: Kinh Niết
bàn gọi đó là Phật tánh, Kinh Pháp Hoa gọi là Tri kiến Phật, Kinh
Lăng Nghiêm gọi là Chân tâm thường trụ...
Ở
đây, Đức Phật dạy, tánh Viên Giác vốn rời mọi ý niệm năng sở đối
đãi, không có người hay tu và pháp được tu, cũng không có người
chứng và pháp được chứng.
“Tất
cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp, nương nơi sức huyễn chưa giác
ngộ mà tu hành, lập bày ra hai mươi lăm thứ định luân thanh tịnh”:
Nói đến Viên Giác là nói đến trực chỉ, không có người năng tu và
pháp sở tu. Nhưng vì chúng sanh chưa giác ngộ các pháp như huyễn,
chưa thể nhập Viên Giác, nên Đức Phật phải tạm lập bày ra hai mươi
lăm định luân thanh tịnh, căn cứ từ ba pháp môn gốc.
Định luân là gì? Ở đây có hai ý nghĩa: Một là, Định là Thiền định,
Luân là bánh xe; dùng ba pháp môn thiền định luân chuyển thay nhau
tu tập. Thứ hai, ý nghĩa cao xa hơn, Định là quyết định, Luân là
nghiền nát; dùng các phương tiện tu tập quyết định nghiền nát hết
vọng tưởng điên đảo, giúp tâm hành giả trở về trạng thái vắng lặng
thanh tịnh bản lai. Như vậy, đây tuy là phương tiện tu hành, nhưng
cũng hết sức nhiệm mầu, để chứng nhập Viên Giác.
Một điều cần lưu ý: Các định luân được lập ra đều vì những chúng
sanh huyễn pháp chưa trừ hết, phiền não chưa đoạn xong. Đối với hành
giả đã chứng ngộ các pháp này trở nên thừa, cũng như người đã no thì
không cần bất cứ thức ăn nào nữa. Hiểu như vậy, chúng ta thấy có một
niềm quí kính vô cùng và sự biết ơn vô hạn đối với Phật Tổ. Các Ngài
đã vì những người còn mê muội như chúng ta mà thi thiết bao nhiêu
phương tiện, giúp chúng ta có cơ hội tu hành.
Sau đây, Đức Phật lần lượt giảng rõ về các định luân, tùy hành giả
thấy mình thích hợp với pháp tu nào thì nỗ lực tu tập theo pháp ấy,
cuối cùng đều có kết quả như nhau, là chứng ngộ tự tánh thanh tịnh
của chính mình. Trong 25 định luân này, lấy căn bản là ba pháp môn
Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, sắp xếp theo ba cách, thay đổi
lẫn nhau nên thành 25 phương tiện. Ba cách ấy là :
-
Tu riêng: Chỉ tu một trong ba pháp môn.
-
Tu xen kẽ: Ba pháp môn xen kẽ nhau, thay đổi thứ tự trước sau hoặc
kết hợp đồng thời.
-
Tu trọn vẹn: Tu cả ba pháp môn cùng một lúc, dành cho người có căn
cơ đặc biệt.
I-
TU RIÊNG
1-
Riêng tu Chỉ.
“Nếu
các Bồ tát chỉ giữ sự lặng lẽ cùng cực; do sức lặng lẽ đó, hằng đoạn
được phiền não, cứu cánh thành tựu, không rời chỗ ngồi, liền vào
Niết bàn. Vị Bồ tát này gọi là “Riêng tu Xa-ma-tha”: Phương pháp
này rất phù hợp với pháp tri vọng của Hòa thượng Trúc Lâm. Hành giả
trong tư thế tọa thiền, buông vọng tưởng sạch đến tận cùng. Mọi tạo
tác của tâm, mọi ý thức phân biệt đều vắng bặt. Do yên lặng cùng cực
nên phiền não dứt hẳn, thẳng đến Phật quả, nên nói không rời chỗ
ngồi mà nhập Niết bàn.
2-
Riêng tu Quán.
“Nếu
các Bồ tát chỉ quán như huyễn, nhờ Phật lực biến hóa thế giới, có
nhiều thứ tác dụng, đầy đủ diệu hạnh thanh tịnh của Bồ tát, đối với
Đà-la-ni không mất đi Tịch niệm và các Tĩnh huệ. Vị Bồ tát này gọi
là “Riêng tu Tam-ma-bát-đề”: Bồ tát quán tất cả các pháp đều như
huyễn. Khi đạt được Như huyễn tam muội, nhờ Phật lực tự tâm tức là
sức gia trì của Phật tánh chính mình, vị ấy thấy muôn sự muôn vật
đều trong trạng thái như huyễn, đều là phản ảnh của bản tâm. Từ đó,
trong mọi oai nghi đều khởi ra diệu dụng, chuyển Ta-bà thành Tịnh
độ, Địa ngục hóa Thiên cung, nên gọi là “Nhờ Phật lực biến hóa
thế giới”.
Bồ
tát tuy quán tất cả thế giới đều là huyễn hóa, nhưng vẫn tùy duyên
làm mọi Phật sự để giáo hóa chúng sanh. Các Ngài làm mọi việc với
tinh thần vô trú, vô trước, vô nhiễm, nghĩa là luôn luôn an trụ
trong Viên Giác. Vì vậy, Phật bảo “đầy đủ diệu hạnh thanh tịnh
của Bồ tát”.
“Tịch
niệm” là công phu tu Chỉ, “Tĩnh huệ” là công phu tu
Thiền-na. Bồ tát tuy riêng tu Quán, nhưng do y cứ nơi Viên Giác mà
tu hành, nên đối với Đà-la-ni (là biệt danh của Viên Giác), không
mất công phu của hai pháp Chỉ và Thiền-na. Điều này cho thấy, nếu
thâm nhập trọn vẹn một pháp thì sẽ thâm nhập cả ba.
3-
Riêng tu Thiền-na
“Nếu
các Bồ tát chỉ diệt các huyễn, không giữ nơi tác dụng, riêng đoạn
được phiền não; phiền não đoạn sạch liền chứng thật tướng. Vị Bồ tát
này gọi là “Riêng tu Thiền-na”: Bồ tát tu Thiền-na là Tịnh-Huyễn
song vong hay Chỉ Quán bất nhị. Vị này dùng sức tịch diệt để diệt
trừ các huyễn, nhưng không chấp vào các tác dụng biến hóa của huyễn
quán, tức không chấp vào Tam-ma-bát-đề. Lại nữa, vị ấy dùng sức tịch
diệt để tự đoạn phiền não, nhưng cũng không giữ nơi tướng tịch lặng,
nên không chấp vào Xa-ma-tha. Khi phiền não đoạn sạch, thật tướng
hiển bày, chơn tâm Viên Giác hiện ra rỡ rỡ.
II-
TU XEN KẼ
Trong 21 pháp tu xen kẽ sau đây, nguyên tắc chung là lấy một pháp
môn gốc trong ba pháp môn Chỉ, Quán, Thiền-na làm đầu; sau đó kết
hợp thêm một hay hai pháp môn còn lại. Nếu chúng ta vận dụng phép
hoán vị của Toán học vào đây, có thể hiểu được các pháp tu này không
khó. Tựu trung, có ba cách chính :
-
Tu xen kẽ dùng Chỉ làm đầu: Gồm 7 pháp tu tức 7 định-luân.
-
Tu xen kẽ dùng Quán làm đầu: Gồm 7 định-luân.
-
Tu xen kẽ dùng Thiền-na làm đầu: Cũng gồm 7 định-luân.
Tổng cộng là 21 định-luân. Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát từng
định-luân một, dựa theo lời dạy của Phật.
A-
Tu xen kẽ dùng Chỉ làm đầu.
4-
Trước tu Chỉ, sau tu Quán.
“Nếu
các Bồ tát, trước giữ sự chí tĩnh, dùng tâm tịnh-huệ chiếu các pháp
huyễn, liền ở trong đó khởi hạnh Bồ tát. Vị Bồ tát này gọi là “Trước
tu Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề”: Người tu pháp này, đầu tiên
giữ sự vắng lặng cùng cực, tức tu Chỉ. Khi tĩnh tột cùng thì huệ
phát sinh. Dùng tâm tịnh-huệ này quán các pháp như huyễn, tức tu
Quán. Theo đó khởi các tác dụng, thượng cầu Bồ đề hạ hóa chúng sanh
cho tròn đầy diệu hạnh của Bồ tát.
5-
Trước tu Chỉ, sau tu Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, trước dùng tịnh-huệ chứng đến chỗ tánh tĩnh lặng, liền
đoạn phiền não, hằng thoát khỏi sanh tử. Vị Bồ tát này gọi là “Trước
tu Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na”: Tịnh-huệ là kếtquả của công phu
tu Chỉ. Hành giả dùng sức tịnh-huệ thẳng chứng đến tánh tĩnh lặng
trên tâm Viên Giác, tức công phu tu Thiền-na. Khi thể nhập
Giác-tánh, phiền não được đoạn trừ, Bồ tát thoát khỏi vòng luân hồi
sanh tử.
6-
Trước tu Chỉ, giữa tu Quán, sau tu Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, dùng huệ Tịch tĩnh lại hiện sức huyễn, nhiều thứ biến
hóa để độ chúng sanh, sau đó đoạn hết phiền não mà vào tịch-diệt. Vị
Bồ tát này gọi là “Trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu
Thiền-na”: Huệ tịch-tĩnh thuộc công phu tu Chỉ. Tĩnh đến tột
cùng là Tịch, từ đó sinh ra Huệ. Hành giả dùng Huệ quán các pháp
huyễn, khởi ra các thứ biến hóa nhiêu ích cho muôn loài: Đây là giai
đoạn tu Quán. Sau cùng, đoạn tất cả các phiền não mà vào Tịch diệt
là công phu Thiền-na, vì tu Thiền-na là đoạn tận phiền não.
7-
Trước tu Chỉ, giữa tu Thiền-na, sau tu Quán.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức chí-tĩnh đoạn hết phiền não, sau đó khởi lên
Diệu-hạnh thanh-tịnh của Bồ tát độ các chúng sanh. Vị Bồ tát này gọi
là “Trước tu Xa-ma-tha, giữa tu Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề”:
Hành giả dùng sức chí tĩnh là kết quả tu Chỉ, khởi tâm đoạn phiền
não tức tu Thiền-na. Khi phiền não đã tận, vị ấy hòa quang đồng trần
độ chúng sanh như huyễn, ấy là giai đoạn tu Quán.
8-
Trước tu Chỉ, sau đồng tu Quán và Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức chí tĩnh tâm đoạn phiền não, lại độ chúng sanh,
kiến lập thế giới. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Xa-ma-tha, sau
đồng tu Tam-ma-bát-đề và Thiền-na”: Dùng sức chí tĩnh là công
phu tu Chỉ. Hành giả quyết tâm đoạn phiền não nhưng chưa đoạn tận;
vì vậy ở giai đoạn này, phải vừa tu Thiền-na để đoạn phiền não, vừa
tu Quán để kiến lập thế giới, hóa độ chúng sanh. Có thể nói, giai
đoạn đầu tu Chỉ là tự lợi; giai đoạn sau, vừa tu Thiền-na vừa tu
Quán, là tự lợi và lợi tha.
9-
Trước đồng tu Chỉ và Quán, sau tu Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức chí tĩnh giúp phát biến hóa, sau đoạn phiền
não. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề,
sau tu Thiền-na”: Hành giả dùng sức chí tĩnh của Chỉ để giúp
phát khởi sức biến hóa của Quán. Đây là vừa tự lợi vừa khởi hạnh lợi
tha. Sau đó, vị này tu Thiền-na để đoạn tận phiền não, thành tựu Vô
thượng Bồ đề.
10- Trước đồng tu Chỉ và Thiền-na, sau tu Quán.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức chí tĩnh giúp tịch diệt, sau đó khởi tác dụng,
biến hóa thế giới. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu Xa-ma-tha và
Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề”: Hành giả dùng sức chí tĩnh của
Chỉ để diệt phiền não, tức đồng thời tu Thiền-na. Khi tĩnh của Chỉ
đến tột cùng thì công phu Thiền-na cũng thành tựu. Phần tự lợi viên
mãn, lúc đó mới khởi hạnh lợi tha. Bồ tát ở giai đoạn sau tu Quán,
biến hóa thế giới để độ chúng sanh.
B-
Tu xen kẽ dùng Quán làm đầu.
11- Trước tu Quán, sau tu Chỉ.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức biến hóa mỗi mỗi tùy thuận, mà vẫn giữ được chí
tĩnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu
Xa-ma-tha”: Hành giả trước tiên tu Quán, tùy trình độ và căn cơ
của mỗi chúng sanh mà biến hóa thế giới. Một mặt tùy thuận chúng
sanh để giáo hóa, nhưng mặt khác biết tất cả đều là huyễn hóa, nên
vẫn giữ được chí tĩnh, tức kết quả của tu Chỉ. Đây chính là tinh
thần Tùy duyên mà bất biến, bất biến nhưng vẫn tùy duyên.
12- Trước tu Quán, sau tu Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức biến hóa tất cả cảnh giới, mà vẫn giữ được sự
tịch diệt. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Tam-ma-bát-đề, sau tu
Thiền-na”: Hành giả trước tiên tu Quán, khi thành tựu thì khởi
công dụng biến hóa tất cả cảnh giới, thực hiện hạnh lợi tha. Sau đó
tu Thiền-na để đoạn phiền não, an trú nơi tánh thể lặng dứt, gọi là
“giữ được sự tịch diệt”.
13- Trước tu Quán, giữa tu Chỉ, sau tu Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức biến hóa làm tất cả Phật sự, mà vẫn an trụ nơi
tịch tĩnh và đoạn phiền não. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu
Tam-ma-bát-đề, giữa tu Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na”: Dùng sức
biến hóa làm tất cả Phật sự là kết quả của tu Quán. Tuy làm tất cả
Phật sự hóa độ chúng sanh, nhưng không thấy pháp để độ, mình là
người độ và chúng sanh là kẻ được độ. Đây là tinh thần Ba-la-mật của
Bồ tát, kết quả của tu Chỉ, gọi là “an trụ nơi tịch tĩnh”,
tức cảnh vắng lặng bất động. Sau cùng, hành giả dùng pháp tu
Thiền-na đoạn tận phiền não, khế nhập Trung đạo.
14- Trước tu Quán, giữa tu Thiền-na, sau tu Chỉ.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức biến hóa, khởi tác dụng vô ngại đoạn các phiền
não, rồi an trụ nơi chí tĩnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu
Tam-ma-bát-đề, giữa tu Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha”: Khởi đầu,
hành giả dùng sức biến hóa của tu Quán, khởi tác dụng vô ngại tùy
thuận giáo hóa chúng sanh. Sau đó tiến tu Thiền-na, đoạn tất cả
phiền não. Cuối cùng tu Chỉ an trụ trong cảnh lặng lẽ tột cùng, gọi
là chí tĩnh.
15- Trước tu Quán, sau đồng tu Chỉ và Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, dùng tác dụng phương tiện của sức biến hóa, đạt đến chỗ
chí tĩnh và tịch diệt, cả hai đều tùy thuận. Vị Bồ tát này gọi là
“Trước tu Tam-ma-bát-đề, sau đồng tu Xa-ma-tha và Thiền-na”:
Hành giả trước tiên tu Quán, khi thành tựu mới dùng tác dụng phương
tiện của sức biến hóa để độ chúng sanh. Sau đó, đồng thời tu Chỉ để
đạt đến chỗ vắng lặng tột cùng và tu Thiền-na để đoạn tận phiền não.
16- Trước đồng tu Quán và Chỉ, sau tu Thiền-na.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức biến hóa mỗi mỗi khởi tác dụng, giúp cho chí
tĩnh, sau đó đoạn phiền não. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu
Tam-ma-bát-đề và Xa-ma-tha, sau tu Thiền-na”: Dùng sức biến hóa
thích hợp với mỗi chúng sanh, tùy duyên hóa độ, là thành tựu của tu
Quán. Đồng thời, nhờ các thứ tác dụng của Quán trợ giúp cho tánh chí
tĩnh của Chỉ được tự nhiên thành tựu. Như vậy, nhờ tu Quán có kết
quả nên đạt luôn kết quả của Chỉ, nghĩa là Quán-Chỉ đồng tu.
Cuối cùng, hành giả đoạn tận phiền não bằng tu Thiền-na, thoát khỏi
sanh tử, thể nhập đạo Vô thượng.
17- Trước đồng tu Quán và Thiền-na, sau tu Chỉ.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức biến hóa giúp cho tịch diệt, sau trụ nơi Vô tác
Tĩnh lự Thanh tịnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu
Tam-ma-bát-đề và Thiền-na, sau tu Xa-ma-tha”: Hành giả dùng sức
biến hóa của Quán giúp cho công phu lặng dứt (tịch-diệt) của
Thiền-na tự nhiên thành tựu. Đó là đồng thời tu cả Quán và Thiền-na.
“Vô
tác tĩnh lự thanh tịnh” là sức chí tĩnh mà không cần dụng công.
Đây là kết quả của tu Chỉ. Như vậy, người tu pháp này, trước tiên
vừa tu Quán vừa tu Thiền-na (dùng sức biến hóa giúp cho tịch diệt);
sau đó an trụ trong cảnh giới chí tĩnh của Chỉ (trụ nơi Vô-tác
Tĩnh-lự Thanh-tịnh).
C-
Tu xen kẽ dùng Thiền-na làm đầu.
18- Trước tu Thiền-na, sau tu Chỉ.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức tịch diệt mà khởi lên chí tĩnh, an trụ nơi
thanh tịnh. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Thiền-na, sau tu
Xa-ma-tha”: Bồ tát trước tu Thiền-na đoạn tận phiền não, thoát
khỏi sanh tử. Khi đã thành tựu, dùng sức lặng dứt của Thiền-na khởi
lên chí tĩnh của Chỉ, thọ hưởng pháp lạc, an trụ nơi cảnh giới thanh
tịnh.
19- Trước tu Thiền-na, sau tu Quán.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức tịch diệt mà khởi tác dụng, đối với tất cả cảnh
vẫn có công dụng tịch-diệt tùy-thuận. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu
Thiền-na, sau tu Tam-ma-bát-đề”: Bồ tát tu Thiền-na được thành
tựu, tức tự lợi đã tròn, liền khởi hạnh lợi tha. Vị ấy dùng sức tịch
diệt của Thiền-na khởi các tác dụng biến hóa độ sanh, tức trở lại tu
Quán. Như vậy, tất cả cảnh đều khởi từ tánh tịch diệt mà có, cho nên
nói là “đối với tất cả cảnh vẫn có công dụng tịch diệt tùy thuận”.
20- Trước tu Thiền-na, giữa tu Chỉ, sau tu Quán.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức tịch diệt các thứ tự tánh, an nơi tĩnh lự mà
khởi biến hóa. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Thiền-na, giữa tu
Xa-ma-tha, sau tu Tam-ma-bát-đề”: Hành giả tu Thiền-na có kết
quả, nhờ sức tịch diệt thấy được tự tánh của tất cả chúng sanh. Kế
đó, vị ấy thực hành tu Chỉ để an tâm nơi tĩnh lự. Khi tâm đã như-như
mới khởi
tác dụng biến hóa của Quán, vào chốn trần lao độ
sanh mà không sợ nhiễm trần.
21- Trước tu Thiền-na, giữa tu Quán, sau tu Chỉ.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức tịch diệt của tự tánh vô tác, khởi lên tác
dụng; nơi cảnh giới thanh tịnh, trở về tĩnh lự. Vị Bồ tát này gọi là
“Trước tu Thiền-na, giữa tu Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha”: Tự
tánh xưa nay sẵn đủ, không do tạo tác mà có, nên gọi là “Tự tánh
vô tác”. Hành giả tu Thiền-na được thành tựu, nhờ sức tịch diệt
của tự tánh mà khởi tu Quán. Nơi tác dụng của Quán, vị này biến hóa
cảnh trần lao thành cảnh giới thanh tịnh. Sau cùng, từ cảnh giới
thanh tịnh, bặt tất cả vọng niệm, an trú nơi tĩnh lự của Chỉ.
22- Trước tu Thiền-na, sau đồng tu Chỉ và Quán.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức tịch diệt mỗi mỗi thanh tịnh, rồi trụ nơi tĩnh
lự mà khởi ra các biến hóa. Vị Bồ tát này gọi là “Trước tu Thiền-na,
sau đồng tu Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề”: Sức tịch diệt mỗi mỗi
thanh tịnh là kết quả tu Thiền-na được thành tựu. Do khởi hạnh lợi
tha nên Bồ tát lùi lại tu Chỉ và Quán đồng thời; vừa an trụ nơi tĩnh
lự của Chỉ, vừa khởi các thứ biến hóa của Quán mà tùy duyên hóa độ
chúng sanh.
23- Trước đồng tu Thiền-na và Chỉ, sau tu Quán.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức tịch diệt giúp cho chí tĩnh, rồi khởi biến hóa.
Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu Thiền-na và Xa-ma-tha, sau tu
Tam-ma-bát-đề”: Đầu tiên, hành giả đồng tu Thiền-na và Chỉ để tự
lợi. Phật dạy, dùng sức tịch diệt của Thiền-na giúp cho sức chí tĩnh
của Chỉ được thành tựu, vì khi tu Thiền-na thì kết quả của Chỉ cũng
tự nhiên mà có, do đó gọi là “đồng tu”. Sau đó, hành giả khởi
tác dụng biến hóa để hạnh lợi tha cùng viên mãn, trọn thành Phật
đạo.
24- Trước đồng tu Thiền-na và Quán, sau tu Chỉ.
“Nếu
các Bồ tát, dùng sức tịch diệt giúp cho biến hóa, rồi khởi lên chí
tĩnh cảnh huệ trong sáng. Vị Bồ tát này gọi là “Trước đồng tu
Thiền-na và Tam-ma-bát-đề, sau tu Xa-ma-tha”: Hành giả trước
tiên dùng sức tịch diệt của Thiền-na giúp công phu tu Quán tự nhiên
thành tựu, khởi các tác dụng biến hóa nhiêu ích chúng sanh; ấy gọi
là đồng tu Thiền-na và Quán. Sau đó, hành giả chuyên tâm tu Chỉ để
đạt cảnh giới chí tĩnh, tự lợi và lợi tha như vậy viên thành.
III-
TU TROÏN VEÏN
25- Tu cả ba pháp môn cùng một lúc.
“Nếu
các Bồ tát, dùng Huệ Viên Giác viên hiệp tất cả, đối với các pháp
Tánh-Tướng không rời Giác tánh. Vị Bồ tát này gọi là “Tu trọn ba thứ
tự tánh, thanh tịnh tùy thuận”: Hành giả tu theo định luân này
thuộc căn cơ viên đốn, không cần thứ lớp mà đồng thời viên dung cả
ba pháp môn. Các vị đã ngộ nhập Viên Giác, nên có thể dùng trí huệ
thanh tịnh của mình khế hợp cả Chỉ-Quán và Thiền-na. Đối với ba pháp
môn gốc này (Phật gọi là các pháp Tánh) và cả 25 định-luân (là các
pháp Tướng) đều từ Viên Giác mà an lập, vì vậy không lúc nào rời
Giác tánh. Lại nữa, dù các pháp Tánh-Tướng kia có sai biệt, nhưng
đều tu tập về môn Viên Giác, đều tùy thuận tự tánh thanh tịnh, cho
nên nói là “thanh tịnh tùy thuận”.
“Này
Thiện nam tử! Đây là hai mươi lăm định-luân của Bồ tát. Tất cả Bồ
tát đều phải tu hành như thế. Nếu các Bồ tát và chúng sanh đời mạt
pháp, muốn y theo các luân này, phải giữ gìn phạm hạnh, tịch tĩnh tư
duy, thiết tha sám hối, trải qua hai mươi mốt ngày. Ghi rõ tên của
hai mươi lăm luân, chí tâm khẩn thiết, tùy tay bốc lấy, mở ra xem
liền biết Đốn hay Tiệm. Còn một niệm nghi ngờ thì không thành tựu”:
Trên đây, Phật đã giới thiệu xong hai mươi lăm định-luân để các
hàng Bồ tát và chúng sanh theo đó tu hành. Nhưng muốn tu theo các
luân này, phải có các điều kiện sau đây :
1-
Giữ gìn phạm hạnh: Chữ “Phạm” xuất từ chữ “Phạm-thiên”, là cõi trời
dành cho những người có đời sống thanh tịnh. Tu Phạm hạnh là giữ gìn
trai giới thanh tịnh, giữ giới luật nghiêm cẩn. Đây là Giới, tức
điều kiện tiên quyết.
2-
Tịch-tĩnh: Ngăn dứt vọng tình, giữ tâm lặng lẽ. Đây là Định.
3-
Tư duy: Lấy tịch tĩnh làm nền tảng để trầm tư vào đạo lý. Có giữ sự
lặng lẽ của tâm thì tư duy mới sâu sắc thâm trầm. Đây là Huệ.
4-
Thiết tha sám hối: Đối trước Tam Bảo, thiết tha thỉnh cầu gia hộ,
sám hối tất cả những lầm lỗi đã phạm trong kiếp này và những kiếp về
trước. Trải qua 21 ngày như thế, dọn tâm sẵn để làm trợ duyên cho sự
tu tập được dễ dàng.
Sau đó, viết tên 25 luân vào các tấm phiếu, gói riêng thành 25 gói
rồi chọn tùy thích một gói theo kiểu bốc thăm. Khi mở ra xem, chúng
ta sẽ biết căn cơ mình thuộc Đốn hay Tiệm, dựa vào tên của luân được
bốc trúng. Nếu còn một niệm nghi rằng luân này không hợp với mình,
hoặc đang tu lại muốn bỏ, thì sự tu hành sẽ không thành tựu.
Ở
đây, chúng ta cũng nên để ý một điều: Thường ở Trung Hoa thích
chuyện bốc thăm, đoán số, còn Ấn Độ thì ít đặt nặng vấn đề này, nhất
là trong các kinh Nguyên-thủy thì không thấy Phật dạy chuyện ấy. Vì
thế, việc chọn lựa định luân để theo đó tu tập, chúng ta nên nhận
định cho thấu đáo. Nếu thấy phương pháp nào thích hợp với căn cơ
trình độ của mình, thì mình cứ tu theo.
“Bấy
giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
Biện Âm, ông nên biết!
Tất cả các Bồ tát
Huệ thanh tịnh không ngại
Đều nương Thiền định sanh”.
Ở
đây, Đức Phật lại cho thấy, Thiền-định hết sức cần thiết cho người
tu Phật. Nếu nội tâm không an định thì không thể phát sinh trí huệ.
“Ấy là: Xa-ma-tha,
Tam-ma-đề, Thiền-na,
Tu ba pháp Đốn-Tiệm
Thành 25 định luân”.
Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na là ba nội dung Thiền định. Các
nội dung này kết hợp theo những cách riêng thành 25 định luân.
“Mười phương các Như Lai
Ba đời người tu hành
Đều nhơn nơi pháp này
Thành tựu được Bồ đề”.
Các Đức Như Lai ở mười phương và những hành giả tu Viên Giác trong
ba đời, đều nương vào các pháp này mà viên thành Phật quả.
“Chỉ trừ người Đốn-ngộ,
Người không tùy thuận pháp,
Tất cả các Bồ tát,
Và chúng sanh đời mạt,
Thường phải theo luân này,
Tùy thuận siêng tu tập,
Nhờ sức đại bi Phật,
Mau chứng được Niết bàn”.
Chỉ trừ người căn cơ quá đặc biệt, tu lối viên dung thẳng lên Phật
đạo; và những người không tin, không tùy thuận theo pháp mà tu; còn
tất cả Bồ tát và chúng sanh đời mạt, đều phải y cứ trên các định
luân này, tinh tấn tu hành. Nhờ hồng ân Tam bảo tha lực và Tam Bảo
tự tâm, hành giả mau thoát vòng sanh tử, chứng được Niết bàn.
Tóm lại, trong chương Biện Âm này, đức Phật giảng rõ về 25 phương
pháp tu hành, gọi là 25 định-luân, với ý nghĩa dùng sức thiền định
như bánh xe nghiền nát mọi phiền não, thể nhập Viên Giác. Tùy căn cơ
mỗi người mà chọn định luân nào phù hợp, theo đó tu hành. Như nhiều
lần chúng tôi đã nói, bản ý của kinh là muốn chúng ta phải y nơi tự
tánh Viên Giác mà tu, cũng như trăm sông đều đổ ra biển. Cho nên, dù
có nhiều phương tiện, tất cả đều phải lấy Viên Giác làm chỗ sở qui,
mới khỏi lạc vào ngõ ngách.
Một ví dụ về pháp Quán: Nhị-thừa quán các pháp, thấy các pháp đều vô
thường và vô ngã nên tự tánh nó là không. Ở đây, Phật dạy Tam-ma-bát-đề
là quán như huyễn - các pháp tuy huyễn nhưng vẫn thường ở trong Như
tánh. Tất cả các pháp đều do tâm mà hiện, ngoài tâm không có pháp.
Hành giả phải luôn luôn xoay trở lại chính mình, nghĩa là y cứ nơi
lý duy tâm mà quán. Khi nhận Phật tánh nơi mình và Pháp-tánh nơi
cảnh, châu lưu cả mười phương ba đời, ta thấy Tâm-Pháp trùm khắp
mười phương. Phật là Chánh-giác, Pháp là Chánh-kiến và Tăng là tự
tánh thanh tịnh của chính mình.
~~oOo~~