XIII-
CHƯƠNG HIỀN THIỆN THỦ
Lúc bấy giờ, Bồ
tát Hiền Thiện Thủ ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quì dài chắp
tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Ngài đã rộng vì chúng con và
chúng sanh đời mạt pháp, khai ngộ việc bất tư nghì như thế. Bạch Đức
Thế Tôn! Đại thừa giáo này có mấy tên gọi? Làm sao phụng trì? Chúng
sanh nương vào kinh này tu tập, được công đức gì? Làm sao khiến con
thủ hộ người trì kinh? Lưu bố kinh này đạt đến địa vị nào?”
Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần.
Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Hiền Thiện Thủ rằng: “Lành thay! Lành
thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng
sanh đời mạt pháp, hỏi Như Lai về công đức, danh tự của kinh-giáo
như thế. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Hiền Thiện Thủ rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng
đại chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này
Thiện nam tử! Kinh này đã được trăm ngàn muôn ức hằng hà sa chư Phật
giảng nói. Ba đời Như Lai đều giữ gìn kinh này, mười
phương các Bồ tát đều qui y. Đó là con mắt
thanh tịnh của mười hai bộ kinh.
Kinh
này gọi là “Đại Phương Quảng Viên Giác Đà La Ni”, cũng gọi là “Tu Đa
La Liễu Nghĩa”, cũng gọi là “Bí Mật Vương Tam Muội”, cũng gọi là
“Như Lai Quyết Định Cảnh Giới”, cũng gọi là “Như Lai Tạng Tự Tánh
Sai Biệt”. Ông nên phụng trì.
Này
Thiện nam tử! Kinh này duy hiển ra cảnh giới của Như Lai, chỉ Phật
Như Lai mới tuyên thuyết một cách rốt ráo. Nếu các Bồ tát và chúng
sanh đời mạt pháp nương đây tu hành, thì dần dần cũng tăng tiến lên
Phật địa.
Này
Thiện nam tử! Kinh này gọi là Đốn giáo Đại thừa, tiếp độ chúng sanh
đốn cơ. Chúng sanh đốn cơ nương đây khai ngộ, nhưng cũng nhiếp tất
cả các hạng tiệm tu; ví như biển lớn không nhường dòng nho,û cho đến
muỗi mòng và thần Tu La, khi uống nước kia đều được no đủ.
Này
Thiện nam tử! Giả sử có người thuần dùng bảy thứ báu chứa khắp Tam
thiên đại thiên thế giới để bố thí, không bằng một người nghe tên
kinh này và hiểu nghĩa được một câu. Này Thiện nam tử! Ví như có
người giáo hóa cho trăm hằng hà sa chúng sanh đắc quả A-la-hán,
không bằng người giảng nói kinh này, phân biệt nửa bài kệ.
Này
Thiện nam tử! Nếu lại có người nghe tên kinh này, lòng tin chẳng
nghi, phải biết người này không phải chỉ gieo trồng phước và huệ nơi
một hay hai vị Phật, mà đã từng nghe kinh giáo này, trồng các thiện
căn khắp hằng hà sa tất cả chư Phật.
Thiện
nam tử, này ông! Cần phải bảo hộ người tu hành vào đời mạt pháp,
không để ác ma và ngoại đạo làm não loạn thân tâm của họ, khiến họ
lui sụt.
Khi
ấy, trong hội chúng có tám muôn vị Kim Cang, như Hỏa Đầu Kim Cang,
Tồi Toái Kim Cang, Ni Giám Bà Kim Cang... cùng các quyến thuộc của
họ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên
phải ba vòng, rồi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả chúng
sanh đời mạt về sau có thể trì kinh Quyết Định Đại Thừa này, con sẽ
giữ gìn họ như giữ con mắt của mình. Cho đến Đạo tràng nơi họ tu tập,
Kim Cang chúng con sẵn sàng thống lãnh đồ chúng, sớm tối thủ hộ
chẳng cho thối chuyển. Cho đến tư gia,hằng không tai chướng, bệnh
tật dứt hết, của báu sung mãn, thường không thiếu thốn”.
Lúc
bấy giờ, Đại Phạm Thiên Vương cho đến hai mươi tám vị Thiên Vương và
Tu Di Sơn Vương, Hộ Quốc Thiên Vương... liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, rồi bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện bảo hộ người trì kinh này,
thường khiến an ổn, tâm không thối chuyển”.
Lúc
ấy, có Đại Lực Quỉ Vương tên Kiết Bàn Trà cùng mười muôn quỉ vương
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba
vòng, rồi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện bảo
hộ người trì kinh này, sớm tối giữ gìn khiến không lui sụt. Chỗ ở
của người này trong phạm vi một do tuần, nếu có quỉ thần nào xâm hại
cảnh giới đó, con sẽ làm cho chúng nát bấy như vi trần!”.
Phật
thuyết kinh này rồi, tất cả Bồ tát, Thiên Long, quỉ Thần, bà con của
tám bộ và chư Thiên, Phạm Vương... tất cả đại chúng nghe lời Phật
nói, thảy đều vui mừng tin, chịu, vâng làm.
Từ
đầu bản kinh đến đây, chúng ta đã tiếp xúc với 11 vị Đại Bồ tát, từ
Ngài Văn Thù đến Ngài Viên Giác. Đó là phần chánh tông của kinh.
Chương Hiền Thiện Thủ là phần lưu thông, cũng là chương cuối cùng.
Đại ý bổn chương, Bồ tát Hiền Thiện Thủ thưa thỉnh Đức Phật chỉ dạy
5 điều nhằm làm lợi ích cho chúng sanh đời sau. Những câu hỏi này
nói lên tấm lòng bao dung của Ngài, muốn chánh pháp lưu truyền mãi
mãi. Hiền là địa vị gần bậc Thánh, có nơi gọi là Á-Thánh; Thiện là
tùy thuận với lý tánh tuyệt đối, là chỗ gần đến cứu cánh; Thủ là
đứng đầu. Việc truyền bá kinh giáo để làm lợi lạc quần sanh, khiến
những người lành thuận theo Viên Giác tiến lên Thánh vị, là việc
thiết yếu bậc nhất. Vì vậy, người đứng lên thưa hỏi điều này phải là
Ngài Hiền Thiện Thủ.
“Lúc
bấy giờ, Bồ tát Hiền Thiện Thủ ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi
đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu quanh bên phải ba vòng, quì
dài chắp tay mà bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Ngài đã rộng vì
chúng con và chúng sanh đời mạt pháp, khai ngộ việc bất tư nghì như
thế”: Trong suốt pháp hội, Đức Phật đã vì đại chúng và chúng
sanh đời mạt pháp khi nói cao, lúc nói thấp, khi nói Đốn, lúc nói
Tiệm, đều qui về một điểm cùng tột: Đó là tự tánh Viên Giác sẵn đủ
của mỗi người. Qui thú về Giác tánh là trả lại sự tự do tuyệt đối
cho con người, lấy con người làm trọng tâm của sự giác ngộ, đưa con
người trở lại bản vị là đồng đẳng với chư Phật, Bồ
tát mười phương. Vì vậy, Bồ tát Hiền Thiện
Thủ mới tán thán Đức Phật đã khai ngộ cho chúng hội việc bất tư nghì
như thế.
“Bạch
Đức Thế Tôn! Đại thừa giáo này có mấy tên gọi? Làm sao phụng trì?
Chúng sanh nương vào kinh này tu tập, được công đức gì? Làm sao
khiến con thủ hộ người trì kinh? Lưu bố kinh này đạt đến địa vị
nào?”
Nói
lời ấy rồi, năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến
cuối như vậy ba lần”: Ngài Hiền Thiện Thủ vì lòng từ bi, muốn
chúng sanh đời sau cũng được nghe những điều không thể nghĩ bàn như
các vị trong pháp hội này, để biết con đường trở về với Giác tâm
thanh tịnh của chính mình. Do vậy, Ngài nêu ra 5 câu hỏi, nhờ Đức
Phật giải đáp:
1-
Danh tự: Bản kinh này có mấy tên gọi?
2-
Phụng trì: Làm sao vâng giữ để theo đó tu hành?
3-
Công đức: Những chúng sanh nương vào kinh này tu tập, sẽ được công
đức gì?
4-
Hộ trì: Tấm lòng của Bồ tát muốn bảo hộ người trì kinh để khỏi thối
lui trên đường tu.
5-
Lưu bố: Hành giả tu theo Viên giác rốt ráo sẽ đạt đến quả vị nào?
“Bấy
giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Hiền Thiện Thủ rằng: “Lành thay! Lành
thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng
sanh đời mạt pháp, hỏi Như Lai về công đức, danh tự của kinh-giáo
như thế. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Hiền Thiện Thủ rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng
đại chúng lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này
Thiện nam tử! Kinh này đã được trăm ngàn muôn ức hằng hà sa chư Phật
giảng nói. ba đời Như Lai đều giữ gìn kinh này, mười phương các Bồ
tát đều qui y. Đó là con mắt thanh tịnh của mười hai bộ kinh”:
Trước khi trả lời 5 câu hỏi của Bồ tát Hiền Thiện Thủ, Đức Phật đưa
ra 4 đặc điểm của kinh, để xác định niềm tin vững chắc cho toàn thể
hội chúng. Bốn đặc điểm ấy là:
1-
Kinh này không phải chỉ có Phật Thích Ca giảng nói, mà đã được
thuyết giảng bởi trăm ngàn muôn ức hằng hà sa chư Phật. Hằng hà sa
là số cát sông Hằng. Thuở xưa, nền văn minh của Ấn-Độ, kể cả các
triết thuyết và tôn giáo lớn, đều nằm ở lưu vực sông Hằng. Văn minh
cổ đại nằm ở thượng lưu sông, sau đó xuôi dần về phía hạ lưu. Sông
Hằng trở nên một biểu tượng để diễn đạt đạo lý, và số cát sông Hằng
tượng trưng cho một số lượng vô cùng lớn, không thể tính đếm được.
Mỗi vị Phật đạt đến sự giác ngộ tối thượng, đều chứng triệt Viên
Giác, nên các Ngài đều tuyên thuyết về Viên Giác là chỗ cứu cánh.
Tuy mỗi vị Phật có thi thiết nhiều phương tiện khác nhau, tùy căn cơ
và trình độ chúng sanh, nhưng các Ngài đều có một mục đích duy nhất,
như kinh Pháp Hoa nói: “Khai thị chúng sanh ngộ nhập
Tri-kiến-Phật”.
2-
Vì thể nhập Viên Giác là mục đích tối hậu của người tu, vì Viên Giác
là chánh nhơn để viên thành Phật quả, nên ba đời Như Lai đều bảo hộ
kinh này, khiến cho tất cả chúng sanh đều được nghe.
3-
Những Bồ tát tu theo Viên Giác đều tùy thuận Giác tánh thanh tịnh
của chính mình, nghĩa là trở về nương tựa Viên Giác. Vì vậy, Phật
nói “Mười phương các Bồ tát đều qui y”.
4-
Đây là con mắt thanh tịnh của 12 bộ kinh. 12 bộ kinh hay 12 phần
giáo, là các thể loại thường dùng trong kinh điển của Đức Phật. Tất
cả kinh điển đều nhằm làm sáng tỏ tánh Viên Giác bản hữu của mỗi
chúng sanh. Khi thể nhập Viên Giác, hành giả thông suốt được tất cả
kinh điển Tiểu thừa và Đại thừa.
Kinh
này gọi là “Đại Phương Quảng Viên Giác Đà La Ni”, cũng gọi là “Tu Đa
La Liễu Nghĩa”, cũng gọi là “Bí Mật Vương Tam Muội”, cũng gọi là
“Như Lai Quyết Định Cảnh Giới”, cũng gọi là “Như Lai Tạng Tự Tánh
Sai Biệt”. Ông nên phụng trì”: Đức Phật trả lời câu hỏi thứ nhất,
là danh tự của kinh. Do đặc điểm và giá trị của Viên Giác nên kinh
được gọi bằng nhiều tên khác nhau:
1-
Đại Phương Quảng Viên Giác Đà-La-Ni: Đại là lớn; Phương là
nơi chốn, bao gồm cả không gian và thời gian; Quảng là rộng, bát
ngát; Viên Giác là sự giác ngộ viên mãn; Đà-La-Ni tức Tổng trì, là
bao trùm. Tên này ám chỉ tánh Viên Giác gồm chứa muôn pháp hữu vi và
vô vi, thế gian và xuất thế. Tánh Giác có nghĩa lý mênh mông bát
ngát, sâu xa vi diệu, không thể đem tình thức mà lường được.
2-
Tu-Đa-La Liễu Nghĩa: Tu-Đa-La tức là kinh, nguyên nghĩa là
sợi chỉ. Kinh gồm hai ý: Khế lý và Khế cơ, nghĩa là lúc nào cũng phù
hợp với chân lý tuyệt đối nên bất biến (khế lý); nhưng tùy tình
huống, tùy thời đại, tùy trình độ và nhân sinh quan của người nghe
mà thay đổi cho thích hợp, đó là tùy duyên (khế cơ).
Chính vì tùy duyên hóa độ, nên Phật phải dùng quyền biến phương
tiện, dùng thuốc đối trị để dẫn dắt chúng sanh căn cơ thấp kém. Các
kinh dạy chúng sanh tu theo Nhơn-Thiên-thừa hay Thanh Văn, Duyên
Giác thừa đều là kinh Bất liễu nghĩa, vì mới dừng ở Niết bàn
Hóa-thành, chưa phải là Bảo-sở. Trái lại, những kinh diễn tả chân lý
tối hậu là tất cả chúng sanh đều có chân tâm thường trụ sẵn đủ, bình
đẳng với chư Phật-Bồ tát, là kinh Liễu-nghĩa, trực chỉ đến đất Như
Lai, đó là Phật thừa.
3-
Bí mật Vương Tam Muội: Tam muội được dịch là Chánh định,
Chánh thọ... Viên Giác Tam-Muội rất sâu mầu, vi diệu hơn tất cả các
tam muội khác, nên gọi là “Vương”. Lại nữa, tánh Viên Giác
tuy sẵn đủ ở mọi chúng sanh, nhưng thấu triệt được chân lý tột cùng
này chỉ có mười phương chư Phật; ngay cả Bồ tát Đẳng Giác cũng chưa
hiểu thấu, cho nên nói “Bí-mật”.
4-
Như Lai Quyết Định Cảnh Giới: Chỉ có mười phương ba đời chư
Phật mới quyết định chứng triệt cảnh giới Viên Giác này.
5-
Như Lai Tạng Tự Tánh Sai Biệt: Như Lai Tạng chỉ cho tự tánh
thanh tịnh sẵn đủ ở mỗi chúng sanh. Do vọng tưởng chưa dứt, huyễn
pháp chưa lìa nên tự tánh còn bị vùi trong lớp vô minh phiền não,
gọi là Như Lai tại triền. Nói “sai biệt” vì có hai nghĩa: Một
là, tự tánh vốn thanh tịnh nhất như, nhưng do quên đi tánh giác nên
chúng sanh tạo nghiệp thành ngàn sai muôn khác; nghiệp chiêu cảm
khác nhau nên có thân sai biệt và tự tánh sai biệt. Nghĩa thứ hai
là, khi thể nhập tự tánh, Bồ tát phát khởi diệu dụng bất khả tư nghì
để giáo hóa chúng sanh, gọi là Sai biệt trí; cho nên, thể của tự
tánh là nhất như, nhưng dụng thì sai biệt.
Như vậy, Đức Phật đã gọi bản kinh này bằng 5 tên, đều nói đến tự
tánh Viên Giác sẵn đủ ở mỗi người. Tên thứ nhất có ý nghĩa hơn cả,
nên sau này kinh được truyền tụng theo tên ấy, gọi tắt là Kinh Viên
Giác.
Câu cuối của đoạn này, Phật bảo “Ông nên phụng trì”, có thể
xem như lời hứa giải đáp cho câu hỏi thứ hai, ở phần sau.
“Này Thiện nam tử! Kinh này duy hiển ra cảnh giới
của Như Lai, chỉ Phật Như Lai mới tuyên thuyết một cách rốt ráo. Nếu
các Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp nương đây tu hành, thì dần dần
cũng tăng tiến lên Phật địa”: Đức Phật
trả lời câu hỏi thứ 5 trước. Kinh này duy nhất nhằm hiển bày cảnh
giới của Phật. Đây là chỗ giác ngộ tột cùng mà chỉ có Như Lai mới
thấu triệt được và diễn tả được cạn nguồn; còn các quả vị khác, dù
tuyên thuyết được kinh này nhưng cũng chỉ được một phần, nhiều hay
ít tùy trình độ tu chứng và sự thấu hiểu của vị ấy cao hay thấp mà
thôi. Tuy vậy, nếu các Bồ tát và chúng sanh đời mạt tùy thuận Giác
tánh, cố gắng gia công tấn hạnh thì lần lần cũng viên thành Phật
đạo. Ởû đây, Đức Phật lại một lần nữa, xác định hướng đi của kinh:
Hành giả lúc đầu nhận ra tánh Viên Giác, dần dần đạt mục đích tối
hậu là cảnh giới Như Lai.
“Này
Thiện nam tử! Kinh này gọi là Đốn giáo Đại thừa, tiếp độ chúng sanh
đốn cơ. Chúng sanh đốn cơ nương đây khai ngộ, nhưng cũng nhiếp tất
cả các hạng tiệm tu; ví như biển lớn không nhường dòng nhỏ, cho đến
muỗi mòng và Thần Tu La, khi uống nước kia đều được no đủ”: Đây
là lời đáp cho câu hỏi thứ hai. Chủ ý của bản kinh là chỉ thẳng tâm
Viên Giác, ai nhận ra và hằng sống được là cùng chư Phật bình đẳng,
vì vậy gọi là Đốn giáo Đại thừa. Ví dụ trong chương Văn Thù, Đức
Phật dạy phải dùng Căn bản trí để Biết - chỉ Biết mà thôi (Tri
thị không hoa tức vô lưu chuyển, Diệc vô thân tâm thọ bỉ sanh tử).
Đến chương Phổ Hiền, Phật dạy phải dùng Như huyễn tam muội mà cốt
lõi của chương là hai câu “Tri huyễn tức ly bất tác phương tiện,
Ly huyễn tức giác diệc vô tiệm thứ”. Rõ ràng kinh này tiếp độ
cho những bậc thượng căn thượng trí, một nghe ngàn ngộ. Còn chúng ta
nghe rồi mờ mịt, biết làm sao tu hành?
Đến đây, một lần nữa chúng ta lại thấy lòng từ bi của Phật và các vị
Đại Bồ tát trong pháp hội. Vì những chúng sanh căn cơ thấp kém ở đời
mạt pháp mà các Bồ tát đứng lên thưa hỏi Phật về những phương tiện
tu hành; và Đức Phật đã giảng bày cặn kẽ về những pháp môn tiệm thứ.
Cho nên, kinh này vì các bậc đốn cơ mà tuyên thuyết, nhưng cũng
không bỏ qua những hạng tiệm tu, nghĩa là dung nhiếp tất cả căn cơ
trình độ.
Tiếp theo, Phật dùng thí dụ để giải rõ nghĩa này: Tất cả các con
sông, dù lớn hay nhỏ đều chảy ra biển. Biển chỉ cho Giác tánh, các
con sông chỉ tất cả phương tiện quyền biến, gồm tám vạn bốn ngàn
pháp môn đối trị với tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não. Mọi phương
tiện đều chỉ nhằm một mục đích cuối cùng là ngộ nhập Viên Giác. Các
hàng Thanh văn (muỗi), Duyên giác (mòng), Bồ tát Đại thừa (thần
A-tu-la), khi uống nước biển Đại Giác kia đều được hưởng vị giải
thoát, nghĩa là dù ở hạng nào, nếu y cứ theo kinh tu tập, cũng đều
có kết quả.
“Này
Thiện nam tử! Giả sử có người thuần dùng bảy thứ báu chứa khắp Tam
thiên đại thiên thế giới để bố thí, không bằng một người nghe tên
kinh này và hiểu nghĩa được một câu”: Trả lời cho câu thứ ba về
công đức của người thọ trì kinh này, đầu tiên Phật dùng tài thí để
so sánh. Một người dùng bảy thứ báu (vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa
cừ, xích châu, mã não) chứa đầy khắp Tam thiên đại thiên thế giới
(tính ra bằng một tỉ Thái dương hệ) để bố thí, thử hỏi công đức lớn
cỡ nào? Vậy mà không bằng người nghe tên kinh này và hiểu nghĩa được
một câu. Chúng ta mới nghe qua thấy thật khó tin, nhưng gẫm lại lời
Phật, quả sâu xa vô cùng.
Một người dù bố thí bảy báu cùng khắp hư không, nhưng dùng tâm hữu
vi sanh diệt, thân ngã tướng sanh diệt và pháp bảy báu sanh diệt ra
bố thí, rốt cuộc cũng chỉ là tu phước hữu lậu mà thôi. Gieo nhân hữu
lậu thì sẽ nhận quả hữu vi, cao nhất cũng chỉ ở các cõi trời hưởng
phước báo; đến khi phước đã tận, vẫn trở lại đọa lạc, không ra khỏi
luân hồi. Ngược lại, một người nghe tên kinh, phát tâm tu hành, lần
hồi hiểu được một câu thì hạt giống vô lậu thanh tịnh cũng đã in sâu
trong tàng thức. Chờ đủ thời tiết nhân duyên, hạt giống nảy mầm,
tăng trưởng thành cây và cuối cùng kết quả vô lậu. Cho nên, dù phước
huệ phải song tu, nhưng chúng ta phải biết, Phước là quan trọng, còn
Huệ lại là quyết định, cả hai đều phải lấy vô lậu làm chánh nhơn,
nếu muốn đạt đến cứu cánh.
Trong Chứng-đạo-ca, Thiền sư Huyền Giác nói:
“Giác tức liễu, bất thi công,
Nhất thiết hữu vi pháp bất đồng,
Trụ tướng bố thí sanh thiên phước,
Do như ngưỡng tiễn xạ hư không.
Thế lực tận, tiễn hoàn trụy,
Chiêu đắc lai sanh bất như ý.
Tranh tự vô vi thực tướng môn,
Nhất siêu trực nhập Như Lai địa”.
Trúc Thiên dịch :
“Biết là xong tất, chẳng cần công,
Thảy thảy hữu vi pháp chẳng đồng,
Của cho trụ tướng phước trời hưởng,
Ví như tên nhắm bắn hư không.
Đà bắn hết, mũi tên rơi,
Kiếp sau hận cũ lại bời bời,
Sao bằng tự cửa vô vi ấy,
Một nhảy vào liền đất Như Lai”.
Chứng đạo ca là một bản Anh hùng ca, một Thánh ca của người chứng
đạo, chỉ thẳng chỗ giác ngộ tột cùng, theo Tối thượng thừa Thiền.
Ngài Huyền Giác đã thấy, chỉ cần Biết là đủ, khỏi phải dụng công,
một bước nhảy là vào đất Như Lai, an thân lập mạng. Còn tu phước hữu
vi chẳng khác nào bắn mũi tên vào hư không. Phước báo nhơn thiên
hưởng hết, kiếp sau lại bị trầm luân, như mũi tên rơi khi đà bắn
không còn.
“Này
Thiện nam tử! Ví như có người giáo hóa cho trăm hằng hà sa chúng
sanh đắc quả A-la-hán, không bằng người giảng nói kinh này, phân
biệt nửa bài kệ”: Đoạn này, Phật nói về pháp thí. Một người giáo
hóa cho hàng trăm hằng hà sa chúng sanh được quả A-la-hán, thì công
đức Pháp thí lớn đến độ nào? Vậy mà không bằng một người giảng kinh
này cho người khác am tường, chỉ nửa bài kệ thôi. Người giảng có
công đức đã hơn mà người nghe hiểu nửa bài kệ của kinh này vẫn hơn
A-la-hán. Điều này có ý nghĩa như thế nào?
Ở
đây, Đức Phật muốn nói đến các vị A-la-hán nhập diệt-tận-định rồi an
thân lập mạng nơi Niết bàn Hóa thành, thối chí độ sanh. Các vị này
sa vào chỗ trầm không trệ tịch, tiêu nha bại chủng. Các hàng Thanh
văn nhận Hóa-thành làm Bảo-sở, dĩ nhiên không thể bằng người tu theo
Đại thừa, vừa tự lợi vừa lợi tha, dù người này đang còn trên đường
đạo, nhiều tập khí phiền não. Ví dụ, người có bằng Tú-tài ra làm
việc, hiện tại có vẻ hơn một sinh viên đang học Y khoa vì có việc
làm, có lương bổng. Nhưng trong tương lai, khi người sinh viên tốt
nghiêp trở thành Bác sĩ, thì anh Tú tài không sao bì kịp. Cũng vậy,
một vị A-la-hán đã thoát ly sanh tử có đức độ phạm hạnh cao hơn
nhiều so với một Bồ tát đang giáo hóa chúng sanh, thói phàm chưa
dứt. Nhưng Bồ tát đang đi trên đường đến quả vị Phật thì chắc chắn
trong tương lai, vị ấy phải hơn A-la-hán nhiều. Thật ra, con đường
đến Phật quả rất xa xôi diệu vợi, người hành Bồ tát đạo phải trải
qua vô lượng kiếp mới thành. Nhưng tâm hồn vị ấy trước tiên đã cao
thượng hơn những người chỉ biết lợi ích cho riêng mình, vì đại từ
đại bi thương muôn loài chúng sanh bình đẳng, vì đại nguyện lăn lộn
trong ba cõi sáu đường để hành hạnh lợi tha, và vì đại quả là Vô
Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.
“Này
Thiện nam tử! Nếu lại có người nghe tên kinh này, lòng tin chẳng
nghi, phải biết người này không phải chỉ gieo trồng phước và huệ nơi
một hay hai vị Phật mà đã từng nghe kinh giáo này, trồng các thiện
căn khắp hằng hà sa tất cả chư Phật”: Trước khi trả lời câu hỏi
thứ tư về việc bảo hộ, Đức Phật nói về những người có lòng tin quyết
định đối với kinh này. Chưa hiểu được toàn bộ kinh, mới chỉ nghe tên
mà đã sanh lòng tin không thối chuyển, đó là việc hiếm có trên đời.
Người ấy đã gieo trồng phước huệ nơi hằng hà sa chư Phật, chứ không
phải mới tu ở một hai đấng Như Lai.
Nghe đến đây, chúng ta tự hỏi: Được gặp một vị Phật ra đời là một
điều rất khó, vì sao người này lại có cơ hội gặp vô lượng chư Phật
để gieo trồng căn lành? - Phật trong đoạn này có nghĩa là Giác. Một
đương niệm tỉnh giác là một vị Phật xuất hiện. Người này đã nhiều
kiếp tu Đại thừa, từng sống trong tỉnh giác, nên chủng tử Viên Giác
đã huân tập trong tàng thức một cách sâu sắc. Kiếp này được nghe
nhắc lại, chỉ cần tên kinh thôi, chủng tử đã khởi hiện hạnh, liền
phát khởi lòng tin kiên cố.
“Thiện
nam tử, này ông! Cần phải bảo hộ người tu hành vào đời mạt pháp,
không để ác ma và ngoại đạo làm não loạn thân tâm của họ, khiến họ
lui sụt”: Trong câu này, Đức Phật vừa trả lời vừa khuyên bảo Bồ
tát Hiền Thiện Thủ cùng hội chúng, phải hộ trì những người tu hành
vào đời mạt pháp. “Người tu hành” chỉ cho những người nghe
tên kinh sanh tín tâm nói trên, cùng tất cả những người tu theo Viên
Giác.
Vì
sao những người tu hành cần phải được bảo hộ? - Người đang đi trên
đường đạo vẫn còn là chúng sanh, phàm tâm chưa đoạn dứt. Lại nữa, tu
hành giống như bơi ngược dòng nước, tiến lên đã khó lại còn gặp biết
bao chướng ngại từ bên ngoài lẫn bên trong. Đức Phật gọi “ác ma”
để chỉ ngũ dục lục trần và “ngoại đạo” tức tà kiến, cả
hai đều làm não loạn thân tâm người tu. Do vậy, họ cần được các Bồ
tát và Thiện thần hộ trì, để khỏi thối chuyển.
“Khi
ấy, trong hội chúng có tám muôn vị Kim Cang, như Hỏa Đầu Kim Cang,
Tồi Toái Kim Cang, Ni Giám Bà Kim Cang... cùng các quyến thuộc của
họ, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên
phải ba vòng, rồi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Nếu tất cả chúng
sanh đời mạt về sau có thể trì kinh Quyết Định Đại Thừa này, con sẽ
giữ gìn họ như giữ con mắt của mình. Cho đến Đạo tràng nơi họ tu
tập, Kim Cang chúng con sẵn sàng thống lãnh đồ chúng, sớm tối thủ hộ
chẳng cho thối chuyển. Cho đến tư gia,hằng không tai chướng, bệnh
tật dứt hết, của báu sung mãn, thường không thiếu thốn”: Do lời
Đức Phật dạy, phải hộ trì người tu Viên Giác, nên những vị Hộ pháp
đứng lên vâng mệnh hứa làm. Đầu tiên là những vị Thần Kim Cang. Các
vị thường đến chỗ những người tu hành đắc lực, tâm an định, để bảo
trợ không cho tà ma quấy nhiễu. Thần có quyến thuộc rất đông, tay
thường cầm chùy Bảo Sử Kim Cang nên mang tên ấy. Các vị hứa sẽ thống
lãnh đồ chúng, sớm tối giữ gìn bảo vệ người trì kinh Viên Giác một
cách chu đáo như giữ gìn con mắt của mình, không để cho người tu
thối tâm Bồ đề. Lại nữa, đối với tư gia của người ấy, Thần cũng
khiến thoát khỏi mọi tai ương, của cải dẫy đầy.
Đoạn này, nếu hiểu theo sự tướng, chúng ta không khỏi nghi ngờ. Bởi
vì, rất nhiều người tu hành chân chánh vẫn còn gặp tai nạn khổ ách,
ngay cả Phật-Tổ cũng không thoát khỏi nghiệp quả đã gây nhân trong
bao đời trước. Lý nhân quả vì thế mới là chân lý tuyệt đối của muôn
đời. Ở đây, các thần Kim Cang lại hứa trước Phật như vậy, thì sự
thật nằm tại chỗ nào?
Chúng ta nên hiểu ý ngầm của kinh, tức hiểu theo lý: Người tu Viên
Giác, đến một giai đoạn nào đó, tự nhiên có diệu dụng bất khả tư
nghì. Do buông tất cả nên được tất cả, tâm an lạc thanh lương bên
trong ứng hiện ra bên ngoài, mọi pháp đối với họ lúc ấy đều trở
thành những phẩm vật trang nghiêm. Tâm sung mãn nên các pháp biến
thành của báu đầy dẫy, thân trở nên mạnh khỏe tráng kiện, bệnh tật
ít phát sinh. Trong cuộc sống đời thường, sự liên hệ giữa thân-tâm
và cảnh có lẽ chúng ta cũng hơn một lần nhận biết. Cho nên, đối với
người tu có kết quả, dù chưa đến rốt ráo, nơi họ vẫn toát ra một cái
gì đó bình an tươi mát lạ lùng, và cái nhìn của họ trên mọi sự vật
cũng không còn mang tính chủ quan thiên kiến như chúng ta.
“Lúc
bấy giờ, Đại Phạm Thiên Vương cho đến hai mươi tám vị Thiên Vương và
Tu Di Sơn Vương, Hộ Quốc Thiên Vương... liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, rồi bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện bảo hộ người trì kinh này,
thường khiến an ổn, tâm không thối chuyển”: Đại Phạm Thiên Vương
và hai mươi tám vị Thiên vương là các vị ở cõi trời Sơ thiền Sắc
Giới; Tu Di Sơn Vương là Đế Thích, chủ cõi trời Đao Lợi; Hộ Quốc
Thiên Vương là Tứ Thiên Vương. Chư Thiên trong pháp hội cũng đảnh lễ
Phật và hứa bảo hộ người tu theo Viên Giác, khiến họ không bị lui
sụt.
“Lúc
ấy, có Đại Lực Quỉ Vương tên Kiết Bàn Trà cùng mười muôn quỉ vương
liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba
vòng, rồi bạch Phật rằng: “Bạch Thế Tôn! Chúng con cũng nguyện bảo
hộ người trì kinh này, sớm tối giữ gìn khiến không lui sụt. Chỗ ở
của người này trong phạm vi một do tuần, nếu có quỉ thần nào xâm hại
cảnh giới đó, con sẽ làm cho chúng nát bấy như vi trần !”: Đến
phiên các Quỉ vương cũng nguyện bảo hộ người trì kinh. Kiết Bàn Trà
hay Cưu Bàn Trà thường ở gần loài người, có nhiều thần thông, lại
đến nghe Phật giảng kinh nên là loài quỉ thiện. Cổ nhân có câu
“Đức trọng quỉ thần kinh”, người có đạo đức thật sự thì cả quỉ
thần cũng phải nể sợ. Do vì người tu hành Viên Giác, mang đại nguyện
thượng cầu hạ hóa, nên quỉ thần thường xuyên ủng hộ, không để kẻ ác
làm hại, đó là điều đương nhiên và dễ hiểu.
“Phật
thuyết kinh này rồi, tất cả Bồ tát, Thiên-Long, Quỉ thần, bà con của
tám bộ và chư Thiên, Phạm vương... thảy đều vui mừng tin, chịu, vâng
làm”: Đến đây kết thúc phần thuyết giảng của Đức Phật. Hội chúng
gồm các Bồ tát cùng Thiên-Long, quỉ thần, chư Thiên, Phạm Vương...
rất đỗi vui mừng vì được nghe những điều hy hữu. Nghe rồi, tin theo
kinh Viên Giác và tin ở Giác tánh sẵn đủ của chính mình. Có tin mới
có thọ nhận (chịu), cuối cùng vâng làm. Đó gọi là Tín, Thọ, Phụng
hành.
Chúng ta ở vào thời mạt pháp, cách xa Đức Phật đã 25 thế kỷ, nhưng
hôm nay vẫn còn được nghe những điều chưa từng có, phải biết chúng
ta cũng đã có túc duyên với Phật pháp từ bao đời. Học xong chương
này, chúng ta lại càng thấy niềm tin của mình được củng cố, không
sức gì lay chuyển nổi: Thứ nhất, tin rằng tất cả chúng sanh, dù là
hạ đẳng, đều có tâm Viên Giác bình đẳng như nhau. Thứ hai, tin rằng
chúng ta đều có khả năng thành Phật, nếu chúng ta đi theo con đường
Phật dạy, đi không biết mệt mỏi và không cần biết bao giờ sẽ đến
đích. Và cùng tất cả đại chúng trong pháp hội Viên Giác này, khi đã
có niềm tin, chúng ta cũng nguyện thọ nhận và vâng làm.
KẾT LUẬN
Đối với hàng căn cơ viên đốn, Đức Phật nhấn mạnh về cái Biết - chỉ
cần Biết mà không thêm gì khác. Như trong chương Văn Thù, Phật chỉ
bày Giác thể liễu liễu thường tri; dùng Trí huệ này soi chiếu thấy
vô minh kia như hoa đốm trong hư không, liền không theo hoa đốm ấy
mà lưu chuyển, cũng không có thân tâm thật để thọ nhận sự sanh tử,
ngay đó là giải thoát. Ở chương Phổ Hiền, Phật dạy các tướng thân
tâm của chúng sanh đều là huyễn hóa. Biết tất cả đều là huyễn nhưng
đều từ Diệu tâm Viên Giác sanh ra, nên là huyễn mà vẫn ở trong Như
tánh. Xa lìa tất cả huyễn đến chỗ không còn xa lìa được nữa, Bồ tát
đạt được Như huyễn tam muội.
Những bậc thượng căn nghe được những điều này, có thể “một nhảy
vào liền đất Như Lai”. Nhưng những hàng trung-hạ căn, nhất là
chúng sanh đời mạt như chúng ta, có lẽ mù mịt không hiểu được gì. Vì
vậy, các vị Đại Bồ tát trong hội chúng đã thỉnh Phật giảng về những
phương tiện tiệm thứ. Và trong những chương sau, Đức Phật đã chỉ bày
cặn kẽ để chúng ta có cơ hội tiến tu.
Do
chúng ta từ vô lượng kiếp đã tạo tác bao ác nghiệp, nên muốn tu theo
Viên Giác, trước tiên phải sám hối. Chí thành khẩn thiết cầu mười
phương chư Phật chứng minh, nguyện sám hối cho thân khẩu ý được
thanh tịnh. Trong tinh thần này, Phật cũng dạy luôn cách an cư theo
Bồ tát thừa cùng những chi tiết sắp xếp công việc trong ngoài cho
chu đáo.
Những phương tiện tu hành theo thứ lớp, chủ yếu gồm ba pháp môn gọi
là ba Tịnh quán: Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và Thiền-na. Ba pháp môn
có thể tu riêng rẽ hoặc kết hợp nhau thành 25 cách, gọi là 25 định
luân, tùy ý hành giả chọn lựa cách nào thích hợp với trình độ và căn
cơ của mình. Một điều đặc biệt cần lưu ý là, dù các phương tiện này
được cho là Tiệm-thứ, nhưng đều lấy tâm Viên Giác làm chỗ sở qui,
tức là tu từ trong tu ra. Nếu tu Xa-ma-tha, phải lấy sự chí tĩnh,
tức sự vắng lặng cùng cực của tâm làm đầu. Tu Tam-ma-bát-đề, phải
nhớ nghĩ một cách chân chánh đến mười phương chư Phật-Bồ tát. Tu
Thiền-na, dùng cách đếm hơi thở, vừa định tâm vừa rõ biết tất cả vạn
hữu trong khắp pháp giới.
Đường tu dài vạn dặm, biết bao nhiêu chông gai cách trở, bao nhiêu
chướng ngại đến từ bên ngoài và cả bên trong, mà hành giả lại chỉ có
đôi chân lê từng bước. Nếu không có thầy lành bạn tốt chỉ dẫn và dìu
dắt, nếu không biết nơi nào là lũng sâu hố thẳm, nếu không có những
cột mốc và dấu hiệu bên đường thì khó tránh bước lầm vào ngã rẽ. Chỉ
sai một bước thì càng đi càng xa với đạo. Cho nên, Phật đã dạy cho
chúng ta rất cặn kẽ, làm sao tìm được thầy lành bạn tốt, xa lánh tà
sư (dựa vào 4 bệnh Tác, Chỉ, Nhậm, Diệt); làm sao biết mình tu đúng
hay sai (nhờ 4 tướng Ngã, Nhơn, Chúng sanh, Thọ mạng). Ngài còn
khuyến cáo chúng ta, trong khi thiền định, nếu thấy những cảnh giới
mình chưa được nghe giảng dạy thì không nên chấp mà sanh tâm mừng
hay sợ, vì đó là ma cảnh do tâm an định phát sinh ra.
Nhờ Minh sư dìu dắt, nhờ bạn tốt giúp đỡ, lại có kinh giáo làm kim
chỉ nam, chúng ta biết rõ đường hướng, tu hành được lợi lạc. Nhưng
không phải chỉ biết có riêng mình, chúng ta còn phải nhớ đến những
chúng sanh đang sống trong vô minh tăm tối. Vì vậy, chúng ta phát
đại nguyện giáo hóa tất cả chúng sanh trong sáu đường ba cõi. Bất cứ
chúng sanh nào có duyên với ta, dù đang ở đâu, ta cũng phải nguyện
đến đó, trục loại tùy hình, tùy duyên hóa độ cho chúng sanh ấy thoát
khỏi sanh tử luân hồi. Những người tu theo Đại thừa đều khởi tâm Bồ
đề thượng cầu hạ hóa, mới tròn hạnh tự lợi lợi tha.
Pháp hội Viên Giác đến đây là kết thúc. Khi xếp quyển kinh lại,
trong lòng chúng ta còn lắng đọng những điều gì?
-
Thứ nhất, thâm ý của Đức Phật lúc thuyết kinh này cho đại chúng: Chỉ
thẳng cho mọi người nhận ra tâm Viên Giác sẵn đủ và bình đẳng cùng
chư Phật.
-
Thứ hai, đã biết mình có chánh nhơn thành Phật, chúng ta phải nương
theo lời Phật dạy trong kinh, tinh tấn tu hành để đạt được chánh quả.
-
Thứ ba, để đền đáp ơn sâu của Phật-Tổ trong muôn một, chúng ta phải
phát nguyện độ tất cả chúng sanh thoát khỏi sanh tử luân hồi, đồng
tròn đạo nghiệp.
Mong rằng tất cả chúng ta, cuối cùng đều hòa nhập vào nhất thể, vào
pháp giới tánh thanh tịnh là tâm Viên Giác của chính mình.
~~oOo~~