- Kinh
Viên Giác
-
Luận Giảng
-
Chánh văn và Lược giải
II- CHƯƠNG
VĂN THÙ
Trước khi đi vào phần chính yếu
của bản kinh, chúng ta cần biết những mức độ giác ngộ, để có một khái
niệm chung về các cấp bậc tu chứng. Từ đó, chúng ta có thể tự biết mình
đang đến đâu trên đường tu, tránh sự lầm lẫn đôi khi tai hại, làm chướng
ngại cho chúng ta khi học Phật. Thật ra, giác ngộ tột cùng thì không có
thứ lớp, nhưng đi trên đường, kể cả con đường đưa đến giải thoát, bước
trướùc phải khác bước sau. Trong Thiền tông, lúc đầu có tiểu ngộ, tỉnh
ngộ, giải ngộ; sau đó đến đốn ngộ (đại ngộ), triệt ngộ và cuối cùng là
chứng ngộ. Ở đây, chúng ta cũng cần tìm hiểu ba cấp bậc giác ngộ theo
Giáo tông: Bản giác, Thủy giác và Cứu cánh giác.
*
Bản giác: Là sự giác ngộ sẵn đủ ở mọi chúng sanh, dù là chúng
sanh hạ đẳng, ở Phật không thêm mà ở chúng sanh cũng không bớt. Có điều,
chúng sanh lại quên đi tự tánh Viên Giác của mình, mãi chạy theo trần
cảnh mà lăn lộn trong sáu nẻo luân hồi (bối giác hiệp trần); còn
Phật đã bỏ trần cảnh để sống trong pháp giới thanh tịnh (bối trần
hiệp giác) nên Ngài là Bậc giác ngộ viên mãn. Kinh Viên Giác cũng
nhằm khơi dậy cái bản giác này ở mỗi chúng sanh, để mỗi chúng sanh tự
hồi phục cái chức năng xa xưa của mình.
*
Thủy giác: Thủy là mới, Thủy giác là sự giác ngộ mới đạt được.
Chúng ta học Phật, hành trì theo Phật chính là để đạt được thủy giác;
người xuất gia bao nhiêu năm tam thường bất túc, quay lưng với ngũ dục
cũng để đạt được cái thủy giác này. Cho nên, tinh thần thủy giác là tinh
thần cần phải ôm ấp, thao thức, sống chết với nó. Nếu không có thao thức
thì không bao giờ có cái thấy biết thâm sâu. Ngài Linh Vân suốt ba mươi
năm ấp ủ nỗi niềm thao thức, một hôm thấy hoa đào nở, thủy giác được
phát hiện :
“Tam
thập niên lai tầm kiếm khách
Kỷ
hồi lạc diệp kỷ trừu chi
Tự
tùng nhất kiến đào hoa hậu
Trực
chí như kim bất cánh nghi”.
Tạm
dịch :
“Ba
chục năm qua tầm kiếm khách
Bao
hồi lá rụng với cành trơ
Từ
khi chợt thấy hoa đào nở
Mãi
đến hôm nay hết bóng ngờ”.
Thủy
giác là một ánh hào quang chiếu diệu hư minh, ở đó không có người thấy
và đối tượng thấy, không có người biết và đối tượng biết. Khi cái biết
và cái bị biết ở trong trạng thái như thị, tức thời ánh bình minh giác
ngộ bừng lên. Từ đó về sau, ánh giác đó đi vào cuộc đời để nhiêu ích cho
muôn loài. Cho nên, đối với chúng ta, hồi phục chức năng thủy giác là
một điều tối hệ trọng, là ý nghĩa cao cả của một đời tu; còn tham thiền
tịnh lự, thu nhiếp thân tâm, tu tập chỉ quán... đều chỉ là những phương
tiện để đạt được mục đích kia. Thiền định như một diễn trình, giác ngộ
như điểm cuối cùng của diễn trình đó. Người tu đạt được định, dù sâu
cách mấy mà chưa giác ngộ, cũng vẫn mới ở Hóa thành chứ chưa phải là Bảo
sở.
Một số
người tu, không lầm phương tiện với cứu cánh, nhưng lại lầm ở chỗ xem
chức vụ, quyền hành trong đạo là mục đích của đời mình. Đây là điều vô
cùng tai hại. Ai cũng biết, ý nghĩa của xuất gia là xuất thế tục gia,
xuất phiền não gia và xuất tam giới gia. Ở đây, ý niệm ban đầu của họ
lại là đạt được một lợi ích nào đó thuộc thế gian, thì thử hỏi, làm sao
trong bao nhiêu năm còn lại mà có thể giác ngộ được? Trong khi người học
đạo cần cầu sự hiểu biết tối thượng, phải thao thức tìm tòi nghiên cứu,
lắng sâu tâm thức để sẵn sàng cho ánh giác phát sinh, họa may mới có
phần tương ưng. Đàng này, ý niệm tu học là để đạt được một cái gì của
thế tục, thì đã sai lạc vào ngõ rẽ rồi.
Vì
vậy, người xuất gia phải có ý chí mạnh mẽ, tấm lòng thiết tha mong sáng
được việc lớn. Nhiếp tâm thiền định, buông vọng tưởng, an trú trong hiện
tại, thực hiện chánh niệm..., đó là phương tiện. Còn sự giác ngộ tối
thượng, đó mới là cứu cánh. Chỉ khi nào chúng ta thực chứng, mới có thể
tác động lên tâm thức của người khác một cách hiệu quả. Nếu chỉ có định
mà không có huệ, ấy gọi là si-định. Khi Lục tổ Huệ Năng nghe giảng đến
đoạn “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, Bất ưng trụ thanh hương vị xúc pháp
sanh tâm, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Ngài không trụ vào các
pháp mà đồng thời ánh giác chiếu diệu cùng khắp, định và huệ đồng thời
phát sinh. Đây gọi là Định - Huệ đẳng trì, tức định tức huệ, chính là
định của tự tánh và huệ của tự tánh. Tinh thần Tối thượng thừa là như
thế.
Khi
thủy giác phát sinh, ta sẽ nhận ngay trong một sát-na chứa đựng được
vĩnh hằng, núi Tu Di nằm trong hạt cải. Ý niệm về thời gian và không
gian tự nhiên tiêu dung. Ta mới thấy, thời gian và không gian chỉ là con
đẻ của vọng tưởng, mà thân tâm của ta, kể cả các pháp bên ngoài, đều sản
sinh từ thời gian và không gian; lâu nay chúng ta lầm chấp cho tất cả
đều là thật nên cứ quanh quẩn trong rừng vô minh. Bây giờ, ánh giác bừng
lên, vô minh sẽ vĩnh viễn lui bóng; một ngọn đèn thắp lên, ngôi nhà muôn
đời tối tăm tức thời được chiếu sáng. Cuộc đời ta bắt đầu chuyển đổi,
bên ngoài ta vẫn giống người thường, nhưng bên trong chứa đựng sự phi
thường. Đức Phật cũng là một con người, cũng ăn uống sinh hoạt như bao
người khác, nhưng vì Ngài đã ở trong tự tánh Viên Giác nên không còn
phiền não, đời sống của Ngài an lạc và biểu hiện ra sáu căn thanh tịnh,
lặng lẽ.
*
Cứu cánh giác: Khi đã có thủy giác, chúng ta vẫn phải tiếp
tục con đường tu hành, nhưng tu bằng cách vô công dụng hạnh để đạt đến
cứu cánh giác. Điều này có nghĩa là, khi phục hồi được thủy giác, chúng
ta phải hành Bồ tát đạo trong nhiều đời nhiều kiếp để viên mãn công
hạnh, thành tựu Phật quả. Cho nên, chúng ta đừng tưởng các vị Thiền sư,
khi đã kiến tánh liền được như Phật. Kiến tánh chỉ là chánh nhơn tu
hành, là nhận ra Phật tánh của mình đồng đẳng với Phật, để mình có một
niềm tin kiên định, rồi từ đó về sau tinh tiến tu hành, gột sạch tập khí
cho đến giác ngộ viên mãn.
“Khi
ấy, ở trong đại chúng, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ dưới chân Phật, đi quanh bên phải ba vòng, quỳ dài chắp tay mà
bạch Phật rằng: “Đức Đại Bi Thế Tôn! Mong Ngài vì pháp chúng đến trong
hội này mà nói về nhơn địa pháp hạnh thanh tịnh bổn khởi của Như Lai; và
nói về hàng Bồ tát ở trong Đại thừa phát tâm thanh tịnh xa lìa các thứ
bệnh, có thể khiến chúng sanh mạt thế ở đời vị lai cầu pháp Đại thừa,
không rơi vào tà kiến”. Nói xong, năm vóc gieo xuống đất, lập đi lập lại
như vậy ba lần.
Lúc
bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng: “Lành thay! Lành
thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát mà thưa hỏi
pháp hạnh ở nơi nhơn địa của Như Lai, và vì tất cả chúng sanh đời mạt
cầu pháp Đại thừa, được chánh trụ trì, chẳng lạc tà kiến. Ông hãy lắng
nghe, ta sẽ vì ông mà nói”.
Khi
ấy, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vui mừng vâng theo lời dạy, cùng đại chúng
lắng tâm nghe kỹ.
“Này
Thiện nam tử! Đấng Pháp vương vô thượng có môn Đại Đà La Ni, gọi là Viên
Giác, lưu xuất ra tất cả pháp thanh tịnh, chơn như, Bồ đề, Niết bàn và
pháp Ba-la-mật để dạy bảo hàng Bồ tát. Tất cả nhơn địa bổn khởi của Như
Lai đều y vào Viên-chiếu thanh tịnh giác tướng này mà hằng đoạn vô minh,
mới thành Phật đạo.
Thế
nào là Vô minh? -Này Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến
nay,bị nhiều thứ điên đảo giống như người mê, thấy bốn phương đổi chỗ,
vọng nhận tứ đại làm tướng của tự thân, sáu trần duyên ảnh làm tướng của
tự tâm, khác nào người bị con mắt nhặm thấy hoa đốm lăng xăng trong hư
không và mặt trăng thứ hai.
Này
Thiện nam tử! Trong hư không thật ra không có hoa, nhưng vì bệnh mà vọng
chấp đó thôi. Bởi do vọng chấp, nên chẳng những lầm tự tánh của hư không
này, mà còn lầm trong hư không thật sanh ra hoa. Do đây mà vọng có sự
lưu chuyển trong sanh tử, nên gọi là vô minh.
Này
Thiện nam tử! Vô minh này chẳng thật có tự thể. Như người nằm mộng, khi
mộng chẳng phải không, đến lúc tỉnh giấc thì rõ ràng không có gì cả. Như
các hoa đốm diệt trong hư không, không thể nói nhất định có chỗ diệt. Vì
sao? - Vì vốn không có chỗ sanh vậy. Tất cả chúng sanh vốn ở trong thể
vô sanh mà lại vọng thấy có sanh có diệt, thế nên nói là lưu chuyển sanh
tử.
Này
Thiện nam tử! Như Lai khi còn nhơn địa tu nơi Viên Giác, biết là không
hoa liền không bị lưu chuyển, cũng không có thân tâm để thọ nhận sự sanh
tử kia. Chẳng phải tạo tác nên không, mà bổn tánh vốn không. Cái tri
giác kia cũng giống như hư không, biết cái hư không tức là tướng không
hoa, nhưng cũng không thể nói nó không có tánh Tri giác. Có - Không đều
trừ sạch, đó gọi là Tùy thuận Tịnh giác.
Vì
cớ sao? - Bởi vì tánh hư không, vốn thường bất động, trong Như Lai tàng
không có sinh diệt, không có tri kiến, nên tánh nó như pháp giới cứu
cánh viên mãn cùng khắp mười phương.
Ấy
gọi là Nhơn-địa-pháp-hạnh. Bồ tát nhơn đây, ở trong Đại thừa phát tâm
thanh tịnh; chúng sanh đời mạt nương vào đây tu hành chẳng rơi vào tà
kiến”.
Lúc
bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng :
Văn Thù ông nên biết!
Tất cả Đức Như lai,
Từ nơi Bổn-nhơn-địa,
Đều dùng trí huệ giác,
Liễu đạt được vô minh.
Biết nó như không hoa,
Liền được khỏi lưu chuyển.
Lại như người trong mộng,
Khi tỉnh không thấy gì.
Biết rõ như hư không,
Bình đẳng không động chuyển.
Biết khắp mười phương cõi,
Liền được thành Phật đạo,
Các huyễn diệt không nơi,
Thành đạo cũng không được,
Vì bổn tánh viên mãn.
Bồ tát ở trong này,
Hay phát tâm Bồ đề,
Chúng sanh ở đời mạt,
Nương đây khỏi tà kiến!
Vì sao
Ngài Văn Thù xuất hiện trước tiên trong số 12 vị Bồ tát? - Chúng ta nên
biết, Bồ tát Văn Thù tượng trưng cho Căn-bản-trí, Chơn-trí, Thật-trí.
Căn-bản-trí là vô ngôn vô ngữ, nhưng từ chỗ vô ngôn này mà hiểu được tất
cả ngôn ngữ. Chủ yếu của kinh Viên Giác cũng là nói đến Căn bản trí. Đức
Phật tùy theo sự thưa thỉnh của Ngài Văn Thù, liền đi thẳng vào vấn đề
không quanh co, không thứ lớp. Đức Phật muốn chỉ thẳng cho hàng Bồ tát
và chúng sanh nhận ra tự tâm Viên Giác của chính mình, mà trong kinh gọi
là Nhơn-địa pháp-hạnh của Như Lai. Trước nhận ra tánh Viên Giác, sau đó
khởi tu, mới có thể viên thành Phật đạo. Như vậy, ta thấy rõ kinh Viên
Giác đúng là thuộc Đốn giáo Đại thừa, mà chương Văn Thù có thể nói là
căn bản cho toàn thể bản kinh.
“Khi
ấy, ở trong đại chúng, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi liền từ chỗ ngồi đứng dậy”:
Bồ tát Văn Thù ở trong đại chúng đứng dậy có ý nghĩa là, từ nơi nhất
thể thanh tịnh vô ngôn ngữ mà Căn-bản-trí khởi lên diệu dụng. Đại chúng
ở đây gồm bậc Đại Bồ tát và quyến thuộc của các Ngài, nên nói “đại
chúng” là biểu hiện sự thanh tịnh. Lại nữa, người nói pháp là Phật,
nơi nói pháp là cõi Tịnh độ, nên cũng là những hình ảnh tượng trưng của
nhất thể thanh tịnh. Bồ tát Văn Thù, vì các hàng Bồ tát và chúng sanh
đời mạt, nên khởi đại trí, đại bi, đại nguyện, đứng dậy thưa hỏi Phật
chánh nhơn tu hành; đây biểu hiện cho diệu dụng của tự tánh Viên Giác.
“...
đảnh lễ dưới chân Phật”: Theo quan niệm thông thường, đỉnh đầu là
chỗ tôn quý, còn chân là nơi tiện. Lấy cái quý đảnh lễ cái tiện, nói lên
ý nghĩa quý tiện không hai, đây là lý bất nhị, từ trí Viên Giác tức trí
thể phóng xuất ra.
“Đi
quanh bên phải ba vòng, quỳ dài chắp tay mà bạch Phật rằng”: Trong
32 tướng tốt của Phật có một tướng là tóc của Ngài xoắn về bên phải; do
vậy, bên phải được xem là chiều thuận. “Đi quanh bên phải” ám chỉ sự tùy
thuận pháp tánh. “Ba vòng” tiêu biểu cho thời gian tu ba đại
A-tăng-kỳ kiếp của các vị Bồ tát, từ lúc nhận ra tánh Viên Giác đến khi
viên thành Phật quả. Đây là con số tượng trưng, nói lên sự lâu xa đến vô
lượng kiếp của các vị Bồ tát, khi tự giác rồi phải nguyện đi vào trong
lục đạo để giáo hóa chúng sanh (giác tha), thì mới viên mãn được giác
hạnh.
“Đức
đại bi Thế Tôn! Mong Ngài vì pháp chúng đến trong hội này mà nói về
nhơn-địa pháp-hạnh thanh-tịnh bổn-khởi của Như lai”: Pháp chúng ở
đây gồm các đại Bồ tát cùng quyến thuộc. Bổn khởi là tâm phát khởi đầu
tiên, tức Bồ đề tâm. Bồ đề tâm chỉ ở hàng Bồ tát Đại thừa mới có. Ý Bồ
tát Văn Thù muốn thỉnh Phật nói rõ chánh nhơn tu hành của Như Lai, để
chỉ bày chân lý và để làm tiêu chuẩn phát tâm cho các Bồ tát Đại thừa.
“...
Và nói về hàng Bồ tát ở trong Đại thừa phát tâm thanh tịnh xa lìa các
thứ bệnh”: Các Bồ tát ở trong Đại thừa là những bậc Bồ tát không
thích tiểu pháp, muốn được chỉ thẳng pháp rốt ráo để đạt quả vị Phật. “Phát
tâm thanh tịnh” là y nơi nhơn địa pháp hạnh của Phật mà phát tâm Bồ
đề. “Các bệnh” ám chỉ những điều chướng ngại trên đường tu, sinh
ra từ kiến giải và từ việc tu hành không đúng chánh pháp. Đây là vấn đề
thứ hai mà Ngài Văn Thù muốn hỏi Phật, những Bồ tát Đại thừa đã phát tâm
thanh tịnh, phải làm thế nào để xa lìa các thứ bệnh, để đạt được cứu
cánh viên mãn.
“...
Có thể khiến chúng sanh mạt thế ở đời vị lai cầu pháp Đại thừa, không
rơi vào tà kiến”: Ngài Văn Thù không những vì pháp chúng đương thời,
mà còn vì chúng sanh ở đời sau để thưa hỏi Phật. Điều này cho thấy tâm
từ của Ngài thật là thắm thiết.
“Nói
xong, năm vóc gieo xuống đất, lập đi lập lại như vậy ba lần”: Năm
vóc là trán, hai bàn tay và hai đầu gối. Ngài Văn Thù lạy Phật và thưa
thỉnh Phật như vậy ba lần.
“Lúc
bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rằng: “Lành thay! Lành
thay! Này Thiện nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát mà thưa hỏi
pháp-hạnh ở nơi nhơn địa của Như Lai, và vì tất cả chúng sanh đời mạt
cầu pháp Đại thừa, được chánh trụ trì, chẳng lạc tà kiến. Ông hãy lắng
nghe, Ta sẽ vì ông mà nói”: Đây là lời hứa khả của Đức Phật để giải
đáp câu hỏi của Bồ tát Văn Thù. “Lành thay! Lành thay !” là lời
khen ngợi của Đức Phật, nhắc lại hai lần để tăng sức mạnh cho lời khen,
vì điều Ngài Văn Thù thưa thỉnh rất khế cơ và khế lý. Chữ “Chánh trụ
trì” có hai nghĩa: Theo nghĩa thứ nhất, Trụ là trụ pháp vương gia
(an trụ trong nhà pháp vương), Trì là trì Như Lai tạng (giữ gìn kho báu
Như Lai). Nghĩa thứ hai là thực hành theo chánh pháp để an trụ và giữ
gìn tự tánh Viên Giác. Chỉ có chánh trụ trì mới khỏi rơi vào tà kiến.
“Khi
ấy, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi vui mừng vâng theo lời dạy, cùng đại chúng
lắng tâm nghe kỹ”: Ngài Văn Thù và toàn thể đại chúng đều bặt hết
các duyên, dồn hết tâm lực vào việc lắng nghe lời Phật dạy. Đây chính là
nghe theo ý nghĩa lóng thần nghe pháp, không có người nghe và đối tượng
được nghe.
“Này
Thiện nam tử! Đấng Pháp vương vô thượng có môn Đà-la-ni, gọi là
Viên-Giác”: Câu đáp đầu tiên của Đức Phật đã đi thẳng vào vấn đề cốt
tủy của giáo lý Tối thượng thừa, không quanh co, không thứ lớp. “Pháp
vương” là vua pháp, vì Đức Phật làm chủ được muôn pháp, đối với các
pháp được tự tại. “Vô thượng” vì quả vị này là Phật vị, không có
quả vị nào hơn nữa. Đức Phật ngộ được Viên Giác nên giới thiệu môn Đại
Đà-la-ni gọi là Viên Giác. Trong kinh điển Đại thừa thường nhắc đến từ “Đà-la-ni”.
Đại Đà-la-ni, Trung-hoa dịch là Đại Tổng Trì. Đại là lớn; Tổng là
nhiếp thu, trùm chứa tất cả các pháp, không có pháp nào ở ngoài nó; Trì
là giữ gìn. Như vậy Đại Đà-la-ni tức Viên Giác, tổng nhiếp và gìn giữ
tất cả các pháp, là chỗ tựa của muôn sự muôn vật. Chúng sanh và mọi sự
vật đều sẵn đủ tự tánh Viên Giác này, vì nếu không có tánh Viên Giác,
tất cả không thể hiện hữu. Khi giác ngộ được tánh Viên Giác và tu hành
viên mãn, sự hiểu biết của ta sẽ trùm khắp mười phương. Bồ tát Quán Thế
Âm nhờ có Đại Đà-la-ni này nên ứng hóa thiên thủ thiên nhãn, tùy tâm
lượng của chúng sanh mà hiện thân cứu độ. Có thể nói, Đại Đà-la-ni này
tổng nhiếp tám vạn bốn ngàn Đà-la-ni như Văn trì Đà-la-ni, Ngữ trì
Đà-la-ni... Tất cả các bậc đã đoạn hoặc chứng chơn, tức các quả vị nằm
trong những Đà-la-ni, nếu chưa nhận ra tự tánh bản hữu của mình tức tánh
Viên Giác, thì chưa phải là viên mãn giác ngộ.
“...
lưu xuất ra tất cả pháp thanh tịnh, Chơn như, Bồ đề, Niết bàn và pháp
Ba-la-mật để dạy bảo hàng Bồ tát”: Đây là một đặc tính quan trọng
của tánh Viên Giác. Vì sao từ Viên Giác có thể lưu xuất tất cả các pháp
thanh tịnh, Chơn như, Bồ đề, Niết bàn và các pháp Ba-la-mật? - Bởi vì
mọi từ ngữ đều lưu xuất từ trí giác của Đức Phật, khi Phật giác ngộ Viên
Giác là đã hiểu rõ tường tận tất cả pháp môn. Một người tu theo Đại
thừa, nếu giác ngộ tự tánh Viên Giác thì sức sống của họ là kinh nghiệm
thực chứng, nội chứng, không ai có thể chiếm hữu. Thiền Đốn ngộ đi thẳng
vào chỗ tâm chứng này mà không qua ngôn ngữ; rồi từ chỗ chứng ngộ đó mà
hiện thành sức sống mãnh liệt, truyền bá cho chúng sanh. Một mặt nói bất
lập văn tự, mà mặt khác, văn tự ngữ ngôn của Thiền tông lại nhiều hơn
các tông phái khác.
Chủ ý
của Đức Phật ở đây, là giới thiệu cho đại chúng trong pháp hội và cho
chúng sanh đời mạt phải nhận ra tự tánh Viên Giác của chính mình, từ đó
làm chỗ y cứ chánh nhơn tu hành, từ đó khởi tu lục độ Ba-la-mật. Thế nào
là lục độ Ba-la-mật? Ba-la-mật là tiếng Phạn, Trung-hoa dịch là Đáo bỉ
ngạn, nghĩa là qua bờ kia, từ bờ mê của phàm phu nhảy một bước qua bờ
giác ngộ của Phật. Lục độ gồm Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn,
Thiền định, Trí tuệ. Nếu lục độ mà không có Ba-la-mật thì không còn mang
ý nghĩa rốt ráo của Đại thừa, vì tinh thần Ba-la-mật làm nên tinh thể
của Bồ tát đạo, lập nên đại nguyện độ sanh của Bồ tát, là pháp tu của Bồ
tát Đại thừa. Có thể nói, Ba-la-mật là mật hạnh, là đại hạnh của Bồ tát
dù là Bồ tát thuận hạnh hay nghịch hạnh. Bởi vì sao? - Vì ý nghĩa
Ba-la-mật là phải đạt đến vô trú, vô trước, vô nhiễm, vô chấp; lấy chỗ
vô sở đắc, vô sở hữu mà hành đạo. Việc độ sanh của Bồ tát là việc làm
không kể công, không chấp tứ tướng (ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả); làm
như bóng nhạn qua sông, dù ảnh hiện dưới nước nhưng nhạn không có ý lưu
dấu, cũng như nước không có tâm giữ ảnh:
Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm.
Đây
chính là hành vô hành.
“Tất
cả nhơn địa bổn khởi của Như lai đều y vào Viên chiếu thanh tịnh giác
tướng này mà hằng đoạn vô minh, mới thành Phật đạo”: Không những
hàng Bồ tát truyền trao các pháp lưu xuất từ tánh Viên Giác, mà ngay
chánh nhơn tu hành của Đức Phật cũng đều y vào tánh Viên Giác này để
hằng đoạn vô minh. Vậy việc đoạn vô minh của Phật khác với chúng sanh ở
chỗ nào? - Đức Phật nhận ra tánh Viên Giác trước, sau đó mới tu, nghĩa
là tu từ bên trong tu ra. Ngộ rồi mới tu, giác ngộ tự tánh rồi mới đoạn
vô minh nên vô minh hằng dứt mà không tái khởi. Đây cũng là tinh thần
của Thiền Đốn ngộ, kiến tánh khởi tu hay đốn ngộ tiệm tu. Còn chúng ta,
chưa nhận ra tự tánh của chính mình, nên đường tu hành thường bị lui
sụt, vô minh phiền não cứ còn hoài.
“Thế
nào là vô minh? ”: Vô minh được hiểu theo nhiều cách. Có nơi nói Vô
minh là không nhận ra thực tướng của vạn pháp; có nơi nói Vô minh là
chấp lầm thân ngũ uẩn cho là thật. Ở đây, Phật giải thích :
“Này
Thiện nam tử! Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, bị nhiều thứ điên
đảo giống như người mê, thấy bốn phương đổi chỗ, vọng nhận tứ đại làm
tướng của tự thân, sáu trần duyên ảnh làm tướng của tự tâm”: Phật
giảng, căn bản vô minh là do chúng sanh từ vô thủy, bị nhiều thứ điên
đảo làm quên bản giác, chạy theo trần cảnh, giống người mê lầm lối đi.
Hình ảnh được mượn để diễn tả vô minh là hình ảnh của một người bị lầm
phương hướng, giống người đi trên thuyền thấy bờ chạy, mây bay lại tưởng
trăng dời. Đây là cái thấy lầm nên gọi là điên đảo.
“Thấy
bốn phương đổi chỗ”: Bốn phương ám chỉ tứ đại: đất - nước - gió -
lửa. Phật bảo chúng sanh mê lầm, vọng nhận tứ đại là tôi, của tôi, tự
ngã của tôi. Đây là cái vô minh thứ nhất. Thật ra, tứ đại năng tạo (đất,
nước, gió, lửa bên ngoài) hay tứ đại sở tạo (đất, nước, gió, lửa trong
thân), đều chỉ là duyên sinh giả hợp. Thân này được tạo ra là do vay
mượn từ tứ đại bên ngoài, chứ có gì là thật mình đâu?
Vô
minh thứ hai là vọng nhận sáu trần duyên ảnh làm tướng của tự tâm. Chúng
ta hãy tự xét, có phải cái tâm ưa suy nghĩ lăng xăng là duyên từ bóng
dáng của sáu trần không? Khi ta thấy sắc, cái sắc đó lưu ảnh trong tâm,
rồi khởi lên yêu ghét; khi nghe tiếng, tiếng đó cũng lại lưu ảnh trong
tâm... Những danh tự tướng đã qua, trở thành những hạt giống bên trong
tâm, và chúng ta vọng nhận những hạt giống sinh diệt đó là thật tâm
mình. Kỳ thực, chúng chỉ là những cái bên ngoài tác động vào tâm thức
rồi lưu ảnh, chúng là sinh diệt.
Như
vậy, thân là do tứ đại tạo nên, tâm là bóng dáng của sáu trần, nên không
có tứ đại thì không có thân, không có sáu trần thì không có tâm. Thử
hỏi, thân tâm này là của ai? Trong nhà Thiền có một công án “Ngã thị
thùy? ” - Ta là ai?. Khi nào chúng ta hiểu được mình là ai, lúc đó
ta sẽ thấy tánh Viên Giác hiện ra lồ lộ. Tuy nhiên, có một điều cần lưu
ý, nếu cho rằng tánh Viên Giác là đối tượng để thấy hiểu, thì đó không
phải là tự tánh của mình. Bởi vì, tánh Viên Giác không phải là một đối
tượng nhận biết, mà là chủ thể của cái biết, nó chính là tự thân của cái
biết. Cho nên, đem cái Biết để biết lại cái Biết, là một điều lầm lẫn
lớn.
“...
khác nào người bị con mắt nhặm thấy hoa đốm lăng xăng trong hư không
và mặt trăng thứ hai”: Hoa đốm trong hư không là một hình ảnh rất
hay để diễn tả sự thấy biết lầm lẫn của chúng sanh, mà dường như bộ kinh
Đại thừa nào cũng có đề cập đến. Một hình ảnh khác, là mặt trăng thứ
hai. Thật ra, trong hư không đâu có hoa đốm, và trên bầu trời chỉ có một
mặt trăng; do vì mắt nhặm nên thấy lầm. Muốn không thấy lầm, phải trị
bệnh ở mắt. Hoa đốm tự mất, mặt trăng thứ hai tự mất khi mắt hết bệnh.
Vậy chúng có thật sanh không? – Chúng chưa từng sanh, nên cũng chưa từng
diệt. Đó chỉ là huyễn sanh, huyễn diệt, vì thực chất chúng chưa từng
sanh diệt, do mắt bệnh mà thấy chúng có sanh có diệt đó thôi. Cũng vậy,
thân tâm của chúng ta là duyên hợp giả có, chỉ là huyễn sanh huyễn diệt.
Các Ngài khi đã giác ngộ, thấy rõ lẽ này nên sống trong cuộc đời như
chơi, làm Phật sự như chơi và lúc chết cũng chỉ như chơi. Lối sinh hoạt
hư hư thực thực đó lại là biểu hiện của một sức sống mãnh liệt, trào
dâng, mà chỉ những Bồ tát Đại thừa mới có được.
“Này
Thiện nam tử! Trong hư không thật ra không có hoa, nhưng vì bệnh mà vọng
chấp đó thôi. Bởi do vọng chấp, nên chẳng những lầm tự tánh của hư không
này, mà còn lầm trong hư không thật sanh ra hoa. Do đây mà vọng có sự
lưu chuyển trong sanh tử, nên gọi là vô minh”: Ở đây, Phật chỉ ra ba
điều lầm của chúng sanh: thứ nhất là vọng chấp có hoa thật; thứ hai, vì
vọng có hoa đốm mà quên cái tự tánh của hư không; thứ ba, lầm trong hư
không thật có hoa sanh ra. Cũng vậy, từ vô thủy đến nay, chúng sanh vọng
chấp thân tứ đại này là thật có, tâm vọng tưởng lăng xăng này là thật
có, mà quên đi tự tánh Viên Giác của chính mình. Từ đó, vọng có sự lưu
chuyển trong sanh tử, vì vọng chấp có thực sanh thực diệt. Ấy gọi là vô
minh.
“Này
Thiện nam tử! Vô minh này chẳng thật có tự thể. Như người nằm mộng, khi
mộng chẳng phải không, đến lúc tỉnh giấc thì rõ ràng không có gì cả”:
Vì vô minh không có tự thể, nên khi trực nhận tánh giác, tức khắc vô
minh biến mất mà không nói phải tu như thế nào. Ví như người nằm mộng,
trong giấc mộng thấy người cảnh đều thật, đến khi thức dậy thì hoàn toàn
không có gì cả. Như vậy, vô minh và giác ngộ chỉ cách nhau một sát na,
như khi nằm mộng so với lúc tỉnh giấc. Bồ tát Quán Thế Âm, do tỉnh cơn
trường đại mộng, soi thấy năm uẩn đều không, nhờ trí tuệ Bát nhã, đã
vượt qua được mọi khổ ách. Từ đó, Ngài thị hiện các ứng hóa thân để cứu
độ muôn loài.
“Như
các hoa đốm diệt trong hư không, không thể nói nhất định có chỗ diệt. Vì
sao? - Vì vốn không có chỗ sanh vậy”: Chính vì “không có chỗ
sanh” này mà trong Trung-quán-luận, từ đầu đến cuối đều phủ nhận
không sanh tử cũng không Niết-bàn, không phiền não cũng không Bồ đề...
Tưởng chừng tinh thần “Bát-bất Trung-đạo” này, cái phá của Bát
nhã này, là phủ định một cách tột cùng; nhưng đàng sau cái phủ định tột
cùng đó lại mở ra một chân trời mới lạ. Cái đó vượt ngoài ngôn ngữ,
ngoài ý thức suy luận. Bởi thế, nhiệm vụ của các kinh điển Bát nhã là
phá tất cả mọi chấp trước, dù là chấp có Niết-bàn; để ý thức phân biệt
chia chẻ, vọng tưởng vọng niệm của mình bặt dứt, tự nhiên tánh Viên Giác
hiện tiền! làm sao đến được chỗ này? - Chỉ khi nào chúng ta bặt hết
duyên lự, một niệm tương ưng, thì vĩnh viễn ta ở ngay tại đây và bây
giờ. Vĩnh viễn ở trong sát na hiện tại, ta sẽ thấy các pháp chưa từng
sanh diệt, sẽ hiểu rõ được tinh thần vô sanh. Ngài Thần Hội Hà Trạch
nói: “Vô niệm niệm ấy tức niệm chân như, vô sanh sanh ấy tức sanh
thật tướng”. Vô niệm không phải là diệt niệm, mà liễu được vọng niệm
không thật, ngay đó bặt hết dấu vết, ngay đó tức niệm chân như. Vô sanh
cũng không phải là hủy hoại các pháp, mà ở nơi sanh nhận ra vô sanh,
ngay nơi tướng mà lìa tướng tức sanh thật tướng. Đây là tinh thần sống
động, huyền diệu của Phật giáo Đại thừa, biết pháp tánh hằng hữu này là
động nên ngay nơi động mà ngộ, ngay nơi động mà làm lợi ích cho chúng
sanh. Các Ngài ở nơi sự vận hành của vọng tưởng, ngay trong dòng sinh
diệt của vọng tưởng mà ngộ, chứ không phải đè bẹp hay xả trừ vọng tưởng.
Nếu đè bẹp vọng tưởng, tức hiểu lầm pháp tánh là tĩnh; an thân lập mạng
trong đó là rơi vào nước chết. Nhà Thiền gọi đó là hang quỷ, là động
Sa-tăng để cốt cảnh tỉnh người tu khỏi rơi vào cái tịch tĩnh của
Niết-bàn Hóa-thành mà thối chí độ sanh. Cho nên, đó là lý do Đại thừa
không chấp nhận lối hiểu, lối tu, và lối hành đạo của Tiểu thừa. Vì Tiểu
thừa hiểu pháp tánh là tĩnh nên tự nhiên sanh tiêu cực, chết chìm ở nơi
chỗ tĩnh lặng ấy. Còn Đại thừa biết pháp tánh là động nên không diệt trừ
pháp hữu vi, cũng không nhập vào vô vi (Bất tận hữu vi, bất trụ vô
vi). Nhân cách của Bồ tát Đại thừa thể hiện đại lực, đại từ, đại
nguyện, vĩnh viễn ở trong sanh tử mà độ chúng sanh, vĩnh viễn ở trong
sanh tử mà thực chứng Niết-bàn.
“Tất
cả chúng sanh vốn ở trong thể vô sanh mà lại vọng thấy có sanh và diệt,
thế nên nói là lưu chuyển sanh tử”: Thỉnh thoảng trong tư tưởng vút
cao của kinh điển Đại thừa có nói: “Chúng sanh đã thành Phật” -
Đã thành chứ không phải sẽ thành. Nghe vậy, tự dưng mình thấy thương
mình làm sao! Mầm mống Phật đã có sẵn đó, chỉ vì một niệm bất giác mà
thành chúng sanh, cũng như biển cả vì có gió nên sóng nổi dậy. Vì nhận
sóng là mình nên quên mất biển cả. Có thể nói “Sóng đã là nước”,
chỉ cần sóng nhận ra nó chính là nước, vậy đã đủ rồi. Cho nên các Ngài
nói, không cần giở chân mà Phật độ mười phương hiện ra trước mắt. Nếu
mê, thấy có sanh diệt thật thì lưu chuyển trong ba cõi sáu đường. Khi
ngộ, thấy rõ ràng sống chết chỉ có trong ảo tưởng; từ đó dứt muôn duyên,
bặt hết mọi ý niệm phân biệt chia chẻ, ở trong pháp môn bất nhị thì bất
cứ đâu cũng là cõi Tịnh độ.
“Này
Thiện nam tử! Như Lai khi còn Nhơn địa tu nơi Viên Giác, biết là không
hoa liền không bị lưu chuyển, cũng không có thân tâm để thọ nhận sự sanh
tử kia”: Đây là câu quan trọng nhất trong chương này, cũng là quan
trọng nhất trong toàn bộ bản kinh. “Tri thị không hoa tức vô lưu
chuyển, diệc vô thân tâm thọ bỉ sanh tử”. Câu này chỉ rõ chánh nhơn
tu hành của Phật, là pháp tu đốn ngộ.
Nhơn
địa tu nơi Viên Giác của Như Lai là chỉ cần biết tất cả pháp như hoa đốm
giữa hư không, liền không bị lưu chuyển trong sanh tử. Ở đây, Phật chỉ
sử dụng một chữ Biết. Chúng ta có ai Biết được như vậy không? Chúng ta
biết là biết bằng khái niệm, bằng suy lý, bằng tư duy, bằng phân biệt,
nên cái biết đó vẫn ở bên ngoài. Cái Biết của đức Phật là biết bằng trực
giác, ở đó không có cái biết và cái bị biết, biết không qua trung gian
suy luận. Một niệm giác khởi lên, vô minh nghìn kiếp tức khắc lui bóng,
và vĩnh viễn ở trong tự tánh của mình. Nhà Thiền gọi đó là kiến tánh.
Liên
hệ đến Thiền Kinh Niệm Xứ, chúng ta cũng thấy toàn bộ kinh đều chỉ sử
dụng cái Biết, gọi là Tuệ tri. Trong bốn lĩnh vực thân, thọ, tâm, pháp,
Đức Phật đều dạy phải tuệ tri. Ngầm ý trong kinh muốn nói đến cái Thường
Biết tức Căn bản trí, nhưng vì Tứ Niệm Xứ thuộc kinh điển của Phật giáo
Nguyên thủy, nên không sử dụng từ này. Như vậy, rõ ràng là Nhơn địa của
Như Lai rất đơn giản, tựu trung chỉ cần Biết mọi pháp đều như huyễn, thế
thôi. Còn tám vạn bốn ngàn pháp môn của Phật đều chỉ là phương tiện, tùy
trình độ căn cơ của mỗi người mà chọn pháp tu thích hợp cho mình.
“Chẳng
phải tạo tác nên không, mà bổn tánh vốn không”: “Không” ở đây không
phải do tạo tác mà thành không, mà là Tánh Không, Chơn Không. Đây là cái
không của trực giác Bát Nhã, thấy tận nguồn các pháp nhận ra Tánh Không
của muôn sự muôn vật. Tánh Không này không phải do phân tích mà thành
không, chính nhờ trực giác thấy thẳng tánh các pháp là không. Tạm nói
nhờ trực giác mới thấy được Tánh Không, nhưng kỳ thực, Tánh Không cũng
chính là trực giác. Bởi vì nó dung hợp giữa cái biết và cái bị biết. Cho
nên nói “Bổn tánh vốn không”. Cái tinh thần “Vô nhất vật”
đó không phải do tạo tác mà ngộ được, chỉ khi ánh bình minh giác ngộ lóe
lên thì tự nhiên thấu suốt được tự tánh của muôn pháp. Lục Tổ đã dạy: “Tự
tánh vốn tự tịnh, Tự tánh vốn tự định”, tự định và tự tịnh vốn là
cái định tịnh của tự tánh.
“Cái
tri giác kia cũng giống như hư không, biết cái hư không tức là tướng
không hoa, nhưng cũng không thể nói nó không có tánh Tri Giác. Có -
Không đều trừ sạch, đó gọi là Tùy-thuận Tịnh- giác”: Thông thường
chúng ta hiểu, có một “cái không” và có một “cái tri giác về cái không
đó”, như vậy phân biệt một cái bị biết là “cái không” và cái hay biết là
“cái tri giác...” Hiểu như vậy là lầm. Cái tri giác này thật ra như hư
không, nên nó cũng là không. Cái hư không là không, mà cái biết được hư
không ấy cũng là không. Nói cách khác, “tánh không” là không, mà
cái “biết được tánh không” cũng là không luôn. Năng không mà sở
cũng không. Điều này có nghĩa là “Cứu cánh là không”, chủ thể
không, đối tượng không, năng tri không, sở tri không, tất cả rốt ráo đều
là không.
Tuy
nhiên, nếu rốt ráo đều là không thì Phật muốn nói lên điều gì? Chúng
sanh thường hay chấp một bên, khi nghe bảo “Không” thì chấp vào
đoạn diệt, nên đức Phật đã khẳng định về tự thể của thân tâm và của tất
cả các pháp: “...nhưng cũng không thể nói nó không có tánh tri giác”.
Nghĩa là, cứu cánh đều không, nhưng cái tánh tri giác đó luôn luôn
hằng hữu, gọi là liễu liễu thường tri. Khi Ngài Huệ Khả trình với Tổ Bồ
đề Đạt Ma: “Con đã bặt hết các duyên”, Tổ bảo: “Coi chừng rơi
vào không”. Ngài thưa: “Rõ ràng thường biết, nói không thể đến”.
Tổ ấn chứng cho Ngài: “Ông đã như thế, ta cũng như thế”, bởi
vì Ngài rốt ráo đều không nhưng vẫn còn một cái “rõ ràng thường biết,
nói không thể đến ”.
Một
điều nữa cần nhấn mạnh: Khi có vọng tưởng ta gọi là Có; khi không vọng
gọi là Không. Còn cái biết Có - Không đó, cái chủ thể biết đó mà không
sanh tâm chấp vào cái biết, thì luôn luôn hằng hữu. Đó là tánh tri giác.
Như vậy, nếu không chấp vào có và không có vọng tưởng, cũng không chấp
vào cái biết Có - Không mà luôn luôn duy trì cái tự tánh Thường Biết, đó
gọi là Tùy thuận Tịnh Giác hay Tùy thuận Viên Giác. Hiện nay, Hòa thượng
Viện trưởng Thiền viện Trúc Lâm xiển dương Thiền tông Việt nam. Ngài
cũng có chủ đích là đi thẳng vào tự tánh. Còn “Biết vọng không theo”
là phương tiện tu hành. Khi không còn lầm vọng tưởng thì sẽ nhận ra
được tự tánh kia, không nghi ngờ.
“Vì
cớ sao? - Bởi vì tánh hư không vốn thường bất động, trong Như Lai tàng
không có sanh diệt, không có tri kiến”: Ở đây chúng ta có thấy mâu
thuẫn không? Lúc nãy Phật bảo “Có tánh tri giác”, bây giờ lại nói
“không có tri kiến”. Ta thấy rõ, ngôn ngữ của loài người thật khó
để diễn tả cái chân lý tột cùng này. Chúng ta nên hiểu đoạn này có nghĩa
là, trong kho Như Lai không có cái thấy biết sanh diệt, nhưng vẫn có cái
thấy biết không sanh diệt. Phật đôi khi dùng thể phủ định để khẳng định
thực tại tối hậu; và lúc nói có lúc nói không là để trừ cái bệnh chấp
trước của chúng sanh mà thôi.
“...
nêân tánh nó như pháp giới cứu cánh viên mãn cùng khắp mười phương”.
Tự tánh như pháp giới, trùm khắp mười phương, không có giới hạn. Ví như
một đợt sóng nổi trên mặt biển, nếu nhận ra mình là nước thì ngay đó, nó
chính là biển cả. Tánh ướt là tự thể chung của tất cả các đợt sóng, dù
chúng đang ở phương nào, vì vậy nói “cùng khắp mười phương”.
Một
điểm đặc biệt cần lưu ý: Khi một vị đã giác ngộ, tự thể của vị ấy đồng
với tự thể của mười phương chư Phật, nhưng cái biết của vị ấy không phải
đồng với cái biết của tất cả. Tuy rằng đồng đẳng với Chư Phật về tự
tánh, nhưng mỗi vị lại có cái biết đặc thù; ngược lại, tuy mỗi người ở
trong bản vị của người ấy, nhưng một chỗ lại dung nhiếp được tất cả chỗ.
Ví dụ, nhiều ngọn đèn cùng để trong phòng, ánh sáng tuy là một nhưng mỗi
ngọn đèn mỗi khác. Đây là tinh thần Tất cả là một, một là tất cả.
Cho nên, trong cái riêng có cái chung, mà trong cái chung cũng có cái
riêng, ai giác ngộ thì đồng với chư Phật, ai chưa giác ngộ thì vẫn là
chúng sanh thôi.
“Ấy
gọi là Nhơn-địa pháp-hạnh. Bồ tát nhơn đây, ở trong pháp Đại thừa phát
tâm thanh tịnh; chúng sanh đời mạt nương vào đây tu hành chẳng rơi vào
tà kiến”: Kết thúc lời giải đáp, Đức Phật dạy rằng: Nhơn-địa
pháp-hạnh của Như Lai là tự tánh Viên Giác sẵn đủ của chính mình. Bồ tát
y cứ vào đó làm nhơn để phát tâm thanh tịnh, đó là chánh nhơn tu hành.
Chúng sanh đời mạt cũng y nơi giác tướng thanh tịnh này mà khởi tu, như
thế sẽ không rơi vào tà kiến.
“Lúc
bấy giờ, Đức Thế Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này mà nói kệ rằng :
Văn Thù, ông nên biết!
Tất cả Đức Như Lai
Từ nơi Bổn-nhơn-địa
Đều dùng trí huệ giác
Liễu đạt được vô minh”.
Chư
Phật mười phương ba đời đồng nhau ở chỗ y vào tự tánh Viên Giác mà tu.
Nhờ tánh Viên Giác mà thông suốt, tức liễu đạt được vô minh. Liễu vọng,
vọng tức chơn - Chúng ta cần hiểu chỗ này thật tường tận. “Liễu vọng”
nghĩa là hiểu được bản chất của vọng tưởng bằng trực giác Bát Nhã. Vọng
là cái bị biết, cái liễu được vọng là cái hay biết. Khi cái hay biết
bằng ánh trực giác đi thẳng vào cái bị biết, lúc vọng tưởng khởi lên
diệt xuống mà ánh trực giác nhập một vào vọng tưởng, ngay cuộc vận hành
của vọng tưởng mà nắm bắt được thực thể chân thật huyền diệu nằm ngay
đó, thì tự nhiên vọng tức chơn, cái bị biết nằm ngay nơi cái biết, không
cần trừ dẹp gì nữa cả. Tinh thần liễu vọng là tinh thần nhất như giữa
cái biết và cái bị biết, là tinh thần của Thiền Đốn ngộ.
“Biết nó như không hoa,
Liền được khỏi lưu chuyển.
Lại như người trong mộng,
Khi tỉnh không thấy gì.
Biết rõ như hư không,
Bình đẳng không động chuyển.
Biết khắp mười phương cõi,
Liền được thành Phật đạo”.
Ở đây,
chúng ta càng thấy rõ cái Biết trong kinh điển Đại thừa khác xa với cái
Biết của Tiểu thừa. Đây là cái Biết trùm khắp muôn pháp, khắp mười
phương cõi, theo tinh thần liễu nghĩa của Đại thừa.
“Các huyễn diệt không nơi
Thành đạo cũng không được,
Vì bổn tánh viên mãn”.
Nghe
có vẻ mâu thuẫn, phải không? - Tại sao Phật bảo thành đạo cũng không
được? - Thông thường, chúng ta hiểu thành đạo là có một cái đạo để
thành, có một quả vị Phật để chứng. Nhưng nếu có một cái đạo để thành
thì đó là cái đạo tương đối, vì có thành là có hoại. Cho nên, nếu trong
kinh có từ “thành đạo”, cũng chỉ là tạm dùng từ ngữ để chỉ cho sự
nhận lại Diệu tâm Viên Giác của chính mình, cái Diệu tâm sẵn có mà bấy
lâu mình quên. Tự tánh vốn tự đầy đủ, trước quên tự tánh chạy theo trần
cảnh nên là chúng sanh, nay nhận lại tự tánh Viên Giác thì thấy viên mãn
đồng như chư Phật. Vì vậy, nói “không thành đạo” có nghĩa là ở
đây không có người thành đạo và cũng không đạo để thành.
“Bồ tát ở trong này,
Hay phát Tâm Bồ đề.
Chúng sanh ở đời mạt,
Nương đây khỏi tà kiến! ”
Vì sao
trong nhân cách của các vị Bồ tát, thường nói đến phát Tâm Bồ đề? - Tâm
Bồ đề của một vị Bồ tát là tâm cần cầu sự giác ngộ tối thượng, và sau đó
giáo hóa chúng sanh (Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sanh). Người phát
Tâm Bồ đề là làm sống dậy một khát vọng nồng cháy mong đạt đến chân lý
tuyệt đối, trong đó có sự thao thức một cách nhiệt thành và miên trường,
không gián đoạn. Người phát Tâm Bồ đề, dù chưa giác ngộ viên mãn, nhưng
ít ra cũng có một lần nhận được tự tánh của mình, để có một niềm tin
mãnh liệt rằng tất cả chúng sanh, dù là động vật hạ đẳng, cũng đều có
Phật tánh như nhau. Từ niềm tin đó, Bồ tát nguyện cứu độ chúng sanh muôn
loài, bình đẳng không phân biệt. Đây chính là nhân cách, là tinh thể của
Bồ tát Đại thừa, bởi giác ngộ này là giác ngộ tột cùng, công hạnh này là
đại hạnh, mật hạnh. Kinh điển Đại thừa dựng lên hình ảnh các vị Bồ tát
khuếch đại tự do; chúng sanh càng đau khổ, Bồ tát càng lăn xả vào cuộc
đời để cứu độ chúng sanh cùng khắp pháp giới chứ không bao giờ nhập
Niết-bàn. Bồ tát nhiều đời gieo duyên giáo hóa chúng sanh càng nhiều,
thì quyến thuộc vây quanh càng đông đảo.
Nếu
xét về nội dung, Tâm Bồ đề có ba đặc tính quan trọng. Một là ý chí hiến
dâng. Hai là tình thương rộng lớn. Ba là trí tuệ siêu việt. Ý chí hiến
dâng là tinh thần phụng sự không biết mỏi mệt, hiến dâng cả cuộc đời
mình cho đại cuộc, vì đại cuộc mà tu hành: Đây là Đại hùng, Đại lực.
Tình thương rộng lớn là tình thương ban rãi cho muôn loài chúng sanh một
cách bình đẳng, không hạn cuộc, không phân biệt: Đây là Đại từ, Đại Bi.
Trí tuệ siêu việt là giác ngộ tánh Viên Giác, nhận ra Phật tánh thường
trụ và y đó tu hành; Bồ tát siêu việt tất cả nhị kiến, tất cả ý niệm
lưỡng phân, tất cả thời gian và không gian: Đây là Đại giác ngộ.
Một
điều chúng ta cần nhớ, sự giác ngộ tối thượng không bao giờ có được nhờ
tiệm tu, mà chỉ có thể nhận ra cái chân thường trong một chớp mắt, một
sát-na. Giác ngộ là thành quả của trực giác chớ không phải của suy luận,
của ý thức diễn tiến từ từ. Khi nào ý thức còn có chỗ bám, là còn trở
ngại trên con đường giác ngộ tối thượng, đó chỉ tạo thành những khái
niệm hời hợt bên ngoài sự vật mà thôi.
Học
kinh văn Đại thừa, chúng ta thấy nhân cách của Bồ tát rất khác với tinh
thần của kinh A-Hàm. Tiểu thừa nhấn mạnh vào quả A-la-hán, hành giả nhất
tâm diệt dục và diệt bản ngã để cầu giải thoát cho riêng mình. Bồ tát
Đại thừa một mặt nỗå lực hướng về sự giác ngộ tuyệt đối; mặt khác luôn
luôn sẵn sàng hy sinh bản thân để làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.
Hạnh nguyện của Bồ tát, vì vậy mênh mông hơn, sự giác ngộ cao tột hơn,
và ý chí siêu xuất hơn các bậc A-la-hán. Cho nên, nói đến sự giác ngộ
của Bồ tát là Đại giác ngộ, nói về ý chí là Đại ý chí, nói về tình
thương và hạnh nguyện độ sanh là Đại Từ, Đại Bi, Đại Nguyện. Chúng ta
học kinh Đại thừa, nên lấy đó làm nền tảng soi rọi vào tâm thức của mình,
mới có thể hiểu được ý nghĩa sâu mầu của kinh và yếu chỉ của Thiền tông.
Một
điều nữa, chúng ta nếu để ý sẽ thấy Đức Phật thường đề cập đến các hình
ảnh huyễn, mộng, bóng trong gương... Chủ yếu của Phật cho chúng ta hiểu
rằng, sống là sống trong huyễn mộng, chết cũng là chết trong huyễn mộng,
mà khi tỉnh giấc mới biết sống chết chỉ là giấc mộng đêm qua, chỉ có
trong ảo tưởng. Tất cả các pháp đều là không, vì nó không có tự thể.
Khoa học hiện đại đã đi vào bản chất cực vi của vật thể, đã chứng minh
rằng muôn vật không có tính đồng nhất, mà là tập hợp của những cấu trúc
khác tạo thành. Đạo Phật đã đi trước khoa học rất xa, vì từ 2500 năm
trước, Phật đã thuyết lý duyên sinh, và kinh điển Đại thừa đã lấy đó xây
dựng tinh thần huyễn mộng đối với tất cả các pháp.
Tóm lại, chương Văn Thù chúng ta vừa khảo sát là chương quan trọng nhất
trong kinh Viên Giác. Trong chương này có hai điểm đặc biệt cần lưu ý:
Một là nói về Nhơn địa pháp hạnh của Như Lai để làm tiêu chuẩn, làm
chánh nhơn tu hành đạt giác ngộ tối thượng. Hai là, nói về các hàng Bồ
tát phát Bồ đề tâm, và cả chúng sanh đời mạt, phải làm sao xa lìa các
thứ bệnh, không rơi vào tà kiến. Hai điểm này bao quát hết ý nghĩa của
các chương sau, nên hiểu được chương Văn Thù, chúng ta có thể hiểu được
phần căn bản của toàn bộ kinh Viên Giác vậy.
- ~~oOo~~
-