VIII.
CHƯƠNG OAI ĐỨC TỰ TẠI
Lúc bấy giờ, Bồ
tát Oai Đức Tự Tại ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quỳ dài chắp tay mà
bạch Phật rằng: “Đại bi Thế Tôn! Ngài đã rộng vì chúng con phân biệt
tùy thuận Giác-tánh như thế, khiến các Bồ tát Giác-tâm được sáng
suốt, nương theo Viên-âm của Phật, không nhơn nơi sự tu tập mà được
thiện lợi.
Bạch Đức Thế Tôn!
Ví như một thành lớn, ngoài có bốn cửa, tùy những người ở các phương
đến, chẳng phải chỉ một con đường. Tất cả Bồ tát trang nghiêm Phật
quốc và thành tựu Bồ đề, chẳng phải chỉ nhờ một phương tiện. Cúi xin
Đức Thế Tôn rộng vì chúng con tuyên nói tất cả thứ lớp phương tiện,
và những người tu hành gồm có mấy hạng, khiến các vị Bồ tát trong
hội này và chúng sanh cầu Đại thừa đời mạt pháp chóng được khai ngộ,
dạo chơi trong biển Đại-tịch-diệt của Như Lai”
Nói lời ấy rồi,
năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến cuối như vậy
ba lần.
Bấy giờ Đức Thế
Tôn bảo Bồ tát Oai Đức Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện
nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp,
hỏi Như Lai những phương tiện như thế. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì
ông mà nói”.
Khi ấy, Bồ tát
Oai Đức Tự Tại rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng đại chúng
lắng sâu tâm thức mà nghe.
“Này Thiện nam
tử! Tâm Diệu-giác vô-thượng trùm khắp mười phương xuất sanh ra Như
Lai cùng tất cả các pháp, bình đẳng đồng thể. Đối với người tu hành
thật không có hai, mà phương tiện tùy thuận thì vô số. Tuy nhiên,
nếu tóm gọn về ý nghĩa “theo tánh sai biệt”, chỉ có ba pháp môn
phương tiện.
Này Thiện nam tử!
Các Bồ tát khi đã ngộ được Viên Giác thanh tịnh, dùng Giác tâm thanh
tịnh đó giữ hạnh lặng lẽ. Do lắng hết các vọng niệm mà biết được
thức tâm phiền động. Khi Tịnh Huệ phát sanh, thân tâm khách trần từ
đây dứt hẳn, liền được nội tâm sinh ra lặng lẽ khinh an. Vì sự lặng
lẽ này nên trong mười phương thế giới, tâm của các Như Lai hiện rõ
vào đó, như bóng trong gương. Pháp phương tiện này gọi là Xa-ma-tha.
Này Thiện nam tử!
Khi các Bồ tát ngộ được Giác-tâm thanh tịnh, dùng Giác-tâm thanh
tịnh ấy mà rõ được tâm tánh cùng các căn trần đều là huyễn hóa. Lúc
ấy liền khởi ra huyễn trí để trừ các huyễn, biến hóa các pháp huyễn
để khai thị chúng sanh như huyễn. Do khởi ra các huyễn ấy, nên liền
được nội tâm phát ra lòng đại bi khinh an. Tất cả Bồ tát theo đây mà
khởi hạnh, thứ lớp tăng tiến. Trí quán huyễn kia chẳng đồng với
huyễn, nhưng do cái trí quán được điều ấy cũng là huyễn, nên huyễn
tướng hằng dứt, các Bồ tát mới viên mãn được diệu hạnh, cũng như lúa
mạ lớn lên nhờ đất. Pháp phương tiện này gọi là Tam-ma-bát-đề.
Này Thiện nam tử!
Khi các Bồ tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh, dùng Giác tâm thanh
tịnh ấy mà không chấp thủ các huyễn hóa và các tướng tĩnh lặng. Lúc
này, nhận rõ thân tâm đều là chướng ngại, nhưng Giác-minh vô-tri
không y nơi các ngại, hằng siêu vượt qua những cảnh ngại và không
ngại. Thọ dụng thế giới cùng với thân tâm, tuy tướng ở trong trần
cảnh (nhưng không bị trần cảnh làm ngại) giống như tiếng từ trong
chuông vượt thoát ra ngoài, phiền não và Niết bàn không chướng ngại
nhau. Bấy giờ, nội tâm liền phát sinh sự lặng lẽ khinh an. Cảnh giới
tịch diệt tùy thuận của Diệu giác, thân và tâm tự tha đều không đến
được; chúng sanh, thọ mạng đều là phù tưởng. Pháp phương tiện này
gọi là Thiền-na.
Này Thiện nam tử!
Ba pháp môn này đều là thân cận tùy thuận với Viên-giác. Mười phương
Như Lai nhơn đây thành Phật, cho đến mười phương các Bồ tát tu tập
nhiều thứ phương tiện, tất cả có dị đồng, cũng đều y nơi ba thứ sự
nghiệp như thế, nếu được chứng ngộ viên mãn thì liền thành tựu
Viên-giác.
Này Thiện nam tử!
Giả sử có người tu theo Thánh đạo, giáo hóa cho những người khác,
thành tựu được trăm ngàn ức quả vị A-la-hán và Bích Chi Phật, cũng
không bằng một người nghe pháp môn Viên-giác vô ngại này, tùy thuận
tu tập chỉ trong một sát na”.
Bấy giờ, Đức Thế
Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
“Oai Đức!
Ông nên biết,
Tâm Đại-giác vô
thượng
Xưa nay không hai
tướng.
Tùy thuận các
phương tiện
Số kia đến vô
lượng.
Như Lai tổng khai
thị
Chỉ có ba pháp
môn:
Tịch tịnh
Xa-ma-tha
Như gương chiếu
các tượng.
Như huyễn
Tam-ma-đề
Như mạ dần tăng
trưởng.
Thiền-na duy tịch
diệt
Như tiếng thoát
từ chuông.
Ba diệu pháp môn
này
Đều tùy thuận
Viên Giác.
Mười phương các
Như Lai
Và các Đại Bồ tát
Nhơn đây được
thành đạo.
Ba pháp được viên
chứng
Đạt cứu cánh Niết
bàn”.
Trong chương Thanh
Tịnh Huệ, chúng ta đã nghe Đức Phật đề cập đến hạnh tu và những cấp
bậc tùy thuận Viên Giác. Chương này giản trạch về những pháp môn
phương tiện tùy thuận tánh Viên Giác. Phương tiện thật ra có rất
nhiều, nhưng tựu trung gồm ba pháp môn: Xa-ma-tha, Tam-ma-bát-đề và
Thiền-na.
Vị Bồ tát đứng đầu
bổn chương là Ngài Oai Đức Tự Tại. Oai đức là tướng trang nghiêm bên
ngoài, Tự tại chỉ sức tự chủ bên trong. Ai muốn có hai đức tính
trên, phải tu theo ba pháp môn được giảng nói trong chương này.
“Lúc bấy giờ, Bồ
tát Oai Đức Tự Tại ở trong đại chúng, liền từ chỗ ngồi đứng dậy,
đảnh lễ dưới chân Phật, nhiễu bên phải ba vòng, quì dài chắp tay mà
bạch Phật rằng: Đại bi Thế Tôn! Ngài đã rộng vì chúng con phân biệt
tùy thuận Giác tánh như thế, khiến các Bồ tát Giác tâm được sáng
suốt, nương theo Viên âm của Phật, không nhơn nơi sự tu tập mà được
thiện lợi”: Ngay phần duyên khởi, Bồ tát Oai Đức Tự Tại đã bạch
Phật rằng: Trong chương trước, Phật dạy về 4 cấp bậc tùy thuận Viên
Giác và hạnh tu của từng cấp bậc. Khi nghe đến chỗ này, nhiều vị Bồ
tát trong pháp hội được khai ngộ, không bao giờ lầm lẫn nữa. Điều
đặc biệt là nhờ Viên âm của Phật mà được lợi ích thiện diệu, dù chưa
trải qua tu tập. Vì sao được như vậy?
Chúng ta biết rằng,
Viên-âm là âm thanh thuyết pháp chứa đựng ý nghĩa nhiệm mầu tròn đầy
uy đức. Kinh thường mô tả, Đức Phật khéo thuyết ở đoạn đầu, khéo
thuyết ở đoạn giữa và khéo thuyết ở đoạn sau. Danh từ chuyên môn gọi
là Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện. Như vậy từ khi bắt đầu đăng
tòa thuyết pháp đến khi kết thúc, lời Phật dạy đều viên mãn vi diệu,
nên được gọi là Viên âm, đầy đủ hai ý nghĩa :
- Một là, trong một
buổi thuyết pháp của Phật, đại chúng có mặt đều được lợi ích, nhiều
hay ít tùy trình độ căn cơ của mỗi người cao thấp khác nhau. Ví như
một trận mưa trút xuống, tất cả cây cối thảo mộc đều được tưới nước
mưa, nhưng thấm ướt nhiều ít là tùy cây lớn hay nhỏ.
- Hai là, lời dạy
của Phật chứa đựng đầy đủ nghĩa lý sâu mầu. Nhà Thiền có câu “Tâm
thông thuyết thông”. Người tu lấy tâm làm tông, nên khi một
người ngộ được bổn tâm, ngôn ngữ người ấy dùng sẽ rất sinh động và
phong phú. Đức Phật đã thành tựu giác ngộ viên mãn, nội lực tu tập
bên trong của Ngài đã tròn đầy, nên khi biểu hiện ra ngôn ngữ bên
ngoài, thì ngôn ngữ ấy luôn vi diệu. Người được nghe, dù chưa trải
qua thời gian tu tập, vẫn có thể phát khởi niềm tin mạnh mẽ.
“Bạch Đức Thế
Tôn! Ví như một thành lớn, ngoài có bốn cửa, tùy những người ở các
phương đến, chẳng phải chỉ một con đường. Tất cả Bồ tát trang nghiêm
Phật quốc và thành tựu Bồ đề, chẳng phải chỉ nhờ một phương tiện”:
Muốn vào thành lớn, người bên ngoài có thể qua một trong bốn
cửa. Từ nhiều phương đến, người nơi xa có thể đi rất nhiều đường chớ
không phải một. Cũng như vậy, Bồ tát khắp mười phương, muốn dùng
công đức trang nghiêm cõi Phật và thành tựu Bồ đề, có thể thiết lập
rất nhiều phương tiện.
“Cúi xin Đức Thế
Tôn rộng vì chúng con tuyên nói tất cả thứ lớp phương tiện, và những
người tu hành gồm có mấy hạng, khiến các vị Bồ tát trong hội này và
chúng sanh cầu Đại thừa đời mạt pháp chóng được khai ngộ, dạo chơi
trong biển Đại tịch diệt của Như Lai”: Bồ tát thỉnh Phật tuyên
nói những pháp môn phương tiện thứ lớp, và những hạng người tu hành
tương ứng với các pháp môn ấy. Nhờ lời dạy của Phật, những người tu
Đại thừa mau chóng ngộ tâm Viên Giác, sau đó khởi công tu tập, cuối
cùng đạt đến sự tự tại trong vô công dụng hạnh, gọi là dạo chơi
trong biển Đại tịch diệt của Như Lai.
“Nói lời ấy rồi,
năm vóc gieo xuống đất, thỉnh đi thỉnh lại từ đầu đến cuối như vậy
ba lần.
Bấy giờ, Đức Thế
Tôn bảo Bồ tát Oai Đức Tự Tại rằng: “Lành thay! Lành thay! Này Thiện
nam tử! Các ông mới có thể vì các Bồ tát và chúng sanh đời mạt pháp
hỏi Như Lai những phương tiện như thế. Ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì
ông mà nói”.
Khi ấy, Bồ tát
Oai Đức Tự Tại rất đỗi vui mừng, vâng theo lời dạy, cùng đại chúng
lắng sâu tâm thức mà nghe”: Đức Thế Tôn hứa khả sẽ nói về những
pháp môn phương tiện và Bồ tát Oai Đức Tự Tại cùng đại chúng lắng
sâu tâm thức chuẩn bị nghe. Đây là một tư thế thiền tập mà tất cả
thiền sinh chúng ta nên biết. Trước khi pháp sư thuyết giảng, người
nghe phải bặt hết các duyên, nghĩa là phải dẹp hết mọi nguyên nhân
làm tâm ta loạn động. Có như thế mới thẩm thấu được lời giảng dạy,
mới có thể hiểu được những ý nghĩa sâu mầu mà nhiều lúc ngôn từ
không diễn tả hết.
Kinh Pháp Hoa có
nói: “Thập phương Bạt-già phạm, Duy hữu nhất thừa pháp, Vô nhị
diệc vô tam”. Mười phương các đấng Như Lai chỉ có pháp nhất
thừa, không hai cũng không ba. Đó là cứu cánh Phật thừa. Như vậy,
chân lý chỉ có một còn phương tiện để đạt đến cứu cánh lại rất
nhiều. Chúng sanh có tám vạn bốn ngàn trần lao phiền não thì Đức
Phật cũng có ngần ấy pháp môn đối trị. Nhiều người hay chấp pháp,
cho pháp tu của mình hay hơn cả, rồi chỉ trích chê bai pháp tu của
người khác. Điều nầy không nên có ở người tu Phật. Chúng ta có quyền
khen pháp môn của mình, tôn xưng vị Thầy của mình, nhưng cần tôn
trọng pháp môn và vị Thầy của người khác, miễn sao đó là chánh pháp
điều trị hết bệnh phiền não cho người. “Qui nguyên tánh vô nhị,
phương tiện hữu đa môn”: Tánh bản nguyên của chúng sanh không
hai không khác, nhưng phương tiện tu hành lại có nhiều cửa. Đức Phật
được tôn xưng là Vô thượng Y Vương vì Ngài biết tùy bệnh cho thuốc,
điều trị được mọi tâm bệnh cho chúng sanh.
“Này Thiện nam
tử! Tâm Diệu giác vô thượng trùm khắp mười phương xuất sanh ra Như
Lai cùng tất cả các pháp, bình đẳng đồng thể”: Như các chương
trước, dù giảng về những phương tiện thứ lớp, nhưng đầu tiên Phật
vẫn đi thẳng vào cứu cánh là tâm Viên-Giác. Tâm này trùm khắp mười
phương, bình đẳng giữa chư Phật và chúng sanh, giữa tất cả pháp thế
gian và xuất thế gian. Sở dĩ nói tâm này xuất sanh ra Như Lai, vì
tất cả Như Lai do liễu ngộ tâm này mà thành Phật, như kinh Bát Nhã
nói: “Bát Nhã là mẹ của chư Phật mười phương ba đời”. Bát Nhã
là Căn-bản-trí, chính là tâm Viên-Giác vậy.
Tâm Viên Giác không
những xuất sanh tất cả Như Lai, mà còn xuất sanh tất cả các pháp.
Bởi vì tất cả pháp đều từ tâm sanh, tâm không chỗ sanh thì pháp
không chỗ trụ. Khi tâm biến đổi sanh diệt, các pháp có nhiều hình
trạng vô thường; khi tâm ở trong trạng thái nhất như, mọi pháp cũng
đều trong tự thể bình đẳng. Nói khác đi, khi ngộ được tâm Viên Giác
thì các pháp trở nên thanh tịnh, khi mê tâm Viên Giác thì các pháp
biến thành nhiễm ô. Nhưng tất cả pháp dù tịnh hay nhiễm cũng đều lấy
Viên Giác làm tự thể, nên Phật nói “Bình đẳng đồng thể”.
“Đối với người tu
hành thật không có hai, mà phương tiện tùy thuận thì vô số. Tuy
nhiên, nếu tóm gọn về ý nghĩa theo tánh sai biệt, chỉ có ba pháp môn
phương tiện”: Vì tất cả pháp đều lấy Viên Giác làm thể, nên
người tu hành cũng phải lấy việc ngộ tự tâm Viên Giác làm mục đích
rốt ráo, không có mục đích thứ hai nào nữa. Tuy nhiên, do trình độ
căn cơ của chúng sanh sai biệt không đồng, nên phương tiện tu hành
tương ứng phải nhiều vô số. Dù vậy, tóm tắt cũng không ngoài ba
phương pháp thực hành:
1- Xa-ma-tha: Là
pháp môn tu dừng mọi vọng tâm loạn động. Liên hệ với
Nhất-tâm-tam-quán của tông Thiên-thai, thì Xa-ma-tha đồng với quán
Không, tức thuộc Chơn đế.
2- Tam-ma-bát-đề: Là
pháp môn tu tương đương với quán Giả bên tông Thiên Thai, thuộc về
Tục đế.
3- Thiền na: Là Quân
bình Chỉ-quán, tức Định-Huệ đẳng trì, đồng với quán Trung của tông
Thiên Thai, thuộc về Trung-đạo-đế.
Chúng ta nên phân
biệt Xa-ma-tha và Tam-ma-bát-đề, tức Ma-ha-chỉ-quán, với Chỉ và Quán
của Tiểu thừa. Chỉ quán của Tiểu thừa là Tiệm tu, nhờ Chỉ hay Quán
được thuần thục, cuối cùng được giải thoát, tức là từ ngoài tu vào.
Còn Ma-ha-chỉ-quán của Đại thừa, trước phải ngộ tâm Viên Giác rồi
mới tu, tức từ trong tu ra. Cho nên, không phải ngộ rồi là xong
việc, mà còn phải trải qua thời gian tu hành, nhanh hay chậm tùy căn
cơ và sự tinh tấn của mỗi người.
“Này Thiện nam
tử! Các Bồ tát khi đã ngộ được Viên Giác thanh tịnh, dùng Giác tâm
thanh tịnh đó giữ hạnh lặng lẽ. Do lắng hết các vọng niệm mà biết
được thức tâm phiền động. Khi Tịnh Huệ phát sanh, thân tâm khách
trần từ đây dứt hẳn, liền được nội tâm sinh ra lặng lẽ khinh an”:
Đức Phật bắt đầu dạy về phương pháp Xa-ma-tha. Bồ tát trước tiên
phải ngộ tâm Viên Giác, sau mới dùng tâm ấy giữ cái hạnh lặng lẽ. Rõ
ràng ở đây Phật dạy tu theo Tánh-biết-vọng, y nơi nhơn không
sanh diệt là Giác tâm thanh tịnh mà lắng hết các vọng niệm khởi ra
trên thức tâm. Khi vọng niệm đã lắng, ta thấy thức tâm phiền động
sanh diệt một cách tường tận. Đó là cái bị thấy, thuộc về khách. Một
số thiền sinh thắc mắc, sau một thời gian công phu lại thấy mình có
quá nhiều vọng tưởng lăng xăng. Do vì tâm yên lặng, chúng ta nhận
diện được vọng, đưa vọng ra ánh sáng của tự tâm; vậy là tiến được
một bước, trong khi người đời không biết vọng là gì, ngỡ tâm suy
nghĩ là mình nên mãi bị vọng kéo lôi. Tu Chỉ ở đây là dùng Giác tâm
lắng tất cả ý niệm, nghĩa là từ cái nhân vô sanh mà tu ra. Do dụng
công lắng niệm nên phát huệ, vì thế Phật gọi là Tịnh-Huệ phát sanh.
Lúc ấy, chúng ta thấy thân tứ đại là giả hợp không phải là mình, tâm
vọng duyên ảnh sáu trần, cũng chỉ là khách; thân tâm khách trần sẽ
lặng dứt.
Nhưng mà, cái gì
biết được thân tâm sanh diệt là khách trần? Chúng ta phải khéo nhận
ra cái thường biết đó. Khi nhận ra được nó, chúng ta không còn tu
theo lối điểm mặt từng vọng một, như Thạch-Củng thợ săn, một mũi tên
chỉ bắn trúng một con mồi; mà phải như Mã-Tổ Đạo-Nhất, một mũi tên
bắn trúng một bầy! Lúc này, đi đứng nằm ngồi, mọi trạng thái của
thân và tâm, chúng ta đều hằng biết. Những cụm mây vô minh bây giờ
không còn làm ngăn ngại nền trời tự tánh nữa, mà tô điểm cho nền
trời. Tự nhiên chúng ta sẽ thấy nội lực sung mãn, bên trong cảm thấy
lặng lẽ nhẹ nhàng. Nhưng cũng nên lưu ý một điều: Đừng bám vào trạng
thái lặng lẽ ấy làm kế sống, vì như vậy chúng ta đã chấp vào những
cảm thọ. Kinh Lăng Nghiêm gọi đó là Ma Thọ Ấm, không phải là cứu
cánh.
“Vì sự lặng lẽ
này nên trong mười phương thế giới, tâm của các Như Lai hiện rõ vào
đó, như bóng trong gương. Pháp phương tiện này gọi là Xa-ma-tha”:
Khi gương hết bụi bặm, những hình ảnh bên ngoài sẽ hiện rõ một cách
trung thực. “Hồ đến hiện Hồ, Hán đến hiện Hán”, như câu nói
trong nhà Thiền. Cũng vậy, tâm càng an định thì càng nhận rõ các
phiền động trên thức tâm, kể cả nhưng vọng vi tế; và ở bất cứ tư thế
nào của thân, chớ không phải chỉ trong lúc tọa thiền. Khi đạt được
sự lặng lẽ khinh an, vọng niệm dứt sạch, vô minh hằng đoạn, Pháp
thân hiện bày. Tâm chúng ta lúc này tương ứng với tâm của chư Phật
mười phương, nên tâm Phật hiện rõ trong tâm ta. Tâm gương trong sáng
của ta và tâm gương chư Phật chiếu nhau, in bóng lên nhau mà không
có sự ngăn ngại.
“Này Thiện nam
tử! Khi các Bồ tát ngộ được Giác tâm thanh tịnh, dùng Giác tâm thanh
tịnh ấy mà rõ được tâm tánh cùng các căn trần đều do huyễn hóa”:
Đây là pháp tu thứ hai, Tam-ma-bát-đề tức tu
Quán. Bồ tát trước phải ngộ Giác tâm thanh
tịnh, sau mới dùng Giác tâm ấy rõ biết sáu căn, sáu trần và sáu thức
đều nhơn huyễn hóa mà có. Pháp tu này cũng theo Tánh-biết-vọng như
pháp Xa-ma-tha nói trên.
“Lúc ấy liền khởi
ra huyễn trí để trừ các huyễn, biến hóa các pháp huyễn để khai thị
chúng sanh như huyễn. Do khởi ra các huyễn ấy, nên liền được nội tâm
phát ra lòng đại bi khinh an”: Trong chương Phổ Nhãn, Đức Phật
đã giảng về lý như huyễn rất cặn kẽ. Ở đây, Phật dạy chúng ta phương
tiện dùng huyễn để trừ huyễn. Bởi vì ở giai đoạn đầu đang dụng công,
nếu không dùng tâm năng huyễn để trừ cảnh sở huyễn thì chúng ta biết
lấy gì để tu? Cho nên, lần lượt theo thứ tự, khởi đầu ta biết
căn-trần-thức là do huyễn hóa, dùng trí như huyễn phá sạch vô minh.
Sau đó, huyễn trí này phát ra diệu dụng, thi thiết phương tiện giáo
hóa chúng sanh như huyễn.
Bồ tát nhơn nơi
huyễn trí, hiểu được tất cả chúng sanh đều bình đẳng cùng chư Phật,
chỉ vì bị các huyễn quay cuồng mà quên đi Giác tánh. Quán sâu như
vậy, Bồ tát thành tựu quán trí, phát ra sự khinh an từ nội tâm và
lòng từ bi rộng lớn đối với muôn loài. Công phu càng sâu thì tình
thương trang trải cho chúng sanh càng tự nhiên và sự cảm thông càng
nẩy nở.
“Tất cả Bồ tát
theo đây mà khởi hạnh, thứ lớp tăng tiến. Trí quán huyễn kia chẳng
đồng với huyễn, nhưng do cái trí quán được điều ấy cũng là huyễn,
nên huyễn tướng hằng dứt, các Bồ tát mới viên mãn được diệu hạnh,
cũng như lúa mạ lớn lên nhờ đất. Pháp phương tiện này gọi là
Tam-ma-bát-đề”: Bồ tát khởi hạnh quán như huyễn theo thứ lớp như
trên, càng lúc càng tăng tiến. Đến một lúc nào đó, Bồ tát lại thấy
rằng cái huyễn trí chẳng đồng với huyễn hóa kia, cuối cùng cũng là
huyễn. Đã biết là huyễn nên lại xa lìa. Cứ như thế mà tiến sâu vào,
đến mức độ không xa lìa được nữa, gọi là “huyễn tướng hằng dứt”,
Tuy vậy, Bồ tát phải y cứ vào đất tâm của mình mới viên mãn diệu
hạnh, như lúa mạ phải nhờ đất mới lớn lên được.
Liên hệ đến phương
pháp “Biết vọng không theo”, chúng ta thấy có sự tương đồng. Lúc tọa
thiền, thấy vọng khởi lên, chúng ta biết là vọng liền buông. Đó là
dùng cái tâm-năng-biết để buông cái vọng-bị-biết. Khi vọng-bị-biết
đã hết, phải buông luôn cái tâm-năng-biết, vì đó không phải là cứu
cánh mà chỉ dùng tạm thời làm phương tiện, trong giai đoạn đầu tu
tập, chính là huyễn-trí được diễn tả trong kinh này.
Tuy nhiên, nếu còn
nằm trong vòng đối đãi năng và sở thì chúng ta cứ buông vọng mãi,
không bao giờ hết vọng được. Chỉ khi nào chúng ta liễu hội được
rằng, phải y cứ nơi tự thể mà buông, nghĩa là từ trong tu ra, thì
mới dứt được vọng và sự tu hành rất
nhẹ nhàng. Kinh Lăng Nghiêm nói “Thức
tâm thường trụ”, không bao giờ dẹp sạch thức-tâm. Trong kinh
Lăng Già, Phật dạy: “Tức vọng tức chơn”. Cho nên, trong giai
đoạn sau, khi liễu vọng, chuyển thức thành trí, chúng ta mới biết,
dụng công đối trị chỉ là tạm thời điều phục tâm. Bởi vì, ngay vọng
đã là chơn, không thể tìm chơn ở ngoài vọng; cũng như ngay sóng đã
là nước, không cần dẹp sóng mới có nước. Sau 49 ngày đêm thiền định,
khi sao Mai vừa mọc, Đức Phật hoát nhiên đại ngộ chính là nhận ra tự
tâm Viên Giác có sẵn trong thân ngũ uẩn sanh diệt này.
Như vậy, khi tu theo
phương tiện Tam-ma-bát-đề này, nếu còn đối đãi giữa tâm và cảnh,
giữa năng và sở thì quán chưa được rốt ráo. Khi xa lìa hết các
huyễn, không còn tâm năng-quán và cảnh sở-quán, tánh Viên Giác phi
huyễn mới hiện bày. Tánh Viên Giác không đồng với huyễn, nhưng nó là
tự thể của tất cả các huyễn. Khi nhận ra được điều này, chúng ta mới
biết các pháp là huyễn nhưng vẫn thường Như, vì mọi pháp đều ở trong
Như tánh, đều từ tâm Viên Giác phát sinh ra. Lúc này, ta không còn
khởi quán nữa, đến chỗ vô công dụng hạnh là pháp quán thành tựu viên
mãn.
“Này Thiện nam
tử! Khi các Bồ tát ngộ được Viên Giác thanh tịnh, dùng Giác tâm
thanh tịnh ấy mà không chấp thủ các huyễn hóa và các tướng tĩnh
lặng”: Đức Phật giảng về pháp thứ ba, gọi là Thiền na. Bồ tát
sau khi ngộ được Viên Giác thanh tịnh, một mặt không chấp giữ các
huyễn hóa tức không dính mắc vào pháp Quán; mặt khác, không chấp vào
các tướng tĩnh lặng do tu Chỉ. Đây chính là quân bình Chỉ quán,
khiến cho Định và Huệ đồng đều.
“Lúc này, nhận rõ
thân tâm đều là chướng ngại, nhưng Giác minh vô tri không y nơi các
ngại, hằng siêu vượt qua những cảnh ngại và không ngại”: Bồ tát
tu Thiền na, vừa dứt được vọng tưởng lăng xăng, vừa quán các pháp
như huyễn một cách sâu xa, nên nhận rõ rằng, cả thân lẫn tâm đều là
chướng ngại. Lúc này, Bồ tát thấy rõ cái Giác minh vô tri của mình ở
ngay nơi các ngại ấy mà không vướng mắc ngại. Từ “vô tri” ở
đây không phải là không biết gì, mà là đồng nghĩa với vô tâm. Giác
minh là Giác tâm sáng tỏ, đó là Huệ; Vô tri là Định; chính là Tự
tánh Định và Tự tánh Huệ.
“Các ngại” là
chỉ chung các tướng đối đãi: “Cảnh ngại” chính là các Căn,
Trần và Thức, đồng với phiền não; “Không ngại” là nội tâm
tịch tịnh của mình, đồng với Niết bàn. Phiền não và Niết bàn, cả
hai đều không nhiễm. Như vậy, không vướng
vào các pháp là vượt qua cảnh ngại, tức lìa được sự chướng, dứt tận
phiền não; không dính vào chỗ lặng lẽ là vượt qua cảnh không ngại,
tức lìa được Lý-chướng, chẳng thủ Niết bàn.
“Thọ dụng thế
giới cùng với thân tâm, tuy tướng ở trong trần cảnh (nhưng không bị
trần cảnh làm ngại), giống như tiếng từ trong chuông vượt thoát ra
ngoài, phiền não và Niết bàn không chướng ngại nhau”: Vì đã lìa
được hai chướng, nên dù còn mang thân ngũ uẩn, còn ở trong trần lao,
nhưng Bồ tát không thấy ngăn ngại. Giống như khi đánh chuông, tiếng
trong chuông thoát ra ngoài một cách dễ dàng. Thức tâm của ta cũng
vậy, dù gá trong thân ràng buộc, khi được chuyển hóa đến rốt ráo, nó
sẽ không bị giới hạn trong thân. Lúc ấy ta thấy mình chính là vũ trụ
vạn hữu, ta và muôn pháp đều hòa trong thế giới đại đồng. Tất cả là
một và một là tất cả. Vì thế, các Bồ tát dù ở trần lao mà vẫn tự
tại, hành Bồ tát đạo giáo hóa chúng sanh trong tinh thần Ba-la-mật.
“Bấy giờ, nội tâm
liền phát sinh sự lặng lẽ khinh an. Cảnh giới tịch diệt tùy thuận
của Diệu giác, thân và tâm tự tha đều không đến được; chúng sanh,
thọ mạng đều là phù tưởng. Pháp phương tiện này gọi là Thiền na”:
Không đọa vào phiền não của pháp thế gian, cũng không sa vào
Niết bàn của pháp xuất thế gian, nội tâm liền phát sinh sự lặng lẽ
khinh an. Đây là trạng thái đại định, trở về với tự tánh thanh tịnh,
khác với sự lặng lẽ của người tu Chỉ.
Ở cảnh giới tịch
diệt này, chỉ có địa vị Diệu giác mới có thể tùy thuận; thân tâm của
ta và người không làm sao tạo tác hay phân biệt nổi. “Thân và tâm
tự tha” là hai tướng Nhơn và Ngã, hợp với “Chúng sanh và thọ
mạng” thành Tứ tướng, theo tinh thần của kinh Kim Cang. Cả bốn tướng
này đều là con đẻ của vọng tưởng, chỉ là tướng hư phù trôi nổi trên
nền trời tự tánh.
Như vậy, tu Thiền na
là Chỉ Quán song vong hay quân bình Chỉ quán. Hành giả không kẹt
trong tịch tịnh của Chỉ, cũng không rơi vào chấp các huyễn của Quán.
Tự tánh Viên Giác vốn tự tịnh tự định, tự chiếu tự soi mà không do
tạo tác, cho nên hành giả có thể đạt đến trạng thái vô công dụng
hạnh.
“Này Thiện nam
tử! Ba pháp môn này đều là thân cận tùy thuận với Viên Giác. Mười
phương Như Lai nhơn đây thành Phật, cho đến mười phương các Bồ tát
tu tập nhiều thứ phương tiện, tất cả có dị đồng, cũng đều y nơi ba
thứ sự nghiệp như thế, nếu được chứng ngộ viên mãn thì liền thành
tựu Viên Giác”: Trong ba pháp môn nói trên, nếu ai tùy thuận tu
tập bất cứ pháp môn nào, cũng có thể thành tựu Viên Giác. Mười
phương các Đức Như Lai cũng nhờ ba pháp môn này mà thành Phật quả.
Các vị Bồ tát, dù tu bao nhiêu phương tiện khác nhau, cũng đều y nơi
ba sự nghiệp này. Ai chứng ngộ được viên mãn thì đều thành tựu đạo
nghiệp.
“Này Thiện nam
tử! Giả sử có người tu theo Thánh đạo, giáo hóa cho những người
khác, thành tựu được trăm ngàn ức quả vị A-la-hán và Bích Chi Phật,
cũng không bằng một người nghe pháp môn Viên Giác vô ngại này, tùy
thuận tu tập chỉ trong một sát na”: Ở đây có sự so sánh giữa
tinh thần Nhị thừa và Bồ tát Đại thừa. Hàng Nhị-thừa, nếu tu theo Tứ
đế thì thành tựu A-la-hán, nếu tu theo Thập nhị nhơn duyên thì thành
Duyên-giác. Các vị khi chứng Niết bàn, bản thân mình được giải thoát
nhưng chỉ là tròn hạnh tự lợi, không có chí lợi tha. Bồ tát Đại
thừa, khi nhận ra bổn tâm chân thật của chính mình, thấy mình và mọi
chúng sanh đều đồng một thể tánh. Từ đó phát sinh đồng thể đại bi,
phát đại nguyện vào tất cả các cõi giáo hóa chúng sanh. Các vị tu
tập Lục độ theo tinh thần Ba-la-mật, vừa tự lợi vừa lợi tha qua
nhiều đời kiếp không biết mệt mỏi, cho đến ngày công hạnh viên mãn.
Do vậy, giữa hai hạnh tu, Đức Phật cho thấy sự khác biệt một trời
một vực giữa Bồ tát đạo và Nhị-thừa đạo.
“Bấy giờ, Đức Thế
Tôn muốn trùng tuyên lại nghĩa này nên nói kệ rằng :
Oai Đức! Ông nên
biết,
Tâm Đại giác vô
thượng
Xưa nay không hai
tướng”.
Tâm Viên Giác sẵn đủ
ở mỗi chúng sanh, không có gì hơn. Từ xưa đến nay chỉ có một Phật
thừa, không hai cũng không ba.
“Tùy thuận các
phương tiện
Số kia đến vô
lượng.
Như Lai tổng khai
thị
Chỉ có ba pháp
môn”.
Do chúng sanh căn
tánh không đồng nên phương tiện tu hành tương ưng cũng nhiều vô kể.
Tuy vậy, Đức Phật gom lại tựu trung chỉ có ba pháp môn.
“Tịch tịnh
Xa-ma-tha
Như gương chiếu
các tượng”.
Pháp môn thứ nhất là
Xa-ma-tha, dùng Giác tâm lắng tất cả ý niệm. Khi vọng tưởng dứt
sạch, gương tâm trong sáng in rõ thế giới vạn hữu cùng tâm của mười
phương các Đức Như Lai.
“Như huyễn
Tam-ma-đề
Như mạ dần tăng
trưởng”.
Pháp môn thứ hai là
Tam-ma-bát-đề, quán như huyễn theo thứ lớp, cũng y cứ vào Giác tâm
thanh
tịnh, càng ngày càng tăng tiến, như lúa mạ ngày
càng lớn.
“Thiền na duy
tịch diệt
Như tiếng thoát
từ chuông”.
Pháp môn thứ ba là
Thiền na. Bồ tát cũng dùng Giác tâm, vừa dứt vọng tưởng vừa quán các
pháp như huyễn đến mức độ siêu việt được cả Sự chướng và Lý chướng.
Lúc này, dù còn có thân ngũ uẩn, còn trong trần lao, nhưng Bồ tát đã
được tự tại, như tiếng trong chuông thoát ra ngoài một cách dễ dàng
khi đánh chuông.
“Ba diệu-pháp-môn
này
Đều tùy thuận
Viên Giác
Mười phương các
Như Lai
Và các Đại-Bồ-tát
Nhơn đây được
thành đạo.
Ba pháp được viên
chứng
Đạt cứu cánh
Niết-bàn”.
Ba pháp môn vi diệu
này, nếu ai viên dung tu chứng cũng đều thành tựu Phật đạo. Mười
phương Như Lai và các Đại Bồ tát cũng nhơn đây tu tập mà thành đạo
quả.
Để đúc kết bổn
chương, chúng ta cần nắm vững ba pháp tu theo Viên Giác này. Có hiểu
rõ từng pháp môn, khi học đến chương sau, chúng ta mới không bị rối
rắm :
1- XA-MA-THA.
Trung Hoa dịch là
Tác Chỉ, thuộc về Tịnh hạnh, tu theo Vô-vi nên là Tịnh-quán.
Tác Chỉ nghĩa là
dừng mọi tạo tác của tâm thức, Chỉ tự nhiên đưa đến Định. Thuộc về
Tịnh-hạnh vì dừng mọi loạn động của tâm, trả tâm về trạng thái thanh
tịnh. Xa-ma-tha an tâm ở nơi Vô-vi, quét sạch mọi tạo tác sanh diệt
của tâm thức, cho nên thuộc Tịnh-quán, nghĩa là Quán về trạng thái
thanh tịnh.
Đối chiếu với Nhất
tâm tam quán của Tông Thiên-Thai, Xa-ma-tha tương đương Không-Quán,
thuộc về Chơn đế. Đây là quán về Không, tâm trở nên tịch tịnh lặng
lẽ.
2-
TAM-MA-BÁT-ĐỀ.
Trung Hoa dịch là
Tác Quán, thuộc về Huyễn hạnh, tu theo Hữu-vi nên là Huyễn-quán.
Tác Quán nghĩa là
Quán các pháp đều như huyễn, từ đó dừng hết mọi tạo tác của tâm.
Thuộc về Huyễn-hạnh vì đây là hạnh tu trực tiếp vào mọi sự vật hiện
tượng, thấy các pháp đều là huyễn, không còn chấp vào thân-tâm và
cảnh. Do y cứ vào các pháp có hình tướng nên tu theo Hữu-vi, thuộc
Huyễn quán, nghĩa là Quán về tính chất như huyễn của các pháp.
So sánh bên Tông
Thiên Thai, Tam-ma-bát-đề tương đương Giả-Quán, thuộc về Tục-đế. Đây
là quán mọi sự vật đều giả hợp, không thật có.
3- THIỀN-NA.
Trung Hoa dịch là
Tác-Tư-duy, thuộc về Tịch-hạnh. Đây tu theo Tịnh-Huyễn song vong
hoặc Chỉ Quán bất nhị nên thuộc Tịch quán, tương đương với Trung
quán bên Tông Thiên Thai, thuộc Trung đế.
Tác-Tư-duy nghĩa là
do tư duy mà dừng mọi tạo tác. Kinh Di Giáo nói, Đức Phật tư- duy về
việc độ sanh. Đây chính là tư-duy theo nghĩa này. Tư-duy ở đây là
diệu dụng của tự tánh, nên dù có tư-duy mà không tạo tác. Tâm khởi
niệm đều xứng theo tự tánh, không rơi vào tình trạng đầu thêm đầu,
đuôi thêm đuôi. Nơi tri kiến mà không thêm tri kiến, biết tất cả mà
không thêm hiểu biết. Điều này rất phù hợp với tinh thần Thiền
Đốn-ngộ, cũng là tu theo Tánh biết vọng.
Tịch-hạnh là hạnh tu
bằng trạng thái lặng lẽ bản lai của tự tánh. Tịnh-Huyễn song vong
nghĩa là không tu theo Chỉ, cũng không theo Quán mà điều hợp cả hai
để xứng với Giác tâm. Đây là lối tu tuyệt kỹ, không còn pháp đối trị,
bởi vì nhận rõ mọi đối đãi nhị nguyên đều là con đẻ của vọng tưởng.
“Chỉ” là trạng thái yên định của tự tánh, “Quán” là dụng chiếu soi
của tự tánh. Chỉ là thể, Quán là dụng. Thể và dụng chỉ là hai mặt
của một thực thể nhiệm mầu, cho nên nói Chỉ-Quán bất nhị.
Ngài Thần Hội nói
“Vô niệm niệm ấy tức niệm chân như, Vô sanh sanh ấy tức sanh thật
tướng” - Vô niệm mà vẫn hằng niệm, Vô sanh nhưng vẫn cứ sanh.
Cũng như Lục Tổ “Đối cảnh tâm cứ sanh” bởi vì “An tâm tại
vọng tình. Ngay đó không ba chướng”. Nếu chúng ta đi vào con
đường Trung-đạo-đế, Đệ-nhất-nghĩa-đế này, nhận ra Vọng tức chơn,
Thể tức Dụng - Dụng tức thể, ta sẽ rõ tinh thần của Bát Nhã Tâm
kinh “Sắc tức thị không, không tức thị Sắc”. Ta sẽ rõ, Sắc ở
đây là Chơn Sắc, là diệu dụng; Không ở đây là Chơn Không, chính là
bản thể.
Học đến đây, chúng ta càng thấy tinh thần thiền Đốn Ngộ phù hợp vô
cùng với giáo điển. Có thể nói, Thiền là tâm của Phật, mà Giáo là
miệng của Phật. Từ đó, chúng ta lại càng có niềm tin vững chắc vào
đường lối tu hành của mình. Vấn đề còn lại là chúng ta có quyết tâm
đi theo con đường đó hay không. Nếu chúng ta cứ kiên trì đi mãi, đi
không biết mệt mỏi và cũng không cần biết bao giờ sẽ đến đích, nhất
định có ngày chúng ta sẽ thành tựu Phật quả.
~~oOo~~