Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lịch sử Phật giáo Việt Nam
Từ khởi nguyên đến thời Lý Nam Đế
Tiến sĩ Lê Mạnh Thát

Chương VI
Đạo Thanh, Chi Cương Lương Tiếp
và Pháp Hoa Tam Muội Kinh

Thủy hưng lục và Trúc Đạo Tổ
Tình hình chính trị
Về Đạo Thanh
Về Đào Hoàng
Về Cương Lương Tiếp
Nội dung Pháp Hoa tam muội


Lịch đại tam bảo ký 5, ĐTK 2034, tờ 56c19-24, chép: "Pháp Hoa tam muội kinh, 6 (quyển, một) bộ, một bản có chữ "chánh". Tăng Hựu nói đã thất dịch. Trên đây là một bộ 6 quyển. Đời Cao Quý Hương công, năm Cam Lồ thứ nhất (256), tháng 7, Sa-môn nước ngoài là Chi Cương Lương Tiếp, có nghĩa Chánh Vô Úy, đến Ngụy, dịch ở Giao Châu. Sa-môn Đạo Thanh bút thọ. Tăng Hựu bảo là thất dịch. [Phí Trường] Phòng tôi kiểm đến, thấy ở Ngụy thế lục và Thủy hưng lục của Trúc Đạo Tổ. Nếu cứ vào Giao Châu và đất Thủy Hưng thì nên nhập nó vào Ngô lục. Nay cứ vào Ngụy lục mà thâu phụ vào đây".

Vậy, vào thế kỷ thứ 5-6, ở Trung Quốc đã lưu hành một bản dịch gọi là Pháp Hoa tam muội kinh. Thời Tăng Hựu (...) thì bảo đã thất dịch, nghĩa là không biết người dịch kinh này là ai, nhưng đến thời Phí Trường Phòng thì nhờ phát hiện ra kinh lục của Trúc Đạo Tổ và Ngụy thế lục mà được biết đến. Mẫu tin này sau đó được Đại Đường nội điển lục 2, ĐTK 2149, tờ 227ả-28, chép y theo: "Pháp Hoa tam muội kinh 6 quyển, một bản có chữ "Chánh" [...]". Khai Nguyên Thích giáo lục 2, ĐTK 2154, tờ 491b24-29 ghi rằng: "Pháp Hoa tam muội kinh 6 quyển. Một bản có chữ "chánh". Lúc mới ra đời, cùng một bản với Chánh Pháp Hoa của Pháp Hộ. Xem Ngụy lục của Trúc Đạo Tổ, và cũng xem Thủy hưng lục. Trên đây một bộ 6 quyển, văn bản đã khuyết. Sa-môn Chi Cương Lương Tiếp, tiếng Ngô gọi là Chánh Vô Úy, người Tây vức, vào năm Ất Hợi, ngũ phụng thứ 2 (256) của Tôn Lượng, thời Giao Châu dịch Pháp Hoa tam muội kinh. Sa-môn Trúc Đạo Hinh bút thọ. Hai bản lục của Trường Phòng và Nội điển chép vào đời Tào Ngụy. Nay cứ vào đất Giao Châu và Thủy Hưng, cắt chép vào Ngô lục".

Đại Châu san định chúng kinh mục lục 2, ĐTK 2153, tờ 385b15-17, ghi: "Pháp Hoa tam muội kinh, một bộ 6 quyển. Một bản có chữ "chánh". Trên đây là kinh đời tiền Ngụy, năm Cam lồ thứ nhất (256), Sa-môn Chi Cương Lương Châu ở thành Giao Châu dịch. Thích Đạo Thanh bút thọ. Lấy từ Trường Phòng lục".

Cổ kim dịch kinh đồ kỷ 1, ĐTK 2151, tờ 352b23-25, viết: "Sa-môn Chi Cương Lương Tiếp, đây gọi là Vô Úy, vào năm ất hợi, ngũ phụng thứ 2, ở Giao Châu, dịch Pháp Hoa tam muội kinh 6 quyển. Sa-môn Trúc Đạo Hinh bút thọ".

Trinh nguyên tân định Thích giáo mục lục 3, ĐTK 2157, tờ 788c22-27 chép giống như Khai Nguyên Thích giáo lục.

Cứ vào các thông tin trên, ta biết là vào năm 256 tại nước ta, Chi Cương Lương Tiếp (có bản chép là Chi Cương Lương Lâu) đã cùng với Đạo Thanh hay Đạo Hinh dịch kinh Pháp Hoa tam muội. Bản kinh này, đến đầu thế kỷ 8, khi Trí Thăng viết Khai Nguyên Thích giáo lục thì đã bị liệt vào loại "khuyết bản", tức văn bản đã mất. Có nghĩa là từ thế kỷ VII về trước, văn bản đang còn, như khi Tăng Hựu viết Xuất tam tạng ký tập thì ông có thấy văn bản nhưng lại không biết người dịch là ai, nên liệt vào loại "thất dịch". Trong lúc Phí Trường Phòng viết Lịch đại tam bảo ký vào năm 597, nhờ tìm được Ngụy thế lục của Trúc Đạo Tổ và Thủy hưng lục mới biết là do Chi Cương Lương Tiếp cùng Trúc Đạo Thanh dịch ra. Thế thì Trúc Đạo Tổ là ai và Thủy hưng lục là tác phẩm nào?

Thủy hưng lục và Trúc Đạo Tổ [^]

Về Thủy hưng lục, thì Khai Nguyên Thích giáo lục 10, ĐTK 2154, tờ 573a26 ghi: "Thủy hưng lục 1 quyển, chưa rõ soạn giả, cũng gọi là Nam lục". Tuy nhiên, ta biết Thủy Hưng là một huyện của quận Nam Hải, như Địa lý chí của Tùy thứ 31, tờ 5b5-7 ghi, và đã được Phí Trường Phòng dẫn trong Lịch đại tam bảo ký, cho nên tác phẩm này phải ra đời từ thế kỷ 6 trở về trước. Còn về Ngụy thế lục của Trúc Đạo Tổ, thì Đại Đường nội điển lục 10, tờ 336c16-22 ghi:

"Thời Đông Tấn, Sa-môn Trúc Đạo Tổ soạn Chúng kinh lục gồm 4 bộ là Ngụy thế kinh lục mục 1 quyển, Ngô thế kinh lục mục 1 quyển, Tấn thế tạp lục mục 1 quyển và Hà tây kinh lục mục 1 quyển. Trên đây là 4 lục; căn cứ vào sự kiểm tra thì do đệ tử của Viễn công chùa Đông Lâm núi Lô thời Đông Tấn là Thích Đạo Lưu sáng soạn, nhưng chưa xong thì mất. Bạn đồng học là Đạo Tổ vì Đạo Lưu mà hoàn thành".

Khai Nguyên Thích giáo lục 10, tờ 573a11-13, cũng chép tương tự: "Chúng kinh lục 4 quyển, là Ngụy thế lục, Ngô thế lục, Tấn thế tạp lục và Hà tây lục. Trên đây là do đệ tử của Viễn công chùa Đông Lâm núi Lô thời Đông Tấn là Thích Đạo Lưu sáng soạn, nhưng chưa xong thì mất. Bạn đồng học là Trúc Đạo Tổ tiếp tục hoàn thành".

Trinh nguyên tân định Thích giáo mục lục 17, tờ 897b10-1 chép lại y nguyên.

Như thế Đạo Lưu và Đạo Tổ đều là đệ tử của Huệ Viễn, mà niên đại Huệ Viễn cứ vào Cao Tăng truyện 6 tơ 357c-361b rơi vào những năm 334-416. Còn Trúc Đạo Tổ, theo Phật giáo sử niên biểu; sống vào những năm 347-419, thọ 73 tuổi. Ngày nay, Ngụy thế lục mục đã mất, nhưng theo niên đại vừa nêu Đạo Lưu và Đạo Tổ chắc chắn đã có những tiếp xúc với những tư liệu tồn tại trong thời đại mình. Điểm lôi cuốn đối với chúng ta là tại sao Pháp Hoa tam muội kinh lại được xếp vào kinh lục của nhà Ngụy, trong khi nó lại được dịch ở nước ta. Theo quan niệm người Trung Quốc thì nó phải thuộc về kinh lục nhà Ngô, mà Trúc Đạo Tổ thì lại có viết riêng một quyển gọi là Ngô thế lục mục. Đây cũng là câu hỏi mà các nhà kinh lục từ Phí Trường Phòng cho đến Đạo Tuyên đã đặt ra, và sau đó Trí Thăng và Viên Chiếu đã xếp vào mục lục kinh điển của nhà Ngô. Hiện nay, ta có thể ở vào vị trí để trả lời câu hỏi vừa nêu nhờ vào việc phân tích tình hình chính trị Việt Nam vào những năm trước và sau khi bản kinh được dịch ra.

Tình hình chính trị  [^]

Tình hình chính trị Việt Nam sau cái chết Sĩ Nhiếp vào năm 226 có những biến động sâu xa. Thứ nhất, Tôn Quyền lúc ấy đã chiếm cứ phía nam Trung Quốc để tranh hùng với Tào Tháo và Lưu Bị, nên nhân cái chết của Sĩ Nhiếp, muốn thôn tính vùng đất người Việt mà trước đó Chu Phù và Sĩ Nhiếp đã chính thức quản lý như một quốc gia độc lập dựa theo điển huấn của người Việt. Do thế Tôn Quyền đã chia vùng đất này thành hai châu. Từ Hợp Phố về bắc gọi là Quảng Châu và cử Lữ Đại làm thứ sử. Còn lại ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân và Nhật Nam thì gộp thành Giao Châu, và cử Tải Lương làm thứ sử và Trần Thì làm thái thú Giao Chỉ. Trước âm mưu thôn tính và hành động xấc xược này của Tôn Quyền, con Sĩ Nhiếp là Sĩ Huy cương quyết chống lại. Tuy nhiên, trong nội bộ của chính quyền Sĩ Huy có đám Hoàn Lân can dán Huy không nên làm thế và khuyên Huy nên tiếp đón Tải Lương. Huy nổi giận đánh chết Lân. Anh Lân là Hoàn Trị và con là Hoàn Phát bèn đem quân đánh Huy. Ngô chí 4, tờ 8b10-11 chép: "Huy đóng cửa thành để giữ. Bọn Trị đánh mấy tháng không thể hạ thành bèn ước hòa thân, mỗi bên bãi binh rút về. Trong khi đó, Lữ Đại được chiếu [của Tôn Quyền] đi đánh Huy, từ Quảng Châu đem quân ngày đêm đi vào, qua Hợp Phố cùng với Tải Lương điều khiển quân lên. Con của Sĩ Nhất [em Sĩ Nhiếp], là Trung lang tướng Sĩ Khuông cùng với Đại là chỗ quen biết cũ. Đại phong Khuông làm Sư hữu tùng sự, trước gửi thư cho Giao Chỉ dỗ dành về chuyện họa phúc, lại gửi Khuông đến gặp Huy bàn bạc, Khiến cho Huy phục tội, thì tuy mất chức Thái thú [quận Giao Chỉ], nhưng được bảo đảm [an toàn], không phải lo gì. Đại tiếp theo Khuông đến sau. Anh Huy là Kỳ, em là Cán, Tùng, v.v... sáu người cởi trần đón tiếp Đại tạ tội. Đại khiến ăn mặc lại như cũ để đến quận. Sáng sớm hôm sau, Đại cho vây màn trướng, kêu anh em Huy theo thứ tự vào ra mắt. Tân khách đầy nhà, Dại đứng dậy cầm tiết, đọc chiếu thư kể tội Huy. Bọn tả hữu của Đại nhân thế bắt trói bọn Huy đem ra, tức thì đều bị giết, gửi đầu về Vũ Xương".

Truyện Đại ở Ngô chí 15 tờ 6b12-7a2 còn chép tiếp, "sau khi đã gửi đầu bọn Huy về Trung Quốc, thì đại tướng (của Huy) là Cam Lệ, Hoàn Trị v.v... đã đem dân đánh Đại. Đại đánh hăng, phá lớn [...] Lại tiến quân đánh Cửu Chân, chém bắt đếm tới số vạn". Thế là, gia đình họ Sĩ đều tự tiêu diệt mình bằng vào sự cả tin vào miệng lưỡi của kẻ thù, mà không lo phòng bị và quyết tâm chiến đấu, đúng như thiền sư Chân Nguyên đã diễn tả trong Thiên nam ngữ lục:

Sĩ Huy nghiệp cả vào vâng
Mềm tay yếu sức không bâng vạc trời
Lại thêm ủy mị bất tài
Tôi cũ hết người tôi mới chưa ai
Bề bề những kẻ giữ ngôi
Trẻ thơ bỗng dại thiếu người lo toan
Sức đâu gánh được giang san
Cậy chăng Sĩ Ngũ còn gan anh hùng
Huy chẳng nghe chước Ngũ dùng
Binh chẳng thiết phòng, việc chẳng dự lo

Đây là một kinh nghiệm lịch sử đau đớn, nhưng đã trở thành một gương sáng cho dân tộc ta ngày sau soi vào, để rút ra kết luận là dứt khoát phải bảo vệ độc lập dân tộc cho đến giọt máu cuối cùng. Vì mất độc lập, tức phải chết. Thắng lợi này của Lữ Đại tuy nhanh chóng do không có sự quyết tâm chiến đấu của Sĩ Huy, nhưng không phải là một chiến thắng dứt khoát và lâu dài. Nói rằng chiến thắng không dứt khoát, bởi vì như lá sớ của Tiết Tôn viết gửi cho Tôn Quyền vào năm 231, theo Ngô chí 8 tờ 8â-7, đã ghi nhận là: "Ngày nay, Giao Châu tuy gọ là tạm ổn định, nhưng vẫn còn đám giặc truyền kiếp Cao Lương". Nói rõ ra, Lữ Đại chỉ chiếm được những thành phố chính của nước ta, tức Luy Lâu ở Giao Chỉ và Cửu Chân, nhưng các cuộc khởi nghĩa vẫn tiếp tục, như Cao Lương, ở khắp nơi. Và cũng không phải là lâu dài, vì chưa đầy 18 năm sau, năm 248, bà Triệu Thị Trinh cùng anh là Triệu Quốc Đạt đã nổi lên khởi nghĩa, đánh chiếm Giao Châu thành công. Tôn Quyền sai Lục Dận làm An nam hiệu úy và thương thảo với quân khởi nghĩa bằng ấn tín và tiền của. Đây là một lối đánh dẹp khá lạ kỳ, hiếm thấy trong lịch sử Trung Quốc đối với nước ta. Và cuối cùng Lục Dận cũng có thể báo cáo là đã "dẹp yên được giặc Giao Chỉ", và được phong làm thứ sử Giao Châu. Nhưng châu trị của Giao Châu lần này không phải ở nước ta, mà phải ở Quảng Châu, vì nó ngó ra biển (lâm hải), như bài biểu của Hoa Hoạch trong Ngô chí 16 tờ 10b3 đã ghi nhận.

Nói cách khác, nước ta từ năm 248 tiếp tục là một nước độc lập và Bà Triệu tiếp tục đứng đầu đất nước, cho đến khi Tôn Hựu sai Đặng Tuân (Ngụy chí 4 tờ 27a3 viết là Đặng Cú) đến Giao Chỉ vào năm 257, ra lịnh cho thái thú Giao Chỉ bắt dân đưa lên Kiến Nghiệp làm lính. Và như Thiên nam ngữ lục đã ghi nhận là Bà Triệu đã bị tử trận trong một cuộc chiến đấu với chính Đặng Tuân sau khi đã tiêu diệt Lục Dận:

Lục Dận mất vía binh lui
Nàng xông voi sấn, thác tươi giữa đường
Đặng Tuân lại tiến binh sang
Bộ chật giữa đường, thủy chật dòng sông
Thuyền thuyền ngựa ngựa đua dong
Đã thôi tiếng trống; lại buông tiếng cồng
Gió đưa cờ cuốn khúc rồng
Giơ đồng thiên chiến,trương cung nguyệt đầu
....
Ngày sau ra trận chiến tiền
Nàng mong tin cũ, bỗng quên quan phòng
Đến gần, Tuân giữ nói cùng
Người Ngô nó bắn tên cung phải nàng
Quân binh thất thế loạn hàng
...

Những mô tả này của Chân Nguyên hoàn toàn phù hợp với tư liệu của Ngụy chí 4 tờ 27a2-27b5, đặc biệt là tờ chiếu năm Hàm Hi thứ nhất (264) của Tào Hoán, nói rằng: "Chính hình bọn giặc Ngô bạo ngược, thuế má vô cùng Tôn Hựu sai sứ Đặng Cú đến ra lịnh cho thái thú Giao Chỉ bắt dân mình đưa đi làm lính. Tướng Ngô là Lữ Hưng nhân lòng dân phẫn nộ, lại thừa lúc quân nhà vua bình định Ba Thục, bèn tập hợp hào kiệt diệt trừ bọn Cú, xua đuổi thái thú trưởng lại, vỗ về quân dân, để đợi lệnh nước. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, nghe Hưng trừ diệt nghịch tặc, tức thì thuận theo, cùng lòng hưởng ứng cùng Hưng diệt độc. Hưng gửi thư cho châu quận Nhật Nam mở bày kế lớn. Khi quân đến Hợp Phố, đem họa phúc ra bảo ban, sai đô ú Đường Phổ v.v... đến huyện Tấn Thừa, nhân lúc Nam trung đô đốc hộ quân Hoắc Dặc dâng biểu tự trình bày, nói: "Tướng lại Giao Chỉ, mỗi dâng biểu nói Hưng sáng tạo sự nghiệp lớn nhỏ đều thừa lệnh nước. Quận có giặc núi vào phá các quận liên tục, sợ chúng kế khác, mỗi có hai lòng, nên tạm thời quyền nghi để Hưng làm Đốc Giao Chỉ chư quân sự thượng đại tướng quân Định An huyện hầu, xin ban khen thưởng, để làm yên lòng miền biên hoang. Lòng nó thành khẩn hiện ra ở nơi lời ý. Xưa Nghi Phụ chầu Lỗ, sách Xuân thu khen hay. Đậu Dung qui phục nhà Hán, được đối đãi bằng lễ đặc biệt. Nay oai nước xa vang, vỗ về sáu cõi, thì nên bao dung nước khác, hợp nhất bốn phương. Hưng từ đầu đã hướng về sự giáo hóa của nhà vua đem dân theo phục [...]".

Lời chiếu này, Tào Hoán viết vào ăm 264. Tư liệu Ngô Chí 3 tờ 9a3-8 lại ghi: "Năm đó (tức năm Vĩnh An 5 của Tôn Hựu, 262), sai Sát Chiến đến Giao Chỉ đòi heo lớn. Năm Vĩnh An 6, tức 263, tháng 5, quận lại Giao Chỉ là Lữ Hưng v.v.... làm phản, giết thái thú Tôn Tư. Tư trước đó đã bắt những tay thợ giỏi của quận hơn ngàn người về Kiến Nghiệp, nên khi Sát Chiến đến sợ lại bị bắt. Do đó bọn Hưng, v.v... nhân thế phiến động quân dân, chiêu dụ các mọi [...]. Hưng khi đã giết Tôn Tư, sai sứ đến Ngụy xin làm thái thú [...]". Nhân vật Sát Chiến trong đoạn này của Ngô chí chắc chắn không ai khác hơn là Đặng Cú của Ngụy chí và Đặng Tuân của Thiên nam ngữ lục. Về sự kiện này, Đại Việt sử ký toàn thư 4 ngoại kỷ, tờ 4a5-9 viết: "Quí mùi (263), mùa xuân, tháng 3, nguyên trước nhà Ngô lấy Tôn Tư làm thái thú Giao Châu. Tư tham tàn bạo ngược, làm khổ bá tánh. Đến lúc ấy, vua Ngô sai Đặng Tuân đến quận. Tuân lại đòi kim công ba mươi con đưa về Kiến Nghiệp. Dân sợ đi xa, nhân thế âm mưu làm loạn. Mùa hạ, tháng tư, quận lại Lữ Hưng giết Tư và Tuân mà xin chức thái thú với nhà Tấn. Cửu Chân Nhật Nam đều hưởng ứng theo".

Thế đã rõ, quan hệ nước ta với Trung Quốc vào giữa những năm 248 cho đến 264 là rất phức tạp. Những người lãnh đạo dân tộc để mưu cầu và bảo vệ độc lập đất nước đã có những quan hệ chằn chịt với các thế lực đang qua phân nước Trung Hoa. Mà trong trường hợp này, đó là quan hệ với nhà Ngụy để chống đối lại với nhà Ngô, vì lúc bấy giờ nhà Ngụy sau khi diệt Thục vào năm 263, đã tiến quân sát với biên giới Tây Bắc nước ta, nếu không là sớm hơn. Chính trong khoảng thời gian có quan hệ cụ thể này mà Pháp Hoa tam muội kinh do Chi Cương Lương Tiếp cùng Đạo Thanh dịch đã được đưa lên phía Bắc Trung Quốc của nhà Ngụy và sau đó đã được Trúc Đạo Tổ liệt vào Ngụy thế lục mục, tức bản mục lục các kinh tìm thấy trong kho sách và vùng đất do nhà Ngụy quản lý. Cần nhớ rằng, chỉ một năm sau thôi, tức 265, Tào Hoán đã nhường ngôi lại cho Tư Mã Viêm và chấm dứt sự tồn tại của nhà Ngụy để bắt đầu thời đại mới, thời đại của nhà Tấn.

Sự xuất hiện của Pháp Hoa tam muội kinh trong Ngụy thế lục mục báo cho ta một số hệ luận khá lôi cuốn. Thứ nhất, từ một quyển kinh chỉ dịch trước khi nhà Ngụy diệt vong chưa tới 10 năm, mà đã được đưa lên đất Ngụy xa xôi để nhập vào kinh lục của nhà Ngụy, điều này có nghĩa một quan hệ văn hóa,chặt chẽ đã xuất hiện giữa nước ta và nhà Ngụy. Và quan hệ văn hóa này không thể tồn tại nếu không có một quan hệ chính trị yểm trợ, nói thẳng ra, quan hệ văn hóa đôi khi cũng phục vụ một số mục tiêu chính trị, dù dài hay ngắn hạn. Một khi nhận định như thế, thì vai trò Phật giáo trong công cuộc vận động độc lập của dân tộc ta rõ ràng phải khẳng định. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế của Phật giáo Việt Nam vào những thế kỷ này, khi Phật Giáo cùng với văn hóa dân tộc đã trở thành một lực lượng vừa hậu bị vừa tiên phong cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Điều này ta có thể thấy rõ ràng, khi phân tích sự hình thành Lục độ tập kinh cũng như sự ra đời của Lý hoặc luận và việc chống gậy Đông du truyền giáo của Khương Tăng Hội.

Về Đạo Thanh  [^]

Thứ hai, ngày nay ta hầu như không có một chi tiết cụ thể nào về nhà sư kiêm dịch giả Việt Nam đầu tiên có tên tuổi là Đạo Thanh, cũng có khi gọi là Đại Hinh. Tuy vậy, chỉ một việc xuất hiện của Pháp Hoa tam muội kinh trong Ngụy thế lục mục cũng đủ để xác nhận vai trò của Đạo Thanh trong phong trào vận động giải phóng dân tộc giữa những năm 248 cho đến 272. Đây là giai đoạn của các chính quyền độc lập liên tục từ bà Triệu (248 - 257), Lữ Hưng (258 - 265), và Lý Thông (266 - 272). Ta có thể xác nhận được vai trò này bởi vì với tư cách là một người bút thọ cho Chi Cương Lương Tiếp khi dịch Pháp Hoa tam muội kinh Đạo Thanh dứt khoát phải là một người trí thức, không những biết chữ Việt mà còn biết chữ Hán và chữ Phạn để có thể cộng tác với Chi Cương Lương Tiếp, trong việc dịch một bản kinh Phạn văn ra tiếng Hán. Nói cách khác, đây là những phần tử ưu tú trí thức của dân tộc và những phần tử này đã đóng góp sức mình cho sự nghiệp bảo vệ độc lập của đất nước.

Thứ ba, Đạo Thanh, để có thể tham gia bút thọ Pháp Hoa tam muội kinh vào năm 256, phải sinh ra vào khoảng những năm 220, và có thể học tập với Khương Tăng Hội vào khoảng những năm 240 và dưới sự hướng dẫn thêm của những người như Trần Huệ, Văn Nghiệp (có bản viết là Bì Nghiệp) và Hàn Lâm, "những người hiền" đã giúp ít nhiều cho Khương Tăng Hội viết An ban thủ ý kinh chú giải. Đạo Thanh có thể sống những năm cuối cùng của đời mình vào giai đoạn đất nước đang bị dành giật giữa những thế lực cát cứ của Trung Quốc, tức khoảng những năm 270 - 300. Đây là thời gian khi Tôn Hạo gửi đám "thứ sử Giao Châu Lưu Tuấn, tiền bộ đốc Tắc Tu v.v.. đến đánh Giao Chỉ, bị tướng Tấn Mao Đài v.v... phá, đều chết, quân tan trở về Hợp Phố". Tháng 11 năm sau, tức năm 269, sai giám quân Ngu Phiếm, uy nam tướng quân Tiết Vũ, thái thú Thương Ngô Đào Hoàng do đường Kinh châu, giám quân Lý Úc, đốc quân Từ Tồn theo đường biển Kiến An, đều đến Hợp Phố, đánh "Giao Chỉ". Mùa xuân năm Kiến Hành thứ 2 (270) "Lý Úc cho đường Kiến An không lợi, giết tướng dẫn đường Phùng Phỉ, dẫn quân về". Mùa hè tháng 4 năm đó, "Điện trung liệt tướng Hà Đình trình Thiếu phủ Lý Úc giết oan Phùng Phỉ, tự ý rút quân về. Úc và Từ Tôn, gia thuộc đều bị giết". Năm 271, "Phiếm, Hoàng phá Giao Chỉ, bắt giết thú tướng do nhà Tấn đặt, Cữu Chân, Nhật Nam đều trở về lệ thuộc".

Về Đào Hoàng  [^]

Chín năm sau, Tôn Hạo đầu hàng nhà Tấn. Đào Hoàng lại trở về đầu phục tân triều. Có lẽ do cảm thấy bất ổn đối với triều đại mới, Đào Hoàng đã có một chánh sách hết sức cởi mở đối với nước ta, cố gắng thu phục lòng dân, tự mình Việt hóa để củng cố cho vị thế và quyền lực mình qua việc cho tu sửa lại chùa Pháp Vân và ca ngợi sự linh nghiệm của đức Phật chùa này. Văn bia của lần trùng tu này, theo Cổ châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục chép lại, đọc như sau: "Phật Pháp Vân đất Cổ Châu là thiêng nhất ở trong nước. Hễ gặp năm nắng nôi sâu bọ ốm đau, vâng mệnh nhà nước để mà cầu đảo thì bao nhiêu tai nạn đều khỏi. Cho đến công khanh sĩ dân, những người hiếm con, đến Phật cầu đảo đều được cảm ứng. Đến tới quan trên cùng đám buôn bán chăn nuôi, lụa tằm hễ cầu xin khấn vái, đều được như nguyện".

Đây có lẽ là văn bia đầu tiên được chép lại trong lịch sử kim thạch học của nước ta, nếu ta giả thiết tác giả Cổ châu Pháp vân Phật bản hạnh ngữ lục, nếu không phải là chính tác giả Báo cực truyện đã trực tiếp nhìn thấy bia văn ấy còn tồn tại ở chùa Dâu của Luy Lâu vào những thế kỷ 11 - 14. Đại Việt sử ký ngoại kỷ toàn thư 4 tờ 6b8-7a3 viết về sự cai trị của Đào Hoàng ở nước ta như sau: "Đến khi Ngô chúa đã hàng, nhà Tấn viết thư tay, sai Mã Dung ra lệnh cho Đào Hoàng qui thuận. Hoàng chảy nước mắt mấy ngày, sai sứ đưa ấn và đai đến Lạc Dương. Vua Tấn xuống chiếu Hoàng phục chức, phong là Uyển lăng hầu, rồi cải phong Quán quân tướng quân. Hoàng ở châu ba mươi năm, ân uy rất nổi, làm cho người khác tục rất hâm mộ. Đến khi chết, cả châu khóc lóc như thương cha mẹ mình". Viết như thế, Ngô Sĩ Liên có lẽ là đã quá lời khi dùng chính ngay những lời lẽ của kẻ thù. Dẫu vậy, việc Đào Hoàng đã biết cúi đầu trước vị Phật bản địa Pháp Vân, đã nói lên quá trình vừa muốn Việt hóa vừa muốn giữ vững vị thế của mình của Đào Hoàng. Tất nhiên trong những năm tháng này, vai trò của những người trí thức ưu tú như Đạo Thanh hoặc học trò của ông có thể đã đóng một vai trò nào đó trong quá trình Việt hóa những phần tử như Đào Hoàng. Cần nhớ là trong cuộc tiến quân vào năm 269, cùng với Đào Hoàng có Tiết Vũ, người con của Tiết Tôn vẫn tiếp tục coi nước ta là "cõi mọi rợ" (man thùy). Cho nên việc cúi đầu và ca ngợi đức Phật Pháp Vân linh thiêng là một biểu thị ít nhiều quá trình Việt hóa của bản thân Đào Hoàng.

Về Cương Lương Tiếp [^]

Cuối cùng, vị sư Chi Cương Lương Tiếp với chữ Chi đi đầu biểu thị nguồn gốc dân tộc Scyth, một dân tộc ở phía Tây Bắc Ấn Độ, dịch là xứ Nguyệt Chi. Còn tên "Cương Lương Tiếp", ta được biết tiếng Hán dịch là Chính Vô Úy. Chữ Cương Lương có thể tái thiết lại là Kalyàna, và từ này trong tiếng Hán cũng thường được dịch là chánh chơn, chơn thiện, chơn thật v.v... Còn "tiếp" thì có thể tái thiết, tiếng Phạn lại là siva, mà tiếng Hán thường dịch là an ổn, cát tường, v.v.. Cương Lương Tiếp như vậy có tên tiếng Phạn là Kalyàna'siva, chư không phải như Bagchi1 đã đề nghị là Kàla'siva. Tuy nhiên, Phí Trường Phòng trong Lịch đại tam bảo ký 6 tờ 65a8-11 có ghi là một "Sa-môn ngoại quốc tên Cương Lương Lâu Chí, tiếng Tấn gọi là Chân Hỉ, vào năm Thái thủy thứ 2 (266) từ Quảng Châu" dịch Thập nhị du kinh, và nói là căn cứ vào Thủy hưng lục và Bảo xướng lục. Mẫu tin này, sau đó Đại Đường nội điển lục 3 tờ 243b6-9; Cổ kim dịch kinh đồ ký 2 tờ 354a 26-28; Đại Châu san định chúng kinh mục lục 9 tờ 431a 11 - 13; Khai Nguyên Thích giáo lục 2 tờ 497b18-22 và Trinh nguyên tân định Thích giáo mục lục 4 tờ 794c6-10 đã chép lại. Cho nên Pelliot trong bản nghiên cứu về Thập nhị du kinh 2 đã đồng nhất Chi Cương Lương Tiếp với Cường Lương Lâu Chí. Điều này đã dẫn Trần Văn Giáp ghi nhận sự có mặt của Cương Lương Lâu Chí tại nước ta và sau đó những người viết lịch sử Phật giáo Việt Nam đều lập lại sai lầm này. Zurcher 3 cũng muốn đồng nhất hai người này với nhau, nhưng vì có tộc danh Chi (ethnikon) đứng trước Cương Lương Tiếp và vì nghĩa của hai tên Cương Lương Tiếp và Cương Lương Lâu Chí khác nhau nên cũng không biết giải quyết ra sao.

Chúng tôi nghĩ rằng Cương Lương Tiếp và Cương Lương Lâu Chí là hai nhân vật khác nhau. Một nhân vật sống tại nước ta vào khoảng những năm 256 tên Chi Cương Lương Tiếp, mà chữ Phạn là Kalyàna'siva, còn nhân vật Cương Lương Lâu Chí sống tại Quảng Châu 10 năm sau đó (266) có tên chữ Phạn là Kalyànaruci. Dù cho bản in đời Nguyên và Minh của Đại Đường nội điển lục 2 tờ 226c10 có Cương Lương Tiếp viết thành Cương Lương Lâu và Đại Châu san định mục lục có Cương Lương Lâu dịch kinh Pháp Hoa tam muội, thì toàn bộ các kinh lục khác từ Lịch đại tam bảo ký cho đến Trinh nguyên tân định Thích giáo mục lục cũng như các bản in của những kinh lục này từ Cao Lệ, Tống cho đến Nguyên, Minh, trong đó gồm có bản in đời Tống và Cao Lệ của Đại Đường nội điển lục, đều nhất trí ghi tên Cương Lương Tiếp đã cùng với Đạo Thanh dịch Pháp Hoa tam muội kinh. Cương Lương Tiếp và Cương Lương Lâu Chí do thế dứt khoát là hai nhân vật khác nhau.

Vì Cương Lương Tiếp, Kalyàna'siva, có tộc danh là Chi, cho nên quan hệ giữa Đạo Thanh và vị Sa-môn này không phải là quan hệ thầy trò mà chỉ là một quan hệ hợp tác trong việc dịch thuật. Ta biết điều này bởi vì các kinh lục đều ghi Đạo Thanh với tư cách là Sa-môn Đạo Thanh hay Sa-môn Thích Đạo Thanh, như Lịch đại tam bảo ký và Đại Đường nội điển lục ghi, trong khi đó Cổ kim đồ thư ký, Khai Nguyên Thích giáo lục và Trinh nguyên tân định Thích giáo mục lục đều nhất trí ghi là Sa-môn Trúc Đạo Thanh. Với tộc danh Trúc đứng trước tên mình, Đạo Thanh dứt khoát phải là đệ tử của một nhà sư Ấn Độ tại nước ta vào thượng bán thế kỷ III sdl. Ai có thể là vị thầy này của Đạo Thanh? Trong số những nhà sư Phật Giáo có mặt tại nước ta trong thượng bán thế kỷ III này, ngoài Mâu Tử, Khương Tăng Hội, mà cả hai người đều không có họ Trúc được, ta có vị sư Thiên Trúc nổi tiếng Khâu Đà La (Ksudra).

Trong chương trên, ta đã ghi nhận là Khâu Đà La mất khi đã hơn 90 tuổi, và niên đại ông có thể rơi vào khoảng những năm 160 - 255. Và nhà sư này cứ vào Cổ châu Pháp Vân Phật bản hành ngữ lục là người Tây Thiên Trúc và đã có một quan hệ mật thiết với trung tâm Phật giáo Luy Lâu, đặc biệt với sự hình thành truyền thống Phật giáo Tứ Pháp của chùa Dâu. Có khả năng rất lớn là Đạo Thanh đã học tiếng Phạn với Khâu Đà La, để sau này có thể bút thọ Pháp Hoa tam muội kinh với Cương Lương Tiếp.

Bút thọ là một hiện tượng dịch kinh đặc thù của Phật giáo nước ta và sau này của Trung Quốc. Trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc , hiện tượng bút thọ đầu tiên được ghinhận là xảy ra vào ngày rằm tháng 5 năm Nguyên Khương thứ nhất (291) ở tại chùa Thủy Nam, đất Thương Viên của Trần Lưu, khi Sa-môn Moksala người Vu Điền (Khotan) cầm bản Phạn, Ưu-bà-tắc Trúc Thúc Lan khẩu truyền, còn Chúc Thái Huyền và Chu Huyền Minh bút họ. Hiện tượng bút thọ xảy ra là do sự không thông hiểu lắm tiếng bản dịch của người dịch, cho nên cần một trung gian vừa hiểu tiếng của bản văn cần dịch vừa hiểu tiếng bản địa để có thể truyền đạt và ghi chép lại ý nghĩa của bản văn cần dịch ra tiếng bản địa. Ở nước ta, khi Đạo Thanh bút thọ Pháp Hoa tam muội kinh thì điều này có nghĩa Cương Lương Tiếp không rành tiếng Hán cho lắm. Và về bản thân Đạo Thanh thì ông phải một phần nào biết chữ Phạn và một phần nào biết chữ Hán để có thể bút thọ bản kinh này. Bản kinh này dứt khoát là phải được ghi bằng chữ Hán vì sau này nó đã xuất hiện ở Trung Quốc để được ghi vào Ngụy thế lục mục. Ngoài ra, cũng vì hiện tượng bút thọ này ta có thể giả thiết hoặc là Cương Lương Tiếp mới đến nước ta cho nên không rành tiếng Hán, và phải nhờ sự trợ giúp bút thọ của Đạo Thanh. Hoặc cũng có thể Cương Lương Tiếp đã đến nước ta lâu ngày, sống trong các ngôi chùa Việt, rành tiếng Việt nhưng không rành tiếng Hán, vì thế đến lúc do yêu cầu chính trị của việc dịch kinh điển Phật giáo ra tiếng Hán, Đạo Thanh đã giúp Chi Cương Lương Tiếp, bút thọ Pháp Hoa tam muội kinh. Giả thiết này không phải là hoàn toàn vô bằng, khi ta chú ý đến sự xuất hiện của Pháp Hoa tam muội kinh trong Ngụy thế lục mục.

Nội dung Pháp Hoa tam muội [^]

Điều đáng tiếc là Pháp Hoa tam muội kinh đã khuyết bản từ lâu. Do vậy ta không thể nào biết nội dung nó gồm những gì. Tuy nhiên với đầu đề Pháp Hoa tam muội kinh thì đây chắc hẳn phải ít nhiều liên hệ đến các phương pháp thiền định. Điểm lôi cuốn đối với chúng ta là khi chú thích kinh An ban thủ ý, Khương Tăng Hội đã nêu ra cái gọi là lục diệu pháp môn, tức: Sổ (gananà), tuỳ (anugama), chỉ (sthàna), quán (upalaksanà), hoàn (vivartanà), tịnh (pari'suddhi) như đã thấy. Đến thời Trí Khải (538 - 597) thành lập phái Thiên Thai ở Trung Quốc, lấy kinh Pháp Hoa làm chủ đạo, lại viết Lục diệu pháp môn, ĐTK 1918 tờ 555a15-29 đã ghi nhận: "Sao gọi là tương tự viên chứng sáu diệu môn? Như kinh Pháp Hoa nói: "Trong nhãn căn thanh tịnh có thể đếm số lượng pháp ngang với sắc và tâm của phàm và thánh của mười phương, nên gọi là sổ môn. Tất cả sắc pháp tùy thuận ở nhãn căn, mắt không trái với sắc pháp, cùng tùy thuận nhau, nên gọi là tuỳ môn. Như thế, lúc thấy, nhãn căn biết vắng lặng bất động, nên gọi là chỉ môn. Không dùng hai tướng mà thấy các nước Phật, thông đạt vô ngại, khéo léo phân biệt, soi rõ pháp tính, nên gọi là quán môn. Trở về trong cảnh giới của nhãn căn, thấu suốt cảnh giới của các căn tai, mũi, lưỡi, thân, ý, hết thảy hiểu rõ vô ngại tướng không một không khác, nên gọi là hoàn môn. Lại khi đã thấy cảnh giới nhãn căn, trở về xuất hiện trong nhãn giới của phàm thánh mười phương, đó cũng gọi là hoàn môn. Tuy rõ rệt thấy thấu suốt việc như thế mà không dấy lên vọng tưởng phân biệt, biết bản tính thường tịnh là pháp không thể bị nhiễm, không trụ không bám, không dấy khởi pháp ái, nên gọi là tịnh môn. Đấy là nói tóm tắt về việc chứng tương tự tướng sáu diệu môn trong nhãn căn thanh tịnh. Năm căn còn lại cũng như vậy, nói rộng như kinh Pháp Hoa đã chỉ rõ".

Như vậy Kinh Pháp Hoa có liên hệ chặt chẽ với phương pháp thiền định an ban mà vào thời Hùng Vương đã truyền vào nước ta và sau đó đã được Khương Tăng Hội xiển dương mạnh mẽ qua việc chú giải An ban thủ y kinh mà ta đã bàn trên. Tuy nhiên một số nhà tư tưởng đã thấy ngay phương pháp ấy cần có một cơ sở lý luận sâu hơn. Từ đó Đạo Thanh đã tham gia vào việc dịch Pháp Hoa tam muội kinh với Cương Lương Tiếp. Trí Khải trong Lục diệu pháp môn ĐTK 1918 tờ 555a19-b19 giải thích tiếp cho ta biết thế nào là tam muội Pháp Hoa: "Sao gọi chân thật viên chứng sáu diệu môn? Có hai thứ. Một là biệt đối. Hai là thông đối. Biệt đối là: mười trụ là sổ môn, mười hạnh là tùy môn, mười hồi hướng là chỉ môn, mười địa là quán môn, đẳng giác là hoàn môn, diệu giác là tịnh môn. Hai, thông đối có ba thứ. Một là sơ chứng. Hai là trung chứng. Ba là cứu cánh chứng. Sơ chứng là có Bồ-tát nhập A tự môn, cũng gọi sơ phát tâm trụ, chứng được tuệ chân vô sinh pháp nhẫn. Lúc ấy có thể ở trong một tâm niệm đếm các tâm hạnh và đếm vô lượng pháp môn của chư Phật, Bồ-tát, thanh văn, duyên giác của các thế giới như hạt bụi nhỏ không thể nói hết, nên gọi là sổ môn. Có thể trong một tâm niệm tùy thuận sự nghiệp của pháp giới, nên gọi là tùy môn. Có thể trong một tâm niệm nhập trăm ngàn tam muội và hết thảy tam muội, hư vọng và tập đều ngưng dứt, nên gọi là chỉ môn. Có thể trong một tâm niệm hiểu rõ hết hảy pháp tướng, đầy đủ mọi thứ quán trí tuệ, nên gọi là quán môn. Có thể trong một tâm niệm thấu suốt các pháp rõ ràng phân minh, thần thông chuyển biến, điều phục chúng sinh, quay về nguồn gốc, nên gọi là hoàn môn. Có thể trong một tâm niệm thành tựu các việc như trên đã nói, mà tâm không nhiễm trước và không bị các pháp làm nhiễm ô, có thể làm sạch nước Phật, khiến chúng sanh đi vào đường sạch của ba thừa, nên gọi là tịnh môn. Sơ tâm Bồ-tát vào pháp môn ấy, như kinh dạy, cũng gọi là Phật, đã được chính tuệ Bát-nhã, nghe Như Lai tạng, rõ chân pháp thân, đầy đủ (định) thủ lăng nghiêm, thấy rõ tính Phật, ở đại niết bàn, vào cảnh giới không thể nghĩ bàn của tam muội Pháp Hoa".

Đó là quan hệ giữa tư tưởng Pháp Hoa và tam muội Pháp Hoa với phương pháp an ban. Ngày nay, tuy kinh Pháp Hoa tam muội kinh do Cương Lương Tiếp và Đạo Thanh đã mất, nhưng vào thời Trí Khải, nó chắc chắn vẫn còn lưu hành,bởi vì Đại Đường nội điển lục của Đạo Tuyên chưa ghi nó vào loại "khuyết bản". Chỉ từ thời Trí Thăng trở đi, Pháp Hoa tam muội kinh mới bị liệt vào "khuyết bản" trong Khai Nguyên Thích giáo lục. Do thế, những lý giải vừa trích của Trí Khải, cũng có thể cho ta thấy một số ý niệm về tam muội Pháp Hoa, mà ông có khả năng rút ra từ kinh ấy. Điểm đặc biệt là việc kết nối phương pháp tam muội Pháp Hoa với Lục diệu pháp môn ít nhiều bộc lộ khuynh hướng giải thích lối thiền định an ban mà vào thời điểm dịch kinh Pháp Hoa tam muội đã có một số sơ hở cần phải xử lý. Pháp Hoa tam muội kinh đã giúp xử lý các sơ hở ấy. Cho nên, khoảng nửa thế kỷ sau khi Đạo Thanh mất và sự ra đời của các nhân vật Đạo Cao (không. 360 - 450), Pháp Minh (không. 370 - 460) và Lý Miễu (không. 380 - 465), vấn đề "tại sao không thấy Phật" đã được nêu ra, và Đạo Cao đã liên tục trích dẫn kinh Pháp Hoa từ các phẩm "Như Lai thọ lượng" và "Hoá thành" để trả lời câu hỏi vừa nêu. Kinh Pháp Hoa và Pháp Hoa tam muội như vậy có một vị thế rất xung yếu trong lịch sử tư tưởng giai đoạn đầu của Phật giáo tại nước. Dầu thế, câu hỏi ấy chỉ được trả lời dứt khoát và giải tỏa với sự ra đời của dòng thiền Pháp Vân qua sự hiện diện của Tì-ni-đa-lưu-chi và Pháp Hiền mà ta sẽ đề cập ở dưới.


| Mục lục | I | II | III | IV | IVb | V | VI | VII | VIII | VIIIb | IX | IXb | X | XI | XII

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang