- TỪ NGUỒN DIỆU PHÁP
4. HÀNG PHỤC
KỲ TÂM
Trong kinh Kim cương, Trưởng lão
Tu Bồ Đề hỏi Phật: "Bồ tát phát tâm vô thượng Bồ đề làm thế
nào để an trú tâm ấy (luôn luôn giữ vững, không thối thất) và
làm thế nào để hàng phục tâm mình". Nguyên văn bản dịch
của ngài La Thập là: Vân hà ưng trú, vân hà hàng phục kỳ tâm.
Vân hà ưng trú: là làm sao an
trú, giữ vững cái tâm bồ đề đã phát. Tâm Bồ đề là tâm mong cầu
giác ngộ, tâm dũng mãnh tinh tiến không ngừng nghỉ trong công việc của Bồ
tát là hóa độ chúng sinh để cuối cùng giác ngộ hoàn toàn, thành Phật
như Phật.
Hàng phục kỳ tâm: hàng phục
cái tâm ấy. Có khi muốn cho sáng sủa, ta thêm vào chữ vọng mà
nguyên bản không có. Đương nhiên hàng phục kỳ tâm là chỉ cho cái tâm
ngược lại với tâm Bồ đề. Nhưng ngược với tâm Bồ đề có hai: tâm
ích kỷ của Thanh văn chuyên cầu tự độ, và tâm tham đủ thứ của Phàm
phu còn nặng ngã chấp. Đối tượng chính mà Phật nhắm đến để giảng
dạy Kinh Kim cương là những vị Thanh văn đã xong phần tự lợi, khởi sự
hành hạnh Bồ tát. Điển hình là Tôn giả Tu Bồ Đề. Ngài là vị A la
hán hết sức tịch tịnh vì không bao giờ móng khởi cái tâm niệm ta đây
là kẻ vắng lặng số một và chính vì vậy Phật mới khen ngài là người
ưa tịch tịnh (vì còn móng tâm động niệm là chưa thực sự vắng lặng).
Ở đoạn 9 (theo kiểu phân đoạn thành 32 của Chiêu Minh thái tử)
khi Phật hỏi Tôn giả Tu Bồ Đề: "A la hán có thể nghĩ rằng ta đây
là A la hán hay không?". Thì Tôn giả đã trả lời: "Thưa
không, bạch Thế Tôn, vì nếu A la hán mà nghĩ mình là La hán tức đã rơi
vào quan niệm ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả". Đây là bốn
kiểu ngã chấp: chấp ngã (ngã tưởng) là chấp tôi; và đã chấp
tôi đương nhiên cũng chấp cái khác với tôi là anh (nhân tưởng) nói
cách khác thấy có tự (mình) thì cũng thấy có tha (kẻ khác).
Cái khác mình thuộc nhiều chủng loại khác nhau: không những mình khác người
trước mặt mình mà còn khác mọi người, mọi loài vật khác như trâu,
bò, lừa, ngựa, lạc đà... Kiểu chấp thứ ba này là chúng sinh tưởng.
Nói cho dễ hiểu theo văn phạm (không biết đúng không, vì chưa nghe thấy
ai giải thích kiểu này) thì ngã tưởng như ngôi thứ nhất (tôi), nhân
tưởng như ngôi thứ hai (anh) và chúng sinh tưởng như ngôi thứ ba (chúng
nó). Còn thọ giả tưởng là khái niệm về sinh mạng dài ngắn của
cái tôi ấy từ khi sinh ra cho đến khi chết. Cả bốn tưởng ấy đều là
vọng tưởng, ngã chấp vì đời sống như một dòng sông tuôn chảy không
có bắt đầu
hay chấm dứt, đổi mới không ngừng,
vượt ngoài thường còn và đoạn diệt. Cái tôi chỉ là ảo tưởng do tính
tương tục, vì nó biến đổi trong từng hơi thở nối tiếp nhau từ lúc
chào đời cho đến chết.
A la hán là vị không còn chấp có
cái ta, nên không thấy cái ta ấy là gì cả, là Thánh hay phàm, chân hay tục,
là La hán hay không phải La hán. Vì Tôn giả Tu Bồ Đề không còn móng khởi
một ý nghĩ gì về cái ta đó, nên Phật mới khen Tôn giả là người ưa hạnh
tịch tịnh (nhạo a lan na hạnh giả) . Khi một vị A la hán như vậy
phát tâm Bồ đề, thì phải cứu giúp chúng sinh cả về vật chất (như
đem lại cơm áo nhà cửa) lẫn tinh thần là giáo hóa để chuyển mê khai
ngộ. Muốn thế A la hán phải sống giữa cuộc đời để chan hòa ánh
sáng giác ngộ của mình (hòa quang) vào trong chốn bụi bặm (đồng
trần). Một thử thách rất lớn cho vị La hán là khi vị ấy phải nhập
cuộc vào giữa bụi đời trở lại để hóa độ, chẳng khác nào người
đã ra khỏi đống bùn dơ, tắm rửa sạch sẽ rồi mà phải nhảy vào lại
trong đó. Thỉnh thoảng vị ấy không khỏi cảm thấy mỏi mệt trước những
duyên sự đa đoan, chúng sinh đa bệnh, ngoan cố, khó thương. Và khi tiếng
gọi của núi rừng thanh tịnh, của cõi tâm tịch mịch vô ngần vang lên
trong lòng, thì vị ấy gần như muốn bỏ cuộc, không muốn làm Bồ tát nữa
mà ưa quay về cõi Không, vì sực nhớ ra mình đã là A la hán sao lại phải
dấn thân vào chốn bụi hồng mệt mỏi này? Thế đấy là vọng tâm của
một A la hán tập tễnh hành hạnh Bồ tát. Ngược lại với vọng tâm của
phàm phu là ham sắc thanh hương vị xúc, vọng tâm của Bồ tát là ham sự
tịch mịch của tâm hồn:
Đoạn trừ phiền não trùng tâm
bệnh
Xu hướng chân như tổng thị
tà.
Bởi thế để trả lời câu hỏi của
Tôn giả (vân hà hàng phục kỳ tâm, làm sao hàng phục tâm ấy) Phật
dạy Tôn giả Tu bồ đề: Hãy độ chúng sinh mà không nghĩ ta là người độ
(ngã tưởng), nó là kẻ được độ (nhân tưởng), có rất nhiều
loại chúng sinh đã được ta cứu độ, chẳng những người mà bao nhiêu
loài tôm cua rùa cá...(chúng sinh tưởng). Và nhất là đừng nghĩ: Ta
đã làm cái việc cứu độ chúng sinh lâu quá rồi, (hai ba mươi tháng, năm,
đời kiếp...) nay ta muốn nghỉ mệt (thọ giả tưởng). Vì nghĩ như
thế thì không thể nào tiếp tục. Lại nữa, Bồ tát thì khi bố thí, đừng
có chấp vào vật bố thí thuộc sáu trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc,
pháp).
Phật trả lời: "Có bao
nhiêu loại chúng sanh trong giới hoặc do trứng sanh, do hóa sanh, hoặc có sắc,
không sắc, có tưởng, không tưởng v.v.. hãy giúp cho chúng được giải
thoát an vui tuyệt đối. Giúp như vậy vô số vô lượng vô biên chúng
sinh, mà không thấy thật mình giúp và chúng sinh được giúp". Câu
đáp của Phật bao gồm cả hai phần: an trú tâm Bồ đề và hàng phục
phiền não. Về cách an trú tâm Bồ đề, thì Phật dạy hãy độ chúng
sanh, cứu giúp tất cả mọi loài không phân biệt. Về phần hàng phục phiền
não (hàng phục kỳ tâm) thì Phật dạy đừng thấy thật có mình ban
ơn và kẻ nhận ơn. Phần thứ nhất do đó tương ưng với "sanh kỳ
tâm" và phần thứ hai với "Vô sở trú" trong câu
"Ưng vô sở trú nhi sanh kỳ tâm" vậy. Cứu giúp tất cả là
đức "năng nhân", không chấp có người cho kẻ
nhận là hạnh "tịch mặc". Nếu bố thí mà còn
thấy có mình là người cho, kẻ khác là người nhận thì dễ sanh phiền
não, mất thanh tịnh, tức là không hàng phục được tâm. Nhất là khi kiểm
kê lại thấy mình "cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu"
thì ôi thôi, thật là đau khổ.
Vậy muốn an trú tâm Bồ đề ,
nghĩa là muốn phát sinh và phát triển tuệ giác như Phật thì phải thực
hành Lục độ: Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Thiền định, Trí tuệ đến
chỗ tột cùng. Đây là nói về khía cạnh tích cực hành động, tất cả
đều có một cách như thật "như thật bất không".
Đồng thời trong khi hành động tích cực như vậy tâm không vướng mắc
bất cứ cái gì không thấy có cái "tôi" Bố thí, Trì
giới, Nhẫn nhục v.v.. cũng không thấy có đối tượng là người kia được
tôi Bố thí, người kia nhục mạ tôi v.v.. Đây là nói về khía cạnh tiêu
cực: trên phương diện nhận thức (tri) thì phải thấy không một
cách tuyệt đối hay “như thật không".
Vì muốn cho dễ hiểu, chúng ta phải
tạm phân tích như trên, thành ra có hai mặt tri và hành, thể và dụng,
tiêu cực và tích cực, song kỳ thực cả hai không rời nhau như hơi thở
ra vào, thiếu một tức thì thành người chết. Bởi vậy an trú tâm bồ đề
cũng đồng thời là hàng phục vọng tâm, hai chuyện trên chỉ là một. Một
tri kiến chắc thật, sáng suốt tự nó đã là hành động: Ví dụ một người
đi lạc, đứng giữa ngã sáu ngã ba, khi nhận ra đúng đường về thì
không còn gọi là lạc nữa mặc dù chưa cất bước đi.
Con người ngày nay về phương diện
hành động tiến bộ rất xa, có thể bay lên cung trăng, lặn xuống đáy biển,
có thể thực hiện những chuyện kinh thiên động địa, nhưng tất cả những
hành vi đó không phải phát xuất từ tâm Bồ đề, mà trọng tâm vẫn là
ngã chấp vô minh, cho nên càng được nhiều thành tích thế giới càng
thêm loạn. Một hành động dù lợi lạc bao nhiêu mà phát sinh từ ngã chấp
thì chẳng những không thể an trú tâm bồ đề mà còn làm tăng trưởng thêm
phiền não (không thể "hàng phục kỳ tâm"), trái lại, một
hành động lợi tha không ngã chấp thì tự nó đã làm được hai việc an
trú tâm Bồ đề và dẹp bỏ phiền não.
Muốn phá trừ ngã chấp để phát
triển tâm Bồ đề, theo lời Phật dạy thì phải thấy tất cả đều không
một cách tuyệt đối. Không này bao gồm tất cả các pháp và là thể
tánh của tất cả các pháp: Vi trần, Thế giới, Phật, Chúng sinh, Bồ đề,
Lục độ vạn hạnh... điệp khúc được nhắc lại nhiều nhất trong kinh
này là: "Như lai thuyết thế giới, tức phi thế giới, thị danh thế
giới. Như lai thuyết chúng sinh tức phi chúng sinh, thị danh chúng sinh"
v.v.. Ta hãy phân tích một câu làm ví dụ:
Như lai thuyết vi trần: Đức
Như lai kêu là hạt bụi (trung đạo).
Phi vi trần: không phải
là hạt bụi (không).
Thị danh vi trần: Chỉ
tạm gọi tên là hạt bụi (giả)
Vì sao có mấy chữ "Như
lai thuyết” lập đi lập lại? Ta hãy nhớ đến lời tự thuật của
Thế Tôn trong kinh Pháp Hoa. Sau khi đắc đạo Ngài quán sát thấy căn cơ chúng
sanh quá thấp, mà pháp Ngài chứng thì sâu xa vi diệu, khó hiểu, khó thấy,
khó vào (khó "vô"), dù có nói ra cũng không ai hiểu được. Do đó
Ngài định nhập Niết bàn, không ra giáo hóa. Nhưng Ngài gẫm lại, chư Phật
quá khứ đã dùng các pháp môn phương tiện để độ sanh. Phương tiện đó
trước hết là ngôn ngữ của chúng sinh. Vì nếu dùng ngôn ngữ của Phật
(như phóng hào quang, im lặng v.v..) thì chỉ có chư Phật hiểu với nhau mà
thôi, không thể truyền đạt đến chúng sinh được Bởi vậy Đức Thế Tôn
phải dùng ngôn ngữ của chúng sinh để nói với chúng sinh, để cho chúng
sinh có thể hiểu thấu. Mà ngôn ngữ chúng sinh tùy thuộc vào sự thấy biết
của chúng. Cho nên cái gì chúng sinh nói là có, Như Lai cũng nói có; cái
gì chúng sinh nói không, Như Lai cũng nói không. Cái chúng sinh gọi con trâu,
Như Lai cũng gọi con trâu. Cái chúng sinh gọi con ngựa, Như Lai cũng gọi
con ngựa. Đó là theo chúng sinh mà nói. Vậy, câu: "Như Lai nói hạt
bụi" có nghĩa là tùy thuận theo ngôn ngữ thế gian mà Phật
nói hạt bụi. Đây gọi là trung đạo, vì bao hàm giả và không. Cái mà Phật
gọi hạt bụi dưới mắt Phật thấy không phải là hạt bụi (phi vi trần)
vì nó có thể họp lại thành thế giới. Cái mà Phật gọi (theo chúng
sinh) là thế giới, dưới mắt Phật thấy thì không phải thế giới vì
nó có thể tan nát thành vi trần. Đây là không quán. Vế thứ 3:
"Thị danh vi trần, thị danh
thế giới" là giả danh hay tạm gọi. Phàm phu thường bám
vào giả danh này vì không rõ nghĩa chân thật của nó (là không, là giả).
Về tất cả mọi sự, phàm phu chỉ có giả danh, không biết được thật
nghĩa. Cho nên bất cứ pháp gì, dù là Bồ đề, Niết bàn, Phật, Bồ
tát... mà tâm phàm phu rớ tới, dùng tư lương phân biệt, ngôn ngữ, so
sánh... để mô tả, thì đều cong quẹo, chỉ có giả danh không phải thứ
thiệt, như lời Phật dạy trong kinh Pháp Hoa "Thị pháp phi tư lương
phân biệt chi sở năng giải": Pháp ấy (chân lý) không phải
do tư lương phân biệt mà hiểu được. Không thể dùng tư duy khái niệm
để thấu đạt chân lý.
Với cái tâm phàm của chúng ta, bị
hạn cuộc bởi vô minh phiền não từ vô lượng kiếp, cọng thêm thói quen
tư lương phân biệt... thì dù chúng ta nói có, nói không, nói giả, nói thật
gì cũng đều sai, cũng chỉ là giả danh. Cái không của chúng ta không thật
là không, cái có của chúng ta cũng không thật là có. Niết bàn mà ta bàn
tới cũng hóa thành sinh tử, tuệ giác ta tưởng là thứ thiệt cũng trở
thành ngu si. Phiền não tức bồ đề chưa nói ra thì đúng, nói ra thì chỉ
thành ba hoa hí luận.
Nhận thức được điều ấy rồi
có lẽ chỉ còn một con đường duy nhất cho chúng ta là tin theo lời của
đấng Như Thật ngữ, "do lòng tin mà vào". Làm
sao để có được lòng tin đó? Thì kinh đã dạy, hãy trì giới và tu phước.
Trì giới và tu phước (Bố thí, Nhẫn nhục...) đến chỗ rốt ráo là
không thấy có mình trì giới tu phước, thì chúng ta sẽ có thể tin được
lời Phật dạy là vạn pháp đều không. Và khi có được lòng tin ấy,
thì những điệp khúc trong kinh Kim Cương "không phải thế giới. .
. không phải chúng sinh... không phải nhẫn nhục Ba la mật..." và
86 tiếng KHÔNG, VÔ, BẤT trong bài Bát nhã Tâm kinh ngắn ngủi trở
thành khi thì nghe như những nhát búa đánh cho tan tành khối vô minh trong
ta, khi lại nghe như lời Mẹ ru ngọt ngào đưa ta vượt ra ngoài ba cõi, để
thấy như Lục Tổ:
Bản lai vô nhất vật