- TỪ NGUỒN DIỆU PHÁP
5. NẮM
GIỮ
Nguyên nhân hiện diện trên
cõi đời này chính là thủ: sự chấp trước, nắm giữ, bám víu. Có bốn
sự chấp thủ:
1. Dục thủ: Nắm giữ
những đối tượng thuộc về ngũ dục: sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị
ngon, cảm xúc êm dịu, gọi là năm dục công đức hay dục trưởng dưỡng,
vì năm thứ này làm tăng trưởng lòng ham muốn.
2. Kiến thủ: Nắm giữ
một quan niệm, lý thuyết, ý kiến, tư duy cho là duy nhất đúng, ngoài ra
đều sai lầm. Bênh vực nó tới cùng, có thể đánh nhau chết bỏ vì nó.
Nhiều khi biết nó sai, nhưng lỡ theo nó từ lâu ta không thể buông bỏ,
vì tình cảm, vì tự ái, vì thể diện..., vì đủ thứ. Sự cuồng tín ấy
được diễn tả trong câu thơ của H.W. Longfellow:
Tại sao nỡ bỏ một niềm tin
Chỉ vì nó không còn đúng sự thật
Hãy bám lấy nó, đeo theo nó
Rồi sẽ lại thấy nó không sai
(Why abandon a belief because it
ceases to be true
Attach to it, cling to it, and it will be
true again)
Một điều sai khi được nhiều
người nói và được lặp lại nhiều lần, thường dễ lung lạc ngay cả
những người lúc đầu không tin. Như câu chuyện về bà mẹ của bậc
thánh Tăng Sâm, nghe lời đồn con mình giết người, lúc đầu còn bình tĩnh
dệt cửi, cả quyết không thể eó chuyện đó, nhưng khi nghe đến lần thứ
ba, bà hốt hoảng tuôn chạy.
3. Giới cấm thủ: Khư
khư giữ chặt một giới cấm không đưa đến giải thoát, tự trói buộc
mình. Giới luật Phật chế là để giúp ta giải thoát ngay hiện tại. Tôn
giả Udàyi một hôm thầm cảm ân đức của Thế Tôn đã thốt ra những lời
cảm động như sau: “Thế Tôn thật sự đã đoạn trừ nhiều khổ pháp
cho ta! Thế Tôn đã thật sự mang lại lạc pháp cho ta!" vì nhờ
giới luật chế không ăn phi thời, mà tôn giả tránh được bao nhiêu nhục
nhã ê chề những lúc đi khất thực vào buổi tối. Kinh nghiệm đau đớn
nhất cho Ngài, như ta được nghe Ngài kể lại với Phật, là một hôm vào
lúc sẫm tối, Ngài ôm bát đứng trước một nhà nọ. Một người đàn
bà từ trong đi ra, bỗng ngất xỉu vì hoảng sợ, tưởng con quỷ nào hiện
hình quấy phá. Khi hoàn hồn bà mắng nhiếc: "Cha Tỳ kheo hãy chết
đi! Mẹ Tỳ kheo hãy chết đi! Thật tốt hơn cho ngươi là lấy con dao bén
mổ cái bụng chết đi còn hơn vì lỗ miệng đi khất thực buổi tối làm
cho người ta sợ hết hồn!" .
Chính vì những bất tiện ấy, Thế
Tôn mới chế giới cho Tỳ kheo để được sống giải thoát an vui. Trái lại
giới cấm thủ là những kỷ luật phi lý không do một đấng giác ngộ lập
ra, mà do những bậc thầy ngu si muốn lôi cuốn đệ tử bằng những điều
luật khó theo, quái gở, lập dị, không vì mục đích giải thoát mà chỉ
để lòe thiên hạ.
4. Ngã luận thủ: Chấp
chặt lý luận về ngã, cho rằng nhất định có ngã. Vì có yêu "cái
ta" nên mới nắm giữ, bảo tồn nó không cho mất.
Điều đáng nói là, khi đã có một
thủ là bao hàm cả bốn thủ. Ví dụ một người tu ép xác khổ hạnh để
cầu sinh lên trời, thì khổ hạnh ấy gọi là giới cấm thủ. Cho rằng
hiện hữu ở cõi trời là phúc lạc tối thượng, thì đó là kiến thủ,
lòng ham muốn sinh lên trời là dục thủ, cho rằng mình đúng là ngã
luận thủ.
Hoặc khi chấp có một bản ngã
(thay vì hiểu đúng như Phật dạy là chỉ có sự kết hợp tạm thời của
năm uẩn làm nên cái gọi là con người; và cái tổ hợp thân tâm ấy
đang biến đổi không ngừng trong từng giây phút), thì sự chấp ngã ấy
được gọi là ngã luận thủ. Đã ôm giữ một lý luận, quan niệm
về ngã, thì có người cho rằng ngã ấy chủ yếu là thân xác, nên hưởng
thụ năm dục (sắc, thanh, hương, vị, xúc) cho chán chê đi, vì chết là hết
không còn gì nữa. Đấy gọi là dục thủ. Có người lại cho rằng
ngã ấy chủ yếu là linh hồn, sau khi thân xác chết linh hồn sẽ được lên
thiên đàng sống đời vĩnh viễn nếu
bây giờ chịu khó ép xác khổ hạnh.
Chấp có linh hồn gọi là kiến thủ ; chấp khổ hạnh để sinh lên
trời gọi là giới cấm thủ.
Chính bốn thủ nói trên sẽ đưa tới hữu
là sự có mặt trong ba cõi dục, sắc và vô sắc Nếu không nắm giữ bất
cứ gì, nghĩa là không yêu thích, bám víu, thì tất nhiên không còn do nghiệp
trói mà phải hiện hữu bất cứ ở đâu.
Mục lục
| 1 | 2 | 3
| 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9
| 10 | 11 | 12 | 13