- Ðức Phật Lịch Sử
(The Historical Buddha)
- H.W. Schumann (1982)
M. O'C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)
Chương VI (tt)
-oOo-
ÐỨC PHẬT
GOTAMA, NHÀ DU HÀNH
Mặc dù Kinh Tạng Pàli vẫn thường
nói rằng đời sống của người tại gia đầy chướng ngại, và trên phương
diện khác, đời Sa-môn như bầu trời rộng bao la, tuy thế, cuộc sống của
một khất sĩ du hành cũng không phải là không có vấn đề khó khăn. Những
đêm đông từ tháng Mười hai đến tháng Giêng thật lạnh lùng tàn nhẫn
đối với một Sa-môn không nhà, và mùa hè khoảng tháng Năm-Sáu với nhiệt
độ lên đến 40oC, khiến con người hoàn toàn kiệt sức. Thậm
chí khi còn sáng tinh sương, mặt trời đã như vầng lửa, làn không khí
lung linh trong ánh nắng oi bức và đồng ruộng phơi mình xám ngắt dưới bầu
trời sáng trắng lờ đờ, con đường trước mặt người bộ hành dường
như bất tận. Ðôi mắt cứ đau nhứt nhối vì mồ hôi từ tráng đỗ xuống
thấm vào không ngớt.
Vào thời đức Phật, cư dân vẫn
còn thưa thớt trên tiểu lục địa này, các thành thị, làng xã đều ở
cách xa nhau nhiều hơn ngày nay, vì thế các chuyến hành trình băng qua xứ
sở của chư Tỳ-kheo không phải là không nguy hiểm. Thuở ấy có rất ít
công viên khả ái, khu rừng im mát, hay đồng ruộng, ao hồ, nhưng lại rất
nhiều vách núi, vực sâu, những con sông hầu như không đi qua được, hoặc
các vùng thảo nguyên cây cỏ dày rậm và các núi cao khó trèo, mà đức Phật
nêu lên trong một ảnh dụ (AN 1.33). còn súc vật cũng thế, gồm cả loài
hổ báo, không phải lúc nào cũng thân thiện chào đón các Tỳ-kheo khoác y
vàng! Ngay tại thành thị, người bộ hành cũng không được an toàn vì đám
râu bò điên: bốn trường hợp tử vong vì bò điên được ghi lại trong
Kinh Tạng Pàli.
Một khi vị Tỳ-kheo đã đi đến
đích trong ngày ở gần môt khu định cư, vị ấy phải tìm hiểu thái độ
dân chúng đối với chuyến khất thực sáng hôm sau. Nhiều nơi không tán
thành đời sống khất sĩ. Ví dụ dân chúng thành Thùna Cộng hòa Malla, thậm
chí còn lấy rơm lắp giếng để ngăn cản "Sa-môn Gotama và nhóm
Sa-môn trọc đầu giải thoát rồi nghỉ tại đó" (Ud 7.9) - thật là một
biện pháp gây kinh hoàng vì một phần trong qui luật xử thế lịch thiệp
của người Á Châu là không bao giờ từ chối nước uống cho người khát.
Còn thân phụ của tín nữ Rohìni ở Vesàli lại không thể nào hiểu được
nhiệt tình của con gái ủng hộ Tăng chúng, đã tóm tắt ý kiến của ông
về các Tỳ-kheo trong vần kệ này:
Một bầy làm biếng, chẳng siêng năng,
Khất thực mọi người để kiếm ăn,
Sống bám như vầy, còn hảo ngọt,
Làm sao con thích bọn Sa-môn?
(Thìg 273)
Nhiều người thời ấy đồng quan
điểm với ông, nên họ đã để mặc các Tỳ-kheo hoài công đứng trước
cửa nhà họ chờ đợi thực phẩm bố thí. Cũng may đó chỉ là thiểu số.
Các nguồn Kinh điển của chúng ta không nói đến trường hợp Tỳ-kheo nào
chết đói cả.
Sứ mệnh hoằng pháp thành công mỹ
mãn của đức Phât diễn ra ở vùng "Trung Nguyên", vùng này chỉ
được phỏng định một cách mơ hồ căn cứ theo địa danh một số nơi
chốn mà ngày nay không phải tất cả đều được xác nhận (Mv 5.13.12). Ta
phỏng đoán trước kia chưa bao giờ, ngay cả thời đức Phật, vùng ấy
được miêu tả chính xác về phương diện địa lý cả. Có lẽ từ ngữ
này chỉ bao hàm vùng thành thị có văn hóa được mọi người cảm nhận
là giữ vai trò lãnh đạo về phương diện trí thức.
Sông Hằng (Gangà) ở giữa vùng
Kànpur ngày nay về phía tây và Sàhibganõj về phía đông tạo thành cái trục
chính của vùng ấy. Các "sông lớn" được Bậc Ðạo Sư biết
theo cách quan sát riêng của ngài là: dòng Yamuna, Aciravatì (Ràpti), Sarabhù
(Ghàgara) và Mahì, một phụ lưu của sông Gandak (Cv 9.1.3). Thật lạ kỳ là
sông cái Sona hùng vĩ lại không được nói đến. Sông này phát xuất từ
miền Nam và thời ấy giao lưu với sông Hằng ở Pataligàma (Patna), song từ
đó đã đổi hướng giang khẩu xa hơn về phía tây.
Nhìn sơ lược bản đồ hình Ấn
Ðộ cho thấy lĩnh vực hoạt động của đức Phật được giới hạn vào
các phần ghi màu lục nghĩa là vùng đồng bằng và chấm dứt ở miền bắc
và miền nam tại nơi có màu nâu dành cho núi rừng. Các dãy núi cao nhất
được ngài trèo qua thời ấy hình như là những dãy bao quanh thành
Ràjagaha.
Vì các vị lãnh đạo tôn giáo
khác cũng hạn chế hoạt động vào vùng đồng bằng, nên lý do việc này
phải được tìm kiếm trong hoàn cảnh chính trị. Một du sĩ khất thực cần
phải được tự do di chuyển, điều này vào thời cổ chỉ được bảo đảm
ở những nơi có đại vương và các tiểu vương cai trị giữ gìn an ninh
trật tự. Quyền lực của vua chúa chấm dứt ở vùng núi rừng miền Bắc
Ấn, nới các bộ tộc địa phương sống độc lập rất hung hãn. Một
Sa-môn nào liều lĩnh đi vào rừng núi không chỉ bị các hiểm họa tự
nhiên đe dọa bản thân, mà còn có thể bị xem là mật thám và bị đối
xử tàn bạo.
Nói về các vùng biên giới được
đức Phật đi ngang, thì Kosambì bên sông Yamunà (độ 25km ở phía tây nam của
Allàhabàd) là nước cực tây, Campà (độ 40km ở phía đông Bhàgalpur) là nước
cực đông của các cuộc du hành ấy. Từ bắc xuống nam, kiến thức của
ngài về các lãnh thổ trải dài từ quê hương ngài ở Kapilavatthu (độ
95km ở phía tây bắc Gorakhpur) đến Uruvelà (ở phía nam Gàya) là khung cảnh
ngài đã hành trì khổ hạnh. Như vậy, thánh địa Phật giáo chiếm một
phạm vi độ 300km x 600km.
Những trung tâm hoạt động quan trọng
của đức Phật là các đô thị, đặc biệt những nơi này ngài tìm được
số người có học thức mà ngài muốn cảm hóa, vì ngài suy xét Pháp của
ngài "chỉ được người có trí tuệ (pandita) thấu hiểu". (MN 26).
Cũng vì Giáo đoàn được sự hộ trì của cả Ðại Vương ở Kosala và
Magadha, nên không lạ gì đức Phật du hành đến hai kinh độ Sàvatthì và
Ràjagaha đặc biệt thường xuyên hơn cả.
Hầu hết những nơi nhỏ hơn mà
ngài thuyết pháp đều ở trên hoặc gần các giao lộ thương mại nối liền
với các thủ đô này. Ngài chẳng bao giờ thực hiện những chuyến du
hành xuyên thẳng từ tây sang đông là vì thiếu các xa lộ giao thông tương
ứng. Sự vận chuyển hàng hóa giữa tây và đông đều do thuyền buồm trên
sông Hằng: xa lộ song hành với dòng sông này chỉ có ở giữa vùng Pàyaga
(Allàhabad) và Benares. Ðối với những chuyến hành trình đông-tây dài hơn
thì chỉ sông này cung cấp phương tiện giao thông duy nhất mà thôi. Nhưng
ta chẳng hề nghe nói đến chuyện đức Phật từng thực hiện cuộc hành
trình vào bằng đường thủy bao giờ cả.
Vì bậc Ðạo Sư và các đệ tử
ngài cũng dùng các xa lộ như các đoàn lữ hành thương nhân trên xe bò cọc
cạch, nên các dấu hiệu chỉ đường sá trong Kinh Tạng Pàli thật đáng
quan tâm đối với đặc tính địa lý kinh tế ở vùng này. Ðại lộ thương
mại nối liền bắc-tây-nam phát xuất từ phía bắc qua Takkasìla, đến vùng
"Trung Nguyên" gần Sàvatthi, tại đây xa lộ chỉa ba nhánh, rồi tiếp
tục đi vào nam đến Sàketa (Aụyojjha) và Kosambì, thành này nằm giữa
sông Hằng và sông Yamunà. Tại đó nó đi theo hướng tây nam qua Vedisa (độ
30km ở đông bắc Bhopàl) và Gonaddha đến Ujjenì (nay là Ujjain), một trong
hai kinh đô của vương quốc Avanti. Từ đây có đường đi đến sông
Narmada và ngang qua sông này đến cảng Bharukaccha (nay là Broach) trên vịnh
Cambai biển Á-rập.
Xa lộ từ bắc xuống đông nam
tách khỏi xa lộ tây nam ở sàvatthi, tiến về hướng đông đến Setavyà
và Kapilavatthu, nơi đó nó quay hướng đông nam xuyên qua Kusinàrà, Pàvà,
Hatthigàma và Bhandagàma về phía Vesàli. Tại Pàtaligàma (Panta), phải vượt
qua sông Hằng, rồi con đường tiếp tục về phía Nàlandà và Ràjagaha. Dĩ
nhiên có giao thông theo hướng khác nữa. Việc xuất cảng quan trọng từ
Ràjagaha gồm các hàng đồ sắt.
Ðức Phật ít khi du hành vội
vàng. Ngài đã từng đi khoảng 600km trong 60 ngày từ Ràjagaha đến
Kapilavatthu. Giả thiết rằng ngài không dừng lại nơi nào quá một đêm,
ta đi đến con số 10km/ngày, hay là chưa được ba giờ đi bộ thong thả.
MỘT THẬP NIÊN NHIỀU KHỦNG HOẢNG
Trước 493 trước CN, đức Phật
được bảy mươi tuổi. Ngài đã mệt mỏi và dần dần, ngài hay bảo các
đệ tử Sàriputta, Moggallàna và Mahàkassapa thuyết giảng các bài pháp lẽ
ra được ngài giảng. Danh vọng của ngài khiến ngài thường xuyên được
thỉnh cầu đi thuyết Pháp tại các lễ hội khai mạc - như khi bộ tộc
Mallas ở Pàvà (DN 33) và Sakiyas ở Kapilavatthu (DN 53) khánh thành các hội trường
mới, hoặc Vương Tử Bodhì, hoàng nam của Vua Udena ở Vamsà khánh thành
cung điện mới ở Sumsumàrigiri (MN 85), việc ấy đã trở thành gánh nặng
cho ngài. Rõ ràng bệnh tật và tuổi già đã làm suy nhược cơ thể bậc
Ðạo Sư, dù trí tuệ ngài vẫn giữ tính năng động và diễn đạt tư tưởng
chính xác (MN 12)
Về già, đức Phật buồn rầu nhận
xét thấy ảnh hưởng của ngài giảm dần đối với Tăng chúng, nhất là
đám Tỳ-kheo trẻ. Ngày trước ngài đã không cần phải ban huấn thị,
ngài bảo chư Tăng ở Sàvatthi, rằng ngài đã cần chứng tỏ thái độ xử
sự của ngài trước các Tỳ-kheo thời ấy, thế là lập tức chư vị chấp
nhận tuân hành ngay (MN 21).
Ngài cũng lưu ý đến điểm là những
phép hành trì nghiêm khắc trong buổi sơ khai Giáo hội đã dần dần trở
nên vô dụng. Trong một cuộc đàm đạo với tôn giả Mahàkassapa, ngài nhận
xét rằng ngày trước nhiều trưởng lão Tỳ-kheo đã chấp nhận đời sống
ẩn sĩ ở rừng, tự nuôi sống hoàn toàn bằng cách khất thực (chứ
không nhận lời mời thọ trai), chư vị ấy đã mặc y phấn tảo (giẻ
rách) cùng thực hành tiết dục và độc cư, những việc này đã gợi cho
hứng thú cho các Tỳ-kheo trẻ noi gương. Nhưng ngày nay các Tỳ-kheo trẻ chỉ
kính trọng các bậc trưởng lão theo mức độ chư vị ấy được danh vọng
và số phẩm vật cúng dường mà chư vị nhận được (SN 16.8). Rồi ngài
đồng ý với tôn giả Mahàkassapa rằng thế hệ Tỳ-kheo trẻ thiếu niềm
tịnh tín, thiếu tu tập điều thân, nhiệt tình tinh tấn và trí tuệ, đồng
thời biểu lộ các dấu hiệu suy thoái (SN 16.7).
Cách ngài điều khiển Tăng đoàn
ngày càng yếu dần không những chỉ được ngay chính bậc Ðạo Sư nhận
thấy, mà cả Tỳ-kheo Devadatta, em họ vừa là em rễ ngài, người đã được
ngài truyền giới cùng với sáu vị Thích-ca vào năm 527, cũng thấy vậy. Tỳ-kheo
Devadatta thận trọng quan sát tiến trình lão hóa của bậc Ðạo Sư và quyết
giành quyền điều khiển Giáo hội với cương vị người thừa kế ngài.
Nhằm mục đích thực hiện tham vọng
này cùng bảo đảm cho mình một liên minh đầy thế lực, vị ấy đến gặp
Vương tử Ajàtasattu (A-xà-thế), hoàng nam của vua Bimbisàra ở Mahadha, và
chinh phục vương tử này bằng cách thi triển thần thông lực (Cv 7.2.1).
liên minh giữa vị Tỳ-kheo đầy tham vọng và vương tử nóng lòng cai trị
tạo nên một sức mạnh kết hợp đầy nguy hiểm. Chính thị giả Kakudha của
tôn giả Moggallàna nhận thấy điều này trước tiên. Tôn giả này tường
trình vấn đề lên đức Phật, tuy nhiên ngài xem nhẹ việc ấy (Vc 7. 2. 2.
4). Ngài cũng khinh thường lối cảnh báo của các Tỳ-kheo khác rằng Vương
tử Ajìtasattu hiện thời đang chăm lo phục vụ Trưởng Lão Denadatta một
cách quá hào phóng và biểu lộ hết lòng tôn kính trọng vọng đối với
vị này, đồng thời ngài bảo rằng Tỳ-kheo Denadatta sẽ diệt vong vì kết
quả tham vọng của riêng mình cũng giống như cây chuối phải chết vì
chính chùm quả của nó (Cv 7. 2. 5).
Tỳ-kheo Devadatta có đủ can đảm
không chỉ theo đuổi mục đích bằng dự mưu, mà còn công khai tuyên bố mục
đích ấy. Một lần, khi đức Phật đang thuyết Pháp trước một hội chúng
đông đảo có cả nhà vua tham dự, Tỳ-kheo ấy đứng lên đảnh lễ bậc
Lãnh Ðạo Tăng chúng và nói: "Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn đã già cả,
kiệt sức, là bậc trưởng thượng, Thế Tôn đã sống đầy đủ thọ mạng
cho đến sắp mãn đời. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy vui lòng sống
trên thế gian này từ nay không phải vướng bận tâm trí già nữa. Thế
Tôn hãy giao phó cho con. Con nguyện lãnh đạo Giáo hội!".
Ðức Phật từ chối, song Tỳ-kheo
Denadatta lập lại lời thỉnh cầu lần thứ hai rồi thứ ba. Sự bướng bỉnh
này khiến cho đức Phật phải khiển trách nặng lời: "Ta còn chưa muốn
giao phó Giáo hội cho Sàriputta và Moggallàna, huống hồ là cho ông, này
Devadatta, một kẻ xu nịnh tầm thường!".
Bị tổn thương đến tận tâm can
vì lời nhục mạ ngay trước nhiều người chứng kiến, lại còn ám chỉ
đến vai trò của vị này đối với vương tử kia. Tỳ-kheo Devadatta liền
bỏ đi. Do phản ứng gay gắt của ngài, đức Phật đã làm ngài trở
thành cừu địch với người mà ngài sẽ phải tính toán nhiều việc về
sau (Cv 7. 3. 1).
Ngài vẫn chưa hài lòng với việc
nhục mạ Tỳ-kheo Devadatta. Suy xét theo Giới Luật, ngài triệu tập hội đồng
Tăng chúng ở Ràjagaha thông qua phiếu bất tín nhiệm Tỳ-kheo Devadatta và
chỉ thị tôn giả Sàriputta cùng nhiều Tỳ-kheo khác công bố quyết định
này trong kinh thành. Nhiệm vụ này khiến tôn giả rất bối rối, vì có lần
chính tôn giả đã công khai tán tụng Tỳ-kheo Devadatta về thần thông lực.
Tuy nhiên đức Phật nhấn mạnh, tôn giả Sàriputta chẳng làm gì về việc
này ngoại trừ công bố khắp nơi rằng Giáo hội đã bất tín nhiệm Tỳ-kheo
Devadatta, từ nay vị ấy có làm hay nói bất cứ điều gì, cũng không hành
động nhân danh đức Phật, Pháp và Tăng, mà chỉ hoàn toàn với tư cách
cá nhân mình (Cv 7. 3. 2 - 3).
Còn đối với cả Trưởng Lão
Devadatta lẫn Vương tử Ajìtasattu, thế là đã có một người đứng cản
con đường tham vọng lãnh đạo của họ, nên tình bạn của họ nhanh
chóng mang lấy tính cách một âm mưu. Kinh Tạng Pàli tuyên bố rằng Tỳ-kheo
Devadatta xúi giục vương tử giết vua cha, nhưng trên thực tế, ý tưởng này
chưa được hoạch định chắc chắn, dẫu sao đi nữa thì một đêm kia, Vương
tử Ajìtasattu cũng đã trang bị một con dao găm và, đầy run sợ nhưng lại
quyết tâm một cách bạo tàn, đi lẻn vào cung thất vua Bimbisàra với mục
đích đâm chết cha trong lúc đang ngủ. Quân cận vệ nghi ngờ bắt lấy vương
tử và buộc phải cung khai, qua đó vương tử đổ lổi cho Tỳ-kheo
Devadatta là kẻ chủ mưu.
Hội nghị các đại thần hoạt động
như một phiên tòa xử án, lại quá kinh hãi nên không dám tuyên án vương
tử, mà đưa vến đề trình lên vua cha. Ông quyết định rằng xét về việc
bầu phiếu bất tín nhiệm do hội nghị Tăng chúng thông qua đối với Tỳ-kheo
Devadatta, thì không một tội gì có thể gán cho đức Phật và Tăng chúng cả.
Tuy nhiên, nhà vua cũng từ chối trừng phạt Tỳ-kheo Devadatta và vương tử
Ajìtasattu. Quá mệt mỏi về việc cai trị và lòng đầy những mối nghi hoặc
đen tối rằng sẽ có nhiều mưu sát có thể xảy ra trong tương lai, nên
nhà vua đã có phản ứng gây kinh ngạc bất ngờ. Ông liền tuyên bố rằng
nếu vương tử Ajìtasattu quá nôn nóng cai trị vương quốc Magadha như vậy,
thì sẽ được toại ý - rồi ông thoái vị (Cv 7.3.4 - 5). Năm Vương tử Ajìtasattu
đăng quang có lẽ là 492 trước CN.
Ngay khi Ajìtasattu trở thành Ðại Vương
của Magadha, ông liền trừ khử ngay phụ vương, là người đã ban ơn cứu
mạng lẫn ngai vàng cho mình, theo cách rất tàn bạo. Ông truyền thả phụ
vương vào ngục tối và không cho ăn gì cả. Trong ba bà vương hậu chính
thức của vua Bimbisàra, chỉ có một bà, tức mẹ của vua Ajìtasattu, tên
là Kosaladevì, hoàng muội của Ðại Vương Panesnadi ở Kosala, có can đảm
ngầm đem thức ăn vào ngục giam chồng bà, song các cuộc viếng thăm của
bà chẳng bao lâu cũng bị đình chỉ. Ðại Vương Bimbisàra đã chết vì đói
năm 491 trước CN, và bà Kosaladevì, vài tháng sau, cũng chết vì phiền não
khiến vị hoàng huynh của bà ở Sàvitta vô cùng thương tiếc khóc than.
Vua Ajìtasattu đã đạt được mọi
điều mong muốn, nhưng Tỳ-kheo Desatatta thì không. Vì thế vị này thuyết
phục nhà vua trẻ tuổi lập mưu cố giết đức Phật. Mặc dù vua
Ajìsatattu không có thiện cảm với vị Ðạo Sư già cả tuyên truyền hòa
bình đã gây trở ngại cho các dự định chinh phục ngoại bang của mình,
ông cũng không muốn liều lĩnh làm một việc như vậy. Vì thế, ông chỉ
ra lệnh một đám binh sĩ tuân theo chỉ thị của Tỳ-kheo Devadatta, để cho
Tỳ-kheo Devadatta sẽ bị phát giác là người phạm tội nếu kẻ xúi giục
mưu sát có bị truy tìm về sau.
Kế hoạch của Tỳ-kheo Devadatta
nghe như chuyện giả tưởng. Nhưng lại được truyền tụng như một sự
kiện lịch sử trong Kinh Ðiển. Vị ấy ra lệnh cho một binh sĩ đi rình rập
đức Phật, giết ngài xong trở về bằng một con đường nào đó. Trên
đường này, vị ấy đặt thêm hai binh sĩ nữa và ra lệnh phải giết người
lính sắp đi đến. Hai kẻ sát nhân này lại bị bốn người khác giết chết,
bốn người ấy lại bị tám người khác giết, để cho nguyên nhân toàn
thể vụ tắm máu này sẽ bị quên lãng trong cả loạt giết người dồn dập
này.
AÂm mưu ấy thất bại, bởi vì khi
người lính đầu tiên đến gần đức Phật với cung kiếm trong tay lại
chết điếng vì quá kinh hoàng. "Ðến gần đây, này hiền hữu, đừng
sợ", bậc Ðạo Sư bảo kẻ ấy, ngay đó người lính quỳ xuống chân
ngài lập tức và trình bày kế hoạch sát nhân. Ðức Phật khuyên kẻ ấy
đi về bằng một con đường khác với đường đã được ra lệnh phải
đi. Như vậy mỗi người đều cứu một sinh mạng người khác. (Cv 7.3.6-7)
Luật Tạng(Vinaya Pitaka) còn gán hai
dự mưu khác nữa cho Tỳ-kheo Devadatta cố sát hại bậc Ðạo Sư. Chúng ta
phải là các sự kiện lịch sử hay là các vụ án đã được dành cho phần
Tỳ-kheo Devadatta, thì chưa có thể xác định được.
Một trong hai mưu sát này diễn ra
trên đường đi lên Linh Thứu Sơn. Theo văn bản, Tỳ-kheo Devadatta đã làm
một tảng đá khổng lồ lăn xuống sườn núi, với ý định dùng nó giết
đức Phật, song trên thực tế, nó chỉ làm chân ngài bị thương (Cv
7.3.9). Thương tích ấy có thể là chuyện lịch sử và đã làm nảy sinh
câu chuyện mưu sát này. Ðá lăn là chuyện thường xuyên xảy ra trên đỉnh
Chatha, ngọn núi mà người ta phải trèo ở sườn phía nam để đến tận
Linh Thứu Sơn.
Vụ mưu sát đức Phật lần thứ
ba - nếu quả thực đây là một mưu sát - diễn ra trong kinh thành Ràjagaha.
Kinh Tạng Pàli tường thuật rằng
Tỳ-kheo Decadatta dùng lời hứa hẹn mua chuộc một số người quản tượng
thả con voi Nàlàgiri ra tấn công đức Phật. Con voi đực khổng lồ này,
có lẽ đã giết một người, ào ạc xông ra các đường phố theo đúng lộ
trình đức Phật sắp đến khất thực. Với vòi gương cao, tai vểnh rộng
và đuôi trải dài đằng sau, con vật hung hãn lao vào vị Sa-môn khoác y
vàng đang điềm nhiên phóng lòng từ (mettà) về phía nó. Bỗng nhiên con vật
khổng lồ này dừng lại, hạ vòi xuống và để cho đức Phật vỗ về nó.
Rồi nó hít bụi dưới đất thổi lên đầu ngài và lùi dần ra sau, đôi
mắt cứ nhìn thẳng vào đức Phật và cuối cùng từ từ đi về phía chuồng
của nó (Cv 7.3.11 - 12). Ít ra thì câu chuyện con voi vùng ra đe dọa tính mạng
đức Phật cũng có vài nét lịch sử trong đó.
Các lần tấn công thất bại ấy
khiến Tỳ-kheo Devadatta xem xét các phương tiện khác. Nếu vị ấy không
chiếm được quyền điều khiển toàn thể Giáo hội, thì vị ấy sẽ chia
rẽ nó và trở thành vị lãnh đạo một nửa phần. Vị ấy biết rõ đức
Phật bác bỏ khổ hạnh khắc nghiệt, nhưng trong Tăng chúng lại có nhiều
người khác ưa chuộng các Giới Luật nghiêm ngặt hơn. vị ấy muốn chinh
phục đám người này ủng hộ kế họach của mình.
Mặc dù tất cả mọi biến cố đã
xảy ra giữa hai vị như thế nào, Tỳ-kheo Devadatta vẫn xuất hiện trước
bậc Ðạo Sư già cả và đề nghị ngài phải làm cho giới điều chặt chẽ
hơn ở năm điểm:
1. Trong tương lai các Tỳ-kheo sẽ phải sống
trong rừng mà thôi.
2. Chư Tăng chỉ được ăn món khất thực (nghĩa
là không nhận lời mời thọ trai).
3. Chư Tăng phải mặc y phấn tảo (giẻ rách do
mình tự thâu nhặt lấy).
4. Chư Tăng không được ngủ dưới mái nhà (dù
trong mùa mưa gió) mà phải ngủ dưới gốc cây.
5. Chư Tăng phải dùng toàn rau quả để sống.
Ðức Phật đáp rằng mỗi Tỳ-kheo
được tự do giữa ba điểm đầu tiên, song ngài thấy không có lý do gì
làm thành những điều lệ cưỡng bách cả. Về điểm 4 và 5, thì vẫn như
cũ là chư Tăng có thể ngủ dưới gốc cây chỉ trong tám tháng mỗi năm,
nhưng phải an cư mùa mưa tại một tịnh xá (vihàra); còn cá thịt thì
không cấm dùng, miễn là các thú vật ấy không bị giết dành riêng cho chư
vị (Cv 7.3.14-15). Ðây là câu trả lời mà Tỳ-kheo Devadatta đã chờ đợi,
nó khiến cho vị ấy có thể đánh một đòn chia rẽ Giáo hội. vị ấy
công khai tuyên bố rằng đức Phật đã bác bỏ cả năm điểm, song chính
vị ấy, Devadatta, lại xem chúng rất cần thiết. Vị ấy đã tạo được
cảm tưởng ở một vài trú xứ là đức Phật ưa chuộng nếp sống dễ dãi
và không xem trọng sự rèn luyện bản thân của Sa-môn.
Mặc dù đức Phật đã cảnh báo vị
ấy rằng ly giáo (phá hòa hợp Tăng) là tội tạo nên ác nghiệp (kamma) và
bất hạnh lâu dài, vị ấy vẫn tiếp tục các cuộc tranh luận gay gắt
(Cv 7. 3. 16). một buổi sáng, khi gặp tôn giả Ananda trên đường khất thực,
Tỳ-kheo Devadatta báo cho biết trong tương lai sẽ tự cử hành các ngày trai
giới (Uposatha: lễ Bố Tát lúc trăng tròn) mà không cần đến đức Phật
và Tăng chúng (nghĩa là theo cách riêng của mình) và với một hội chúng Tỳ-kheo
riêng, vị ấy sẽ điều khiển các Tăng sự theo Giới Luật (Sanghakamma:
Tăng-già-yết-ma). Ðức Phật tỏ ra bất bình khi tôn giả Ananda thuật lại
tin này với ngài (CV 7. 3.17; Ud 5. 8).
Tỳ-kheo Devadatta làm như lời đã
nói. Một số tân thọ Tỳ-kheo từ Vesàli đến, chưa ổn định tư tưởng
theo Giới Luật (Vinaya), đã theo sự hướng dẫn của vị ấy và ủng hộ
năm điểm trên mà không nhận thức được rằng đây là sự vi phạm Giới
Luật của đức Phật. Cùng với những vị này, nay đã là chúng Tỳ-kheo
"của mình", Trưởng Lão Devadatta đi về Tượng Ðầu Sơn (Gayà
Sisa) ở Gayà, nơi vị ấy chọn làm trung tâm hoạt động của tân Giáo hội
ly khai.
Tin tưởng Trưởng lão Devadatta chia
rẽ Giáo hội đã thành công đến tai đức Phật qua hai trưởng lão
Sàriputta và Moggallàna. Lập tức ngài ra lệnh hai vị này theo dõi lối đi
của trưởng lão Devadatta và tìm cách đưa các Tỳ-kheo trẻ trở về. Hai vị
lên đường và được Tỳ-kheo Devadatta ra chào đón vì cho rằng hai vị
này muốn gia nhập hội chúng "của mình" là lẽ tất nhiên.
Khi đêm bắt đầu và Tỳ-kheo
Devadatta đã đi ngủ, hai tôn giả Sàriputta và Moggallàna liền nói chuyện với
đám Tỳ-kheo trẻ. Với lời giáo huấn theo Chánh Pháp của đức Phật, hai
vị đã tạo niềm tin ở các Tỳ-kheo trẻ và khi hai vị đệ từ này
tuyên bố bây giờ hai vị sắp trở về với bậc Ðạo Sư, đa số liền
đi theo hai vị. Khi Tỳ-kheo Devadatta thức dậy và nhận ra mình đã bị đa
số Tỳ-kheo "của mình" bỏ rơi, vị ấy bị kích động mạnh đến
độ "học máu nóng trong miệng" (Cv 4.1-3). Tương truyền vị ấy phát
bệnh suốt chín tháng sau.
Tuy nhiên, Giáo hội của Trưởng lão
Devadatta không ngừng tồn tại do sự lạc đạo của một số tân Tỳ-kheo
trẻ. Tượng Ðầu Sơn (Gayà Sìra, nay là Brahmayoni) gần thành Gayà, vẫn
là trú xứ chính của Trưởng lão Devadatta, và Ðại Vương Ajìtasattu đã lập
một tinh xá tại đó cho vị ấy (Jàt 150), nơi mà nhóm người ly khai không
bao giờ rời bỏ. Vì tinh xá ấy được công quỹ nhà vua cung cấp lễ vật
dồi dào, nên có lần đã xảy ra vụ một trong các Tỳ-kheo trung thành với
đức Phật đã lén vào đó để chia phần thực phẩm - một hành động mà
tất nhiên đức Phật đã khiển trách thật nghiêm khắc (Jàt 26).
Tỳ-kheo Devadatta không sống được
lâu hơn nữa: chẳng mấy chốc vị ấy đã " bị quả đất nuốt sống"
(năm 490 trước CN?). Giáo hội của vị ấy vẫn tiếp tục tồn tại sau đó
rất lâu. Nhà chiêm bái Pháp Hiển của Trung Hoa đến Ấn Ðộ khoảng một
ngàn năm sau vào thế kỷ thứ năm sau CN, tường thuật rằng vị ấy có gặp
các Tỳ-kheo tự xưng là đệ tử của Trưởng lão Devadatta.
Cùng với việc vua Ajìtasattu lên
ngôi, một chính sách mới phát triển ở vương quốc Magadha. Trước kia
ngay cả Ðại Vương Bimbisàra là người không theo đuổi mục đích bành trướng
đế quốc, cũng đã thiết lập một quân đội lành nghề tuyên thệ trung
thành với chính ông. Nay vua Ajìtasattu còn tăng cường quân đội và luyện
tập binh sĩ gắt gao để làm họ trở thành công cụ chinh phục ngoại
bang. Việc này hao tốn nhiều tiền bắt buộc vị vua trẻ tuổi này phải
tìm nguồn lợi tức mới. Ông tăng thuế và làm cho hệ thống ghi sổ sách
và thu tiền thuế hữu hiệu hơn. Bằng cách này đã xuất hiện một hệ
thống hành chánh thư lại với rất nhiều quan chức đủ loại.
Ngay năm 490 trước CN, quân đội
nước Magadha đã được đưa ra thử nghiệm. Lúc ấy chỉ vừa đúng một
năm sau ngày Ðại Vương Bimbisàra chết đói trong ngục thất và hoàng hậu
Kosaladevì, vợ góa của ông, chết vì ưu phiền. Ðại Vương Pansenadi nước
Kosala, hoàng huynh của bà, đau buồn về sự từ trần của em gái và em rễ,
nên quyết định dạy người cháu vô luân của mình một bài học. Ông nhớ
lại rằng em gái ông, khi kết hôn với vua Bimbisàra, đã đem về làm của
hồi môn số lợi tức do thu thuế một làng gần Benares (Kàsi) (Jàt 329).
Nay vua Pansenadi đòi lại số hồi môn ấy từ vua Ajìtasattu và đem quân chiếm
ngôi làng. Lập tức vua Ajìtasattu điều động binh mã tinh nhuệ của mình
và chiến trận diễn ra gần ngôi làng đang được tranh chấp. Tân vương
Ajìtasattu chiến thắng và Ðại Vương Pasenadi già cả phì nôn phải chạy
trở về thành lũy Sàvatthi kiên cố.
Ðức Phật nghe tin lấy làm tiếc rằng
kẻ bất chánh ác hạnh đã chiến thắng người chánh chân thiện hạnh.
Hai trận chiến nữa tiếp diễn, nhưng vua Ajìtasattu đều thắng cả hai.
Trong trận thứ tư, vua Pansenadi nghe lời quân sư tài giỏi, bày mưu kế dụ
vua Ajìtasattu vào chỗ mai phục (Jàt 282), không những chiến thắng vua này
mà còn bắt sống làm tù binh.
Một lần nữa, vua Ajìtasattu mang
ơn cứu mạng nhờ thiện ý của người khác. Vua Pansenadi thâu hết mã, tượng,
xa, pháo của vua Ajìtasattu làm chiến lợi phẩm, nhưng không làm hại cháu
trai mình (SN 3.2.4 & 5). Rồi vua Ajìtasattu phải tuyên thệ với những lời
nguyền thiêng liêng nhất để trong tương lai không bao giờ còn gây chiến
với vương quốc Kosala, và để ký kết hiệp ước này, vua Pansenadi gả
con gái, công chúa Vajirà, cho cháu trai. Về phần hồi môn, nàng nhận được
tiền thuế của chính ngôi làng mà hai phe đã tranh chấp gây chiến vừa
qua. Mối thân hữu được thiết lập thật nhanh chóng giữa hai vua này. Thậm
chí ta còn nghe nói đến chuyện tấm áo choàng sang trọng mà vua Ajìtasattu
đã gởi cậu, nay là nhạc phụ, làm quà tặng! (MN 88).
Lần hội kiến duy nhất của vua
Ajìtasattu với đức Phật diễn ra do một tâm trạng đầy tình cảm lãng mạn
của vua này. Một đêm rằm trăng sáng rực rỡ vào tháng Kattika (Mười -
Mười một) đã khơi dậy trong lòng ông vua trẻ ước muốn đi nghe thuyết
giảng đaọ lý cao siêu (DN 2.1). Nhiều vị Sa-môn được nhắc đến, và cuối
cùng Jìvaka, vị ngự y già cũng là đệ tử đức Phật, đề nghị nhà vua
nên đi tham kiến đức Phật hiện đang cư trú tại tinh xá trong Vườn Xoài
ở Ràjagaha do chính y sĩ này thiết lập. Ngự lên vương tượng, nhà vua khởi
hành (DN 2.8), trong lòng không khỏi bị nỗi kinh hãi xâm chiếm trên đường
đi vì nghĩ rằng y sĩ Jìvaka có thể đã đưa ông vào bẫy để giao ông
vào tay đám thù địch .(DN 2.10)
Nhà vua đảnh lễ đức Phật rồi
ngồi xuống một bên đối diện chư Tỳ-kheo, trong lúc đức Phật đang ngồi
dựa thẳng vào cột chính giữa giảng đường trong tinh xá để khỏi đau
lưng. Sau đó nhà vua hỏi đức Phật: "có thể đạt quả thiết thực
của hạnh Sa-môn khất sĩ ngay đời hiện tại này chăng?". Ðức phật
xác nhận là có và giảng giải những lợi ích của đời Phạm hạnh cho
vua nghe với nhiều ảnh dụ khác nhau (DN2). Pháp thoại chấm dứt với nỗi
ăn năn hối cải của vua Ajìtasattu vì đã giết phụ vương mình.
Năm 484 trước CN, vua Ajìtasattu dự
định gây chiến với tám nước cộng hòa và các bộ tộc hợp thành liên
bang Vajji - trong số đó, hai nước quan trọng nhất là cộng hòa Licchavi, với
thủ đô ở Vesalì và cộng hòa Videha với thủ đô ở Mithilà. Ông bảo rằng
họ càng ngày càng hùng cường (DN 16); chắc hẳn là ông chỉ muốn sáp nhập
lãnh thổ của họ vào vương quốc của ông. Ða số đế vương xem chuyện
hiển nhiên là làm cho nước mình phú cường bằng sự thiệt hại của nước
lân bang! (MN 82).
Biết rằng đức Phật quen thuộc lãnh
thổ Vajjì và thân thiết với cư dân ở đấy, nhà vua sai đại thần, Bà-la-môn
Vassakara, đến hỏi ý kiến ngài. Ðức Phật giảng giải cho vị đại thần
biết có bảy điều kiện để một nước cộng hòa ổn định: đó là thường
xuyên họp hội đồng và tham dự đông đủ, thông qua quyết định bằng cách
tán đồng ý kiến, giữ vững các truyền thống luật lệ chăm sóc người
già cả, bảo vệ phụ nữ, duy trì các đền đài thánh tích và cung cấp
đúng pháp cho các vị A-la-hán từ các nơi đến cư trú tại đó. Bao lâu
các điều kiện trên còn tồn tại đối với Vajjì - như chúng đã thực sự
tồn tại - thì nước họ không thể suy thoái được.
Ðại thần Vassakàra tán thán các lời
dạy của đức Phật và nói rằng nếu dân Vajjì không thể bị đánh bại
bằng chiến trận công khai thì cần phải chiến thắng họ bằng cách
tuyên truyền khôn khéo và gieo mầm chia rẽ giữa dân chúng (DN 16). Và quả
thực về sau vua Ajìtasattu sai thám tử và những kẻ gây rối chính trị đến
các nước cộng hòa kia.
Cũng trong thời gian này, vua
Ajìtasattu nhận thấy nên dời kinh đô từ Ràjagaha lên phía bắc tận sông
Hằng. Khả năng phòng thủ thuận lợi mà thành Ràjagaha đem lại cho các rặng
núi bao quanh và bức tường thành khổng lồ hình như đối với ông không
cần thiết nữa, vì nay ông được quân đội hùng cường bảo vệ chu đáo
hơn. Cổ thành này không chỉ có vị trí bất lợi về phương diện giao thông
và thương mại, mà nó còn có khí hậu không lành mạnh vì sức cản gió
(của núi đồi); hơn nữa, các điều kiện vệ sinh thật khủng khiếp: mùi
hôi thối của kinh thành Ràjagaha đã nỗi tiếng qua ca dao tục ngữ. Vì thế,
vua Ajìtasattu ra lệnh cho làng Pataligàma, nằm trong gốc giữa sông Sona và
sông Hằng phải được phát triển thành tân thủ đô Pàtaliputta (nay là
Patna) và phải xây hào lũy chống dân Vajjì. Ông giao việc thiết kế và
giám sát công trình ấy cho các đại thần Vassakàra và Sunìdha (DN 16).
Vào khoảng 481 trước CN, khi kinh thành
mới đã được phồn thịnh sung túc và lực lượng của liên bang Vajjì đã
vị các đám người tạo phản của vua Ajàtasattu phá hoại ngấm ngầm đến
mức độ vừa đủ, nhà vua liền đem quân đội vượt sông Hằng để
chinh phục vùng ấy. Vào thời này đức Phật đã diệt độ. Chắc hẳn ngài
đã tự trách mình giá như ngài còn trụ thế để thấy hậu quả của các
lời ngài nói trước kia với đại thần Vassakàra, những lời mà ngài đã
ngụ ý hoàn toàn khác hẳn, đồng thời để thấy sự sụp đổ của các
cộng hòa cùng bộ tộc Vajjì và việc họ bị sáp nhập vào vương quốc
Magadha.
Như trên đã nói nhiều biến cố
ở vương quốc Magadha. Trong lúc ấy, thời gian cũng không lắng động ở
vương quốc Kosala. Ba năm sau khi vua Pasenadi đánh bại vua Ajàtasattu và nhiếp
phục cháu trai, chính ông cũng bị con trai mình, Vương tử Vidudabha, lật đổ
khỏi ngai vàng. Mấu chốt quan trọng trong vụ đảo chánh này do đại tướng
Dìgha Kàràyana (Trường Nhân Kàràyana) điều động .
Mối thù ghét của tướng này đối
với vua Pasenadi có nhiều nguyên nhân sâu xa. Cậu của tướng Kàràyana là
Bandhula vốn là bạn học với vua Paseanadi ở Ðại Học Takkasìla và khi
lên ngôi , vua Pasenadi đã cử ông ra chỉ huy quân đội.
Một thời, khi tướng Bandhula cùng
các con trai viễn chinh để dẹp loạn ở biên thùy, các đại thần của
vua Pasenadi gợi ý cho nhà vua biết rằng tướng Bandhula cùng các con trai
ông mà không cần xét xử , nhưng chẳng bao lâu sau đó nhà vua đã nhận ra
rằng những lời tố cáo vị đại tướng này là vô căn cứ. Ông hối hận
về hành động trên , và tỏ dấu hiệu ăn năn bằng cách chỉ định cháu
trai của tướng Bandhula là Kàràyana làm tân đại tướng. Tuy thế, tướng
Kàràyana không bỏ qua việc giết cậu mình (Jàt 465).
Cơ hội báo thù đã đến năm 487
trước CN , khi vua Pasenadi du hành qua cộng hòa Sakiya, là nước chư hầu của
ông. Ở Nangaraka, nhà vua nghe tin đức Phật đang trú tại Medalumpa, ông muốn
tái ngộ vị thân hữu ngày xưa, liền khởi hành đến nơi ấy cùng với
đám cận vệ dưới quyền chỉ huy của tướng Kàràyana. Khi vừa đến
tinh xá mà đức Phật đến an trú, vua Pasenadi tháo gỡ các dấu hiệu vương
quyền, đó là bảo kiếm và vương miện, trao cho tướng Kàràyana giữ hộ.
Rồi đức Phật ra mở cửa, nhà vua bước vào và sau những lời chào hỏi
thân thiết, hai vị lão nhân tôn quý cùng nhau đàm đạo thật lâu.(MN 89)
Khi tướng Kàràyana đợi bên ngoài
tinh xá, thấy mình đang nắm giữ hai vật quan trọng nhất trong số năm dấu
hiệu vương quyền, liền thừa cơ hội trả thù vua Pasenadi. Chỉ để lại
một con ngựa và một nữ tỳ, vị tướng cỡi ngựa đi ngay cùng đám vệ
sĩ đến gặp thái tử Vidùdabha và gắn các dấu hiệu vương quyền lên người
thái tử . Nhờ có đám quân tinh nhuệ xuất sắc đào ngũ về phe mình và
nắm được các dấu hiệu vương quyền, thái tử Vidùdabha vào thành
Sàvatthi với tư thế của một tân vương
Ngay khi vua Pasenadi kết thúc cuộc
đàm đạo với đức Phật , ông khám phá ra rằng ông đã bị bỏ rơi và
khi cô nữ tỳ xác nhận sự phản bội của tướng Kàràyana, ông vua già cả
phục phịch ấy lên ngựa đi về thành Ràjagaha với mục đích thuyết phục
cháu trai Ajàtasattu đi chinh phạt Vidùdabha. Khi ông vừa đến thành Ràjagaha
thì trời tối, các cổng thành đều đóng cả. Mệt lã người sau một cuộc
hành trình dài trên lưng ngựa, lại chịu dãi dầu nắng gió suốt ngày, vị
vua bảy mươi sáu tuổi ấy đành nằm nghỉ trong túp lều ngoài lũy thành.
Ðêm ấy vua băng hà vì kiệt sức. Vua Ajàtasattu bèn cử hành tang lễ thật
linh đình (Jàt 465).
Việc chiếm được vương quyền
nước Kosala cùng quân đội bằng cách quá dễ dàng như vậy tạo cho vua
Vidùdabha phương tiện thực kế hoạch trả thù đã ôm ấp từ lâu. Ðây
là việc chống lại cộng hòa Sakiya, nước này đã có lần lập mưu kế lừa
phỉnh vua cha Pansenadi.
Nhiều năm trước kia, vua Pansenadi báo
cho bộ tộc Sakiya ở Kapilavatthu biết ông muốn chọn một thiếu nữ dòng
họ này về làm vương hậu, để thiết lập liên hệ huyết thống giữa
hai bên. Ðáng lẽ họ phải gởi sang cho ông một thiếu nữ chính thống
Sát-đế-lỵ, họ lại gửi nàng Vàsabha-khattiyà, một thiếu nữ lai huyết
thống của hai giai cấp, đó là công nương diễm kiều của vương tử Mahànàma,
một vị hoàng thân của đức Phật, đã lấy một nữ tỳ. Hoàn toàn
không biết gì về việc này, vua Pansenadi đã làm lễ cưới nàng rất linh
đình và phong ngôi chánh hậu. Trong vòng một năm, nàng sinh hạ hoàng tử
Vidùdabha.
Khi Vidùdabha lên bảy thì nhận thấy
các trẻ con khác nhận quà tặng của bà ngoại chúng, còn cậu thì không.
Vào năm mười sáu tuổi, hoàng tử thiếu niên này du hành tận Kapilavatthu
để tìm hiểu lý do. Bộ tộc Sakiya tiếp đón cậu lạnh nhạt và nói những
câu bình phẩm chê bai sau lưng cậu. Cuối cùng, do tình cờ, hoàng tử biết
được sự thật về mẫu hậu, liền thề khi có cơ hội sẽ lấy máu rửa
hận với dòng họ Sakiya vì đã lừa gạt phụ vương mình một cách tàn nhẫn
như vậy (Jàt 465).
Thời cơ nay đã đến. Vua Vidùdabha
cầm đầu quân đội khởi hành tiến về hướng đông, nhưng đình hoãn tấn
công Kapilavatthu khi đức Phật xin vua này dung tha mạng dân chúng. Người ta
phỏng đoán bậc Ðạo Sư lão thành cố ngăn chặn vua Vidùdabha lần thứ
hai, lần thứ ba, nhưng rồi nhà vua không bị kiềm chế mãi được nữa.
Nhà vua chiếm lấy Kapilavatthu, và ra lệnh xử tử hình mọi công dân đến
tuổi quân dịch. Cuối cùng ông phóng hỏa kinh thành, nơi đức Phật từng
sống thời hoa niên (nay là Tilaurakot ở Nepal). Việc tiêu diệt thành
Kapilavatthu có lẽ xảy ra năm 485 hoặc 4845 trước CN, không lâu trước khi
đức Phật diệt độ.
Dĩ nhiên nhiều người dòng họ
Sakiya chạy trốn trước khi quân của vua Vidùdabha tiến đến và họ tìm nơi
ẩn náu với các bộ tộc láng giềng thuộc dòng Moriya và Malla. Khi họ
nghe tin vua Vidùdabha đã chấm dứt chiến dịch tàn phá và xem việc trả
thù đã trọn vẹn, họ trở về từ nơi lưu vong.
Vì nay không còn gì sót lại cổ
thành Kapilavatthu (Tilaurakot hiện nay ở Nepal tức là Kapilavatthu I), họ bèn
định cư lập nghiệp ở một nơi khác (Pipràvà hiện nay ở Ấn Ðộ là
Kapilavatthu II). Họ gọi nơi này là Mahà- Kapilavatthu (Ðại-ca-tỳ-la-vệ)
và chính nơi đây, sau lễ trà-tỳ (hỏa táng) đức Phật, họ đặt phần
xá-lợi của ngài mà họ được hưởng vào một bảo tháp.
M ục lục | Ia | Ib | Ic | Id | IIa | IIb | IIIa | IIIb | IIIc | IVa | IVb | IVc | IVd | Va | Vb | VIa | VIb | VII | VIII