- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
- 2
BỐ CỤC KINH PHÁP HOA [^]
Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh được dịch ra Hoa văn rất sớm,
vào năm 286 TL do ngài Trúc Pháp Hộ dịch đề là Chánh Pháp Hoa Kinh, 10 quyển.
Trước đó không lâu vào năm 256 TL, tại Giao Châu có ngài Chi Cương Lương
cũng dịch lấy tên là Pháp Hoa Tam Muội, 6 quyển. Nhưng hiện nay trong Đại
Tạng kinh chỉ có một quyển Pháp Hoa Tam Muội do Trí Nghiêm đời Lưu Tống
dịch. Đời Dao Tần, ngài La Thập dịch vào năm 404 lấy tên Diệu Pháp
Liên Hoa, 7 cuốn. Đời Tùy năm 601 TL hai ngài Xà Na và Cấp Đa cũng dịch lấy
tên là Thiêm phẩm Diệu Pháp Liên Hoa, 7 cuốn. Bộ kinh Pháp Hoa được chúng
ta nghiên cứu học hỏi là bộ của ngài La Thập dịch, gồm 7 cuốn, 28 phẩm.
Thiên Thai tông cho bộ kinh này là bản kinh chính yếu để lập tông, và
chia 28 phẩm ra làm hai phần: Phần đầu gồm 14 phẩm trước gọi là Tích
môn tích hóa, gọi tắt là Tích môn, phần sau gồm 14 phẩm sau gọi là Bản
môn bản hóa, gọi tắt là Bản môn. (Môn đây không phải là cửa mà là
phương tiện).
Sự hóa độ của đức Phật có dấu tích, hiển hiện ra
giữa trần gian cho chúng sanh nghe được thấy được rõ ràng, gọi là
Tích môn. Tích phải có gốc từ đó mà phát sanh, cái gốc đó là Bản
môn. Đức Phật Thích Ca hiện ra ở đời tất phải từ một đức Phật Vô
lượng thọ, và giáo pháp Ngài giảng cũng là pháp Ngài đã chứng từ Vô
lượng kiếp, gọi là Bản môn. Như ánh trăng chiếu trên sông hồ, khi có
khi không, khi còn khi mất, do nước có đầy, vơi, trong, đục mà ra, nhưng
trăng trên trời thì luôn luôn có. Bản môn tức thọ mạng của đức Phật
và giáo pháp của Ngài. Sự giáo hóa của Ngài là vĩnh cửu, song Tích môn
thì tùy giai đoạn, căn cơ, nghiệp lực chúng sanh mà có nơi hiện, nơi không.
Nói thế để biết, sự nhập Niết-bàn của đức Phật tại rừng Sa La là
sự Niết-bàn của Tích môn, không phải của Bản môn, đó là sự vắng
bóng của trăng trong nước. Sự hiện sanh của Phật ở vườn Lâm-tỳ-ni cũng
thế, chỉ là sự hiện diện của Tích môn. Còn đức Phật của Bản môn
thì không sanh không diệt, như trăng trên trời. Chúng hội trong Tích môn
là chúng hội ở thế giới Ta-bà uế độ này, tại Kỳ-viên tinh xá; còn
chúng hội trong Bản môn, ngay từ phẩm 11 trở đi, là chúng hội siêu thời
gian không gian, không phải như ở trong Tích môn có người ở Ta-bà nghe
kinh và Kỳ-viên là nơi chốn.
Nay chúng ta hãy phân tích phần bố cục của bản kinh.
Kinh Pháp Hoa gồm có 2 phần : Phần Tích môn và phần Bản
môn.
I. PHẦN TÍCH MÔN
[^]
Phần Tích môn gồm 14 phẩm trước.
Trong phần Tích môn, thì phẩm Tựa đầu tiên bao gồm nhiều
ý nghĩa tổng quát. Từ phẩm thứ 2: Phương tiện, phẩm 3 : Thí dụ, phẩm
4 : Tín giải, phẩm 5 : Dược thảo, phẩm 6 : Thọ ký, phẩm 7 : Hóa thành,
phẩm 8 : Ngủ bách đệ tử thọ ký, và phẩm thứ 9 : Thọ học vô học
ký, đặc biệt nói về Tích môn, trong đó phẩm Phương tiện là chủ yếu.
Còn 7 phẩm kế tiếp kia chỉ là diễn rộng đạo lý ở phẩm này cho hàng
căn cơ chậm hiểu. Thiên Thai chia phần Tích môn ra Tam châu thuyết pháp
(châu có nghĩa là toàn vẹn). Trong việc khai quyền hiển thật, thì phẩm
Phương tiện là Pháp thuyết châu, chỉ có hàng Thanh Văn thượng căn mới
hiểu, như Tôn giả Xá-lợi-phất được đức Phật thọ ký ngay. Lần thứ
hai, đức Phật phải giải thích bằng ba thí dụ là Dụ thuyết châu, nghĩa
là thay vì nói thẳng điều cần nói như ở phẩm Phương tiện, ở đây
Ngài dùng ba thí dụ : Ba cỏi nhà lửa (Hỏa trạch), Đứa con khốn cùng
(Cùng tử), và Cây thuốc (Dược thảo) để cho hàng trung căn tín giải và
được thọ ký trong lần này như 4 vị : Tu-bồ-đề, Mục-kiền-liên, Ca-diếp
và Phú-lâu-na. Ở phần Dụ thuyết châu này gồm 4 phẩm: Thí dụ, Tín giải,
Dược thảo và Thọ ký. Lần thứ ba gọi là Nhân duyên thuyết châu, gồm
phẩm Hóa thành dụ, Ngũ bách đệ tử, Thọ học Vô học ký. Ở đây đức
Phật nhắc lại cho các đệ tử Thanh Văn nhớ lại nhân tu của họ trong
quá khứ. Họ đã từng gặp đức Phật, phát tâm Đại thừa mà nay bị
quên đi, nên đức Phật nhắc cho họ nhớ bản nguyện để phục hồi cái
tâm hướng Đại thừa của họ. Lần này rất đông người ngộ giải và
được thọ ký. Tuy đề phẩm là Ngũ bách thọ ký, nhưng kỳ thật, trong
1250 vị, nhưng 500 vị này danh tiếng mà thôi. Lần này, chẳng những hàng
La-hán vô học được thọ ký, mà cả hàng hữu học cũng được thọ ký.
Đây gọi là hàng hạ căn đắc ký.
Đối tượng thuyết pháp mà đức Phật nhắm đến là
hàng Thanh Văn hồi tiểu hướng đại, khiến họ đi vào Nhất thừa. Nói rộng
ra, là Ngài thọ ký cho tất cả chúng sanh. Có hai lối thọ ký : Biệt thọ
ký và Thông thọ ký. Biệt thọ ký là thọ ký cho từng người, từng nhóm
người, họ sẽ thành Phật ở thế giới tên gì? Phật hiệu gì...? Hàng
Thanh Văn được thọ ký trong hội Pháp Hoa là biệt thọ ký. Nhưng về sau,
có sự thọ ký chung cho những người sau khi đức Phật đã Niết-bàn. Bởi
vì trong một hội chúng nghe pháp bao giờ cũng có bốn hạng người:
1. Chúng khải thỉnh: là những người thưa thỉnh đức Phật
nói pháp cho mọi người khác được nghe. Họ là những vị Bồ-tát đã ngộ,
nhưng phương tiện thưa hỏi là vì chúng sanh, hoặc là những người
"đương cơ" mà lợi căn biết đặt câu hỏi.
2. Chúng đương cơ: Là đối tượng chính của buổi thuyết
pháp. Đức Phật nhắm ngay hạng người này mà nói pháp, vì hạng này có
thể lãnh hội lời đức Phật dạy. Trong hội Pháp Hoa, chúng đương cơ là
hạng Thanh Văn hồi tiểu hướng đại, được đức Phật dùng phương tiện
dắt dẫn lên Nhất thừa.
3. Chúng tán dương: Là những vị Bồ-tát đã được thọ
ký, đã nghe kinh này rồi, nhưng vẫn ngồi đó để tán dương Phật pháp,
tán dương sự nói Pháp và người nghe Pháp.
4. Chúng kết duyên: Là hạng người nghe 10 câu mà chỉ hiểu
một, nghe sau quên trước, nhưng đó vẫn là một cách kết duyên, để sau
này được hiểu Phật và làm Phật vậy.
Nói tóm lại, chúng đương cơ trong kinh Pháp Hoa là hạng người
nào đã hiểu được tinh thần kinh.
Trên đây là tóm tắt ý nghĩa 9 phẩm trước.
Từ phẩm 10: Pháp sư, phẩm 11: Bảo tháp xuất hiện, phẩm
12: Đề-bà-đạt-đa, phẩm 13: Phẩm trì và phẩm 14: An lạc hạnh là bổ
túc cho 8 phẩm trước, là những phẩm chính của Tích môn tích hóa. Trong
phẩm thứ 10 này Phật thọ ký chung cho tất cả những ai có nghe Kinh, niệm
Phật. Vì vậy, đạo lý Pháp Hoa, đạo lý cần được tuyên dương hoằng
hóa, và người nói kinh này cần thành tựu ba việc để sự nói Kinh được
viên mãn, đó là nhập Như Lai thất, Trước Như Lai Y, Tọa Như Lai tòa
(Nhà Như Lai - Áo Như Lai - Tòa Như Lai).
Phẩm Hiện Bảo tháp thứ 11, một bảo tháp của Phật Đa
Bảo từ dưới đất vọt lên khen ngợi ý nghĩa ở đây là: Phật vốn bất
diệt. Đức Phật Đa Bảo diệt mà bất diệt, để hiển thị đức Phật
Thích Ca sanh mà không sanh. Hai Ngài ngồi chung một tòa, bởi vì cùng bất
sanh bất diệt như nhau. Lại nữa, Đa Bảo còn là biểu thị Phật tánh sẵn
có trong đất phiền não khi gặp được kinh Pháp Hoa thì hiển lộ.
Phẩm Đề-bà-đạt-đa thứ 12, trong những kinh khác, Đề-bà
là một người tạp đủ các tội lỗi, nghiệp chướng nặng nề. Nhưng đến
kinh Pháp Hoa thì Phật cho biết vô lượng kiếp về trước, Đề-bà đã
là thiện tri thức giúp Ngài thành Phật qua việc ông đã nói lại kinh Diệu
Pháp Liên Hoa. Chứng tỏ năng lực kinh này đã làm cho Phật thành Phật,
và cũng làm cho một người như Đề-bà mà cũng thành thiện tri thức được
là nhờ nói lại kinh Pháp Hoa. Lại còn có Long Nữ thành Phật làm cho Tôn
giả Xá-lợi-phất phải ngạc nhiên: Đã làm súc sanh, lại mang thân nữ,
ở đời coi như vậy là hết chỗ đứng, vậy mà vẫn thành Phật được,
chứng tỏ những chúng sanh nào tin được kinh này đều thành Phật, và chứng
đắc đạo lý Phật tánh bình đẳng của Pháp Hoa là không phân biệt nam,
nữ, trời, rồng, người hay súc sanh. Thật là một sự bình đẳng tuyệt
đối.
Phẩm Trì thứ 13, hàng Bồ-tát và Thanh Văn, sau khi được
nghe kinh và được thọ ký, phát nguyện thọ trì và lưu bố kinh dù gặp
ác nạn.
Phẩm An Lạc Hạnh thứ 14, muốn nói kinh Pháp Hoa ở đời
ngũ trược khỏi bị chướng ngại phải an trú 4 hạnh là: Không tịch hạnh,
ly kiêu mạn hạnh, ly tật đố hạnh, và từ bi hạnh. (Hay thân an lạc hạnh,
khẩu an lạc hạnh, ý an lạc và thệ nguyện an lạc hạnh).
Đó là ý nghĩa của 14 phẩm thuộc phần Tích môn.
II. PHẦN BẢN MÔN
[^]
Từ phẩm 15 trở về sau cho đến hết phẩm 28.
Phẩm Tùng địa dũng xuất thứ 15, từ cảnh này trở đi
toàn nói đến những cảnh giới vượt ngoài tầm hiểu biết thông thường
của người phàm. Từ dưới đất trồi lên vô số Bồ-tát, như ở phẩm
11, tháp đức Phật Đa Bảo từ dưới đất vọt lên (p15), phẩm này cùng
với phẩm 16 là: Sự sống lâu của đức Thế Tôn (Như Lai thọ lượng) là
phần chính của Bản môn. Đức Phật nói: "Ta vốn ở trong Ta-bà thế
giới này từ vô lượng kiếp chứ không phải mới sanh". Bản môn này
là gốc, từ đó mà có ra Tích môn, là sự đản sanh của đức Phật tại
Lâm-tỳ-ni vậy.
Tiếp đến, đức Phật phân biệt công đức của người
trì kinh ở phẩm 17: Phân biệt công đức. Phẩm 18: Tùy hỶ công đức là
tùy hỶ với người nghe kinh, khuyến khích người khác nghe Pháp Hoa (mặc
dù mình không nghe) cũng được có công đức thuộc hạ phẩm.
Phẩm Pháp sư công đức thứ 19 là chỉ cho trung phẩm công
đức nhờ nghe, đọc tụng, diễn nói kinh này.
Phẩm Thường Bất Khinh thứ 20, nói đến thượng phẩm công
đức của ngài Thường Bất Khinh, tức công đức thực hành hạnh Pháp
Hoa.
Nói xong phẩm này, đức Phật hiện thần lực (phẩm 21) để
chứng minh thêm công đức đó, và Chúc lụy (phẩm 22) rằng kinh này nên
được lưu truyền rộng rãi.
Từ phẩm 23: Việc cũ của Bồ-tát Dược vương, phẩm 24:
Bồ-tát Diệu âm, phẩm 25: Quán Âm đại sĩ, phẩm 26: Đà-la-ni, phẩm 27:
Diệu Trang Nghiêm và phẩm 28: Phổ Hiền Khuyến Phát có thể gọi là phần
lưu thông, sự hoằng kinh Pháp Hoa do những vị Bồ-tát, hoằng kinh bằng những
khổ hạnh của mình như phẩm Dược Vương, Diệu Âm, Hoằng kinh do sự cứu
khổ nạn cho chúng sanh như phẩm Quán Thế Âm (Phổ Môn) hay bằng thần
chú lực hộ trì cho người đọc tụng diễn nói Pháp Hoa như phẩm Đà-la-ni.
Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương kể một ông vua tà kiến, nhưng có bà vợ
và hai con trì kinh Pháp Hoa đã tìm đủ cách để cải hóa cha, cuối cùng
vua chịu đi nghe kinh Pháp Hoa mà thành Bồ-tát. Đây là nội lực hộ trì của
kinh, có năng lực cải tà quy chánh. Phẩm Phổ Hiền là phẩm khuyến khích
hoằng kinh.
Ngài Trí Khải cho 14 phẩm sau này là Bản môn Bản hóa, nhưng
chủ yếu Bản môn chính thật là chỉ có 2 phẩm 15 và 16.
Đó là ý nghĩa của 14 phẩm thuộc phần Bản môn còn lại.
PHÂN
TÍCH KINH PHÁP HOA
[^]
Đi vào kinh văn, trước phải biết tổng quát tức biết
được dàn bài mà các vị giải kinh thường gọi là phân khoa, để xem toàn
kinh có mấy quyển, mấy phẩm và ý nghĩa mỗi phẩm.
Kinh Pháp Hoa mà ngài Thiên Thai chú giải chia ra làm hai phần
: Phần Tích Môn và phần Bản Môn. Tích là dấu tích ; Bản là gốc, Môn
là địa bàn hoạt động.
Địa bàn hoạt động của đức Phật ở trong bản thể,
trong Pháp thân thì gọi là Bản Môn. Địa bàn hoạt động của đức Phật
trong hóa thân, trong hình thái có dấu tích, có nghe, thấy và còn mất ẩn
hiện của pháp hữu vi thì gọi là Tích môn.
Bản ví như mặt trăng trên trời ; Tích ví như ánh trăng
dưới nước, ánh trăng dưới nước là một dấu tích chúng ta thấy được.
Nhưng ánh trăng dưới nước không hẳn luôn luôn đều có, mà có lúc ẩn
đi. Tùy theo, hễ nước trong thì hiện mà nước đục thì ẩn, có nước
thì trăng hiện, không nước thì trăng ẩn. Hóa thân Phật cũng vậy. Cho nên
có sự sanh diệt ở cõi Ta-bà này là đứng trên mặt Tích môn hay nói
cách khác là "Thùy Tích", (Thùy: Từ trên đưa xuống).
Vậy, Hóa thân của Phật ở cõi Ta-bà này cũng như mặt
trăng dưới nước là mặt trăng Thùy tích do từ mặt trăng Bản môn Bản
địa -- trên trời hiện ra. Mặt trăng dưới nước khi có khi không, mặt
trăng trên trời không bao giờ mất. Bản nguyện tự thể vĩnh cữu.
Sở dĩ có bóng trăng Tích môn dưới nước là nhờ có mặt
trăng Bản môn trên trời. Do Bản môn mà có Tích môn, nhưng cũng do Tích
môn mà hiển được Bản môn. Nếu không nhờ Tích môn thì không làm sao hiển
tỏ được Bản môn, không nhờ bóng trăng dưới nước thì không làm sao
thấy được mặt trăng trên trời vậy.
Phần Tích môn còn gọi là phần khai quyền hiển thật,
khai tam hiển nhất, thừa quyền thật. Tích cũng chỉ cho Hóa thân.
*
Dàn bài tổng quát về Tích môn gồm :
A. Phần tự : Phẩm Tựa.
B. Phần chánh tông :
1. Lược khai tam hiển nhất : Phẩm Phương tiện.
2. Quảng khai tam hiển nhất :
Pháp Thuyết châu : (Thông lên phẩm Phương tiện) phẩm Thí
dụ.
Dụ Thuyết châu : Phẩm Tín giải, Dược thảo dụ, Thọ ký.
Nhân Duyên thuyết châu : Phẩm Hóa thành, Ngũ bách đệ tử
thọ ký, Thọ học Vô học ký, Pháp sư.
C. Phần lưu thông :
Công thâm báo trọng mạng mích thông kinh: (Thông lên phẩm
Pháp sư). phẩm Kiến Bảo tháp
Dẫn vãng kiêm tích dĩ chứng thông kinh: Phẩm Đề-bà-đạt-đa
Tha phương thử độ khuyến tấn thông kinh: Phẩm Khuyến
trì
Sơ tâm hoằng kinh bất lự nguy khổ: Phẩm An lạc hạnh
Phần Bản môn còn gọi là phần Khai cận hiển viễn, Khai
tích hiển bản, Thân quyền thật. Bản cũng chỉ cho Pháp thân.
*
Dàn bài tổng quát về Bản môn gồm :
A. Phần tự : Phẩm Tùng địa dũng xuất.
B. Phần chánh tông :
Lược Khai Cận Hiển Viễn : (Thông qua phẩm Tùng địa
dũng xuất)
Quảng Khai cận hiển viễn : Phẩm Như Lai thọ lượng, 1/2
phẩm Phân biệt công đức (phần đầu).
C. Phần lưu thông.
Công đức Pháp thông:
1/2 phẩm Phân biệt công đức
(phần sau).
Phẩm Tùy hỶ công đức.
Phẩm pháp sư công đức.
Phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát.
Phó Chúc Lưu thông :
Chúc Lụy Pháp thông :
Phẩm Như Lai thần lực.
Phẩm Chúc lụy.
Hóa Tha Lưu thông.
* Khổ Hạnh Hóa tha
Phẩm Dược Vương Bồ-tát bổn sự.
* Tam Muội Hóa tha
Phẩm Diệu Âm Bồ-tát.
Phẩm Quán Thế Âm Bồ-tát.
* Tổng Trì Hóa tha
Phẩm Đà-la-ny.
* Thệ Nguyện Hóa tha
Phẩm Diệu Trang Nghiêm.
Tự Hành Lưu thông :
* Thần thông
Phẩm Phổ Hiền
Ngài Thiên Thai chia Tích môn gồm 14 phẩm đầu và Bản môn
gồm 14 phẩm cuối.
Nói về đức Phật có hai là giáo pháp Phật và bản thân
Phật. Trong kinh Pháp Hoa phần đầu nói về giáo pháp, giáo pháp đó gọi
là thừa, nương theo giáo pháp đó mà chứng quả nọ quả kia gọi là thừa
(xe) ; "Quyền" chỉ cho tam thừa ; "Thật" chỉ cho Nhất thừa.
Do có khai quyền mới hiển thật. Nhờ Tích môn mà hiển được Bản môn,
nếu không khai quyền thì không làm sao hiển được thật; không khai tam
thì không làm sao hiển được nhất.
Như trong kinh nói thí dụ "Môn ngoại thuyết tam xa"
để cứu mấy đứa con ham chơi trong nhà lửa, đó là phương tiện thuyết
bam xa, nhưng mấy đứa con không biết đó là phương tiện nên vừa ra khỏi
nhà thì đòi cho được ba xe. Với đức Phật, cứu cánh của Ngài là đưa
chúng sanh ra khỏi nhà lửa, đó là "Nhất thừa xa". Nếu Phật
không phương tiện nói bam xa thì chúng sanh cứ giong ruỗi mãi trong nhà lửa
mà không chịu ra nên đức Phật mới khai quyền hiển thật. Thành ra, giáo
lý của Phật phần trước gọi là thừa, quyền thừa thật, phần sau gọi
là thân cận, thân viễn hay thân quyền, thân thật.
Cận tức là Hóa thân Phật, đức Phật gần gũi thấy được
gọi là cận. Viễn là vĩnh cữu, thân vô lượng kiếp.
Trong 14 phẩm đầu - Tích môn - không đồng nhất, mỗi phẩm
đều có tư thế riêng, cho nên trong 14 phẩm đầu cũng chia ra : Phần Tự,
phần Chánh tông và phần Lưu thông.
A. Phần Tự : Gồm có phẩm Tự.
B. Phần Chánh tông : Gồm có 8 phẩm, mỗi phẩm đều có
tánh cách sai khác nên được chia ra :
Phẩm Phương tiện : Đây là phẩm chủ yếu trong 14 phẩm
Tích môn. Bao nhiêu lý lẽ "Khai tam hiển nhất" cũng nằm trong phẩm
này. Phẩm này nói thẳng bản hoài của Phật ra đời, nói thẳng chân lý
cứu cánh. Chỉ hàng thượng căn như Tôn giả Xá-lợi-phất, là bậc đại
trí tuệ đứng đầu trong hàng Thanh Văn, được lãnh ngộ và được thọ
ký. Còn hàng trung căn, hạ căn chưa lãnh ngộ được phải qua phẩm sau. Phần
sau chia làm ba châu :
Pháp thuyết châu : Phần này trọn cả phẩm Phương tiện và
thông qua phẩm Thí dụ.
Dụ thuyết châu : Gồm phẩm Tín giải, Dược thảo, Thọ ký.
Nhân duyên thuyết châu : Gồm phẩm Hóa thành, Ngũ bách đệ
tử, Thọ học Vô học ký.
Tóm lại 8 phẩm này thuộc phần Chánh thuyết trong Tích
môn. Nhưng 8 phẩm này gồm thâu vào hai phần chính là lược khai tam hiển
nhất - phẩm Phương tiện - và Quảng khai tam hiển nhất gồm 7 phẩm còn lại.
Hàng thượng căn như Tôn giả Xá-lợi-phất chỉ nghe pháp Phương tiện là
được lãnh hội và được Phật thọ ký, nhưng hàng trung hạ căn thì còn
mờ mịt phải qua phần Dụ thuyết châu - Phật nói Thí dụ - để bổ túc
cho lời dạy trên, hàng trung căn có bốn vị được thọ ký, hàng hạ căn
vẫn chưa lãnh ngộ được, Phật phải nhắc đến túc thế nhân duyên
(Nhân duyên thuyết châu) để bổ túc cho phần Dụ thuyết và hàng hạ căn
được thọ ký.
C. Phần Lưu thông
(Của Tích môn - Đây là điểm đặc biệt của kinh Pháp
Hoa, các kinh khác Phần Lưu thông là cuối kinh) Gồm có 4 mục :
I. Công thầm báo trọng mạng mích thông kinh: Gồm phẩm :
Pháp sư và Kiến Bảo tháp. Hai phẩm này nêu lên công đức sâu xa của
kinh Pháp Hoa, vì thế mà người nào hoằng truyền kinh sẽ được công đức
vô lượng, và đây cũng là điểm Phật khuyến khích người truyền bá
kinh Pháp Hoa. Phật cũng nói đến phương pháp hoằng kinh như vào nhà Như
Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai... Phẩm Pháp sư còn quảng diễn sự
thọ ký của Phật, không chỉ hạn cuộc vào 3 hạng căn cơ hiện đối
trước Phật như ở các phẩm trước, mà còn bao trùm tất cả chúng sanh
trong tương lai, bất luận ở đâu, dù không được gặp Phật, nhưng gặp
kinh Pháp Hoa mà phát tâm tùy hỶ đọc tụng thọ trì... thì cũng đều được
thọ ký thành Phật. Và lối thọ ký này gọi là thông thọ ký, khác với
trước gọi là biệt thọ ký.
Phẩm Kiến Bảo tháp, tháp Phật Đa Bảo từ lòng đất vọt
lên, có hai ý : 1/ Chứng minh rằng kinh Pháp Hoa mà đức Phật Thích Ca nói,
là kinh các đức Phật quá khứ đều nói. 2/ Hổ trợ cho người hoằng
truyền kinh Pháp Hoa, lại cũng có ý rằng chúng sanh tương lai không gặp Phật
nhưng nghe kinh Pháp Hoa, gặp kinh Pháp Hoa thì cũng được thọ ký.
II. Dẫn vãng kiêm ích dĩ chứng thông kinh : Phẩm Đề-bà-đạt-đa.
Thường các kinh nói Đề-bà-đạt-đa mang tội nghịch, phá hòa hợp tăng,
nhưng trong Pháp Hoa, Đề-bà lại được Phật thọ ký. Và đức Phật cũng
dạy rằng trong kiếp quá khứ Đề-bà đã từng giảng kinh Pháp Hoa, nhờ
đó Phật được thành Phật. Lại cũng cho thấy, với Phật, oán thân bình
đẳng, dù Đề-bà luôn luôn tìm cách hại Phật.
III. Tha phương thử độ khuyến tấn thông kinh: Phẩm Khuyến
Trì. Nghe sự lợi ích của việc trì kinh, các vị Bồ-tát khắp nơi nguyện
hoằng truyền kinh Pháp Hoa.
IV. Sơ tâm hoằng kinh bất lự nguy khổ : Phẩm An lạc hạnh.
Phật dạy 4 điều, ai an trú trong 4 điều đó thì được an lạc, hoằng
kinh sẽ không bị trở ngại, nguy khốn.
Phẩm Bản môn gồm 14 phẩm sau, cũng chia ra phần Tự, phần
Chánh tông và phần Lưu thông.
I. Phần Tự : Phẩm Tùng địa dũng xuất. Các vị Bồ-tát
từ dưới lòng đất vọt lên. Đây là phần mở đầu Bản môn.
Các vị Bồ-tát đó ai là thầy, nương vào đâu để Thành
Đạo...? ý rằng đức Phật đã Thành Đạo từ vô lượng kiếp và đã từng
giáo hóa các Bồ-tát đó, chứ chẳng phải Phật chỉ mới Thành Đạo dưới
cây Bồ-đề bên bờ sông Ni-liên-thuyền.
II. Chánh tông :
Lược khai cận hiển viễn : Thông qua phẩm Tùng địa dũng
xuất.
Quảng khai cận hiển viễn : (Cận : Hóa thân; Viễn : Pháp
thân). Phẩm Như Lai thọ lượng và nữa phẩm Phân biệt công đức.
III. Lưu thông : Đây cũng là phần lưu thông chung toàn kinh
1) Công đức lưu thông : Phẩm Tùy hỶ công đức, Pháp sư
công đức, phẩm Thường Bất Khinh Bồ-tát.
Phần này chia làm ba phẩm :
* Phẩm hạ : Tùy hỶ công đức: Nghe kinh tùy hỶ.
* Phẩm trung : Pháp sư công đức: Viết chép, diễn giảng,
thọ trì, đọc tụng...
* Phẩm thượng : Thường Bất Khinh, Xả thân thật hành.
2) Phó chúc lưu thông :
- Chúc lụy lưu thông, phẩm Như Lai thần lực và phẩm
Chúc Lụy : Phật hiện thần thông tán trợ, khích lệ, đặt tin tưởng, công
đức hoằng kinh, rồi Phật trực tiếp nói lời phó chúc.
- Hóa tha lưu thông :
* Khổ hành hóa tha: Phẩm Dược Vương, lấy sự khổ hạnh
để giáo hóa người khác như đốt tay, thiêu thân cúng dường.
* Tam muội hóa tha: Phẩm Diệu Âm và Quán Thế Âm Bồ-tát,
dùng sức Tam muội, dùng "Nhân" để hoằng truyền kinh Pháp Hoa.
* Tổng trì hóa tha: Phẩm Đà-la-ni, dùng "Pháp" để
hoằng kinh.
* Thệ nguyện hóa tha: Phẩm Diệu Trang Nghiêm Vương. Một
ông vua tà kiến nhờ hai người con trì Pháp Hoa mà chuyển ngộ.
3) Tự hành lưu thông : Phẩm Phổ Hiền.
PHÁP HOA
KHOA CHÚ
[^]
Kinh Diệu Pháp Liên Hoa là tạng thâm áo nói về bản địa,
là cội nguồn của một đời giáo hóa của Phật, là cùng tột của năm
thời giáo (theo phán giáo của Ngài Thiên Thai Trí giả).
Đức Như Lai xuất hiện ở đời, ý muốn thuyết ngay kinh
này để khai thị cho chúng sanh về bản nguyện giác tạng, rốt ráo chỉ
thẳng kiến tánh thành Phật. Cho nên trong kinh này nói: "Chư Phật chỉ
vì lý do duy nhất và trọng đại mà xuất hiện ở đời, đó là: Khai thị
ngộ nhập Phật tri kiến". Ngặt vì hàng tiểu cơ không kham nghe nỗi,
hễ nghe thời sanh tâm phỉ báng mà đọa vào chỗ khổ, nên trong kinh này
nói: "Nếu chỉ tán thán Phật thừa, thì chúng sanh sẽ bị chìm vào bể
khổ, vì phá pháp, không tin, mà phải đọa vào ba đường ác". Do thế,
đức Như Lai bất đắc dĩ phải vì "thật" mà thi thiết "quyền".
Trước hết đem Hoa Nghiêm đại giáo để thẩm định, hạng người Tiểu
thừa đã không thể tín thọ, cho nên Phật mới từ Bất động tịch diệt
đạo tràng đi đến Lộc Uyển thuyết ba thừa, lại bảo đảm cho chứng
nhập chơn không, cho nên cần phải có thời giáo Phương Đẳng đề đàn hạch
bài xích, khiến hàng Tam thừa kia hổ thẹn Tiểu thừa mà hâm mộ Đại thừa.
Tuy hâm mộ Đại thừa, nhưng mà tình chấp vào chơn thừa chưa dứt, nên mới
ký thác Xá-Lợi-Phất để dạy lại, nói rộng pháp không tuệ để đào
thải. Chấp tình đã phá xong, nhưng còn vì "thật" che lấp
"quyền", "quyền" bị che nơi "thật" chưa khai mở
cho hàng Nhị thừa căn bản được thành Phật, chưa hiển bày việc Như
Lai thành Phật vốn từ kiếp lâu xa, vì thế nên tập hội trên núi Linh Thứu
Cao, giảng pháp bí yếu, mở các môn phương tiện, chỉ bày diệu lý chơn
thật, phát huy chỗ quyền xảo của chúng sanh, hiển bầy chỗ u vi của bản
địa. Như trong kinh này nói: "Chính là lúc bỏ ngay phương tiện, mà chỉ
nói đạo Vô thượng" Đạo Vô thượng này là ba thừa đều hội về
Nhất thừa, chín cõi đều quy về cõi Phật. Số lượng thọ mạng dài
lâu, đến đây mới tỏ rõ. Bản hoài xuất thế độ sanh, đến đây mới
thỏa mãn. Thế ấy gọi là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh.
Kinh này có 28 phẩm nói về Diệu pháp, không ngoài quyền,
thật, bản, tích. Quyền là chín cõi và ba thừa. Thật là cõi Phật và Nhất
thừa. Bản là Phật đã thành Phật từ lâu vô lượng kiếp. Tích là việc
giáo hóa sau khi chứng đạo dưới cội Bồ-đề.
Mười bốn phầm đầu là Tích môn, khai quyền hiển thật.
Mười bốn phẩm sau là Bản môn, khai tích hiển bản. Nhưng hai môn Tích, Bản,
Khai và Hiển lại tùy theo căn cơ có lợi độn mà có ra ba châu bảy dụ
không đồng. Ba châu là:
1. Pháp thuyết châu: Vì hạng người thượng căn, nói về
Nhất thừa. Tam thừa, chỉ có một người là Xá-Lợi-Phất đắc ngộ, mà
chính trong phẩm Phương tiện nói rõ.
2. Dụ thuyết châu: Vì hạng người trung căn, nói về ba
xe, một xe. Có bốn đại đệ tử là Ca-Diếp .v.v.. lãnh hội, mà chính
trong phẩm Thí dụ nói rõ.
3. Nhân duyên thuyết châu: Vì hạng người hạ căn nói về
nhân duyên đời trước. Có một ngàn hai trăm Thanh Văn được thọ ký, mà
chính trong phẩm Hóa thành dụ nói rõ. Việc giáo hóa theo Tích môn như vậy
rốt cùng ở tại ba châu. Châu có nghĩa là rốt cùng. Rốt cùng đối lại
với bắt đầu. Hạng thượng căn bắt đầu ở tại Lộc Uyển, bẩm thụ
tiểu pháp, rốt cùng ở tại hội Pháp Hoa được thọ ký. Hạng trung căn
chiếu theo đó mà biết. Hạng hạ căn bắt đầu gieo giống lành ở tại
chỗ Phật Đại Thông đời quá khứ, rốt cùng nhờ tại hội Pháp Hoa nhắc
lại nhân duyên mà được mở tỏ. Vì thế gọi là ba châu. Bẩy dụ là:
1. Dụ Nhà lửa: Ví dụ ba cõi không an ổn ví như nhà lửa,
như trong phẩm Thí dụ nói rõ.
2. Dụ Cùng tử: Ví dụ Tiểu thừa không có công đức pháp
và tài của Đại thừa. Như trong phẩm Tín giải nói rõ.
3. Dụ Cỏ thuốc: Ví dụ các điều thiện hữu lậu đều
có thể trừ ác, nhưng điều thiện vô lậu là hơn cả, như trong phẩm Dược
thảo dụ nói rõ.
4. Dụ hóa thành: Ví dụ chơn không Niết-bàn của Nhị thừa,
có thể đề phòng cái sai quấy của kiến tư hoặc, ngăn ngừa kẻ địch
sanh tử, như trong phẩm thành dụ nói rõ.
5. Dụ Ngọc trong áo: Ví dụ vương tử kết duyên gieo giống
trí bảo Nhất thừa, tức giống liễu nhân, như trong phẩm Năm trăm đệ tử
thọ ký nói rõ.
6. Dụ viên ngọc trên đỉnh: Ví dụ trung đạo thật tướng,
là nơi quả vị cùng cực tông hướng, như trong phẩm An lạc hạnh nói
rõ.
Sáu dụ trên đây đều là ví dụ việc khai quyền hiển thật
về Tích môn.
7. Dụ Thầy thuốc: Ví dụ Phật như Đại y vương, trị bệnh
khắp tất cả chúng sanh, như trong phẩm Thọ lượng nói rõ. Một dụ này
ví dụ cho việc khai Tích hiển Bản thuộc trong Bản môn. Bẩy ví dụ này
là biệt dụ, còn Liên hoa là tổng dụ.
(Trích dịch từ Pháp Hoa Kinh chú).
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |