Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lược giải Kinh Pháp Hoa
HT. Thích Thiện Siêu

7b


Kinh văn: Thưa Văn-thù-sư-lợi, tôi ở nơi đây thấy nghe việc như thế, và muôn ngàn việc khác như vậy rất nhiều. Nay tôi sẽ lượt nói: Tôi thấy ở cõi nước kia, hằng sa các Bồ-tát, bằng bao nhiêu nhân duyên để cầu Phật đạo. Hoặc có người tu hạnh bố thí, đem vàng bạc, san hô, chơn châu, ma ni, xa cừ, mã não, kim cương, và các đồ trân bảo cho đến nô tỳ, xe cộ, nghiêm sức châu báu, hoan hỶ bố thí hồi hướng đến Phật đạo nguyện được thừa này là đệ nhất trong tam giới, được các đức Phật tán thán. Hoặc có hàng Bồ-tát dùng xe báu tứ mã, và lan thuẩn, tràng hoa và đồ trang sức để bố thí.

Giải thích: Bố thí là một trong các nhân duyên tu Bồ-tát đạo. Đoạn kinh trên đây là nói về việc bố thí ngoại tài, tức tài sản ngoài thân thể như vàng bạc châu báu... dùng để hồi hướng Phật đạo, mà hồi hướng Phật đạo tức hồi hướng một thừa pháp đệ nhất trong tam giới. Đó là điều đức Phật tán thán.

Kinh văn: Lại thấy hàng Bồ-tát dùng thân, thịt, tay chân, vợ con bố thí để cầu vô thượng đạo. Lại thấy hàng Bồ-tát vui vẻ bố thí cả đầu mắt thân thể để cầu trí tuệ Phật.

Giải thích: Đây là bố thí nội tài. Nội tài gồm hai phần: Thân và mạng. Đoạn kinh trên là nói về bố thí thân như xẻo thịt, cắt tay... chứ chưa chết. Ví như trong kinh nói về tiền thân của đức Phật đã từng cắt thịt mình đề chuộc mạng cho một con bồ câu. Đó là bố thí thân. Còn bố thí mạng như trong kinh nói đức Phật đã từng xả thân mình để cứu bầy cọp đói. Bố thí thân mạng là một việc khó làm, tuy nhiên cũng có thể thực hiện được. ví như có người cần một ít máu để sống, ta đem cho họ, đó cũng là một cách bố thí thân mạng. Đoạn trên là nói về bố thí Ba-la-mật.

Kinh văn: Thưa Văn-thù-sư-lợi, tôi thấy các vua ở nước đó, đi đến chỗ các đức Phật, hỏi đạo lý vô thượng, liền bỏ cõi nước sung sướng, cung điện tôi hầu, cắt bỏ râu tóc mà mặc pháp phục.

Giải thích: Đây là tu về Trì giới Ba-la-mật.

Kinh văn: Hoặc thấy hàng Bồ-tát làm Tỳ-kheo, ở riêng một mình nơi nhàn tịnh vui ưa đọc tụng kinh điển.

Giải thích: Đây là tu về hạnh Nhẫn nhục Ba-la-mật.

Kinh văn: Lại thấy hàng Bồ-tát dũng mãnh tinh tấn, vào nơi núi sâu suy nghĩ về Phật đạo.

Giải thích: Đây là tu về hạnh Tinh tấn Ba-la-mật.

Kinh văn: Lại thấy hàng Bồ-tát ly dục, thường ở chỗ nhàn tịnh tu tập về thiền định, được năm thứ thần thông.

Giải thích: Đây là tu về Thiền định Ba-la-mật.

 

Kinh văn: Lại thấy hàng Bồ-tát an thiền, chắp tay, dùng trăm ngàn bài kệ, tán thán đấng Pháp vương.

Giải thích: Đây cũng là tu về Thiền định Ba-la-mật.

Kinh văn: Lại thấy có hàng Bồ-tát trí tuệ sâu xa, ý chí bền chắc năng hỏi các đức Phật, nghe rồi thọ trì.

Giải thích: Đây là tu về Trí tuệ Ba-la-mật.

Kinh văn: Lại thấy hàng Phật tử, Định Tuệ đầy đủ, dùng vô lượng thí dụ, vì chúng giảng pháp, vui vẻ diễn bày, giáo hóa các Bồ-tát, phá trừ chúng ma binh mà đánh trống pháp.

Giải thích: Trước tu hành Lục độ đó là tự hành Lục độ, đoạn này là nói Định Tuệ đầy đủ, đánh lên tiếng trống pháp cho các hàng Bồ-tát nghe. Đây là nói về hạnh lợi tha.

Kinh văn: Lại thấy các hàng Bồ-tát tịch nhiên yên mặc, được trời rồng cung kính mà không cho là vui mừng.

Giải thích: Đây là nhập về xả thiền, trong khi tịch mặc như vậy được hàng trời rồng đến cúng dường, không chấp theo sự cúng dường đó mà vui mừng tức là xả.

 

Kinh văn: Lại thấy hàng Bồ-tát ở trong rừng phóng quang để cứu giúp các sự khổ ở khắp các địa ngục, khiến họ được vào Phật đạo.

Giải thích: Đây là nhập về Bi thiền, tức nhập vào thiền định với tâm bi phóng hào quang đến chỗ u tối ở địa ngục mà cứu vớt chúng sanh nơi đó.

Kinh văn: Lại thấy hàng Phật tử, chưa từng ngủ nghỉ, kinh hành ở núi rừng, siêng năng cầu Phật đạo.

Giải thích: Tu hạnh lục độ có hai cách: Đoạn trước là nói về thứ đệ hành lục độ, nghĩa là hành lục độ theo thứ lớp, từ bố thí, trì giới... cho đến trí tuệ. Đoạn này cũng nói về lục độ nhưng lục độ đây là vô phương hành lục độ, tức cần trì giới thì trì giới, cần nhẫn nhục thì nhẫn nhục... không theo thứ tự trước sau.

Kinh văn: Lại thấy hàng Phật tử, đầy đủ giới đức oai nghi không khuyết, thanh tịnh như châu báu để cầu Phật đạo.

Lại thấy hàng Phật tử, trú trong sức nhẫn nhục, bị những người tăng thượng mạn đánh đập mắng nhiếc, thảy đều hay nhẫn chịu, để cầu Phật đạo.

Lại thấy hàng Bồ-tát xa lìa đùa giởn và quyết thuộc ngu si, mà thân cận kẻ trí, nhất tâm trừ loạn, nhiếp niệm trong rừng sâu để cầu Phật đạo.

Giải thích: Duyên của thiền định là xa lìa sự chơi giởn, chơi giởn làm loạn tâm khó mà nhập định. Si quyến thuộc tức quyến thuộc dắt vào đường sai trái mê lầm, đồng thời phải thân cận kẻ trí thì tâm mới khỏi loạn động để nhập định.

Kinh văn: Hoặc thấy hàng Bồ-tát dùng những món ăn ngon lành, trăm thứ thuốc thang để cúng Phật và Tăng. Hoặc dùng danh y thượng phục giá trị ngàn vàn, hoặc là y vô giá để cúng Phật và Tăng. Hoặc dùng trăm ngàn ức thứ chiên đàn, nhà báu và những ngọa cụ tốt đẹp để cúng Phật và Tăng.

Lại dùng vườn rừng thanh tịnh, hoa quả tươi tốt, suối trong tắm rửa, để cúng Phật và Tăng.

Những sự bố thí nhiệm mầu như vậy mà vẫn luôn luôn hoan hỶ không nhàm chán để cầu vô thượng đạo.

Hoặc có hàng Bồ-tát nói pháp tịch diệt, dùng bao nhiêu lời để giáo huấn vô lượng vô số chúng sanh.

Giải thích: Tịch diệt pháp tức pháp đưa về tịnh diệt, pháp đưa về giải thoát, pháp làm cho chúng sanh xả trừ phiền não đưa về vắng lặng.

Kinh văn: Hoặc thấy hàng Bồ-tát, quán các pháp tánh, không có hai tướng, giống như hư không.

Giải thích: Quán pháp tánh không có hai tướng tức là thật tướng vô tướng. Như đã nói, nếu cứ chấp từng tướng như cái tướng viên phấn, tướng cái nồi... thì những tướng đó sẽ chướng ngại nhau. Nhưng nếu từ các tướng sai biệt mà nhận thấy được thật tướng vô tướng đó là đất thì nó không chướng ngại nhau. Đất không chướng ngại cái chén, cái chén không chướng ngại viên phấn đó là thật tướng vô tướng, nhất như bình đẳng. Sở dĩ chúng ta không dựa vào tướng giả dối để mà nhận ra thật tướng vô tướng, cho nên tâm cứ dấy lên những phân biệt, những phiền não, không vượt qua được những giả tướng đó.

Quán các pháp tánh không hai tướng giống như hư không, vì hư không bình đẳng, hư không không hai, cho nên hư không không đối chọi, cái gì cũng có thể hiện ra trong hư không hết mà hư không không hề chướng ngại.

Kinh văn: Lại thấy hàng Phật tử, tâm không chấp trước, bằng diệu huệ nầy để cầu vô thượng đạo.

Thưa Văn-thù-sư-lợi, lại có hàng Bồ-tát, sau khi Phật diệt độ, cúng dường Xá-lợi Phật. Lại thấy hàng Phật tử tạo tháp miếu vô số hằng sa trang sức nơi cõi nước, tháp Phật rất cao đẹp, đến năm ngàn do tuần, rộng, ngang, cao bằng nhau tới hai ngàn do tuần, mỗi mỗi tháp miếu ấy đều có hàng ngàn phan cái và châu báu xen nhau lẫn lộn. Những linh báu rung lên, các hàng trời rồng, thần nhơn và phi nhơn, dùng hương hoa kỶ nhạc để cúng dường tháp Phật.

Thưa Văn-thù-sư-lợi, các Phật tử đó vì cúng dường Xá-lợi, nghiêm sức tháp miếu, cả cõi nước tự nhiên trở thành thù đặc tốt đẹp, giống như cây thiên thọ vương nở đầy hoa. Phật phóng một hào quang mà tôi và cả đại chúng thấy bao nhiêu điều đặc biệt thù diệu ở cõi nước đó.

Giải thích: Phật phóng có một hào quang mà thấy đủ cả, như vậy hào quang đó là hào quang gì? Hào quang đó là hào quang Phật tri kiến, mà trong Phật tri kiến thì tất cả các tướng đều hiện ra bình đẳng, từ địa ngục A-tỳ cho đến trời Sắc cứu cánh; từ việc chúng sanh tác thiện, tác ác, cho đến việc Phật ra đời, thuyết pháp, giáo hóa, nhập Niết-bàn, xây tháp cúng dường... Tất cả mọi pháp đều từ nơi bản tánh hiện ra. Tất cả mọi pháp đều từ nơi một hào quang hiện ra. Một đối với nhiều kia, thành ra một này là thật tướng mà nhiều kia là sai biệt tướng. Ví dụ: Đất là một, còn bình, chén...là nhiều. Cái nhiều đó từ cái một mà ra, không ngoài một mà có nhiều, không ngoài một hào quang của Phật mà có các tướng kia hiện, không ngoài một nhất tâm của chúng sanh mà có các tướng nhiểm tịnh hiện ra. Nhưng tất cả các tướng từ nhất tâm hiện ra ấy vì sao Phật thấy được mà chúng ta không thấy được? Bởi Phật thấy được tất cả các tướng từ nhất tâm hiện ra, cho nên, Phật có thể từ nơi tâm mà hiện ra đủ tất cả các pháp, còn chúng sanh vì không nhận được cái đó nên đắm vào trong từng tướng một rồi chấp từng tướng một mà không thấy được tất cả. Ví như, nếu ta chỉ thấy viên phấn là viên phấn, cái bình là cái bình, rồi chấp vào cái bình, viên phấn ấy, thì không thấy được thật tướng của cái bình, viên phấn là gì, và như vậy ta chỉ sống chết với cái bình, viên phấn mà thôi, không làm sao đem viên phấn mà làm cái chén, đem cái chén mà làm cái bình được. Nhưng khi đạt đến thật tướng của phấn, bình chỉ là đất thì bấy giờ ta đủ khả năng từ nơi đất nắn ra chén bình... Nhưng mà, khi đạt được thì mới như vậy, khi chưa đạt thì không như vậy, thành ra lý mê và ngộ giữa Phật và chúng sanh chỉ chừng ấy. Chúng sanh mê là mê cái điều Phật ngộ. Phật ngộ là ngộ cái điều chúng sanh mê. Mê là vì không đạt được thật tướng, cứ chấp vào tướng bình, tướng phấn mà không thấy được bình hay phấn gì cũng từ nơi một thật tướng đất. Nên một hào quang, một này vô cùng ý nghĩa, một là vô lượng vậy. Phật chỉ phóng có một hào quang thôi mà ngài Di Lặc và đại chúng thấy khắp tất cả.

Kinh văn: Thần lực của các đức Phật, trí tuệ của các đức Phật quá hy hữu, chỉ phóng một hào quang thanh tịnh mà soi ra vô lượng quốc độ. Chúng tôi được thấy việc chưa từng có.

Thưa Phật tử Văn Thù, xin hãy giải quyết điều nghi nan. Cả bốn chúng đều cung kính ngưỡng mong nhơn giả vì tôi nói rõ. Đức Thế Tôn vì cớ gì mà phóng hào quang ấy?

Thưa Phật tử Văn Thù, đã đúng thời nên đáp, để giải cái nghi cho chúng vui mừng. Có ích lợi gì mà đức Phật phóng ra hào quang đó, vì muốn nói pháp vi diệu mà đức Phật chứng được nơi đạo tràng, hay là Phật sắp thọ ký? Việc hiện bày các cõi Phật và các châu báu trong sạch trang nghiêm và thấy các đức Phật như vậy, không phải là nhân duyên nhỏ. Văn-thù ngài nên biết, cả bốn chúng long thần đều chiêm ngưỡng và quán sát nhân giả, xin hãy nói cho biết những điều gì như thế?

Bấy giờ ngài Văn-thù-sư-lợi nói với Di Lặc Bồ-tát Ma-ha-tát và các đại sĩ rằng: Các thiện nam tử, theo chỗ tôi suy nghĩ, nay đức Thế Tôn muốn thuyết đại pháp, mưa trận mưa đại pháp, thổi loa đại pháp, đánh trống đại pháp, diễn nghĩa đại pháp.

Giải thích: Đây là Bồ-tát Văn Thù đáp lời Di Lặc và đại chúng rằng theo chỗ ngài nghĩ, đức Phật sắp nói đại pháp. (Đại pháp hay Đại thừa). Đại có bảy nghĩa:

1. Cảnh đại: Cảnh giới của hàng Bồ-tát chứng ngộ là cảnh giới rộng lớn, tức là cảnh giới vô tướng thật tướng, cảnh ly nhị biên, vô ngã. Hàng nhị thừa chỉ biết có sanh không, đó là cảnh giới của họ. Còn nhị không chơn như là cảnh giới Đại thừa nên nói cảnh đại.

Thế nào là cảnh? Cảnh lả nơi thân mình nương trên đó, bước đi trên đó, thân có chỗ đi thì tâm cũng có chỗ đi của tâm nên cũng gọi là cảnh. Chỗ đi của tâm nhị thừa là nhơn vô ngã, còn chỗ đi của tâm Đại thừa là pháp nhị không chơn như, chỗ đi của tâm chúng sanh là chấp Ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả, danh tướng. Hàng Bồ-tát thì đi trên cảnh giới vô tướng.

2. Trí đại: Cảnh đã lớn thì trí phải lớn, cảnh đã vô ngã thì trí phải vô ngã.

3. Hạnh đại: Trí đã lớn phát ra hạnh cũng phải lớn. Hạnh tự lợi, lợi tha.

4. Tinh tấn đại: Sự tinh tấn bền vững, kiên cố. Tu một giờ cũng như tu một năm, cũng như tu ba A-tăng-kỳ không lay chuyển, không thối lui, không chán nãn.

5. Thiện xảo phương tiện đại: Tùy theo căn cơ, trình độ của chúng sanh mà làm việc, nói những pháp ích lợi để dẫn dắt họ một cách khéo léo.

6. Chứng đại: (Cứu cánh đại). Do sự tu hành như trên mà đưa đến kết quả chứng ngộ căn bản thật trí.

7. Nghiệp dụng đại: Do chứng đại mà kiến lập Phật sự lớn lao.

Đức Thế Tôn thuyết đại pháp, đại pháp đó được ví như một trận mưa lớn. Trận mưa lớn đó sẽ làm tươi nhuận tâm niệm khô khan của hàng nhị thừa mà Đại thừa gọi là "khôi thân diệt trí", nghĩa là họ chỉ tự lợi, tâm từ bi khô khan, hạnh lợi tha hạn hẹp, như một chồi khô, bây giờ mưa một trận mưa đại pháp làm cho những ý chí khô này tươi lên, chí nguyện Đại thừa sống dậy, nứt chồi.

Thổi loa đại pháp tức là gom tất cả chí nguyện về một mục đích duy nhất là Phật thừa đạo. Ví như thổi còi thì mọi người tập nhóm lại. Và đánh trống đại pháp nghĩa là thúc chí nguyện lợi tha, chí nguyện hành Bồ-tát đạo ấy xông lên...

Đoạn trên đây là ngài Văn-thù trả lời theo sự suy tư của ngài. Bây giờ ngài dẫn chứng.

 

Kinh văn: Các thiện nam tử, đối với quá khứ các đức Phật, tôi đã từng thấy các điềm lành đó. Sau khi phóng ra hào quang rồi tức thì Phật nói pháp lớn, thế cho nên tôi biết rằng đức Phật nay đây hiện phóng hào quang cũng lại như vậy. Phật muốn cho chúng sanh đều được nghe, được biết các pháp mà tất cả thế gian rất khó tin, cho nên hiện điềm lành này.

Giải thích: Trong việc hiện điềm lành của đức Phật cũng có ý là khiến cho chúng hội phát khởi một lòng tôn trọng cung kính trước khi nghe Phật nói pháp. Vì sao? Vì pháp mà Phật sắp nói đó là một pháp khó tin.

Kinh văn: Này các thiện nam tử, như quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghì A-tăng-kỳ kiếp. Lúc bấy giờ, có đức Phật hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện Thệ, Thế gian giải, Vô Thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn, diễn nói Chánh pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý thâm thúy sâu xa, lời nói xảo diệu thuần nhất không tạp xen, đầy đủ tướng thanh bạch phạm hạnh.

Giải thích: Đây là đoạn ngài Văn Thù dẫn chứng đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh trong quá khứ vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp.

Nên biết, trong kinh Đại thừa, nhãn quan về vũ trụ, không và thời gian là xứng tánh mà nói chứ không nói theo tướng phân biệt chấp trước của tâm lý thông thường, nên nói cái gì cũng là vô lượng vô biên. Bởi vì nói từ tâm niệm thì thật ra, ngay từ một tâm niệm mà cũng vô thỉ vô chung, ngay từ một tâm niệm mà cũng vô lượng vô biên...

Vì sao thành thỉ? Vì sao thành chung? Vì sao thành trước, sau...? Nêu một cực vi là một cực vi thì chẳng có cái nào trước cái nào sau. Nhưng chồng thêm trước một cực vi sau một cực vi thì tự nhiên cực vi này nằm giữa. Như vậy, không gian cực vi này nằm giữa này có đúng là giữa hay không? Nếu chỉ có một cực vi thì có giữa hay không? Thế nhưng, vì cái mê chấp của chúng sanh theo nghiệp thức mà nói có trước có sau. Nhưng sự thật của sự vật thì không trước không sau... Cho nên trong kinh nói không thỉ, không chung, không trung, không biên cũng là để dạy chúng ta xả trừ tâm niệm chấp trước nhị biên.

Mà chính ngay câu Quá khứ vô lượng vô biên bất khả tư nghì cũng là một công án thiền. Nếu ngay câu nói đó ta rời bỏ được tâm niệm nhị biên phân biệt thì cũng chính ngay lúc đó ta ngộ được thật tánh của vạn pháp không thỉ không chung vậy.

Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh tức là chỉ cái tự giác thanh tịnh tâm chiếu sáng khắp tất cả.

Ánh sáng của thế gian không ngoài ba thứ: Mặt trời, mặt trăng và đèn. Ban ngày có mặt trời, ban đêm có mặt trăng và chỗ nào mặt trời, mặt trăng không chiếu sáng được thì có đèn. Ba thứ này là nguồn gốc của ánh sáng, ngoài ra không có gì tạo nên cái sáng được. Để nói rằng đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh là nguồn gốc của áng sáng, mà ánh sáng đây là ánh sáng của bản giác thanh tịnh diệu tâm, mà bản giác thanh tịnh diệu tâm này đâu có bị không gian, thời gian ràng buộc nên nói vô lượng vô biên A-tăng-kỳ kiếp.

Đức Phật Nhật nguệt Đăng Minh có đủ 10 hiệu:

1. Như Lai: Tathagata. Theo như trong kinh Thanh Tịnh tập 4, Trường Bộ ( Dìgha Nikàya) có đoạn nói về hai chữ Như Lai như sau: "...Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là hư vọng, không thật, không có lợi ích, Như Lai không trả lời. Này Cunda nếu những gì thuộc quá khứ là chơn chánh, như thật, không có lợi ích, thì Như Lai cũng không trà lời. Này Cunda, nếu những gì thuộc quá khứ là chơn chánh, như thật, có lợi ích, Như Lai biết, trả lời câu hỏi ấy một cách vắng tắt. (Pháp vị lai, hiện tại cũng vậy). Như vậy, này Cunda, đối với các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại, Như Lai là vị nói phải thời, nói chân chánh, nói như thật, nói có lợi ích, nói đúng pháp, nói đúng luật. Do vậy mới gọi là Như Lai. Này Cunda, trong thế giới này với chư Thiên, Ma vương, Phạm thiên... và loài Người những gì được thấy, nghe, cảm giác, phân biệt đạt đến, tìm cầu, suy đạt với ý, tất cả đều được Như Lai biết rõ. Do vậy mới gọi là Như Lai. Này Cunda, trong thời gian giữa đêm Như Lai chứng Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và đêm Như Lai nhập Vô-dư Niết-bàn giới, trong thời gian ấy những gì Như Lai nói, trong khi thuyết giảng, nói chuyện hay trình bày, tất cả là như vậy không có gì khác. Do vậy mới gọi là Như Lai.

Trong Tăng Chi tập IIA trang 33 cũng có định nghĩa:

"Trong toàn thế giới chư Thiên... Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại. Do vậy được gọi là Như Lai.

Trí Độ luận tập I trang 51 cũng có định nghĩa:

"Như pháp tướng (Như) mà hiểu (Lai): Như pháp tướng (Như) mà giảng thuyết (Lai), như con đường an ổn của chư Phật (Như) mà đến (Lai) nên gọi là Như Lai. Hay nói gọn, Như Lai là đến như vậy, đi như vậy. (Như pháp tướng giải, như pháp tướng thuyết, như chư Phật lai)".

Thập Trụ Tỳ-bà-sa I nói về Như Lai như sau:

Như danh thật, Lai danh chú, chí chân thật (Niết-bàn) trung, cố danh Như Lai ("Như" là "Thật", "Lai" là "Đến". Đến trong như thật gọi là Như lai.

"Như danh bất hoại tướng (chư pháp thật tướng, (Lai danh trí tuệ, đáo thật tướng trung thông đạt kỳ nghĩa, danh Như Lai ("Như" là "bất hoại tướng" (chư pháp thật tướng); "Lai" là "Trí tuệ". Trí tuệ thông suốt thật tướng gọi là Như Lai.)

"Không, vô tướng, vô tác, danh Như; chư Phật lai chí tâm giải thoát môn, diệc linh chúng sanh đáo thử môn, danh Như lai". (Không, vô tướng, vô tác là "Như", đạt đến trong ba môn giải thoát và cũng khiến cho chúng sanh đạt đến ba môn giải thoát ấy gọi là "Như Lai.")

"Như danh Tứ đế, lục độ, dĩ tứ lục pháp lai chú Phật địa, danh Như Lai (Như là Tứ đế, lục độ, dùng pháp Tứ đế, lục độ để chứng đắc địa vị Phật, gọi là Như Lai).

Thành Thật Luận nói:

"Thừa như thật đạo, lai thành Chánh giác" (Nương vào đạo như thật (Như) chứng thành bậc Chánh giác (lai).

Trong luận Chuyển Pháp Luân nói:

"Niết-bàn danh Như, Tri giải danh Lai, Chánh giác Niết-bàn, cố danh Như Lai" (Niết-bàn là "Như", Tri giải là "Lai", Chánh giác Niết-bàn gọi là Như lai.

Kinh Thắng Man Bảo Khốt nói:

Thế Như Khi lai, như chư Phật lai" (Thể theo "Như" mà đến (lai), giống như chư Phật mà đến "Lai").

Hành Tôn Ký Thượng nói:

"Thừa như thật pháp xuất hiện lợi sanh, tức thừa như nhi lai" (Nương vào thật pháp (Như) thị hiện ra đời thuyết pháp độ sanh (Lai). Tức thừa "Như" mà đến (Lai).

Câu "Thừa như thật đạo lai thành Chánh giác" là chỉ cho báo thân Như Lai.

Câu "Như pháp tướng giải, như pháp tướng thuyết" cũng chỉ cho Báo thân Như Lai.

Câu "Như chư Phật lai" chỉ cho Hóa thân Như Lai.

Trong kinh Kim Cang cũng định nghĩa:

"Như Lai giả, thị chư pháp như nghĩa" (Như lai là cái nghĩa như thật của các pháp).

Hay câu: "Như lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai." (Như Lai là không từ đâu đến cũng không đi đến đâu nên gọi là Như Lai.

Hai câu này là Như Lai pháp thân. Vì vậy nên trong kinh Kim Cang nói "Nhược dĩ sắc kiên ngã, dĩ âm thanh cầu ngã..." Đó là Như Lai pháp thân. Bởi Như Lai pháp thân thì ly tướng, Như Lai không ở nới âm thanh, sắc tướng mà chúng sanh chấp vào âm thanh, sắc tướng để cầu được Như lai pháp thân thì làm sao thấy được. Pháp thân là vô tướng mà cứ dùng tướng để cầu tìm Như Lai nên trong kinh gọi đó là tà đạo.

2. Ứng cúng: Tức là một trong ba nghĩa của A-la-hán. A-la-hán: Vô sanh, phá ác, Ứng cúng.

3. Chánh biến tri: Còn gọi là Chánh biến giác, Chánh đẳng giác. Chánh tức là không tà, biến là cùng khắp. Khi nói đức Phật chánh biến tri là nói Ngài có cái biết đúng như thật và cùng khắp. Biết đúng như thật nên khác ngoại đạo, cùng khắp nên khác Nhị thừa và Bồ-tát.

4. Minh hạnh túc: Minh là tam minh (Túc mạng, thiên nhãn và lậu tận). Hạnh là lục độ vạn hạnh. Đầy đủ cả minh, trí, hạnh gọi là minh hạnh túc.

5. Thiện thệ: Khéo đi qua. Trong con đường sanh tử khéo ra khỏi, ngay trong trần lao mà giải thoát trần lao, ngay trong sanh tử mà thoát khỏi sanh tử. Trở vào đường sanh tử hóa độ chúng sanh mà không bị vấp vướng, không bị trở ngại.

6. Thế gian giải: Thế gian có hai thứ: Hữu tình thế gian (thuộc chánh báo) và Khí thế gian (thuộc y báo). Đức Phật hiểu rõ cả y báo và chánh báo của thế gian nên gọi là Thế gian giải.

7. Vô thượng sĩ: Đấng Vô thượng không ai bằng.

8. Điều ngự trượng phu: Đấng điều ngự được chúng sanh mê lầm.

9. Thiên nhân sư: Thầy của trời, người.

10. Phật: Đấng giác ngộ. Phật Địa luận nói: "Tự khai giác cũng khai giác tất cả chúng sanh về tất cả pháp, tất cả tướng như ngủ mong thức dậy, như hoa sen trở, nên gọi là Phật. Đủ mười hiệu như vậy gọi là Thế Tôn. Thế Tôn là danh từ tổng quát, đủ 10 hiệu đó là một bậc tôn quý của cả trời người, thế, xuất thế gian, nên gọi là Thế Tôn. Đây là tán thán Phật đủ 10 hiệu.

"Đức Phật diễn ra Chánh pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện nghĩa lý thâm viễn, lời lẽ nhiệm mầu, thuần nhất vô tạp, đầy đủ phạm hạnh".

Thế nào gọi là Chánh pháp của Phật? Chánh pháp của Phật đầy đủ 7 tánh chất tốt lành sau đây: Sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa lý thâm thúy cao xa, ngôn từ khéo léo nhiệm mầu, thuần nhất vô tạp, đầy đủ tướng phạm hạnh thanh tịnh.

Sao gọi là Sơ, Trung, Hậu thiện? Đức Phật nói pháp đầu tiên, giữa, sau rốt đều thiên, Phật ví dụ giáo pháp của Ngài như một cục đường, ngoài, trong giữ đều ngọt. Pháp Phật đầu tiên thuyết về giới là sơ thiện, bước đầu của Chánh pháp; kế đó Ngài nói về Định là trung thiện, trung tâm của Chánh pháp, sau nói về Tuệ là hậu thiện, kết quả của Chánh pháp. Hay sơ thiện là tin giải, trung thiện là thực hành, hậu thiện là thật chứng.

Sao gọi là nghĩa lý thâm viễn, ngôn từ tốt đẹp, áo diệu, thuần nhất? Thiên kinh vạn quyển đối với kẻ sơ học thì thấy có vẻ mông lung, mâu thuẩn, nhưng nếu nắm được phần tinh hoa cốt tủy thì lời Phật dạy thần nhất vô tạp, sâu kín, siêu lý luận, phải đến để mà thấy, lời lẽ đôn hậu giản dị mà súc tích siêu thoát.

Và đầy đủ tướng thanh tịnh phạm hạnh có nghĩa là ai thực hành được pháp hạnh đó thì đều thành tựu được tướng thanh bạch phạm hạnh. Đầy đủ bảy tánh cách như vậy thì gọi là Chánh pháp của Phật. Đây là tán thán Chánh pháp có đủ bảy đức.

 

Kinh văn: Đức phật vì hạng cầu Thanh văn, nói Pháp Tứ đế (1), độ thoát sanh, lão, bệnh, tử, cứu cánh Niết-bàn. Vì hạng cầu Bích chi Phật, nói pháp Mười hai nhân duyên (2). Vì hàng Bồ-tát, nói lục Ba-la-mật, khiến chứng quả vô thượng Bồ-đề thành bậc Nhất thiết chủng trí.

Lại nữa, có đức Phật cũng hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, tiếp có đức Phật cũng gọi Nhật Nguyệt Đăng Minh. Như vậy tiếp tục hai vạn đức Phật đồng một hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, lại đồng một tánh Phả-la-đọa (lợi căn). Di Lặc nên biết, đức Phật đầu, đức Phật sau đồng một danh từ Nhật Nguyệt Đăng Minh, 10 hiệu đầy đủ, pháp của Ngài nói sơ, trung, hậu đều thiện.

Giải thích: A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-Bồ-đề (dịch âm từ chữ Anutara samma sambuddhi: Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác).

Chữ này cũng có ngài dịch âm: Tam-da-tam-bồ hoặc Tam-da-tam Phật.

Hai vạn đức Phật cũng đồng một tên Nhật Nguyệt Đăng Minh, như đã trình bày, Nhật Nguyệt Đăng Minh để tiêu biểu giác tánh sáng suốt như ba thứ nguồn gốc ánh sáng của thế gian gom lại. Tất cả các đức Phật thành Phật, đức Phật nào cũng phải thành tựu đức tánh viên mãn đó hết nên đức Phật nào cũng có tên Nhật Nguyệt Đăng Minh. Đây là tên chung như danh tử Phật vậy.

Thứ nữa, trong kinh Đại Thừa, đức Phật cho thấy rằng thời gian, không gian là không thật và phần nhiều kinh Đại thừa dựa vào tướng để hội tánh. Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ. Như Ngài Liễu Quán tham vấn với Ngài Tử Dung câu: "Vạn pháp quy nhất, nhất quy hà xứ", tám chín năm mà không ngộ. Nhân một hôm đọc Ngữ lục, trong đó có câu "Chỉ vật truyền tâm, nhân bất hội xứ", Ngài liền ngộ.

Vậy, thế nào là chỉ vật truyền tâm? Truyền tâm, tâm vô hình thì lấy gì để truyền? Chỉ vật là ngộ tâm chứ không phải ngộ vật, đó là chỗ khó lãnh hội được, mà khi lãnh hội được tức giác ngộ. Như có người đến hỏi ngài Triệu Châu: -Phật ở đâu? Ngài nói: -Phật trong chùa. Người ấy nói: -Trong ấy đều là tượng bằng đất, bằng gỗ cả mà. Ngài nói: -Chính vậy. Người ấy hỏi: -Vậy thì Phật ở đâu? Ngài nói: -Phật trong chùa." Chỉ vật truyền tâm.

Cũng chừng ấy, mà với tâm bậc ngộ đạo thì đó là Phật, kẻ chưa ngộ thì đó là tượng gỗ. Cũng như chúng ta lạy Phật, nếu không phải lạy về tánh Phật thì chúng ta cũng kẹt mắc về lạy tượng đất. Nhưng chúng ta đâu có lạy tượng đất mà là lạy tánh giác ngộ của Phật. Đức tánh của Phật được tiêu biểu trong đó. Đó là ý nghĩa câu "Chỉ vật truyền tâm". Sở dĩ hai vạn đức Phật mà có cùng một hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh là chính do ý nghĩa đó.

 

Kinh văn : Trong hai vạn đức Phật đó, đức Phật rốt cùng hết, khi chưa xuất gia có tám vương tử, người thứ nhất tên Hữu Ý..., tám vị vương tử này oai đức tự tại, đều quản lãnh bốn châu thiên hạ. Khi các vị vương tử nghe vua cha xuất gia chứng được Vô thượng Chánh đẳng Bồ-đề thì cũng bỏ ngôi vua xuất gia theo cha, phát chí Đại thừa, thường tu phạm hạnh, đều làm vị Pháp sư, từng trồng căn lành nơi hằng ngàn vạn các đức Phật.

Giải thích: Đây là đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh sau cùng, đức phật này có tám vương tử. Khi tám vương tử nghe vua cha xuất gia chứng đại Bồ-đề thì cũng bỏ ngôi vua xuất gia tu phạm hạnh, làm Pháp sư và đã gieo căn lành với ngàn vạn đức phật.

Tám vương tử này có thể tiêu biểu cho tám thức. Bởi vì chưa thành Chánh giác thường có tám thức hiện hành, tám thức này chủ động đời sống của chúng sanh, chúng sanh sống với tám thức chứ chưa sống với trí giác ngộ. Khi chuyển thức thành trí tức vương vị bỏ, và hành động của tám thức chuyển đổ hết mà bỏ thức hư vọng để thành tựu Đại giác. Khi chuyển tám thức thành trí tức là Lúc phát chí Đại thừa tu phạm hạnh, làm Pháp sư. Tám vị vương tử này là chúng hội của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, đây cũng là câu nói tóm tắt để đối chiếu với đức Phật Thích Ca, trước khi thuyết pháp đức Phật Thích Ca cũng quy tụ chúng hội...

Ngài Văn Thù dẫn điều này để chứng tỏ rằng, xưa kia đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh hiện ra đời, thuyết pháp... cũng có những thụy tướng giống như ngày hôm nay. Sau khi hiện những thụy tướng đó thì đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa, vậy thì hôm nay đức Phật Thích Ca cũng hiện ra những thụy tướng như vậy, chắc chắn rằng đức Phật Thích Ca cũng sẽ thuyết kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

Đây là lời dẫn chứng của ngài Văn-thù-sư-lợi. Trước khi Ngài đáp theo sự suy nghĩ của Ngài. Bây giờ Ngài dẫn chứng thật rằng đức Phật Thích Ca sẽ nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa giống như đức Nhật Nguyệt Đăng Minh trước kia vậy. Đó là phần duyên khởi cho kinh Pháp Hoa vậy.

Kinh văn : Lúc bấy giờ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói kinh Đại thừa tên Vô lượng nghĩa là pháp giáo hóa hàng Bồ-tát được chư Phật hộ niệm.

Khi nói kinh đó rồi, liền ở giữa đại chúng, ngồi kiết già nhập định Vô lượng nghĩa xứ, thân tâm không lay động. Lúc bấy giờ, trời mưa hoa Mạn-đà-la (lược)... mà rải trên Phật cùng đại chúng, khắp thế giới Phật dều có sáu cách rung động. Lúc bấy giờ ở trong chúng hội hàng Tỳ-kheo Tỳ-kheo-ni (lược)..., các đại chúng ấy gặp việc chưa từng có, hoan hỶ chấp tay nhất tâm chiêm ngưỡng đức Phật. Lúc bấy giờ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh phóng hào quang từ nơi tướng lông trắng ở giữa hai chân mày, chiếu về phương Đông một vạn tám ngàn Phật độ, đều cùng khắp hết, như hôm nay thấy các Phật độ ấy.

Giải thích: Như trước, hào quang của đức Phật Thích Ca phóng ra chiếu khắp trong đó thấy cả lục thú chúng sanh, Phật ra đời, thuyết pháp... và Niết-bàn như thế nào thì giờ đây, nơi hào quang của đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh phóng ra cũng thấy như thế.

 

Kinh văn: Di Lặc nên biết, lúc bấy giờ trong hội chúng có hai mươi ức Bồ-tát muốn nghe pháp, các vị Bồ-tát đó thấy hào quang rực rỡ khắp cõi nước Phật chưa từng có, đều muốn biết hào quang đó vì do nhân duyên gì. Lúc bấy giờ có vị Bồ-tát tên Diệu Quang, vị này có tám trăm đệ tử. Khi đó đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh từ Tam-muội vô lượng nghĩa mà xuất định, nhân vì Diệu Quang Bồ-tát nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp Liên Hoa là pháp giáo hóa Bồ-tát được chư Phật hộ niệm.

Giải thích: Hội chúng thấy đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh phóng quang liền sanh nghi. Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh sau khi xuất định liền nói kinh Đại thừa Diệu Pháp Kiên Hoa, hôm nay đức Thích Ca phóng hào làm hội chúng sanh nghi, vậy sau khi xuất định chắc Ngài cũng sẽ nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa.

 

Kinh văn: Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói kinh đến 60 tiểu kiếp mà không rời pháp tòa, lúc bấy giờ chúng hội nghe pháp cũng ngồi một chỗ trong 60 tiểu kiếp, thân tâm không lay động, nghe Phật thuyết pháp giống như trong khoảng một bửa ăn. Bấy giờ trong chúng hội không có một người nào, hoặc thân, hoặc tâm sanh ra mỏi mệt, dãi đải.

Giải thích: Đức Phật nói kinh trong 60 tiểu kiếp mà không rời pháp tòa... Đây là thời gian trong các kinh Đại thừa. Thật sự, thời gian không dài không ngắn, dài ngắn là tùy theo trình độ, tâm tư của chúng sanh. Trong một thời nghe pháp, người nghe với tâm tư cầu pháp thì trong hai giờ in tuờng như độ 15 phút, người nghe với tâm tư mệt mỏi không ưa thích thì hai giờ mà tuồng như cả buổi, đó là những tâm tư bình thường. Nhưng, nếu như có một tâm tư vượt bực hơn nữa thì thời gian cũng khác, huống gì ngồi nghe đức Phật nói kinh Diệu Pháp Liên Hoa là kinh Phật khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Trong lúc nghe được lời dạy ấy mà ngộ nhập được tri kiến Phật thì tự nhiên xả hết các kiến chấp sanh diệt, xả hết tướng thân tâm, lâu mau, trong ngoài... thì lúc ấy là "Thập thế cổ kim thỉ chung bất ly ư đương niệm". Mười đời kim cổ, thỉ chung không rời nơi đương nệm. Sáu mười tiểu kiếp mà như trong một bửa ăn là vì vậy.

 

Kinh văn: Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói kinh pháp Hoa trong 60 tiểu kiếp rồi, liền ở giữa chúng Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, Trời, Người, A-tu-la... mà tuyên nói rằng: "Như Lai giữa đêm hôm nay sẽ vào Vô dư Niết-bàn".

Giải thích: Đoạn kinh này có ý rằng thời đức Phật nói kinh Pháp Hoa là thời đức Phật sắp Niết-bàn. Sau khi nói kinh Pháp Hoa, đức Phật sẽ nói kinh Niết-bàn nữa, tức là chấm dức cả thời giáo hóa ở Ta-bà, giống như đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh xưa kia nói kinh Pháp Hoa trong 60 tiểu kiếp thì liền tuyên bố giữa đêm vào Niết-bàn, ngày hôm nay sắp vào Niết-bàn đức Phật Thích Ca cũng sẽ nói kinh Pháp Hoa không khác.

 

Kinh văn: Lúc bấy giờ có Bồ-tát tên Đức Tạng được đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh thọ ký và bảo các Tỳ-kheo rằng: Đức Tạng Bồ-tát này kế sẽ làm Phật hiệu là Tịnh Thân Đa-đà-a-già-độ A-la-ha Tam-miêu-tam-phật-đà.

Giải thích: Đa-đà-a-già-độ dịch âm từ chữ Tatha-gata mà ra. Bởi chữ Như Lai cũng có nghĩa Như khứ. Như khứ là theo đạo Như thật từ sanh tử bưóc tới cảnh giới giác ngộ Niết-bàn nên gọi là khứ. Đúng y như sự thật, đúng y như thật pháp mà đi tới, theo con đường chân thật mà đi tới, từ chúng sanh đi tới quả vị giác ngộ gọi là Như khứ. Như Lai là dúng theo con đường như thật, từ địa vị giác ngộ mà trở về cõi ứng thân hóa độ chúng sanh, vì vậy chữ này viết là Tathagata, nên phiên âm Đa-đà-a-già-độ.

Đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh nói kinh xong kiền thọ ký cho Đức Tạng rồi giữa đêm vào Niết-bàn. Đoạn này cũng để nói rằng đức Thích Ca ngày hôm nay phóng hào quang xong từ trong định xuất ra và sẽ nói kinh Pháp Hoa, thọ ký cho hàng đệ tử thành Phật rồi Ngài vào Niết-bàn... Đó là những điều sẽ nói trong kinh Pháp Hoa và cũng cho thấy rằng trong hội Pháp Hoa đức Phật mới thọ ký cho hàng Thanh Văn La-hán chứng Vô thượng Bồ-đề. Tất cả các việc thiện của chúng sanh đều đưa đến Phật quả, thay vì như trong các kinh khác cũng nói tất cả chúng sanh đều thành Phật, nhưng vẫn còn phân biệt nói có 5 chủng tánh là Định tánh Thanh Văn, Định tánh Duyên Giác, Định tánh Bồ-tát, Bất định tánh và Vô tánh. Hay như kinh Bát-nhã mà cũng còn phân biệt thiện hữu sở đắc và thiện vô sở đắc... Đến Pháp Hoa mới quy về Phật địa.

Kinh văn: Đức Phật thọ ký xong liền vào Vô dư Niết-bàn ngay giữa đêm ấy.

Sau khi đức Phật diệt độ, Diệu Quang Bồ-tát trì kinh Diệu Pháp Liên Hoa trải tám mươi tiểu kiếp, nói pháp cho mọi người nghe.

Tám vương tử của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh đều tôn Diệu Quang làm thầy, được Diệu Quang giáo hóa khiến cho vững chắc đối với Vô thượng Bồ-đề, các vị vương tử ấy trải qua thời gian cúng dường vô lượng trăm ngàn các đức Phật xong đều thành bậc Chánh giác. Đức Phật sau cùng trong tám vương tử đó hiệu là Nhiên Đăng.

Và trong tám trăm đệ tử của Diệu Quang Bồ-tát có một người tên là Cầu Danh. Người này tham ưa danh lợi, tuy có từng đọc tụng các kinh mà không thông suốt, thường hay quên sót nên gọi là Cầu Danh.

Người này cũng do nhân duyên trồng các căn lành nên được vô lượng trăm nghìn đức phật, cúng dường, cung kính, tôn trọng, ngợi khen.

Giải thích: Trong tám trăm đệ tử của Diệu Quang có một người gọi là Cầu Danh. Cầu Danh này chỉ cho tiền thân của đức Di Lặc. Vì sao? Vì người này tham trước danh lợi, thường lui tới chỗ quyền quý danh tiếng để dựa theo đó mà kiếm danh, tới chỗ có tiền để tỏ ra mình nhà giàu sang..., danh bằng học thức, tiền tài... cho nên dù có đọc tụng kinh điển nhưng không thông lợi, quên trước quên sau, cũng nhờ trồng căn lành mà người này gặp và cung kính cúng dường trăm ngàn các đức Phật.

 

Kinh văn: Di Lặc nên biết, Diệu Quang Bồ-tát lúc bấy giờ đâu phải ai khác, chính là thân Ta đây. Cầu Danh Bồ-tát chính là thân ông đó.

Nay chấp điềm lành của đức Phật Thích Ca cùng với điềm lành xưa của Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh không khác, cho nên Ta suy nghĩ rằng: nay đức Như Lai sẽ nói kinh Đại thừa tên Diệu Pháp liên Hoa là pháp giáo hóa hàng Bồ-tát được chư Phật hộ niệm. Lúc bấy giờ ngài Văn-thù-sư-lợi ở trong chúng muốn lặp lại nghĩa trên mà nói kệ rằng:

Ta nhớ trong đời quá khứ, vô lượng vô số kiếp, có đức Phật Nhân Trung Tôn, hiệu Nhật Nguyệt Đăng Minh, đức Thế Tôn diển nói Diệu Pháp, độ vô lượng chúng sanh và vô số ức Bồ-tát được khiến và trí tuệ Phật. Khi đức Phật chứa xuất gia, có sanh tám vương tử, tám vương tử thấy đại Thánh xuất gia cũng theo tu phạm hạnh.

Lúc bấy giờ Phật nói kinh Đại thừa tên Vôn lượng nghĩa rồi ở trong đại chúng rộng phân biệt trình bày. Phật nói kinh ấy rồi, liền ở trên pháp tòa, kiết-già nhập tam-muội Vô lượng nghĩa xứ, trời mưa hoa Mạn-đà, trống trời tự nhiên kêu, hàng trời, rồng, quỶ thần cúng dường bậc Nhân Trung Tôn, tất cả các Phật độ, tức thời chấn động mạnh. Phật phóng hào quang giữa hai chân mày hiện ra các việc hy hữu, hào quang đó chiếu về phương Đông, một vạn tám ngàn cõi Phật, chỉ thị cho thấy rõ tất cả chúng sanh, sanh tử nghiệp báo và thấy các cõi của đức Phật dùng bằng trân bảo trang nghiêm, lưu ly, pha lê ấy đều do từ trong hào quang đức Phật chiếu sáng, lại thấy hàng trời, người, long thần... đều cúng dường đức Phật.

Lại thấy các đức Phật Như Lai tự nhiên thành Phật đạo, thân sắc như núi vàng, đoan nghiêm rất vi diệu như tượng chơn kim hiện ra giữa bình lưu ly trong sạch. Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng, diễn nói pháp thâm nghĩa, mỗi mỗi nơi cõi Phật, hàng Thanh Văn vô số nhân hào quang Phật phóng ra mà đều thấy hàng đại chúng kia, hoặc có hàng Tỳ-kheo, ở tại trong núi rừng, tinh tấn trì tịnh giơi, giống như giữ gìn ngọc minh châu.

Lại thấy hàng Bồ-tát, tu hành hạnh bố thí, nhẫn nhục, số ấy nhiều như hằng sa, đều do hào quang đức Phật ấy chiếu tới.

Lại thấy có Bồ-tát, thâm nhâp vào thiền định, thân tâm vắng lặng, không lay động để cầu Vô thượng đạo. Lại thấy hàng Bồ-tát, biết tướng tịch tịnh của các pháp, mỗi mỗi ở các cõi nước của mình mà thuyết pháp cầu Phật đạo.

Lúc bấy giờ, bốn chúng thấy Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, hiện sức thần thông lớn, tâm rất hoan hỶ mỗi mỗi đều tự hỏi nhau, việc ấy do nhân duyên gì? Đức Thế Tôn được hàng nhân thiên kính phụng, vứa ở tam-muội dậy, liền tán thán Diệu Quang rằng: Ngươi là con mắt của thế gian, là chỗ quy tín của tất cả, hay phụng trì Pháp tạng, đúng như pháp Ta nói, chỉ có ngươi hay chứng biết. Đức Thế Tôn tán thán, khiến Diệu Quang hoan hỶ rồi tiếp nói kinh Pháp Hoa trọn trong 60 tiểu kiếp, không rời khỏi chỗ ngồi, nói pháp thượng diệu này, Diệu Quang pháp sư thảy đều hay thọ trì. Phật nói kinh Pháp Hoa khiến chúng được hoan hỶ rồi, liền ngay ngày hôm đó bố cáo với hàng nhân thiên chúng rằng: "Nghĩa thật tướng của các pháp đã vì các người nói ra, nửa đêm hôm nay Ta sẽ vào Niết-bàn, các ngươi hảy nhất tâm tinh tấn nên xa lìa phóng dật, các đức Phật rất khó gặp, ức kiếp thì mới gặp được". Đệ tử của Thế Tôn, nghe Phật vào Niết-bàn, mỗi mỗi ôm lòng bi não, đức Phật diệt độ làm sao mau thay! Vị Thánh chúa vua của pháp an ủi vô lượng chúng rằng: Nếu khi Ta diệt độ, các ngươi chớ lo buồn, sợ hãi, có Đức Tạng Bồ-tát đối với Vô lượng thật tướng tâm đã thông đạt, Đức Tạng sẽ làm Phật hiệu là Tịnh Thân, sẽ độ vô lượng chúng sanh.

Đức Phật trong đêm đó diệt độ như củi hết lửa tắt, phân bố Xá-lợi, xây dựng vô lượng tháp, hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni số đông như hằng sa càng thêm tính tấn để cầu Vô thượng đạo.

Giải thích: Xưa ngài Diệu Quang, tức nay so sánh với Tôn giả Xá-lợi-phất. Diệu Quang là tiền thân của ngài Văn Thù, bậc đại trí, Xá-lợi-phất cũng là bậc trí tuệ đệ nhất. Nên hai ngài rất tương xứng để Phật gọi tên trong khi thuyết pháp.

Đức Phật an ủi chúng, Phật diệt độ không nên lo buồn. sợ hãi vì có Đức Tạng Bồ-tát đã chứng nhập được vô lậu, và sẽ thành Phật, thuyết pháp... Điều này cũng có ý nói rằng vô lậu thật tướng không bao giờ gián đọan và tánh giác ngộ cũng không gián đoạn mà Đức Tạng Bồ-tát đã thành tựu, đã chứng ngộ vô lượng thật tướng ấy, mà đã không gián đọan thì chúng sanh có cơ hội để nghe Chánh pháp, để thành tựu được Bồ-đề.

Khi đức Phật nói pháp rồi thì giữa đêm Ngài diệt độ như "tân tận hỏa diệt", củi hết lửa tắt là chỉ cho ngủ ấm thân, về hóa thân của Phật. Tân tận hỏa diệt, đừng nghĩ rằng hỏa diệt là lửa sẽ mất hẳn, mà là chỉ không có lửa hiện tượng, lửa cháy nơi củi cho ta thấy được, diệt là diệt tướng lửa chứ tánh lửa không bao giờ mất. Cũng như hóa thân Phật hiện ra ở cõi Ta-bà này, dùng thân ngũ ấm mà hiện hành để cho chúng sanh thấy, khi cơ duyên mãn, Phật hiện ra tướng diệt độ giống như củi hết lửa tắt. Tướng lửa diệt nhưng tánh lửa vẫn còn, Phật diệt độ không phải là mất hẳn, vì pháp thân Phật không ở trong vòng sanh diệt của ngũ uẩn vậy.

 

Kinh văn: Pháp sư Diệu Quang ấy, phụng trì pháp tạng Phật trong 80 tiểu kiếp, rộng nói kinh Pháp Hoa.

Còn tám vương tử được Diệu Quang khai hóa, bền vững nơi đạo vô thượng, cũng thấy được vô số Phật, cúng dường các đức Phật xong, tùy thuận làm đạo lớn, kế tục được thành Phật, lần lượt được thọ ký.

Đấng Thiên Trung Thiên rốt sau hiệu là Nhiên Đăng Phật. Đây là đấng Đạo sư của chư tiên, độ thoát vô lượng chúng.

Còn Diệu Quang pháp sư lúc bấy giờ có một người đệ tử tâm thường hay giải đải, tham trước các danh lợi, cầu danh lợi không nhàm chán, thường dạo qua các nhà quyền quí, bỏ quên sự tụng tập, bị sót sai không thông suốt. Do nhân duyên đó nên gọi là Cầu Danh. Nhưng cũng nhờ tu các thiện nghiệp, thấy được vô số Phật, cúng dường các đức Phật, tùy thuận hành đại đạo, đầy đủ sáu Ba-la-mật, nay thấy đức Thích Sư tử, sau đó sẽ thành Phật, hiệu là Di Lặc, rộng độ các chúng sanh, số nhiều vô lượng. Sau khi đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh diệt độ, người biếng nhác kia chính là ông, còn Diệu Quang pháp sư kia chính là Văn Thù Ta nay.

Ta thấy Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh, tướng tốt của hào quang xưa giống như nay, do đó biết nay đức Phật Thích Ca muốn nói kinh Pháp Hoa. Tướng điềm lành nay giống như tướng điềm lành xưa, đó là phương tiện của chư Phật. Nay Phật phóng hào quang để hổ trợ phát huy nghĩa thật tướng.

Các người nay nên biết, chấp tay một lòng đợi, đức Phật Thích Ca sẽ mưa một trận mưa đại pháp làm sung mãn cho người cầu đạo.

Cách người cầu Tam thừa nếu còn có nghi hối, đức Phật sẽ dứt trừ nghi hối, khiến cho không cón sót.

Giải thích: Phật còn có hiệu là Sư Tử. Sư Tử là chúa trong loài thú, Phật là chúa trong loài chúng sanh nên gọi là Thích Sư Tử.

Ngài Văn Thù trong các kinh khác nói ngài là cổ Phật, thầy của các đức Phật, ý rằng ngài Văn Thù tiêu biểu cho căn bản trí, thật trí, mà chư Phật đều thành tựu căn bản trí, thật trí, nếu không thành tựu căn bản trí, thật trí thì không thành Phật được, cho nên căn bản trí là gốc của chư Phật, nên nói Văn Thù thầy chư Phật là vậy.


| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7a | 7b | 8a | 8b | 8c | 8d |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về mục "Kinh điển"

Đầu trang