- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
- HT. Thích Thiện Siêu
8c
Kinh văn: Xá-lợi-phất, các đức
Phật tùy nghi thuyết pháp, ý thú khó hiểu. Vì cớ sao? Vì Ta dùng vô số
phương tiện, các thứ nhơn duyên và thí dụ, ngôn từ diễn nói các pháp.
Pháp ấy không thể đem tâm tư lường phân biệt mà hiểu được. Chỉ có
các đức Phật mới hiểu được mà thôi.
Giải thích: Đây cũng là lời tán
thán Pháp và đồng thời khai phương tiện. Tức là, đức Phật dùng vô số
phương tiện cách thức để nói pháp ra cho mọi người đều hiểu được.
Kinh văn: Sở dĩ làm sao? Các đức
Phật Thế Tôn chỉ do nhân duyên của sự trọng đại duy nhất cho nên xuất
hiện ra đời. Này Xá-lợi-phất, thế nào gọi là các đức Phật Thế Tôn
chỉ do nhân duyên của sự trọng đại duy nhất cho nên xuất hiện ra đời?
Các đức Phật Thế Tôn vì muốn khiến chúng sanh mở trí kiến Phật, khiến
được thanh tịnh, cho nên xuất hiện ở đời; muốn chỉ thị cho chúng
sanh tri kiến Phật, cho nên xuất hiện ở đời; muốn khiến chúng sanh ngộ
được tri kiến Phật, cho nên xuất hiện ở đời; muốn khiến chúng sanh
chứng nhập tri kiến đạo của Phật, cho nên xuất hiện ở đời.
Xá-lợi-phất, ấy là chư Phật vì
nhân duyên của sự trọng đại duy nhất cho nên xuất hiện ở đời.
Giải thích: Đoạn này là một đoạn
chủ yếu trong kinh Pháp Hoa. Trước Phật tán thán hai trí của Phật, kế
tiếp tán thán thật tướng Phật chứng ngộ. Đến đoạn này, Phật
"tán thán chủ đích Phật ra đời" Nói chủ đích Phật ra đời tức
là nói đến bản hoài đức Phật ra đời cốt để làm gì? Đức Phật có
trí tuệ sâu xa, chứng ngộ được pháp thậm thâm vi diệu, bây giờ Phật
xuất hiện ở đời để làm gì?
Chủ đích đức Phật xuất hiện
ra đời là "Vị nhất đại sự nhân duyên". Nhất đại sự tức
chỉ tri kiến Phật. Vì bởi chỉ có tri kiến Phật mới là đại sự duy
nhất mà cũng chính vì nhân duyên đó Phật ra đời. Nhân duyên duy nhất đó
là Khai, Thị, Ngộ, Nhập cho chúng sanh Phật tri kiến.
Chữ "Khai thị ngộ nhập"
có tầng bậc: Khai thị ngộ nhập Phật tri kiến (hay phá vọng, hiển chơn,
trí giải, hạnh chứng).
Phật tri kiến: Tri tức trí tri, kiến
tức nhãn kiến. Phật có tứ và ngũ nhãn. Tri kiến là bao gồm cả Tứ
trí và ngũ nhãn. Tri kiến là bao gồm cả Tứ trí và ngũ nhãn của Phật.
Chữ "tri" cũng chỉ cho căn bản trí, căn bản trí là trí chứng nhập
thật tánh các pháp. Chữ "kiến" chỉ cho hậu đắc trí tức là
trí sai biệt, vận dụng để thuyết pháp độ sanh.
Tri kiến Phật nói bằng cách khác
tức là Phật tánh. Như đã biết, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh,
tức có nghĩa là, tất cả chúng sanh đều có trí kiến Phật. Tất cả
chúng sanh đều có tri kiến Phật nhưng vì còn bị phiền não chướng, sở
tri chướng che lấp cho nên tri kiến Phật nơi chúng sanh chưa hiển lộ ra
được nên không dùng chữ tri kiến Phật nơi chúng sanh. Như vậy, tri kiến
Phật giữa Phật và chúng sanh đồng thể, bình đẳng như nhau nhưng vì bị
vô minh che lấp, bây giờ Phật cần khai thị cho chúng sanh ngộ nhập được
tri kiến Phật ấy.
Nói cho dễ hiểu là chúng ta có nhận
được Phật tính hay tri kiến Phật không, nếu như Phật không khai thị
cho chúng ta thấy. Cho nên, bao nhiêu lời Phật dạy, Phật nói: "Tất cả
chúng sanh đều có Phật tánh". Đó là Khai. Nhưng Phật nói mà chúng ta
chưa thấy Phật tánh của mình ra sao, cho nên Phật chỉ rõ cho thấy Phật
tánh, đó là Thị. Có chỉ rõ mới ngộ được, đó là Ngộ: Nhờ ngộ mới
tu chứng, đó là Nhập. Bốn tầng lớp tầng lớp Khai, Thị, Ngộ, Nhập
này có thể dựa vào kinh Lăng Nghiêm để phân biệt giảng giải như sau:
Trong kinh Lăng Nghiêm không dùng hai
chữ tri kiến Phật, Phật tánh, mà gọi là Như Lai tạng tâm, thanh tịnh diệu
tâm, thường trú chơn tâm. Trong kinh có đoạn:"Nhất thiết chúng sanh
tùng vô thủy lai, giai do bất tri thường trú chơn tâm, tánh tịnh minh thể,
nhận chư vọng tưởng, thử tưởng bất chơn, cố hữu lưu chuyển."
(Tất cả chúng sanh từ vô thủy đến nay, đều vì không nhận biết được
thường trú chơn tâm, tánh của nó là thanh tịnh, là thể sáng suốt, lại
cứ nhận lầm các vọng tưởng cho là mình, mà những vọng tưởng thì
không chơn thật, cho nên phải luân hồi sanh tử). Kinh Lăng Nghiêm không
nói Phật tri kiến nhưng thường trú chơn tâm là Phật tri kiến. Cũng như
chỗ khác gọi Phật tánh cũng chính là Phật tri kiến của kinh Pháp Hoa vậy.
Trong kinh Lăng Nghiêm Phật Khai, Thị,
Ngộ, Nhập như thế nào?
Mở đầu kinh Lăng Nghiêm, đức Phật
hỏi Tôn giả A-nan rằng, Ông vì thấy gì, muốn gì ở trong giáo pháp Ta
mà đi tu?
A-nan thưa rằng, con vì thấy thân
đủ ba mươi hai tướng tốt của Như Lai, con biết thân đó không phải do
ái dục sanh mà là do vô lượng công đức sanh, cho nên con sanh lòng mong muốn
mà đi tu.
Ở đây, câu hỏi của Phật là
câu hỏi gây sự để A-nan nói ra rồi Ngài nắm lấy đó mà giải bày.
Phật gạn hỏi, Ông lấy cái gì
ưa muốn và lấy cái gì trông thấy?
Tôn giả A-nan thưa rằng, con lấy
con mắt trông thấy và lấy cái tâm ưa muốn. Đức Phật liền hỏi, tâm
Ông ở đâu?
Thường tình, ta nghĩ tâm ở trong
thân, chớ có ai để ý tâm ở chỗ nào, chẳng ai hỏi câu hỏi đó làm
gì, nhưng đức Phật lại hỏi, Tôn giả A-nan đã cứ theo thường tình mà
trả lời.
Tôn giả A-nan nói: Tâm ở trong
thân, bị Phật bác; tâm ở ngoài thân, Phật cũng bác. Ngoài thân bị bác
thì Ngài nói tâm núp sau mắt; tâm ở chặng giữa; hễ khi căn trần lợp lại
thì có tâm sanh ra...; Phật cũng đều bác hết. Bảy lần Tôn giả A-nan chỉ
chỗ tâm ở đều bị Phật bác. Chính lúc Phật bác đó là "khai".
Phật khai các mê lầm của Tôn giả A-nan, từ trước đến nay chấp lầm cái
tâm tư lường phân biệt phan duyên hằng ngày chạy theo ngã tướng, nhân tướng,
chúng sanh tướng, thọ giả tướng của chúng sanh làm tâm. Chấp những
cái đó làm tâm thì chẳng khác nào chấp thằng giặc làm con. Không biết
nó là giặc là một tầng sai lầm, không biết con để nhận giặc làm con
là hai tầng sai lầm, mà khi nhận giặc làm con thì dù gặp đứa con thật
cũng không nhận nó là con nữa. Nếu như đức Phật không khai, không chỉ
cho biết đó là vọng tưởng, vọng tâm, đó chẳng phải là chơn tâm thì
Tôn giả A-nan sẽ nhận lấy vọng tưởng làm tâm mà không bao giờ nhận
ra chơn tâm thường trú hay Phật tri kiến. Cho nên, trong kinh Lăng nghiêm,
đoạn bảy chỗ hỏi tâm có thể tương đương với kinh Pháp Hoa là khai Phật
tri kiến.
Hằng ngày, chúng ta nói, làm việc,
suy nghĩ... trong đó, chúng ta đem tâm gì để biết, tâm gì để hiểu, tâm
gì để suy tư, tâm gì để nói, tâm gì để đọc kinh, cúng Phật, lạy Phật...
Chơn tâm hay vọng tâm? Phật tri kiến hay phiền não? Nếu Phật không khai
thì luôn luôn ta cho đó là tâm ta, ta nhận như vậy là tâm ta nói, tâm ta
tu... Và sẽ nhận cái đó là tâm chơn thật của ta. Nếu không nhờ Phật
chỉ cho, trong đó chơn vọng lẫn lộn, không làm sao phân ra được, cho nên
bảy chỗ hỏi tâm trong kinh Lăng Nghiêm chính là đoạn Phật "Khai"
Phật tri kiến. Phật khai cho để biết rằng cái gì là phiền não, cái gì
là sở tri chướng mà loại nó ra, cũng như loại ra tất cả cát, đá, sỏi,
sạn để chỉ còn lại viên ngọc.
Nhưng, khai như vậy mà chúng sanh đã
thấy Phật tri kiến chưa? Chưa. Chẳng qua không còn nhận lầm vọng tưởng
là chơn tâm, không còn nhận lầm phiền não làm Phật tri kiến mà thôi, phải
qua tầng thứ hai là "thị", chỉ cho thấy Phật tri kiến. Nhưng Phật
tri kiến thậm thâm vi diệu thì làm sao bằng ngôn từ có thể chỉ bày cho
thấy được? Chỉ có thể phương tiện chỉ bày qua những cái hiện hành
của nó trên kiến văn giác tri của chúng ta hằng ngày mà thôi, còn bề
sâu thực thể, thực tánh của Phật tri kiến chỉ có chứng ngộ mới biết
rõ được.
Trong kinh Lăng Nghiêm, sau bảy chỗ
hỏi tâm, đức Phật 10 phen chỉ bày tánh thấy, đức Phật hỏi A-nan rằng,
khi mở mắt gọi là thấy, vậy khi nhắm mắt có thấy không? A-nan thưa không
thấy. Theo như thông thường, người đời nói nhắm mắt thì không thấy.
Đức Phật hỏi, vậy thì khi nhắm mắt có thấy tối không? A-nan nói, thấy
có tối. Đức Phật nói, nếu không thấy thì làm sao thấy tối. Như vậy,
mở mắt thấy sáng gọi là thấy, nhắm mắt thấy tối cũng gọi là thấy,
sáng tối khác nhau, chứ tánh thấy không khác. Như vậy, cái thấy vẫn dựa
nơi căn mà phát hiện, nhưng cái thấy không bị căn chi phối, cái thấy
không phải là căn.
Tiếp tới, Phật bảo La-hầu-la đánh
chuông, khi có tiếng chuông Phật hỏi A-nan có nghe không? A-nan thưa có nghe,
khi chuông dứt, Phật hỏi A-nan có nghe không? A-nan thưa không nghe. Đức Phật
bảo La-hầu-la đánh chuông lại rồi hỏi A-nan có nghe không? A-nan thưa có
nghe. Khi tiếng chuông dứt Phật lại hỏi A-nan có nghe không? A-nan thưa không
nghe.
Đức Phật bảo A-nan, có tiếng
chuông nói là có nghe, không tiếng chuông gọi là không nghe. Vậy có nghe
được cái không tiếng chuông không? A-nan thưa, có. Đức Phật bảo, này
A-nan, như vậy ông đã lầm lấy cảnh làm tâm, lấy vật làm mình. Có tiếng
chuông gọi là có nghe, không tiếng chuông gọi là không nghe, đó là lầm lấy
vật làm mình, chớ có tiếng chuông hay không tiếng chuông, đó là của tiếng
chuông, thuộc tiền trần cảnh vật, còn cái nghe luôn luôn đều có. Khi
có tiếng chuông thì nghe tiếng chuông, khi không có tiếng chuông thì nghe
không tiếng chuông, dầu tiếng chuông có hay không vần nghe, cái nghe đó thường
trú đâu có bị tiếng chuông có hay không làm thay đổi. Cái nghe đó vẫn
là cái nghe. Như thế, bên trong đối với căn, tánh nghe, tánh thấy dựa
vào căn mà phát hiện nhưng không bị lệ thuộc vào căn, bên ngoài tánh
nghe, tánh thấy dựa vào trần mà phát hiện nhưng không bị lệ thuộc vào
trần.
Tóm lại, kiến tánh đó lại là
siêu thế. Vì lẽ tại thế mà siêu thế, cho nên, chúng sanh rất khó nhận
mà Phật phải chỉ thị cho. Khi Phật chỉ cho như vậy rồi thì ngay chúng
ta cũng nhận biết được, thấy được mình có tánh thấy, tánh nghe rất
thường. Nhắm mắt, mở mắt, có tiếng, không tiếng cũng thấy cũng nghe,
không bị lệ thuộc vào trần vào cảnh, mặc dù nó không ly trần, ly cảnh,
ly căn nhưng nó siêu việt lên trần lên cảnh lên căn. Nhờ có Phật chỉ
thị như vậy ta mới thấy được, đó là "thị" Phật tri kiến.
Nói một cách thông thường, lòng
tham lam không phải là Phật tri kiến, ích kỶ không phải là Phật tri kiến.
Vậy thì bố thí, hỶ xả là Phật tri kiến. Bởi vì tánh vô tham, vô sân,
vô si trong luận gọi là tam thiện căn, ba gốc lành, tức là mọi điều lành
đều từ đó mà ra, mà nó đã là gốc lành thì nó tức là Phật tri kiến,
chứ như phiền não vọng tâm làm sao là căn bản của sự lành. Cho nên vô
tham, vô sân, vô si là Phật tri kiến. Hiểu sai lệch thật tướng vạn pháp,
chấp vô nhơn vô quả, tà nhơn tà quả đó là tri kiến chúng sanh. Ngược
lại, hiểu đúng thật tánh vạn pháp là vô thường, vô ngã, đó là tri kiến
Phật.
Hiểu thật tướng vạn pháp theo vọng
tướng phân biệt thị hiện, có, không, thường, đoạn là tri kiến chúng
sanh. Ngược lại, ngộ được thật tánh vạn pháp nhất như bình đẳng,
đó là tri kiến Phật. Vậy thì, muốn biết hằng ngày mình có Phật tri kiến
không? Nhận được Phật tri kiến không? Chúng ta có thể bằng vào tầng lớp
đó mà biết được. Đây là đứng trên phương diện tam tánh (thiện, ác,
vô ký) và tri kiến hằng ngày để phân biệt. Ác tánh là chúng sanh, không
phải Phật tri kiến, vậy thiện tánh là Phật tri kiến, mà thiện bao gồm
cả vô tham, vô sân, vô si, bố thí..., mặc dù thiện có phân ra hữu lậu
thiện, vô lậu thiện nhưng đều là thiện, mà đều là thiện thì đó
chính là diệu dụng của Phật tri kiến, vả lại, tà tri, vọng kiến
không phải Phật tri kiến, thì chánh tri, chánh kiến chính là Phật tri kiến,
sự phát hiện của Phật tri kiến, chúng ta có thể hiểu qua tác dụng như
thế, chúng ta không thể hiểu Phật tri kiến trên bản thể, vì bản thể
Phật tri kiến là ly ngôn tự chứng. Tất cả vạn pháp chỉ thấy được
"dụng", "tướng", chứ không thể thấy được "thể",
huống chi là Phật tri kiến. Đó là "thị" Phật chi kiến. Đức Phật
đã chỉ thị cho như vậy, về phần chúng sanh là phải "ngộ" Phật
tri kiến. Ngộ là nhận biết, ngộ là giải ngộ, chứng ngộ. Nhưng chúng
sanh nghe Phật chỉ thị cho như vậy là chúng sanh đã giải ngộ chứ chưa
chứng ngộ. Nghĩa là ngộ đó bằng tâm tư phân biệt biện giải mà ngộ
được. Nhờ giải ngộ đó rồi tu, nhờ tu mà nhập được Phật chi kiến,
đạt được vô phân biệt trí thật chứng mà ngộ.
Đến giai đoạn trực chứng là ngộ,
Ngộ đó như các Thiền sư, trực hạ thừa đương. Ngộ đó không bằng biện
giải, không bằng vào suy tư phân biệt. Một thiền sinh đến hỏi đạo, vị
Thiền sư trả lời một câu vô nghĩa, ngay nơi đó mà trực nhận thừa
đương gọi là ngộ. Nếu lúc đó Thiền sinh dùng tâm tư phân biệt để lý
giải thì sai và không ngộ được. Trường hợp này rất khó và hiếm,
chúng ta chỉ giải ngộ được mà thôi. Sau khi nghe đức Phật dạy rồi phân
biệt so sánh, hiểu rằng mình có Phật tri kiến, khác với phiền não nhiễm
ô..., nhưng cũng chính nhờ biết, hiểu như vậy, đó cũng là một bước
đề đưa tới chứng ngộ và ngộ nhập. Giai đọan thứ tư là "nhập"
Phật tri kiến, tức chứng nhập vào tri kiến Phật, thực dụng được Phật
tri kiến đó gọi là chứng nhập. Cho nên đức Phật nhập tri kiến Phật
rồi thì tự phát ra cái khả năng, cái diệu dụng tùy cơ thuyết pháp
giáo hóa chúng sanh.
Đối chiếu ngộ Phật tri kiến
ngang giai đoạn sơ địa kiến đạo, từ kiến đạo trở lên dùng ngộ đó
mà tu (dĩ ngộ vi tu), tự ngộ mà tu (tự ngộ vi tu). Tu là tu theo chỗ ngộ
chứ không tu theo chỗ giải, đó gọi là nhập.
Trong kinh Niết-bàn có ví dụ một
người đàn bà nghèo có châu báu trong nhà nhưng không biết, để chôn vùi
dưới bao nhiêu đất cát bụi dơ. Vì không biết mình có châu báu, cho nên
sống một đời cực khổ thiếu thốn. Một hôm, có người bạn lành tới,
thấy biết có châu báu nên vạch tất cả đất cát bụi dơ đó lên để
châu báu hiện ra. Đó là khai cho bà ta thấy châu báu, nhưng bà thấy thì
thấy mà vẫn không hiểu được sự quý giá như thế nào, như trong kinh
Lăng Nghiêm nói: "Khẩu năng thuyết dược, chơn dược hiện tiền bất
năng phân biệt". Miệng thì nói vị thuốc này vị thuốc nọ nhưng khi
để các vị thuốc trước mắt thì không phân biệt được. Người đàn
bà nghe nói vàng bạc châu báu, vàng bạc để trước mắt mà không biết.
Cho nên phải "thị", chỉ bày cho biết giá trị của châu báu như
thế nào... Có chỉ cho biết rồi mới ngộ. Khi ngộ rồi mới biết giá trị
châu báu, mới quý trọng giữ gìn, tìm cách sử dụng nó. Cũng như chúng
sanh không biết Phật tri kiến của mình nên cứ bỏ lăn lóc trong phiền
não nhiễm ô, trong sanh tử mà không biết đến. Khi biết rồi mới giữ gìn
và sử dụng, gọi là nhập. Hiểu được tánh cách của châu báu là ngộ,
sử dụng được châu báu là nhập. Nghĩa khai, thị, ngộ, nhập là vậy.
Trong kinh Lăng Nghiêm còn hai đoạn
ngộ và nhập, tức là sau khi Tôn giả A-nan được Phật khai thị (thất xứ
trưng tâm, thập phương hiển kiến) cho Ngài thấy rồi, Tôn giả A-nan liền
thưa: "Mong Phật Như Lai, vi diệu khai thị, liễu nhiên tụ tri, hoạch bổn
diệu tâm, thường trú bất diệt". Nhờ đức Như Lai khai thị một cách
vi diệu, cho nên con rõ biết được cái diệu tâm bổn lai thường trú bất
diệt. Khi Tôn giả A-nan ngộ được bồn diệu tâm đó rồi, Tôn giả đứng
trên cái bản diệu tâm đó phát lời thệ nguyện tán thán Tam Bảo và độ
sanh: "Diệu Trạm tổng trì bất động tôn..." đó tức là ngộ.
"Nhập" tức như trong Lăng
Nghiêm, về phần hai mươi lăm vị Thánh tu chứng viên thông. Có Ngài từ
nhãn căn mà ngộ nhập lý viên thông, có ngài từ nhĩ căn, tỶ căn, sắc
trần, thanh trần,... mà ngộ nhập lý viên thông. Gồm tất cả hai mươi
lăm vị, mỗi vị từ mỗi pháp môn mà chứng nhập lý viên thông. Lý viên
thông tức Phật tri kiến, Phật tánh vậy. Bởi Phật tri kiến là cái lý
chung nhất cùng dung thông hết tất cả cho nên gọi là viên thông. Có ngài
từ nhĩ căn, có ngài từ nhãn căn..., quán nhãn căn, quán nhĩ căn. Bởi vì
trong mỗi pháp, trên tướng dụng có sai khác nhưng trên thật tánh thì nhất
thiết pháp bình đẳng, mà đã là bình đẳng thì thực tánh của một vi
trần cũng như thực tánh của một núi tu di. Tùy theo căn cơ, có người quán
núi tu di ngộ được thật tánh của vạn pháp, có người quán một vi trần
mà ngộ được thật tánh của vi trần để ngộ nhập thực tánh của vạn
pháp. Trên phương tiện, pháp môn, dụng công tu tập có khác, nhưng chỗ chứng
ngộ thì y như nhau.
Kinh văn: Phật bảo Xá-lợi-phất,
các đức Phật Như Lai chỉ giáo hóa hàng Bồ-tát. Phàm có làm gì đều
thường vì một việc là chỉ khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật.
Xá-lợi-phất, Như Lai chỉ đem nhất
Phật thừa mà nói pháp cho chúng sanh, chứ không có thừa nào khác hoặc
hai, hoặc ba. Xá-lợi-phất, tất cả pháp của mười phương chư Phật
cũng đều như vậy.
Giải thích : Trước đức Thích Ca
nói về Ngài, đoạn này cũng nói thêm rằng không phải một mình Ta nói như
vậy mà mười phương các đức Phật cũng nói như vậy. Lời này vừa để
làm chứng lời mình (đức Thích Tôn) nói là đúng, vừa để tỏ lời mình
nói cũng là quyền trí như các đức Phật mười phương mà cũng vừa để
tăng thêm lòng tin của đại chúng đối với lời nói của Ngài nữa.
Kinh văn : Xá-Lợi-Phất, các đức
Phật quá khứ dùng vô lượng vô số phương tiện, các thứ nhân duyên,
thí dụ ngôn từ, vì chúng sanh diễn nói các pháp, pháp đó đều là nhất
Phật thừa. Các chúng sanh theo các đức Phật nghe pháp rốt ráo đều được
nhất thiết chủng trí.
Giải thích : Nhất thiết trí là Phật
trí. Trí biết được tất cả vạn pháp và sự sai biệt của vạn pháp
nên gọi nhất thiết trí hay nhất thiết chủng trí.
Kinh văn : Xá-lợi-phất, các đức
Phật vị lai sẽ xuất hiện ở đời cũng dùng vô số phương tiện, các
thứ nhơn duyên, thí dụ ngôn từ vì chúng sanh diễn nói các pháp, pháp ấy
đều là nhất Phật thừa. Các chúng sanh theo Phật nghe pháp, rốt ráo đều
được chứng nhất thiết chủng trí.
Xá-lợi-phất, các đức Phật hiện
tại trong vô lượng trăm ngàn vạn ức Phật độ ở 10 phương, đem lại
nhiều lợi ích an lạc cho chúng sanh. Các đức Phật ấy cũng dùng vô lượng
vô số các thứ nhân duyên, thí dụ ngôn từ vì chúng sanh diễn nói các
pháp, pháp ấy cũng đều là nhất Phật thừa. Và các chúng sanh ấy theo Phật
nghe pháp, rốt ráo đều chứng được nhất thiết chủng trí.
Này Xá-lợi-phất, các đức Phật
chỉ giáo hóa hàng Bồ-tát, muốn đem tri kiến Phật chỉ thị cho chúng
sanh, muốn đem tri kiến Phật cho chúng sanh tỏ ngộ, muốn khiến chúng sanh
nhập vào tri kiến Phật.
Này Xá-lợi-phất, Ta nay cũng như vậy.
Ta biết các chúng sanh có các thứ dục lạc khác nhau, thâm tâm đắm trước
khác nhau, tùy theo bản tánh của họ, Ta dùng các thứ nhân duyên, thí dụ
ngôn từ và sức phương tiện để vì họ nói pháp.
Xá-lợi-phất, như thế, đều vì
muốn khiến cho tất cả được nhất Phật thừa, nhất thiết trí mà
thôi.
Này Xá-lợi-phất, trong 10 phương
thế giới còn không có hai thừa huống chi có ba.
Giải thích : Đoạn kinh này dẫn ba
đời các đức Phật, quá khứ, vị lai, hiện tại để minh chứng rằng,
chính ngày hôm nay đức Thích Tôn nói pháp cũng giống như ba đời các đức
Phật nói pháp không khác, chỉ vì duy nhất đại sự là "khai thị cho
chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến" mà thôi.
Kinh văn : Xá-lợi-phất, lúc các đức
Phật ra đời nhằm vào thời ngũ trược ác thế, gọi là kiếp trược,
phiền não trược, chúng sanh trược, kiến trược, mạng trược.
Như vậy, Xá-lợi-phất, trong thời
kiếp trược rối loạn, chúng sanh cấu trọng, xan tham tật đố, thành tựu
các bất thiện căn, cho nên các đức Phật dùng sức phương tiện từ Nhất
Phật thừa phân biệt nói thành ba.
Giải thích : Như đã biết, trí tuệ
của Phật là đồng nhất, thật tướng chư Phật chứng ngộ là đồng nhất,
bản hoài chư Phật ra đời độ sanh cũng đồng nhất, chỉ vì khai thị
chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, tức có nghĩa là đức Phật chỉ nói
về Nhất thừa pháp mà thôi. Bởi Phật tri kiến đó là thể của Nhất thừa
pháp, thật tướng, thật trí, quyền trí cũng là thể của Nhất thừa
pháp. Nếu ly ba thứ đó ra thì Nhất thừa pháp không thể có. Bởi nhất
thừa pháp thuộc về giáo, còn trí tuệ, thật tướng và Phật tri kiến
thuộc về lý, thuộc về cảnh, thuộc về chơn như, mà nhất thừa giáo
là giáo từ lý được thành lập, có lý như vậy rồi thuyết lý đó ra
thành giáo, gọi là Nhất thừa giáo. Một bên thuộc về sở thuyên, một
bên thuộc về năng thuyên, dù rằng sở thuyên, năng thuyên cũng đều đồng
là nhất thừa hết.
Thế tại sao đức Phật lại không
nói Nhất thừa giáo cho chúng sanh nghe ngay từ đầu và suốt cả thời thuyết
giáo của Ngài mà Ngài lại phải nói Tam thừa làm gì?
Bởi vì, đức Phật ra đời gặp
thời ngũ trược ác thế, cho nên tùy theo cơ duyên từ Nhất thừa pháp phương
tiện nói ra Tam thừa để dắt dẫn chúng sanh, rồi từ đó đưa về nhất
thừa. Nếu không phương tiện nói Tam thừa thì không thể đưa về Nhất
thừa được.
Chỗ chứng ngộ của đức Phật có
thể ví dụ một cách thông thường như sau : Một học sinh học biết bài
toán cộng 2 + 2 = 4, khi biết được như vậy tức là học sinh ấy đã chứng
được chân lý 2 + 2 = 4. Nhưng chứng được chân lý ấy là phải trải qua
một thời gian chớ không phải một hai ngày mà biết được 2 + 2 = 4.
Nhưng, khi biết được rõ rồi thì đó là một sự thật, đối với học
sinh đó rất dễ dàng. Cái đó có thể gọi là thật trí. Nhưng khi đem chân
lý thật chứng 2 + 2 = 4 ấy dạy lại cho em bé ba tuổi thì phải nói cách
nào cho em hiểu ? Tức phải trãi qua một thời gian và dùng nhiều cách thức,
hoặc phải tốn nhiều kẹo bánh dỗ dành, ví dụ ta đi từ 1 + 1 = 2 và vế
hai cũng đi từ 1 + 1 = 2. Tức 1 kẹo + 1 kẹo + 1 kẹo + 1 kẹo + 4 kẹo. Rồi
tiến lên 2 kẹo (vế 1) + 2 kẹo (vế 2) = 4 kẹo vậy. Nghĩa là phải đi từ
dễ đến khó mới dạy cho em biết được 2 + 2 = 4.
Cứ vào việc thông thường này để
hiểu sự chứng ngộ thật tướng các pháp của Phật, Ngài muốn đem chỗ
chứng ngộ ấy nói cho chúng sanh nghe, nhưng vì căn cơ chúng sanh chưa nhận
thức được lý Nhất thừa nên đức Phật từ bản hoài ra đời để nói
Nhất thừa giáo, Ngài lại phải phương tiện nói ra Tam thừa giáo.
Đời ngũ trược ác thế là thế
nào ? Trược là khổ thống, tạp nhiễm xấu xa, độc ác. Chúng sanh bị mắc
vào năm thứ này cho nên gọi là ngũ trược. Trong năm trược thì phiền
não trược và kiến trược làm tự thể cho các trược khác.
Phiền não trược : Chỉ cho ngũ độn
sử. Tất cả phiền não của chúng sanh không ngoài 10 thứ là ngũ độn sử
và ngũ lợi sử. Ngũ độn sử là : tham, sân, si, mạn, nghi. Năm thứ này
đần độn không thể dùng lý, dùng sự hiểu biết để dứt trừ được
mà cần phải thực hành kiên cố mới dứt trừ được nên gọi là độn
sử. Hay nói cách khác là tu sở đoạn hoặc, là những lậu hoặc không thể
hiểu lý suông mà cần phải tu, phải thực hành mới đoạn trừ được.
Kiến trược : Chỉ cho ngũ lợi sử.
Ngũ lợi sử là : Thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ và giới cấm
thủ. Thân kiến tức là chấp sắc thân tứ đại, ngũ uẩn này là thật
ngã, không biết rằng sắc thân tứ đại là do hòa hợp hư giả, không có
cá thể riêng biệt tồn tại ngoài các duyên. Do chấp thân kiến nên sanh
ra biên kiến. Biên kiến là chấp rằng thân tứ đại này, ngã này tồn tại
mãi, con người chết rồi vẫn là con người, linh hồn không bao giờ thay
đổi, đó thuộc về thường kiến. Ngược lại hoặc cho rằng con người
sống mấy mươi năm đến khi nhắm mắt tắt thở là hết, đó thuộc về
đoạn kiến. Không hiểu rằng, chấp lệch về thường kiến, hay về đoạn
kiến cũng đều không đúng với tánh cách của sự vật, cũng không đúng
với tánh cách của con người, nên gọi đó là biên kiến. Do biên kiến
sanh ra tà kiến. Tà kiến là hoặc chấp đoạn, chấp thường, hoặc chấp
hữu, chấp vô. Nói rộng ra là chấp tất cả các pháp và vũ trụ theo một
tánh cách thiên lệch, gọi là tà kiến. Khi chấp tà kiến như vậy rồi cứ
giữ chặt kiến chấp ấy và cho là độc tôn, là đúng thật, là chân lý
tuyệt diệu mà không chịu thay đổi, gọi là kiến thủ kiến. Từ những
tà kiến, kiến thủ kiến mà có những hành động, phương pháp tu hành
không phải nhân đưa đến giải thoát mà cho đó là nhân đưa đến đạo
giải thoát, như nhịn ăn hay các lối khổ hạnh của ngoại đạo ở Ấn
Độ. Gọi đó là giới cấm thủ, tức là giữ chặt những điều răn cấm
hay những pháp môn tu sai lệch không đưa đến đạo giải thoát chân thật.
Năm thứ này gọi là lợi sử hay
kiến hoặc. Lợi là mảnh lợi, không có căn bản sâu xa chắc chắn, chẳng
qua là vì tà sư ác hữu, vì suy tư sai lệch mà có ra. Đến khi thấy được
lý Tứ đế của Phật thì năm kiến chấp này tiêu trừ. Năm thứ kiến này
đứng trên quả vị thì lên đến kiến đạo Tu-đà-hoàn là đoạn trừ.
Do đó cũng có tên là kiến sử đoạn hoặc, tức hoặc lậu, kiến được
đế lý chân thật là đoạn trừ. Đây không cần dụng công tu hành mà chỉ
cần có sự thấy biết đứng đắn, tin tưởng chính đáng là đoạn trừ
năm hoặc này, nên gọi là kiến hoặc.
Tóm lại, đứng về mặt nhận thức
(kiến) sai lệch thì nó trở thành kiến trược, mà đứng về mặt tình cảm
nhiễm ô, phiền não thì gọi là phiền não trược.
Hai thứ trược này là nguồn gốc,
là căn bản, là nguyên nhân chính vì hai thứ đó kết hợp lại, chúng sanh
dựa vào đó tạo nghiệp thọ sanh, làm thân chúng sanh lăn lộn trong luân hồi
sanh tử.
Chúng sanh có hai nghĩa : Kết hợp
chúng duyên mà thành và chúng đa sanh tử, chịu nhiều sự sanh tử luân hồi
nên gọi là chúng sanh. Khi chấm dứt sanh tử luân hồi, phá bỏ các duyên
thì không gọi là chúng sanh nữa.
Chúng sanh trược : Do từ phiền não
trược và kiến trược mà ra, cho nên phiền não trược, kiến trược là gốc,
là nhân mà chúng sanh trược là quả.
Mạng trược : Có chúng sanh tức
nhiên có đời sống, quả báo của chúng sanh, có sức mạnh để làm cho
chúng sanh đó sống trong 10 năm, 20 năm... hay mới lọi lòng ra đã chết.
Cái mạng mạch mỗi người không chừng đổi gì hết, chúng sanh muốn kéo
dài đời sống đó cũng không thể kéo dài ra được, muốn sống lâu mà
không sống lâu, muốn đừng chết mà nó vẫn chết, không tự tại với
chính mình nên gọi là mạng trược.
Còn bị phiền não nhiễm ô, còn
chúng sanh luân hồi sanh tử. Như vậy, phiền não trược, kiến trược là
nhân, mạnh trược, chúng sanh trược là quả. Đồng kết phiền não trược,
kiến trược, chúng sanh trược, mạng trược trong một khoảng thời gian nào
đó thì gọi là Kiếp trược. Kiếp trược phụ thuộc vào bốn trược
kia, nếu như không có 4 trược kia thì khoảng thời gian đó không có gì
là trược nên không thể gọi là thời kiếp trược được. Chúng sanh ở
đời kiếp trược bị cấu trọng, xan tham tật đố, cấu là chỉ cho kiến
trược. Xan là ôm giữ mãi những vật mình có mà không chịu chia xẻ, bố
thí cho người khác. Tham là vật gì chưa có muốn cho có, muốn mãi không
bao giờ đủ. Tật đố là ai có điều chi hay hơn, tốt hơn... thì sanh
lòng ganh ghét, tỴ hiềm. Vì xan tham tật đố có những tánh cách như vậy,
cho nên xan tham là nhơn của bần cùng, tật đố là nhơn của hạ tiện.
Khi thấy người hơn thì sanh lòng ganh tỴ, đó là tạo nhơn để thua người,
làm kẻ hạ tiện, từ đó thành tựu các bất thiện.
Đức Phật ra đời gặp thời như
vậy, với chúng sanh như vậy thì làm sao Ngài đem đạo lý Nhất thừa mà
dạy được. Cho nên, Phật phương tiện từ Nhất thừa phân biệt nói
thành ba. Vậy thì ba đó là ba giả thuyết chứ không phải chân thật, tuy
nó vẫn có công dụng rất lớn lao dẫn đến Nhất thừa.
Kinh văn : Này Xá-lợi-phất, nếu
đệ tử của Ta, người nào tự gọi A-la-hán, Bích-chi Phật, mà không nghe
không biết được việc các đức Như Lai là chỉ giáo hóa hàng Bồ-tát
thì những người đó không phải Phật đệ tử, không phải A-la-hán,
không phải Bích-chi Phật.
Giải thích : Đoạn kinh trên đức
Phật chỉ rõ như thế nào là tăng thượng mạn, như thế nào là không tăng
thượng mạn, như thế nào là đệ tử Phật, là A-la-hán.
Đức Phật nói Tam thừa là nói
chung cho tất cả, trong khi Ngài dùng phương tiện nói Tam thừa thì dù có
những người tin rằng, đó là pháp chân thật mà tu hành chứng quả hoặc
A-la-hán, Bích-chi Phật..., nhưng ít nhất cũng phải hiểu rằng, đại sự
ra đời của đức Phật không phải nhằm chừng ấy, mà cốt giáo hóa
hàng Bồ-tát, có nghĩa là đức Phật ra đời cốt dạy đạo nhất thừa.
Nói Bồ-tát tức nói hạng người đủ căn cơ trình độ lãnh thọ đạo lý
nhất thừa. Hoặc người nghe đạo lý nhất thừa, ít ra phải hiểu, phải
biết, dù không chứng ngộ được, nhưng phải thấy được, tin được đại
sự đức Phật ra đời, có như vậy mới gọi là A-la-hán, Bích-chi Phật,
đệ tử Phật được.
Kinh văn : Này Xá-lợi-phất, các
hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni tự cho mình đã được A-la-hán, ở vào thân tối
hậu cứu cánh Niết-bàn, lại không còn có chí nguyện cầu A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề
thì nên biết, hạng này đều là kẻ tăng thượng mạn. Sở dĩ làm sao ? Nếu
có Tỳ-kheo thật chứng quả A-la-hán mà không tín được pháp này thì
không có lẽ đó. Trừ sau khi đức Phật diệt độ, hiện tiền không có
Phật. Vì sao ? Vì sau khi Phật diệt độ những kinh như thế mà hạng người
thọ trì, đọc tụng, giải nghĩa thì hạng người đó khó có được. Nếu
gặp các đức Phật khác thì đối với pháp này bèn được hiểu rõ.
Giải thích : Thân tối hậu, một vị
đã tu chứng quả A-la-hán phải đủ bốn điều : Thử sanh dĩ tận, phạm
hạnh dĩ lập, sở tác dĩ biện, bất thọ hậu hữu. Bốn điều này phối
hợp với lý Tứ đế như sau :
Thử sanh dĩ tận, tương xứng với
Khổ đế, khổ được dứt trừ đoạn diệt, không còn tái sanh nữa.
Phạm hạnh dĩ lập, tương xứng với
Đạo đế, tức pháp môn tu hành đã được kiến lập, đầy đủ và
thành tựu phạm hạnh.
Sở tác dĩ biện, tương xứng với
Diệt đế. Niết-bàn đã chứng, điều cần làm đã làm xong.
Bất thọ hậu hữu, tương xứng với
Tập đế, Tập đế là nguyên nhân của hậu hữu (đời sau). Đã dứt hết
Tập đế tức không còn thọ hậu hữu nữa.
A-la-hán là gì ? Là người đã
thành tựu viên mãn đạo lý Tứ đế. Muốn thành tựu đạo lý Tứ đế,
hành giả phải trãi qua ba giai đoạn, kiến đạo, tu đạo và vô học đạo.
Nhận thức rõ đạo lý Tứ đế,
như biết cuộc đời là khổ, tuy vẫn biết nếu đứng trên bình diện tương
đối, cuộc đời vẫn vui, nhưng đó là cái vui của thế gian, nếu đứng
trên bình diện tuyệt đối thì thế gian chưa vui, thế gian còn khổ, bởi
chúng sanh còn đang chịu sanh tử luân hồi, chịu luật vô thường chi phối.
Muốn sống mà cứ chết, muốn không bệnh mà cứ bệnh..., cho nên biết thế
gian là khổ. Nói cho cùng, thế gian vẫn còn khổ, hiểu rõ được như vậy
gọi là biết được Khổ đế.
Biết được khổ đó và cũng biết
chắc rằng khổ đó do ái dục vô minh sanh ra, chứ không do một nguyên
nhân nào khác. Như thế là biết được Tập đế. Và biết rõ rằng hễ dứt
trừ được khổ nhơn và khổ quả thì được tịch tịnh an lạc Niết-bàn,
đó gọi là Diệt đế. Và cũng biết rằng giáo lý Bát chánh đạo, Tam thập
thất Bồ-đề là con đường chân chánh, là pháp môn đứng đắn đưa đến
Nhất thừa đạo. Như vậy là biết được Đạo đế.
Khi tìm hiểu lý Tứ đế chân
chánh như vậy gọi là kiến đạo. Kiến đạo mới trừ được ngũ lợi sử,
kiến hoặc mà thôi. Phải đợi bước qua địa vị tu đạo, tức từ nhị
quả Tư-đà-hàm đến A-la-hán hướng, thời gian đó gọi là tu đạo. Thời
gian này là thật hành theo lý Tứ đế, đoạn trừ ngũ độn sử. Khi đã
đoạn trừ ngũ độn sử tức dứt hết Tập đế, dứt Tập đế tức dứt
Khổ đế, chứng Niết-bàn, bước lên quả vị A-la-hán gọi là Vô học đạo.
Đến quả vị A-la-hán là thân cuối cùng không còn tái sanh nữa. Nhưng, nếu
đến đó rồi tự cho là đủ mà không có chí nguyện cầu vô thượng Bồ-đề
thì những người như vậy gọi là tăng thượng mạn. Tăng thượng mạn là
chấp chặt nơi quả vị Hữu dư y, Vô dư y Niết-bàn, cho là cứu cánh rồi,
trên A-la-hán không còn gì nữa nên không chịu cầu vô thượng Bồ-đề.
Trên là nói không biết bản nguyện
của Phật ra đời... thì không phải là A-la-hán,... chứ chưa thuộc loại
tăng thượng mạn, những người chấp chặt quả vị mới gọi là tăng
thượng mạn.
Nhưng, có trường hợp nào một vị
A-la-hán chấp chặt quả vị mà không thuộc loại tăng thượng mạn không
? Có. Ngoại trừ "sau khi Phật diệt độ, hiện tiền không có Phật".
Bởi vì khi đức Phật diệt độ rồi không có người nói pháp Nhất thừa
khai quyền, hiển thật cho nghe thì làm sao biết được ngoài quả vị
A-la-hán còn có quả vị vô thượng Bồ-đề nữa, trường hợp này không
gọi là tăng thượng mạn.
Như vậy thì những vị A-la-hán
luôn ở quả vị đó chứ không thể chứng quả vị vô thượng Bồ-đề
hay sao? Trừ trường hợp gặp được các đức Phật khác ra đời thì sẽ
được đức Phật đó giải rõ pháp khai quyền hiển thật và bấy giờ vị
A-la-hán đó sẽ vượt lên cầu chứng quả vị vô thượng Bồ-đề.
Kinh văn : Này Xá-lợi-phất, các
Ông hãy nên nhất tâm tín giải thọ trì lời Phật. Các đức Phật Như
Lai nói không hư dối. Không có các thừa khác mà chỉ có nhất Phật thừa.
Giải thích : Đức Phật nhắc đi
nhắc lại "các đức Như Lai nói không hư dối" đức Phật lúc
nói Tam thừa, Ngài không nói đây là Ta giả nói, cho nên khi Ngài nói Tam thừa
thì mọi người đều tin rằng Tam thừa là chân thật. Đến hội Pháp Hoa
đức Phật lại nói Nhất thừa mới là chân thật còn Tam thừa chỉ là phương
tiện. Điều này sẽ khiến mọi người lầm nghĩ rằng, đức Thế Tôn
nói trước sau bất nhất, vậy thì lời Ngài có hư dối không ? -Không. Mặc
dù trên ngôn từ kinh giáo trình bày trước sau khác nhau nhưng ý nghĩa và mục
đích trước sau vẫn là một. Đại sự ra đời giáo hóa của chư Phật
trước sau cũng duy nhất, lời chư Phật nói không hư dối là vậy.
Kinh văn : Lúc bấy giờ, đức Thế
Tôn muốn lặp lại nghĩa này mà nói bài kệ rằng :
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, có những người
ôm tâm tăng thượng mạn, còn Ưu-bà-tắc ngã mạn, Ưu-bà-di thì bất tín.
Bốn chúng như vậy, số đó có năm ngàn. Họ không tự thấy được lỗi
của mình, đối với giới có thiếu, có lậu lọt, rồi cứ bảo vệ che dấu
chỗ tỳ vết, hàng tiểu trí đó đã ra đi rồi, cặn bả trong chúng hội,
do oai đức của Phật đã lui ra. Những hạng kém ít phước đức đó
không kham chịu được giáo pháp này. Những cành lá trong chúng hội này
không còn nữa mà chỉ còn hạt chắc thôi.
Giải thích : Đây là đoạn kệ lặp
lại năm ngàn người tăng thượng mạn ở đoạn kinh trước. Năm ngàn này
không phải chỉ hàng xuất gia mà cả tại gia. Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni thì tăng
thượng mạn, vì có tu, có chứng quả nhưng lại chấp chặt quả vị nên
bị lỗi tăng thượng mạn. Ưu-bà-tắc thì ngã mạn, đây là bệnh chấp
ngã cố hữu của chúng sanh. Còn Ưu-bà-di thì bất tín, bất tín hay ty liệt
mạn. Mỗi hạng người có mỗi bệnh, gồm năm ngàn người, không tự thấy
lỗi mình, đối với giới có khuyết có lậu. Khuyết là tu hành không đầy
đủ, thiếu sót, do khuyết cho nên phiền não lọt vào. Bởi vì người xuất
gia, giới như phao nỗi qua sông, phao nỗi bị lũng nước sẽ tràn vào và bị
chìm nên gọi là khuyết lậu.
Cũng có nghĩa nữa là đối với giới
luật oai nghi thiếu sót, giữ gìn không chu đáo gọi là khuyết; định cộng
giới, đạo cộng giới không có nên gọi là lậu. Những hạng như thế đã
ra hết, chỉ còn lại hạt chắc thật. Bây giờ, chính lúc đức Phật nói
pháp Nhất thừa vậy.
Kinh văn : Xá-lợi-phất hãy khéo
nghe, pháp của các đức Phật chứng được, và vô lượng sức phương tiện
của Ngài đem ra vì chúng sanh mà nói. Đối với điều tưởng niệm trong tâm
của chúng sanh, với các thứ hành đạo hoặc bao nhiêu tánh dục của
chúng sanh, hoặc các nghiệp thiện, nghiệp ác đời trước của chúng sanh,
Phật đều biết rõ. Ngài dùng các nhân duyên thí dụ ngôn từ, các sức
phương tiện khiến cho tất cả những người đó đều được hoan hỶ.
Giải thích : Chư Phật sở đắc pháp
là chỉ cho thật trí, vô lượng phương tiện lực là chỉ cho quyền trí.
Đức Phật do thật trí và quyền trí mà nói pháp cho chúng sanh. Đức Phật
biết rõ từng căn tánh và dục của chúng sanh. Tánh là những điều căn
để gắn chặt từ xưa, dục là những điều ham muốn hôm nay.
Kinh văn : Hoặc nói Tu-đa-la, Già-đà,
Bổn sự, Bổn sanh, Vị-tằng-hữu, cũng nói về Nhân duyên, Thí dụ, Kỳ-dạ,
Ưu-ba-đề-xá.
Giải thích : Đây là Phật nói 9 bộ
kinh, thường nói 12 bộ, nhưng Tiểu thừa Phật mới nói 9 bộ, chưa có Thọ
ký, bởi Tiểu thừa Phật chưa Thọ ký, và Đại phương quảng, vì Phật
chưa nói đến kinh Đại thừa.
Tu-đa-la là khế kinh, Già-đà là
trùng tụng, Bổn sự là nói về sự nghiệp tu hành trong đời quá khứ của
đức Phật. Bổn sanh là nói về sự thọ sanh đời trước của đức Phật.
Đức Phật sanh ra tên gì, họ gì, ở đâu..., Vị tằng hữu, những điều
chưa từng có. Nhân duyên, Thí dụ, Kỳ-dạ là Trùng tụng, Ưu-ba-đề-xá
là luận nghị. Luận nghị tức là một lối hành văn trong kinh, lời lẽ
đối đáp, phân tích, giảng giải những điều Phật đã nói.
Mười hai bộ kinh này có nghĩa là
12 bộ loại, phân theo thể tài và phân theo nội dung. Như Tu-đa-la là phân
theo thể tài, văn trường hàng, văn xuôi. Kỳ-dạ, Trùng tụng là phân theo
văn kệ, có lối kệ độc khởi thì gọi là Kỳ-dạ, kệ lặp lại văn
trường hàng thì gọi là trùng tụng. Bổn sanh, Bổn sự, Nhân duyên là
phân theo nội dung, Luân nghị là phân theo thể tài.
Kinh văn : Những hàng độn căn ưa
thích pháp nhỏ, tham trước sanh tử, đối với vô lượng Phật không hành
được đạo thâm diệu, bị các khổ làm não loạn, đối với những người
đó Ta nói pháp Niết-bàn cho.
Giải thích : Đây là pháp Tiểu thừa.
Lúc bấy giờ đức Phật chỉ nói về Niết-bàn, giúp trừ sanh tử, đoạn
các lậu hoặc mà thôi chứ chưa nói sẽ thành Phật đạo, chứng Bồ-đề.
Kinh văn : Ta thiết lập ra phương
tiện ấy, khiến họ được vào Phật huệ. Nhưng, Ta chưa từng nói (các
ông sẽ được thành Phật đạo). Bởi vì sao mà chưa từng nói? Bởi vì
thời gian nói chưa đến, hôm nay mới đúng lúc, Ta quyết định nói pháp
Đại thừa.
Giải thích : Nên hiểu rằng, trước
kia Ngài đã nói pháp Đại thừa rồi, nhưng Đại thừa trước Pháp Hoa Phật
chỉ thọ ký cho hàng Bồ-tát thành Phật. Đến Pháp Hoa mới chung kết,
tóm thâu cả hàng Thanh Văn hồi tâm hướng Đại đều được thọ ký
thành Phật, nên Đại thừa trong Pháp Hoa có nghĩa trọn vẹn hơn. Do đó, gọi
là Đại thừa Viên giáo.
Kinh văn : Ta nói 9 bộ pháp này,
tùy thuận theo chúng sanh cốt để đưa vào Đại thừa, cho nên nói kinh
này.
Có những Phật tử tâm thanh tịnh,
nhu nhuyến và lợi căn, đối với vô lượng các đức Phật có thể tu
hành đạo thâm diệu. Ta sẽ vì các hàng Phật tử đó, nói kinh Đại thừa
này. Ta thọ ký cho những người như thế, tương lai thành Phật đạo. Do họ
thâm tâm niệm Phật, tu trì giới luật thanh tịnh nên những hạng người
đó nghe mới được thành Phật thì sanh hoan hỶ lớn lao đầy khắp cả thân
mình. Phật biết tâm hạnh của những người đó, cho nên nói kinh Đại thừa.
Hàng Thanh Văn hoặc Bồ-tát nghe
pháp Ta nói cho đến một câu kệ cũng đều thành Phật đạo không có
nghi.
Giải thích : Tâm thanh tịnh nhu nhuyến
tức là có tâm tín thuận, lợi căn tức là có trí tuệ. Có tín và có tuệ.
Biết tâm hạnh tức nhiên biết sở
hành trong tâm. Sở hành trong tâm là đủ có tín có tuệ, thọ lãnh và nạp
được giáo lý Đại thừa nên Phật nói kinh Đại thừa.
Nghe một câu kệ cũng thành Phật,
bởi vì câu kệ đó nói lên đạo lý làm Phật, lẽ tất nhiên nghe câu kệ
đó sẽ thành Phật.
Kinh văn : Trong 10 phương Phật độ,
chỉ có pháp Nhất thừa chứ không hai cũng không ba, trừ Phật phương tiện
nói ra, mà phương tiện nói cũng chỉ dùng danh tự giả để dẫn đạo các
chúng sanh.
Giải thích : Nói Nhị thừa, Tam thừa
là danh tự giả để dẫn dắt chúng sanh, chứ đó cũng không phải thật.
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |