- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
- 4
KINH
PHÁP HOA GIỮA CÁC KINH ĐẠI THỪA [^]
Tinh thần của Đại thừa giáo lấy
Bồ-tát hạnh làm cao điểm. Trong Bồ-tát hạnh thì kinh Pháp Hoa là kinh
tiêu biểu, là kinh đúc kết, tóm thâu tinh thần thuyết giáo của đức Phật
trong 45 năm ở cõi Ta-bà.
Kinh Pháp Hoa diễn tả một chân lý
linh động qua các hạnh của các vị Bồ-tát, Đức Phật nhìn tất cả
chúng sanh đều có Phật tánh cho nên tất cả các việc làm thiện dù là một
việc thiện rất nhỏ cũng đều đưa đến Phật quả, như kinh có câu:
- "Nhược nhơn tán loạn tâm,
- Nhập ư tháp miếu trung,
- Nhứt xưng Nam mô Phật,
- Giai dĩ thành Phật đạo."
Nghĩa là:
- "Hoặc người tâm tán loạn,
- Đi vào trong tháp Phật,
- Niệm một lần Mô Phật,
- Đều đã thành Phật đạo."
Hoặc: "Nãi chí đồng tử hý,
tụ sa vì Phật tháp, giai dĩ thành Phật đạo." (Cho đến trẻ con chơi
đùa, nhóm cát làm tháp Phật đều đã thành Phật đạo).
Đó là những điều mà các thời
giáo trước Ngài chưa nói, đợi đến khi nói kinh Pháp Hoa, đức Phật mới
đề cập đến, bởi lẽ những việc thiện dù rất nhỏ cũng xuất phát từ
Pháp tánh. Nếu như không có Phật tánh thì không thể có các việc thiện,
dù là việc thiện đó trong tán loạn tâm, việc thiện đó cũng đưa đến
kết quả thành Phật.
Những năm đầu tiên, đức Phật
thuyết giáo với giáo lý căn bản, Ngài muốn đưa tất cả chúng sanh đến
Phật quả, nhưng không thể đưa được-như trong kinh Hoa Nghiêm-nên thuyết
ra Tam thừa. Trong khi Ngài thuyết Tam thừa, mỗi thừa đều có nhân riêng,
quả riêng, hạnh riêng. Thanh Văn thì tu Thanh Văn thừa, Duyên Giác thì tu
Duyên Giác thừa, Bồ-tát thì tu Bồ-tát thừa. Nhân của thừa nào thì chứng
quả thừa ấy, mỗi thừa đều riêng biệt không tương quan với nhau. Ngay
như kinh Bát Nhã, Hoa Nghiêm đức Phật cũng thọ ký cho hàng đệ tử thành
Phật. Nhưng Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Ngài chỉ thọ ký cho Bồ-tát; như vậy là
Bồ-tát riêng, Thanh Văn riêng, Nhị thừa riêng, Tam thừa riêng. Đợi đến
hội Pháp Hoa, Phật mới thọ ký cho hàng Thanh Văn và đưa về Nhất thừa
Phật quả. Đức Phật dạy rằng, tất cả các pháp môn Ngài dạy từ trước
như Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa...đều là phương tiện để đưa đến
Nhất thừa (Phật quả). Phương tiện không có nghĩa là cái đó không có
giá trị, mà giá trị đó chỉ trên bước đường dẫn dắt để đưa đến
Nhất thừa Phật quả, và chính đó mới là mục đích cứu cánh, là tinh
thần của kinh, hoài bảo của Phật vậy.
Đức Phật Thích Ca đản sanh tại
vườn Lâm-tỳ-ni, thành Đạo nơi cội Bồ đề và trải qua 45 năm giáo
hóa rồi thị tịch tại rừng Sa-la song thọ. Đức Phật đó là đức Phật
hóa thân. Vì muốn đem giáo pháp huyền vi dạy cho chúng sanh cho nên Phật mới
thị hiện ra đời. Hóa thân thị hiện đó là phương tiện, mà những gì
Ngài đạy trước hội Pháp Hoa cũng là phương tiện. Chỉ có Pháp thân và
pháp Nhất thừa Phật dạy trong hội Pháp Hoa mới là chân thật. Chính điều
đó ngày hôm nay trong hội Pháp Hoa đức Phật mới diễn nói rõ ràng.
Theo ngài Thiên Thai Trí Giả, kinh
Pháp Hoa chia ra làm hai phần:
1. Khai quyền hiển thật
2. Khai cận hiển viễn
Đó là hai phần chính trong kinh
Pháp Hoa.
Nói tóm lại, vì hai ý nghĩa đó
nên kinh Pháp Hoa là kinh tiêu biểu, kinh đúc kết giáo lý của Phật trong
45 năm thuyết pháp độ sanh.
Và cũng theo ngài Thiên Thai Trí Giả,
Ngài chia giáo lý của Phật ra làm Năm thời:
1. Hoa Nghiêm : Cũng gọi là thời
"Nhật xuất tiên chiếu cao sơn"
2. A Hàm : Cũng gọi là thời
"Nhật thăng thứ chiếu hắc sơn"
3. Phương Đẳng : Cũng gọi là thời
"Nhật thăng chuyển chiếu cao nguyên"
4. Bát Nhã : Cũng gọi là thời
"Nhật thăng phổ chiếu đại địa"
5. Pháp Hoa Niết Bàn : Cũng gọi là
thời "Nhật một hoàn chiếu cao sơn".
Nói "Nhật xuất tiên chiếu...",
"Nhật một hoàn chiếu..." đó là ví giáo pháp Phật như mặt trời.
Giáo pháp Phật khi nói ra lần đầu tiên ví như mặt trời mới mọc. Giáo
pháp Phật nói đầu tiên đó là kinh Hoa Nghiêm. Phật nói kinh Hoa Nghiêm ví
như đỉnh núi cao, chỉ có hàng thượng căn thượng trí Bồ-tát, đại Bồ-tát
mới thấu hiểu, còn tất cả như câm như điếc, cho nên đức Phật
phương tiện nói Tam thừa như A Hàm. Thời này ví như ánh mặt trời chuyển
chiếu xuống núi thấp - Hắc Sơn - hàng hạ căn mới lãnh hội được.
Đến thời thứ ba là thời Phương
Đẳng. Phương Đẳng có 2 nghĩa:
1. Chỉ riêng cho thời giáo thứ ba
này như các kinh : Lăng Nghiêm, Lăng Già, Tư Ích, Duy Ma... trừ hai thời trước
là thời Hoa Nghiêm, A Hàm và hai thời sau là thời Bát Nhã, Pháp Hoa Niết
Bàn.
2. Bao trùm cả bốn thời giáo trừ
thời A Hàm.
Thời A Hàm phá ngã nhưng còn pháp
chấp, qua thời Phương Đẳng trừ hết cả ngã và pháp chấp. Đến thời
Bát Nhã đi về tinh thần cao nhất phá trừ luôn cả hữu sở đắc (vô
ngã khả đắc, vô pháp khả đắc) như "Nhật thăng phổ chiếu Đại
địa" (Mặt trời cao khắp chiếu mặt đất).
Tuy nhiên, còn có điểm mà thời
Bát Nhã chưa nói đến đó là chưa thật sự thọ ký cho tất cả chúng
sanh đều thành Phật, mặc dù về lý cũng đã có nói "Tất cả chúng
sanh đều có Phật tánh, tất cả chúng sanh đều thành Phật". Đến thời
Pháp Hoa, đức Phật mới đưa tất cả về Nhất thừa Phật quả. Bởi cho
dù Thanh Văn, Duyên Giác... và tất cả các việc thiện, dù là việc thiện
nhỏ như nhóm cát làm tháp Phật, không phân biệt hữu sở đắc, vô sở
đắc... cũng đều đưa đến Phật quả. Cho nên thời Pháp Hoa bao hàm hết
tinh thần chân lý, và hoài bảo của Phật ra đời thuyết pháp độ sanh, nên
gọi là "Nhật một hoàn chiếu cao sơn".
Khi "Nhật xuất tiên chiếu cao
sơn" cũng chiếu trên mọi căn cơ. Khi "Nhật một hoàn chiếu..."
cũng chiếu trên mọi căn cơ. Như vậy nên biết, thời Hoa Nghiêm và thời
Pháp Hoa Niết Bàn đều cũng là một chân lý tối thượng y như nhau, nhưng
trong thời Hoa Nghiêm đức Phật nói thẳng chân lý tối thượng mà chưa có
phương tiện. Khi nói thẳng như vậy chúng sanh không hiểu, đức Phật mới
phương tiện nói Tam thừa, sau đó Ngài nói lại chân lý tối thượng để
đưa tất cả phương tiện trở về giáo lý tuyệt đối. Như vậy chân lý
được nói trong Hoa Nghiêm và chân lý được nói trong Pháp Hoa Niết Bàn
là một, nhưng Hoa Nghiêm thì nói thẳng, trực chỉ chơn tâm, còn Pháp Hoa
thì phải trải qua các thời phương tiện dắt dẫn, đến lúc thấy căn
cơ và trình độ của chúng sanh đã thuần thục, đức Phật mới nói Pháp
Hoa, đó là giáo lý cao tột, đưa chúng sanh về Nhất thừa Phật quả.
Trên đây là theo lối phán giáo của
ngài Thiên Thai, ngài là tổ của Thiên Thai tông và đã chú thích kinh Pháp
Hoa và dùng kinh này lập tông. Sự chú thích ấy cũng ảnh hưởng đến ngài
Nhật Liên. Ngài Nhật Liên cũng căn cứ vào phần chú thích đó mà lập ra
tông Nhật Liên ở Nhật Bản.
Và cũng nên biết, trong lịch sử
đã có ba tông phái đặt kinh này cao nhất : 1) Thiên Thai tông, 2) Nhật
Liên tông. Cả 2 tông này đều lấy kinh Pháp Hoa làm căn bản và 3) Tam Luận
tông, Tổ sư là ngài Cát Tạng, cũng đặt kinh Pháp Hoa vào vị trí cao nhất.
Theo ngài Cát Tạng, ngài chia giáo pháp ra làm ba pháp luân:
1. Căn bản Pháp luân, thời Hoa
Nghiêm.
2. Chi mạt Pháp Luân, thời A Hàm,
Phương Đẳng, Bát Nhã.
3. Nhiếp mạt quy bản Pháp luân, thời
Pháp Hoa, Niết Bàn
Thời Hoa Nghiêm, theo ngài Cát Tạng
gọi là căn bản pháp luân. Thời giáo này đức Phật nói ra mà chúng sanh
không ngộ được nên Ngài phương tiện nói ba thừa. Những thời này là
phương tiện của căn bản nên gọi là Chi mạt pháp luân. Mặc dù Bát Nhã
là kinh rất cao nhưng Bát Nhã cũng chưa quy tất cả chúng sanh đều thành
Phật, nên Bát Nhã cũng còn là Chi mạt pháp luân. Đến thời Pháp Hoa, Niết
Bàn gọi là "Nhiếp mạt quy bản..." - trở về gốc - đưa phương
tiện về cứu cánh, đưa ngọn về gốc.
Chữ "chuyển pháp luân" :
Dharma Cakka Pavatana.
Chuyển - Pavatana : Chuyển động, xây
dựng, củng cố.
Pháp - Dharma : Trí tuệ, chân lý.
Luân - Cakka : Bánh xe, vương quốc.
Do những định nghĩa trên mà có người
dịch là : Củng cố vương quốc trí tuệ, xây dựng vương quốc trí tuệ,
vương quốc chân lý chuyển bánh xe pháp.
Chữ "Luân" là bánh xe, có
nghĩa là lăn chuyển, lăn chuyển từ tâm người này đến tâm người khác,
giáo pháp từ chỗ chứng ngộ của Phật, Ngài truyền đến người khác, cũng
như bánh xe lăn từ chỗ này đến chỗ khác vậy.
Lại chữ "Luân" cũng có
nghĩa là dần ép, lăn đến đâu ép đến đó, những gì dơ bẩn, gồ ghề
đều được dằn ép. Giáo pháp Phật đến tâm chúng sanh thì tâm tham,
sân, si, phiền não, tà kiến, cũng bị dằn ép. Đó là ý nghĩa của chữ
Chuyển Pháp Luân.
Lại chuyển luân vương có xa luân
bảo là biểu hiện chính, để đi đến với muôn dân, đem lại sự an bình
thịnh vượng, còn Như Lai Pháp Vương thì có Pháp luân để đi đến với
chúng sanh, đem lại an lạc giải thoát.
Tóm lại ngài Cát Tạng - Tổ sư của
Tam luận tông - chia giáo pháp Phật ra làm 3 pháp luân, mặc dù Tam Luận
tông chú trọng về Bát Nhã, thiên về nghĩa chân không, nhưng ngài đã để
kinh Pháp Hoa trong địa vị Nhiếp mạt qui bản. Thế cho biết vị trí Pháp
Hoa trong kinh điển Đại thừa là một vị trí rất cao, vị trí kết thúc
biểu lộ bản hoài ra đời thuyết pháp của Phật, cốt đưa tất cả chúng
sanh về Nhất thừa Phật quả.
HÌNH
TƯỢNG HOA SEN TRONG KINH PHÁP HOA [^]
Pháp Hoa là nói tắt của kinh Diệu
Pháp Liên Hoa. Bản gốc của kinh Diệu Pháp Liên Hoa được viết bằng Phạn
văn là Saddharmapundarika-sitra. Ngài La Thập (Kumàrajiva) dịch là Diệu Pháp
Liên Hoa. Diệu Pháp là pháp, Liên Hoa là ví dụ. Kết hợp pháp và dụ
thành Diệu Pháp Liên Hoa, vì thế khi nói kinh Pháp Hoa thì cũng phải hiểu
là Diệu Pháp Liên Hoa.
Kinh Pháp Hoa lấy hoa sen làm biểu tượng.
Vì sao vậy? Vì Hoa sen không những thường được nhắc đến trong kinh điển
mà thế gian cũng rất được ưu thích như Ca dao đã nhắc :
- "Trong đầm gì đẹp bằng sen,
- Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
- Nhụy vàng bông trắng lá xanh,
- Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn"
Hoa sen là một loài hoa rất đặc
biệt, bản chất thanh cao của nó hơn hẳn các loài hoa khác. Cuộc đời của
đức Phật từ khi Ngài đản sanh cho đến khi nhập diệt, luôn luôn gắn
liền với hoa sen. Vì vậy, hoa sen là biểu tượng cho sự giải thoát trong
Phật giáo (Chín phẩm sen vàng lên giải thoát). Khi đức Phật giáng sanh,
Ngài đi trên hoa sen bảy bước. Khi đức Phật truyền pháp cho Tôn giả Ca
Diếp, ngài cũng cầm hoa sen. Vì vậy đức Phật luôn luôn được tôn trí
ngồi trên hoa sen.
Có lần ngoại đạo Dona hỏi : Vậy
Ngài phải được hiểu như thế nào? Ngài điềm tĩnh trả lời : Cũng giống
như hoa sen, Ta sinh ra trong đời, lớn lên trong đời mà không bị đời làm
ô nhiễm. Như vậy Ta là Phật, Như Lai.
Hoa sen ấy cao quí vô cùng. Nó từ
dưới bùn mọc lên, nhưng không dính mùi bùn. Hoa sen có hoa mọc trước hoa
mọc sau, nhưng khi có cơ hội mọc lên gặp ánh sáng mặt trời, tất cả
đều nở ra, tỏa mùi thơm ngát như nhau. Các loài hoa khác khi mọc lên, một
thời gian hoa rụng mới có quả ; còn hoa sen vừa búp đã có quả, quả bọc
trong gương sen. Hoa sen to chừng nào thì quả và gương sen to chừng ấy. Hoa
quả đồng thời. Hoa sen có cái đặc biệt là bướm không đậu, sâu
không ăn, người ta không lấy để trang sức trên đầu.
Khi đức Phật mới vừa Thành Đạo
dưới cội Bồ-đề, Ngài liền suy nghĩ : "Giáo lý mà Ta chứng ngộ
quá siêu việt, siêu lý luận, siêu ngôn ngữ, thậm thâm vi diệu. Còn
chúng sanh ở giữa đời này thường ham thích ái dục, khoái ái dục thì
làm sao hiểu cho thấu". Cho nên Ngài chần chừ, ngần ngại chưa muốn
thuyết pháp. Hàng chư thiên biết rõ tâm ý của Phật không muốn thuyết
pháp, cho nên mới đến thỉnh cầu Ngài thuyết pháp. Đức Phật nhìn giữa
hồ sen, thấy các hoa sen, có thứ đã ngoi lên khỏi bùn mà chưa khỏi nước,
có thứ mọc lên giữa nước mà chưa lên khỏi mặt nước, có thứ mọc
lên khỏi mặt nước mà chưa nở, có thứ sắp sửa nở đang đợi ánh
sáng mặt trời mới tỏa bông ra.
Đức Phật nghĩ rằng : "Tất cả
chúng sanh ở thế giới này cũng đều như thế. Có hạng căn cơ thấp, có
hạng căn cơ vừa, có hạng căn cơ cao, nhưng nếu các hạng căn cơ đó
được gặp ánh sáng, được gặp giáo lý của đức Phật cũng sẽ được
giải thoát và giác ngộ". Do đó nên Ngài quyết định Chuyển pháp
luân, thuyết pháp độ sanh.
Lại nữa, hoa sen còn có một tính
cách rất đặc biệt nữa, vì tính cách đặc biệt đó mà Phật đã lấy
nó để ví dụ cho Diệu Pháp của Ngài. Vậy Diệu Pháp đó là gì ? Đó
là cái Phật tính, tri kiến Phật. Thấy biết như thế nào gọi là thấy
biết Phật ? Thấy biết như thế nào là thấy biết chúng sanh ? Phải mà
thấy trái, là thấy biết chúng sanh. Thấy đúng sự thật là thấy biết
Phật. Giả mà thấy thật là thấy biết của chúng sanh. Thấy đúng sự thật
là thấy biết Phật. Vô thường mà thấy là thường, vô ngã mà thấy là
ngã, là thấy biết chúng sanh. Trái lại vô thường thấy là vô thường, vô
ngã thấy là vô ngã, là thấy biết Phật... Thành thử thấy biết Phật
là cái thấy biết đúng chân lý, đúng tánh tướng của sự vật. Đó là
cái thấy biết thoát ra ngoài có, không, thường, đoạn, nhị biên theo
thiên kiến của chúng sanh. Thấy biết Phật đó nó bao hàm cả tính từ
bi, hỶ xả, trí tuệ, giải thoát, nên cái thấy biết đó cao quí vô cùng,
ví như hoa sen ở trong bùn mà không hôi tanh mùi bùn. Hoa sen mọc ở trong
bùn là bùn gì ? Phật giáo ví dụ bùn đó là phiền não của chúng sanh.
Phiền não đó nó làm cho cái thấy biết Phật bị khuất lắp, không hiện
và không mọc lên được, cũng như bùn khuất lắp hoa sen. Nhưng khi thứ bùn
đó được vạch ra, hoa tất sẽ mọc lên. Hoa mọc lên từ trong bùn cũng
như cái thấy biết Phật mọc lên từ trong tâm phiền não của chúng sanh.
Vì thế Thiền sư Chân Nguyên của Việt Nam chúng ta đã diễn tả:
- "Trần trần sát sát Như Lai,
- Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa sen.
- Hoa là bản tánh trạm viên,
- Bao hàm trời đất dưới trên cùng bằng.
- Hậu học có biết hay chăng ?
- Tâm hoa ứng miệng, nói năng mọi lời"
- Trần trần sát sát Như Lai:
Trần trần sát sát... nghĩa là cõi
Phật nhiều vô cùng, vô tận như bụi trần không ai mà đếm hết. Thế giới
của chúng sanh, thế giới của Phật cũng nhiều như thế, hằng hà sa số
thế giới. Nếu chúng ta thay thế chữ trần trần sát sát bằng hằng hà
sa số thế giới thì thế giới nào hễ có chúng sanh tức nhiên thế giới
đó có Phật. Cho nên trần trần sát thế giới đều có trần trần sát
sát Phật, trần trần sát sát chúng sanh.
Chúng sanh mỗi người mỗi có hoa
sen :
Mỗi người chúng ta gọi là chúng
sanh dầu có trí, không trí, giàu sang, nghèo khổ, thông minh, ngu đần, chí
đến hạng hung dữ cũng đều có hoa sen. Họ hung dữ ngày nay nhưng ngày
mai hết hung dữ, chẳng lẽ họ cứ hung dữ đời đời kiếp kiếp mà
không lúc nào có một chút từ tâm hay sao ? Dầu họ u tối tới mức nào
thì trong họ cũng có một chút sáng suốt. Xét cho cùng, những hạng người
như vậy họ cũng có tình thương chứ không phải hung dữ hoàn toàn. Thế
thì chính nơi người ấy, cũng có một đốm lửa sáng hay có một chút hoa
sen tức là mỗi người có một hoa sen như Ngộ Ấn Thiền sư người Việt
Nam đã nói :
- "Diệu tánh rỗng không chẳng thể bâu, (vin)
- Rỗng không tâm ngộ, khó gì đâu?
- Trên non ngọc đốt màu thường đẹp
- Sen nỡ trong lo ướt chưa khô"
- (Thuyền Uyển Tập Anh Lê Mạnh Thất dịch)
Hoa là bản tánh trạm viên :
Trạm là đứng lặng. Viên là tròn
đầy, viên mãn. Hoa sen nơi chúng sanh thì dù có lặn lội (luân hồi khi
làm trời khi làm thì người, khi súc sanh, khi ngạ quỉ...), nói chung là
luân hồi trong sáu nẽo. Nếu làm người cũng đủ mọi hạng. Khi thì làm
người thông minh, người ngu dốt, người lành người ác... dầu làm người
gì thì làm nhưng cái hoa sen, tánh tri kiến Phật vẫn không bao giờ thay đổi.
Nó luôn luôn vắng lặng, tròn đầy, không méo mó, không biến mất, không
thêm bớt. Thành thử tri kiến Phật ở đây nói bằng ẩn dụ hoa sen, thì
nơi chúng sanh hay nơi Phật cũng y như nhau, không khác. Nhìn bề ngoài, hình
tướng diện mạo mỗi người mỗi khác, nhưng Phật tính trong họ là hoa
sen không khác, nó chỉ khác nhau ở chỗ biểu hiện mà thôi.
Bao hàm trời đất dưới trên cùng
bằng :
Hoa sen đó viên tịch bình đẳng
như nhau, không hơn, không thua, không cao, không thấp, tất cả đều bình đẳng.
Chỉ khi nào hoa sen đó bị vùi lấp, bởi lấp bùn phiền não, thì khi đó
con người trở nên bé nhỏ. Khi nào cái ta (ngã) phiền não trong mỗi chúng
sanh nhỏ đi thì khi ấy hoa sen Phật tánh mới nở ra to lớn được. Đức
Phật là hoa sen đã nở trọn vẹn, cho nên đức Phật lớn lắm. Đức Phật
to lớn nên Ngài diệt độ đã 2500 rồi mà chúng sanh vẫn niệm tưởng đến
Ngài, vẫn thấy Ngài hàng ngày, khắp nơi.
Phật là bao hàm trời đất dưới
trên cùng bằng. Nên Ngài tuyên bố "Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc
tôn" Ngài là chu biến pháp giới (biến khắp mười phương).
Hậu học có biết hay chăng ? :
Ngài Chân Nguyên nói hậu học (tức
chỉ vào chúng ta đây) có biết hay không? Là một lời nhắc nhở để chúng
ta cảnh tĩnh, dứt bỏ mê tình tự tìm thấy lại hoa sen trong chính mình để
đến bờ giác.
Tâm hoa ứng miệng, nói năng mọi lời
:
Là ý nghĩ của chúng ta (tâm hoa)
ứng ra nơi miệng mình để nói. Nói cho đúng với cái tâm hoa tức cái hoa
sen trong tâm mình ứng ra mà nói. Khi ứng thì ứng ra hoa thơm chứ đừng
ứng ra hoa thối, nói ra ai cũng ghét, không ưa nghe. Tâm hoa thì lời phải
thơm, nhẹ nhàng phảng phất hơi thơm y như hoa sen. Giáo pháp của Phật cũng
có cái đặc sắc, vi diệu như tâm hoa - Hoa sen trong tâm. Phật tánh là tâm
hoa, tâm hoa là tri kiến Phật, đó chính là diệu pháp. Diệu pháp ở trong
bùn mà không dính mùi bùn nên gọi là diệu pháp, tức là pháp mầu. Ai
được cái pháp mầu xuất hiện thì an lành, nên gọi là diệu pháp.
Tất cả giáo lý Phật từ đầu đến
cuối đều lấy hoa sen làm biểu tượng, cho nên đạo Phật cũng gọi là
đạo Hoa sen :
- Khi đức Phật giáng sanh cũng bước
đi trên hoa sen.
- Khi đức Phật sắp thuyết pháp cũng
nhìn thấy hoa sen.
-Khi đức Phật truyền pháp cho
Ngài Ma-ha Ca Diếp ở trên hội Linh Sơn cũng bằng cái hoa sen.
Trong lịch sử Phật có nói tâm
truyền tâm. Khi Ngài truyền chánh pháp nhãn tạng cho Tôn giả Ma-ha Ca Diếp
ở hội Linh Sơn, hôm đó, đức Thích Ca không thuyết gì hết. Chúng hội tập
họp rồi, Ngài nhìn Hội chúng một lượt rồi từ từ cầm một cái hoa
sen đưa lên trước mặt mọi người. Cả chúng hội khi đó đều im lặng
không ai hiểu gì cả, duy chỉ có Tôn giả Ma-ha Ca Diếp chúm chím cười.
(niêm hoa vi tiếu). Phật biết Ca Diếp đã ngộ được cái hoa sen mà Phật
đưa lên. Đó chính là tâm ấn (lấy tâm ấn tâm). Tôn giả Ma-Ha Ca Diếp mặc
dầu không nghe Phật nói gì hết nhưng mà được cái tâm của Phật cho,
nên mỉm cười. Đức Phật cũng thấy cái chỗ Ca Diếp đã ngộ được
cho nên mới nói rằng : "Ngô hữu Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn Diệu
tâm, thật tướng vô tướng, vi diệu pháp môn, kim phó nhữ Ma-ha Ca Diếp".
(Ta có kho tàng mắt Tạng, con mắt Chánh pháp là Niết-bàn diệu tâm, thật
tướng vô tướng. Nay phó chúc cho Ma-ha Ca Diếp).
Từ đó Ma-ha Ca Diếp lãnh cái giáo
chỉ của Phật để sau này khi đức phật vừa nhập Niết-bàn thì ngài
có kết tập Kinh điển lần đầu tiên để truyền bá cho đến ngày nay.
Kinh Hoa Nghiêm nói về Hoa Tạng thế
giới như sau : "Có những biển hương thủy nhiều như bụi trần của
mười bất khả thuyết cõi Phật. Từ biển ấy nổi lên hoa sen lớn tên
Nhất thiết ma ni vương trang nghiêm,... Đây là thế giới hoa sen".
Những ai đã từng đọc truyện Tây
Du Ký thì chắc biết rằng : Đường Tam Tạng đi thỉnh kinh ở Tây Trúc.
Trải qua bao nhiêu sự khó khăn, gian nan nguy hiểm, mà sau này người ta tiểu
thuyết hóa thành động ma, động quỉ trên bước đường đi cầu pháp của
Ngài.
Khi triều nhà Đường bên Tàu mới
thống nhất đất nước, cấm ngặt sự ra vào Trung Hoa. Ngài Huyền Trang
cùng với vài vị Hoà thượng nữa dâng biểu lên nhà vua xin phép qua Ấn
Độ du học.
Đợi mãi không được phép, các vị
Hòa thượng cùng dâng biểu với ngài ngả lòng bỏ đi. Ngài kiên nhẫn đêm
ngày cầu nguyện các vị Bồ-tát gia hộ.
Một đêm năm 629, Ngài nằm mộng
thấy một ngọn Linh Sơn ở giữa biển, bèn nhảy xuống nước để lội
qua, thì vừa lúc đó, một bông sen xuất hiện, đưa tới chân núi. Thích
quá, tỉnh dậy.
Từ đó Ngài càng quyết tin rằng
thế nào cũng thành công, và chính nhờ đó mà Ngài đã thắng mọi gian nan
sau này.
Mười sáu năm đi thỉnh kinh, mười
chín năm âm thầm chuyên dịch kinh, khi tuổi sắp mãn Ngài gát bút, dặn
dò đệ tử : "Đời thầy sắp hết, thầy nằm xuống thì đừng bầy
vẽ gì cả ! Quấn thầy trong một chiếc chiếu rồi chôn trong một thung lũng,
chỗ nào vắng vẻ, tịch mịch !" Trước khi tịch, Ngài như bừng tỉnh,
nói : Ta thấy một bông sen ở trước mắt, tươi đẹp lạ lùng !
Ba mươi lăm năm trước Ngài thấy
một hoa sen, đưa Ngài qua biển cả đến ngọn núi Phật, bông sen lần này
lại đưa Ngài đến cõi Phật. Đó cũng là hoa sen".
Ngày nay chúng ta niệm Phật cầu
vãng sanh cũng là hoa sen (chín phẩm sen vàng). Thành thử hoa sen bên trong nó
ứng với bên ngoài. Bên ngoài phù hợp với bên trong. Nếu tâm của chúng
ta thanh tịnh đến chừng nào thì hoa sen của chúng ta khi cầu nguyện vãng
sanh cũng lớn chừng đó (Thượng phẩm thượng sanh.) Ngược lại, nếu hoa
sen của chúng ta nhỏ bé chỉ lu lú dưới nước thì dù có ngồi lên hoa
sen để vãng sanh Tịnh độ cũng chỉ ngồi được hoa sen hạ phẩm mà
thôi, chứ không làm sao lên được hoa sen trung phẩm và thượng phẩm. Thế
cho biết hoa sen trong tâm như thế nào thì ứng hiện ra hoa sen bên ngoài như
thế đó. Đời này nó hiện ra như thế nào, thì ngày mai ở cõi Tịnh Độ
cũng hiện như thế ấy.
Vậy tụng trì, sao chép, diễn
nói... Pháp Hoa cũng chỉ để làm sao cho cái hoa sen ở trong chính tự tâm
chúng ta ngày càng mọc lên tươi tốt, thoát khỏi bùn, xuất hiện phô
bày, tỏa hương ngát thơm cho đời. Như nàng Tiểu Thánh từng nguyện trước
Phật đài :
- "Khể thủ từ bi đạo sĩ tiền,
- Mạc sanh Tây thổ mạc sanh thiên,
- Nguyện vi nhất trích dương chỉ thủy,
- Sái tác nhân gian tịnh đế liên."
Nghĩa là:
- "Trước đấng từ bi nguyện mấy lời,
- Chẳng sanh đất Phật chẳng lên trời,
- Xin làm giọt nước cành dương nhỏ.
- Sái rực đài sen sạch bụi đời."
NHẤT THỪA ĐẠO [^]
Có một câu trong phẩm Phương tiện
của kinh Pháp Hoa mà người học Phật thường để ý, đó là câu :
- "Chư Phật lưỡng túc tôn,
- Tri pháp thường vô tánh,
- Phật chúng tùng duyên khởi,
- Thị cô thuyết nhất thừa.
- Thị pháp trụ pháp vị,
- Thế gian tướng thường trụ,
- Ư đạo tràng tri dĩ,
- Đạo sư phương tiện thuyết." 2
Bây giờ lần lượt chúng ta tìm hiểu
câu này có ý nghĩa gì?
Chư Phật : Chỉ tất cả Phật
trong quá khứ, hiện tại, vị lai. Các đức Phật đều có danh hiệu Lưỡng
túc tôn. Bằng đôi chân, chúng ta đi chỗ này chỗ kia, thì đức Phật
cũng có hai chân phước đức và trí tuệ dạo khắp tam giới để cứu độ
chúng sanh. Phước đức và trí tuệ hay đại bi và đại trí, hai đức tính
tôn quí đó Phật đã thành tựu, nên Ngài được tôn xưng là đấng Lưỡng
túc tôn. Vì có đại bi đại trí nên Phật biết rõ tánh các pháp. Tánh đó
là tánh bình đẳng, bất sinh bất diệt hay còn gọi là vô tánh mà chỉ
có trí Bát-nhã mới có thể ngộ nhập. Chư Phật rõ được tánh ấy, nên
nói: "Tri pháp thường vô tánh". Câu này được giải thích khác
nhau tùy theo tinh thần của mỗi tông phái. Tánh Tông giải thích : Các pháp
là chơn không, vô tự tánh, vì các pháp nhờ nhiều nhân duyên, nhờ đối
đãi mà thành. Lìa các duyên, lìa sự đối đãi thì không có các pháp. Như
vậy, các pháp có mà như không, vì cái có đó không có tự tánh, tức
không có tánh độc lập với cái khác. Với tâm lý phàm phu, chúng ta thấy
có pháp này pháp kia sai khác, cái thấy đó không đúng với thực tướng các
pháp. Đức Phật thì thấy các pháp trùng trùng duyên khởi, tương quan lẫn
nhau vô cùng tận mà hình thành. Như vậy, một pháp hiện hữu giữa tất cả
các pháp, tất cả các pháp hiện hữu từ một pháp. Ngoài một pháp không
có tất cả pháp, ngoài tất cả pháp không có một pháp. Nếu thấy các
pháp riêng biệt là không hiểu rõ lý duyên khởi ấy. Đức Phật biết rõ
các pháp đều vô tự tánh. Pháp sinh cũng vô tự tánh, pháp diệt cũng vô
tự tánh, pháp có, pháp không, đều vô tự tánh. Chẳng hạn, khi ta thấy
pháp hiện hữu trước mắt, thì pháp đó cũng vô tự tánh, mà khi nó
không hiện hữu, cũng là vô tự tánh. Các pháp có khi thành, khi hoại, khi
có, khi không, gọi là sanh tử thành hoại, nhưng cái vô tự tánh của các
pháp thì không có sanh tử thành hoại, nên Bát-nhã tâm kinh có câu :
"Thị chư pháp không tướng bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh,
bất tăng, bất giảm". Câu này có thể giải thích ý nghĩa câu
"Tri pháp thường vô tánh" của kinh Pháp Hoa.
Nhưng theo tinh thần Tướng tông,
ngài Khuy Cơ giải thích như sau : Các pháp chia ra pháp thường tánh và pháp
vô tánh. Pháp thường tánh là viên thành thật, pháp vô tánh là biến kế
chấp và y tha khởi. Các pháp do duyên mà hiện hữu, nên gọi là y tha khởi.
Chúng sanh chấp các pháp y tha này là có thực, đó là biến kế chấp, nghĩa
là một sự hiểu biết theo vọng tình. Các nhà Duy thức thường lấy ví dụ
đêm thấy sợi dây thành con rắn. Con rắn đó trên vọng tình thì có mà
trên sự thực khách quan thì không. Trong luận có một bài kệ để diễn tả
ba tự tánh nói trên của các pháp :
- "Bạch nhất kiến thằng, thằng thị ma,
- Dạ lý kiến thằng, thằng thị xà.
- Ma thượng sanh thằng, do trí loạn,
- Khởi kham thằng thượng cánh sanh xà?"
Tạm dịch:
- "Ban ngày thấy dây, dây là gai,
- Trong đêm thấy dây, dây là rắn.
- Gai thấy thành dây, trí đã loạn,
- Dây còn hóa rắn nữa sao đang?"
Tất cả các pháp đều do duyên
sinh gọi là y tha khởi, vì y tha khởi nên như huyễn, không có thực. Thấy
dây là gai (thằng thị ma) tức thấy rõ thực tướng của dây, thì gọi
là viên thành thật. Thấy gai là dây (ma thượng sanh thằng) là y tha khởi
tánh. Thấy dây thành rắn (thằng thượng cánh sanh xà) là biến kế chấp.
Các pháp y tha và biến kế chấp đều là pháp hư vọng, vô tánh, chỉ có
viên thành thật là pháp thường tánh.
Pháp nhất thừa cũng là chân như,
thật tế pháp trụ, pháp vị. Chữ "pháp trụ, pháp vị" ở trong
câu kệ trên đồng nghĩa với chân như, pháp tánh, thật tế, thật tướng,
nghĩa là đều chỉ tánh bình đẳng nhất như, tánh thường hằng trong tất
cả pháp. Chân như cũng là thật tướng thường trú của thế gian. Ngộ
được lý chân như này thì thấy rõ tất cả các pháp thế gian đều ở
trong chân như, đều thường trú bất biến kiến "thế gian tướng thường
trú". Tướng đây là thực tướng, không phải tướng hư vọng bên
ngoài, (giả tướng thì có sinh trú diệt, mà thực tướng thì luôn luôn
là chân như thường trú).
Đức Phật ở Bồ-đề đạo tràng
chứng ngộ được pháp tánh ấy và ngộ được Bồ-đề chủng tử của
chúng sinh phải cần có duyên mới phát khởi được, cho nên Ngài dùng các
phương tiện để làm phát khởi Bồ-đề chủng tử, nên mới nói pháp nhất
thừa. Bồ-đề chủng tử là hột giống lớn, hột giống làm Phật, thì
phải có pháp lớn là pháp nhất thừa mới đủ sức làm duyên cho nó phát
khởi (Phật chủng tùng duyên khởi, thị cố thuyết nhất thừa... ư đạo
tràng tri dĩ, Đạo sư phương tiện thuyết).
Pháp Phật chứng bất khả tư nghị,
chỉ có Phật với Phật hiểu nhau, còn chúng sanh không thể ngộ nhập trực
tiếp, (Trường Bộ Kinh nói : Pháp này do Ta chứng được thật là sâu
kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu,
chỉ người có trí mới hiểu thấu. Còn quần chúng này thì ưa ái dục,
khoái ái dục, ham thích ái dục, thật khó thấy được định lý y tánh
duyên khởi pháp. Thật là khó thấy được tịnh lý tất cả hành là tịch
tịnh, tất cả sanh y được từ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái diệt
Niết-bàn), nên Phật phải dùng phương tiện, tuỳ căn cơ trình độ chúng
sanh để nói. Nghĩa là khi nói pháp không phải Ngài luôn luôn đem lý nhất
thừa ra dạy. Chẳng hạn đối với phàm phu, ngoại đạo, căn cơ thấp thì
Ngài chỉ dạy bố thí, trì giới. Với hàng Thanh Văn trình độ khá hơn,
Ngài dạy Tứ diệu đế để thấy khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ
và con đường diệt khổ. Cao hơn nữa, đối với hàng Duyên giác quán được
lý nhơn duyên sinh, Ngài mới dạy 12 Nhơn duyên để đưa họ đến giác ngộ.
Tất cả những pháp đó đều là phương tiện Phật dùng để dìu dắt
chúng sinh cho đến khi phát khởi được Bồ-đề chủng tử (Bồ-đề tâm)
mới nói nhất thừa. Vì chỗ chứng của Phật thâm diệu, căn cơ của chúng
sinh không thể một lần mà ngộ được, Phật phải dùng phương tiện giáo
hóa dần dần. Phẩm Phương tiện trong kinh Pháp Hoa do đó giữ vai trò rất
quan trọng. Thí dụ về phương tiện được Phật dùng để giáo hóa : Một
bà mẹ sầu khổ vì con chết, bà không nỡ đem chôn, cứ ôm con khóc lóc
mà đi đến Phật, Ngài bảo bà hãy đi xin lửa ở nhà nào không hề có người
chết, đem về để Ngài cứu đứa con. Bà vâng lời ra đi, đến nhà nào cũng
sẵn sàng cho lửa, nhưng khi hỏi đến người chết thì không nhà nào khỏi
có người chết. Nhà thì chết cha, chết mẹ, anh em, chị em, con cháu. Cứ
mỗi câu trả lời như là một tia lửa chiếu sáng tâm tư. Cuối cùng bà dần
dần tỉnh ngộ trước sự thật, nên nỗi đau khổ cũng nguôi dần. Bà trở
về đức Phật trong tâm trạng bình tĩnh hơn. Bà bạch lại với đức Phật
rằng : "Việc Ngài dạy con đã làm xong". Đức Phật nhân đấy
thuyết pháp cho bà, bà hoan hỶ kính thọ, đem xác con đi chôn, cầu nguyện
cho nó mà không còn quá đau khổ như trước. Đó là phương tiện mà nếu
đức Phật không dùng thì không thể dẫn bà mẹ đau khổ ấy ra khỏi phiền
não, đạt đến trí tuệ. Đối với căn cơ của một người đang ngập chìm
trong đau khổ như bà này thì cần phải nhờ bài học thực tế trực tiếp
như Đức Phật dạy mới thức tỉnh nổi, chứ nếu chỉ giảng lý thì thật
khó làm cho bà lay chuyển. Không có quyền trí (hay phương tiện trí) thì căn
bản trí không thể hiển bày được.
Người ta thường xem đức Phật
như một đấng thiêng liêng, một vị thần. Ngài đã đánh tan hiểu lầm
đó một cách dứt khoát trong câu trả lời Bà-la-môn Dona. Bà-la-môn này, một
hôm, trông thấy dấu chân Ngài và chú ý đến những đặc điểm khác thường
nơi dấu chân ấy, ông ta lần tìm đến chỗ đức Phật và hỏi :
- Ngài có phải là một vị trời
chăng? Phật đáp : Không, Bà-la-môn lại hỏi : Vậy Ngài là Càn-thát-bà chăng
? (Là một loài nhạc thần). Ngài đáp : Không. - Ngài là quỉ Dạ xoa chăng
? Ngài đáp : Không phải. Vậy có phải Ngài là người chăng ? Ngài đáp :
Ta không phải là người. Quá ngạc nhiên, Bà-la-môn hỏi tiếp : Vậy Ngài
là ai? Khi ấy đức Phật trả lời như sau : Nầy Bà-la-môn, Ta không phải
là trời, nhưng đối với loài trời chưa giác ngộ, còn mê hoặc thì Ta
là một vị trời đã giác ngộ, hết mê hoặc. Ta không phải là
Càn-thát-bà, là Dạ-xoa, là người.., nhưng đối với loài Càn-thát-bà,
loài Dạ-xoa, loài người... chưa giác ngộ, còn mê hoặc, thì Ta là loài
Càn-thát-bà... đã giác ngộ, hết mê hoặc. Ví như hoa sen sanh ra trong nước,
lớn lên trong nước, nhưng không bị nước thấm ướt. Ta sanh ra trong đời,
lớn lên trong đời, Ta chinh phục đời, không bị đời làm ô nhiễm. Như
vậy Ta là Phật.
Bà-la-môn Dona sụp lạy và xin quy y
Phật.
Qua chuyện ấy, chúng ta thấy đức
Phật ở trong tất cả Trời, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, người... nhưng vượt lên
tất cả Trời, Càn-thát-bà, Dạ-xoa, người... Ngài không có xa vời đối
với chúng ta, nhưng rất khác chúng ta, vì Phật là một người đã hết
mê hoặc, đã giải thoát và viên mãn lòng từ bi cứu độ chúng sanh, chỉ
có thế. Nhưng chính đó là điều cao quí nhất, siêu việt nhất mà tất cả
chúng ta hết lòng tôn thờ để tu theo.
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |