- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
7a
- PHÂN TÍCH PHẨM TỰA
- I. PHẦN BỐ CỤC
Phẩm đầu tiên của kinh Pháp Hoa
là phẩm Tựa. Trong các kinh phần nhiều đều chia ra ba phần:
. Phần Tựa
. Phần Chánh tông
. Phần Lưu thông
Phần Tựa phần nhiều chỉ một
đoạn ngắn, riêng kinh Pháp Hoa phần Tựa chiếm trọn một phẩm. Vì vậy
cho nên trong phẩm Tựa bao hàm nghĩa lý được coi như một phần khai thị
giáo nghĩa ở phần Chánh tông. Phẩm Tựa được chia đại cương như sau:
I. Thông tựa: Như thị ngã văn...
II. Biệt tựa: Gồm có 5 phần:
A. Tập chúng.
B. Hiện thụy: Hiện điềm lành.
Hiện 6 điềm lành ở cõi này như:
Hiện ra sự thuyết pháp, nhập định, mưa hoa, đất rung động, chúng hoan
hỶ, phóng hòa quang.
Hiện 6 điềm lành ở cõi khác như:
Thấy lục thú chúng sanh, thấy Phật ra đời, nghe Phật thuyết pháp, bốn
chúng tu hành đắc đạo, hàng Bồ-tát tu hành, Phật Niết-bàn xây tháp
cúng dường.
C. Nghi niệm:
Di Lặc nghi không biết Phật hiện
ra những điềm lành để làm gì?
Đại chúng nghi không biết Phật hiện
ra những điềm lành để làm gì?
D. Di Lặc hỏi Văn Thù: Di Lặc thuật
lại:
Sáu điềm lành đã trông thấy ở
cõi này để hỏi.
Sáu điềm lành đã trông thấy ở
cõi khác để hỏi.
E. Văn Thù đáp:
Trù Lượng đáp: Văn Thù trả lời
theo chổ Bồ-tát suy nghĩ.
Dẫn chuyện xưa sánh chuyện nay đáp:
Dẫn Phật pháp của đức Phật Nhật
Nguyệt Đăng Minh tối sơ.
Dẫn Phật pháp của hai vạn đức
Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh kế tiếp.
Dẫn Phật pháp của đức Phật Nhật
Nguyệt Đăng Minh sau cùng.
c1. Đức Phật này từng hiện đủ
6 điềm lành như đức Phật Thích Ca hôm nay: Thuyết Pháp, nhập định,
mưa hoa, đất rung động, chúng hoan hỶ, phóng hào quang.
c2. Khi xuất định liền giảng kinh
Pháp Hoa cho Diệu Quang Bồ-tát.
c3. Trước khi Niết-bàn thọ ký cho
Đức Tạng.
c4. Nhập Niết-bàn Diệu Quang trì
kinh.
Kết đáp: Văn Thù đáp, quá khứ
đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh sau khi hiện 6 điềm lành, xuất định
liền giảng kinh Pháp Hoa, nên biết hôm nay đức Thích Ca cũng hiện 6 điềm
lành, như vậy sau khi xuất định Ngài cũng giảng kinh Pháp Hoa. Cuối cùng
là bài kệ trùng tuyên lờI đáp của Văn Thù.
II. PHẦN
KINH VĂN [^]
Kinh văn: Như vậy tôi nghe.
Một thời đức Phật ở núi Kỳ-xà-quật
thuộc thành Vương Xá, cùng chúng đại Tỳ-kheo một vạn hai ngàn người
đều đông đủ. Đều là những bậc A-la-hán các lậu đã hết, không còn
phiền não, đã được lợi mình, hết các kiết sử, tâm được tự tại,
tên là A-nhã Kiều-Trần-Như, Ma-Ha-Ca-Diếp... các vị đại A-la-hán như vậy
là những vị chúng đều biết.
Giải thích: Như thị ngã văn.
Pàli dùng chữ evam me suttam. Evam có
nghĩa là như vậy, bao hàm ý nghĩa tin thuận. Nếu như thị có nghĩa là như
thật, như như thì Phạn âm là tathata chứ không dùng chữ evam. Bởi khi
Tôn giả A-nan kết tập đầu tiên để chữ Như thị có nghĩa rằng điều
tôi nghe đây là đúng như vậy. Phật nói như vậy tôi nghe đúng như vậy,
mà nghe đúng như vậy với lòng tin thuận theo lời Phật nói. Nếu như nghe
mà không tin thuận theo thì không gọi là như vậy. Tin thuận theo lời Phật
dạy, nghe lời Phật dạy, Ngài nói như thế nào, bây giờ thuật lại đúng
như thế đó, không thêm không bớt, và trực tiếp nghe Phật nói, chứ
không phải nghe từ một người khác nói lại nên gọi như vậy. Do lẽ chính
từ Tôn giả A-nan tín thuận chắc chắn như vậy, nên gây được lòng tin
cho người đọc kinh sau này tin chắc lời đó là Phật nói. Cho nên đầu
tiên vào kinh để Như Thị ngã văn là lý do đó.
Bấy giờ đức Phật trú tại núi
Kỳ-xà-quật thuộc thành Vương Xá cùng với chúng Tỳ-kheo như vậy... Các
vị ấy đều là bậc đại A-la-hán, các lậu đã dứt. Thế nào gọi là
các lậu? Lậu có nghĩa là lọt, rơi, rớt, rỉ, đó là một tên khác của
phiền não, của kiết sử. Lậu có ba ý nghĩa:
1. Tiết lậu lục căn môn: Phiền
não tham sân uế trược rỉ ra ở saú căn.
2. Lậu thất chánh đạo: Làm lọt
mất chánh đạo.
3. Lậu lạc tam giới: Bị trôi lăn
trong ba cõi.
Các lậu là: Dục lậu, hữu lậu
và vô minh lậu. Ba thứ này làm triền phược chúng sanh trong tam giới mà
các bậc A-la-hán đã dứt sạch những thứ đó, ra khỏi ba cõi nên gọi
là vô sanh không còn phiền não không còn kiết sử, tâm được tự tại, nên
gọi "chư lậu dĩ tận". Các vị tâm được tự tại thành bậc
A-la-hán rất nhiều, như Tôn giả Xá-Lợi-Phất: Trí tuệ đệ nhất, Tôn
giả Mục-Kiền-Liên: Thần thông đệ nhất...mỗi vị mỗi hạnh. Người
thì chuyên tu đầu đà, người thì chuyên tu mật hạnh, và có vị thì
chuyên tu hạnh thiểu dục tri túc như Ngài Bạc-Câu-La. Trong A Dục Vương
truyện có kể rằng: Sau khi Vua A-Dục hồi đầu theo Phật, hông ăn năn hối
cải tội ác, nên hết lòng phát huy đạo pháp, cất chùa xây tháp, cúng dường
Xá-Lợi..., Một hôm nhà vua đi chiêm bái tháp Phật và Thánh Tăng, mỗi tháp
nhà vua đều cúng dường lễ lạy và mỗi tháp nhà vua đều hỏi lại công
đức tu hành của các ngài, ngài nào cũng có công hạnh to lớn, nhưng khi
đến tháp ngài Bạc-Câu-La thì biết ngài chẳng có công hạnh gì cả, duy
chỉ có hạnh thiểu dục tri túc mà thôi, cho nên vua A-Dục chỉ cúng dường
một đồng tiền. Nhưng lạ thay, khi nhà vua về đến cung điện thì một
đồng tiền cúng dường nơi tháp ngài Bạc-Câu-La lại được hoàn trả lại.
Bấy giờ vua A-Dục mới càng kính phục hạnh thiểu dục tri túc của
Ngài.
Kinh văn: Lại có hàng Hữu học và
Vô học hai ngàn người. Lại có Ma-ha Ba-xà-ba-đề Tỳ-kheo-ni và quyến thuộc
sáu ngàn người đông đủ. Mẹ của La-Hầu-La là Da-Du-Đà-La Tỳ-kheo-ni
cùng với quyến thuộc đông đủ.
Bồ-tát Ma-ha-tát, tám vạn người
đều là những vị không thối chuyển vô thượng chánh đẳng Bồ-đề, chứng
được pháp Đà-la-ni, lạc thuyết biện tài.
Giải thích: Đà-la-ni gọi là tổng
trì. Tổng trì có bốn nghĩa: Văn tự tổng trì, Pháp tổng trì, Hành tổng
trì, Giải tổng trì. Sự hiểu biết được giữ gìn chặt chẽ, đối với
pháp hiểu biết trọn vẹn... cũng gọi là Đà-la-ni.
Lạc thuyết biện tài, đây là một
trong bốn món vô ngại biện. Nói về vô ngại biện, tức là đứng về mặt
ứng dụng. Còn về mặt hiểu biết thì gọi là bốn vô ngại giải, đó
là: Pháp vô ngại giải, nghĩa vô ngại giải, từ vô ngại giải và lạc
thuyết vô ngại giải.
Bốn vô ngại biện gồm có:
1. Pháp vô ngại biện: Đối với
Tam tạng kinh điển, hiểu biết trên phương diện ngôn thuyết năng thuyên.
2. Nghĩa vô ngại biện: Biết được
trên phương diện lý nghĩa sở thuyên.
Thuyên: Nói. Năng thuyên: Hay nói. Sở
thuyên: Được nói. Ngôn giáo là năng thuyên, lý nghĩa là sở thuyên. Hiểu
như thế để đừng kẹt mắc vào ngôn giáo, lấy ngôn giáo làm lý nghĩa tức
là y nghĩa bất y ngữ. Pháp vô ngại biện chỉ về mặt năng thuyên: Ngôn
giáo. Nghĩa vô ngại biện chỉ về mặt sở thuyên: Nghĩa lý.
3. Từ vô ngại biện: Sự vận dụng
ngôn từ, cú pháp, văn phạm, rành rẽ, mạch lạc.
4. Lạc thuyết vô ngại biện:
a) Vui vẽ đem giáo pháp Phật ra
truyền bá.
b) Trong sự truyền bá gây được
niềm vui cho người nghe.
Trong bốn vô ngại biện được đúc
kết thành hai chữ như trong kinh Lăng Già:
-Tông thông (gồm pháp và nghĩa): Thông
suốt về mặt tôn chỉ giáo nghĩa.
-Thuyết thông (từ và lạc): Thông
suốt về phương diện trình bày diễn tả.
Kinh văn: Chuyển pháp luân bất thối,
cúng dường vô lượng trăm ngàn các đức Phật, đối với chư Phật, gieo
các gốc lành, thường được các đức Phật tán thán. Những vị này lấy
từ bi đề tu thân, khéo đi vào trí tuệ Phật, thông đạt đại trí, đến
bờ bên kia. Những vị đó danh tiếng khắp cả vô lượng thế giới hay độ
vô số trăm ngàn chúng sanh.
Giải thích: Dĩ từ tu thân thiện
nhập Phật tuệ. Dĩ từ tu thân: Tức đem thân hành động theo những pháp
lành, lợi lạc. Thiện nhập Phật tuệ: Là đi vào trí tuệ Phật. Tam tạng
giáo điển là cửa ngỏ đi vào trí tuệ Phật, tu hành quán niêm là cửa
ngõ đi vào trí tuệ Phật. Nhưng nếu không khéo đi thì cũng không vào được
nên trong kinh dùng chữ "Thiện"
Kinh văn: Những vị đó tên là Văn-Thù-Sư-Lợi
Bồ-tát, Quán-Thế-Âm Bồ-tát...Các vị đại Bồ-tát như vậy gồm có
tám vạn người đông đủ.
Bấy giờ Thích-đề-hoàn-nhơn cùng
với quyến thuộc hai vạn thiên tử đông đủ.
Lại có Minh nguyệt thiên tử...và
tứ đại Thiên Vương cùng với quyến thuộc một vạn thiên tử câu hội.
Với Tự tại thiên tử, đại Tự tại thiên tử, cùng với quyến thuộc
ba vạn thiên tử đông đủ.
Giải thích: Đây là những vị trời
ở Lục dục giới, gồm có: Tứ thiên vương, Đao-Lợi thiên, Dạ-ma thiên,
Đâu-suất-đà thiên, Hóa-lạc thiên, Tha-hóa-tự-tại thiên.
Kinh văn: Bấy giờ Ta-bà thế giới
chủ đại Phạm thiên vương...cùng với hai vạn quyến thuộc đông đủ.
Giải thích: Ta-bà thế giới chủ
hay Tam thiên đại thiên thế giới. Hai danh từ đó trên phương diện thể
cách giống nhau.
Tam thiên đại thiên có hai thuyết
khác nhau:
1. Tứ châu, Tứ ác thú, Lục dục
Tinh Phạm thiên: Tứ Châu, Tứ ác thú, Lục dục, Phạm thiên, như thế gọi
là một thế giới thuộc một thái dương hệ. Một ngàn thế giới như vậy
gọi là một tiểu thiên thế giới. Một ngàn lần tiểu thiên thế giới gọi
là một trung thiên thế giới. Một ngàn lần trung thiên thế giới gọi là
một đại thên thế giới, tức thế giới ba lần ngàn. Nhưng Tam thiên đại
thiên thế giới như vậy là chỉ ngang Sơ thiền trở xuống.
2. Tứ châu, Tứ ác thú, Lục dục
Tinh Phạm thiên: Đó là một tiểu thế giới. Một ngàn lần Phạm thiên như
vậy bằng một nhị thiền thiên; một ngàn nhị thiền thiên bằng một tam
thiền thiên; một ngàn tam thiền thiên bằng một tứ thiền thiên, hay tam
thiên đại thiên thế giới. Tam thiên đại thiên thế giới này lên đến
cõi Tứ thiền. Đây là cõi sở hóa của đức Phật Thích Ca. Cõi này còn
được gọi là Sách-ha thế giới hay Ta-bà thế giới, nghĩa là thế giới
cam chịu mọi thống khổ.
Kinh văn: Có tám Long vương, Nan-đà
long vương...đều cùng với bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đông đủ.
Lại có bốn Khẩn-na-la vương (Ca
thần)... cùng với bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đông đủ.
Lại có bốn Càn-thát-bà vương (Nhạc
thần)... cùng với bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đông đủ.
Lại có bốn A-tu-la vương... cùng với
bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đông đủ.
Lại có bốn Ca-lầu-la vương (Kim sí
điểu)... cùng với bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đông đủ.
Và con bà Vi-đề-hy, là vua A-xà-thế
cùng với bao nhiêu trăm ngàn quyến thuộc đông đủ.
Mỗi mỗi lễ Phật xong, lui ngồi một
bên.
Giải thích: Từ đây trở về trước
là chúng hội trong hội Pháp Hoa. Trong hội này có vua A-xà-thế, đó là một
ông vua có vị trí rất lớn trong Phật giáo và có một lịch sở kỳ lạ
nhất:
Ông là bạn thân của Đề-bà-đạt-đa
(khi ông chưa theo Phật) cùng Đề-bà-đạt-đa hại Phật, nhưng chính ông cũng
là người ngoại hộ đặc biệt nhất trong Đại hội Kiết tập lần thứ
nhất sau khi Phật Niết-bàn. Đó là bản thân ông đối với Phật giáo.
Còn con người và cuộc đời ông thì sao?
Hoàng tử A-xà-thế (Vị sanh oán
hay chiết chỉ) con Bình-sa vương và bà Vi-đề-hy. Một hôm, A-xà-thế bị
Đề-bà-đạt-đa xúi dục giết cha để cướp ngôi, rủi thay âm mưu bị bại
lộ, bị bắt quả tang. Đáng lẽ bị trừng trị, nhưng vì thương con, Bình-sa
vương nhường ngôi cho ông.
Đã không biết ơn, A-xà-thế lại
còn hạ ngục vua cha và ra lệnh bỏ đói cho cha chết lần chết mòn; chỉ
một mình hoàng thái hậu được phép vào thăm. Mỗi khi đi, bà giấu đồ
ăn trong áo đem cho chồng. A-xà-thế hay được quở trách mẹ. Lần sau bà
giấu thức ăn trong búi tóc, A-xà-thế cũng biết được. Cùng đường bà
tắm rửa sạch sẽ rồi thoa vào mình một thứ đồ ăn làm bằng mật ong,
đường và sữa. Vua gạt lấy món ăn cho đở đói, nhưng A-xà-thế cũng biết
được và ông ra lệnh cấm hẳn mẹ không cho vào thăm nữa.
Lúc ấy Bình-sa vương cam chịu đói
nhưng lòng không oán trách con, vua cho đó là oan nghiệp tiền khiên có vay
phải có trả, nên cố gắng Tham thiền và đắc quả Tu-đà-hoàn. Thấy cha
vẫn vui tươi nên A-xà-thế quyết giết cha cho khuất mắt. Ông hạ lịnh
cho người thợ cạo vào ngục lấy dao bén gọt gót chân, lấy dầu và muối
xát vào rồi hơ trên lửa cho chết.
Khi người cha bất hạnh thấy thợ
cạo đến thì mừng thầm, ngở rằng con mình đã ăn năn hối cải nên cho
người đền cạo râu tóc cho mình để rướt về cung. Vua đâu ngờ chính
anh thợ cạo đến để đem lại cho vua một cái chết thê thảm.
Cùng ngày ấy, vợ A-xà-thế vừa hạ
sanh một hoàng nam. Hay tin chánh hậu hạ sanh một hoàng nam, nổi vui mừng của
A-xà-thế không sao tả được; tình thương người cha lần đầu tiên chớm
nở trong lòng; mặn nồng sâu sắc. Đứa con đầu lòng là một nguồn hạnh
phúc cho cha mẹ. Chính đứa con đã đem đến tình yêu thương mới mẻ, đậm
đà vô cùng trong sạch, khiến họ có cảm tưởng rằng máu huyết của
mình đã nhỏ giọt ra để nối tiếp mình.
Vừa lúc ấy A-xà-thế sực nhớ đến
cha, bổng nhiên ông đứng phắt dậy kêu lên như điên: "Hãy mau lên,
thả ra lập tức người cha yêu quý của Trẩm". Nhưng than ôi! Người
cha yêu quý ấy đã ra người thiên cổ.
Khi hay tin cha chết, Vua hối hận
đi tìm mẹ và hỏi: "Thưa mẫu hậu khi con còn nhỏ, phụ hoàng có thương
con không?
- Hoàng nhi ơi! cho đến giờ này
con mới hỏi thì đã muộn rồi! Mẹ tưởng trên thế gian này không tìm đâu
cho ra một người cha hiền lành như cha của con. Để mẹ kể lại cho con
nghe: Lúc mẹ còn mang con trong bụng, một ngày kia mẹ nghe thèm lạ lùng một
món kỳ quái, mẹ thèm nút vài giọt máu trong bàn tay mặt của cha con. Mẹ
đâu dám nói ra. Rồi càng ngày càng xanh xao và cuối cùng phải nói thật với
cha con. Khi nghe vậy cha con vui vẻ lấy dao rạch tay cho mẹ nút máu. Lúc ấy
các nhà chiêm tinh trong triều đình tiên tri rằng, con sẽ là người thù của
cha con. Do đó, con có tên là A-xa-thế (Vị sanh oán: Kẻ thù chưa sanh). Mẹ
có ý định phá thai nhưng cha con không cho. Khi sanh ra con, mẹ nhớ đến lời
tiên tri nên một lần nữa muốn giết con và lần nầy cha con cũng cản mẹ.
Một hôm, con có một mụn nhọt trên đầu ngón tay, đau nhứt vô cùng,
khóc suốt ngày đêm không ai vỗ con ngủ được. Cha con đang thiết triều,
nghe vậy cầm lòng không đậu, bế con trong lòng và không ngần ngại ngậm
ngón tay con trong miệng nhè nhẹ nút cho con đở đau. Gớm thay, mụt nhọt vở,
máu mủ tuôn ra trong miệng cha con, và sợ lấy ngón tay ra con đau nên cha
con nuốt luôn cả máu lẫn mủ... Càng nghe mẹ kể, A-xà-thế vô cùng hối
hận ăn năn.
Đó là cuộc đời và con người của
A-xa-thế. Nhưng rồi sau đó ông hồi tâm theo Phật xin sám hối, và chính
ông là người ngoại hộ đắc lực nhất trong thời Phật và trong kỳ đại
hội Kiết tập lần đầu.
Trong phần kinh văn có mô tả số
chúng hội: Nào là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Bồ-tát, Thiên, Long...Số nào cũng
là trăm ngàn vạn ức chứ không phải chỉ có 1250 vị như thường nghe. Đó
là điểm đặc biệt của kinh văn Đại thừa, khác với kinh văn Tiểu thừa.
Vì sao? Vì bởi kinh điển Đại thừa đứng trên quan điểm: Tất cả chúng
sanh đều thành Phật; đứng trên quan điểm: Bồ-tát hạnh, lấy "sự"
để truyền "tâm" (dĩ tướng hiển tánh, chỉ vật truyền tâm chỉ
thị từ tâm biến vật). Với tinh thần rộng lớn như vậy, cho nên đồ
chúng rộng lớn, không gian rộng lớn. Ở đây, ý niệm không gian thời
gian theo thường tình bị xem nhẹ. Thời gian không gian không cố định, không
ranh giới, vượt biên cương. Cho nên hội chúng của kinh Đại thừa rất
đông, không phải 1250 vị mà là trăm ngàn vạn ức, cũng như Phật thuyết
kinh Pháp Hoa không phải một hai tuần... mà là 60 tiểu kiếp. Vì với tâm
Bồ-tát đã đứng trên pháp tánh mà nhìn nên không bị cục hạn ở tướng,
thân tâm và cảnh giới đã vượt ngoài tướng. Do đó, quan niệm về
không gian, thời gian ở kinh Đại thừa có tánh cách rộng lớn bao la,
không có biên giới, ít và nhiều không quan trọng, dài và ngắn không có
định mức. Bởi vì không gian tự nó không thật thể, thời gian tự nó
không thật thể. Hội chúng đông là một cách phá bỏ ý niệm chấp trước
không gian cố định. Phật thuyết kinh trong 60 tiểu kiếp cũng là một
cách phá bỏ ý niệm thởi gian cố định. Vì vậy mà chúng hội đông nhưng
chỗ không thấy chật, 60 tiểu tiếp mà như trong khoảng một bữa ăn.
Lại trong kinh Đại thừa thường
hay có lẫn lộn hai lối thuyết pháp của Phật là hiển thuyết và mật
thuyết. Phật phóng quang, nhập định, thuyết pháp... xen lẫn nhau. Phật
phóng quang và nhập định là mật thuyết mà Phật thuyết pháp đôi khi cũng
là mật thuyết. Xin kể một ví dụ để rõ thêm nghĩa hiển thuyết và mật
thuyết:
Đời Đường tại Hàn Châu có thiền
sư tên Hàn Văn HỶ hiệu Vô Trước, xuất gia lúc 7 tuổi. Lớn lên, quyết
một lần đến Ngũ Đài sơn với ý nguyện là được lễ bái Văn-Thù-Sư-Lợi
Bồ-tát. Khi ngài đến giữa núi thì gặp một ông già dắt trâu, ông già
ấy mời ngài về nhà và hỏi:
- Sư từ đâu đến?
- Từ phương nam đến. Ngài Vô Trước
đáp.
- Phật pháp phương Nam trụ trì thế
nào?
- Gặp thời mạt pháp, tuy nhiên những
người kính thuận giới luật cũng nhiều.
- Nhiều bao nhiêu?
- Năm bảy trăm
Ngài Vô Trước lại hỏi ông già:
- Còn ở đây Phật pháp trụ trì
thế nào?
- Long xà hổn tạp phàm thánh đông
cư. Ông già đáp.
Ngài Vô Trước không hiểu nên hỏi:
- Vậy là bao nhiêu?
- Tiền tam tam hậu tam tam. Ông già
đáp.
(Nói mà như không nói, thuyết mà
thành mật thuyết).
Ông già sai đệ tử Huân Đề rót
nước mời ngài Vô Trước uống và ngài từ tạ ra về, đồng tử đưa xuống
núi. Ngài Vô Trước quay lại hỏi đồng tử:
- Khi nãy ông già nói: "Tiền
tam tam hậu tam tam" là bao nhiêu thế? Đồng tử kêu:
- Đại đức. Ngài Vô Trước:
- Hử. Đồng tử hỏi:
- Thế là bao nhiêu thế?
Khi đó ngài Vô trước liền hay
ông già ấy chính là ngài Văn Thù vậy.
Cũng chừng ấy mà chúng hội trong
các kinh thì khác mà hội chúng trong kinh Pháp Hoa lại càng khác.
Từ đây về trước là phần Tựa
chung (Thông tự), và từ đây về sau là phần Tựa riêng (Biệt tự).
Trong kinh PHáp Hoa, phần Tựa riêng
là phần đi sát đề, đi thẳng vào duyên khởi chính của kinh. Các kinh
khác phần tựa riêng này chỉ có một đoạn, nhưng kinh Pháp Hoa chiếm trọn
một phẩm (Phẩm tự). Bởi phẩm này mang tánh cách đặc biệt là Phật
nêu lên thật nghĩa chung mà Ngài sẽ dạy về sau. Ngài nêu một cách gián
tiếp qua các việc hiển thụy, trong ấy tiêu biểu một ý nghĩa mà đức
Phật sẽ chỉ bày trong các phẩm sau.
Kinh văn: Lúc bấy giờ Thế Tôn
được bốn chúng vây quanh, cúng dường, cung kính, tôn trọng, tán thán.
Giải thích: Đây là phần tập
chúng. Tứ chúng, thường hiểu gồm có: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc,
Ưu-bà-di. Tứ chúng cũng còn có nghĩa nữa là trong hội pháp của Phật có
bốn hạng, tùy theo căn cơ trình độ hiểu biết khác nhau:
1. Chúng khải thỉnh: Đây là những
vị có đủ khả năng trình độ hiểu biết, đặt vấn đề thưa hỏi Phật.
2. Chúng đương cơ: Là hàng căn cơ
trình độ đúng với hội pháp đương thuyết.
3. Chúng tán trợ (hay chúng ảnh hưởng):
Những vị đã chứng ngộ rồi nhưng vẫn còn ngồi trong pháp hội để tán
dương công đức thuyết pháp của Phật, đồng thời cũng tán trợ chúng
đương cơ đang nghe lúc đó.
4. Chúng kết duyên: Hạng người không
đủ trình độ, không đúng căn cơ để nghe pháp, nhưng cũng dự trong chúng
hội để kết duyên về sau.
Kinh văn: Phật vì hàng Bồ-tát thuyết
kinh Đại thừa tên Vô lương nghĩa là pháp giáo hóa hàng Bồ-tát được các
đức Phật hộ niệm.
Giải thích: Trong khi đại chúng
vây quanh, đức Phật vì hàng Bồ-tát mà nói kinh Đại thừa tên Vô lượng
nghĩa, là pháp giáo hóa hàng Bồ-tát được chư Phật hộ niệm. Phật thuyết
kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa. Thế nào là Vô lương nghĩa?
1. Chỉ về thật tướng vô tướng.
Vì thật tướng vô tướng cho nên nó thành nhất thiết tướng, mà nhất
thiết tướng tức là nhất thiết nghĩa. Mỗi tướng như vậy là mỗi
tánh cách của các pháp. Chữ Nghĩa: Là tánh cách. Ví dụ nói cái này là
viên phấn, ai cũng nói và ai cũng công nhận nó là viên phấn. Nhưng ta thử
hỏi: Viên phấn vốn là cái gì? Vốn là! Vốn là cái của nó. Khi nói vốn
là thì viên phấn lại có một ý nghĩa khác, viên phấn trở thành mong
manh, trở thành một tướng giả tạm, chứ không phải nó vốn là, có ai
nói viên phấn này vốn là viên phấn? Cho nên khi muốn nói viên phấn ấy
vốn là, là ta muốn tìm hiểu thật tướng của viên phấn là gì? Khi nói
viên phấn vốn là tức sẽ nói viên phấn vốn là đất. Ta tạm dừng lại
và tạm chấp nhận đất vốn là của viên phấn. Hay nói cách khác, đất
là thật tướng của viên phấn mà đất là thật tướng của viên phấn
thì đất không phải chỉ làm ra viên phấn thôi, mà đất có thể làm ra
cái chén, cái nồi... đất có thể làm đủ thứ, đủ vạn nghĩa, đủ vạn
tướng. Vậy thì thật tướng đất đó không phải là tướng phấn mà
thành tướng phấn, không phải là tưóng nồi mà thành tướng nồi... Như
vậy nó vốn vô tướng mà thành vô lượng tướng (nhưng nên nhớ khi ta
nói đất là thật tướng, đó là đứng trên mặt hiện tượng ta dừng lại
và chấp nhận như vậy chứ thật tướng còn đi xa hơn nữa. Nếu hỏi đất
vốn là gì? Như vậy là đặt thêm một vấn đề nữa, đó là vấn đề
khác, ở đây ta tạm ngừng lại đó và tạm chấp nhận để hiểu) mà
thành nhất thiết tướng. Vô lượng tướng tức vô lượng nghĩa. Nói cái
chén là một nghĩa, nói cái bình, cái nồi.... là một nghĩa... và trở
thành vô lượng nghĩa.
2. Đức Phật đã ngộ nhập được
thật tướng của vạn pháp là vô tướng cho nên Ngài tùy theo vô lượng
căn cơ của chúng sanh mà thuyết giáo, thành ra giáo pháp của Phật cũng là
vô lượng nghĩa. Chúng sanh vô lượng, có tâm tư vô lượng, dục lạc vô
lượng, Phật tùy theo vô lượng tâm tư thuyết vô lượng pháp thành pháp
đó gọi là vô lượng.
3. Vô lượng nghĩa lại cũng có nghĩa
là không thể đo lường được, đem cái ý thức phân biệt không thể đo
lường được nên gọi là vô lượng nghĩa. Với thật tướng vô tướng
như vậy mà ta đem cái ý thức phân biệt, bảo là như thế này, là như thế
kia... Tất cả những tưóng đó chẳng qua là tướng giả tướng do ý thức
phân biệt có ra mà thôi. Cho nên nếu đem ý thức mà bảo, đem ý thức mà
phân biệt nọ kia thì không bao giờ phân biệt được, không bao giờ trắc
lượng được nên gọi là vô lượng.
Mới bắt đầu vào kinh, Phật thuyết
kinh Đại thừa Vô lượng nghĩa. Có ý rằng những pháp mà Phật dạy trong
những thời trước, nhất là dạy cho hàng Nhị thừa là những pháp còn
có thể lường, còn có thể đem ý thức mà phân biệt. Trong hội Pháp Hoa
Phật nói pháp không thể bằng vào ý thức phân biệt trắc lường tới
được mà chỉ bằng vào chân thật trí mới có thể ngộ nhập được.
Pháp nói cho hàng Nhị thừa không
khác nào như khi nói cần uống nước thì liền đưa cho chén nước, không
cần hỏi chén nước vốn là gì. Vì trước đó đối với hàng Nhị thừa
cần thoát ly sanh tử, đức Phật nói pháp để diệt khổ, không cần hỏi
thật tướng làm gì, cũng như cần chén nước đưa chén nước uống không
cần hỏi vốn là gì. Bây giờ trong hội Pháp Hoa, mới nói vốn là gì để
đi vào thật tướng của những lời pháp mà đức Phật nói từ trước nên
gọi là Vô lượng nghĩa. Pháp đó là pháp giáo hóa cho hàng Bồ-tát, chứ
hàng Nhị thừa đem thức tâm phân biệt thì không thể phân biệt được và
pháp đó đã là pháp cao siêu tuyệt đối, cho nên luôn luôn được chư Phật
hộ niệm nên gọi là Phật sở hộ niệm.
Kinh văn: Phật nói kinh này rồi ngồi
kiết già, nhập vào định Vô lượng nghĩa xứ, thân tâm không lay động,
đoạn này ý nói:
Giải thích: Sau khi đức Phật nói
kinh vô lượng nghĩa rồi, Phật ngồi kiết già nhập vào định Vô lượng
nghĩa xứ, thân tâm không lay động, đọan này ý nói:
1. Thuyết pháp rồi nhập định, có
nghĩa là không có định thì không có tuệ, không có tuệ thì không có định.
Thuyết pháp là tuệ, nhập định là định. Có tuệ mới có định, có định
mới có tuệ, tịch chiếu song song mới thành được giáo pháp viên mãn.
2. Nhập định gọi là định Vô lượng
nghĩa tức muốn hiểu kinh vô lượng nghĩa thì phải ở trong định Vô lượng
nghĩa mới hiểu được kinh, tức là phải ở trong định xa rời sự phân
biệt trắc lường của ý thức, mới có thể hiểu được, ngộ được
kinh vô lượng nghĩa.
3. Để làm mô thức cho những người
thuyết pháp (giáo), khi muốn thuyết pháp cho đúng thì luôn luôn tâm phải
ở trong định. Nhập định đó có hai tác dụng:
a) Tâm không rời pháp thật tướng.
b) Quán căn cơ chúng sanh rồi mới
thuyết pháp.
Khi đức Phật nhập định thì cả
thân và tâm không lay động. Ở trong định cả thân và tâm. Ngồi không phải
là định mà phải cả thân và tâm không lay động mới là định.
Kinh văn: Lúc bấy giờ trời mưa
hoa Mạn-đà-la, (hoa thích ý vừa lòng) hoa Ma-ha Mạn-đà-la, hoa Mạn-thù-sa
(hoa nhu nhuyết) hoa Ma-ha Mạn-thù-sa, mà rải trên Phật và đại chúng, khắp
cả thế giới Phật đều có 6 cách rung động.
Giải thích: Trước đức Phật nhập
định, đến đây là trời mưa hoa. Sự nhập định của Phật, sự thuyết
pháp của Phật, có sức rung động đến cả hàng chư thiên, có sức rung
động đến quả đất. Bời vì các pháp vô thượng vì diệu nên Phật
nói ra làm rung động khắp cõi Ta-bà.
Việc cõi đất sáu cách rung động...
nếu không khéo suy nghĩ thì cơ hồ như là một chuyện hoang đường không
thật. Nhưng phải chăng sự Thành Đạo của đức Phật đã không làm rung
động đến ta ngày hôm nay đó sao? Sự Thành Đạo của đức Phật dưới
cội cây Bồ-đề đã rung động hơn hai ngàn năm trăm năm nay, mà không những
chỉ rung động riêng xứ Ấn Độ huyền bí mà còn rung động cả nhân loại
trên thế giới! Một người thường khởi lên ác tâm hoặc câu nói độc
còn có thể làm chuyển động cả hoàn cầu khiến bao nhiêu triệu người
chết, ruộng đồng thành hoang địa, huống chi một vị đại Giác ngộ, đại
Từ bi lại không thể làm quả đất rung động, lòng người rung động
quay về đường giác, được an lạc?
Rung động sáu cách:
- Ba cách về hình: Động: Rung; Dõng:
Lồi lên lõm xuống; Khởi: Vụt đưa lên.
- Ba cách về thanh: Chấn: Tiếng
rung; Hẩu: Tiếng gầm gừ; Kinh: Tiếng hét to.
Kinh văn: Bấy giờ trong chúng hội,
hàng Tý-kheo, Tỳ-kheo-ni... được điều chưa từng có, hoan hỶ chấp tay nhất
tâm ngưỡng xem Phật.
Giải thích: Qua những sự hiện điềm
lành đó, bây giờ bốn chúng thấy việc chưa từng có nên ai cũng vui mừng
hớn hở chấp tay nhất tâm xem Phật. Chấp tay là nói về thân; nhất tâm
là nói về tâm. Chấp tay là để chứng tỏ thân hướng về nơi Phật chứ
không đâu khác. Nhất tâm cũng là để chứng tỏ tâm hướng về Phật.
Kinh văn: Lúc bấy giờ Phật phóng
hào quang từ tướng lông trắng ở giữa chân mày, chiếu về phương Đông,
một vạn tám ngàn thế giới đều khắp cả, dưới từ địa ngục A-tỳ,
trên đến A-ca-nị-sắc-thiên.
Giải thích: Bấy giờ đức Phật
phóng hào quang từ tướng lông trắng ở giữa chân mày và chiếu về phương
Đông... Hào quang đức Phật chiếu từ tướng lông trắng ở giữa chân
mày cũng để tiêu biểu ý nghĩa trung đạo thật tướng, cũng để tiêu biểu
ý nghĩa rằng trong kinh Pháp Hoa, đức Phật cốt khai thị ngộ nhập tri kiến
Phật. Tri kiến đó tức là trung đạo thật tướng, ly hết tướng nhị biên,
cho nên ở giữa chân mày Phật phóng ra hào quang và chiếu về phương Đông.
Vì sao lại chiếu về phương Đông? Bởi phương Đông là gốc của ánh
sáng, mặt trời mọc từ phương Đông. Như vậy, phương Đông đây cũng để
tiêu biểu cho thật tướng. Thật tướng cũng là gốc của thất cả tướng.
Phật phóng hào quang về phương Đông tức trí tuệ tri kiến Phật chiếu
vào thật tướng.
Tóm lại, đoạn trên đây ta thấy
Phật thuyết pháp, nhập định, phóng hào quang, đó là ba hình thức thuyết
pháp, ba hình thức giáo hóa bằng khẩu, bằng thân, bằng tâm.
Thuyết pháp là khẩu nghiệp, nhập
định là ý nghiệp, phóng quang là thân nghiệp. Ba phương pháp đó đều nhằm
vào sự lợi lạc chúng sanh. Đó gọi là tam mật lợi ích. Để hiểu ý
nghĩa biểu trưng trong kinh điển Đại thừa, ta hiểu xuyên qua câu nói của
ngài Lâm Tế. Ngài Lâm Tế có lối truyền thuyền đặc biệt, đó là lối
Bổng hát.
Bổng là cây sào và có nghĩa là đánh.
Hát là hét. Nếu có ai đến vấn, ngài hỏi một câu là phải trả lởi
ngay không được do dự suy nghĩ. Nếu dụ dự suy nghĩ không đáp ngay là
ngài hét rầm lên hoặc đánh cho một gậy.
Để hiểu hào quang của Phật
xuyên qua cách nói của ngài Lâm Tế. Trong tiếng Hát ngài Lâm Tế có nói:
- Hữu thời nhất hát như Kim cang
vương bảo kiếm.
- Hữu thời nhất hát như cứ địa
Kim mao sư tử.
- Hữu thời nhất hát như thám can
ảnh thảo.
- Hữu thời nhất hát bất tác nhất
hát dụng.
Nghĩa là:
- Có lúc tiếng hét này như gươm báu
của Kim cang vương.
- Có lúc tiếng hét này như Sư tử
lông vàng ngồi chổm.
- Có lúc tiếng hét này như cây
sào quơ trên ngọn cỏ.
- Có lúc tiếng hét này như không
có tác dụng gì hết.
Xuyên qua ý nghĩa tiếng hét của
Lâm Tế mà ta hiểu hào quang của Phật. Cho nên nói hào quang không chỉ giới
hạn trong hào quang, cũng như tiếng hét không phải chỉ là tiếng hét mà
là tiếng gươm báu của Kim cang vương, có nghĩa là tất cả bị nó phứt
hết. Tất cả tâm niệm phân biệt, suy lường đều bị phứt hết. Hoặc
tiếng hét đó như Sư tử lông vàng ngồi chổm, uy nghiêm vô cùng, thấy
nó là khiếp đảm. Hoặc tiếng hét đó như cây sào quơ trên ngọn cỏ, đó
là tiếng hét dò xem căn cơ người học đạo mà có khi tiếng hét không
có tác dụng gì hết. Xuyên qua đó ta hiểu ý nghĩa hào quang của đức Phật.
Hào quang của Phật phóng ra đó là tiêu biểu trung đạo thật tướng, tiêu
biểu Phật tri kiến phát hiện mà đức Phật đã thành tựu.
Để nói lên kiến tánh đó, trung
đạo thật tướng đó chúng sanh đều có. Nhưng vì chúng sanh mê mờ không
nhận biết được mà phải bằng vào lời dạy (Thánh giáo lượng) của Phật
mà hiểu. Thánh giáo lượng tức cảnh giới ta không thể đạt được mà
phải bằng vào cái lượng của Thánh giáo, lấy sự chỉ bày của Thánh
giáo làm thước đo. Nhưng hiểu lời Phật dạy có ba:
1. Bằng vào Thánh giáo lượng, đức
Phật dạy như vậy, tin vào lời dạy về sự giác ngộ độ sanh của Phật.
2. Phải giàu lòng tưởng tượng,
so sánh, tỶ lượng.
3. Nhưng cứu cánh nhất là phải hiểu
được rằng pháp môn Phật nói ra nhằm gạt bỏ bao nhiêu nếp phân biệt
suy tư cố hữu theo vọng tưởng của chúng sanh để đưa chúng sanh nhập
bào cảnh giới viên dung vô ngại, như cảnh giới Phật đã chứng thành, tức
là hiểu bằng hiện lượng thật chứng.
Kinh văn: Ở tại thế giới này mà
thấy khắp lục thú chúng sanh ở cõi nước đó. Lại thấy và nghe các đức
Phật hiện tại ở các cõi đó thuyết pháp, thấy các vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,
Ưu-bà-tắt, Ưu-bà-di những người tu hành đắc đạo ở cõi kia. Lại thấy
các đại Bồ-tát hành đạo Bồ-tát, tùy từng nhân duyên, theo từng chỗ
tín giải, theo từng tướng mạo của mỗi người. Lại thấy các đức Phật
nhập Niết-bàn. Lại thấy sau khi các đức Phật nhập Niết-bàn rồi xây
tháp bảy báu cúng dường Xá-lợi Phật.
Giải thích: Hào quang của Phật
phóng ra thế giới nào thì ở thế giới đó đều hiện rõ trước mắt đại
chúng, nhờ đó đại chúng thấy cả lục đạo chúng sanh ở trong đó, tạo
nghiệp nhân phiền não như thế nào, chịu kết quả như thế nào ở các
thú. Đó là thấy về mặt nhiểm ô. Lại còn thấy về những điều thanh
tịnh như thấy đức Phật hiện tại nơi cõi kia và nghe được pháp đức
Phật nói.
Mỗi vị tu hành như thế nào thì
đắc đạo như thế đó, mà không những thấy hàng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni
thôi, mà còn thấy các hàng Bồ-tát, đại Bồ-tát với từng nhân duyên mỗi
người đều khác nhau, tín giải mỗi người đều khác nhau, tướng mạo mỗi
người đều khác nhau mà thực hành hạnh Bồ-tát.
Nhân duyên (cách thức) khác nhau, mỗi
người đi tu như chúng ta mỗi người có mỗi nhân duyên khác nhau. Nhân là
gì? Là thiện căn có sẳn của mỗi người gọi là nhân; duyên mỗi người
đi tu cũng khác. Người thì gặp thầy mến thầy rồi đi tu, người nghe thích
tiếng tụng kinh rồi đi tu, người thì gặp đạo lý mà đi tu; tức mỗi
người đều có các thứ nhân duyên và các thứ tín giải. Khi đi tu như vậy
mỗi người có lòng tin, mức độ tin khác nhau, mỗi người có trình độ
hiểu biết khác nhau. Người độn căn thì thiên về lòng tin, người lợi
căn thì thiên về hiểu biết. Và các thứ tướng mạo, do trình độ tin
tưởng, hiểu biết khác nhau cho nên trong sự tu hành mỗi người lại hiện
ra tướng mạo dáng dấp khác nhau. Có người hành Bồ-tát đạo bằng cách
tụng kinh thuyết pháp; có người hành Bồ-tát đạo bằng cách bửa củi,
gánh nước... nghĩa là trong việc làm với tâm niệm thượng cầu hạ hóa
đều gọi là hành Bồ-tát đạo, đó là những tướng mạo hiện ra bên
ngoài.
Thấy đức Phật Niết-bàn, và thấy
sau khi đức Phật Niết-bàn, Xá-lợi được dựng tháp cúng dường. Chừng
ấy câu mà ta thấy trong kinh đã diễn tả trọn cả một thời giáo hóa của
đức Phật, thấy cả y báo chánh báo của cả lục phàm, tứ thánh.
Từ lúc còn là một chúng sanh, ra
đời, tu hành thành Phật, thuyết pháp... đến khi Phật Niết-bàn..., tức
cả một dòng thời gian dài, nhờ hào quang của đức Phật mà thấy suốt
tất cả. Việc đó nói lên rằng chính ngay trong hào quang trung đạo thật
tướng, hiện đủ tất cả các tướng nhiểm và tịnh của chúng sanh và
chư Phật một cách bình đẳng. Từ chúng sanh... đến chư Phật Niết-bàn
cùng ở trong hào quang đó, ý nói rằng trong tự tánh thanh tịnh tâm bình
đẳng cũng hiện đủ tất cả các việc nhiểm tịnh như vậy.
Kinh văn: Lúc bấy giờ Di Lặc Bồ-tát
nghĩ rằng, nay đây, đức Thế Tôn hiện tướng thần biến như vậy, vì
nhân duyên gì mà có điềm lành tốt đó? Đức Thế Tôn nay vào nơi Tam-muộI,
việc bất khả tư nghì hy hữu hiện ra đó, sẽ hỏi ai đây, ai hay đáp
được việc này?
Giải thích: Đây là đoạn ngài Di
Lặc nghi, thấy những cảnh như vậy, ngài Di Lặc không biết vì nhân
duyên gì mà đức Phật hiện ra các điềm lành hy hữu như vậy và ai là
người có thể giải quyết mối nghi ấy? Đức Phật nhập định Tam-muội
rồi thì làm sao mà hỏi? Không thể hỏi Phật, vậy sẽ hỏi ai? Ngài Di Lặc
đang băn khoăn trong tâm.
Kinh văn: Lại nghĩ rằng Văn-thù-sư-lợi
là vị pháp vương tử đã từng thân cận cúng dường vô lượng các đức
Phật quá khứ, chắc đã thấy được tướng hy hữu này, vậy ta nay nên
đến hỏi Văn-thù.
Giải thích: Di Lặc là một vị Bồ-tát,
Văn-thù cũng là một vị Bồ-tát. Văn-thù là tiêu biểu cho đại trí, căn
bản trí. Còn Di Lặc đang dùng Duy thức quán phân biệt mà tu hành. Cảnh
giới ngài Di Lặc đang đối diện đây phải dùng đại trí, căn bản trí
như Văn Thù mới chứng nhập được, đem phân biệt trí như Di Lặc thì
không thể hiểu.
Di Lặc là biểu thị cho tâm tư phân
biệt, ý thức phân biệt, đang còn thức chứ chưa phải trí. Bởi Di Lặc
còn tu Duy thức quán mà cảnh giới này không thể dùng thức để vào được
và Di Lặc chỉ có thể hỏi Văn Thù chỗ nghi của mình.
Kinh văn: Lúc bấy giờ các hàng Tỳ-kheo,
Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắt, Ưu-bà-di và các hàng thiên long quỶ thần... đều
nghĩ rằng tướng hào quang thần thông quang minh đức Phật phóng ra đó,
nay sẽ hỏi ai đây ?
Giải thích: Đây là đoạn đại chúng
nghi. Ngài Di Lặc mà còn nghi huống hồ tứ chúng Tỳ-kheo... làm sao không
nghi được!
Phật từ Tam-muội, thân tâm bất
động mà phóng ra hào quang, là cốt khiến cho chúng sanh bỏ vọng về chơn,
chuyển thức thành trí. Ngặt vì hàng nhị thừa còn mang bệnh chấp chặt
tam thừa là thật, chưa tin nỗi đạo lý tam thừa là quyền mà nhất thừa
mới thật, nên Phật phóng hào quang làm phát khởi tâm nghi rồi Di Lặc mới
hỏi, nhờ Văn Thù giải quyết.
Kinh Văn: Lúc bấy giờ Di Lặc Bồ-tát
muốn tự quyết nghi, lại quán xét tâm niệm của bốn chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni,
Ưu-bà-tắt, Ưu-bà-di, và các hàng trời rồng, quỉ thần... mà hỏi Văn-thù-sư-lợi
rằng: Vì nhân duyên gì mà có tướng lành thần thông này? Phật phóng ánh
sáng lớn soi khắp một vạn tám ngàn cõi ở phương Đông, khiến chúng đều
thấy quốc độ trang nghiêm của các đức Phật?
Bấy giờ Di Lặc Bồ-tát muốn lặp
lại nghĩa này mà dùng kệ hỏi rằng: Văn-thù-sư-lợi đấng Đạo sư, vì
cớ gì mà hào quang lớn từ lông trắng ở giữa chân mày chiếu khắp? Trời
mưa hoa Mạn-đà, hoa Mạn-thù-sa, gió thơm mùi chiên đàn, làm vui đẹp lòng
của chúng hội. Do nhân duyên đó, quả đất đều nghiêm tịnh mà thế giới
này có sáu cách rung động. Bấy giờ bốn bộ chúng, thảy đều vui mừng,
thân ý thơ thới được việc chưa từng có. Ánh sáng giữa chân mày, chiếu
suốt thẳng phương đông, một vạn tám ngàn cõi, thảy đều trở thành ra
sắc vàng, từ A-tỳ địa ngục đến Hữu-đảnh thiên. Trong các thế giới
đó, lục đạo chúng sanh sanh tử đến nơi này nơi kia và các nghiệp
duyên thiện ác của họ và quả báo họ chịu hoặc tốt hoặc xấu, thảy
đều trông được cả. Lại thấy các đức Phật, Thánh chúa sư tử diễn
nói kinh điển vi diệu đệ nhất. Tiếng các Ngài trong trẻo, buông ra những
lời rất dịu ngọt, dạy vô số vạn ức các Bồ-tát, phạm âm thâm diệu,
khiến người vui nghe, đều ở nơi các thế giới diễn nói chánh pháp, với
nhiều nhân duyên và vô lượng thí dụ, để soi sáng Phật pháp, khai ngộ
cho chúng sanh. Nếu người vì gặp khổ, nhàm chán sự già bệnh chết, thời
ngài vì họ nói cảnh Niết-bàn, để dứt hết các khổ.
Giải thích: Đức Phật dùng nhiều
nhân duyên để giáo hóa. Đối với người nào gặp khổ, nhàm chán sanh
lão bệnh tử thì Ngài nói cảnh giới Niết-bàn an lạc cho họ. Đây là cảnh
giới của hàng Thanh Văn. Hàng Thanh Văn tu hành mong cầu thoát ly sanh lão bệnh
tử, cho nên đức Phật nói pháp Niết-bàn để họ tu hành dứt hết các
khổ.
Kinh văn: Còn nếu người có chút
phước, từng cúng dường đức Phật, chí cầu thắng pháp, thì Ngài nói
pháp Duyên Giác.
Giải thích: Hàng Thanh Văn quán về
Khổ đế, trước hết dùng Khổ đế làm đối tượng quán để tu hành giải
thoát, cho nên Thanh Văn thừa bằng vào sự nhàm chán sanh lão bệnh tử mà
tu. Còn duyên Giác thừa, duyên vào Đạo đế để tu, bởi Duyên Giác thừa
không bằng vào sự nhàm chán sanh lão bệnh tử mà bằng vào lý nhân duyên
của vạn pháp. Thí dụ: Thấy một ngọn lá rơi, một dòng nước chảy, một
ánh sao băng... mà biết rằng tất cả sự vật là vô thường là nhân
duyên sanh mà ngộ đạo.
Kinh văn: Hoặc có hàng Phật tử,
tu bao nhiêu hạnh để cầu vô thượng huệ thì Ngài sẽ nói Thanh tịnh đạo.
Giải thích: Hàng Thanh Văn và Duyên
Giác chỉ nhằm vào mục đích hoặc là quán Khổ đế hoặc là quán Đạo
đế mà tu hành. Bồ-tát thì đa hạnh nên trong kinh gọi là chủng chủng
(các thứ) hạnh. Hàng Bồ-tát cầu vô thượng huệ, cho nên đức Phật nói
về Thanh tịnh đạo. Bởi vì đạo Bồ-tát so với đạo Thanh Văn là thanh
tịnh, nên gọi là Thanh tịnh đạo.
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |