- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
- 3
- ĐẠI THỪA DIỆU
PHÁP LIÊN HOA KINH [^]
- I. Ý NIỆM VỀ
ĐẠI THỪA [^]
Theo định nghĩa thông thường của
các nhà chú giải kinh điển Bắc tạng thì Đại thừa được hiểu như là
một cổ xe lớn. Cổ xe đó có khả năng đưa chúng sanh từ chốn đau khổ
đến nơi an lạc, từ chỗ ác đến chỗ lành, từ bến mê lầm đến bờ
giác ngộ. Giáo pháp đó, vừa lợi mình vừa lợi người. Người tu theo giáo
pháp này cũng không khác nào vừa độ được mình và vừa độ người khác
cùng thoát khổ để đến chỗ an vui. Đó là pháp Đại thừa. Phật tử tu
tập theo pháp này gọi là tu theo Đại thừa giáo.
Trong kinh đức Phật dạy, người
tu về Đại thừa giáo thì phải phát tâm rộng lớn, như phát bốn lời
nguyện :
- "Chúng sanh vô biên, thệ nguyện độ,
- Phiền não vô tận, thệ nguyện đoạn,
- Pháp môn vô lượng, thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng, thệ nguyện
thành".
Nghĩa là : - Chúng sanh nhiều vô
biên, con thề nguyện độ hết. - Phiền não nhiều lắm, vô lượng, không
cùng tận, con thề nguyện dứt sạch. - Pháp môn thậm thâm vi diệu của Phật
nhiều vô lượng, con thề nguyện học hết. - Đạo quả của Phật vô thượng
cao cả giải thoát, con thề nguyện thành. Hoặc phát lời nguyện khác :
- "Nguyện đem công đức này,
- Hướng về khắp tất cả,
- Đệ tử và chúng sanh,
- Đều trọn thành Phật đạo".
Lời nguyện đó, không chỉ độ
cho riêng mình, mà còn nguyện độ cho các chúng sanh khác nữa. Pháp môn bố
thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ gọi là sáu
Ba-la-mật. Nếu ai tu theo sáu Ba-la-mật thì cũng có thể độ được mình
và độ cho người khác nữa. Đó là pháp tu tập theo Đại thừa giáo.
Giáo, lý, hạnh, quả đều đại, nên
gọi là Đại thừa. Giáo đại là các kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết
Bàn, Lăng Già, Viên Giác v.v... và các luận Đại Trí Độ, Thành Duy Thức,
Thập Nhị Môn Luận... Lý đại là như lý Bát Nhã Chơn Không, Chơn Như,
Như Lai Tạng, Phật Tánh, Pháp Giới, Pháp Tánh, A-lại-gia thức, Ngã không
Pháp không... Quả đại là Tam Hiền, Thập Đại, Đẳng Giác, Diệu Giác.
Lý hạnh quả đại được nói trong giáo đại. Hoặc theo Đại Trang Nghiêm
Kinh Luận nêu bảy ý nghĩa đại :
1. Duyên đại : Bồ-tát tu hành lấy
pháp nghĩa quảng đại của vô lượng kinh làm duyên.
2. Hạnh đại : Bồ-tát tu hành đã
được tự lợi còn thực hành hạnh lợi tha, tự lợi lợi tha, diệu hạnh
đầy đủ.
3. Trí đại : Bồ-tát thường lấy
trí tuệ quán sát biết rõ nhân và pháp đều vô ngã, khéo phân biệt được
hết mọi cảnh.
4. Cần đại : Bồ-tát trải nhiều
kiếp lâu xa, phát tâm quảng đại, tinh tu không gián đoạn.
5. Xão đại : Bồ-tát do phương tiện
khéo léo, tự tại ở trong sanh tử mà hóa độ chúng sanh.
6. Úy đại : Úy tức vô sở úy. Bồ-tát
có trí tuệ sung mãn, rõ biết chắc chắn, ở giữa đại chúng tuyên nói
pháp nghĩa không sai lầm, không e sợ.
7. Sự đại : Bồ-tát vì muốn khiến
chúng sanh quyết rõ đại sự nhân duyên cho nên thường thường thị hiện
ở giữa thế gian diễn nói diệu pháp, vào đại Niết-bàn.
Trong kinh Pháp Hoa có tên Đại Thừa
Diệu Pháp Liên Hoa Kinh là vì ý nghĩa đó.
Nội dung kinh Đại thừa là thể hiện
những lời Phật khuyến bảo, răn dạy cho chúng sinh mở rộng lòng từ bi,
mở rộng trí tuệ để nhìn thấy sự khổ của mình, của mọi người mà
phát tâm rộng lớn, nguyện độ mình và độ người, chứ không nguyện độ
cho riêng mình mà thôi. Cho nên kinh này được gọi là kinh Đại thừa. Nói
rộng ra, những lời dạy nào mang ý nghĩa tự lợi và lợi tha, vì giác ngộ
cho mình và giác ngộ cho người thì những lời dạy đó, những kinh đó cũng
đều gọi là kinh Đại thừa.
Phật tử Việt Nam hiện nay, hàng
ngày đều tu cả hai pháp tự lợi và lợi tha. Khi chúng ta tưởng nhớ đến
đức Phật, niệm danh hiệu Phật, cầu nguyện sau khi chết được vãng
sanh Tịnh độ, hoặc quán pháp bất tịnh, nguyện cho mình bỏ bớt tham dục,
vì nghĩ rằng pháp đó có lợi cho chúng ta thì trong đạo Phật gọi pháp
tu đó là pháp tu tự độ. Ngược lại, trong khi tu để cầu an lạc cho mình,
chúng ta mở rộng lòng thương đến các loài khác như thương vật, bố thí,
giúp ích cho người khác hoặc về vật chất hoặc về tinh thần, đem lại
sự an vui cho người khác, lối tu đó gọi là tu theo pháp tự độ và độ
tha.
Riêng kinh Pháp Hoa nhằm về Đại
thừa giáo, chỉ cho chúng ta cách tu lợi mình lợi người hơn hẳn nên gọi
là kinh Đại thừa. Vì bản thân Đại Thừa là Chúng sanh Tâm. Cái Tâm ấy
lớn bao nhiêu thì cỗ xe ấy lớn bấy nhiêu.
II. DIỆU
PHÁP [^]
Diệu pháp là pháp môn diệu mầu.
Pháp nghĩa là tất cả các sự vật hiện hữu trong vũ trụ, và tất cả
các sự vật xảy ra trên thế giới. Pháp là một chân lý duy nhất thâm nhập
vào tất cả các sự vật. Pháp là quy luật như một luật tắc được thiết
lập khi chân lý xuất hiện như là một hiện tượng mà chúng ta có thể
nhìn thấy được bằng mắt và nghe bằng tai. Pháp là lời dạy của đức
Phật. Lời dạy đó là khuôn pháp, mẫu mực cho đệ tử noi theo. Pháp của
đức Phật dạy có năng lực diệt trừ tham, sân, si, phiền não cho chúng
sanh và có khả năng đưa chúng sanh đến bờ giác ngộ, nên gọi là pháp mầu.
Pháp này có thể làm cho chúng sanh phá trừ được ngã chấp hẹp hòi, nhỏ
mọn nên gọi là pháp mầu. Pháp này có thể làm cho chúng sanh hiểu rõ
được cái tánh duyên khởi vô tánh, hiểu được sự vật giữa đời này,
tất cả đều do nhân duyên hòa hợp giả tạo, không có một cái gì thật
có bền vững lâu dài được, nên gọi là pháp mầu. Pháp này là cho chúng
sanh thấy được tự bản tâm mình, có một sự giác ngộ trong đó, mỗi
chúng sanh là mỗi vị Phật sắp thành, nên gọi là pháp mầu.
Những pháp này chỉ có đức Phật
nói ra, còn tất cả các nền giáo lý của các tôn giáo khác không hề nói
tới, cho nên gọi là pháp mầu.
Tóm lại, Diệu Pháp là pháp nhiệm
mầu. Chữ này có ba nghĩa:
- 1. Thật tướng bình đẳng.
- 2. Đại huệ bình đẳng.
- 3. Phương tiện khai quyền hiển thật, hội tam
quy nhất.
a. Thật tướng bình đẳng : Là tướng
chân thật của tất cả vạn pháp. Tướng này không dơ, không sạch, không
thêm, không bớt, không sanh, không diệt, không thường, không đoạn. Thật
tướng đó là vô tướng. Và cũng vì lẽ vô tướng nên nó hình thành tất
cả tướng. Như nước vốn không có tướng vuông, tròn, dài, ngắn... nên
gọi là vô tướng. Do vô tướng nên nó mới thành đủ các tướng : Tướng
vuông ở trong thùng vuông, tướng tròn ở trong bình tròn, tướng dài ở
trong ống. Nếu nước không có sẵn tướng tròn hay vuông nhất định thì
không thành ra các tướng khác. Nhưng nhờ nó vốn vô tướng mới thành
các tướng khác được. Dù có khác tướng mà nước vẫn vô tướng, mà
đã là vô tướng thì nhất như bình đẳng. Duy Thức gọi đó là Tánh cảnh.
Nếu đối với sắc, thanh, hương... mà ta rút lại những phần phân biệt
của từng người, từng căn cơ, từng chúng sanh, thì như vậy sắc chỉ là
sắc, thanh chỉ là thanh, hương chỉ là hương... không có sắc tốt, sắc xấu,
sắc trắng, sắc đen... gì hết, thì tánh cảnh đó đối với tất cả chúng
sanh đều như nhau : Nhất như bình đẳng. Sắc đối với ta cũng như sắc
đối với con vật chẳng khác gì nhau, chỉ khác chăng là khác ở mức độ
thấy rõ hay không rõ, khác ở chỗ nhận thức phân biệt sắc đó là sắc
gì. Còn về phương diện sắc đối với nhãn thức vô tánh bình đẳng không
khác. Thí dụ : Ta đưa một viên phấn rồi hỏi cái này dài hay ngắn ? Chắc
chắn không ai trả lời được. Nếu đưa thêm một cái thước, bây giờ
ta sẽ nói chắc rằng, cái thước dài, viên phấn ngắn. Nếu ta đưa một
lóng tay thì sẽ nói viên phấn dài, lóng tay ngắn. Vậy nên biết dài ngắn
đó chẳng qua chỉ là do sự phân biệt, so sánh của ý thức mà nói dài
nói ngắn chứ tánh viên phấn vốn không dài không ngắn : Đặt nó đứng
bên cạnh cái thước nó không ngắn bớt đi, đứng bên lóng tay nó không
dài thêm ra, dù ta có nhọc sức cải nhau dài ngắn về nó, tánh nó vốn nhất
như bình đẳng, cái trước cái sau bình đẳng, bình đẳng đó nó phổ biến
khắp tất cả, bình đẳng đó không bao giờ sanh diệt. Khi ta nói dài ngắn
tự nhiên ta thấy nó có tướng dài ngắn thay đổi theo nhận thức của
ta, nhưng cái tướng vô tướng của chính nó thì không thay đổi, ở đâu
cũng vậy, thời gian không gian nào cũng vậy, nhất như bình đẳng. Sở dĩ
chúng ta thấy nó có tướng là do biến kế phân biệt, biến kế sở chấp
của chúng ta mà nó hình thành ra tướng nọ tướng kia, nên trong kinh nói :
- "Nhất nhơn phát chơn quy nguyên,
- "Thập phương thế giới tận thành tiêu vẫn".
Một người phát tâm trở về bản
tánh chơn thật thì cảnh giới của họ, cảnh giới do biến kế sở chấp
phân biệt vọng tưởng hiện ra đó, tiêu mất không còn tồn tại. Giống
như khi ta nằm mộng thấy vạn cảnh (thập phương thế giới) nhưng khi ta
tỉnh thức thì thập phương thế giới rơi rụng hết (tận thành tiêu vẫn).
Thành thử cảnh giới đó, thật tướng đó bình đẳng, nó không tùy thuộc
ai hết, không tùy thuộc không gian, thời gian, vô thỉ vô chung, vô biến
vô trung.
b. Đại huệ bình đẳng : Nhận thức
được, ngộ nhập được thật tướng bình đẳng vô tướng đó, gọi là
bình đẳng đại huệ. Đại huệ bình đẳng hay gọi một cách khác là Phật
tánh, Phật tri kiến (thấy biết của Phật), cái đó tất cả chúng sanh đều
có, tức là cái linh giác linh tri.
Như trước đã ví dụ : Tánh cảnh
sắc là bình đẳng. Sắc đó đối với người cũng như đối với vật,
đối với lớn cũng như đối với nhỏ, nhất như bình đẳng, nó không
riêng cho ai, vậy cái trí thấy được sắc đó bằng hiện lượng tánh
thì cái trí đó cũng bình đẳng. Nếu ta dẹp hết tất cả biến kế phân
biệt, nào là sắc xanh, sắc vàng... thì bây giờ chỉ còn hiện lượng thấy
sắc là sắc, cũng như gương chiếu nơi sắc, nó cũng bình đẳng. Sắc nào
đến nó cũng chiếu, nó không phân biệt sắc này tốt nó chiếu, sắc kia
xấu nó không chiếu. Tánh tri giác của ta từ nơi căn bản nhất như bình
đẳng cũng như thế, nên trong kinh Lăng Nghiêm đức Phật dạy : "Mở mắt
thấy sáng cũng gọi là thấy, nhắm mắt thấy tối cũng gọi là thấy".
Sáng tối tuy khác nhau nhưng cái thấy vẫn là một.
Có người hỏi: Bây giờ bình đẳng
nhưng nếu chích vào một ống thuốc sẽ làm đảo lộn tinh thần hết,
chuyện phải sẽ nói trái, chuyện trái nói phải... không còn bình tỉnh nữa
và như vậy nên biết, tinh thần là tánh hậu sanh.
Đó chỉ là tánh sai biệt của tinh
thần thôi, chứ từ căn bản cái biết đúng cũng là biết, biết sai cũng
là biết, mặc dù khi tỉnh biết khác khi mê biết khác. Tỉnh và mê, đúng
và sai tuy khác nhưng tánh biết vẫn là một mà thôi. Tánh biết đó nhất
như bình đẳng, bản lai thanh tịnh.
Trong kinh Lăng Nghiêm, Phật hỏi vua
Ba-tư-nặc thấy sông Hằng lúc nào ? Vua Ba-tư-nặc đáp: Khi ba tuổi mẹ dắt
đi lễ thần Kỳ-bà có thấy sông Hằng, lúc 20 tuổi cũng có thấy sông Hằng
và lúc 60 tuổi cũng có thấy sông Hằng. Lúc nhỏ thấy sông Hằng to lớn
đẹp xinh, đến lúc lớn thấy sông Hằng có vẻ hùng vĩ, nhưng khi già thấy
nó có vẻ đìu hiu buồn tẻ. Sự thấy đó tướng trạng diễn dịch mỗi
lúc mỗi khác nhau, nhưng thấy lúc nhỏ, lúc 20 tuổi, lúc 60 tuổi vẫn là
thấy. Chúng ta nên gạn lọc tánh sai biệt ra để chỉ còn một tánh thấy
thôi thì thấy đó sẽ "nhất như bình đẳng". Thành thử, thấy đó
không lệ thuộc vào xác thân, xác thân có lúc trẻ lúc già, tánh thấy bất
di bất dịch.
Có người hỏi, khi trẻ tôi thấy
rõ ràng, bây giờ mang gương mà còn thấy con gà hóa ra con quạ, làm sao
nói nhất như bình đẳng? Thấy gà ra quạ, đó là do mức độ thấy khác
nhau, chứ căn bản của sự thấy gà và quạ cũng là thấy mà thôi, không
khác. Đó gọi là bình đẳng đại huệ, bình đẳng đại huệ đó ngộ nhập
bình đẳng thật tướng của tất cả vạn pháp, mà ngộ nhập bình đẳng
thật tướng vạn pháp tức sẽ thành Phật. Bình đẳng đại huệ ấy chúng
sanh đều có, bình đẳng thật tướng đó chúng sanh cũng có. Như vậy, tất
cả chúng sanh đều có thể thành Phật.
Nhưng đạo lý tất cả chúng sanh
đều có thể thành Phật, các kinh khác chỉ nói một phần, còn có sự
phân biệt hàng định tánh Thanh Văn, định tánh Duyên Giác, hàng Bồ-tát,
hàng bất định tánh và vô tánh xiển đề. Hàng định tánh Thanh Văn thì
không thành Phật, mặc dù cũng nói tới lý tất cả chúng sanh đều thành
Phật, nhưng đứng về mặt nhơn sự còn có sự phân biệt hàng định tánh
Thanh Văn, hàng nhất xiển đề... không thành Phật, chỉ có hàng Bồ-tát,
đại Bồ-tát mới thành Phật.
Đến hội Pháp Hoa, Phật quy hết tất
cả các việc thiện dù là một việc thiện rất nhỏ cũng đều hướng về
nhất thừa Phật đạo bình đẳng, nên đặc biệt kinh Pháp Hoa là quy tất
cả hàng Nhị thừa đều có thể thành Phật đạo (Hội tam quy nhất) và tất
cả chúng sanh dù phát tâm tùy hỶ nghe kinh Pháp Hoa cũng thành Phật đạo,
bởi công đức đó cũng phát từ bình đẳng Đại huệ. Từ gốc bình đẳng,
từ gốc cứu cánh, cho nên công đức đó dù nhỏ tới đâu nó cũng đạt
tới cứu cánh được. Đã là giống cơm thì nấu sẽ thành cơm, dù một hột
nhỏ nấu cũng sẽ thành cơm, bởi vì dù nhỏ nhưng gốc của nó là cơm.
Việc thiện cũng thế, dù là việc thiện nhỏ nhưng gốc của nó từ đại
huệ bình đẳng, cho nên việc thiện ấy cũng đều đưa đến Phật quả.
Đó là lý nghĩa trong kinh Pháp Hoa, vì thế nên gọi là Diệu Pháp.
Đại huệ bình đẳng chúng sanh đều
có, nó nhiệm mầu nên gọi là Diệu Pháp : "Ngã pháp diệu nan tư".
Thật tướng của vạn pháp bình đẳng nhiệm mầu nên gọi Diệu Pháp :
"Thậm thâm vi diệu pháp".
Diệu pháp đó nếu chúng sanh biết
dùng, biết khai triển thì đem đại huệ bình đẳng ngộ nhập thật tướng
bình đẳng, tức là thành Phật. Cho nên cách thức ứng dụng đó gọi là
Diệu Pháp.
c. Khai quyền hiển thật, hội tam
qui nhất: Trong hội Pháp Hoa, Phật khai quyền hiển thật, hội tam quy nhất
mà đưa những pháp môn từ trước (trước hội Pháp Hoa) đồng về nhất
thừa, vì trước đó Ngài phân ra pháp môn của Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát,
đến hội Pháp Hoa, Phật nói đó chỉ là phương tiện, "Thập phương
Phật độ trung, duy hữu nhất thừa pháp, vô nhị diệc vô tam, trừ Phật
phương tiện thuyết". Đã là duy nhất Phật thừa thì tất cả chúng
sanh cùng nương trên "Thừa" đó là đến quả Phật. Bởi chư Phật
ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên duy nhất ấy là khai thị cho
chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến. Hễ ngộ được Phật tri kiến thì
lên Phật địa cho nên gọi là nhất thừa. Và chư Phật chỉ nói đến nhất
thừa đó, mặc dù có khi Ngài nói ba thừa thì đó cũng chỉ phương tiện
đưa đến nhất thừa. Lý nghĩa đó trong kinh Pháp Hoa mới khai triển rõ
ràng cho nên gọi Pháp Hoa là Diệu Pháp. Đã là Diệu pháp thì không những
toàn kinh là Diệu Pháp mà một câu một chữ cũng là Diệu Pháp, bởi tất
cả chữ trong kinh Pháp Hoa đều có tánh cách nhiệm mầu để bồi bổ, xây
dựng lên đạo lý "Tất cả chúng sanh đều thành Phật" và tất cả
sự tu hành về việc thiện của chúng sanh đều đưa đến Phật quả nên
gọi là Diệu Pháp.
Trong kinh Pháp Hoa phần nhiều là
nói những điều như thế nên gọi là Diệu Pháp hay Pháp mầu. Pháp mầu
này không thể diễn tả đầy đủ được, chỉ có thể lấy hoa sen làm biểu
tượng để diễn tả Pháp mầu ấy.
III.
LIÊN HOA : (Hoa Sen) [^]
Liên hoa (pundarika) nghĩa là hoa sen.
Ở Ấn Độ hoa sen được xem là đẹp nhất trên đời vì sen mọc rễ
trong bùn nhưng lại nở thành hoa tinh khiết, không bị nhiễm bùn. Cho nên
kinh Diệu Pháp Liên Hoa lấy hoa sen làm biểu tượng vì hoa sen có nhiều đặc
điểm: Hoa sen ở trong bùn, sinh từ trong bùn, lớn lên trong bùn, nở ra
trong bùn, lên khỏi bùn tỏa hương thơm khắp nơi, nhưng không dính mùi
bùn.
Diệu Pháp ở trong luân hồi sanh tử
biến chuyển mà không bị luân hồi sanh tử biến chuyển, ở trong vạn
pháp sanh diệt mà không bị sanh diệt. Đại huệ bình đẳng, không bị
luân hồi, không bị nhiễm ô.
Hoa sen lại có nghĩa nữa là nhân
quả bình đẳng, trong hoa đã có quả, khi chưa nở vốn đã có quả rồi,
gọi là hoa quả đồng thời. Khi hoa nở thì quả cũng hiển bày. Như vậy,
đại huệ bình đẳng, thật tướng bình đẳng từ trong nhơn đã có quả,
từ trong quả đã có nhơn, nhơn quả đồng thời, chỉ vì chúng sanh không
nhận thức được mà thôi.
Đức Phật sanh ra giữa đời mà
không nhiễm mùi đời, sanh ra giữa đời mà thoát lên tất cả những gì
ô nhiễm của đời. Ngài thoát lên và đem lại sự an lạc và độ thoát
cho chúng sanh. Ngài là hoa sen không nhiễm mùi bùn mà còn tỏa hương cho đời.
Đó là hoa sen trong bùn. Ngoài ra cũng có hoa sen trong lửa, như Tuệ Trung
Thượng Sĩ viết :
- "Đi cũng thiền, ngồi cũng thiền,
- Trong lò lửa rực nở cành sen".
Câu thơ trên phải hiểu theo nghĩa
Thiền, theo ngôn ngữ Thiền. "Đi cũng thiền" nghĩa là dù đi mà
tâm vẫn an bình, tự tại, không vướng mắc đâu cả, không bị triền phược
một cái gì cả, luôn luôn tĩnh giác, như thế gọi là "Đi cũng thiền".
"Ngồi cũng thiền" là ngồi mà tâm bình an, tự tại, tĩnh giác,
không vướng mắc điều gì, như thế gọi là "Ngồi cũng thiền".
Khi một con người mà đi cũng Thiền, ngồi cũng Thiền như thế chính là
trong lò lửa rực nở một cành sen. Trong lò lửa rực đây ám chỉ cho cuộc
đời. Cuộc đời thì ma chiết, trái ngang, đau khổ, xấu xa, hẹp hòi, nhỏ
mọn, bẩn thỉu, nghịch ngợm, phi nghĩa, ... Những điều vừa nêu đó
bùng cháy nóng bức như một lò lửa. Nhưng, giữa lò lửa ấy, nếu người
nào biết điều phục, đi, đứng, nằm, ngồi đều chánh niệm tĩnh giác
thì người ấy là cành sen nở trong lò lửa. Thành thử hoa sen không chỉ nở
ở trong bùn mà còn ở trong lửa nữa. Đời đỏ rực nhưng sen vẫn nở, bùn
tanh hôi nhưng sen vẫn ngát mùi hương, đó chính là ẩn dụ cho Thiền giữa
cuộc đời, như là một loại sen đặc biệt hướng chúng sanh đến sự giải
thoát, như Ngài Tuệ Trung vừa diễn tả.
Tóm lại, theo tinh thần trong kinh
Pháp Hoa thì dù nhân, dù quả, dù lý, dù trí đều gọi là diệu pháp, bởi
lý ở đây là thật tướng bình đẳng, trí là đại huệ bình đẳng,
nhơn là nhơn đưa đến Phật quả, quả là Nhất thừa Phật quả. Kinh này
được dụ cho hoa sen nên gọi chung là Diệu Pháp Liên Hoa. Vì sự đặc biệt
đó nên gọi là Diệu Pháp, sao lại chỉ có Pháp Hoa mới là Diệu Pháp!
Lại nữa, trong đau khổ của tam
ác đạo, nhơn cũng khổ, quả cũng khổ nên ba ác đạo chẳng có chi là Diệu
Pháp. Như vậy, nhơn và quả của hàng nhơn thiên thừa so với tam ác đạo
thì nhơn thiên thừa là Diệu pháp, bởi quả của hàng nhơn thiên vui hơn,
nhưng tiến lên một bực nữa, nhơn thiên thừa cũng còn luân hồi sanh tử,
phải đến hàng Thanh Văn nhị thừa thoát ly sanh tử mới gọi là Diệu
pháp, nhưng Thanh Văn nhị thừa chỉ dứt trừ được phần đoạn sanh tử
chưa chứng được tam đức (Pháp thân, Bát nhã, Giải thoát), cho nên Thanh
Văn cũng chưa thật Diệu, Nhất thừa Phật quả mới là thật Diệu. Và
chính kinh Pháp Hoa nhằm đưa về cứu cánh Nhất thừa Phật quả, nên kinh
Pháp Hoa được gọi là Diệu Pháp Liên Hoa.
Tóm lại: Diệu Pháp Liên Hoa là
giáo pháp tối thượng dạy cho chúng ta có thể sống một cuộc sống đúng
đắn không bị điên đảo vì ảo tưởng trong khi sống trong thế giới cấu
uế này.
IV.
KINH [^]
Kinh chữ Phạn là Sutra, Trung Hoa dịch
là Tu-đa-la. Nguyên nghĩa là một sợi dây hay một sợi chỉ dọc trong
nghành dệt. Người Ấn cổ có thói quen trang điểm tóc mình bằng những
bông hoa đẹp xâu bằng một sợi dây. Đây cũng là giáo lý Thánh diệu của
đức Phật được góp nhặt lại thành những tác phẩm gọi là Kinh. Như vậy
khi áp dụng lời dạy trong Kinh thì phải khế lý và khế cơ hay còn gọi
là khế kinh. Khế kinh là những lời đức Phật nói ra phải phù hợp với
hai mặt. Một mặt khế hợp với chân lý và mặt thứ hai là khế hợp căn
cơ của chúng sanh. Lời Phật nói ra đúng với chân lý vì Ngài đã ngộ
chân lý đó, chứ không phải là đoán mò như chúng ta ức đoán. Vì ức
đoán thì có thể nói trật, nói sai. Ví dụ thấy sợi dây nói là con rắn,
ban đêm thấy bụi cây cho là ma quỉ, như vậy là sai. Cái thấy của Phật
là thấy như thật (giác ngộ). Ngài thấy con ma thì nói con ma, dây là dây,
rắn là rắn. Vì Ngài đã giác ngộ được cái tánh tướng của tất cả
sự vật, nên lời dạy của ngài luôn luôn đúng với chân lý. Đó là khế
lý. Nhưng dầu cho có khế lý, nhưng khi đem ra dạy cho chúng sanh, Ngài cũng
luôn luôn nghĩ tới căn cơ của chúng sanh mà dạy cho phù hợp để đem lại
lợi ích cho họ thì gọi là khế cơ. Nếu khế lý mà không khế cơ thì
không phải kinh Phật.
Có một lần đức Phật tiếp hai
người cư sĩ, một người làm nghề thợ giặt, một người thợ rèn. Sau
khi họ chào hỏi đức Phật xong, ngài hỏi về sự tu hành tại nhà của họ.
Cả hai trả lời đều có tu và có hành, nhưng tu mãi hành mãi mà không có
kết quả gì cả. Phật hỏi: Vậy hai ông tu và hành những pháp môn gì và
do ai dạy? Bạch Phật, có một vị tỳ-kheo dạy chúng con tu. Phật hỏi
ông thợ rèn rằng: Vậy thầy Tỳ-kheo dạy ông tu pháp môn gì? Dạ, bạch
Phật, thầy tỳ-kheo ấy dạy con tu pháp Quán bất tịnh. - Quán bất tịnh
nghĩa là quán cái thân thể con người toàn là xác thân ô uế, không thanh
tịnh gì cả. Thế còn bác thợ giặc, thầy Tỳ-kheo dạy tu pháp gì? Dạ,
thầy dạy con tu pháp Quán sổ tức-Quán sổ tức là quán niệm hơi thở vô
hơi thở ra... để tâm mình theo hơi thở vô hơi thở ra...cho chuyên nhất,
không tán loạn.- Phật hỏi: Vậy hai ông tu như vậy có kết quả gì
không? Dạ, con không thấy kết quả gì cả. Phật dạy: Thôi, được rồi,
để Ta thay đổi pháp tu cho các ông một chút thì các ông sẽ thấy có hiệu
quả ngay. Thế là Phật đem pháp Quán sổ tức dạy cho ông thợ rèn. Pháp
quán này mà dạy cho ông thợ rèn thì hợp cơ quá. Vì ông hàng ngày thổi
bệ có gió ra vào thì hợp với hơi thở vô ra nên chắc tu có kết quả.
Còn ông thợ giặt thì Ngài dạy tu pháp Quán bất tịnh, vì hàng ngày ông
tiếp xúc với đồ bất tịnh nên dễ sanh tâm nhàm chán.
Một thời gian sau cả hai người đều
tới hầu Phật và nói là, nhờ Ngài dạy cho chúng con hai pháp môn đó, về
tu mấy tuần mà nay tinh thần trở nên khỏe khoắn nhẹ nhàng, an vui, chúng
con thấy tu hai pháp này có kết quả. Vì sao? Vì trước đây vị Tỳ-kheo
tuy dạy cái pháp tu thì đúng, nhưng đúng pháp mà không đúng cơ nên không
ích lợi. Khế lý và khế cơ là những lời dạy của đức Phật, nên sau
này khi Phật nhập Niết-bàn, các vị đệ tử Phật kết tập lại thành
Kinh, nói cho đủ là khế kinh.
Như vậy, Đại thừa diệu Pháp
Liên Hoa Kinh là kinh Diệu Pháp Liên Hoa trong giáo lý Đại thừa của Phật.
Đây là giáo lý tối thượng dạy con người có thể sống một cuộc sống
đứng đắn không bị điên đảo vì ảo tưởng trong khi sống trong thế giới
cấu uế này. Nếu ai hành trì Kinh này thì sẽ đem lại lợi ích cho mình,
cho người và cho xã hội nhân quần vậy.
VỊ TRÍ
KINH PHÁP HOA [^]
Theo sự phán giáo của ngài Thiên
Thai và Cát Tạng (Thiên Thai tông và Tam Luận tông), có 5 thời kỳ thuyết
pháp của đức Phật là Hoa Nghiêm, A Hàm, Bát Nhã, Phương Đẳng và Pháp
Hoa Niết Bàn. Trong đó lại chia ra 3 giai đoạn Chuyển pháp luân (tam pháp
luân) là:
1. Căn bản Pháp luân: Kinh Hoa
Nghiêm, khi đức Phật nói kinh này chỉ có một số rất ít người hiểu,
nên Ngài mới tùy phương tiện nói ra ba thừa đó là: Thanh Văn thừa, Duyên
Giác thừa, và Bồ-tát thừa.
2. Chi mạt Pháp luân: Trước hết là
thời A hàm, nhưng hàng Thanh Văn thiên chấp kinh này nên đức Phật và Phương
Đẳng để đưa lên Đại thừa. Nhưng ở Đại thừa này chưa rốt ráo,
vì mới chỉ thọ ký cho hàng Bồ-tát thành Phật, chứ chưa thọ ký cho
Thanh Văn. Do đó, giáo pháp ở các thời này vẫn còn là chi mạt (cành ngọn).
Đến giai đoạn thứ ba:
3. Nhiếp mạt quy bản pháp luân: Đây
mới là Pháp luân rốt ráo của đức Phật, đó là thời giáo Pháp Hoa gồm
những chi mạt về căn bản. Mở đầu là Hoa Nghiêm và kết thúc là Pháp
Hoa. Đây là thủy chung của một thời giáo hóa mang cùng một ý nghĩa
nhưng hai phương pháp khác nhau: Hoa Nghiêm thì nói thẳng nên chỉ có một số
Bồ-tát giác ngộ được mà thôi, còn Pháp Hoa thì dùng nhiều cách nói để
đưa người đến giác ngộ; tùy căn cơ chúng sanh mà đức Phật đã nói
những kinh khác, cho đến Pháp Hoa mà gồm đủ tất cả giáo lý của đức
Phật đã được nói trong 45 năm. Vì tánh cánh quan trọng đó của kinh này
mà ngài Trí Khải đã căn cứ vào đó để lập ra Thiên Thai tông rất thịnh
hành. Khi truyền qua Nhật Bản, đến vào năm 1222 có thiền sư Nhật Liên dựa
vào Pháp Hoa Huyền Nghĩa của Ngài Trí Khải mà lập ra Nhật Liên tông, đến
nay vẫn thạnh.
Đó là vị trí kinh Pháp Hoa theo
cách phán giáo của ngài Thiên Thai vậy.
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |