- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
- 6
BO-TÁT
THƯỜNG BẤT KHINH [^]
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Phật
bảo ngài Bồ-tát Đại Thế Chí rằng : "Các Ông nên biết, những vị
Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thọ trì kinh Pháp Hoa mà nếu ai
dùng lời thô ác mắng nhiếc, sẽ bị trọng báo, trái lại người trì
kinh này được công đức lớn, sáu căn thanh tịnh".
Như xưa trong thời tượng pháp của
đức Phật Oai Âm Vương, giữa hàng tăng thượng mạn Tỳ-kheo, có vị Bồ-tát
là Thường Bất Khinh, Vị Bồ-tát ấy phàm thấy hàng xuất gia, tại gia,
nam nữ... đều cung kính lễ bái khen ngợi rằng : "Tôi rất kính trọng
các ngài, không dám khinh mạn, vì các ngài đều tu hành đạo Bồ-tát, sẽ
đăng thành Phật". Ngoài sự lễ bái tán thán ấy vị Tỳ-kheo kia
không hề đọc tụng kinh điển gì, nhưng gặp ai cũng chỉ lễ bái, tán
thán và nói : "Tôi không dám khinh các người vì các người sẽ được
làm Phật". Đến nỗi có người vì tâm chưa đặng thanh tịnh, nổi giận,
mắng nhiếc : Ông Vô trí Tỳ-kheo cớ sao đến đây tự nói tôi không dám
khinh người và thọ ký cho ta sẽ thành Phật, đó chỉ là nói dối, ta
không dùng làm chi ? Có khi còn bị người ta lấy roi gậy, ngói đá đánh
đập, ông trốn chạy qua một nơi xa mà còn lớn tiếng nói lại :
"Tôi không dám khinh các người, các người đều sẽ làm Phật".
Như vậy trải qua nhiều năm, dù bị khổ nhục cũng không sanh sân hận,
nên các tăng thượng mạn Tỳ-kheo đều gọi vị Tỳ-kheo kia là Thường Bất
Khinh. Vị Tỳ-kheo ấy khi mạng chung được nghe giữa hư không, Phật Oai
Âm Vương nói kinh Pháp Hoa, đủ các công đức, lục căn thanh tịnh, sau rộng
nói kinh Pháp Hoa lại cho mọi người đều nghe như mình đã được nghe vậy.
"Tất cả đều có Phật
tánh". "Hết thảy đều làm Phật-đà". Đó là lời dạy không
tiền khoán hậu, chỉ có đạo Phật mới thừa nhận và thuyết minh cái
giá trị vô thượng ấy của muôn loài. Đó là một đặc điểm làm cho đạo
Phật vượt hẳn lên trên tất cả tôn giáo học thuyết thế gian. Cho nên
người Phật tử chân chính là phải luôn luôn cố gắng phát huy Phật
tánh cao quý cho mình và chúng sinh, không xem thường, không khinh rẻ một
chúng sinh nào, dù là hạng người mà xã hội cho là thấp kém, huống chi
đến sự giết hại một cách vô ý thức, vì tư kỶ, vì vô minh. Vậy
nên, hết thảy hành động tự lợi, lợi tha của người Phật tử mà gọi
rằng lợi, là phải hướng về mục đích "phát huy Phật tánh" ấy.
Phật tử gánh vác nhiệm vụ ấy
và hành động với tất cả cố gắng vì tự nhận là bổn phận thì dầu
bị khổ nhục, dầu bị tai hại gì, cũng bền chí lướt qua và coi đó là
thành công chứ không phải hy sinh. Ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh là tượng
trưng đầy đủ cho tinh thần Phật tử đó vậy.
- PHÁP MÔN
QUÁN ÂM (HAY NHĨ CĂN VIÊN THÔNG) [^]
- (Theo kinh Thủ Lăng Nghiêm, bổ sung phẩm Phổ môn
trong kinh Pháp Hoa).
I.
KINH NGHĨA [^]
Bấy giờ Quán Thế Âm Bồ-tát từ
chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ dưới chân Phật mà bạch Phật rằng :
"Bạch đức Thế Tôn, con nhớ
vô số kiếp về trước, có đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm, con
từ nơi đức Phật ấy mà phát tâm Bồ-đề, Ngài dạy con từ nghe, suy nghĩ
và tu tập mà vào Tam-ma-địa. Con vâng lời Phật dạy, ban đầu từ trong cái
nghe để tâm quán nhập, vào dòng tánh nghe viên thông, xả bỏ ngoại trần.
Trần sở nhập (đối với căn là năng nhập) đã vắng lặng thì hai tướng
động tịnh rõ thật không phát sanh. Như vậy lần lượt tăng tiến, nên tướng
năng văn sở văn đều hết; năng văn sở văn hết mà không trú lại nơi
đó nên năng giác sở giác cũng không ; không giác cùng tột viên mãn nên năng
không sở không toàn diệt. Tướng sanh diệt đã diệt thì bản tánh tịch
diệt hiện bày, bỗng nhiên vượt khỏi thế gian và xuất thế gian, sáng
suốt cùng khắp mười phương, được hai thứ thù thắng : Một là trên hợp
với bổn diệu giác tâm của mười phương chư Phật, cùng chư Phật đồng
một Từ lực, cứu độ chúng sanh ; hai là dưới hợp với tất cả chúng
sanh trong lục đạo mười phương, cùng chúng sanh đồng một lòng bi ngưỡng
(bi ngưỡng vô thượng Bồ-đề).
Bạch đức Thế Tôn ! do con cúng dường
đức Quán Thế Âm Như Lai, nhờ Ngài trao dạy cho con pháp tu như huyễn văn
huân văn tu Kim-cang-tam-muội, mà được cùng chư Phật đồng một từ lực,
nên làm cho thân con được thành tựu 32 tướng ứng thân, hiện vào các quốc
độ. Bạch Thế Tôn :
1. Nếu có các Bồ-tát vào Tam-ma-địa,
tinh tấn tu hành đạo nghiệp vô lậu, mà tánh thắng giải được hiện tiền
viên mãn, thì con hiện ra thân Phật đà vì họ nói pháp, khiến đặng giải
thoát.
2. Nếu có các hàng Hữu học tu
phép tịch tịnh diệu minh mà tâm thắng giải được hiện tiền viên mãn,
thì con ở trước người đó hiện thân Độc giác vì họ nói pháp, khiến
được giải thoát.
3. Nếu có các hàng Hữu học đoạn
trừ Mười hai nhân duyên, do Mười hai nhân duyên đoạn trừ mà thắng
tánh thắng diệu hiện bày viên mãn, thì con ở trước người đó hiện
thân Duyên giác vì họ nói pháp, khiến đặng giải thoát.
4. Nếu có các hàng Hữu học chứng
được tánh Không của Tứ đế, tu Đạo đế và vào Diệt đế mà thắng
tánh hiện bày viên mãn, thì con ở trước người kia hiện thân Thanh văn vì
họ nói pháp, khiến đặng giải thoát.
5. Nếu có các chúng sanh muốn tâm
đặng tỏ ngộ, không phạm vào cảnh trần ngũ dục và muốn thân thanh tịnh,
thì ở trước người kia con hiện thân Phạm vương vì họ nói pháp, khiến
đặng giải thoát.
6. Nếu có các chúng sanh muốn làm
vị Thiên chủ thống lãnh chư thiên, thì ở trước người kia con hiện thân
Đế Thích vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
7. Nếu có các chúng sanh muốn thân
được tự tại dạo đi khắp mười phương, thì ở trước người kia con
hiện thân trời Tự tại vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
8. Nếu có các chúng sanh muốn thân
được tự tại bay đi giữa hư không, thì ở trước người kia con hiện
thân trời Đại Tự tại vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
9. Nếu có các chúng sanh muốn thống
lãnh các quỸ thần, cứu hộ cõi nước, thì ở trước người kia con hiện
thân Thiên đại tướng quân vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
10. Nếu có các chúng sanh ưa thống
lãnh thế giới, bảo hộ chúng sanh, thì ở trước người kia con hiện thân
Tứ Thiên vương vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
11. Nếu có các chúng sanh ưa sinh về
thiên cung để sai sử quỷ thần, thì ở trước người kia con hiện thân
thái tử con của Tứ Thiên vương vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
12. Nếu có các chúng sanh muốn làm
Vua cõi người, thì con ở trước người kia hiện thân Vua mà vì họ nói
pháp, khiến đặng thành tựu.
13. Nếu có các chúng sanh muốn làm
chủ giòng họ danh tiếng, thế gian kính nhường, thì ở trước người kia
con hiện thân trưởng giả mà vi họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
14. Nếu có các chúng sanh muốn đàm
luận những lời hay, giữ mình trong sạch, thì ở trước người kia, con hiện
thân cư sĩ mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
15. Nếu có các chúng sanh muốn cai
trị cõi nước, chia đoán các bang ấp, thì ở trước người kia, con hiện
Thân Tể quan mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
16. Nếu có các chúng sanh thích
toán số, chú thuật, sống tự nhiếp hộ thân tâm, thì ở trước người
kia con hiện thân Bà-la-môn mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
17. Nếu có người con trai muốn học
pháp xuất gia, giữ gìn giới luật, thì ở trước người kia, con hiện thân
Tỳ-kheo mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
18. Nếu có người con gái muốn học
pháp xuất gia, giữ gìn cấm giới, thì ở trước người kia, con hiện thân
Tỳ-kheo-ni mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
19. Nếu có người con trai muốn thọ
trì ngũ giới, thì ở trước người kia con hiện thân Ưu-bà-tắc mà vì họ
nói pháp, khiến đặng thành tựu.
20. Nếu có người con gái muốn thọ
trì ngũ giới, thì ở trước người kia, con hiện thân Ưu-bà-di mà vì họ
nói pháp, khiến đặng thành tựu.
21. Nếu có người con gái lập
thân trong nội chánh để tu tề gia quốc, thì ở trước người kia, con hiện
thân nữ chúa, quốc phu nhân, mệnh phu, đại cô, mà vì họ nói pháp, khiến
đặng thành tựu.
22. Nếu có chúng sanh không bị hoại
năm căn, thì ở trước người kia, con hiện thân đồng nam mà vì họ nói
pháp, khiến đặng thành tựu.
23. Nếu có người xử nữ ( người
nữ sống độc thân) không cầu sự xâm bạo, thì ở trước người kia,
con hiện thân đồng nữ mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
24. Nếu có chư Thiên, muốn thoát
khỏi loài Trời, thì con hiện thân Trời mà vì họ nói pháp, khiến đặng
thành tựu.
25. Nếu có các loài Rồng muốn ra
khỏi loài Rồng, thì con hiện ra thân Rồng mà vì họ nói pháp, khiến đặng
thành tựu.
26. Nếu có loài Dược-xoa, muốn
thoát khỏi loài mình, thì ở trước họ, con hiện thân Dược-xoa mà vì họ
nói pháp, khiến đặng thành tựu.
27. Nếu có loài Càn-thát-bà, muốn
thoát khỏi loài mình, thì ở trước họ, con hiện thân Càn-thát-bà mà vì
họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
28. Nếu có loài A-tu-la muốn thoát
khỏi loài mình, thì ở trước họ, con hiện thân A-tu-la mà vì họ nói
pháp, khiến đặng thành tựu.
29. Nếu có loài Khẩn-na-la muốn
thoát khỏi loài mình, thì ở trước họ, con hiện thân Khẩn-na-la mà vì họ
nói pháp, khiến đặng thành tựu.
30. Nếu có loài Ma-hê-la-già muốn
thoát khỏi loài mình, thì ở trước họ, con hiện thân Ma-hê-la-già mà vì
họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
31. Nếu có các chúng sanh thích làm
Người mà tu nghiệp nhơn làm Người, thì ở trước họ, con hiện thân Người
mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
32. Nếu có các hàng phi nhân hoặc
loại có hình, loại không binh hình, loại có tưởng, loại không tưởng...
mà muốn thoát khỏi loải mình, thì ở trước họ, con hiện các loài đó
mà vì họ nói pháp, khiến đặng thành tựu.
Ấy là Ba mươi hai ứng thân thanh tịnh
nhiệm mầu, hiện vào các quốc độ, đều do sức diệu lực vô tác của
pháp Tam-muội văn huân văn tu mà được thành tựu tự tại.
Bạch đức Thế Tôn ! con lại do sức
diệu lực vô tác của pháp văn huân văn tu Kim-cang-tam-muội ấy, mà được
cùng với tất cả chúng sanh trong mười phương ba đời, sáu đạo đồng một
bi ngưỡng, nên khiến các chúng sanh ở nơi thân tâm con được 14 món công
đức vô úy.
14 MÓN CÔNG ĐỨC VÔ ÚY [^]
Một là, do con không quán theo âm
thanh mà chỉ quán cái tâm năng quán, nên khiến cho chúng sanh khổ não trong
mười phương kia liền đặng giải thoát, khi con quán đến âm thanh của họ.
Hai là, do xoay tri kiến hư vọng về
nơi chân tánh, mà khiến cho các chúng sanh dù vào lửa lớn không bị đốt
cháy.
Ba là, do quán cái nghe xoay về nơi
chơn tánh, nên khiến cho các chúng sanh dù nước lớn trôi mà không chết
đuối.
Bốn là, do diệt hết vọng tưởng,
tâm không sát hại, nên khiến cho các chúng sanh vào các nước quỉ, không
bị quỉ hại.
Năm là, do huân tu văn căn, thành tựu
văn tánh, cả sáu căn đều tiêu dung về bản tánh, đồng như cái nghe,
cái tiếng, nên có thể khiến cho các chúng sanh sắp bị hại, dao kiếm
gãy từng đoạn, khiến các binh khí chạm vào thân như cắt dòng nước,
như thổi ánh sáng, bản tánh không hề lay động.
Sáu là, do huân tập tánh nghe đặng
tinh minh sáng suốt soi cả pháp giới, thì các chỗ tối tăm không thể giữ
toàn tính được, nên có thể khiến cho chúng sanh dầu ở gần bên quỉ Dạ-xoa,
La-sát, Cưu-bàn-trà, Tỳ-xá-già, Phú-đôn-na v.v... mà chúng không thể
trông thấy.
Bảy là, do tánh âm thanh đã viên
thoát, sự thấy nghe đã xoay trở lại vào tự tánh, rời các cảnh trần hư
vọng nên có thể khiến cho chúng sanh những thứ cùm, dây, gông, xiềng
không thể dính vào mình được, không bị gông xiềng trói buộc.
Tám là, do diệt âm trần, viên văn
căn phát sanh năng lực từ tế cùng khắp, nên có thể khiến cho chúng sanh
đi qua đường hiểm, giặc không thể cướp được.
Chín là, du huân tu tánh nghe, xa lìa
trần cảnh, không bị sắc trần lôi kéo nên có thể khiến cho những
chúng sanh đã xa rời tâm tham dục.
Mười là, do thuần một thật tướng
của âm thanh, không còn tiền trần, căn và cảnh đều viên dung, không có
năng sở đối đãi, nên có thể khiến cho tất cả chúng sanh nóng giận, rời
bỏ tâm giận hờn.
Mười một là, do tiêu dung trần tướng
xoay về tánh bản minh, thì pháp giới cùng thân tâm sáng suốt vô ngại như
ngọc lưu ly, nên có thể khiến cho những kẻ bất tín (A-diên-ca) ngu ngốc,
u mê, xa lìa ngu ám.
Mười hai là, do viên dung các căn hình,
trở về tánh nghe, vẫn an trú nơi đạo tràng bất động mà khắp vào các
thế gian, tuy không hủy hoại thế giới, mà thường hiện làm Pháp vương
tử bên mỗi đức Phật, để cúng dường 10 phương Như Lai nhiều như số
vi trần. Vậy nên có thể khiến cho cả pháp giới những chúng sanh không
con, muốn cầu con trai thì đặng sanh con trai phước đức trí huệ.
Mười ba là, do sáu căn viên mãn
thông suốt, sáng tối không hai, trùm hiện mười phương thế giới trong đại
viên cảnh Không Như lai tạng, vâng lãnh pháp môn thâm diệu bí mật của mười
phương Như Lai, số như vi trần không hề thiếu sót, nên có thể khiến
trong pháp giới những chúng sanh muốn cầu con gái, được sanh con gái, tướng
tốt đoan chánh ; phước đức dịu dàng, mọi người đều yêu kính.
Mười bốn là, các vị Pháp vương
tử (Bồ-tát) ước số 62 hằng sa, hiện ở thế giới, trong Tam thiên Đại
thiên thế giới gồm có trăm ức mặt trời, mặt trăng nay đều là những
vị tu hành Chánh pháp, chỉ bày mô phạm giáo hóa chúng sanh, tuỳ thuận
chúng sanh mỗi vị có những phương tiện trí huệ không đồng. Do con tu tập
nhĩ môn viên thông, phát minh diệu tánh, thân tâm vi diệu bao trùm khắp
pháp giới, nên có thể khiến cho chúng sanh trì niệm danh hiệu của con
cùng chúng sanh trì niệm danh hiệu của 62 hằng hà sa số vị Pháp vương tử
đó, phước đức của hai bên bằng nhau không khác.
Bạch Thế Tôn, một danh hiệu của
con mà cùng với nhiều danh hiệu kia không khác, ấy là bởi con tu tập chứng
đặng Chơn viên thông vậy.
Ấy gọi là 14 sức thí vô úy, đem
phước lực thí cho khắp cả chúng sanh.
Bạch Thế Tôn, lại do con tu nhĩ
căn viên thông, chứng đạo vô thượng, nên thành đặng bốn món diệu đức
không thể nghĩ nghì, chẳng dụng ý mà tự nhiên thành tựu.
BỐN
MÓN DIỆU ĐỨC [^]
Một là, do con đầu tiên chứng
được văn tánh vi diệu, tánh ấy rất tinh minh, thoát ngoài năng văn sở
văn, không bị sự thấy, nghe, hiểu biết phân cách mà dùng thành một
tánh bản giác thanh tịnh viên mãn, nên con có thể hiện ra rất nhiều
hình dung tốt đẹp, nói ra không lường thần chú bí mật : Hoặc hiện một
đầu, ba đầu cho đến 84.000 tay kiết ấn ; hoặc hiện hai mắt, ba mắt
cho đến 84.000 con mắt trong sáng. Những hình dung ấy hoặc từ có, oai có,
định có, huệ có để cứu độ chúng sanh không chút gì ngăn ngại.
Hai là, do con tu tập văn, tư, tu,
tam muội, thoát khỏi sáu trần không còn trở ngại, ví như tiếng thâu qua
vách, cho nên con hay hiện mỗi mỗi hình dung, tụng mỗi mỗi bài chú, mà
hình dung và bài chú ấy đều đem bố thí sức vô úy cho chúng sanh, nhân
đó mười phương quốc độ đều gọi con là Bố thí Vô úy.
Ba là, do con tu tập nhĩ căn được
thanh tịnh viên thông, nên hễ qua thế giới nào thì đều khiến chúng sanh
ở đó xả thân mạng, tài bảo đó để cầu con thương xót.
Bốn là, do con chứng được Phật
tâm rốt ráo, nên có thể đem các món trân bảo cúng dường mười phương
Như Lai và chúng sanh trong pháp giới lục đạo, cầu vợ được vợ, cầu
con được con, cầu tam muội được tam muội, cầu sống lâu được sống
lâu, cho đến cầu Đại Niết-bàn được Đại Niết-bàn.
Nay Phật hỏi viên thông thì con do
tu tập Nhĩ môn, được tam muội viên chiếu, tâm duyên các pháp một cách
tự tại, nhân nhập tánh lưu, chứng Tam-ma-địa thành tựu Bồ-đề ấy là
thứ nhất.
Bạch Thế Tôn, đức Phật kia tán
thán con khéo đặng pháp môn viên thông, nên trong đại hội của Ngài con
đặng thọ ký tên là Quán Thế Âm. Do con quán nghe cả mười phương đều
viên minh, cho nên có danh hiệu Quán Âm khắp các thế giới.
II. ĐẠI
Ý NHĨ CĂN VIÊN THÔNG [^]
Viên thông nghĩa là viên mãn dung
thông. Bản tánh của muôn sự muôn vật vốn là viên mãn dung thông, chơn
như bình đẳng. Bất cứ từ một vật nào mà chứng được bản tánh đó
cũng đều gọi là chứng viên thông.
Bồ-tát Quán Thế Âm, một danh hiệu
ấy đã phổ biến khắp cả mười phương, muôn loài, chẳng mấy ai mà chẳng
nghe chẳng biết ; như thế cũng đủ tỏ tâm đại từ bi, đức cứu độ
của Bồ-tát lớn lao biết chừng nào !
Nhưng sao lại gọi bằng danh hiệu
Quán Thế Âm ? Ở nơi chúng sanh thì biết đặng tiếng tăm là do nghe, biết
đặng màu sắc là do thấy v.v... đã thành một định lệ không thể chuyển
đổi qua cách khác lạ nghe sắc hay thấy tiếng được. Trái lại, Bồ-tát
tu hành cũng đồng trong sự nghe tiếng đó mà không chiều theo thanh trần
giả dối, vọng tưởng đảo điên, không để tâm bị hôn mê theo căn và
cảnh, mà chỉ chú tâm suy tầm tánh nghe chơn thật, không sanh diệt, viên
chiếu mười phương, lúc ngủ chũng như lúc thức, khi động cũng như khi
tĩnh, chẳng có lúc nào gián đoạn tính nghe, cho nên không một tiếng gì
mà không tỏ rõ. Tiếng của muôn loài từ ngàn phương đưa đến đều hiện
bày trong tâm trí viên minh của Bồ-tát và hợp với trí ấy còn có nguyện
lực đại bi, cho nên trong mười phương hễ có chúng sanh nào nhứt tâm niệm
danh hiệu Bồ-tát thời Bồ-tát liền quán biết, quán biết thì liền giải
thoát, lẽ cảm ứng tự nhiên không thể nghĩ nghì.
Nếu xét kỸ chỗ nhân địa tu hành
của các vị Bồ-tát, thì đều phải phát tâm Bồ-đề, tu theo Phật giáo
trải qua sự nghe học Phật pháp, rồi sự suy nghĩ, tu tập, vậy sau mới
đầu đủ căn bản trí, hậu đắc trí mà chứng thành quả vị diệu
giác, Ngài Quán Thế Âm Bồ-tát cũng thế. Nhưng có khác chăng là chỉ
khác nơi pháp môn phương tiện mà thôi. Hai mươi bốn vị Thánh trong kinh
Thủ Lăng Nghiêm, mỗi vị do mỗi pháp môn mà tu chứng viên thông. Ở đây
Ngài Quán Thế Âm do tu nhĩ căn mà chứng ngộ. Trong sự tu hành này, trước
hết ly trần, rồi thoát căn, rồi tận giác, rồi diệt không mà sau chơn tánh
tịch diệt của Như Lai tạng mới đặng hoàn toàn hiện rõ.
Tóm lại, từ mới khởi công phu tu
tập đến đây, trước do thô sau mới đến tế, nhưng cũng đều ở trong
tướng sanh diệt cả. Như tướng động tịnh của cảnh trần diệt thì căn
năng văn sanh, văn căn diệt thì giác huệ sanh, giác huệ diệt thì không tướng
sanh, mà Như Lai tạng tánh hay Niết-bàn diệu tâm thì không phải là tướng
sanh diệt ấy, cho nên khi năng không, sở không, ngã không, pháp không rồi
mà tướng hai không ấy cũng không nữa mới hiển hiện tánh chơn tịch diệt
của Như Lai tạng một cách đầy đủ.
Thật ra, tánh chơn tịch diệt là
đồng thể của chúng sanh và Phật, chư Phật thì thường an trú trong tánh
ấy, Bồ-tát thì chứng nhập tánh ấy mà chúng sanh thì mê lầm tánh ấy.
Nhưng vì là đồng thể cho nên đến khi Bồ-tát chứng được thì liền
phát sanh diệu dụng thù thắng và nói rộng ra là được 32 ứng thân, 14
món vô úy, 4 món diệu dụng bất tư nghì, mà nói tóm lại thì có 2 món
thù thắng : Một là được Từ lực đồng với chư Phật, và hai là Tâm
Bi ngưỡng đồng với chúng sanh. Vì chứng bốn giác tâm cùng Phật đồng
thể nên hay đồng một từ lực, vì chứng bốn giác tâm cùng chúng sanh đồng
thể nên hay đồng một bi ngưỡng. Cho hay từ lực do tâm bổn giác huân tập,
thành Phật do đó, độ sanh do đó, mà Bồ-tát thành tựu 32 ứng thân khắp
các căn cơ để giáo hóa cũng do đó vậy.
32 ỨNG THÂN [^]
1. Hiện thân Phật đà để nói
pháp viên đốn Phật thừa, giáo hóa hạng người tu Bồ-tát mà chơn trí
vô lậu chưa hoàn toàn pháp hiện, tuy đã nhập Tam-ma-địa rồi nhưng chưa
phải hết tu.
2. Hiện thân Độc giác nói pháp tịch
tĩnh cho hạng ngườ tu hạnh Độc giác tự ngộ theo lý nhân duyên.
3. Hiện thân Duyên giác nói pháp Thập
nhị nhân duyên lưu chuyển và hoàn diệt, để giáo hóa hàng hữu học có
tâm mong đoạn trừ 12 nhân duyên để thoát khỏi sự sanh tử luân hồi
trong ba cõi.
4. Hiện thân Thanh văn nói pháp sanh
diệt Tứ đế, Vô sanh Tứ đế, Vô lượng Tứ đế, Vô tác Tứ đế, để
giáo hóa hàng hữu học có tâm mong cầu chứng tánh Chơn không của Tứ đế
nhập tịch diệt Niết-bàn.
5. Hiện thâm Phạm vương nói pháp
ly dục cho những chúng sanh trông mong được thân tâm trong sạch không phạm
đến ngũ dục.
6. Hiện thân trời Đế-thích nói
pháp Thập thiện cho những người muốn làm chủ, thống lãnh Chư thiên.
7. Hiện thân trời Tự-tại hay
Tha-hóa-tự-tại thiên ở chót cõi Dục để nói pháp cho những chúng sanh
muốn có thần thông tự tại đi khắp mười phương.
8. Hiện thân trời Đại-tự-tại
hay Ma-hê-thủ-la-thiên ở chót cõi Sắc để nói pháp giáo hóa cho những
chúng sanh muốn có thần thông bay đi giữa hư không, chẵng bị chướng ngại.
9. Hiện thân Đại tướng quân hay
Vi-đà-thiên-tướng, (thần tướng của Đế-thích), để nói pháp giáo hóa
cho những chúng sanh có tâm muốn thống lãnh quỉ thần, cứu hộ các quốc
độ.
10. Hiện thân Tứ-thiên-vương để
nói pháp giáo hóa cho những chúng sanh có tâm thống trị bảo hộ chúng
sanh.
11. Hiện thân Thái tử của Tứ-thiên-vương
để nói pháp giáo hóa cho những chúng sanh ưa sanh ở Thiên cung, sai sử tất
cả quỉ thần.
Bảy ứng thân trên (từ 5 - 11) đều
hiện về cõi trời. Các cõi trời trong Dục giới phần nhiều đều lấy
pháp Thập thiện làm căn bản, rồi tùy theo chỗ Thập thiện hơn kém mà cảm
báo thân khác nhau, nên Bồ-tát cũng tùy đó nói pháp Thập thiện sâu cạn
để giáo hóa.
12. Hiện thân Quốc vương để đem
ngũ giới, Thập thiệp giáo hóa cho các chúng sanh muốn tạo nhân lành để
được phúc báo an lạc.
13. Hiện thân Trưởng giả đủ tài,
đủ trí, đủ đức, giào sanh vị cả, trên chuộng dưới yêu, để giáo
hóa cho các chúng sanh muốn làm chủ tể trong các dòng họ sanh quý, mọi người
kính vì.
14. Hiện thân cư sĩ, chánh tín Tam
Bảo, thanh tịnh tu hành, để giáo hóa chúng sanh muốn sống một đời sống
trong sạch không tham trước.
15. Hiện thân Tể quan đại thần tài
đức liêm chính để giáo hóa chúng sanh muốn quả quản trị pháp đóan việc
xóm làng, cõi nước theo Chánh pháp.
16. Hiện thân Bà-la-môn thông minh
phạm hạnh để giáo hóa chúng sanh ưa thuật số, đạo học, bỏ tánh
kiêu mạn.
17. Hiện thân vị Tỳ-kheo giữ trọn
oai nghi, giới luật để giáo hóa các hàng nam tử có tâm xuất gia giữ giới.
18. Hiện thân Tỳ-kheo-ni giới luật
thanh tịnh, để giáo hóa các hàng nữ nhơn có chí muốn xuất gia giữ giới.
19. Hiện thân Ưu-ba-tắt, để giáo
hóa các hàng nam tử pháp tâm quy y thọ năm giới.
20. Hiện thân Ưu-bà-di, để giáo
hóa các hàng con gái phát tâm quy y thọ năm giới.
21. Hiện thân hậu nhi, mạng phụ
v.v... đoan trang nết đức, để giáo hóa các người con gái rèn luyện việc
nội chánh, giúp nhà lợi nước.
22. Hiện thân kẻ đồng nam (người
đàn ông không phạm vào sự dâm dục), để giáo hóa các chúng sanh từ nhỏ
đến lớn không phạm dâm sự, xu hướng pháp xuất thế.
23. Hiện thân người đồng nữ
(người đàn bà không phạm vào sự dâm dục), để giáo hóa các người
con gái có chí tu hành, không ưng sự giá thú dâm bạo.
Mười hai ứng thân trên đây (12 -
23) đều hiện trong cõi người. Hoặc làm người thế gian, hoặc làm tại
gia Phật tử, hoặc xuất gia Phật tử để tùy cơ giáo hóa khiến các
chúng sanh ấy hiện tại trọn nên các sự lợi lạc, tương lai thành tựu
đạo Bồ-đề.
24. Hiện thân Trời, để nói pháp
xuất ly dạy các hàng Chư thiên có tâm mong thoát khỏi loài trời. Bởi vì
phúc báo Chư thiên còn ở trong vòng sanh tử hữu lậu, tâm nhơn ngã chưa dứt,
mê chấp còn nhiều, tham dục đương nặng, chưa khỏi sự thống khổ đối
đầu, nên rất đáng nhàm chán.
25. Hiện thân loài Rồng, để khuyến
hóa các loài Rồng muốn thoát khỏi quả báo thân Rồng nhiều thống khổ.
26. Hiện thân quỷ Dược-xoa, để
khuyến hóa các loài Dược-xoa thoát khỏi quả báo Dược-xoa nhiều thống
khổ.
27. Hiện thân quỷ Càn-thát-bà, để
khuyến hóa các hàng Càn-thát-bà muống thoát khỏi quả báo Càn-thát-bà thống
khổ.
28. Hiện thân thần A-tu-la, để
khuyến hóa những A-tu-la muốn thoát khỏi quả báo A-tu-la thống khổ.
29. Hiện thân thần Cẩn-na-la, để
khuyến hóa những Cẩn-na-la muốn thoát khỏi quả báo Cẩn-na-la thống khổ.
30. Hiện thân thần Ma-hê-la-già, để
khuyến hóa những Ma-hê-la-già muốn thoát khỏi quả báo Ma-hê-la-già thống
khổ.
31. Hiện thân người, để giáo
hóa phép tu nhân đạo cho những kẻ muốn giữ mãi thân người, không bị
chuyển sanh qua thân cõi khác, vì ở nhân đạo vui khổ đồng đều, trong
tương lai lại dễ gặp Phật pháp nên dễ tu hành.
32. Hiện thân phi nhân hoặc loài hữu
tướng, vô tướng, hữu hình, vô hình, để giáo hóa chúng ấy thoát khỏi
quả báo ở các loài ấy.
Chín loại ứng thân Trời, Rồng, Dạ-xoa,
Càn-thát-bà, A-tu-la, Khẩn-na-la, Ma-hê-la-già, Người và phi nhân... là Bồ-tát
tùy theo các loài trời hay không phải trời, người hay tương tự người mà
hiện đủ thân trong các loài ấy, giáo hóa họ đặng thoát các báo thân
thống khổ. Chúng sanh đương ở trong mê mờ, tùy nghiệp chuyển các nào
thì chịu cách nấy, nếu không nhờ Bồ-tát hiện thân giáo hóa, chuyển đổi
nghiệp nhân, thì khó bề thoát khổ mà hưởng sự an vui theo ý muốn.
Vì thế mà Bồ-tát ứng hiện 32
thân khắp các quốc độ, để giáo hóa không chút ngừng ngại, như ngọc
Ma-ni hiện đủ các màu sắc mà vốn vô tâm không lay động.
Lại chư Phật và chúng sanh giác
tâm vốn đồng, mà chúng sanh thì bị hành tướng cách ngại, cảnh giới
xao ly, chấp huyễn thân làm thật thân, chấp vọng cảnh làm chơn cảnh, nên
mới có mọi điều lo sợ. Trái lại, Bồ-tát đã hiệp tánh bản diệu
giác tâm, thấy muốn loài đồng một thể tánh tâm nguyên, đồng một thân
tâm, không có loài nào khác ngoài, không có cảnh chi khác, tự mình thanh tịnh
không còn vọng tưởng, diệt hết tập khí sát, đạo, dâm, vọng. nên có
thể khiến các chúng sanh dầu lâm cảnh hoạn nạn mà nhớ đến danh hiệu
Bồ-tát Quán Thế Âm, tức khắc tâm ấy liền đồng với tâm trở thành từ
bi tâm, xoay cảnh tai nạn thành ra cảnh an lạc, ấy là Bồ-tát đem công đức
vô úy thí cho mười phương chúng sanh, đó là 14 món vô úy.
14 MOَ VÔ ÚY [^]
Khiến chúng sanh khổ não, xưng danh
Bồ-tát Quán Âm liền đặng giải thoát.
Khiến chúng sanh rủi vào lửa
không bị lửa đốt.
Khiến chúng sanh rủi vào nước không
bị chìm.
Khiến chúng sanh rủi vào chỗ quỷ
không bị quỷ hại.
Khiến chúng sanh rủi gặp binh qua,
đao trượng không bị đâm nát.
Khiến chúng sanh dẫu ở bên ác quỷ
mà ác quỷ không trông thấy.
Khiến chúng sanh lỡ phạm cấm chết
không bị gông xiềng kiềm hãm.
Khiến chúng sanh đi qua đường hiểm
không bị giặc cướp.
Khiến chúng sanh đa dục được ly
dục.
Khiến chúng sanh đa sân được ly sân.
Khiến chúng sanh đa si được ly si.
Khiến chúng sanh cầu con trai sanh
con trai phước đức trí tuệ.
Khiến chúng sanh cầu con gái được
sanh con gái nhu thuận.
Khiến chúng sanh chỉ niệm danh hiệu
Bồ-tát mà phước ngang với người niệm vô số vô lượng danh hiệu Bồ-tát
khác.
Tóm lại, 32 ứng thân là Bồ-tát
cùng chư Phật đồng một từ lực ; 14 món vô úy là Bồ-tát cùng với
chúng sanh đồng một tâm bi ngưỡng và tất cả đều do sức vô duyên từ
của Bồ-tát mà thành tựu. Tuy vậy, nơi Bồ-tát thì do vô duyên từ mà tự
nhiên ứng, nhưng nơi chúng sanh phải do tự lực thiên căn mới thành, thế
nên với chúng sanh đã phát thiện căn thì liền có Bồ-tát hiện thân thuyết
pháp. Với chúng sanh khổ nạn một lòng bi ngưỡng xưng danh thì liền cảm
đến Bồ-tát thí đức vô úy. Một khi tự lực, tha lực đã viên mãn như
vậy thì sự cảm ứng tất được rõ ràng.
Ngoài các diệu dụng nêu trên,
ngài Quán Thế Âm còn chứng được bốn món diệu đức không thể nghĩ
nghì, nghĩa là sau khi chứng được quả Vô thượng Bồ-đề, bi và trí đầy
đủ thì tự nhiên không cần tâm niệm phân biệt nghĩ nghì mà vẫn thành
tựu được phương tiện khéo léo độ sanh.
Do ngài Quán Thế Âm đã chứng đặng
văn tánh viên diệu, lìa tánh thấy nghe hư vọng, trong tánh giác đồng thể
thì một thân tức nhiều thân, nhiều thân tức một thân, nên tùy nghi hiện
ra thân hình từ một đầu đến nhiều đầu, từ hai tay đến nhiều tay, từ
hai mắt đến nhiều mắt, khi hiện dáng từ bi, khi hiện dáng oai hùng, khi
hiện dáng thiền định, khi hiện dáng trí tuệ và nói ra vô lượng thần
chú để cứu độ chúng sanh. Đó là điều bất tư nghì thứ nhất.
Hiện mỗi hình đọc mỗi mỗi bài
chú, mà hình và chú ấy đều đem lại cho chúng sanh sức vô úy. Đó là
điều bất tư nghì thứ hai.
Hay cảm đến chúng sanh, khiến họ
xả bỏ thân mạng, tài sản cúng dường mà không sanh lòng tiếc nuối. Đó
là điều bất tư nghì thứ ba.
Từ lực vô biên, thí tâm rộng lớn,
Ngài Quán Thế Âm chẳng những cúng dường chư Phật mà còn bố thí khắp
tất cả chúng sanh, cầu con thì đặng con, cầu vợ đặng vợ, cho đến cầu
Đại Niết-bàn đặng Đại Niết-bàn. Đó là điều bất tư nghì thứ tư.
Như thế nên gọi Ngài là Quán Thế
Âm, vì hay tầm thanh cứu khổ ; cũng gọi Ngài là Vị Thí Vô Úy, vì hay cứu
vớt sự sợ hãi cho chúng sanh.
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |