- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
- 5
NHÀ NHƯ LAI, ÁO NHƯ LAI, TÒA NHƯ LAI [^]
Pháp Hoa là một bộ kinh rất cao
quý, tóm thâu tất cả giáo lý mà Phật đã dạy cho đệ tử suốt 45 năm.
Trước khi thuyết kinh này, vì căn cơ các hàng đệ tử không đồng, Ngài
đã dùng nhiều phương tiện để dẫn dắt họ dần dần đến Nhất thừa
đạo. Đến khi căn cơ chúng sanh đã thuần thục, Phật mới nói thẳng đạo
Nhất thừa. Nhất thừa đạo không có nghĩa là phủ nhận tất cả những
pháp môn phương tiện mà Phật đã nói trước đây, mà chỉ muốn nói rằng,
những pháp môn trước kia là những nấc thang, những phương tiện để giáo
hóa chúng sanh vào Nhất thừa. Như y sĩ sau khi đã hiểu rõ căn bệnh, hiểu
rõ thuốc chữa bệnh, cách chữa bệnh, mới cho bệnh nhân dùng thuốc này
thuốc khác. Đức Phật cũng thế, với trí tuệ, Ngài chữa lành mọi căn
bệnh của chúng sanh, tuỳ căn cơ mà dùng phương tiện này khác, chứ
không phải đem tất cả thuốc cho uống một lúc. Chẳng hạn khi người
đau bụng, y sĩ bảo kiêng sữa và cho các thuốc trị đau bụng, sau đó khỏi
bệnh, y sĩ lại bảo uống sữa để thêm sức. Nếu bệnh nhân không biểu
biết, thì sẽ bảo y sĩ trước sau bất nhất, trước bảo không uống sau
lại bảo uống. Phật cũng thế, trước chỉ nói pháp Tứ đế, Nhân vô
ngã... để chúng sanh giải thoát sanh tử luân hồi. Khi ngã chấp đã được
phá trừ mà pháp chấp chưa trừ thì giác ngộ chưa được rốt ráo, do đó
Phật lại dạy thêm, phá trừ pháp chấp để giải thoát hoàn toàn. Nhưng
có hàng đệ tử lại nghĩ, trước Phật đã dạy lý Tứ đế để tu chứng
Niết-bàn, bây giờ lại nói đó chỉ là phương tiện, còn có pháp Nhất
thừa cao hơn nữa. Như vậy là Phật nói trước khác, sau khác, vì nghĩ thế
nên trong hội Pháp Hoa, có 5000 Tỳ-kheo tăng thượng mạn bất tín đứng dậy
đi ra. Nhân đấy đủ biết, kinh Pháp Hoa là một bộ kinh tối thượng thừa,
Phật nói để đưa đệ tử đến Nhất thừa đạo, để ngộ nhập Phật
thừa, chỉ dành cho hạng căn cơ đã thuần thục. Cho nên ai viết chép, thọ
trì, giảng nói được kinh này thì người ấy công đức vô lượng. Nếu
không nhờ có lòng tin lớn, do trồng căn lành từ vô lượng kiếp thì khó
mà làm được việc này.
Trong khi đọc tụng giảng nói Pháp
Hoa, người ấy ít nhất phải có hiểu biết, thực hành, theo lời kinh dạy
thì mới được lợi ích cho người nghe, cũng như người nói, nếu không,
sự thọ trì đọc tụng, giảng nói không có lợi nhiều. Như trong pháp hội
của đức Lục tổ Huệ Năng, có vị thầy Pháp Đạt một hôm đến tham bái,
đảnh lễ Tổ ba lạy mà đầu không sát đất, Tổ quở : Lạy là để phá
trừ kiêu mạn, tỏ lòng cung kính, lạy mà đầu không chấm đất chắc
trong lòng còn ôm giữ một điều gì ? Pháp Đạt nói : Tụng kinh Pháp Hoa
đã được 3000 bộ mà chưa thấy đạo. Tổ dạy : Dù có tụng ba vạn bộ
đi nữa mà không hành thì cũng vô ích. Nếu hành được tinh thần Pháp Hoa
thì sẽ cùng tôi sánh vai mà đi. Kinh Pháp Hoa đã dạy một hạnh khiêm tốn
nhẫn nhục qua điển hình ngài Bồ-tát Thường Bất Khinh, một vị Bồ-tát
mà ra đi gặp ai cũng cung kính cúi đầu nói : "Tôi rất kính trọng
các ngài, không dám khinh mạn vì các ngài thực hành đạo Bồ-tát sau sẽ
thành Phật". Có người nghe thì hoan hỶ vì cho đó là lời chúc tụng.
Có người nghe cũng dửng dưng vì không hiểu Ngài muốn nói gì. Nhưng có
người nghe thì nổi sân vì cho rằng Ngài chọc tức mình, nên mắng nhiếc
đánh đập, nhưng Ngài vẫn giữ một tâm niệm bình thản đối với tất
cả mọi người vì Ngài biết rõ mọi người đều có Phật tánh, biết người
nào nghe Kinh Pháp Hoa đều sẽ thành Phật, vì kinh dạy : "Nhược hữu
văn pháp giả, vô nhất bất thành Phật". Tất cả chúng sanh, hoặc
trong hiện tại, hoặc ở quá khứ, hoặc vị lai, thế nào cũng có lần
nghe kinh Pháp Hoa, mà đã nghe được thì sẽ có ngài thành Phật. Vì biết
rõ như vậy, nên Ngài cung kính tất cả. Lý do thứ hai khiến Ngài cung
kính, kính họ là kính sự hiểu biết của mình, sự hiểu biết đó là mỗi
chúng sanh đều có Phật tánh. Thứ ba cung kính họ tức là cung kính lời
Phật dạy, phải khiêm cung với tất cả mọi người. Nếu mình khinh người,
tức là khinh lời đức Phật dạy, mà cũng khinh luôn cả sự hiểu biết của
mình. Điển hình Bồ-tát Thường Bất Khinh ấy đủ làm cho chúng ta từ bỏ
tâm kiêu mạn, và thay vì nói bậy, hí luận vô ích, thả tâm ý tán loạn
quàng xiên, thì tụng Kinh, chừng ấy cũng được lợi lạc. Nhưng nếu không
phá trừ kiêu mạn, thực hành hạnh khiêm cung thì mất rất nhiều công đức
của việc tụng đọc. Tụng kinh mà còn cần chú ý học hỏi để thực hành
tinh thần Kinh, huống chi giảng nói cho người. Tự tụng đã khó, đem nói
cho người lại càng khó hơn. Cho nên đức Phật dạy, ai giảng nói Kinh
này, người ấy đã trồng căn lành từ nhiều kiếp. Nhưng muốn cho sự giảng
nói kinh này viên mãn lợi ích cả mình lẫn người, thì người giảng nói
cần hội đủ ba đức tính như phẩm Pháp sư trong kinh đã dạy. Đó là
ở nhà Như Lai, mặc áo Như Lai và ngồi tòa Như Lai.
Chúng sanh ở trong tam giới là một
cái nhà do nghiệp mình tạo ra, đó là những nghiệp hữu lậu, tham sân si
phiền não. Bây giờ người muốn nói kinh Pháp Hoa thì đừng ở trong nhà
đó, mà phải lấy tâm từ bi làm nhà. Từ là cho niềm vui, bi là cứu nạn
khổ. Cho vui khi thấy chúng sanh yên lành, cứu khổ khi thấy chúng sanh đau
khổ. Như ba mẹ thấy con vui khỏe mạnh thì cho thêm áo, giầy... làm cho
nó vui hơn, hay hoan hỶ với nó, đó là lòng từ. Nhưng khi nó đau ốm thì
săn sóc, cho thuốc men, cơm cháo là bi. Đức Phật cũng vậy, đối với chúng
sanh đã có nghiệp quả tốt, Ngài dùng Từ để giáo hóa, vì cái tốt
trong tam giới chưa phải giải thoát, nên Ngài đem những thiện pháp xuất
thế khiến cho họ tiến tu, đó là lòng Từ. Nhưng đối với những chúng
sanh bị nghiệp chướng đau khổ trói buộc, thì Phật dùng những pháp môn
dạy chúng ta tu để trừ nghiệp chướng, để hết đau khổ, đó là Bi. Nhưng
thực hiện lòng từ bi đó không phải một ngày, hai ngày mà thành được.
Kinh đã chia ra ba cấp bực từ bi là :
- 1. Chúng sanh duyên từ.
- 2. Pháp giới duyên từ, hay đồng thể đại bi.
- 3. Vô duyên từ hay Vô duyên đại từ.
Chúng sanh duyên từ : Là lòng từ
bi còn tướng đối đãi, có duyên mới phát khởi, ví dụ có thấy chúng
sanh đau khổ mới phát lòng thương, khi cảnh khổ qua rồi thì tâm từ bi cũng
lặn mất. Lòng từ bi có sinh diệt đối đãi ấy, gọi là chúng sanh duyên
từ.
Pháp giới duyên từ : Là Phật, Bồ-tát
thấy rằng tất cả chúng sanh sinh tồn đều có tương quan mật thiết với
nhau. Ví dụ : Một người đi buôn, một người làm ruộng, một thầy
giáo, một học sinh, một người nội trợ... Những người này nếu nhìn một
cách phiến diện, chúng ta thấy họ không tương quan gì với nhau, vì mỗi
người làm một công việc. Nhưng sự thật thì tất cả những người ấy
đều có tương quan sinh tồn, giúp đỡ lẫn nhau. Hiểu được như vậy, thì
không còn cái tánh bất chấp quyền lợi chung mà bảo vệ quyền lợi
riêng rẽ. Cái biết của chúng ta hiện tại, chẳng hạn như biết làm
toán, là nhờ những người trong quá khứ hoặc đã qua đời, hoặc đã đi
chỗ khác. Đức Phật tuy đã diệt độ mà giáo lý của Ngài vẫn còn tác
dụng giúp chúng sanh giác ngộ, vẫn là một duyên lành, một làn gió mát
cho những ai thực hành theo. Như vậy, giữa Phật và chúng sanh, giữa những
người trong một quốc gia hay rộng hơn, nhân loại trên thế giới, suy cho
cùng đều có tương quan với nhau, gọi là trùng trùng duyên khởi, hay pháp
giới, tức là cái nguyên lý nương nhau mà thành tựu. Căn cứ trên lý
"Pháp giới trùng trùng duyên khởi" đó mà phát lòng từ bi thì gọi
là pháp giới duyên từ, hay đồng thể đại bi. Lý trùng trùng duyên khởi
này luôn luôn hiện hữu nơi sự vật, chúng không bao giờ gián đoạn, hay
có hạn lượng, nên từ bi căn cứ trên đó cũng không có sinh diệt, hạn
lượng, không phân biệt mình người, thân, sơ, loài người hay loài vật.
Hoặc mình có Phật tánh, các người khác, chúng sanh khác cũng đều có Phật
tánh. Mình và người khác, chúng sanh khác tuy cách biệt sang hèn nhưng Phật
tánh thì vốn đồng nhất thể. Cũng như cánh tay mặt, cánh tay trái, tuy
khác nhau nhưng đồng một thân thể. Vậy khi cánh tay trái bị thương, tay
phải xức thuốc là dựa trên tính đồng nhất thân thể đó mà làm, chứ
không phải phân biệt bỉ thử. Đồng thể đại bi cũng vậy.
Cao hơn tất cả là Vô duyên từ :
Là lòng từ bi hoàn toàn không dựa vào một lý lẽ nào để phát khởi,
không chờ đợi đối tượng, vô điều kiện. Như mặt trời chiếu sáng,
không tính toán lựa chọn chỗ này thì chiếu xuống, chỗ kia không chiếu
xuống. Hai đức từ bi sau này bao la như vũ trụ của chư Bồ-tát và Phật,
còn Phật tử chúng ta thì chỉ thực hành chúng sanh duyên từ, nhưng đấy
cũng là những mục tiêu mà chúng ta mong mỏi hướng đến, để sau này cũng
sẽ có được pháp giới duyên từ và vô duyên từ như chư Phật và Bồ-tát.
Tâm từ bi là cái "Nhà Như
Lai", trong đó người nói kinh Pháp Hoa phải ở mới nói kinh được viên
mãn. Đó là điều kiện thứ nhất.
Điều kiện thứ hai, là "Mặc
áo nhu hòa nhẫn nhục". Đã được tâm từ bi nhưng cần phải phô diễn
cách nào? Cần phải có đức tánh mềm mỏng, ái ngữ, chứ không phải chỉ
cần có tâm từ bi là được, rồi cứ việc nói lời khó chịu, thái độ
gay gắt. Có những bà mẹ thương con, nhưng cũng chính vì lòng thương đó,
mà thường đánh mắng nó, không nói lời ôn tồn dạy dỗ, hay thầy giáo
vì thương học trò mà đánh đập khi nó làm bài sai... Lòng từ bi thiếu mềm
mỏng đó thường dễ gây đau khổ. Vậy ngoài đức từ bi cần phải có
ái ngữ làm cho mọi người ưa mến thích nghe. Kinh Pháp Hoa là kinh tối thượng
thừa, nan tín nan giải, nếu nói bằng lời thô bạo, cứng cỏi, thì chúng
sanh làm sao nghe lọt lỗ tai được. Như viên thuốc chữa bệnh rất hay mà
quá đắng, thì phải bọc một lớp đường, mới cho trẻ uống được. Chúng
sanh đối với Phật Pháp cũng như trẻ con vậy. Thuốc Pháp Hoa là thuốc
đắng tối thượng thừa, nếu không bọc một lớp đường nhu hòa nhẫn
nhục thì khó mà đem cho chúng sanh uống được.
Suốt đời đức Phật luôn luôn
nhu hòa nhẫn nhục. Như có lần đi khất thực, Ngài gặp một người ác cản
chận lại mắng rủa. Ngài vẫn im lặng đứng lại để nghe ông ta nói
xong, rồi ôn tồn hỏi: Ở nhà ngươi chắc cũng có khi bà con đến thăm chứ?
Người ấy đáp: Có chứ sao không. Ngài hỏi tiếp : Mỗi lần họ đến
thăm chắc cũng có khi ngươi dọn quà bánh mời ăn? Có. Và nếu họ không
ăn thì phần quà ấy về ai? Người kia đáp : Thì về tôi chứ ai. Khi ấy
đức Phật bảo: Cũng thế, nãy giờ ngươi dùng lời thô bỉ mắng Ta, mà
Ta không nhận thì những lời ấy hẳn trở về ngươi. Vậy Ta khuyên ngươi
đối với ai cũng không nên dùng lời thô bỉ mà nên dùng lời hòa nhã. Nhờ
nhu hòa nhẫn nhục mà Phật đã khai hóa cho người ấy. Vì người mắng mình
bao giờ cũng mang một thành kiến, hoặc vì thấy bộ tịch mình mà họ
không ưa, hoặc vì việc làm của mình động chạm đến quyền lợi của họ,
hoặc vì họ nghe lầm, nghe xuyên tạc về mình. Muốn thoát khỏi cảnh sân
si, tật đố, cần phải nhu hòa nhẫn nhục mới bình tĩnh để đối phó,
chứ mình nóng nảy đáp lại thì không khác gì đổ dầu thêm vào lửa. Nhưng
nhẫn nhục của đức Phật là nhẫn nhục trong trí tuệ sáng suốt, nhẫn
để giáo hóa, như khi Ngài hỏi lại kẻ đã mắng nhiếc mình. Đức nhẫn
này rất cần để vượt mọi khó khăn.
Nhẫn có ba thứ:
1. Nại oán hại nhẫn : Nhẫn trước
lời sỉ nhục thù hằn, chuyên gây khó khổ của loài người khác đối với
mình.
2. Kham thọ khổ nhẫn : Nhẫn đối
với những vật vô tình đem lại thọ khổ cho chúng ta như nóng, lạnh, đói,
khát. Nếu người hành đạo nửa chừng bỏ tu vì không chịu nổi những
chướng duyên này, ấy là vì không kham nhẫn.
3. Vô sanh pháp nhẫn : Cái nhẫn cao
nhất. Vì biết các pháp vốn vô sanh. Đã vô sanh thì lời mắng nhiếc sỉ
nhục của người ta nói với mình cũng vô sanh. Ví dụ câu nói : "Anh
là đồ ngu", mỗi đơn từ không phải lời mắng, chỉ vì chúng ta đem
tâm phân biệt so đo ráp nó lại, chấp cái vô sanh làm sanh, nên mới khó
chịu. Nếu biết rõ thực tính của nó là vô sanh, thì nó không thành một
lời mắng, lấy đâu mà giận mà khổ. Mọi sự khác cũng vậy, đều vô
sanh. Tin được điều đó thì không thấy có điều nhục đế mà nhẫn gọi
là vô sanh pháp nhẫn.
Cuối cùng điều kiện thứ ba của
người giảng kinh là phải ngồi Toà Như Lai : Ngồi là an trú, tòa Như Lai
là nhất thiết pháp không, "không" đây có nghĩa là vô tự tánh của
các pháp. Tất cả các pháp đều vô tự tánh, vì vô tự tánh nên bất khả
đắc chứ không phải hoàn toàn là trống không. Đức Phật an trú trong
chân không đó nên gọi là ngồi tòa Như Lai. Kinh Kim Cương nói : "có
bao nhiêu chúng sanh Ta đều độ cho nhập vô dư Niết-bàn, diệt độ vô số
vô biên chúng như vậy mà thật không thấy có chúng sanh nào được độ".
Trọn đời Ngài độ sinh mà không thấy có chúng sinh nào được độ, nên
sự thuyết pháp độ sinh mới viên mãn. Vì nếu cứ trên mặt giả tướng
mà nhìn, thì thấy chúng sanh nhiều vô cùng vô tận, biết đời nào độ
cho hết? Nhưng đức Phật ở trong vô tự tánh, trong vô sanh của các pháp
mà nhìn, nên không còn thấy tướng chúng sanh, lấy đâu có nhiều có ít?
Cho nên Ngài nói pháp cho một người nghe thì cũng như nói cho nhiều người,
vì Ngài đem tâm giác ngộ tâm bình đẳng mà nói pháp. Đứng trên tâm niệm
bình đẳng đó, thì dù chỉ có một người nghe, Ngài cũng không phiền muộn.
Có nhiều người theo, Ngài cũng không hớn hở. Chúng sanh nghe mà hoan hỶ
phấn khởi, Ngài cũng không lấy đó làm mừng. Nghe mà uể oải nhác nhớm
Ngài cũng không bực bội. Nghe mà dửng dưng Ngài cũng không chấp trước.
Thái độ bình đẳng giải thoát đó của đức Phật đối với ba hạng
người nghe pháp như thế, gọi là ba niệm đại bi. Nhờ Ngài đã ngộ nhất
thiết pháp không, an trú trong đại bi tâm niệm đó, nên Ngài mới có thể
nói pháp độ sanh suốt 45 năm, nếu không, việc giáo hóa độ sanh sẽ bị
những người biếng nhác giải đãi, người không ưa, làm cho Ngài chán nản.
Tóm lại, ở nhà Như Lai, mặc áo
Như Lai và ngồi tòa Như Lai là ba đức tính, ba điều kiện để việc đọc
tụng, giảng nói kinh Pháp Hoa được rốt ráo viên mãn.
Hòa thượng Thích Trí Thủ trì tụng
kinh Pháp Hoa đã có lời nguyện như sau:
- "Một lòng kính lạy Phật đà,
- Ngàn đời con nguyện ở nhà Như Lai,
- Con nguyền mặc áo Như Lai,
- Con ngồi pháp tọa Như Lai muôn đời".
Phật tử chúng ta trì tụng kinh
Pháp Hoa cũng nên noi gương Hòa thượng phát nguyện ở nhà Như Lai, mặc
áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai, để cho việc đọc tụng biên chép thọ trì
kinh Pháp Hoa được viên mãn lợi ích vậy.
- VỚI LỜI THỆ NGUYỆN
"CHÚNG SANH VÔ BIÊN THỆ NGUYỆN ĐỘ"
Theo tinh thần của Đại Thừa Giáo
thì lấy Bồ Tát Hạnh làm cao điểm, mà thuyết minh về Bồ Tát hạnh thì
Kinh Pháp Hoa là Kinh tiêu biểu, là Kinh đúc kết nói lên bản hoài cao tột
của Đức Phật trong sự ra đời và thuyết giáo của Ngài trong suốt 45 năm
ở cõi Ta Bà.
Kinh Pháp Hoa diễn tả một chân lý
sinh động qua các hạnh của các vị Bồ Tát. Đức Phật nhìn tất cả
chúng sanh đều có Phật tánh. Và vì tất cả chúng sanh có Phật tánh cho
nên tất cả việc làm thiện của chúng sanh dù là một việc thiện rất
nhỏ cũng đưa đến sự giải thoát thành Phật, như trong phẩm Phương Tiện
có câu: "Nhược nhơn tán loạn tâm, nhập ư tháp miếu trung, nhất xưng
Nam Mô Phật, giai dĩ thành Phật đạo" (Nếu có người tâm tán loạn,
đi vào trong tháp miếu Phật, xưng một tiếng Nam Mô Phật, đều được thành
Phật đạo). Hoặc: "Nãi chí đồng tử hý, tụ sa vi Phật tháp, giai dĩ
thành Phật đạo (Cho đến trẻ nhỏ chơi, nhóm cát làm tháp Phật, đều
được thành Phật đạo).
Đó là những điều mà các thời
giáo trước Phật chưa nói. Đến khi giảng Kinh Pháp Hoa Đức Phật mới đề
cập đến. Bởi lẽ những việc thiện dù rất nhỏ cũng xuất phát từ Phật
tánh, nếu như không có Phật tánh thì không thể có các việc thiện, và
đã là xuất phát từ Phật tánh thì dù làm một việc thiện trong tán loạn
tâm, nó cũng đưa đến quả thành Phật. Sau ngày thành đạo, Đức Phật
thuyết giáo lý căn bản, Ngài muốn đưa tất cả chúng sanh đến giác ngộ
như Phật, nhưng không thể đưa được, đó là trường hợp Ngài nói Kinh
Hoa Nghiêm mà theo Ngài Thiên Thái Trí Giả cho Kinh ấy là Kinh Đức Phật giảng
đầu tiên khi vừa thành đạo tại cội Bồ Đề, không mấy ai hiểu nổi.
Và đó cũng là diễn tả ý nghĩa lời nói của Đức Phật khi vừa thành
đạo tại cội Bồ Đề mà trong kinh Đại Niết Bàn thuộc Trường Bộ
Kinh và Kinh Thỉnh Cầu thuộc Tương Ứng Bộ Kinh đều có ghi lại:
"Pháp này do ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng,
tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới
hiểu thấu, còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái ái dục, ham thích
ái dục, thật khó thấy được tất cả hành là tịch tịnh, tất cả danh
y được từ bỏ, ái được đoạn tận, ly dục, ái dục Niết bàn".
Nên Đức Phật phải tùy theo căn cơ mà phương tiện thuyết ra Ba Thừa Giáo.
Trong Ba Thừa Giáo này, mỗi thừa đều có nhân riêng, quả riêng, hạnh
riêng. Thanh Văn thừa tu theo Thanh văn Thừa, Duyên Giác thì tu theo Duyên
Giác Thừa, Bồ Tát thì tu theo Bồ Tát Thừa. Nhân của Thừa nào thì chứng
quả của Thừa ấy, mỗi thừa riêng biệt pháp tu, riêng biệt quả chứng,
không tương quan với nhau. Tiểu Thừa là Tiểu Thừa, Đại Thừa là Đại
Thừa, không lẫn lộn được. Ngay như trong Kinh Bát Nhã, Kinh Hoa Nghiêm cũng
có nói đến việc thọ ký cho người sẽ thành Phật, song chỉ thọ ký cho
hàng Bồ Tát, còn hàng Thanh Văn, Duyên Giác thì tuyệt nhiên vô phần. Nhưng
đến thời kỳ Kinh Pháp Hoa lại khác. Trong đây xác minh rằng tất cả
chúng sanh đều có Phật tánh, như vậy tất cả chúng sanh đều trở thành
Phật, dù cho họ tu theo Thanh Văn Thừa hay Duyên Giác Thừa. Vì Nhị Thừa
giáo tuy là phương tiện, nhưng phương tiện không có nghĩa là vô giá trị,
mà giá trị của nó là những chặng đường đưa đến cứu cánh giác ngộ.
Ở đây đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm Đức Phật ra đời chỉ
thuyết có một Phật thừa mà thôi, và chỉ có một Phật thừa đó mới
đích thực, còn nói Tiểu Thừa, Đại Thừa đều chỉ là phương tiện nói
ra. Nói ra theo căn cơ thấp cao của Phật thật có Tiểu có Đại. Danh từ
Tiểu thừa, Đại Thừa ở trong Kinh Pháp Hoa bị coi nhẹ, không còn mang ý
nghĩa đích thật, cố định như ở các Kinh Luận Đại Thừa khác.
Kinh Pháp Hoa có cái nhìn đặc biệt
về Phật thân và Giáo pháp. Về Phật thân, Pháp Hoa nói đến cả Phật
sanh thân và Phật pháp thân. Phật sanh thân là Đức Phật lịch sử có giới
hạn trong không gian và thời gian, như Đức Thích Ca ra đời tại Ấn Độ.
Còn Phật pháp thân là tánh pháp thân bất sanh bất diệt, châu biến pháp
giới. Không có Phật pháp thân thì không có Phật sanh thân và nếu không
có Phật sanh thân thì không bằng vào đâu hiển lộ Phật pháp thân. Phật
pháp thân ví dụ như mặt trăng trên trời, còn Phật sanh thân ví dụ như
ánh trăng dưới nước. Ánh trăng dưới nước nhờ trăng trên trời mà
có, trăng trên trời nhờ ánh trăng dưới nước mà biểu lộ sự ứng dụng.
Ánh trăng dưới nước tùy theo duyên của nước mà khi có khi không, còn mặt
trăng trên trời thì không phải chịu sự có không theo nước. Đó là điểm
đặc biệt khác với các kinh khác hoặc chỉ nói đến sanh thân, mà không
nói đến pháp thân, hoặc chỉ nói đến pháp thân mà không nói đến sanh
thân. Đức Phật Thích Ca đản sanh dưới cây Vô Ưu và thị tịch tại
Ta-la song thọ, đó là Đức Phật sanh thân, là cái bóng của Đức Phật pháp
thân vô lượng thọ. Bóng và hình khác nhau nhưng bóng và hình không hề rời
nhau. Hiểu như vậy mới là cái hiểu toàn diện về Đức Phật. Đó là
quan điểm về Phật thân trong Kinh Pháp Hoa. Còn quan điểm về toàn bộ
giáo pháp Phật thì Kinh Pháp Hoa cũng là Kinh đặc biệt nêu lên cả quyền
giáo và thật giáo. Quyền giáo là giáo pháp chưa rốt ráo. Quyền giáo tuy
chưa rốt ráo nhưng không thể thiếu được. Thiếu quyền giáo thì không
đưa ra được thật giáo, cho nên quyền giáo và thật giáo cũng đều là
giáo pháp Phật giảng dạy chúng sanh khai ngộ. Trong Kinh Pháp Hoa không chấp
quyền mà bỏ thật, cũng không chấp thật mà bỏ quyền.
Theo Ngài Thiên Thái Trí Giả, một
vị học Phật rất uyên bác, tổ sáng lập ra Tông Thiên Thai với nhiều kiến
giải mới lạ độc đáo về Phật pháp. Ngài đã ví toàn bộ giáo pháp Phật
như một mặt trời chiếu sáng. Mặt trời tuy một, nhưng tùy thời điểm
chiếu sáng khác nhau trên mỗi đối tượng khác nhau mà có tác dụng và
hình thái khác nhau. Cũng như vậy, Phật pháp tuy một, nhưng tùy thời điểm
Đức Phật thuyết giảng cho mỗi đối tượng khác nhau, nên thành ra như có
những giáo pháp khác nhau. Theo đó Ngài Thiên Thái chia toàn bộ giáo pháp
kinh điển Phật làm năm thời như sau:
Thời Hoa Nghiêm: Cũng gọi là thời
"Nhật xuất tiên chiếu cao sơn." Sau khi thành đạo, Đức Phật
thuyết Kinh Hoa Nghiêm đầu tiên cho hạng căn cơ bậc thượng, như mặt trời
khi mới mọc trước tiên chiếu trên đỉnh núi cao.
Thời A Hàm: Cũng gọi là thời
"Nhật thăng thứ chiếu hắc sơn." Tiếp thời Hoa Nghiêm, Đức Phật
thuyết các kinh A Hàm cho căn cơ bậc trung và hạ, như mặt trời khi lên
cao chiếu đến núi thấp.
Thời phương đẳng: Cũng gọi là
thời "Nhật thăng chuyển chiếu cao nguyên." Đây là thời Đức Phật
thuyết các kinh như Lăng Nghiêm, Lăng Già, Bảo Tích, Tư Ích, v.v. Như mặt
trời khi càng lên cao chiếu lại vùng cao nguyên.
Thời Bát Nhã: Cũng gọi là thời
"Nhật thăng phổ chiếu đại địa." Đây là thời Đức Phật thuyết
kinh Đại Bát Nhã, như mặt trời khi lên cao nữa, chiếu khắp cả đại địa.
Thời Pháp Hoa Niết Bàn: Cũng gọi
là thời "Nhật một hoàn chiếu cao sơn." Đây là thời Đức Phật
thuyết các kinh Pháp Hoa, Niết Bàn. Như mặt trời khi sắp lặn chiếu ánh
sáng trở lại trên đỉnh núi cao, giống như lúc mới mọc.
Lối chia toàn bộ kinh đỉển giáo
pháp Phật theo năm thời trên đây, nếu căn cứ về thời gian thì không hợp
lý, vì theo sự khảo cứu lịch sử đến nay không mấy người công nhận
Đức Phật có thuyết kinh Hoa Nghiêm ngay khi mới thành đạo. Nhưng nếu đứng
về mặt tư tưởng thì đây quả là điều không phải là vô căn cứ. Vì
khi Đức Phật thuyết kinh Hoa Nghiêm là thuyết về đạo lý duyên khởi, một
đạo lý cao siêu, sâu kín mới lạ, chúng sanh ngơ ngác không ai hiểu thấu.
Phải chăng điều này tương ứng chặt chẽ với lời Đức Phật nói khi mới
thành đạo: "Pháp này do ta chứng được, thật là sâu kín khó thấy,
v.v. ", như đã dẫn ở đoạn trước. Rồi từ đó Đức Phật mới
phương tiện giảng lý Tứ Đế cho năm vị Tỳ kheo, tức là Ngài dạy
giáo lý chủ yếu ghi trong các bộ A Hàm và Nikàya.
Giáo lý trong thời A Hàm chỉ chú
trọng phá trừ ngã chấp, diệt tham ái, chứng Niết bàn, chứ chưa đề cập
đến giáo lý phá trừ pháp chấp. Phải đợi đến thời nói kinh Bát Nhã
mới chú trọng phá trừ luôn cả pháp chấp. Theo tinh thần Bát Nhã thì tất
cả pháp vô luận hữu tình hay vô tình đều là không có thật tính, nghĩa
là đều không có cá tính độc lập, đều là vô sở đắc. Nhưng vô sở
đắc không có nghĩa là hư vô. Mà vì vô sở đắc mới là đắc, tức là
đắc thành trí Đại Viên Cảnh, thành Phật. Tư tưởng này là tư tưởng
trong kinh Pháp Hoa, Niết Bàn, cho nên thời Pháp Hoa, Niết bàn đặt để ở
thời thứ năm sau hết là vì lý do ấy.
Đại Sư Cát Tạng, người sáng lập
Tông Tam Luận, chia toàn bộ giáo pháp Phật làm ba pháp luận là: 1. Căn bản
pháp luận, chỉ cho thời nói kinh Hoa Nghiêm. 2. Chi mạt pháp luận, chỉ cho
thời nói kinh A Hàm, Phương Đẳng, Bát Nhã và 3. Nhiếp mạt qui bản pháp
luận, chỉ cho thời nói kinh Pháp Hoa Niết Bàn. Như vậy kinh Pháp Hoa cũng
đặt ở vị trí cuối cùng cao tột hơn hết. Nhiếp mạt qui bản có nghĩa
là gom tất cả giáo pháp phương tiện đưa về cứu cánh, gom ngọn trở về
gốc. chữ Chuyển pháp luân theo chữ Pali là Dhamma Cakka Pavatana
- Chuyển - Pavatana: Chuyển động, xây dựng, củng
cố.
- Pháp - Dhamma: Trí tuệ, chân lý, đạo
- Luân - Cakka: Bánh xe, vương quốc.
Do những định nghĩa trên mà có người
dịch là củng cố vương quốc trí tuệ, xây dựng vương quốc chân lý,
chuyển bánh xe pháp.
Chữ Luân là bánh xe, có khả năng
lăn chuyển, lăn chuyển từ tâm người này đến tâm người khác, giáo
pháp từ tâm chứng ngộ của Phật chuyển đến tâm mê lầm của chúng
sanh. Cũng như bánh xe lăn từ chỗ này đến chỗ khác.
Chữ Luân còn có nghĩa là dằn dẹp,
lăn đến đâu dằn dẹp đến đó, Giáo pháp Phật lăn đến tâm chúng sanh
thì dằn dẹp hết mọi phiền não tà kiến, vô minh.
Lại Chuyển Luân Vương có
xa-luân-bảo là biểu hiệu chính của vương quyền, nhờ nó mà đi đến với
muôn dân, đem lại sự bình an thịnh vượng cho họ. Cũng như vậy Như Lai
Pháp Vương thì có pháp luân để đi đến với chúng sanh, đem lại sự an
vui giải thoát cho họ.
Kinh Pháp Hoa đã được dịch từ
Phạn văn ra Hoa văn rất sớm. Năm 256 TL, tại Trung Hoa, Ngài Trúc Pháp Hộ
dịch tên là Chánh Pháp Hoa. Năm 404, Ngài Cưu Ma La Thập dịch tên là Diệu
Pháp Liên Hoa. Đời Tùy Trung Hoa, Trí Khải Đại Sư (531-597) đã căn cứ
kinh Pháp Hoa mà lập Tông Thiên Thai. Năm 593-622, ở Nhật, Thánh Đức Thái
Tử (Shotaku Taishi) đã chú giải kinh Pháp Hoa cùng lúc với kinh Thắng Man,
Duy Ma Cật, và dựa vào đó soạn thảo và công bố bản Hiến Pháp 17 điều
đầu tiên của Nhật. Năm 1222 có Sư Nhật Liên cũng dựa vào kinh Pháp Hoa
mà lập nên Nhật Liên Tông, làm một cuộc cách mạng lớn đối với các
tông phái Phật giáo truyền bá tư tưởng ở Nhật Như Tịnh Độ Tông, Luật
Tông, Thiền Tông.
Cho đến nay Nhật Liên Tông vẫn thịnh
hành, là một tông phái Phật giáo đi vào xã hội quần chúng một cách rộng
rải. Họ thường xuyên niệm câu: Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa Kinh để
cầu nguyện hòa bình. Cả Ngài Cát Tạng, Tông chủ của Tam Luận Tông cũng
tôn kính Pháp Hoa là kinh ở thời thuyết giáo "Khiếp mạt qui bàn pháp
luân." Tại Việt Nam trong các thế kỶ Phật giáo hưng thịnh, kinh Pháp
Hoa cũng được hành trì rộng rãi. Năm 1879, Thiền Sư Thanh Đàm hiệu Minh
Chính sáng tác sách Pháp Hoa Đề Cương rất có giá trị cả mặt tư tưởng
lẫn văn học. Chẳng hạn diễn tả chữ "Pháp" trong câu Diệu
Pháp Liên Hoa như sau: "Trần sa số lượng pháp tuy đa, Bất quá căn trần
thức giả ma, Hư ảnh huyên duyên đồ khỏi diệt, Chơn tri chánh kiến trạm
viên đà. Có trung Phát giác tầm sư đạo, Đạo thượng triền nguyên nhập
Phật gia. Nhược dục tốc đăng chơn bảo sở, Mục tiền tấn lộ mạt ta
đà." (Nguyễn Lang dịch: Vạn pháp tuy nhiều không đếm xiết, Chung qui
cũng chỉ thức căn trần. Huyển duyên hư ảnh dù không thực, Chơn tri chánh
kiến vẫn bao dung. Gặp thầy chỉ dạy đường mê ngộ, Thấy Phật tìm ra
lẽ sắc không, Nếu muốn lên mau bờ bến giác, Con đường trước mắt chớ
lần khân).
Nếu muốn tìm hiểu nguồn gốc của
hành động tự thiêu mà thỉnh thoảng các vị sư Phật giáo thường là để
xả bỏ huyển thân, cầu lên giải thoát, hoặc để thức tỉnh lương tri
nguời đời như Bồ Tát Quảng Đức tự thiêu giữa năm 1963, thì sẽ thấy
nó bắt nguồn xa xôi từ kinh Pháp Hoa này.
Tóm lại, sở dĩ kinh Pháp Hoa có một
vị trí và ảnh hưởng lớn lao như vậy, là vì kinh Pháp Hoa theo như nhận
định của nhà Phật học Nhật Bản Kimura Taiken là kinh Phát huy toàn bộ
đặc sắc về Bồ Tát đạo, coi hết thảy chúng sanh đều là Bồ Tát, đều
có khả năng tính thành Phật trong tương lai. Bởi thế, bất luận là người
nào (khác với nhiều kinh khác chỉ thừa nhận một số người được thành
Phật chứ không phải tất cả đều nên lấy việc phát tâm tu hành nguyện
Bồ Tát làm lý tuởng cứu cánh. Và theo nguyện lực "chúng sanh vô
biên thệ nguyện độ", nên lấy việc cùng với chúng sanh xây dựng một
nước cực lạc ngay trên thế gian này làm lý tưởng.
Đó là một nhận định đúng đắn
và sâu sắc, được gợi ý từ những đoạn kinh Pháp Hoa nói về mục đích
ra đời của Đức Phật là khai thị cho chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật,
nói về Phật thọ ký cho tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật, nói về
một việc thiện nhỏ của bất cứ ai cũng đều là cái nhân tốt đưa đến
thành Phật, nói về viên ngọc trong chéo áo, nói về Ngài Thường Bất
Khinh Bồ Tát vì muốn thức tỉnh lòng người trở về với tính giác ngộ
của chính mình, nên hễ gặp bất cứ ai Ngài đều cung kính chấp tay nói:
"Tôi không dám khinh Ngài, vì Ngài sẽ thành Phật", và nói về Quan
Thế Âm Bồ Tát trải rộng hạnh nguyện từ bi đến với mọi chúng sanh
đang kêu cầu đến sự cứu khổ mà tùy theo căn cơ hiện thân hóa độ ,
v.v. Tóm lại toàn là nói về hạnh Bồ Tát độ khắp quần sanh không phân
biệt thời gian ranh giới vậy.
ĐIE KIỆN ĐỂ ĐẾN VỚI KINH PHÁP HOA [^]
Người Phật tử khi đã phát tâm
nghiên cứu và trì tụng kinh Pháp Hoa, luôn luôn tinh tấn, giữ ý niệm như
vậy, nhờ đó mà trong cuộc sống hằng ngày họ có thể tránh được nhiều
ý nghĩ, lời nói, việc làm không hay, thay vào đó những ý nghĩ tốt đẹp,
lời nói và việc làm hợp với Chánh pháp thường ứng hiện với họ.
Công đức nghiên cứu và trì tụng
như vậy thật là to lớn và nó un đúc cho người Phật tử tăng trưởng
đạo tâm, Bồ-đề tâm và nhất là tăng trưởng trí tuệ Vô thượng chánh
đẳng chánh giác.
Trong kinh Pháp Hoa, phẩm đầu tiên
là phẩm Tựa, và phẩm cuối cùng là phẩm Chúc lụy. Sau phẩm Chúc lụy
có phẩm Phổ Hiền khuyến phát. Tuần tự theo từng phẩm, mỗi phẩm có một
ý nghĩa riêng để nói lên tác dụng và công năng của mỗi phẩm Kinh.
Trong giáo pháp Đại thừa của đức Phật Thích Ca, luôn luôn có hai vị đại
Bồ-tát thượng thủ đứng hai bên để hổ trợ cho việc giáo hóa của
Ngài, đó là Bồ-tát Văn-thù và Bồ-tát Phổ Hiền.
Lời mở đầu trong phẩm Tựa, Bồ-tát
Văn-Thù là một vị tiêu biểu cho cái trí tuệ đầu tiên. Trong phẩm này
có một điểm đặc biệt đáng chú ý là : Đức Phật phóng hào quang đến
phương Đông chiếu khắp mười ngàn thế giới, chúng sanh nhờ hào quang đó
mà được thấy lẫn nhau, được thấy người nào phát tâm, chưa phát
tâm, hành Bồ-tát hạnh, xây tháp cúng dường, trì kinh, bố thí, giữ giới
và thấy đức Phật thuyết pháp, giáo hóa, Thành đạo và nhập Niết-bàn...
Trước một cảnh giới lạ lùng như vậy, cả hội chúng bấy giờ hết sức
thắc mắc không biết đức Phật phóng hào quang như vậy có ý nghĩa gì?
Đức Di-lặc cũng không hiểu ý nghĩa đó như thế nào, nên mới đại diện
cho hội chúng để hỏi Bồ-tát Văn-thù, có biết cái điềm mà đức Phật
phóng hào quang thuyết pháp, hiện rõ các cảnh giới như thế là ý nghĩa gì
không ? Lúc ấy, Bồ-tát Văn-thù trả lời rằng : "Thưa Tôn giả, tôi
nhớ đức Phật Nhật Nguyệt Đăng Minh Quang Như Lai đã từng phóng hào
quang hiện các tướng lạ như vậy, rồi sau đó Ngài thuyết kinh Đại thừa
Diệu Pháp Liên Hoa. Tôi chắc rằng ngày hôm nay, đức Phật Thích-ca phóng
hào quang hiện rõ cảnh giới như thế cũng là điềm báo trước rằng ; Ngài
sẽ thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa chăng?" Khi Bồ-tát Văn-thù
giải đáp được thắc mắc của hội chúng, cho nên hội chúng mới biết
rằng : Chính đức Phật sắp sửa thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên
Hoa. Ngài thuyết kinh Đại thừa Diệu Pháp Liên Hoa là nói đến cảnh giới
Đại thừa thậm thâm vi diệu, cảnh giới cần phải có trí tuệ rộng lớn,
đó là phát cái tâm Bồ-đề dõng mãnh, một cái chí nguyện cao siêu thì mới
có thể thân cận, mới có thể nghe được và thể nhập được. Đức Phật
phóng hào quang là cốt để cho chúng sanh sửa soạn tâm tư nguyện vọng của
mình mà nghe lời dạy của đức Phật. Đó là Phẩm mở đầu bằng sự hiện
hữu của đại trí Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát.
Sau khi đức Phật nói 27 phẩm Kinh,
tiếp đến phẩm thứ 28; Ngài nói đến phẩm Phổ Hiền khuyến phát. Nói
"Phổ Hiền khuyến phát" là nói đến cái hạnh của đại Bồ-tát
cần đến, mà tiêu biểu là đại hạnh Phổ Hiền Bồ-tát. Trong kinh Pháp
Hoa, Văn-thù đại sĩ là tiêu biểu cho đại trí, thì Phổ Hiền đại sĩ là
tiêu biểu cho đại hạnh. Đại trí ví dụ như con mắt, đại hạnh ví dụ
như hai chân, Đại trí ví dụ cho sự hiểu biết, đại hạnh ví dụ cho sự
thật hành. Có con mắt nhìn thấy mà không có chân bước đi thì cũng chỉ
ngồi một chỗ. Có trí hiểu biết mà không có thực hành thì cái trí đó
cũng chỉ là một cái trí suông không đạt kết quả. Cho nên, Văn-thù đại
sĩ luôn luôn tiêu biểu cho trí tuệ, cho sự hiểu biết. Phổ Hiền Bồ-tát
tiêu biểu cho hai chân đi, cho sự hành động sáng suốt. Có hành động sáng
suốt thì mới thành tựu quả vị Vô thượng bồ-đề. Cho nên trong kinh
Pháp Hoa, mở đầu với Bồ-tát Văn-thù và kết thúc với Bồ-tát Phổ Hiền
là có ý nghĩa lớn lao và sâu xa như vậy.
Ở Việt Nam chúng ta, nếu các Phật
tử đi đến chùa nhất là các chùa miền Bắc hiện giờ, thì thấy các
chùa thờ Phật rất nhiều. Phía trên có ba dòng Phật. Dòng trên hết có
ba vị gọi là tam thế Phật, tức là đức Phật ba đời : (Đức Phật
Di-đà, đức Phật Thích-ca và đức Di-lặc). Đức Di-đà chỉ Phật quá khứ,
đức Thích-ca là Phật hiện tại và đức Di-lặc là Phật vị lai. Chúng
ta thường gọi là thờ Tam Thế Phật. Dòng thứ hai cũng thấy có thờ ba vị
: Chính giữa là đức Phật Di-đà, bên hữu là Quán Thế Âm, bên tả là
đức Đại Thế Chí. Đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí là hai vị Bồ-tát
thượng thủ, trợ thủ cho việc tiếp dẫn chúng sanh với đức Phật Di-đà.
Cho nên đức Quán Thế Âm, đức Đại Thế Chí luôn luôn ở bên tả và
bên hữu của đức Phật A-di-đà. Dòng thứ hai nầy gọi là thờ Tịnh độ
tam Thánh. Tịnh độ tam Thánh tức là đức Phật Di-đà ở giữa, đức Quán
Thế Âm bên tả, đức Đại Thế Chí bên hữu gọi là ba vị Thánh ở cõi
Tịnh độ, ba vị Thánh tiếp dẫn chúng sanh về cõi Tịnh độ. Xuống dòng
thứ ba cũng có ba vị : Chính giữa là đức Phật Thích-ca, bên hữu là Bồ-tát
Văn-thù-sư-lợi và bên tả là Bồ-tát Phổ Hiền. Đó là hai vị đại Bồ-tát
làm trợ thủ cho đức Phật Thích-ca giáo hóa chúng sanh, cho nên, hai vị đó
luôn luôn ở bên cạnh Ngài - tức là ở bên tay phải và ở bên tay trái của
đức Phật Thích-ca. Ba vị nầy gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Bởi vì trong
kinh Hoa Nghiêm lấy đức Phật Thích-ca, Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Phổ Hiền
là ba vị tiêu biểu nhất ở trong Pháp hội Hoa Nghiêm của đức Phật, cho
nên gọi là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Có trường hợp khác người ta không thờ
Bồ-tát Văn-thù, Bồ-tát Phổ Hiền mà thờ Tôn giả A-nan và Tôn giả
Ca-diếp. Tôn giả A-nan và Tôn giả Ca-diếp cũng là hai vị thượng thủ
trong hàng Thanh văn, trợ hóa hai bên giúp đỡ đức Phật Thích-ca trong việc
giáo hóa của Ngài. Nói như vậy để cho những ai có đi ra miền Bắc thăm
các di tích thấy trong chùa mà thờ như vậy thì cũng biết được trên hết
là thờ Tam Thế Phật, thứ hai là thờ Tịnh độ Tam Thánh hoặc là nhiều
khi để Hoa Nghiêm Tam Thánh, tầng thứ ba là thờ đức Thích-ca, Bồ-tát Văn-thù
và Bồ-tát Phổ Hiền vậy.
Thấy rõ, biết rõ rằng các vị Bồ-tát
nầy luôn luôn có cái công hạnh lớn lao là giúp đỡ cho công việc giáo
hóa của Phật được thành tựu, cho nên khi thờ Phật chúng ta cũng thờ
luôn các vị Bồ-tát đó, huống gì các Ngài đã phát đại nguyện Bồ-đề
cứu độ tất cả chúng sanh. Với hạnh nguyện lớn lao của các Ngài như
thế, cho nên chúng ta thờ các Ngài, một mặt nhớ ơn cao siêu của các
Ngài đồng thời học lấy cái hạnh Bồ-tát của các Ngài để tu hành.
Trong phẩm Phổ Hiền khuyến phát cuối cùng, chúng ta thường hay đọc, nhớ
rõ trong đó Bồ-tát Phổ Hiền hỏi đức Phật Thích-ca, làm thế nào để
chúng sanh trong thời mạt pháp có được kinh Pháp Hoa, gần gũi được kinh
Pháp Hoa, tụng được kinh Pháp Hoa, thâm nhập được kinh Pháp Hoa ? Đức
Phật Thích-ca trả lời phải hội đủ bốn điều. Bốn điều đó là gì
? Điều thứ nhất : Được chư Phật hộ niệm. Điều thứ hai : Gieo trồng
căn lành. Điều thứ ba : Vào trong chánh định. Điều thứ tư : Phát đại
bi tâm. Chúng sinh có được bốn điều đó, hội đủ bốn điều đó là
có kinh Pháp Hoa, gần gũi, trì tụng, thâm nhập, thực hành kinh Pháp Hoa.
Bây giờ chúng ta thử tìm hiểu thêm bốn điều trên :
Điều thứ nhất : Chư Phật hộ niệm
: Điều này đối với tất cả chúng ta là hết sức cần thiết. Đức Phật
với tâm từ bi rộng lớn, thương yêu tất cả chúng sinh, luôn luôn hộ niệm
cho tất cả chúng sinh, mong mõi tất cả chúng sinh được thành tựu : Ly khổ
đắc lạc, thoát mê đắc ngộ, luôn luôn hộ niệm cho tất cả chúng sinh,
nhưng nếu chúng sinh quay lưng lại thì tất nhiên, sự hộ niệm đó không
thành được. Ví như chúng ta tìm một người mà người đó cố tình
tránh chúng ta mãi, thì dầu chúng ta có tìm mấy đi nữa cũng không thể gặp
được. Cho nên khi được đức Phật hộ niệm, tức là khi chúng ta có
phát tâm hướng về đức Phật, cũng ví như một người tìm về với
chúng ta thì chúng ta tìm họ mới bắt gặp, nếu không, chúng ta cứ tìm
mãi mà họ cứ tránh mãi thì dầu có tìm bao nhiêu đi nữa cũng không thể
gặp được. Cho nên muốn được đức Phật hộ niệm thì điều cần thiết
là phải hướng tâm về với Phật, mà lẽ tất nhiên khi chúng ta hướng tâm
đến Phật thì sẽ có một sự cảm ứng lớn lao "đạo giao" tức
nhiên đức Phật hộ niệm cho chúng ta. Ngài hộ niệm cho chúng ta bằng
tâm từ bi, bằng trí tuệ, bằng lời giáo hóa và bằng sự cảm ứng bất
tư nghì. Nhờ sự hộ niệm của chư Phật, chúng ta mới được yên ổn để
nghe pháp, tụng kinh, hành thiền và nghiên cứu. Sự hộ niệm đó rất
thiêng liêng, rất nhiệm mầu không thể cắt nghĩa hết được. Ai có được
cảm ứng thì được nhìn thấy. Phật hộ niệm chúng sinh bằng nhiều
cách. Khi thì hiện cho chúng ta thấy, khi thì hộ niệm cho chúng ta bằng
cách khác mà chúng ta không thấy được. Nhưng chúng ta luôn luôn sống được
an lành là nhờ sự hộ niệm của chư Phật.
Điều thứ hai : Gieo trồng căn lành
: Nếu chư Phật hộ niệm mà chúng ta không gieo trồng căn lành thì cũng không
gần được kinh Pháp Hoa, đọc được kinh Pháp Hoa. Cho nên gieo trồng căn
lành lại là một điều cần thiết thứ hai. Gieo trồng căn lành nghĩa là
: Đối với đức Phật, chúng ta phát một tâm kính lễ, tán thán công đức
của Ngài, cúng dường Tam Bảo, trì tụng kinh chú, thực hành lời dạy của
đức Phật áp dụng vào trong cuộc sống hằng ngày của mình qua ngôn ngữ,
qua hành động, qua ý nghĩ của mình, đó là gieo trồng căn lành. Bởi vì
tâm của chúng ta như một đám ruộng để cho các hạt giống gieo xuống, nếu
chúng ta không biết gieo vào đó những hạt giống lành, giống phước mà
ngược lại gieo trồng giống ác, giống bất thiện thì tự nhiên cái đám
ruộng của chúng ta không mọc lên những cây lúa tốt mà lại mọc lên những
cây cỏ dại, những cây độc dược, những cây xấu xa, không thể mọc
lên cây tươi đẹp được. Ngược lại, nếu chúng ta gieo trồng vào đám
ruộng tâm của mình những hạt giống tốt, chẳng hạn, hạt giống cúng dường,
lễ kính, tán dương Tam Bảo, thọ trì kinh chú, bố thí, trì giới, thì
chính cái hạt giống đó được gieo vào trong tâm điền của chúng ta, nó
sẽ mọc lên cây Bồ-đề, cây phước đức, quả báo lớn lao tốt đẹp.
Cho nên gieo trồng công đức là điều thứ hai để cho chúng ta có được
kinh Pháp Hoa. Tuy sự gieo trồng này có nhiều cách hoặc bằng cách tu phước
hoặc bằng cách tu huệ. Có người có căn cơ tu huệ mà nhẹ phần tu phước,
nghĩa là ưa học kinh, ưa nghe giảng, ưa đọc giáo lý, ưa tìm hiểu mà ít
làm phước. Những vị này tìm hiểu thì được, học giáo lý thì được,
nhưng nói tới sự giữ giới hay bố thí thì hơi khó khăn, ngược lại, có
những người có căn cơ ưa tu phước nhiều hơn tu huệ. Họ ưa cúng chùa,
ưa xây tháp, ưa tụng kinh, ưa lễ bái, ưa đọc kinh, ưa bố thí ... nhưng
nói đến chuyện đi nghe giảng hay nói đến chuyện học hỏi, tìm hiểu
giáo lý của đức Phật thì có vẻ hơi khó khăn. Đức Phật dạy nếu chỉ
riêng tu phước không thì cũng không thể thành Phật được. Nếu ai chỉ
riêng tu phước thì họ chỉ đạt được cảnh giới tốt đẹp trong hàng
nhơn thiên, không thể đạt tới cái đạo lý giải thoát tối hậu. Nếu
riêng tu huệ thì chỉ đưa đến cái trí tuệ giải thoát, không thể có
được cái phước báo trong hàng nhơn thiên, phước báo an lạc. Cho nên,
có thể có những người hết sức thông minh mà có thân hình rất xấu
xí, vì sao vậy ? Vì họ chỉ tu huệ chứ không tu phước. Có người rất
giàu mà lại kém thông minh là vì sao ? Vì họ chỉ tu phước mà thiếu tu
huệ. Cho nên muốn được cái phước đức và trí tuệ song song cần phải
tu cả hai mặt. Muốn được một thân hình tốt đẹp và có trí tuệ thì
phải tu cả phước lẫn huệ.
Ngày xưa có bốn người, mà cả bốn
người ngày chỉ ưa tu phước chứ không ưa tu huệ. Họ nghe rằng, người
nào làm phước thì được sanh lên cõi trời hưởng phúc báo sống lâu vô
tận : Muốn ăn có ăn, muốn mặc có mặc, sung sướng đủ mặt, có vàng
có bạc, có nhà cao cửa tốt, đầy đủ tiện nghi. Nghe như vậy, họ sung
sướng vô cùng, Cho nên, cả bốn người bàn bạc cùng nhau, muốn đến cúng
dường đức Phật để cầu được phước, hưởng giàu sang chứ không muốn
nghe đức Phật thuyết pháp. Họ ước nguyện với nhau, hễ cúng rồi thì
đi ngay chứ đừng ngồi nghe đức Phật thuyết pháp. Người thứ nhất tới
cúng dường đức Phật, khi cúng dường đức Phật xong, Ngài định nói
pháp cho họ nghe. Ngài mới mở miệng nói được một câu "Chư hạnh vô
thường" thì anh ta bịt tai mà nói : "Xin Ngài cho tôi đi". Qua
đến anh thứ hai vào cúng dường xong định bụng, nhắm mắt bịt tai mà
đi, chứ không chịu nghe, nhưng rồi Phật cũng cứ nói tiếp : "Thị
sanh diệt pháp", nghe xong anh ta bịt tai mà nói : "Xin Ngài cho tôi
đi". Rồi đến anh thứ ba cũng vào cúng dường, định bụng chỉ cúng
dường để được phước chứ anh không muốn giải thoát, đức Phật vừa
mới nói câu thứ ba "Sanh diệt diệc dĩ", anh cũng nghe rồi bịt
tai vùng chạy. Rồi anh thứ tư cũng vào cúng dường, định bụng cúng dường
rồi thì đi chứ không ưa nghe pháp. Nhưng Phật nói tiếp "Tịch diệt
vi lạc" cho anh nghe. Bốn câu đó có nghĩa là : Các pháp vô thường, khôngcó
cái gì là không vô thường, thân quí cái thân của chúng ta, trau tria thế
nào đi nữa rồi cũng vô thường, chứ chúng ta không giữ yên được. Vấn
đề là làm sao đừng ôm lấy cái ngu đối đãi với cái vô thường sanh
diệt của các pháp, làm sao để tiêu diệt, để phá bỏ cái ý niệm sanh
diệt để chỉ còn lại sự tịch tĩnh viên mãn ; đấy là niềm an lạc
tuyệt đối vậy. Người nào ngộ được lẽ vô thường đó mà sống với
một tinh thần giải thoát, không chấp nê, không đắm trước, thì người
đó sẽ được an vui. Ý nghĩa của 4 câu kệ đó là như vậy. Mỗi anh nghe
một câu, nó không có ý nghĩa gì hết, nhưng sau khi cúng Phật về rồi, bốn
anh ngồi xúm lại với nhau để bàn bạc, hỏi nhau khi tới cúng Phật :
"Ông Phật có làm cái gì, nói cái gì, khi Ông nhận cúng dường không
?"
Anh thứ nhất trả lời : "Có,
tôi vào cúng rồi, Ông nói : "Chư hành vô thường", khi nghe, tôi bịt
tai tôi chạy. Anh thứ hai nói : "Tôi cúng dường xong, Ông nói : "Thị
sanh diệt pháp". Nghe xong, tôi bịt tai tôi chạy. Anh thứ ba nói :
"Tôi cúng xong, Ông nói rằng: "Sanh diệt diệc dĩ". Ông nói
xong, tôi cũng bịt tai tôi chạy. Rồi anh thứ tư nói : Ôi chao! tôi cúng
xong ông cũng nói : "Tịch diệt vi lạc". Tôi cũng bịt tai tôi chạy.
Bốn người ngồi ráp lại 4 câu đó thấy hay quá. Đó là :
- "Chư hành vô thường,
- Thị sanh diệt pháp,
- Sanh diệt diệc dĩ,
- Tịch diệt vi lạc".
Tam dịch :
- "Các hành vô thường
- Là pháp sanh diệt
- Sanh diệt diệt rồi
- Tịch diệt an vui".
Trước kia nghe từng câu thì nó
không có y nghĩa gì cả, bây giờ đây nghe suốt cả 4 câu thấy chúng có
ý nghĩa là một bài thuyết pháp tuyệt diệu. Ngài dạy hết cả chân lý của
cuộc đời, hay quá cho nên các anh mới thâm nhập được, mới đến xin đức
Phật : "Bạch Phật, hôm nay chúng con hiểu rồi, tu phước phải tu huệ
mới giải thoát, tu phước không mà không tu huệ thì không được giải
thoát, cho nên chúng con xin theo Ngài để tu".
Nói như vậy để cho chúng ta biết
rằng : Trong khi chúng ta tụng kinh, chúng ta thấy có hai ý nghĩa : Vừa được
cả phước lẫn cả huệ. Vậy, tu phước là gì ? Tu phước là đến trước
đức Phật tụng kinh, tán dương, ca ngợi, lễ bái đức Phật... Tu huệ là
nghe lời của Phật dạy, thâm nhập đạo lý của đức Phật dạy, làm cho
trí tuệ của mình được tăng trưởng, những điều vô minh, đen tối của
mình được phai mờ đi, đó là huệ. Nên việc tụng kinh là việc gieo trồng
thiện căn rất lớn lao.
Điều thứ ba : Vào trong chánh định
: Thiền định là một môn thực hành tu tập trong 3 môn học của Phật là
Giới-Định-Tuệ. Định là một pháp môn tu tập hết sức quan trọng. Ví
như ngọn đèn muốn sáng, ngọn đèn đó phải đứng yên, nếu như ngọn
đèn chao qua chao lại thì ngọn đèn sẽ không sáng được. Tâm của chúng
ta muốn được sáng, tâm của chúng ta cũng phải đứng yên, nếu tâm của
chúng ta chao qua chao lại thì sẽ không sáng được. Cho nên có nhập vào
Thiền định thì tâm mới đứng yên ; tâm có đứng yên như ngọn đèn
thì tâm mới sáng. Cho nên khi tụng kinh, nếu chúng ta không có định tâm,
không một chút định tâm vào trong kinh thì lúc bấy giờ câu kinh đó
không lọt vào đầu mình, không lọt vào tai mình, khi đó tâm mình như ngọn
đèn chao, ngọn đèn chao như thế đó thì câu kinh cũng chỉ lờ mờ đến
với mình mà thôi, nó không sáng sủa gì hết, như ngọn đèn chao qua chao lại,
nó không sáng rõ một vật gì hết. Cho nên cần phải có điều kiện thứ
ba vào trong chánh định là như vậy. Định tâm trong khi tụng kinh, định tâm
trong khi ngồi trước Phật, định tâm trong khi đến chùa. Thay vì nói chuyện
lao xao, thay vì nghĩ lung tung, nghĩ bậy bạ, thì định tâm trong khi tụng
kinh đó gọi là vào trong Thiền định. Vào trong Thiền định trong khi tụng
kinh, Thiền định trong khi về nhà, Thiền định trong khi đi đường ;
nghĩa là luôn luôn tâm mình được định tỉnh chứ không bị sự chi phối
bên ngoài làm cho tâm mình như ngọn đèn chao mà không đứng vững, không
sáng được. Đó là vào trong Thiền định.
Điều thứ tư : Phát đại bi tâm :
Là phát một tâm từ, một tâm thương tất cả mọi người, tất cả chúng
sanh. Vẫn biết giữa đời này chúng ta cũng có điều tốt, có điều xấu,
nhưng thường tâm bịnh của chúng sanh ưa thấy cái xấu của người khác
hơn là thấy cái tốt của người khác, mà khi thấy cái xấu của người
khác thì dễ sinh phiền não. Khi đã thấy cái xấu của người khác tức
cái tâm của mình cũng không được tốt cho lắm. Tại sao người ta có
cái tốt mà mình không ưa thấy, mà chỉ ưa thấy cái xấu, phải chăng cái
tâm của mình không quảng đại, không từ bi, cho nên có tâm quảng đại,
từ bi là một người có tâm lớn lao thương yêu tất cả, phát một cái
tâm thấy cái tốt của người khác thay vì thấy cái xấu của người khác,
đó là tâm đại bi.
Hội đủ được bốn điều đó tự
nhiên chúng ta đến được với kinh Pháp Hoa, nghĩa là chúng ta gần gũi
kinh Pháp Hoa, trì tụng, thâm nhập kinh Pháp Hoa để chứng ngộ được kinh
Pháp Hoa. Nên Ngài Phổ Hiền Bồ-tát nói rằng : "Như vậy tương lai, nếu
người nào thọ trì kinh Pháp Hoa thì trong khi đứng, ngồi, nằm, khi đi,
con đều hiện ra trước họ, khuyến khích họ, tán thán họ, hộ trì họ
được giữ mãi tâm Bồ-đề, tâm thọ trì kinh điển không bị thối chuyển".
Ở phẩm cuối cùng, ngài Phổ Hiền Bồ-tát đến trước đức Phật Thích-ca
sau khi đã nói kinh Pháp Hoa xong phát đại nguyện hộ trì cho những người
thọ trì kinh Pháp Hoa, cho nên phẩm đó được để sau hết. Trước phẩm
đó, thì đến phẩm Chúc Lụy, tức là phẩm kết thúc bộ kinh Pháp Hoa.
Như vậy, chúng ta thấy rõ rằng mở
đầu kinh Pháp Hoa là lấy ngài Văn-thù tiêu biểu cho trí tuệ, có trí tuệ
mới thâm nhập được kinh Pháp Hoa. Kết thúc kinh Pháp Hoa là phẩm Phổ Hiền
khuyến phát tức là nói về sự tu hành, có tu hành mới thành đạt được
trí tuệ.
Cầu mong cho tất cả chúng ta luôn
luôn thọ trì kinh Pháp Hoa, luôn hun đúc phước huệ trang nghiêm để viên
thành Phật đạo.
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |