- Lược giải Kinh Pháp
Hoa
- HT. Thích Thiện Siêu
8d
Kinh văn : Vì nói trí tuệ Phật,
nên các đức Phật ra đời. Chỉ một việc đó là thật, còn nói hai thừa
ba thừa thời chẳng phải chơn. Ta hoàn toàn không đem pháp Tiểu thừa để
tế độ chúng sanh. Phật tử trú trong pháp Đại thừa, đúng như pháp
Ngài chứng được, do sức định, tuệ và sức phương tiện trang nghiêm,
đem pháp đó để hoá độ chúng sanh.
Giải thích : "Dư nhị" ngoài
hai thừa... tức là ngoài nhất thật sự ra, dù nói cái gì khác nữa thì
đều chẳng phải. Tức ngoài nhất đại sự nhân duyên, tất cả cái khác
đều là phương tiện để dẫn đạo chúng sanh. Định, Tuệ, Lực ở trên
phải hiểu : Định để thành Phật, Tuệ để chứng ngộ chân lý và phương
tiện lực để dắt dẫn chúng sanh. Ba thứ này thiếu một thì không thể
trang nghiêm được pháp Đại thừa. Và nhờ trang nghiêm pháp Đại thừa mà
Phật luôn trú trong pháp Đại thừa. Chữ "tự trú" có nghĩa tự
giác thánh trí luôn luôn tự trú, chứng nhập pháp Đại thừa bình đẳng
thật tướng.
Kinh văn : Tự chứng pháp vô thượng
đạo Đại thừa bình đẳng. Nếu Ta dùng Tiểu thừa để giáo hóa, dù
giáo hóa chỉ một người thôi Ta cũng mắc vào xan tham đó là việc không
thể có.
Giải thích : Không bao giờ đức Phật
chứng pháp bình đẳng Đại thừa mà Ngài lại đem pháp Tiểu thừa dạy
cho chúng sanh, dù dạy cho một người Ngài cũng không dạy, nếu làm như vậy
là mắc lỗi xan tham. Đây là một lối nói của đức Phật. Ngài thấy việc
này chúng sanh khó tin khó hiểu, cho nên, Ngài luôn lập lại như vậy.
Kinh văn: "Nếu người có lòng
tin quy y Phật, họ sẽ biết Như Lai không luống dối, cũng không có ý xan
tham tật đố. Như Lai đã đoạn hết các điều ác, nhờ đó cho nên, ở
trong mười phương chỉ riêng Phật có hiệu là vô sở úy (gồm cả tứ
vô sử úy)" Ta có thân tướng trang nghiêm, có hào quang chiếu soi thế
gian, được vô lượng chúng tôn kính, Ta nói pháp ứng hợp với thật tướng.
Giải thích : Đây cũng là một lời
minh chứng, đức Phật nhờ đoạn ác, nhờ không tật đố xan tham, nhờ lòng
cứu độ chúng sanh mới có được thân tướng trang nghiêm. Có hào quang
chiếu khắp thế gian, được vô lượng chúng tôn kính. Vậy "cho nên
Ta nói thật tướng ấn", thật tướng ấn là pháp Đại thừa, pháp thật
tướng ấn. Ấn có tam pháp ấn, có thật tướng ấn. Tam pháp ấn thuộc
pháp Tiểu thừa. Đó là vô thường, khổ, vô ngã. Vì tất cả mọi hiện
tượng ở thế gian, thiên hình vạn trạng sai khác, nhưng tự mỗi pháp đều
mang đủ ba tánh chất vô thường, khổ, vô ngã. Đức Phật đã tự chứng
ngộ được, Phật nói lại cho chúng sanh nghe, điều đó như một dấu ấn.
Nếu ở đâu, lời kinh, quyển luận nào diễn tả trong đó bao hàm cả ý
nói về hiện tượng thế gian vô thường, khổ, vô ngã thì đó là dấu
ấn của Phật, tin đó là lời Phật nói, gọi đó là ấn. Như một cái dấu
đóng trên tờ giấy, ai thấy cái dấu đóng đều biết là văn thơ thuộc
của ai nên gọi đó là ấn.
Còn Đại thừa thì có thêm thật tướng
ấn hay nhất Phật thừa ấn. Đó là dấu ấn của Kinh luận Đại thừa,
chỉ về thật tướng bình đẳng của vạn pháp.
Kinh văn : "Xá-lợi-phất nên biết,
Ta vốn lập thệ nguyện, muốn khiến các chúng sanh đồng được như Ta không
khác".
"Như sở nguyện của Ta xưa thì
nay đã được viên mãn đó là hóa độ tất cả chúng sanh đều khiến vào
Phật đạo."
Giải thích : Câu này để nói rằng
đức Phật không phải ngày hôm nay mà chính từ trong bản nguyện, Ngài cũng
đã lập thệ nguyện muốn cho chúng sanh đồng được thành Phật như mình,
nghĩa là muốn đem pháp nhất thừa nói cho chúng sanh chớ không hai ba thừa
gì hết.
Kinh văn : Nếu ta gặp chúng sanh, đều
dạy cho họ Phật đạo, nhưng những người vô trí, bị lầm lỗi, rối loạn,
mê hoặc, không lãnh thọ được lời dạy đó. Ta biết chúng sanh ấy chưa
từng tu gốc thiện. Họ bị chấp chặt nơi 5 dục, bị si ái nên sanh ra khổ
não.
Giải thích : Đoạn kệ này là lập
lại phần văn trường hàng ở trước nói về ngũ trược. Mấy câu này
là nói về phiền não trược.
Kinh văn : "Do nhơn duyên của
ái dục phải đọa vào tam đồ ác đạo. Sanh vào trong 6 thù luân hồi để
chịu các khổ".
Giải thích : Đoạn này là nói về
chúng sanh trược. Khi sanh chỗ này, khi sanh chỗ kia, cho nên gọi là chúng
sanh.
Kinh văn : "Rồi thọ lấy thân
hình mỏng manh trong thai bào, cứ đời đời tăng dồn lên mãi".
Giải thích : Đây là nói về mạng
trược.
Kinh văn : "Những người thiếu
phước đức, bị các khổ bức bách, sa vào trong rừng tà kiến, hoặc chấp
có chấp không, v.v... Dựa theo các tà kiến đó tăng lên đủ 62 tà kiến,
rồi đắm chấp theo pháp hư vọng, giữ chặt không rời bỏ."
Giải thích : Đây là nói về kiến
trược. (62 tà kiến xem kinh Phạm võng hay Phạm động trong Trường A Hàm sẽ
rõ)
Kinh văn : "Ngã mạn tự cống
cao, tâm siểm, khúc không chân thật, trong ngàn vạn ức kiếp, không nghe
được danh tự Phật, cũng không nghe được chánh pháp, những người như
thế thật khó độ".
Giải thích : Đây là nói về kiếp
trược.
Kinh văn : "Cho nên Xá-lợi-phất,
Ta vì họ thiết lập phương tiện, nói đạo dứt khổ, chỉ thị Niết-bàn,
Ta tuy nói Niết-bàn, nhưng có cũng chẳng phải chân thật Niết-bàn. Các
pháp từ xưa nay, tướng thường tự tịch diệt. Các Phật tử dựa theo đó
hành đạo xong, tương lai sẽ được làm Phật. Ta có sức phương tiện,
khai thị ba thừa pháp".
Giải thích : Đức Phật nói Niết-bàn
là đối với hàng Thanh Văn. Trong khi nói Niết-bàn, Ngài chỉ cái khổ sanh
tử, muốn dứt trừ khổ sanh tử phải đoạn trừ mê hoặc, mê hoặc được
đoạn trừ thì sanh tử không còn, sanh tử không còn thì chứng được Niết-bàn.
Như vậy, ở hàng Thanh văn, đức Phật nói tướng sanh tử rõ ràng, tướng
Niết-bàn rõ ràng, đoạn cái này thì chứng quả kia, cho nên, đức Phật nói
pháp Tứ đế cho Thanh Văn đó là sanh diệt Tứ đế, tức là đứng trên
tánh cách, tướng trạng có sanh có diệt, có tướng sanh tử, có tướng Niết-bàn
rõ ràng... Niết-bàn đó là Niết-bàn tương đối chưa phải là cứu cánh.
Niết-bàn cứu cánh là gì ? là chư
pháp thật tướng. "Chư pháp tùng bản lai thường tự tịch diệt tướng",
các pháp từ xưa nay tướng của nó vẫn thường tự tịch diệt, hay là tướng
của các pháp từ xưa nay tự tịch diệt, tự tịch diệt là tự vắng lặng.
Sở dĩ nói pháp đó sanh, pháp đó diệt, pháp đó có, pháp đó không... Đó
chỉ là vọng kiến hư tưởng của chúng sanh mà thôi. Kỳ thật, pháp đó
vốn tịch tịnh, vốn bất sanh bất diệt. Sanh tức bất sanh. Nói cái nhà
sanh nhưng có phải thật sự có cái nhà sanh không - thật sự không có cái
nhà sanh. Đã không có sanh thì lấy cái gì diệt ? Thành ra, thấy có cái tướng
nhà giả dối sanh diệt, nhưng chính tự nó, chính từ bản thể của cái
nhà đó vốn không sanh diệt, đó gọi là "tướng tịch diệt". Tịch
diệt tức Niết-bàn. Niết-bàn là bất sanh bất diệt thì tịch diệt có
nghĩa là bất sanh bất diệt. Đây mới là chân thật Niết-bàn và đây là
lý của Đại thừa, mà lý Đại thừa thì chính ngay trong đương thể các
pháp là bất sanh bất diệt, đó là Niết-bàn. Cho nên, trong Tiểu thừa
không nói sanh tử tức Niết-bàn, phiền não tức Bồ-đề. Lên Đại thừa
thì chính ngay nơi dụng và tướng là thể, chính nơi thể là tướng là dụng
bất tương ly.
Trung luận có cắt nghĩa : "Các
pháp duyên sanh vô tánh, đó là tịch diệt, mà tịch diệt là vô tướng, vô
thử, vô bỉ". Nói có cái nhà sanh mà kỳ thật không có cái nhà sanh,
nhà bổn vô sanh, không có một cái gọi là có cái nhà cụ thể thật có
sanh. Như vậy, nhà vốn vô sanh vô diệt là vô tướng thì làm sao có kia
có đây, cho nên, gọi là tịch diệt. Và ở đó ngôn ngữ cùng hý luận đều
bặt dứt, nói không nói có cũng hý luận, nói thường nói đoạn... cũng hý
luận.
Tóm lại, Trung luận có nêu lên 8
phạm trù chấp trước của chúng sanh: Đối với các pháp, một là chấp
sanh, hai là chấp diệt, ba là chấp thường, bốn là chấp đoạn, năm là
chấp nhất, sáu là chấp khác, bảy là chấp từ ngoài đến, tám là từ
trong sanh ra. Vì thế, nhà Trung luận, để phá những hý luận sai lầm đó,
nên thêm vào chữ bất : Bất sanh, bất diệt, bất thường, bất đoạn, bất
nhứt, bất dị, bất lai, bất xuất, để phủ nhận những điều chúng
sanh chấp đó là giả dối, không thật, mà khi đã phủ nhận tám điều đó
tức không có sanh diệt, đoạn, thường... thì như vậy, tự các pháp bản
lai tịch diệt tướng.
Cùng một chỗ khác trong kinh luận
nói, các pháp thực tướng thì ở đó tâm duyên cũng bặt dứt, ngôn ngữ
cũng bặt dứt.
Khi nói chữ "bất" này rồi,
thì giờ đây không thể dùng tâm mà tưởng đo lường được tánh cách của
thật tướng pháp, đó là tâm duyên bặt dứt. Chỉ có trực nhận chớ
còn phân biệt tức là dùng ngôn ngữ mà phân biệt, tức đem tâm hành
duyên lự thì cả hai đều không được. Dùng tâm hành duyên lự không
khác nào đem lửa đom đóm đốt nhà thì không sao đốt được. Trung luận
nói "vô sanh cũng vô diệt, tịch diệt như Niết-bàn". Cho nên, tịch
diệt như Niết-bàn, tịch diệt là bất sanh, bất diệt. Niết-bàn là bất
sanh bất diệt. Ngộ được lẽ đương sanh "bất sanh" của các
pháp tức ngộ được tướng tịch diệt của các pháp thì ngay trong đó đã
là Niết-bàn, chớ không phải chờ dứt hết sanh tử mới được Niết-bàn,
mà chính ngay sanh tử tự tánh là Niết-bàn. Ngộ được tự tánh sanh tử
là Niết-bàn thì đó mới là chân thật Niết-bàn, chưa ngộ được thì
là phi chơn diệt.
Kinh văn : "Tất cả các đấng
Thế Tôn đều nói nhất thừa đạo, nay đây các hàng đại chúng đều hãy
nên trừ nghi hoặc. Lời các đức Phật nói không khác, chỉ có một không
hai thừa."
Giải thích : Đoạn này ý rằng, lời
đức Phật nói không hư dối hãy nên tin. Đây cũng là một nghĩa trong 6
nghĩa đã nói ở trước, bàn bạc trong các đoạn kinh. (Hoặc tán thán
pháp nhất thừa, lời Phật không hư dối...)
Kinh văn : Quá khứ vô số kiếp,
vô lượng các đức Phật diệt độ, trăm ngàn vạn ức số không thể lường
hết được, các đức Phật như vậy từng dùng các thứ nhơn duyên, các
thứ thí dụ, vô số phương tiện lực để diễn nói các pháp tướng (các
pháp thật tướng). Các đấng Thế Tôn ấy đều chỉ nói nhất thừa pháp
để giáo hóa vô lượng chúng sanh khiến họ vào Phật đạo.
Lại, các đấng đại thánh chúa,
biết tất cả thế gian, các loài nhân thiên quần sanh, về chỗ ưa muốn
trong thâm tâm họ, rồi lại dùng dị phương tiện làm trợ tiếp phát hiển
nghĩa đệ nhất.
Giải thích : Thế nào là "dị
phương tiện"? Thay vì đức Phật nói thẳng pháp nhất thừa thì chúng
sanh không hiểu, cho nên, Ngài phải dùng phương tiện này, phương tiện khác
để nói ra, nên gọi dị phương tiện. Như Phật phóng hào quang, Phật nói
phiền não ô nhiễm của chúng sanh để chúng sanh biết đó là nguồn gốc
sanh tử để trừ, Phật nói Niết-bàn Vô dư y v.v... tất cả đó là dị
phương tiện. Vì sao gọi là dị phương tiện? Là những điều đó đối với
chúng sanh thì thấy là thật, nhưng đối với đức Phật, Ngài tự thấy rằng
đó chỉ là phương tiện để dẫn dắt chúng sanh đi tới nhất thừa đạo
mà thôi. Cho nên gọi là dị phương tiện, mà có dị phương tiện đó mới
giúp phát huy được nhất thừa đạo. Nếu như đức Phật không khai quyền
thì chắc chắn không bao giờ chúng sanh nghe được nhất thừa đạo, cho nên,
Ngài dùng dị phương tiện để khai quyền. Mặc dù là dị phương tiện
nhưng là pháp môn đưa đến nhất thừa đạo.
Kinh văn : Nếu có loại chúng sanh gặp
được các đức Phật quá khứ, hoặc nghe pháp bố thí, hoặc trì giới,
nhẫn nhục, tinh tấn, thuyền định, trí tuệ mà tu tập trí tuệ phước
đức đó. Những hạng người như vậy đều đã thành Phật đạo.
Giải thích : Đức Phật nói về lục
độ vạn hạnh, đó cũng là dị phương tiện. Vì sao nhất thừa pháp mà lại
chia ra lục độ? Đoạn này là nói về chúng sanh gặp Phật ra đời, nghe
pháp lục độ mà tu hành đều được thành Phật đạo. Còn sau khi Phật
diệt độ thì sao?
Kinh văn : "Sau khi chư Phật diệt
độ, hoặc có người tâm hiền lành nhu nhuyến, những hạng chúng sanh như
vậy đều đã thành Phật đạo. Các đức Phật diệt độ rồi cúng dường
Xá-lợi-phất, dựng lên vạn ức các thứ tháp, hoặc bằng vàng, bạc, pha
lê, xa cừ, mã não, mai quỉ hoặc lưu ly rồi trang nghiêm thanh tịnh, trang
nghiêm nơi các tháp".
Hoặc dựng miếu thờ, hoặc bằng
đá, hoặc bằng gỗ chiên đàn, bằng trầm thủy, bằng cây tra, gỗ mộc
cùng các thứ gỗ khác. Hoặc bằng ngói gạch đất, hoặc ở giữa chỗ đồng
trống, đắp đất làm miếu thờ Phật. Cho đến đồng tử giỡn chơi, nhóm
cát lại làm tháp Phật. Những người như vậy đó, đều đã thành Phật
đạo".
Giải thích : Cúng dường Xá-lợi,
làm tháp, miếu, cho đến đồng tử giỡn chơi, nhóm cát làm tháp Phật cũng
đều thành Phật đạo. Đây là nói việc xây tháp miếu cúng dường.
Kinh văn : "Hoặc có người vì
Phật mà kiến lập nên hình tượng Phật, hoặc chạm, hoặc khắc, thành
các tướng, người đó đều đã thành Phật đạo.
Hoặc dùng bảy báu để kết thành,
hoặc bằng thiếc, bạc, đồng trắng, đồng đỏ, bạch lạp, bằng chì, bằng
sắt, bằng cây, bằng đất, bằng sơn, bằng vải, để trang sức tượng
Phật. Những người như vậy đều đã thành Phật đạo.
Hoặc là vẽ tượng Phật, đủ
trăm phước trang nghiêm, hoặc tự mình làm, hoặc khiến người khác làm,
đều đã thành Phật đạo. Cho đến đồng tử giỡn chơi, hoặc dùng cỏ
cây và bút, dùng móng tay gạch vẽ tượng Phật, những người như vậy lần
lượt chứa công đức, đầu đủ tâm đại bi, đều đã thành Phật đạo,
chỉ giáo hóa hàng Bồ-tát, độ thoát vô lượng chúng sanh".
Giải thích : Đoạn này nói về sự
tạo tượng Phật mà được thành Phật đạo.
Kinh văn : "Hoặc có người đối
với tháp miếu, đối với tượng báu, tượng vẽ, dùng hoa hương, phan lọng
đem tâm cung kính để cúng dường.
Hoặc khiến người khác trổi nhạc,
đánh trống, thổi còi, thổi ốc, thổi ống tiêu, ống địch, đờn cầm,
đờn không hầu, đờn tỳ bà, não bạc. Các âm nhạc như vậy dùng để cúng
dường, hoặc với tâm hoan hỶ, ca ngâm khen ngợi công đức của Phật, cho
đến một tiếng nhỏ, cũng đều đã thành Phật đạo.
Hoặc người tâm tán loạn, cho đến
dùng một cành hoa cúng dường nơi tượng vẽ, cũng lần lượt thấy vô số
Phật".
Giải thích : Đoạn này nói về sự
cúng dường tượng Phật mà được thành Phật đạo.
Kinh văn : "Hoặc có người lễ
bái, hoặc chỉ chấp hai tay, cho đến đưa một tay, hoặc chỉ hơi cúi đầu
để cúng dường tượng Phật thì cũng lần lược thấy vô số Phật, tự
thành vô thượng đạo, rộng độ vô số người mà vào Vô dư Niết-bàn,
như củi hết lửa tắt.
Giải thích : Đoạn này nói về sự
lễ bái, cung kinh tượng Phật mà được thành Phật đạo.
Kinh văn : "Hoặc người tâm
tán loạn, đi vào trong tháp miếu, niệm lên một câu Nam Mô Phật, đều đã
thành Phật đạo".
Giải thích : Đoạn này nói về sự
niệm Phật mà được thành Phật đạo.
Kinh văn : "Đối với các đức
Phật quá khứ, hoặc còn ở đời, hoặc sau khi diệt độ, nếu có người
nghe được pháp này của các Ngài, đều đã thành Phật đạo."
Giải thích : Đoạn này nói về việc
chư Phật quá khứ ra đời thuyết pháp, các chúng sanh quá khứ nghe pháp tu
hành đều được thành Phật đạo; tức chứng quả vô thượng bồ-đề.
Tiếp đoạn sau nói về chư Phật vị lai và hiện tại ra đời thuyết pháp,
chúng sanh đời vị lai và hiện tại nghe pháp tu hành cũng được lợi ích
như vậy. Những sự việc tu hành, hành đạo đã nói trong kinh để diễn tả
lên cái "dị phương tiện" như đã nói. Đó là những phương tiện
Phật khai ra để cho đủ hạng chúng sanh nương theo đó tu hành.
Trong kinh Phật dạy : "Hoặc có
người chỉ lễ bái... chỉ hơi cúi đầu... hoặc có người tâm tán loạn
đi vào trong tháp miếu niệm một câu "Nam Mô Phật" đều đã
thành Phật đạo..." sao mà dễ vậy? chúng ta tu đã lâu, niệm Phật cũng
nhiều, nghe pháp đọc kinh cũng nhiều mà sao chẳng thành gì cả?
Phải hiểu rằng cái nhơn như vậy
thì thành cái quả như vậy. Vẽ tượng Phật là đã có mầm mống Phật,
dâng một cành hoa cúng Phật, làm một tháp Phật, niệm một danh hiệu Phật
là đã gieo chủng tử Phật vào tâm, mà khi đã gieo chủng tử Phật thì tự
nó sẽ tiếp tục tăng lên để thành tựu vô lượng công đức và được
thành Phật đạo.
Nên biết đây là nói nhơn thành Phật
sẽ đưa đến quả thành Phật chứ không nói khoảng thời gian, mới gạch
vẽ tượng Phật chơi dưới đất, đưa một cánh tay.... mà đã thành Phật
liền. Dù một việc làm rất nhỏ, nhưng với tâm hướng về Phật tức là
gieo chủng tử Phật vào trong tâm, khi chủng Phật đã có, hột giống Phật
đã gieo tức nhiên sẽ mọc lên cây Phật. Cũng như, học đánh đàn thì sẽ
biết đàn chứ không làm toán được. Đó là điều cần phải hiểu rõ,
đừng thấy trong kinh mới nói câu trên đưa cánh tay... câu dưới đã
thành Phật đạo, rồi hiểu lầm rằng thời gian trong khoảng chốc lát
làm sao thành được.
Như trước đã hiểu về nghĩa quả
và báo, đoạn này sẽ hiểu quả và báo ấy xuyên qua lời Phật dạy
trên. Đẳng lưu nhân quả và dị thục nhân quả hay gọi cách khác tập nhơn,
tập quả và báo nhơn, báo quả.
Về đẳng lưu nhân quả thì nhơn
thiện đi đến quả thiện, nhơn ác đi đến quả ác. Ở đây nhơn Phật sẽ
đi đến quả Phật chắc chắn. Mặc dù, với thời gian từ nhơn Phật đi
tới quả Phật có chìm nổi bao nhiêu trong vòng luân hồi sanh tử đi nữa,
nhưng đẳng lưu nhơn quả là hột giống thiện vẫn đi tới quả thiện. Nó
chỉ chìm nổi về mặt dị thục nhơn quả mà thôi. Thay đổi trên mặt dị
thục nhơn quả, khi làm trời, khi làm người, khi làm súc sanh.... Còn về mặt
đẳng lưu nhơn quả thì y như một dòng nước, ta cho vào một chấm màu
xanh trên đầu dòng nước, màu xanh đó sẽ trôi xuống cuối dòng nước, màu
xanh đó vẫn là màu xanh. Đó là đẳng lưu nhơn quả. Màu xanh ấy từ đầu
dòng nước đến cuối dòng nước nó chìm nổi biết bao nhiêu khúc, khi dội
lên, khi chìm xuống, khi thành băng tuyết, sóng to sóng nhỏ, thay hình đổi
dạng... Đó là dị thục nhơn quả. Những hình thái này, ta ví dụ cho
thân sanh tử luân hồi trong cõi trời, cõi người, địa ngục.... Tuy đổi
khác trên hình thức thấy có thấp cao lên xuống, nhưng cái giống Phật
trên đầu dòng nước vẫn đi tới cuối dòng nước. Cũng như vậy gieo
nhơn làm Phật thì nhất định thành Phật, dù ở giữa khoảng từ nhơn tới
quả có lâu xa chìm nổi .
Dù trong đó có hữu lậu thiện, nhưng
thiện này đã bị thế lực vô minh dẫn dắt, nên cũng đều là vô minh. Vậy
quả báo 3 cõi đó là của vô minh chớ không phải của thiện. Hóa Địa Bộ
cũng cho rằng: "Thiện chẳng phải là nhơn của quả báo 3 cõi (thiện
phi hữu nhơn). Luận Nhiếp Đại thừa cuốn 11 nói : Tất cả việc thiện
của chúng sanh đều là phương tiện đại thanh tịnh của Bồ-tát. Vì sao?
Vì thanh tịnh đã là một, dù chưa đến địa vị đại thanh tịnh, bởi
nghĩa vô trụ mà tất cả đều quy hướng về đại đạo Bồ-tát. Để rõ
thêm ý nghĩa này, Ngài Thiên Thai có chia ra 6 bậc kể từ hàng chúng sanh ô
trược, thấp thỏi hà tiện nhất cho đến Phật quả, gọi là "lục tức
Phật".
1. Lý tức Phật : Tất cả chúng
sanh đều có Phật tánh, như vậy chúng sanh đều là Phật. Cho đến chúng
sanh ở địa ngục cũng có Phật tánh, vậy thì đứng trên lý thể, chúng
sanh địa ngục cũng tức là Phật, nhưng mà Phật đây là Phật trên lý
nên gọi là lý tức Phật. Dù rằng, chúng sanh đó không hiểu gì về Phật
cũng là Phật. Bởi vì, dù không biết gì tới Phật nhưng tự bản tánh của
chúng sanh vốn có trí giác ngộ thành Phật, đều có Phật tánh.
Có người thắc mắc nói, có ông
đó hung dữ như thế mà Phật tánh chỗ nào? ai nói gì ông cũng chửi, gặp
ai ông cũng đánh, giết, gặp đâu ăn cắp đó, Phật tánh chỗ nào ? Vẫn
có. Bởi vì hung dữ gì thì hung dữ nhưng tựu trung, ông ta vẫn có điều
lành, ông ta vẫn ưa điều thiện, ghét điều ác. Chẳng hạn, tuy ăn cắp
nhưng ai nói ông ta ăn cắp thì ông không thích, thế tức nhiên chính trong
thâm tâm ông ta vốn là ưa điều thiện, ghét điều ác chứ gì. Nếu như
thích điều ác, thích việc ăn cắp thì khi nghe nói ông ăn cắp thì ông
thích mới phải, chứ sao ông lại ghét, ngược lại, nghe người ta khen
ông đó tốt lắm, biết thương người cứu vật... thì ông lại thích. Thế
cho biết, từ trong bản tâm ông ta vẫn ưa điều thiện, ghét điều ác.
Các tính ưa lành ghét dữ đó là Phật tánh chứ gì. Có ai bảo rằng tôi
chỉ ưa điều ác mà rất ghét điều thiện không ? Ai mắng tôi đánh tôi
tôi thích, chớ khen tôi tôi giận không? chắc chắn là không, không ai chỉ
ưa ác ghét thiện, trái lại ai cũng chỉ ưa thiện mà ghét ác, vậy biết
ai cũng có Phật tánh. Và chính nhờ cái đó để có thể làm người, làm
trời, làm Phật. Nếu như không có tính ưa điều thiện ghét điều ác đó
thì Phật cũng bó tay không làm sao cứu nổi. Vì nếu người chỉ ưa điều
ác thôi, thì làm sao đem điều thiện nói cho nghe được. Cho nên, chính điểm
ưa thiện ghét ác là Phật tánh, là Phật tri kiến mà Phật tánh đó ai cũng
có, cho nên, ai cũng là Phật. Ở trong mọi người, mọi chúng sanh đều có,
cho đến con vật cũng có một chút niềm thương, nó thương con nó, thương
tự thân nó, mà từ niềm thương đó nếu biết khai thác ra thì nó thương
con người khác, thương vật khác, nếu không biết khai thác thì nói chỉ
thu gọn trong chỗ thương con nó thôi, nhưng nó cũng có một niềm thương.
Nhìn thấy chỗ đó là Phật vậy. Ngài Quy Sơn đến học thiền với Tổ Bá
Trượng, một hôm Tổ bảo Ngài đến bươi lò ấy lửa, Ngài đến lò bươi
tìm rồi đến thưa rằng không có lửa. Tổ đứng dậy đến bươi sâu
thêm một chút nữa rồi cầm lên một đóm lửa hỏi Ngài Quy Sơn rằng,
ngươi nói không có lửa vậy cái này là gì? Ngài Quy Sơn liền ngộ. Ngài
Quy Sơn ngộ cái gì? Ngộ Phật tánh, ngộ bản lai diện mục. Bản lai diện
mục đó, Phật tánh đó có sẳn trong chúng sanh nhưng vì chôn vùi dưới đám
tro phiền não, ai biết bươi thì tìm thấy không biết bươi thì đành chịu.
Ngài Quy Sơn không biết cách bươi cho nên tìm không ra. Tổ Bá Trượng biết
cách bươi cho nên Ngài đưa lên được.
2. Danh tự tức Phật : Cao hơn một
bậc, như người có biết đến Phật có nghe pháp, có quy y, giữ giới, có
biết làm lành, tránh dữ theo lời Phật dạy đôi chút gọi là danh tự tức
Phật. Có mang danh Phật tử chớ không phải chỉ lý suông, như lý tức Phật.
Nhưng nếu không có lý tức Phật thì không thể có danh tự Phật. Lý còn
Phật hà huống danh tự Phật. Người không biết chi tới Phật cũng là Phật,
huống chi người đã biết Phật rồi.
3. Quán hạnh tức Phật : Người có
tu, có biết suy tư đạo lý của Phật, biết thực hành lời dạy của Phật
gọi là quán hạnh tức Phật. Quán hạnh tức Phật này từ thập tín, thập
trụ, thập hạnh đến thập hồi hướng.
4. Tương tợ tức Phật : Chỉ sơ
địa kiến đạo. Đây là thấy rõ được Phật tánh của mình chớ không
có lầm, tức khai thị ngộ. Ngộ thấy rõ được Phật tánh của mình chớ
không mơ hồ, tương tợ nhưng cũng chỉ mới là thấy. Như người tìm cha
mình mà mới thấy tấm ảnh chứ chưa thấy cha bằng da thịt thật. Nhưng
tấm ảnh đó cũng đầy đủ hình dạng bóng dáng của người cha, đem bóng
đó so với cha mình thì giống y, còn đưa qua người khác thì không giống
nên gọi là tương tợ.
5. Phần chứng tức Phật : Từ sơ
địa trở lên, đã ngộ được Phật tánh rồi dựa theo lý Phật tánh
mình ngộ đó mà thực hành theo từng Phần, từng phần phá trừ vô minh, từng
phần thấy rõ Phật tánh, in như từng phần thấy được ông cha mình bằng
xương bằng thịt chớ không thấy bóng dáng nữa.
6. Cứu cánh tức Phật : Lên đến
Diệu giác. Đây là đức Phật trọn vẹn không phải Phật ở trong lý mà
đức Phật đây đủ trí đức, đoạn đức, ân đức, đầy đủ pháp
thân, bát nhã, giải thoát.
Tóm lại, như vậy thì lý cũng Phật,
danh tự cũng Phật, quán hạnh cũng Phật... thì làm sao không thành Phật
được. Không thành Phật lý thì thành Phật danh tự... cho nên trong kinh gọi
"giai dĩ thành Phật đạo". Đây là một đạo lý vô cùng thâm
thúy cao siêu, đức Phật đưa tất cả chúng sanh lên ngang địa vị Phật.
Ngài không nhìn chúng sanh là những kẻ nhỏ mọn thấp hèn. Khi đức phật
nói chúng sanh bị đau khổ vì sanh già bệnh chết, không phải Ngài khinh
khi mà là nói với một tình thương, thấy chúng sanh khổ, muốn cho chúng
sanh lìa khổ mà nói. Khi nói như vậy nhưng Ngài vẫn thấy tất cả chúng
sanh đều là Phật. Cho nên giáo thuyết, pháp môn của Phật ôm tất cả
chúng sanh vào lòng như người mẹ hiền không bỏ một đứa con nào với
tinh thần bao la quảng đại.
Kinh văn : Các đức Thế Tôn vị
lai, số ấy nhiều vô lượng. Các đấng Như Lai đó cũng dùng phương tiện
thuyết pháp.
Tất cả các đức Như Lai dùng vô
số phương tiện, độ thoát các chúng sanh vào nơi trí tuệ vô lậu (tức
nhập Phật tri kiến).
Hoặc người có nghe Pháp, không một
ai không thành Phật. Bổn thệ nguyện của các đức Phật là, Ta tu hành Phật
đạo và khắp muốn tất cả chúng sanh cùng đồng được đạo đó.
Các đức Thế Tôn ở đời vị lai
tuy nói trăm ngàn ức vô số các pháp môn kỳ thật vì nhất thừa mà
thôi.
Giải thích : Đã dẫn mười
phương các đức Phật quá khứ đến đây là nói đến các đức Phật vị
lai và ngay đức Phật Thích Ca để luôn nhắc cho biết rằng Phật, Phật
đạo đồng, Phật, Phật pháp đồng và Phật Phật nguyện đồng. Cho nên,
hễ ai có nghe được pháp của Phật thì thành Phật đạo.
Kinh văn : Các đức Phật lưỡng túc
tôn, biết pháp thường vô tánh, giống Phật theo duyên mà hiện khởi, cho
nên mới nói pháp nhất thừa là pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường
trú, đức Phật ở nơi đạo tràng chứng biết rồi, đấng Đạo sư
phương tiện nói ra.
Giải thích : Tám câu kệ : "Chư
Phật lưỡng túc tôn, tri pháp thường vô tánh... Đạo sư phương tiện
thuyết". Tôi đã giảng rõ trong bài "Nhất thừa đạo". Ở đây,
xin giảng thêm "Chư Phật lưỡng túc tôn". Chữ lưỡng túc tôn có
hai nghĩa.
1. Đức Phật là bậc cao quý nhất
trong loài hai chân. Bởi vì, chúng sanh có loại không chân, có loại nhiều
chân, có loại 12 chân, 10 chân, 4 chân, 2 chân. Hai chân là cao nhất, loài người,
trời. Đức Phật là bậc cao nhất trong loài hai chân cho nên gọi là lưỡng
túc tôn.
2. Đức Phật là bậc đầy đủ
phước và huệ, "phước huệ lưỡng toàn phương tác Phật". Phước
đức và trí tuệ đầy đủ mới làm Phật. Đức Phật có đầy đủ hơn
cả nên gọi là lưỡng túc tôn.
"Tri pháp thường vô tánh",
Đức Phật biết rõ được các pháp thường vô tánh, tức các pháp thường
vô tự tánh, có nghĩa rằng chúng sanh chỉ biết các pháp trên mặt giả tướng.
Chúng sanh không biết được nghĩa thật tướng của các pháp là không, là
giả, là trung đạo (không đế, giả đế, trung đạo đế). Bởi vì, bất
cứ một pháp nào, tự nó cũng đủ ba cạnh khía gọi là ba sự thật hay
chân lý ba mặt là không, giả và trung. Biết các pháp thường vô tánh tức
là biết các pháp trọn vẹn ở trong ba thật tướng là không, giả, trung của
các pháp.
"Phật chủng tùng duyên khởi",
đồng thời cũng biết giống Phật phải theo cơ duyên mà hiện khởi. Nếu
không có duyên thì giống Phật không khởi được. Giống Phật, chủng tử
Phật, Phật tánh, tất cả chúng sanh đều có ; nhưng nếu không gặp duyên
thì chủng tử Phật đó vẫn nằm yên dưới lớp bùn dơ phiền trược. Viên
ngọc vẫn là viên ngọc, nhưng viên ngọc đó không có duyên để phát khởi
thì vẫn nằm yên trong khối đá. Cho nên, phải có duyên mới phát khởi
được. Phát khởi đây là Phát khởi tướng chớ không phát khởi tánh.
Ngài Thiên Thai, do đó, cũng chia Phật tánh ra làm ba thứ: Chánh nhơn Phật
tánh, duyên nhơn Phật tánh và liễu nhơn Phật tánh.
Bởi vì, từ Phật tánh trong thể
tánh, nó thành tựu được, cụ túc được thật tướng thì nó phải có
duyên mới thành tựu được và khi duyên đầy đủ thì nó hiển lộ một
cách trọn vẹn cho nên gọi là Liễu.
Chánh nhơn Phật tánh tức là lý tức
Phật, tất cả chúng sanh đều có chánh nhơn Phật tánh. Nếu như không có
Phật tánh ấy, cũng như gạo không có chất cơm, không có chánh nhơn cơm
thì dù có nấu mấy cũng không thành cơm được. Nhưng dù có chánh nhơn
cơm, mà phải có nấu mới thành cơm, chớ cứ để nguyên hột gạo thì
không thành cơm. Cũng vậy, có chánh nhơn Phật tánh lại phải có duyên nhơn
Phật tánh, như gặp Phật, nghe được giáo lý nhất thừa thì chánh nhơn
Phật tánh mới thành tựu được. Khi duyên nhơn Phật tánh được thành tựu
đầy đủ thì chánh nhơn Phật tánh sẽ hiển lộ một cách trọn vẹn. Cũng
như, cơm khi đã nấu, đầy đủ nước, đủ củi, đủ lửa, nấu chín trọn
vẹn, trở thành hột cơm ngon bùi gọi là liễu nhơn. Phật chủng phải có
đủ duyên mới hiển được. Cái duyên làm phát khởi Phật chủng này là
gì ? Phải là nhất thừa giáo, cho nên, đức Phật nói lý nhất thừa.
"Thị Pháp trụ, pháp vị".
Pháp trụ pháp vị chỉ cho chơn như, đồng nghĩa với chơn như thật tướng.
Thị pháp là chỉ cho chư pháp thường vô tánh, tức thật tướng, cái đó
luôn luôn vẫn ở trong pháp thật tướng, vẫn ở trong bản vị của nó, mặc
dù hiện hữu mà ở trong bản vị lý tánh. Tất cả mọi hiện tướng chỉ
hiện lên trong lý tánh, lý thể của nó. Tướng lửa đỏ chỉ hiện lên
trong tánh lửa, chỉ hiện lên trong tánh nóng, chứ lửa không thể hiện
lên trong tánh ướt, sóng chỉ hiện lên trong nước, chứ sóng không thể
hiện lên đất, nghĩa là, tất cả mọi hiện tướng đều hiện lên trên
bản thể của nó, trên tự tánh, lý tánh của nó gọi là pháp trụ pháp vị.
Mà đã là pháp trụ pháp vị như vậy thì tất cả những tướng thế
gian, những hiện tượng ta thấy đó cũng điều trụ pháp vị, cũng đều
hiện lên trên tự thể bản vị của nó. Sóng chỉ hiện lên trên nước,
lửa chỉ hiện lên trên tánh nóng, ngọn lửa không thể hiện lên trên đất,
nghĩa là lửa với tánh nóng luôn luôn gắn chặt với nhau. Lý tức sự, sự
tức lý, sóng tức nước, nước tức sóng. Mà nước là thường, sóng tức
nước, như vậy, sóng cũng thường. Cho nên nói thế gian tướng thường trú.
Quy tướng về tánh, quy sóng về nước. Sóng là nước không thể ngoài nước
tìm có sóng, không thể bỏ sóng đi để tìm nước. Còn mắt thông thường
của chúng sanh hay trú vào tướng nên không thấy nước mà chỉ thấy
sóng. Thử hỏi, có sóng nào ngoài nước mà có ? Không cần sóng, múc sóng
đổ đi để lấy nước có được không ? Chắc chắn là không. Như vậy,
nước là thường, sóng ở trong nước sóng là thường. Đó là thế gian tướng
thường trú. Đây là theo nghĩa của Hiển giáo. Theo Mật giáo thì tức tướng
tức tánh, tướng tánh bất ly, như mặt trăng, mặt trời và ánh sáng. Mặt
trăng, mặt trời là tánh là thể, mà ánh sáng là tướng là dụng. Thể, tướng,
dụng đó bất tương ly. Ly mặt trăng mặt trời thì không có ánh sáng, ly
ánh sáng không có mặt trăng mặt trời. Tánh tướng bất ly. Mà mặt trăng
mặt trời là thường thì ánh sáng mặt trăng mặt trời là thường. Vậy
thì, những hiện tướng của thế gian cũng vẫn ở trong thực thể tự tánh
của thế gian, bất tương ly cho nên gọi thế gian tướng thường trú.
"Ư đạo tràng tri dĩ, đạo sư
phương tiện thuyết". Đức Phật ở nơi đạo tràng, chứng ngộ được
lý thật tướng đó, nhưng Ngài không thể nói thẳng lý đó cho chúng sanh
nghe mà đức Phật phải phương tiện giảng thuyết.
Kinh văn : Các đức Phật hiện tại
trong mười phương được hàng nhơn thiên cúng dường. Số các Ngài nhiều
như cát sông Hằng, xuất hiện ở thể gian, đem lại sự an ổn cho chúng
sanh, cũng nói pháp như vậy.
Biết được tịch diệt đệ nhất
( tịch diệt đệ nhất tức là nhất thừa) mà dùng sức phương tiện, tuy
nói chủng chủng đạo, (khi nói Thanh văn, khi nói Duyên giác...) Nhưng kỳ
thật cũng cốt vì Phật thừa.
Đức Phật biết các hạnh nghiệp
của chúng sanh, biết xu hương trong thâm tâm chúng sanh, biết tập nghiệp,
dục, tánh, sức tinh tấn, lợi căn, độn căn quá khứ của chúng sanh mà
dùng các thứ nhân duyên thí dụ, và ngôn từ, tùy theo chỗ ưa thích của
chúng sanh mà phương tiện nói ra.
Nay Ta (đức Thích Ca) cũng như vậy.
Vì an ổn chúng sanh mà dùng các pháp môn để khai thị Phật đạo.
Ta đem sức trí tuệ, biết tánh, dục
của chúng sanh, rồi dùng sức phương tiện nói các pháp, khiến đều được
hoan hỶ.
Xá-lợi-phất nên biết, Ta dùng Phật
nhãn quán sát, thấy lục đạo chúng sanh bần cùng không phước huệ (vô
phước mới bần cùng), bị sa vào trong đường hiểm sanh tử (vô huệ mới
sanh vào hiểm đạo) tiếp tục chịu khổ không dứt (nói về mạng trược),
đắm sâu nơi ngũ dục, như con trâu đen ưa cái đuôi của nó (có loại
trâu đuôi dài, xứ mình không có, nó ưa thích cái đuôi của nó thành cứ
quay đầu nhìn theo cái đuôi mà đi, phải bị sa hầm. Do lòng tham ái ngăn
che, mù mờ không thấy biết, không cầu đến Đại Thế Phật (tức đức
Phật có đại oai lực) và cũng không chịu cầu pháp dứt khổ (không chịu
cầu pháp đây nói về phiền não trược), thâm nhập vào tà kiến, muốn lấy
khổ để dứt khổ (theo ngoại đạo là dĩ khổ diệt khổ. Đây là kiến
trược). Ta vì các chúng sanh ấy mà khởi lên tâm đại bi. Khi Ta ngồi chốn
đạo tràng, hoặc xem cây, hoặc đi kinh hành, ở trong ba thất đầu, tư duy
việc như vầy ; Trí tuệ Ta chứng được, vi diệu tối đệ nhất. Còn
các chúng sanh độn căn này bị đắm ưa dục lạc và bị các sự ngu si
che lấp, cái loại như vậy làm sao mà độ được ? Lúc bấy giờ các Phạm
Thiên vương các Đế Thích thiên, Hộ thế tứ thiên vương, Đại tự tại
thiên và các chư thiên khác, quyến thuộc trăm ngàn vạn, cung kính chắp
tay đảnh lễ xin Ta chuyển pháp luân. Ta liền tự suy nghĩ, nếu chỉ tán
thán Phật thừa, thì chúng sanh chìm đắm trong sự khổ không làm sao tin nổi
pháp đó. Mà không tin thì sẽ phá pháp; mang tội bị đọa vào ba đường
ác, vậy Ta thà không thuyết pháp, mau vào Niết-bàn.
Ta liền nghĩ tới các đức Phật
quá khứ đã thi hành sức phương tiện. Ta nay đã chứng được đạo rồi
cũng nên (dùng sức phương tiện như các đức Phật quá khứ) mà nói pháp
tam thừa. Khi suy nghĩ như vậy, mười phương các đức Phật đều hiện đến,
với phạm âm vi diệu an ủi khuyến dụ Ta rằng : Lành thay Thích Ca Văn, là
bặc đạo sự bậc nhất, chứng được vô thượng pháp, hãy tùy theo
thông lệ của tất cả chư Phật mà dùng sức phương tiện (độ sanh).
Như các đức Phật, Ta cũng đều được tối diệu đệ nhất pháp, vì
các loài chúng sanh phân biệt nói ba thừa.
Những hàng tiểu trí ưa pháp nhỏ,
không tự tin mình làm Phật được, cho nên, Ta dùng phương tiện phân biệt
nói các quả vị; tuy có nói tam thừa nhưng chỉ để giáo hóa Bồ-tát.
Xá-lợi-phất nên biết, Ta nghe âm
thanh vi diệu thâm sâu thanh tịnh của các bậc Thánh Sư Tử, Ta liền xưng
Nam Mô Chư Phật, Ta lại nghĩ như vầy : Ta ra đời vào thời năm trược
ác, hãy giống như các đức Phật khác nói, Ta cũng tùy hành theo như các
Ngài. Tư duy việc đó rồi, liền đi đến rừng Ba-la-nại. (Chỗ 5 vị Tỳ-kheo,
nhưng mà đến đó thì đến chứ). Các pháp tướng tịch diệt không thể
dùng lời nói để tuyên ra được nên mới dùng sức phương tiện vì 5 Tỳ-kheo
nói pháp. Ấy gọi Chuyển pháp luân, mới có âm thanh Niết-bàn và
A-la-hán. Pháp và Tăng từ đây mới có danh xưng sai biệt.
Từ kiếp lâu xa đến nay tán thán
pháp Niết-bàn, dứt hết khổ sanh tử, Ta thường nói điều đó.
Xá-lợi-phất nên biết, Ta thấy
các hàng Phật tử người có chí cầu Phật đạo, vô lượng trăm ngàn ức,
đều đem tâm cung kính đến chỗ đức Phật, từng theo các đức Phật
nghe Ngài dùng phương tiện nói pháp, Ta liền nghĩ rằng : Đức Như Lai sở
dĩ ra đời là vì nói trí tuệ Phật cho chúng sanh nghe thì hôm nay là đúng
lúc.
Xá-lợi-phất nên biết, hàng độn
căn tiểu trí, cứ trước tướng kiêu mạn không thể tin được pháp này,
nhưng nay đây, Ta rất vui mừng không còn sợ hãi, ở trong hàng Bồ-tát, đúng
lúc thẳng thắn bỏ pháp phương tiện mà chỉ nói đạo nhất thừa !"
Giải thích : Trước kia, đức Phật
nói pháp còn sợ chúng sanh không hiểu rồi sanh phỉ báng sẽ bị đọa lạc.
Bây giờ Ngài không còn lo sợ điều đó nữa nên gọi là vô úy. Thứ nữa
là, trước kia Ngài chưa nói được điều Ngài muốn nói mà phải nói nương
theo ý người khác, đến lúc này thì nói được điều muốn nói cho nên mừng.
Trước Ngài nói phương tiện, bây giờ bỏ không nói phương tiện nữa. Nói
"bỏ" không phải vì pháp phương tiện vô dụng đâu. Bởi đó là
bước đầu để đưa đến nhất thừa. Trước kia chưa nói ngay đạo nhất
thừa, nay thì nói ngay đạo nhất thừa.
Kinh văn : Hàng Bồ-tát nghe pháp
này thì lưới nghi đều dứt, 1200 vị La-hán cũng đều biết mình sẽ làm
Phật. Như nghi thức thuyết pháp của các đức Phật ba đời, Ta hôm nay cũng
giống như thế, nói pháp vô phân biệt.
Các đức Phật ra đời rất lâu xa
khó gặp được. Chính ngay khi đức Phật ra đời nói pháp này còn khó hơn.
Vô lượng vô số kiếp nghe được pháp này lại khó hơn nữa, và người
đủ căn cơ nghe được pháp này lại càng khó hơn nữa.
Giống như hoa Ưu-đàm được tất
cả đều ưa mến, đó là thứ hoa hi hữu trong hàng nhơn thiên, lâu lâu mới
xuất hiện một lần, người nghe pháp hoan hỶ tán thán, cho đến phát lên
một câu nói, người đó đã là cúng dường tam thế Phật. Người đó rất
hy hữu, quá hơn hoa Ưu-đàm, các ông chớ có nghi. Ta là vua các pháp (đức
Phật đối với các pháp Ngài tự tại nên gọi Pháp Vương) khắp bảo các
đại chúng, chỉ dùng nhất thừa đạo giáo hóa các Bồ-tát, không có vì
hàng đệ tử Thanh Văn. Các ông Xá-lợi-phất, Thanh Văn và Bồ-tát hãy biết
pháp vi diệu này là pháp bí yếu của chư Phật, ở trong đời ác 5 trược,
chỉ ưa đắm các dục, những chúng sanh như thế trọn không thể cầu Phật
đạo. Các người ác trong đời sau nghe Phật nói nhất thừa, mê hoặc
không tin thọ được, người đó phá pháp bị đọa vào ác đạo. Còn người
có tâm tàm quí, có đức thanh tịnh, có chí cầu Phật đạo, thì hãy vì
những người như vậy rộng tán dương đạo lý nhất thừa.
Xá-lợi-phất nên biết, pháp của
chư Phật như vậy do vạn ức phương tiện tùy nghi mà nói ra, những người
không tập học, không thể hiểu rõ được pháp đó. Các ông nay đã biết:
Đức Phật là thầy của thế gian, việc tùy nghi phương tiện nói pháp,
không còn các nghi hoặc, tâm sanh đại hoan hỶ, tự biết mình sẽ làm Phật.
(Hết phẩm Phương Tiện)
( Có người nói: Sáu Hoa sen trước
chỉ cho sáu đức Phật quá khứ. Hoa sen thứ bảy là đức Phật Thích Ca vậy.
Thám cang ảnh thảo là phương thức
bắt cá. Thám cang là bó lông chim đề hô (tức chim bồ hồng ở nước) vào
đầu cây sào rồi cặm xuống nước, dò sâu cạn cho cá tụ lại rồi
dùng lưới bắt. Ảnh thảo là trải cỏ trên mặt nước cho cá tụ lại
núp bóng rồi dùng lưới bắt. Thiện tri thức dùng phương thức dò căn
cơ để khai hóa trò cũng giống như thế.
PAGE 312
PAGE 311
Thiên Thai Trí Giả (538 - 97) là Tổ
thứ 3 của tông Thiên Thai Trung Hoa.
2 Chỉ có Phật cùng với Phật mới
hiểu thấu chân tướng của tất cả các Pháp, tức là mọi hiện hữu có
hình thái như thế, bản tánh như thế, năng lực như thế, biểu hiện như
thế, năng lực như thế, hành tác như thế, nguyên nhân như thế, duyên cớ
như thế, kết quả như thế, báo đáp như thế và toàn bộ rốt ráo như
thế.
Cưu-ma-la-thập sinh năm 344 ở Kucha,
một nước ở Trung Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Năm 7 tuổi La Thập đã
vào ở tu viện và sau đó Ngài được gởi đi Ấn Độ để học Phật giáo
Đại Thừa.
Khi về lại quê nhà, Thầy Ngài là
Suryasoma đã dạy Ngài Kinh Saddharma-pundarika-sùtra (Diệu Pháp Liên Hoa Kinh).
Năm 401 Ngài đến Tràng An kinh đô của Hậu Tân theo lời mời của Vua.
Lúc ấy Ngài đã 62 tuổi và được vua phong quốc sư, và mất năm 72 tuổi
(431).
Ngài là người tinh thông Phạn và
Hoa ngữ. Kinh Pháp Hoa và các Kinh do Ngài phiên dịch (có đến cả ngàn người
phụ việc) do đó có thể kết luận rằng bản dịch Kinh Pháp Hoa từ Phạn
sang Hoa ngữ của Ngài hầu như không có sai lạc. Kinh Pháp Hoa sau đó đóng
một vai trò rất quan trọng trong Phật giáo Trung Quốc. Trí Giả (538 - 97)
sau đó đã nghiên cứu rốt ráo tất cả các Kinh điển của Phật giáo Đại
thừa và Tiểu thừa và viết ra sớ luận tuyệt diệu về Pháp Hoa như Pháp
Hoa Huyền Nghĩa (Diệu Pháp Diên Hoa Kinh Huyền Nghĩa), Pháp Hoa Văn Cú (Diệu
Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú) với ngài Quán Đảnh và Ma-ha Chỉ Quán. Như thế,
Kinh Pháp Hoa đã phổ biến sâu rộng khắp Trung Quốc, dù nhập vào Nhật
xuyên qua Cao Ly. Việt Nam chúng ta Kinh Pháp Hoa cũng được truyền rất sớm.
Trích trong Bài ca tâm Phật của Tuệ
Trung Thượng sĩ:
"...Đi cũng thiền, ngồi cũng
thiền
Trong lò lửa rực, một hoa
sen..."
Theo cách phán giải của ngài Thiên
Thai trí giả.
Nhằm nói đến Thật giáo, mà Thật
giáo cao nhất là Nhất thừa đạo, nương lấy Nhất thừa đạo làm diệu
nhân để chứng đắc diệu quả
Nhằm nói đến thật thân tức là
Pháp thân vô trụ của Phật, mà Pháp thân vô trụ cùng tột của diệu quả
Hay: Ý nghĩa bài kệ trong kinh Pháp
Hoa.
Hay: Ba đức cần có của người
thuyết giảng Pháp Hoa.
Liên quan vấn đề này, kinh Lăng Già
nói có năm thứ ngôn thuyết:
-Tướng ngôn thuyết: Ngôn thuyết
do chấp trước các tướng như sắc, hương... mà sanh ra.
-Mộng ngôn thuyết: Nương cảnh chiêm
bao, phân biệt thọ dụng mà sanh ra.
-Chấp trước ngôn thuyết: Do nghĩ
nhớ những việc đã nghe đã làm mà sanh ra.
-Vô thủy ngôn thuyết: Do sự huân
tập của chủng tử phiền não hỶ chấp trước từ vô thủy mà sanh ra.
-Như nghĩa ngôn thuyết: Thí như
kinh Kim Cang Tam Muội nói: "Xá-lợi-phất thưa, tất cả pháp đều là lời
nói, văn tự. Tướng là lời nói văn tự không phải là nghĩa, và nghĩa
như thật thì không thể nói được. Vậy thì sao đức Như Lai hiện nay lại
thuyết pháp? Phật dạy: Ta thuyết pháp là do chúng sanh các ông còn ở
trong vòng phát sanh lời nói. Do muốn nói cái không thể nói nên Ta thuyết
pháp. Cái chỗ Ta nói là nói cái nghĩa, chứ không phải nói văn tự, còn
chỗ chúng sanh nói là nói văn tự, chứ không phải nói nghĩa. Lời nói phi
nghĩa đều là rỗng không, lời nói rỗng không không nói được nghĩa và
đã không nói được nghĩa thì đều là vọng ngữ. Còn lời nói như nghĩa
thì thật không là bất không, không thật là bất thật, rời cả hai tướng,
cho đến tướng trung gian cũng không thành, chỉ như lý như như mà nói.
Liên quan vấn đề này, kinh Bản
Nghiệp Anh Lạc và phẩm Bản Nghiệp Phật mẫu nói: "Tất cả điều
thiện đều đưa đến Phật quả, còn vô minh chỉ đưa đến quả hữu vi
sanh diệt. Như thế quả lành do nhân lành, quả ác do nhân ác, nên gọi là
"thiện không chịu quả báo sanh diệt, chỉ chịu thành Phật quả
thôi". Tất cả điều thiện của phàm phu hoặc Thánh nhân đều gọi là
vô lậu. Pháp Sư Hải Đông nó: "Tất cả thiện thọ Phật quả là
sanh đắc thiện và tác đắc thiện, chúng đều là chánh nhơn đưa đến
Phật quả. Tất cả thiện đều gọi là vô lậu, vì nó thuận với tánh tịch
tịnh, nghịch với các lậu, Sanh đắc thiện tùy thuận bản giác, từ bản
giác thanh tịnh mà sanh ra, rồi chuyển thành tác đắc thiện nên cũng thuận
với bàn giác. Pháp sư Trúc Đạo Sinh đời Lu Tống viết luận: "Thiện
bất thọ báo". Pháp sư Phổ Tịch (Nhật Bản) nói: "Tôn chỉ thiện
bất thọ báo rất thâm huyền. Tất cả thiện khi chưa thành quả thì nó
xu hướng Phật đạo, thành thứ thiện thuận với phần giải thoát. Khi
thành Phật quả mặc dù báo nhơn báo quả như đã tiêu tạ, nhưng tập
nhơn tập quả vẫn tiếp tục tăng trưởng quy về đại đạo. Thế của
thiện vốn diệu, vì phàm tất cả thiện pháp đều từ chơn như không
tánh phát khởi, tự nhiên nó xu hướng về Phật quả, chớ không làm cái
nhơn cho quả hữu vi sanh diệt. Trái lại, quả báo trong ba cõi đều từ vô
minh bất thiện phát khởi. Dù trong đó có hữu lậu thiện, nhưng thiện này
đã bị thế lực vô minh dẫn dắt, nên cũng đều là vô minh. Vậy, quả
báo ba cõi đó là của vô minh chớ không phải của thiện. Hóa Địa Bộ
cũng cho rằng: "Thiện chẳng phải là nhơn của quả báo 3 cõi (thiện
phi hữu nhơn). Luận Nhiếp Đại thừa cuốn 11 nói: Tất cả việc thiện của
chúng sanh đều là phương tiện đại thanh tịnh của Bồ-tát. Vì sao? Vì
thanh tịnh đã là một, dù chưa đến địa vị đại thanh tịnh, bởi
nghĩa vô trụ mà tất cả đều quy hướng về đại đạo Bồ-tát.
| 1
| 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7a
| 7b | 8a
| 8b | 8c
| 8d |