Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm
Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ NĂM

VỀ THÀNH CA TỲ LA VỆ

-ooOoo-

Ðức Thế Tôn hành ba mươi pháp Ba la mật, hai mươi A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp, sự hành động như vậy Phạn ngữ gọi là CARIYÀ nghĩa là hành hầu đem lại ba điều lợi ích là:

1) LOKATTHAKARIYA. Hành hầu đem lợi ích cho thế gian (ý nói hành hầu đem lợi ích cho người đời). Giải: Ðức Bồ tát hành ba mươi pháp Ba la mật như Bố thí v.v... Trong khi hành những pháp ấy, ý nói, Ngài vì thương hại chúng sanh cố hành để giải thoát là tìm ra lý đạo, và trong khi đang hành ấy cũng đem lợi ích lại cho chúng sanh.

2) NATATTHACARIYA. Hành hầu đem sự lợi ích lại cho quyến thuộc. Có nghĩa là khi Ngài hành những pháp ấy thâm tâm Ngài có giúp đỡ quyến thuộc khi bị tai nạn, như kiếp Ngài sanh làm quạ, Ngài hy sinh bản thân mình để cứu loài quạ khỏi bị giết hại (Xin quí độc giả hay xem an lành, an lành giúp đỡ quyến thuộc sẽ thấy những tích ấy).

3) BUDDHACARIYA. Hành hầu đem sự lợi ích cho đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ý nói rằng: Khi hành đúng theo ba mươi pháp Ba la mật và hai điều lợi ích trên là được quả vị tối cao là đại Giác Ngộ.

Ðức Tịnh Phạn Vương hằng theo dõi tin tức của đức Thế Tôn từ khi xuất gia cho đến khi đắc thành bực Chánh đẳng Chánh giác về ngự nơi vườn thượng uyển và có được Bình Sa Vương dâng cúng Trúc Lâm tịnh xá.

 

Khi ấy đức Tịnh Phạn Vương muốn thỉnh Phật về kinh đô Ca Tỳ La Vệ, nên Ngài mới gọi đến một vị Ðại thần và phán rằng: Nầy hiền khanh, hiền khanh nên dẫn theo một ngàn quan quân hầu đến Vương Xá thành vào Trúc Lâm tịnh xá bạch với Phật rằng: Phụ vương là đức Tịnh Phạn Vương đêm ngày thương nhớ Ngài; muốn gặp lại Ngài mong Ngài trở lại hoàng cung để Phụ vương gặp mặt. Khanh nên cố hết sức yêu cầu làm sao cho đức Thế Tôn ngự về đây với trẫm.

Vị Ðại thần ấy vâng chiếu và dẫn một ngàn quan quân theo ra đi đến Trúc Lâm tịnh xá đường xa sáu mươi do tuần. Khi đến Trúc Lâm tịnh xá vào hầu Phật gặp lúc đức Thế Tôn đang thuyết pháp giữa hàng tín đồ, nên vị quan ấy không dám khinh động, đồng ngồi nghe pháp. Sau khi dứt thời pháp cả một ngàn vị ấy cùng quan Ðại thần đắc A-la-hán quả, rồi xin xuất gia. Vì vậy nên không thỉnh đức Thế Tôn về thành.

Ðức Tịnh Phạn Vương đợi lâu không thấy tin tức về, nên Ngài lại đưa đi một vị nữa và cũng dẫn theo một ngàn quan quân để đi thỉnh Phật, nhưng các vị ấy cũng đều đắc A-la-hán quả nên không thỉnh Phật về. Ðức vua đưa luôn cả chín vị nghĩa là hết chín vị Ðại thần và chín ngàn quan quân nhưng không được tin tức gì hết, và quí vị ấy cũng đắc A-la-hán quả.

Ðức vua cảm thấy rất là buồn và thất vọng nên Ngài nghĩ rằng: Cả chín vị Ðại thần và cả chín ngàn quan quân không một người nào thương yêu ta. Vậy trong trào thần có ai là người thương yêu ta, để giúp cho ta được toại nguyện chăng? Khi ấy Ngài lại nhớ đến một vị Ðại thần đang làm Quốc Vụ Khanh tên Kàludàyi là người cùng đồng sanh một ngày giờ, năm sanh với đức Phật. Ðức vua mới truyền gọi đến và bảo rằng: Nầy hiền khanh; trẫm muốn gặp lại Thái tử yêu quí của trẫm, trẫm đã đưa đi chín vị Ðại thần và chín ngàn quan quân rồi, nhưng đến hôm nay chẳng được tin tức gì của những người ấy đi. Hơn nữa chẳng biết trẫm thăng hà ngày giờ nào vì trẫm đã già lắm rồi. Vì vậy nên khi còn sanh tiền đây trẫm muốn gặp mặt Thái tử yêu quí của trẫm. Vậy xin hiền khanh hãy vì trẫm mà đi rước đức Phật về đây cho trẫm được thấy mặt thì ơn ấy thật thâm trọng.

Ông Kàludàyi mới tâu rằng: Tâu Ðại vương, hạ thần xin vâng mạng và rán thừa hành hết sức của mình theo lời Ðại vương đã dạy. Nhưng trước hết hạ thần xin Hoàng thượng cho phép hạ thần xuất gia theo Phật.

- Khanh có muốn xuất gia thì tùy ý khanh, nhưng xin đừng quên giúp trẫm được gặp mặt con.

Ông Kàludàyi vâng chiếu ra đi với ngàn quan quân đến Vương Xá thành vào Trúc Lâm tịnh xá thì cũng vừa gặp lúc đức Thế Tôn thuyết pháp, và tất cả các vị ấy cũng đắc A-la-hán quả sau khi dứt thời pháp, và cũng xin xuất gia.

Kể từ ngày đắc quả vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, hạ đầu tiên Ngài ngự tại vườn Lộc Giã, sau khi ra hạ mười sáu tháng chín AÂm lịch. Ngài ngự đến chỗ ba vị đạo sĩ ở Uruvela. Ngài ngự nơi ấy hai tháng. Rằm tháng mười một Ngài lại ngự đến Vương Xá thành. Ngài ngự nơi Trúc Lâm tịnh xá hai tháng, nghĩa là từ khi ở vườn Lộc Giã ra đi tới Trúc Lâm tịnh xá là bốn tháng.

Sau khi Ngài Kàludàyi đắc quả A-la-hán xin xuất gia được bảy hay tám ngày sau đúng vào ngày rằm tháng hai, Ngày nghĩ rằng: Hôm nay là mùa nóng; dân chúng đã gặt hái xong rồi, đường đi khô ráo ta nên hầu Phật và thỉnh cầu Ngài về thành Ca Tỳ La Vệ để tế độ dòng Thích Ca nhứt là Tịnh Phạn Vương.

Ngài Kàludàyi mới vào hầu Phật và bạch xin đức Thế Tôn từ bi ngự về thành để tế độ quyến thuộc. Ngài yêu cầu Phật bằng sáu mươi bốn câu kệ kể lể dài dòng, nhứt là Ngài ca tụng đường đi trong rừng mát mẻ v.v... thật dài, nơi đây tôi nhận thấy rằng: Dịch ra dài và chỉ mất thời giờ quí báu; tôi xin lược thuật những câu đại khái thôi.

Ngài Bạch Phật: Bạch hóa đức Thế Tôn, đức Tịnh Phạn Vương có tâm tín thành, trong sạch mong muốn được gặp đức Ðại Giác. Vì đức Ðại Giác là người con duy nhất của đức vua. Ðức Tịnh Phạn Vương đã đưa đến chín vị đại thần và chín ngàn quan quân hầu kể cả đệ tử là mười vị để cầu thỉnh Ngài từ bi trở về thành. Khi đức vua không được gặp và nghe lời giảng giải của đức Thế Tôn, đức vua buồn rầu vì thương nhớ, tâm Ngài thật là đau khổ.

Tôi rất mong ước và xin cầu thỉnh đức Thế Tôn trở về để đức vua trông thấy và đây là niềm an ủi vô cùng cao quí của Phụ hoàng, xin đừng để lòng Phụ hoàng đau khổ thêm. Khi đức vua được gặp đức Thế Tôn, thì Ngài sẽ vui mừng, dứt hết sự ưu tư phiền muộn. Thật ra sự trở về độ quyến thuộc của đức Thế Tôn hiện giờ rất hợp thời và quí báu.

Ðức Thế Tôn phán hỏi: Nầy ông Kàludàyi , tại sao ông ca tụng con đường đi về thành Ca Tỳ La Vệ?

- SUDDHODANÀ BHIJANAKAMAHÀSINO. Bạch đức Thế Tôn! Phụ vương là đức Tịnh Phạn Vương, Phật mẫu là đức bà Ma Da sau khi sanh Ngài lịnh bà thăng hà, được sanh vào cõi trời Ðâu Suất, hưởng tất cả sự hạnh phúc của Dục giới. Vậy hôm nay Phụ vương muốn gặp đức Ðại Giác. Ðức Thế Tôn là đức cứu độ sanh linh, xin Ngài mở lòng đại từ bi trở về thành tế độ quyến thuộc.

- Nầy Kàludàyi! Như Lai rất hoan hỉ nhận lời yêu cầu của ông, sẽ đem lợi ích vĩnh viễn cao thượng đến cho quyến thuộc. Vậy ông hãy đọc tuyên ngôn cho chư Tăng biết để chuẩn bị lên đường.

Ðại đức Kàludàyi lấy làm vui lòng và nói: Thiện thay, Thiện thay! Rồi Ngài lật đật đi tuyên ngôn cho chư Tăng hay để quí Ngài chuẩn bị đi về thành Ca Tỳ La Vệ. Xong rồi Ngài vào trình cho Phật rõ. Khi Ngài ngự thành Ca Tỳ La Vệ có hai muôn Tăng chúng theo hầu, một muôn vị là người thành Vương Xá xuất gia, còn một muôn vị kia toàn là những vị vâng chiếu đi thỉnh cầu Ngài về thành tế độ quyến thuộc.

 

Chắc quí độc giả cũng lấy làm lạ tại sao chư vị nhận lời đức vua đi thỉnh đức Thế Tôn tại sao khi đến nơi và đắc Thánh quả lại không yêu cầu đức Thế Tôn về thành để độ nhà vua đang đêm ngày trông nhớ mong mỏi gặp Phật?

Phàm một vị Thánh nhơn không bao giờ quên lời hứa, nhất là lời của người có ân với mình khi còn tại gia sở dĩ mà các vị ấy không thỉnh, vì quí Ngài thấy rằng: Người thỉnh đức Phật phải là Ngài Kàludàyi , và duyên lành của đức vua và quyến thuộc chưa tới lúc chín muồi. Nếu đến thời kỳ duyên lành ấy đến thì mặc dầu đức vua không thỉnh cầu đức Thế Tôn cũng vẫn ngự về, vì đó là một phận sự giúp đỡ quyến thuộc mà Ngài đã dày công tu luyện tập hàng hai mươi A-tăng-kỳ và ba trăm ngàn kiếp thì làm sao bỏ qua được, người không phải quyến thuộc, là người ác khi Ngài biết có duyên lành với Ngài, Ngài còn không nài cực nhọc đến độ thay, phương chi là quyến thuộc. Chung quy lại, sở dĩ mà quí Ngài không thỉnh đức Phật về thành là vì duyên lành quyến thuộc nhứt là đức vua chưa tới thời kỳ.

Ðức Thế Tôn định đi đường mỗi ngày đi một do tuần (mười sáu cây số ngàn của ta thời bây giờ) là vừa cho sức khỏe của chư Tăng.

Ngài Ðại đức Kàludàyi lại nghĩ rằng: Ta nên về báo tin nầy cho đức Tịnh Phạn Vương trước khi Phật ngự đến. Ngài liền dùng thần thông hiện trước mặt đức vua.

 

Khi đức vua trông thấy Ngài Ðại Ðức đắp y mang bát oai nghiêm của vị Sa môn, lấy làm trong sạch và hết sức vui mừng vì Ngài biết rằng Ðại Ðức sẽ đem đến tin lành đến cho Ngài, Ngài liền nhường chỗ để Ðại Ðức ngồi, và truyền thị thần dọn vật thực của Ngài sắp ngự ra dâng cho Ngài Ðại Ðức, khi để đầy bát xong Ðại Ðức đứng dậy tính ra đi. Ðức vua biết liền cản Ngài và yêu cầu Ngài ở lại thọ thực đã rồi hãy đi.

Ðại Ðức đáp: Bần đạo sẽ thọ thực nơi đức Thế Tôn đang ngự.

- Bạch Ðại Ðức hiện giờ đức Thế Tôn ngự nơi nào?

- Tâu Ðại Vương, đức Thế Tôn có hai muôn vị Thánh Tăng theo hầu và đang ngự ra khỏi thành Vương Xá và đang nhắm hướng thành Ca Tỳ La Vệ ngự đến. Ðức vua nghe qua lấy làm mừng và phán rằng: Trẫm xin Ðại Ðức hãy thọ thực vật thực trong bát nầy trước. Bao giờ con trẫm chưa về đến thành Ca Tỳ La Vệ xin Ðại Ðức hãy đến đây hằng ngày để trẫm gởi vật thực nhờ Ngài Ðại Ðức đem về cúng dường con trẫm.

Ðại Ðức nhận lời thọ thực xong, đức vua truyền đem bát rửa bằng nước hoa thật sạch lau chùi cho khô lại để vật thực thật quí vào và dâng đến Ðại Ðức để ngài đem về dâng đến tận tay đức Thế Tôn. Khi Ðại Ðức lãnh bát xong Ngài liền liệng bát ấy lên hư không, lạ thay bát lại bay lơ lửng về hướng thành Vương Xá, rồi Ngài Ðại Ðức liền bay theo trong khi ấy tất cả hoàng tộc cũng như người ở trong thành ai ai cũng thấy phép lạ ấy, làm cho đức Tịnh Phạn Vương và hoàng tộc càng tin tưởng nơi oai đức của vị Chánh đẳng Chánh giác; dân trong thành càng mong mỏi mau đến ngày đức Thái tử ngự về. Người người ai cũng cảm mến oai đức và lòng nhân ái của Thái tử nhưng không biết rằng: Hiện nay không là vị Thái tử mà là vị PHÁP VƯƠNG đấng ÐẠI GIÁC NGỘ.

Khi Ðại Ðức đem vật thực về dâng đến đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn thọ thực, hằng ngày Ðại Ðức cũng đến thọ thực và đem vật thực về vâng đức Thế Tôn như vậy, và Ngài cũng thường cho đức vua hay tin rằng còn bao nhiêu ngày nữa đức Thế Tôn sẽ đến thành, Ngài cũng thường ca tụng công đức Phật bảo để làm lòng tin tưởng của dòng Thích Ca càng tiến thêm, vì Ngài biết dòng Thích Ca là dòng rất nặng về sự NGÃ MẠN, KHINH NGƯỜI. Vì nguyên nhân ấy mà Ðại Ðức Kàludàyi được đứng vào hạng đại đệ tử có hạnh về sự làm cho người có đức tin với Phật bảo. Ngày nọ, Ðại Ðức bảo rằng: Ngài mai này đức Thế Tôn sẽ về đến thành Ca Tỳ La Vệ.

Tất cả dòng Thích Ca đều hội nhau lại bàn nhau rằng: Ta sẽ gặp được người thân thuộc rất cao quí đi xa về đến vậy nơi nào nên để Ngài ngự?

Tất cả hoàng tộc đồng ý rằng: Nên để Ngài ngự tại vườn thượng uyển mới xứng đáng, vì nơi ấy mát mẻ, rộng vừa cho hằng hai muôn vị Ðại Ðức, và chúng ta đến hầu Ngài có chỗ rộng rãi. Rồi đồng cùng nhau tạo tư thất và bảo tọa để Phật ngự thật sạch và đẹp để đón tiếp đức Thế Tôn và chư Tăng.

Ngoài ra, các vị ấy còn lo trang điểm cho những Hoàng tử và Công chúa cùng Quận chúa v.v... Những người nầy nhỏ tuổi hơn đức Phật, những người này được đứng trước bưng tràng hoa; vật thơm rải đường để tiếp rước đức Thế Tôn và đảnh lễ Ngài, còn những vị giai cấp cao hơn thì đứng sau lưng của những người nhỏ tuổi để tránh sự đảnh lễ Ngài vì nếu không đảnh lễ coi mất lịch sự, còn nếu đảnh lể thì vì tuổi lớn hơn, hay vì trong giai cấp gia tộc cao hơn.

 

Khi đức Thế Tôn ngự đến thành Ca Tỳ La Vệ nhà vua thỉnh Ngài ngự ở vườn thượng uyển đã lập xong một ngôi chùa để hiệu là NIGRODHA Ðức THẾ TÔN ngự trên bảo tọa có hai muôn Tăng lữ ngồi hai bên.

Khi ấy dòng Thích Ca chỉ để cho những ông hoàng bà chúa trẻ tuổi đảnh lễ Phật và chư Tăng, còn các vị trưởng thượng hay giai cấp cao hơn thì làm lơ như không có chuyện gì; có vị thì ngồi, có vị thì ngó lơ.

 

Hơn ai hết, đức Thế Tôn biết rõ những bịnh mà dòng Thích Ca có, nên Ngài nghĩ: Những người không đảnh lễ Như Lai, Như Lai phải chinh phục là làm cho họ bỏ lòng NGÃ MẠN ấy bằng thần thông.

 

Liền trong khi ấy đức Thế Tôn hiện lên trên không và đã đi kinh hành như đi trên mặt đất. Hôm ấy Ngài dùng thần thông cho cát bụi bay rớt xuống trên đầu những người nào không đảnh lễ Ngài, còn nhiều phép lạ khác. Khi ấy chư Thiên trong Sa bà thế giới biết đức Thế Tôn ngự về thành để độ quyến thuộc nên đồng cùng nhau tựu lại nơi ấy.

 

Cũng trong khi ấy hai vị đại đệ tử là Ðại Ðức Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên đang ở trên núi Makkuti (nghĩa là núi có ba ngọn) gần Vương Xá thành với năm trăm vị Tỳ khưu. Hai Ngài thấy đức Thế Tôn đang dùng thần thông để cảm hóa quyến thuộc bằng Thiên nhãn thông. Hai Ngài mới nghĩ rằng: Ðây là dịp tốt nhân tiện ta đến hỏi đạo để Ngài giảng về BUDDHAVAMSA (Phật tông). Nhờ thời pháp ấy Ngài độ được quyến thuộc và chư Thiên trong mười ngàn thế giới Sa bà sẽ trong sạch với Phật bảo và thành đạo vô số kể.

Rồi Ngài Ðại Ðức đắp y chừa vai mang bát bay đến hầu Phật trên hư không. Khi đến nơi đảnh lễ đức Thế Tôn xong mới bạch hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, muốn thành một bực Chánh đẳng Chánh giác bắt đầu phải hành ba mươi pháp Ba la mật như thế nào?

Ðức Thế Tôn liền dạy về khi mới bắt đầu hành hạnh Ba la mật là. Một vị Bồ Tát muốn thành Phật phải hành hạnh Ba la mật và tự phát nguỵện trong tâm là xin cho tôi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác như thế đến bảy A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp. Thời kỳ nguyện trong tâm như thế đúng độ rồi, vị ấy lại phát nguyện ra miệng như nói trên hạng định của vị nầy phải một hạng định là chín A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp. Khi còn trong hai thời kỳ nầy gọi là ANIYATABODHISATTA nghĩa là vị Bồ Tát không chắc thật ý nói rằng: Có lắm vị phát nguyện như thế nên khi gặp Phật lại đắc quả A-la-hán nhập Niết Bàn. Còn vị thứ nhì là đại Bồ Tát vị nầy được thọ ký của một vị Chánh đẳng Chánh giác vị nầy chắc chắn sẽ thành PHẬT và phải hành Ba la mật bốn A-tăng-kỳ và trăm ngàn kiếp. Ðức Thế Tôn hiện tại được hai mươi bốn vị Chánh đẳng Chánh giác thọ ký. Vị thọ ký đầu tiên là Ðức Dipankava (Ðức Nhiên Ðăng Phật). Vị thứ hai mươi bốn là đức Phật Kassapa Ca Diếp. Ðây là nói vị Chánh đẳng Chánh giác hạng Trí tuệ, như đức Thế Tôn hiện tại, chớ các vị thuộc Ðức tin và Tinh tấn thì sự hành Ba la mật còn lâu hơn nhiều. Tính ra đức Thế Tôn hiện thuộc hàng Trí tuệ phải hành Ba la mật hai mươi A-tăng-kỳ ba trăm ngàn kiếp.

Sau khi thuyết xong thời pháp về sự hành Ba la mật của một vị Phật Tổ lâu như thế xong, chư Thiên thành đạo nhiều không kể hết.

 

Khi ấy, đức Tịnh Phạn Vương thấy thần thông lạ lùng của đức Thế Tôn, ngài phát tâm trong sạch đảnh lễ Phật và bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, khi Ngài vừa sanh có đem Ngài ra để làm lễ vị đại đạo sĩ tên là Kàladevila , Ngài không đảnh lễ trái lại Ngài dùng hai chân của Ngài đạp lên đầu vị đạo sĩ. Khi ấy trẫm đã đảnh lễ Ngài ngồi dưới cội cây Diêm phù (Cây Trâm) đến xế chiều các bóng cây đều xế bóng chỉ riêng cây của Ngài bóng vẫn đứng như đứng bóng, đây để tỏ oai đức Ngài, trẫm thấy thế nên lại đảnh lễ Ngài một lần nữa, đây là lần thứ nhì và giờ đây trẫm xin đảnh lễ Ngài, đây là lần thứ ba.

Tất cả dòng Thích Ca thấy đức Tịnh Phạn Vương đảnh lể Phật đồng cùng nhau làm lễ đức Thế Tôn một cách cung kính. Khi ấy đức Thế Tôn mới từ trên không ngự xuống.

 

Khi ấy mây kéo đen kịt và trời mưa như trút nước, nước mưa ấy lại màu đỏ. Trong nhóm người đang ngồi ngoài trời, người nào muốn ướt thì mưa ướt người nào không muốn thì không có một hột mưa trúng vào mình. Chư Tăng và quyến thuộc ai cũng lấy làm lạ.

Ðức Thế Tôn hiểu tâm trạng của những người có mặt tại nơi ấy Ngài mới dạy rằng: Không phải mưa nầy mới có lần nầy, mà trong kiếp quá khứ khi quyến thuộc của Như Lai hội lại đầy đủ đảnh lễ Như Lai cũng đã có từng mưa như thế.

Sau khi dứt thời pháp, quyến thuộc của Ngài ai về nhà nấy không có một ai tỏ lời thỉnh cầu Ngài đến thọ thực ở nhà hay ở một nơi nào.

Vì vậy đến sáng ngày, đức Thế Tôn cùng hai muôn Thánh Tăng phải vào thành khất thực. Ðức Thế Tôn đứng nơi cột cửa thành và dùng tuệ xem coi ai duyên lành để Ngài tế độ trong ngày hôm nay, và Ngài nghĩ: Khi vào thành ta đến khất thực tại nhà các ông Trưởng giả hay hàng quí tộc, hay đi tuần tự theo mỗi nhà không phân biệt giàu sang nghèo khổ? Ngài lại hiểu rằng: Không có vị Chánh đẳng Chánh giác nào vào nhà Trưởng giả hay hàng quí tộc thọ thực khi mà không được người dâng cúng. Quí Ngài phải đi khất thực từng nhà một đây là phận sự của Phật quá khứ và cũng là một nết hạnh cao cả mà chư đệ tử noi gương hành theo.

Vì vậy nên đức Thế Tôn ngự đi khất thực từng nhà một trong thành Ca Tỳ La Vệ. Người trong thành thấy đức Ðại Giác ngự đi khất thực bàn tán với nhau rằng: Các người hãy coi kìa Thái tử Sĩ Ðạt Ta lại đi xin ăn.

Người trong thành làm ồn lên vì sự đi khất thực của đức Phật, người ta không bao giờ nghĩ tới vị Thái tử khả kính khả ái sang trọng như thế lại đi xin ăn như kẻ bần cùng. Vì vậy người chen nhau để xem cảnh tượng ồn ào không sao tả được.


Lời Tựa | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16

 


Cập nhật: 1-5-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang