Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lịch Sử Ðức Phật Tổ Cồ Ðàm
Maha Thongkham Medhivongs

THIÊN THỨ MƯỜI BA (a)

NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
TRUYỀN ÐẠO CỦA ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM

-ooOoo-

Trong bốn mươi lăm năm truyền đạo đức Thế Tôn ngự cả thảy mười chín nơi. Và cũng có lắm chuyện xảy ra, nhưng trong lịch sử không ghi chép ngày tháng năm thật rõ. Nhứt là có những chuyện lạ khó đem lại trình bày đầy đủ trong phạm vi của một quyển sách nhỏ này. Nơi đây tôi (soạn giả) cố gắng sưu tầm những gì tôi có thể sưu tầm được.

Mười chín nơi của đức Thế Tôn ngự trong bốn mươi lăm hạ.

1) Hạ thứ nhứt, đức Thế Tôn ngự tại vườn Lộc Giã gần thành BÀRÀNASÌ độ năm vị Ðại Ðức Kiều Trần Như.

2) Hạ thứ nhì, thứ ba và thứ tư, ngự tại VELUNANA (Tàu dịch là Trúc Lâm tịnh xá) độ đức Bình Sa Vương và chúng sanh.

 

3) Hạ thứ năm, ngự tại KUTÀGÀRASÀLÀ ở rừng MAHÀVANA gần thành Vesàlì.

4) Hạ thứ sáu, ngự tại núi MAKUTA gần thành MAGADHA (Tàu âm là Ma Kiệt Ðà).

5) Hạ thứ bảy, Ngài ngự tại cõi trời Ðạo Lợi thuyết bộ Vi Diệu Pháp bốn muôn hai ngàn pháp môn độ Phật mẫu.

6) Hạ thứ tám, Ngài ngự tại BHESAKALAVANA tại xứ SUMÀRADÌRA .

7) Hạ thứ chín, Ngài ngự tại chùa GHOSITÀRÀMA gần thành KOSAMBI ở nơi bờ sông YAMUNA .

8) Hạ thứ mười, Ngài ngự tại rừng Parileyyaka gần thành Kosambi độ bạch tượng và khỉ. Sở dĩ mà Ngài ngự tại rừng này vì Ngài khuyên chư Tăng đừng gây nhau, nhưng chư Tăng không nghe lời Ngài.

9) Hạ thứ mười một, Ngài ngự tại làng Bà la môn tên Nàraya gần xứ Narà .

10) Hạ thứ mười hai, Ngài ngự tại cội cây Sầu Ðông gần xứ Veranjarà vì ông Bà la môn tên VERANJARÀ thỉnh cầu.

11) Hạ thứ mười ba, Ngài ngự tại núi Càliya .

12) Hạ thứ mười bốn, Ngài ngự tại JETAVANAVIHÀRA (Kỳ Viên tịnh xá của Trưởng giả Cấp Cô Ðộc gần thành SAVATTHÌ (Thất La Phiệt).

 

13) Hạ thứ mười lăm, Ngài ngự tại chùa NIGRODHA thành Ca Tỳ La Vệ của quyến thuộc Ngài dâng cúng.

14) Hạ thứ mười sáu, Ngài ngự tại chùa AGALAVA xứ Alavì, độ Dạ xoa ALAVAKA .

15) Hạ thứ mười bảy, ngự tại Trúc Lâm tịnh xá thành Vương Xá ( Ràjagaha ).

16) Hạ thứ mười tám và mười chín, Ngài ngự tại núi Càla .

17) Hạ thứ hai mươi, Ngài ngự tại Trúc Lâm tịnh xá ở thành Vương Xá.

18) Từ hạ thứ hai mươi mốt tới bốn mươi bốn, Ngài ngự tại Kỳ Viên tịnh xá thành Sàvathi (Thất La Phiệt). Trong thời gian này đức Thế Tôn đi thuyết pháp độ đời mọi nơi nhưng khi nhập hạ Ngài về ngự tại Kỳ Viên tịnh xá.

19) Hạ thứ bốn mươi lăm, Ngài ngự tại làng Veluvagàmakhetta xứ Vesàlì và nhập diệt tại thành Vesàlì .

 

Trước hết nơi đây tôi xin giải tám điều gọi là BUDDHAJA YAMAN GALAGATHA nghĩa là: Kệ kể lại sự cảm hóa tám nhân vật bằng tám oai đức của đức Thế Tôn. Bài kinh này Ðại Ðức Hộ Tông có dịch và ấn tống trong Kinh Tụng. Nhưng Ngài chỉ dịch theo lời kinh thôi, riêng tôi viết nguyên một tích. Mỗi câu kệ là mỗi chuyện tích để quí vị dễ thông hiểu. Theo lời dạy thì người nên cố tụng niệm tám câu kệ ấy sẽ được an lành trong gia đình.

 

THẮNG MA VƯƠNG

Nguyên văn bằng Phạn ngữ

BÀHUM SAHASSAMABHINIMMITASÀVU- DHANTAM.
GRÌMEKHALAM UDITAGHORASASENÀMÀRAM.
DÀNÀDIGHAMMAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO.
TANTEJASA BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI

Nghĩa: Ðức Phật cao thượng hơn các bực trí tuệ, Ngài đã cảm thắng Ma vương, Ma vương biến ngàn cánh tay cầm khí giới, cỡi Grimekhala (Cri-mê-khá-lá) đủ cả binh ma, tiếng hét la vang rền. Nhờ phép Thập độ nhứt là phép bố thí mà đức Phật cảm thắng được Ma vương. Do nhờ Phật lực này, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

 

Lẽ ra tôi không viết đoạn này vào đây vì đã có viết trong lịch sử đức Thái tử Sĩ Ðạt Ta, hơn nữa đoạn này còn trong khi là vị Bồ Tát dưới cội Bồ đề. Nhưng vì viết theo bài kinh gọi là Tám điều của đức Thế Tôn thắng tám nhơn vật phi thường nên tôi viết theo đây để không thiếu tám điều trong tám câu kệ.

SƠ LƯỢC CỐT TRUYỆN

 

Sau khi đức Bồ Tát thọ lãnh lấy cơm đề hồ của cô Sujàtà. Ngài liền đi thẳng đến con sông Neranjarà (Ni Liên Hà) tắm, khi tắm rồi vắt cơm là bốn mươi chín vắt, thọ thực xong, Ngài liền bưng mâm vàng lên phát nguyện rằng: Nếu ta đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì xin cho mâm nầy trôi ngược dòng sông, bằng không thì xin cho mâm nầy chìm ngay nơi nầy. Ngài liền để mâm xuống, lạ thay mâm liền trôi ngược dòng.

Khi Ngài thấy mâm trôi ngược dòng sông thì Ngài biết chắc rằng: Ngài sẽ đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ngài liền trở vào rừng, khi ấy có thầy Bà la môn tên Sotthiya dâng đến Ngài tám bó tranh, Ngài cầm lấy tám bó tranh ấy, đi thẳng đến cây Bồ Ðề; trải tranh dưới cội Bồ đề, ngồi day mặt về hướng Ðông, và phát nguyện rằng: Nếu thật là ta đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hôm nay xin cho nơi nầy hóa thành một bảo tọa cho ta ngự.

Liền khi ấy, một bảo tọa màu xanh cao mười bốn hắc tay, từ dưới đất nổi lên. Ngài liền ngự lên bảo tọa và phát nguyện rằng: Bao giờ lòng ta chưa hết thụy miên phiền não, dẩu cho thịt ta có khô, da ta có héo ta cũng không rời khỏi bảo tọa này. Khi ấy có tất cả chư Thiên, Phạm Thiên trong Sa bà thế giới đều hội nơi ấy.

Ðồng thời Ma vương đi theo bên Ngài kể từ khi Ngài bỏ Hoàng cung ra đi, thâm tâm Ma vương dò xét coi đức đại Bồ Tát có khi nào mong muốn việc trần là xâm nhập đưa trở lại nẻo luân hồi, nhưng không hề thấy một lỗi lầm nào. Ðến khi thấy đức đại Bồ Tát ngự trên bảo tọa dưới cội Bồ đề, tức giận mới nghĩ rằng: Thật Thái tử Sĩ Ðạt Ta cố giải thoát ra ngoài vòng thống trị của ta, đối với chúng sanh ta sẽ mất cả uy quyền, vì Thái tử Sĩ Ðạt Ta đắc thành quả. Vậy ta phải làm trở ngại đường giải thoát của Thái tử Sĩ Ðạt Ta.

Khi ấy có ba người con gái của Ma vương đến nói: Phụ vương đừng bận tâm, khi mà phụ vương có những đứa con như chúng con thì khỏi nhọc lòng lo về chuyện Thái tử Sĩ Ðạt Ta. Chúng con có phương pháp đưa chàng ta vào lưới. Ma vương lấy làm hài lòng nên để cho ba nàng đến trêu ghẹo đức đại Bồ Tát.

Ba cô mới bàn với nhau rằng: Phàm người đàn ông có sở thích khác nhau, có người thích cô gái thơ ngây, người thì ưa người vừa lớn tuổi, có kẻ yêu gái lỡ thời. Vậy chị em mình chia ra mỗi người hóa thành một nhóm để cám dỗ Thái tử Sĩ Ðạt Ta.

Cô Tanhà (Ái Dục) lãnh sứ mạng đến trước; khi đến nơi đức đại Bồ Tát ngự, múa hát và nói: Tôi tên là Tanhà (Ái dục) vì tôi có thể trói chúng sanh được, và làm cho chúng sanh quên mình chạy theo ý định của tôi.

Ðức Bồ Tát liền dạy rằng:

MULHO ÀTTHAM NA JANATI
MULHODHAMMAM NA JANATI
ANDHATAMAM TADA HOTI
YAM MOHO SAHATE NARAM
TASMA ARAHATAM NIHARISSAMÌTI

Nghĩa: Nầy cô Tanhà (Ái dục), ngươi là kẻ si mê không có trí tuệ, không hiểu pháp nào là pháp hữu ích, pháp nào là pháp đê tiện; si mê hằng dày vò chúng sanh quên mình vì Ái dục (nên luân hồi). Như ta đây đã xuất gia tu hành hầu tiêu diệt các ác pháp là Ái dục không hề để Ái dục sống được trong tâm ta. Nầy nàng Tanhà (Ái dục) vậy ngươi nên mau mau tìm đường trốn khỏi nơi nầy.

 

Khi đức đại Bồ Tát nói vậy cô Ái dục không thể nào ở lại được vì nóng nảy bởi oai đức của bực sắp giác ngộ. Cô lật đật lui ra.

Cô Ràga (Tham ái) liền tiến vào gần đức đại Bồ Tát múa hát trêu ghẹo Ngài.

Ðức đại Bồ Tát hỏi:

- Cô tên chi?

- Tôi tên là Ràga (Tham ái) vì tôi là người có uy quyền cực cao, tôi có thể trói chúng sanh trong tam giới và bắt buộc chúng sanh phải tuân theo mạng lịnh của tôi bằng Tham ái.

Ðức đại Bồ Tát liền nói:

RATTO ATTHAM NA JÀNÀTI
RATO DHAMMAM NA PASSATI
ANDHATAMAM TAMÀ HOTI
YAM RÀGAM MAHATE NARAM
AHAM RÀGAVIRÀGÀYA
VÀYAVISSÀMIHÀGOTOTI .

Nghĩa: Nầy cô Ràga (Tham ái) người nào có tâm ưa mến Tham ái; ưa thích ngũ trần, người ấy không biết làm lợi ích cũng không có trí tuệ để suy nghĩ thấy và thấu hiểu pháp. Những nguyên nhân ấy cũng do nơi lòng Tham ái mà ra. Lẽ cố nhiên Tham ái hằng làm hại chúng sanh, nhưng ta là người ly gia cắt ái làm vị Sa môn, cố gắng tinh tấn hầu diệt trừ tất cả các ác pháp ngủ ngầm trong tâm. Nầy cô Tham ái kia, cô không nên duy trì ở nơi này, nên mau mau tránh khỏi nơi đây.

Cô Tham ái không thể ở được vì bị đức đại Bồ Tát đuổi, cô lật đật ra đi.

Người con thứ ba của Ma vương là cô Arati (Tật đố) liền đến nơi Ngài múa hát với những lời hoa tình trêu ghẹo cố cám dỗ vị đại Bồ Tát.

Ðức đại Bồ Tát hỏi:

- Cô là ai? Ðến đây để làm gì?

- Tôi tên là Arati (Tật đố), tôi là người có uy quyền to lớn giam cầm chúng sanh trong vòng luân hồi bằng sự tức giận ganh ghét nên tôi có tên là Tật đố.

Ðức đại Bồ Tát liền nói câu kệ đuổi cô đi rằng:

DUTTHO ATTHAM NA JANÀTI
DUTTHO DHAMMAM NA PASSATI
ANDHATAMAM TADÀ HOTI
YAM DOSO PAHATE NARAM
TVASI NIHATO NAYÀTI

 

Nghĩa: Nầy cô Tật đố, người nào còn ở dưới quyền sân hận, khi sân hận phát sanh trong tâm người ấy làm cho người ấy nóng nảy, bực bội phóng túng, và tối tăm. Người ấy không bao giờ nhận định thấy pháp đem lợi ích đến, mà cũng không nhận thấy tai hại và tội phước nữa, đây là do nơi lòng sân hận che án mất làm cho người không trông thấy ba tướng (Vô thường, khổ não, vô ngã). Thật ra sân hận là một tội lỗi vĩ đại hằng làm hại chúng sanh. Ta đã cố công bồi phước lành là thiện pháp để diệt trừ ác pháp là sân hận cho hết sạch trong tâm ta.

 

Nầy cô Tật đố, vậy cô hãy mau mau xa lánh nơi nầy lập tức.

 

Khi ba cô ra khỏi nơi đức đại Bồ Tát ngự thì ba cô trở nên những bà già xấu xí, các cô không còn hãnh diện như xưa nên trở về nơi Ma vương và khóc lóc than van.

Theo chú giải có dạy rằng: Ðây không phải là có thật ba nàng nữ Ma vương nầy, nhưng đó là ba điều phiền não hằng nằm trong thâm tâm của chúng sanh, hiện ra để làm trở ngại sự giải thoát thôi.

Ma vương thấy con trở về với bộ mặt già nua đáng thương hại kia, sự tức giận càng tăng thêm lên vô số. Liền hội cả binh ma tướng quỉ đến. Những binh tướng nầy dị hình dị tướng ai trông thấy cũng kinh hồn tán đởm. Khi đến đủ Ma vương liền dẫn nhau đến cội Bồ đề để vấn tội đức đại Bồ Tát và dành lấy bảo tọa.

 

Khi đức đại Bồ Tát thấy Ma vương xua binh tướng mặt mày thật là hung ác đến trùng trùng điệp điệp, Ngài mới nghĩ rằng:

Khi ta từ thành Ca Tỳ La Vệ ra đi, thì có rất nhiều chư Thiên là bạn đưa ta đi và cùng ở với ta trong khi ta khổ hạnh đến lúc ta ngự lên bảo tọa nầy. Nhưng giờ đây các chư Thiên ấy đều kinh sợ oai lực của Ma vương bỏ ta ra đi nơi khác; giờ đây không ai giúp đỡ ta. Ta chỉ còn trông nhờ nơi oai đức của Ba la mật mà thôi, Ngài nghĩ vậy liền gọi ba mươi phép Ba la mật bằng câu kệ rằng:

AYANTU BHONTO
IDHA DANASÌLA
NEKKHAMMA PANNA
SAHA VIRIYA KHANTI
SACCADITTHANASAMETTUPEKKHA
YUDDHAYA VO GANHATHA AVUDHANITI.

 

Nghĩa: Hởi nầy các Ba la mật ơi, ta đã cố công đào tạo các người là Bố thí, Trì giới, Xuất gia, Trí tuệ, Tinh tấn, Nhẫn nại, Chân thật, Nguyện vọng, Từ và Xả. Tổng cộng là ba mươi pháp chia ra làm Ba la mật đến bờ bên có mười, Ba la mật đến bờ trên có mười và Ba la mật đến bờ cao thượng có mười. Vậy tất cả Ba la mật xin hãy đến đây cầm lấy khí cụ giúp ta đừng để Ma vương vi phạm đến ta.

Liền trong khi ấy dường như có bảy đạo binh rất dũng mãnh có nhiều thần thông hiện ra đứng giữ quanh bồ đoàn và hình như nói với Ngài rằng: Thưa đấng Ðại Giác xin Ngài an lòng, có chúng tôi là người mà Ngài đã nuôi dưỡng từ vô số kiếp. Ngài hãy xem chúng tôi chống với quân ma.

Những vị tướng lãnh điều khiển những đạo binh ấy rất oai; thân hình cao lớn ấy là Tín Lực; cầm lấy gươm báu hào quang chiếu ngời là Tuệ Lực; Tấn Lực và Niệm Lực là khiên đỡ tên đạn và Ðịnh Lực là tâm không kinh sợ quân ma.

Ðức đại Bồ Tát ngự trên bảo tọa trông thấy binh tướng của mình oai hùng mạnh mẽ thì Ngài không chút chi lo ngại oai lực của quân tướng Ma vương. Ngài ngồi Từ Bi, tham thiền như không có chuyện chi cả. Ngài coi bọn Ma vương không vào đâu.

Sự tự tại của đức đại Bồ Tát làm cho Ma vương càng căm tức xua binh đến gần quyết giết cho được Ngài, nhưng binh ma không dám léo đến gần vì bị binh tướng của Ngài chận lại.

Ma vương tận dụng tất cả tài năng và phép tắc của mình đã có, nhưng không có món phép nào làm hại đức đại Bồ Tát được, trái lại những món ấy hóa thành hoa đẹp mùi thơm bay ra rất xa để cúng dường cho vị sắp Giác Ngộ thôi. Ma vương thấy không làm chi đức đại Bồ Tát được nên đến gần đức Bồ Tát mắng nhiếc Ngài đủ điều nhưng Ngài không lấy đó mà tức giận, trái lại Ngài thương hại Ma vương như người cha thương con và nói:

 

- Nầy Ma vương ngươi đem hết lực lượng và thần thông của ngươi đến để đánh đuổi ta; nhưng ta không hề kinh sợ, ta có đủ Ba la mật đã đào tạo ra đã đến bốn A-tăng-kỳ và trăm ngàn đại kiếp. Những Ba la mật ấy là chiến tướng của ta, vì vậy nên ta không hề kinh sợ ngươi.

 

Ma vương nghe đức đại Bồ Tát nói vậy càng tức giận hơn liền lấy pháp bảo quí nhứt của mình là một cái vòng có răng rất bén và rất là lợi hại liệng ra để giết Ngài. Nhưng khi bửu vật đến gần đức đại Bồ Tát thì trở thành tràng hoa để cúng dường đức đại Bồ Tát. Ma vương tức giận, đến gần hét to lên rằng:

- Nầy Sĩ Ðạt Ta! Tại sao ngươi vẫn ngồi lỳ nơi đây, sao không đi nơi khác? Bảo tọa nầy không phải của ngươi, là của ta, ngươi không có binh tướng và uy quyền tối cao như ta. Bảo tọa nầy sanh lên nơi đây là của ta không phải do nơi oai đức của ngươi.

 

- Nầy Ma vương, lời của ngươi nói ấy có thật hay chăng? Nếu thật vậy thì ai là người chứng của ngươi?

- Lời ấy thật như vậy, ta có quan quân binh tướng của ta làm chứng cho ta?

 

Khi đức đại Bồ Tát nghe Ma vương phân chứng như vậy, Ngài mới hỏi:

 

- Nầy ma vương, ta xin hỏi ngươi vậy bảo tọa đã có từ trước hay thế nào?

 

- Bảo tọa ấy không phải đã có từ trước.

- Nếu không phải có từ trước thì ngươi bảo là của người thế nào được? Sở dĩ mà có bảo tọa nầy là do nơi Ba la mật của ta đã đào tạo vun trồng. Vì vậy không bao giờ ta rời khỏi nơi nầy.

Ma vương nghe nói vậy, tức giận liền hỏi Ngài rằng:

- Nầy Sĩ Ðạt Ta! Ngươi đừng khoe khoang, ta vẫn còn rất nhiều phép mầu nhiệm để đánh bại ngươi, tại sao ngươi không kinh sợ? Mà còn khoác lác như vậy.

- Nầy Ma vương, ngươi mới thật là người hung ác không có chút trí tuệ, không hiểu rõ nổi công đức của ta. Ta có ba mươi pháp Ba la mật mà ta đã đào tạo từ lâu. Ta có tướng tài quân giỏi là Tín Lực, có Trí Tuệ là khí cụ tối tân. Vì vậy nên ta không kinh sợ chi ngươi.

Ma vương liền truyền cho quân binh tràn vào đánh bắt đức đại Bồ Tát, nhưng vì oai lực của Ba la mật nên quân ma không dám đến gần.

Chư Thiên ở mọi nơi thấy vậy đồng hoan hô đức đại Bồ Tát rằng: Lành thay! Thiện thay!

 

Ma vương hỏi đức đại Bồ Tát rằng:

- Nầy Sĩ Ðạt Ta! Ngươi bảo rằng: Bảo tọa nầy của ngươi; vậy ai làm chứng cho ngươi là của ngươi?

 

Khi ấy đức đại Bồ Tát nghĩ: Ta không tìm thấy bên ta đây có ai làm chứng cho ta, ta chỉ thấy có quả địa cầu nầy mới có thể làm chứng cho ta được. Ngài liền phát nguyện rằng:

 

- Nầy quả địa cầu, chính ta đã tạo ba mươi pháp Ba la mật từ vô số kiếp đến kiếp chót sanh làm Vesantara bố thí cả châu ngọc vợ con đó là đại thí mà hẳn không có một vị Sa môn hay Bà la môn nào thực hành nổi. Hỡi nầy địa cầu, tại sao ngươi yên lặng không làm chứng cho ta?

 

Quả địa cầu là vật vô tri giác, nhưng cũng dường như cảm thông lòng thành thật và biết rõ sự đào tạo Ba la mật của công đức vị đại Bồ tát. Mặt đất liền rung chuyển rồi nứt ra hiện ra một người phụ nữ rất đẹp đứng ngay trước mặt đức đại Bồ Tát và nói rằng:

- Thưa Ngài, chỉ có tôi là người chứng chắc công đức của Ngài, tất cả việc làm của Ngài đều ghi vào đầu tôi đây, vì tôi thường được hưởng lấy sự hồi hướng phước báu của Ngài cho, tôi sẽ vuốt tóc của tôi và nước sẽ chảy ra để chứng chắc rằng: Ngài có đào tạo ra rất nhiều công đức từ vô số kiếp.

Nói xong bà liền vuốt tóc thì bỗng dưng nước trong tóc chảy ra xối xả trôi cả binh ma tướng quỉ của Ma vương. Tượng Grimekhala Ma vương cỡi là tượng có thần thông nhưng vẫn kinh sợ trước sức mạnh của nước ấy.

Ma vương thấy vậy càng kinh sợ nên chấp tay lễ bái và nói câu kệ rằng:

NAMO TE PURISUTTAMA
SADEVAKASMIN LOKASMIN
NATTHI TE PATIPUGGALO
TVAM BUDDHO TVAM SATTHÀ
TVAM MÀRÀBHIPHÙ MUNI
TVAM ANUSAYA CHEKO
TINNO TÀRESI MAM MAJJANTI

Nghĩa: Bạch Ngài, Ngài là đấng có nhiều uy quyền có nhiều đặc ân cao thượng rõ ràng ví như ngựa AJANEYYA. Ngài có tâm trong sạch bởi bốn đức là Từ, Bi, Hỉ, Xả. Tôi xin đảnh lễ Ngài, xin cho Ngài trở nên vị Thiên Nhơn Sư, Ngài là đấng diệt trừ được tất cả các pháp trong tâm. Khi nào Ngài đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác xin Ngài mở lòng từ bi tế độ tôi là chúng sanh còn mê muội.

Nói xong liền lễ bái rồi ra đi.

Vì uất hận nên Ma vương ngồi bên vệ đường lấy tay gạch xuống đất mười sáu lần và tính rằng: Vì ta không Bố thí Ba la mật bằng Thái tử Sĩ Ðạt Ta nên ta không thành Phật như Thái tử. Ta không Trì giới Ba la mật. Ta không có Tinh tấn Ba la mật. Ta không có Nhẫn nại Ba la mật. Ta không có Chân thật Ba la mật. Ta không có phát nguyện Ba la mật. Ta không có Từ Ba la mật. Ta không có Xả Ba la mật nên ta không thành Phật được như Sĩ Ðạt Ta. Mỗi lần tính, Ma vương gạch luôn mười lằn. Rồi mới tính thêm nữa rằng ta còn chưa hành thêm sáu điều gọi là ASÀDHÀRANÀĨÀNA (Nghĩa là tuệ đặc biệt riêng của vị Chánh đẳng Chánh giác).

 

Sáu điều ấy là:

1) INDRIYÀPAROPARIYATTÌNÀNA. Nghĩa là trí tuệ thấy rõ Ngũ căn.

2) ÀSÀYANUSAYANÀNA. Nghĩa là trí tuệ thấy rõ Thụy miên phiền não, tánh tình của mỗi chúng sanh, và sự giải thoát, nghĩa là biết chúng sanh nào còn ham mê ngũ trần, người nào còn say đắm trong ngũ trần.

3) YAMAKAPATIHARIYANÀNA. Trí tuệ thông hiểu cách dùng thần thông gọi là YAMAKA. (Thần thông nầy đức Thế Tôn dùng khi thắng ngoại đạo).

4) MAHAKARUNANÀNA. Trí tuệ của bực hành theo Ðại Bi.

5) SABBANNÙTANÀNA. Trí tuệ của bực Toàn giác hiểu rõ tất cả các pháp hành.

6) ANAVARANÀNA. Trí tuệ của các bậc hiểu thông mọi việc không có vật chi ngăn cản.

Vì ta thiếu mười sáu điều nầy nên ta không sánh bằng Thái tử Sĩ Ðạt Ta.

 

Tóm lại đức đại Bồ Tát thắng Ma vương do nơi oai lực của sự bố thí. Vậy chúng ta muốn thắng hóa mọi nơi nên noi theo gương bố thí của Ngài.

 

CẢM HÓA DẠ XOA ALAVAKA

MARÀ TIREKAMABHIYUJJITA SABBARATTIM
GHORAMPANÀLAVAKAMAKKHAMATHADDHA- YAKKHAM
KHANTISUDANTAVIDHINÀ JITAVÀ MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATUTE JAYAMANGALANI.

Nghĩa: Ðức Phật đã cảm thắng Dạ xoa Alavaka(A La Quá Cá) rất can ngạnh không lòng nhẫn nhục, khoe tài trọn đêm cùng Phật. Dạ xoa rất hung ác, cảm dõng hơn Ma vương, đã bị đức Chánh Biến Tri dùng phép nhẫn nhục thâu phục rồi. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

Ðức Thế Tôn ngự tại chùa Agàlava xứ Alavì , theo thường lệ của vị Chánh đẳng Chánh giác đến gần sáng, thường dùng trí tuệ xem coi chúng sanh nào có duyên với Ngài trong ngày ấy sẽ đắc được Thánh quả. Ngày ấy đức Thế Tôn thấy Thái tử con vua Alavì sẽ đắc A na hàm quả, nên Ngài lập tức đi độ, mặc dầu Ngài biết rằng: Ngài phải bị Dạ xoa Alavaka hung ác dùng thần thông chiến đấu với Ngài và vấn đạo Ngài, nhưng Ngài vẫn không hề chồn chân thôi bước.

CHUYỆN TÍCH

Ðức vua trị vì tại xứ Alavì tên là Alavì. Ngài có tính thích đi săn bắn. Ngày nọ, đức vua truyền chuẩn bị đi săn. Quan quân phải đặt bẫy và vây một khu rừng để đuổi thú ra cho Ngài bắn.

Ðồng thời, ngai vàng của đức Ðế Thích bỗng dưng cứng rắn lại không còn cảm giác mềm dịu như trước. Thiên vương Ðế Thích lấy làm lạ nên Ngài liền dùng Thiên nhãn xem coi. Vì sao? Khi Ngài biết rõ nguyên nhân, Ngài liền hiện ra một con nai lông vàng thật là to và rất đẹp ở trong vòng lưới và chạy ngang qua mặt của đức vua.

 

Khi đức vua trông thấy nai vàng, Ngài lấy làm ưa thích nai ấy, liền truyền rằng: Nai nầy mà thoát ra khỏi nơi đây trước mặt vị nào thì vị ấy phải bị xử trảm. Các người nên thận trọng bắt cho được nai ấy cho trẫm.

Tất cả quan quân theo cuộc săn ấy lấy làm lo sợ cho mình nên sự canh chừng thật cẩn mật, càng lúc càng siết chặt vòng vây. Nai vàng không còn thấy chỗ nào khả dĩ thoát khỏi ngoài ra chỗ của đức vua, nên nai vàng liền chạy đến trước mặt đức vua và cũng nhờ nơi ấy mà thoát ra được.

Vì đã hạ lịnh rồi mà chính mình để nai vàng chạy thoát đức vua lấy làm cả thẹn nên giục ngựa đuổi theo rất gấp. Nai vàng chạy thật mau nhưng ngựa chạy cũng chẳng kém, còn quan quân ngựa không hay không làm sao theo kịp. Ðức vua cố gắng hết sức mình đuổi theo, nhưng dường như bị nai trêu tức khi vừa muốn nghỉ là nai vàng lại ngừng lại như đợi đức vua theo. Ðến nơi rừng rậm thì nai vàng biến mất. Khi ấy trời cũng vừa xế chiều, người mệt ngựa mỏi, Ngài cố hết sức tìm đường ra về.

Khi ấy Ngài thấy có một cội cây dừng thật to và rất đẹp lạ thường; Ngài liền ngồi nghỉ nơi ấy. Ngài đâu biết rằng: Trên cây ấy có một con Dạ xoa hung ác khác thường, khi Dạ xoa thấy đức vua ngự vào dưới cội cây của mình, liền hiện ra hình dung thật là hung ác phi thường, hét to lên rằng: Ngươi từ đâu đến? Tại sao lại vào ngồi dưới cội cây của ta? Hôm nay ngươi là vật thực của ta.

Ðức vua nghe Dạ xoa nói vậy lấy làm kinh sợ. Nhưng dầu sao sự ngã mạn của một nhà vua không tỏ vẻ kinh sợ, Ngài liền phán hỏi Dạ xoa rằng

- Nầy Dạ xoa, trẫm, có làm gì sai luật nên ngươi lại đòi ăn thịt trẫm?

- Tâu Ðại vương, tôi đã ở trên cây nầy mười hai năm nay rồi, nhân vì trước kia tôi có hầu vị Thiên vương, nên Ngài ban cho tôi cây nầy và có dạy rằng: Ngươi có quyền ăn bất cứ nhân vật nào vào dưới cội cây của ngươi. Vì vậy tôi có quyền ăn thịt Ngài khi Ngài ở dưới cội cây của tôi.

 

- Nầy Dạ xoa, thật ra trẫm không được biết rằng: Cội cây nầy dưới quyền của ngươi.

- Ðại vương, tôi không cần biết rằng: Ai biết cội cây của tôi hay không? Tôi chỉ cần biết là ai vào cội cây nầy là vật thực của tôi thôi.

Ðức vua nghe như vậy càng lấy làm kinh sợ, mới nghĩ rằng: Hôm nay là ngày tới số của ta rồi. Ngài liền nói với Dạ xoa rằng:

- Nầy Dạ xoa, ngươi là bực có nhiều thần thông, nếu ngươi có lòng từ bi để cho ta về đến hoàng thành, ta sẽ cho người đưa tù nhân đến cho ngươi ăn. Nếu hôm nay ngươi ăn ta thì ngươi chỉ ăn được một bữa nay thôi, ngươi không ăn được hằng ngày.

 

Dạ xoa nghe đức vua hứa như vậy rất hài lòng, bằng lòng cho đức vua ra về.

 

Sau khi được Dạ xoa cho ra về tìm đường về thành. Khi về đến thành thuật chuyện ấy lại cho quần thần nghe cũng nói rõ là sẽ hứa đem tù nhân cho Dạ xoa ăn mỗi ngày.

Các quan không biết làm sao, nên đành phải đưa mỗi ngày một tù nhân đến cho Dạ xoa. Lâu ngày tù nhân hết, và người nghe đức vua đem tù nhân cho Dạ xoa ăn, nên người trong xứ không hề dám phạm dầu là một tội rất nhỏ. Sau hết tội nhân, không biết làm sao nên hội quần thần lại tính bắt những người già cho Dạ xoa ăn nhưng quần thần không bằng lòng, vì người còn có con cháu sợ e nó loạn, nên kết cuộc lại bắt trẻ con vì nó chưa làm lợi ích gì và người đời còn đẻ được nhiều con nữa.

Người trong xứ nghe đức vua truyền bắt trẻ con cho Dạ xoa ăn, nên những người có con đều đem giấu hay dọn nhà đi xứ khác. Ðến ngày kia quan hầu vào tâu vua rằng: Không còn tìm ra trẻ con nữa. Ðức vua lấy làm lo sợ, nghĩ không ra, Ngài nhớ đến Thái tử tên Àlavì truyền quan hầu bắt Thái tử đem cho Dạ xoa ăn.

Các quan lấy làm bất bình nhưng không dám tâu rổi một lời nào, buộc lòng phải vào hoàng cung nói với Hoàng hậu rằng: Tâu Hoàng hậu, Ðại vương đã chiếu chỉ cho chúng thần đến đem Thái tử đi cho Dạ xoa ăn; xin lịnh bà tha tội ấy.

Hoàng hậu lấy làm kinh khủng, nhưng cũng chẳng biết làm sao giữ con lại chỉ biết than khóc thôi.

Sáng ngày hôm sau các quan đem Thái tử đến nạp cho Dạ xoa ăn. Ðức Thế Tôn đã ngự đến nơi cội cây Dạ xoa chiều hôm trước. Khi đến nơi, đức Thế Tôn ngự vào ngay cửa toà lâu đài của Dạ xoa Alavaka. Ngày ấy nhằm ngày đại hội của Dạ xoa, nên Alavaka Dạ xoa phải đi hầu Thiên vương.

 

Khi ấy Dạ xoa người giữ lâu đài của Dạ xoa Alavaka tên là Gandhabba thấy đức Thế Tôn ngự đến, ra tiếp rước đảnh lễ và hỏi rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài ngự đến nơi rừng nầy có chuyện chi quan trọng chăng?

- Nầy Gandhabba , thật ra có chuyện cần và quan trọng nên Như Lai mới ngự đến đây.

- Vậy xin thỉnh đức Thế Tôn ngự vào nghỉ trong tòa lầu của Dạ xoa Alavaka .

Ðức Thế Tôn lặng thinh ngự vào trong tòa lầu và ngự trên ngai của Dạ xoa Alavaka ngồi hằng ngày.

Dạ xoa Gandhabba biết ý Dạ xoa Alavaka là người có tánh nóng nãy và hung ác phi thường, mặc dầu là cha mẹ cũng chẳng kính nể nên bạch với đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, xin đức Thế Tôn cho phép tôi đến cho Dạ xoa Alavaka hay biết rằng: Ðức Thế Tôn ngự nơi đây. Ðức Thế Tôn nhận lời.

 

Dạ xoa Gandhabba liền đến nơi hội nói với Dạ xoa Alavaka rằng: Hiện giờ có đức Chánh đẳng Chánh giác đang ngự ở tại lâu đài của ông.

Tất cả Dạ xoa nào chánh kiến có mặt nơi ấy đồng nói với Alavaka rằng: Thật ngươi là người đại phước nên đấng Ðại Từ Bi ngự đến lâu đài của ngươi.

Dạ xoa Alavaka nghe vậy lòng hiếu thắng càng mạnh và vì vậy sự tức giận càng nhiều, nên nói:

- Thôi các ngươi hãy im đi, để thầy Sa môn ấy sẽ thấy oai ta, ta sẽ vò xé y ra từng mảnh, tại sao y dám vào lâu đài của ta khi ta vắng mặt.

 

Khi ấy có nhiều Dạ xoa đi hội phải bay ngang qua lâu đài của Dạ xoa Alavaka , nhưng khi bay đến nơi ấy không thể nào bay ngang qua được. Vì oai đức của vị Chánh Ðẳng Chánh giác khi ngự nơi nào trên chỗ Ngài ngự không có một vị nào có oai lực bay qua được. Các Dạ xoa lấy làm lạ mới vào coi tòa lâu đài nầy có những gì mà phi thường như vậy. Khi thấy đức Thế Tôn ngự trong ấy, các Dạ xoa đảnh lễ Phật rồi lật đật đến nơi hội. Khi gặp Alavaka mới nói rằng:

- Nầy hiền hữu, ngươi thật là người đại phước nên chi đấng Thiên Nhơn Sư ngự đến ở tại lâu đài của ngươi.

Dạ xoa Alavaka nghe vậy không khác nào đổ thêm dầu vào lửa, y gầm thét vang trời và bảo rằng:

- Xin hãy êm lập tức, các ngươi sẽ thấy ta và thầy Sa môn Cồ Ðàm ai hơn.

Ðức Thế Tôn ngự tại lầu đài của Alavaka hiện ra hào quang sáng chói. Các cung phi mỹ nữ của Dạ xoa Alavaka đều đến hầu Ngài nghe pháp. Tất cả Thọ thần cùng chư Thiên biết có đức Thế Tôn ngự đến nơi ấy liền rủ nhau đến hầu Phật và nghe pháp, làm cho tòa lâu đài của Alavaka càng náo nhiệt tưng bừng. Có vị chư Thiên hay Dạ xoa nào không biết có chuyện chi nên hỏi:

- Nhân vật nào ở trong lâu đài ấy, mà hào quang sáng không chi sánh bằng vậy?

Có vị biết chuyện ấy nên đáp: Vị ngự trong lâu đài ấy là đấng cao siêu hơn hết trong tam giới, là đấng Ðại Giác hôm nay chúng ta có duyên lành lắm mới gặp được Ngài. Ngày thường thì các vị ấy không khi nào đến tòa lâu đài của Alavaka vì ghét người hung bạo cũng có và vì sợ cũng có. Hôm ấy họ bất cần cứ vào đại vì ỷ lại có đấng tối cao của chúng sanh ngự trong ấy.

 

Khi đức Thế Tôn thấy có nhiều chư Thiên, Càn thát bà và Thọ thần đến hầu Ngài, nên Ngài dạy rằng: Vì trước kia nhờ có Bố thí, Trì giới, Tham thiền, Cúng dường đến Tam bảo, nên hôm nay các người mới được hưởng quả lành như thế nầy. Vậy từ đây trở đi các ngươi không bỏn xẻn; năng làm việc bố thí thì phước thiện đó là vật thực của các ngươi có thể đem về ngày vị lai được.

Sau khi dứt thời pháp, có hai Dạ xoa là Sàtàgiri và Dạ xoa Hemavata mỗi người có năm trăm tùng nhơn theo hầu dẫn nhau đến Kỳ Viên tịnh xá hầu Phật, nhưng không gặp Phật trở về khi bay ngang qua lầu đài của Alavaka bị rớt xuống lấy làm lạ mới vào hầu Phật rồi đi đến nơi hội. Khi gặp Dạ xoa Alavaka liền bảo rằng:

- Nầy hiền hữu, ngươi là người được thoát khổ, nên trong lầu đài của ngươi có một viên ngọc Ma ni bửu châu quí vô lượng vô biên, ngọc ấy sẽ làm cho người mong mỏi vật gì cũng được kết quả mỹ mãn. Vậy bạn nên gấp về lập tức để mau được gặp Ngài.

 

Alavaka nghe vậy lập tức đứng dậy ra về, khi về đến lầu đài thấy vợ và phi tần của mình cùng chư Thiên và Thọ thần cùng Càn thát bà đang ngồi hầu Phật, đức Phật lại ngự ngay trên chỗ mình hằng ngồi thì càng lấy làm tức giận, liền làm cho mưa đá, mưa cát, mưa lửa, mưa dầu sôi v.v... để giết Phật. Mặc dầu những thứ mưa ấy thật là hung dữ nhưng khi đến gần Phật, mưa đá, mưa gươm đao v.v... đều trở thành hoa thơm cúng dường, còn mưa cát, mưa dầu sôi lửa đỏ đều trở thành những phấn thơm và nước hoa cúng dường dưới chân đức Thế Tôn, những trận gió lớn ấy không làm rung động chéo y của Ngài.

Dạ xoa Alavaka thấy hiện tượng lạ lùng như vậy càng giận dữ truyền binh tướng của mình hãy vào bắt cho được đức Thế Tôn. Nhưng những binh tướng ấy không ai dám đến gần, vì sợ oai lực đức Từ Bi của Ngài.

Dạ xoa Alavaka mới nghĩ: Ta làm sao thắng thầy Sa môn nầy? Vì các pháp mầu của ta từ xưa nay oai danh lừng lẫy hôm nay không còn linh nghiệm nữa. Ta chỉ còn có cái khăn bịt đầu nầy thôi. Ta chỉ hy vọng cái khăn nầy có oai lực vô lượng vô biên sẽ thắng thầy Cồ Ðàm. Nghĩ xong mở khăn bịt đầu xuống và liệng ngay vào mình đức Thế Tôn. Sự thật cái khăn ấy thuộc về hạng thần thông mầu nhiệm bằng cái bánh xe của đức Ðế Thích và Ma vương. Ít có vật nào cao quí bằng. Nhưng khi khăn ấy vừa đến gần đức Thế Tôn trở thành vật cúng dường. Khăn ấy có mãnh lực sánh còn hơn Ma vương là khác.

Tất cả chư Thiên, Thọ Thần, Càn thát bà có mặt nơi ấy đồng thanh hoan hô đức Thế Tôn rằng: Thiện thay, lành thay!

Dạ xoa Alavaka càng tức giận vì thấy cái khăn của mình liệt vào hàng bảo vật hạng nhất mà trở thành vô dụng, càng lấy làm kinh ngạc hơn khăn ấy lại trở thành tràng hoa cúng dường cho Phật, liền nghĩ rằng: Thôi, ta không thể chiến đấu và thắng thầy Sa môn Cồ Ðàm bằng pháp mầu được, ta sẽ tìm thế thắng y bằng cách khác rồi giết y sau. Nghĩ xong Dạ xoa hỏi đức Thế Tôn rằng:

- Nầy thầy Sa môn, tại sao thầy lại vào ngồi trong lầu đài của ta khi chưa được phép ta?

Ðức Thế Tôn nghĩ Dạ xoa Alavaka hung ác và rất dũng cảm hơn cả Ma vương, nếu ta dùng thần thông để cảm hóa thì trở thành trận giặc. Sự thật người hung ác thì lại thích sự hiền từ nhã nhặn, ta phải thắng ý bằng pháp Nhẫn nại, nghĩ xong đức Thế Tôn liền đứng dậy ra đi, không nói một lời nào.

 

Dạ xoa thấy đức Phật đứng dậy ra đi không cãi một lời nào nên nghĩ: Thầy Sa môn nầy thật là hiền từ dễ dạy, biểu ra đi một tiếng thì ra đi, không tỏ vẻ bất bình giận hờn gì cả, chắc đây là hạnh của các bực Sa môn. Thôi ta hãy thử một lần nữa. Alavaka liền gọi: Nầy Ông Sa môn thôi ông hãy trở vào.

Ðức Thế Tôn lại trở vào cũng chẳng nói một lời nào.

Dạ xoa Alavaka thấy vậy thì càng tin chắc rằng: Thầy sa môn nầy dễ dạy thật. Nên mới thử nữa, nên lại bảo: Ðức Thế Tôn hãy trở ra một lần nữa.

 

Khi ấy đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- Nầy Dạ xoa Alavaka ngươi muốn hành hạ Như Lai như thế nào thì cứ tùy tiện, ngươi không nên bảo Như Lai đi ra đi vào như thế nầy, giờ đây Như Lai không đi ra nữa.

Dạ xoa Alavaka nghe vậy nổi giận nên dùng lời bất nhã nói với đức Thế Tôn. Nhưng đức Thế Tôn cũng vẫn thản nhiên, Dạ xoa không biết làm sao nên nói:

 

- Nầy thầy Sa môn, giờ đây ta hỏi ngươi vài vấn đề, ngươi hãy đáp cho ta, nếu ngươi đáp không được ta sẽ bóp đầu ngươi nát như bột.

Ðức Thế Tôn đáp: Nầy Dạ xoa Alavaka , mặc tình ngươi làm gì Như Lai, Như Lai cũng không bao giờ biết kinh sợ, đừng nói chi là người dầu cho Thiên vương Ðế Thích, Ma vương, Phạm Thiên và ai là người có nhiều thần thông đến nơi nầy chiến đấu với Như Lai thì cũng chẳng làm cho Như Lai rúng động. Hơn nữa hôm nay dầu ngươi có hỏi bao nhiêu vấn đề thì cứ tùy tiện hỏi, Như Lai sẽ giảng giải rõ ràng cho ngươi. Như Lai đã biết rõ những câu hỏi của ngươi không phải do nơi trí tuệ của ngươi phát ra. Như Lai sẽ bảo rõ cho ngươi biết rằng: Ngày nọ, cha ngươi vào hầu thăm ông nội ngươi. Ông nội ngươi mới dạy cha ngươi những câu hỏi ấy, ông nội ngươi học câu hỏi ấy nơi đức Chánh đẳng Chánh giác có hồng danh là CA DIẾP. Sau nầy cha ngươi truyền lại cho ngươi. Vậy ngươi hãy hỏi đi, Như Lai giải cho ngươi hiểu. (Câu hỏi nầy đã thất lạc câu trả lời nên làm cho Dạ xoa Alavaka nghi ngờ từ xưa đến nay).

Dạ xoa Alavaka hỏi:

KIMSU VITTAM PURISASSA SETTHAM .
KIMSU SUCINNO SUKHAMÀVAHÀTI .
KIMSU HAVE SÀDHUTARAM RASÀNAM .
KATHAM JIVÌ JIVITAMÀHUSETTHAM .

Nghĩa: Nầy ông Sa môn, bảo vật nào trong vũ trụ nầy cao quí nhứt mà người nam lẫn nữ đều yêu chuộng? Chúng ta dành để vật gì mới được an vui? Vị nào cao quí hơn tất cả các vị? Ðời sống thế nào mà ông gọi là đời sống cao thượng trong đời nầy?

Ðức Thế Tôn đáp:

SADDHÌDHA VITTAM PURISASSA SETTHAM .
DHAMMO SUCCINO SUKHAMÀ VAHÀTI.
SACCAM HAVE SÀDHUTARAM RASÀNAM.
PANNÀJÌVÌ JIVITAMÀHU SETTHAM.

Nghĩa: Nầy Dạ xoa Alavaka, đức tin là bảo vật cao quí nhứt trong vũ trụ nầy mà người nam lẫn nữ đều yêu chuộng. Người đành để thiện pháp thì hằng được sự an vui. Lời nói chân thật là lời nói có vị cao quí hơn tất cả các vị. Ðời sống bằng trí tuệ là đời sống cao quí nhất trong đời này.

 

Khi nghe lời giảng của đức Thế Tôn làm cho tâm Dạ xoa Alavaka trở nên trong sạch. Y nhìn thấy đời mình không có thiện pháp, không có chân thật mà cũng không có sống bằng trí tuệ, cả đời chỉ biết làm tội lỗi.

 

Dạ xoa Alavaka mới ca tụng công đức của Phật rằng: AHO ACCHA RIYAM AHO ABHUTAM BHANTE. Bạch đức Ðại Giác, chỉ có Ngài là vị đáp được câu hỏi nầy thật là chuyện phi thường. Vậy tôi xin hỏi Ngài thêm:

KATHAMSU TARATI OGHAM
KATHAMSU TARATI ANNAVAM
KATHAMSU DUKKAM ACCETI
KATHAM PARISUJJHATI.

Nghĩa: Bạch Ngài, người trong tam giới nầy qua được bốn hầm bằng vật gì? Và sẽ qua được đại dương là bể luân hồi bằng vật gì? Lại nữa người giải thoát được khổ bằng phương pháp gì? Và làm cho tâm được trong sạch bằng phương pháp nào?

Ðức Thế Tôn liền đáp:

SADDHAYA TARATI OGHAM
APPAMADENA ANNAVAM
VIRIYENA DUKKHA ACCETI
PANNÀYA PARISUJJHATÌ

Nghĩa: Này Dạ xoa Alavaka, Người trong tam thế này qua được bốn hầm bằng ÐỨC TIN. Và sẽ qua được đại dương là bể luân hồi được bằng sự không dễ duôi, Lại nữa người giải thoát khỏi sự thống khổ bằng phương pháp TINH TẤN. Làm cho tâm được sạch bằng phương pháp dùng TRÍ TUỆ quan sát cho thấy rõ ba tướng (là Vô thường, Khổ não và Vô ngã).

 

Khi đức Thế Tôn đáp xong câu kệ thì Dạ xoa Alavaka cũng vừa đắc quả Tu-đà-hườn trở nên bực Thánh nhơn trong Phật giáo. Liền cúi đảnh lễ dưới chân đức Phật và xin đức Phật tha tội lỗi đã phạm thượng và xin Ngài nhìn nhận là người thiện nam hay một tín đồ của Phật giáo. Xin thọ Tam qui và Ngũ giới.

Trong khi Dạ xoa lễ Phật xin thọ Tam qui và ngũ giới, thì các quan đưa Thái tử tới noi, nghe chư Thiên hoan hô đức Thế Tôn nên lấy làm lạ. Khi đến gần thấy đức Thế Tôn ngự trong lầu đài của Dạ xoa, nên mới bàn với nhau rằng: Ðã có đức Thế Tôn ngự nơi đây rồi, thì chắc chắn Ngài đã cảm hóa Dạ xoa, ta hãy nhân cơ hội nầy đem Thái tử dâng đến tay Dạ xoa. Nói xong liền đưa Thái tử đến cho Dạ xoa.

Dạ xoa Alavaka lấy làm hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi của mình đã làm, liền ẵm Thái tử Alavì đến cúng dường Phật bảo và bạch rằng:

 

- Bạch đức Thế Tôn, đệ tử xin dâng Thái tử Alavì đến tay Ngài, xin đức Thế Tôn mở lòng từ bi nhận lãnh.

Ðức Thế Tôn đưa tay mặt ra nhận lãnh vật cúng dường kỳ lạ ấy. Ngài liền cầu chúc cho Thái tử: Dighà Yuko Hoti Ayam Kumàro v.v... Nghĩa: Xin cho Thái tử nầy được trường thọ, nầy Alavaka ngươi cũng được an vui khỏi khổ và xin cho vị Thái tử nầy thọ Tam qui.

 

Khi dạy xong đức Thế Tôn liền trao Thái tử cho các vị quan đại thần; Các vị bồng lấy Thái tử trở về thành. Người trong thành thấy các vị đại thần đưa Thái tử về, mới hỏi vì mọi người đều sợ Dạ xoa không chịu ăn trẻ con. Các vị đại thần cho biết rằng: Dạ xoa đã phục thiện là nhờ đức Thế Tôn đến hóa độ.

Khi đến hoàng cung, các vị ấy để Thái tử lên tay đức vua, và tâu bày tự sự. Ðức vua lấy làm cảm động và rất vui mừng. Hoàng hậu hay được tin ấy sự vui mừng không biết tả sao cho đuợc, lịnh bà lật đật đến nơi đức vua đang ngự ẵm Thái tử vào lòng nựng nịu và bà ca tụng công đức Phật bảo không tiếc lời.

 

Sau khi độ được Dạ xoa Alavaka xong. Ðức Thế Tôn liền đắp y mang bát vào thành có Dạ xoa theo hầu sau Ngài. Khi đến cửa thành, Dạ xoa cảm thấy rất hổ thẹn tội lỗi của mình đã gieo tang tóc cho dân chúng, nên không muốn vào thành. Ðức Thế Tôn dùng lời an ủi Dạ xoa làm cho hết sự ăn năn hối tiếc việc làm ấy.

Ðức Thế Tôn mới đến ngự dưới cội cây gần cửa thành, Ngài liền dùng thần thông làm cho hào quang sáu màu sáng rực cả một vùng.

 

Khi đức vua Àlavì nghe tin đức Thế Tôn ngự tại cửa thành, Ngài lật đật xa giá đến nơi ấy có cả các vật cúng dường. Khi đến nới lễ bái đức Thế Tôn và cúng dường cùng ca tụng công đức của Phật. Dân chúng trong thành hay tin ấy lần lượt rủ nhau đến đảnh lễ Ngài đông vô số kể.

Ðức Thế Tôn liền thuyết lại câu hỏi của Dạ xoa Alavaka. Ðức vua phát tâm tín thành trong sạch và qui y Tam bảo. Riêng Dạ xoa dạy Thái tử đạo đức và làm cho Thái tử trong sạch với Tam bảo vào hầu Phật nghe pháp đắc A na hàm quả.

Ðức Thế Tôn thắng được Dạ xoa bằng đức Nhẫn nại.

Vậy người muốn thắng hóa mọi nơi xin đừng quên pháp Nhẫn nại.

 

NHỮNG CHUYỆN LẠ XẢY RA TRONG BỐN MƯƠI LĂM NĂM
TRUYỀN ÐẠO CỦA ÐỨC PHẬT TỔ CỒ ÐÀM (tt)

-ooOoo-

 

CẮM THẮNG TƯỢNG NÀLÀGIRÌ

NÀLÀGIRIM GAJAVARAM ATIMATTABHÙTAM
DAVAGGICAKKAMASANIVA SUDARUNANTAM
METTAMBUSEKAVIDHINÀ JITAVA MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

Nghĩa: Ðức Phật đã cảm thắng voi Nàlàgirì (Na la gi ri) đến cơn hung ác, dữ tợn như lửa rừng, như sấm sét, nhờ rải lòng Từ bi mà đức Chánh Biến Tri cảm hóa được voi ấy. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

Chuyện nầy tôi đã có tường thuật trong Thiên thứ tư nhưng chỉ tóm tắt sơ lược thôi. Nên nơi đây tôi xin giải rõ thêm cho đủ tám điều thắng hóa của đức Thế Tôn mà các bực Thánh nhơn khi xưa hằng ca tụng.

Ðệ tử Phật là ông Ðề Bà Ðạt Ða muốn thay Phật để dạy dỗ chư Tăng, nhưng đức Phật không nhận lời, tức giận tìm thế hại Phật đủ điều nhứt là thả tượng Nàlàgirì ra giết Phật.

CHUYỆN TÍCH

Ðề Bà Ðạt Ða không sao hại được đức Thế Tôn nên ông mới vào thăm đức vua A Xà Thế xúi Ngài thả tượng Nàlàgirì là tượng trận hung dữ nhất không tượng nào bằng, nhứt là khi được uống tám tĩn rượu to. Khi thả tượng ra giết Phật, đức vua A Xà Thế dạy quản tượng hãy cho tượng uống rượu gấp đôi là mười sáu tĩn rượu to, còn Ðề Bà Ðạt Ða là người trông nom sắp đặt việc làm cho chu đáo.

 

Tất cả tín đồ hay biết tin ấy mới vào hầu Phật và bạch cho Ngài rõ chuyện sắp xảy ra, yêu cầu Ngài đừng đi khất thực.

Ðức Thế Tôn liền dùng Tuệ giác quan sát: Sáng ngày mai ta sẽ hóa độ tượng và không cho tượng ấy còn hung ác nữa, mà cũng nhân cơ hội nầy hóa độ rất nhiều người ngoại đạo hồi đầu hướng thiện. Sau khi hóa độ tượng xong ta dẫn chư Tăng vào thành Vương Xá khất thực.

 

Rạng đông sáng hôm sau đức Thế Tôn dùng trí tuệ xem coi chúng sanh nào có duyên với Ngài trong ngày ấy. Ngài thấy rằng: Nếu sáng ngày, Ngài vào thành khất thực cảm hóa được tượng Nàlàgiri thì Ngài sẽ độ được tám muôn bốn ngàn người.

Khi mặt trời mọc lên, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành khất thực, Ngài dạy Ðại Ðức Ananda: Ngươi hãy cho chư Tăng trong mười tám chùa tại thành Vương Xá tựu tại Kỳ Viên tịnh xá. Ðức Ananda vâng lời cho chư Tăng hay. Khi chư Tăng tựu hội lại đủ đức Thế Tôn dẫn vào thành Vương Xá khất thực.

 

Những người quản tượng đã chuẩn bị sẵn là cho tượng uống rượu xong, khi trông thấy đức Thế Tôn liền thả tượng ra để giết Phật.

Tất cả thiện nam tín nữ, dân chúng và những người ngoại đạo kẻ leo lên nóc nhà người leo lên cây, người thì ở trên lầu để xem coi tượng làm gì Phật. Thiện tín thì tin rằng: Phật sẽ cảm hóa tượng, còn ngoại đạo thì nghĩ tượng sẽ giết Phật, dân chúng chỉ mong thấy kết quả thôi.

Tượng Nàlàgirì trông thấy đức Thế Tôn từ xa ngự đến, tỏ vẻ rất hung hăng chân dậm đất bụi bay mịt mù, miệng gầm thét thật là kinh khủng. Khi tượng được thả ra lập tức nhắm hướng đức Thế Tôn đang ngự đi chạy đến, coi hình như là nó quyết giày đạp Ngài cho tan nát. Chư Tăng còn phàm thấy vậy kinh sợ bỏ đứng vẹt ra một bên đường. Khi ấy Ðại Ðức Xá Lợi Phất xin đức Thế Tôn để Ngài cảm hóa tượng dữ ấy nhưng đức Thế Tôn không nhậm lời; tuần tự đến các chư đại đệ tử nhưng không vị nào được phép. Trong khi ấy tượng đã đến gần lắm rồi mà đức Thế Tôn vẫn thản nhiên, làm cho Ðại Ðức Ananda nóng lòng, vì tất cả chư đệ tử có thể nói là không ai thương Phật bằng Ðại Ðức Ananda , vì Ngài còn là bực hữu học nghĩa là mới đắc quả Tu-đà-hườn vẫn còn mến thương vạn vật. Ðại Ðức Ananda thấy tượng đến gần Ngài liền ra đứng cản tượng trước mặt Phật. Ðức Thế Tôn thấy Ðại Ðức Ananda hành động như vậy. Ngài liền dạy rằng: Ananda , ngươi hãy đứng dang ra, nhung Ngài vẫn không vâng lời. Ðức Thế Tôn dùng lòng Từ Bi làm cho tượng kinh sợ chạy đi nơi khác.

Trong khi ấy, có một người phụ nữ bồng con nhỏ thấy tượng chạy đến gần mình nên kinh sợ bỏ con nằm trên đất chạy thoát lấy thân. Khi tượng không rượt theo kịp cô ấy, liền trở lại đi quanh bên đứa trẻ. Ðức Thế Tôn thấy vậy thương hại đứa bé Ngài liền rải lòng từ bi đến tượng và gọi: Nầy Nàlàgirì hãy dừng lại. Tiếng của Ngài rất thanh và rất mềm dịu, vì lòng từ bi đánh thức trí giác của tượng. Tượng liền quay lại ngó ngay vào Phật, trông thấy đức Thế Tôn mặt đầy vẻ từ bi hào quang chiếu sáng, chung quanh Ngài có chư Thánh nhơn giới đức trang nghiêm, thật là một cảnh huy hoàng trang nghiêm và đầy từ ái. Tượng phát tâm tín thành trong sạch với Phật bảo và Tăng bảo, nhìn lại tội lỗi của bản thân lấy làm hổ thẹn, chất rượu tiêu tan mất hết, từ từ tiến đến bên Phật và quì xuống.

Ðức Thế Tôn liền dạy rằng: Màkinjaranàgapara v.v... Sugati gamissasìti , nghĩa: Hỡi nầy tượng Nàlàgirì, ngươi không nên si mê. Lẽ cố nhiên những điều tội lỗi là ác pháp, hằng đưa đến sự thống khổ trong lòng ngươi, hãy làm cho tâm ngươi trong sạch, không nên để cho tâm nóng nảy bực bội vì tội lỗi nặng nề. Nên tập cho tâm hiền từ lương thiện thêm càng nhiều càng quí. Sau khi ngươi chết sẽ được sanh về cõi trời hưởng an lạc.

 

Dứt lời dạy bảo của đức Thế Tôn tâm tượng sanh hỉ lạc rất mạnh. Nếu tượng là con người thì đã đắc Tu-đà-hườn trong khi ấy. Kể từ giờ phút ấy trở đi tượng Nàlàgirì trở nên hiền từ không khác con mèo con, nên lại đổi tên là DHÀNAPÀLA (có nghĩa là người giữ lấy di sản quí).

 

Trong khi đức Thế Tôn dạy tượng Nàlàgirì thì có tám muôn bốn ngàn người nghe lời dạy bảo ấy mà đắc đạo quả, và có rất nhiều người xin thọ Tam qui trì ngũ giới.

Ðến chiều chư Tỳ khưu hội đến nơi đức Thế Tôn thường thuyết pháp bàn với nhau về việc buổi ban sáng và chuyện Ðại Ðức Ananda hy sinh cho Phật. Các vị ấy có vị nói: Thật ra Ðại Ðức Ananda là vị đệ tử chí hiếu biết ân thầy dám đứng ra chịu chết thế cho thầy, đây chuyện thế gian hi hữu vậy.

Khi đức Thế Tôn ngự đ?n nghe và biết các thầy đang nói chuyện ban sáng. Ngài liền dạy rằng: Nầy các thầy Tỳ khưu, chẳng phải Ananda mới hy sinh đời sống nầy cho ta trong kiếp nầy đâu. Kiếp quá khứ cũng đã từng hy sinh cho Như Lai rồi.

Chư Tỳ khưu yêu cầu đức Thế Tôn thuyết Túc Sanh truyện.

Ðức Thế Tôn dạy; Kiếp quá khứ có đức vua tên SAGALABRAHMADATTA ngự trị tại xứ Sàgala. Gần thành Sàgala có một người thợ săn ở tại làng Nesàdagàma. Tại xứ Sàgala có một cái ao to đến mười hai do tuần, trong ao ấy có nhiều thứ sen đủ màu thật đẹp. Ðồng thời ấy có một bầy hạc chín muôn con; hạc chúa tên là Dhatarattha và một hạc phó tên là Sumukha, bầy hạc nầy thường ở tại núi tên Gittrakuta. Ngài nọ có ba con hạc đến tắm chơi ở ao gần thành Sàgala. Khi trở về thuật lại cho Hạc chúa nghe, và mô tả nơi ấy thật là đẹp có vật thực, ao to, bông nhiều v.v...

Hạc chúa là một vị Bồ Tát nên có nhiều trí tuệ, Ngài sợ có tai hại cho đoàn nên Ngài cấm không cho hạc đến nơi ấy, nhưng ba con hạc ấy cứ theo yêu cầu nhiều lượt. Ðức Bồ Tát mới dẫn đoàn hạc đi đến nơi ấy chơi và tìm thức ăn. Vì vô ý chân của đức Bồ Tát bị mắc vào bẫy của người thợ săn. Ðức Bồ Tát không dám la, sợ kinh động bầy không dám ăn no. Sau khi biết đoàn đã ăn no, Ngài liền hét to lên, đoàn hạc nghe tiếng hét ấy kinh khủng bay hết. Chỉ có hạc Sumukha nghĩ rằng: Tiếng hét của chúa ta bất thường, chắc Ngài đã bị tai nạn chi đây. Nghĩ vậy lập tức bay thật mau để kiểm điểm coi thiếu hạc nào trong đoàn. Khi thấy thiếu hạc chúa, lập tức bay trở lại, thấy hạc chúa đoàn đứng trên vũng bùn liền đến g?n hỏi rằng: Tâu Ðại vương xin Ngài đừng kinh sợ, tôi là Sumukha sẽ chết thay Ngài để đền lại công ơn của Ngài.

 

Nói xong liền đứng gần bên hạc chúa.

Hạc chúa thấy Sumukha hành động như vậy liền hỏi:

SUMUKHA ANUCINANTÀ
PAKKAMANTI VIHIMGAMÀ
GACCHA TVAMPI MAKANKHI
NATTHI PHANDHE SAHAYATA.

 

Nghĩa: Nầy Sumukha, đoàn hạc chín muôn không có con hạc nào ngó đến ta, không thương yêu quí mến ta nên bỏ đi vì sợ chết. Tại sao ngươi lại trở lại lo cho ta làm gì? Người không nên ở nơi đây, vì ta đã mắc bẫy rồi. Ngươi ở lại làm chi chỉ tốn công vô ích.

Sumukha nói: Tâu Ðại vương, tôi hằng hạnh đúng theo Chánh pháp. Tôi suy nghĩ và thấy rõ rằng: Sự hành theo thiện pháp sẽ đem sự lợi ích đến, hơn nữa trước nhứt phải diệt trừ tội lỗi giảm bớt đi trong tâm. Do nhờ hành theo thiện pháp ấy nên tôi phải trở lại với Ngài, dầu cho tôi có bị giết tôi cũng không thể trốn tránh. Tôi nguyện hy sinh vì Ngài và chống lại tất cả mọi việc trở ngại. Ðại vương ơi, không bao giờ tôi biết kinh sợ tên thợ săn ấy.

 

Trong khi đức Bồ Tát và Sumukha đang nói chuyện với nhau, tên thợ săn cũng vừa đến và thấy hạc mắc vào bẫy, nên nhè nhẹ lần đến. Hai hạc trông thấy người thợ săn đi đến nhưng không bao giờ biết sợ. Người thợ săn thấy vậy lấy làm lạ nên hỏi. Khi ấy người thợ săn mới biết rằng: Ðây là hai hạc chúa tôi, Sumukha quyết lòng hy sinh cho chúa. Người thợ săn nghe xong phát tâm trong sạch vì tấm lòng trung nghĩa của hạc Sumukha nên tình nguyện thả cả hai hạc chúa tôi. Nên đến gần mở bẫy, lấy nước rửa chân hạc cho thật sạch.

 

Sau khi được trả tự do hạc chúa mới bàn với Sumukha rằng: Người thợ săn nầy thật là có ơn với ta, ta phải đền đáp cho xứng đáng.

Hạc chúa liền nói với người thợ săn rằng: Người ơi, người đem hai chúng tôi đến nạp cho đức vua thì chắc chắn người sẽ được trọng thưởng.

Người thợ săn từ chối không bằng lòng vì không tham lợi, nên hai hạc giải thích nhiều lần, và yêu cầu hai hạc hãy bay về rừng. Trái lại, hạc chúa và Sumukha không chịu về và nhứt định yêu cầu người thợ săn phải đem hai hạc đi. Khi đến nội thành xin vào chầu vua và dâng hai hạc quí.

 

Khi đức vua trông thấy hai hạc Ngài lấy làm hài lòng ban thưởng trọng hậu cho người thợ săn... Khi ấy, hạc chúa mới dùng tiếng người nói chuyện với đức vua. Nhà vua lấy làm trong sạch với hạc chúa. Rồi xin hạc chúa dạy đạo làm vua thế nào cho hợp pháp.

Hạc chúa dạy nhà vua trì ngũ giới và hành theo mười pháp của một vị minh quân hằng hành theo. Ðức vua trong sạch với Pháp bảo của hạc chúa, sau khi nhiều lần yêu cầu hạc chúa ở lại trong thành nội để dạy đạo và nhường ngôi cho hạc chúa. Hạc chúa và Sumukha liền từ tạ đức vua mà bay về rừng.

Sau khi thuyết xong Túc Sanh truyện ấy, đức Thế Tôn mới dạy rằng:

- Người thợ săn ấy chính là Xa Nặc, đức vua Sàgala khi ấy là tiền thân của Xá Lợi Phất hiện nay. Hạc Sumukha ấy chính là Ananda , còn Như Lai hôm nay chính là hạc chúa vậy.

 

HÓA ÐỘ VÔ NÃO

UKKHITTAKHAGGAMATÌHATTHASUDDÀRUNANTAM.
DHÀVANTIYOJANAPATHANGULIMÀLAVANTAM
IDDHÌBHI SANKHATAMÀNO JITAVÀ MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMANGALÀNI.

Nghĩa: Ðức Phật dụng phép thần thông cảm thắng ANGULIMÀLA (An Gu Li Ma La), kẻ cướp sát nhơn, cắt ngón tay người làm tràng hoa, kẻ quá hung bạo, nhưng rất tinh nhuệ, cầm gươm rượt đức Chánh Biến Tri, xa ba do tuần. Do nhờ Phật lực này, xin cho sự hạnh phúc phát sanh đến người.

CHUYỆN TÍCH

Nơi rừng thẳm xứ Ma Kiệt Ðà có một tướng cướp hung ác phi thường nhưng tài cao sức mạnh muôn người khó chống nổi. Tướng cướp ấy được người đặt tên là ANGULIMÀLA có nghĩa là: Người đeo tràng chuỗi bằng lóng tay người. Tướng cướp nầy ngang tàn không hề biết sợ một nhân vật nào dầu là vua chúa, mà cũng chẳng tha ai khi mà gặp. Vì vậy nên đức Thế Tôn mới ngự đi độ tên tướng cướp ấy.

Trước kia tướng cướp Angulimàla là con của một vị Quân sư xứ Ma Kiệt Ðà cha mẹ dòng Bà la môn, mẹ tên là Mantànì. Ngày sanh ông ra có điềm là tất cả vũ khí trong kho hoàng gia đều phát ánh sáng ngời. Cha của Angulimàla là vị Quân sư nên rất giỏi về thiên văn. Ông liền vào chầu tâu rằng: Tâu Hoàng thượng, Ngài thấy có điềm gì lạ chăng?

Ðức vua Ba Tư Nặc đáp: Trẫm trông thấy ánh sáng chiếu sáng ngời r?c rỡ như là phát hỏa trong kho khí giới của Hoàng gia, không biết lành dữ thế nào, xin Quân sư cho trẫm biết.

- Tâu Ðại vương, xin Ðại vương đừng lo chuyện ấy là do nơi việc gia đình của hạ thần. Vì con của hạ thần sanh vào nhằm vì sao tướng cướp, nhưng không phải là cướp ngai vàng, nhưng là một tên cướp sát nhơn hung ác phi thường nó sẽ giết người không gớm tay. Xin Hoàng thượng xuống lịnh xử tử đứa bé ấy từ bây giờ, để trừ hậu hoạn.

- Quân sư, trẫm không thể làm chuyện vô nhân đạo như thế được, vì hiện nay đứa bé ấy là đứa trẻ vô tội. Vậy xin Quân sư hãy lo nuôi dưỡng và trông nom chỉ dạy mong rằng: Ngày sau không làm những điều như đã có điềm báo trước.

Quân sư lạy tạ lòng từ bi và công bằng của đức vua ra về và đặt tên đứa bé ấy là AHIMSAKA có nghĩa là không làm hại kẻ khác. (Tàu dịch là Vô Não). Từ đây tôi xin dùng tiếng Vô Não chỉ tướng cướp để tiện quí vị dễ nhớ và dễ nói.

Cha mẹ ông Vô Não hết lòng lo dạy dỗ con, ngừa không cho con làm việc ác, và luôn luôn nhắc con nhớ tên VÔ NÃO có ý là không làm cho kẻ khác khổ não. Ông Vô Não là người con chí hiếu thương yêu kính trọng cha mẹ, và nhứt là rất thông minh lại có một sức mạnh phi thường. Ðến lớn học văn chương xong; cha mẹ ông cho đi học võ với một vị giáo sư có tên tuổi nhứt trong thời kỳ ấy tên là Disàpàmokkha ở xứ Takkàsìlà .

Khi vào trường học, ông Vô Não là người học trò rất tốt, hạnh kiểm đoan trang, tính tình nhu hòa, học ít biết nhiều thông minh nhứt, mà vị giáo sư ấy chưa từng thấy có một người học trò như thế nầy bao giờ. Sức mạnh hơn người, tài chạy của ông chiến mã hay nhứt trong thời kỳ ấy không qua ông được. Vì tài giỏi hạnh kiểm tốt, nến thầy thương yêu giao trách nhiệm dạy lại những học trò mới nhập môn và trông nom các bạn.

 

Những bạn học trước hay đồng niên đều phải nghe lời ông chỉ bảo, rất được lòng thầy, nhưng không được lòng bạn mặc dầu ông là ngưới rất tốt, vì lẽ tánh đố kỵ của bọn học trò cũ và mới. Những người ấy liền hội nhau lại tìm phương thế làm sao hại ông Vô Não. Nhưng vì ông là người rất hoàn toàn tốt nên không tìm thấy lỗi của ông dầu rất nhỏ. Ðến cùng chỉ còn phương thế là phao du cho ông thôi. Khi ấy bọn học trò chia ra làm ba nhóm, mỗi nhóm vào hầu thầy phải tìm cho ra chuyện dối thầy cách nào cũng được, miễn là thầy ghét bỏ ông Vô Não là được. Bọn ấy cứ nói mãi nhưng thầy không tin bằng thật. Ngài kia bọn chúng mới nói: Vô Não có tài cao, thường nói rằng hơn cả thầy, ngày nào đây sẽ chiếm lấy địa vị là vị giáo sư Disàpàmokkha của thầy.

Vì nhiều người nói một việc và nói đã nhiều lần, ông thầy thấy đáng nghi và tin như vậy. Ông cũng muốn giết ông Vô Não nhưng không biết giết bằng cách nào, vì nếu giết bằng cách nào cũng sợ người đời biết dị nghị ông sẽ mang tiếng giết học trò. Ông nghĩ ra được một chuyện là nhờ tay kẻ khác giết là yên. Ông liền cho gọi Vô Não vào và bảo rằng: Tài học của ông thật giỏi nhưng muốn thành tài thì phải giết được nhiều người khi ấy làm phép xong tài ấy mới hoàn toàn, kết quả mỹ mãn. Thâm tâm ông thầy nghĩ Vô Não giết nhiều người có ngày bị người ta giết, không vậy cũng mắc tội sát sanh đức vua cũng không tha.

Ông Vô Não sanh vào dòng Bà la môn là dòng tu hành và hành phạm hạnh cao quí cử sát sanh, không hề làm khổ kẻ khác. Khi ông nghe thầy dạy như vậy, ông thấy sai với phong tục và phạm hạnh của gia đình ông, nhất là cha mẹ thường dạy không nên làm tội lỗi. Nhưng vì sự khuyên nhủ của thầy và cũng muốn trở nên người giỏi nhứt trên đời nầy nên ông liền thi hành theo.

Ông chuẩn bị gọn gàng, nào là mang tên đeo cung kiếm vào rừng đón giết người qua lại. Mặc dầu ông giết người nhưng thâm tâm ông không nghĩ gì thù oán mà giết hay giận hờn mà giết, thật là giết không có một ý định chính xác, cái ý ông là muốn luyện phép mầu cho mau thành tài thôi. Khi ông đã giết nhiều người rồi nhưng không nhớ là bao nhiều để về trình lại với thầy hầu là cho xong phép. Nên ông bắt đầu giết người nào cắt một ngón tay xỏ lại đeo vào cổ để không thất lạc lại dễ nhớ. Vì lẽ ấy mà ông được tên là Angulimàla, nghĩa là người đeo xâu chuỗi bằng lóng tay người.

Kể từ ngày bắt đầu giết người thì không ai dám vào rừng đốn hoặc lượm củi khô, người muốn đi ngang qua rừng ấy, phải đợi nhau lại cùng mấy mươi người mới dám, nhưng nếu gặp ông Vô Não thì bao nhiêu người cũng không khỏi tay ông cả. Người ở gần đấy cũng bị ông giết hại không thể ở được, đem gia đình đi ở nơi khác hay về thành ở. Khi đến thành mới hội nhau bàn về tên tướng cướp sát nhơn hung tàn ấy. Việc làm ác ôn ấy thấu đến tai đức vua Ba Tư Nặc, Ngài nhứt định phải dẹp yên. Ngài liền truyền đem tứ đội hùng binh vây khu rừng ấy bắt hay là giết cho được tên tướng cướp hung ác ấy.

Vị Quân sư nghe tin ấy ông biết chắc rằng con ông, và ông cũng biết rằng: Ðức vua sắp đem binh trừ tên tướng cướp ấy. Ông liền về nhà cho bà hay chuyện ấy. Bà yêu cầu van xin ông hãy đi đem con về. Ông bảo ông không thể làm vậy được. Lòng mẹ thương con to rộng không chi sánh bằng hay đo lường được, mặc dầu đường xa và đã già nhưng bà không quản bao cực nhọc, lập tức ra đi tìm con để báo tin không lành và bảo con phải về hay trốn nhà vua.

Ðồng thời bà mẹ đi tìm ông Vô Não thì đức Thế Tôn cũng dùng Tuệ giác coi chúng sanh nào có duyên lành với Ngài trong ngày ấy. Ngài trông thấy ông Vô Não có duyên với Ngài. Nếu Ngài không kịp thời tế độ thì ông sẽ giết mẹ vì ông đã trở nên người cuồng loạn không nhận định biết mẹ cha. Khi ông đã phạm vào tội Ngũ nghịch đại tội thì không ai cứu được.

Ðức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành khất thực, sau khi thọ thực xong Ngài đi thẳng vào nơi ông Vô Não ở. Trong khi ấy ông Vô Não đã mất hết lương tri vì ông ăn đồ sống giết hại nhiều người, trong tâm ông không còn biết gì hơn là giết. Ông ngồi đếm lóng tay người như nggười đếm hạt kim cương. Ông đếm được chín trăm chín mươi chín ngón tay, chỉ còn một ngón nữa là đủ một ngàn đặng đem về cho thầy làm phép. Ông nóng lòng muốn tìm người để giết thì ông lại trông thấy một bà già và một vị Sa môn. Ông liền nghĩ: Trong hai người nầy ta giết người nào? Ông nghĩ nên giết ông Sa môn. Nhờ vậy mà bà mẹ ông khỏi chết. Ông liền xách gươm rượt theo vị Sa môn tức là đức Thế Tôn.

Ông Vô Não là người có tài chạy hay hơn chiến mã. Nhưng khi ông rượt Phật ông vận dụng hết tài của ông mà cũng không đuổi theo kịp Phật, trái lại đức Thế Tôn vẫn ung dung đi một cách nhàn nhã không hề thấy có thái độ lo lắng hay kinh sợ hoặc hấp tấp. Ông cố hết sức rượt theo Phật cả ba do tuần (mỗi do tuần là mười sáu cây số ngàn) mà vẫn không bắt kịp. Ông lấy làm tức giận gọi to lên rằng: Nầy ông Sa môn kia! Hãy dừng lại.

Ðức Thế Tôn đáp: Angulimàla ! Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi, chỉ có ngươi chưa ngừng lại thôi. Tuy nói vậy nhưng đức Thế Tôn vẫn ung dung bước đi từng bước một như người dạo mát.

Ông Vô Não nghe đức Phật nói vậy lấy làm trái tai mới hỏi: Ông Sa môn! Ông nói dối, ông vẫn đi mà bảo là đã ngừng.

Ðức Thế Tôn đáp: Như Lai đã ngừng sự làm tội lỗi là nhân đưa sự đau khổ trong luân hồi từ lâu rồi, chỉ có ngươi không dừng sự sát hại nhân loại. Nếu ngươi còn cố làm những tội ác như vậy nữa thì ngươi sẽ bị luân hồi trong biển khổ nầy không biết thời gian là hạn định phải bao lâu, luân hồi ấy không bao giờ ngừng nghỉ hay dừng lại.

Khi ông nghe lời Phật dạy cảm thấy như người vừa tỉnh lại trong cơn ác mộng, tâm ông trở nên sáng suốt và yên tĩnh nhớ lại được mọi sự việc từ khi còn trong gia đình phạm hạnh thanh cao cho tới khi đi học, và cha mẹ thường nhắc nhở cái tên Vô Não nghĩa là người không gây sự khổ não cho ai cả. Ông liền nghĩ cha mẹ ta đặt ta tên Vô Não thâm tâm hai người nhắc ta không nên làm tội ác. Hơn nữa, trong đời nầy có pháp mầu nào phải dùng tới sanh mạng con người để được kết quả cao thượng. Khi ấy ông cảm thấy ông đã đi lạc đường, con đường đi của ông là tà đạo. Ông lấy làm hổ thẹn cởi bỏ xâu chuỗi kỳ quái ấy và đao kiếm cung tên, liền đến gần Phật đảnh lễ Ngài xong xin Ngài cho phép xuất gia.

Ðức Thế Tôn liền cho phép ông xuất gia theo thể thức EHI-BHIKKHU nghĩa là ngươi hãy trở thành vị Tỳ khưu. Tức nhiên thành vị Tỳ khưu có đủ y bát. Ðức Thế Tôn dẫn ông trở vào thành Thất La Phiệt.

Sáng ngày, đức Thế Tôn ngự vào thành khất thực với chư Tỳ khưu. Trong số Tỳ khưu có một vị mới xuất gia là ông Vô Não. Dân chúng thấy ông lấy làm kinh sợ bỏ chạy thật là một cảnh náo loạn họ bảo nhau rằng: Angulimàla giả dạng làm Tỳ khưu để vào thành giết người, cũng có người nói: Angulimàla giả làm Tỳ khưu để tránh sự truy nã của đức vua v.v... Trong ngày ấy ông Vô Não không có được một hột cơm, ông chịu cảnh đói ấy ít lâu vì nơi nào mà ông đến thì người người đều kinh sợ trốn hết, không vậy cũng vào nhà đóng kín cửa không dám ra.

Ngày nọ có một người phụ nữ có thai gần ngày sanh, khi trông thấy ông Vô Não kinh sợ chạy trốn, cô ta chun hàng rào cho mau, nhưng vì bụng lớn quá chun không lọt, trái lại còn kẹt ở hàng rào không làm sao ra được, mà trong lúc ấy thai nhi lại động mà cũng không sanh được. Quyến thuộc của cô không biết làm sao mới bàn với nhau. Có một người thanh niên lạ mặt bảo: Theo tôi thì mời Ngài Ðại Ðức ấy đến và Ngài phát nguyện sự tu hành chân chánh của Ngài và cầu chúc cho cô thì cô ấy sẽ sanh được. Vì cùng quá không biết làm sao, quyến thuộc cô ta làm theo lời của người thanh niên ấy. Ðem gai lại rào quanh chỗ cô ấy và đến thỉnh cầu ông Vô Não. Ông liền đến bạch hỏi Phật coi phải xử trí thế nào. Ðức Thế Tôn dạy ông phát nguyện Ba La Mật.

 

Ông liền đến nơi ấy đứng bên ngoài hàng rào gai phát nguyện rằng:

- Yato ham bhaginì ariyaya jatiyajato nabhijanami sancicca pànam voropeta tena saccena sotthi te hotu sotthi gambhassa.

Nghĩa: Nầy cô em gái, kể từ khi ta sanh trong dòng Ariya, ta không làm chủ nhân được ta nên đã sát sanh. Do nơi lời nói chân thật nầy xin cho sự an lành có đến nàng và thai bào của nàng.

Dứt lời nguyện, cô ấy sanh được dễ dàng, cả mẹ lẫn con bình an. Kể từ ngày ấy đi người mới tin tưởng nơi ông và biết chắc rằng: Ông là người từ bỏ điều ác. Nhứt là tính oai đức của ông nên đến đổi chỗ ngồi của ông cũng có giá trị. Người thường rửa lấy chỗ ngồi của ông tắm cho những đứa trẻ sơ sanh, thú không sanh được lấy nước ấy cho uống sanh được liền.

Những ngày khổ cực của ông đã qua, dân chúng hết sợ và cúng dường cho ông đầy đủ như những vị khác. Ông lo hành đạo không hề giải đãi, nhưng không thể làm cho tâm được yên tỉnh vì những cảnh sát hại người khi xưa hằng đến với ông khi ông tham thiền.

Ngày nọ, ông tham thiền trong rừng, nơi mà ông thường đuổi giết người, khi ấy ông nghe tiếng những oan hồn đến đòi mạng, ông lấy làm kinh sợ. Ðồng thời đức Thế Tôn hiểu rõ tâm trạng của ông bằng Tuệ giác của Ngài. Ngài liền ngự đến nơi ấy dạy ông Vô Não hãy dứt bỏ câu chuyện quá khứ; và cố giữ tâm cho an tịnh trong đề mục thiền định và nên hồi hướng phước báu đã tạo ra từ vô số kiếp đến những người bị giết xin giải oan trái oán thù.

Ông vâng lời hành theo và không bao lâu đắc A-la-hán quả cả Tam Minh. Từ ấy Ngài là một trong tám mươi vị đại đệ tử Phật. Ðức vua Ba Tư Nặc hay tin ấy liền vào hầu Phật lễ bái xong, Ngài mới bạch hỏi Phật qua câu chuyện của Ngài Vô Não, khi biết rằng: Ngài đã xuất gia theo chánh pháp trở nên vị đại đệ tử nên đức vua lấy làm trong sạch, ca tụng công đức Phật bảo rằng: Chỉ có đấng Giác Ngộ mới thu phục được những người hung ác bạo tàn và chỉ có Phật mới hy sinh không nài khổ cực cứu độ chúng sanh. Người như Ngài Vô Não không hề kinh sợ quan quân mà lại qui phục đức Từ Bi thật là chuyện hy hữu vậy.

 

THẮNG NÀNG CINCÀ

KATVÀNA KATTHAMUDARAM IVA GABBHINÌYÀ
CINCÀYA DUTTHAVACANAM JANAKÀYAMAJJHE
SANTENASONAVIDHINAJITAVÀ MUNINDO
TANTEJASÀ BHAVATU TE JAYAMAÍGALÀNI.

Nghĩa: Ðức Phật đã khử trừ lời dữ của nàng CINCÀ (Chinh Cha), nàng dùng cây tròn giống dạng đứa bé trong thai; giả làm phụ nữ mang thai. Nhờ dùng phép Chánh định mà đức Chánh Biến Tri cả thắng nàng giữa chốn đông người. Do nhờ Phật lực nầy, xin cho hạnh phúc phát sanh đến người.

CHUYỆN TÍCH

 

Sau khi đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, đức Thế Tôn hằng đi truyền đạo khắp mọi nơi nên Phật giáo thạnh hành rất mau chóng, những người tà kiến ngoại đạo đều hồi đầu hướng thiện, vì vậy nên lợi lộc của những ông Tổ sư ngoại đạo bị giảm đi rất nhiều.

Những ông Tổ sư ấy mới hội nhau lại để bàn tính phương pháp nào làm giảm uy tín của Phật giáo. Khi ấy có một người có ý kiến phải làm như thế nầy thế nầy mới làm giảm uy tín của ông Sa môn Cồ Ðàm. Khi đồng cùng nhau thực hành theo kế ấy. Các ông liền đưa đại diện đến nhà cô CINCÀ (xin đọc là CHINH CHA) yêu cầu cô thực hành theo kế ấy. Sau khi hoàn thành cô sẽ được nhiều ân huệ, cô nhận lời thi hành kế ấy.

Thật cô Cincà không hổ là người khôn ngoan xảo trá. Kể từ ngày cô lãnh nhiệm vụ cô trang điểm thật đẹp và đợi khi nào tín đồ vào chùa nghe pháp buổi chiều cô cũng đi vào chùa. Có người biết cô là kẻ ngoại đạo nên hỏi cô đi đâu.

Cô đáp: Tôi vào hầu ông Sa môn Cồ Ðàm.

Cô vào chùa cửa trước khi cô đợi coi người không để ý đến cô, cô liền lén ra cửa khác mà về ngủ ở chùa bọn ngoại đạo gần bên ấy. Ðến sáng ngày, cô đợi cho khi tín đồ vào chùa lễ Phật cô lại trong chùa đi ra.

Có nhiều người thấy vậy lấy làm lạ mới hỏi cô rằng: Cô đi đâu về sớm vậy?

- Tôi ở Kỳ Viên tịnh xá về.

Ðộ chừng đôi ba tháng sau có người hỏi cô đi đâu về sớm. Cô liền nói: Ta ở chung một tư thất với ông Sa môn Cồ Ðàm trong Kỳ Viên tịnh xá về đây.

Chuyện nầy làm cho nhiều người còn phàm sanh lòng phân vân tự hỏi: Chuyện nầy làm sao vầy? Thật cô nầy ở chung một tư thất với Phật chăng? Ðến độ chừng bốn hay năm tháng sau cô liền độn bụng hơi lớn lên như người có thai bốn hay năm tháng, làm cho người để ý đến cô càng ngày càng nhiều.

Ðến tám hay chín tháng cô liền dùng khúc cây tròn giống hình thai thật độn bụng ra lấy vải quấn bụng thật kỹ, dùng cây tròn đập trên lưng bàn tay và bàn chân cho hơi sưng lên làm cho ra vẻ người đã mang thai gần ngày sanh.

 

Buổi chiều nọ, trong khi đức Thế Tôn đang thuyết pháp giữa hàng đại chúng, cô Cincà liền đến nơi ấy đứng trước mặt đức Thế Tôn chỉ mặt Ngài mà nói: Nầy ông Sa môn Cồ Ðàm, tiếng ông thanh tao nghe thật hay, răng ông đều đặn trắng trẻo đẹp, lời nói văn hoa nghe rất bùi tai. Nhưng trái lại thân tôi cũng vì ông mà ra nông nỗi nầy. Hiện nay cái bào thai do, ông là tác giả đã đến ngày rồi, ông không biết sao? Tại sao ông không tìm nhà nào để cho tôi tạm bợ ở đậu để sanh, ông không biết lo những vật như than, củi v.v... cho người sắp sanh như tôi dùng chăng? Nếu ông không tự làm lấy được thì ông cũng nên bảo tín đồ trung thành với ông như là Visàkha hay đức vua Ba Tư Nặc lo cho tôi. Nói xong bà liền mắng chửi Phật đủ điều nào là người đểu giả v.v... không hề nể nang giữa hàng tín đồ.

Ðức Thế Tôn ngồi yên không nói nửa lời với cô. Ngài điềm nhiên thuyết pháp khi thuyết xong Ngài mới nói rằng:

- Nầy cô Cincà chuyện nầy chỉ có Như Lai và ngươi biết mà thôi.

- Nầy ông Sa môn, sự thật là vậy.

Trong khi ấy, ngai vàng của Thiên Vương Ðế Thích trở nên nóng như sắp bị chảy ra, hay như ngồi trên hỏa diệm sơn. Ðức Ðế Thích lấy làm lạ và rất kinh sợ, nên Ngài dùng thần thông xem coi vì nguyên nhân nào? Ngài thấy do nơi cô Cincà phao vu đức Ðại Giác. Ngài nghĩ: Thế ra vì cô nầy, thôi để ta giải quyết cho êm, và làm cho rõ sự trong sạch của đức Thế Tôn.

Ngài truyền gọi bốn vị chư Thiên đến dạy rằng:

- Các người hãy hóa ra bốn con chuột con vào cắn dây cột bụng của cô Cincà làm cho khúc cây rơi xuống trên lưng bàn chân của cô ta.

Bốn vị vâng lời thi hành theo sứ mạng. Khi khúc cây rớt xuống đúng ngay vào hai bàn chân cô, và hai bàn chân ấy bị đứt tiện như người dùng dao bén chém đứt vậy.

 

Những tín đồ còn phàm có mặt nơi ấy lấy làm tức giận bảo: Con khốn kia, ngươi đến đây để phao vu cho đức Ðại Từ Bi bằng những lời đê tiện như vầy chăng? Nói xong kẻ phun nước miếng vào mặt, người khạc nhổ những vật không sạch vào mặt cô, có người vì tức giận quá không chịu được lấy đá gạch liệng vào người cô, có người kéo cô ra khỏi Kỳ Viên tịnh xá. Thương hại cô khi vừa ra khuất mắt đức Thế Tôn cô liền bị đất sụp chết. Cô bị đọa vào A tỳ địa ngục.

Ngày hôm sau, chư Tỳ khưu hội nơi thuyết pháp bàn về vấn đề cô Cincà rằng: Cô Cincà dám vu oan cho bậc Ðại Giác Ðại Từ Bi như đức Thế Tôn là đấng đáng thọ lãnh cúng dường của chư Thiên, Phạm Thiên và nhân loại thật là chuyện phi thường vậy.

Ðức Thế Tôn cũng vừa đến và hỏi câu chuyện gì? Chư Tăng bạch Phật những chuyện đã nói.

Ðức Thế Tôn dạy:

- Nầy các thầy Tỳ khưu, chẳng phải cô Cincà mới phao vu cho ta trong kiếp nầy, mà cũng đã từng phao vu cho ta nhiều lần trong kiếp quá khứ.

 

Chư Tỳ khưu liền thỉnh cầu đức Thế Tôn thuyết Túc Sanh Truyện.

Ðức Thế Tôn dạy: Lúc quá khứ cô Cincà được sanh làm Thứ hậu xứ Bàrànasì , còn mẹ của đức Bồ Tát là Hoàng hậu. Khi ấy đức Bồ Tát đã lớn lại là một thanh niên anh tuấn. Bà Thứ phi thấy Thái tử đẹp nên rất yêu, nên phát tà tâm, nên tìm trăm mưu ngàn kế để đuợc gặp Thái tử. Ngày gặp được Thái tử bà liền dùng lời yêu đương khuyến dụ Ngài. Nhưng không làm sao rung động lòng son sắt của Thái tử, nên bà oán ghét. Bà liền giả vờ bịnh, đức vua mới hạ lời phán hỏi: Tại sao bà cứ nằm hoài không vui như trước.

Bà liền tâu: Tâu Ðại vương vui làm sao được mà vui. Thần thiếp đã bị Ðông cung Thái tử cưỡng bách phá hại đời thần thiếp. Thần thiếp không bằng lòng bị Ðông cung đánh đập thân thể ra nông nỗi nầy.

Vì nhẹ lòng tin nơi bà Thứ phi trẻ đẹp. Ðức vua liền hạ lệnh đem Thái tử xô xuống hố sâu, nơi để xô những tử tội.

Nơi hố ấy có vị Thọ thần nghĩ rằng: Vị Thái tử nầy là một vị đại Bồ Tát ta không thể để Ngài chết một cách thê thảm như thế nầy được. Ông liền đỡ lấy đức đại Bồ Tát đưa đến ở với Long vương. Thái tử ở Long cung được một năm, lòng Ngài không thích nơi lầu vàng điện ngọc nên muốn về ở nơi rừng Tuyết Lãnh xuất gia làm đạo sĩ. Long vương liền đưa Ngài về. Sau khi xuất gia Ngài trì chí tu hành đắc được Tứ thiền và có thần thông.

Ngày nọ, có một người thợ săn đi sâu vào rừng Tuyết Lãnh gặp đức Bồ Tát và nhớ rõ rằng: Ðây là Ðông cung Thái tử. Khi về đến kinh thành vào chầu và tâu cho đức vua biết Thái tử vẫn còn sống và đang xuất gia tu hành nơi rừng Tuyết Lãnh. Sau ngày hạ lịnh xô con xuống núi đức vua thấy ăn năn hối hận và nghĩ rằng chắc con ta là người đức hạnh không ai bì, bao giờ lại làm tội ghê tởm như thế.

Khi nghe tin con Ngài liền truyền cho sắm sẵn mọi việc nhứt là xa giá trang nghiêm để đi nghinh đón Thái tử về thành. Chính Ngài ngự đi đến nơi tư thất của Thái tử. Khi đến nơi đức vua hỏi qua chuyện cũ. Ðức Bồ Tát trình bày rõ mọi việc. Ðức vua lấy làm thương con bị hàm oan. Ngài yêu cầu Thái tử trở về triều thay Ngài trị vì thiên hạ. Ðức Bồ Tát từ chối và dạy đức vua khi về nên thực hành theo mười pháp của một vị minh quân, không nên thiên vị.

Ðức vua vâng lời xa giá ra về. Khi về nửa đường đức vua mới hỏi vì cớ nào con ta lại xuất gia?

Các quan tâu vì lẽ bà Thứ hậu bất chánh. Ðức vua truyền đem bà xô xuống hồ xô Thái tử khi xưa.

Ðức Thế Tôn thuyết xong Ngài liền dạy rằng: Thái tử khi xưa chính là Như Lai hiện tại vậy. Còn bà Thứ hậu ấy chính là cô Cincà. Ðức vua khi ấy là Ananda hiện tại.

Ðức Thế Tôn dạy tiếp: Nầy các thầy Tỳ khưu, người mà không có sự thành thật nói dối vì lòng xấu xa mờ tối bị si mê; người ấy chắc chắn sanh vào địa ngục, con đường tiến hóa là Người, Trời và Niết bàn bị đóng chặt. Khi mãn hạn nơi địa ngụ sanh lại kiếp sau, sau vì quả ác nghiệp nên hằng gặp những tai nạn như bị vu khống v.v... do nơi tội đã tạo.

Sau khi dứt thời pháp có nhiều vị giác ngộ.

Ðức Thế Tôn thắng cô Chinh Cha do nơi pháp Chánh định của Ngài.


Lời Tựa | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13a | 13b | 13c | 14 | 15 | 16

 


Cập nhật: 1-5-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang