- Lịch Sử Ðức
Phật Tổ Cồ Ðàm
- Maha Thongkham Medhivongs
THIÊN THỨ SÁU
ÐỘ BÀ GIA-DU ÐÀ-LA
-ooOoo-
Khi ấy bà Gia Du Ðà La nghe tiếng
dân chúng kêu gọi nhau ồn ào bà mới phán hỏi thị nữ rằng: Nầy các
con, vậy tiếng gì ồn ào náo động như thế.
- Tâu lịnh bà, đức Ðông cung
Thái tử Sĩ Ðạt Ta đã về đến thành Ca Tỳ La Vệ và đang đi khất thực,
nên dân chúng trông thấy lạ lùng như thế nên kêu gọi nhau đi xem Ngài.
Sự thật khi Ngài còn tại vì chỉ
được đức vua nhường ngôi cho, nhưng kỳ thật đức vua cầm cả quyền
hành phán đoán. Sở dĩ đức vua không trao quyền cho Thái tử vì Ngài sợ
Thái tử chạm với đời sẽ trông thấy bề trái của đời đầy đau khổ
mà xuất gia. Nên trong cung nội thường gọi là Thái tử.
Khi bà nghe Thái tử đi xin ăn thì
bà lấy làm lạ và không tin như vậy, bà nghĩ rằng: Chắc ta nghe lầm, bà
hỏi lại hai ba lần. Khi bà nghe rõ sự thật lấy làm đau lòng không bút mực
nào tả hết. Bà khóc và than rằng: Khi Thái tử còn tại vì ngự trị
thành nầy, Ngài ngự đi nơi nào đều ngự trên lưng Bạch tượng tiền hô
hậu ủng, rỏ ràng là oai vệ của một vị Ðại vương. Nay Ngàài cắt
tóc cạo râu, mình đắp cà sa bằng vải thô, tay bưng bát thì oai phong khi
xưa đã mất, mà hiện còn lại chăng là phong độ của con người hạ cấp
(chỉ bọn Chiên đà la) phải tự mình đi xin ăn từng nhà, thật là khổ
thân cho Ngài biết mấy. Hôm nay Ngài nghèo nàn đến độ không có một tấc
vải lành để che thân sao? Giờ đây thân hình Ngài còn đẹp đẽ như
xưa, là còn ba mươi hai tướng quí và tám mươi tướng phụ nữa chăng?
Hay đã ra sao rồi? Thật Già Du Ðà La là người phụ nữ bạc phước vô
phần xấu xa ti tiện lắm, không còn có chút phước lành như xưa nữa, nên
khiến cho chàng mất cả oai phong thuở nào mà trong khi ta còn trẻ đẹp
như thế nầy. Vậy không biết do nơi nghiệp chướng thế nào đã tạo từ
ngàn xưa khiến cho chàng không còn chút yêu thương mến tiếc ta. Ðời sống
của ta là một đời sống đau khổ hằng thầm nuốt lệ lòng để không
cho Phụ vương thấy khi Ngài tuổi đã về chiều. Vì đâu mà chàng không
có chút tình thương Gia Du Ðà La nầy. Ngàài dứt tình ra đi không hề đoái
hoài tới nỡ bỏ ta bơ vơ giữa hoàng cung to lớn tư bề vắng vẻ, chàng
không biết khi người vợ mà thiếu chồng là thiếu cả mọi việc mặc
dù là ta đang ở lầu vàng điện ngọc. Nếu chàng không thương hại Gia Du
Ðà La thì chàng cũng nên nghĩ thương cho Ra Hầu La là giọt máu của
chàng.
Khi bà than khóc ấy là đang khi bà
bới tóc chưa xong, nên một tay bà cầm tóc còn một tay bà nắm lấy tay
Thái tử Ra Hầu La lật đật chạy đến cửa sổ để xem mặt đức Thế
Tôn.
Bà trông thấy đức Thế Tôn huy
hoàng rực rỡ bao quanh bởi sáu màu hào quang trông thật là đẹp. Ngài vẫn
còn oai nghiêm hơn độ nào, với hằng hai muôn vị Thánh Tăng mình mặc cà
sa vàng nghiêm chỉnh từ từ theo sau Ngài, thật không còn cảnh huy hoàng
trang nghiêm nào hơn. Bà tự bảo rằng: Ta chưa từng trông thấy đức Thái
tử Sĩ Ðạt Ta có một oai nghiêm như vầy bao giờ; mặc dù khi Ngài còn tại
vì, trong những buổi lễ long trọng đã có quan quân lo sắp đặt trang nghiêm
tề chỉnh. Bà liền kéo Thái tử Ra Hầu La đến bên chỉ cho Thái tử Ra Hầu
La xem rồi bà ngâm lên tám (Tám câu kệ ấy gọi là Narasihagàthà) câu kệ
ca tụng đức Thế Tôn khi còn tại thế rằng:
Ðức Ðông cung Thái tử có mớ tóc thật mềm
như gòn rất mịn lại cuốn xoay về mé tay phải, tóc ấy thật đen và
Ngài có cái trán thật đẹp, trán ấy trông vào tròn đẹp như mặt nhựt,
mũi cao thẳng và vừa vặn đẹp như ngọc chuốt đặt vào, trông vào phưởng
phất như chiếu hào quang. Chân của Ngài đỏ như thoa son và có chỉ như bánh
xe và có hình một trăm lẻ tám loài thú rõ ràng và rất đẹp.
Ra Hầu La con ơi, người có tướng tốt đẹp
oai nghiêm như vị Thiên vương ấy là Phụ vương của con đó. Ngài là một
vị hoàng gia cao quí. Ngài có ba mươi hai tướng quí và tám mươi tướng
phụ trong tam giới nầy không ai có. Ngài đã ngự đến, Ngài là người
đem sự an vui hạnh phúc đến cho chúng sanh.
Hơn ấy nữa, màu da của Ngài sáng chiếu như
ánh trăng rằm ai ai trông thấy cũng ưa mến. Tướng đi của Ngài oai
nghiêm như sư tử ai trông thấy cũng nể vì. Tiếng nói đã thanh tao mà
còn diệu ngọt, lưỡi và môi của Ngài đỏ như thoa son. Răng của Ngài
màu trắng như màu sữa tươi và hàm trên hai chục cái hàm dưới hai chục
cái, Ngài sanh vào dòng hoàng tộc cao thượng khiến cho người ai ai cũng kính
nể mến thương. Ra Hầu La ơi; vị Sa môn đi giữa ấy chính là cha con vậy.
Khi bà bảo cho Thái tử Ra Hầu La
biết xong, bà lật đật chạy bộ đến nơi ngự của đức vua và cho đức
vua hay rằng: - Tâu Ðại vương, hiện giờ Thái tử đang đi xin ăn trong thành,
dân chúng reo la vang dội ấy.
Ðức vua nghe bà tâu như vậy Ngài
lấy làm đau khổ, tay ôm áo choàng, đầu chưa vấn khăn lật đật chạy
ra khỏi cung đến nơi đức Thế Tôn đang ngự đi khất thực và bạch với
đức Thế Tôn rằng: Bạch đức Thế Tôn, Ngài làm cho trẫm thẹn với
nhân dân. Tại sao Ngài đi khất thực? Có lẽ Ngài nghĩ rằng: Bây nhiêu vị
Tỳ khưu đây trẫm cúng dường không nổi chăng?
Ðức Thế Tôn đáp: Tâu Ðại vương;
sự khất thực đây là phận sự của Như Lai.
- Bạch đức Thế Tôn, có phải
chúng ta là dòng vua chăng? Ðã gọi là dòng vua chúa không ai đi xin ăn cả.
- Tâu Ðại vương, sự thật dòng
vua là dòng của Ðại vương. Còn Như Lai là dòng Phật. Tất cả chư Phật
đều nuôi sống mạng bằng cách xin ăn (Quí hóa thay lời vàng ngọc của
đức Từ Phụ, Ngài không phân giai cấp trong thời kỳ nặng về giai cấp).
Tất cả chư Phật trong lúc quá khứ cũng đều hành hạnh nầy, đó là
dòng Phật. Tâu Ðại vương khi Như Lai sanh ra tại vườn Lumbini có ba mươi
hai hiện tượng lạ vẫn còn rõ rệt trong tâm hồn của hoàng tộc, khi xuất
gia hành khổ hạnh dưới cội Bồ đề, trên bảo tọa thắng Ma vương lại
đắc được quả Vô thượng Chánh Ðẳng Chánh giác. Khi đắc được quả
tối cao ấy thì dòng hoàng đế không còn trong thân hình của Như Lai nữa,
vì Như Lai đã trở thành dòng khác là dòng Phật rồi.
Khi đang nói chuyện với đức vua là
đang ở giữa đường và nhân dịp ấy đức Thế Tôn mới thuyết câu kệ
rằng: UTTITTHE NAPPAMAYA... Nghĩa người không nên coi rẻ vật thực xin ăn, nên
hành theo thiện pháp hằng được hưởng sự an vui.
Dứt câu kệ đức vua đắc quả
Tu-đà-huờn. Ðức Thế Tôn mới thuyết câu thứ nhì rằng:
DHAMMACARESUCARANA... Nghĩa người nên hành theo thiện pháp cho trong sạch, nên
hành theo thiện pháp cho chân chính thì sẽ được an vui trong kiếp hiện tại
và ngày vị lai.
Khi ấy đức vua xin tiếp lấy bát
của đức Thế Tôn và thỉnh chư Tăng vào hoàng cung thọ thực. Trong khi đức
Thế Tôn thọ thực có đủ mọi người nào là Hoàng hậu Gotami nhưng vẫn
thiếu bà Gia Du Ðà La. Người trong cung cũng có cho bà hay rằng: Ðức Thế
Tôn thọ thực trong hoàng cung và mời bà đi nhưng bà bảo rằng: Các người
hãy đến đảnh lễ và hầu đức Phật đi, còn ta thì chừng nào Thái tử
đến cung của ta, ta mới tiếp.
Ðến ngày thứ nhì, đức Thế Tôn
ngự đi khất thực trong hoàng cung. Sau khi thọ thực xong Ngài thuyết pháp
cho bà Gotami nghe rằng: Người nào hành theo thiện pháp, không làm điều
ác người ấy vẫn được an vui trong đời nầy và trong kiếp vị lai. Sau
khi dứt câu kệ lịnh bà đắc quả Tu-đà-hườn, đức vua đắc Tư đà
hàm quả.
Ðến ngày thứ ba đức Thế Tôn cũng
ngự vào hoàng cung đức vua cũng cúng dường đến đức Thế Tôn và chư
Thánh Tăng.
Khi đức Thế Tôn đang thọ thực
đức Tịnh Phạn Vương mới bạch rằng: Bạch đức Thế Tôn, trong khi đức
Thế Tôn đang hành khổ hạnh có một vị chư Thiên đến hoàng cung ngự
trên không trung mà bảo trẫm rằng: Hoàng tử không thọ thực cả sáu năm
rồi, nên thân hình tiều tụy như hoa sen xanh khô mà người liệng vào đống
lửa, hiện giờ đã chết ở cuối con đường kinh hành. Khi trẫm nghe lời
của vị chư Thiên ấy, trẫm cảm thấy như người đem cây lao thật bén
nhọn đâm vào tim trẫm. Trẫm liền bảo vị chư Thiên ấy rằng: Trẫm
không bao giờ tin lời của ông, bao giờ Ðông cung Thái tử của trẫm chưa
đắc được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì chắc chắn không
bao giờ chết. Vị chư Thiên ấy còn cố thuyết phục trẫm rằng: Thái tử
chết thật rồi, vì Ngài quá khổ hạnh hơn tất cả những người bằng
xương bằng thịt nầy có thể hành được. Trẫm mới nghĩ rằng: Dầu cho
mặt trời lặn trong khi đang đứng bóng chăng nữa chắc chắn con ta cũng
không chết, nếu chưa đắc quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Ðức Thế Tôn dạy rằng: Tâu Ðại
vương; không phải chỉ trong kiếp nầy mà Ngài không tin vị chư Thiên ấy,
lúc quá khứ Như Lai còn là vị Bồ Tát, ông thầy của Như Lai là thầy
Disàpàmokkha muốn thử lòng Ðại vương đem xương dê đến bảo Ngài rằng:
Con của ông đã chết. Nhưng Ngài không tin lời ấy, và Ngài bảo rằng:
Không phải xương của con tôi chắc là xương dê. Vậy thì làm sao Ngài có
thể tin lời của vị chư Thiên ấy trong kiếp nầy được.
Sau khi dứt câu chuyện đức Tịnh
Phạn Vương đắc A na hàm quả. Kế tiếp là lời cầu chúc của đức Thế
Tôn sau khi cúng dường xong. Trong khi ấy có đủ mặt mọi người nhưng thiếu
bà Gia Du Ðà La. Ðức Thế Tôn mới phán hỏi: Sao hôm nay cũng không thấy
Công chúa Gia Du Ðà La? (Ðức Thế Tôn gọi Công chúa để tránh tiếng, nhưng
sự thật bà cũng là con gái vua Thiện Giác).
Bà Gotami liền dạy phi tần đi thỉnh
bà Gia Du Ðà La đến lễ Phật. Khi cô phi tần đi, bà liền bạch với Phật
rằng: Xin đức Thế Tôn mở lòng đại từ bi cứu độ dâu tôi. Vì dâu
tôi là một hiền phụ ít có trong cõi đời nầy, khi đức Phật Thế Tôn
đi xuất gia tới nay không ngày nào dâu tôi không than khóc vì thương nhớ
chồng.
Cô phi tần lãnh lịnh đến thỉnh
bà Gia Du Ðà La đến cung bà trong khi bà đang than khóc, bà mặt bộ cà sa
nhuộm dà (khi xưa người mặt đồ nhuộm dà có ráp lại từng mảnh gọi
là cà sa) lịnh bà thật đáng thương hại vì bà trông rất tiều tụy như
một nữ đạo sĩ đang hồi tu khổ hạnh. Bà là người có tiếng là đẹp
nhất trong bảy xứ dòng Thích Ca trong thời kỳ ấy, mà hôm nay không còn lại
được mấy điểm đẹp nào. Vì sự thương nhớ chồng và nguyện hành khổ
hạnh theo chồng để chia bớt hay tỏ lòng bao giờ cũng hy sinh vì chồng
cho chồng.
Khi ấy bà than khóc và kể lể đủ
điều nào là đức Thế Tôn đã về đến thành mà không một tiếng hỏi
thăm đến bà. Các cô phi tần không dám vào vì bà đang than khóc; phải đứng
đợi thật lâu. Ðến khi bà trông thấy cô phi tần đứng đó, bà không cần
biết các cô ấy đến làm gì bà liền gọi đến và than rằng: Nầy các
con ơi, ta lấy làm buồn rầu chán nản vì đức Thái tử đã được Giác
ngộ rồi mà không có chút từ bi, không hề hỏi đến Gia Du Ðà La một tiếng
nào, chắc Gia Du Ðà La là con người đê tiện xấu xa không xứng là người
hiền nội trợ, nên không đáng cho Ngài thương hại. Nếu không nghĩ
thương hại cho Gia Du Ðà La thì cũng nên nhớ đến tình máu thịt là Thái
tử Ra Hầu La. Thật đáng thương hại cho con ta là Ra Hầu La là đứa trẻ
vô phúc nhất trần gian mồ côi cha từ khi mới chào đời. Ta có lỗi gì
mà Ngài không hề đoái hoài đến; nỡ dứt bỏ ta như người nhổ miếng
nước bọt, Ngài xem ta như một cọng rác, một cành hoa không hương sắc mà
đã khô héo rồi, chắc vì vậy mà Ngài nỡ bỏ ta đi xuất gia; thật Ngài
không có chút từ ái thương hại đến Gia Du Ðà La nầy tí nào. Vậy ta
là kẻ có lỗi gì đây? Khi Ngài là người chồng đáng quí mến kính yêu
nhất đời ta, không có một hình bóng nào trong tâm ta ngoài ra Ngài, hình
bóng ấy ngự trị trong tâm hồn ta, mà Ngài nỡ ra đi. Kể từ giờ phút
Ngài bước chân ra khỏi cung đến hôm nay ta không hề có một tí an vui
nào, ta sống trong chuỗi ngày dẫy đầy đau khổ, lầu đài cung điện đối
với ta là bãi tha ma, mặt nhựt, mặt nguyệt đối với ta như những đêm
tối mịt, châu báu đối với ta không còn giá trị gì hết. Ta là người
quả phụ sống với những ngày đau khổ, đời sống của ta không có ý vị
gì ngoài ra sống để chịu khổ mà thôi, không có một ai kính nể ta như
khi Thái tử còn tại vị, ta là người đàn bà bất hạnh nhất. Ta ví như
chiếc long xa nhưng không có đức vua ngự, hoặc ví như xứ không vua, ta chỉ
là một con vật sống để người đời khinh bỉ. Vậy đời sống của Gia
Du Ðà La nầy có ích gì, sống để chịu khổ dày vò cấu xé tâm tư; sống
mà thiếu Thái tử bên ta là đời sống rỗng không, đời sống vô vị
thà là uống thuốc độc chết còn hơn, nếu không vậy treo cổ hay nhảy
vào lửa chết đi cho mát thân khỏe tâm hồn, chết đi còn hơn là sống với
những sự đau khổ vì nhớ thương chồng.
Khi bà nói dứt lời, các cô phi tần
nhân dịp ấy nên mới quì xuống bên bà và tâu rằng: Chúng con xin kính
trình lên lịnh bà lời Hoàng hậu Gotami truyền cho chúng con đến đây thỉnh
cầu và cho lịnh bà hay rằng: Hôm nay đức Ðại Giác đã ngự về và thọ
thực và đang ngự tại hoàng cung Ngài sẽ thuyết pháp để dục tắt lòng
ưu phiền của lịnh bà từ bấy lâu nay.
Khi bà nghe các cô phi tần nói vậy
càng than khóc nhiều hơn và bà hỏi rằng: Có phải các con vừa nói rằng:
Lịnh mẫu hoàng có lịnh bảo ta đến gặp mặt chồng ta phải chăng?
- Tâu lịnh bà phải.
- Nầy các con, ta là người đàn
bà xấu xa đê tiện, nhãn căn ta đã mù lòa, những gì là sự thật đã mất
hết rồi. Khi chồng ta chưa xuất gia thường hay ngự đến đây và ở đây
với ta cả ngày đêm, không cần phải có một cô phi tần nào đến báo
tin trước, hay là phải mời thỉnh Ngài mới ngự đến, tự Ngài thân
hành đến và ở chơi nơi đây thật là vui vẻ và đầm ấm. Lắm lúc ta
không kịp tiếp rước Ngài, thì Ngài rửa chân lấy, rồi tự ngự những
vật thực mà ta đã sắp sẵn hầu Ngài. Tại sao hôm nay lại gọi Gia Du
Ðà La đi hầu Ngài một nơi khác. Ngươi hãy đi tâu lại với Ngài những
lời của ta rằng: Gia Du Ðà La là người đê tiện, nên Ngài mới bỏ xuất
gia, nay về thăm phụ hoàng và mẫu hậu không ngự đến cung của Gia Du
Ðà La. Nếu sự ước muốn của ta không thành tựu mỹ mãn cũng bởi tại
số kiếp của ta trong kiếp quá khứ, nên khiến đời nầy phải chịu đựng
tất cả những thảm sầu đau khổ mà người phụ nữ nào cũng rất sợ,
sự khổ nầy ví như quả núi to đè trên quả tim bé nhỏ của ta. Thôi ta
đành chịu vậy, đó chẳng qua số mạng ta mà ra, ta cũng không oán trách
chi ai, ta cố rán chịu lấy một mình vì nó là duyên nghiệp chẳng lành của
ta, ta cố gắng ngăn không cho tâm nghĩ đến mọi sự việc, ta đã nuốt cạn
không biết bao nhiêu lệ lòng. Hôm nay là ngày cùng giờ tận của đời ta.
Tất cả những quyến thuộc ai cũng biết khổ của ta và đồng thông cảm
nỗi khổ lòng nầy mà thương hại ta. Nầy các con, các con hãy trở về
tâu với hoàng mẫu rằng: Gia Du Ðà La xin hết lòng thành kính làm lễ mẫu
hoàng, ta biết rằng: Chồng ta đã về đến thành Ca Tỳ La Vệ đã ba ngày
rồi, nhưng không chút lòng nào đoái tưởng đến Gia Du Ðà La. Ðến hôm
nay cũng chẳng hề quan tâm đến kẻ hèn mọn nầy. Khi mà Ngài ngự ra khỏi
hoàng cung thì cũng là lúc linh hồn của Gia Du Ðà La không còn trong thể
xác nầy. Ta đã cố sống để gặp chồng ta bao nhiêu năm nay rồi, chắc
chắn là ta sẽ bỏ cõi đời ô trọc nầy ngày hôm nay vậy. Kể từ khi ta
nghe chồng ta xuất gia sáu năm mới đắc quả vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác. Trong sáu năm ấy ta ở tại hoàng cung nhưng ta cũng khổ hạnh như chồng
ta. Ta bỏ cả cân đai châu ngọc gấm vóc lụa là, mặc vải bô, dẹp cả
những gì xa hoa tráng lệ, không biết trang điểm là gì, không hề liếc
qua bọn ca nhạc múa hát, nhịn ăn bớt ngủ; ý ta là muốn tỏ ra lòng chia
sớt sự khổ hạnh của chồng ta; mà cũng là lo góp sức bồi đắp ngôi vị
Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu chồng ta không đến cung ta hôm
nay, thì ta không còn sống trong cõi đời nầy nữa, ta xin vĩnh biệt các người.
Các con hãy về và kể hết những gì mà ta đã kể lể cho các con nghe đây.
Khi các cô ấy về thuật lại những
lời kể lể của bà Gia Du Ðà La cho Hoàng hậu Gotami nghe trước mặt đức
Thế Tôn.
Khi đức Tịnh Phạn Vương nghe lời
thuật lại của các phi tần; đức vua mới thuật lại những đức hạnh
cao cả của dâu Ngài nào là khi nghe đức Thế Tôn xuất gia bà cũng bỏ cả
việc điểm trang, nhịn ăn, không nằm nơi sang đẹp, không bao giờ xem ca
hát dự hội họp nào cả, nhứt là không ngày nào bà không than khóc, mặt
dầu buồn khổ như vậy nhưng không có một lời trách móc Ngài, hoặc tỏ
ra lòng hờn giận nhắc tới chuyện gì, bà tự trách là không đủ đức hạnh
tài sắc để cột chân chồng mà thôi. Khi kể lể dài dòng xong đức vua mới
bạch Phật rằng: Bạch Ðức Thế Tôn, Ngài là đấng chiến thắng Ngũ ma,
là đấng đại Từ Bi, xin Ngài hoan hỉ ngự đến cung dâu quí đáng thương
hại của trẫm là Gia Du Ðà La, dâu trẫm chịu nhiều khổ sở vì thương
nhớ chồng từ bao năm, chắc chắn sẽ ngự đến cung để vấn an. Nếu vì
buồn giận mà dâu trẫm tự sát thì cháu nội yêu quí của trẫm chắc cũng
chẳng còn. Nếu cháu nội của trẫm mà chết thì trẫm không thể nào sống
được, vì lòng thương nhớ con cháu. Cầu xin đức Thế Tôn từ bi cứu độ
dâu trẫm.
Ðức Phật phán: Ðại vương phán
rất phải. Nếu hôm nay mà không ngự đến cung của Gia Du Ðà La thì nàng
sẽ vì bực tức tủi hổ mà chết. Hơn nữa thân mẫu của Ra Hầu La rất
có nhiều ân đức với Như Lai kể từ trăm ngàn kiếp trước đến kiếp
hiện tại nầy, kiếp nào Như Lai hành hạnh đại thí là bố thí vợ, con,
những người hiền nội trợ trong kiếp ấy là Gia Du Ðà La cả, Gia Du Ðà
La đối với ta có một niềm thương yêu vô cùng tận, đối với ngôi vị
Chánh đẳng Chánh giác lại càng có một tấm lòng thành kính và sạch
trong, vì vậy nên nàng sẵn lòng hy sinh đời mình để ta bố thí, để làm
một viên đá lót đường cho ta đi tìm quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh
giác. Mặc dầu ta đem nàng ra bố thí như một món vật, nhưng không bao giờ
nàng biết buồn phiền than trách hay oán hận ta bao giờ, kể từ ngày ta
hành Ba la mật đến bờ cao thượng đến thành đạo; Gia Du Ðà La đã
giúp ta không ít trên con đường giác ngộ như hôm nay. Thật là nàng rất
có công ơn riêng đối với cá nhân ta và cũng cho nhân loại nữa; thật
công đức ấy khó mà có vật chi sánh bằng được. Người mà hy sinh cho
ta đạt thành quả vị tối cao, để làm đường cho ta đi tìm đạo để tế
độ chúng sanh khỏi vòng luân hồi khổ, như vầy có chi sánh bằng. Nếu
Như Lai không tế độ nàng thì có ai tế độ nàng.
Ðức Tịnh Phạn Vương bạch Phật
rằng: Bạch hóa đức Thế Tôn, đây là dịp thuận tiện để đức Thế Tôn
ngự đến cung của dâu trẫm tế độ nàng khỏi phiền muộn. Nàng sẽ có
dịp trông thấy tôn nhan và đảnh lễ Ngài.
Phàm một vị đại Bồ Tát hay đức
Chánh giác trong tâm luôn luôn có lòng đại Từ bi không khi nào quên ơn của
người đã hằng trăm ngàn kiếp hy sinh bản thân mình làm vật bố thí
được, nhưng sở dĩ mà Ngài chưa ngự về độ bà Gia Du Ðà La là Ngài biết
rằng: Phải đợi có thời cơ thuận tiện, và điều quan trọng nhứt là
chưa đúng vào ngày mà bà Gia Du Ðà La đắc được Thánh quả, nên Ngài
không ngự về thôi. Ngài biết rằng: Lòng thương yêu kính mến chồng của
bà vô lượng, khi Ngài về đến thành ngự đến thăm hỏi liền thì làm
cho bà vui mừng nghĩ đến chồng hơn là một bực Chánh đẳng Chánh giác
vì vậy không thể đắc quả được. Khi Ngài không ngự về làm cho bà có
cảm tưởng là Ngài không còn nghĩ tới, vì vậy lòng thương mến giảm
đi thay vào lòng buồn, khi gặp lại Phật. Bà tỏ vẻ thương kính chăng nữa
cũng một phần ít thôi, và nhờ ấy lòng bà không còn mến tiếc trong vật
chất nhiều, bà sẽ nghe pháp và thành đạo được dễ dàng.
Khi ấy đức Thế Tôn đứng dậy
trao bát cho đức vua. Ngài dạy hai muôn vị Ðại Ðức ở lại nơi thọ thực,
Ngài ngự vào cung của bà Gia Du Ðà La với hai vị đại đệ tử. Ngài
phán với hai Ngài ấy rằng: Thân mẫu của Ra Hầu La là người có đặc
ân lớn đối với Như Lai. Nếu nàng có ôm lấy chân Như Lai than van khóc
lóc, hai vị chẳng nên cấm cản, hãy để cho nàng đổ cạn nỗi khổ lòng
và rót hết giọt lệ ưu sầu còn dư xót, nếu ta ngăn cản nàng thì làm
cho nàng uất ức hại nàng không thể thính pháp được. Nếu nàng chết
đi thì ta mất một dịp may để trả công ơn của nàng đã giúp ta nên quả
vị, trên ấy nữa Như Lai là đấng hoàn toàn giác ngộ không còn phiền
não thì không bao giờ rung động trước mọi sự việc trong vòng luân hồi
nữa.
Sau khi nói xong đức Thế Tôn dùng
thần thông làm sáu màu hào quang của Ngài càng chiếu sáng vào cung của
bà Gia Du Ðà La, để bà trông thấy hào quang ấy mà trong sạch với Phật
bảo phát tâm kính thành. Rồi Ngài cùng hai vị đại đệ tử ngự thẳng
vào cung và ngự trên bảo tọa mà luôn luôn bà chuẩn bị sẵn, như khi đức
Thế Tôn còn là Thái tử ấy là kỷ niệm của bà những nơi thường ngồi
của Thái tử, bà giữ như thuở nào.
Phi tần thấy đức Thế Tôn ngự
đến và đang ngự ngay trên bảo toạ, nên lật đật vào báo cho bà biết
rằng: Tâu lịnh bà, hiện giờ Hoàng tử đã ngự về cung và Ngài đang ngự
trên bảo tọa mà Ngài thường ngự ngày xưa.
Khi bà nghe phi tần cho như vậy, bà
cảm thấy tâm bà nhẹ hẳn, như người đã lấy vật nặng ra khỏi tim;
tâm hồn bà trở nên bình tỉnh và thơ thới, sự đau khổ mấy năm đã mất,
đền vào ấy một niềm hân hoan vô cùng tận, nước mắt của bà khô như
có người lau, bà lật đật chải tóc cho nghiêm chỉnh mặc cà sa vào. (Vì
từ ngày đức Thế Tôn xuất gia bà cũng bỏ cả the lụa cân đai mặc vải
nhuộm dà, khi xưa người mặc vải nhuộm dà gọi là mặc cà sa, vì màu nầy
là màu để cho người xuất gia, tiếng cà sa âm từ Phạn ngữ là Kàsàva
có nghĩa là vải nhuộm dà). Bà lật đật nắm lấy tay Thái tử Ra Hầu La
dẫn ra để đảnh lễ Phật, khi bà đến cửa phòng, thấy đức Thế Tôn
ngự trên bảo tọa mình mặc cà sa, bà không còn cầm lòng được, hai hàng
lệ tuôn rơi, lệ làm mờ cả bóng hình đức Thế Tôn, bà liền than rằng:
Lệ ơi, ngươi đã đổ nhiều rồi mà chưa cạn sao? Nay ngươi còn tuôn ra
làm gì làm lu mờ mất hình bóng của người chồng thân yêu của ta, làm
trở ngại không để ta trông thấy rõ ràng hình dạng của người mà ta đã
mất đi đến tám năm dài đăng đẳng, không biết nghiệp duyên gì mà hôm
nay gặp lại người, mà ngươi lại cũng tuôn ra che án mất hình bóng người.
Khi bà cố gắng hết sức mới ngăn
được đôi giòng lệ, bà liền quì xuống và bò ra từ phòng bà tới nơi
Phật đang ngự, cúi xuống đảnh lễ Ngài khóc và than rằng: Gia Du Ðà La
là người có tội nặng nề, là người phụ nữ đê tiện xấu xa, vì vậy
nên Thái tử dứt tình đoạn nghĩa đi xuất gia không hề mến thương, mà
cũng chẳng hề bảo cho Gia Du Ðà La biết rằng: đã phạm tội gì, Ngài cố
tình để bỏ Gia Du Ðà La cũng như người nhổ bỏ nước bọt không hề
tiếc mà còn gớm ghê nữa. Ngài bỏ ra đi giữa đêm trường tịch mịch
xuất gia tầm đạo. Nếu Gia Du Ðà La là người có tội thì cũng còn con
Ngài là Ra Hầu La mới sanh trong ngày ấy là đứa bé vô tội. Vậy Ra Hầu
La có tội tình gì mà Thái tử cũng nỡ đoạn tình phụ tử để cho Ra Hầu
La trở nên đứa bé đáng thương hại là mồ côi cha khi mới chào đời.
Khi Gia Du Ðà La còn là vị Công
chúa có thầy tướng số xem tướng và đoán rằng: Công chúa là người đại
phước đáng là vị Hoàng hậu của vua Chuyển Luân Thánh Vương. Nay rõ ra
lời đoán của nhóm thầy tướng số ấy đều sai, trái ngược lại nên
đoán như vầy mới đúng là: Gia Du Ðà La là vị Công chúa vô phước nhứt
trong các hạng phụ nữ, bà là người góa phụ khổ đau vì bị chồng bỏ
trong khi còn trẻ trung đời còn đầy nhựa sống.
Hơn nữa lịnh Mẫu hậu Gotami khi
thấy Thái tử ngự đi chơi về lịnh bà có ca tụng câu kệ rằng: Người
phụ nữ nào được làm vợ của Thái tử là người phụ nữ hữu phước
được dục tắt lửa phiền, lời nầy cũng sai nốt. Vì Gia Du Ðà La là người
chịu nhiều đau khổ nhứt trần gian.
Khi nói xong bà liền ôm chầm lấy
chân của đức Thế Tôn rồi xổ tóc ra chùi lấy những hạt bụi trên
chân Ngài.
Ðức Tịnh Phạn Vương nhân dịp
ấy ca tụng công đức của bà và bạch Phật rằng: Bạch đức Thế Tôn,
tất cả hàng phụ nữ trong tam giới nầy chỉ có dâu trẫm là người đáng
có tên là Hiền thục thê, là người phụ nữ biết thờ chồng trọn đạo.
Kể từ Ngài xuất gia hành khổ hạnh dâu trẫm cũng khổ hạnh bỏ cả mọi
vật gì gọi là xa xí vui chơi, trong bốn oai nghi đều thay đổi nghĩa là
không hề biết vui vẻ cười đùa như khi Ngài còn tại cung. Dâu trẫm
trông thấy nơi thường ngự của Ngài là khóc vì đó là ký ức xấu xa
trong đời của dâu trẫm. Nói tóm lại là khi nghe Ngài hành hạnh khổ thế
nào thì dâu trẫm cũng hành theo thế ấy. Trong khi ấy ai cũng nhận thấy rằng:
Dâu trẫm không phải vợ của một vị Thái tử hay một bà Công chúa mà cũng
vẫn còn kém hơn một phi tần một tỳ nữ trong cung, và ai ai cũng nhận thấy
dâu trẫm là một NỮ ÐẠO SĨ đang hành khổ hạnh. Thật là một phạm hạnh
đáng khen, đáng quí, một người phụ nữ trọn dạ thờ chồng, hy sinh cho
chồng, không còn có mùi phú quí hạnh phúc nào lai chuyển được tấm lòng
son sắt ấy.
Ðức Thế Tôn mới thuyết rằng:
Tâu Ðại vương, không phải chỉ có kiếp này mà Gia Du Ðà La kính thờ
và thủ tiết cùng hy sinh cho Như Lai như thế, mặc dầu khi xưa có kiếp
sanh làm cầm thú mà cũng vẫn một lòng son sắt hy sinh cho ta, vì ta không bị
lời cám dỗ miếng mồi phú quí mà bỏ ta. Chỉ cố yêu cầu nhà vua thả
ta.
Sau ấy đức Thế Tôn thuyết pháp
độ những người có mặt tại nơi ấy lịnh bà Gia Du Ðà La đắc Tu-đà-huờn
quả, và rất nhiều hoàng thân đắc được Dự lưu (Tu-đà-huờn).
Sau khi dứt thời pháp đức Thế Tôn
ngự về chùa Nigrodha
Lời Tựa | 1 | 2 | 3
| 4 | 5
| 6 | 7
| 8 | 9
| 10 | 11
| 12 | 13
| 14 | 15
| 16