- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
BẢNG VIẾT TẮT
C :
Trung A-hàm, bản chữ Hán.
NC : Nghiên cứu so sánh Trung A-hàm và Trung bộ kinh (xem Phụ Lục 5)
P : Trung bộ kinh, bản chữ Pàli.
S : chữ Phạn (Sanskrit).
Bảng viết tắt phần chú
thích:
A.M.R.H.
: "Đại thừa liên hệ với Tiểu thừa", N. Dutt.
C : Chữ Hán.
C.A.P.N. : "Bản so sánh kinh A-hàm chữ
Hán và Kinh bộ Pali", C. Akanuma.
CMA : Trung A-hàm chữ Hán.
C No 30,vi,18b,3-4 : Kinh chữ
Hán số 30, hộp Tsê số 6, trang 18b, dòng 3 và 4.
C.S. No : Nghiên cứu so sánh Số... (xem Phụ Lục 5)
D.P.P.N. : Tự điển tên riêng Pali.
E.M.B. : Phật giáo Nguyên thủy.
F.H.T.T.T. : Fu-hsueh-ta-tzu-tien (Phật học Đại từ điển).
H.I.L. : Lịch sử Văn học Ấn độ, quyển 2, Winternitz.
JRAS. : Bào Hội Hoàng-gia Á-châu.
M.A. : Sớ giải Trung-bộ-kinh (Hội kinh-điển Pali).
M.L.S. : Trung-bộ-kinh (tiếng Anh).
M.R.E.T. : Những bản thảo Phật giáo còn sót lại được tìm thấy
ở Đông Turkestan.
Ms. : Trung-a-hàm chữ Phạn.
Mv. : Đại-phẩm (ấn bản của Hội PTS)
P : Pàli
P.E.D. : Tự điển Pàli-Anh (Hội PTS).
PMN : Trung-bộ-kinh chữ Pàli.
P. No 2, (I, 89, 7-32) : Kinh Pàli số 2, quyển I, trang 89, dòng 7
tới dòng 32.
PTS : Hội kinh-điển Pàli.
Q.A. : Hỏi và Trả lời.
Rev. Fr. : Thưa hiền-giả.
Sarv. : Nhất-thiết hữu-bộ.
Sk. : chữ Phạn.
S.L. : Văn học Nhất-thiết hữu-bộ.
Ther. : Thượng-tọa-bộ.
ThigA. : Sớ giải Trưởng-lảo tăng-kệ. (Hội PTS).
T.M.N. : Trung-bộ-kinh Pàli (Hội PTS).
Tse : Hộp Tsê, Tục-tạng, ấn bản chữ Nhật.
Ven. : Thượng-tọa.
W.H.One : Thế-tôn.
-ooOoo-
TỰA
Những
người học Phật trên khắp thế giới phải cám ơn Tiến sĩ Thích Minh
Châu về tác phẩm công phu này. Công trình của Tiến sĩ là so sánh kinh
Trung bộ (Pàli Majjhima Nikàya) với Trung A-hàm (Madhyama Àgama), tạng
kinh thuộc Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàdins), hiện được duy trì
trong bản dịch chữ Hán. Bởi ít ai đề cập một cách chi tiết, tạng
kinh A-hàm (Àgama) hầu như bị niêm phong đối với phần đông học
giả quan tâm đến Phật giáo, vì họ thiếu kiến thức về chữ Hán. Tác
phẩm của Tiến sĩ Thích Minh Châu có nhiều khám phá đáng ngạc nhiên.
Ông đã chứng minh rằng bản kinh A-hàm (Àgama) bằng chữ Hán và bản
kinh bộ Pàli (Pàli Nikàya) này có rất nhiều điểm tương đồng và
cũng khá nhiều dị biệt. Đối với tôi, ông đã rất đúng khi xác nhận
rằng cả hai phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvàstivàdins) và Thượng tọa
bộ (Theravàdins) đều căn cứ trên một di sản chung. Mặc dù một người
ngưỡng mộ văn học Pàli có thể đồng ý với những nhà luận giải như
Buddhaghosa, rằng truyền thống Pàli gìn giữ giáo lý nguyên thủy thuần
túy và tiêu biểu cho lời dạy đích thực của đấng Đạo sư, ngày nay những
học giả đều phê phán lời tuyên bố quá đáng này. Tất cả những học
giả phương Tây cũng như phương Đông hầu như đều có chung quan điểm với
Tiến sĩ Thích Minh Châu là, cả hai bản dịch chữ Hán ngữ cũng như Pàli
đều căn cứ trên một bản gốc mà ngày nay đã thất lạc.
Tác phẩm này được tác giả đệ
trình làm luận án Tiến sĩ, và đã được Hội đồng giám khảo đồng
thanh phê chuẩn. Công trình của ông quả thực đã mở rộng chân trời hiểu
biết của chúng ta. Ông đã đề cập đề tài này với cái nhìn của học
giả và với thái độ vô tư, cốt đề cao chân lý chứ không với mục đích
dựng lên một giáo điều hay phân phái. Sự hiểu biết của chúng ta về
Phật giáo trên các phương diện học thuyết, triết lý và giới luật đều
phải bị hạn hẹp và cục bộ vì thiếu tài liệu. Rủi thay, hầu như phần
lớn giáo lý Phật giáo bằng nguyên bản Sanskrit đã mất, chỉ trừ
một ít đoạn được các nhà nghiên cứu đưa ra ánh sáng. Mặc dù số lượng
tác phẩm bằng Sanskrit ngữ hiện có được so sánh một cách bất lợi
với số lượng văn học Pàli, giá trị nội tại của kinh Phạn ngữ,
với cái nhìn sâu sắc và đánh giá vấn đề một cách hợp lý, đã chứng
minh sự sai lầm của việc khai thác thái độ thù hằn ganh tị của thời
Trung cổ, một thái độ đã làm cho Phật giáo trong quá khứ mất hết sinh
lực. Nếu ta trung thành với lý Trung đạo của đức Phật, thì ngày nay ta
không còn có thể bảo rằng Phật giáo tạng Sanskrit lạc xa giáo lý
nguyên thủy. Những phần nhỏ và những tác phẩm nguyên bản Sanskrit này
được tìm thấy tại Népal và Tây Tạng, đã chứng tỏ nguồn sinh lực
vô địch của đức tin Phật giáo. Nhờ biết được những kho tàng này
mà chúng ta có được cái nhìn sâu sắc hơn về bí quyết truyền bá đạo
Phật tại các nước châu Á. Những học giả thường phải lấy làm lạ
khi thấy Phật giáo đã đạt đến tầm vóc một tôn giáo toàn cầu, mặc
dù không có sự bảo trợ rộng rãi của triều đình và giới thương gia
giàu có. Dĩ nhiên, sự bảo trợ ấy cuối cùng vẫn xảy đến, vì Phật
giáo tiêu biểu yếu tố thiêng liêng trong con người, chỉ đường vượt
qua những bản năng thú vật. Sự bảo trợ của vua chúa là hậu quả của
sự hoằng dương chứ không phải là điều kiện để truyền bá đạo Phật.
Nhờ luôn nhấn mạnh tính vô thường của tài sản thế gian cũng như của
nghịch cảnh, Phật giáo củng cố được nghị lực tâm hồn của tín đồ
xuất gia và tại gia. Nó tịnh hóa những người quyền thế và khích lệ
những người nghèo khổ, những kẻ bị chà đạp.
Lịch sử trung cổ và cận đại
đều cho thấy quyền lực và tài sản thế gian rất cần thiết trong việc
bảo vệ tiến bộ tâm linh và truyền thống dân tộc. Những sự xâm lăng
của ngoại bang đã làm cho nhiều dân tộc bị trị khắp thế giới mất hết
sinh lực. Hậu quả là tình trạng bội giáo, cải đạo xảy ra như núi lở.
Sức mạnh và vinh quang của đạo Phật bắt nguồn ở lòng từ bi bao la của
nó. Đức Phật chinh phục bằng lòng từ bi, và những tín đồ của Ngài cũng
vậy. Thế giới ngày nay hết sức cần đến triết lý tình yêu này, và thật
không đáng ngạc nhiên khi những học giả trí thức đang tìm đến Phật
giáo như ánh sáng xua tan bóng tối gây nên bởi sự thi đua quyền lực, quân
sự và binh bị. Thế giới đang bị siết chặt trong cơn hãi hùng khủng
khiếp, và không gì làm người ta xuống tinh thần hơn là sự mất hết tự
tin. Cuộc đời đức Phật là một tấm gương sống động về tinh tấn (viriya)
và tỉnh giác (appamàda). Nếu chúng ta có thể có được dù chỉ một
phần nhỏ những đức tính ấy trong cuộc đời rộn rịp, thế giới cũng
sẽ đi đến một tương lai tốt đẹp và cao thượng hơn.
Tiến sĩ Thích Minh Châu không làm
gì gián tiếp nhắm đến mục đích này. Công việc của ông là công việc
của một nhà học giả, có tính cách phê phán, thận trọng và trung thành
với sự thật. Nhưng kinh Trung A-hàm (Madhyama Àgama) và Trung bộ (Majjhima
Nikàya) đều có những cuộc đối thoại và ngụ ngôn phong phú để tịnh
hóa tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta đi đúng chíùnh đạo. Người nào dành
thì giờ để nghiên cứu tác phẩm này tự nhiên cũng muốn đọc đến
nguyên bản các kinh Trung bộ và A-hàm, những kinh sẽ gieo vào tâm hồn họ
những đức tính mà Phật giáo đề cao. Hậu quả tức thời của việc
nghiên cứu có thể không có tính cách thực tiễn cho lắm nói theo nghĩa rộng.
Tuy vậy, đấy không phải là một công việc vô bổ. Nó đem lại những hậu
quả trường cửu hơn, hùng mạnh hơn vì có cơ sở trên sự nghiên cứu
khách quan. Sự áp dụng những giá trị lý thuyết vào đời sống là một
dư vị đến sau. Xét theo viễn tượng ấy, tác phẩm của Tiến sĩ Minh Châu
sẽ tưởng thưởng cho công khó của những người đọc sách ông về ngắn
hạn cũng như dài hạn. Tôi hy vọng rằng Tiến sĩ Thích Minh Châu sẽ
không từ bỏ đường hướng nghiên cứu sưu tầm này. Chúng ta rất cần một
sự khám phá toàn diện về đạo Phật, và bằng nỗ lực và tấm gương của
ông, Tiến sĩ Thích Minh Châu có thể gợi cảm hứng cho nhiều học giả về
sau. Phật giáo phải được phục hồi trở lại với vinh quang và nguồn
sinh lực nguyên thủy, và điều này chỉ có thể thực hiện nhờ đi theo
đường hướng làm việc của tác giả trong chân tinh thần truyền giáo.
Tôi hết sức hài lòng vì tác phẩm
này đã được hoàn tất trong khuôn viên Tân tòng lâm Nalanda (Nava Nalanda
Mahavihara). Chúng tôi sẽ mãi mãi hãnh diện về những gì Tiến sĩ Thích
Minh Châu và những người cộïng sự của ông đã làm. Khi ông trở về
quê hương (Việt Nam), Tiến sĩ Thích Minh Châu cũng sẽ như Huyền Trang (Hsuan-tsang),
dành trọn cuộc đời của mình để làm tròn sứ mạng truyền bá chân diệu
pháp (Saddharma) vì an lạc cho nhiều người, vì hạnh phúc cho nhiều
người, phát triển từ bi bằng cách nêu rõ sự vô ích của thiên kiến
ngã chấp.
S. Mookerjee
Viện trưởng,
Tân tòng lâm Nalanda (Nava Nalanda Mahavihara)
23-3-1964
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2