Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
HT. Thích Minh Châu (1961)
Thích Nữ Trí Hải dịch Việt (1998)

 

PHẦN 4: PHỤ LỤC

-ooOoo-

PHỤ LỤC 1: Tiểu sử Sanghadeva

Sanghadeva hay Tăng-già-đề-bà, hay Chúng Thiên, có tên là Cồ Đàm. Ngài sinh ở Kê Tân. Theo Khai Nguyên Thích giáo lục, quyển 3 và Cao tăng truyện, quyển 1, Ngài tinh thông ba tạng và nhất là tạng A-tỳ-đàm. Ngài thường ngày đêm tụng Tam pháp độ luận và xem đây là cửa vào đạo pháp. Ngài có trí thông minh sâu xa sắc bén, uy nghi khả kính, thiện xảo về thuyết pháp.

Ngài đến Trường An vào cuối triều đại Kiện Nguyên (373-384) thuộc đời Hậu Tấn (384-417). Sau khi ngài đến không lâu, Tăng-già-bạt Trừng (Sangha Bhùti) đã dịch luận Bà tu mật và Đàm Ma Nan Đề (Dhamma Nandì) đã dịch hai tác phẩm Tăng nhất A-hàmQuảng thuyết tam pháp độ hơn mười vạn chữ, nhưng những bản dịch này chưa được hoàn hảo. Lúc bấy giờ, có nhiều rối loạn về chính trị xảy ra, nên không người nào có thể kiểm chính các bản dịch, mà ngài Đạo An thì đã chết. Sa-môn Pháp Hòa, một người bạn của Đạo An gặp Tăng-già-đề-bà và mời ngài đến đất Lạc Dương, ở lại đấy bốn, năm năm để hiệu đính các bản dịch. Ngài dịch lại A-tỳ-đàmQuảng thuyết chúng kinh. Rồi ngài rời Lạc Dương đi đến miền Nam và được Huệ Viễn pháp sư mời ở lại Lô Sơn. Huệ Viễn là vị sáng lập ngôi chùa danh tiếng ở Lô Sơn. Tại đây ngài dịch hai tác phẩm A-tỳ-đàm và Tam pháp độ luận trong Bát nhã đường.

Năm đầu niên hiệu Long An, ngài đến kinh đô, được vua và đình thần vô cùng thán phục. Vương Trung, vị vua mộ đạo, đã xây cho ngài một ngôi chùa, ở đấy ngài giảng A-tỳ-đàm. Vương Trung mời Sa-môn Thích Huệ Trì và 40 vị sư khác, rồi xin ngài dịch kinh Trung A-hàm và Tăng nhất A-hàm. Sa-môn Tăng Già Lạc Xoa ở Kê Tân cầm trong tay bản kinh Phạn ngữ, và Ngài dịch ra Hoa ngữ. Sa-môn Đạo Từ ở Dự Châu cầm bút lông, Lý Bảo và Đường Hóa ở vương quốc Vũ (?) viết lời dịch.

Ở Lô Sơn và Kiện Khang, Sanghadeva đã dịch 5 tác phẩm chia làm 118 tập:

1. Trung A-hàm, 60 tập hay 58 tập, được dịch từ ngày 10-11 năm đầu Long An, và kết thúc ngày 25-6 năm thứ hai (398). Công việc dịch thuật này được thực hiện trong chùa Đông Đình.

2. Tăng nhất A-hàm, 50 tập, dịch từ tháng giêng năm đầu Long An. Đây là bản dịch thứ hai, bản dịch đầu do Dharmanandi thực hiện.

3. A-tỳ-đàm tâm luận, 4 tập, dịch phẩm này cộng tác với pháp sư Huệ Viễn vào năm thứ 16 Thái Nguyên (391). Đạo Từ cầm bút, Sanghadeva đọc lời dịch.

4. Tam pháp độ luận, gồm 2 tập, dịch vào năm thứ 16 Thái Nguyên, ở Lô Sơn, cộng tác với Pháp sư Vi Viễn.

5. Giáo thọ Tỳ-kheo ni pháp, 1 tập, dịch tại Lô Sơn. Tác phẩm này đã mất. Bốn tác phẩm đầu gồm 117 tập tất cả, hiện nay vẫn còn.

 

PHỤ LỤC 2

Vài nhận xét về dịch phẩm của Sanghadeva

 

Sanghadeva dịch tác phẩm này vào năm 398. Vì bản dịch này đã xưa nên ta không thể phán đoán nó dưới ánh sáng của thuật ngữ đã cố định bởi các dịch gia về sau như Huyền Trang. Nhưng công việc của Sanghadeva đáng tán dương ở chỗ đấy là một công tác tiên phong, được làm vào một thời đại ít ai biết về ngôn ngữ Ấn và sự phiên dịch thành Hoa ngữ.

Chúng ta để ý những đặc điểm sau đây trong bản dịch của Sanghadeva.

a. Danh từ lỗi thời:

Một số danh từ mà Sanghadeva dùng trong bản dịch đã bị loại bởi những dịch gia về sau:

Pàli

Sanghadeva:

Các dịch gia về sau:

Vedanà

 Giác

Thọ

Savitakka

 Hữu giác

Hữu tầm

Savicàra

 Hữu quán

Hữu từ

Phassa

 Canh lạc

Xúc

Sammàvàyàma

 Chánh phương tiện

Chánh tinh tấn

Samudaya

 Tập ( = tập quán)

Tập ( = tập họp)

Udàna

 Soạn

Vô vấn tự thuyết

Upàdànakkhandha

 Thạnh uẩn

Thủ uẩn

Purisadammasàrathi

 Đạo pháp ngự

Điều ngự trượng phu

Aniccatà

 Vô thường pháp

Vô thường tánh

Upàdàna

 Thọ ( = nhận)

Thủ

Sankhàra

 Tư hoặc Hành

Hành

 

b. Giải sai:

Danh từ Gayàsise, tên một địa danh, được Sanghadeva dịch là Tượng đảnh, nghĩa là đầu voi, vì lầm Gaya là Gaja. Cũng vậy, Makhàdeva được dịch là Đại thiên vì lầm Makhà là Mahà. Chữ Nagà được dịch là rồng thay vì voi. Danh từ Purisadammasàrathi được dịch là Đạo pháp ngự, người chế ngự con đường và pháp, vì danh từ damma bị lầm với Dhamma. Những dịch gia về sau chọn danh từ Điều ngự pháp sư dịch đúng nghĩa từ Pàli. Lại nữa từ Sahàpi sukhena sahàpi somanassena được dịch sai thành tự lạc tự hỷ nghĩa là hỷ lạc của riêng mình.

c. Cách dịch máy móc:

Đôi khi chúng ta thấy một cách dịch máy móc, không để ý đến ý nghĩa đích thực của danh từ trong đoạn văn cần dịch. Như chữ attha nghĩa là ý nghĩa, mục đích, lợi ích thì toàn thị được dịch là nghĩa. Ví dụ danh từ sàttham dịch đúng là hữu nghĩa, nghĩa là có nghĩa; nhưng nếu dịch danh từ atthasamhita mà dịch là dữ nghĩa tương ưng thì khá vụng, như được thấy trong kinh 191, vii, 44b, 20. Cũng vậy, với những từ atthakàmoanatthakàmo, nghĩa là mong sự lợi lạc, không mong sự lợi lạc (cho nó). Nhưng bản C dịch là cầu nghĩa (tìm ý nghĩa)và bất cầu nghĩa (không tìm ý nghĩa). Một danh từ khác là jàtarùparajata nghĩa là vàng và bạc. Bản C tương đương là sanh sắc tượng bảo, sanh để dịch jàta, sắc để dịch rùpa và tượng bảo để dịch rajata. Một cách dịch lạ lùng khác là chữ màtikà, được dịch là mẫu (mẹ) như được thấy trong đoạn : "Có những Tỳ-kheo thiện xảo về kinh, luật và mẹ" (Tsê, vii, 57a, 19). Đôi khi dịch giả chỉ đặt cạnh nhau những từ Hoa ngữ trong cùng một thứ tự với nguyên bản, bất chấp ý nghĩa toàn thể. Như từ ngữ nổi tiếng Yam tam ariyà àckkhanti, upekkhako satimà sukhavihàri được dịch là "vị thánh sở thuyết thánh sở xả niệm lạc trú thất", thì chỉ có thể hiểu được nhờ tham cứu bản văn P.

d. Lối dịch hữu ích:

Trong vài trường hợp, bản dịch C giúp ta hiểu đúng các danh từ Pàli. Như bài kệ nổi tiếng của Upàli, sự hiện hữu của từ yakkhassa trong lời ca tụng Phật thì khá khó hiểu. Bản C dịch: Người có con mắt cao thượng đem lại giải đáp. Như vậy từ yakkhassa rõ ràng là akkhassa được thêm vào chữ y để dễ đọc. Cũng vậy với danh từ pannadhajassa trong cùng bài kệ ấy được dịch là hạ cờ. Nhưng bản C tương đương là do trí tuệ sanh nghe thích hợp hơn vì là một từ ngữ chỉ đức tính của Phật. Do vậy, chữ pannadhajassa nên dịch là pannajassa dưới ánh sáng của bản C.

e. Một vài lối dịch lạ lùng:

Chúng ta cũng để ý vài lối dịch lạ lùng về một số danh từ, mà danh từ nguyên bản đôi khi không thể nào là một với bản P. Như một số danh từ sau: P: appaharite = C: đất tịnh; P: àmisa = C: đồ ăn uống; P: pisunà vàcà = C: hai lưỡi; P: ummagga = C: tà đạo; P: aranna = C: vô sự xứ ; P: citta = C: tâm; P: bandhupàdàpacca = C: đoạn chủng vô tử (giảng nghĩa: không có con cái).

Bản C luôn luôn dịch từ Viharati là du có nghĩa là du lịch, gần với nghĩa tiếng Sanskrit nhưng không phải nghĩa tiếng Pàli là trú, ở lại. Lại nữa, danh từ padakkhinam katvà nghĩa là sau khi đi quanh giữ phía tay phải hướng về một người nào thì bản C luôn luôn dịch là nhiễu tam táp nghĩa là đi quanh người ấy ba vòng. Từ atta (Sk.: àtman) đôi khi được dịch là thần (hồn) đôi khi được dịch là ngã. Công thức thông thường của bản P như sau: "N'etam mama, n'eso' hamasmi, na meso attàti", nhưng trong bản C lại dịch: bỉ phi ngã hữu, ngã phi bỉ hữu, diệc phi thị thần (đấy không phải của tôi, tôi không thuộc vào đấy, và cũng không phải linh hồn) (C200, vii 65b, 13-14).

f. Giống với cách hiểu Sanskrit:

Một vài từ Hoa ngữ chứng tỏ bản dịch C gần với nghĩa Sanskrit hơn là với nghĩa Pàli. Như danh từ cattàro sammappadhànà có nghĩa là bốn sự nỗ lực trong tiếng Pàli. Nhưng bản C dịch là tứ chánh đoạn, nghĩa là bốn sự diệt trừ chân chính, gần với Phạn ngữ samyakprahàna. Cũng vậy với từ veyyàkarana nghĩa tiếng Pàli là trả lời, giải thích, trình bày. Nhưng danh từ tương đương Hoa ngữ là ý thuyết, có nghĩa là tiên đoán, như vậy gần với tiếng Sanskrit vyàkarana như đã thấy ở trước.

g. Một vài từ khó hiểu:

Có vài từ trong bản C mà ta không tài nào hiểu nỗi, mà cũng không thể đoán ra danh từ gốc trong nguyên bản. Như trong NC36, Tôn giả Đại Mục-liền-liên đi vào thiền định Như kỳ tượng định, không thể hiểu nghĩa là gì. Lại trong cùng một NC ấy, ta gặp một đoạn như sau: "Họ nghĩ: Sa-môn này đã ngồi tại một nơi vô sự và lâm chung. Chúng ta nên gom củi, cỏ phủ khắp thi thể và da duy chi", mà chúng ta phỏng đoán là dahati, có nghĩa là hỏa thiêu (C131, vi, 49b, 19). Lại nữa danh từ phi phẩm có thể đoán là Niết-bàn, phi để dịch nir và phẩm để dịch vàna trong đoạn sau: "Vị Tỳ-kheo được nói là đã tu tập căn bản thần thông hoàn tất về thiền định căn cứ trên dục, y cứ viễn ly, ly dục, diệt, từ bỏ, hướng đến phi phẩm." (C206, vii, 78a, 13-15). Nhưng từ ngữ sau đây thì không thể nào giải thích nỗi. Nó nói đến sự giác ngộ của Phật dưới cây bồ đề như sau: "Trí sanh, nhãn sanh; định đạo phẩm pháp; sanh đã tận, phạm hạnh đã lập, việc cần làm đã làm, không còn sanh trở lại." (C204, vii, 74b, 20). Định, nghĩa là tập trung, đạo là con đường, phẩm có nghĩa trình độ và pháp có nghĩa đạt ma. Bốn chữ này sắp lại với nhau không ai đoán được nghĩa là gì. Dường như nó tương đương với từ ngữ Àkuppà me vimutti. Lại nữa từ ngữ tát vân nhã hoàn toàn không thể hiểu được trong câu: "Ni Kiền Tử không phải là tát vân nhã, mà tự cho tát vân nhã." (C196, vii, 56a, 13). Dường như nó ám chỉ danh từ Sabbannu nghĩa là nhất thiết trí.

h. Phiên âm và dịch:

Bản C phần nhiều dùng cách phiên âm để ghi danh từ riêng trong nguyên bản về người và nơi chốn, như được thấy trong các ví dụ sau:

P: Aggivessana = C: A Kỳ Xá Na ; P: Ajita kesakambalì = C: A Di Đa Kê Xá Kiểm Bà Lợi ; P: Aciravatì = C: A Di La Bà Đề ; P: Kàsi = C: Ka Thi ; P: Kimbila = C: Kim Tỳ La.

Một đôi khi có sự phiên dịch, nhưng không nhiều như P: Jetavana = C: Thắng Lâm; P: Migàramàtu = C: Lộc Mẫu; P: Kukkuràràma = C: Kê Viên.

Đôi khi phiên âm và phiên dịch được sử dụng lẫn lộn như: P: Sàriputta = C: Xá-lợi-tử, Xá lợi là phiên âm chữ Sàritử dịch nghĩa chữ putta. P: Mahàkassapa = C: Đại Ca Diếp, Đại là dịch chữ mahà, Ca diếp là phiên âm chữ kassapa. (xem nhiều chi tiết hơn ở phụ lục 10)

 

PHỤ LỤC 3

Vài nhận xét về bản dịch Anh ngữ kinh Trung bộ

Bản dịch C cho ta thấy sự chính xác về một vài nhận xét của cô Horner trong bản dịch Middle Length Sayings, bản dịch Anh ngữ Kinh Trung bộ do cô dịch.

Trong M.L.S tập II, trang 332, cô chọn cách đọc "na ca mam vihesesi" thay vì "navamam vihesesi"; một sự chọn lựa chính xác khi so với bản C: "ông ấy không làm phiền ta về pháp."

Lại nữa trong đoạn: "Sannam idam attena và attaniyena và ti" (T.L.M, ii, 263, dòng 28, 29), cô Horner đề nghị nên đọc là Sunam thay vì Sannam. Nhận xét của cô được hỗ trợ bởi đoạn kinh C sau đây: "Thánh đệ tử đa văn tư duy như vầy: Thế gian này trống rỗng, không có ngã, không có gì thuộc về ngã."

Đôi khi bản C giúp ta thấy được vài sai lầm trong cách dịch và nhận xét của cô. Như trong câu Pàli sau đây: "Àkankheyya ce bhikkhave bhikkhu: ye me nàtisàlohità petà kàlakatà pasannacittà anussaranti tesam tam mahapphalam assa mahànisamsanti" (i,33,21-24), cô Horner dịch: "Mong điều này sẽ làm một cõi lớn, lợi ích lớn cho bà con quyến thuộc của ta, những người nhớ lại những người đã chết với tâm hoan hỷ..." nhưng trong Papancasùdanì (I,144), nó được nói: "Bà con quyến thuộc khi chết nhớ lại những đức tính của Tỳ-kheo và nhờ vậy chết với tâm hoan hỷ"(Tesam tanti Tesam tam mayi pasannacittam và Pasannena cittena anussaranam và). Điều này được hỗ trợ bởi đoạn kinh C tương ứng: "Ta có những quyến thuộc. Mong sao nhờ ta, mà khi họ mệnh chung, họ sẽ đi đến những nơi tốt đẹp, cho đến được sinh lên trời." (C105)

Lại nữa trong đoạn sau: "Hoti kho so àvuso samayo yam bàhirà àpodhàtu pakuppati, antarahità tasmim samaye bàhirà pathavìdhàtu hoti" (ii, 185, 27-29), cô Horner có quan niệm rằng, bản văn này sai, đã ghi àpodhàtu thay vì pathavìdhàtu (M.L.S, tập I, 232, ghi chú 1), nhưng bản C cho thấy bản P không sai. Lại nữa có ba tai họa là hỏa tai, thủy tai, phong tai (Phật học đại tự điển, trang 304). Trong Thanh tịnh đạo (Visuddhi Magga) cũng chỉ nói ba samvattà: aposamvattà (thủy tai), tejosamvattà (hỏa tai) và vàyosamvattà (phong tai) (chương 13). Một ví dụ khác về cách dịch không đúng của cô Horner là trong M.L.S, ii, trang 325, ghi chú 6, khi cô chọn chữ kayasmim theo bản kinh Thái Lan thay vì chọn kàyamhà trong nguyên bản P: "Gió không thể làm cho y của vị ấy lay động." (M.A.,iii, 393). Nhưng bản C tương đương chứng tỏ kàyamhà được dùng ở đây: "Gió không thể thổi bay chiếc y khỏi thân." Lại nữa trong từ ngữ jàlahatthapàda (bàn tay, bàn chân có màng lưới), cô chọn cách hiểu của Buddhaghosa trong M.A. iii, 376, là : "Bốn ngón tay của đức Như lai và năm ngón chân của Ngài có số đo bằng nhau" (M.L.S, ii, 321, ghi chú 2). Nhưng bản C nói rõ như sau: "Ngón tay, ngón chân có màng lưới như ngỗng chúa."

Tất cả những nhận xét trên đây không cốt để chỉ trích bản dịch vĩ đại của cô về kinh Trung bộ, mà đến nay chưa ai sánh bằng, nhưng chỉ là một đóng góp nhỏ vào công trình tuyệt diệu mà vị học giả vĩ đại ấy đã hoàn tất.

 

PHỤ LỤC 4

Phân loại 222 kinh C theo phẩm, quyển và ngày tụng đọc

A. 18 PHẨM (VARGAS) hay CHƯƠNG

Chương I: Thất pháp (Sapta dharmàh): 10 kinh:

1. Thiện pháp kinh, 2. Trú độ thọ kinh, 3. Thành dụ kinh, 4, Thủy dụ kinh, 5. Mộc tích dụ kinh, 6. Thiện nhân vãng kinh, 7. Thế gian phước kinh, 8. Thất nhật kinh, 9. Thất xa kinh, 10. Lậu tận kinh.

Chương II: Nghiệp tương ưng (Karmasamyukta): 10 kinh:

11. Diêm dụ kinh, 12. Hòa phá kinh, 14. La vân kinh, 15. Tư kinh, 16. Sư tử kinh, 19. Ni kiền kinh, 20 Ba la lao kinh.

Chương III: Xá-lợi-tử tương ưng (Sàriputrasamyukta): 11 kinh:

21. Đẳng tâm kinh, 22. Thành tựu giới kinh, 23. Trí kinh, 24. Sư tử hống kinh, 25. Thủy dụ kinh, 26. Cù ni sư kinh, 27. Phạm chí Đà nhiên kinh, 28. Giáo hóa bệnh kinh, 29. Đại Câu-hy-la kinh, 30. Tượng tích dụ kinh, 31. Phân biệt thánh đế kinh.

Chương IV: Vị tằng hữu pháp (Abhutadharma): 10 kinh:

32. Vị tằng hữu pháp kinh, 33. Thị giả kinh, 34. Bạc câu la kinh, 35. A tu la kinh, 36. Địa động kinh, 37. Chiêm ba kinh, 38. Úc già trưởng giả kinh (A), 39. Úc già Trưởng giả kinh (B), 40. Thủ trưởng giả kinh (A), 41. Thủ trưởng giả kinh (B).

Chương V: Tập tương ưng (Samudaysamyukta): 16 kinh:

42. Hà nghĩa kinh, 43. Bất tư kinh, 44. Niệm kinh, 45. Tàm quý kinh (A), 46. Tàm quý kinh (B), 47. Giới kinh (A), 48. Giới kinh (B), 49. Cung kính kinh (A), 50. Cung kính kinh (B), 51. Bổn tế kinh, 52. Thực kinh (A), 53. Thực kinh (B), 54. Tận trí kinh, 55. Niết-bàn kinh.

Chương VI: Vương tương ưng (Ràjasamyukta): 14 kinh:

56. Di hê kinh, 57. Vị Tỳ-kheo thuyết kinh, 58. Thất bảo kinh, 59. Tam thập nhị tướng kinh, 60. Tứ châu kinh, 61. Ngưu phấn dụ kinh, 62. Tần bệ sa la vương ứng Phật kinh, 63. Bệ bà lăng kỳ kinh, 64. Thiên sứ kinh, 65. Ô điểu dụ kinh, 66. Thuyết bổn kinh, 67. Đại thiên nại lâm kinh, 68. Đại thiện kiến vương kinh, 69. Tam thập dụ kinh, 70. Chuyển luân vương kinh, 71. Bệ tứ kinh.

Chương VII: Trường thọ vương (Dìrghàyuràja): 15 kinh:

72. Trường thọ vương bổn khởi kinh, 73. Thiên kinh, 74. Bát niệm kinh, 75. Tịnh bất động đạo kinh, 76. Úc già chi la kinh, 77. Sa kê đế tam tộc tánh tử kinh, 78. Phạm thiên thỉnh Phật kinh, 79. Hữu thắng thiên kinh, 80. Ca hy na kinh, 81. Niệm thân kinh, 82. Chi ly di lê kinh, 83. Trưởng lão thượng tôn thùy miên kinh, 84. Vô thích kinh, 85. Chân nhân kinh, 86. Thuyết xứ kinh.

 Chương VIII: Uế phẩm (Anganavarga): 10 kinh:

87. Uế phẩm kinh, 88. Cẩu pháp kinh, 89. Tỳ-kheo thỉnh kinh, 90. Tri pháp kinh, 91. Châu na vấn kiến kinh, 92. Thanh bạch liên hoa dụ kinh, 93. Thủy tịnh phạm chí kinh, 94. Hắc Tỳ-kheo kinh, 95. Trụ pháp kinh, 96. Vô kinh.

 Chương IX: Nhân phẩm (Nidànavarga): 10 kinh:

97. Đại nhân kinh, 98. Niệm xứ kinh, 99. Khổ ấm kinh (A), 100. Khổ ấm kinh (B), 101. Tăng thượng tâm kinh, 102. Niệm kinh, 103. Sư tử hống kinh, 104. Ưu đàm bà la kinh, 105. Nguyện kinh, 106. Tưởng kinh.

Chương X: Lâm phẩm (Vanavarga): 10 kinh:

107. Lâm kinh (A), 108. Lâm kinh (B), 109. Tự quán tâm (A), 110. Tự quán tâm (B), 111. Đại phạm hạnh kinh, 112. A nô ba kinh, 113. Chư pháp bổn kinh, 114. Ưu đà la kinh, 115. Mật hoàn dụ kinh, 116. Cù đàm di kinh.

Chương XI: Đại phẩm (Mahàvarga): 25 kinh:

117. Nhu nhuyến kinh,118. Long tượng kinh, 119. Thuyết xứ kinh, 120. Thuyết vô thường kinh, 121. Thỉnh thỉnh kinh, 122. Chiêm ba kinh, 123. Sa-môn nhị thập ức kinh, 124. Bát nạn kinh, 125. Bần cùng kinh, 126. Hành dục kinh, 127. Phước điền kinh, 128. Ưu bà tắc kinh, 129. Oán gia kinh, 130. Giáo Đàm di kinh, 131. Hàng ma kinh, 132. Lại-tra-hòa-la kinh, 133. Ưu ba ly kinh, 134. Thích vấn kinh, 135. Thiện sanh kinh, 136. Thương nhân cầu tài kinh, 137. Thế gian kinh, 138. Phước kinh, 139. Tức chỉ đạo kinh, 140. Chí biên kinh, 141. Dụ kinh.

Chương XII: Phạm chí phẩm (Bràhmanavarga): 20 kinh:

142. Vũ thế kinh, 143. Thương ca la kinh, 144. Toán số Mục-liền-liên kinh, 145. Cù mặc Mục-liền-liên kinh, 146. Tượng tích dụ kinh, 147. Văn đức kinh, 148. Hà khổ kinh, 149. Hà dục kinh, 150. Uất sậu ca la kinh, 151. Phạm chí A-nhiếp-hòa kinh, 152. Anh vũ kinh, 153. Man nhàn đề kinh, 154. Bà la bà đường kinh, 155. Tu đạ đa kinh, 156. Phạm ba la diên kinh, 157. Hoàn lô viên kinh, 158. Đầu na kinh, 159. A già la ha na kinh, 160. A lan na kinh, 161. Phạm ma kinh.

Chương XIII: Căn bản phân biệt phẩm (Mùlavibhangavarga): 10 kinh:

162. Phân biệt lục giới kinh, 163. Phân biệt lục xứ kinh, 164. Phân biệt quán pháp kinh, 165. Ôn tuyền lâm thiên kinh, 166. Thích trung thiền thất tôn kinh, 167. A nan thuyết kinh, 168. Ý hành kinh, 169. Câu lâu sấu vô tránh kinh, 170. Anh vũ kinh, 171. Phân biệt đại nghiệp kinh.

Chương XIV: Tâm phẩm (Cittavarga): 10 kinh:

172. Tâm kinh, 173. Phù di kinh, 174. Thọ pháp kinh (A), 175. Thọ pháp kinh (B), 176. Hành thiền kinh, 177. Thuyết kinh, 178. Lạp sư kinh, 179. Ngũ chi vật chủ kinh, 180. Cù đàm di kinh, 181. Đa giới kinh.

Chương XV: Song phẩm (Yamakavarga): 10 kinh:

182. Mã ấp kinh (A), 183. Mã ấp kinh (B), 184. Ngưu giác sa la lâm kinh (A), 185. Ngưu giác sa la lâm kinh (B), 186. Cầu giải kinh, 187. Thuyết trí kinh, 188. A di na kinh, 189. Thánh đạo kinh, 190. Tiểu không kinh, 191. Đại không kinh.

Chương XVI: Đại phẩm (Mahàvarga): 10 kinh:

192. Ca lâu Ô đà di kinh, 193. Mâu lê phá quần na kinh, 194. Bạt đà hòa lợi kinh, 195. A thấp bối kinh, 196. Châu na kinh, 197. Ưu ba ly kinh, 198. Điều ngự địa kinh, 199. Si tuệ địa kinh, 200. A lê tra kinh, 201. Trà đế kinh.

Chương XVII: Bổ lợi đa phẩm (Potaliyavarga): 10 kinh:

202. Trì trai kinh, 203. Bô lị đa kinh, 204. La ma kinh, 205. Ngũ hạ phần kết kinh, 206. Tâm uế kinh, 207. Tiễn mao kinh (A), 208. Tiễn mao kinh (B), 209. Bệ ma na tu kinh, 210. Pháp lạc Tỳ-kheo ni kinh, 211. Đại Câu-hy-la kinh.

Chương XVIII: Lệ phẩm (Sanvidahanavarga): 11 kinh:

212. Nhất thiết trí kinh, 213. Pháp trang nghiêm kinh, 214. Bệ ha đề kinh, 215. Đệ nhất đắc kinh, 216. Ái sanh kinh, 217. Bát thành kinh, 218. A na luật đà kinh (A), 219. A na luật đà kinh (B), 220. Kiến kinh, 221. Tiễn dụ kinh, 222. Lệ kinh.

B. 60 QUYỂN

QUYỂN
1-2

 Phẩm I, Thất pháp

10 kinh

3-4

 Phẩm II, Nghiệp tương ưng

10 kinh

5-7

 Phẩm III, Xá-lợi-tử tương ưng

11 kinh

8-9

 Phẩm IV, Vị tằng hữu pháp

10 kinh

10

 Phẩm V, Tập tương ưng

16 kinh

11-16

 Phẩm VI, Vương tương ưng

14 kinh

17-21

 Phẩm VII, Trường thọ vương

15 kinh

22-23

 Phẩm VIII, Uế phẩm

10 kinh

24-26

 Phẩm IX, Nhân phẩm

10 kinh

27-28

 Phẩm X, Lâm phẩm

10 kinh

29-34

 Phẩm XI, Đại phẩm

25 kinh

35-41

 Phẩm XII, Phạm chí phẩm

20 kinh

42-44

 Phẩm XIII, Căn bản phân biệt

10 kinh

45-47

 Phẩm XIV, Tâm phẩm

10 kinh

48-49

 Phẩm XV, Song phẩm

10 kinh

50-54

 Phẩm XVI, Đại phẩm

10 kinh

55-58

 Phẩm XVII, Bổ lợi đà phẩm

10 kinh

59-60

 Phẩm XVIII, Lệ phẩm

11 kinh

 

C. 5 NGÀY TỤNG

Ngày thứ nhất

từ phẩm I đến nửa đầu phẩm VI

 64 kinh

Ngày thứ hai

từ nửa sau phẩm VI đến phẩm X

 52 kinh

Ngày thứ ba

từ phẩm XI đến nửa đầu phẩm XII

 35 kinh

Ngày thứ tư

từ nửa sau phẩm XII đến nửa đầu phẩm XV

 35 kinh

Ngày thứ năm

từ nửa sau phẩm XV đến phẩm XVIII

 36 kinh

 


Mục lục | 1.1 | 1.2 | 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2

 


Cập nhật: 5-9-2001

Trở về mục "Kinh điển"

Đầu trang