- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
NC40
C14: La Vân kinh
P61: Giáo giới Ràhula ở rừng
Ambàlatthika
A. Toát yếu kinh C
C: Phật hiển thị cho Tôn giả La
Vân sự nguy hiểm của cố ý nói láo nơi một Tỳ-kheo, Ngài khuyên Tôn giả
nên suy nghĩ kỹ trước khi làm một thân hành, ngữ hành và ý hành.
P: Gần giống.
B. Nhan đề kinh
C: La Vân kinh, kinh về La
Vân, ám chỉ Tôn giả La Vân mà bản kinh này nhắm đến.
P: Giáo giới La Hầu La ở rừng
Ambalatthika, bài kinh nói về sự răn dạy La Hầu La ở Am Bà, ám chỉ
bài kinh do đức Phật giảng cho La Hầu La ở Am Bà.
C. Nơi thuyết kinh
C: Đức Phật ở Vương Xá thành,
trong rừng trúc Ca Lan Đà. Ngài đi đến Tôn giả La Vân cũng ở thành Vương
Xá, trong khu rừng suối nóng, và giảng kinh này cho ngài.
P: Cũng địa điểm trên. Nhưng
ở đây Tôn giả Ràhula trú tại Ambalatthika.
Ghi chú: Ambalatthika là một
vườn ngự uyển trên đường giữa Vương Xá và Nàlandà. (DPPN i, 158).
D. Nội dung kinh
1. Cuộc gặp gỡ giữa đức Phật và Tôn giả La Vân:
C: Đức Phật khi đêm đã tàn,
vào sáng sớm, vào thành Vương Xá để khất thực. Sau khi ăn xong, Ngài đi
đến rừng Suối nóng, nơi Tôn giả La Vân ở. Tôn giả La Vân trông thấy
đức Phật từ xa đến, đi ra đón tiếp Ngài, cầm y bát của Ngài, trải
tọa cụ, đi lấy nước rửa chân. Sau khi rửa chân, đức Phật ngồi trên
chỗ ngồi của La Vân.
P: Ở đây đức Phật vào buổi
chiều từ độc cư thiền định trở dậy, đi đến Ambalatthika, nơi Tôn giả
Ràhula ở. Tôn giả Ràhula khi thấy Phật từ xa đến, soạn sẵn chỗ ngồi
và nước cho ngài rửa chân. Đức Phật ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn
và rửa chân, sau đó Tôn giả Ràhula đảnh lễ đức Phật và ngồi xuống
một bên.
2. Sự giáo giới thứ nhất:
C: Đức Thế Tôn lấy một ít nước
còn lại trong chậu, hỏi La Vân có thấy chút nước ấy không? Khi Tôn giả
La Vân đáp có, Phật bảo rằng hạnh sa môn cũng ít như vậy nơi một người
cố ý nói dối không biết hổ thẹn, không ân hận. Không có một ác hành
nào mà người ấy không thể làm. Tôn giả phải học tập không được nói
dối dù là nói để đùa chơi.
P: Gần giống. Ở đây đức Phật
chỉ nói rằng, ít ỏi là hạnh Sa-môn của người cố ý nói dối không hổ
thẹn, như chút ít nước còn lại.
3. Giáo giới thứ hai:
C: Sau khi đức Phật đổ chút ít
nước ấy đi, Ngài hỏi La Vân có trông thấy chút ít nước ấy đã hoàn
toàn bị quăng bỏ. Khi La Vân trả lời có, Phật dạy, hoàn toàn bị quăng
bỏ như vậy là hạnh Sa-môn của người cố ý nói dối... dù là nói để
đùa chơi.
P: Gần giống. Ở đây đức Phật
nói đáng đổ đi là hạnh Sa-môn của người cố ý nói dối không biết hổ
thẹn.
4. Giáo giới thứ ba và thứ tư:
C: Rồi đức Phật lật úp cái chậu
và lật ngửa cái chậu, mỗi lần như vậy, Ngài bảo hạnh Sa-môn cũng bị
lật úp lật ngửa như vậy nơi một người cố ý nói dối... dù là nói
để đùa chơi.
P: Gần giống, với những nhận xét
như trên. Sau lần giáo giới thứ tư, bản P thêm một giáo giới khác. Phật
chỉ ra sự trống rỗng, trống không của cái chậu đã được lật ngữa,
và công bố rằng trống rỗng, không ra gì, là hạnh Sa-môn của một người
cố ý nói dối không biết hổ thẹn.
5. Giáo giới thứ năm:
C: Như một ông vua có một con voi
lớn, khi con voi lâm trận, nó dùng hai chân trước, hai chân sau, đuôi,
trán, lưng, mông, cổ, ...., tai, ngà, tất cả thân phần của nó để chiến
đấu, nhưng nó bảo vệ cái vòi của nó. Khi ấy người quản tượng nghĩ
rằng nó còn kể đến mạng sống của nó. Khi con voi sử dụng tất cả
thân phần kể cả cái vòi để chiến đấu, thì người quản tượng nghĩ
rằng con voi này không còn kể đến mạng sống của nó. Phật nói rằng
con voi này khi lâm trận sẽ làm đủ mọi việc xấu xa. Cũng vậy, đối với
một người cố ý nói dối không biết hổ thẹn, không ân hận, đức Phật
công bố rằng, không có hành vi xấu ác nào mà người ấy không thể làm.
P: Gần giống. Con voi được mô tả
là ìsàdanto (có vòi dài như một cây sào), ubbùlhavà (khéo
nuôi lớn), abhijàto (khéo sinh), sangàmàvacaro (khéo lui tới bãi
chiến trường, thiện chiến) còn về các thân phần khác nhau mà con voi
dùng khi lâm trận, bản P bỏ: trán, lưng, mông, cổ... nhưng thêm: phần trước
của thân, phần sau của thân và cái đầu. C: con voi này còn kể đến mạng
sống của nó = P: con voi này không vứt bỏ mạng sống của nó
(apariccattam). Ở đây lời giáo giới của đức Phật cũng như trong bản C,
nhưng bỏ: không hối hận, không biết hổ thẹn.
6. Bài kệ:
C: Bản C thêm một bài kệ do đức
Phật nói liên hệ đến vấn đề này:
"Một người phạm một lỗi lầm là nói dối,
Thì người ấy không sợ đời sau, không có điều ác nào nó không thể
làm.
Thà nuốt hoàn sắt nóng đỏ như lửa,
Hơn là phạm giới mà nhận của bố thí của thế gian.
Nếu một người sợ khổ, không ưa nghĩ đến khổ, thì không nên làm
hành vi xấu xa, một cách bí mật hay công khai.
Nếu bất thiện hành đã được làm, đang được làm,
Thì cuối cùng người ta không thể thoát khỏi chúng,
Và cũng không nơi nào trú ẩn khỏi chúng."
7. Suy nghĩ trước khi làm một thân hành, ngữ hành và ý hành:
a) Ví dụ tấm gương:
C: Phật hỏi Tôn giả La Vân tấm
gương dùng để làm gì? La vân trả lời nó dùng để nhìn xem cái mặt của
mình là sạch hay không sạch. Khi ấy Phật khuyên Tôn giả La Vân rằng, trước
khi làm một thân hành nào, nên suy nghĩ xem thân hành ấy là trong sạch hay
không trong sạch, là có lợi cho mình hay có lợi cho người khác không.
P: Gần giống, nhưng bỏ : "để
nhìn xem cái mặt của mình sạch hay không sạch." Nó chỉ nói, "để
nhìn vào trong đó". Lời khuyến cáo của đức Phật là: "Cũng vậy,
sau khi suy nghĩ nhiều lần, thân hành, ngữ hành, ý hành ấy cần được làm."
b) Về thân hành:
(Xem phần trước, chương nói về
nghiệp, kinh C14, và nói về giới luật tu sĩ) .
9. Một bài kệ:
(Xem phần trước, chương nói về
các bài kệ).
E. Phần kết
Cả hai bản đều có phần kết
thông thường, nhưng C thêm rằng, không những La Vân mà các Tỳ-kheo khác
đều hoan hỷ trước lời dạy của đức Phật.
NC54
C132: Lại-tra-hòa-la kinh
P82: Kinh Ratthapàla
A. Toát yếu kinh C
C: Lại-tra-hòa-la sau khi nghe pháp
của đức Phật giảng, muốn trở thành một Tỳ-kheo, nhưng Phật từ chối
vì anh không được sự chấp thuận của cha mẹ. Anh trở về nhà và nhờ
hăm dọa tuyệt thực cho đến chết, anh đã được cha mẹ đồng ý và trở
thành một Tỳ-kheo đệ tử Phật. Chẳng bao lâu nhờ nỗ lực tinh cần,
anh đã đắc quả A-la-hán. Khi ấy Lại-tra-hòa-la về nhà thăm cha mẹ, họ
cố làm cho anh từ bỏ đời sống tu hành nhưng không thành công. Rồi Lại-tra-hòa-la
gặp vua Chu-lai-po và giải thích cho vua những lý do anh đi tu.
P: Gần giống nhưng có vài dị biệt
về chi tiết.
B. Nhan đề kinh
C: Lại-tra-hòa-la kinh, kinh
nói về Lại-tra-hòa-la, chỉ thanh niên đã trở thành Tỳ-kheo ngược lại
với ý muốn của cha mẹ.
P: Kinh Ratthapàla, cũng nói về
một người ấy như ở kinh C.
C. Nơi thuyết kinh
C: Đức Phật ở nước Câu Lâu Sấu,
trong làng Uất-lô-tra, trong vườn Bệ Đề Xá Hòa.
P: Đức Phật ở giữa dân chúng
Kuru, trong thị trấn của người Kuru, tên gọi Thulakotthika.
D. Nội dung kinh
I. Bài pháp của đức Phật:
C: Đức Phật ở làng Uất-lô-tra,
trong vườn Bệ Đề Xá Hòa, tiếng đồn lớn lan khắp mười phương về
Sa-môn Cồ Đàm như sau: Sa-môn Cồ Đàm là đức Như lai, không chấp thủ,
đã hoàn toàn và chân chánh giác ngộ, có minh và hạnh, bậc thiện thệ,
thế gian giải, vô thượng sĩ, bậc hàng phục được đạo và pháp, thầy
của chư thiên và người, Phật, đấng che chở tất cả. Ở giữa thế
gian này với chư thiên, ma, phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, từ nhân loại cho đến
chư thiên, Ngài đã tự chứng với trí mình, chứng đạt và an trú. Ngài
thuyết pháp khả ái ở chặng đầu, khả ái ở chặng giữa và khả ái
ở chặng cuối, có nghĩa, có văn, hiển thị đời sống phạm hạnh hoàn
toàn trong sạch. Được trông thấy Như lai, người không chấp thủ, bậc
hoàn toàn và chân chánh giác ngộ, được đảnh lễ và cúng dường Ngài,
sẽ đem lại công đức và lợi lạc nhanh chóng. Khi ấy các Bà-la-môn, gia
chủ trong làng Uất-lô-tra đi đến nơi đức Phật, một số cúi đầu chào
dưới chân đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Một số nói lên những
lời hỏi thăm đức Phật và ngồi xuống một bên. Một số chắp tay hướng
về đức Phật rồi ngồi xuống một bên. Một số từ xa trông thấy đức
Phật, giữ im lặng rồi ngồi xuống. Rồi đức Phật bằng vô số phương
tiện, đã thuyết pháp cho họ, làm cho họ hoan hỷ, phấn khởi, khích lệ
họ. Rồi Ngài im lặng. Các Bà-la-môn, gia chủ của làng Uất-lô-tra sau khi
được đức Phật làm cho hoan hỷ, phấn khởi, khích lệ, đã đứng dậy
khỏi chỗ ngồi, cúi đầu dưới chân đức Phật, nhiễu quanh Ngài ba vòng
rồi ra về.
P: Gần giống. C: làng Uất-lô-tra
= P: thị trấn Thullakotthika. Nó bỏ "trong vườn..." C: người hàng
phục đạo và pháp (đạo pháp ngự) = P: purisadammasàrathi, bậc
điều ngự những con người. C: đấng che chở tất cả = P: Thế Tôn, Bhagavà.
C: sau khi đã tự chứng với trí mình, ngài chứng đạt và an trú = P: tự
chứng với thắng trí. C: có nghĩa có văn = P: sàttham savyanjanam. C:
được trông thấy đức Như lai, bậc không chấp thủ, bậc hoàn toàn và
chân chính giác ngộ, được đảnh lễ cúng dường Ngài, sẽ đem lại công
đức và lợi ích nhanh chóng = P: thật tốt lành để yết kiến một vị
A-la-hán như vậy. Về các cách chào hỏi khác nhau, bản P thêm rằng, có người
sau khi xưng tên, dòng họ, ngồi xuống một bên. Ở đây sự ra về của
các Bà-la-môn, gia chủ, được đặt trong đoạn sau, không phải trong đoạn
này.
II. Lại-tra-hòa-la xin trở thành Tỳ-kheo, và đức Phật từ chối:
C: Lại-tra-hòa-la vẫn ngồi lại,
chờ khi các Bà-la-môn, gia chủ đi khỏi, anh ta đứng dậy khỏi chỗ ngồi,
đắp thượng y chừa một vai và bạch đức Phật rằng, theo như anh ta hiểu
qua lời thuyết giáo của đức Phật, nếu anh vẫn làm một cư sĩ thì thật
không thể nào sống đời phạm hạnh một cách viên mãn và trọn đời. Bởi
thế anh xin đức Phật cho phép mình sống đời tu sĩ, được thọ giới làm
Tỳ-kheo. Đức Phật từ chối vì anh chưa được cha mẹ đồng ý, và bảo
anh phải về xin cha mẹ.
P: Gần giống. Bản P thêm một
đoạn trong đó Ratthapàla suy nghĩ về quyết định của mình trước
khi công bố với đức Phật.
III. Cha mẹ từ chối, Lại-tra-hòa-la tuyệt thực và nỗ lực của
cha mẹ để khuyên từ bỏ tuyệt thực:
C: Lại-tra-hòa-la về nhà và xin
cha mẹ cho phép sống đời xuất gia. Cha mẹ từ chối, nói rằng anh là đứa
con trai duy nhất rất yêu quý của họ. Dù anh có chết, họ cũng không vứt
đi được, thì làm sao họ có thể chịu nỗi việc không còn trông thấy
anh lúc anh đang còn sống. Lại-tra-hòa-la lập lại lời cầu xin ba lần, nhưng
cha mẹ vẫn từ chối. Anh bèn nằm xuống giữa nền nhà, không chịu đứng
dậy, không ăn uống gì trong hơn bốn ngày. Cha mẹ năn nỉ anh đứng dậy,
từ bỏ tuyệt thực, bảo rằng, thân thể của anh suốt đời đã quen với
giường nệm êm ái, làm sao bây giờ không thấy đau khổ. Họ khuyên anh ta
hãy đứng dậy, hãy làm một cư sĩ để bố thí, gieo trồng phước đức,
vì con đường của đức Thế Tôn là khó nhất, và xuất gia học đạo
cũng là khó nhất. Lại-tra-hòa-la vẫn im lặng. Khi ấy cha mẹ trước hết
đi đến yêu cầu các bà con của họ và những quan chức lớn, kế đến yêu
cầu những người nổi tiếng và có học vốn là bạn bè thân hữu của Lại-tra-hòa-la,
để nhờ họ khuyên Lại-tra-hòa-la từ bỏ tuyệt thực. Họ đi đến
nhưng cũng không thành công trong sứ mạng của mình. Khi ấy họ khuyên cha
mẹ Lại-tra-hòa-la nên cho phép anh ta sống đời xuất gia, vì nếu anh ta
được hạnh phúc trong đời sống xuất gia, họ còn có thể trông thấy
anh trên đời, nhưng nếu anh không được hạnh phúc, anh chắc chắn sẽ chết
và điều ấy không có lợi ích gì cả. Cha mẹ Lại-tra-hòa-la nghe lời
khuyên ấy và bằng lòng cho Lại-tra-hòa-la xuất gia với điều kiện sau
khi hoàn tất việc học pháp, hãy trở về thăm cha mẹ. Các bạn bè thân hữu
đem lời chấp thuận của cha mẹ đến cho Lại-tra-hòa-la, anh vui mừng từ
bỏ tuyệt thực và ăn uống lại như bình thường.
P: Gần giống. Ở đây cha mẹ Ratthapàla
ngăn cản như sau: "Con là đứa con độc nhất của ta, hết sức yêu dấu,
con đã quen sống trong tiện nghi, được săn sóc tử tế, không biết gì
là đau khổ, con hãy ăn uống, thọ hưởng dục lạc, và làm các việc
công đức. Chúng ta không bằng lòng cho con xuất gia, nếu con có chết,
chúng ta cũng còn không muốn rời xa con, thì làm sao chúng ta có thể cho
phép con xuất gia trong khi con đang còn sống." Ở đây bản P bỏ chi tiết
Ratthapàla đã tuyệt thực hơn bốn ngày. Lời năn nỉ của cha mẹ,
những phản đối của họ cũng gần giống nhau trong hai bản, ngoại trừ
ở đây họ năn nỉ anh hãy đứng dậy. Bản P chỉ nói cha mẹ đi đến bạn
bè thân hữu của Ratthapàla. Phần còn lại cũng giống nhau.
IV. Lại-tra-hòa-la xuất gia, chứng quả A-la-hán và trở về thăm
cha mẹ:
C: Rồi Lại-tra-hòa-la đi đến đức
Phật khi đã được cha mẹ cho phép, và đức Phật cho thọ giới làm Tỳ-kheo.
Rồi đức Phật đi đến Xá Vệ, ở lại trong rừng Thắng Lâm, vườn Cấp-cô-độc.
Sau khi xuất gia, Lại-tra-hòa-la sống độc cư, tinh tấn thiền định, đắc
quả A-la-hán. Sau 9, 10 năm, Lại-tra-hòa-la nghĩ đến việc về thăm cha mẹ
như đã hứa. Tôn giả đi đến đức Phật, cho biết quyết định của mình
và đức Phật đã cho phép Tôn giả đi vì biết Tôn giả không thể nào trở
lại đời sống thấp kém. Lại-tra-hòa-la trở về phòng, thu xếp chỗ nằm,
cầm y bát tuần tự đi đến làng Uất-lô-tra, vườn Bệ Đề Xá Hòa. Rồi
vào buổi sáng sớm, Tôn giả cầm y đi vào làng khất thực. Ông nghĩ rằng
đức Thế Tôn đã ca tụng hạnh tuần tự khất thực, nên Tôn giả đi hết
nhà này sang nhà khác và đến nhà cha mình. Lúc ấy người cha đang chải râu
tóc, khi trông thấy Lại-tra-hòa-la, ông bảo: "Những Sa-môn trọc đầu
này là bọn có hành động đen tối, không con cái, không dòng họ, những kẻ
phá hoại gia đình ta, ta chỉ có một đứa con trai yêu dấu, ta vô cùng quyến
luyến, thế mà chúng đã đem nó đi mất, cạo đầu cho nó. Nay không cho kẻ
này một thứ gì để ăn cả." Thế là Lại-tra-hòa-la không nhận được
của bố thí nào từ nhà cha mình, ngoại trừ những lời nguyền rủa. Khi
ấy một nữ tỳ trong nhà đem một rỗ đầy thức ăn hôi thối ra đổ vào
đống rác. Lại-tra-hòa-la trông thấy và yêu cầu cô đổ vào bát của
mình. Trong khi nữ tỳ đổ thực phẩm vào bát khất thực, cô ta nhận ra
ngài nhờ hai dấu hiệu: giọng nói và bàn tay, bàn chân. Rồi cô vào báo
cho người cha. Khi được tin ông hết sức vui mừng, tay trái cầm áo, tay
phải vuốt râu tóc, vội vàng đi đến nơi Lại-tra-hòa-la đang ngồi dựa
vào bức tường để ăn thức ăn thiu. Người cha hỏi làm sao Lại-tra-hòa-la
có thể ăn thực phẩm đã thối này, vì vốn có thân thể yếu đuối và
đã quen với cao lương mỹ vị. Ông hỏi tại sao ngài không vào nhà cha
mình khi đã đến làng này. Lại-tra-hòa-la trả lời rằng, ông có đến nhà
cha mẹ nhưng không nhận được đồ bố thí, mà chỉ nhận lời nguyền rủa.
Khi ấy người cha xin lỗi con trai, kính cẩn đưa ông vào nhà, trải chỗ
ngồi và mời ông ngồi xuống. Sau đó ông báo tin cho người mẹ có con
trai của họ đến, và bảo bà sửa soạn thức ăn. Bà vui vẻ chuẩn bị
thức ăn, sai chất những đồng tiền thành một đống lớn giữa sân, lớn
đến nỗi một người đứng bên này không thể thấy được người đứng
bên kia. Rồi bà đi đến Lại-tra-hòa-la và nói, đống tiền này là phần
của mẹ chia cho, còn phần của cha thì vô số, không thể đếm bằng hàng
trăm hàng ngàn. Tất cả tiền này sẽ dành cho Lại-tra-hòa-la nếu ông từ
bỏ học giới, từ bỏ đời sống xuất gia, trở về sống bố thí làm phước,
vì theo đức Thế Tôn thật khó, sống đời tu sĩ tu theo pháp thật khó.
Khi ấy Lại-tra-hòa-la khuyên mẹ hãy làm một túi vải mới, bỏ tất cả
tiền này vào trong, chất lên xe đem đến sông Hằng để dìm sâu xuống nước.
Vì chính do tiền này mà người ta cảm thọ sầu, bi, khổ, ưu, không có hạnh
phúc. Mẹ Lại-tra-hòa-la biết phương pháp này không thể thuyết phục Lại-tra-hòa-la
từ bỏ đời sống xuất gia; bà bèn đi đến những người vợ cũ của Lại-tra-hòa-la,
bảo họ trang sức bằng chuỗi đeo cổ và đủ thứ y phục, đi đến Lại-tra-hòa-la
ôm chân mà nói: "Có những tiên nữ nào có sắc đẹp hơn tôi hay sao
mà vì họ ông đã bỏ nhà đi tu?" Những bà vợ theo lời khuyên ấy,
nhưng Lại-tra-hòa-la gọi những người vợ cũ bằng chị và bảo rằng
không phải vì một tiên nữ nào mà ông đi tu, ông chỉ đi tu vì muốn đạt
đến Phật pháp, và bây giờ mục đích của ông đã thành đạt. Những bà
vợ cũ đứng qua một bên, khóc mà bảo bây giờ ông lại gọi họ bằng
chị. Tôn giả Lại-tra-hòa-la yêu cầu cha mẹ bố thí đồ ăn vì đã đến
giờ, đừng quấy nhiễu ông nữa. Khi ấy cha mẹ đứng lên cung cấp nước
rửa và tự tay phục vụ đồ ăn ngon lành cho Lại-tra-hòa-la. Sau khi ăn
xong, Tôn giả thuyết pháp cho cha mẹ bằng nhiều cách, làm họ vui vẻ phấn
chấn, hoan hỷ. Rồi ngài đứng lên khỏi chỗ mà đọc bài kệ sau:
"Hãy nhìn hình dáng được trang sức bằng châu ngọc và chuỗi
đeo cổ,
Với ngọc quấn vào tóc, lông mày kẻ màu tím,
Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến
bờ kia.
Những màu sắc đẹp đẽ để trang hoàng cái thân hôi thối,
Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến
bờ kia.
Với những mùi hương trét lên thân thể,
Chân được sơn màu thổ hoàng,
Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến
bờ kia.
Thân thể được khoác nhiều y phục đẹp lộng lẫy,
Tấm thân phù du này,
Điều này chỉ lừa dối kẻ ngu, chứ không những người đã đạt đến
bờ kia.
Sau khi đã phá hủy các lưới bẫy để bẫy nai,
Sau khi đã đập vỡ cánh cửa nhốt bầy nai,
Tôi đã từ bỏ miếng mồi quyến rũ,
Làm sao tôi còn có thể tìm thấy hạnh phúc
trong các trói buộc?"
P: Không giống hẳn, sự xuất gia
và đắc A-la-hán của Ratthapàla thì gần giống. Bản P thêm rằng đức
Phật nửa tháng sau khi Ratthapàla xuất gia đã đi đến Xá Vệ quốc,
Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên. P bỏ việc 9, 10 năm sau khi đắc quả A-la-hán
Ratthapàla nghĩ đến việc về thăm cha mẹ, chỉ nói rằng, sau khi đắc
quả, Ratthapàla cho đức Phật biết ý định về thăm cha mẹ của mình
và đức Phật đã bằng lòng, sau khi biết được tâm của Ratthapàla
với tâm của ngài. Khi Ratthapàla đi đến thị trấn Thu La, bản P thêm
rằng ông ở lại trong vườn nai của vua Kuru. Khi đi khất thực trong thị
trấn, Ratthapàla đi từ nhà này sang nhà khác, nhưng bản P bỏ việc Ratthapàla
nghĩ đến đức Phật ca tụng sự khất thực này. Khi Ratthapàla đi
đến nhà mình, người cha đang chải tóc giữa một đại sảnh có cửa lớn,
trong khi bản C nói rằng, ông chải râu tóc, không nói ở giữa đại sảnh
có cửa. Ở bản C, cha Lại-tra-hòa-la thóa mạ Tỳ-kheo là chuyên làm việc
đen tối, không có con cái, không dòng họ, phá hoại gia đình ông. Bản P
chỉ nói rằng đứa con trai yêu quý độc nhất của ông đã bỏ ra đi vì
những Sa-môn trọc đầu này; và thế là Tôn giả Ratthapàla tại nhà
của cha mình đã không nhận được bố thí cũng không nhận được lời từ
chối mà chỉ nhận lời nguyền rủa. C: một nữ tỳ đem một rỗ đầy thức
ăn hôi thối để vứt vào đống rác = P : một nữ tỳ nói cho Ratthapàla
biết mình muốn đổ đồ ăn của ngày hôm trước. Trong khi bản C nói nữ
tỳ sau khi nhận ra Lại-tra-hòa-la, đã đi thẳng vào báo cho người cha, thì
bản P nói cô ta báo tin cho bà mẹ trước, và bà đã thuật lại cho chồng.
Bản P thêm, khi người mẹ được báo tin Ratthapàla đã về, bà bảo
người nữ tỳ rằng, nếu điều này đúng thật, cô sẽ thoát thân phận
nô tỳ. P bỏ: cha của Lại-tra-hòa-la nghe tin hết sức vui mừng, tay trái cầm
áo, tay mặt vuốt râu tóc, vội vàng đi đến chỗ Lại-tra-hòa-la. Ở đây
bản P thêm một điều mới. Khi trông thấy Ratthapàla đang ngồi dựa
tường mà ăn thức ăn ngày hôm trước, người cha đã hỏi: "Có thật
con đang ăn đồ thừa hôm qua? Con phải đi vào nhà con". Ratthapàla
trả lời ông đâu có nhà, vì ông đã xuất gia từ bỏ gia đình sống
không gia đình. Ông không có nhà, và đã đi đến nhà gia chủ, nhưng không
nhận được bố thí hay từ chối mà chỉ nhận được sự nguyền rủa. Rồi
người cha mời Tôn giả vào nhà nhưng ngài từ chối, bảo đã ăn xong. Khi
ấy người cha mời Ratthapàla ngày mai đến dùng cơm và Ratthapàla
im lặng nhận lời. Trong khi ở bản C, chính người mẹ sai chất tiền thành
đống, và sai các bà vợ cũ trang sức, ở bản P chính người cha làm tất
cả việc này. Trong bản C, người mẹ hai lần cố thuyết phục Tôn giả,
lúc đầu bằng đống tiền, và khi phương pháp này thất bại, bà bảo
các người vợ cũ của Tôn giả trang sức. Trong bản P, người cha dùng
môït lúc cả hai phương pháp. Trước hết ông sai chất một đống tiền vàng
che khuất sau bức màn, rồi ông bảo các bà vợ cũ của Ratthapàla
trang sức. Khi thức ăn đã sẵn sàng, ông sai người đi mời Tôn giả đến,
và khi Ratthapàla ngồi xuống, ông vén màn cho thấy đống tiền và bảo
con trai: một đống của ông nội, một đống của mẹ và một đống của
cha. Rồi ông bảo con từ bỏ học giới, trở về đời sống thấp kém, để
hưởng của cải và làm phước. Câu trả lời của Ratthapàla cũng
như trong bản C. Bấy giờ các bà vợ cũ đến ôm chân Tôn giả nói: vì
tiên nữ nào mà chàng đã sống đời phạm hạnh? Tôn giả trả lời : thưa
các chị, không. Các bà vợ cũ nói, chồng ta bây giờ lại gọi ta bằng chị,
rồi ngã lăn ra đất bất tỉnh. Ở đây bản C nhiều chi tiết hơn, Ratthapàla
bảo cha hãy đem thức ăn đến, đừng phiền nhiễu ông nữa. Bản P bỏ việc
Ratthapàla giảng pháp cho cha mẹ; chỉ nói ăn xong Ratthapàla đứng
lên đọc bài kệ. Bài kệ trong hai bản gần giống nhau, mô tả thân thể
được làm đẹp với đồ trang sức nhưng lại thối tha ở bên trong, một
thân thể như vậy chỉ lừa dối kẻ ngu chứ không lừa dối được những
người đã đạt đến bờ kia.
Trong hai câu cuối, bản P hơi khác:
"Người thợ săn nai giăng bẫy,
Con nai tránh bẫy.
Sau khi ăn mồi nai bỏ đi xa,
Thợ săn chỉ còn nước kêu la."
Nhận xét:
Trong bản Tích Lan có thêm rằng
cha của Ratthapàla có hai đống của cải, một đống vàng, một đống
tiền vàng, và để hai đống chung nhau làm cho một người đứng bên này
không trông thấy người đứng bên kia và ngược lại. Điều này chứng tỏ
bản Tích Lan gần với truyền thống Sanskrit.
V. Sự gặp gỡ giữa Tôn giả và vua:
1) Vua cố thuyết phục Tôn giả
từ bỏ đời sống phạm hạnh:
C: Nói xong bài kệ, Lại-tra-hòa-la
dùng thần thông bay vào vườn Uất-lô-tra và ngồi xuống dưới cây Bệ
hê lặc, trên tọa cụ của mình. Vào lúc ấy, vua Chu-lai-po đang ngồi với
đình thần trong cung điện, đang nói về Lại-tra-hòa-la, ca tụng Tôn giả,
và tỏ ý muốn gặp ngài. Rồi vua ra lệnh cho người thợ săn sửa soạn
khu rừng Uất-lô-tra để đi săn. Khi người thợ săn đi đến rừng thấy
Tôn giả ngồi đấy, bèn về báo cho vua biết, và vua lập tức khởi hành
bằng xe đến gặp Tôn giả. Khi trông thấy Tôn giả từ xa, vua xuống xe,
đi bộ đến gặp ngài. Khi Tôn giả Lại-tra-hòa-la trông thấy vua, Tôn giả
bảo vua nếu muốn hãy ngồi xuống. Vua trả lời rằng, mặc dù nơi này
thuộc về vua, ông vẫn muốn được Tôn giả mời ngồi. Rồi Tôn giả Lại-tra-hòa-la
mời vua ngồi xuống. Vua hỏi Tôn giả có phải thật ông đi tu vì thiếu
tiền; nếu vậy vua sẵn sàng hiến tặng cho ngài tất cả số tiền cần
thiết để hoàn tục, hưởng dục lạc, bố thí và làm các việc công đức,
vì giáo lý của đức Thế Tôn rất khó, đi tu và học pháp cũng rất khó.
Tôn giả trả lời rằng, nhà vua đã dùng những vật bất tịnh để cống
hiến, không phải những vật thanh tịnh. Vua hỏi làm thế nào là dùng vật
thanh tịnh để cống hiến, không phải vật bất tịnh. Tôn giả nói vua
nên làm cho dân chúng xứ này an ổn hạnh phúc, không lo sợ, không bị phiền
nhiễu, không xáo trộn, không bị làm nô lệ. Vua nói muốn cống hiến những
vật thanh tịnh chứ không phải bất tịnh.
P: Không giống hẳn. Ở đây bản
P không nói Tôn giả bay trở về Uất-lô-tra mà đi bộ về vườn nai xứ
Kuru, ngồi dưới một cây để nghỉ ban ngày. Không nói vua đang ngồi với
đình thần trong cung điện ca tụng Tôn giả, và tỏ ý muốn gặp ngài; chỉ
nói vua xứ Kuru ra lệnh cho người bẫy nai sửa soạn khu vườn trong công
viên để vua đi ngoạn cảnh. Khi đi đến, trông thấy Tôn giả đang ngồi
dưới gốc cây, người bẫy nai bèn trở về báo cho vua, và vua ra lệnh thắng
những cỗ xe để đi gặp Tôn giả. Khi gặp Tôn giả Ratthapàla, vua
chào ngài và mời Tôn giả ngồi trên nệm lót lưng voi, nhưng Tôn giả từ
chối, nói vua hãy ngồi trên đó vì Tôn giả đã có tọa cụ. Bản P không
nói vua cố dụ Tôn giả từ bỏ đời sống phạm hạnh như trong C.
2) Những câu hỏi của vua:
C: Vua nói thông thường người ta
sống đời phạm hạnh vì bốn loại suy vong: do bệnh, do tuổi già, do mất
tài sản, do mất thân quyến. Họ có lòng dục mà không thể hưởng dục nên
mới sống đời phạm hạnh. Nhưng Lại-tra-hòa-la không có bất cứ một
suy vong nào như vậy, thế thì ngài đã biết, đã thấy gì, nghe gì khiến
ngài từ bỏ đời sống gia đình, sống đời không nhà.
P: Gần giống, dù thứ tự hơi khác.
Bản P để sự suy vong vì tuổi già trước, rồi đến bệnh suy, tài suy
và thân suy. Trong khi ở bản C, trước hết vua đề cập cả bốn suy vong,
rồi nêu lên rằng Tôn giả không có bốn sự suy vong ấy; ở bản P vua xứ
Kuru sau khi kể ra một suy vong lại chỉ ngay rằng Tôn giả không có như vậy.
Phần còn lại cũng giống nhau.
3) Lại-tra-hòa-la trả lời:
C: Tôn giả trả lời rằng vì đã
biết, đã thấy, đã nghe bốn điều thuyết giáo của Phật, nên ông sống
đời phạm hạnh:
a) Thế gian này
không có sự che chở, không có nơi trú ẩn.
b) Trong thế gian này mọi sự phải tàn lụi, suy vi.
c) Thế gian này vô thường, ai rồi cũng phải từ giã nó.
d) Thế gian luôn luôn thiếu thốn, bất mãn, nô lệ cho tham ái.
Vua Chu-lai-po hỏi làm sao thế gian
này lại không có sự che chở, không có chỗ trú ẩn, khi mà chính ông có
con trai, cháu nội, anh em, quyến thuộc, tượng binh, xa binh, kÿ binh và bộ
binh có thể che chở ông. Ông có những hoàng tử anh hùng và dũng cảm, những
lực sĩ, những Bát la kiện đề (?), mahànàga (mahànàga? đại long
tượng, những người rất có thế lực), những nhà chiêm tinh, chiến lược
gia, những nhà kế toán, học giả, nhà hùng biện, đình thần, thân quyến,
chú thuật gia, người viết bùa chú; bất cứ nơi đâu có sự rối loạn
vì nguy hiểm, họ đều đi đến đánh dẹp và hàng phục. Tôn giả Lại-tra-hòa-la
hỏi vua, khi vua bị bệnh vì gió máy, khi vua bị đau khổ ghê gớm, những
người ấy có thể đến che chở và bảo vệ ông không. Vua buộc lòng phải
trả lời không, vì do nghiệp của mình mà vua phải chịu đau khổ khốc liệt;
bởi thế điều này chứng tỏ thế gian này không có sự che chở. Rồi vua
hỏi tại sao trong thế giới này mọi sự đều đi đến suy vi, tàn tạ.
Tôn giả bảo vua hãy so sánh sự nhanh nhẹn, sức mạnh, màu da của mình
khi vua còn 24, 25 tuổi với bây giờ; vua phải nhận rằng khi ông còn 24, 25
tuổi, sự nhanh nhẹn, sức mạnh và màu da của ông không ai bì kịp, nhưng
bây giờ ông đã quá già, các căn cũng tàn lụi; bởi thế điều này chứng
tỏ rằng, như đức Phật đã dạy, trong thế gian này mọi sự đều đi đến
suy vi tàn tạ. Rồi vua Chu-lai-po hỏi Tôn giả, tại sao đức Thế Tôn nói,
thế gian này vô thường, tất cả rồi phải rời khỏi nó. Tôn giả hỏi
vua khi ông sắp chết, bị vô thường đánh gục, vua có thể nào đem theo mình
sang bên kia thế giới xứ Kuru phồn thịnh của ông, nội cung dồi dào với
những kho đụn, tài sản thịnh vượng của ông không. Vua phải trả lời
không, vua phải đi một mình không bầu bạn. Và điều này chứng tỏ rằng
thế gian này vô thường, tất cả mọi người đều phải rời khỏi thế
gian. Rồi vua hỏi Tôn giả Lại-tra-hòa-la tại sao đức Thế Tôn dạy, thế
gian này luôn luôn bất mãn, không thỏa lòng, nô lệ cho tham ái. Tôn giả Lại-tra-hòa-la
hỏi lại vua, mặc dù vua đã có xứ Kuru phồn thịnh, nội cung và kho đụn,
tài sản thịnh vượng, nhưng nếu một người đáng tin cậy từ phương bắc
hay từ ba phương khác đến, hoặc từ bờ biển đến nói từ hướng ấy
bên kia bờ biển, có một xứ phồn thịnh đông dân nhiều tài sản và
nhân công, thì có phải là vua sẽ nỗ lực chiếm lấy xứ sở ấy, dân
chúng ấy hay không. Vua trả lời đúng vậy; và điều này chứng tỏ thế
gian này luôn luôn bất mãn, không thỏa lòng, nô lệ cho tham ái.
P: Không giống hẳn. Bốn điều
thuyết giáo của đức Thế Tôn ở đây theo thứ tự như sau: a. thế gian vô
thường này phải bị cuốn đi; b. thế gian này không nơi trú ẩn, không người
che chở; c. thế gian này không phải là ta, ta phải ra đi để lại tất cả
mọi sự; d. thế gian này thiếu thốn, bất mãn, nô lệ cho tham ái. Vì Tôn
giả đã thấy, đã biết, đã nghe bốn điều này là đúng sự thật nên
Tôn giả đã xuất gia sống đời phạm hạnh. Để chứng minh rằng thế
gian vô thường này phải bị cuốn đi, Tôn giả hỏi vua, sức khỏe của
ngài ra sao, vào lúc 20, 25 tuổi, trong việc cỡi voi, cỡi ngựa, lái xe, cung
kiếm, chân tay ngài lúc ấy mạnh như thế nào, và ngài thiện chiến như
thế nào; rồi so sánh tất cả điều ấy với hiện tại. Vua phải trả lời
rằng, lúc trẻ vua rất thiện xảo về voi, ngựa, xe, cung kiếm, chân tay khỏe
mạnh và thiện chiến, thật thiện xảo đến nỗi như là có thần thông;
nhưng bây giờ ở tuổi già, vua đã mỏi mòn, gần chấm dứt, đã 80 tuổi,
không còn làm chủ được những động tác của mình. Để chứng minh thế
gian này không nơi nương tựa, không người che chở, Tôn giả Ratthapàla
hiển thị cho vua thấy rằng, mặc dù vua có tượng binh, kÿ binh, xa binh, bộ
binh để bảo vệ vua khi nguy hiểm, nhưng khi vua bị bệnh phong thì không thể
nhờ bạn bè thân quyến làm vơi nỗi đau đớn, san sẻ nỗi khổ của vua.
Để chứng minh rằng thế gian này không phải của ta, ta phải ra đi để lại
tất cả mọi sự sau lưng mình, Tôn giả Ratthapàla chỉ cho vua thấy
mặc dù vua có tiền và vàng đầy dẫy, dưới đất hay trên mặt đất, và
hiện tại vua có thể thụ hưởng năm dục, nhưng khi vua phải từ giã cõi
đời, thì những người khác sẽ thay vua mà hưởng thụ. Để chứng minh rằng
thế gian này thiếu thốn, không thỏa lòng, nô lệ cho tham ái, Tôn giả Ratthapàla
chứng minh cho vua rằng, mặc dầu xứ Kuru của ông đã phồn thịnh, nhưng
nếu có người đáng tin cậy từ bất cứ phương nào đến báo tin ở đấy
có một nước lớn, phồn thịnh, đông dân, nhiều kÿ binh, tượng binh, xa
binh, bộ binh, nhiều vàng, ngà voi và phụ nữ, chắc chắn vua sẽ đến
chinh phục xứ sở ấy.
4) Bài kệ của Lại-tra-hòa-la:
C: Rồi Lại-tra-hòa-la thốt lên
bài kệ này:
1.
"Tôi thấy người trên thế gian,
giàu có nhưng ngu si, không quen bố thí;
đã có tài sản, chúng lại mong muốn có thêm,
tham lam chất chứa, dồn của.
2. Vị vua
sau khi đã chinh phục quả đất,
trị vì nó tùy theo khả năng;
cũng chưa hài lòng với bên này biển,
lại còn tính đến bờ biển bên kia.
3. Vua cũng
như dân chúng,
trong khi vẫn còn tham ái,
lại phải chết,
vợ con khóc lóc với đầu tóc rũ rượi,
than vãn, mếu máo, đau khổ không thể nào ngăn.
4. Bị bọc
trong miếng vải liệm để chôn,
hoặc bị ném trên đống củi để thiêu xác,
mỗi người đều tùy theo nghiệp đi đến đời sau,
khi đã bị đốt cháy, họ không có tư tưởng nào giác ngộ.
5. Sau khi
chết, tài sản không thể mang theo,
cũng vậy, vợ con và nữ tỳ;
giàu có cũng như nghèo hèn đều giống nhau,
người ngu, kẻ trí đều cùng chung số phận.
6. Bậc
trí không ôm giữ sầu khổ,
nhưng kẻ ngu thì đầy đau buồn;
chính vì thế mà có trí là hơn,
nó giúp người ta đạt đến giác ngộ chân chính.
7. Vì bị
trói buộc sâu xa vào hữu,
kẻ ngu làm những ác nghiệp,
làm những hành vi phi pháp,
dùng vũ lực để ép buộc kẻ khác làm đúng pháp.
8. Những
người vô trí làm nỗ lực lớn,
kẻ ngu làm nhiều ác nghiệp,
bị sinh trong bào thai, chúng đi đến đời sau,
mãi hoài phải chịu sinh tử.
9. Khi đã
sinh vào một đời khác,
chúng một mình làm các hành vi xấu ác,
như những kẻ cướp, chúng bị trói,
chúng khổ đau vì ác nghiệp của chính mình.
10. Bằng
cách ấy những hữu tình này,
sinh vào đời sau.
do hạnh nghiệp của chính mình,
chúng đau khổ do ác nghiệp của chúng.
11. Như trái
chín tự rụng,
già và trẻ đều giống nhau,
chúng muốn tự trang sức và hưởng thụ,
tâm chúng theo đuổi những hình sắc tốt xấu.
12. Chúng bị
trói buộc và làm hại bởi dục vọng,
do dục, nổi lên sợ hãi,
Này đại vương, vì tôi thấy và thực chứng được điều này,
Tôi biết rằng hạnh Sa-môn là tối thượng."
P: Cũng vậy với nhiều hoặc ít
chi tiết hơn. Bản C có 12 bài kệ, trong khi bản P có 13, nửa cuối của
bài kệ thứ tư và thứ bảy trong bản C không có trong P, nửa cuối của
bài kệ thứ ba, năm, bảy, có trong P, không có trong C. Những bài kệ tương
đương như sau: C1 = P1; C2 = P2; C3 = nửa đầu P3 và nữa đầu P4; nửa đầu
C4 = nửa cuối P4; C5 = P6 và nửa đầu P8; C6 = nửa cuối P8 và nữa đầu
P9; nửa đầu C7 = nửa cuối P9; C8 = P10; C9 và C10 = P11; C11 = nửa đầu C12
và P13; C12 = nửa sau của P12 và P13.
C1 = P1: Gần giống, chỉ có một
giòng khác. C: Sau khi đã được tài sản, Chúng còn muốn có thêm = P:
Chúng khao khát có thêm dục lạc.
C2 = P2: Gần giống. Chỉ một
giòng khác. C: Trị vì trên nó tùy theo khả năng của mình = P: Trên một mảnh
đất được biển làm giới hạn.
C3 = nửa đầu P3 và P4:
C: Khóc lóc mếu máo, không chịu
nỗi khổ đau = P: Khóc lóc chúng bảo: than ôi, không phải là ông ta không
chết.
Nửa đầu C4 = nửa cuối C4: Bản
C thêm: để chôn, trong khi bản P chỉ nói đến hỏa táng.
C5 = P6 và nửa đầu P8: Gần giống.
Bản P thêm: những người thừa kế lấy tài sản của vị ấy đi, còn vị
ấy đi theo nghiệp của mình. C: Tài sản, vợ con, nữ tỳ = P: Tài sản,
con, vợ, tài sản và vương quốc.
C6 = nửa cuối P8 và nửa đầu
P9:
C: Bậc trí không ôm giữ buồn
phiền nhưng kẻ ngu ưa thích sầu khổ = P: Kẻ ngu nằm lăn ra, như thể bị
cuồng điên, trong khi người trí không run sợ khi bị chạm phải.
Nửa đầu C7 = nửa cuối P9: Gần
giống.
C8 = P10: Gần giống.
C9 và C10 = P11: Gần giống.
C11 = nửa đầu P12 và P13: C: Như
trái chín, chúng tự rụng, già trẻ đều giống nhau, chúng muốn tự trang
sức và hưởng thụ, tâm chúng theo đuổi các hình sắc tốt xấu = P: Như
trái rụng từ trên cây, cũng vậy, con người, già trẻ đều giống nhau
khi thân xác tan rã. Các dục lạc dễ chịu, ngọt ngào và đủ màu sắc nhưng
gây nhiều xáo trộn trong tâm.
C12 = nửa sau P12, 13: Gần giống.
E. Phần kết
Bản C nói vua Chu-lai-po hoan hỷ với
lời dạy của Tôn giả Lại-tra-hòa-la, nhưng bản P bỏ phần kết.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2