- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
NC15
C 115: Mật hoàn dụ kinh
P18: Kinh Mật hoàn
A. Toát yếu kinh c
Đức Phật dạy một vị dòng họ
Thích Ca rằng, giáo lý Ngài cốt đưa đến sự không tranh chấp trong thế
giới chư thiên, nhân loại và cốt nhổ tận gốc ái dục và chấp thủ.
Sau đó Phật giải thích vắn tắt cho các Tỳ-kheo ý nghĩa câu trả lời của
Ngài cho người dòng họ Thích Ca. Rồi Tôn giả Đại Ca Chiên Diên khai diễn
lời dạy của Phật theo lời yêu cầu của các Tỳ-kheo. Những giải thích
của Tôn giả Đại Ca Chiên Diên được trình lên Phật, Ngài khen ngợi
Tôn giả và chấp nhận lối giải thích của Tôn giả. Rồi Phật trích dẫn
ví dụ viên mật cho các Tỳ-kheo.
P: Gần giống, nhưng trong bản P
chính Tôn giả A Nan trích dẫn ví dụ viên mật.
B. Nhan đề
C: Mật hoàn dụ kinh, bản
kinh về ví dụ viên mật.
P: Kinh Mật hoàn, bản
kinh nói về viên mật.
C. Nơi thuyết kinh
C: Phật đang du hành ở giữa dân
chúng Sakyas ở Ca Tỳ La Vệ.
P: Giống nhau; thêm: trong vườn cây
Ni câu luật.
D. Nội dung kinh
I. Đức Phật gặp người Sakya:
1. Đức Phật gặp người Sakya
và câu hỏi của ông:
C: Vào lúc bấy giờ đức Thế Tôn
khi đêm đã mãn, buổi sáng đắp y, cầm y bát vào thành Ca Tỳ La Vệ để
khất thực. Sau khi ăn xong, vào buổi xế trưa, sau khi dẹp y bát, rửa chân
tay, Ngài đặt tọa cụ lên vai đi đến rừng Trúc của người Sakyas, đi vào
khu rừng lớn, đến nơi cội cổ thụ, trải tọa cụ và ngồi kiết già.
Khi ấy một người Sakya gậy cầm tay đang du hành, vào buổi xế trưa đi
đến nơi đức Phật, trao đổi những lời chào hỏi với Ngài, chống gậy
đứng trước Phật và hỏi Thế Tôn: "Thưa Sa-môn Cù Đàm, những
nguyên lý căn bản của ngài là gì? Ngài thuyết giảng lý thuyết gì?"
P: Gần giống, nhưng bỏ bớt:
"đêm đã mãn, dẹp y bát, rửa chân tay, đặt tọa cụ lên vai, tu viện
rừng trúc của người Sakyas, trải tọa cụ". Thêm: "để trú ban
ngày; Beluvalatthikàya mùle divàvihàram (nisìdi). Ở đây người Sakya hỏi
Phật : "Giáo lý của Ngài là gì? Ngài thuyết giảng những gì?".
2. Đức Phật trả lời và phản
ứng của người Sakya:
C: Đức Thế Tôn trả lời:
"Này Sakya, trong tất cả thế giới với chư thiên, ma, phạm thiên,
Sa-môn và Bà-la-môn, từ nhân loại cho đến chư thiên, tránh đấu chiến,
tranh cãi, mà đào luyện, thực hành đời sống phạm hạnh trong sạch, ly dục;
tránh nịnh hót, cong quẹo, trừ khử sự hối hận, không còn chấp thủ,
không tưởng đến hữu hay phi hữu. Đây là nguyên tắc căn bản của ta,
đây là những gì ta thuyết giảng". Khi ấy người Sakya gậy cầm tay,
nghe xong lời Phật dạy, không chấp thuận cũng không bác bỏ, ngẩng đầu
và bỏ đi.
P: Gần giống. C: tránh chiến đấu,
tranh cãi=P: không tranh chấp với một ai trên đời. C: tập viễn ly khỏi dục=P:
kàmehi visamyuttam. C: đào luyện thực hành đời sống phạm hạnh
trong sạch, ly dục=P: viharantam tam bràhmanam. C: trừ khử hối hận=P:
không nghi ngờ, cắt đứt trạo hối. C: không chấp thủ, bám víu, không tưởng
về hữu hay phi hữu=P: không tham hữu hay phi hữu. P bỏ: từ bỏ nịnh hót
và cong quẹo. Về phản ứng của người Sakya, P bỏ: không chấp thuận,
không bác bỏ; thêm: lăn tròn lưỡi, trán nổi lên ba đường nhăn, dựa trên
cây gậy.
II. Đức Phật giải thích câu trả lời của Ngài cho người
Sakya:
C: Khi ấy đức Thế Tôn, khi người Sakya gậy
cầm tay vừa đi khỏi không lâu, vào buổi chiều, sau khi ra khỏi thiền định,
Ngài đi đến giảng đường trải tọa cụ ngồi trước mặt các Tỳ-kheo
và nói như sau: "Sáng nay ta đắp y,.... (như trên), thay chữ Phật bằng
chữ Ta cho đến.... lắc đầu và bỏ đi". Khi ấy một Tỳ-kheo đứng
lên khỏi chỗ, trật một vai áo, chắp tay hướng về Phật và thưa:
"Bạch đức Thế Tôn, gì là ý nghĩa của câu nói 'Trong tất cả thế
giới..... (như trên cho đến) không chấp hữu hay phi hữu?' Đức Thế Tôn
nói: "Này các Tỳ-kheo, có người do suy tư, từ bỏ gia đình, học
pháp, tư duy và tu hành. Vị ấy không tham ái, không hoan hỷ, không chấp thủ,
không ở trong các pháp quá khứ, vị lai, hiện tại. Đây gọi là sự chấm
dứt đau khổ. (Từ bỏ) những kiết sử tham dục, sân hận, hữu, mạn,
vô minh, tà kiến, nghi ngờ, đấu tranh, cãi cọ, ghét và ganh tị, dua nịnh,
gian lận và lừa dối, nói láo, hai lưỡi, và vô số ác bất thiện pháp.
Đây gọi là sự chấm dứt khổ." Sau khi nói vậy, Phật rời khỏi chỗ,
đi vào nhà và ngồi thiền.
P: Giải thích trong P hơi khác:
"Nếu vì bất cứ nguyên nhân gì, một số chướng ngại tưởng
(panpancasannàsankhà) xâm chiếm một người, nếu nơi vị ấy không có sự
thích thú (abhinanditabbam), không đáp ứng, (abhivaditabbam), không bám víu
(ajjhositabbam), thì đây là chấm dứt của tham tùy miên, sân, kiến, nghi, mạn
tùy miên, chấm dứt hữu tham, vô minh tùy miên (ràga-patigha-ditthi-vicikicchà-màna-bhavaràga-avijjànusayam).
Đây cũng là sự chấm dứt cầm gậy, kiếm, chấm dứt tranh chấp, cãi cọ,
bất đồng, đấu tranh, hai lưỡi, vọng ngữ, tất cả ác bất thiện pháp
này bị hủy diệt không dư tàn".
III. Các Tỳ-kheo yêu cầu và Tôn giả Ca Chiên Diên giải thích:
1. Các Tỳ-kheo yêu cầu:
C: Khi ấy các Tỳ-kheo nghĩ như
sau: "Chư hiền, đức Thế Tôn đã nói vắn tắt ý nghĩa này mà không
phân tích chi tiết, đã đứng dậy khỏi chỗ, đi vào nhà ngồi thiền."
(lập lại lời nói của Phật như trên). Họ lại nghĩ: "Chư hiền, ai
có thể phân tích chi tiết, ý nghĩa được đức Thế Tôn nói vắn tắt,
được đấng Thiện thệ nói vắn tắt? Tôn giả Ca Chiên Diên có thể
phân tích chi tiết ý nghĩa được đức Thế Tôn nói vắn tắt. Chư hiền,
hãy cùng nhau đi đến Tôn giả Ca Chiên Diên, yêu cầu ngài giải thích ý
nghĩa này, và những gì Tôn giả Ca Chiên Diên đã phân tích, chúng ta sẽ
khéo thọ trì." Rồi các Tỳ-kheo đi đến Tôn giả Ca Chiên Diên, trao
đổi những lời chào hỏi với Ngài, ngồi qua một bên, nói: "Thưa Tôn
giả Đại Ca Chiên Diên, đức Thế Tôn đã nói vắn tắt ý nghĩa này và
không phân tích chi tiết, đã đứng dậy đi vào nhà ngồi thiền (lặp lại
câu trên do Phật nói). Chúng con nghĩ, chư hiền ai có thể phân tích ý nghĩa
được đức Thế Tôn nói vắn tắt.... Tôn giả Ca Chiên Diên có thể phân
tích chi tiết ý nghĩa được đức Thế Tôn nói vắn tắt. Nay xin Tôn giả
Đại Ca Chiên Diên vì lòng đại bi, hãy giải thích chi tiết cho chúng
con." Khi ấy Tôn giả Ca Chiên Diên nói: "Này chư hiền, hãy lắng
nghe ví dụ của tôi. Người trí sau khi nghe ví dụ sẽ nhận ra ý nghĩa."
P: Gần giống, cũng những dị biệt
như đã thấy trong đoạn trước.
2. Ví dụ của Tôn giả Ca
Chiên Diên:
C: "Này chư hiền, ví như người muốn
đi tìm lõi cây, vì muốn tìm lõi cây, người ấy lấy một cái búa đi vào
rừng, trông thấy một cây lớn có gốc, rễ, cành, mắc, cọng, lá, hoa,
trái. Người ấy không động đến rễ, cành, mắc, trái mà chỉ động đến
lá, cành vụn vặt. Chư hiền, lời nói của quý vị cũng thế. Chư hiền
đã bỏ qua đức Thế Tôn mà lại đến tôi để hỏi ý nghĩa này. Tại
sao thế? Chư hiền, hãy biết đức Thế Tôn là con mắt, là tri kiến, là
ý nghĩa, là Pháp, chúa tể của pháp, tướng quân chánh pháp. Đức Thế Tôn
trình bày ý nghĩa của chân lý, hiển thị ý nghĩa của mọi sự. Chư hiền,
hãy đi đến nơi đức Thế Tôn để hỏi ý nghĩa này: Bạch đức Thế Tôn
đây là gì? Gì là ý nghĩa của câu này? Những gì đức Thế Tôn nói, chư
hiền hãy khéo thọ trì."
P: Ví dụ giống nhau nhưng chi tiết
khác. Bản P bỏ: lấy một cái rìu, đi vào rừng, cọng, hoa, trái; chỉ
nói: "một người cần lõi cây, đi tìm lõi cây, gặp một cây lớn có
lõi. Nhưng người ấy bỏ qua rễ, thân, mà nghĩ rằng, lõi cây có thể
được tìm nơi cành và lá. Đấy là điều mà chư hiền đã làm. Đức Đạo
sư ở trước mắt chư hiền, thế mà chư hiền lại bỏ qua Ngài, nghĩ đến
việc hỏi tôi ý nghĩa này". Ở đây bản P nói nhiều hơn để ca tụng
đức Phật: "Ngài biết cái gì cần biết, thấy những gì cần thấy,
Ngài có mắt, có trí, có pháp, là đấng Phạm, đấng thuyết giảng, người
dẫn đường đến ý nghĩa, người cho sự bất tử, chúa tể của Pháp, đức
Như Lai". rồi Ngài khuyên chư Tỳ-kheo đã đến lúc nên đi đến chỗ
Phật để hỏi ý nghĩa lời dạy của Ngài, và những gì Phật giảng, các
Tỳ-kheo nên thọ trì trong tâm.
3. Sự năn nỉ của các Tỳ-kheo:
C: Khi ấy các Tỳ-kheo nói:
"Thưa Tôn giả Đại Ca Chiên Diên, đức Thế Tôn là con mắt, là trí,
là ý nghĩa, là Pháp, là tướng quân chánh pháp; đức Thế Tôn trình bày
ý nghĩa của chân lý, khai thị ý nghĩa của mọi sự. Chúng con nên đến
đức Thế Tôn để hỏi ý nghĩa này. Những gì đức Thế Tôn đã dạy,
chúng con nên thọ trì. Nhưng Tôn giả Đại Ca Chiên Diên đã được đức
Thế Tôn và các vị đồng phạm hạnh đa văn ca tụng. Tôn giả Ca Chiên
Diên có thể phân tích chi tiết ý nghĩa lời dạy vắn tắt của đức Thế
Tôn. Xin Tôn giả Ca Chiên Diên vì lòng từ bi giải thích chi tiết."
P: Gần giống, với những dị biệt
như đã thấy trong đoạn trước.
4. Tôn giả Ca Chiên Diên giải
thích:
C: Tôn giả Ca Chiên Diên bảo các
Tỳ-kheo: "Này chư hiền, hãy lắng nghe, tôi sẽ nói. Do duyên mắt và sắc
pháp, nhãn thức khởi lên. Khi ba pháp này gặp gỡ, khi ấy có xúc. Do
duyên xúc, thọ khởi lên. Cái gì người ta cảm thọ, người ta nhận thức
cái ấy. Cái gì người ta nhận thức, người ta suy tư; những gì người
ta suy tư, người ta lập nên những ý tưởng; những gì người ta lập thành
ý tưởng, người ta phân biệt. Các Tỳ-kheo do những ý tưởng này mà từ
bỏ gia đình, học pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành. Đối với các pháp
quá khứ, vị lai, hiện tại sẽ không còn tham ái, không còn thích thú,
không chấp thủ, không trú trước, đây gọi là chấm dứt khổ. Những kiết
sử của tham dục, sân, hữu, mạn, vô minh, tà kiến, nghi, đấu tranh, cãi
cọ, không thích, ganh tị, nịnh hót, lừa dối, xảo trá, nói láo, hai lưỡi
và vô số ác bất thiện pháp khác, đây gọi là sự chấm dứt khổ, (cũng
vậy với các căn khác). Này chư hiền, nếu không có mắt, sắc pháp, nhãn
thức, thì xúc không thể sanh khởi, xúc không thể hiện hữu; khi xúc
không sanh khởi, thì thọ không sanh. Nếu thọ không sanh, (ở đây ý tưởng
được bỏ), thì không thể có ý nghĩ khởi lên, về sự xuất gia, học
pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành (cũng vậy với các căn khác, cùng với
đối tượng và thức tương ứng). Này chư hiền, do mắt, do sắc pháp, do
nhãn thức mà có thể khởi lên xúc. Do xúc khởi lên, có thể có sự khởi
lên của thọ. Do thọ khởi lên, có thể khởi lên những ý nghĩ về xuất
gia, học pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành. (cũng vậy với các căn khác,
với đối tượng và thức tương ứng). Chư hiền, đây gọi là những gì
đức Thế Tôn nói vắn tắt ý nghĩa, không phân tích chi tiết, rồi Ngài rời
khỏi chỗ đi vào nhà ngồi thiền. Các Tỳ-kheo do các ý tưởng, xuất gia
học pháp, suy tư ý nghĩa và thực hành. Đối với các pháp quá khứ.... đây
gọi là sự chấm dứt khổ. Này chư hiền, ý nghĩa này mà đức Thế Tôn
đã nói vắn tắt, không phân tích chi tiết, tôi đã dùng những câu này,
những văn mạch này để giải thích chi tiết. Bởi thế, này chư hiền, hãy
đi đến đức Thế Tôn, thuật lại tất cả với Ngài. Những ý nghĩa gì
Ngài giải thích, chư hiền hãy thọ trì".
P: Gần giống. C: tư tưởng khởi
lên=P: vitakketi; C: ý nghĩ sinh khởi=P: papanceti; C: từ những ý
nghĩ, phân biệt khởi lên=P: yam papanceti tato nidànam purisam
papanca-sannàsankhà samudàcaranti atìtànàgata-paccuppannesu cakkhuvinneyyesu rùpesu
(Những gì ám ảnh người ta là nguyên nhân gây nên một số tưởng và ám
ảnh tóm lấy thái độ người ấy đối với các pháp quá khứ, vị lai,
hiện tại do ý nhận thức. Cũng vậy với các căn khác). Những dị biệt
khác cũng như đã thấy trong đoạn trước. Cuối cùng, Tôn giả Đại Ca
Chiên Diên hỏi các Tỳ-kheo có muốn đi đến đức Thế Tôn để hỏi ý
nghĩa, và ngài khuyên họ hãy thọ trì những gì đức Thế Tôn dạy.
IV. Các Tỳ-kheo thuật lại với đức Phật và Phật khen:
1. Các Tỳ-kheo thuật lại:
C: Khi ấy các Tỳ-kheo sau khi nghe Tôn giả Ca
Chiên Diên nói, đã ghi nhận, thọ trì và đọc tụng, đứng dậy khỏi chỗ
ngồi, nhiễu quanh Tôn giả Ca Chiên Diên ba vòng rồi đi. Họ đến nơi đức
Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi xuống một bên và nói: "Ý nghĩa này
được đức Thế Tôn nói vắn tắt, không giải thích chi tiết, rồi đứng
dậy đi vào nhà ngồi thiền, Tôn giả Ca Chiên Diên đã giải thích chi tiết
bằng những câu này, lời này".
P: Gần giống, với những dị biệt
như đã thấy trong đoạn trước. Ở đây bản P chỉ nói rằng các Tỳ-kheo
hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Ca Chiên Diên, rồi thuật lại với đức Phật
lời giải thích của Tôn giả.
2. Đức Phật khen:
C: Đức Thế Tôn sau khi nghe những
lời thuật, đã thốt lời ca tụng như sau: "Lành thay, rất lành thay,
đệ tử ta có mắt, có trí, có pháp, nắm được ý nghĩa. Tại sao? Vì những
gì đức Đạo sư giải thích vắn tắt cho các đệ tử, ý nghĩa của những
gì không được phân tích chi tiết, đệ tử ta đã dùng câu như vậy, văn
như vậy để giải thích chi tiết. Đại Ca Chiên Diên đã nói với các
ông như thế nào, hãy thọ trì như thế ấy. Tại sao? Nếu ta xét ý nghĩa
của lời nói, thì đúng là như vậy".
P: Gần giống. Phật khen Đại Ca
Chiên Diên là bậc đại tuệ. Và Ngài nói rằng nếu các Tỳ-kheo hỏi
Ngài câu hỏi ấy, Ngài cũng sẽ trả lời y như cách Đại Ca Chiên Diên đã
trả lời.
V. Ví dụ viên mật:
C: "Này các Tỳ-kheo, như một người đi
qua một nơi vắng vẻ, giữa các cây cối, bỗng được một viên mật; mỗi
miếng nó ăn vào, nó được hương vị của mật. Cũng vậy, các thiện nam
tử đã đi đến Pháp, Luật này của ta, bất cứ gì người ấy tư duy,
người ấy sẽ có được hương vị của điều ấy. Suy tư về con mắt,
người ấy được hương vị. Suy tư về tai, mũi, lưỡi, thân, ý, người
ấy được hương vị".
P: Trong bản Pàli, chính Tôn giả
Ànanda dẫn ví dụ để chỉ lời dạy của đức Phật. Ví dụ này hơi khác
: "Một người bị đói lả, kiệt sức, được một viên mật, và cứ
ăn một miếng người ấy lại được vị ngon ngọt:" Bản P thay người
thiện gia nam tử bằng một Tỳ-kheo thông minh.
C: hướng đến pháp luật này của
ta = P: hướng đến pháp, tức là những gì mà đức Phật vừa giảng. Bản
P bỏ : suy tư về con mắt, người ấy được vị, suy tư về tai, mũi, lưỡi,
thân, ý, người ấy được vị.
VI. Tên kinh:
C: Vào lúc bấy giờ Tôn giả A
Nan đang cầm quạt lông đứng hầu sau Phật. Tôn giả chắp hai tay hướng
về Phật mà bạch : "Bạch Thế Tôn, pháp này tên gọi là gì , chúng
con phụng hành như thế nào?" Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo :
"Này A Nan, pháp này được gọi là ví dụ viên mật, như vậy các ngươi
nên phụng hành".
P: Ở đây Tôn giả A Nan cũng hỏi
câu trên, và Phật cho tên là pháp môn mật hoàn.
VII. Đức Phật khen ngợi:
(Trong khi bản P chấm dứt ở đây,
bản C thêm lời khen ngợi của Phật như sau):
C: Bấy giờ đức Thế Tôn bảo
các Tỳ-kheo : "Sau khi thọ pháp ví dụ viên mật này, các ngươi nên tụng
đọc. Vì sao? Này các Tỳ-kheo, kinh ví dụ viên mật này có pháp, có nghĩa,
là nền tảng của đời sống phạm hạnh, đưa đến thắng trí, giác ngộ,
Niết-bàn. Nếu có những thiện gia nam tử nào cạo bỏ râu tóc, đắp áo
cà sa, vì lòng tin xuất gia từ bỏ gia đình để học pháp, họ nên khéo
thọ trì và an trú ví dụ viên mật này".
E.Phần Kết
Trong khi bản P chỉ nói Tôn giả
A Nan hoan hỷ tín thọ lời dạy của đức Thế Tôn, bản C thêm các Tỳ-kheo.
NC17
C101 : Tăng thượng tâm kinh
P20 : Kinh An trú tầm
A. Toát yếu kinh C
Phật dạy các Tỳ-kheo rằng muốn
đạt đến tăng thượng tâm, Tỳ-kheo nên thường xuyên luyện tâm theo năm
phương pháp : 1) xoay tâm về hướng một đặc tính khác, 2) tư duy về những
nguy hiểm của tư tưởng bất thiện, 3) tránh nghĩ đến các tư tưởng bất
thiện, 4) tác động trên những tư tưởng ấy để dần dần giảm thiểu
chúng, 5) tập luyện lấy tâm hàng phục tâm.
P: Gần giống. Phương pháp thứ tư
hơi khác.
B. Nhan đề kinh
C: Tăng thượng tâm kinh,
kinh nói về những tư tưởng cao thượng.
P: Kinh an trú tầm, bản kinh
nói về nguồn gốc của tư tưởng.
C. Nơi thuyết kinh
Giống nhau trong cả hai bản : Xá
Vệ quốc, Kỳ tho,ï Cấp-cô-độc viên.
D. Nội dung kinh
I. Làm thế nào để đạt đến tăng thượng tâm:
C: Vào lúc bấy giờ đức Thế Tôn bảo các
Tỳ-kheo: "Nếu một Tỳ-kheo muốn đạt tăng thượng tâm, vị ấy nên
thường xuyên tư duy về năm đặc tính. Nhờ tư duy năm đặc tính, các tư
tưởng bất thiện đã sinh chấm dứt; các tư tưởng bất thiện nhờ đã
chấm dứt, tâm vị ấy trở nên tập trung, nội tĩnh, nhất tâm, đắc định".
P: Gần giống.
C: tư tưởng cao quý = P: tăng thượng
tâm.
C: đặc tính = P: nimittam (tướng).
Nó bỏ : "nhờ thường xuyên tư duy...đắc định".
II. Đặc tính thứ nhất:
a) Xoay tâm từ đặc tính này
đến một đặc tính khác:
C: "Những gì là năm? Vị Tỳ-kheo tư duy
về một đặc tính thiện; nếu các tư tưởng bất thiện khởi lên do đặc
tính này, vị ấy nên suy tư về một đặc tính thiện khác, để những
tư tưởng ác bất thiện kia không còn khởi lên. Do tư duy về một đặc tính
thiện khác với đặc tính trước, các tư tưởng bất thiện đã khởi
lên được chấm dứt. Nhờ các bất thiện tư duy đã chấm dứt, tâm được
định...(như trên)."
P: Trong bản P đặc tính được gọi
là tướng, không có "thiện" như ở bản C. Các tư tưởng ác khởi
lên được kể là ác bất thiện tâm liên hệ đến tham, sân và si. Nội
tâm, khi các bất thiện pháp đã được phá hủy, được mô tả là nội tĩnh
nhất tâm.
b) Ẩn dụ để làm sáng tỏ đặc
tính thứ nhất này:
C: "Giống như một người thợ mộc, hay
đệ tử người thợ mộc, dùng giây mực kẽ một đường trên gỗ, rồi
dùng cưa bén để cưa khúc gỗ cho thẳng."
P: Không giống hẳn. Bản P cũng nói
đến người thợ mộc hay đệ tử người thợ mộc nhưng thêm từ
"thiện xảo". Ở đây nói người thợ mộc hay người thợ mộc dùng
một cái nêm nhỏ để đánh bật một cái nêm lớn.
Nhận xét: Thí dụ
trong P chính xác hơn, còn bản C lập lại ví dụ trong NC8, đoạn nói về
quán thân.
III. Đặc tính thứ 2:
a) Quán sát tư tưởng bất thiện
là xấu xa:
C: "Lại nữa vị Tỳ-kheo tư
duy một đặc tính thiện; nếu tư duy bất thiện khởi lên, vị ấy nên
quán sát tư duy này là xấu ác, những tư duy này bị người trí khinh bỉ;
một người có những tư duy này tràn đầy thì không thể đạt giác ngộ,
không thể đạt Niết-bàn, vì chúng làm khởi lên các tư duy ác, bất thiện.
Sau khi quán sát những tư tưởng này là xấu xa, những tư duy bất thiện
đã khởi lên sẽ chấm dứt. Những tư duy bất thiện sau khi chấm dứt.........
(như trên)."
P: Gần giống. Ở đây bản P nói
rõ rằng nếu vị ấy đã xoay tâm mình về những tư tưởng thiện, nhưng
các tư duy bất thiện vẫn khởi lên, thì vị Tỳ-kheo cần phải quán sát
những nguy hiểm của những tư duy này, xem chúng là bất thiện, đáng khiển
trách và có hậu quả đau khổ.
b) Ví dụ:
C: "Như một người trẻ tuổi,
có tư cách, khả ái, đã tắm rửa xong, mặc áo quần sạch sẽ thuần tịnh,
thân thể được thoa nước thơm, râu tóc khéo chải chuốt, hết sức trong
sạch. Ví như người ấy lấy một xác rắn, xác chó, xác người, đã bị
ăn một phần, có màu xanh bầm, sưng vù lên, làm mủ, nứt nẻ, có nước
ghê tởm đang chảy ra, và quàng nó vào cổ, thì người ấy sẽ ghê tởm,
nôn mửa, không sung sướng, không hoan hỷ."
P: Gần giống. Ở đây bản P nói
đến một người đàn bà hay một người đàn ông, hay một thanh niên
thích trang sức, và bỏ các chi tiết khác. Nó chỉ nói thây của một con rắn,
một con chó, hay một thây người đeo nơi cổ, bỏ các chi tiết khác.
C: người ấy sẽ ghê tởm, chống
lại, không hoan hỷ, và không sung sướng=P: người ấy sẽ phản đối, thất
vọng và ghê tởm.
IV. Đặc tính thứ ba:
a) Không xét đến những tư tưởng
này:
C: "Lại nữa, khi Tỳ-kheo tư
duy đặc tính thiện, nhưng các tư tưởng bất thiện khởi lên; nếu vị
ấy tư duy về những nguy hiểm (của chúng), mà những tư tưởng bất thiện
vẫn khởi lên, thì vị Tỳ-kheo không nên tư duy về các ý niệm có thể
làm sinh khởi các tư tưởng bất thiện. Nhờ không tư duy những ý nghĩ này,
tư tưởng bất thiện đã sinh sẽ chấm dứt. Khi những tư tưởng bất thiện
đã chấm dứt... (như trên).... được định tĩnh."
P: Gần giống. Ở đây bản P nói
không tác ý các tư tưởng ấy : vitakkànam asati-aamanasikàro.
b. Ẩn dụ:
C: Như một người có mắt không
muốn nhìn các sắc pháp dưới ánh sáng ban ngày, vị ấy sẽ nhắm mắt lại
hoặc quay đi chỗ khác. 'Các ông nghĩ thế nào? Mặc dù các sắc pháp vẫn
ở đó giữa ánh sáng ban ngày, người kia có thâu nhận hình ảnh chúng
được không?' Các Tỳ-kheo trả lời: 'Không, không thể.' "
P: Gần giống. C: quay đi = P: nhìn
vào một hướng khác. C: trong ánh sáng ban ngày = P: trong tầm mắt thấy.
Nó bỏ phần cuối với câu hỏi: "Ông nghĩ thế nào.... không thể."
V. Đặc tính thứ tư:
a. Tư duy về diễn tiến của
tư tưởng và dần dần giảm bớt những tư tưởng ấy:
C: "Lại nữa, khi Tỳ-kheo tư
duy về thiện pháp, mà các tư tưởng bất thiện cứ khởi lên, khi vị ấy
tư duy đến sự nguy hiểm của chúng, tư tưởng bất thiện vẫn khởi; dù
vị ấy không tư duy đến chúng, tư tưởng bất thiện vẫn còn khởi lên,
thì vị Tỳ-kheo nên trầm tư về nó và tác động lên nó để dần dần
giảm thiểu những tư duy, để những tư tưởng bất thiện đã sanh sẽ chấm
dứt. Sau khi tư tưởng bất thiện chấm dứt.... (như trên)... định
tĩnh."
P: Hơi khác. Bản P chỉ nói rằng,
mặc dù vị Tỳ-kheo không suy nghĩ, không giữ trong tâm những tư tưởng
ấy, mà các ác bất thiện pháp trong tâm vẫn khởi lên thì khi ấy vị ấy
nên tư duy về tiến trình và nguồn gốc của những tầm tư duy này.
b) Ẩn dụ:
C: "Như một người đang đi
nhanh trên đường, bỗng nghĩ: 'Tại sao ta phải đi nhanh thế, nay ta nên đi
chậm lại.' Thế là vị ấy đi chậm. Rồi vị ấy lại nghĩ: 'Tại sao ta
phải đi chậm, tốt hơn nên dừng lại.' Rồi vị ấy dừng. Vị ấy lại
nghĩ: 'Tại sao ta đứng, tốt hơn nên ngồi xuống'. Khi ấy vị ấy ngồi
xuống. Rồi vị ấy nghĩ: 'Tại sao ta ngồi, tốt hơn ta nên nằm.' Rồi vị
ấy nằm. Như vậy người kia tuần tự chấm dứt những thân hành
thô."
P: Gần giống. Chỉ có câu cuối
cùng hơi khác như sau: "Như vậy người ấy từ bỏ tư thái thô tháo
và duy trì tư thế thoải mái, an tịnh."
VI. Đặc tính thứ năm:
a) Kiểm soát tâm:
C: "Lại nữa, khi vị Tỳ-kheo
tư duy thiện pháp, nhưng các tư tưởng bất thiện vẫn khởi lên; khi vị
ấy.... trầm tư, tác động trên chúng, và dần dần giảm thiểu các tư
tưởng mà các bất thiện tư duy vẫn khởi lên. Khi ấy vị Tỳ-kheo nên
nghĩ như sau: 'Vì những ý nghĩ này mà các tư tưởng bất thiện sinh khởi.'
Khi ấy vị Tỳ-kheo nên nghiến răng, dán chặt lưỡi trên nóc họng, dùng
tâm chế ngự tâm, vị ấy ngăn chận, tóm lấy, hàng phục tâm để cho các
tư tưởng ác bất thiện không khởi lên."
P: Gần giống. Bản P dùng các từ
ngữ sau đây: kiểm soát, hàng phục, thắng lướt.
b) Ví dụ:
C: "Giống như hai người đô vật tóm lấy
một người yếu, chế ngự, hàng phục người này."
P: Gần giống. Nó nói đến một
người mạnh tóm lấy đầu và vai của một người yếu rồi ngăn chận, hàng
phục, và thắng lướt người này.
VII. Tóm tắt:
C: "Nếu một Tỳ-kheo muốn đạt đến
tăng thượng tâm, vị ấy nên thường xuyên tư duy năm đặc tính này. Nếu
vị ấy tư duy năm đặc tính này, thì các ác bất thiện tư duy sẽ chấm
dứt. Nhờ các tư duy bất thiện không còn sinh khởi, tâm vị ấy được cố
định, nội tâm tịch tĩnh, chuyên nhất, tập trung. Khi vị Tỳ-kheo tư duy
về các thiện pháp, các tư tưởng xấu không sinh khởi; khi vị ấy tư duy
về nguy hiểm của tư tưởng, các ý nghĩa bất thiện cũng không sinh khởi.
Khi vị ấy trầm tư, tác động lên chúng và từ từ giảm thiểu những ý
tưởng này, tư tưởng ác cũng không sinh khởi; khi vị ấy dùng tâm chế
ngự tâm, hàng phục nó, thì tư tưởng ác cũng không sinh khởi. Khi ấy vị
ấy được sự làm chủ chính mình. Khi vị ấy muốn suy nghĩ, thì vị ấy
suy nghĩ, nếu không muốn suy nghĩ thì không suy nghĩ. Nếu một Tỳ-kheo có
thể suy nghĩ khi muốn, và không suy nghĩ khi không muốn, thì vị Tỳ-kheo
ấy được gọi là một người kiểm soát được tư tưởng, một người
làm chủ được sự diễn tiến tư tưởng."
P: Phần tóm tắt trong P gần giống
C, nhưng phần cuối hơi khác.
C: được gọi là một người kiểm
soát tư tưởng, làm chủ tư tưởng = P: người ấy là bậc thầy về phương
pháp và đường lối tư duy. Nó thêm: vị ấy đã phá hủy tham ái, tẩy trừ
kiết sử, hoàn toàn hàng phục kiêu mạn và chấm dứt khổ đau.
Phần kết
Cả hai bản có phần kết thông
thường.
NC22
C204: La ma kinh
P26: Kinh Thánh cầu
A. Toát yếu kinh C
Phật khuyên các Tỳ-kheo khi gặp
nhau chỉ nên bàn luận về pháp hoặc giữ im lặng. Rồi Ngài giải thích sự
tầm cầu cao thượng, sự tầm cầu phi thánh, và thuật lại cuộc đời của
Ngài về sự tầm cầu cao thượng, từ khi Ngài đến gần hai bậc hiền nhân
để học đạo cho đến khi Ngài thuyết bài pháp đầu tiên tại Ba La Nại
cho năm vị Sa-môn. Kế tiếp Ngài giảng về năm đối tượng của dục và
mô tả hai thái độ của hai hạng người đối với dục.
P: Gần giống, chỉ có vài dị biệt
trong phần thuật lại lời Phật.
B. Nhan đề
C: La ma kinh, bản kinh giảng
cho La Ma, tên của Bà-la-môn. Phật đã giảng bài kinh này tại nhà ông.
P: Kinh Thánh cầu, bản kinh
nói về sự tầm cầu cao thượng, nói đến những giải thích của Phật về
sự tầm cầu thánh thiện. Bản P còn có nhan đề Pàsaràsisutta.
C. Chỗ thuyết kinh
C: Đức Phật du hành ở nước Xá
Vệ và trú trong lâu đài Lộc Mẫu. Vào buổi chiều Ngài cùng Tôn giả A
Nan đi đến sông Aciravati để tắm. Từ đây họ đi đến nhà của Lộc Mẫu,
nơi đức Phật thuyết kinh.
P: Đức Phật ở Xá Vệ, Kỳ thọ
Cấp-cô-độc viên, trong tu viện. Ngài đi đến lâu đài Lộc Mẫu để trú
ban ngày. Từ đấy Ngài đi đến Pubbakotthaka để rửa chân tay, rồi do yêu
cầu của Tôn giả A Nan, Ngài đi đến ngôi nhà của Rammaka, gặp các Tỳ-kheo
và thuyết pháp.
D. Nội dung kinh
I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
1. Phật đi tắm:
C: "Một thời đức Phật du hành
tại Xá Vệ và ở lại trong công viên phía đông, lâu đài của Lộc Mẫu.
Đức Thế Tôn vào buổi chiều ra khỏi thiền định, từ trên lầu đi xuống
bảo Tôn giả A Nan : 'Nay ta sẽ cùng ngươi đi tắm sông Aciravati.'
Tôn giả A Nan đáp: 'Thưa vâng, bạch Thế Tôn'. Tôn giả A Nan cầm theo
chìa khóa đi đến nhiều nhà, gặp các Tỳ-kheo và bảo: 'Chư hiền, hãy
đi đến nhà Bà-la-môn La Ma'. Sau khi nghe vậy, các Tỳ-kheo đi đến nhà của
Bà-la-môn La Ma. Đức Thế Tôn cùng đi với Tôn giả A Nan đến sông, cởi
thượng y để trên bờ và xuống sông tắm. Sau khi tắm xong, Ngài trở lên
lau khô thân thể và mặc y phục."
P: Không giống hẳn. Bản P khởi
sự với Phật ở tu viện Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên tại Xá Vệ. Rồi
Ngài vào thành Xá Vệ khất thực. Nhiều Tỳ-kheo đi đến Tôn giả A Nan thưa
rằng họ muốn nghe đức Thế Tôn trực tiếp thuyết pháp cho họ vì đã
lâu họ không được nghe. Tôn giả A Nan liền bảo họ đi đến nhà
Bà-la-môn Rammaka. Khi đức Phật đi khất thực trở về và ăn xong,
Ngài cùng Tôn giả A Nan đi đến giảng đường Lộc Mẫu để nghỉ ban ngày.
Vào buổi chiều đức Phật ra khỏi độc cư thiền tịnh và cùng Tôn giả
A Nan đi đến sông Pubba-kottaka để rửa chân tay. Sau khi tắm rửa, Phật
ra khỏi nước, mặc một tấm y trong đứng trên bờ hong chân tay cho khô.
2. Tôn giả A Nan yêu cầu Phật
đi đến nhà Bà-la-môn Rammaka:
C: "Lúc bấy giờ Tôn giả A
Nan đứng sau lưng đức Thế Tôn và quạt cho Ngài. Rồi Tôn giả A Nan chắp
tay hướng về Phật mà bạch: "Bạch đức Thế Tôn, ngôi nhà của
Bà-la-môn La Ma hết sức ngăn nắp, khả ái và dễ chịu. Xin đức Thế Tôn
vì lòng bi mẫn, đi đến nhà của Bà-la-môn La Ma." Đức Thế Tôn im lặng
nhận lời Tôn giả A Nan. Rồi đức Thế Tôn cùng với Tôn giả A Nan đi đến
nhà Bà-la-môn La Ma."
P: Gần giống. Bản P bỏ Tôn giả
A Nan đứng sau lưng đức Phật và quạt cho Ngài. Tôn giả A Nan ca tụng
ngôi nhà của Rammaka là "không xa, dễ chịu, khả ái".
C: nhà = P: assamo, tịnh thất.
3. Phật gặp các Tỳ-kheo:
C: "Lúc bấy giờ tại nhà Bà-la-môn La
Ma, một số đông Tỳ-kheo tụ tập bàn luận về pháp. Đức Thế Tôn đứng
bên ngoài chờ cho các Tỳ-kheo chấm dứt cuộc thảo luận pháp. Số đông
Tỳ-kheo này kết thúc cuộc thảo luận pháp và giữ im lặng. Đức Thế Tôn
biết điều ấy, liền ho và gõ cửa. Khi các Tỳ-kheo nghe liền ra mở cửa.
Đức Thế Tôn đi vào nhà Bà-la-môn La Ma, trải tọa cụ trước mặt các Tỳ-kheo,
ngồi xuống và hỏi: 'Này các Tỳ-kheo, các ông đang thảo luận về chuyện
gì? Vì mục đích gì các ông tụ tập tại đây?'. Khi ấy các Tỳ-kheo đáp:
'Bạch đức Thế Tôn, nãy giờ chúng con thảo luận về pháp, vì pháp sự
mà chúng con tụ tập tại đây.' Đức Thế Tôn ca ngợi, nói rằng : 'Tốt
lắm, tốt lắm, Tỳ-kheo khi tụ hội chỉ nên đàm luận về pháp hoặc giữ
im lặng.'"
P: Gần giống. C: trước mặt các
Tỳ-kheo, đức Phật trải tọa cụ và ngồi xuống = P: Ngài ngồi trên chỗ
ngồi đã soạn sẵn. C: vì mục đích gì các ông tụ tập và ngồi ở đây
= P: các ông đã thảo luận về cái gì mà bị gián đoạn. C: vì pháp sự
mà chúng con tụ tập nơi đây = P: cuộc thảo luận về pháp của chúng con
liên hệ đến đức Thế Tôn đã bị gián đoạn khi đức Thế Tôn đến.
C: giữ im lặng = P: giữ im lặng của bậc thánh.
II. Hai loại tầm cầu:
1) Sự tầm cầu phi thánh:
C: "Có hai sự tầm cầu:
thánh cầu và phi thánh. Gì là phi thánh cầu? Có những người thực sự phải
bị bệnh lại đi tìm cái phải bị bệnh, thực sự phải bị già, chết,
sầu, khổ, ưu, thực sự phải bị lỗi lầm, lại đi tìm những thứ cũng
dễ bị lỗi lầm. Gì là thực sự dễ bị bệnh, lại đi tìm cái cũng dễ
bị bệnh? Gì là dễ bị bệnh? Con cái, anh em, là dễ bị bệnh; voi, ngựa,
bò cái, dê, nữ tỳ, của cải, tài sản, đồ trang sức và đá quý, mùa
màng, là dễ bị bệnh, dễ nguy hiểm. Hữu tình yêu mến, say mê và bám
víu những thứ này, trở nên kiêu hãnh và căng phồng vì chúng, mà không
thấy nguy hiểm trong đó, không biết cách giải thoát khỏi chúng mà lại
bám lấy, sử dụng chúng. Gì là những chuyện dễ bị già, chết, sầu, khổ,
ưu, não, dễ bị lỗi lầm? (như trên) cho đến sử dụng chúng? Những người
kia nếu muốn tìm cái bất tử, sự an ổn tối thượng, Niết-bàn, đi tìm
cái không già, không chết, không sầu, không ưu, không khổ não, không lỗi
lầm, vô thượng an ổn, Niết-bàn. Họ sẽ không thể đạt đến cái
không lỗi, cái vô thượng an ổn, Niết-bàn. Đây gọi là sự tầm cầu
phi thánh."
P: Gần giống. Những dị biệt
được ghi như sau : C: phải bị bệnh, già, chết, sầu, khổ, ưu, não, lỗi
lầm = P: phải bị sinh, già, bệnh, chết, sầu, lầm lỗi. C: Cái gì là phải
bị bệnh? Con cái, anh em, voi, ngựa, bò cái, dê, nữ tỳ, của cải tài sản,
châu báu và đá quý, mùa màng = P: con và vợ, tớ gái, tớ trai, dê và cừu,
gà trống và heo, voi, bò cái, ngựa đực, ngựa cái. C: hữu tình say mê
nghiện ngập và bám víu lấy chúng, trở nên kiêu hãnh và căng phồng về
những thứ ấy nên không thấy được nguy hiểm của chúng, không biết
cách thoát ly trong lúc sử dụng chúng = P: những chấp thủ này là dễ bị
sanh, nhưng người ấy bị trói buộc, say mê, ràng buộc với chúng, thì
chính y phải bị sanh lại đi tìm cái phải bị sanh. Bản P bỏ : "những
người này, nếu họ muốn đi tìm cái không bệnh.... Niết-bàn."
2) Thánh cầu:
C: "Gì là thánh cầu? Có người
nghĩ như sau : 'Ta đã bị bệnh, tại sao ta lại điên rồ đi tìm cái cũng
bị bệnh? Ta phải bị già ... bị lỗi lầm, tại sao ta lại điên rồ đi
tìm cái phải bị già.... bị lỗi lầm? Nay ta hãy đi tìm cái không bệnh,
vô thượng an ổn, Niết-bàn, đi tìm cái không già ... vô thượng an ổn,
Niết-bàn, thì có thể đạt đến cái không già ....vô thượng an ổn, Niết-bàn'
".
P: Gần giống, với những dị biệt
như đã ghi trong các đoạn trước. Bản P ở đây rất đơn giản : một
người phải bị sanh, biết những nguy hiểm của cái gì phải bị sanh,
bèn đi tìm cái vô sanh, vô thượng giải thoát khỏi trói buộc, tức Niết-bàn
(phần còn lại cũng như trên).
III. Túc mạng trí:
(Xem chương năm ở trước, nói về đức Phật
từ khi xuất gia).
IV. Năm dục:
1) Năm đối tượng của dục:
C: "Khi ấy đức Thế Tôn bảo
: 'Này năm Tỳ-kheo, có năm đối tượng của dục dễ chịu, khả ái, được
tâm ghi nhớ, liên hệ mật thiết với tham dục. Những gì là năm? Sắc pháp
do mắt nhận thức, tiếng do tai, mùi do mũi, vị do lưỡi, cảm giác do
thân nhận thức.' "
P: Gần giống. "Này các Tỳ-kheo,
có năm dục công đức : sắc pháp do mắt nhận thức, khả ái hấp dẫn,
lôi cuốn, liên hệ đến dục, dẫn dụ người ta... (như trên với thanh, hương,
vị, xúc, pháp)."
2) Thái độ của phàm phu:
C: "Hỡi năm Tỳ-kheo, kẻ phàm
phu ngu si không học, không lui tới các bạn lành, không biết pháp các bậc
thánh, không được huấn luyện trong thánh pháp, đâm ra say mê, yêu mến,
ràng buộc, hãnh diện, hưởng thụ chúng mà không thấy nguy hiểm của
chúng, không thấy cách xuất ly khỏi chúng trong khi sử dụng chúng. Các
ông nên biết những người ấy đi theo ác ma, và chính họ cũng trở thành
ác ma, rơi vào tay của ác ma, bị tóm trong lưới của ác ma, bị bắt vào
lưới ác ma, không thể thoát khỏi bẫy của ác ma."
P: Không giống hẳn. "Này các
Tỳ-kheo, những Sa-môn Bà-la-môn nào say mê năm dục, không thấy nguy hiểm
của chúng, không nhận ra cách thoát ly khỏi chúng, bị say mê nghiện ngập
vì chúng, nên hiểu rằng những người ấy đã rơi vào bất hạnh, rơi vào
tàn mạt, chúng bị Ác ma muốn làm gì thì làm với chúng.
3) Ẩn dụ :
C: "Hỡi năm Tỳ-kheo, như một
con sơn dương bị tóm vào bẫy, các ông phải biết con nai ấy đi theo người
thợ săn, sẽ bị người thợ săn xử lý, sẽ rơi vào tay thợ săn, bị tóm
trong bẫy thợ săn, và khi thợ săn đến, nó không thể thoát được. Này
các Tỳ-kheo, cũng vậy với kẻ phàm phu ngu si.... (như trên)....thoát khỏi
bẫy ác ma."
P: Gần giống : "Như một con
nai rừng bị mắc bẫy, nên hiểu rằng nó đã rơi vào bất hạnh và tàn mạt,
nó bị người thợ săn muốn làm gì cũng được; khi người thợ săn đến,
nó không thể thoát, muốn đi đâu thì đi."
4) Thái độ của bậc thánh đệ
tử đa văn và ví dụ:
C: Đoạn này ngược lại với đoạn
trước về kẻ vô văn phàm phu.
P: Cũng vậy, đoạn này ngược lại
với đoạn trên về các Sa-môn Bà-la-môn say mê năm dục.
5) Sự giải thoát của đức
Như lai:
P: "Hỡi năm Tỳ-kheo, khi đức
Như lai xuất hiện trên đời, là bậc A-la-hán chánh đẳng giác, Minh hạnh
túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu,
Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Ngài từ bỏ năm triền cái, xa lìa năm dục
và các bất thiện pháp, chứng và trú cho đến thiền thứ tư, với tâm định
tĩnh thuần tịnh, không cấu uế, nhu nhuyến, dễ sử dụng, Ngài khéo an
trú và đạt đến tâm bất động, tâm Ngài được tu tập, lậu hoặc tan
biến, trí sanh, sự chứng ngộ được viên mãn. Ngài như thật biết khổ,
nguồn gốc khổ, sự đoạn diệt khổ, con đường đưa đến diệt khổ.
Ngài như thật biết lậu hoặc, tập khởi của lậu hoặc, sự chấm dứt
lậu hoặc, và con đường đưa đến chấm dứt lậu hoặc. Như vậy là
trí của Ngài, cái thấy của Ngài, tâm Ngài thoát khỏi dục lậu, hữu lậu,
vô minh lậu. Khi đã giải thoát, Ngài biết đã giải thoát, sanh đã tận...
Tri kiến của Ngài chân chánh như vậy. Khi ấy Ngài đi trong giải thoát, đứng,
ngồi, nằm trong giải thoát; tại sao? Vì Ngài thấy rằng vô số ác bất
thiện pháp đã bị hủy diệt, nên Ngài đi, đứng, ngồi, nằm một cách
giải thoát."
P: Không có.
6) Sự giải thoát của một Tỳ-kheo
:
C: "Hỡi năm Tỳ-kheo, như tại
một nơi không rộn ràng, không có người, một con nai tự do lui tới, đi,
đứng, ngồi, nằm thoải mái. Tại sao? Con nai hoang đã không đi vào lãnh vực
của thợ săn, chính vì vậy nó được tự do đi, đứng, ngồi, nằm. Cũng
vậy, này năm Tỳ-kheo, một Tỳ-kheo đã phá hủy các lậu hoặc thì đạt
đến trạng thái vô lậu. Tâm vị ấy được giải thoát, tri kiến vị ấy
giải thoát, vị ấy đạt được tri kiến, thâm nhập, chứng ngộ và an
trú trong đó. Sanh đã tận.... Tri kiến của vị ấy chân thật. Vị Tỳ-kheo
vào lúc ấy giải thoát lúc đi, giải thoát lúc đứng, ngồi, nằm. Tại
sao? Vị ấy đã thấy rõ vô số ác bất thiện pháp đã bị phá hủy, cho
nên vị ấy giải thoát khi đi, đứng, nằm, ngồi. Này năm Tỳ-kheo, đây gọi
là giải thoát không dư tàn. Đây gọi là vô thượng an ổn, sự vô bệnh,
Niết-bàn."
P: Không giống. Mặc dù ví dụ
ở hai bản giống nhau, bản P giải thích sự giải thoát của vị Tỳ-kheo
khi đi, đứng, nằm, ngồi là vì vị ấy có thể thực hành và đạt đến
bốn thiền, bốn vô sắc, vượt qua các tưởng cho đến diệt thọ tưởng,
cho đến sự tận trừ lậu hoặc. Khi làm như vậy, vị Tỳ-kheo được gọi
là đã làm cho ác ma mù mắt, vượt ngoài tầm thấy của ác ma, đã vượt
qua sự trói buộc của thế gian.
E. Phần kết
C: Đức Phật đã nói như vậy. Tôn
giả A Nan và các Tỳ-kheo hoan hỷ phụng hành lời dạy của Thế Tôn.
P: Idam avoca Bhagavà. Attamanà te
bhikkhù Bhagavato bhàsitam abhinandun ti.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2