- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
NC26
C184: Ngưu giác Sa la lâm kinh
P32: Đại kinh rừng Sừng bò
A. Toát yếu kinh C
Bảy vị Tôn giả là Xá-lợi-tử,
Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà, Ly
Bà Đa và A Nan đang ở với đức Phật trong rừng Ngưu giác Sa la. Một
ngày kia, các vị ấy đi đến Tôn giả Xá-lợi-tử để luận đàm về
pháp và Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi họ, hạng Tỳ-kheo nào sẽ làm đẹp khu
rừng Ngưu giác Sa la. Những vị trưởng giả này nói lên quan điểm của họ
và vấn đề được mang đến trước Phật. Ngài tán đồng câu trả lời
của họ và đưa ra câu trả lời của riêng Ngài cho vấn đề này.
P: Gần giống. Nhưng chỉ có sáu
vị trưởng lão. Bản P bỏ Đại Ca Chiên Diên và đưa ra một câu trả lời
khác trong phần trả lời của Đại Mục-liền-liên.
B. Nhan đề
C: Ngưu giác Sa la lâm kinh, bản
kinh nói về một ngôi rừng sa la được gọi là Sừng bò, tức là khu rừng
trong đó năm vị trưởng lão đang cư trú.
P: Đại kinh rừng Sừng bò,
bản kinh dài về rừng Sừng bò, cũng là ngôi rừng nói trên.
C. Nơi thuyết kinh
C: Ở Bhagga, trong rừng sa la gọi
là Sừng bò.
P: Gosinga Sàlavana.
D. Nội dung kinh
I. Hoàn cảnh đưa đến việc thuyết kinh này:
C: "Một
thời đức Phật du hành trong xứ Bhagga, ở lại trong rừng sa la tên Sừng
bò cùng với một số đại đệ tử rất nổi tiếng và thâm niên như các
Trưởng lão Xá-lợi-tử, Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên
Diên, A Na Luật Đà, Ly Bà Đa và Tôn giả A Nan. Các đại đệ tử nổi tiếng
và thâm niên này cũng đang du hành ở Bhagga và ở trong rừng sa la tên Sừng
bò, cư trú gần chòi lá của Phật. Bấy giờ Trưởng lão Đại Mục-liền-liên,
Đại Ca Diếp, Đại Ca Chiên Diên, A Na Luật Đà khi đêm đã tàn, vào buổi
sáng sớm, đi đến chỗ Tôn giả Xá-lợi-tử. Tôn giả A Nan từ xa trông
thấy các vị trưởng lão đi đến liền bảo: 'Hiền giả Ly Bà Đa, hiền
giả nên biết, các Trưởng lão Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại
Ca Chiên Diên và A Na Luật Đà khi đêm đã mãn, vào buổi sáng sớm đã đi
đến nơi Tôn giả Xá-lợi-tử. Này hiền giả Ly Bà Đa, nay ta hãy cùng với
các Tôn giả ấy đi đến Tôn giả Xá-lợi-tử, để nghe một ít pháp thoại
từ nơi Ngài.' Rồi Tôn giả Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp, Đại Ca
Chiên Diên, A Na Luật Đà và A Nan khi đêm đã tàn, vào sáng sớm đi đến
Tôn giả Xá-lợi-tử."
P: Gần giống. Bản P bỏ: "tại
xứ Bhagga, các đại đệ tử, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên." Và bỏ:
"các đại đệ tử ấy... cư trú gần chòi lá của đức Phật".
C: Khi đêm đã tàn vào sáng sớm
= P: vào buổi chiều hôm. Bản P thêm rằng, chính Tôn giả Đại Mục-liền-liên
từ thiền định dậy và gọi Đại Ca Diếp cùng đi đến Tôn giả Xá Lợi
Phất; và ba Tôn giả Đại Mục-liền-liên, Đại Ca Diếp và A Na Luật Đà
cùng đi đến nơi Tôn giả Xá Lợi Phất. Bản P thêm rằng, Tôn giả A Nan
đà gọi ba trưởng lão ấy là Sappurisa, không có trong bản C.
II. Câu hỏi của Trưởng lão Xá-lợi-tử:
C: "Trưởng lão Xá-lợi-tử
trông thấy các vị trưởng lão từ xa đến. Trưởng lão Xá-lợi-tử nói
với các vị trưởng lão này rằng 'Thiện lai, thiện giả A Nan, một vị
thị giả của đức Thế Tôn, hiểu được tâm tư Thế Tôn, người luôn
luôn được đức Thế Tôn và các đồng phạm hạnh đa văn ca ngợi. Nay tôi
hỏi hiền giả A Nan, rừng sa la tên gọi Sừng bò này rất khả ái, được
thắp sáng dưới ánh trăng, các cây sa la đang tỏa ra hương thơm như hoa
ở thiên giới. Này hiền giả A Nan, hạng Tỳ-kheo nào có thể đem lại sức
quyến rũ cho ngôi rừng sa la tên Sừng bò này?' "
P: Gần giống. C: Tôn giả Xá-lợi-tử
trông thấy từ xa các vị trưởng lão đang đi đến = P: thêm: trông thấy
trưởng lão A Nan và Ly Bà Đa. C: hiền giả A Nan là thị giả... bởi các
đồng phạm hạnh đa văn = P: hiền giả A Nan, người thị giả, bạn đồng
hành thân thiết của đức Thế Tôn. C: cây sa la đang tỏa hương thơm như
hoa cõi trời = P: cây sa la đang mùa rộ nở, tưởng chừng như hương cõi
trời đang tỏa ra. C: hạng Tỳ-kheo nào có thể làm sáng chói khu rừng Ngưu
giác = P: hạng Tỳ-kheo nào có thể làm chói sáng khu rừng Ngưu giác.
III. Câu trả lời của Tôn giả A Nan:
C: "Tôn
giả A Nan trả lời: 'Thưa Tôn giả Xá Lợi Phất, nếu có Tỳ-kheo nào đã
nghe nhiều, đã học nhiều và nhớ kỹ, không quên, tích lũy và lắng nghe
các pháp khả ái ở chặng đầu, khả ái ở chặng giữa, khả ái luôn ở
chặng cuối, có ý nghĩa, có văn pháp, hiển thị đời sống phạm hạnh đầy
đủ và trong sạch, pháp ấy được học một cách rộng rãi, được khéo
nghe, khéo tu tập, khéo lập lại, khéo tư duy bằng tâm tư, khéo sáng tỏ với
tri kiến và được thực chứng một cách sâu sắc. Vị ấy giảng pháp ấy
một cách giản dị và trôi chảy, chỉ cốt để nhổ tận gốc các kiết
sử. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như thế sẽ đem lại vẻ mỹ
miều cho khu rừng Ngưu giác.' "
P: Gần giống.
Bỏ: "Người đã học nhiều không quên, học một cách rộng rãi, khéo
tu tập, thực chứng một cách sâu sắc, giảng pháp một cách giản dị và
chân xác." Thêm: "Tuyệt đối đầy đủ, vị ấy giảng pháp cho bốn
hội chúng, với văn, câu chính xác và lưu loát."
C: để tận
trừ kiết sử = P: để tẩy trừ các khuynh hướng tiềm tàng.
IV. Câu trả lời của Ly Bà Đa:
C: "Tôn giả
Xá-lợi-tử lại hỏi: 'Hiền giả Ly Bà Đa, Hiền giả A Nan đã nói theo sự
hiểu biết của mình, bây giờ tôi lại hỏi hiền giả Ly Bà Đa: Rừng sa
la này... gọi là rừng Sừng bò?' Tôn giả Ly Bà Đa trả lời: 'Thưa Tôn giả
Xá-lợi-tử, nếu có một Tỳ-kheo nào hoan hỷ trong việc tu thiền định,
chuyên tâm nội tĩnh không gián đoạn thiền định, có tuệ, luôn luôn sống
độc cư và thích những nơi yên tĩnh. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo
như thế sẽ đem lại vẻ đẹp cho rừng sa la, tên gọi Sừng bò này...'
"
P: Gần giống. C: theo sự hiểu biết
của mình = P: theo sự hiểu biết của riêng mình. C: vị ấy luôn luôn sống
viễn ly = P: vị ấy yêu thích hạnh viễn ly. C: thưởng thức những nơi vắng
lặng = P: lui tới những chỗ không nhàn.
V. Câu trả lời của Tôn giả A Na Luật Đà:
C: Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi Tôn
giả A Na Luật như đã hỏi Tôn giả Ly Bà Đa và A Na Luật trả lời như
sau: "Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, nếu có một Tỳ-kheo đã đạt đến
thiên nhãn, có được thiên nhãn, có khả năng thấy được trong một sát
na cả ngàn thế giới một cách không cần cố gắng. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử,
như một người có mắt đứng trên lầu cao nhìn xuống khoảng đất trống
ở dưới với một ngàn mô đất, vị ấy không cần nỗ lực cũng có thể
thấy được tất cả trong nháy mắt. Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo
như thế sẽ đem lại vẻ đẹp cho rừng sa la tên Sừng bò này."
P: Gần giống; nhưng bỏ: "đã
đạt đến thiên nhãn, không cần nỗ lực, trong một sát na." Nó thêm:
"Với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân." C: đứng trên lầu cao = P:
đã đi đến đỉnh của một lâu đài tốt đẹp. C: nhìn xuống khoảng đất
trống bên dưới với một ngàn mô đất = P: vị ấy nhìn xuống một ngàn
vòng tròn đồng tâm (nemimandàla).
VI. Câu trả lời của Đại Ca Chiên Diên:
C: Khi được Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi, trưởng
lão Đại Ca Chiên Diên trả lời như sau: "Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử,
như có hai Tỳ-kheo đã nắm vững pháp, đang thảo luận về A-tỳ-đàm sâu
sắc. Những gì họ hỏi được khéo hiểu, khéo biết. Câu trả lời của
họ không bị vấp và pháp thoại của họ được trôi chảy. Thưa Tôn giả
Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như vậy sẽ đem lại vẻ đẹp cho rừng sa la tên
gọi Sừng bò này."
P: không có.
Ghi chú: Ở đây danh từ A-tỳ-đàm
được nói đến, chỉ có nghĩa là pháp rất sâu sắc.
VII. Câu trả lời của Tôn giả Đại Ca Diếp:
C: (Khi được Tôn giả Xá-lợi-tử
hỏi, Tôn giả Đại Ca Diếp trả lời như sau): "Thưa hiền giả Xá-lợi-tử,
nếu có một Tỳ-kheo nào theo hạnh độc cư, tán thán hạnh độc cư; ít dục,
tán thán hạnh ít dục; hỷ túc và tán thán hạnh hỷ túc; ưa thích sống
viễn ly một mình, tán thán hạnh sống viễn ly một mình; tinh cần tu tập
và tán thán sự tinh cần tu tập; có chánh niệm, chánh trí tuệ và ca tụng
chánh niệm, chánh tuệ; tự mình đắc định và ca tụng sự đắc định;
có tuệ và ca tụng tuệ giác; đã tận trừ lậu hoặc và ca tụng sự tận
trừ lậu hoặc; tự mình khuyến cáo, làm phấn chấn, làm hoan hỷ, và ca tụng
những việc này. Thưa hiền giả Xá-lợi-tử, một vị Tỳ-kheo như vậy sẽ
đem lại vẻ đẹp cho khu rừng sa la tên Sừng bò này."
P: Không giống hẳn; bỏ: "tự
mình tận trừ lậu hoặc, ca tụng sự tận trừ lậu hoặc ; tự mình khuyến
cáo, làm cho phấn chấn hoan hỷ, và ca tụng sự khuyến cáo...." ;
thêm: "tự mình ở rừng và ca tụng hạnh ở rừng; tự mình khất thực
và ca tụng hạnh khất thực; tự mình mặc giẻ rách và ca tụng hạnh mặc
giẻ rách; tự mình giữ ba y và ca tụng hạnh giữ ba y; có tri kiến và giải
thoát tri kiến, ca tụng sự có tri kiến và giải thoát tri kiến; tự mình
giải thoát và ca tụng hạnh giải thoát". C: người theo hạnh độc cư
= P: không lẫn với thế gian. C: ưa thích sống viễn ly một mình = P: sống
viễn ly. C: tinh cần tu tập = P: tinh cần. C: có chánh niệm, chánh tuệ = P:
thọ giới. Trong bản C, Ma Ha Ca Diếp gọi Xá Lợi Phất là hiền giả và
Xá Lợi Phất gọi Ma Ha Ca Diếp là Tôn giả. Nhưng trong bản P, hai vị gọi
nhau là hiền giả.
VIII. Câu trả lời của Đại Mục-liền-liên:
C: Khi được Tôn giả Xá-lợi-tử
hỏi, Trưởng lão Đại Mục-liền-liên trả lời như sau: "Có Tỳ-kheo
có đại thần thông, đại công đức, đại phước đức, có năng lực thần
thông lớn, làm chủ vô số năng lực thần thông, và thi triển vô số thần
thông: từ một vị ấy biến thành nhiều, từ nhiều vị ấy trở thành một;
khi trở thành một vị ấy thành một người có tri kiến; vị ấy đi qua vách,
tường không chướng ngại như đi qua khoảng không; vị ấy vào ra trong đất
như trong nước; vị ấy đi trên nước không chìm như trên đất; vị ấy
bay giữa trời và ngồi kiết già ở đấy như con chim. Với bàn tay vị ấy
sờ chạm mặt trời, mặt trăng, những vật có đại oai thần, đại công
đức, đại phước đức, đại thần lực như vậy, cho đến đại phạm
thiên giới. Tôn giả Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như vậy sẽ đem lại vẻ
đẹp cho khu rừng sa la tên Sừng bò này."
P : Hoàn toàn khác. Bản P đặt câu
trả lời của Đại Ca Chiên Diên như ta đã thấy trong C ở đây, và không
nói gì đến năng lực thần thông của Tôn giả Đại Mục-liền-liên. Câu
trả lời như sau: "Ở đây hai vị Tỳ-kheo đang đàm luận về A-tỳ-đàm,
họ đặt câu hỏi với nhau và trả lời mà không bị cạn kiệt, và câu
chuyện về pháp cứ thế tiếp diễn".
Nhận xét: Ở đây bản
C trung thực và đáng tin cậy hơn P, vì Tôn giả Đại Ca Chiên Diên nổi tiếng
là bậc có biện tài về pháp và Đại Mục-liền-liên nổi tiếng là đệ
nhất về thần thông.
IX. Câu trả lời của Tôn giả
Xá-lợi-tử:
Khi Tôn giả Đại Mục-liền-liên
trả lời xong, Ngài yêu cầu Tôn giả Xá-lợi-tử cho biết câu trả lời của
chính Tôn giả, và đây là câu trả lời của Xá-lợi-tử:
C: "Hiền giả Mục-liền-liên,
nếu có Tỳ-kheo nào làm chủ được tâm mình, không bị tâm chế ngự. Bất
cứ sự chứng trú nào vị ấy muốn thực hành vào buổi sáng, vị ấy tu
tập sự chứng trú ấy vào buổi sáng; bất cứ sự chứng đắc an trú
nào vị ấy muốn vào buổi trưa, vào buổi chiều, vị âý tu tập sự chứng
đắc, an trú ấy vào buổi trưa, buổi chiều. Hiền giả Mục-liền-liên,
như một ông vua hay cận thần của vua có nhiều áo, nhiều y phục đủ màu
sắc đẹp; vị ấy muốn mặc áo nào vào buổi sáng thì lấy ra mặc, buổi
trưa muốn mặc áo nào, buổi chiều muốn mặc áo nào, vị ấy lấy ra mặc.
Hiền giả Mục-liền-liên, cũng tương tự như thế với Tỳ-kheo đã làm
chủ tâm ý của mình, không bị tâm chế ngự (như trên). Hiền giả Mục-liền-liên,
một Tỳ-kheo như vậy sẽ đem lại vẻ đẹp cho ngôi rừng sa la tên Sừng
bò này."
P: Gần giống với vài dị biệt
nhỏ. Bản C nói về sự tu tập buổi trưa và chiều trong cùng một câu, bản
P tách làm hai câu. Trong ví dụ, bản P thêm: vua, cận thần của vua có một
tủ đủ áo màu sắc đẹp. C: y phục = P: áo quần.
X. Các trưởng lão đi đến đức Phật - Câu trả lời của Phật:
C: (Tôn giả Xá-lợi-tử yêu cầu
tất cả các Tôn giả khác cùng đi đến Phật, và tất cả đồng ý. Họ
đi đến đức Phật, thuật lại với Ngài toàn bộ cuộc đàm thoại, và
xin Ngài xét câu trả lời nào đúng nhất. Phật khen tất cả các câu trả
lời, bảo rằng mỗi vị đã trả lời đúng theo sự tu tập của mình, như
Tôn giả A Nan đa văn, Tôn giả Ly Bà Đà thích ngồi thiền, Tôn giả A Na
Luật Đà có thiên nhãn, Tôn giả Đại Ca Chiên Diên thiện xảo về phân
tích pháp, Tôn giả Đại Ca Diếp là một người theo hạnh độc cư, Tôn
giả Đại Mục-liền-liên có đại thần thông và Tôn giả Xá-lợi-tử là
người làm chủ tâm mình. Rồi Đức Phật đưa ra câu trả lời của riêng
ngài như sau): "Tất cả các câu trả lời đều tốt, tại sao? Vì tất
cả các pháp ấy đều do ta nói ra. Này Xá-lợi-tử, hãy lắng nghe, ta sẽ
nói hạng Tỳ-kheo làm đẹp khu rừng sa la tên Sừng bò này. Xá-lợi-tử,
có một Tỳ-kheo khi cư trú trong thành thị, làng mạc hay chợ búa, khi đêm
đã tàn, vào sáng sớm mặc y cầm bát vào làng khất thực. Với thân khéo
chế ngự, các căn khéo phòng hộ, vị ấy an trú chánh niệm. Khi ăn cơm
xong vào buổi chiều, vị ấy xếp dọn y bát, rửa tay chân, bỏ tọa cụ
lên vai, đi vào một nơi vắng vẻ hoặc dưới gốc cây hoặc nơi khoảng
trống yên tĩnh. Tại đấy vị ấy trải tọa cụ ngồi kiết già, lập thệ
không rời khỏi thế ngồi kiết già cho đến khi đã tận trừ các lậu hoặc.
Vị ấy không rời thế ngồi kiết gia và tận trừ các lậu hoặc. Này
Xá-lợi-tử, một Tỳ-kheo như vậy làm cho ngôi rừng sa la tên Sừng bò
này trở thành cao cả."
P: Gần giống, với những dị biệt
đã nêu. Trong câu trả lời của Phật, chú ý những chỗ khác nhau: Bản P
bỏ đoạn "ở trong thành phố.... vị ấy an trú chánh niệm." Nó cũng
bỏ: "vào buổi chiều, vị ấy thu xếp y bát...trải tọa cụ." Nó
cũng nói vị Tỳ-kheo lập thệ không rời thế ngồi kiết già cho đến khi
tận trừ lậu hoặc; nó thêm: không có dư tàn, nhưng bỏ sự xác quyết rằng
vị Tỳ-kheo đã thật sự làm như vậy. Bản P thêm : vị ấy ngồi với
thân thẳng.
E. Phần kết
C: Phật dạy như vậy. Các Tỳ-kheo
sau khi nghe lời Phật, hoan hỷ phụng hành.
P: Đức Thế Tôn nói như vậy. Các
Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn.
NC30
C 211: Đại Câu-hy-la kinh
P43: Đại kinh Phương quảng
A. Toát yếu kinh C
C: Tôn giả Xá-lợi-tử đi đến
Đại Câu-hy-la đặt một loạt câu hỏi về nhiều vấn đề và Đại Câu-hy-la
đã trả lời. Những câu trả lời của Tôn giả Đại Câu-hy-la được Tôn
giả Xá-lợi-tử ca tụng và đồng ý.
P: Gần giống. Nhưng ở đây
chính Tôn giả Đại Câu-hy-la hỏi Tôn giả Xá Lợi Phất.
B. Nhan đề kinh
C: Đại Câu-hy-la kinh, bản
kinh nói về Tôn giả Đại Câu-hy-la, tức là tên của vị Tôn giả trả lời
những câu hỏi mà Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi.
P: Đại kinh Phương quảng,
bản kinh nói về Vedalla, có thể ám chỉ các đề tài khác nhau do Tôn giả
Đại Câu-hy-la đặt câu hỏi.
C. Địa điểm thuyết
kinh
C: Vương Xá thành, trong rừng
trúc, vườn Ca Lan Đà.
P: Xá Vệ, Kỳ thọ Cấp-cô-độc
viên.
D. Nội dung kinh
I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
C: "Lúc bấy giờ Tôn giả
Xá-lợi-tử vào buổi chiều từ thiền định trở dậy đi đến Tôn giả
Đại Câu Hy La, trao đổi những lời chào hỏi rồi ngồi xuống một bên.
Tôn giả Xá-lợi-tử nói : 'Hiền giả Câu Hy La, tôi muốn hỏi hiền giả
vài câu, được không?' Tôn giả Đại Câu si la nói: 'Thưa Tôn giả Xá-lợi-tử,
nếu ngài muốn hỏi xin cứ hỏi. Sau khi nghe xong con sẽ suy nghĩ.' "
P: Không giống. Chính Tôn giả Đại
Câu-hy-la từ độc cư trở dậy vào buổi chiều đi đến Tôn giả Xá Lợi
Phất trao đổi lời chào hỏi với ngài và đặt câu hỏi.
II. Loạt câu hỏi được đặt ra:
Trong bản C có 32 câu tất cả,
và ta thấy ở bản P cũng có cùng số lượng; nhưng chỉ có 17 câu hỏi tương
ứng với nhau trong hai bản, còn 15 câu không giống nhau.
a) 17 câu tương
ứng: C3 = P2; C4 = P3; C5 = P4; C6 = P10; C7 = P11; C9 = P12; C10 = P13; C11 = P15; C12
= P16; C13 = P6; C14 = P8; C16 = P20; C18 = P22; C19 = P24; C20 = P26; C21 = P27; C27 =
P32.
b) 15 câu hỏi
không có trong bản P: C1, C2, C8, C15, C17, C22, C23 C24, C25, C26, C28, C29, C30,
C31, C32.
c) 15 câu hỏi
không có trong bản C: P1, P5, P7, P9, P14, P17, P18, P19, P21, P23, P25, P28, P29,
P30, P31.
1) Các câu hỏi về thiện ác:
C1 = P không có:
C: Tôn giả Xá-lợi-tử hỏi:
"Hiền giả Câu-hy-la, bất thiện được gọi là bất thiện, gốc rễ
bất thiện được gọi là gốc rễ bất thiện. Gì là bất thiện, gì là
gốc rễ bất thiện?" Tôn giả Đại Câu-hy-la trả lời: "Thân ác
hành, ngữ ác hành, ý ác hành gọi là bất thiện. Tham, sân, si là gốc rễ
bất thiện. đây gọi là bất thiện, đây gọi là gốc rễ bất thiện."
Nghe xong Tôn giả Xá-lợi-tử thốt lên lời khen như sau: "Tốt lắm, tốt
lắm, Hiền giả Câu-hy-la." Sau khi thốt lời ca ngợi, Tôn giả Xá-lợi-tử
hoan hỷ chấp nhận.
C2 = P không có:
C: (Cách đặt câu hỏi, trả lời
và những từ ngữ ca tụng ở cuối mỗi câu hỏi đều giống nhau).
Hỏi: Thiện được gọi là thiện,
gốc rễ của thiện được gọi là thiện. Gì là thiện, gì là gốc rễ của
thiện? Đáp: Thiện thân hành, thiện ngữ hành và thiện ý hành gọi là
thiện, không tham, không sân, không si là gốc rễ của thiện. Đây gọi là
thiện, đây gọi là gốc rễ của thiện.
2) Các câu hỏi về tuệ và
chánh trí:
C3 = P2:
C: Hỏi: Tuệ được gọi là tuệ.
Gì là tuệ? Đáp: Do biết như vậy gọi là tuệ. Biết về cái gì? Biết
như thật về khổ, biết như thật nguồn gốc của khổ, biết như thật sự
chấm dứt khổ, biết như thật con đường đưa đến sự chấm dứt khổ.
Biết như vậy được gọi là tuệ.
P: Gần giống. C: do biết như vậy
gọi là tuệ = P: tri kiến được gọi là tri kiến. Khi nói về bốn chân
lý, bản P bỏ : như thật. Trong bản P, sau khi Tôn giả Xá Lợi Phất
trả lời, Tôn giả Đại Câu-hy-la ca ngợi "Lành thay, Tôn giả" và
hoan hỷ về những gì Tôn giả Xá Lợi Phất nói, cảm ơn và hỏi một
câu khác.
C4 = P2:
C: Hỏi: Thức được gọi là thức.
Gì là thức? Đáp: Nhận biết, nhận biết, do đó được gọi là thức. Nhận
biết cái gì? Nhận biết sắc, nhận biết thanh, hương, vị, xúc, pháp. Nhận
biết, đây là lý do gọi là thức.
P: Không giống. Hỏi: Thức được
gọi là thức; trong giới hạn nào nó được gọi là thức? Đáp: Thức
tri, đó là lý do nó được gọi là thức. Thức tri cái gì? Thức tri lạc,
thức tri khổ, thức tri bất khổ bất lạc. Thưa hiền giả, vì thức tri
nên gọi là thức.
C5 = P4:
C: Hỏi: Tuệ và thức, hai pháp
ấy có tương quan hay tách rời? Có thể nào chỉ rõ hai pháp này riêng rẽ
nhau không? Đáp: Hai pháp này có tương quan; hai pháp này không thể được
chỉ rõ nếu tách rời nhau. Tại sao? Vì cái gì tuệ biết thì thức cũng
biết. Do vậy hai pháp ấy có tương quan. Hai pháp ấy không thể được hiển
thị riêng rẽ.
P: Gần giống. C: hai pháp này có
thể được hiển thị riêng rẽ không? = P: sau khi phân tích hai pháp này
nhiều lần, có thể nào chỉ rõ sự sai biệt của chúng không? C: Tại sao
vậy? Vì cái gì tuệ biết thì thức cũng biết. Do đó hai pháp này có tương
quan, hai pháp này không thể được hiển thị riêng rẽ = P: Thưa hiền giả,
những pháp này, tuệ và thức, là có tương quan, không phải không tương
quan. Sau khi phân tích những pháp này nhiều lần, không có thể chỉ rõ sự
khác nhau giữa chúng. Hiền giả, cái gì được biết thì được nhận thức,
cái gì được nhận thức thì cũng được biết; bởi thế hai pháp này có
tương quan, không phải không tương quan. Sau khi phân tích những pháp này
nhiều lần, không thể nào chỉ ra sự khác nhau của chúng.
C6 = P10:
C: Hỏi: Tri thức, nhờ cái gì mà
ta biết? Đáp: Tri thức, nhờ tuệ mà ta biết.
P: Hỏi: Hiền giả, nhờ cái gì
mà người ta biết được các pháp sở tri. Đáp: Hiền giả, nhờ con mắt
tuệ mà người ta biết được các pháp sở tri.
C7 = P11:
C: Hỏi: Tuệ nghĩa là gì? Gì là
sự thù thắng của tuệ? Gì là công đức của tuệ? Đáp: Tuệ có nghĩa là
nhàm chán, có nghĩa là vô dục, có nghĩa là biết như thật.
P: Hỏi: Gì là mục đích của tuệ?
Đáp: Tuệ có mục đích thực chứng, có mục đích hiểu rõ, có mục đích
thí xả.
Nhận xét: Trong bản
C, chữ "ý nghĩa" nên hiểu là "mục đích".
C8 = P Không có:
C: Hỏi: Gì là chánh kiến? Đáp:
Biết như thật khổ là khổ, biết nguồn gốc của khổ, biết sự chấm dứt
của khổ, biết con đường đưa đến chấm dứt khổ một cách như thật,
đây gọi là chánh kiến.
C9 = P12:
C: Hỏi: Gì là nguyên nhân? Gì là
những điều kiện (duyên) cho sự sanh khởi chánh kiến? Đáp: Có hai nguyên
nhân, hai điều kiện để sanh khởi chánh kiến. Hai cái đó là gì? Một
là nghe từ người khác, hai là tự mình tư duy trong tâm. Đây gọi là hai
nhân, hai điều kiện để sanh khởi chánh kiến.
P: Hỏi: Có bao nhiêu duyên để
sanh khởi chánh kiến. Đáp: Có hai duyên sanh khởi chánh kiến: tiếng nói của
người khác và như lý tác ý.
C10 = P13:
C: Có bao nhiêu yếu tố đi kèm với
chánh kiến, để có được kết quả tâm giải thoát, tuệ giải thoát, có
được công đức do tâm giải thoát tuệ giải thoát đem lại? Đáp: Có năm
yếu tố đi kèm với chánh kiến.... đem lại. Năm yếu tố ấy là gì? 1.
Làm bạn với sự thật, 2. Làm bạn với giới, 3. Làm bạn với đa văn, 4.
Làm bạn với sự vắng lặng, 5. Làm bạn với tuệ quán.
P: Câu hỏi giống, trả lời hơi
khác. Đáp: Có năm yếu tố kết hợp với chánh kiến để đem lại quả tâm
giải thoát, lợi ích của tâm giải thoát, để đem lại quả tuệ giải
thoát và lợi ích của tuệ giải thoát: giới, văn, thảo luận, tịnh chỉ
và tuệ quán.
Trong loạt câu hỏi này, có hai
câu chỉ có trong P, không có trong C.
P1: Hỏi: Liệt tuệ được gọi là
liệt tuệ. Trong giới hạn nào được gọi là liệt tuệ? Đáp: Không biết,
không biết, nên gọi là liệt tuệ. Vị ấy không biết cái gì? Vị ấy
không biết khổ, không biết nguồn gốc khổ, không biết sự chấm dứt khổ,
con đường đưa đến chấm dứt khổ. Vị ấy không biết, vị ấy không
biết, nên gọi là liệt tuệ.
P5: Hỏi: Cái được gọi là tuệ
và cái được gọi là thức; chỗ khác nhau giữa hai pháp này là gì? Những
pháp này có tương quan hay không tương quan? Đáp: Cái được gọi là tuệ
và cái được gọi là thức; hai pháp ấy có tương quan, không phải không
tương quan. Tuệ cần phải được đào luyện và thức cần phải được
biết rõ, đây là sự khác nhau giữa chúng.
3) Những câu hỏi về hữu:
C11 = P15:
C: Hỏi: Làm thế nào hữu khởi
lên trong tương lai? Đáp : Kẻ phàm phu ngu si không biết, không học, bị
vô minh che phủ, bị khát ái trói buộc, không yết kiến các bậc đa văn,
không biết thánh pháp, không tu tập thánh pháp. Đây gọi là hữu khởi
lên trong tương lai.
P: Câu hỏi giống, trả lời hơi
khác. Đáp: Đối với các hữu tình bị vô minh ngăn che, bị khát ái trói
buộc, tìm hỷ lạc chỗ này chỗ kia, do đó lại có hữu trong tương lai.
C12 = P16:
C: Hỏi: Làm thế nào hữu không
khởi lên trong tương lai? Đáp: Nếu vô minh bị phá hủy, minh sanh khởi,
thì khi ấy có sự chấm dứt khổ. Đây gọi là không còn hữu trong tương
lai.
P: Câu hỏi giống, trả lời hơi
khác. Đáp: Với sự trừ khử vô minh, sự sinh khởi tri kiến, sự chấm dứt
khát ái, thì không còn hữu trong tương lai.
Trong loạt câu hỏi này, bản P
có một câu mà C không có:
C14: Hỏi: Có bao nhiêu hữu? Đáp:
Có ba hữu, dục hữu, sắc hữu và vô sắc hữu.
4) Những câu hỏi về thọ và
tưởng:
C13 = P6:
C: Hỏi: Có bao nhiêu thọ? Do gì
thọ sanh khởi? Đáp: Có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc
thọ. Do hưởng thụ mãnh liệt, chúng sanh khởi.
P : Gần giống. Hỏi: Thọ được
gọi là thọ. Do nhân gì nó được gọi là thọ? Đáp: Cảm giác, cảm
giác, nên gọi là thọ. Nó cảm giác gì? Nó cảm giác lạc thọ, cảm giác
khổ thọ, cảm giác bất khổ bất lạc thọ. Nó cảm giác, nó cảm giác,
nên gọi là cảm thọ. Bản P bỏ phần hai của câu hỏi và câu trả lời.
C14 = P8:
C: Hỏi: Thọ, tưởng và tư, ba pháp
này có tương quan hay không tương quan? Có thể chỉ riêng ba pháp này
không? Đáp: Thọ, tưởng, tư, ba pháp này có tương quan, không phải không
tương quan. Không thể chỉ rõ ba pháp này riêng rẽ, tại sao? Tại vì cái
mà thọ cảm nhận cũng chính là cái mà tưởng nhận biết và cũng là cái
mà ý tư duy, vì vậy ba pháp này có tương quan, không phải không tương
quan; không thể trình bày những pháp này riêng rẽ.
P: Gần giống. Hỏi: Thọ, tưởng
và thức, ba pháp này có tương quan hay không tương quan? Sau khi phân tích
các pháp này nhiều lần, có thể hiển thị sự khác biệt của chúng hay
không? Đáp: Thọ, tưởng và thức, ba pháp này có tương quan, không phải
không tương quan. Sau khi phân tích các pháp ấy nhiều lần, không thể hiển
thị sự khác nhau giữa chúng. Cái gì người ta cảm thọ cũng là cái người
ta nhận biết, cái gì người ta nhận biết thì người ta cũng ý thức được.
Bởi thế ba pháp này có tương quan, không phải không tương quan. Và sau khi
phân tích chúng nhiều lần, không thể chỉ rõ sự khác nhau giữa chúng.
Trong loạt câu hỏi này, có một
câu hỏi trong P không có trong C.
P7: Hỏi: Tưởng được gọi là tưởng.
Do nhân gì nó được gọi là tưởng? Đáp: Nhận biết, nhận biết, nên gọi
là tưởng. Nó nhận biết cái gì? Nhận biết màu xanh, đỏ, trắng. Vì nó
nhận biết nên gọi là tưởng.
5. Các câu hỏi về diệt định,
năm căn, tâm và mạn:
C15 = P Không có:
C: Hỏi: Diệt định lấy gì làm
đối tượng? Đáp: Diệt định không có đối tượng.
C16 = P20:
C: Hỏi: Có năm căn có phạm vi
khác nhau, đối tượng khác nhau, mỗi căn có đối tượng riêng, đó là, mắt,
tai, mũi, lưỡi, và thân căn. Năm căn này với phạm vi riêng, đối tượng
riêng, mỗi cái có đối tượng riêng. Cái gì thu vào, nhận đối tượng
cho chúng? Gì là chỗ nương của chúng? Đáp: Năm căn có phạm vi riêng, đối
tượng riêng, mỗi căn nhận đối tượng riêng của nó. Đó là mắt, tai,
mũi, lưỡi, và thân căn. Năm căn này với phạm vi riêng, đối tượng riêng,
mỗi cái nhận đối tượng riêng của nó, nhưng ý nhận tất cả đối tượng
cho chúng, ý là chỗ nương của chúng.
P: Gần giống. C: với lãnh vực
riêng, đối tượng riêng = P: nànàvisayàni nànàgocaràni. C: mỗi cái nhận
đối tượng riêng của nó = P: chúng không cảm thọ đối tượng và lãnh
vực của nhau. C: Cái gì nhận tất cả đối tượng cho chúng, cái gì là
chỗ nương của chúng?= P: Gì là chỗ nương của chúng? Gì là phạm vi của
đối tượng chúng?
C17 = P Không có:
C: Hỏi: Tâm an trú nương vào cái
gì? Đáp: Tâm an trú nương vào mạng.
C18 = P22:
C: Hỏi: Y cứ vào gì, mạng an
trú? Đáp: Y cứ vào hơi ấm, mạng an trú.
P: Giống nhau. C: mạng = P: tuổi
thọ; C: hơi ấm = P: usmà.
C19 = P24:
C: Hỏi: Mạng và hơi ấm, hai pháp
này có tương quan hay không tương quan? Có thể chỉ ra hai pháp này một
cách riêng rẽ? Đáp: Mạng và hơi ấm, hai pháp này có tương quan, không phải
không tương quan. Không thể chỉ chúng một cách riêng rẽ; tại sao? Do thọ
mạng có hơi ấm, do hơi ấm có thọ mạng. Nếu không có thọ mạng thì
không có hơi ấm, nếu không có hơi ấm thì không có thọ mạng. Cũng như
do duyên dầu, bấc mà ngọn đèn cháy sáng. Trong ngọn đèn này, do ngọn lửa
mà có ánh sáng, do ánh sáng mà có ngọn lửa. Nếu không có ngọn lửa sẽ
không có ánh sáng, nếu không có ánh sáng sẽ không có ngọn lửa. Cũng vậy,
tùy thuộc thọ mạng có hơi ấm; tùy thuộc hơi ấm có thọ mạng. Nếu
không có thọ mạng thì sẽ không có hơi ấm, nếu không có hơi ấm, không
có thọ mạng. Do vậy hai pháp này có tương quan, không phải không tương
quan, không thể hiển thị hai pháp này một cách riêng rẽ.
P: Không giống hẳn. Câu hỏi cũng
hơi khác. Hỏi: Bây giờ chúng tôi hiểu lời nói của Tôn giả Xá Lợi Phất
rằng, thọ mạng tùy thuộc vào hơi ấm để tự duy trì. Bây giờ chúng
tôi hiểu lời nói của Tôn giả Xá Lợi Phất rằng, hơi ấm tùy thuộc
vào thọ mạng để tự duy trì. Ý nghĩa của lời này cần được hiểu
như thế nào? Đáp: Vậy tôi sẽ cho hiền giả một ví dụ, người trí nhờ
ví dụ có thể hiểu được ý nghĩa những gì được nói. Như khi một ngòn
đèn dầu được thắp, tùy thuộc vào ngọn lửa mà ánh sáng xuất hiện,
tùy thuộc vào ánh sáng, ngọn lửa xuất hiện. Cũng vậy mạng tùy thuộc
vào hơi ấm để tự duy trì, hơi ấm tùy thuộc vào thọ mạng để tự
duy trì.
Trong loạt câu hỏi này, có ba
câu không có trong C.
P21: Hỏi: Có năm căn: nhãn căn,
nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, năm căn này tùy thuộc vào gì? Đáp:
Năm căn này tùy thuộc vào mạng.
P23: Hỏi: Hơi ấm tùy thuộc vào
gì? Đáp: Hơi ấm tùy thuộc vào mạng.
P25: Hỏi: Các thọ hành với các
pháp được cảm thọ này là giống nhau hay khác nhau? Đáp: Nếu các thọ
hành là một với các pháp được cảm thọ, thì sự xuất định của một
người chứng diệt thọ tưởng không thể chỉ rõ. Vì thọ hành khác với
cảm thọ, nên sự xuất định của vị Tỳ-kheo chứng diệt thọ tưởng có
thể chỉ rõ.
6. Những câu hỏi về sự chết,
về diệt tận định, về tưởng:
C20 = P26:
C: Hỏi: Có bao nhiêu pháp được
từ bỏ, khi thân xác chết bị ném vào nghĩa địa như một khúc gỗ vô
tri? Đáp: Có ba pháp được từ bỏ khi thân xác chết... như một khúc gỗ
vô tri. Ba pháp ấy là gì? 1. Mạng, 2. Hơi ấm, 3. Thức. Ba pháp ấy được
từ bỏ khi thân xác chết ....như một khúc gỗ vô tri.
P: Gần giống. Hỏi: Có bao nhiêu
pháp được từ bỏ khi thân này được vứt đi, được ném vào trong giấc
ngủ như một khúc gỗ vô tri? Câu trả lời cũng giống như trên.
C21 = P27, C22,24,25,26 = P không có.
C27 = P32:
C: Hỏi: Không, vô tướng, vô nguyện,
ba pháp ấy có phải khác nhau về nghĩa và về văn, hay đồng nghĩa, khác văn?
Đáp: Ba pháp này khác nhau về nghĩa và cũng khác nhau về văn.
P: Không giống hẳn. C: không, vô
nguyện, và vô tướng = P: vô lượng tâm giải thoát, vô sở hữu tâm giải
thoát, không tâm giải thoát, vô tướng tâm giải thoát. Trong bản C, câu trả
lời chỉ nói chúng khác nghĩa khác văn; nhưng bản P nói tùy theo nhiều phương
pháp áp dụng, đôi khi chúng khác nghĩa khác văn, đôi khi chúng đồng
nghĩa khác văn. Rồi bản P tiếp tục giải thích rằng do áp dụng phương
pháp tu bốn phạm trú, Tỳ-kheo đạt đến vô lượng tâm giải thoát;
do áp dụng pháp tu vượt quá thức vô biên xứ nhập vào vô sở hữu xứ,
vị ấy chứng vô sở hữu tâm giải thoát; nhờ đi đến một chỗ
trống tư duy về tính không của tự ngã và ngã sở, Tỳ-kheo đạt đến không
tâm giải thoát; và nhờ không tác ý đến tất cả tướng, nhờ nhập
vào định vô tướng, vị ấy chứng đắc vô tướng tâm giải thoát.
Vậy đây là phương pháp theo đó bốn trạng thái tâm nói trên khác nhau về
cả văn lẫn nghĩa. Rồi bản P lại tiếp tục giải thích rằng nhờ nhổ
tận gốc tham, sân, si làm nên các hạn lượng, các chướng ngại, các tướng,
mà vị Tỳ-kheo đạt đến tâm giải thoát vô lượng, vô tướng, không,
vô sở hữu. Vậy, do phương pháp này, bốn pháp nói trên đồng nghĩa khác
văn.
C28 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhân duyên để đạt
đến định bất động? Đáp: Có bốn nhân duyên để đạt đến định bất
động. Đó là những gì? Nếu một Tỳ-kheo tránh xa tham dục, xa các ác bất
thiện pháp, chứng và trú thiền thứ nhất cho đến thiền thứ tư, đây gọi
là bốn nhân, bốn duyên để đạt đến định bất động.
C29 = P không có:
C: Hỏi: Có bao nhiêu nhân duyên để
đạt đến định vô sở hữu? Đáp: Có ba nhân duyên để đạt đến định
vô sở hũu? Gì là ba? Nếu vị Tỳ-kheo vượt qua các sắc tưởng cho đến
khi nhập vào vô sở hữu xứ và an trú trong đó, đây gọi là ba nhân
duyên để đạt đến định vô sở hữu.
C30 = P không có:
C: Hỏi: Có bao nhiêu nhân duyên để
đạt đến định vô tưởng? Đáp: Có hai nhân duyên để đạt đến định
vô tưởng. Gì là hai? Một là không nghĩ đến tất cả tưởng, hai là nghĩ
đến cảnh giới vô tưởng.
C31 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhân duyên để trú
trong định vô tưởng? Đáp: Có hai nhân duyên để trú trong định vô tưởng.
Gì là hai? Một là không nghĩ đến tất cả tưởng, hai là nghĩ đến cảnh
giới vô tưởng.
C32 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhân duyên để xuất
định vô tưởng? Đáp: Có ba nhân duyên để xuất định vô tưởng. Gì
là ba? Một là nghĩ đến tất cả tưởng, hai là không nghĩ đến cảnh giới
vô tưởng, ba là khi thân này và sáu căn liên hệ với đời sống. Đây
là ba nhân duyên để xuất định vô tưởng.
Trong loạt câu hỏi này có tám
câu chỉ có trong P, không có trong C.
P17: Hỏi: Gì là sơ thiền? Đáp:
Khi vị Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng trú sơ thiền với tầm,
tứ, hỷ, lạc do ly dục sanh.
P18: Hỏi: Có bao nhiêu thiền chi
trong sơ thiền? Đáp: Có năm thiền chi trong sơ thiền. Khi một Tỳ-kheo chứng
sơ thiền thì có tầm tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.
P19: Hỏi: Có bao nhiêu yếu tố
được từ bỏ, và bao nhiêu yếu tố có được trong sơ thiền? Đáp: Trong
sơ thiền, năm yếu tố được đoạn tận, năm yếu tố được chứng đắc.
Nơi vị Tỳ-kheo nhập sơ thiền thì tham, sân, hôn trầm, trạo hối và nghi
được đoạn tận; tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm sinh khởi.
P28: Hỏi: Có bao nhiêu duyên
để đạt đến tâm giải thoát bất khổ, bất lạc? Đáp: Có bốn duyên
để đạt đến tâm giải thoát bất khổ, bất lạc. Vị Tỳ-kheo sau khi đã
xả lạc, xả khổ, diệt hỷ và ưu đã cảm thọ trước kia, chứng và
trú thiền thứ tư với xả niệm thanh tịnh.
P29: Hỏi: Có bao nhiêu điều kiện
để đạt đến tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có hai điều kiện để
đạt đến tâm giải thoát vô tướng, đó là không tác ý tất cả tướng,
và tác ý vô tướng giới.
P30: Hỏi: Có bao nhiêu điều kiện
để trú tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có ba điều kiện để trú trong
tâm giải thoát vô tướng, đó là không tác ý tất cả tướng, tác ý đến
vô tướng giới, và một sự chuẩn bị trước.
P31: Hỏi: Gì là các điều kiện
để xuất khỏi tâm giải thoát vô tướng? Đáp: Có hai điều kiện để
xuất khỏi tâm giải thoát vô tướng, đó là tác ý tất cả tướng, và
không tác ý đến vô tướng giới.
P9: Hỏi: Một tâm thanh tịnh
không liên hệ đến năm căn thì có thể biết đến cái gì? Đáp: Một
tâm thanh tịnh không liên hệ đến năm căn thì có thể biết được không
vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ.
E. Phần kết
C: Hai vị trưởng lão ấy ca tụng
nhau, nói: "lành thay, lành thay" với nhau, và lấy làm hoan hỷ. Rồi
họ đứng lên khỏi chỗ mà ra đi.
P: Tôn giả Xá Lợi Phất nói như
vậy. Tôn giả Đại Câu-hy-la hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Xá Lợi Phất
đã nói.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2