- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
CHƯƠNG
VIII: CÁC ẨN DỤ HAY NGỤ NGÔN
Kinh
Phật đầy dẫy những ví dụ, nên trong cả hai bản C và P, ta thấy có một
sưu tập dồi dào các ngụ ngôn và ẩn dụ. Một nghiên cứu tỷ giảo về
những ẩn dụ này trong hai bản cho thấy những nét đặc sắc sau: 1. Một
số ẩn dụ gần giống nhau trong hai bản; 2. Một số ẩn dụ có cùng nội
dung nhưng cách trình bày khác nhau; 3. Trong vài trường hợp, bản P có ẩn
dụ đơn giản hơn; 4. Trong vài trường hợp, trái lại, ẩn dụ trong C
đơn giản hơn; 5. Một số ẩn dụ có trong C lại không có trong P; 6. Trong
vài trường hợp, ẩn dụ trong C không có; 7. Có những trường hợp, ẩn dụ
trong P chính xác hơn, sáng sủa hơn bản C; 8. Một số ẩn dụ hoàn toàn
khác nhau trong hai bản.
1. Những ẩn dụ gần giống nhau:
Trong vài trường hợp, hầu như
không có gì khác nhau giữa hai ẩn dụ về phương diện nội dung cũng như
hình thức.
Như trong NC4, Tôn giả Đại Mục-liền-liên
kể một ví dụ để nói Tôn giả Xá-lợi-tử khéo biết tâm của người
nghe để giảng pháp cho họ thấm vào tim:
C87: "Tôi đến nhà của một
khổ hạnh lõa thể tên là Man Tử, xưa là người làm xe. Vào lúc ấy, cạnh
nhà ông ta, có một người làm xe đang cưa gỗ để làm trục xe. Lúc ấy
lõa thể Man Tử xưa làm nghề đẽo vành xe, đi đến nhà ấy và trông thấy
người làm xe đang bận đẽo trục xe. Một tư tưởng khởi lên trong ông
ta: 'Nếu người ấy dùng cưa cưa bớt những chỗ khuyết kia, thì trục xe
sẽ toàn hảo'. Khi ấy, đúng như những gì lõa thể Man Tử đã nghĩ, người
làm xe lấy một cái cưa cưa đứt những chỗ khuyết. Rồi lõa thể Man Tử
hết sức vui mừng và nói: 'Ôi, thợ làm xe, anh biết đúng tim tôi; vì anh
đã cưa đúng những chỗ khuyết để thành hình trục xe như tôi đã nghĩ.'
"
P5: Gần giống. C: một lõa thể
ngoại đạo tên Man Tử xưa là người làm xe=P: purànayànakàraputto
Panduputto àjìviko. C: có một người làm xe đang đẽo gỗ để làm trục
xe=P: vào lúc ấy Samìti một người thợ xe, đang đẽo vành của một bánh
xe. C: nếu người làm xe kia lấy cái cưa cưa bớt những chỗ khuyết kia=P:
mong người ấy đẽo đường cong, đường méo, chỗ khuyết này. C: vậy
là tâm anh biết được tâm tôi=P: dường như là anh ta đang đẽo xe với cái
tâm biết được tâm tôi.
Trong NC13, đức Phật trích dẫn một
ví dụ về con gà mái để hiển thị rằng, bất cứ người nào có được
15 đức tính thì chắc chắn phải đạt toàn giác.:
C206: "Cũng như một con gà
mái đẻ 10 trứng, 12 trứng, rồi đúng thời ấp chúng, đúng thời ủ
chúng, canh chừng chúng một cách đàng hoàng. Có thể con gà mái không chú
ý, nhưng trong những cái trứng kia, những con gà con với mỏ, móng, sẽ mổ
cho thủng vỏ trứng để an toàn chui ra."
P16: Tương tự. C: 10 trứng hay 12
trứng=P: 8 trứng 10 trứng hay 12 trứng. C: đúng thời ấp chúng, đúng thời
ủ chúng, đúng thời coi chừng chúng= P: đúng thời ấp ngồi trên chúng,
đúng thời ủ chúng, chân chính chăm sóc chúng. C: con gà mái có thể không
chú ý=P: mặc dù con gà mái không lập ước nguyện rằng mong gà con sẽ mổ
vỏ mà chui ra sau khi đập bể vỏ trứng với móng và mỏ.
2. Nội dung giống nhưng hình thức khác:
Trong phần lớn các ẩn dụ,
chúng ta nhận thấy mục đích mà ẩn dụ chuyên chở để làm sáng tỏ một
giáo lý nào đó là giống nhau trong cả hai bản, nhưng cách trình bày ẩn dụ
không hoàn toàn giống nhau. Đa số ẩn dụ rơi vào trường hợp này và điều
này chứng tỏ những nhà biên tập hoàn toàn tự do chọn lựa danh từ và
cách diễn đạt.
Như trong NC16, đức Phật trích dẫn
ví dụ đàn nai để hiển thị lợi lạc mà giáo lý Phật đem lại cho con
người nói chung.
C102: "Giả sử có một nơi an
ổn, nơi có dòng nước lớn. Ở đấy có một bầy nai đang sống và đi
tung tăng. Nếu có một người đến, không tìm lợi lạc cho bầy nai, không
tìm sự an ổn và hạnh phúc cho chúng. Người ấy ngăn con đường chính, mở
ra một con đường nguy hiểm, đào một cái hố và cho một người canh chừng
cái hố. Như vậy toàn thể bầy nai sẽ đi đến hoại diệt và hoàn toàn
tử vong. Lại có một người đến muốn sự an lạc cho bầy nai ấy, tìm sự
an ổn hạnh phúc cho bầy nai, nên vị ấy mở ra con đường chính, làm cho
nó bằng phẳng, chặn con đường nguy hiểm và đuổi người đứng canh. Nhờ
vậy đàn nai sống an ổn."
P19: Ẩn dụ trong P có vài dị biệt
chi tiết. Nơi được nói đến là một mảnh đất sình sâu và thấp ở
trong rừng bên cạnh có một đàn nai đang sống. Con đường an toàn được
mô tả là khemo savatthiko pìtigamanìyo, con đường lừa bịp là kumaggo.
Ở đây không nói gì đến đào hố và đặt mồi canh, mà nói một con
mồi đực, một con mồi cái được đặt đấy để dụ đàn nai.
C: "Này các Tỳ-kheo, nên biết
rằng ta nói ví dụ ấy để hiển thị một vài ý nghĩa. Người có trí
nghe ví dụ sẽ hiểu nghĩa. Ví dụ này nói lên ý nghĩa như sau: Dòng nước
lớn tượng trưng cho năm dục hấp dẫn, khả ái. Gì là năm? Các sắc đẹp
do mắt nhận thức, âm thanh do tai nhận thức, mùi do mũi, vị do lưỡi, xúc
do thân nhận thức. Các ngươi nên biết dòng nước lớn dụ cho năm dục này.
Đàn nai dụ cho các Sa-môn, Bà-la-môn. Người đi đến không muốn lợi ích
cho đàn nai dụ cho ma vương, kẻ xấu. Đóng con đường chính, mở con đường
phụ, dụ cho ba tư tưởng bất thiện là tư tưởng về tham dục, tư tưởng
về sân hận và tư tưởng về tác hại. Con đường nguy hiểm dụ cho ba
tư tưởng bất thiện. Lại nữa con đường nguy hiểm dụ cho tám tà đạo,
từ tà kiến cho đến tà định là thứ tám. Đào một hố lớn dụ cho vô
minh, đặt người đứng canh dụ cho quyến thuộc của ma. Lại nữa có một
người đến muốn lợi lạc cho bầy nai ấy, tìm an ổn và hạnh phúc cho bầy
nai ấy là dụ cho đức Như lai, bậc A-la-hán chánh đẳng giác. Đóng con
đường nguy hiểm, mở con đường chính an toàn dụ cho ba thiện tư duy là
tư duy ly dục, vô sân và bất hại. Con đường dụ cho ba thiện tư duy và
tám chánh đạo, từ chánh kiến đến chánh định là thứ tám."
P: Mảnh đất sình sâu là đồng
nghĩa với tham dục; đàn nai lớn tiêu biểu chúng sinh; người muốn hại
chúng tiêu biểu ma vương, kẻ xấu ác. Con đường hiểm nguy là đồng
nghĩa với tám tà đạo. Con mồi đực tiêu biểu sự ham vui (nandìràga).
Con mồi cái dụ vô minh. Người muốn tốt cho bầy nai là đồng nghĩa với
Như lai, đấng toàn thiện. Con đường bảo đảm an toàn tiêu biểu đường
bát chánh.
Trong NC19, Phật dùng ẩn dụ chiếc
bè để hiển thị rằng pháp của Ngài dạy phải được từ bỏ sau khi sử
dụng, chứ không phải để mà đeo mang, ôm giữ:
C200:=P22:
"Ta, vì các ngươi (không
có trong P), đã nói về ẩn dụ chiếc bè, trong một thời gian dài (không
có trong P), cần phải được từ bỏ chứ không để ôm giữ. Như có một
dòng nước từ trên núi xuống, rất sâu và rất rộng, chảy nhanh và có rất
nhiều vật trôi nổi trên đó. Trên dòng này, không có thuyền cũng không
có cầu. Giả sử có một người đến muốn vượt qua bờ bên kia tìm một
vài công việc. (Bản P nói, một người trên đường dài, trông thấy một
dãi nước lớn, bờ bên này đầy nguy hiểm và hãi hùng. Bờ bên kia thì
an toàn không đáng sợ, không có thuyền để vượt qua, không có cầu bắt
từ bờ này sang bờ kia). Vì muốn qua sông, người ấy nghĩ: 'Dòng nước này
thật sâu và rộng; chảy nhanh và có nhiều vật trôi nổi trên đó. Trên
dòng nước này không có thuyền hay cầu có thể vượt qua. Ta có việc muốn
ở trên bờ kia, muốn qua sông. Ta phải dùng đến phương tiện gì, cách
gì để vượt qua bờ kia một cách an toàn?' (P: Cũng những dị biệt như
đã ghi trong đoạn trước; và không có câu hỏi sau cùng). Rồi vị ấy nghĩ,
'Nay ở bờ này ta nên thu nhặt cỏ, cây bó lại để làm thành một chiếc
bè, rồi cỡi bè ấy mà vượt qua sông.' Rồi người ấy thu nhặt trên bờ
này những cỏ và gỗ, bó chúng thành một chiếc bè, cỡi chiếc bè này
và qua bờ kia an toàn. (P: thêm cọng, cành, lá, nhưng bỏ gỗ; lại thêm: nhờ
chiếc bè này, nỗ lực chống chèo với tay và chân.) Rồi người ấy
nghĩ: 'Chiếc bè này rất ích lợi cho ta, vì nhờ nó ta đã từ bờ kia sang
bờ này một cách an toàn. Ta sẽ vác nó lên vai phải hoặc đội trên đầu
mà đi.' Rồi người ấy mang chiếc bè trên vai phải hoặc đội lên đầu
mà đi. Các thầy nghĩ sao? Làm như vậy người ấy có được lợi ích (của
chiếc bè) không? Các Tỳ-kheo trả lời: 'Không.' (P: Gần giống, với những
dị biệt như đã nói; bản P chỉ nói vai mà không nói vai phải).
Đức Thế Tôn hỏi: 'Người ấy nên làm gì về chiếc bè để có được
sự ích lợi (của nó)? Người ấy nên nghĩ: 'Chiếc bè này rất ích lợi
cho ta. Nhờ cỡi nó, ta đã vượt bờ kia sang bờ này. Nay ta nên nhận chìm
chiếc bè này xuống nước, hoặc đặt nó trên bờ mà đi.' Rồi người
ấy nhận chìm chiếc bè dưới nước, hoặc đặt trên bờ mà đi. Các thầy
nghĩ sao? Làm như vậy về chiếc bè, người ấy có được lợi ích (của
chiếc bè) không? Khi ấy các Tỳ-kheo đáp: 'Thưa vâng, có ích lợi.' (P: Gần
giống, dị biệt như đã ghi. Ở đây P chỉ nói đưa chiếc bè lên bờ hay
nhận chìm nó trong nước). Đức Thế Tôn nói: 'Như vậy trong một thời
gian dài ta đã giảng cho các thầy ẩn dụ về chiếc bè là để từ bỏ
chứ không phải để ôm giữ. Nếu các thầy đã hiểu ẩn dụ về chiếc
bè mà từ lâu nay ta đã dạy, thì pháp các ông còn phải từ bỏ, huống
là phi pháp.' "
Trong NC32, Phật lấy ví dụ cái hột
của một cây leo tăng trưởng và trở thành nguy hiểm cho một cây lớn, để
hiển thị mối nguy của dục:
C174:=P45:
Như vào tháng cuối xuân, vào những
ngày hết sức nóng (P: vào tháng cuối mùa hạ), một hột của cây leo
chih-i (?) nẻ ra rơi xuống đất dưới chân một cây sàla. (P: hạt của một
cây leo nứt ra rơi xuống dưới chân một cây sàla). Khi ấy vị thần cây
vì việc này đâm ra sợ hãi (bản P thêm: vị thần ở trong cây sàla sợ
hãi, dao động, run rẩy. Nó bỏ: do việc này). Rồi các vị thần làng, những
vị thần ở những cây lân cận, ở hàng trăm loại cây lúa, cây thuốc
(?)vốn là quyến thuộc bằng hữu của thần cây này, thấy được sự đáng
sợ và mối nguy của cái hột ấy trong tương lai, đi đến nơi thần cây
này mà an ủi rằng: (Bản P bỏ: các vị thần làng, những vị thần ở
những cây lân cận, ở hàng trăm loại cây lúa, cây thuốc nhưng nói: các
thần rừng, thần rú, thần cây, thần ở trong các cây có thuốc và rừng
rú. Nó bỏ: thấy được sự đáng sợ và mối nguy của cái hột ấy
trong tương lai) "Hỡi thần cây, đừng sợ! Hỡi thần cây, đừng sợ!
Cái hột này có thể bị con nai ăn, có thể bị chim công ăn, hoặc bị gió
thổi, hoặc bị đám cháy trong làng đốt tiêu, hoặc bị một ngọn lửa
hoang thiêu đốt, hoặc bị thối không còn là hạt giống." (P bỏ: Hỡi
vị thần cây, ... hay bị gió thổi, hoặc bị đám cháy trong làng đốt. Nó
thêm: hoặc có thể nó bị những người thợ rừng nhặt lên, hoặc có
thể nó bị kiến trắng ăn. C: hoặc nó có thể bị thối không còn là
hạt giống=P: hoặc nó có thể trở thành phi hạt giống). Bạn sẽ được
an ổn (P: không có câu này). Nhưng hạt giống ấy không bị nai ăn, không bị
chim công ăn, không bị gió thổi, không bị đám cháy đốt, không bị ngọn
lửa hoang đốt cháy, không bị thối để không còn là hạt giống. Hạt giống
ấy không thiếu điều gì, nó không bị đâm thủng, không bị cắt ngang,
không bị hư hỏng vì gió, mưa và nắng. Nó gặp được mưa lớn và trổ
mầm rất nhanh. (P bỏ: hạt giống này không thiếu gì.... gió mưa và nắng).Thần
cây này nghĩ: "Vì lý do nào những thần cây trong làng, những thần
cây lân cận... (như trên, cho đến không bị hỏng vì gió, mưa và nắng)."
Nó trở thành cọng, cành, lá, mềm mại, khả ái để sờ. (P trước hết
nói hạt giống lớn thành một cây leo mềm mại, dịu dàng, có lông và
bám lấy cây sàla. Khi ấy vị thần cây nghĩ tại sao các thần cây bạn lại
kéo đến an ủi mình trong khi chính mình thấy sự xúc chạm với dây leo
này rất dễ chịu). Những cọng, cành, lá mềm mại khi chạm đến đem lại
những cảm giác êm dịu. Cây leo phụ thuộc vào cây lớn này, trở thành
những cọng lớn, có mắc và có lá chằng chịt bao quanh cây lớn, làm
thành một mái che trùm lên nó. Khi cây leo đã phủ lên trên ngọn cây lớn,
vị thần cây nghĩ: "Những thần cây trong làng... nó gặp được mưa lớnvà
nẩy mầm rất nhanh. Vì hạt giống này, do hạt giống này, ta cảm thọ
đau đớn khốc liệt, sự thống khổ cực kỳ gắt gao." (P: Cây leo bao
trùm lấy cây sàla, làm thành một cái lọng ở trên nó, nảy sanh thêm vô
số cây nhỏ, và mỗi cành lớn của cây sàla đều bị phá hủy. Khi ấy vị
thần cây nghĩ rằng, bạn bè quyến thuộc của ông đã đúng khi báo cho
ông biết về mối nguy của hột giống này).
3. Ẩn dụ trong bản P đơn giản hơn:
Có nhiều trường hợp những ẩn
dụ trong P đơn giản hơn trong C, như các trường hợp sau:
Trong NC4:
C87: "Như một thiếu nữ dòng
Sát đế lợi, dòng Bà-la-môn, thiếu nữ của gia chủ, thợ thuyền, một
thiếu nữ đoan chính, xinh đẹp, sau khi tắm rửa tẩy tịnh, thân mình
xông hương phấn, mặc y phục sạch sẽ trong trắng. Nàng mang nhiều đồ nữ
trang để tăng thêm sắc đẹp. Nếu có một người nghĩ đến cô gái ấy,
mong cho cô được lợi ích, an lạc, bảo đảm và hạnh phúc. Người ấy lấy
một vòng hoa sen xanh, hoa chiêm bặc, hoa tu ma na (hoa lài), hay hoa bà sư, hoa
a đề mâu ca (đào hoa tâm) và tặng nàng tràng hoa ấy. Cô gái kia vui mừng
nhận tràng hoa với cả hai tay, để đội lên đầu mà trang sức."
P5: Ẩn dụ ở đây đơn giản
hơn. Nó nói trường hợp một phụ nữ hay một nam nhi, một thanh niên
thích trang sức sau khi đã gội đầu. Nếu người ấy có được một tràng
hoa sen hay hoa lài, hay hoa atimuttaka (đào hoa tâm), thì người con trai
hay con gái ấy sẽ cầm tràng hoa với cả hai tay mà đặt lên đầu.
Trong NC18:
C193: "Như một rừng sàla
trên một thửa đất tốt, người thợ rừng thông minh, thiện xảo, không
lười biếng, tùy theo mùa mà nuôi dưỡng gốc các cây sàla. Người ấy
thường xuyên xới đất, bón phân, và tưới nước cho chúng. Nếu nó quá
cao, anh ta đào xuống cho sâu, nếu nó quá thấp, anh ta thêm đất. Nếu có
cỏ hoang mọc gần cây, anh ta nhổ đi. Nếu những cây mọc chung mà cong quẹo,
đầy gút mắc và không thẳng, anh ta nhổ quăng ra ngoài. Nếu có vài cành
cong quẹo, anh ta cưa bớt. Nếu gần những cây ấy, có những cây sàla mới,
mạnh mẽ, thẳng tắp, anh ta sẽ nuôi dưỡng chúng tùy theo mùa, thường
xuyên xới đất thêm phân và tưới nước. Như vậy, rừng sàla trên mảnh
đất tốt sẽ tăng trưởng xanh tốt và dồi dào."
P21: Không giống hẳn. Nó nói một
rừng sàla lớn ở phụ cận một ngôi làng của một thị trấn. Rừng
sàla này bị những cây leo ăn bám, xâm chiếm. Một số người vì muốn tốt
cho khu rừng này, muốn nó được an ổn, nên chặt những cành bị cây leo
ăn, kéo ra khỏi rừng. Nhưng những người ấy sẽ săn sóc cẩn thận những
cành cây thẳng và lành mạnh. Nhờ vậy rừng sàla sẽ tăng trưởng xanh tốt
dồi dào.
4. Ẩn dụ ở bản C đơn giản hơn:
Trong vài trường hợp chúng ta thấy
ẩn dụ trong C giản dị hơn. Như trong NC18:
C193: "Như một chiếc xe ngựa
với người đánh xe ngồi trên. Ông ta cầm cương với bàn tay trái, bàn
tay phải nắm một cây roi da. Người ấy điều khiển chiếc xe theo tám con
đường chính và đạt đến bất cứ nơi nào mình muốn."
P21: Nó nói đến một chiếc xe thắng
với những con ngựa giống tốt, đứng trên ngã tư đường, trên đất bằng
phẳng, và một người đánh xe lão luyện sẵn sàng con roi. Một người đánh
xe chuyên luyện ngựa, leo lên xe ấy, cầm cương trong bàn tay trái, và con
roi trong bàn tay phải, người ấy có thể điều khiển chiếc xe đi xuôi
đi ngược, đến bất cứ hướng nào tùy thích.
5. Những ẩn dụ không có trong bản P:
Đôi khi có một vài ví dụ có
trong C nhưng thiếu trong P. Như trong NC90
Trong C171: "Có bốn hạng người,
một số không có dị thục báo mà như có, một số người có báo mà như
không, một số không có báo và cũng có vẻ không có báo, một số có báo
và cũng có vẻ là có báo. Cũng như có bốn hạng quả mít, một hạng
không chín nhưng bề ngoài như đã chín, một số ngoài sống trong chín, một
số ngoài sống trong sống, một số ngoài chín trong chín."
P136: Bản P nói đến nghiệp
nhưng không nói đến người. Có những nghiệp vô hành và cũng có vẻ vô
hành; có nghiệp vô hành nhưng có vẻ như có hành; có những nghiệp có
hành và cũng mang vẻ có hành; có nghiệp có hành nhưng có vẻ như vô
hành. Ẩn dụ ở đây không có.
6. Những ẩn dụ không có trong bản C:
Đôi khi trường hợp xảy ra ngược
lại, là bản C không có ẩn dụ, mà bản P tương đương thì có. Như trong
NC8:
C98: Ở đây C nói đến giai đoạn
trong việc quán thân khi vị Tỳ-kheo rõ biết hơi thở vào và thở ra. Nó bỏ
ví dụ.
P10: Ở đây bản P thêm ví dụ một
người thợ quay, rõ biết khi quay dài hay khi quay ngắn.
Trong NC74, P119 tiếp tục nói thêm
rằng thân hành niệm lại được tu tập với tâm muốn đạt đến nhờ thắng
trí, một thiền chứng này hay khác, thì vị ấy có thể đạt đến điều
này và thân chứng bất cứ cảnh giới nào. Rồi bản P đưa ra ba ví dụ
để làm rõ lời giải thích của Phật:
a) Như một bình
nước đầy tràn đến nỗi một con quạ có thể uống được, và bình
này được đặt trên một cái giá; nếu một người mạnh khỏe đi đến
lay chiếc bình, có thể làm vãi nước ra ngoài.
b) Như một cái
đê trên một mảnh đất bằng, bốn bờ được vây quanh bằng bờ đê.
Con đê này đầy nước đến miệng, khiến một con quạ có thể uống nước.
Nếu một người mạnh đi đến, có thể làm tràn nước ra.
c) Như tại
ngã tư đường, trên một mảnh đất bằng, có một cỗ xe được thắng
những con ngựa giống tốt. Một người đánh xe thiện xảo leo lên xe, tay
trái cầm cương, tay phải cầm roi, có thể lái cỗ xe đi bất cứ nơi nào
tùy thích.
7. Ẩn dụ trong bản P đúng hơn:
Trong vài trường hợp, chúng ta thấy
ẩn dụ bản P chính xác và minh bạch hơn bản C. Điều này là do sự dịch
sai của bản C hoặc do giải thích sai nguyên bản tiếng Phạn. Như trong
NC17, muốn chứng minh phương pháp thứ nhất xoay tâm nghĩ đến một đặc
tính này thành ra một đặc tính khác, để trừ khử những tư tưởng bất
thiện, đức Phật đã dùng đến ẩn dụ như sau, trong đó ta thấy cách giải
thích của bản P chính xác hơn:
C101: "Như một người thợ mộc
hay người học nghề thợ mộc, dùng một dây mực để kẽ một đường
trên gỗ, rồi người ấy dùng một cái cưa bén để cưa đứt gỗ làm cho
nó thẳng."
P20: Không giống, bản P cũng nói
đến người thợ mộc hay người học nghề thợ mộc nhưng thêm chữ dakkho.
Ở đây nó nói rằng người thợ mộc hay người học nghề thợ mộc dùng
một cái nêm để đánh bật một cái nêm khác.
Cũng thế trong ẩn dụ của NC43,
về sự huấn luyện một con ngựa:
C194: Phật hỏi Bạt Đà Hòa Lợi
có nhớ ngày xưa Ngài đã kể ví dụ về con ngựa thuần chủng. Bạt Đà
Hòa Lợi trả lời, vì ông không tuân giữ giới ăn một bữa, trong khi những
Tỳ-kheo khác tuân giữ, nên ông không nhớ. Phật dạy không phải chỉ vì
lý do ấy mà thôi. Khi Ngài kể ẩn dụ về con thuần chủng mã, Bạt Đà
Hòa Lợi đã không nhất tâm, không kính cẩn, không chú ý lắng nghe. Đây
là một lý do nữa. Rồi theo yêu cầu của Bạt Đà Hòa Lợi, Phật kể lại
ẩn dụ ấy. Có một người luyện ngựa, có được một con ngựa thuần
chủng. Lúc đầu anh ta huấn luyện con ngựa về tiếng hý. Trong khi huấn
luyện, con ngựa có thể không ưa được huấn luyện, nó có thể muốn hoặc
không muốn, vì con ngựa ấy chưa quen được huấn luyện. Sau khi đã xong
giai đoạn huấn luyện đầu tiên, người ấy luyện con ngựa về dây cương
để làm cho nó chạy. Ở đây bản C hơi lộn xộn về các giai đoạn huấn
luyện con ngựa trở thành hoàn toàn thuần thục, xứng đáng cái tên là ngựa
của vua.
P65: Bản P rất rõ ràng về các
giai đoạn của sự huấn luyện. Trước hết, con ngựa được luyện mang dây
cương, và trong khi được huấn luyện, nó có thể dằng co vì chưa quen.
Khi nó đã tập quen với dây cương, con ngựa lại được luyện để quen với
yên, để đi thẳng, đi vòng tròn, đi bằng đầu gót, tập phi, tập hý, tập
một trò chơi đơn giản, tập lộn nhào, tập phi nước đại, tập phi ở
tốc lực tối thượng và có những cung cách lịch sự nhất. Rồi người
luyện ngựa cho con ngựa đeo đồ trang sức đẹp đẽ. Khi con ngựa được
đầy đủ mười đức tính này, nó trở thành xứng đáng được vua sử dụng.
8. Cả hai bản đều có ẩn dụ không giống
nhau:
Chúng ta cũng nhận thấy rằng một
đôi khi hai bản có ẩn dụ không giống nhau, như trong NC 19, 23, 39.
Như trong NC19, ẩn dụ sau được
đức Phật dùng khi Ngài khuyến khích các đệ tử hãy bất động trước
khen chê:
C200: "Như trong rừng Kỳ Viên
này, bên ngoài cổng có nhiều lá khô, củi khô. Giả sử có người đến
đem chúng đi để đốt và sử dụng tùy thích. Các thầy nghĩ sao, những lá
khô, củi khô kia có nghĩ rằng, người kia đem chúng ta đi, đốt chúng ta
trong lửa và sử dụng chúng ta tùy thích. Các Tỳ-kheo đáp: Bạch Thế
Tôn, không. Cũng thế, nếu có người mạ lÿ các ông, đánh đập các ông,
giận dữ, bất mãn với các ông, luôn luôn khiển trách các ông; và nếu
có những người khác kính trọng, cúng dường, tôn trọng đảnh lễ các
ông, các ông cũng không nên ôm lòng giận dữ, thù ghét, ác ý, không ưa, tác
hại; các ông cũng không nên vui mừng hoan hỷ, các ông cũng đừng để cho
tâm mình như lên mây."
P22: Không giống. Ở đây đức Phật
khuyên các Tỳ-kheo hãy dẹp sang một bên những gì không thuộc về của
mình, vì như vậy sẽ đem lại hạnh phúc, an lạc lâu dài cho các Tỳ-kheo.
Những gì không thuộc của Tỳ-kheo ở đây là sắc, thọ, tưởng, hành, thức.
Tất cả những thứ này không phải là tự ngã, không thuộc về tự ngã,
bởi thế các Tỳ-kheo nên dẹp. Rồi Phật cũng lấy ví dụ ấy để làm
sáng tỏ giáo lý của Ngài. Bản P bỏ khô và củi, nhưng thêm cỏ,
cọng cành. Trong khi ở bản C, Phật hỏi các Tỳ-kheo những lá khô, củi
khô này có nghĩ người này đã mang chúng đi, ở bản P, Phật hỏi các Tỳ-kheo
có nghĩ rằng người kia đã mang chúng đi hay không.
Trong NC39, một loạt những ẩn dụ
có những dị biệt giữa hai bản được thấy như sau. Ở đây Ưu Ba Ly kể
ra bốn ví dụ để chứng minh ông ta sẽ lôi kéo Sa-môn Cồ Đàm như thế
nào trong cuộc tranh luận.
C133: "Như một người mạnh nắm
lấy một con cừu đực bằng cái bờm dài của nó và kéo lôi tùy
thích."
P56: C: kéo lôi tùy thích = P: àkaddheyya
parikaddheyya samparikaddheyya (kéo tới giật lui quay vòng tròn). Phần còn lại
giống nhau.
C: "Như một người mạnh cầm
một tấm áo lông cừu, đập nó để giũ bụi."
P: Không giống: "Như một người
bán rượu (sondikàkammakàro) nhận chìm một vò đựng rượu (? sondikàkilanjam)
trong một hồ sâu, nắm lấy một góc mà kéo nó."
C: "Như một người bán rượu
nhận một bao đựng rượu vào nước sâu và kéo nó tùy thích."
P: Không giống: "Như một người
say rượu đi chếch choáng (sondikàdhuto), nắm lấy một cái vàlam nơi
góc và lắc nó, tung nó lên nhiều lần."
C: "Như một con voi chúa 60 tuổi,
một con voi lớn có ngà, chân và thân đã trưởng thành, đầy đủ sức mạnh,
được một người mạnh dẫn đi tắm, rửa mông, lưng, bụng, ngà, đầu của
nó và làm cho nó giỡn chơi trong nước."
P: Nó nói đến một con voi Kunjaro
60 tuổi nhảy xuống ao nước sâu và chơi trò chơi tung nước.
Cũng vậy trong NC39, Kiền Tử khiển
trách Ưu Ba Ly đã đến Sa-môn Cồ Đàm cốt để luận bại ông ta nhưng cuối
cùng chính mình đã bị đánh bại, và Kiền Tử dùng hai ví dụ để khiển
trách Ưu Ba Ly:
C: "Như một con người đi vào
rừng để được mắt, nhưng rốt cuộc trở về mất cả 2 con mắt; như một
người đến hồ uống nước để giải khát nhưng trở về vẫn còn
khát."
P: Ví dụ thứ nhất không giống.
Nó nói đến một người đi thiến súc vật nhưng khi trở về lại bị thiến.
Ví dụ thứ hai giống như ví dụ đầu trong bản C.
Nhận xét: Như vậy một
nghiên cứu tỷ giảo về các ví dụ trong hai bản kinh chứng tỏ cả hai bản
đều rút tài liệu từ một nguồn chung, như ta thấy những dữ kiện mà
hai bản sưu tập giống nhau. Nhưng mặc dù những ẩn dụ này chuyên chở
những thuyết minh giống nhau, cách trình bày những ẩn dụ ấy, sự chọn
lựa những chi tiết, có vài dị biệt đáng kể, và điều này chứng tỏ
các nhà biên tập đã có sự rộng rãi trong việc chọn lựa tài liệu. Nếu
trong vài ví dụ có một số điểm bất đồng, ấy là do sự giải thích
sai ví dụ, hoặc do lỗi phiên dịch. Nhìn chung, khảo sát các ẩn dụ trong
hai bản kinh giúp ta thấy rõ các điểm đồng và dị giữa hai bản.
CHƯƠNG IX: PHẦN
KẾT CÁC KINH
Cuối
mỗi bài kinh trong bản C hay P thường thường có một phần kết để chứng
tỏ bản kinh đã chấm dứt và để diễn tả sự vui mừng của những người
lắng nghe bài kinh do Phật nói hay do một trong những đệ tử của Ngài
nói. Một nghiên cứu tỷ giảo về phần kết trong 98 kinh cho thấy những
điểm sau đây:
1) 36 kinh có
phần kết giống nhau;
2) 26 kinh có phần kết hơi khác, trong đó bản C có thêm các Tỳ-kheo hoặc
vài đệ tử hoặc vài nhân vật;
3) 13 kinh có phần kết không giống nhau;
4) 23 kinh trong bản P không có phần kết.
1. 36 kinh có phần kết giống nhau:
Những nghiên cứu tỷ
giảo sau đây cho thấy các bản kinh có phần kết giống nhau:
NC 2, 5, 8, 9, 10, 12, 13, 14, từ
16-19, 21, 24, 26-29, 32-34, 44, 47, 49, 58, 65, 70, 71, 73-75, 84, 91-93, 95.
Trong NC2, phần kết như sau:
C10: Đức Phật nói như vậy, các
Tỳ-kheo sau khi nghe lời đức Phật dạy đều hoan hỷ phụng hành.
P2: Đức Thế Tôn nói như vậy, các
Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.
Trong NC12, chính Tôn giả Mục-liền-liên
giảng pháp và các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Mục-liền-liên.
Trong NC21, chính Tôn giả Xá-lợi-tử
nói và các Tỳ-kheo hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Xá-lợi-tử.
2. 26 kinh có phần kết hơi khác:
Những NC sau đây có phần kết hơi
khác:
7, 11, 15, 22, 25, 40, 42, 43, 45, 50,
53, 55, 57, 60, 66, 67, 72, 76, 77, 80, 81, 83, 86, 87, 88 và 90.
Trong những kinh này, trong số những
người vui mừng về lời dạy của Phật hay của một đệ tử Ngài, bản
C thêm "những Tỳ-kheo ấy" hoặc một vài nhân vật. Như trong NC67,
bản P chỉ nói Mahàcundo vui mừng về lời dạy của Phật, nhưng
trong bản C tương đương, ngoài Tôn giả Đại Chu Na còn có các Tỳ-kheo
khác nữa. Trong NC25, bản P chỉ nói Dìgho parajano yakkho vui mừng về lời dạy
của đức Thế Tôn, bản C ngoài Trường Khổ Hạnh còn thêm "ba thiện
gia nam tử". Trong NC57, bản P chỉ nói những Tỳ-kheo ấy, nhưng bản C
thêm tên Tôn giả A Nan. Trong NC60, bản P chỉ nói những Tỳ-kheo ấy, bản
C thêm Phạm Ma. Điều này hơi lạ, vì Phạm Ma đã được nói đã chết
trong đoạn trước. Trong NC83, P nói chỉ có mình Tôn giả A Na Luật Đà
hoan hỷ lời Thế Tôn, nhưng bản C thêm các Trưởng lão Nan Đề và Kim Tỳ
La.
3. 13 kinh không có phần kết giống nhau:
Các NC sau đây: 1, 3, 4, 20, 30, 31,
41, 78, 85, 94, 96, 97, 98.
Trong NC1, Phần kết như sau:
C106: Đức Phật dạy như vậy, các
Tỳ-kheo sau khi nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
P1: Đức Thế Tôn dạy như vậy;
các Tỳ-kheo hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn (theo bản in Roman script).
Nhận xét: Theo truyền
thống Tích Lan, và bản kinh Tích Lan, các Tỳ-kheo không hoan hỷ với
bản kinh này, Na te bhikkhù Bhagavato bhàsitam abhinandunti. Bản kinh Miến
Điện ấn hành trong kỳ kết tập thứ sáu cũng theo truyền thống Tích
Lan. Kinh sớ (M.A.ii, 46 ff) nói 500 Tỳ-kheo không hoan hỷ khi nghe kinh này. Khi
nhận thấy điều này, Phật đã giảng cho họ truyện tiền thân
Mùlapariyàya jàtaka (Căn bản pháp môn). Nhờ vậy sự kiêu mạn của họ
tiêu tan, và họ xin đức Thế Tôn một đề tài thiền quán. Về sau khi Phật
ở Gotamacetiya tại Tỳ Xá Ly, Ngài giảng cho họ kinh Gotamakasuttam và
họ đắc quả A-la-hán (D.P.P.N. ii, p.649).
Nhưng bản in của hội Văn bản Pàli
và bản Hoa ngữ thì theo phần kết thông thường, đều nói các Tỳ-kheo
hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Từ phần kết bất thường của bài kinh này,
sự phân biệt giữa Như lai và A-la-hán, và tư tưởng không nên thủ trước
cả đến Niết-bàn, phải chăng ta có thể xem kinh này, một bản kinh mang
ít nhiều tinh thần đại thừa, là một trong những bản kinh hiếm hoi đã
thoát khỏi sự xoi mói của các nhà biên tập thuộc truyền thống Thượng
tọa bộ, và đã được đặt vào tạng Pàli có lẽ chỉ do sơ ý. Có thể
đã có thêm chữ Na để đánh dấu loại bỏ kinh ấy ra khỏi tạng
Pàli, nhưng những nhà biên tập kinh Pàli về sau đã quên làm việc này.
Trong NC3, bản C nói Tôn giả Xá-lợi-tử
hoan hỷ chấp nhận lời dạy của Thế Tôn, nhưng trong bản P nói những Tỳ-kheo
hoan hỷ chấp nhận lời dạy của Tôn giả Xá Lợi Phất. Sự khác biệt
này là do bản C có thêm một đoạn trong đó đức Phật khen Tôn giả Xá-lợi-tử
và kết thúc bài kinh, trong khi ở bản P, chính Tôn giả Xá Lợi Phất kết
thúc bản kinh.
Trong NC4, hai đoạn kết như sau:
C87: Hai vị Tôn giả ấy sau khi luận
thuyết và ca tụng nhau, đã từ chỗ ngồi đứng dậy. Tôn giả Xá-lợi-tử
đã nói như vậy, Tôn giả Đại Mục-liền-liên cùng các Tỳ-kheo hoan hỷ
tín thọ những lời Tôn giả Xá-lợi-tử đã nói.
P5: Như vậy hai vị đại long tượng
ấy cùng nhau vui mừng về sự biện thuyết của họ.
Trong NC20, những đoạn kết như
sau:
C9: Như vậy hai Tôn giả cùng nhau
thảo luận, và sau khi ca tụng lẫn nhau, họ hoan hỷ tín thọ. Rồi họ đứng
lên khỏi chỗ ngồi và trở về chỗ trú.
P24: Như vậy hai vị đại long tượng
cùng nhau hoan hỷ về bài pháp.
Trong NC30, sự khác nhau giữa hai
đoạn kết như sau:
C211: Như vậy hai vị Tôn giả ca
tụng lẫn nhau, nói: "lành thay, lành thay", họ cùng nhau hoan hỷ
tín thọ. Rồi họ từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
P43: Tôn giả Xá Lợi Phất đã
nói như vậy. Tôn giả Ma Ha Câu Thi La hoan hỷ tín thọ lời Tôn giả Xá Lợi
Phất nói.
Trong NC31, bản C nói đến Tỳ-kheo
ni Pháp Lạc và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; còn bản P lại
nói cư sĩ Visàkha hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Sự khác nhau này là do
trong bản C, Tỳ-kheo ni Pháp Lạc thuật lại với đức Phật cuộc đàm thoại,
còn trong bản P, nam cư sĩ Visàkha đi đến đức Thế Tôn.
Trong NC41, trong bản C, những Tỳ-kheo
hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong P, Tôn giả Man Đồng Tử hoan hỷ lời
Thế Tôn dạy.
Trong NC78, Tôn giả A Nan và các Tỳ-kheo
hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong P, phần cuối của bài kinh là do Tôn
giả A Nan thuyết nên các Tỳ-kheo hoan hỷ lời của Tôn giả A Nan.
Trong NC85, trong bản C, các Tỳ-kheo
hoan hỷ lời Thế Tôn, trong khi ở bản C, bài kinh được chấm dứt bằng
một bài kệ do đức đạo sư đọc lên, không có phần kết như thường lệ.
Trong NC94, trong bản C, Tôn giả
Fu-chia-lo-so-li hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong bản P, các Tỳ-kheo hoan
hỷ lời Thế Tôn dạy.
Trong NC96, bản C nói Tôn giả A
Nan và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; trong bản P, đức Thế Tôn
tụng lên một bài kệ để kết thúc kinh.
Trong NC97, theo bản C, các Tỳ-kheo
hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, theo bản P, chính là Tôn giả A Nan.
Trong NC98, bản C nói Tôn giả A
Nan và các Tỳ-kheo trẻ hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, trong khi bản P chỉ
nói các Tỳ-kheo. Bản P thêm rằng trong khi kinh này được giảng, có 60 Tỳ-kheo
đạt đến sự giải thoát lậu hoặc, không còn chấp thủ.
4. 23 kinh bản P thiếu phần kết:
Đó là các kinh số
6,23,35,36,37,38,39,46,48,51,52,54,56,59, từ 61-64,68,69,79,82,89.
Như trong NC6, bản C nói Bà-la-môn
Hảo Thủ Thủy Tịnh và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, nhưng bản
P chấm dứt ngang, với việc Bà-la-môn đắc quả A-la-hán.
Trong NC23, bản C nói, Bà-la-môn
Sheng-wen và người thuộc ngoại đạo tên Pilu hoan hỷ lời Thế Tôn dạy,
còn bản P bỏ phần kết sau khi Bà-la-môn Jànussonì xin quy y Tam bảo,
làm một cư sĩ.
Trong NC35, Bà-la-môn và tùy tùng
hoan hỷ lời Thế Tôn dạy.
Trong NC36, bản C nói ác ma hoan hỷ
lời Tôn giả Mục-liền-liên. Điều này khá lạ lùng, khi ma mà lại hoan hỷ
bài pháp của Đại Mục-liền-liên, vì bài giảng của Tôn giả cốt để
hàng phục ma. Lại nữa trong bài kinh này, trước đấy đã nói là ác ma đã
biến mất. Sự im lặng trong bản P về vấn đề này có lý, và cho thấy sự
kết tập bản kinh P có nhiều chính xác hơn.
Trong NC39, theo bản C, Ưu Ba Ly hoan
hỷ lời Thế Tôn dạy, còn trong bản P, chỉ nói Ni Kiền Tử bị thổ huyết.
Trong NC59, trong bản C, vua Ba Tư Nặc,
Tôn giả A Nan và hội chúng hoan hỷ lời Thế Tôn dạy; nhưng trong bản P,
vua Ba Tư Nặc hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, đứng lên khỏi chỗ, đảnh lễ
đức Thế Tôn, nhiễu quanh Ngài rồi ra đi.
Trong NC63, bản C nói Tôn giả
Xá-lợi-tử và vô số trăm ngàn người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế
Tôn dạy. Nhưng bản P chỉ nói đức Thế Tôn bảo Xá Lợi Phất rằng
Bà-la-môn Đà Nhiên đã chết và được sinh lên Phạm thiên giới.
Trong NC79, bản C nói ngoại đạo
và các Tỳ-kheo hoan hỷ lời Tôn giả Bạc Câu La. Nhưng không có phần kết
trong bản kinh P, nói rằng Tôn giả Bạc Câu La trong khi ngồi giữa chúng hội
đã nhập Niết-bàn.
Trong NC89, bản C nói thanh niên Anh
Vũ, con trai của Đô Đề và vô số người trong chúng hội hoan hỷ lời Thế
Tôn dạy; nhưng bản P bỏ qua phần kết và chỉ nói Todeyyaputta xin đức Thế
Tôn nhận ông làm một đệ tử cư sĩ.
Nhận xét: Như vậy một
cuộc nghiên cứu tỷ giảo về phần kết của 98 kinh tương đương cho thấy
rằng những nhà biên tập kinh C hơi quá theo hệ thống khi biên tập kinh,
vì trong 222 kinh không có một kinh nào là không có phần kết; trong khi bản
P có 23 kinh không có phần kết; 36 kinh có kết luận gần giống nhau; 26
kinh có kết luận hơi khác, đã cho thấy có một nguồn gốc chung, từ đó
các nhà biên tập hai tạng kinh thu thập tài liệu. Nhưng sự bỏ bớt phần
kết trong một số kinh P chứng tỏ bản P có độ đáng tin cậy khá cao. Như
vậy, thật khá lạ lùng khi ác ma hoan hỷ lời Tôn giả Mục-liền-liên như
được thấy trong NC36; và chúng ta cũng không kém ngạc nhiên khi bản C
thêm Phạm Ma hoan hỷ lời Thế Tôn dạy, khi ông ta được báo cáo là đã
chết trong đoạn trước như đã thấy trong NC60. Chúng ta cũng thấy bản C
đã nói trong NC63 rằng có đến vô số trăm ngàn người trong chúng hội
hoan hỷ lời Thế Tôn dạy. Điều này dường như mang màu sắc tư tưởng
Đại thừa, và chứng tỏ đây là một sự biên tập khá muộn. Nhưng chúng
ta phải nhận rằng, có thể những nhà biên tập về sau đã thêm phần kết
để đem lại tính đồng nhất cho toàn thể tạng kinh A-hàm, do đó khiến
cho một vài bất ổn len lỏi vào.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2