- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
NC 60
C161: Phạm Ma kinh
P91: Kinh Brahmàyu
A. Toát yếu kinh C
Bà-la-môn Phạm Ma, sau khi nghe danh
tiếng và trí tuệ của đức Phật, người có 32 đại nhân tướng, đã gởi
một đệ tử của mình là Ưu Đa La đến xem để biết các tin đồn về
đức Phật có đúng không. Ưu Đa La đi đến trông thấy 32 tướng trên
thân đức Phật, theo dõi Ngài một thời gian để quan sát uy nghi và cách
hành xử của đức Phật. Rồi khi trở về, y thuật lại toàn thể vấn đề
cho Bà-la-môn Phạm Ma. Ông này đích thân đi đến yết kiến Phật, quan sát
32 đặc tướng của bậc đại nhân, lắng nghe đức Phật thuyết pháp và
trở thành một đệ tử của Ngài.
P: Gần giống.
B. Nhan đề kinh
C: Phạm Ma kinh, bài kinh về
Phạm Ma, nói đến người Bà-la-môn phái một đệ tử đi đến để xác
định lời đồn về danh tiếng đức Phật.
P: Kinh Brahmàyu, bài kinh về
Brahmàyu, cùng nói đến một người như ở kinh C.
C. Nơi thuyết kinh
C: Tại xứ Vi Đề Ha.
P: Cũng vậy.
D. Nội dung kinh
I. Danh tiếng của đức Phật:
C: Vào lúc bấy giờ ở Mi Sa La
(P: Mithilà), có một Bà-la-môn tên Phạm Ma có tài sản lớn, vô số của cải,
gia súc và mùa màng, được phong nhiều nhà và vựa lúa, giàu có dồi dào.
Xứ Mi Sa La, cùng với nước, cỏ và cây cối được ân tứ bởi vua Vị
Sanh Oán (A Xà Thế), con của bà Vi Đề Hi xứ Ma Kiệt Đà (P: Ajàtasattu,
Videhiputta, Magadha). Bà-la-môn Phạm Ma có một người thanh niên tên là
Ưu Đa La được cha mẹ nuôi lớn, sống một đời trong sạch, thanh tịnh
cho đến bảy đời tổ tiên, không làm việc phi công đức. Anh ta học nhiều
hiểu rộng, tinh thông bốn tập Vệ đà, có khả năng sâu sắc về khoa học
ngữ nguyên, về ngôn ngữ nói chung và về năm câu (năm ngành hiểu biết).
Anh ta đã nghe rằng Sa-môn Cồ Đàm, con trai dòng Sakya, đã từ bỏ dòng họ
Sakya, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, vì lòng tin, từ bỏ gia đình sống
không gia đình để học pháp. Ngài đang du hành ở Ma Kiệt Đà, cùng với
một đại chúng Tỳ-kheo. Tiếng đồn tốt đẹp lan khắp mười phương về
đức Cồ Đàm ấy như sau: Sa-môn Cồ Đàm là đức Như lai (như trước,
cho đến)... hiển thị toàn vẹn đời sống phạm hạnh. Anh cũng nghe rằng
Sa-môn Cồ Đàm có 32 đặc tướng của bậc đại nhân. Những người có
32 đặc tướng của bậc đại nhân này có hai con đường chắc chắn mở
ra cho họ: nếu ở lại đời sống gia đình, họ sẽ thành vua Chuyển
luân, thông minh trí tuệ, có bốn đạo quân để cai trị thế gian. Sau khi
đã ổn định thế giới, nhờ tự lực của mình, họ sống phù hợp với
pháp, làm đấng pháp vương có bảy báu: xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc
báu, nữ báu, cư sĩ báu, đình thần báu; làm cha của một ngàn người con
trai đẹp đẽ, dũng cảm, vô úy, hàng phục được các đạo quân khác, thống
lĩnh tất cả đất đai cho đến biển cả, không dùng đến gươm giáo, gậy
gộc, mà dùng pháp để an dân. Nếu họ cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa
vì lòng tin từ bỏ gia đình sống không gia đình để học pháp, thì chắc
chắn họ sẽ thành Như lai, bậc giác ngộ hoàn toàn và chân chính, tiếng
đồn lan rộng khắp mười phương.
P: Gần giống. C: Phạm Ma = P:
Brahmàyu. Bản P thêm rằng Bà-la-môn này già, đã cao tuổi, đã đến 120 tuổi.
P hoàn toàn bỏ đoạn nói về tài sản lớn của Bà-la-môn, tài sản do vua
ân tứ....... trong sạch cho đến bảy thế hệ. C: học nhiều, hiểu rộng,
tinh thông bốn thánh điển = P: tinh thông ba tập Vệ đà. C: am tường sâu
sắc khoa học ngữ nguyên và ngôn ngữ nói chung = P: giỏi từ ngữ, văn pháp,
trí thế gian và đại nhân tướng. C: giỏi về năm câu (năm ngành hiểu biết)
= P: giỏi về ngữ vựng, nghi lễ, văn, truyền thống, và ngữ âm. Danh tiếng
của Sa-môn Cồ Đàm cũng giống như trong các kinh P trước đây. Ở đây bản
P bỏ nói đến 32 tướng đại nhân, nhưng trong đoạn kế tiếp, khi Bà-la-môn
giục Uttara đến yến kiến Sa-môn Cồ Đàm, ông cũng đề cập 32 tướng.
Ghi chú: Bản P nói ba tập Vệ
đà trong khi bản C nói bốn tập. Như vậy truyền thống bản P xưa hơn.
II. Phạm Ma giục đệ tử mình đi đến yết kiến Sa-môn Cồ Đàm:
C: Phạm Ma lập lại những gì
ông ta đã nghe đồn về danh tiếng, đức tính và đặc tướng của Sa-môn
Cồ Đàm, cho đệ tử Ưu Đa La nghe, và giục anh ta đi đến xem Sa-môn Cồ
Đàm có thật đúng như những gì được đồn đãi về Ngài, và Ngài có
32 tướng đại nhân hay không, vì Ưu Đa La đã đọc trong các kinh điển về
người sở hữu 32 tướng đại nhân.
P: Gần giống. Bản P cũng nói 32
tướng và hai con đường duy nhất mở ra cho người này. Về đặc tính của
một chuyển luân vương, hai bản gần giống nhau với những dị biệt như
sau: Bản P bỏ: thông minh, trí tuệ. C: sau khi làm cho thế giới ổn định
nhờ tự lực của mình = P: người đem lại ổn định cho xứ sở. C: có bốn
loại quân đội để cai trị thế giới = P: chiến thắng cả bốn phương
thế giới. Về bảy báu, chỉ có báu vật cuối cùng là hơi khác:
C: báu vật về chủ, binh lính, đình
thần = P: báu vật về cố vấn. C: có danh tiếng lan rộng khắp mười
phương = P: đã vén màn cho thế gian. P thêm rằng Bà-la-môn Brahmàyu nói,
ông ta là người cho chú thuật và Uttara là người nhận chú thuật. Phần
còn lại giống nhau.
III. Ưu Đa La đến gần đức Phật:
C: Khi ấy Ưu Đa La đến gần đức
Phật, chào Ngài và ngồi xuống một bên. Anh thấy 30 tướng của bậc đại
nhân trên thân đức Phật và nghi ngờ về hai tướng còn lại, là tướng
mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. Khi Ưu Đa La đã biết Sa-môn Cồ Đàm
có đầy đủ 32 tướng đại nhân, anh theo dõi Sa-môn Cồ Đàm suốt bốn
tháng mùa hạ để quan sát cách hành xử của Sa-môn Cồ Đàm, uy nghi của
Sa-môn Cồ Đàm và những nơi Ngài thăm viếng (uy nghi và hành xứ). Sau khi
làm việc ấy, anh từ giã Sa-môn Cồ Đàm và ra về.
P: Gần giống. C: tướng mã âm
tàng = P: kosohite vatthaguyhe. Về tướng lưỡi dài rộng mà trong bản
C nói trùm phủ cả mặt, P nói Phật thè lưỡi ra chạm hai tai, hai mũi và
trùm cả mặt cho đến trán. C: anh ta theo Sa-môn Cồ Đàm suốt bốn tháng
mùa hè để quan sát uy nghi Sa-môn Cồ Đàm và những nơi Ngài thăm viếng =
P: thanh niên Uttara trong bảy tháng đi theo sát Sa-môn Cồ Đàm như cái bóng
để quan sát uy nghi của Ngài.
IV. Ưu Đa La thuật lại cho Phạm Ma:
1) 32 đại nhân tướng:
(Xin xem chương 5 về Phật và 32 tướng
đại nhân).
2) Uy nghi của đức Phật:
(Xin xem ở trước, trang ...).
3) Ưu Đa La xuất gia:
C: Rồi Ưu Đa La xin phép
Bà-la-môn để đi xuất gia với Sa-môn Cồ Đàm, và Phạm Ma bằng lòng. Sau
đó Ưu Đa La đi đến đức Phật xin xuất gia và được thọ đại giới.
Đức Phật chấp nhận.
P: Không có.
V. Cuộc gặp gỡ giữa đức Phật và Bà-la-môn Phạm Ma:
1) Các gia chủ và Bà-la-môn đến
thăm Phật:
C: Sau khi Ưu Đa La được thọ giới,
Phật cùng đại chúng Tỳ-kheo rời Videha và tuần tự đi đến Mi Sa La, ở
lại trong rừng Makhàdeva. Tiếng đồn về đức Phật đã đến nơi này,
các gia chủ và Bà-la-môn ở Mi Sa La cùng quyến thuộc ra khỏi thành đi về
hướng bắc đến rừng Makhàdeva để yết kiến đức Phật. Một số đảnh
lễ dưới chân đức Phật rồi ngồi qua một phía, một số chào hỏi đức
Phật rồi ngồi qua một phía, một số chắp tay hướng về đức Phật rồi
ngồi qua một phía, một số từ xa trông thấy đức Phật, giữ im lặng rồi
ngồi xuống. Khi ấy đức Phật thuyết pháp cho họ, làm cho họ phấn khởi,
khích lệ và làm họ hoan hỷ, dùng vô số cách để thuyết pháp.
P: Bỏ sự thọ giới của
Ưu Đa La, thêm: một số xưng tên họ rồi ngồi xuống. Bỏ Phật thuyết
pháp cho chúng.
2) Sự viếng thăm của Phạm Ma
và 32 tướng đại nhân:
C:Tiếng đồn về Phật đến tai
Phạm Ma và ông ta muốn đến thăm đức Phật. Ông sai chuẩn bị những cỗ
xe khả ái, và khởi hành. Nhưng khi đến nơi đức Phật, thấy Ngài được
vây quanh bởi vô số người đang nghe pháp, ông đâm ra sợ hãi, đến dưới
một gốc cây và gởi một sứ giả đến hỏi thăm sức khỏe của đức
Phật và xin phép được yết kiến Ngài. Đức Phật nhận lời, và Phạm
Ma đến gặp đức Phật. Các gia chủ và Bà-la-môn, những người đã biết
được đức hạnh và tri kiến của Phạm Ma, đứng dậy khỏi chỗ ngồi
để nhường cho ông, nhưng Phạm Ma từ chối bảo rằng ông muốn yết kiến
đức Phật ngay. Rồi ông đến trước Phật, chào Phật và ngồi qua một
bên. Ông thấy tất cả tướng của một bậc đại nhân trên thân Phật trừ
hai tướng, nghi ngờ về hai tướng này và đọc một bài kệ để xin đức
Phật giải trừ những nghi này cho ông. Phật dùng thần thông hiển thị
cho Phạm Ma hai tướng ấy. Sau khi trông thấy chúng, ông được xác tín rằng
đức Phật đủ 32 tướng của bậc đại nhân.
P: Gần giống, với những dị biệt
như đã thấy trong các đoạn trên. Bản P không nói Bà-la-môn Brahmàyu đâm
ra sợ hãi khi đến gần đức Phật và phải gởi một sứ giả. Ở đây
Bà-la-môn nghĩ rằng, thật mình không nên yết kiến Sa-môn Gotama mà không
xin phép trước. Bởi thế ông gởi sứ giả đến. Và cũng ở đây,
Bà-la-môn Brahmàyu dùng bài kệ để thưa hỏi đức Phật, và Phật cũng dùng
một bài kệ để trả lời ông.
3) Đức Phật thuyết pháp cho
Phạm Ma:
C: Đức Phật biết Bà-la-môn Phạm
Ma này không phải là một kẻ lừa dối, một kẻ bịp bợm, ông ta đặt câu
hỏi chỉ vì muốn hiểu biết chứ không phải muốn gây rối. Ông nghĩ tốt
hơn Phật nên giảng cho ông pháp A-tỳ-đàm sâu sắc. Phật dùng kệ cho
phép Bà-la-môn đặt câu hỏi vì an lạc trong hiện tại và vì hạnh phúc
cho tương lai. Rồi Bà-la-môn Phạm Ma đặt những câu hỏi sau đây, tất cả
đều dưới hình thức kệ: "Gì là Bà-la-môn? Ba sự thành đạt có nghĩa
gì? Do gì mà người ta nói họ không còn chấp thủ? Gì là sự giác ngộ
hoàn toàn và chân chính?" Phật dùng kệ trả lời:
"Phá hủy các ác bất thiện pháp,
Đứng vững và an trú trong đời sống phạm hạnh,
Tu tập trong phạm hạnh,
Đây gọi là Bà-la-môn.
Có tri kiến sáng suốt về quá khứ,
Thấy rõ các cõi hạnh phúc và đau khổ,
Diệt trừ ngu si,
Biết điều này gọi là Mâu ni.
Biết rõ tâm thanh tịnh,
Hoàn toàn diệt trừ tham, sân, si,
Đạt đến ba minh,
Gọi là ba sự chứng đắc.
Viễn ly khỏi ác pháp,
An trú chân chính trong đệ nhất nghĩa,
Là đối tượng chính cho thế gian tôn trọng,
Do đây gọi là không chấp thủ.
Giúp đỡ chư thiên và loài người.
Đem lại con mắt và phá hủy tranh chấp,
Có tri kiến quảng bác và đã tận trừ hữu,
Gọi là giác ngộ chân chính và hoàn toàn."
P: Không giống hẳn. P bỏ: Đức
Phật nghĩ rằng Bà-la-môn này không phải là một kẻ lừa dối..... giảng
A-tỳ-đàm cho ông. Sự cho phép của Phật đã được đặt trong bài kệ trước.
Ở đây bản P thêm một đoạn Brahmàyu quyết định nên hỏi Sa-môn Gotama
những câu gì. Cuối cùng ông ta quyết định hỏi về mục đích của đời
vị lai. Những câu hỏi không giống nhau trong hai bản, chỉ có một vài
câu giống, và cả hai bản đều dùng hình thức kệ.
Ở đây Bà-la-môn hỏi:
"Thế nào gọi là Bà-la-môn?
Làm sao để trở thành chủ của tri kiến?
Thế nào là nắm vững ba minh?
Thế nào là một bậc hữu học?
Thế nào là một đức Như lai? Làm sao người ta trở thành toàn giác?
Thế nào là một bậc hiền? Thế nào là một đấng giác ngô?"
Đức Phật cũng trả lời bằng bài
kệ như sau:
"Ai biết đời quá khứ,
Thấy được cõi trời và đọa xứ,
Ai đạt đến phá hủy sinh tử,
Người ấy là một bậc hiền, đã hoàn tất thánh trí.
Ai biết tâm thanh tịnh, giải thoát mọi chấp thủ,
Đã tận trừ sinh tử,
Người ấy viên mãn đời phạm hạnh.
Ai biết được tất cả tâm pháp,
Gọi là đấng giác ngộ."
4) Bà-la-môn quy y.
C: Rồi Bà-la-môn Phạm Ma đứng dậy
khỏi chỗ ngồi, muốn đảnh lễ dưới chân Phật. Lúc ấy, đại chúng
gia chủ và Bà-la-môn la lớn lên rằng, thật kỳ diệu, thật lạ lùng thay
về Sa-môn Cồ Đàm, khi Bà-la-môn Phạm Ma của xứ Mi Sa La, người có bảy
đời tổ tông đều thanh tịnh, người tối thượng trong các gia chủ và
Bà-la-môn của xứ Mi Sa La, người đa văn nhất, giàu có nhất, cao tuổi nhất,
đã 126 tuổi, lại hạ mình thờ phụng Sa-môn Cồ đàm. Đức Phật biết
được tâm của hội chúng này, liền bảo Bà-la-môn Phạm Ma trở về chỗ
ngồi của ông. Rồi Phật thuyết pháp cho ông, làm cho ông hoan hỷ, phấn
chấn, khích lệ ông, dùng vô số cách để giảng pháp cho ông... (giống như
trước) cho đến câu: "trở nên vô úy đối với pháp của đức Thế
Tôn." Bà-la-môn Phạm Ma đứng dậy khỏi chỗ, đến ngồi dưới chân
đức Phật, xin quy y Tam bảo, xin đức Phật nhận ông làm một đệ tử tại
gia. Rồi ông mời Phật cùng với chúng Tỳ-kheo hôm sau đến nhà ông thọ
thực, và Phật nhận lời. Rồi ngày hôm sau đức Phật cùng chúng Tỳ-kheo
đến nhà Bà-la-môn và được Bà-la-môn cúng dường thực phẩm. Sau buổi
ăn, Bà-la-môn lấy một ghế thấp, và ngồi lắng nghe Phật thuyết tùy hỷ
pháp. Đức Thế Tôn dạy:
"Trong các tế đàn, lửa là tối thượng,
Phạm âm là nền tảng của tất cả âm thanh.
Trong loài người, vua là tối thượng
Biển dài hơn các dòng sông.
Mặt trăng sáng hơn các vì sao,
Nhưng không ánh sáng nào quá hơn mặt trời.
Phương trên phương dưới,
Bốn phương chính và bốn phương phụ,
Cùng với tất cả thế gian,
Từ nhân loại cho đến chư thiên,
Chỉ có Phật là tối thượng."
P: Không giống, ở đây Brahmàyu
thực sự đảnh lễ Phật, sắp đặt thượng y một bên vai, hôn quanh chân
đức Phật, lấy hai tay vuốt khắp chân Ngài và xưng tên ông. Thái độ của
ông làm cho toàn thể chúng hội kinh ngạc và úy phục. Rồi đức Phật giảng
pháp cho ông như thường lệ cho đến khi Brahmàyu đạt được pháp nhãn.
Phần còn lại cũng gần giống như C, nghĩa là sự quy y Tam bảo của ông,
việc ông mời đức Phật thọ trai, nhưng ở đây không nói gì đến việc
đức Phật thuyết tùy hỷ pháp. Ngài chỉ như thường lệ, làm cho
Bà-la-môn hoan hỷ, hài lòng với một pháp thoại. Nó thêm: sau một tuần,
đức Phật khởi hành đi đến Videha.
5) Cái chết của Phạm Ma và nơi
tái sinh của ông:
C: Sau khi ở lại vài ngày tại Mi
Sa La, đức Phật du hành đến Xá Vệ, và đi đến Thắng Lâm, vườn Cấp-cô-độc.
Tin tức về cái chết của Phạm Ma đến với Ngài, và các Tỳ-kheo hỏi Phạm
Ma tái sinh ở đâu. Phật trả lời rằng ông ta đã đắc quả Bất hoàn,
không còn trở lui đời này nữa.
P: Gần giống; nó không nói Phật
đến Xá Vệ và ở lại Kỳ thọ Cấp-cô-độc viên.
Ghi chú: Cô Horner trong
bản dịch của mình, đã đọc câu Pàli "Na ca mam vihesesi"
thay vì "navamam vihesesi", cách đọc của cô có lẽ đúng, vì
trong C có từ ngữ: "Ông ta không quấy rối Như Lai về pháp."
E. Phần kết
Trong khi bản P nói các Tỳ-kheo
hoan hỷ lời đức Phật dạy, bản C thêm rằng, Phạm Ma cũng hoan hỷ. Điều
này cho thấy một bất ổn lớn, khi ta xét rằng trong đoạn trước Phạm
Ma được báo cáo là đã chết.
NC61
C151: Phạm chí A-nhiếp-hòa kinh
P93: Kinh Assalàyana
A. Toát yếu kinh C
Bà-la-môn A-nhiếp-hòa đến tranh
luận với đức Phật về thuyết của Ngài rằng cả bốn giai cấp đều
thanh tịnh, và đề cao sự ưu thắng của giai cấp Bà-la-môn. Phật dùng
nhiều câu hỏi, ví dụ và mẩu chuyện để cho A-nhiếp-hòa thấy rõ sự
trống rỗng của lời ông tuyên bố.
P: Gần giống, với một vài dị
biệt trong các câu hỏi, ví dụ và mẩu chuyện.
B. Nhan đề kinh
C: Phạm chí A-nhiếp-hòa kinh,
kinh nói về Phạm chí A-nhiếp-hòa, tức là người Bà-la-môn đến thách đấu
với đức Phật.
P: Assalàyanasuttam, kinh nói về
Assalàyana, cũng một người như trên.
C. Nơi thuyết kinh
Cả hai bản cùng để nước Xá Vệ,
vườn Kỳ thọ Cấp-cô-độc.
D. Nội dung kinh
I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh này:
C: Một số lớn Bà-la-môn ở Câu
Sa La tụ họp trong một giảng đường đang bàn về lời công bố của
Sa-môn Cồ Đàm về sự thanh tịnh của cả bốn giai cấp, trong khi họ
tuyên bố rằng giai cấp Bà-la-môn là tối thượng, các giai cấp khác
không thể sánh bằng; Bà-la-môn trắng, các giai cấp khác đen; Bà-la-môn
thanh tịnh, các giai cấp khác bất tịnh; Bà-la-môn là con của Phạm thiên,
sinh từ miệng của ngài. Họ nghĩ đến một người nào có thể đi đến
thách đấu với Sa-môn Cồ Đàm, và đã chọn thanh niên A-nhiếp-hòa, người
có sanh chủng thanh tịnh cho đến bảy thế hệ tổ tiên, không làm các việc
phi công đức. Anh ta đa văn, học rộng, tinh thông bốn thánh điển, rất
thiện xảo về luật duyên khởi, về ngữ pháp nói chung, và về năm câu
(năm ngành hiểu biết). Tất cả họ đi đến yêu cầu A-nhiếp-hòa đi đến
thách đấu với Sa-môn Cồ đàm. A-nhiếp-hòa từ chối, bảo rằng không thể
nào tranh luận với Sa-môn Cồ Đàm, vì Ngài thuyết giảng phù hợp với
chánh pháp. Các Bà-la-môn khác cứ giục anh đi, đừng có chưa đánh đã nhận
thua và cuối cùng A-nhiếp-hòa nhận lời. Rồi anh cùng với các Bà-la-môn
người Câu Sa La đi đến Sa-môn Cồ Đàm, chào hỏi Ngài và ngồi xuống một
bên, nêu lên lời công bố của mình về sự tối thượng của giai cấp Bà-la-môn
và hỏi quan điểm của Sa-môn Cồ Đàm.
P: Gần giống, thêm: khoảng 500
Bà-la-môn từ nhiều vùng khác nhau đi đến Xá Vệ vì một vài công việc.
Bỏ: họ tụ họp trong một giảng đường, và chỉ nói đến quan điểm
Sa-môn Cồ Đàm về sự thanh tịnh của bốn giai cấp. Những đức tính của
Assalàyana cũng giống như những đức tính của Brahmàyu trong kinh Brahmàyu,
ngoại trừ chi tiết, Assalàyana còn trẻ, 16 tuổi, đầu cạo trọc. Bản P
thêm: các Bà-la-môn khác thúc giục Assalàyana đi tranh luận với Sa-môn Cồ
Đàm, bảo rằng Assalàyana là người đã sống đời du sĩ. Trong bản P, những
yêu cầu của các Bà-la-môn được lập lại ba lần, và Assalàyana từ chối
hai lần. Cuối cùng Assalàyana chấp nhận, bằng cách giữ im lặng trong bản
C, nhưng trong bản P anh ta bảo, thật sự Sa-môn Cồ Đàm nói đúng pháp,
và thật khó mà cãi với những người nói đúng pháp, anh ta không thể
cãi với Sa-môn Cồ Đàm. Tuy nhiên anh cũng sẽ đi như được yêu cầu. Ở
đây lời công bố của Bà-la-môn như sau: "Giai cấp Bà-la-môn là tối
thượng, các giai cấp khác là hạ liệt; Bà-la-môn trắng, các giai cấp
khác đen; Bà-la-môn thanh tịnh, không phải các giai cấp khác, Bà-la-môn là
con chính thức của Phạm thiên, sinh từ miệng của Phạm thiên, được
sinh ra do Phạm thiên, kẻ thừa tự của Phạm thiên."
II. Sa-môn Cồ Đàm bác bỏ:
Có chín sự bài bác và ví dụ
trong cả hai bản, nhưng không giống nhau và cũng không cùng một thứ tự.
Những bài bác tương đương như sau: C1 = P2; C2 = P: không có; C3 = P5; C4 =
P6; C5 và C6 = P7; C7 và C9 = P8; C8 = P9. P1, P3, P4 không có trong C.
Bài bác thứ nhất: C1 = P2:
C: Đức Thế Tôn hỏi A-nhiếp-hòa
có nghe về hai xứ sở là Uất Nê (Yonà) và Chiên Phù (Kamboja),
nơi đó chỉ có hai giai cấp chủ và tớ, hết làm chủ sẽ thành tớ, và
hết làm tớ sẽ thành chủ. Khi A-nhiếp-hòa trả lời có, đức Phật bảo
nếu các Bà-la-môn theo chánh đạo, họ sẽ có được hiểu biết chân
chính và sự tự tri phù hợp với pháp. Cũng vậy với các quý tộc, gia chủ
và thợ thuyền. Rồi A-nhiếp-hòa ca tụng Sa-môn Cồ Đàm thật kỳ diệu,
hy hữu, nói rằng anh ta hiểu ví dụ ấy rất nhanh chóng, nhưng các
Bà-la-môn lại nói giai cấp Bà-la-môn là tối thượng.
P: Gần giống. C: Uất Nê, Chiên
Phù = P: Yonà, Kamboja. P thêm: và các xứ ở biên giới. Kết luận của Phật
ở đây hoàn toàn khác: "Này Assalàyana, nếu thế thì do sức mạnh
nào, do thẩm quyền nào mà các Bà-la-môn lại bảo giai cấp Bà-la-môn là tối
thượng..."
Sự bài bác thứ hai: C2 = P không có:
C: Đức Thế Tôn hỏi A-nhiếp-hòa,
có phải chỉ những người Bà-la-môn mới không bị khoảng không này nắm
lấy, không bị trói buộc bởi khoảng không, không bị chạm đến và
không bị ngăn ngại bởi khoảng không. A-nhiếp-hòa phải trả lời rằng
các giai cấp khác cũng vậy. Rồi đức Thế Tôn nói lên kết luận như
trong lời bác thứ nhất.
Sự bài bác thứ ba: C3 = P5:
C: Đức Thế Tôn hỏi A-nhiếp-hòa,
có phải chỉ có Bà-la-môn mới có thể tu tập bi mẫn, không hận, không
sân, không có ác ý, không tranh chấp, còn những người quý tộc, gia chủ
và thợ thuyền, không thể làm như vậy. A-nhiếp-hòa trả lời rằng cả bốn
giai cấp đều có thể làm như vậy. (Cũng kết luận như trên).
P: Gần giống. Nó thêm : trong xứ
này (asmim padese).
Bài bác thứ tư: C4 = P6:
C: Đức Phật hỏi A-nhiếp-hòa,
nếu người từ một trăm dòng họ khác nhau đi đến, và một người nói
lên rằng, chỉ có những người có thọ sanh cao quý và Bà-la-môn mới có
thể đem bã đậu (xà phòng) để đến sông tắm, rửa sạch bụi bặm, trở
thành sạch sẽ thanh tịnh, nhưng còn gia chủ và các giai cấp thợ thuyền
thì sao. A-nhiếp-hòa trả lời rằng, tất cả giai cấp, không trừ một ai,
đều có thể đem bã đậu và đi tắm cho sạch bụi bặm. (Phật kết luận
như trên).
P: Gần giống. Nó không nói đến
100 dòng họ khác nhau đi đến và một người nói chỉ có quý tộc và
Bà-la-môn có thể rửa sạch bụi bặm. Ở đây Phật hỏi Assalàyana, có phải
chỉ có Bà-la-môn (không nói đến quý tộc) mới có thể dùng bột tắm
và đồ chà lưng đi đến sông để tắm sạch bụi và bùn.
C: bã đậu để tắm rửa = P: đồ
chà lưng và bột tắm.
Bài bác thứ năm và sáu: C5 và C6 = P7:
C: Đức Thế Tôn hỏi A-nhiếp-hòa,
nếu có người từ 100 dòng họ đi đến và một người nói, hãy đến đây,
chỉ người quý tộc và Bà-la-môn mới có thể dùng bột chiên đàn thật
khô, dùng nó như đồ lấy lửa, cọ xát nó để phát ra lửa. Nhưng những
gia chủ và thợ thuyền, nếu họ lấy phân heo, phân chó khô và gỗ cây y
lan hay một thứ gỗ tồi nào khác, dùng nó như dụng cụ phát sinh lửa, để
cọ xát, những người này có thể làm sản sinh lửa để dùng được không.
A-nhiếp-hòa đáp rằng, tất cả những người này, dùng các loại gỗ
khác nhau để làm đồ lấy lửa, đều có thể sản xuất lửa. Và ngọn lửa
được phát ra cũng có ngọn, có màu sắc, có hơi nóng, và có thể dùng để
nấu, không khác gì lửa do các người quý tộc và Bà-la-môn làm phát sinh,
nhờ sử dụng gỗ quý để làm sanh lửa.
P: Gần giống, nhưng nhiều chi tiết
hơn. Ở đây nói đến một vị vua Sát đế lợi đã được quán đảnh,
triệu tập một trăm người dân đủ mọi dòng họ.
C: những người thuộc dòng quý tộc
và Bà-la-môn dùng gỗ chiên đàn rất khô = P: những người thuộc dòng
quý tộc, Bà-la-môn, gia đình vương giả, dùng phần trên của một cây
sàla hay một cây sakka hay một cây salala hay một cây trầm, hay hoa sen.
C: những người sinh ra từ gia chủ
và thợ thuyền, lấy phân heo khô, phân chó hay gỗ y lan hoặc gỗ tồi
khác = P: thuộc dòng họ chiên đà la, thợ săn, thợ đan tre, gia đình đánh
xe bò, hốt phân... dùng phần trên của phân chó (sàpàna), phân heo (sùkara),
phân khô, hay dầu cây đu đủ (elandakattha).
C: Đức Thế Tôn bảo A-nhiếp-hòa
rằng mọi người được gọi tên tùy theo gia đình từ đó họ sinh ra. Như
từ gia đình Bà-la-môn, họ được gọi là Bà-la-môn, từ gia đình quý tộc
họ được gọi là quý tộc. Cũng vậy với gia chủ và thợ thuyền. Như lửa
sinh từ củi thì gọi là lửa củi, từ cỏ, phân, gỗ, thì gọi là lửa cỏ,
lửa phân, và lửa gỗ. Nhưng một người con từ một người cha quý tộc
và một người mẹ Bà-la-môn giống hoặc mẹ hoặc cha hoặc không giống
bên nào, không thể được gọi là một Bà-la-môn hay một quý tộc, nhưng
cái thân thể được gọi là thuộc về chính nó, vì thân thể được gọi
tùy theo nơi nó sinh ra. Nếu một con ngựa cái và một con lừa đực giao hợp
và một con la được sinh ra, thì con la không thể được gọi là ngựa, cũng
không gọi là lừa mà gọi là la. Ở đây đức Phật lặp lại lời kết
luận của Ngài, và A-nhiếp-hòa cũng lặp lại lời ca tụng như đã thấy
trong các bài bác trước. Lại nữa đức Thế Tôn hỏi A-nhiếp-hòa, giả sử
có một Bà-la-môn tu hạnh tiết dục và bố thí, có bốn con trai, hai người
có học còn hai người không học. Người Bà-la-môn sẽ bố thí cho ai trước,
với chỗ ngồi tốt nhất, thực phẩm và nước rửa tốt nhất. A-nhiếp-hòa
trả lời rằng người ấy sẽ bố thí cho hai người con trai có học. Đức
Thế Tôn lại hỏi, giả sử có một Bà-la-môn thực hành tiết dục và bố
thí, có bốn con trai, hai người không học nhưng siêng năng và ưa làm việc
công đức, còn hai người thì có học nhưng không siêng năng và ưa làm hạnh
phi công đức. Người Bà-la-môn sẽ bố thí cho ai trước, với chỗ ngồi,
thực phẩm và nước rửa tốt nhất. A-nhiếp-hòa trả lời rằng, ông ta sẽ
bố thí cho hai người không học nhưng siêng năng và ưa hành thiện. Rồi
đức Thế Tôn bảo A-nhiếp-hòa rằng, A-nhiếp-hòa đầu tiên ca tụng đa
văn, rồi ca tụng sự tuân giữ giới luật. Đức Thế Tôn đã nói về sự
thanh tịnh của bốn giai cấp và công bố nó, A-nhiếp-hòa cũng đã nói về
sự thanh tịnh của bốn giai cấp và công bố nó.
P: Không giống. Bản Pàli đặt
hai lời bài bác này chung. Nó bỏ đoạn: "Người ta được gọi tùy
theo gia đình từ đấy họ được sinh ra... được gọi là lửa củi."
Trong khi bản C nói một người con trai từ cha quý tộc và mẹ Bà-la-môn
hay mẹ quý tộc cha Bà-la-môn, dù nó giống cha, giống mẹ hay không giống
ai cả, đều không thể gọi là Bà-la-môn hay quý tộc, mà có một giai cấp
của riêng nó; bản P lại nói rằng, dù một người con trai được sinh ra
từ một con gái quý tộc và thanh niên Bà-la-môn hay một thanh niên quý tộc
và con gái Bà-la-môn thì đứa con trai ấy sẽ giống cả mẹ lẫn cha và sẽ
được gọi vừa quý tộc vừa Bà-la-môn. Ví dụ về con la cũng giống như
ở bản C, nhưng bản P không có cùng một kết luận như ở C. Bản P nói rằng,
vì sự thọ sinh lẫn lộn của nó, nó được gọi là một con la và
Assalàyana thêm rằng, anh ta nhận xét có sự dị biệt ấy ở đây, nhưng
ở nơi khác, anh không thấy dị biệt nào cả. Về lời bài bác kia, bản P
không nói rõ rằng, một Bà-la-môn thực hành hạnh tiết dục và bố thí;
nó chỉ nói trường hợp hai anh em (không phải bốn) cùng mẹ nhưng không
cùng cha (C: không có), một người thông minh, tinh thông (các tập Vệ đà),
còn người kia thì không.
C: cho con trai nào, người Bà-la-môn
sẽ bố thí trước, với chỗ ngồi, nước rửa và thức ăn tốt nhất =
P: người Bà-la-môn sẽ cho ai ăn trước, đồ cúng cho người chết hay cháo,
hay nước thánh, hay cơm dành cho khách.
C: hai người có học nhưng không
siêng năng và ưa làm hành vi bất thiện = P: một người thông minh và thiện
xảo (về các kinh Vệ đà), nhưng có ác giới và tính tình xấu xa. Người
kia thì ngược lại. Phần còn lại cũng giống nhau. Cần ghi chú một dị
biệt nữa ở đây. Trong bản C, đức Thế Tôn bảo A-nhiếp-hòa lúc đầu
ca tụng đa văn, rồi ca tụng sự trì giới, và cả đức Thế Tôn lẫn
A-nhiếp-hòa đã nói về sự thanh tịnh của bốn giai cấp và công bố nó,
nhưng trong bản P, đức Phật bảo A-nhiếp-hòa rằng, lúc đầu anh ta đã
nói về sanh chủng, rồi bỏ sanh chủng nói đến chú thuật, bỏ chú thuật
nói về sự thanh tịnh của bốn giai cấp đúng như đức Phật đã công bố.
Bài bác thứ tám: C8 = P9:
C: Đức Thế Tôn kể lại một
câu chuyện cho A-nhiếp-hòa, ngày xưa có nhiều hiền nhân sống chung tại một
nơi yên tịnh. Họ khởi lên một tà kiến rằng giai cấp Bà-la-môn là tối
thượng.... Khi ấy một bậc hiền tên là Asito Devalo khi biết được tà kiến
này đã đắp y, vấn một khăn vàng quanh đầu, cầm một cây gậy và một
cái dù, choàng một áo trắng, biến mất từ chỗ của mình và không sử dụng
cửa lớn để đi vào, ông ta xuất hiện trong ngôi nhà nhập thất của
các hiền nhân, đi lui đi tới, nói rằng: "Bảy Bà-la-môn hiền trí đã
đi đâu rồi?" Một người hiền trông thấy điều này, thuật lại vấn
đề với các bạn của mình và yêu cầu họ đi đến trù rủa ông ấy. Nhưng
khi những người này trù rủa: "Mong ngươi trở thành tro tàn. Mong ngươi
trở thành tro tàn!", thì màu da của Asito Devalo lại càng sáng hơn và
thân thể ông ta tỏa ra nhiều ánh sáng hơn nữa. Những người này liền hỏi
Asito Devalo, ông là ai, và khi người này để lộ tông tích, các bậc hiền
xin lỗi. Khi ấy Asito hỏi các bậc hiền có phải họ đã khởi lên một
tà kiến rằng giai cấp Bà-la-môn là tối thượng.... và các người hiền
công nhận đã có quan điểm như vậy. Khi ấy Asito hỏi họ có biết cha
mình, ông nội mình,... cho đến bảy thế hệ, có cưới toàn thiếu nữ
Bà-la-môn, không có ai phi Bà-la-môn hay không. Họ có biết mẹ của họ,
bà ngoại của họ... trở lui cho đến bảy thế hệ, có phải những người
này chỉ kết hôn toàn với người Bà-la-môn, không người đàn ông nào
là phi Bà-la-môn. Rồi Asito lại hỏi, họ có biết sự thụ thai xảy ra như
thế nào. Và đuợc trả lời rằng, khi ba việc kết hợp thì sẽ có sự
thụ thai: sự gặp gỡ giữa cha, mẹ (người mẹ phải ở trong trường hợp
có thể thụ thai) và sự đi đến của hương ấm (gandhabba). Asito hỏi họ
có biết hương ấm đi thọ sanh ấy là nam tánh hay nữ tánh, từ đâu đến,
từ giai cấp quý tộc hay Bà-la-môn hay gia chủ hay thợ thuyền, nó đến từ
phương đông, nam, tây, hay bắc. Các bậc hiền ấy trả lời rằng họ
không biết. Asito nói nếu họ không biết điều này thì làm sao có thể
công bố rằng giai cấp Bà-la-môn là tối thượng. A-nhiếp-hòa khi bị Thế
Tôn quở trách, tỏ vẻ hối hận. Đức Phật muốn làm cho ông hoan hỷ,
bèn đưa ra sự bài bác thứ chín.
P: Gần giống. Ở đây Asito Devalo
được mô tả là có râu tóc chải chuốt, mặc y phục màu tía, mang hài
nhiều lớp, cầm một cái gậy bịt vàng xuất hiện trong am thất của bảy
hiền nhân Bà-la-môn. Lời nguyền rủa cũng giống như trong C. Ở đây, bảy
hiền nhân càng nguyền rủa Asito thì ông này càng đẹp đẽ, khả ái. Bản
P thêm rằng, bảy hiền nhân nghĩ rằng trước đây khi họ nguyền rủa người
nào, lời nguyền rủa của họ ứng nghiệm tức khắc, thế mà bây giờ lời
nguyền rủa của họ không còn hiệu lực, thế thì khổ hạnh của họ đã
thành vô dụng, đời sống phạm hạnh của họ không ích gì. Asito Devalo trấn
an họ rằng, sự khổ hạnh của họ không vô dụng, đời sống phạm hạnh
của họ không phải vô ích. Khi ấy ông để lộ tung tích mình, và bảy hiền
nhân đến đảnh lễ Asito. Câu hỏi về cha, ông nội, mẹ, bà nội, sự thụ
thai.... đều giống nhau.
C: (tử cung bà mẹ) không đầy, có
thể thụ thai = P: màtà ca utunì hoti, ở trong thời kỳ của bà mẹ.
Bản P bỏ câu hỏi : "Chúng sinh được sinh ra đến từ hướng nào?"
Nó thêm một câu hỏi khác: "Sự tình là vậy thì bảy hiền nhân có
biết mình là ai không?" và các hiền nhân trả lời không.
C: Đức Phật bảo A-nhiếp-hòa rằng
những hiền nhân sống trong rừng, nơi vắng vẻ, khi được Asito khéo dạy
dỗ, khéo giáo giới như vậy, đã không thể chỉ ra sự thanh tịnh của
giai cấp Bà-la-môn, thế thì làm sao thầy của ông ta có thể chỉ được,
người mặc áo cỏ? = P: Đức Phật bảo Assalàyana rằng, bảy hiền nhân
Bà-la-môn khi được đức Phật hỏi và chất vấn về sanh chủng của
mình đã không thể trả lời thì làm sao bây giờ anh ta khi được Phật hỏi
và chất vấn về sanh chủng lại có thể trả lời được, khi anh ta cùng
một thầy với họ, nhưng lại không phải là Punna Dàbbigàha (?). Bản
P cũng nói đến thái độ hối hận của Assalàyana, nhưng chỉ ở phần cuối
của sự bài bác thứ tám.
Ba bài bác không có trong C: P1, P3, P4:
P1: Đức Phật hỏi Assalàyana rằng,
những nữ Bà-la-môn được biết là cũng có kinh nguyệt, có thai, sinh con
và cho con bú, và những người Bà-la-môn sinh từ trong bụng của họ, thế
thì làm sao có thể tự cho mình là tối thượng.
P3: Đức Phật chứng minh cho Assalàyana
thấy là không những chỉ có những giai cấp quý tộc, thương gia, thợ
thuyền, mà ngay Bà-la-môn, nếu họ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói dối,
phỉ báng, ác khẩu, nói lời phù phiếm, nếu họ tham lam, ác ý, tà kiến,
thì sau khi chết, họ cũng tái sinh vào các đọa xứ, vào địa ngục.
P4: Đức Phật chứng minh cho Assalàyana
thấy rằng, không phải chỉ có Bà-la-môn mà cả quý tộc, thương gia, thợ
thuyền, nếu họ từ bỏ sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối, phỉ báng,
ác khẩu, nói lời phù phiếm, nếu họ từ bỏ tham lam, ác ý, tà kiến,
thì sau khi chết, tất cả đều sẽ được sinh vào thiện thú, cõi trời.
III. Phản ứng của A-nhiếp-hòa và các Bà-la-môn:
C: Khi ấy A-nhiếp-hòa đứng dậy
khỏi chỗ ngồi, muốn đi đến đảnh lễ dưới chân đức Phật, nhưng hội
chúng la lớn: Sa-môn Cồ Đàm thật kỳ diệu, thật hy hữu, có đại thần
thông, đại oai lực, đại công đức, khi đã giảng sự thanh tịnh của bốn
giai cấp và làm cho A-nhiếp-hòa cũng tuyên bố sự thanh tịnh của bốn
giai cấp. Đức Thế Tôn biết tâm của đại chúng, bảo A-nhiếp-hòa hãy
trở về chỗ ngồi, nói rằng, tâm của A-nhiếp-hòa được hoan hỷ là đủ.
Rồi đức Thế Tôn giảng pháp cho anh ta, khích lệ làm cho anh phấn chấn
hoan hỷ. A-nhiếp-hòa cúi đầu dưới chân đức Thế Tôn, nhiễu quanh đức
Phật ba vòng rồi ra đi. Các Bà-la-môn ở Câu Sa La quở trách A-nhiếp-hòa,
bảo rằng anh ta đi đánh bại Sa-môn Cồ Đàm nhưng cuối cùng đã bị
Ngài luận bại, cũng như một người đi tìm mắt, đi vào khu rừng nhưng
trở về mất cả hai mắt; như kẻ đến hồ để uống nước mà trở về
vẫn khát. A-nhiếp-hòa bảo các Bà-la-môn rằng, anh ta đã nói với họ trước
kia, rằng Sa-môn Cồ Đàm nói đúng pháp, khó mà tranh luận với một người
nói đúng pháp.
P: Không giống. Ở đây chỉ nói
rằng Assalàyana thốt lên: "thật là kỳ diệu, hy hữu", rồi xin Phật
nhận anh làm đệ tử, từ đây cho đến trọn đời.
Ghi chú: Cô Horner, trong
M.L.S., ii., p. 349, ghi chú 3, nhận xét rằng, công thức thường lệ để xin
trở thành đệ tử cư sĩ không xuất hiện ở đây một cách đầy đủ, mà
bản kinh cũng không đưa ra những dấu hiệu về sự rút ngắn hay bỏ. Nếu
chúng ta so sánh với bản C thì C có vẻ hữu lý hơn.
E. Phần kết
Bản P bỏ phần kết, bản C có
phần kết như thường lệ.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2