- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
CHƯƠNG
IV: GIÁO LÝ
Bây
giờ chúng ta sẽ khảo sát chi tiết những điểm giống và khác giữa hai bản
dịch, về phương diện giáo lý. Chúng ta chọn cách phân loại của tác phẩm
Thanh tịnh đạo thành Giới, Định Tuệ, mặc dầu có những pháp bao
hàm cả ba, như Bát chánh đạo.
A. GIỚI
Trước hết chúng ta bàn đến sự
huấn luyện một Tỳ-kheo bao hàm trong giới bản Biệt giải thoát, sự giữ
gìn sáu căn, thanh tịnh sinh mạng, sự sử dụng bốn vật cần dùng.
Trong NC68, đức Phật giải thích
rằng, trong pháp luật này, có sự huấn luyện tuần tự một Tỳ-kheo. Trước
hết là sự giữ giới gồm năm giai đoạn, rồi sự thực tập thiền định
gồm hai giai đoạn, và huấn luyện trí tuệ được trình bày vắn tắt
trong bản C, bao gồm hai giai đoạn trong bản P. Ở đây chúng ta chỉ giới
hạn việc nghiên cứu vào sự tu tập giới.
1. Sự tuân giữ giới luật:
Bản C144, Toán số Mục-kiền-liên:
Ở đây vị Tỳ-kheo nói sau khi xuất gia, vị ấy tuân giữ giới bản Tỳ-kheo
và sống phù hợp với giới Biệt giải thoát. Vị ấy gìn giữ uy nghi
chánh hạnh, thấy nguy hiểm ngay cả trong những lỗi nhỏ nhặt và tuân giữ
giới bản. Rồi vị ấy kể ra 20 học giới phải theo.
Bản P107, Ganakamoggallàna: Vị
Tỳ-kheo được dạy phải tuân giữ giới, chế ngự với sự chế ngự của
giới bản Biệt giải thoát, có chánh hạnh và chánh hành xứ, sợ hãi đối
với những lỗi nhỏ. Và vị ấy tuân giữ 26 học giới, nhiều hơn bản C
6 điều. Những học giới ấy như sau:
C1=P1: Không
sát sinh.
C2=P2: Không lấy của không cho.
C3=P3: Không tà hạnh.
C4=P4: Không nói dối.
C5=P5: Không nói hai lưỡi (P: phỉ báng).
C6=P6: Không nói lời thô ác.
C7=P7: Không nói lời phù phiếm.
C8=P8: Không trồng trọt để sống (C: chih-shêng = P: bìjagàmabhùtagàma, gieo
hạt, trồng rau).
C9=P16: Không nhận gái góa và con gái (P: phụ nữ và thiếu nữ).
C10=P17: Không nhận tôi tớ và nữ tỳ.
C11=P20 và P18: Không nhận voi, ngựa, bò cái, cừu (P: dê, cừu, voi, bò cái,
ngựa, ngựa cái).
C12=P19: Không nhận gia cầm và heo.
C13=P21: Không nhận đồng ruộng, cửa hàng (P: ruộng, đồng, đất đai
phong cảnh).
C14=P14: Không nhận lúa sống, lúa mạch, đậu, (P: mùa màng mới gặt hái,
còn sống).
C15=P (không có): Không uống rượu.
C16=P12: Không dùng giường cao, rộng.
C17=P11: Không dùng tràng hoa, chuỗi đeo cổ, hương liệu, dầu thơm, phấn
(P: tràng hoa, hương, dầu thơm, đồ trang sức, những đồ làm đẹp).
C18=P10: Không hát, khiêu vũ, đóng tuồng, không xem nghe múa hát, diễn kịch
(P: khiêu vũ, ca hát, âm nhạc, xem trình diễn) .
C19=P13: Không nhận sanh sắc (P: Jàtarùpa, tức là vàng), hương bao (P:
rajapa, bạc).
C20=P9: Không ăn quá ngọ, ăn ngày một bữa, ăn đúng thời (P: người ăn một
bữa, Không ăn ban đêm). Bản P thêm P15: không nhận thịt sống;
P22: Không làm sứ giả, gởi sứ giả;
P23: Không mua bán;
P24: Không lừa đảo bằng cân, đong lường;
P25: Không hối lộ móc ngoặc, đánh tráo và lừa bịp
(uckotanavancananikatisàciyogà);
P26: Không làm què quặt, ám sát, giam cầm, cướp giật giữa đường
(chedanavadhabandhanaviparàmosa).
Ghi chú: Bản P thêm: không
nhận thịt sống, do đó hàm ý rằng cho phép nhận thịt đã nấu chín. Nhưng
bản C bỏ học giới này, ngụ ý cấm tất cả loại thịt.
2. Hỷ túc:
C: (vii,40a, 10-11): Sau khi đã hoàn
tất thánh giới này, vị Tỳ-kheo tu tập hạnh hỷ túc, mặc y để che thân,
ăn thực phẩm để duy trì cơ thể; bất kỳ đi đâu, vị ấy cũng mang
theo y và bát, không ràng buộc, như con ngỗng trời bay trong hư không với
đôi cánh.
P: (iii, 34, 22-32): Gần như trên.
C: duy trì cơ thể = P: duy trì lỗ
bụng.
C: giống như con ngỗng trời = P:
giống như con chim.
3. Hộ trì căn môn hay điều phục các căn:
C: Rồi vị Tỳ-kheo cần phải chế
ngự các căn, đóng chúng lại, khéo điều phục tâm ý, luôn luôn có chánh
trí. Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không thích
thú trong sắc pháp. Chính vì để lắng dịu sự giận dữ và gây gỗ, để
đề phòng sự nổi dậy của tham, sầu, khổ, và các ác bất thiện pháp,
mà các căn cần phải được chế ngự. Cũng thế với tai, mũi, lưỡi, thân
và ý.
P: Gần giống như trên.
C: vị Tỳ-kheo cần phải chế ngự
các giác quan... có chánh trí = P: căn môn cần phải được phòng hộ.
C: không thích thú trong các sắc
pháp = P: không nắm giữ những chi tiết về sắc pháp. Bản này bỏ: vì muốn
lắng dịu sự thù hận và gây gổ.
4. Chánh niệm trong các uy nghi:
C: (40a,11-14): Rồi vị Tỳ-kheo cần
phải tỉnh giác khi đi ra, đi vào, chánh niệm tỉnh giác khi co tay, duỗi
tay, khi cúi xuống, ngước lên, có uy nghi chánh hạnh, mặc y ngoài một
cách đúng pháp, mang bát đúng pháp. Khi đi, đứng, nằm, ngủ, thức, nói
hay im, vị ấy đều tỉnh giác.
P: (35,11-17): Gần như trên. Về
oai nghi của vị Tỳ-kheo, bản Pàli thêm: đến gần, đi xa, ngước lên,
nhìn xuống, ăn, uống, nhai, thưởng thức, tiểu tiện, đại tiện. Bản P
bỏ: đi ra, đi vào, cúi xuống, ngước lên, có oai nghi và chánh hạnh.
Nhưng trong C 144 (75a,11-13) có thêm
hai giai đoạn nữa, quán chánh niệm và tránh các tư tưởng liên hệ đến
dục như sau: "Khi vị Tỳ-kheo đã hoàn tất giai đoạn đầu, vị ấy cần
được dạy quán nội thân như là thân thể cho đến quán cảm thọ, quán
tâm và quán pháp, vị ấy không được tư duy những tư duy liên hệ đến
dục vọng." Bản P không có.
Nhưng bản P(iii,2,26,33) thêm hai
giai đoạn nữa ở sau chánh niệm uy nghi:
a) Tiết độ
trong ăn uống, tỉnh giác trong khi ăn, không phải để vui đùa, không phải
để đam mê, không phải để tự làm đẹp mình, mà chỉ để duy trì cơ
thể, giữ cho nó sống, không bị hại, để tuân giữ đời sống phạm hạnh,
để nhổ tận gốc những cảm thọ cũ và ngăn ngừa những cảm thọ mới,
để Tỳ-kheo có thể sống an ổn, không lỗi lầm;
b) Rồi vị Tỳ-kheo
cần phải chú tâm cảnh giác; trong lúc tới lui vào ban ngày và đầu đêm,
vị ấy phải thanh lọc tâm khỏi các chướng ngại pháp; vào đêm canh giữa,
trong lúc nằm xuống hông bên phải theo dáng sư tử, hai chân chồng nhau, vị
ấy phải chánh niệm nghĩ đến lúc thức dậy; vào canh cuối, sau khi thức
dậy đi tới đi lui, vị ấy phải thanh lọc tâm khỏi các pháp chướng ngại.
5. Sử dụng các vật cần dùng:
Kinh C10, Lậu tận: (v,13b,
5-9): "Tỳ-kheo sử dụng y phục, không phải vì lợi lộc, không phải
vì kiêu mạn, không phải để trang sức, mà chỉ để che chở thân khỏi
muỗi, ruồi, gió, mưa, lạnh, nóng để che đậy sự hổ thẹn. Khi dùng đồ
ăn uống, không phải vì lợi lộc, kiêu mạn, vì lạc thú mập phì, mà chỉ
để duy trì cơ thể được sống lâu, để trừ khử ưu, não, sầu, bi, để
duy trì đời sống phạm hạnh, để xua đuổi cơn bệnh cũ và đề phòng bệnh
mới, để được sống lâu, an ổn, không bệnh. Khi Tỳ-kheo sử dụng trú
xứ, phòng, nhà, giường, chiếu, đồ nằm, không phải để lợi lộc, không
phải để kiêu mạn, không phải để trang sức, mà chỉ để chấm dứt sự
mệt mỏi của việc tọa thiền. Khi Tỳ-kheo sử dụng dược phẩm trị bệnh,
không phải vì lợi lộc, kiêu mạn, không vì lạc thú mập phì, mà chỉ để
trừ khử ưu não do bệnh gây nên, để duy trì mạng sống, để sống an
ổn, không bệnh."
Bản P2, Tất cả lậu hoặc:
(i, 10, 4-23): Không giống như trên. Về sự sử dụng y phục, bản P thêm như
lý tác ý vào thái độ của Tỳ-kheo và thêm sirimsapa vào trong danh sách muỗi
và ruồi. Nó bỏ: không vì lợi lộc, không vì kiêu mạn, không vì trang sức.
Về sự sử dụng thức ăn uống, bản C nói: thức ăn uống = bản P: đồ
ăn khất thực. Ở đây bản P nói Tỳ-kheo sử dụng đồ ăn khất thực không
phải vì thể thao (davà), không phải để đam mê (madàya), không phải để
trang hoàng, không để làm đẹp mình, mà để duy trì mạng sống, để mạng
sống khỏi bị hại, để duy trì đời sống phạm hạnh, để diệt trừ cảm
thọ cũ, ngăn ngừa cảm thọ mới khởi lên, để sống không lỗi, được
an ổn.Về sử dụng trú xứ, bản P sử dụng một danh từ duy nhất là
sàng tọa. Nó bỏ: "không phải để trang sức.v.v." và nói để che
chở khỏi lạnh nóng, tránh muỗi ruồi, gió, sức nóng mặt trời, các
loài bò sát, để tẩy trừ sự khắc nghiệt của mùa, để hưởng sự độc
cư. Về sử dụng dược phẩm trị bệnh, bản P dùng danh từ gilàna-paccaya
bhesajjaparikkhàra. Bản P bỏ: "không vì..." nhưng nói "để
trừ diệt những cảm thọ khởi lên phát sinh ra đau đớn, để được an
lạc hoàn toàn."
Ghi chú: Về danh từ sirimsapa,
vị trí của nó ở đây khá lạ lùng, vì nó đáng lẽ đặt gần các từ damsa,
makasa. Trong truyền thống P, chỉ có những nhu yếu tích cực về y phục
được nói đến, nhưng không có trường hợp nào về sự sử dụng sai
được kể ra. Trong bản C, danh từ kiêu mạn được dùng để dịch chữ màdàya,
chữ này trong tiếng P vừa có nghĩa kiêu mạn, vừa có nghĩa mê say, và ở
đây nghĩa mê say thích hợp hơn. Về sự sử dụng đồ ăn khất thực, bản
P nói: "không vì trang sức (vibhùsana), không vì trang hoàng".
Điều này có vẻ khá gượng ép ở đây. Bản C có lẽ dễ nghe hơn.
Nhận xét chung:
Như vậy về phương diện giới,
không có khác nhau nhiều giữa đạo đức thực hành. Những bất đồng rải
rác chỉ cho thấy những tiểu dị giữa hai bộ phái mà hai bản kinh tiêu
biểu. Như vậy sự bỏ mất học giới "không nhận thịt sống" ra
khỏi bản C rất ý nghĩa, vì nó chứng tỏ thái độ chủ trương ăn chay của
các nhà Nhất thiết hữu bộ từ một thời rất xa xưa.
B. ĐỊNH
Trong đoạn nói về định, trước
hết chúng ta đề cập 37 bồ đề phần pháp, kế đến sự diệt trừ năm
triền cái, rồi đến bốn thiền thuộc sắc địa, bốn phạm trú, bốn
thiền thuộc vô sắc địa, diệt thọ tưởng và vô tưởng, và cuối cùng
là năm thắng trí.
1. Ba mươi bảy Bồ-đề phần:
Trong NC 66, kinh Châu na, C196
(vii, 56a,13) đề cập những pháp bốn niệm xứ, bốn chánh đoạn, bốn thần
túc, năm căn, năm lực, bảy giác chi và tám thánh đạo. So sánh chúng với
bản P tương đương, (P104, Làng Sàma,) chúng ta thấy không có khác
nhau giữa hai bản ngoại trừ P đểõ bốn chánh cần thay vì bốn chánh đoạn
như C.
a) Tứ niệm xứ: Sự
giống nhau giữa bản C và bản P được thấy rõ trong NC8: (P10=C98: Niệm
xứ) ở đấy bốn niệm xứ được mô tả dài dòng như dưới đây:
C98: Kinh Niệm
xứ (vi,18a,13-14): Bốn niệm xứ là gì? Quán thân như thân. Cũng thế đối
với thọ, tâm và pháp.
P 10:
(i,56,4-11): Gần giống. Bản P không sử dụng hình thức rút ngắn như bản
C.
i) Quán
thân:
Bản C kể 18 cách quán thân trong
khi bản P chỉ kể 9 cách. Những cách tương đương như sau: C1=P2; C2=P3;
C5=P1; C12=P4; C13=P5; C14=P7. Bản C 3, 4, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 15 không có trong P.
C1: (18b,14-15): "Tỳ-kheo khi đi
biết rằng mình đang đi, khi ngồi biết mình đang ngồi, khi nằm xuống biết
mình đang nằm xuống, khi ngủ biết mình đang ngủ, khi thức biết mình
đang thức, khi ngủ dậy biết mình đang ngủ dậy. Vị ấy quán nội thân
như là thân thể, quán ngoại thân như là thân thể, chú tâm trên thân thể,
hiểu biết sanh, tri kiến sanh, ánh sáng sanh, chứng đắc sanh. Đây gọi là
Tỳ-kheo quán thân thể như là thân thể."
P2: (56,11-14; 27-38; 57,1-4): Tương tự.
Nói thêm trường hợp một Tỳ-kheo đi vào một khu rừng, hay dưới gốc cây,
hay ngôi nhà trống, ngồi kiết già, lưng thẳng, chánh niệm. Về phép quán
gần giống nhau. Bản P bỏ chi tiết về Tỳ-kheo ngủ, thức, ngủ dậy, và
thêm một câu tổng quát nói rằng bất cứ thân thể có vị trí nào, vị
ấy cũng biết rõ. Về phần ở cuối mỗi đoạn, bản P có nhiều chi tiết
hơn. Nó thêm: quán thân trên nội thân, quán thân trên ngoại thân, quán
tánh sanh khởi của các pháp, tánh diệt tận của các pháp, sự sanh và diệt
của các pháp trong thân. Bản P không nói gì về việc trí sanh, nhãn sanh,
quang sanh, minh sanh, nó chỉ nói: vị ấy chánh niệm thân thể trên thân thể...để
gột rửa tham ưu, không nương tựa chấp thủ bất cứ gì trên đời.
C2: (18b,15-17): "Lại nữa vị
ấy biết rõ khi đi ra, đi vào, chánh niệm tỉnh giác; khi co tay duỗi tay,
cúi xuống ngước lên, với uy nghi chánh hạnh, khi mặc thượng y và y phục,
khi cầm bình bát, khi đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói, im, vị ấy
đều biết rõ."
P3: (57, 6-13): Bản P bỏ khi vị
ấy đi ra đi vào, với oai nghi tề chỉnh, nhưng thêm: khi vị ấy đi tới,
đi lui, nhìn trước, ngó quanh, khi ăn, uống nhai, nếm, khi đại tiểu tiện.
Bản C: quán sát rõ, phân biệt rõ, vị ấy biết một cách chân chánh = P:
hoàn toàn tỉnh giác.
C3: (18b,17-19): "Khi những ý tưởng
ác bất thiện khởi lên, vị Tỳ-kheo dùng những thiện pháp để điều chỉnh,
cắt đứt, dập tắt, ngăn chận chúng. Như một người thợ mộc, đệ tử
người thợ mộc dùng một dây mực để kẻ đường thẳng trên gỗ. Rồi
với một cái cưa bén, ông ta cưa đứt nó và làm cho nó thẳng." Bản
P: không có.
C4: (18b,19-20; 19a, 1-2): "Vị Tỳ-kheo
nghiến răng, dán chặt lưỡi trên nóc họng, dùng tâm chế ngự tâm, cắt
đứt, dập tắt, chặn đứng, như hai người đô vật tóm lấy một người
ốm yếu, nắm chặt, xoay anh ta và đánh đập tùy thích." bản P: không
có.
C5: (19a, 2-4): "Khi Tỳ-kheo nghĩ
đến sự thở vào, vị ấy biết mình đang nghĩ đến thở vào; khi nghĩ thở
ra, vị ấy biết mình đang nghĩ thở ra; khi hít vào một hơi dài, vị ấy
biết mình đang hít vào một hơi dài; khi thở ra một hơi dài, vị ấy biết
mình đang thở ra một hơi dài; khi hít vào một hơi ngắn, vị ấy biết mình
đang hít vào một hơi ngắn; khi thở ra một hơi ngắn, vị ấy biết mình
đang thở ra một hơi ngắn; vị ấy tập cảm giác toàn thân khi thở vào,
vị ấy tập cảm giác toàn thân khi thở ra; vị ấy tập an tịnh thân
hành khi thở vào; vị ấy tập an tịnh thân hành khi thở ra."
P1: (56, 14-32): Gần giống. Một
điểm khác là:
C: Vị ấy tập
an tịnh ngữ hành khi thở ra.
P: Thay bằng
thân hành, và như vậy đúng hơn. Để làm sáng tỏ đoạn này, bản P thêm
ví dụ với người thợ quay biết rõ khi quay ngắn hay quay dài.
Ghi chú: Trong đoạn "Vị ấy
tập cảm giác toàn thân khi thở vào", người biên tập kinh C có ghi
chú sự hoài nghi của mình về hai danh từ "học" là huấn luyện học
tập và "giác" có nghĩa là cảm giác, và lưỡng lự không biết
nên sử dụng danh từ nào. Kỳ thực người dịch kinh C sử dụng danh từ
"học" để dịch chữ sikkhati và danh từ "giác" để
dịch chữ vedanà. Những nhà phiên dịch về sau dùng chữ
"tho"ï là nhận để dịch danh từ vedanà. Nếu ta so sánh với
đoạn P: sabbakàyapatisamvedì assissàmìti sikkhati (cảm giác thân hành
tôi sẽ thở ra, vị ấy tập) ta thấy rằng cần sử dụng cả hai danh từ
ấy ở đây.
C6: (19a, 4-7): "Với hỷ lạc
do độc cư sanh, vị Tỳ-kheo thấm nhuần thân thể, tẩm ướt toàn diện
và cùng khắp. Trong thân này, niềm hỷ lạc do độc cư ấy thấm lan khắp,
không một nơi nào không thấm. Như một người hầu tắm sau khi làm sạch
bồn tắm, bỏ bột tắm vào quậy với nước làm thành một khối. Nước
ấy thấm khắp, tẩm ướt toàn thân, không chỗ nào là không thấm."
P: không có.
C7: (19a,7-10): "Với hỷ lạc
thiền định, vị Tỳ-kheo thấm nhuần toàn thân, trọn vẹn và cùng khắp.
Trong thân này, hỷ lạc do thiền định sanh thấm khắp, không một chỗ
nào không thấm. Như một dòng suối từ trên núi cao chảy xuống trong sáng
tràn đầy. Nước từ bốn phương không thể chảy vào. Nhưng nước từ
dưới đáy suối tuôn lên, chảy tràn và lan khắp, làm đầy hồ, không một
nơi nào không lan đến."
P: không có.
C8: (19a, 10-13): "Ly hỷ chỉ
còn lạc, vị Tỳ-kheo thấm nhuần thân thể với lạc thọ ấy cùng khắp.
Trong thân này, lạc ấy lan khắp, không một nơi nào không lan. Như những
hoa sen xanh, hồng, đỏ, trắng sinh trong nước, lớn lên trong nước và ở
trong lòng nước; những rễ, cọng, hoa, lá của nó đều được thấm nhuần
tẩm ướt một cách trọn vẹn, không một nơi nào không thấm"
P: Không có.
C9: (19a,13-15) : "Với tâm thuần
tịnh, hiểu biết, vị Tỳ-kheo an trú thân này ; trong thân này, không một
chỗ nào là không được thấm nhuần bằng cái tâm thuần tịnh tỉnh
giác. Như một người trùm toàn thân bằng một tấm vải rộng bảy, tám
sãi tay, từ đầu đến chân không một chỗ nào thân thể không được che
trùm."
P: Không có.
C10: (19a,16-18): "Vị Tỳ-kheo
quán sát tưởng chói sáng, khéo gìn giữ trong tâm những gì mà tâm quán tưởng.
Lúc đầu cũng như lúc cuối, lúc cuối cũng như lúc đầu; ngày như đêm,
đêm như ngày; dưới như trên, trên như dưới. Như vậy với tâm không
tán loạn, không rối ren, vị ấy tu tập tâm với quang tưởng, tâm không
bao giờ bị bao phủ trong bóng tối."
P: Không có.
C11: (19a, 18-20): "Vị Tỳ-kheo
khéo thu vào hình ảnh quán tưởng, khéo nhớ lại những gì mà tâm nhận
thức. Giống như một người ngồi nhìn một người đang nằm, hoặc một
người đang nằm nhìn một người đang ngồi."
P: Không có.
C12: (19a, 20; 19b, 1-4): "Thân thể
này, đang sống, theo những ưa và chán của nó, từ đầu xuống đến chân,
Tỳ-kheo quán sát và thấy nó đầy những thành phần bất tịnh: 'Thân này
của ta gồm tóc, lông, móng, răng, da dày, da mỏng, thịt, gân, xương, tim,
thận, gan, phổi, ruột già, ruột non, lá lách, bao tử, phân, não, hộp
não, nước mắt, mồ hôi, nước mũi, đàm, mủ, máu, mỡ, tủy, nước bọt,
mật, nước tiểu. Nó giống như một thùng đựng nhiều hạt giống, một
người có mắt phân biệt rõ ràng đây là lúa, mè, cải, hột mù tạt...'
"
P4: (57,13-34) : Trong bản P, những
bất tịnh của thân thể gồm có 31 pháp, hơn C một pháp. Mặc dù nhiều bất
tịnh chiếm cùng vị trí trong bảng kê, thứ tự chúng có chỗ không đồng.
P bỏ: não
và hộp não.
C bỏ: hoành cách mô, mỡ da, nước khớp xương.
C: da dày, da mỏng = P: taco.
Ở đây bản P có thứ tự như
sau: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan, hoành
cách mô, lá lách, bao tử, phổi, ruột non, ruột già, màng ruột, mật, đàm,
mủ máu, mồ hôi, nước mắt, nước mũi, nước khớp xương, nước tiểu.
Trong ẩn dụ, bản C nói đến một thùng chứa, trong khi bản P sử dụng
danh từ ubhatomukhà mutolì là một thứ bao có hai đáy. P kể sáu loại
ngũ cốc: sàlì, vìhì, muggà, màsà, tilà, tandulaø (gạo, lúa, đậu
xanh, đậu nành, mè, gạo lứt?).
C13: (19b, 4-6): "Lại nữa vị
Tỳ-kheo quán sát thân thể này như là thân thể. Vị Tỳ-kheo quán sát
thân này với các thành phần : 'Thân thể này của ta có địa giới, thủy
giới, hỏa giới, phong giới, không giới, thức giới. Như người đồ tể
sau khi giết một con bò, lột da đặt nó trên đất mà chia thành sáu phần.'
"
P5: (57, 35-37; 58-18) : Bản P chỉ
nói bốn giới đầu, bỏ không giới và thức giới. Trong ẩn dụ của bản
P, nói một đồ tể thiện xảo hay đệ tử của người đồ tể ngồi ở
ngã tư đường và trưng bày những thành phần của con bò cái mà anh ta đã
giết.
- Quán các giai đoạn tan rã
của xác chết:
Ở đây cả hai bản đều mô tả
vị Tỳ-kheo quán sát những giai đoạn tàn tạ của một thây chết bị
ném ra nghĩa địa (bản P), cho đến bảy ngày (bản C) hoặc cho đến ba ngày
(bản P).
C1: (19b, 6-8): "Lại nữa vị Tỳ-kheo
quán sát thân thể như là thân thể. Vị Tỳ-kheo quán sát thi thể kia đã
chết một ngày, hai ngày cho đến sáu, bảy ngày, bị quạ và diều mổ, bị
chó sói và chồn hoang ăn, bị lửa đốt, bị chôn dưới đất, phải tàn
tạ, hôi thối, tan rã."
P1: (58, 9-11): Bản P nói đến một
thân thể bị ném ra nghĩa địa một ngày hoặc hai ba ngày, phồng lên, xanh
bầm và hôi thối.
C2: (19b, 8-10): "...một bộ xương
có màu xanh bầm, hôi thối, bị rữa ra, bị ăn hết hơn một nửa, với những
bộ xương còn liên kết nằm trên mặt đất."
P2: (58, 15-19): "Thân này bị
ném vào nghĩa địa và bị ăn bởi những con quạ, diều hâu, kên kên, chồn
hoang, bởi đủ thứ sâu bọ."
C3 và C4: (19b, 10-14): "...bộ xương
không có da, đã hết máu, còn thịt, còn đường gân liên kết ... bộ xương
không còn gân dính liền, rải rác khắp mọi hướng: một đốt xương bàn
chân, một xương ống chân, một xương đùi, một xương mông, một xương
bả vai, một xương cổ, một xương sọ nằm rải rác chỗ này chỗ
kia."
P3: (58, 23-31): "Một bộ xương
còn thịt và máu, còn đường gân liên kết, một bộ xương không còn
liên kết rải rác khắp mọi hướng, chỗ này chỗ kia một xương bàn tay,
một xương bàn chân, một xương ống chân, một xương đùi, một xương vế,
một xương sống lưng, một xương đầu."
C5: (19b, 14-17) : "...Những
xương màu trắng như vỏ ốc, xanh như màu bồ câu, đỏ như thể loang lổ
máu, bị tàn tạ, thối rữa, rã rời, và tan thành bột phấn."
P4: (58, 34-37; 59,1): "Những
cái xương trắng màu vỏ ốc, chất thành từng đống đã hơn một năm (terovassikàni),
những cái xương hôi thối, tan rã thành đất, chỉ còn là bột."
- Sự quán tưởng của vị Tỳ-kheo
về những nơi ấy:
C: (19b,7-8) : "Sau khi trông thấy
điều này, Tỳ-kheo so sánh với chính thân thể mình: 'Thân ta rồi cũng ra
như thế, theo định luật ấy, cuối cùng không thể nào thoát khỏi.' Như
vậy vị Tỳ-kheo quán nội thân như là thân thể, quán ngoại thân như là
thân thể, an trú tâm trên thân, liên hệ đến trí, liên hệ đến tri kiến...
Như vậy là quán thân trên thân."
P: (59,1-10): Vị Tỳ-kheo quán sát
thân này bản chất là như vậy, thân này sẽ trở thành như vậy, không thể
nào khác hơn, còn lại như trên.
Nhận xét: Ở đây bản
P bỏ từ đoạn sáu đến đoạn chín của bản P. Nhưng trong NC74, bốn đoạn
ấy liên hệ đến sự chứng đắc bốn thiền thì cũng có như trong bản
P. Nghiên cứu tỷ giảo các đoạn này trong hai bản dịch sẽ cho thấy những
điểm đồng và dị như sau:
C6 = P10: (P
119, iii): Gần giống. Bản P thêm sự chứng đắc sơ thiền với năm thiền
chi. Ví dụ cũng gần như nhau. Bột tắm ở bản C = P: nahàniyacunnàni. Bản
P thêm: không có trào ra. Còn lại cũng giống nhau.
C7 = P11: (P93,
4-23): Tương tự. Ở đây P thêm sự chứng đắc nhị thiền với các thiền
chi, ví dụ cả hai giống nhau. Bản C: một suối nước tuôn từ trên núi
xuống, trong sáng, tràn đầy = P: một hồ nước đầy. Trong khi bản C nói
đến nước tuôn lên từ dưới đáy và tràn ra ngoài, thấm khắp ngọn
núi, bản P nói rằng, mặc dù thỉnh thoảng trời không trút mưa xuống,
nhưng nước mát tuôn từ dưới lên sẽ làm đầy hồ với nước mát lạnh.
C8 = P12: (P
93, 24-33; 94, 1-8): Gần giống nhau. Ở đây bản P thêm sự chứng đắc tam
thiền theo thể thức thuờng lệ. Ví dụ cũng gần giống nhau. Bản P thêm:
trong một ao đầy sen xanh, đỏ, trắng; và bỏ: sen hồng. Bản C: rễ,
nhánh, hoa, lá của nó = bản P: từ ngọn cho đến rễ.
C9 = P13: (P
94, 9-21): Gần giống nhau. Ở đây bản P thêm sự chứng đắc thiền thứ
tư theo công thức thường lệ. Ví dụ cũng gần giống nhau. Bản P nói
thêm con người đang ngồi. C: một tấm vải dài bảy, tám sãi tay = P: tấm
vải trắng.
ii) Quán thọ:
C: (19b,17-20) : "Thế nào là
quán cảm thọ như là cảm thọ? Tỳ-kheo khi cảm giác lạc thọ, biết rằng
mình đang cảm giác lạc thọ; khi cảm giác khổ thọ biết mình đang cảm
giác khổ thọ. Khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, biết mình đang cảm
giác bất khổ bất lạc thọ. Khi cảm giác một lạc thọ về thân, một
khổ thọ về thân, một bất khổ bất lạc thọ về thân; một lạc thọ
về tâm, một khổ thọ về tâm, một bất khổ bất lạc thọ về tâm; một
lạc thọ liên hệ đến thực phẩm, một khổ thọ liên hệ đến thực phẩm,
một bất khổ bất lạc thọ liên hệ đến thực phẩm; một lạc thọ không
liên hệ đến thực phẩm, một khổ thọ không liên hệ đến thực phẩm,
một bất khổ bất lạc thọ không liên hệ đến thực phẩm; một lạc thọ
về dục, một khổ thọ về dục, một bất khổ bất lạc thọ về dục;
một lạc thọ về ly dục, một khổ thọ về ly dục, một bất khổ bất
lạc thọ về ly dục. Khi ấy, vị ấy biết mình đang cảm thọ... một cảm
thọ ly dục không lạc không khổ." (Phần còn lại cũng như trong trường
hợp quán thân).
P: (i, 59, 11-28): Gần giống nhau. P
bỏ: thân lạc thọ, thân khổ thọ, thân bất khổ bất lạc thọ, tâm lạc
thọ, tâm khổ thọ, tâm bất khổ bất lạc thọ, lạc thọ về dục, khổ
thọ về dục, bất khổ bất lạc thọ về dục, lạc thọ về ly dục, khổ
thọ về ly dục, bất khổ bất lạc thọ về ly dục. Bản C: lạc thọ
liên hệ đến thực phẩm = P: lạc thọ liên hệ đến lợi lộc vật chất.
Nhận xét tương tự đối với hai cảm thọ kia và ba cảm thọ không liên
hệ đến thực phẩm.
iii) Quán
tâm:
C: (20a,1-4): "Vị Tỳ-kheo khi
tâm có tham dục biết rõ như thật rằng tâm có tham dục; khi tâm không
tham dục vị ấy rõ biết như thật tâm không tham dục." Tương tự với
sân, không sân; si, không si; có lỗi không lỗi; tâm tập trung, tâm phân
tán; tâm thấp hèn, tâm cao thượng; tâm nhỏ nhen, tâm quảng đại; tâm có
tu tập, tâm không tu tập; tâm định tĩnh, tâm không định tĩnh; với tâm
không giải thoát biết như thật tâm không giải thoát, với tâm giải
thoát vị ấy biết như thật rằng tâm giải thoát. (Còn lại cũng giống
như những chương trước).
P: (59, 29-37; 60, 1-6): Gần giống
nhau. Bản P bỏ: tâm có lỗi, không lỗi; có tu tập, không tu tập; cũng bỏ:
như thật.
iv) Quán
pháp:
C: (20a, 4 - 15): "Con mắt do sắc
pháp khởi lên những nội kiết sử. Vị Tỳ-kheo khi trong tâm có nội kiết,
như thật biết rằng mình có nội kết; khi trong tâm không có nội kiết,
như thật biết rằng mình không có nội kiết. Khi nội kiết chưa sanh khởi,
vị ấy như thật biết chúng; khi những nội kết đã sanh được đoạn trừ
không sanh trở lại, vị ấy như thật biết chúng. Cũng vậy với tai, mũi,
lưỡi, thân, ý. Đây gọi là Tỳ-kheo quán pháp như pháp theo sáu xứ."
Rồi bản C tiếp tục với phương pháp ấy và cách giải thích đối với
năm triền cái, bảy giác chi.
P: (60, 6-37; 61, 1-17): Gần giống
nhau, trừ các chỗ khác nhau như sau:
a) Những pháp
được dùng để quán trong bản P là năm triền cái, năm thủ uẩn, sáu nội
ngoại xứ, bảy bồ đề phần, bốn đế; Như vậy bản C bỏ năm thủ uẩn
và bốn đế;
b) Bản C chỉ
nói sáu nội xứ mà không nói đến sáu ngoại xứ;
c) Bản C khởi
đầu với sáu nội xứ rồi đến năm triền cái, P khởi đầu bằng năm
triền cái, đến năm thủ uẩn, đến sáu nội ngoại xứ.
v) Hai quả
chứng nhờ thực hành niệm xứ:
C: (20a, 15-19) = P: (62, 34-37;
631-19):
Cả hai bản kinh đều mô tả hai
quả chứng đạt được nhờ tu tập niệm xứ, đó là tối thượng tri kiến
ngay trong hiện tại (C), chánh trí (P) hoặc nếu còn dư y, thì quả Bất
hoàn (C) và sati và upàdesese anàgàmita (P).
Về thời gian tu tập để đạt
đến hai quả nói trên, bản C bắt đầu bằng bảy năm và tuần tự xuống
đến sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm, rồi bảy tháng, sáu, năm, bốn, ba,
hai, một tháng, rồi bảy ngày, sáu, năm, bốn, ba, hai, một ngày một đêm.
Nó còn nói thêm: "Vào buổi sáng, vị ấy tu tập như vậy, vào buổi
chiều vị ấy sẽ đạt đến chứng đắc, vào buổi chiều vị ấy tu tập
như vậy, sáng mai sẽ chứng đắc". Bản P khởi đầu bằng bảy năm,
dần dần xuống đến sáu, năm, bốn, ba, hai, một năm; bảy tháng rồi
sáu, năm, bốn, ba, hai, một tháng, nửa tháng và bảy ngày chứ không ít hơn,
và bảy ngày được xem là thời gian tối thiểu để đạt đến Chánh trí
hay quả Bất hoàn.
Ghi chú: Về sự tu tập niệm
xứ này cả hai bản kinh cho ta những tài liệu gần giống nhau, vì phương
pháp quán căn bản chỉ là một. Nhưng những nhà kết tập hai tạng kinh dường
như tự do thu thập những tài liệu, và điều này giải thích sự khác
nhau về chi tiết mà ta sẽ thấy ở đây. Chúng ta có thể kết luận một
cách an toàn rằng cả hai bản dịch đều xuất xứ từ một nguồn gốc,
nhưng sự chọn lựa những chi tiết thì do những nhà kết tập tùy tiện.
b) Bốn
chánh đoạn :
Ở đây bản C sử dụng từ ngữ
Bốn chánh đoạn (Sk. Samyakprahàna).
C 222: (vii, 98a-6-9) : "...Đối
với những ác bất thiện pháp đã sanh, vị ấy nỗ lực tâm để diệt trừ
chúng. Đối với các ác bất thiện pháp chưa sanh, vị ấy nỗ lực tâm để
diệt trừ chúng, làm cho chúng không thể sanh khởi. Đối với các thiện
pháp chưa sanh, vị ấy nỗ lực tâm làm cho nó có thể sanh. Đối với các
thiện pháp đã sanh, vị ấy nỗ lực tâm để chúng tồn tại lâu dài,
chúng không biến mất, mà tăng trưởng."
P77: (ii, 11, 10-22): Bản P dịch
như sau: "anuppannànam pàpakànam akusalànam dhammànam anuppàdàya;
uppannànam pahànaya; anuppannànam kusalànam dhammànam uppàdàya; uppannànam
thìtiyà."
(Những ác bất thiện pháp chưa
sanh không cho sanh khởi; đã sanh thì trừ diệt; những thiện pháp chưa sanh
làm cho sanh khởi; đã sanh thì duy trì.)
c) Bốn thần
túc:
C 206: (vii, 78a, 13-15): "Vị Tỳ-kheo
được dạy tu tập căn bản thần thông đoạn tận, được hoàn tất trong
thiền định căn cứ trên dục, tùy thuộc viễn ly, ly dục, diệt, xả ly,
hướng đến Niết-bàn. Cũng vậy căn bản thần thông đoạn tận, được
hoàn tất trong thiền định căn cứ trên tinh tấn, trên tâm, trên sự phân
biệt, tùy thuộc viễn ly, ly dục ... hướng đến Niết-bàn."
P16: (i,103,32-37): Gần giống. Bốn
loại định được nói ở đây là dục, tinh tấn, tâm, trạch pháp. Thuộc
từ cho thần túc là chandà - samàdhipadhànasankhàrasamannàgatam (với chữ
dục được thay thế bằng ba yếu tố khác trong những trường hợp sau),
nghĩa là có được thiền định dựa trên dục, với những hoạt động của
sự nỗ lực, trong khi bản C thay thế danh từ padhànasankhàra bằng chữ
đoạn có nghĩa là nhổ tận gốc.
d) Năm căn:
Những pháp này được đề cập
trong NC98, kinh C 86: (vi, 4a, 2-3) là các căn tín, tấn, niệm, định, tuệ. Bản
P cũng tương tự.
e) Năm lực:
Những pháp này được đề cập
trong kinh C86: (vi, 4a, 3-5) và trong kinh P77: (ii,12,73). Chúng được kể như là
các năng lực tín, tấn, niệm, định, tuệ.
f) Bảy bồ
đề phần hay bảy yếu tố của trí tuệ:
Được đề cập trong NC2, 49, 66,
72 và 98.
C86: (vi,4b,15-17): Chúng được kể
như sau: tuệ, niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả.
P77 : (ii,12,14-23): Cũng giống như
trên: niệm giác chi, trạch pháp giác chi, tinh tấn giác chi, hỷ giác chi,
khinh an giác chi, định giác chi,và xả giác chi.
g) Tám
Thánh đạo:
Tám thánh đạo được kể trong
NC31, 48, 65, 73, 93, 95 và 98.
C31: (43a,9-11): "Chánh kiến là
gì? Khi thánh đệ tử nghĩ về khổ là khổ, sinh là sinh, diệt là diệt,
đạo là đạo, hoặc khi vị ấy xét đến những hành vi trước của mình,
hoặc khi vị ấy tu tập và tư duy về các nghiệp đạo, hoặc vị ấy thấy
nguy hiểm trong các nghiệp đạo, hoặc khi vị ấy thấy sự an tịnh của
Niết-bàn, hoặc khi vị ấy quán tâm giải thoát không chấp thủ. Trong những
lúc ấy, vị ấy phân tích, phân tích rộng rãi, phân tích sâu xa, quán
sát, quán sát rộng rãi, phân biệt rõ ràng và quán sát, đạt đến một cách
minh bạch. Đây gọi là chánh kiến."
P141: (iii, 251, 12-15): Rất đơn giản.
Bất cứ gì là trí về khổ, trí về nguồn gốc khổ, trí về sự diệt
khổ, trí về con đường đưa đến diệt khổ, đây gọi là chánh kiến.
C: (43a, 11-13): "Thế nào là
chánh tư duy? Khi vị thánh đệ tử tư duy về khổ là khổ.... đạt tâm giải
thoát.Trong những lúc ấy, vị ấy quán sát, quán sát rộng rãi, quán sát một
cách thích đáng. Vị ấy nghĩ về những gì cần suy nghĩ, tư duy những gì
cần tư duy. Đây gọi là chánh tư duy."
P: (251, 16-18): Không hẳn như trên.
Ở đây là ước vọng muốn từ bỏ dục vọng, ước vọng muốn tránh điều
ác, ước vọng tiến đến vô hại.
C:(43a, 13-15): "Khi vị thánh đệ
tử nghĩ về khổ là khổ.... tâm giải thoát, vào những lúc ấy, trừ bốn
chánh ngữ, vị ấy từ bỏ những lời bất thiện, loại bỏ chúng, tẩy
trừ chúng, nhổ tận gốc, không thực hành, không tu tập, không liên hệ
đến chúng, đây gọi là chánh ngữ."
P:(251, 19-22): Cũng gần giống như
trên, chỉ khác danh từ. Ở đây bản P nói từ bỏ nói láo, nói hai lưỡi,
nói lời thô, nói lời phù phiếm, đây gọi là chánh ngữ.
C: (43a, 15-17): "Khi vị thánh
đệ tử nghĩ về khổ là khổ, ...tâm giải thoát, vào những lúc ấy, trừ
ba thân thiện hành, vị ấy tránh những hành vi bất thiện khác, gạt bỏ
chúng, nhổ tận gốc, tẩy trừ chúng, không tu tập, không thi hành, không
liên hệ đến chúng, đây gọi là chánh nghiệp."
P: (251, 23-25): Cũng một nhận xét
như ở chánh ngữ.
C: (43a, 17-19): "Khi vị thánh
đệ tử......tâm giải thoát, vào những lúc ấy, vị ấy không tầm cầu
sai lạc, vị ấy không ham muốn cũng không hoan hỷ, không thi hành những
ngón lừa bịp, tụng chú thuật, vị ấy không vướng vào tà mạng. Vị
ấy chỉ tầm cầu y phục phù hợp với chánh pháp, không trái chánh pháp,
chỉ tầm cầu thực phẩm, sàng tọa phù hợp với chánh pháp, không trái
chánh pháp. Đây gọi là chánh mạng."
P:(251, 26-28): Rất đơn giản. Vị
thánh đệ tử sau khi từ bỏ tà mạng, sinh sống với chánh mạng.
C: (43a, 19-20; 43b,1): "Khi vị
thánh đệ tử...tâm giải thoát, vào những lúc ấy, vị ấy thi thố nỗ lực
và phương tiện, tuyệt đối nỗ lực, bằng sức mạnh, tiến tới với sự
hăng hái vững vàng, không từ bỏ, không thối lui, làm chủ tâm ý mình. Đây
gọi là chánh phương tiện."
P: (251, 29-34; 252, 1-4): Không hẳn
giống nhau. Ở đây bản P dùng danh từ chánh tinh tiến, trong khi bản C
dùng chánh phương tiện. Ở đây vị Tỳ-kheo thi thố những ước muốn, nỗ
lực, cố gắng, dụng tâm và hướng đến sự không sinh khởi những ác bất
thiện pháp, nỗ lực hướng đến sự khởi lên thiện pháp, và nỗ lực
duy trì, bảo tồn, tăng trưởng, lớn mạnh, phát triển, hoàn tất những
thiện pháp đã sinh.
C: (43b, 1-3): "Khi vị thánh đệ
tử... tâm giải thoát, vào những lúc ấy, khi có chánh niệm hướng về,
chánh niệm chống lại, hoặc không có chánh niệm hướng về bất cứ gì,
vị ấy chú tâm, hoàn toàn chú tâm, duy trì sự tỉnh giác, không quên
lãng, đây gọi là chánh niệm."
P: (252, 5-9): Không giống như trên.
Ở đây vị Tỳ-kheo trú quán thân nơi thân, quán thọ nơi cảm thọ, quán
tâm nơi tâm, và quán các pháp nơi các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh
niệm để nhiếp phục tham ưu ở đời.
C: (43b, 3-5): Khi vị thánh đệ tử...
tâm giải thoát,vào những lúc ấy, vị ấy chứng trú các thiền chứng, vững
chắc, cố định, không lay chuyển, không xao lãng, nhất tâm, vững vàng, tập
trung, đây gọi là chánh định.
P: (252, 10-17): Không hẳn giống.
Ở đây bản P nói đến sự chứng đắc bốn thiền từ thiền thứ nhất
đến thiền thứ tư.
Trong NC31, có những hỏi đáp về
tám thánh đạo như sau:
C210: (vii, 84a, 4-5): Hỏi : Tám
thánh đạo là gì? Đáp: Tám thánh đạo là chánh kiến cho đến chánh định,
đây gọi là Tám thánh đạo.
P 44: (i, 300, 31-34): Gần giống. Bản
P kể toàn thể tám thành phần.
C: (84a, 6-7): Hỏi: Tám thánh đạo
có phải là pháp hữu vi không? Đáp: Tám thánh đạo là pháp hữu vi.
P:(300, 35-36; 301,1): Cũng giống
như vậy.
C:(84a, 7-8): Hỏi: Có bao nhiêu
nhóm? Đáp: Có ba nhóm - nhóm giới, nhóm định và nhóm tuệ.
P: không có.
C: (84a, 8-11): Hỏi: Tám thánh đạo
bao gồm cả ba nhóm, hay ba nhóm bao gồm Tám thánh đạo? Đáp: Tám thánh đạo
không bao gồm ba nhóm, mà ba nhóm bao gồm Tám thánh đạo. Chánh ngữ, chánh
nghiệp, chánh mạng, ba thành phần này được bao gồm trong nhóm thánh giới;
chánh niệm, chánh định, hai thành phần này được bao gồm trong nhóm
thánh định; chánh kiến, chánh nguyện, chánh phương tiện, ba thành phần
này bao gồm trong nhóm thánh tuệ. Đây là lý do Tám thánh đạo không bao gồm
ba nhóm, nhưng ba nhóm bao gồm Tám thánh đạo.
P:(301, 1-11): Có một điểm khác.
Bản P bao gồm chính tinh tấn trong nhóm định, trong khi bản C bao gồm chánh
phương tiện trong nhóm tuệ. Phần còn lại gần giống nhau.
Như vậy, về Bát chánh đạo, chỉ
có một sự khác nhau chính yếu giữa hai bản C và P, đó là sự phân loại
của bản C về chánh phương tiện thuộc nhóm tuệ, trong khi bản P đặt
chánh tinh tấn vào nhóm định. Còn về cách dịch của bản C thành
"chánh phương tiện", đây là một lối dịch hơi xưa, những nhà
phiên dịch về sau chọn danh từ "chánh tinh tiến", và danh từ này
dịch đúng nghĩa tiếng Pàli.
2. Diệt trừ các triền cái:
NC 23, 28, 68 nói đến sự loại trừ
năm triền cái với cách gần giống nhau.
Trong NC 23, được nói như sau:
C146: (vi, 79b, 6-9): "Sau khi hoàn
tất tu tập thánh giới, sau khi đã tu tập sự hỷ túc, điều phục căn,
chánh niệm tỉnh giác khi đi ra đi vào, vị Tỳ-kheo lại độc cư, viễn
ly, tại một nơi nhàn tịnh hay dưới gốc cây, hoặc ở một nơi thoáng
khí và yên tĩnh, trên mỏm núi hay trong hang đá, giữa trời hay trên một
đống rơm, hoặc vị ấy đi đến một khu rừng hay một nghĩa địa. Vị
ấy sau khi đi đến khu rừng, hay dưới gốc cây, một nơi trống vắng, trải
tọa cụ ngồi kiết già với thân thẳng, nguyện chân chính, với tư tưởng
khéo kiểm soát, không tán loạn, vị ấy diệt trừ tham, với tâm không
tranh chấp, vị ấy thấy những tài sản vật dụng của người khác mà
không ham muốn đem về cho mình, thanh lọc tâm khỏi tham lam. Cũng vậy với
sân, hôn trầm, trạo cử, vị ấy đã diệt trừ nghi, vượt qua do dự, hướng
đến các thiện pháp, vị ấy không nghi ngờ, thanh lọc tâm khỏi hoài
nghi."
P27: (i, 181, 9-24): Đơn giản hơn.
Nó bỏ: khi đi ra đi vào tại một nơi thoáng khí và yên tĩnh, trải tọa cụ,
với chính nguyện, với tư tưởng khéo kiểm soát, không xao lãng, vị ấy
diệt trừ tham, tâm không tranh chấp, vị ấy thấy những tài sản và vật
dụng của người khác mà không tham đem về cho mình. Bản P thêm: khi đi khất
thực về ăn xong; vị ấy giữ chánh niệm trước mặt.
Năm triền cái giống nhau trong hai
bản; nhưng trong khi bản C chỉ nhắc đến bốn triền cái còn lại một
cách rất vắn tắt, thì bản P cho nhiều chi tiết hơn.
3. Bốn thiền sắc giới:
Bốn thiền thuộc sắc giới được
đề cập trong NC 5, 7, 21, 23, 25, 28, 30, 31, 32, 37, 42, 43, 44, 64, 65, hoặc vắn
tắt hoặc dông dài.
Trong NC 23, những pháp ấy
được nói đến như sau:
a) Sơ thiền:
C146: (vi, 79b, 9-10): "Vị Tỳ-kheo
sau khi diệt trừ năm triền cái, diệt trừ tâm lỗi lầm và liệt tuệ,
tránh xa dục, các bất thiện pháp, vị ấy chứng và trú sơ thiền đầy
đủ tầm, tứ, hỷ, lạc do ly dục sinh."
P27:(i, 181, 25-28): Gần giống.
P: có tầm = C: hữu giác,
nghĩa là có ý thức, có nhận thức; những dịch giả về sau dùng hữu
tầm, nghĩa là có tra tầm.
P: có tứ = C: hữu quán, nghĩa
là có tư duy quán sát; những dịch giả về sau dùng hữu từ, nghĩa là tư
tưởng đang tra tầm.
b) Thiền thứ
hai:
C: (79b, 10-12): "Sau khi bỏ giác
và quán, nội tâm tịch tĩnh, nhất tâm, vị ấy chứng và trú thiền thứ
hai, không giác không quán, có hỷ và lạc do định sinh."
P:(181, 32-35): Giống như vậy.
c) Thiền thứ
ba:
P: (79b, 13-14): "Vị ấy từ bỏ
hỷ và lạc, trú xả, không khao khát, với chánh niệm, chánh trí, thân cảm
thọ lạc thọ mà các bậc thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng
và trú thiền thứ ba."
P: (182, 2-6): Gần giống. Hai tiểu
dị: bản P bỏ: không khao khát. C: lạc trú = P: sukhavihàrì.
d) Thiền thứ
tư:
C: (79b, 14-15): "Vị ấy sau khi
xả lạc, xả khổ, diệt hỷ và ưu, chứng và trú thiền thứ tư, không khổ
không lạc, xả niệm thanh tịnh."
P: (182, 10-14): Giống nhau.
Trong NC30, có một đoạn ba câu hỏi
đáp chỉ có trong bản P, đề cập sơ thiền thuộc sắc giới. Hai câu hỏi
đáp đầu cũng có trong bản C, nhưng trong NC31, P44: (i, 294, 24-28): Hỏi: Sơ
thiền là gì? Đáp: Khi một vị Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, thì vị
ấy chứng và trú sơ thiền với giác, quán, hỷ và lạc do ly dục sinh.
P: (i, 294, 28-32): Hỏi: Sơ thiền có
mấy thiền chi? Đáp: Sơ thiền có năm thiền chi. Khi một Tỳ-kheo đạt đến
sơ thiền, thì có tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm.
P: (i, 294, 32-37; 295, 1-4): Hỏi: Sơ
thiền từ bỏ bao nhiêu pháp, có được bao nhiêu pháp? Đáp: Ở sơ thiền,
năm pháp được đoạn trừ, và năm pháp được chứng đắc. Đối với Tỳ-kheo
nhập sơ thiền, thì tham, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi, được trừ diệt
và khởi lên tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm.
Trong NC37, các thiền thuộc sắc
giới được kể như sau:
C217: (vii, 95a, 6-8): Nói đến sự
chứng đắc bốn thiền thuộc sắc giới bởi một vị thánh đệ tử trú
trong các thiền này, quán pháp phù hợp với pháp. Sau khi trú bốn thiền,
quán pháp như pháp, vị ấy hoặc đạt đến lậu tận, hoặc nếu sự trừ
diệt lậu hoặc chưa được hoàn toàn vì có tham ái, hoan hỷ trong pháp
này, vị ấy sẽ đoạn trừ năm hạ phần kết sử và tự nhiên được hóa
sinh vào trong cõi này, và từ đó vị ấy sẽ chứng Niết-bàn, vị ấy đắc
quả Bất hoàn.
P52: (i, 349, 29-30; 350, 351, 1-17): Gần
giống như trên. Bốn thiền được mô tả dài dòng như thường lệ chứ
không ngắn gọn như trong bản C. Sau khi chứng đắc một thiền, vị Tỳ-kheo
nghĩ rằng thiền ấy do suy tư tác thành, và bất cứ gì được tạo tác,
do suy tư tác thành đều vô thường và phải hoại diệt. Khi an trú trong
điều này, vị ấy đạt đến lậu tận và nếu không, do tham ái, hoan hỷ
đối với pháp này, vị ấy sẽ đạt đến sự đoạn trừ năm hạ phần
kiết sử và tự nhiên hóa sinh, nhập Niết-bàn tại đấy, không trở lui
đời này.
Tất cả những đoạn kinh trên
cho chúng ta thấy rằng về phương diện các thiền chứng, không có khác
nhiều giữa hai bản dịch.
4. Bốn phạm trú hay bốn vô lượng:
Những pháp này được đề cập
trong NC số, 18, 21, 24, 25, 29, 36, 37, 63, 64, 82, 98.
Chúng ta chọn NC6 để khảo sát tỉ
mỉ những pháp này.
C93: (vi, 13a, 15-17): "Vị
Tỳ-kheo trú, biến mãn một phương với tâm từ, cũng vậy phương thứ
hai, thứ ba, thứ tư, bốn phương trung gian, trên, dưới, biến mãn cùng khắp,
với tâm câu hữu với từ, không trói buộc, không hận, không sân, không
tranh, vô cùng quảng đại, lớn rộng, vô lượng, biến mãn tâm từ khắp
thế giới, vị ấy khéo tu tập và an trú tâm từ. Cũng vậy với bi, hỷ và
xả...".
P7:(i, 38, 20-30): Gần giống. C: bốn
phương trung gian = P: tiriyam. C: không trói buộc, không hận, không
sân, không tranh = P: averena abyàbajjhena - không hận thù, không ác ý.
C: vô cùng quảng đại, lớn rộng, vô lượng = P: gần giống, bỏ: vô
cùng. C: vị ấy khéo tu tập = P: không có.
Cả hai bản C và P đều đồng ý
rằng sự tu tập bốn vô lượng sẽ đưa người ta tái sinh vào cõi Phạm
thiên như được thấy trong NC63:
C27: (v, 34b,
1-5): Thượng tọa Xá-lợi-tử giảng bốn phạm trú cho Bà-la-môn Đà
Nhiên; sự thực hành các pháp này sẽ đưa đến sự nhổ tận gốc tham dục
và sau khi chết sẽ đưa đến tái sinh ở cõi trời Phạm thiên.
P97: (ii, 195,
1-17): Gần giống. Ở đây Thượng tọa Xá Lợi Phất giảng cho Bà-la-môn
Dhànanjàni về bốn phạm trú được xem là con đường cộng trú với Phạm
thiên.
Sự tu tập bốn vô lượng thường
đặt giữa sự tu tập bốn thiền sắc giới và sự tu tập bốn thiền vô
sắc, như được thấy trong NC37, kinh C217: (vii, 95a,8-13) và P52: (i, 351,
18-36; 352,1-2). Nhưng trong NC25, 21, 64, trong khi bản C trung thành với truyền
thống này, nghĩa là, để sự tu tập bốn vô lượng ở giữa sự tu tập
các thiền sắc giới và các thiền vô sắc giới, thì bản P không theo.
Đôi khi sự tu tập bốn vô lượng
được đặt ngay trước sự chứng đắc quả A-la-hán, do vậy ngụ ý rằng
sự tu tập bốn vô lượng này có thể đưa đến quả A-la-hán, như được
thấy sau đây:
C183: (vii, 33b, 17-20): "Vị ấy
nghĩ, bất cứ tư tưởng gì, thô hay tế, nổi lên và biến mất, vị ấy
như thật biết rõ. Khi biết rõ như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu,
thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Khi giải thoát, vị ấy biết
mình đã giải thoát. Sanh đã tận; đời sống phạm hạnh đã được hoàn
tất; việc cần làm đã làm xong; không còn sinh trở lại. Tri kiến ấy đúng
như thật."
P7: (i, 38, 31-36): Bản P sau khi đề
cập bốn phạm trú còn nói đến sự chứng đắc A-la-hán quả, với tri kiến
về idam (A-la-hán quả), về hìnam (ô nhiễm, nghĩa đen là thấp
kém), và panìtam (phương pháp diệt trừ ô nhiễm, nghĩa đen là thù
thắng). Một tri kiến như vậy đưa đến sự tận trừ ba lậu hoặc, sự
chấm dứt sinh, sự an lập đời sống phạm hạnh, sự hoàn tất công việc
và diệt trừ tái sinh.
Như vậy, nghiên cứu tỷ giáo về
sự tu tập bốn vô lượng trong hai bản dịch cho thấy sự gần giống nhau
giữa hai truyền thống mà các bản kinh ấy tiêu biểu. Nhưng truyền thống
C dường như thích pháp tu này hơn truyền thống P. Khuynh hướng này, một
khuynh hướng đã tiềm tàng trong những bản kinh cổ của Phật giáo
Sanskrit, có thể giải thích sự đặt nặng tâm từ bi của các nhà Đại
thừa, những người đặt từ bi ngang hàng với trí tuệ, và nhấn mạnh việc
ăn chay.
5. Bốn thiền vô sắc:
Sự tu tập bốn thiền vô sắc
được đề cập trong NC 21,25,30,37,42,67,75.
Trong NC42, sự tu tập này được
đề cập như sau:
C205:(vii, 77a, 12-18): "Khi
ấy, nhờ vượt qua tất cả sắc tưởng, diệt trừ tất cả chướng ngại
tưởng, không tác ý các tưởng, vị ấy chứng trú Không vô biên xứ...
Sau khi vượt qua Không vô biên xứ, vị ấy chứng trú Thức vô biên xứ
... Sau khi vượt qua Thức vô biên xứ, vị ấy chứng Vô sở hữu xứ ...
Khi cảm thọ lạc, khổ, hay bất khổ bất lạc, vị ấy quán sát cảm thọ
ấy là vô thường, vị ấy quán sát sự sinh diệt, quán ly dục, quán diệt,
quán đoạn tận, quán từ bỏ. Sau khi quán những cảm thọ ấy là vô thường,
quán sự sinh diệt của chúng, sau khi quán vô dục, quán diệt, quán đoạn
tận, quán từ bỏ, vị ấy không phải sinh lại vào cuộc đời này. Vì
không còn phải tái sinh vào đời này, vị ấy sẽ không có sợ hãi, do
không sợ hãi, vị ấy nhập Niết-bàn. Sinh đã tận, phạm hạnh đã
thành, việc cần làm đã làm xong, không còn tái sinh nữa, vị ấy biết như
thật."
P64:(i, 436, 18-26; 437, 1-6): Gần giống.
C: Khi ấy nhờ vượt qua mọi sắc tưởng, nhờ tận trừ mọi chướng ngại
tưởng, không tác ý tất cả tưởng, vị ấy chứng trú không vô biên xứ
= P : Bhikkhu sabbaso rùpa sađđànam samatikkamà patigha sađđàna atthagamà
nànattasađđàna amanasikàrà ananto àkàso ti àkàsanađcàyatanam upasampajja
viharati. Như vậy cũng giống như bản C. Ở đây pháp quán có hơi khác.
Vị ấy quán bất cứ sắc, thọ, tưởng, hành, thức nào cũng là vô thường,
khổ, như bệnh, như cục bướu, như mũi tên, như một vật xấu xa, một
ách vận, xem là xa lạ, là hư hỏng, là trống rỗng, không tự ngã, vị
ấy không để tâm đến các pháp này, tập trung vào bất tử giới, nghĩ rằng:
"Đây là thiện, đây là thù thắng, sự tịnh chỉ tất cả hành, sự
diệt trừ mọi chấp thủ, sự dập tắt khát ái, ly dục, diệt, Niết-bàn".
Nếu vững trú ở đây, vị ấy sẽ đạt đến sự tận trừ lậu hoặc. Nếu
vị ấy không đạt đến lậu tận, do tham ái pháp ấy, do thích thú trong
pháp ấy, thì nhờ diệt trừ năm kiết sử trói buộc vào hạ giới, vị
ấy sẽ hóa sinh và từ đấy sẽ đạt Niết-bàn, không còn trở lui đời
này.
Ở đây ta nhận thấy bản P và C
bỏ cảnh giới thứ tư là Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì cảnh giới
này được xem gần như là một chướng ngại cho giải thoát tối hậu, và
vì đề tài của kinh này chỉ giới hạn vào sự từ bỏ năm hạ phần kiết
sử.
Thông thường, bản C mô tả sự
tu tập bốn thiền dưới hình thức ngắn gọn, trong khi bản P thì đề cập
đầy đủ tất cả bốn thiền, như được thấy trong NC 25:
C185: (vii,
37b, 2-5): "Chúng ta đã vượt qua các tưởng về hình sắc cho đến sự
chứng đắc Phi tưởng phi phi tưởng xứ và trú trong đó."
P31: (i, 208,
31-37): Gần giống. Ở đây bản P giải thích đầy đủ bốn thiền vô sắc
giới.
Nhận xét: Như vậy, về
bốn thiền vô sắc, không có nhiều dị biệt giữa hai bản kinh.
6. Diệt tận định và vô tưởng định:
Sau khi tu tập bốn thiền vô sắc,
bản P thường nói đến một định khác gọi là diệt thọ tưởng, định
này thường bị bỏ trong bản C, như được thấy trong P66, kinh Ví dụ
con chim cáy: (i, 456, 3-6) và trong P113, kinh Chân nhân: (iii, 45, 1-5).
Trong NC30 và 31, có một loạt hỏi
đáp liên hệ đến Diệt tận định và Vô tưởng định.
C211:(vii, 86b, 4-6):
H: Gì là sự
khác biệt giữa cái chết và nhập diệt thọ tưởng định?
Đ: Trong sự
chết, thọ mạng đã tắt, hơi ấm đã dứt, và các giác quan đều hư hoại.
Nhưng nơi Tỳ-kheo nhập diệt định, thọ mạng chưa tắt, hơi ấm chưa dứt,
và các căn chưa hư hoại.
P43:(i, 296,11-23) :
H: Gì là sự
khác nhau giữa một vật đã chết và Tỳ-kheo nhập diệt thọ tưởng định?
Đ: Nơi một
người chết, thân hành chấm dứt, lắng xuống, ý hành chấm dứt, lắng
xuống, thọ mạng đã tắt, hơi ấm đã nguội lạnh, các căn hư hoại. Về
Tỳ-kheo nhập định diệt thọ tưởng, thân hành đã chấm dứt, ngữ hành
vị ấy chấm dứt, lắng xuống, ý hành vị ấy chấm dứt, lắng xuống,
nhưng thọ mạng không tắt, hơi ấm không nguội lạnh, các căn còn sáng.
C: (vii, 86b, 6-8):
H: Gì là sự
khác nhau giữa nhập diệt định và nhập định vô tưởng?
Đ: Khi vị Tỳ-kheo
nhập diệt định, thì thọ, tưởng đã tắt. Khi vị Tỳ-kheo nhập định
vô tưởng, thì thọ và tưởng chưa tắt.
P: không có.
C: (vii, 86b, 8-11) :
H: Gì là
khác nhau giữa người xuất diệt định và xuất vô tưởng định?
Đ: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt định, vị ấy không nghĩ như sau: "Ta đang xuất diệt định."
Khi một Tỳ-kheo xuất khỏi định vô tưởng, vị ấy nghĩ như sau: "Ta
có tưởng, ta không tưởng."
P: không có.
C:(vii,86b,11-12):
H: Khi một Tỳ-kheo
nhập diệt định, vị ấy từ bỏ pháp nào trước, thân hành, ngữ hành
hay ý hành?
Đ: Khi một Tỳ-kheo
nhập diệt định, trước hết vị ấy từ bỏ thân hành, kế đến là ngữ
hành, và cuối cùng là ý hành.
P: Không có ở đây, nhưng có
trong P44: (i,301,36, 362,1-5). Bản P nói rằng ngữ hành chấm dứt trước, rồi
đến thân hành, rồi đến ý hành.
C: (vii,86b,12-14):
H: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt định, pháp nào khởi lên trước, thân hành, ngữ hành hay ý
hành?
Đ: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt định, ý hành khởi lên trước, rồi đến ngữ hành, và cuối
cùng là thân hành.
P: Không có ở đây, nhưng có
trong P44: (i,302,13-18): Ở đây bản P nói rằng, ý hành xuất hiện trước,
rồi thân hành, rồi ngữ hành.
C:(vii, 86b, 14-16) :
H: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt định, có bao nhiêu loại xúc vị ấy cảm xúc đầu tiên?
Đ: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt định, vị ấy cảm ba loại xúc: vô tham, vô thực chất và vô
tướng.
P: Không có ở đây, nhưng có
trong P44: (i,302,18-22). Ở đây bản P nói đến không xúc, rồi vô tướng xúc
và vô nguyện xúc.
Trong NC31, lại có một loạt hỏi
đáp liên hệ đến hai loại định này:
C210: (vii, 84b,5-7):
H: Khi một người
nhập diệt định, vị ấy có nghĩ rằng ta đang nhập diệt định?
Đ: Khi một
người nhập diệt định, vị ấy không nghĩ ta đang nhập diệt định. Do
sự tu tập và luyện tâm của vị ấy nên đưa đến sự chứng đắc ấy.
P44: (I,301, 30-36): Tương tự:
H: Thế nào
là sự chứng đắc diệt thọ tưởng?
Đ: Vị Tỳ-kheo
chứng đắc diệt thọ tưởng không nghĩ rằng ta sẽ chứng đắc diệt thọ
tưởng, hoặc ta đang chứng diệt thọ tưởng, hoặc ta đã chứng diệt thọ
tưởng. Do vị ấy tu tập về trước nên đưa đến sự chứng đắc ấy.
C:(84b,7-9):
H: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt định, vị ấy có nghĩ ta xuất diệt tận định?
Đ: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt tận định, vị ấy không nghĩ ta xuất diệt tận định. Nhưng
do thân thể và sáu giác quan tương ưng với mạng, vị ấy xuất khỏi định
ấy.
P:(302, 6-13): Cũng sự khác nhau như
đã thấy trong câu hỏi trước. Một điểm khác nữa: C nói: nhưng do thân
thể này... = P: do trước kia vị ấy đã tu tập tâm theo cách ấy nên đưa
đến trạng thái này.
C:(84b, 9-10):
H: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt tận định, tâm vị ấy thích thú gì, thiên về cái gì, khuynh
hướng về gì?
Đ: Khi một Tỳ-kheo
xuất diệt tận định, tâm vị ấy thích thú việc đi, thiên về việc
đi, khuynh hướng việc đi.
P: (302, 22-27): Tương tự:
C: độc cư = P: viễn ly.
Nhận xét: Như vậy, về
phương diện định diệt thọ tưởng, giữa hai bản C và P không khác nhau
nhiều. Mặc dù bản C dùng danh từ định diệt tận, bản P diệt thọ tưởng,
định nghĩa cũng giống nhau. Về sự khác nhau giữa hành nào khởi trước
hay diệt trước, thật khó mà phân biệt giữa thân hành và ngữ hành, vì
nếu miệng cử động để thốt lên một âm thanh, thì điều này bao hàm cả
ngữ hành và thân hành. Bởi thế sự khác nhau giữa hành nào khởi trước
hay diệt trước trong hai bản C và P không phải là một điều quan trọng.
7. Năm thắng trí hay thần thông:
Năm thắng trí được đề cập
trong NC5, 25, 74.
Như trong NC74, các pháp được nói
đến như sau:
C81:(v, 114b, 15-17): "Vị Tỳ-kheo
có thể đắc như ý túc, thiên nhĩ, tha tâm thông, túc mạng thông, và sanh
tử trí; rồi với sự đoạn trừ các lậu hoặc, vị ấy tự mình chứng
đắc ngay trong hiện tại vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chứng
quả A-la-hán."
P119: (iii, 98, 2-28): Tương tự.
Nhưng ở đây bản P nói dông dài như thường lệ với cả năm thắng trí.
Trong NC5, vị Tỳ-kheo lập nguyện
đắc năm thần thông như được thấy sau đây:
C105: (vi, 29b,
12-13): "Mong ta chứng đắc các thần thông, thiên nhĩ, tha tâm, túc mạng,
sanh tử trí."
P6: (i, 34,
10-37): Ở đây bản P cũng đề cập vấn đề này nhưng chia thành sáu nguyện,
thứ 12 là thần túc, thứ 13 là thiên nhĩ, thứ 14 là tha tâm, thứ 15 là
túc mạng, 16 là thiên nhãn và 17 là lậu tận.
a) Thần
túc thông:
Trong NC26, thần thông này được
nói như sau:
C184: (vii,35a, 14-19): "Vị Tỳ-kheo
có đại thần thông, đại công đức, đại oai thần lực, làm chủ vô số
thần thông, thi triển vô số thần thông, từ một vị ấy biến thành nhiều,
từ nhiều vị ấy trở thành một; vị ấy trở thành một người có tri
kiến; vị ấy đi ngang qua vách đá, qua tường không bị chướng ngại như
ngang qua hư không; vị ấy độn thổ và trồi lên như đi trong nước; vị
ấy đi trên nước không chìm như đi trên đất; vị ấy bay trên trời và
ngồi xếp bằng như con chim. Những vật có đại oai thần như mặt trăng,
mặt trời, vị ấy với bàn tay sờ chạm thân của mặt trời mặt trăng
cho đến phạm thiên giới."
P32: (ii,214, 18-28): Ở đây bản P
hoàn toàn khác, khi đề cập sự trả lời của Trưởng lão Ca Chiên Diên về
luận thuyết (A-tỳ-đàm). Nhưng trong P108 Gopakamoggallana (tập 3), thì
tương đương với bản C, nhưng bỏ: có thần thông lớn, công đức lớn,
phước lớn, đại oai thần, làm chủ vô số thần thông và thi triển vô số
thần thông; từ một biến thành một, có tri kiến.
C: Vị ấy đi xuyên qua đá, qua tường
không chướng ngại như qua hư không = P: Hiện rõ hoặc không ai thấy, vị
ấy đi ngang qua tường, qua thành, qua núi như ngang qua hư không.
C: thần thông lớn, công đức lớn,
phước lớn, đại oai thần = P: có thần lực như vậy, đại oai thần như
vậy. Bản P thêm : vị ấy thi triển năng lực bằng thân thể của mình.
b) Thiên nhĩ:
Trong NC74, C81: (v,114b, 15-17) chỉ nói
thiên nhĩ trong khi P 19 nói: "Với thiên nhĩ thuần tịnh siêu nhân, vị
ấy nghe được tiếng của chư thiên và loài người, ở xa cũng như gần."
c) Tha tâm:
Lại nữa trong NC74, C81: (v, 114b,
15-17) chỉ nói tha tâm thông trong khi P 119 nói dài như sau: "Với tâm
mình vị ấy biết tâm của những hữu tình khác, của người khác. Tâm
có tham vị ấy biết tâm có tham; tâm không tham vị ấy biết tâm không
tham; cũng vậy, có sân, không sân, có si, không si, có định, không định,
quảng đại, không quảng đại, hữu thượng, vô thượng, tập trung, không
tập trung, giải thoát, không giải thoát."
d) Túc mạng
trí:
Trong NC43, trí biết đời trước
được nói như sau:
C194: (vii, 51b, 14-17): "Vị ấy
với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không lỗi lầm, không ưu não, nhu nhuyến,
tập trung, không giao động, vị ấy nhớ lại những đời trước, sau khi
thực chứng với trí tuệ, vị ấy có một đời như thế, dáng vẻ như thế,
nhớ lại vô số đời trước, một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời,
thành kiếp, hoại kiếp, vô số thành và hoại kiếp, những hữu tình kia
có tên như vậy, chúng đã trải qua những đời trước như vậy: Ta sinh ra
tại đấy với tên như vậy, họ như vậy, dòng dõi như vậy, ăn uống
như vậy, thọ khổ lạc như vậy, thọ mạng như vậy, mạng chung như vậy;
sau khi mạng chung tại đấy ta đã tái sinh ở đây. Khi tái sinh ở đây ta
đã có tên như vậy, họ như vậy, ăn đồ ăn uống như vậy, thọ khổ lạc
như vậy, thọ mạng như vậy, sau khi sống lâu như vậy, đã chết như vậy."
Đoạn kinh C này có thể so sánh với kinh P trong NC28 :
P39: Tương tự. Về những tĩnh từ
chỉ tâm, bản P thêm pariyodàte- "thuần tịnh", kammaniye-
"dễ sử dụng" .
C : không sầu não = P: không cấu
uế.
C: với tâm không dao động = P:
ànenjjappatte. P bỏ: sau khi chứng đắc với trí tuệ, vị ấy có một
đời như vậy, dáng dấp như vậy.
C: vị ấy nhớ vô số đời trước
= P: nhớ lại nhiều đời trước.
C: một đời, hai đời, trăm đời,
ngàn đời = P: một đời, hai đời, ba, bốn, năm, mười, 20, 30 40,50, 100,
1000, một trăm ngàn đời. Bản P bỏ: sống lâu như vậy, đã chết như vậy,
nhưng thêm: với tất cả đại cương và chi tiết.
e) Thiên
nhãn hay sinh tử trí:
Trí này được đề cập trong
NC26,28,38,43. Như trong NC43, trí này được nói như sau:
C194: (vii, 51b, 18-20): "Với tâm
định tĩnh, thuần tịnh, không lỗi lầm, không lo lắng, nhu nhuyến, tập
trung, không dao động, vị ấy chứng đắc sinh tử trí. Với thiên nhãn thuần
tịnh siêu nhân, vị ấy thấy những chúng sinh này chết và tái sinh, đẹp,
xấu, thanh, thô, hạnh phúc hay bất hạnh tùy theo nghiệp của chúng. Vị
ấy thấy phù hợp với chân lý. Nếu những chúng sinh này làm các ác hành
về thân, lời, ý, phỉ báng các bậc thánh, có tà kiến, theo tà hạnh; do
những nghiệp này sau khi chết, chúng sẽ sanh vào các nơi đau khổ, vào địa
ngục. Nếu những chúng sanh này thực hành các thiện hành về thân, lời,
ý, không phỉ báng bậc thánh, có chánh kiến, chánh hạnh; do những nghiệp
này sau khi chết, chúng sẽ sanh vào các thiện thú, cõi trời."
Đoạn kinh C này có thể so với
đoạn P trong NC28:
P39: Tương tự, nhưng bỏ: vị ấy
tu tập, chứng ngộ và chứng đắc nhờ trí, và thêm: vị ấy khuynh hướng
tâm về. C: đẹp, xấu, thanh, thô, hạnh phúc, bất hạnh tùy theo nghiệp của
chúng = P: hìne panìte suvanne dubbanne sugate duggate yathàkammùpage (hạ liệt,
cao sang, đẹp, xấu, sanh thiện thú, ác thú, tùy theo hành nghiệp). Bản P bỏ:
vị ấy thấy như thật. C: có tà hạnh = P: làm ác nghiệp do tà kiến. C:
trong đọa xứ, địa ngục = P: cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. C:
có chánh hạnh = P: sammàditthikammasamàdànà.
Nhận xét: Như vậy
nghiên cứu tỷ giảo về năm thắng trí giữa hai bản C và P cho ta thấy
không có gì khác nhau nhiều giữa hai truyền thống, trừ thêm bớt một
vài tĩnh từ hoặc hơi khác.
Chúng ta có thể nói rằng về phương
diện định uẩn, quan điểm của hai bản C và P gần giống nhau. Ngoại trừ
vài dị biệt trong cách trình bày bốn niệm xứ, cả hai bản dường như rút
tài liệu từ một nguồn chung, và điều này giải thích sự tương đồng
giữa hai bản dịch C và P khi nói về định uẩn.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2