- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
NC31
C210: Pháp Lạc Tỳ-kheo ni kinh
P44: Tiểu kinh Phương Quảng
A. Toát yếu kinh C
C: Cư sĩ Tỳ Xá Khư đi đến Tỳ-kheo
ni Pháp Lạc mà hỏi một loạt những câu hỏi về các đề tài khác nhau,
và Tỳ-kheo ni Pháp Lạc trả lời. Những câu trả lời của bà được cư
sĩ Tỳ Xá Khư khen ngợi. Rồi Tỳ-kheo ni Pháp Lạc đi đến đức Thế Tôn
thuật lại cuộc đàm thoại với cư sĩ Tỳ Xá Khư. Đức Phật đồng ý tất
cả những câu trả lời của bà và khen ngợi Tỳ-kheo ni.
P: Gần giống; nhưng bản P đề cập
cư sĩ Visàkha là một nam cư sĩ, trước kia là chồng của Dhammadinnà, và
chính Visàkha đã thuật lại cuộc đàm thoại với đức Phật chứ không
phải Tỳ-kheo ni.
B. Nhan đề kinh
C: Pháp lạc Tỳ-kheo ni kinh,
bản kinh nói về Tỳ-kheo ni danh hiệu là Pháp Lạc, người mà nam cư sĩ Tỳ
Xá Khư đặt nhiều câu hỏi.
P: Tiểu kinh Phương quảng,
bản kinh về Vedalla, đề cập nhiều đề tài khác nhau, được Visàkha nêu
lên. Nó mang cùng tên với bản kinh P trước đấy, nhưng thay chữ đại
bằng tiểu.
C. Nơi thuyết kinh
C: Xá Vệ, Thắng Lâm, vườn Cấp-cô-độc.
P: Vương Xá thành, vườn trúc Ca
Lan Đà.
D. Nội dung kinh
I. Hoàn cảnh đưa đến sự thuyết kinh:
C: "Lúc bấy giờ nam cư sĩ Tỳ
Xá Khư đi đến chỗ Tỳ-kheo ni Pháp Lạc, đảnh lễ dưới chân, ngồi qua
một bên và hỏi: 'Thưa Tôn giả, tôi xin phép hỏi một số vấn đề.' Tỳ-kheo
ni Pháp Lạc trả lời: 'Cư sĩ cứ hỏi nếu muốn. Sau khi nghe xong tôi sẽ
suy nghĩ.' "
P: Nói Visàkha là một nam cư
sĩ chứ không phải là nữ cư sĩ như trong kinh C. Ông ta đặt câu hỏi cho
Tỳ-kheo ni Pháp Lạc ngay, không xin phép trước.
II. Những loạt câu hỏi:
Hai bản kinh có nhiều điểm khác
nhau về những câu hỏi được nêu lên. Trong bản C, có 30 câu hỏi, bản P
có 34 câu. Những câu hỏi tương đương trong cả hai bản lên đến 22 câu.
Trong bản C, có tám câu hỏi không có trong P; và bản P có chín câu không
có trong C. Trong số tám câu hỏi không có trong P, có sáu câu đã có trong
kinh C 211. Trong số chín câu hỏi có trong P mà C không có, có ba câu đã có
trong kinh C 211.
1/- 22 câu hỏi
tương đương trong cả hai bản là: C1 = P1,C2 = P6, C3 = P7, C4 = P3, C5 = P5, C6
= P8, C7 = P9, C9 = P10, C12 = P11, C17 = P15, C18 = P17, C19 = P20, C20 = P21, C21 = P22,
C22 = P23 và 24, C23 = P25,26,27; C24 = P28 (C25 = P28), C25 = P29, C27 = P30, C28 = P31,
C29 = P32, C30 = P34.
2/- 8 câu hỏi
có trong C, không có trong P: C8, C10, C11, C13, C14, C15, C16, C26. Sáu câu hỏi
sau đây đã có trong các kinh C và P trước: C10 = C15, C11 = P18,
C13 = C20, C14 = C21, C15 = C22, C16 = C23.
3/- 9 câu hỏi
trong P không có trong C: P2,4,12,13, 14,16,18,19,33. Trong số chín câu hỏi này
có ba câu đã tìm thấy trong kinh trước: P16 = C24, P18 = C25, P19
= C26.
Những chỗ gạch dưới chỉ cho các
bản kinh C và P trước đấy.
a) Những câu hỏi về tự thân
và các uẩn:
C1 = P1:
C: Tỳ Xá Khư hỏi: "Thưa Tôn
giả, tự thân được gọi là tự thân. Thế nào gọi là tự thân?" Tỳ-kheo
ni Pháp Lạc trả lời: "Đức Thế Tôn nói về năm uẩn tăng trưởng là
tự thân, sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn tăng trưởng
(năm thạnh uẩn). Đấy là những gì đức Thế Tôn nói về năm thạnh
uẩn." Tín nữ Tỳ Xá Khư nghe xong khen ngợi nói: "Lành thay thưa Tôn
giả." Khen xong tín nữ hoan hỷ lãnh thọ.
P: Gần giống. Câu hỏi giống nhưng
trả lời hơi khác. C: 5 thạnh uẩn = P: 5 thủ uẩn. C: Đây là những gì đức
Thế Tôn nói về năm thạnh uẩn = P: Năm thủ uẩn này được đức Như
lai gọi là tự thân hay thân kiến.
C2 = P6:
C: (Cách đặt câu hỏi và trả lời
cũng giống như các câu hỏi còn lại).
Hỏi: Làm thế nào thân kiến sinh
khởi? Đáp: Kẻ vô văn phàm phu không yết kiến các bậc đa văn, không biết
pháp các bậc thánh, không thuần thục pháp các bậc thánh. Kẻ ấy thấy sắc
pháp là linh hồn, thấy linh hồn có sắc, thấy sắc ở trong linh hồn, thấy
linh hồn ở trong sắc. (Cũng vậy với bốn uẩn còn lại). Đây gọi là
thân kiến.
P: Gần giống. C: kẻ vô văn phàm
phu... pháp các bậc thánh = P: kẻ phàm phu không học, không yết kến các bậc
thánh, không am tường thánh pháp, không thuần thục về thánh pháp; không yết
kiến bậc chân nhân, không am tường pháp của bậc chân nhân, không thuần
thục pháp của bậc chân nhân. C: linh hồn = P: tự ngã.
C3 = P7:
C: Hỏi: Làm thế nào thân kiến
không sinh khởi? Đáp: (Ngược lại với câu trả lời trên).
P: Cũng nhận xét như trong câu hỏi
trước .
C4 = P3:
C: Làm thế nào thân đi đến hủy
diệt? Đáp: Sắc thạnh uẩn được tận diệt không dư tàn, được từ bỏ,
vứt đi, được dập tắt, không làm ô nhiễm kẻ khác, chấm dứt, dừng lại,
biến mất. Các thạnh uẩn thọ, tưởng, hành thức được tận diệt không
dư tàn,.... biến mất. Đây gọi là sự chấm dứt của tự thân.
P: Gần giống. Hỏi: Tự thân diệt
được gọi là tự thân diệt. Thế nào đức Thế Tôn gọi là tự thân diệt?
Đáp: Sự chấm dứt không còn ái luyến, sự từ bỏ, tẩy trừ, giải
thoát, đây gọi là tự thân diệt, được đức Thế Tôn nói đến.
C5 = P5:
C: Hỏi: Uẩn được gọi là uẩn.
Thạnh uẩn được gọi là thạnh uẩn. Uẩn và thạnh uẩn là một hay là
khác? Đáp: Có khi uẩn và thạnh uẩn là một, có khi là khác. Thế nào uẩn
và thạnh uẩn là một? Khi sắc pháp có ô nhiễm, có chấp thủ; khi thọ,
tưởng, hành, thức có ô nhiễm, có chấp thủ, khi ấy uẩn được gọi là
thạnh uẩn. Thế nào là uẩn không phải là thạnh uẩn? Khi sắc pháp
không có ô nhiễm, không có chấp thủ; khi thọ, tưởng, hành. thức không
có ô nhiễm, không có chấp thủ, khi ấy uẩn không phải là thạnh uẩn.
P: Không giống hẳn. Hỏi: Có phải
thủ đồng nghĩa với năm thủ uẩn hay thủ khác với năm thủ uẩn? Đáp:
Thủ không là một với năm thủ uẩn, nhưng cũng không khác với năm thủ
uẩn. Khi có tham ái và chấp thủ trong năm thủ uẩn, khi ấy có thủ. C: thạnh
uẩn = P: thủ uẩn.
Trong loạt câu hỏi này, có hai
câu trong P không có trong C:
P2: Hỏi: Tập khởi của thân gọi
là tập khởi của thân. Gì là tập khởi của tự thân được đức Thế
Tôn nói đến? Đáp: Bất cứ gì có khát ái đưa đến tái sinh, liên hệ
đến hỷ và tham, tìm hỷ lạc chỗ này chỗ kia, như dục ái, hữu ái và
phi hữu ái. Đây gọi là tập khởi của tự thân, được đức Thế Tôn
nói đến.
P4: Hỏi: Con đường đưa đến chấm
dứt tự thân được gọi là con đường đưa đến chấm dứt tự thân. Thế
nào được gọi là con đường đưa đến chấm dứt tự thân do đức Thế
Tôn dạy? Đáp: Thánh đạo tám ngành này được gọi là con đường đưa
đến chấm dứt tự thân do đức Thế Tôn dạy, đó là chánh kiến, chánh
tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm,
chánh định.
b) Những câu hỏi về thánh đạo
tám ngành:
C6 = P8:
C: Hỏi: Gì là thánh đạo tám
ngành? Đáp: Thánh đạo tám ngành là chánh kiến cho đến chánh định, đây
gọi là thánh đạo tám ngành.
P: Gần giống. Bản P kể cả tám
pháp.
C7 = P9:
C: Hỏi: Thánh đạo tám ngành có
phải là một pháp hữu vi không? Đáp: Thánh đạo tám ngành là một pháp hữu
vi.
P: Gần giống.
C8 = P không có:
C: Có bao nhiêu nhóm? Đáp có ba
nhóm: nhóm giới, định và tuệ.
C9 = P10:
C: Thánh đạo tám ngành bao gồm
ba nhóm, hay là ba nhóm bao gồm tám thánh đạo? Đáp: Thánh đạo tám ngành
không bao gồm ba nhóm, mà ba nhóm bao gồm tám thánh đạo. Chánh ngữ, chánh
nghiệp và chánh mạng, ba yếu tố này được bao gồm trong nhóm thánh giới;
chánh niệm, chánh định, hai pháp này bao gồm trong nhóm thánh định;
chánh kiến, chánh tư duy, chánh phương tiện, ba pháp này bao gồm trong nhóm
thánh tuệ. Bởi vậy thánh đạo tám ngành không bao gồm ba nhóm, mà
ba nhóm bao gồm thánh đạo tám ngành.
P : Gần giống, nhưng hình thức
câu hỏi đặt ra hơi khác. Hỏi: Ba nhóm được bao gồm trong thánh đạo tám
ngành, hay thánh đạo tám ngành được bao gồm trong ba nhóm? Một dị biệt
quan trọng ở đây là bản P bao gồm chánh tinh tiến vào trong nhóm định,
còn bản C bao gồm chánh phương tiện vào trong nhóm tuệ.
c) Những câu hỏi về diệt (Niết-bàn),
sơ thiền và định:
C10 = P không có:
C: Hỏi: Diệt có đối hay không?
Đáp: Diệt không có đối.
C11 = P không có:
C: Hỏi: Sơ thiền có bao nhiêu thiền
chi? Đáp: Sơ thiền có năm thiền chi: tầm, tứ, hỷ, lạc, và nhất tâm.
Đây gọi là năm thiền chi.
P: Không có ở đây, nhưng đã có
trong kinh trước số 43, P18.
C12 = P11:
C: Hỏi: Định là gì? Gì là định
tướng? Gì là sức mạnh của định? Gì là hiệu lực của định? Gì là
sự tu tập định? Đáp: Khi thiện tâm trở nên chuyên nhất thì gọi là định.
Định tướng là bốn chánh niệm. Sức mạnh của định là bốn chánh đoạn.
Hiệu lực của định là bốn thần thông. Khi người ta tu tập các thiện
pháp này, dấn mình vào việc tu tập, với sự tinh cần nỗ lực, đây gọi
là tu tập định.
P: Gần giống. Hỏi: Gì là định?
Gì là định tướng? Gì là định tư cụ? (điều kiện của định). Gì
là sự tu tập định? Đáp: Nhất tâm gọi là định; bốn niệm xứ gọi là
định tướng; bốn chánh cần là tư cụ của định; sự tu tập, huấn luyện,
thực hành liên tục các pháp này gọi là tu tập định.
d) Những câu hỏi về chết, diệt
định, định vô tưởng:
(Xin xem đoạn trước nói về định
trong C211).
e) Những câu hỏi về cảm thọ:
C20 = P21:
C: Hỏi: Có bao nhiêu cảm thọ? Đáp:
Có ba loại thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Chúng khởi
lên do duyên gì? Do duyên hưởng thụ mạnh mẽ, chúng khởi lên.
P: Gần giống; nhưng bỏ phần cuối
"do duyên gì chúng khởi lên".
C: hưởng thụ mạnh mẽ = P: xúc.
C21 = P22:
C: Hỏi: Gì là lạc thọ? Gì là
khổ thọ? Gì là bất khổ bất lạc thọ? Đáp: Khi lạc thọ khởi lên do
hưởng thụ mạnh mẽ thì thân và tâm hưởng một cảm giác khả ái, dễ
chịu, đây gọi là lạc thọ. Khi khổ thọ khởi lên do hưởng thụ mạnh
mẽ, thì thân và tâm trải qua một cảm giác khó chịu, bất lạc, đây gọi
là khổ thọ. Khi cảm thọ bất khổ bất lạc khởi lên do hưởng thụ mạnh
mẽ, thì thân và tâm kinh nghiệm một cảm giác không vui không khổ, không
đáng ưa cũng không đáng ghét, đây gọi là bất khổ bất lạc thọ.
P: Gần giống. Định nghĩa ở đây
giản dị hơn: bất cứ cảm thọ thân và tâm nào dễ chịu, khả ái, thì
gọi là lạc thọ....
C22 = P23,24:
C: Hỏi: Lạc thọ, gì là lạc?
Gì là sự bất lạc của nó? Gì là sự vô thường của nó? Gì là sự
nguy hiểm của nó? Gì là khuynh hướng tiềm ẩn trong nó (tùy miên)? (cũng
câu hỏi tương tự đối với khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ). Đáp:
Lạc thọ khi sinh khởi, khi đang trú, đó là khía cạnh lạc của nó; khi
nó biến hoại, đấy là khía cạnh khổ của nó; tính vô thường là nguy
hiểm của nó; tham ái là khuynh hướng tiềm tàng trong nó. Đối với khổ
thọ, khi nó khởi lên, khi đang trú, đó là khía cạnh khó chịu của nó;
khi nó thay đổi thì đó là khía cạnh dễ chịu của nó; vô thường là sự
nguy hiểm của nó, sân hận là khuynh hướng tiềm ẩn trong nó; đối với
bất khổ bất lạc thọ, khi nó không được biết đến, đấy là sự khó
chịu của nó, khi nó được biết đến, đấy là khía cạnh dễ chịu của
nó, vô thường là sự biến hoại của nó, vô minh là khuynh hướng tiềm tàng
trong nó.
P23: Không giống hẳn, ở đây
nói đơn giản hơn. Hỏi: Đối với lạc thọ, cái gì lạc, cái gì khổ?
Đối với khổ thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Đối với bất khổ bất lạc
thọ, cái gì khổ, cái gì lạc? Đáp: Đối với lạc thọ, trú là lạc, biến
hoại khổ. Đối với khổ thọ, trú khổ, biến hoại lạc. Đối với bất
khổ bất lạc thọ, biết là lạc, không biết là khổ. Ở đây cách giải
thích trong hai bản không giống nhau về cảm thọ bất khổ bất lạc.
P24: Về khuynh hướng tiềm ẩn (anusaya,
tùy miên) trong ba cảm thọ, câu trả lời giống với bản C.
C23 = P25,26,27:
C: Hỏi: Có phải tất cả lạc thọ
đều có tham tiềm ẩn? Có phải tất cả khổ thọ đều có sân tiềm ẩn?
Có phải tất cả bất khổ bất lạc thọ đều có vô minh tiềm ẩn? Đáp:
Không phải tất cả lạc thọ đều có tham tiềm ẩn. Không phải tất cả
khổ thọ đều có sân tiềm ẩn. Không phải tất cả bất khổ bất lạc
thọ đều có vô minh tiềm ẩn. Thế nào không phải tất cả lạc thọ đều
có tham tiềm ẩn? Khi một Tỳ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và
trú sơ thiền, có tầm, có tứ, có hỷ lạc do viễn ly sanh, đây gọi là lạc
thọ không có tham tiềm ẩn. Vì sao? Vì thiền này phá hủy tham. Thế nào
không phải tất cả khổ thọ đều có sân tiềm ẩn? Khi một người theo
đuổi phúc lạc của giải thoát cao cả, trong sự nỗ lực của vị ấy
có khởi lên một khổ thọ, đây gọi là khổ thọ không có sân tiềm ẩn.
Tại sao? Vì thiền này phá hủy sân. Thế nào là không phải tất cả bất
khổ bất lạc thọ đều có vô minh tiềm ẩn? Với sự chấm dứt lạc, chấm
dứt khổ, chấm dứt hỷ và ưu đã cảm thọ trước kia, vị ấy chứng trú
thiền thứ tư được thuần tịnh nhờ chánh niệm, bất khổ bất lạc. Đây
gọi là cảm thọ bất khổ bất lạc nhưng không có vô minh tiềm ẩn. Vì
sao? Vì thiền này phá hủy vô minh.
P25,26,267: Đoạn kinh C bao gồm cả
ba câu hỏi trong bản P. Câu hỏi số 25 trong bản P giống với câu hỏi số
23 trong C, nhưng nó chỉ trả lời không. Trong P26, câu hỏi là: Cái gì cần
từ bỏ trong lạc thọ, trong khổ thọ và trong bất khổ bất lạc thọ?
Và câu trả lời là: Trong lạc thọ cần từ bỏ tham, trong khổ thọ cần
từ bỏ sân, trong bất khổ bất lạc thọ cần từ bỏ si. Trong P27, câu hỏi
là: Có phải tham sân si cần được từ bỏ trong tất cả lạc thọ, khổ
thọ, và bất khổ bất lạc thọ không? Câu trả lời gần giống như trong
C. C: Tại sao thế? Vì thiền này phá hủy tham = P: Do thiền này tham ái được
phá hủy nên không có tham tùy miên ở đây. C: Khi một người theo đuổi hạnh
phúc giải thoát cao cả, trong sự nỗ lực của họ có khởi lên một khổ
thọ, đây gọi là khổ thọ không có sân tiềm ẩn = P : Vị Tỳ-kheo nghĩ
: "Sau khi đạt đến cảnh giới này, ta sẽ trú trong cảnh giới mà
các bậc thánh đã chứng và trú." Đối với Tỳ-kheo đã lập một lời
nguyện như vậy, khi bất lạc khởi lên do lời thệ nguyện này mà sân
được phá hủy, không có sân tùy miên ở đây. Về câu trả lời đối với
cảm thọ bất khổ bất lạc cũng giống như trong C. Nó chỉ thêm rằng
"không có vô minh tùy miên ở đây."
f) Những câu hỏi về đối
(patibhàga đối xứng và đối nghịch):
C24 = P28:
C: Hỏi: Lạc thọ đối với cái
gì? Đáp: Khổ thọ là đối với lạc thọ.
P: Giống nhau.
C25 = P29:
C: Hỏi: Gì là đối nghịch của
khổ thọ? Đáp: Lạc thọ là đối nghịch với khổ thọ.
P: Giống nhau.
C26 = P không có:
C: Hỏi: Gì là đối nghịch với
lạc thọ, với khổ thọ? Đáp: Bất khổ bất lạc thọ là đối nghịch với
lạc thọ và khổ thọ.
C27 = P30:
C: Hỏi: Cái gì là đối nghịch với
bất khổ bất lạc thọ? Đáp: Vô minh là đối nghịch với bất khổ bất
lạc thọ.
P: Giống nhau.
C29 = P32:
C: Hỏi: Gì là đối xứng với
minh trí? Đáp: Niết-bàn là đối với minh trí.
P: Câu hỏi giống nhau nhưng trả
lời khác. Bản P trả lời: giải thoát là đối với vô minh. Ở đây bản
P thêm một câu hỏi nữa: "Giải thoát lấy gì đối?" Đáp:
"Giải thoát lấy Niết-bàn làm đối".
C30 = P34:
C: Hỏi: Niết-bàn lấy gì làm đối?
Đáp: Ngươi muốn hỏi một câu hỏi vô giới hạn. Nhưng điều ngươi hỏi
không vượt ngoài hiểu biết của ta. Niết-bàn không có đối, Niết-bàn
không có khuyết điểm của sự rối ren, tất cả mọi rối ren đều đã
được trừ khử. Chính do ý nghĩa (mục đích) này mà người ta sống đời
phạm hạnh dưới đức Thế Tôn.
P: Câu hỏi giống nhưng trả lời
khác. Trả lời: Câu hỏi của ngươi vượt ngoài giới hạn. Không thể
nào nắm được phạm vi của câu hỏi. Đời sống phạm hạnh là để hòa
nhập vào Niết-bàn, nhắm vào Niết-bàn, chấm dứt trong Niết-bàn. Nếu muốn,
ngươi có thể đến đức Thế Tôn mà hỏi ý nghĩa này. Những gì đức Thế
Tôn giải đáp, hãy như vậy mà thọ trì.
Trong bản P có ba câu hỏi không
có trong C. Đó là câu 12, 13,14
P12: Hỏi: Có bao nhiêu loại hành?
Đáp: Có ba loại hành: thân hành, ngữ hành, ý hành.
P13: Hỏi: Gì là thân hành, gì là
ngữ hành, gì là ý hành? Đáp: Thở vô thở ra là thân hành; tầm
tứ là ngữ hành; tưởng và thọ là ý hành.
P14: Hỏi: Thế nào thở vô thở
ra là thân hành? Thế nào tầm tứ là ngữ hành? Thế nào tưởng và thọ
là ý hành? Đáp: Thở vô thở ra thuộc về thân, liên hệ đến thân, nên
gọi là thân hành. Trước hết phải suy nghĩ, tức là tầm và tứ, rồi
người ta mới nói thành lời, cho nên tầm tứ thuộc về ngữ hành.
Thọ và tưởng là những yếu tố tâm lý, là những pháp liên hệ đến tâm
nên gọi là ý hành.
III. Cuộc đàm thoại được thuật lại với đức Phật:
C: "Rồi tín nữ Tỳ Xá Khư
sau khi nghe Tỳ-kheo ni Pháp Lạc nói pháp, sau khi khéo thọ trì, nắm vững,
tụng thuộc và khéo tu tập, đứng dậy khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ dưới
chân Tỳ-kheo ni Pháp Lạc, nhiễu quanh bà ba vòng rồi ra đi. Tỳ-kheo ni Pháp
Lạc, sau khi tín nữ Tỳ Xá Khư đi không bao lâu, liền đến đức Thế Tôn,
đảnh lễ dưới chân đức Phật, ngồi xuống một bên và tường thuật với
Ngài toàn thể cuộc đàm thoại với tín nữ Tỳ Xá Khư. Bà chắp tay hướng
về đức Phật mà nói, bạch đức Thế Tôn con đã nói như vậy, đã trả
lời như vậy. Con có xuyên tạc lời của đức Thế Tôn không? Con có nói
đúng pháp không, con có nói phù hợp với pháp không? Y cứ vào pháp, có
điểm nào trong lời nói của con trái ngược với pháp, có gì đáng chất
vấn, có gì lỗi lầm không? Đức Thế Tôn trả lời: 'Này Tỳ-kheo, những
gì ngươi đã nói, những gì ngươi trả lời, không phỉ báng ta. Ngươi đã
nói đúng pháp, phù hợp với pháp, không có gì trái ngược, không có gì
đáng chất vấn, không có gì lầm lỗi. Nếu tín nữ Tỳ Xá Khư dùng câu
như vậy, lời như vậy đến hỏi ta, ta cũng sẽ dùng nghĩa như vậy, câu
như vậy, lời như vậy để giải đáp cho tín nữ Tỳ Xá Khư. Ý nghĩa này
là những gì ngươi đã nói. Ngươi nên thọ trì trong tâm. Vì sao? Vì lời
này phù hợp với ý nghĩa.' "
P: Không giống hẳn. Ở đây bản
P chỉ nói Visàkha hoan hỷ tín thọ lời Tỳ-kheo ni Dhammadinnà và cám ơn bà.
Trong bản P, chính nam cư sĩ Visàkha đi đến Phật thuật lại cuộc đàm
thoại với ngài. Bản P chỉ nói rằng Phật khen Tỳ-kheo ni Pháp Lạc là
đa văn, có đại trí tuệ, và Ngài nói rằng nếu nam cư sĩ đi đến Ngài
mà hỏi những câu ấy, Ngài cũng sẽ trả lời y như Tỳ-kheo ni Dhammadinnà
đã trả lời. Rồi Ngài khuyên Visàkha thọ trì ý nghĩa ấy.
E. Phần kết
C: Đức Phật nói như vậy. Tỳ-kheo
ni Pháp lạc và các Tỳ-kheo, sau khi nghe lời đức Phật, hoan hỷ phụng hành.
P: Nam cư sĩ Visàkha hoan hỷ tín
thọ lời Thế Tôn dạy.
NC39
C133: Ưu bà lợi kinh
P56: Kinh Upàli
A. Toát yếu kinh C
C: Trường Khổ Hạnh đàm luận với
đức Phật, trong đó ông trình bày lý thuyết của Kiền Tử về hình phạt
và vai trò nổi bật của thân phạt trong bất cứ hành vi quấy nào. Ngược
lại đức Phật trình bày lý thuyết của Ngài về nghiệp và vai trò nổi
bật của ý nghiệp trong bất cứ hành vi quấy nào. Trường Khổ Hạnh thuật
lại cuộc đàm thoại với Kiền Tử khi có mặt gia chủ Upàli. Khi ấy
Upàli được Kiền Tử chấp thuận cho đi đến phản bác quan điểm của
đức Phật. Nhưng đức Phật, bằng vài ví dụ, đã cảm hóa được Upàli
theo lý thuyết của Ngài, và ông trở thành đệ tử Ngài. Sau đó Upàli trở
về công bố đức tin mới của ông, từ bỏ niềm tin cũ đối với Ni Kiền.
Kiền Tử, sau khi nghe tin này, đã đích thân đến nhà Upàli, và khi được
ông ta cho biết ông đã cải đạo, Kiền Tử đã hộc máu nóng và chết tại
Pàvà sau đó.
P : Gần giống nhưng bỏ cái chết
của Kiền Tử.
B. Nhan đề kinh
C: Ưu bà lợi kinh, bản kinh
nói về Ưu Ba Ly, một người trước đây là đệ tử của Ni Kiền, sau trở
thành đệ tử đức Phật.
P: Kinh Upàli, giống như C.
C. Nơi thuyết kinh
C: Na Lan Đà, trong rừng
Pàvàrikamba.
P: Nàlandà, Pàvàrikambavana.
D. Nội dung kinh
I. Cuộc đàm thoại giữa Trường Khổ Hạnh và đức Phật:
C: Trường Khổ Hạnh đi đến
nơi đức Phật, trao đổi với Ngài và ngồi qua một phía. Đức Phật hỏi
ông: "Có bao nhiêu hành vi Ni Kiền Tử chủ trương để diệt trừ ác
nghiệp?" Trường Khổ Hạnh trả lời rằng Kiền Tử không nói hành vi
để diệt trừ ác hành mà nói phạt. Rồi ông tiếp tục giải thích có ba
loại hình phạt, thân phạt, ngữ phạt và ý phạt, ba loại không giống
nhau, và thân phạt có vai trò quan trọng nhất trong sự diệt trừ tội ác.
Khi ấy đức Phật trình bày lý thuyết của Ngài về nghiệp để diệt trừ
tội ác, về ba loại nghiệp là thân nghiệp, khẩu nghiệp, ý nghiệp; mà
ý nghiệp đóng vai trò quan trọng trong sự diệt trừ tội ác. Đức Phật
và Trường Khổ Hạnh đều nhắc lại ba lần chủ trương của mình; rồi
Trường Khổ Hạnh bỏ đi.
P: Gần giống; thêm: Phật nói với
Trường Khổ Hạnh: "Có chỗ ngồi; nếu muốn, mời ông hãy ngồi."
Rồi Trường Khổ Hạnh lấy một ghế thấp và ngồi xuống. Câu hỏi của
đức Phật ở đây hơi khác: "Có bao nhiêu nghiệp Ni Kiền Tử chủ trương,
trong sự diễn tiến ác hành, trong sự thực thi tội ác?" C: phạt = P: danda
(roi). C: thân phạt đóng vai trò quan trọng nhất trong sự diệt trừ ác
hành = P: thân phạt sản sanh nhiều phi công đức hơn. C: ý phạt đóng vai
trò quan trọng trong việc diệt trừ ác nghiệp = P: ý phạt đóng vai trò
quan trọng trong việc diễn tiến ác nghiệp. Giải thích của C gần với
quan điểm Kỳ na giáo hơn.
II. Trường Khổ Hạnh thuật lại với Kiền Tử, và Ưu Ba Ly xin
đi luận chiến với đức Phật:
C: Trường Khổ Hạnh thuật lại
toàn bộ cuộc đàm thoại với Kiền Tử, ông này khen như sau: "Tốt lắm,
tốt lắm, ông đã làm tròn phận sự đệ tử đối với bậc đạo sư.
Ông là người có hành động thông minh, khôn ngoan, có quyết định chắc
chắn, bảo đảm, vô úy, đã đạt đến tự chủ, một người biện luận
đại tài, người đã có được cây cờ vinh quang, đã đạt đến cảnh giới
bất tử và trú trong đó. Vì sao? Vì ông đã trình bày cho Sa-môn Cồø Đàm
thấy rằng, thân phạt đóng vai trò quan trọng nhất trong sự diệt trừ
ác hành, trong sự không làm ác hành. Ngữ phạt không như vậy. Ý phạt là
phần yếu kém nhất. Ngữ phạt và ý phạt không thể so sánh với thân phạt,
cái mạnh nhất."
Khi ấy Upàli đang ở trong chúng hội
cùng với 500 gia chủ. Ông chắp tay hướng về Kiền Tử và hỏi Trường
Khổ Hạnh, có phải ông ta thực đã ba lần làm cho Sa-môn Cồ Đàm xác định
vấn đề ấy. Khi Trường Khổ Hạnh trả lời phải, Upàli nói rằng ông
ta có thể đè bẹp Sa-môn Cồø Đàm trong vấn đề này, lôi đi xềnh xệch.
Rồi Upàli đưa ra bốn (?) ví dụ chỉ rõ ông sẽ lôi kéo Sa-môn Cồ Đàm
trong cuộc tranh luận như thế nào: như một người mạnh nắm lấy bờm một
con cừu đực mà lôi kéo thỏa thích; như một người mạnh nắm một tấm
áo lông cừu, đập nó để giũ bụi; như một con voi chúa 60 tuổi, có ngà
lớn, chân và thân khỏe mạnh, được một người đem đi tắm, rửa mông,
lưng, bụng, vòi, đầu, và cho nó chơi trong nước. Kiền Tử tin tưởng Upàli
sẽ thành công trong cuộc bài bác Sa-môn Cồ Đàm và giục ông ta ra đi.
Nhưng Trường Khổ Hạnh lo sợ hậu quả của cuộc đàm thoại này và
nói: "Sa-môn Cồø Đàm biết một chú thuật để dụ dẫn người ta trở
thành Tỳ-kheo, Tỳ-kheo ni, tín đồ nam nữ cư sĩ. Tôi sợ rằng gia chủ
Upàli sẽ bị Sa-môn Cồ đàm dụ dỗ và trở thành đệ tử của ông
ta." Ba lần Trường Khổ Hạnh bày tỏ nỗi lo sợ của ông, cả ba lần
Kiền Tử trấn an bảo rằng, có thể có chuyện Sa-môn Cồø Đàm trở
thành đệ tử của Upàli, nhưng không thể có chuyện Upàli thành đệ tử
Cồ Đàm. Cuối cùng ông ta để cho Upàli đến thách đấu với đức Phật.
Gia chủ Upàli đảnh lễ dưới chân Kiền Tử, đi quanh ông ta ba vòng, rồi
ra đi.
P: Gần giống. Ni Kiền Tử khen ngợi
Trường Khổ Hạnh như sau: "Lành thay, lành thay, Trường Khổ Hạnh đã
trả lời Sa-môn Cồø Đàm. Đấy là một đệ tử đa văn, đã khéo hiểu
giáo lý của bậc thầy mình. Làm sao một ý phạt nhỏ nhoi có thể bì kịp
thân phạt to lớn? Quả thế, thân phạt đáng trách hơn, trong việc diễn
tiến, thi hành việc ác. Ý phạt và ngữ phạt không bằng." Trong bản
P, Upàli lập lại lời khen của Kiền Tử đối với Trường Khổ Hạnh và
bày tỏ ý muốn đi thách đấu với đức Phật. Bốn ví dụ không giống
nhau hẳn. Ví dụ thứ nhất cũng như trong bản C. Ví dụ thứ hai khác:
"Như một người làm việc trong quán rượu nhúng một chiếc chiếu lớn
trong một cái hồ sâu, cầm lấy bốn góc mà kéo." Ví dụ thứ ba cũng
không giống: "Như một người chủ quán rượu mạnh mẽ, nắm lấy một
góc của đồ lọc mà lắc qua lắc lại." Ví dụ thứ tư nói đến một
con voi 60 tuổi, nhào vào trong một ao sâu và chơi trò phun nước. Sự lo sợ
của Trường Khổ Hạnh giống nhau trong hai bản.
III. Sự đàm thoại giữa Upàli và đức Phật:
1) Sự gặp gỡ giữa Upàli và
đức Phật:
C: Rồi Upàli đi đến nơi đức
Phật, trao đổi lời chào hỏi với Ngài, ngồi qua một bên và khởi sự hỏi
về câu chuyện giữa Trường Khổ Hạnh và đức Phật. Khi biết được đề
tài cuộc đàm thoại, Upàli lập lại lời ca tụng mà ông đã thốt lên để
ca tung Trường Khổ Hạnh trước đấy. Khi ấy đức Phật hỏi Upàli, nếu
ông sẵn sàng muốn thảo luận để tìm hiểu chân lý, thì đức Phật
cũng sẽ sẵn sàng để nói chuyện với ông. Upàli chấp thuận và cuộc đàm
thoại bắt đầu.
P: Gần giống. C: trao đổi sự chào
hỏi = P: bhagavantam abhivàdetvà.
2) Luận cứ của đức Phật:
Ví dụ 1: C1 = P2:
C: Giả sử có một người theo phái
Ni Kiền đến, người ấy thích bố thí, hoan hỷ trong hạnh bố thí, không
ham chơi đùa giải trí, tuyệt đối trong sạch và luôn luôn hành trì chú
thuật. Nếu trong khi đi qua đi lại, người ấy giết rất nhiều sinh vật
lớn nhỏ, sự sát sinh này có đem lại quả báo cho người ấy không?
Upàli đáp: "Nếu người ấy cố ý giết, thì là một trọng tội; nhưng
nếu người ấy làm một cách vô ý thức thì không phải là trọng tội."
Khi ấy đức Phật bảo Upàli hãy suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời,
vì những gì ông vừa nói trái ngược với những gì ông nói trước, những
gì ông nói trước trái ngược với những gì ông vừa nói, trong khi Upàli
đã hứa giữa chúng hội là sẽ thảo luận y cứ trên sự thật.
P: Bản P cũng nói một Ni Kiền Tử
được chế ngự trong bốn cách chế ngự, nghĩa là, từ bỏ tất cả các
loại nước chưa đun sôi, chỉ sử dụng nước đã đun sôi (hoặc đã từ
bỏ tất cả ác hành), đã tránh tất cả ác hành, đã thực hiện tất cả
sự chế ngự. Ni kiền tử ấy trong lúc đi lui đi tới, giết nhiều sinh vật
nhỏ. Phần còn lại giống nhau. Ở đây bản P thêm : "Ý hành này thuộc
về hình phạt nào?", và khi Upàli trả lời nó thuộc về ý phạt, đức
Phật bảo ông phải suy nghĩ cẩn thận trước khi trả lời. Bản P thêm
Upàli bảo, mặc dù đức Thế Tôn có nói gì, đối với ông ta thân phạt
vẫn đáng trách hơn, trong sự diễn tiến và thực thi các việc ác.
Ví dụ 2: C2 = P1:
C: Nếu có một Ni Kiền đi đến,
chỉ uống nước sôi, kiêng cử nước lạnh. Trong khi cần uống nước lạnh
vì không có nước sôi, ông đã chết vì kiêng nước lạnh. Nơi tái sinh của
ông ta sẽ là chỗ nào? Upàli trả lời, có một cõi trời gọi là "Ý
trước". Nếu Ni Kiền ấy chết vì tâm ý còn ràng buộc, ông ấy sẽ
được tái sinh trong cõi trời ấy. (Phần còn lại về lời cảnh cáo của
Phật cũng như trong ví dụ thứ nhất).
P: Gần giống. Bản P thêm rằng
Ni Kiền Tử ấy bị đau nặng. C: Ý trước = P: Manosattà. Phần còn lại cũng
như trước.
Ví dụ 3: C3 = P3:
C: Giả sử có một người cầm một
con dao. Người ấy nói ông muốn giết trong một ngày tất cả dân chúng
thành Na Lan Đà, làm chúng biến thành một khối thịt, một đống thịt.
Phật hỏi Upàli, người ấy có thể làm được như ý muốn không? Upàli
trả lời không thể, vì Na Lan Đà là một nơi phồn thịnh đông dân cư,
người ấy chỉ có nhọc xác một cách vô ích, không thể nào giết hết
dân chúng của Na Lan Đà, biến chúng thành một khối thịt. Rồi đức Phật
hỏi, nếu một Sa-môn, Bà-la-môn đến, người này có đại thần lực, vị
ấy có thể do một tâm sân hận, biến toàn tỉnh Na Lan Đà ra tro hay
không? Upàli trả lời, không chỉ một Na Lan Đà mà đến hai, ba, bốn Na
Lan Đà, người ấy cũng có thể làm ra tro tất cả các xứ sở và dân
chúng, với một tâm sân hận. Ở đây Upàli cũng được đức Phật cảnh
cáo như trong ví dụ trước.
P: Gần giống, nhưng với nhiều
chi tiết hơn. Nó thêm: "Trong một phút chốc, trong một giây lát. Không
những một người mà 20, 30, 40, 50 người cũng không thể nào giết hết
được dân chúng thành Na Lan Đà, biến chúng thành một đống thịt".
Về trường hợp một Sa-môn, Bà-la-môn có thần thông lực, bản P cũng gần
giống, nhưng thêm: Sa-môn, Bà-la-môn ấy không chỉ làm cho một thành Na Lan
Đà mà 10, 20, 30, 40, 50 Na Lan Đà hóa thành tro bụi với một tâm sân hận.
Ví dụ 4: C4 = P4:
C: Đức Phật hỏi Upàli, ông có
nghe về nơi hoang vu lớn, rừng con sơn dương lui tới, nơi vắng vẻ của
những con nai, nơi thanh bình, nơi rừng hoang, đã trở thành rừng hoang vắng
vẻ? Khi Upàli trả lời có, đức Phật hỏi Upàli, ai đã làm cho những nơi
vắng vẻ ấy trở thành nơi vắng vẻ? Upàli giữ im lặng, đức Phật thúc
giục ông ta phải trả lời vì không phải là lúc giữ im lặng, và vì ông
ta đã hứa thảo luận căn cứ trên sự thật. Upàli sau một lúc im lặng
đã trả lời rằng, không phải vì ông ta muốn giữ im lặng, mà vì ông ta
đang nghĩ đến một chuyện. Ông đang nghĩ rằng, Ni Kiền thật điên rồ
và ngu si, không biết gì cả, đã lừa dối mình một thời gian dài, đã giục
mình đi đến Sa-môn Cồø Đàm để trình bày vai trò ưu thắng của thân
phạt trong sự không làm ác nghiệp. Nhưng nhờ đàm thoại với Sa-môn Cồ
Đàm, ông ta đã vỡ lẽ rằng, do một tâm niệm sân hận của các vị trời,
mà những nơi hoang vu này lại trở thành hoang vu.
P: Không giống. Cũng câu hỏi được
Phật đặt ra cho Upàli, nhưng ở đây bốn khu rừng tên là Dandaka, Kàlinga,
Mejjha và Màtanga trở thành khu rừng vì một tâm niệm giận dữ của các vị
có thần thông trong rừng ấy. Phần còn lại cũng giống như trong ví dụ
thứ nhất.
III. Upàli theo đức Phật:
1) Upali quy y Tam bảo lần thứ
nhất:
C: Upàli bạch đức Phật rằng, bây
giờ ông đã hiểu, đã biết, và ông công bố xin quy y Tam bảo, xin đức
Phật nhận ông làm một đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến lúc mạng chung.
P: Ở đây Upàli trả lời rằng,
ngay từ ví dụ đầu tiên, ông đã thỏa mãn với lời giải thích của Phật,
nhưng ông giả vờ đóng vai chống đối Ngài để được nghe thêm nhiều
giải thích khác nhau của Phật. Rồi ông ca tụng sự giải thích của Phật
là kỳ diệu, tuyệt hảo như thường lệ, và công bố xin quy y Tam bảo,
xin đức Phật nhận ông làm cư sĩ.
2) Quy y Tam bảo lần thứ hai:
C: Đức Phật khuyên Upàli hãy giữ
im lặng, đừng công bố ồn ào vì bậc thượng nhân xem sự yên lặng là
thù thắng. Upàli sau khi nghe lời khuyên này lại càng hoan hỷ hơn nữa, càng
hài lòng với đức Thế Tôn, vì nếu ông ta xin làm đệ tử các Sa-môn,
Bà-la-môn khác, họ sẽ trương cờ lọng ra mà công bố cho toàn thể Na Lan
Đà biết là ông đã thành đệ tử của họ. Nhưng đức Phật lại khuyên
ông giữ im lặng, đừng công bố gì cả. Rồi Upàli lại tuyên bố rằng từ
nay trở đi, ông sẽ không để cho Ni Kiền vào nhà ông, ông chỉ mời bốn
chúng đệ tử của đức Thế Tôn, nhưng đức Phật bảo Upàli rằng, Ni Kiền
từ lâu đã được ông cùng gia đình tôn trọng, cung kính, nên bây giờ nếu
họ đến, ông phải cho họ chút gì tùy theo khả năng của ông. Sau khi nghe
lời khuyên ấy, Upàli bảo rằng, ông lại càng hoan hỷ và hài lòng với
đức Thế Tôn hơn nữa, vì trước đây ông đã nghe nói đức Thế Tôn
tuyên bố chỉ nên bố thí cho ngài và các đệ tử của Ngài mới có công
đức lớn; bố thí cho người khác và đệ tử của người khác sẽ không
đem lại công đức lớn. Khi ấy đức Phật dạy Ngài chưa bao giờ nói vậy,
những gì Ngài thật sự nói ra là, nên bố thí cho tất cả mọi người tùy
theo ý thích của mình. Bố thí cho những người không tinh tấn sẽ không
đem lại quả báo lớn; bố thí cho những người có tinh tấn sẽ mang lại
quả báo lớn. Khi ấy Upàli nói rằng, ông thề không làm gì cả, ông biết
nên cho hay không nên cho các Ni Kiền. Rồi lần thứ hai ông công bố xin quy
y Tam bảo và xin Phật nhận ông làm cư sĩ.
P: Không giống, ở đây đức Phật
không khuyên Upàli nên giữ im lặng, mà khuyên ông trước khi làm gì hãy
suy nghĩ kỹ. Khi nghe lời khuyên ấy Upàli tuyên bố ông càng hoan hỷ với
đức Thế Tôn hơn nữa, vì nếu ông trở thành đệ tử người khác, họ
sẽ trương cờ lên mà công bố cho toàn thể Nàlandà biết Upàli là đệ tử
của họ. Ở đây bản P nói ngay rằng, Upàli xin quy y Tam bảo lần thứ
hai, xin được làm đệ tử. Phần còn lại trong đoạn này ở bản C được
để vào đoạn sau ở bản P.
3) Quy y Tam bảo lần thứ ba:
C: Rồi đức Thế Tôn thuyết
pháp cho Upàli, khuyên bảo, làm cho ông phấn chấn, hoan hỷ, dùng nhiều
cách để giảng pháp cho ông. Sau khi khuyên bảo, khích lệ, làm cho ông hoan
hỷ, đức Phật giảng pháp theo cách mà chư Phật lần đầu tiên thuyết
chánh pháp, làm cho người nghe hoan hỷ, như pháp thoại về bố thí, về giới,
về sự sanh lên cõi trời, quở trách dục vọng đầy nguy hiểm, quở trách
sinh tử là bất tịnh, ca tụng sự ly dục là thù thắng, chánh đáng và
trong sạch. Đức Thế Tôn sau khi thuyết pháp cho ông như vậy, biết rằng
tâm của Upàli được hoan hỷ, thỏa mãn, mềm mại, nhu nhuyến, được nâng
cao, được nhất tâm, hết hoài nghi, hết chướng ngại, có thể đón nhận
diệu pháp một cách mạnh mẽ. Rồi giống như chư Phật thuyết giảng tinh
túy chân chính của Pháp, đức Thế Tôn giảng cho Upàli về khổ, nguồn gốc
khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ. Như một tấm lụa
trắng (?) có thể ăn màu nhuộm dễ dàng, Upàli ngay tại chỗ ngồi, đã thấy
được bốn chân lý cao cả khổ, tập, diệt, đạo. Thế là Upàli thấy
pháp, được pháp, thực chứng pháp bạch tịnh, diệt trừ hoài nghi, vượt
qua do dự, không có ai hơn ông, không còn lung lay, đã trú trong sự chứng
quả, trở nên vô úy đối với pháp của đức Thế Tôn. Rồi Upàli đứng
lên khỏi chỗ ngồi, đảnh lễ đức Thế Tôn và lần thứ ba ông xin quy y
Tam bảo, xin Phật nhận ông làm đệ tử.
P: Lý do thúc đẩy Upàli xin
quy y lần thứ ba cũng giống như lý do được đặt ở đoạn trước trong
bản C. Bản P bỏ lời tuyên bố của Upàli rằng, từ nay trở đi không sẽ
không cho Ni Kiền Tử nào vào nhà ông, và chỉ đón tiếp bốn hạng đệ tử
của đức Phật. Ở đây đức Phật khuyên Upàli nên bố thí cho các Ni Kiền
Tử vì từ lâu gia đình ông đã giúp đỡ cho họ. Lời khuyên này làm cho
Upàli càng hài lòng, hoan hỷ với đức Thế Tôn, vì ông đã nghe nói
Sa-môn Cồ Đàm bảo rằng chỉ nên bố thí cho Ngài và đệ tử của Ngài,
đừng bố thí cho người khác và đệ tử người khác; sự bố thí cho
Ngài và đệ tử của Ngài sẽ có quả báo lớn; bố thí cho người khác
và đệ tử người khác không đem lại quả báo lớn. Ở đây bản P bỏ lời
phủ nhận của đức Phật. C: Upàli thề không làm gì cả, ông biết nên bố
thí hay không nên bố thí cho các Ni Kiền = P: Upàli nói ông biết thời để
làm việc ấy. Trong bản P, sau khi Upàli quy y Tam bảo lần thư ba, đức Phật
thuyết pháp cho ông. Bản P bỏ: "Đức Thế Tôn khuyên bảo, làm cho
ông phấn chấn, hoan hỷ....thuyết pháp cho ông." C: Phật giảng pháp
theo cách mà chư Phật lần đầu tiên giảng diệu pháp, làm hoan hỷ những
người nghe = P: Phật thuyết pháp theo thứ tự. C: như là pháp thoại về bố
thí...thù thắng, chánh đánh và trong sạch = P: như là câu chuyện về bố
thí, về giới, về cõi trời, về nguy hiểm của dục lạc, sự hạ liệt,
ô nhiễm của nó; và về lợi lạc của xuất ly. C: Đức Thế Tôn sau khi
giảng pháp cho ông như vậy, biết tâm Upàli đã được hoan hỷ, hài lòng,
mềm mại, dễ sử dụng, nâng cao, nhất tâm, hết hoài nghi, hết chướng
ngại, có thể mạnh mẽ tiếp nhận chánh pháp = P: Khi đức Thế Tôn biết
tâm Upàli đã sẵn sàng, nhu nhuyến, hết chướng ngại, sung sướng, hoan hỷ.
C: Như chư Phật đã giảng tinh yếu chân chính của Pháp, đức Thế Tôn cũng
giảng về khổ, tập, diệt, đạo = P: Rồi Ngài giảng cho Upàli các pháp
mà các bậc giác ngộ đã khám phá: khổ, tập, diệt, đạo. C: Như một tấm
lụa trắng sẽ ăn màu một cách dễ dàng, ngay tại chỗ Upàli thấy được
chân lý khổ, tập, diệt, đạo. Như vậy Upàli thấy pháp, được pháp, chứng
ngộ pháp bạch tịnh, diệt trừ hoài nghi, vượt qua do dự, không có ai hơn,
không còn do dự, đã an trú trong sự chứng ngộ quả, trở thành vô úy đối
với pháp của đức Thế Tôn = P: Như một tấm vải sạch không còn vết
đen, sẽ ăn màu nhuộm dễ dàng, cũng vậy gia chủ Upàli ngay tại chỗ ngồi,
khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu : "Cái gì phải bị sinh thì cũng
phải bị diệt." Như vậy gia chủ Upàli đã thấy pháp, đã chứng
pháp, đã biết pháp, đã đi sâu vào pháp, đã vượt qua hoài nghi, đã tẩy
trừ sự do dự, đã đạt đến tịnh trí trong giáo lý của đấng đạo
sư mà không cần người khác dẫn dắt. Ở bản C, sự chứng đắc của Upàli
khiến ông công bố lời xin quy y Tam bảo lần thứ ba, nhưng ở bản P chỉ
nói rằng Upàli thưa Thế Tôn, ông còn có nhiều việc phải làm.
IV. Upàli dặn dò người gác cổng - Kiền Tử đến thăm và
thái độ của Upàli:
1) Upàli dặn dò người gác cổng:
C: Upàli sau khi đã khéo thọ
trì lời dạy của đức Thế Tôn, cúi đầu dưới chân Phật, nhiễu quanh
Ngài ba vòng, rồi về nhà. Tại đây ông bảo người gác cổng, bây giờ
ông đã thành đệ tử của đức Thế Tôn, và từ nay trở đi, không được
cho phép các Ni Kiền vào nhà ông. Chỉ có bốn hạng đệ tử của đức Phật
được vào nhà, nếu các Ni Kiền đến, người gác cổng nên bảo họ đứng
chờ bên ngoài cổng và hãy mang đồ ăn ra cho họ.
P: Gần giống. Trong khi bản C sử
dụng một danh từ chung là Ni Kiền, bản P còn thêm các Ni Kiền nam và nữ.
2. Sự viếng thăm của Kiền Tử:
C: Tin tức về thái độ của
Upàli đến tai Trường Khổ Hạnh; ông này đi đến Kiền Tử, thuật lại
vấn đề cho ông ta và phàn nàn rằng, giáo chủ đã không để ý đến lời
cảnh cáo của ông ta, nhưng Kiền Tử vẫn không tin mẩu tin ấy, vẫn nói
rằng không thể nào có chuyện Upàli trở thành đệ tử Sa-môn Cồ Đàm,
mà Sa-môn Cồ Đàm trở thành đệ tử Upàli thì có. Rồi ông sai Trường
Khổ Hạnh đi đến nhà Upàli để thăm dò sự việc tận mắt. Trường Khổ
Hạnh đi đến nhà Upàli, khám phá tiếng đồn là chân thật và về thuật
lại cho Kiền Tử, nhưng Kiền Tử vẫn không tin. Ông cùng 500 đồ chúng
đi đến nhà Upàli, gặp người gác cổng và người này đã thuật lại
cho ông lời dặn dò của Upàli. Kiền Tử nói rằng ông không đến xin đồ
ăn mà muốn gặp Upàli. Khi ấy người gác cổng bảo Kiền Tử hãy đợi
ngoài cổng, để ông ta vào báo tin cho Upàli biết có Kiền Tử đến thăm.
P: Gần giống, với vài dị biệt
nhỏ. Trong khi bản C nói một đám đông 500 Ni Kiền, bản P chỉ nói một số
lớn Ni Kiền Tử, còn lại cũng giống nhau, với những dị biệt đã thấy
ở trước.
3) Thái độ của Upàli và phản
ứng của Kiền Tử:
a) Cách đón
tiếp của Upàli:
C: Khi người gác cổng báo tin cho
Upàli biết có Kiền Tử đem 500 đồ chúng đến thăm, Upàli ra lệnh cho
gác cổng sửa soạn chỗ ngồi trong đại sảnh ở giữa. Khi chỗ ngồi đã
sẵn, Upàli đi vào tòa đại sảnh chính giữa, ngồi lên chỗ ngồi đẹp
nhất, cao nhất, sạch nhất đã soạn sẵn, và bảo người gác cổng đi gọi
Kiền Tử và đồ đệ vào. Ông nói: Tôn giả, có chỗ ngồi đó, nếu muốn,
xin ngài cứ ngồi." Khi ấy Kiền Tử bảo Upàli tại sao ông cư xử
như vậy, ngồi kiết già như một Sa-môn, không khác tí nào. Upàli trả lời
rằng, ông có những đồ vật, nếu muốn bố thí ông sẽ bố thí, nếu
không muốn bố thí ông sẽ không bố thí. Những ghế ngồi này của ông
ta, nên ông bảo: "Có chỗ ngồi đấy, nếu ông muốn ngồi, xin hãy ngồi."
P: Gần giống, với vài dị biệt
nhỏ. Bản P thêm rằng trước đấy, mỗi khi Nàtaputta đến, Upàli thường
đi ra đón ông, và giành chỗ ngồi cao nhất, tốt nhất cho ông, rồi dùng
thượng y của mình để phủi bụi chỗ ấy. Bản P bỏ lời khiển trách của
Nàtaputta về Upàli cư xử như một Sa-môn và câu trả lời của Upàli.
b) Cuộc đàm
thoại giữa Kiền Tử và Upàli:
C: Kiền Tử khiển trách Upàli đã
bị Sa-môn Cồ Đàm chinh phục, mặc dù Upàli đã định chinh phục Cồ Đàm;
cũng như một người đi vào rừng để được mắt mà khi trở về lại mất
cả hai con mắt; hoặc như người khát nước đi đến hồ rồi lại trở về
vẫn còn khát. Upàli dẫn một ví dụ để trả lời Kiền Tử. Giả sử có
một Bà-la-môn có người vợ trẻ có bầu. Chị ta bảo người ấy ra chợ
mua một món đồ chơi cho đứa con sắp sanh, người Bà-la-môn bảo, nàng
hãy đợi cho đến khi sanh con, nếu nó là con trai, anh ta sẽ mua đồ chơi
cho con trai; nếu nó là con gái, sẽ mua đồ chơi con gái, nhưng bà vợ trẻ
năn nỉ ba lần, và ba lần Bà-la-môn cố lý luận với nàng. Nhưng vì quá
yêu vợ, cuối cùng ông hỏi bà thích loại đồ chơi gì. Bà bảo ông đi
mua một con khỉ nhỏ. Khi người chồng mua về một con khỉ con, bà không
thích màu lông của nó nên bảo chồng đem nó đến thợ nhuộm nhuộm thành
màu vàng và đập giũ cho bóng. Người thợ nhuộm nói với ngưòi chồng,
con khỉ này có thể nhuộm vàng, nhưng không thể đập cho bóng láng. Rồi
ông đọc một bài kệ:
"Con khỉ có thể ăn màu nhuộm,
nhưng không thể bị đập;
Nếu bị đập, nó sẽ chết; rốt
cuộc không thể nào đập nó.
Cái túi đựng những đồ bất tịnh
này có mùi thối;
Con khỉ đầy những bất tịnh.
Cũng thế lý thuyết Ni Kiền
không thể chịu đựng nổi sự tra tầm, không thể được đem ra nghiền
ngẫm và quán sát.
Nó có thể nhuộm kẻ ngu nhưng không
bậc trí."
Khi ấy Upàli ví giáo lý của Phật
như một tấm vải hàng Ba La Nại có thể ăn màu nhuộm đẹp nhất, mà cũng
có thể đập cho bóng láng. Giáo lý của đức Như lai có thể chịu đựng
sự tra tầm, có thể được nghiền ngẫm và quán sát. Nó có thể nhuộm (ảnh
hưởng đến) bậc trí, nhưng không thể nhuộm người ngu.
P: Không giống hẳn. Nó thêm
Nàtaputta gọi Upàli là đã điên rồ, ngu si khi bị vướng vào cuộc tranh
luận lớn lao ấy. Ví dụ thứ nhất không giống. Nó nói đến một người
làm nghề đi hoạn súc vật (andàhàrako?) và trở về chính mình lại
bị hoạn. Ví dụ thứ hai giống ví dụ đầu trong bản C. Ví dụ về
Bà-la-môn và cô vợ giống bản C, nhưng được đặt sau lời cáo buộc của
Nàtaputta rằng Upàli đã bị Sa-môn Cồ Đàm dụ dỗ, trong khi ở bản C
thì đặt ở trước. Bản P thêm rằng, người chồng đã già, cao tuổi,
và tên người thợ nhuộm là Rattapàni. C: đập nó, làm cho nó láng bóng =
P: đập xung quanh và cả hai mặt cho thật láng. Trong bản P, người thợ
nhuộm không dùng bài kệ để trả lời Bà-la-môn. Ông ta chỉ nói rằng
nó có thể ăn màu nhuộm, nhưng không thể đập và làm cho bóng láng cả
hai mặt. C: Lý thuyết của Ni Kiền không thể chịu đựng sự tra tầm, không
thể được nghiền ngẫm và quán sát; nó có thể nhuộm kẻ ngu chứ không
người trí = P: Lý thuyết của Ni Kiền Tử ngu si, chỉ có thể nhuộm người
ngu chứ không bậc trí, nó không thể đứng vững trước sự tra tầm, không
thể được làm cho bóng láng. Trong ví dụ hai, bản P nói đến cũng người
Bà-la-môn ấy vào một lúc khác đem một cặp áo quần đến cho Rattapàni
nhờ nhuộm và đập, làm cho láng, trong khi bản C nói đến một ví dụ
riêng.
c) Một cáo buộc khác từ Kiền Tử:
C: Kiền Tử cáo buộc Upàli đã bị
bùa chú của Sa-môn Cồ Đàm dụ dỗ. Upàli trả lời rằng thần chú của
Cồ Đàm thật tốt đẹp, vô cùng tốt đẹp, nó sẽ làm cho cha mẹ ông
ta, vợ con, tôi tớ của ông ta, vua của xứ Na Lan Đà và tất cả chúng
sinh trong những thế giới với chư thiên, ma, phạm, Sa-môn và Bà-la-môn, từ
nhân loại cho đến chư thiên sẽ được thần chú dụ dỗ này làm cho hạnh
phúc, an ổn và lợi lạc lâu dài.
P: Gần giống. C: bị thần chú dụ
dỗ của Sa-môn Cồ Đàm dụ = P: bị dụ dỗ bởi huyễn thuật của Sa-môn
Cồ Đàm. C: rất tốt, vô cùng tốt đẹp = P: rất lành, rất thiện. Bản
C nói, cha mẹ ông ta, vợ con, tôi tớ của ông ta, vua của xứ Na Lan Đà
và tất cả chúng sanh trong các thế giới với chư thiên, ma, phạm, Sa-môn
và Bà-la-môn, từ nhân loại cho đến chư thiên = P: những huyết thống
thân yêu, tất cả sát đế lợi và Bà-la-môn, thương gia, thợ thuyền, chúng
sanh trong các cõi trời, cõi ma, cõi phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, trời và người.
Bài kệ của Upàli: xem ở trước,
chương 7 (các bài kệ).
E. Phần kết
Ở đây bản C có phần kết
thông thường, bản P không có.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2