- So
sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli
CHƯƠNG
V: ĐỨC PHẬT
1. Tường thuật về đời đức Phật:
Trong NC22, đức Phật có tự thuật
cuộc đời của mình cho Tôn giả A Nan:
a) Xuất gia:
C204: (vii, 74a,12-13): "Khi ta chưa
đạt giác ngộ tối thượng và hoàn toàn, tư tưởng này khởi lên nơi ta:
'Ta phải bị bệnh, tại sao ta lại điên rồ đi tìm cái cũng bệnh; ta bị
già, chết, sầu, ưu, não, ô nhiễm, tại sao ta điên rồ đi tìm cái cũng
già, chết, sầu, ưu, não, ô nhiễm? Sao ta không đi tìm cái không bệnh, sự
an ổn tối thượng, Niết-bàn, đi tìm cái không già, không chết, không sầu,
không não, không ô nhiễm, cái an ổn tối thượng, Niết-bàn?' "
P26: Gần giống. C: Khi ta chưa đạt
đến giác ngộ hoàn toàn và tối thượng = P: Trước khi ta giác ngộ, khi
ta chưa thành Phật, đang còn là Bồ-tát. Ở đây bản C bỏ danh từ Bồ-tát.
C: phải bị già, chết, sầu, ưu, não, ô nhiễm = P: phải bị sinh, già, bệnh,
chết, ô nhiễm.
C: (74a, 13-15): "Ta vào lúc ấy,
trong tuổi thanh xuân là một thanh niên hoàn toàn trẻ trung, tóc xanh, khỏe
mạnh, 29 tuổi, hưởng lạc thú, sống sung túc, mặc dù lúc ấy cha mẹ ta
than khóc và thân quyến ta không vui lòng, không sung sướng, ta vẫn cạo râu
tóc để đắp cà sa, vì lòng tin đã từ bỏ gia đình, sống không gia đình
để học pháp."
P: (163, 27-31): Gần giống. Bản P
bỏ: trong sự trong sáng của tuổi trẻ, 29 tuổi, hưởng lạc thú, sống
sung túc, thân quyến không vui vẻ và hạnh phúc, vì lòng tin học pháp. Nó
thêm: ngược lại ước muốn của cha và mẹ.
b) Học đạo với hai bậc hiền nhân: Học với
Àlàra Kàlàma
C:(74a, 15-20): "Ta tuân giữ sự
trong sạch của thân, lời và ý. Sau khi hoàn toàn thanh tịnh thân, ta muốn
đi tìm cái vô bịnh... vô thượng an ổn, Niết-bàn. Rồi ta đến Àlàra
Kàlàma và hỏi: 'Àlàla, tôi muốn sống đời phạm hạnh dưới giáo pháp
của Ngài, có thể được hay không?'
Àlàra đáp: 'Thưa Ngài đối với
tôi, không có gì là không thể. Nếu Ngài muốn tu tập, xin hãy làm.' Rồi
ta hỏi: 'Àlàra, thế nào là pháp mà Ngài đã biết, đã thấy và đã chứng?'
Àlàra trả lời : 'Thưa Ngài, tôi đã vượt qua tất cả cảnh giới của
thức, chứng và trú vô sở hữu. Đấy là pháp mà tôi đã biết, đã thấy
và đã chứng.' Ta lại nghĩ: 'Không chỉ một mình Àlàra mới có đức tin
như vậy, ta cũng có đức tin như vậy. Không chỉ một mình Àlàra có tin tấn
như vậy, mà ta cũng có tinh tấn ấy. Không chỉ một mình Àlàra có tuệ
như vậy, ta cũng có tuệ ấy. Àlàra đã biết đã thấy và đã chứng
pháp này bằng tự mình.' Vì ta muốn chứng pháp ấy, ta độc cư ở một
nơi yên tịnh, vắng vẻ, xa xôi, tâm ta không xao lãng mà tỉnh giác, nỗ lực
thiền định. Cứ thế, nhờ độc cư tại một nơi yên tịnh, vắng vẻ,
tâm ta không xao lãng mà tỉnh giác, nỗ lực thiền định, chẳng bao lâu ta
chứng được pháp ấy. Sau khi ta chứng được pháp ấy, ta đến Àlàra và
hỏi: 'Àlàra, có phải pháp mà Ngài đã biết, đã thấy và đã chứng là
vượt trên tất cả cảnh giới của thức, đạt đến vô sở hữu xứ và
an trú trong đó?' Àlàra trả lời: 'Thưa Tôn giả, chính pháp ấy tôi đã
biết, đã thấy và đã chứng....' Àlàra lại nói với ta: 'Thưa Tôn giả,
pháp mà tôi đã chứng Ngài cũng đã chứng. Pháp mà Ngài đã chứng, pháp
ấy tôi cũng đã chứng. Thưa Tôn giả, Ngài đến đây, ta cùng lãnh đạo
đoàn nhóm này.' Địa vị của Àlàra là bậc thầy, ta cũng ngang hàng với
ông, được sự cúng dường, tôn kính, hạnh phúc tối thượng. Khi ấy ta
lại nghĩ: 'Pháp này không đưa đến trí tuệ, giác ngộ, Niết-bàn. Bây giờ
ta nên từ bỏ pháp ấy để đi tìm cái không bệnh ... sự an ổn tối thượng,
Niết-bàn.' Rồi ta từ bỏ pháp ấy và đi tìm cái không bệnh, vô thượng
an ổn, Niết-bàn."
P: (163, 31-37; 164; 165, 1-14): Cũng gần
giống. C: Ta an tịnh thân hành: ... Niết-bàn = P : Như vậy sau khi xuất gia,
người đi tìm cái gì có công đức, đi tìm con đường vô thượng an ổn.
C: Không gì là bất khả đối với tôi; nếu ngài muốn tu tập thì hãy tu
= P: Xin Tôn giả hãy an trú trong đó; pháp này một người có trí tuệ chẳng
bao lâu tự mình chứng đắc, chứng ngộ, sẽ chứng đạt và an trú trong
đó. Bản P thêm một đoạn đức Phật kể lại làm thế nào Ngài đã nắm
vững pháp mà Àlàra Kàlàma đã khai thị, trên phương diện môi mép, như
giải thích và tụng đọc. Như những người khác, ngài đã biết lý thuyết
về trí tuệ, lý thuyết của các bậc trưởng lão. C: Ta lại nghĩ: "Pháp
này không đưa đến yểm ly, ly dục, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí,
giác ngộ, Niết-bàn; mà chỉ đưa đến sự chứng đắc vô sở hữu."
Phần còn lại cũng gần giống nhau.
c) Học với Uddaka Ràmaputta:
C:(74b,5-15)=P(165, 15-37;
166,1-34): Đoạn này cũng gần như đoạn trước trong cả hai bản C và P,
thay bằng tên Uddaka Ràmaputta và thay vô sở hữu xứ bằng phi tưởng phi
phi tưởng xứ.
d) Giác ngộ:
C:(74b, 15-20): "Rồi ta từ bỏ
pháp ấy để đi tìm cái không bệnh......Niết-bàn. Ta đi đến phía nam ngọn
núi Hsiang ting, đến làng những người Bà-la-môn Yu-pei-lo tên gọi Ssuna.
Ở giữa làng có một nơi khả ái, có rừng xanh và con sông Ni Liên nước
trong trẻo chảy tràn bờ. Khi ta thấy mặt đất này ta nghĩ: 'Đất này thật
khả ái, khả lạc, với rừng xanh và con sông trong trẻo chảy tràn bờ. Nếu
có thiện gia nam tử nào muốn học pháp, vị ấy thật nên học pháp tại
đây. Ta cũng muốn học pháp, vậy nay ta nên học pháp tại nơi này'. Rồi
ta lấy một ít cỏ, đi đến cây Bồ đề, trải ra, rồi trải tọa cụ ngồi
kiết già, lập lời nguyện không rời khỏi chỗ nếu chưa đạt đến sự
tận trừ lậu hoặc. Ta đi tìm cái không bệnh, tìm sự an ổn tối thượng
Niết-bàn... và ta đạt đến cái không già, không chết, không sầu, bi, khổ,
không lỗi lầm, sự an ổn tối thượng, Niết-bàn. Trí sanh, minh sanh, định
đạo phẩm pháp (chữ nho); sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những
gì nên làm đã làm xong, không còn hữu. Chân thật là tri kiến ta."
P: (166,35-37): Không giống hẳn. Bản
P bỏ phía nam núi Hương, nhưng thêm Ma Kiệt Đà. Ở đây bản C đã lầm
chữ Gayaø với chữ Gaja. C: Yu-Pei-lo, một làng Bà-la-môn
tên gọi Ssuna = P: Uruvelà Senànigamo. Ở đây địa điểm này
được mô tả là một nơi khả ái, một khu rừng êm ả, dòng sông chảy
trong, dễ đến, khả ái, có những khu làng vây quanh, thích hợp để khất
thực. Bản P bỏ: (*) Ta lấy một ít cỏ đi đến cây Bồ đề... cho đến
sự diệt trừ lậu hoặc.
(*) được
tìm thấy trong Nidanakatha thuộc Bản sanh truyện).
C: Định đạo phẩm pháp=P:
Akuppà me vimutti (giải thoát bất động). Phần còn lại cũng giống
nhau.
e) Do dự không muốn giảng pháp:
P: (167,168,169): Đoạn kinh dài này
không có trong bản C (trong đó đức Phật sau khi thành đạo đã ngần ngại
không giảng pháp vì hữu tình bị chìm đắm trong dục lạc và vô minh; chỉ
sau khi Phạm vương cầu thỉnh, đức Phật mới quyết định chuyển bánh
xe pháp).
f) Quyết định giảng pháp:
C:(74b,20): "Khi ta mới đạt Vô
thượng bồ đề, tư tưởng này khởi lên nơi ta: 'Ta sẽ giảng pháp cho ai
trước tiên?' Rồi ta lại nghĩ: 'Ta nên giảng pháp trước tiên cho Àlàra.'
Lúc ấy một vị thiên đứng trên hư không nói với ta rằng: 'Hỡi bậc đại
tiên, Ngài nên biết rằng Àlàra đã chết bảy ngày trước đây.' Ta cũng
biết rằng Àlàra đã chết bảy hôm trước. Rồi ta lại nghĩ: 'Thật là một
mất mát lớn cho Àlàra đã không nghe được pháp này. Nếu nghe được pháp
này, ông sẽ nhanh chóng hiểu và thâm nhập.' Khi ta mới đạt Vô thượng bồ
đề, tư tưởng này khởi lên nơi ta: 'Ta nên giảng pháp cho ai đầu tiên?'
Rồi ta lại nghĩ: 'Ta nên trước hết giảng cho Uất Đầu Lam Phất'. Rồi
một vị thiên đứng trên hư không bảo ta: 'Hỡi bậc đại tiên, Ngài nên
biết rằng Uất Đầu Lam đã chết 14 ngày.' Ta cũng biết Uất Đầu Lam đã
chết 14 ngày.Rồi ta nghĩ: 'Thực là mất mát lớn cho Uất Đầu Lam đã
không nghe được pháp này. Nếu nghe được, ông ta sẽ nhanh chóng hiểu và
thâm nhập.' Khi ta vừa đạt giác ngộ, tư tưởng này khởi lên nơi ta: 'Ta
nên giảng pháp cho ai đầu tiên?' Rồi ta lại nghĩ: 'Ngày xưa năm vị Tỳ-kheo
đã phục vụ ta rất chu đáo, đã giúp đỡ ta rất nhiều. Khi ta còn thực
hành khổ hạnh, những vị này hầu hạ ta. Bây giờ ta nên giảng pháp trước
tiên cho năm vị này.' Rồi ta lại nghĩ: 'Ở đâu những vị này hiện giờ
đang sống.' Rồi với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, ta thấy năm vị Tỳ-kheo
đang ở Ba La Nại, chỗ ở của chư thiên tại vườn Nai. Ta ở dưới cây
bồ đề cho đến thỏa thích, rồi sửa soạn y bát để đi đến Ba La Nại,
đến thị trấn Ca Thi."
P: (169;170): Gần giống. Bản P bỏ:
Khi ta mới đạt vô thượng bồ đề........ Ta sẽ giảng pháp này cho ai đầu
tiên. Nhưng thêm : Ai sẽ hiểu pháp này một cách nhanh chóng. Và nó cũng thêm
một vài chi tiết về Àlàra: "Ông ấy đa văn, có kinh nghiệm, thông
minh, ít lỗi". C: Hỡi bậc đại tiên=P: thưa Tôn giả. C: Uất Đầu
Lam đã chết hai tuần trước=P: Ông đã chết hôm qua (abhidosa).
g) Gặp Yuto (P: Upako):
C:(75a, 8-16)=P(170,33-37,171, 1-17):
Vào lúc ấy một tín đồ của
ngoại đạo tên Yuto thấy ta từ xa đến, đã nói với ta: "Thưa Cồ Đàm,
các căn của Ngài thật thanh tịnh, màu da của Ngài sáng sủa, gương mặt
của Ngài tỏa ra ánh sáng. Thưa Cồ đàm, ai là thầy của Ngài? Ngài học
pháp với ai? Ngài tin vào pháp gì?" Khi ấy ta trả lời choYuto với những
bài kệ này: Trong bản C chỉ có 4 bài kệ đức Phật trả lời cho Yuto.
Trong bản P có đến năm bài kệ, tương đương với bản C như sau: C1=P1,
C2=P2 và P3, C3=P5, C4=P4.
C1=P1:
Bản C:
Ta là tối thượng,
bậc chiến thắng tất cả.
Không thủ trước bất cứ pháp gì;
Tất cả tham ái đã được đoạn tận, đã giải thoát.
Ta tự ngộ, còn ai có thể là thầy ta?
P:
Ta là đấng
chiến thắng, nhất thiết trí;
ta không bị nhiễm trước tất cả pháp.
Tất cả đã được ta từ bỏ, giải thoát, với sự đoạn tận tham ái.
Ta là người tự ngộ. Ta còn phải theo ai?
C2=P2 và P3:
C: Ta là đấng vô sanh, không ai vượt
hơn ta, ta tự chứng vô thượng bồ đề, Như lai là bậc thầy của trời
và người, ta là đấng Nhất thiết trí. Ta có năng lực, có uy lực.
P: Đối với ta không có thầy,
không thể tìm thấy người ngang hàng với ta, trong thế giới này với chư
thiên, không ai có thể sánh bằng ta. Ta là đấng tối thắng trên thế
gian; là bậc thầy tối thượng. Một mình, ta chứng đắc toàn giác. Ta
mát mẻ và an tịnh.
C3=P5:
C: Ta là đấng chiến thắng tất
cả hữu. Điều này có nghĩa rằng tất cả lậu hoặc ta đã đoạn tận.
Ta đã phá hủy tất cả các pháp bất thiện. Này Yuto, chính vì thế ta là
đấng chiến thắng.
P: Những người giống như ta là
những đấng chiến thắng, đã đạt đến sự đoạn tận lậu hoặc. Ta đã
chinh phục tất cả các bất thiện pháp. Bởi thế này Upaka, ta là một đấng
chiến thắng.
C4=P4:
C : Ta đi đến thành Ba La Nại để
gióng lên tiếng trống cam lồ toàn hảo, để quay bánh xe pháp chưa từng
quay trên thế gian này.
P: Ta đi đến đô thị Kàsì để
quay bánh xe pháp, đánh trống bất tử trong thế gian bị mù lòa.
Khi ấy Yuto nói: "Hiền giả,
mong được là như vậy." Nói xong anh ta bỏ đi qua một ngỏ rẽ.
h) Cảm hóa năm Tỳ-kheo:
C:(75a, 14-20; 74b, 1-5): "Khi ấy
ta tự mình đi đến trú xứ của chư thiên ở trong vườn Nai. Vào lúc ấy
năm Tỳ-kheo khi trông thấy ta từ xa, đã làm quyết định như sau:
'Chư hiền nên biết, Sa-môn Cù Đàm
đang đi đến, người này đầy dục vọng, đầy khao khát, ăn uống xa xỉ,
ưa thích cơm chiên và gia vị, mật, dùng dầu mè để thoa chà thân thể.
Nay ông ta lại đến. Chư hiền hãy ngồi yên đừng đứng dậy chào hỏi,
cũng không đảnh lễ ông ta. Một chỗ ngồi được soạn riêng cho ông ta,
nhưng đừng mời ông ta ngồi xuống. Khi ông ta đi đến thì nên nói: 'Nếu
muốn ngồi thì cứ ngồi.' Khi ta đến trú xứ của năm Tỳ-kheo, năm vị Tỳ-kheo
không thể chịu nổi uy lực của công đức ta. Họ đứng dậy khỏi chỗ
ngồi. Người thì cầm lấy bát của ta, người trải tọa cụ, người thì
bưng nước cho ta rửa chân. Khi ấy ta nghĩ: 'Tại sao những người ngu này
không giữ vững ý định của mình mà lại làm trái với những gì trước
đây chúng đã quyết định?' Khi ấy năm Tỳ-kheo gọi ta bằng tộc tánh
và danh từ "Tôn giả". Ta bảo họ: 'Hỡi năm Tỳ-kheo, ta là Như
lai đã hoàn toàn giải thoát và giác ngộ. Các ngươi không nên gọi ta bằng
tộc tánh và bằng danh từ Tôn giả. Tại sao? Vì ta đã đi tìm cái không bệnh...
tri kiến của ta chân thật.' Họ nói với ta: 'Thưa Cồ Đàm, trước đây
Ngài đã sống một cuộc đời như vậy, đã tu hành phạm hạnh như vậy,
trải qua khổ hạnh như vậy mà Ngài đã không thể đạt được những pháp
thù thắng thuộc thế gian thấp kém hơn tri kiến bậc thánh. Thế thì làm
sao bây giờ Ngài có thể đạt được, khi Ngài đầy những dục vọng khao
khát; ăn đồ ăn thức uống sang trọng, thức ăn gạo thơm và cơm chiên với
đồ gia vị, mật, dầu mỡ, dầu mè để thoa chà thân thể.' Khi ấy ta trả
lời : 'Hỡi năm Tỳ-kheo, ngày xưa, các ông có thấy ta có được các căn
thanh tịnh, chói sáng như ta hiện giờ hay không?' Năm Tỳ-kheo lại đáp:
'Trước đây chúng tôi không thấy Ngài có các căn thanh tịnh, chói sáng.
Nhưng thưa Cồ Đàm, bây giờ các căn của Ngài thật thanh tịnh, làn da
Ngài chói sáng, và gương mặt Ngài đầy ánh sáng.' "
P:(171, 172, 173): Gần giống. C: đầy
dục vọng, đầy khao khát.... thoa chà thân thể = P: vị ấy sống trong sự
thừa thãi, đã từ bỏ nỗ lực tinh cần, đã trở về với đời sống
sung mãn. Bản P bỏ: Khi ấy ta nghĩ, tại sao những người ngu này không giữ
vững ý định của họ, mà làm trái lại những gì trước đấy họ đã
quyết định.
Câu trả lời của đức Phật
hơi khác: "Này các Tỳ-kheo, đừng gọi Như lai bằng tên, hay bằng Tôn
giả. Hỡi các Tỳ-kheo, Như lai là đấng đã hoàn toàn chân chánh giác ngộ.
Hãy nghe kỹ, cái bất tử đã được tìm thấy. Ta sẽ giáo giới, giảng
pháp, nếu các ông thực hành phù hợp với những gì ta khuyến cáo thì
không bao lâu các ông sẽ thấy được, chứng đạt được ngay hiện tại
và an trú trong mục đích tối thượng của đời sống phạm hạnh, vì mục
đích ấy mà những thiện gia nam tử đã chân chánh từ bỏ gia đình sống
không gia đình."
C: Thế thì làm sao nay ngài có thể
đạt được khi bây giờ ngài sống đầy đủ sung túc... thoa chà thân thể?
=P: Bây giờ Ngài sống trong sự sung túc, đã từ bỏ nỗ lực tinh cần, đã
trở về với đời sống sung túc, thì làm sao Ngài đạt được pháp tối
thượng, tri kiến chân chính đặc biệt của bậc thánh?
C: Khi ấy ta trả lời: "Hỡi
năm Tỳ-kheo, ngày xưa các ông có thấy ta có được căn thanh tịnh, đầy
ánh sáng"=P: không giống. Trước hết Ngài phủ nhận đã sống một đời
sung mãn, đã từ bỏ nỗ lực như năm vị Tỳ-kheo cáo buộc. Rồi Ngài dạy
rằng Ngài là Như lai, đã hoàn toàn giác ngộ... vì mục đích ấy mà những
thiện gia nam tử đã chân chánh từ bỏ gia đình sống không gia đình. Năm
vị Tỳ-kheo lập lại lời cáo buộc của họ ba lần. Rồi Ngài hỏi năm vị
Tỳ-kheo họ có nghe Ngài nói như vậy trước kia không. Khi họ trả lời
không, Ngài lập lại một lần nữa lời nói trước, và cuối cùng thuyết
phục được các Tỳ-kheo.
i) Phật thuyết pháp cho năm Tỳ-kheo:
C:(75b, 5-10) : "Này hỡi năm Tỳ-kheo,
các người nên biết: Có hai cực đoan mà những người tu hành không nên
theo, một là đam mê dục lạc thấp kém, tầm thường, như người thế tục
thường làm; hai là ép xác khổ hạnh, tự hành khổ, điều mà các bậc hiền
thánh không làm, điều không có ý nghĩa (lợi lạc). Này năm Tỳ-kheo, có
con đường trung đạo tránh xa hai cực đoan này, con đường này sẽ đem lại
tri kiến, trí tuệ, sự tập trung, sự làm chủ hoàn toàn, đưa đến tri kiến,
giác ngộ, Niết-bàn. Con đường này gọi là Thánh đạo, từ chánh kiến
cho đến chánh định. Đây gọi là Thánh đạo tám ngành. Bây giờ ta muốn
tuần tự giảng dạy năm Tỳ-kheo. Ta dạy hai Tỳ-kheo, ba vị kia đi khất
thực về đủ ăn cho cả sáu người. Rồi ta giảng dạy cho ba Tỳ-kheo, hai
vị kia đi khất thực, đủ ăn cho cả sáu. Như vậy ta đã giáo giới
chúng, cải hóa chúng, đi tìm cái bất tử... Họ đã đạt đến tri kiến
chân thực."
P:(173, 2-20): Không có sự bắt đầu
của việc chuyển pháp luân trong bản P. Phần còn lại cũng giống nhau.
2. Những đặc tướng của đức Phật:
Trong NC78, bản C kể ra 24 đức tính
kỳ diệu của đức Phật, nhưng bản P chỉ kể 19. Các đức tính tương
đương trong hai bản như sau: C2=P1; C3=P3; C4=P4 và P5; C8=P19; C10=P16; C11=P15;
C12=P18; C14=P17. Bản P bỏ: C1, C5, C6, C7, C9, C13, C15, C16, C17, C18, C19, C20,
C21, C22, C23, C24. Bản C bỏ: P2, P6, P7, P8, P9, P10, P11, P12, P13, P14.
C1=P không có:
C32: Tôi (Tôn giả A Nan) nghe vào
thời Phật Ca Diếp, Thế Tôn đã phát nguyện thành Phật và khởi sự tu
phạm hạnh. Điều này tôi chấp nhận là một trong những đức tính kỳ
diệu của Thế Tôn.
C2=P1:
C: (43b,9): Tôi nghe rằng vào thời
đức Phật Ca Diếp, đức Thế Tôn sau khi đã phát nguyện thành Phật và
tu phạm hạnh, đã sinh vào cõi trời Đâu Suất. Điều này tôi chấp nhận
là một đức tính kỳ diệu của Thế Tôn.
P123: Tôn giả A Nan nói rằng,
ngài đã nghe và đã được biết trực tiếp từ nơi đức Thế Tôn rằng
Bồ-tát sinh trong cõi trời Đâu Suất, chánh niệm và hoàn toàn tỉnh giác.
Điều này ngài xem là một đức tính kỳ diệu của Thế Tôn.
Nhận xét:
Bản P bỏ không nói đến Phật
Ca Diếp. Các truyền thống thường nói rằng Phật phát nguyện với đức
Phật Nhiên Đăng. Ở đây bản C bỏ danh từ Bồ-tát.
C3=P3:
C:(44a, 2-6): Những lời của Tôn
giả A Nan giống nhau trong tất cả những đức tính kỳ diệu, chỉ khác về
đề mục. Ở đây có nói đến sự vui mừng của chư thiên vì sau khi đức
Phật sinh vào cõi trờiĐâu Suất, thì có ba việc thù thắng hơn trước
khi Ngài sinh: thọ mạng của chư thiên, dung sắc của chư thiên, tiếng tăm
của chư thiên.
P:(119): Chỉ nói Bồ-tát ở trong
cung trời Đâu Suất cho đến hết thọ mạng.
C4=P4 và P5:
C: (44a, 6-11): Khi đức Thế Tôn từ
cung trời Đâu Suất đi vào mẫu thai thì toàn thể trời đất rung chuyển
và một luồng ánh sáng chói lọi chiếu khắp thế gian, đến tận những góc
u tối. Những nơi mà mặt trời mặt trăng mặc dù có đại oai thần lực
cũng không chiếu tới, thì ánh sáng này chiếu đến được. Chúng sinh ở
những nơi ấy nhờ ánh sáng này mà biết được rằng đã có những chúng
sinh kỳ diệu được tái sinh tại đấy.
P: (119): Gần giống. Trong P4, Bồ-tát
chánh niệm tỉnh giác, từ cung trời Đâu Suất đi xuống nhập mẫu thai.
Trong P5, nói đến sự xuất hiện của ánh sáng quang vinh này. Ở đây bản
P thêm rằng, ánh sáng chói lọi này vượt hơn cả quy luật của chư thiên.
C: khắp thế giới = P: xuất hiện trong thế giới với chư thiên, ma, phạm,
Sa-môn, Bà-la-môn, trời, người. Bản P thêm rằng, 10,000 thế giới hệ
rung chuyển.
C5=P không có:
C:(44a, 11-12): Đức Thế Tôn ở
trong mẫu thai nằm nghiêng bên hông phải.
C6=P không có:
C:(44a, 12): Ở trong mẫu thai, đức
Thế Tôn có thân hình duỗi ra.
C:7=P không có:
C:(44a, 12-14): Trong mẫu thai, đức
Thế Tôn không bị dính máu mủ và các chất dơ dáy.
C8=P19:
C: (44a, 14-18): Khi đức Thế Tôn
ra khỏi mẫu thai, thì có sự chấn động và ánh sáng chói chang (như trong
C4).
P: (123): Như số 4 trên, cũng những
khác biệt như vậy.
C9=P không có:
C: (44a, 18-19): Đức Thế Tôn ra khỏi
mẫu thai với thân thể duỗi ra.
C10=P16:
C: (44a, 19-20): Khi ra khỏi mẫu
thai, Ngài không bị dính máu mủ và những chất dơ.
P: (122): Gần giống. Bản P thêm
ẩn dụ một viên ngọc minh châu đặt trên hàng Ba La Nại. Cả hai đều
trong sáng, không vấy bẩn.
C11=P15:
C:(44a, 20): Khi đức Thế Tôn sinh
ra, có bốn vị thiên vương, tay cầm vải mềm đứng trước mặt người mẹ,
làm cho bà vui mừng với lời rằng hài nhi thật tuyệt diệu, có đại oai
thần lực, có sức mạnh và công đức lớn.
P122 : Gần giống, thêm rằng: Bồ-tát
không chạm đất. Bỏ: Với vải mềm trong tay. Trong khi bản C nói bốn vị
thiên vương đứng trước mặt bà mẹ, bản P nói bốn vị thiên đặt Bồ-tát
trước mặt bà mẹ. C: Một đứa trẻ kỳ diệu có đại oai thần lực
...= P: Hài nhi mà bà sinh ra đầy oai lực.
C12=P18:
C: (44b,2-4): Khi đức Thế Tôn vừa
mới sinh, Ngài đã đi bảy bước, dạn dĩ, vô úy, và đi khắp bốn
phương.
P: (123): Với nhiều chi tiết hơn.
Trong khi Ngài đi bảy bước, một chiếc lọng trắng được trao cho Ngài,
và Ngài tuyên bố với giọng nói của một ngưu vương rằng Ngài là chúa
tể tối thượng trong tất cả thế gian. Đây là đời sống cuối cùng của
Ngài, không còn hữu nào khác. Bản P thêm: đứng trên hai chân vững vàng,
mặt hướng về phương bắc.
C13=P không có:
C: (44b,4-5): Khi đức Thế Tôn được
sinh ra, có một cái hồ lớn hiện ra trước mặt bà mẹ với nước tràn bờ
để cho bà có thể dùng để tắm rửa.
C14=P17:
C: (44b,5-6): Khi đức Thế Tôn vừa
sinh ra, trời mưa xuống hai dòng nước, một ấm một lạnh, để tắm rửa
thân thể đức Thế Tôn.
P: (123): Gần giống. Nó thêm rằng
nước ấy dùng để tắm rửa cho cả bà mẹ.
C15=P không có:
C: (44b,6-9): Khi đức Thế Tôn vừa
sinh ra, chư thiên trên trời trỗi thiên nhạc và rải trên đức Thế Tôn
những hoa sen xanh của cõi trời, sen hồng, sen đỏ, sen trắng, những hoa mạn
đà la và bột trầm hương.
C16=P không có:
C: (44b,9-14): Một ngày kia vua Bạch
Tịnh đang ngắm cảnh cày bừa và đức Thế Tôn được đặt dưới gốc
cây Diêm phù; đức Thế Tôn nhập sơ thiền ly dục ly bất thiện pháp, với
tầm với tứ, với hỷ lạc do ly dục sanh. Về chiều, bóng cây Diêm phù vẫn
bất động trên lưng đức Thế Tôn, che nắng cho Ngài. Khi đức vua đi tìm
con đã chứng kiến phép lạ này của cây Diêm phù và thốt lên lời tán
thán.
C17= P không có:
C: (44b,14-19): Một ngày kia tại Tỳ
Xá Ly, đức Thế Tôn sau khi khất thực ăn xong, để tọa cụ lên vai đi vào
rừng, đến cây Tà la trải tọa cụ ngồi thiền, về chiều bóng của tất
cả các cây khác đã di chuyển, nhưng bóng cây Ta la vẫn bất động trên
thân Thế Tôn, che cho người. Một Ngài dòng họ Thích Ca tên là Mahayana đi
vào rừng, chứng kiến phép lạ ấy của cây Tà la. Thật kỳ diệu thay.
C18=P không có:
C: (44b,19-20): Một thời đức Thế
Tôn ở tại Tỳ Xá Ly trong khu rừng lớn. Vào lúc ấy các Tỳ-kheo đặt bát
khất thực của họ ra giữa trời. Một con khỉ đi đến lấy bình bát của
Thế Tôn đi mất. Các Tỳ-kheo muốn ngăn khỉ lại vì sợ bát bị bể, nhưng
đức Thế Tôn bảo họ đừng lo. Con khỉ cầm bát, từ từ leo lên một
cây cao, chứa một bát đầy mật, rồi từ từ leo xuống dâng bát mật ấy
cho đức Thế Tôn, nhưng Ngài từ chối. Rồi con khỉ lấy một cây gậy bắt
hết những con sâu trong mật, và dâng đức Thế Tôn nhưng Ngài cũng từ chối.
Khi ấy con khỉ đổ thêm nước vào trong mật và dâng đức Thế Tôn, bấy
giờ Ngài mới nhận của cúng dường.
C19=P không có:
P: (45a,14-7): Một thời tại Tỳ
Xá Ly trên bờ sông Di Hầu, đức Thế Tôn đang phơi khô chiếc tọa cụ
và giũ sạch nó trên sân thượng của một tòa lầu. Vào lúc ấy, có một
đám mây bất thường kéo đến bao phủ bầu trời sắp đổ xuống một trận
mưa lớn. Nhưng đám mây thấy đức Thế Tôn đang đập phơi chiếc tọa cụ
của Ngài, nó dừng lại và đợi đức Thế Tôn làm xong. Khi ấy đám mây
mới đổ mưa xuống tràn đầy những bậc cấp bên dưới.
C20=P không có:
C: (45a,17-10): Một thời đức Thế
Tôn ở Po-chi, trong rừng suối nước nóng, ngồi dưới gốc một cây Sa la
vương. Vào lúc ấy đang xế chiều, bóng của tất cả cây khác đều di
chuyển, nhưng bóng cây Sa la vương không di chuyển khỏi chỗ ngồi của đức
Thế Tôn. Người chủ vườn Lama chứng kiến phép lạ này nên thốt lên những
lời tán thán việc hiếm có.
C21=P không có:
C:(45a,11-17) : Một thời đức Thế
Tôn ở lại nhà của A-fu-sheng. Sau khi đi khất thực về ăn xong và thu dọn
y bát, Ngài trải tọa cụ ngồi thiền trong nhà A-fu-sheng. Lúc ấy có một
tiếng sét lớn và một trận mưa đá đổ xuống giết chết hai người
trong bốn người đang cày ruộng. Trong lễ hỏa táng, mọi người kêu khóc
lớn tiếng. Buổi chiều khi đức Thế Tôn ra khỏi thiền định, đi kinh hành
lui tới ngoài trời, có một người trông thấy Ngài đang kinh hành lui tới
liền đến đảnh lễ và theo sau Ngài. Đức Thế Tôn hỏi anh ta nguyên
nhân tiếng ồn và huyên náo lớn. Người ấy thuật lại câu chuyện cho đức
Thế Tôn và hết sức ngạc nhiên về sự thiền định sâu xa của Ngài đã
không nghe thấy cũng không bị dao động bởi tất cả sự ồn ào, dao động
ấy.
C22=P không có:
C: (45a,17-19): Một thời đức Thế
Tôn đang ở Uruvelà, bên bờ sông Ni Liên, dưới gốc cây Ni câu loại, nơi
Ngài vừa đạt giác ngộ. Vào lúc ấy có một trận mưa lớn kéo dài bảy
ngày, làm mọi sự đều ngập chìm trong nước. Nhưng khi đức Thế Tôn đi
ra khoảng trống để kinh hành, đất trồi lên cho Ngài đi lui tới.
C23=P không có:
C: (45a,19-20): Ma vương đã đi theo
đức Thế Tôn suốt sáu năm, chờ một dịp thuận tiện để làm hại
Ngài nhưng không thể được, đã kiệt sức và bỏ đi.
C24=P không có:
C: (45b,1): Đức Thế Tôn trong bảy
ngày thực tập chánh niệm về thân không gián đoạn (niệm thân hành
không gián đoạn).
Ngược lại có đến mười trường
hợp, bản Pàli có nhưng bản Hoa ngữ không có:
P2: (119): Bồ-tát ở trong cung trời
Đâu Suất, chánh niệm tỉnh giác.
P6: (120): Khi Bồ-tát đi vào mẫu
thai, có bốn vị thiên vương xuống canh gác ở bốn hướng để đề phòng
người và phi nhân nhiễu hại Bồ-tát và mẹ của Ngài.
P7: (120): Khi đức Bồ-tát đi vào
mẫu thai, mẹ Ngài tự nhiên trở nên thánh thiện, không phạm vào năm giới
cấm từ sát hại cho đến uống rượu.
P8: (121): Khi Bồ-tát nhập mẫu
thai, mẹ Ngài hưởng thụ năm dục; bà được vây quanh bằng năm thứ dục
lạc.
P10: (121): Khi Bồ-tát ở trong thai
mẹ, mẹ Ngài không bị ốm đau, sống thoải mái, không bị nhọc mệt. Bà
thấy trong bụng mình vị Bồ-tát có đầy đủ tay chân, có các căn toàn hảo.
Như một viên minh châu khéo giũa thành bảy mặt, được xâu bằng một sợi
chỉ xanh hay vàng, đỏ, trắng, cam, xuyên qua viên ngọc ấy. Một người có
mắt sáng, cầm trong tay viên ngọc và xem xét, thì sẽ thấy rõ ràng viên
ngọc với sợi chỉ mỏng.
P11: (122): Mẹ Bồ-tát chết bảy
ngày sau khi Ngài ra đời, và bà được tái sanh lên cõi trời Đâu Suất.
P12: (122): Những phụ nữ khác
mang thai chín hoặc mười tháng trước khi sinh nở, nhưng mẹ của Bồ-tát
thì luôn luôn mang thai đến mười tháng.
P13: (122): Các phụ nữ khác khi
lâm bồn ngồi hoặc nằm, nhưng mẹ Bồ-tát sinh nở trong lúc đứng.
P14: (122): Khi Bồ-tát ra khỏi mẫu
thai, thì chư thiên đón nhận Ngài trước hết rồi mới đến loài người.
Một đức tính kỳ diệu
khác:
C: (45b,1-3): Rồi đức Thế Tôn bảo
Tôn giả A Nan: Ông nên xem đây cũng là một điều kỳ diệu nữa về đức
Như lai. Đức Như lai biết các cảm thọ khi chúng khởi lên, khi chúng tồn
tại, khi chúng chấm dứt, Ngài luôn luôn biết chúng. Cũng thế với các tư
tưởng và nhận thức. Khi ấy Tôn giả A Nan chấp nhận điều này là một
đức tính kỳ diệu khác của đức Như lai.
P:(124): Gần giống; bản P bỏ:
"Ngài luôn luôn biết chúng". Bản P đặt "tưởng" (sannà)
trước "tầm" (vitakka).
Nhận xét: Chúng ta để
ý rằng từ ngữ Bồ-tát không được nhắc đến trong bản C. Còn bản P
thì dùng từ ngữ này để chỉ đức Phật khi chưa giác ngộ. Như vậy chúng
ta có thể phỏng đoán rằng danh từ Bồ-tát đã được Thượng tọa bộ
đưa vào để phản đối cách giải thích danh từ này của các nhà Đại
thừa. Chúng ta cũng nhận thấy rằng các truyền thống về sự tích đời
đức Phật và những đức tính kỳ diệu của Ngài không giống nhau trong
hai bản, mỗi bản dường như xuất xứ từ một nguồn khác nhau về phương
diện cuộc đời đức Phật và những đức tính kỳ diệu của Ngài.
3. 10 danh hiệu Phật:
Trong NC27, 10 danh hiệu của đức
Phật được nói đến. Một nghiên cứu tỷ giảo hai bản dịch cho thấy
những tương đồng và dị biệt sau:
C201:(vii,69a,1-2)=P38: (i,267,13-16):
C: Như lai=P: Tathàgàta.
C: Vô sở trước= P: A-la-hán, Araham.
C: Đẳng chánh giác (giác ngộ
toàn vẹn và chân chính) = P: Sammàsambuddho.
C: Minh hạnh túc (đủ trí tuệ
và giới hạnh)= P: Vijjàcaranasampanno.
C: Thiện thệ (khéo vượt qua)=P: Sugato.
C: Thế gian giải (người hiểu biết
thế gian) = P: Lokavidù.
C: Vô thượng sĩ (người không ai
sánh bằng)=P: Anuttaro.
C: Đạo pháp ngự (người điều
phục con đường và pháp)= P: Purisadammasàrathi, người điều phục những
người đáng điều phục.
C: Thiên nhân sư (thầy của người
và trời)= P: Satthàdevamanussànam, bậc thầy của trời người.
C: Phật, chúng hộ (người che chở
tất cả)= P: Buddho, Bhagavà, Phật Thế Tôn.
Trong Phật học đại tự điển,
10 danh hiệu Phật được kể như sau: Như lai, A-la-hán, Chánh đẳng giác,
Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng
phu, Thiên nhân sư, Phật, Thế Tôn. Nếu so danh sách này với danh sách bản
P, ta không thấy gì khác nhau ngoại trừ danh hiệu cuối cùng. Bản S viết
Phật, Thế Tôn thay thế cho bản P: Phật, Bạt- già-phạm (Bhagavà).
Như vậy ta có thể nói rằng trong đoạn này, bản C với danh từ Đạo
pháp ngự thay cho Điều ngự trượng phu của bản P là không đúng
lắm vì đã lầm damya với Dhamma: Pháp.
4. 32 đại nhân tướng:
Trong NC60, 32 tướng đại nhân
được đề cập đầy đủ và ta thấy có những đồng dị sau đây:
C 161=P91:
Những đặc tướng tương đương
trong hai bản như sau:
C1=P2; C2=P4; C3=P8; C4=P7; C5=P3;
C6=P14; C7=P 6; C8=P5; C9= P12; C10=P13; C11=P không có; C12=P10; C13=P19 C14=P15;
C15=P9; C16=P11; C17=P16; C18=P17; C19=P22; C20=P20; C21=P18; C22=P23; C23=P25; C24=P26;
C25=P24; C26=P21; C27=P28; C28=P27; C29= P30; C30=P29; C31=P32; C32=P31. C 11 không có
trong bản P, P1 không có trong bản C.
C1=P2: C: lòng bàn chân xuất hiện
một bánh xe ngàn căm đầy đủ chi tiết=P thêm: có viền và trục đủ mọi
vẻ.
C2=P4: C: bàn chân, ngón tay dài và
có đầu nhọn=P: ngón tay dài.
C3=P8: C: bàn chân tròn và thẳng=P:
những ống chân giống như chân sơn dương, nghĩa là rất thẳng.
C4=P7: C: gót chân và mắt cá phần
sau tròn đầy, bằng phẳng cả hai phía=P: ussankhapàdo (mắt cá nhô
ra).
C5=P3: C: hai mắt cá chân là dung?
= P: àyatapanhi, có gót chân nhô ra.
C6=P14: C: lông xoăn lên=P thêm:
lông xoăn lên có màu xanh, cuộn thành những vòng tròn về phía phải.
C7=P6: C: ngón tay ngón chân có
màng lưới như con ngỗng chúa=P: jàlahatthapàda, tay chân có màng lưới.
Nhận xét: Cô Horner chọn
cách giải thích của Ngài Buddhaghosa rằng chân tay cách đều nhau. Nhưng
nghĩa trong bản C rất rõ.
C8=P5: C: bàn chân bàn tay tuyệt hảo,
mềm mại như hoa Đâu la= P: tay chân mềm mại. (Tùla, theo Phật học
Đại từ điển, là một loại bông vải rất mềm).
C9=C12: C: da láng, mịn, nước và
bụi không thể dính=P: da bóng, mịn màng, nên bụi và nước không thể
bám vào thân.
C10=P13: C: những sợi lông tách rời,
mỗi lông mọc từ một lỗ chân lông. Màu lông hơi xanh và xoăn về phía
phải như hình con sò=P: những sợi lông tách rời, mỗi lông mọc từ một
lỗ chân lông.
C11=P không có: C: bắp đùi của
Ngài đầy đặn như con nai chúa.
C12=P không có: C: cái bị che kín
giống như con ngựa, như một con ngựa chúa giống tốt=P: cái gì được
che kín bằng áo quần thì được bao bằng một cái bọc (tướng mã âm
tàng).
C14=P15: C: thân không cong quẹo=P:
một thân thể thẳng tắp như thân chư thiên.
C15=P9: C: thân thể không con quẹo,
khi đứng thẳng bàn tay có thể sờ đầu gối=P: đứng thẳng không cúi xuống,
Ngài có thể dùng hai lòng bàn tay xoa và sờ hai gối.
C16=P11: C: thân thể của Ngài có
màu vàng chói như màu vàng ròng hơi đỏ=P: có màu vàng ròng.
C17=P16: C: bảy chỗ đầy đặn là
hai bàn tay, hai bàn chân, hai vai và cái cổ=P: sattussaddo bảy chỗ có
bề mặt lồi.
C18=P17: C: phần trên thân đầy đặn
như một con sư tử=P: sìhapubbaddhakàyo (như bản C).
C19=P22: C: quai hàm như sư tử=P:
sìhahanu (như bản C).
C20=P20. C: lưng của Ngài bằng và
thẳng=P: samavattakkhandho, có vai tròn.
C21=P18: C: phần trên của hai vai
tiếp giáp với cổ một cách đầy đặn=P: citantaramso (lỗ hổng ở
vai được lấp đầy).
C22=P23: C: Ngài có 40 cái răng=P:
cũng vậy.
C23=P25: C: giữa các răng không có
khe hở=P: avivaradanto (như C)
C24=26: C: răng trắng=P: susukkadàtho,
răng bóng loáng.
C25=P24: C: răng đầy đủ=P: samadanto,
răng đều đặn.
C26=P21: C: có vị giác toàn hảo=P:
rasaggasaggì (như C).
C27=P28: C: phạm âm của Ngài du dương
như tiếng chim ca lăng tần già= P: brahmassaro karavìkabhànì (như C).
C28=P27: C: lưỡi rộng và dài, từ
trong miệng thè ra có thể trùm phủ cả mặt=P: pahùtajìvho, lưỡi dài.
C29=P30: C: tuyến nước mắt đầy
như nơi con ngưu vương = P: gopakhumo, lông mi của Ngài giống như lông
mi của bò cái.
C30=P29: C: mắt Ngài có màu xanh biếc
=P: abhniiølanetto (như C).
C31=P32: C: đỉnh đầu nhô ra, cân
đối và tròn tóc xoay về trái như vỏ sò=P: unhìsasiso, đầu hình như
có giải khăn bịt.
C32=P31: C: giữa hai lông mày có một
sợi lông trắng mọc xoay về bên phải =P: unnà bhamukantare jàtà odàtà
mudutùlasannibhà, giữa hai lông mày có một sợi lông trắng mịn như bông
vải.
P1=C không có: Ngài có chân bước
bằng phẳng.
5. Uy nghi của đức Phật:
Trong NC60, uy nghi của đức Phật
được mô tả. Bản C tả đức Phật đắp y, phủ đầy mình bằng tấm y
khi ra khỏi phòng, khi ra khỏi vườn, khi đi đường đến làng mạc, khi
vào làng, trên đường làng, vào nhà, sửa soạn ngồi lên giường, khi ngồi,
rửa tay, nhận thực phẩm, ăn, rửa tay, thuyết tùy hỷ pháp, đứng lên khỏi
chỗ, đi ra khỏi nhà, trên đường ra khỏi làng, vào vườn và vào nhà. Bản
P khởi đầu bằng sự đi vào nhà, quay về phía chỗ ngồi, rồi ngồi xuống,
lấy nước rửa bát, nhận thức ăn, ngồi, lấy nước rửa bát, giáo giới,
đi ra, mặc áo, ngồi thiền, thuyết pháp.
C161 = P91:
a) Mặc y:
C: Sa-môn Cồ Đàm mặc y một
cách thích đáng, không cao không thấp, y không dính sát vào thân, gió không
thể thổi bay cái y khỏi thân thể.
P: Cũng vậy. Sau câu y không
dính sát vào thân, bản P thêm: tấm y không bị kéo xa khỏi thân Ngài.
Bản P thêm: bụi và đất không dính vào thân của Sa-môn Cồ Đàm. Về
câu: gió không thể thổi cái y khỏi thân, cô Horner chọn cách đọc
của bản Thái Lan là kayasmin (nơi thân) thay vì kayamhà, nhưng
bản C chứng tỏ đã chọn chữ kayamhà (khỏi thân).
b) Bao phủ bằng tấm y:
C: Cũng như mặc y. Nó thêm:
Sa-môn Cồ Đàm khi mặc tấm y mới, theo thánh cách, cắt nó bằng dao và
nhuộm màu sẫm. Ngài mặc y không vì tiền, vì kiêu căng, không để tự
trang sức; mà chỉ để bảo vệ thân thể khỏi bị muỗi đốt, ruồi, gió,
ánh nắng mặt trời, và vì tàm quý mà Ngài che thân.
P: không có.
c) Ra khỏi phòng:
C: Khi Ngài ra khỏi phòng, thân
Ngài không cúi về phía trước hay phía sau. Khi muốn đi, trước hết Ngài
đặt chân phải xuống, giở chân lên đúng pháp, đặt chân xuống đúng
pháp, không lẫn lộn, không mất trật tự. Trong khi bước đi, hai mắt cá
không chạm vào nhau. Do công hạnh đời trước, bụi và đất không bám
vào Ngài.
P bỏ: Khi Ngài ra khỏi phòng,
thân Ngài không cong lên phía trên hay cúi xuống phía dưới.
C: Giở lên đúng pháp, đặt xuống
đúng pháp, không lẫn lộn, không mất trật tự= P: Ngài không đặt bàn
chân quá xa, cũng không đặt bàn chân quá gần, không đi quá nhanh, hoặc
quá chậm. Nó thêm: trong khi bước đi Ngài không gõ hai đầu gối vào nhau,
bắp vế Ngài không đưa lên đưa xuống, hoặc đưa vào đưa ra, Ngài chỉ
di động phần dưới của thân thể, chứ không di động toàn thân.
d) Ra khỏi vườn và đến làng, vào làng:
C: Khi ra khỏi vườn, Ngài không
cong thân lên hay cúi thân xuống. Khi Ngài đi đến làng, Ngài cũng xoay mình
về phía mặt để quan sát chung quanh như một con voi chúa nhìn quanh, vô
úy, giản dị, vì Ngài là đức Như lai chánh đẳng giác. Khi đi vào làng,
Ngài không ngước lên hay cúi xuống. Khi đang đi trên những đường làng,
Ngài không cúi xuống, ngước lên mà nhìn thẳng vừa tầm để không bị
chướng ngại cho tri kiến. Do công hạnh đời trước, các căn của Sa-môn
Cồ Đàm luôn luôn tự chủ.
P bỏ: Phật ra khỏi vườn và
đi vào làng. Nó nói: Khi đức Gotama nhìn quanh, Ngài nhìn với toàn
thân, không nhìn lên nhìn xuống, không đi mà không để ý nhìn trước một
tầm cày, hơn thế nữa, tri kiến của Ngài không bị chướng ngại.
e) Vào nhà và ngồi trên chỗ ngồi:
C: Trong khi vào nhà, Ngài không ưỡn
thân hay cúi xuống, Ngài xoay thân về phía phải và ngồi trên chỗ ngồi của
mình. Ngài không ngồi với toàn thể sức nặng của thân thể, Ngài không
ngồi với hai tay chống nạnh. Trong khi ngồi Ngài không có vẻ buồn thảm
bất an, cũng không có vẻ sung sướng.
P: Khi vào nhà, Ngài không ưỡn thân,
cong xuống, xoay qua xoay về. Ngài xoay về phía chỗ ngồi không quá xa hay
quá gần. Ngài ngồi xuống chỗ, không đưa tay níu lấy chỗ ngồi. Ngài
không ném toàn thân xuống ghế. Ngài không ngồi với tay chân bất an,
không vắt chân chữ ngũ, chồng hai mắt cá. Ngài không ngồi với hai tay chống
cằm. Trong khi ngồi trong nhà, Ngài luôn luôn có thái độ vô úy, không dao
động, hướng về độc cư.
f) Nhận nước để rửa tay chân và nhận đồ
ăn:
C : Trong khi nhận nước rửa, Ngài
không đưa bát quá cao, quá thấp, không nhận quá nhiều, hay quá ít. Khi nhận
thức ăn, Ngài không nhận từ cao, thấp, quá nhiều, hay quá ít; Ngài nhận
thức ăn và cơm ngang nhau. Ngài vo tròn thức ăn thành từng viên đều đặn,
đúng pháp và từ từ bỏ vào miệng. Ngài không há miệng sẵn để chờ
thức ăn vào. Ngài nhai thức ăn ba lần trước khi nuốt xuống. Không có cơm
hay thức ăn nào chưa được nhai kỹ. Khi còn có thức ăn trong miệng, Ngài
nuốt xuống trước khi bỏ vào một viên khác. Do ba việc mà Sa-môn Cồ Đàm
dùng tịnh thực, hy vọng thưởng thức vị nhưng không hy vọng thưởng thức
lòng tham vị, ăn không vì tài sản của cải, không để kiêu căng, không
để tự trang sức, trang hoàng; mà chỉ để duy trì thân thể khỏi bệnh,
để ngăn bệnh cũ, không để khởi lên bệnh mới, để có sức khỏe và
an lạc.
P: Trong khi nhận nước vào bát,
Ngài không xoay bát lên xuống, xoay vào xoay ra; Ngài nhận nước không quá
ít, không quá nhiều. Ngài không rửa bát ồn ào, xoay tròn cái bát, Ngài
không đặt bát trên nền để rửa tay. Tay và bát được rửa đồnglúc,
Ngài không đổ nước rửa bát quá xa hay quá gần, Ngài không vung vãi nước.
Trong khi nhận cơm, Ngài không xoay bát lên xuống vào ra. Ngài nhận cơm không
quá nhiều không quá ít. Ngài ăn cà ri có chừng mực. Ngài không quên ăn
cơm và thức ăn đồng một lúc với mỗi miếng ăn. Ngài đảo qua lại hai
ba lần đồ ăn trong miệng trước khi nuốt xuống. Không có một hạt cơm
nào chưa nhai đã nuốt. Không có một hạt cơm nào còn trong miệng đã nuốt
một miếng cơm khác. Ngài ăn cháo, thưởng thức vị nhưng không có lòng
tham vị. Sa-môn Gotama ăn với tám đức tính, không để vui đùa, không để
đam mê, không để trang sức, không để tự làm đẹp, mà chỉ vừa đủ
để duy trì cơ thể, để nó tiếp tục, thoát khỏi nguy hiểm, và để hỗ
trợ đời sống phạm hạnh, nghĩ đến diệt trừ cảm thọ cũ, ngăn sự
khởi lên những cảm thọ mới, và như vậy sống không lỗi lầm, trú
trong an lạc.
g) Nhận nước rửa tay, rửa bát, thuyết pháp:
C: Trong khi nhận nước rửa tay, rửa
bát, Ngài không nhận nó quá cao, quá thấp, quá nhiều, quá ít. Tay và bát
được rửa và lau khô đồng lúc. Sau khi rửa và lau khô bát, Ngài đặt bát
một bên, không quá xa, không quá gần, không nhìn thường xuyên vào cái
bát, cũng không quá săn sóc cái bát. Ngài không chê thức ăn, không khen ngợi
thức ăn mà giữ im lặng, rồi Ngài thuyết pháp cho các gia chủ, làm cho họ
hoan hỷ, khích lệ họ, khiến họ hài lòng, sử dụng nhiều cách để thuyết
pháp. Rồi Ngài ra đi.
P: Gần giống như đoạn P ở trước.
Nó thêm: Ngài đặt bát xuống không quá xa không quá gần. Không phải là
không quan tâm gì đến cái bát, nhưng cũng không quá lo cho cái bát, Ngài ngồi
im lặng một lúc, nhưng không để thời gian qua đi mà không ban lời giáo
giới. Khi Ngài thuyết tùy hỷ pháp, Ngài không chê thực phẩm, không hy vọng
được bữa ăn khác, nhưng làm cho hội chúng hoan hỷ, khích lệ làm chúng
hài lòng với một câu chuyện về pháp, rồi Ngài đứng dậy khỏi chỗ ngồi
và ra đi.
h) Ra khỏi nhà đi trên đường đến làng và
vào làng:
C: Khi ra khỏi nhà, Ngài không ưỡn
thân lên hay cong xuống. Không ngước lên mà nhìn thẳng, đúng pháp, để
tri kiến không bị chướng ngại. Do thiện hành đời trước, các căn của
Sa-môn Cồ Đàm luôn luôn tịch tịnh. Khi ra khỏi làng, Ngài không ưỡn thân
lên hay cong xuống. Khi vào làng, Ngài không ưỡn thân lên hay cong xuống.
P: Chỉ nói rằng khi Sa-môn Cồ Đàm
ra đi, Ngài không bước quá nhanh hay quá chậm, Ngài không bước đi như thể
muốn thoát khỏi hội chúng ấy cho nhanh.
i) Ngồi thiền và giảng pháp:
C: Sau khi ăn xong, thu dọn y bát,
sau khi rửa tay chân, Ngài đặt tọa cụ lên vai và đi vào phòng để ngồi
thiền. Sa-môn Cồ Đàm vì an lạc cho cả thế gian, đi vào phòng ngồi thiền.
Rồi buổi chiều Ngài ra khỏi thiền định với gương mặt rạng rỡ hào
quang, vì Ngài là đức Như lai, bậc giác ngộ hoàn toàn và chân chính. Có
tám loại âm thanh phát ra từ Sa-môn Cồ Đàm: rất sâu, tỳ ma lâu pha (?),
đi vào tim, khả ái, đầy đặn, linh động, trong sáng, có trí tuệ.
Nhiều người yêu mến giọng nói
của Ngài, hài lòng với nó, nhớ đến nó và trở nên định tĩnh. Sa-môn
Cồ Đàm thuyết pháp cho chúng hội, giọng của Ngài không vượt ngoài phạm
vi của hội chúng mà ở trong phạm vi hội chúng. Ngài thuyết pháp cho hội
chúng làm cho họ vui mừng, khích lệ, hoan hỷ, sử dụng vô số cách để
giảng pháp. Sau khi làm cho chúng hội vui mừng, khích lệ, hoan hỷ, Ngài từ
chỗ ngồi đứng dậy và trở về trú xứ.
P: Sau khi đi đến tu viện, Ngài
ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, rửa chân không phải để làm đẹp, sau khi
rửa chân Ngài ngồi kiết già lưng thẳng, chánh niệm được an trú. Ngài
không nghĩ đến hại mình, hại người, hại cả hai, mà nghĩ đến lợi mình,
lợi người, lợi cả hai. Ngài thuyết pháp cho hội chúng, không khen không
chê, mà làm cho họ hoan hỷ, khích lệ và vui mừng. Giọng nói của Ngài
có tám đức tính, rõ ràng, bao trùm, êm ái, dễ nghe, đầy đặn, trong sáng,
sâu xa, và vang dội. Trong khi giáo giới chúng hội, giọng Ngài không vượt
ra ngoài phạm vi chúng hội. Những người này khi đạt được pháp thoại
của Tôn giả Cồ Đàm khích lệ, làm cho phấn khởi, hoan hỷ, đứng dậy
rời khỏi chỗ ngồi và ra đi một cách miễn cưỡng, mắt vẫn còn nhìn nơi
Ngài.
Nhận xét: Về sự tường
thuật cuộc đời đức Phật, giữa hai bản không có nhiều dị biệt, ngoại
trừ bản C nói Ràmaputta đã chết hai tuần, còn bản P nói chết đêm trước.
Về các điều kỳ diệu của Phật, ta thấy nhiều chỗ khác nhau, nhất là
về cuộc đời của Ngài ở cung trời Đâu Suất, trong thai mẹ và một
vài thần thông trong đời này. Những dị biệt này chứng tỏ hai bản
tuân theo những truyền thống khác nhau. Về 32 đặc tướng trên thân Phật
và uy nghi của Ngài cũng thế. Còn về 10 danh hiệu, thì gần giống nhau
trong cả hai bản.
Mục lục
| 1.1 | 1.2
| 2.1 | 2.2 | 2.3 | 2.4 | 2.5
2.6 | 2.7 | 3.1 | 3.2 | 3.3 | 3.4 | 3.5 | 3.6 | 4.1 | 4.2