Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI
PHẬT LỊCH 2540 – GIAO ĐIỂM
Tuyển tập 1

 

THƯ NGỎ

KÍNH BẠCH CHƯ TÔN ĐỨC

KÍNH THƯA QUÍ THIỆN HỮU TRI THỨC

 Do tác động trực tiếp của những tiến bộ trong lãnh vực khoa học và công nghệ, và đặc biệt do phong trào phản tỉnh trí thức để đối trị với cuộc khủng hoảng nhân văn toàn cầu hiện nay đang tàn phá không những môi sinh của con người, mà cả những kỷ cương đạo đức nền móng nhất của chính con người, các giá trị và tín điều tôn giáo của nhân loại đã và đang được nghiêm chỉnh thẩm định lại một cách triệt để.

 Trong cuộc thẩm định cần thiết và quyết liệt đó, trong khi các tôn giáo đang ngự trị một cách áp đảo và lâu dài trên cuộc sống Tây phương bị phê phán vì tính bất tương ứng với các nhu cầu tâm linh, và tình trạng tụt hậu so với trình độ tiến bộ tư duy của thời đại, thì Phật giáo bỗng xuất hiện như một biệt lệ. Các nhà tư tưởng lớn của nhân loại, đặc biệt những vị xuất sinh từ chính các xã hội Tây phương nầy, như nhà toán học Blaise Pascal, triết gia Bertrand Russel, nhà phân tâm học Graham Howe… lại đã đánh giá rất cao khả năng giải phóng con người và xây dựng xã hội của Phật giáo, mà tiêu biểu cho các danh nhân lỗi lạc nói trên là nhà Vật lý học Mỹ gốc Do Thái Albert Einstein, cha đẻ của Thuyết Tương đối và là người được giải thưởng Nobel Vật lý về Quang Điện (Photoelectric) năm 1921. Là khuôn mặt lớn nhất của khoa học tự nhiên trong thế kỷ thứ 20, lại lấy Khoa học, vốn là sức mạnh và niềm tự hào của văn minh phương Tây, để so sánh, ông đã nhận định về Phật giáo như sau:

Nếu có một tôn giáo nào ứng phó được với các nhu cầu khoa học hiện đại thì tôn giáo đó chính là Phật giáo. Phật giáo không cần phải duyệt xét lại hầu cập nhật hóa với những khám phá khoa học mới đây. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để theo khoa học, vì Phật giáo không những đã bao gồm cả khoa học mà còn vượt qua cả khoa học nữa. (If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific findings. Buddhism needs no surrender its views to science, because it embraces science as well as goes beyond science).

 Tuy nhiên, nhìn một cách tổng quát, cần ý thức và nhìn nhận rằng lối sống đạo của Phật tử và cách truyền đạo của Phật giáo, đặt biệt là Phật giáo Việt Nam, đang gặp một số giới hạn nhất định. Do đó, việc cập nhật hóa phương pháp truyền đạo, cách thế sống đạo, là một nhu cầu bức thiết. Để, ở trong nước, Phật giáo có thể đóng góp năng động hơn vào đời sống đạo lý và văn hóa của dân tộc, và Phật tử có thể góp phần hữu hiệu hơn vào sứ mệnh làm cho dân giàu nước mạnh mà thời đại Lý Trần đã được Dân tộc chứng nhận và Lịch sử chứng nghiệm. Còn ở ngoài nước, Phật giáo có thể phát huy được tối đa khả năng đóng góp của mình vào nỗ lực chung của nhân loại, nhằm đối trị những cuộc khủng hoảng, mà cấp thiết nhất là khủng hoảng đạo lý và tư tưởng, mà nhân loại đang cay đắng kinh qua.

 Trong niềm thao thức đó, và với tất cả tâm thành thiện chí, Tạp chí Giao Điểm thỉnh cầu chư Tôn Đức và hàng Thiện hữu tri thức trong nước cũng như khắp thế giới, góp ý của mình dưới hình thức những bài viết về chủ đề:

PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI

 Chúng tôi xin mạo muội đề nghị nội dung và mục đích bài viết nên có tính xây dựng, thực tiễn và khả thi. Phương pháp luận được sử dụng trong bài giảng Tứ Diệu Đế để mô tả và phân tích hiện thực, truy tìm và giải bày nguyên nhân, định hướng và đề nghị phương thức giải quyết, là một quy trình mà chúng tôi nghĩ có thể sử dụng được. Lẽ dĩ nhiên đề nghị đó chỉ có tính gợi ý mà thôi, quý vị có toàn quyền chọn lựa cách thế trình bày nào thích hợp nhất.

 Tạp chí Giao Điểm dự định sẽ tổ chức, nếu hoàn cảnh cho phép, một (hay nhiều) buổi mạn đàm hoặc hội thảo về chủ đề nói trên vào mùa hè năm 1996. Ngoài ra, những bài tham luận cũng sẽ dự trù được in thành một Tuyển tập để phổ biến rộng rãi.

 Với định hướng đa diện hóa và đa phương hóa các quan hệ với bên ngoài, Việt Nam đang là nơi giao lưu của các luồng tư tưởng và học thuật trên thế giới. Đi chung với những trào lưu nhân bản và khai phóng, cũng có không ít những luồng văn hóa, những nguồn tôn giáo lỗi thời và nguy hại, ngụy trang dưới những hình thức văn minh và tiến bộ, tuôn tràn vào đất nước chúng ta, và đặt dân tộc trước vấn nạn phải nhận diện và chọn lựa cho đúng con đường Hiện đại hóa mà không Tây phương hóa.

 Do đó, hơn lúc nào hết, đạo Phật Việt Nam lại càng có vai trò và nhiệm vụ quan trọng hơn đối với sinh mệnh và tương lai của Dân tộc. Với đặc tính nhân bản và khai phóng, chức năng làm phên dậu văn hóa để thừa kế có sáng tạo, tiếp thu có chọn lọc của đạo Phật Việt Nam lại càng cần phải được khai dụng tối đa. Chúng tôi tha thiết mong cầu được sự khuyến khích và hưởng ứng thiết thực của chư Tôn Đức và quý Thiện hữu tri thức trong cũng như ngoài nước, để nổ lực nầy chóng thành tựu.

 California, ngày 15 tháng 2 năm 1996

Thay mặt Ban chủ trương Tạp chí Giao Điểm

Kính thư,

Hồng Quang

Mục lục | Dẫn Nhập | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 1 8 | 19 |

 


Vào mạng: 24-11-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang