- PHẬT GIÁO TRONG
THẾ KỶ MỚI
- PHẬT LỊCH 2540 – GIAO
ĐIỂM
- Tuyển tập 1
- ***
- DỊCH, TỤNG, GIẢNG
KINH VÀ TIẾN HÀNH NGHI LỄ PHẬT GIÁO BẰNG TIẾNG VIỆT
- Huyền Cương Lê Trọng Cường
Một Cuộc Cách Mạng Lớn Lao
và Bức Thiết
Sau ngày đất nước thống nhất,
một người bạn cũ của tôi, nhà trí thức ở Sài Gòn, có hỏi tôi:
"Hồi cuối thập kỷ 50 anh học Đại Học Bách Khoa Hà Nội thì học bằng
thứ tiếng (ngôn ngữ) gì? Hẳn là không dùng tiếng Pháp, tiếng Anh. Vậy
dùng tiếng Nga hay tiếng Tàu?". Tôi trả lời: "Tiếng Việt"’.
Anh bạn tròn mắt ngạc nhiên: "Không rỡn đấy chứ? Đại học Luật
Khoa, Văn Khoa có từ thời Pháp, thì học bằng tiếng Việt còn có thể
tin, chứ khoa học - kỹ nghệ thì tiếng Việt đâu có đủ từ để diễn
đạt!”
Ngang đây, có thể thấy rằng
tầm nhìn của người lãnh đạo quả là quan trọng đối với nhịp độ
phát triển ngôn ngữ dân tộc. Tôi còn nhớ những ngày đầu Việt Nam hóa
giáo dục đại học, không ít người thiếu tin tưởng vào sự thành công
của sự nghiệp lớn lao, đầy khó khăn này. Nhà nước đã có chủ trương
đứng đắn và truyền trao được quyết tâm của mình tới đội ngũ trí
thức Việt Nam hồi đó, đã khơi dậy và nuôi dưỡng phong trào viết
sách, giảng dạy và học tập bằng tiếng Việt trong các trường đại học,
cả khoa học xã hội lẫn khoa học tự nhiên. Bước đầu bao giờ cũng đầy
chông gai, gian khổ. Nếu ngại vất vả, thiếu tự tin, không mạnh dạn bắt
tay tháo gở khó khăn thì chẳng thể có được thành tựu như ngày nay. Như
đã thấy, theo thời gian, ngôn ngữ Việt Nam từng bước vượt qua bao thử
thách gian nan, để hôm nay đây nhìn lại không khỏi tự hào. "Ngày
nay đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập… Người Việt Nam đã có một
thứ chữ (ngôn ngữ) riêng, đủ sức diễn đạt tư tưởng của dân tộc
ta. Chữ quốc ngữ có khả năng phiên dịch các loại sách văn hóa, khoa học,
triết học, tôn giáo… của nước ngoài. Đây là một vinh hạnh lớn lao
cho xứ sở mình, mà tổ tiên ta chưa từng có" (HT Thích Thanh Từ -
Diễn văn khai mạc lễ khánh thành Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt – 1994).
Gợi nhớ đôi nét trong quá trình
phát triển ngôn ngữ Việt Nam mấy chục năm qua theo đà vươn lên của đất
nước, với lòng quyết tâm của cả dân tộc tự khẳng định mình trên
trường quốc tế, là để tạo màu nền cho câu chuyển bàn về vấn đề
tiếng Việt trong việc cập nhật hóa cách thái hoằng truyền đạo Phật
ở nước ta hôm nay.
Cũng như bất kỳ công cuộc truyền
bá tư tưởng nào, sự nghiệp xiển dương Phật pháp ở nước ta xưa và
nay đều vấp phải một trở ngại lớn lao và rất cơ bản. Đó chính là
hàng rào ngôn ngữ. Điều này, có thể nói, là kết quả của một quá
trình lịch sử nhiều thế kỷ dân tộc ta đã trải qua. Nhưng tư tưởng
ngần ngại, khi phải thay đổi một thói quen huân tập bao đời “sính
dùng kinh sách chữ Hán", cũng là một nguyên nhân nổi rõ.
Do hoàn cảnh lịch sử, hầu hết
kinh sách Phật giáo truyền tới nước ta từ trước đến nay đều thuộc
dòng Bắc truyền Hán tạng do người Trung Hoa phiên dịch từ chữ Phạn
(Sanskrit) sang chữ Hán. Người Việt xưa chịu ảnh hưởng ngàn năm Bắc
thuộc cũng quen dùng chữ Hán diễn đạt tư tưởng mình, nên các tăng ni và
nho sĩ đọc kinh sách chữ Hán không gặp trở ngại đáng kể. Tuy nhiên
trên giác độ hoằng pháp cũng dễ dàng thấy rằng những tư tưởng cao siêu
trong kinh sách Phật giáo khó có thể thấm sâu trong quảng đại quần chúng
phật tử bình dân do hàng rào ngôn ngữ này. Chính đó là kẽ hở để mê
tín dị đoan có thể xen vào, làm méo mó hình ảnh phong trào Phật giáo nước
ta, mà lịch sử đã hơn một lần ghi lại sự kiện Nhà Nước và những
nhà hoạt động Phật giáo chân chính phải bận tâm giải quyết.
Những chiến thắng quân sự vang dội
thời Lý Trần chẳng những giữ vững nền độc lập chính trị của tổ
quốc mà còn tạo điều kiện để dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu khẳng
định nền độc lập về văn hóa và tôn giáo. Đời Trần không chấp nhận
lệ thuộc nước ngoài về bất cứ phương diện nào, kể cả tôn giáo.
Trong tinh thần tự chủ - tự cường lên cao đó, dòng Thiền Trúc Lâm Yên
Tử ra đời. Đó là dòng Thiền duy nhất do thiền sư Việt Nam thành lập,
cô đọng những nét tinh túy nhất của Phật giáo Việt Nam thời ấy. Các
nhà lãnh đạo đời Trần chủ trương học cái hay của người để biến
thành cái hay của mình. Chính nhờ quá trình "biến thành" này mà lịch
sử còn ghi lại những áng thơ, văn, luận, kệ Phật được sáng tác bằng
chữ Nôm (tiếng Việt được viết theo kiểu chữ Hán). Tuy số lượng
chưa nhiều nhưng sự có mặt của chung góp phần tạo thêm sức mạnh cho
công cuộc hoằng truyền đạo pháp thấm sâu trong đại chúng, và Phật
giáo đời Trần đã nổi lên như những trang rạng rỡ nhất trong lịch sử
Phật giáo Việt Nam.
Từ khi giao lưu với phương Tây,
dần dần người Việt Nam đã có chữ viết theo bộ chữ cái La Tinh (chữ
quốc ngữ). Vào quãng giữa và cuối thế kỷ 20, các nhà hoạt động Phật
giáo Việt Nam đã cố gắng nhiều trong công việc dịch thuật kinh luận ra
chữ quốc ngữ và dấy lên làn gió mới chấn hưng Phật giáo. Bước phát
triển này với những gương mặt tiền phong đáng kính, như BS Tâm Minh Lê
Đình Thám, cụ Tuệ Nhuận Văn Quang Thùy, cụ Thiều Chửu, và nhiều vị
khác nữa, đã in một dấu son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam cận đại.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là những bưới đi ban đầu trong sự nghiệp dịch
thuật kinh sách ra tiếng Việt, nên không thể tránh khỏi những hạn chế
của nó. Hầu hết trong các bản dịch kinh luận thời ấy tồn tại một tỷ
lệ lớn các từ Hán Việt, và nhất là phong cách biểu đạt còn chưa thoát
khỏi ảnh hưởng của cấu trúc ngôn ngữ Hoa Hán. Vì vậy, nhìn chung
chúng còn khá xa vời so với tiếng Việt phổ thông hiện đại. Có thể
nói, phần lớn các bản dịch kinh luận Phật Giáo giai đoạn này vẫn gần
giống như bản phiên âm Hán Việt viết bằng chữ quốc ngữ. Thực trạng
đó làm giảm đáng kể sức mạnh hoằng truyền chính pháp trong đại chúng.
Trong số các tăng ni, Phật tử
đọc tụng kinh luận hằng ngày, không ít người có thể thuộc nằm lòng
cả bản kinh dài dăm, bảy, có khi tới cả chục trang sách phiên âm Hán-Việt,
hoặc những bản thần chú bằng tiếng Phạn, Pali, hoặc bằng phiên âm
Hán- Việt, nhưng kỳ thực chẳng hiểu nội dung nói gì, nếu không muốn
nói là hiểu sai. Trong lời nói đầu cuốn Bát Nhã Dư Âm, NXB Hà Nội –
1995, HT Thích Phổ Tuệ đã dũng cảm bộc bạch: "Bát-Nhã Ba-La-Mật-Đa
Tâm Kinh chính là đoạn văn tâm điểm, thiết yếu… thường được trì tụng,
nhưng tôi vẫn chưa hiểu nghĩa lý gì".
Khi được hỏi lý do vì sao
ưa đọc kinh bằng âm Hán-Việt và trì chú bằng tiếng Phạn, Pali hoặc
phiên âm Hán-Việt, một số Phật tử đã thật lòng trả lời. Dưới đây
tôi xin được phép tóm tắt mấy ý chính trong các lời đáp ấy:
- Để tăng thêm tính trang nghiêm trong lúc tu hành.
Nếu dùng tiếng Việt e giảm bớt sự nghiêm cẩn, vì xưa có câu "Nôm
na là cha mách qué".
- Tụng kinh, đọc chú bằng tiếng Việt sợ chư Phật-Tổ
không hiểu, nên không gia hộ cho người tu chóng được quả Thánh.
Ôi! Đêm dài nô lệ đã qua
lâu rồi, mà tàn dư tư tưởng của nó vẫn còn hằn sâu trong tâm trí một
số người, để đến bây giờ không ít người còn nghĩ rằng "Nôm na
là cha mách qué", rằng tụng kinh tiếng Việt giảm đi tính nghiêm cẩn!
Đúng là "vô tình chúng ta bị lệ thuộc văn hóa nước ngoài một
cách đáng tiếc” (HT Thích Thanh Từ, tlđd).
Thử hỏi trong câu chuyện thường
ngày giao tiếp ở những nơi trọng thị, trong các văn bản chính thức,
Nhà Nước, trong các sách được dùng trên các giảng đường đại học về
triết học, khoa học - kỹ thuật… ta đang dùng thứ ngôn ngữ gì, nếu
không phải là tiếng Việt? Vậy mà có gì là "mách qué", có mất
đi chút nào tính nghiêm cẩn?
Phật dạy: “Tất cả chúng
sinh đều có Phật tính”, Tổ Bồ-Đề Đạt-Ma cũng từng nói: “Không
có Phật ngoài tâm… Bỏ tâm, tìm Phật ở nơi ngoài là mê sảng… Không
có sự giác ngộ nào ở ngoài tâm linh động". Vậy thì tụng kinh, trì
chú là để ai nghe, ai hiểu, ai huân tập, ai chuyển nghiệp, ai chứng ngộ,
nếu không phải là chính người tu và các bạn cùng tu? Vậy "tại sao
chúng ta không mạnh dạn thay đổi nghi lễ cúng tụng thành ra tiếng Việt
cho mọi người dễ hiểu, dễ cảm thông?" (HT Thích Thanh Từ, tlđd).
Thời chuyển pháp luân Đức
Phật thường nhắc các đệ tử phải tự mình thắp đuốc mà đi, không
ai có thể tu thay mình được. Nếu tin và ỷ lại vào sự gia hộ của chư
Phật Tổ là hoàn toàn trông cậy ở sự trợ giúp từ bên ngoài (tha lực),
người Phật tử sẽ mất dần lòng tự tin. Đây chính là môi trường thuận
lợi cho các loại "trái độc" mê tín dị đoan sinh sôi nảy nở, cản
trở bước đường tiến tu của hành giả.
Mới đây Trung Ương Giáo Hội
Phật Giáo đã chỉ đạo việc phiên dịch và ấn hành Đại Tạng Kinh Việt
Nam, cùng một số kinh khác. Nghi thức tụng kinh hai thời: buổi trưa (Tâm
Kinh Bát Nhã) và buổi tối (Nghi Thức Sám Hối – Vua Trần Thái Tông) đã
được dịch hoàn toàn ra tiếng Việt và được thực hành tại Thiền Viện
Trúc Lâm Đà Lạt. Những sự kiện ấy quả là những tấm gương sống động,
đầy sức thuyết phục đáng để các chùa, các viện khác và những ai
còn do dự noi theo.
Bước đầu còn nhiều khó khăn
nên không thể cầu toàn. Dù chưa thực hoàn hảo, thì sự có mặt các kinh
luận tiếng Việt cũng là đáng khích lệ lắm rồi. "Điều đó
giúp người đọc và người nghe dễ hiểu, dễ thâm nhập… Trong sự chuyển
dịch buổi đầu không tránh khỏi chói tai người nghe (vì chưa quen tai) và
còn nhiều thiếu sót, song chúng tôi bạo dạn tạo một cái nhơn nhỏ, mong
sau này sẽ đâm chồi, nảy tược nhiều hơn… Chúng tôi cố làm sống lại
những cái hay, cái đẹp của tổ tiên mình, đồng thời Việt hóa nghi thức
tu hành để tránh cái lỗi tha hóa lâu nay chúng ta vấp phải" (HT
Thích Thanh Từ, tlđd).
Đó là những dấu hiệu đáng
mừng, làm thay đổi quan trọng tình trạng trì trệ bấy nay trong việc dịch
thuật kinh luận và tiến hành nghi thức tu hành, góp phần tạo thêm sức mạnh
trong sự nghiệp hiện đại hóa Phật giáo Việt Nam. Phải chăng đó là những
dấu hiệu mở đầu một cuộc cách mạng lớn lao và bức thiết đối với
cách thái truyền bá Phật pháp, dấy lên một phong trào mạnh mẽ, sâu rộng
trong giới Tăng Ni, Phật tử nay mai?
Dịch thuật kinh luận Phật
Giáo quả là một công việc thầm lặng và đầy khó khăn, gian khổ. Như
trên đã nói, tuy nguồn gốc kinh luận là từ Ấn Độ, viết bằng chữ Phạn,
nhưng phần lớn có mặt ở nước ta lại là kinh bản Hán tạng. Đặc điểm
của ngôn ngữ Hoa-Hán là rất hàm súc, nhưng ngữ pháp thiếu chặt chẽ, vắng
mặt các dấu ngắt câu, do đó nhiều khi khó hiểu và dễ gây lầm lẫn đáng
tiếc cho người đọc. Người xưa thường nói ba lần chép lại coi như mất
gốc (tam sao thất bổn), huống chi là dịch thuật. Hơn nữa, không phải chỉ
dịch một lần, mà thực tế có thể là hơn hai lần. Ví dụ, từ chữ Phạn
dịch sang chữ Hán, rồi từ chữ Hán chuyển sang âm Hán-Việt, cuối cùng
dịch sang tiếng Việt. Vả lại trước đây không có nguồn tài liệu nào
khác để đối chiếu, tham khảo ngoài nguồn Hán tạng.
Trong dịch thuật, nhất là dịch
kinh luận, số lượng nguồn tài liệu tham khảo nhiều khi đóng vai trò đáng
kể, thậm chí quyết định, đối với chất lượng bản dịch. Trước đây
do nguồn tư liệu hạn hẹp trong khuôn khổ Hán tạng, cho nên gặp chỗ
khó khăn dịch giả thường tìm lối thoát bằng cách dịch âm Hán-Việt
trong các bản dịch còn quá nhiều.
Ngôn ngữ nói của người Việt
cổ đã có từ xa xưa. Ngàn năm Bắc thuộc đẩy tiếng Việt xuống hàng
thứ yếu, chỉ phát triển chậm chạp và tiềm tàng trong dân gian một
cách tự phát. Khi có chữ viết La-tinh hóa, tiếng Việt mới được chấn
hưng và phát triển có tổ chức. Vai trò tiếng Việt trong đời sống văn
hóa Việt Nam ngày càng được củng cố và năng cao. Tuy nhiên giai đoạn đầu
và giữa thế kỷ 20, vốn từ vựng tiếng Việt còn thiếu trầm trọng, nhất
là mảng khái niệm trừu tượng. Thực tế lịch sử đó cũng là một
nguyên nhân khách quan dẫn tới tình trạng một số bản dịch kinh luận
không khác là bao so với bản phiên âm Hán-Việt.
Bên cạnh hoàn cảnh khách quan
đã mô tả ở trên, cũng phải kể đến nguyên nhân chủ quan người dịch.
Nếu như người dịch thiếu một kỹ năng thành thạo, một thói quen dùng
từ gốc Việt, hoặc chưa nhuần nhuyễn sử dụng cấu trúc câu tiếng Việt
trong việc diễn đạt những tư tưởng, những khái niệm trừu tượng, vi
diệu như trong kinh luận Phật giáo, và nhất là chưa xây dựng cho mình một
quan niệm đúng đắn đối với vai trò tiếng Việt, một ý thức tự cường
dân tộc, thì dù người ấy có trình độ nho học uyên bác đến đâu cũng
dễ rơi vào tình trạng bê nguyên từ vựng và cấu trúc ngôn ngữ Hán vào
bản dịch. Thật đáng tiếc, giờ đây hiện tượng này vẫn còn tồn tại!
Dịch như thế tuy giúp cho người
không biết chữ Hán "phát âm" kinh luận một cách dễ dàng, nhưng
chẳng giúp gì cho việc tìm hiểu kinh luận; khác nào ngay khi giúp phá bỏ
bức tường dày đặc, thì lại dựng một hàng rào thép chặn đứng, làm
cho người tu khó bề vượt qua, nói chi tới việc thể nhập chân lý,
thoát khỏi mê lầm.
Như vậy, dịch thuật kinh luận
Phật giáo đòi hỏi ở người dịch, ngoài tri thức uyên áo về Phật học,
kỹ năng nhuần nhuyễn trong biểu đạt ngôn ngữ Việt và có nhiều nguồn
tài liệu (thông tin) tham khảo, còn cần một tinh thần làm việc tự giác,
giác tha cao cả, theo gương bi, trí, dũng của Đức Phật trong thời chuyển
pháp luân.
Nói theo ngôn ngữ thời đại,
dịch thuật kinh luận theo tinh thần này thực chất là tiến hành một cuộc
cách mạng lớn lao và bức thiết đối với công cuộc hoằng pháp, nhằm cập
nhật hóa ngôn ngữ Phật giáo trong kinh luận, tạo ra công cụ sắc bén để
phổ biến chính pháp, tránh được những hiểu lầm cho người tu, hạn chế
những mê tín dị đoan đáng tiếc. Đối với bản thân người dịch, dịch
thuật theo tinh thần này cũng có thể coi là một cuộc "lột xác"
thực sự, để từ bỏ một quan niệm, một thói quen cố hữu, một lề lối
dịch thuật đã có từ xưa, xây dựng một phong thái, một chất lương dịch
thuật mới hoàn toàn Việt Nam, đầy sức thuyết phục. Chỉ theo tinh thần
đó, nay mai Phật giáo Việt Nam mới mong có cơ hội đóng góp vai trò quan
trọng của mình đối với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nền văn hóa
truyền thống của dân tộc trong bối cảnh đất nước mở cửa hiện nay.
Một khi giao lưu giữa các dân
tộc được phát triển thì hiện tượng thâm nhập giữa các ngôn ngữ là
điều đương nhiên, nhất là ở những quốc gia láng giềng, có mối quan hệ
lịch sử lâu đời, như Việt Nam và Trung Quốc. Chính hiện tượng thâm nhập
ngôn ngữ giúp cho ngôn ngữ mỗi nước thêm phong phú. Tuy nhiên không vì thế
mà ỷ lại, cứ bê nguyên văn hoặc phiên âm kinh luận chữ Hán để dùng.
So với trước đây, công việc
dịch thuật kinh luận Phật giáo ngày nay thuận lơi hơn nhiều nhờ những
nguồn tài liệu khác ngoài nguồn Hán tạng. Trên thế giới đã có rất
nhiều kinh Phật được dịch từ chữ Phạn, chữ Pali sang tiếng Anh, tiếng
Pháp, tiếng Đức… lưu hành rộng rãi. Như mọi người đều biết, các
ngôn ngữ Ấn-Âu có đặc điểm là ngữ pháp chặt chẽ, sáng sủa, ít
gây nhầm lẫn cho người đọc. Tham khảo và đối chiếu các nguồn tài liệu
khác nhau sẽ giúp người dịch nắm đúng ý kinh, giải tỏa những khó khăn
gặp phải trong lúc dịch. Ngoài ra, việc tham chiếu còn giúp người dịch
chọn được cách biểu đạt hay nhất, đúng nhất, xứng hợp nhất.
Dưới đây xin gợi ra đôi điều
cần lưu ý trong công tác dịch thuật kinh luận để tham khảo:
- Chỉ nên dùng từ gốc Hán (hoặc gốc nước ngoài
khác) trong trường hợp không có từ gốc Việt tương đương.
- Có thể dịch thoát những đoạn văn kinh luận
được viết theo văn phong quá cổ. Có thể lược dịch những đoạn quá rườm
rà, miễn sao không làm sai nghĩa của nguyên bản.
Nhiều khi dịch từng từ một
(mot à mot) làm cho câu văn trở nên ngớ ngẩn, thậm chí còn là phản lại
tác giả. Trong trường hợp ấy không nên bám sát từng từ của chính văn,
mà tốt nhất nên lược bớt, chỉ cốt giữ phần tinh yếu của đoạn
văn. Thật ra cái gọi là chính văn trong kinh bản Hán tạng cũng chỉ là bản
dịch tiếng Hoa-Hán mà thôi, chứ đâu phải là chính văn chữ Phạn. Vả lại,
ngay cả nguyên bản chữ Phạn thực chất cũng chỉ là bản ghi chép từ những
kỳ kết tập sau khi Đức Phật nhập diệt có khi tới hàng trăm năm.
Đức Phật đã từng dạy: “Sau
khi Như Lai diệt độ, người nào có thể biên chép, giữ nhận, đọc tụng,
cúng đường, giải kinh cho người khác thời người đó được Như lai lấy
áo chùm lên mình…". Xem thế đủ biết Đức Phật đánh giá rất cao
sự nghiệp hoằng truyền chính pháp. Đối với Phật giáo Việt Nam có lẽ
công việc có ý nghĩa nhất hiện nay trong sự nghiệp hoằng pháp chính là
phiên dịch kinh luận ra tiếng Việt.
Trong niềm trăn trở về một
kỷ nguyên mới của Phật giáo, như nhà vật lý nổi tiếng Albert Einstein
tiên đoán: "Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt
trên mọi thần linh, giáo điều và thần học… Chỉ có Phật giáo mới đáp
ứng đầy đủ các điều kiện ấy”, phải chăng trên đường học Phật
và hoằng pháp, các nhà hoạt động Phật giáo VIệt Nam cần mạnh dạn bỏ
lại phía sau mình những thói quen, sức ỳ và khuôn mẫu đã lỗi thời; với
tinh thần bi, trí,dũng, quyết tâm thực hiện Việt hóa việc tụng, giảng,
hiểu kinh và tiến hành nghi lễ Phật giáo; đưa Phật giáo Việt Nam tiến
kịp thời đại.
Để kết thúc bài này, xin mạn
phép chép ra đây hiến quý vị một phỏng tác từ Tâm Kinh Bát Nhã, chúng
tôi mới soạn nhân mùa Phật Đản Bính Tý vừa qua. Lần đầu tiên viết
theo thể loại diễn ca nhằm chuyển dịch lý huyền từ một bản kinh cao
siêu, vi diệu như kinh này ra tiếng Việt, quả thực là bạo gan và không
tránh khỏi sai sót. Chân thành mong quí vị khoan dung, lượng thứ và chỉ dạy
cho. Người viết bài này xin hết lòng biết ơn quí vị.