- PHẬT GIÁO TRONG
THẾ KỶ MỚI
- PHẬT LỊCH 2540 – GIAO
ĐIỂM
- Tuyển tập 1
- ***
- KINH TẾ PHẬT
GIÁO
- GS Quán Như
Khi nói tới Kinh Tế Phật
Giáo có nhiều người không khỏi ngạc nhiên và e dè. Kinh tế tự túc
của chùa nhiều lắm là mấy mẫu ruộng cho thuê, để tìm thêm một chút
lợi tức. Chùa chẳng phải nhờ bá tánh hỷ cúng đó sao? Trên bình diện
quốc gia, mấy nước Phật Giáo chẳng phải là mấy nước nghèo nhất thế
giới: Tích Lan, Thái Lan, Miên, Lào, Việt Nam, Miến Điện. Tuy Phật Giáo
ảnh hưởng sâu rộng trên văn hóa Trung Hoa nhưng vai chính vẫn là Khổng
Khâu và đám môn sinh của Ngài. Còn Nhật? Phật tuy có đóng vai chính nhưng
còn có Thần Đạo - Võ Sĩ Đạo kèm bên. Đại Hàn? Có lẽ nhờ viện trợ
Mỹ và mấy ông tướng độc tài! Phật Giáo không có đóng vai trò nào
trong yếu trong việc phát triển kinh tế. Gần đây Cao Huy Thuần trong một
bài báo đăng trên Giao Điểm, cho là phát triển đi đôi với những giá trị
Khổng Giáo hơn là Phật Giáo, hay nói rõ hơn phát triển dính liền lòng tự
hào về truyền thống văn hóa. Phật Giáo chỉ góp phần vào cái sự phát
triển thêm phần tốt đẹp hơn cho những người nào biết nghĩ đến mùa
màng ngày mai. Cao Huy Thuần cho rằng vai trò của Phật Giáo là làm tốt
xã hội hơn là phát triển kinh tế. Nhất là đừng có dính vào chính trị.
Nhà chùa chỉ tu. Tu được, là có tất cả. Cao Huy Thuần còn cho là
Đạo Phật không phải là triết lý xã hội. Như đã nói, có rất nhiều
người nghi ngờ sự liên hệ giữa Phật Giáo và phát triển kinh tế, kể
cả nhiều trí thức Phật Tử.
Tuyên Ngôn về một nền kinh tế Phật
Giáo
Nhưng một nhà kinh tế Anh gốc Đức
là Schumacher thì không nghĩ vậy. Tác phẩm Small is Beautiful, a Study of
Economics As If People Mattered (Blond & Briggs, London, 1977) gây ngay một sự
chú ý đặc biệt và nhiều nhà nghiên cứu kinh tế và Phật Học cho đó
là một Tuyên Ngôn về Kinh Tế Phật Giáo, âm vang cũng giống như Tuyên
Ngôn Đảng Cộng Sản của Marx vào thế kỷ trước. Mặc dù Schumacher nhấn
mạnh là mình không phải là một Phật Tử và tại vì tư tưởng Phật Học
có sẵn đó cho nên ông đem ra mấy nguyên tắc căn bản do Đức Phật dạy
để biện chính cho những phê bình của ông với trào lưu kinh tế hiện đại.
Ông sinh ở Đức đến Anh vào năm 1930 do học bổng Rhodes Scholar tài trợ,
theo học kinh tế tại New College, Oxford. Sau đó ông dạy kinh tế tại Đại
Học Columbia, New York khi mới có 22 tuổi. Ông cũng đi vào con đường thực
hành thương mại, khai thác nông trại và làm phóng viên. Trong Thế Chiến
Thức Hai ông dạy tại Oxford và nhận vai trò cố vấn kinh tế cho chánh phủ
Anh tại Đức vào những năm 1946 cho tới 1950. Ông được nhiều chánh phủ
trên thế giới tham khảo về việc phát triển kinh tế nông thôn. Ông cũng
là Chủ Tịch Sáng Lập Nhóm Phát Triển Kỹ Nghệ Trung Bình mà ông cho là
thích hợp với các nước đang mở mang.
Phát triển kinh tế và hòa bình
Giải thích thông thường về chiến
tranh là sự chênh lệch giữa các nước giàu và các nước quá nghèo,
nguyên là thuộc địa của các đế quốc cũ. Sau khi giành được độc lập
trong phong trào giải thực, các nước chậm tiến đua nhau đi học kỹ thuật
và đường hướng phát triển là nền tảng của hòa bình. Khi giàu có rồi
thì ai cũng muốn hưởng, đâu có ai muốn gây ra chiến tranh. Chỉ có các nước
nghèo khó nhất, nếu có gây ra chiến tranh, họ không có gì để mất! Và
các nước giàu, từ nếp suy nghĩ này, thỉnh thoảng cũng phải viện trợ
các nước nghèo, vì đó là cách duy trì nguyên trạng hữu hiệu nhất, và
đồng thời còn có cơ hội làm giàu thêm. Giàu hay nghèo, cả hai bên đều
vui vẻ!
Về phương diện cá nhân, tích tụ
tài sản, làm giàu càng nhanh càng tốt, tham lam là điều hay (Greed is good!).
Lòng tham thì không đáy, ít ai biết tri túc. Người nào tri túc thì không
có tham vọng, không có tham vọng tức là phản lại nguyên tắc căn bản của
kinh tế: làm giàu cho cá nhân cũng như cho quốc gia. Một trong những kinh tế
gia tư bản đầu tiên như Keynes cũng không nói gì hơn là cứu cánh đáng
quý hơn phương tiện và thích sản phẩm hơn là sự hữu ích. Keynes là một
trong những cha đẻ của chế độ Tư Bản. Nói một cách khác cái mà các
tôn giáo gọi là những nguyên tắc đạo đức, không những lạc điệu mà
còn làm ngăn trở các phát triển kinh tế. Câu nói bất hủ của Keynes là
công bằng là ngu dại, mánh mun là công bằng (fair is foul and foul is fair).*
Ai cũng muốn phát triển, nhưng có
một vấn đề mà không ai muốn hay dám đặt ra là, liệu tài nguyên của
quả đất có đủ cho tất cả mọi người dùng để làm ra sản phẩm mãi
mãi không?
Ý niệm đủ không hiện diện
trong kinh tế. Không có cá nhân nào, hay một quốc gia nào theo đuổi con
đường phát triển chịu nói: tài sản của tôi đủ rồi, nước tôi giàu
đủ rồi. Bởi không ai có thể định nghĩa thế nào là đủ như Lão Tử
hay Nguyễn Công Trứ: tri túc. Schumacher xét cái cách khai thác bừa bãi tài
nguyên địa cầu và nhận thấy rằng, vào năm 1966 dân số nước giàu chỉ
chiếm 31% dân số thế giới nhưng tiêu dùng 87% tài nguyên, trong khi dân nhược
tiểu (thường là nghèo) chiếm 69 phần trăm dân số chỉ tiêu thụ 13%.
Tính theo đầu người thì dân giầu tiêu thụ 4.52 tấn nhiên liệu mỗi đầu
người trong khi dân nghèo chỉ tiêu thụ 0.32 tấn mỗi đầu người.
Schumacher dự phóng vào năm 2000 (là năm Sydney tổ chức Olympic Games) thì con
số này là 9.64 tấn cho mỗi dân giàu và 1.43 cho mỗi dân nghèo. Số năng
lượng tiêu dùng gia tăng một phần vì do dân số tăng gia, một phần vì
do sự phát triển kỹ nghệ. Giả sử như một phần ba năng lượng sẽ
được các lò nguyên tử cung cấp, số nguyên liệu dự trữ trong lòng đất
không phải là vô tận. Cái thái độ chỉ lo làm giàu như vậy, tức là chủ
nghĩa hưởng thụ vật chất, không thể nào tiếp tục mãi mãi, vì ý tưởng
làm giàu khiến con người không bao giờ biết dừng, ** sẽ làm
môi sinh tổn hại một cách không còn cách nào cứu chữa nổi. Những con
sông ở Âu Châu mà thế giới biết qua bằng những bài thơ hay bài hát
lãng mạn, hiện đang là những con sông chết: thay vì là dòng sông xanh bây
giờ chúng chỉ còn là những con kinh nước đen đầy các chất hóa học phế
thải kỹ nghệ.
Schumacher cho rằng cái triết lý
tăng trưởng kinh tế vô hạn định phải được đặt lại trong một nhãn
quan mới, qua hai câu hỏi căn bản: Khả năng cung cấp nhiên liệu của địa
cầu và sự tổn hại môi sinh gây ra do sự phát triển một cách không kiểm
soát. Tiến bộ kinh tế chỉ có thể có được khi bản năng tham lam của
con người được kích thích và đó là điều mà phần lớn các tôn giáo
đều muốn đề kháng lại. Schumacher không nói gì nhiều hơn điều Đức
Phật đã dạy từ 25 thế kỷ trước:
Nếu tật xấu như tham lam và đố
kỵ được cổ võ, kết quả đương nhiên là đưa đến sự sụp đổ của
trí tuệ. Một người lúc nào cũng hành động do lòng tham lam và sân hận,
sẽ mất khả năng nhận thức sự vật đúng theo bản chất của chúng… Một
xã hội đầy dẫy tội ác, họ có thể thực hiện được những tiến bộ
đáng kể, nhưng trong khi đó họ lại không có khả năng giải quyết những
vấn đề căn bản nhất trong cuộc sống hàng ngày. (Schumacher, Sách đã dẫn,
trang 27).***
Thánh Gandhi đã nói: Quả đất có
thể đủ cung ứng cho nhu cầu của tất cả mọi người, nhưng không thỏa
mãn đủ lòng tham của tất cả mọi người. Chúng tôi ghi lại câu tiếng
Anh vì nó hiện rõ thủ thuật sử dụng ngôn ngữ: Earth provides enough to
satisfy every man’s need, but not for every man’s greed.
Cổ vỏ lòng tham là đi ngược lại
con đường trí tuệ, chỉ làm cho con người càng thêm chấp thủ vào của
cải vì sợ hãi kẻ khác sẽ cướp tài sản của mình. Giảm thiểu nhu cầu
tức là làm giảm sự căng thẳng gây ra xung đột trên bình diện cá nhân
và chiến tranh trên bình diện quốc gia.
Kinh tế và siêu hình
Kinh tế đóng một vai trò quan trọng
trong việc hình thành mọi sinh hoạt trong thế giới hiện đại. Nó kiểm
soát hành vi cá nhân, tập thể và chính quyền. Các kinh tế gia thường dùng
tiêu chuẩn có giá trị về mặt kinh tế hay thiếu giá trị về mặt
kinh tế để đánh giá mọi việc. Có giá trị nghĩa là có lời, thiếu
giá trị kinh tế nghĩa là lỗ. Lời lỗ trở thành tiêu chuẩn tuyệt đối
để đo lường các hoạt động kinh tế.
Những từ ngữ như tiến bộ kinh tế,
tăng trưởng kinh tế, bành trướng kinh tế trở thành ám ảnh của mọi người.
Những yếu tố nào không có giá trị về kinh tế phải cần gạt bỏ ngay,
vì nó làm ngăn cản tiến bộ kinh kế. Ai cản trở tiến bộ thì, hoặc
là một kẻ phá hoại, hoặc là những người khùng, bịnh hoạn. Nhiệm vụ
của các nhà kinh tế giống như nhiệm vụ của một bác sĩ: định bịnh
kinh tế và khi thấy được bịnh, sẽ tìm cách loại trừ chứng bịnh đó.
Dĩ nhiên là người ta nghe các nhà kinh tế cải nhau như mổ bò về các chứng
bịnh kinh tế, nói chi là chữa cho lành mạnh. Cái gì không đem lại lợi
nhuận cho một số người đang nắm các hoạt động chính trong lĩnh vực
kinh tế đều là đồ bỏ. Chỉ có một số người nào đó (thường là
thiểu số), chứ không phải ai cũng được hưởng tiện nghi hay lợi lộc
khi kinh tế phát triển. Và nhiều khi một nhóm này hưởng lợi nhiều, thì
nhóm khác phải chịu thiệt thòi. Không phải ai cũng cảm thấy mình giàu
thêm khi nghe sở thống kê loan báo là tổng sản lượng quốc gia tăng thêm?
Kinh tế chỉ để ý tới giá
trên thị trường (Market value) chứ không để ý tới giá thực. Người mua
muốn mua rẻ, người bán muốn bán giá cao. Ai cũng muốn có lợi xứng với
công lao và vốn liếng bỏ ra. Ai cũng có trách nhiệm bảo vệ chính mình,
chứ không ai lo đến quyền lợi kẻ khác. Nếu một thương gia hạ giá
hàng hóa cho một khách hàng vì người đó nghèo quá, thì sẽ bị chê là
không biết…buôn bán. Và nếu người mua vì tinh thần quốc gia chỉ muốn
mua sản phẩm do nước mình sản xuất, dù là giá thành đắt hơn, sẽ bị
xem là… thiếu kinh tế. Nếu có khách hàng nào không chịu mua sản phẩm
do những người bị cưỡng bách lao động làm ra (như tù nhân trong các
nhà tù Trung Hoa), thì người đó cũng bị chê trách là thiếu óc thương mại.
Ngoài chính bản thân ra, không ai chịu trách nhiệm cho ai. Lời thì hưởng,
lỗ thì rán chịu. Hàng nào cũng có giá và người nào cũng có thể … mua
được. Tất cả mọi sinh hoạt kinh tế đều dựa trên yếu tố vốn-lời-lỗ
(Cost-benefit-analysis). Tất cả yếu tố khác ngoài kinh tế đều không đáng
kể.
Schumacher cho rằng trong khuôn khổ
đó, hoạt động kinh tế đã vô hình chung làm tổn thương đến văn hóa
nhân loại, vì cho rằng cái gì cũng có giá của nó và đồng tiền có giá
trị vạn năng. Kinh tế có giá trị nào đó trong khuôn khổ giới hạn của
ngành mình, nhưng kinh tế không thể tự đứng một mình mà cần phải có
một tư tưởng siêu hình hỗ trợ (meta-economics). Nếu các nhà kinh tế cứ
giả đò như môn học của mình là một thứ khoa học độc lập, họ đã
phạm một lỗi lầm như các nhà thần học thời Trung Cổ đã cố gắng giải
thích các hiện tượng vật lý bằng cách dẫn lại các lời trích trong
Thánh Kinh. Thực ra kinh tế hiện nay cũng có một số tư tưởng siêu hình
đứng đàng sau, đó là dựa trên giả định về bản tính thiên nhiên
của con người: lòng tham lam và ghen tỵ, trong khi Mạnh Tử cho bản tính
con người là nhân (bất nhẫn chi tâm) và Phật Giáo cho rằng mỗi người
đều có Phật Tính (Trực chỉ chân tâm, kiến tính thành Phật).
Nhắc đến siêu hình có nhiều người
vội nói ngay, đó là phạm vi của triết lý và tôn giáo, mắc mớ chi tới
kinh tế. Mượn một hình ảnh Gandhi đã dùng, triết lý giống như con rắn
quấn quanh mình chúng ta, muốn tránh cũng không tránh được. Schumacher đề
nghị là, vì kinh tế liên hệ đến hoạt động của con người trong môi
sinh, nên có hai yếu tố phải được nghiên cứu để xây dựng nền tảng
siêu hình: đó là phần nghiên cứu về con người và một phần nghiên cứu
về môi sinh. Nói một cách rõ hơn, trong khi nghiên cứu về con người, kinh
tế phải rút ra được mục đích và mục tiêu của ngành học và khi
nghiên cứu về thiên nhiên, kinh tế có thể rút ra được phần lớn các
phương pháp nghiên cứu. * Vì hiện nay chỉ chú ý đến thị trường,
các nhà kinh tế đã quên bẵng là con người phụ thuộc vào thiên nhiên.
Kiểm điểm những tác hại của một
loại kinh tế thiếu nền tảng siêu hình, Giáo Sư Phelps Brown trong bài diễn
văn Những Khiếm Khuyết của Kinh Tế Học trước Hội Kinh Tế Hoàng Gia
Anh đã phát biểu là, cho dù đã phát triển trong khoảng một phần tư cuối
của thế kỷ này, khoa kinh tế không đóng góp gì đáng kể trong việc tìm
ra giải pháp cho những vấn đề cấp thiết hiện thời và ông liệt kê bốn
vấn đề chính như sau: ảnh hưởng nguy hại lên môi sinh, phẩm chất đời
sống trong xã hội kỹ nghệ hóa, tăng trưởng dân số và quá trình đô thị
hóa.** Schumacher còn nặng lời hơn khi cho là kinh tế, theo cách cấu
trúc và thực hành hiện nay, không những không có đóng góp gì mà còn là
một hàng rào hữu hiệu nhất ngăn chặng chúng ta hiểu biết về vấn đề
này, vì chỉ dùng các phương pháp phân tích định lượng và vì cái thái
độ rụt rè không chịu nhìn thẳng vào bản chất sự việc. ***
Nếu có người nào hỏi là sự tăng
trưởng về tổng sản lượng quốc gia (GNP) là điều tốt hay xấu, nhà
kinh tế sẽ gạt ngang. Đối với họ, việc gia tăng này đương nhiên là một
điều tốt và không cần biết là ai và có bao nhiêu người sẽ hưởng
được sự tăng trưởng đó. Phân chia tài sản quốc gia là phần vụ của
nhà chính trị, không phải nhiệm vụ của một nhà kinh tế! Và nếu có người
hỏi là trái đất này có thể chịu đựng đà tăng trưởng đó trong bao
lâu nữa, họ sẽ dùng những ước đoán thống kê định lượng để làm
hỏa mù cho câu trả lời.
Vì muốn phát triển không ngừng,
muốn tạo ra sản phẩm càng nhiều càng tốt, con người đã hung hãn tàn
phá thiên nhiên. Các nhà khai thác kỹ nghệ làm như thể là các tài nguyên
như than, dầu, chất đốt, uranium là vô tận. Trong khi có những tài nguyên
có thể tái tạo được (như rừng) mức tàn phá nhanh hơn là mức rừng
được trồng lại. Đó là tại các nước tân tiến, còn tại các nước
đang phát triển thì khỏi phải nói. Nam Mỹ, Việt Nam, Thái Lan, Cam Bốt,
Nam Dương bao nhiêu rừng cây đã bị đốn rụi chỉ còn là đồi trọc.
Ngay cả những nước hạng trung như Úc cũng không tránh khỏi nạn rừng
cây bị đốn để làm bột giấy và đũa cây bán cho Nhật, các rừng nhiệt
đới (rain forests) bị phá hủy để khai mỏ. Đến cả biển san hô ở ven
biển miền Bắc Úc, một kỳ quan của thế giới cũng bị đe dọa vì nguy
cơ khai thác dầu hỏa. Công viên quốc gia Kakadu đang được thăm dò để
khai thác uranium. *
Vấn đề thứ hai là phẩm chất của
nếp sống trong xã hội kỹ nghệ. Điều này không cần mô tả dài dòng
vì hiện nay có hơn 2 triệu người Việt tỵ nạn đã sống và chứng kiến
tận mắt phẩm chất của đời sống trong những xã hội kỹ nghệ. Tuy hưởng
được những tiện nghi vật chất, nhưng con người trong xã hội hiện đại
cũng phải đối đầu với nhiều… vấn đề: tội ác, bịnh tâm thần, những
bịnh của nước giàu mà nước nghèo không có, căng thẳng thần kinh…
Vấn đề thứ ba: dân số toàn cầu
tăng trưởng. Trong năm qua, hội nghị về dân số được tổ chức ở Cairô.
Các nước giàu, ngay cả ở các nước Tây Phương theo Thiên Chúa Giáo cấm
ngừa thai và phá thai, tỷ lệ sinh sản cũng ít hơn các nước nghèo. Trong
hội nghị này người ta thấy sự liên minh kỳ quặc giữa Hồi Giáo và
Thiên Chúa Giáo về việc phản đối các biện pháp kiểm soát và hạn chế
sinh sản. Với thuyết Duyên Khởi và nhất là chủ trương Trung Đạo, Phật
Tử không cảm thấy một khó khăn nào trong việc bảo vệ an sinh của cộng
đồng nhân loại đối với các biện pháp kiểm soát nhân số.
Vấn đề đô thị hóa: kinh nghiệm
phát triển của Thái Lan, Đại Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, là một vấn đề
đáng quan tâm. Nó tạo ra một nền kinh tế song đôi (dual econmy) trong đó
có hai lối sống khác nhau một trời một vực. Đây không phải chỉ là
đơn giản hai lớp người nghèo và giàu sống bên cạnh nhau. Đó là hai lối
sống hoàn toàn cách biệt nhau như từ hai thế giới. Thường thì có chừng
15% sống trong các đô thị lớn trong khi 85% còn lại sống trong các vùng
quê. Người ta hy vọng là đến một lúc nào đó các đô thị sẽ bành trướng
và sẽ chứa nổi số dân còn lại. Hy vọng này thật mong manh vì ngay cả
nước giàu cũng còn sự phân phối dân số thiếu quân bình này. Và chúng
ta sẽ thấy gì? Sự phát triển đô thị tàn phá cơ cấu kinh tế nông
thôn và nông dân không còn có cách nào khác hơn là di dân chuyển hàng loạt
về các thành phố đầy ánh sáng. Nó làm cho một số nông dân bị mất gốc
rễ, quy tựu về các thành phố lớn hy vọng tìm việc làm và họ dần dần
trở thành một thứ lưu dân, sinh vô gia cư tử vô địa tang.
Và đây là một trong những ý tưởng
chính của Schumacher: thay vì đô thị hóa một cách đại quy mô, dựa vào
việc phát triển của các kỹ nghệ nặng, các nước kém mở mang nên phát
triển thành nhiều vùng kỹ nghệ hạng trung (đó là lý do tại sao tựa
sách là Small is Beautiful), không lập lại lỗi lầm của Tây Phương khi phát
triển thả ga theo kinh tế thị trường, đến mức tàn phá môi sinh lẫn
tàn phá con người. Nó không khiến con người phải làm những công việc
vô nghĩa trong guồng xích quá l?n của các cơ xưởng kỹ nghệ hiện đại.
Từ Homo Erectus đến Homo Sapiens con người đã sử dụng hai tay và trí óc
để thành con người hiện đại. Không nên cổ võ cho một triết lý Greed
is Good và Foul is Fair để biến con người thành con người máy móc sống một
đời thiếu sáng tạo và thiếu phẩm giá.
Kinh Tế Phật Giáo
Sau khi đã phân tích lối phát triển
kinh tế dựa trên lòng ham muốn tích lủy vật chất, Schumacher dùng một
vài nguyên lý của Phật Giáo để thử kiến tạo nền móng siêu hình cho
kinh tế. Ông nói việc chọn lựa tư tưởng Phật chỉ là một sự tình cờ
mà thực ra tư tưởng của các tôn giáo lớn đủ có thể dùng để xây dựng
cơ sở này.
Chính Mệnh là một trong những
khâu của Bát Chánh Đạo. Thời Đức Phật còn tại thế, nền kinh tế
khá đơn giản, tuy nhiên Đức Phật đã khuyến cáo các đệ tử không được
làm môt số nghề như bán thịt, bán vũ khí, bán rượu, ma túy… Trong nhiều
đoạn kinh, Đức Phật còn khuyến cáo chi tiết làm thế nào để có một
cuộc đời hạnh phúc như phải tiêu dùng lợi tức như thế nào mặc dù
là cuộc sống đầy đủ vật chất này chỉ là một phương tiện để đạt
tới một đời sống tâm linh giải thoát. Chúng ta cũng không quên Hoàng Đế
A Dục là người tạo ra một hệ thống an sinh sớm nhất trong lịch sử nhân
loại. Nhưng Phật Giáo thường được mọi người biết tới qua con đường
giải thoát tâm linh nhiều hơn.
Các nước Á Châu theo Phật Giáo
sau khi giành chủ quyền dân tộc thường bắt chước theo kiểu mẫu kinh tế
Tây Phương để phát triển quốc gia và thường nhờ các cố vấn ngoại
quốc giúp chánh phủ hoạch định chương trình kinh tế. Hình như không có
nhà lãnh đạo nào chịu nghĩ là lối sống của Phật Tử có thể
làm nền tảng cho một nền kinh tế Phật Giáo, cũng như lối sống vật chất
hiện đại của Tây Phương đã đưa đến một nền kinh tế thị trường.
Như đã nói, các kinh tế gia thường thiếu một nền tảng siêu hình, và
thường nghĩ kinh tế là một khoa học tuyệt đối chỉ đi tìm sự thực.
Họ quên là nền tảng của nền kinh tế tư bản là do nền đạo đức Tin
Lành (Protestant Ethics) như Max Weber đã chứng minh.
Ai cũng đồng ý là, một trong những
yếu tố tạo ra tài sản là nhân lực. Kinh tế hiện đại xem lao động không
khác gì hơn là một sự xấu cần thiết (a necessary evil). Chủ nhân chỉ muốn
giảm thiểu phí tổn lao động, giảm nhiều chùng nào tốt chừng đó. Nếu
dùng được các máy móc tự động (automation) càng tốt hơn nữa. Đối với
nhân công làm việc có nghĩa là ít có thì giờ nghỉ ngơi giải trí, nên họ
xem lương bổng là một hình thức đền bù sự hy sinh đó. Chủ nhân chỉ
muốn sản xuất hàng hóa mà không cần đến nhiều công nhân, và công
nhân muốn lãnh lương mà khỏi phải làm việc (ở trong một chế độ an
sinh hoàn hảo như Úc, cái tinh thần muốn có tiền nhưng không chịu làm việc
còn tệ hơn nữa). Hệ quả của quan niệm này có tầm mức quan trọng hơn
chúng ta tưởng. Về phần công nhân họ xem làm việc là một cực hình và
nếu phải làm việc, thì gắng giảm thiểu công việc nhiều chừng nào tốt
chừng đó. Về phần chủ nhân, nếu tiết kiệm được nhiều nhân lực
thì lợi càng nhiều. Phương pháp dây chuyền là một thí dụ điển hình.
Công nhân làm việc từng phần, công việc làm không có ý nghĩa nào, chỉ
còn là những cử động máy móc, không đòi hỏi kỹ năng đặc biệt nào
cả.
Các nhà sư thuộc Phật Giáo Đại
Thừa bỏ đời sống cô lập trong tu viện của Tiểu Thừa và một Thiền
Sư tuyên bố là bất tác bất thực. Bổ củi, xách nước, thực tập thiền,
rửa bát và nhiều hoạt động khác tập cho thiền sinh cái thói quen chính
niệm. * Nếu hành giả nào phải làm việc để mưu sinh, Phật Giáo
xem làm việc là một cơ hội cho cá nhân phát triển các năng khiếu riêng
của mình, cho cá nhân bỏ bớt ngã chấp khi làm việc trong tập thể (Lục
Hòa) và dĩ nhiên là tạo ra sản phẩm tiêu dùng cần thiết và có lợi tức
để sống. Chia vụn các công việc ra thành từng mảnh nhỏ vô nghĩa, các
hoạt động kinh tế chỉ nhắm lời lỗ mà quên mất khía cạnh con người.
Ngược lại công nhân chỉ muốn làm chơi mà không chịu làm thiệt,
cũng là một hình thức lãng phí đời người. Lao động và giải trí là
môt quá trình liên tục không thể tách rời nhau: có ăn-có làm-có chơi. Phật
Giáo phân biệt hai loại dụng cụ giúp con người sản xuất: dụng cụ giúp
con người phát triển khả năng và tăng thêm mức sản xuất (thí dụ như
khung dệt của các nhà tiểu công nghệ) và cái máy dệt khiến người thợ
khéo chỉ còn là một người điều khiển máy, ai làm cũng được.
Một điểm khác biệt nữa là Phật
Giáo không có khuyến khích lòng ham muốn, tăng gia nhu cầu hưởng thụ. Phật
Giáo khác với Mác Xít, không xem tư hữu là xấu xa vì nó không ít thì nhiều
có liên hệ tới nghiệp quả của từng cá nhân và miễn là lợi tức này
làm ra bằng các phương tiện chánh đáng và hợp pháp. Nhưng Phật dạy là
không nên khư khư giữ lấy tài sản mà phải biết cách tiêu dùng.**
Thủ tức là lại rơi vào vòng luân hồi, xả tức là giải thoát. Những
ai theo Bồ Tát Đạo biết là lời nguyện thức nhất là bố thí. Làm giàu
bằng mọi cách chỉ khiến cho con người bị lẩn quẩn trong tam độc:
Tham-Sân-Si. Vì việc làm có thể phát triển khả năng sáng tạo và khả năng
này cũng cần thiết cho tâm linh cũng như thức ăn đối với cơ thể. Một
người không có việc làm không những không có lợi tức, mà còn không có
được thức ăn cần thiết để nuôi dưỡng tâm linh cũng như thức ăn đối
với cơ thể. Một người không có việc làm không những không có lợi tức,
mà còn không có được thức ăn cần thiết để nuôi dưỡng tâm linh. Các
nhà kinh tế tư bản có thể lo lắng kiểm soát lạm phát và nếu cần thì
phải hy sinh từ 2% cho đến 5% công nhân, vì không có thể cung cấp việc
làm cho tất cả (thời khủng hoảng con số này lên tới 8%-10% công nhân thất
nghiệp như ở Úc). Nhà kinh tế bảo thủ Galbraith trong quyển The Affuent
Society cho rằng vì không thể nào cung cấp việc làm cho tất cả mọi người,
guồng máy kinh tế phải hy sinh một số công nhân để giữ lấy sự quân
bình, và an ủi rằng nếu không thể nào cung cấp được việc làm cho mọi
người thì qua hệ thống an sinh, tìm cách cho các người thất nghiệp cũng
được hưởng mức sống tiện nghi tối thiểu. * Theo Phật Giáo một
xã hội không cung cấp cho tất cả mọi người công ăn việc làm để phát
triển toàn diện con người, mà chỉ chú trọng đến nhu cầu tiêu thụ, đó
là một xã hội đứng ngược đầu. Đó là một xã hội xem sản phẩm
tiêu thụ quan trọng hơn con người và tiêu thụ quan trọng hơn hoạt động
sáng tạo. Cho nên kinh tế Phật Giáo chú ý đến công nhân (Schumacher chọn
cái tựa phụ là Economics As If People Matter) chứ không phải chỉ chú ý đến
sản phẩm. Nền kinh tế Phật Giáo phải cung cấp công ăn việc làm cho tất
cả người còn đủ sức lao động. Không tưởng? có thể lắm, nhưng nếu
nhà kinh tế khi hoạch định các kế hoạch chỉ cần bớt lo lắng cán cân
lời lỗ chừng vài phần trăm, thì có nhiều người có cơ hội làm việc
và sống một đời tự tin và có nhân phẩm (tỷ lệ thất nghiệp thường
xuyên mà xã hội tư bản chấp nhận được là 2%).
Dĩ nhiên là một vài đề nghị của
Schumacher không phải là không gây ra tranh luận. Thí dụ như ông cho phụ nữ
có thiên chức làm mẹ và lo cho gia đình, cho nên phụ nữ có con nhỏ
không cần phải có một công ăn việc làm bên ngoài. Tuy nhiên hai yếu tố
kinh tế Phật Giáo mà ông nhấn mạnh là : giản dị và không bạo động.
Giản dị và không bạo động gắn liền nhau. Các nhà kinh tế hiện đại
gắng làm sao sản xuất cho nhiều và tạo ra một nhu cầu tiêu thụ giả tạo
(mọi hình thức quảng cáo), trong khi một nhà kinh tế Phật Giáo làm sao
cho mọi người sống thoải mái, an lạc và hạnh phúc, chứ không phải
kích thích nhu cầu tiêu thụ của quần chúng. Sở hữu hay tiêu thụ chỉ
là một phương tiện để đạt đến một đời sống thoải mái. Kinh tế
Phật Giáo nghiên cứu một cách có hệ thống nh?ng phương cách làm thế
nào nhằm đạt đến những mục tiêu định sẵn (một cuộc đời an lạc
và giải thoát) với một số phương tiện tối thiểu.**
Một điểm khác biệt nữa giữa
kinh tế hiện đại và kinh tế Phật Giáo là cách thức sử dụng tài
nguyên. Con người Tây Phương được Bertrand de Jouvenel mô tả là con người
phung phí tài nguyên và tệ hơn nữa giết hại những sinh vật trong môi
sinh một cách không thương tiếc (cây rừng, thú, chim…). Họ không nhận
thấy là con người tùy thuộc vào môi sinh nếu muốn tồn tại. ***
Ví dụ như nước và cây. Giả sử hai tài nguyên này kiệt quệ thì không
ai có thể sống còn. Trong khi Phật dạy phải kính trọng đời sống của
mọi chúng sinh (các nhà sư khất thực phải nhìn xuống mỗi bước chân để
khỏi dẵm lên các côn trùng, mùa mưa thì phải vào hạ vì côn trùng bò
lên mặt đất nhiều). Phật tử có truyền thống trồng cây và săn sóc
cây cho tới khi cây có thể tự tồn. Nếu chỉ cần tôn trọng truyền thống
này, các nước Phật Giáo có thể phát triển mà không cần đến ngoại viện
nhiều.
Một điểm nữa là kinh tế hiện
đại không phân biệt giữa tài nguyên có thể tái tạo (như nước, cây, gỗ…)
và các tài nguyên chỉ dùng một lần như than đá, dầu, nhiên liệu… Các
nhà kinh tế chỉ lo tính xem nguyên liệu nào tổn phí ít. Dùng các tài
nguyên không tái tạo lại được một cách phung phí là một hành vi bạo
động với môi sinh. Dĩ nhiên không thể nào đạt tới mức bất bạo
động hoàn toàn trong cuộc sống, nhưng chúng ta phải xem bất bạo động
như một lý tưởng cần thực hiện. Dùng tài nguyên không tái tạo như thế
chẳng khác nào trong thương nghiệp đem vốn (capital) ra mà xài, chứ không
phải xài lợi tức. Ai đi buôn cũng biết là xài vốn hòai thì thế nào cũng
có ngày sạt nghiệp.
Có nhiều người cho rằng xã hội
lý tưởng đó không thể nào thực hiện trên thế gian. Nhưng ít nhất các
nguyên tắc căn bản của Phật Giáo phải được chiêm nghiệm trước khi các
nhà lãnh đạo hối hả áp dụng một chính sách kinh tế thị trư?ng theo Tây
Phương. Cứ thử nhìn quá trình đô thị hóa tại Thái Lan chẳng hạn,
chúng ta thấy gì? Kinh tế nông thôn sụp đổ, nạn thất nghiệp lên cao
ở thành phố cũng như ở nhà quê, giai cấp bần cố nông ở thành phố
ngày càng nhiều, họ thiếu thức ăn cho cơ thể cũng như cho tâm linh.*
Còn xã hội kỹ nghệ Tây Phương?
Giáo Sư Harrison Brown trong tác phẩm The Challenge of Man’s Future nhật xét là
xã hội kỹ nghệ Tây Phương từ căn bản là một xã hội bất ổn… Những
điều kiện mà trong đó tự do cá nhân được nuôi dưỡng không ổn định
nên không có khả năng ngăn chặn các nguy cơ sinh ra các tổ chức cứng rắn
và độc tài. Thật vậy nếu chúng ta xét tất cả những khó khăn đe dọa
sự sống còn của văn minh kỹ nghệ, rất khó thấy được sự hòa hợp
giữa việc thực hiện ổn định xã hội và duy trì tự do cá nhân.**
Tuy tự do cá nhân được xem như là nhân tố chính, nhưng nếu nhìn toàn bộ
cấu trúc xã hội, thế lực kiểm soát thường nằm trong tay một thiểu số
(tài phiệt, các kỹ nghệ quốc phòng, các vua báo chí và truyền hình…)
Vì không hiểu giáo lý cặn kẽ, hoặc
choáng ngợp với những thành công về kỹ thuật của Tây Phương, vì thiếu
tự tin vào khả năng đóng góp của Phật Giáo, không phải chỉ có người
đứng ngoài ngưỡng cửa đạo Phật cho Phật Giáo là tiêu cực. Có bao
nhiêu Phật Tử chỉ muốn ngồi thiền để đạt tới định huệ. Định
Huệ chỉ là hành trang để người Phật Tử hành trì con đường B? Tát. Nếu
Đức Phật sau khi thành đạo chánh đẳng chánh giác rồi lẳng lặng nhập
niết bàn thì Phật Giáo sẽ không còn là Phật Giáo như chúng ta thấy
ngày hôm nay.
Trước sự bế tắc của chủ
nghĩa vật chất Tây Phương, Phật giáo có thể góp phần tạo ra những
giá trị dẫn đạo các phát triển kinh tế, mà Schumacher gọi là siêu
hình-kinh tế, để tạo ra một nền kinh tế giản dị và bất bạo động,
tránh được sự tàn phá môi sinh và con người mà các nước kỹ nghệ Tây
Phương đang theo đuổi, và các nước nghèo, đang lẽo đẽo theo sau, miệng
cứ tụng niệm kinh tế thị trường như một là đại thần chú, năng
trừ nhất thế khổ đau!
GS Quán Như