- PHẬT GIÁO TRONG
THẾ KỶ MỚI
- PHẬT LỊCH 2540 – GIAO
ĐIỂM
- Tuyển tập 1
- ***
- ĐẠO
PHẬT ĐỐI VỚI VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN LÂU BỀN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
- TS Lê Văn Tâm
LTS: bài viết sau đây của
Tiến sĩ Lê Văn Tâm, đại học Gottingen (CHLB Đức), là một trong 12 bài
trình bày tại buổi Hội thảo "Phật Giáo và Thời Đại”, được tổ
chức tại Trúc Lâm Thiền Viện (Pháp) vào tháng 9 năm 1995. Là một chuyên
viên về Bảo vệ Môi Trường, lại là Phật tử, ông đã vận dụng một
phần của lời Phật dạy (Kinh Từ Bi) để mô tả và dự báo về những
tác hại mà con người, trong quy trình phát triển xã hội, đã tàn phá
thiên nhiên và các động vật hữu hình khác không những một cách vô minh
mà còn phi kinh tế nữa.
Quy chiếu về Việt Nam, và cũng từ
những cơ sở của Kinh Từ Bi, ông đã đề nghị một định hướng bốn
điểm làm nền móng cho một phương án "Phát triển lâu bền" trên
hai lãnh vực Kinh tế và Xã hội, mà vẫn bảo tồn được sức sống và sự
hài hòa giữa thiên nhiên và con người. Đây là những gợi ý tâm huyết
và có chất lượng cao mà Tuyển Tập Giao Điểm xin giới thiệu với bạn
đọc bằng tất cả lòng trân trọng. (Hai mươi lăm cước chú về các nguồn
trích dẫn dữ kiện đã không được in kèm theo bài viết này vì khuôn khổ
giới hạn của tuyển tập. Giao Điểm thành thật xin lỗi bạn đọc và
tác giả).
Hiện nay thế giới đang đứng trước
nhiều sự việc và hiện tượng có tác động toàn cầu. Chúng cũng là những
thách thức lớn đối với Đạo Phật và Phật tử chúng ta.
Về mặt tiêu cực, nạn nhân mãn
và suy dinh dưỡng tại nhiều nơi trên thế giới, bạo lực tàn phá mạnh
mẽ các tài nguyên thiên nhiên – có khi đến độ không thể phục hồi -,
cường độ bão lụt gia tăng và quả đất bị hâm nóng dần là một vài
ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, hiện tượng suy tôn vật chất và các
tiện nghi máy móc đang lan tràn. Sự xói mòn lòng tin đối với những giá
trị truyền thống ngày càng mạnh mẽ. Đất nước Việt Nam cũng đang trực
diện với những vấn đề tương tự. Phật tử chúng ta không thể không
phân vân tự hỏi: "Mình đã đóng góp đủ bổn phận vì thế hệ mai
sau chưa?". "Mình đã áp dụng đúng lời Phật dạy trong sự xây dựng
một nếp sống quân bình giữa vật chất và tinh thần trong hoàn cảnh mà
mình đang có mặt?"
Ngược lại, thế giới cũng đang
đứng trước nhiều thuận lợi mới. Sự chấm dứt chiến tranh lạnh, nỗ
lực hợp tác giữa những nước đã từng thù nghịch với nhau, sự lớn mạnh
của phong trào giải phóng phụ nữ; sự bành trướng bảo vệ môi trường
và sự truy tầm một nội dung mới cho vấn đề "phát triển lâu bền”,
đang làm tiền đề cho những thao thức và cố gắng mới trong sự xây dựng
“một thế giới chung” tốt đẹp hơn. Người Phật tử có thể đóng
góp được gì nhằm hỗ trợ và triển khai những việc tích cực ấy?
Các câu hỏi vừa đặt ra cho người
Phật tử có lẽ không thừa. Bởi vì Phật tử nào cũng biết câu: "Phật
pháp không lìa thế gian pháp" và ý thức rằng giáo lý của Đức Phật
không là những gì trừu tượng đứng ra ngoài cuộc đời. Do đó, sự tìm
hiểu hoàn cảnh và những sự việc hiện thực, cũng như xu thế phát triển
của chúng, với chủ đích làm sống động mối tương quan giữa Đạo Phật
và đời sống thực tại, là một điều tất yếu. Qua đó, người Phật tử
vừa thực hiện được một trong bốn lời nguyện lớn: “Pháp môn vô lượng
thệ nguyện học”, vừa nhận thức rõ hơn, thế nào là những hành động
hợp với “khế lý” và "khế cơ" trong sự xây dựng một nếp sống
vì sự giải thoát của mình và vì sự an lành của chúng sinh.
Sau đây xin gợi ý về “Đạo Phật
đối với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường", nhằm
góp phần vào cuộc thảo luận chung quanh chủ đề “Đạo Phật và Thời
Đại”.
"Phát triển" là vấn đề
trung tâm của mỗi quốc gia. Xưa nay chưa có một nội dung thống nhất về
"phát triển". Bởi vì quốc gia nào cũng có suy nghĩ và ưu tiên
riêng. Hơn nữa, khi hoàn cảnh chuyển biến thì quan niệm về "phát triển”
cũng phải thay đổi để hợp với những yêu cầu mới. “Phát triển”
thường được hiểu qua nghĩa hẹp là "phát triển kinh tế", là
"xây dựng và phát huy mọi tiềm năng sản xuất toàn quốc, nhằm phục
vụ dân chúng với hàng hóa và dịch vụ".
Vào những thập niên 50, 60 phát triển
được quan niệm là “sự tăng trưởng hàng năm về thu nhập quốc dân”.
Sau đó, nội dung “giảm nghèo, giảm chênh lệch và giảm nạn thất nghiệp
trong quá trình phát triển kinh tế" đã được đề cao. Phát triển cũng
được hiểu như “sự thay đổi toàn bộ hệ thống xã hội, nhằm đáp
ứng những nhu cầu cơ bản của khối lớn quần chúng đang cảm thấy thiếu
thốn về vật chất và tinh thần". Nói chung, dầu với nội dung nào
đi nữa, vai trò sản xuất hàng hóa, phân phối và tiêu thụ hàng hóa, vẫn
luôn luôn giữ vị trí ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển. Biểu tượng
của sự phát triển từ trước đến nay là số lượng ngày càng tăng của
sắt thép được chế tạo, của sự sản xuất cùng tiêu thụ năng lượng
và hàng hóa, là tốc độ bành trướng đô thị, là tốc độ di chuyển và
thông tin.
Con người đã không ngừng thi đua
nhau trong việc sản xuất. Chỉ tiêu "ngày càng nhanh, ngày càng nhiều
và ngày càng mới" đã được thần thánh hóa. Nhu cầu về nguyên liệu
và chất đốt tăng vòn vọt. Thiên nhiên đã trở thành nguồn vật liệu
không ngừng bị khai thác và khống chế. Thiên nhiên cũng là nơi tiếp nhận
miễn phí mọi loại rác dơ bẩn và chất thải độc hại.
Để đạt chỉ tiêu phát triển,
bao nhiêu người đã không quan tâm đến hệ quả của sự khai thác quá độ
và sự tiêu diệt các sinh vật "không ích lợi". Đối với họ, sự
ô nhiễm và hủy hoại môi trường chỉ là những sự kiện nhỏ, không phải
là đề tài thảo luận. Điều này đã phản ánh qua những cố gắng liên
tục suốt hai thế kỷ qua, nhằm phát triển ngày càng tinh vi những phương
pháp và công cụ kỹ thuật phục vụ cho sản xuất. Ngược lại, những gì
cần thiết và hữu hiệu cho việc ngăn chặn sự phá hoại môi trường và
sự giảm thiểu phế liệu, rác và chất độc… chỉ mới được quan tâm
từ hai thập niên sau này. Chúng là những thứ gây thêm phí tổn sản xuất,
nên bị loại ra ngoài trong bài tính: làm sao đạt được lợi nhuận tối
đa, làm sao mau được giàu có!
Họ không những không chú ý đến
sự ô nhiễm môi trường và sự sát hại sinh thể khác mà còn quên cả bản
thân. Họ không còn ý thức rằng mình đang sống hối hả và căng thẳng,
đang bị cuốn hút vào guồng máy cạnh tranh "thúc cùi chỏ" vì lợi
nhuận. Họ không còn hay biết rằng những giá trị tâm linh đang bị xói
mòn, đang bị hào quang của phát triển và tiện nghi vật chất che lấp. Hiện
tượng lẫn lộn giữa hạnh phúc với sự đua đòi nâng cao mức tiêu thụ,
giữa ý nghĩa cuộc sống với của cải ngày càng chồng chất, đã trở
nên phổ biến.
Đối với Đạo Phật, sự phát triển
như vậy là sự phát triển bị "tham, sân, si" chi phối. Phật tử
không thể thản nhiên chấp nhận nó. Huy chương nào cũng có hai mặt: mặt
phải và mặt trái. Sự phát triển cũng vậy. Chúng ta không thể không quan
tâm theo dõi, phát hiện và mổ xẻ mặt trái, mặt tiêu cực của nó, để
nhận thức tường tận hơn, đâu là ranh giới mà con người phải dừng lại
và chuyển hướng, nếu không, tất phải rước đại họa. Hơn nữa, qua đó
chúng ta có thể duyệt lại tinh thần và nguyên tắc hành động nào mà Đức
Phật dạy có thể đóng góp tốt cho sự xóa bỏ tiêu cực và giảm thiểu
tham sân si.
Đứng giữa lòng thủ đô phồn
vinh của một nước phát triển, con người khó mà không tin cậy con đường
phát triển từ 200 năm qua. Những thành tựu của nó thật huy hoàng. Để
minh họa điều ấy, xin nêu ra đây một số thành tựu của ba lãnh vực
điển hình: nông nghiệp, y học và công nghiệp.
Thứ nhất, trên lãnh vực nông nghiệp,
mặc dù đó đây vẫn còn nạn đói và suy dinh dưỡng, nông nghiệp, nói
chung, đã nuôi nổi số nhân khẩu tăng lên gấp năm lần trong vòng hai thế
kỷ qua. Từ năm 1850 đến nay, dân số thế giới, chủ yếu tại những nước
đang phát triển, từ 1,15 tỷ tăng lên 5,7 tỷ. Tại Đức, năm 1950, mỗi nông
dân có thể nuôi được 8 người và năm 1989 có thể nuôi đến 58 người.
Nhóm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế CGIAR (Consultative Group on International
Agricultural Research) vừa lai tạo được giống lúa hiện tại, mở ra một
viễn tưởng lạc quan trong việc đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên thế giới.
Thứ hai, trên lãnh vực y học, nhờ
nhiều cải thiện tốt về phương pháp trị liệu và vệ sinh, nên các bệnh
tật khủng khiếp, giết người hàng loạt, như dịch tả, dịch hạch, đậu
mùa, ho lao v.v…. đã bị đẩy lùi. Tỷ lệ tử vong của trẻ con sơ sinh
đã giảm từ 30% vào năm 1870, xuống còn 6% vào năm1960 và hiện nay, tại
nhiều nơi còn thấp hơn 4%. Thọ mạng con người được kéo dài hơn 11%
trong vòng thời gian ấy. Tại Âu Châu, tuổi thọ trung bình năm 1870 là 38,
đã tăng lên 70 vào năm 1965 và hiện nay đã vượt cao hơn.
Thứ ba, sự công nghiệp hóa đã trở
thành đầu tàu của phát triển mà quốc gia nào cũng muốn đạt đến. Công
nghiệp vừa tạo ra công ăn việc làm và những khả năng kiếm nhiều tiền;
vừa cung cấp vô số mặt hàng và tiện nghi vật chất. Ti vi, tủ lạnh, xe
hơi, máy điều hòa nhiệt độ, máy nói, đó là vài ví dụ điển hình.
Bên cạnh đó, mạng lưới đường sá giao thông hiện đại với tốc độ
cao, cũng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và giúp con người đến tận mọi
địa điểm trên quả đất.
Công nghiệp và các hệ thống giao
thông đã làm bàn đạp cho sự đô thị hóa. Năm 1800 thế giới chỉ có 21
thành phố lớn và không thành phố nào có được 1 triệu dân. Một trăm
năm sau, con số này đã nhân lên gấp 15 lần. Lúc ấy đã có 22 thành phố
tập trung hàng triệu người. Năm 1950 thế giới đã có 964 chùm đô thị với
hơn 422 triệu người ở; năm 1980 tăng lên 1.866 với hơn 1,1 tỷ dân cư. Thật
là kỳ diệu, với một mặt bằng hạn hẹp, đô thị luôn luôn dung nạp
được số dân cư khổng lồ ngày càng tăng lên. Những cao ốc của chúng
ngày càng trở nên đồ sộ, ngất ngưỡng chọc trời. Công nghiệp và đô
thị không ngừng phát triển, không ngừng chuyển đổi bộ mặt của quả
đất và để lại dấu ấn sâu sắc của nó trên cảnh quan, trong đời sống
kinh tế, xã hội và văn hóa của một nước.
Ba ví dụ nêu trên đã tô son đánh
bóng cho sự phát triển vừa qua; đã gieo vào lòng bao nhiêu người niềm
tin sâu sắc về sức mạnh vạn năng của sự phát triển. Nhưng đó chỉ
là mặt tích cực. Nếu nghiêm túc quan sát kỹ, chúng ta phát hiện ngay mặt
trái với nhiều tì vết giữa lớp son bóng lộn của nó. Những tì vết
này chính là những hiểm họa không lường được.
Nông nghiệp và y dược, tuy đã tạo
ra những điều kiện thuận lợi cho sự nuôi sống và bảo dưỡng sức khoẻ
con người, song chúng ta cũng hỗ trợ cho sự gia tăng dân số. Chính đà
gia tăng dân số một cách nhảy vọt không ngừng, đã mang đến cho nhân loại
những khó khăn lớn lao.
Chúng ta thử theo dõi vấn đề này.
Dân số thế giới mặc dầu đang đi vào chiều hướng ổn định, song sự
tăng nhảy vọt từ hai thế kỷ qua, đã tạo ra những vấn đề khó giải
quyết. Theo dương lịch, dân số thế giới năm thứ nhất lên đến 250 triệu
người; năm 1650, 550 triệu; năm 1850, 1,15 tỷ; năm 1940, 2,25 tỷ và năm 1980
4,34 tỷ người: Theo đó, lần nhân đôi dân số thế giới thứ nhất kéo
dài 1.650 năm; lần nhân đôi thứ hai hạ xuống còn 200 năm; lần thứ ba,
90 năm và lần thứ ba, 90 năm và lần thứ tư chỉ còn 40 năm.
Tại Việt Nam, nhịp độ nhân đôi
dân số còn ngặt hơn. Theo thống kê từ đầu thế kỷ thứ 19, kể từ
năm 1802, lần nhân đôi thứ nhất kéo dài hơn 80 năm, lần thứ hai còn 40
năm, lần thứ ba, 34 năm và lần thứ tư chỉ còn 24 năm. Eigen, nhà hóa học
vật lý được giải Nobel, đã gọi nhịp độ nhân đôi dân số trong vòng
tuổi thọ một đời người là nhịp độ “phù thủy một nhân một”
trong định luật phát triển, tiềm tàng bao hiểm họa khó lường.
Thực vậy, nếu chúng ta áp dụng
"Lý duyên sinh" của Phật Giáo vào sự suy nghĩ (Khi cái này có thì
cái kia có ; Khi cái này hiện, cái kia hiện. Khi cái này không, cái kia
không; Khi cái này mất, cái kia mất. Mn,III,63), chúng ta thấy được dễ dàng
một chuỗi hệ quả và những nguy hiểm do sự gia tăng dân số nhảy vọt
sinh ra. Ai cũng biết, khi dân số tăng lên thì những nhu cầu về lượng thực,
nơi trú ngụ, trường học, bệnh xá v.v…. tương ứng tăng lên. Những đòi
hỏi về diện tích sản xuất lương thực, về mặt bằng xây dựng và chế
biến, về giao thông và tiếp liệu v.v…. cũng phải tăng theo. Để thỏa mãn
những nhu cầu và đòi hỏi này, con người đã tăng cường sự tiến công
vào môi trường và thiên nhiên một cách dữ dội và sâu rộng. Nhưng, quả
đất chúng ta chịu giới hạn về diện tích và sức tải. Nó không thể
đáp ứng tất cả mọi đòi hỏi và sự bành trướng vô tận của con người.
Con người càng tăng sức ép vào quả đất thì càng tạo ra nhiều mâu thuẫn
và hậu quả tiêu cực mà chính con người phải gánh chịu. Sau đây là
vài ví dụ:
- Về mặt nông nghiệp, một khi dân số tăng thì
diện tích sản xuất lương thực cũng phải được mở rộng. Từ 1980 đến
1995, tổng diện tích canh tác thế giới đã tăng 6,3% từ 1,26 lên 1,34 ha.
Song trên thực tế, diện tích canh tác cho mỗi đầu người, trong vòng thời
gian ấy đã hẹp lại 24,1% từ 0,29 ha giảm xuống còn 0,22 ha. Hoàn cảnh của
Việt Nam cũng tương tự. Diện tích cung cấp lương thực cho mỗi đầu
người ngày càng thu hẹp lại theo đà dân số tăng, từ 0,2 ha năm1940, đã
giảm xuống 0,15 ha năm 1970 và chỉ còn 0,12 ha năm 1988.
- Thông thường, khi cần mở rộng diện tích canh
tác, con người đã đốn rừng. Tại Việt Nam, hàng năm rừng bị mất khoảng
200.000 ha, trong đó khoảng 50.000 ha là do khai hoang để trồng trọt. Rừng càng
thu hẹp chừng nào thì diện tích còn lại càng bị đốn nhanh chừng nấy,
để kịp tiếp tế củi, gỗ và nguyên liệu sản xuất giấy và văn hóa
phẩm cho nhu cầu tăng lên theo sự phát triển dân số. Và hậu quả gì phải
xảy ra khi rừng bị hủy diệt?
- Rừng mất sinh nạn lụt lớn và đất không được
che chở nữa. Mưa gió tấn công trực tiếp vào mặt đất, rửa trôi, xói
mòn lớp phân màu mỡ, khiến cho đất ngày càng thoái hóa và cuối cùng biến
thành sa mạc. Hàng năm, các nước đang phát triển bị mất đi 6 triệu ha
đất nông nghiệp do sa mạc hóa. Theo ước tính của Ngân Hàng Thế Giới,
2/5 diện tích canh tác tại Phi Châu, 1/3 tại Á Châu và 1/5 tại Châu Mỹ La
Tinh bị đe dọa trở thành sa mạc do hậu quả đốn rừng, hoặc do chăn nuôi,
do dẫn thủy sai lầm và khí hậu thay đổi. Tại Việt Nam, hơn ¼ - (tính
theo một tài liệu khác: 1/3 ) - diện tích đất đai toàn quốc đã bị
thoái hóa, mất hết sức sản xuất. Đồi trọc, bãi hoang đang tiếp tục
mở rộng, xóa bỏ địa bàn sinh sống ngày càng cần thiết cho dân số
ngày càng đông đảo!
- Khi rừng mất, lớp thảm mục điều hòa dòng chảy
cũng bị tiêu diệt theo. Lũ lụt và cường độ phá hoạt hoại của nó cũng
tăng lên. Qua kết quả nghiên cứu tại Ấn Độ, sự phá rừng đã khiến
cho diện tích bị ngập lụt mở rộng thêm 40 triệu ha trong vòng 25 năm
(1960-1984). Mùa màng và đời sống của hàng triệu người bị đe dọa trầm
trọng hơn.
- Sự hủy diệt rừng cũng kéo theo sự hủy diệt
trú quán của động và thực vật hoang dã. 0-90% các loài này đang tập
trung tại rừng mưa nhiệt đới và bán nhiệt đới. Hàng ngàn loài trong số
1,4 triệu đã được kiểm tra, là dược liệu quí hiếm hoặc là nguồn
"gen" cần thiết cho sự sống con người. Theo tốc độ phá rừng
hiện nay, với 11 triệu ha mỗi năm, đến năm 2040 thế giới sẽ mất đi từ
17% đến 35% loài trong số 10 triệu. Vào năm 2040, hàng ngày sẽ có từ
20-70 loài bị tuyệt chủng.
- Cây xanh, qua hiện tưởng quang hợp, hấp thụ hàng
ngày khí cacbonic CO2. Khí CO2 là một trong những loại khí gây ra hiệu ứng
nhà kính, hâm qua đất nóng dần, làm tan các khối băng tại Bắc cực, khiến
mực nước biển dâng cao và tràn ngập, phá hủy đồng bằng thấp ven biển.
Sự phá rừng đã làm mất đi một nhân tố rất quan trọng có khả năng hấp
thụ và tích lũy lâu dài một số lượng khổng lồ khí cacbonic CO2, và
gián tiếp làm giảm bớt mực nước biển dâng lên.
Các nhà nông nghiệp hiện đại không
cần phá rừng nữa. Để giải quyết nhu cầu lương thực, họ đã áp dụng
các biện pháp thâm canh, như trồng cây thuần loại, cơ giới hóa, phun tưới,
dẫn nước, bón phân, dùng thuốc diệt sâu rầy và diệt cỏ dại, lai tạo
giống mới v.v…. Nhưng, những gì xảy ra cho môi trường và con người với
những phương pháp canh tác hiện đại ấy? Nó có đưa lại một chuỗi hệ
quả tiêu cực có hai cho con người không? Đôi ví dụ sau đây trả lời
cho câu hỏi ấy.
- Sự trồng cây thuần loại, một mặt đã đẩy lùi
hoặc tiêu diệt những loài "không hữu ích". Mặt khác, nó đòi hỏi
phải sử dụng thuốc diệt họa chống sâu rầy và nấm bệnh. Những thuốc
này sát hại luôn những loài côn trùng và chim chóc hữu ích khác. Các cặn
thuốc có chứa những chất độc như thủy ngân và arsenic, theo mưa thâm nhập
và đầu độc ao hồ, suối sông và thủy sinh vật. Với diện tích rộng lớn
của mình nông nghiệp là nguyên nhân quan trọng làm nghèo sự đa dạng sinh
học, đem lại sự mất cân bằng cho nhiều thế hệ sinh thái, và qua chuỗi
thức ăn, làm hại cả sức khoẻ con người. Hiện tượng bị dị ứng và
ngộ độc do thức ăn còn chứa thuốc diệt sâu rầy, đã xảy ra tại nhiều
nơi và tại Việt Nam.
- Sự cơ giới hóa, đặc biệt trên lãnh vực thủy
lợi với các máy công cụ năng dùng để đào xới, đã phá hủy trú quán
và tiêu diệt các loài động và thực vật hoang dã. Hơn nữa, nó tạo hiện
tượng xì phèn, hóa sình và hóa mặn, giết hại cỏ cây. Riêng năm 1986, sự
hóa mặn đã làm tổn hại khắp thế giới khoảng 60 triệu ha đất nông
nghiệp. Nước ngọt luôn luôn chứa một lượng muối nhỏ. Nồng độ muối
này tăng dần sau mỗi lần tưới và một ngày nào đó hóa mặn đất đai.
Sự hoang mạc hóa, sự hóa mặn, hóa sình cũng là những nguyên nhân quan trọng
gây ra nạn đói và suy dinh dưỡng cho 800 triệu người trên qua đất hiện
nay. Ngoài ra, sự dẫn nước vào ruộng, cũng làm bành trướng các khuẩn
gây bệnh đường ruột và sốt rét rừng.
- Chất phosphate và nitrat của phân bón làm tăng độ
phú dưỡng của thủy vực, kích thích sự phát triển nhanh của rong rêu.
Rong rêu cướp mất dưỡng khí và giết hại tôm cá và thủy sinh vật
khác tại ao hồ. Qua đó, khả năng làm sạch nước tự nhiên và sự sống
của ao hồ cũng bị diệt theo.
Nói tóm lại, việc thâm canh để
tăng sản lượng lương thực và sự đốn rừng nhằm thỏa mãn nhu cầu nhảy
vọt về củi, gỗ, về diện tích trồng trọt và định cư, đều là những
hoạt động chính đáng nhằm phục vụ cho cuộc mưu sinh. Trong rất nhiều
trường hợp, hệ quả dị thời của những hoạt động chính đáng này từ
10 hoặc 20 năm trước, lại trở thành sự tàn phá những điều kiện mưu
sinh!
Trước những bằng chứng nêu
trên, người Phật tử không thể không suy nghĩ, thế nào là "chánh
nghiệp"?, thế nào là nông nghiệp trong sáng theo quan niệm "ngũ
minh"? Phật tử phải hành động và kinh doanh ra sao để thiên nhiên
không bị mang hại tương tự như "ong hút phấn hoa mà không làm hại
hoa", như Đức Phật đã nhắn nhủ (Pháp Cú, kệ 49)?
Trong lãnh vực công nghiệp hóa thì
thế nào? Với những thành tựu huy hoàng của nó, nó có đạt được tiêu
chuẩn "minh" theo quan niệm “công xảo minh” chăng? Có lẽ là
không! Nền công nghiệp từ hai thế kỷ qua cũng gây ra hàng ngàn hiện tượng
tiêu cực cho môi trường và con người. Sự ô nhiễm không khí và nước,
rác rến, dơ bẩn, tiếng ồn ào nhức óc v.v…. là những mối nguy hại thường
trực và phổ biến. Đất nước chúng ta đang đi trên đà công nghiệp
hóa, không thể không đối diện với những tiêu cực có tính phổ quát
này. Sau đây xin nêu vài ví dụ cụ thể:
- Công nghiệp – và sự đô thị hóa – đã trực
tiếp phá hủy thiên nhiên để lấy mặt bằng xây dựng và phát triển.
Công nghiệp đã biến đổi cảnh quan và các hệ sinh thái một cách sâu rộng,
đã làm đảo lộn những chu trình vật chất và dòng năng lượng trong sinh
quyển, gây khó khăn cho quá trình phục hồi và thanh lọc tự nhiên. Về mặt
khí hậu, trong vòng 40 năm qua, từ 1949-1989, mặt nước biển vùng nhiệt đới
đã nóng hơn 0,5 độ C và ẩm hơn 16%. Mưa lục địa tăng 5% (Riêng khu vực
Sahel tại Phi Châu thì ngược lại. Nơi đây, mưa giảm xuống và hạn hán
tăng lên). So với 20 năm trước, tốc độ gió toàn cầu hiện nay thổi
nhanh hơn 5-10% tại nhiều nơi thuộc khu vực nhiệt đới, thậm chí đến
20%. Điều này cắt nghĩ vì sao cường độ tàn phá của bão tố đã trở
nên dữ dội khác thường.
- Các nhà máy, trong quá trình sản xuất, đã không
ngừng thải những chất ô nhiễm và độc hại vào không khí, vào đất và
nước. Những khu công nghiệp lớn, ví dụ nhưng vùng Ruhr nước Đức, đã
thải ra hơn 300 chất. Trong số đó, nhiều chất gay nên bệnh tật và ung
thư. SO2 và NO2 chẳng hạn, chúng là nguyên nhân gây ra sương mù nguy hiểm
(London-smog), từng làm thiệt mạng hàng ngàn người trong quá khứ (hơn
4.000 người chết tại Luân Đôn năm 1952). Với nồng độ cao, SO2 và NO2
phá hủy chất diệp lục và ngăn chận sự quang hợp, cũng như sự hấp thụ
khí CO2. Dưới dạng mưa acit, chúng làm chua đất và thủy vực, giết hại
tôm cá và những sinh thể khác. Chúng ăn mòn các công trình kiến trúc và
xây dựng, gây ra những thiệt hại phi thường. Tại Đức, sự thiệt hại
này được ước tính từ 2 đến 3.5 tỷ Đức Mã mỗi năm. Khí CO2 làm giảm
năng suất lao động và gây chứng nhức đầu, chóng mặt. Các kim loại cũng
nguy hiểm không kém. Chì làm yếu bắp cơ, có thể đưa đến liệt bại và
biến đổi chức năng của gan, thận và não. Cadmium gây bệnh Itai-Itai làm
méo mó thể dạng của xương v.v….. Để lọc sạch những chất độc
trong nước, Tây Đức phải bỏ ra 780 triệu Đức mã hàng năm. Để giải
độc cho đất, cần phải có một kinh phí khổng lồ khoảng 60 tỷ Đức mã.
Tại thành phố Hồ Chí Minh nước và không khí cũng chứa nhiều chất độc
và hàm lượng đã vượt lên tiêu chuẩn vệ sinh cho phép. Hàm lượng bụi
và chì đã vượt quá từ 3 đến 11 lần.
- Công nghiệp đông lạnh, điện tử và cả những
bình xịt thuốc cho tóc, đã sử dụng rộng rãi khí CFCI. Khí này làm mỏng
tầng khí Ozon và đục thủng nhiều nơi. Tầng Ozon được xem như là cái
màn lọc tia cực tím có hại cho sức khỏe và mùa màng. Tầng Ozon bị mỏng
hoặc bị đục thủng đã để lọt nhiều tia cực tím tấn công vào con người
và sinh vật, làm tăng bệnh ung thư da.
- Trong vòng 200 năm nay, than, dầu được sử dụng
thật rộng rãi. Qua quá trình đốt cháy, chúng ta thải môt lượng khí
cacbonic CO2 làm tăng vọt hàm lượng CO2 trong khí quyển, tạo ra hiệu ứng
nhà kính, hâm nóng quả đất. Các khu công nghiệp thế giới thải hàng năm
24 tỷ tấn CO2 – 80% xuất phát từ những nước công nghiệp. Trong tương
lai, số lượng này còn cao hơn nữa. Theo ước tính của các nhà khoa học,
trong vòng 50 năm tới, nhiệt độ trung bình thế giới sẽ tăng thêm 1,5 độ
C. Trong khi tại Úc Châu và Tây Phi Châu giảm bớt 1 độ C, tại Việt Nam,
Ấn Độ và Âu Châu tăng thêm 3 độ C và Bắc cực tăng thêm 5-7 độ C.
Sự tăng thêm nhiệt độ này trước
hết đã mang đến sự biến đổi thời tiết, quan trọng hơn nữa là làm
băng tan và khiến mực nước biển dâng cao. Từ năm 1973 đến nay, lớp
băng tại Bắc cực mất đi 8% và trên núi Alpe chỉ còn ½. Đến năm 2050,
mực nước biển có thể năng lên từ 0,2-0,4m. Điều ấy có nghĩa là nước
mặn sẽ phủ ngập các vùng duyên hải thấp và sẽ phá hủy đồng bằng
phì nhiêu và sự sống tại đó. Nó sẽ đưa đến một cuộc di dân ồ ạt
lên những vùng cao, nơi mà diện tích khả canh bị thu lại vì xói mòn và
hoang mạc hóa. Nếu con người không sớm tìm biện pháp đối phó, có lẽ
khó tránh khỏi một cuộc cạnh tranh sinh tồn gay gắt giữa người và người
và một cuộc phá hủy tàn bạo vốn tài nguyên thiên nhiên còn sót lại!
Những ví dụ tiêu cực nêu trên,
đã phơi bày nhược điểm và hiểm họa của sự phát triển vừa qua.
Tính tham dục "ngày càng nhanh, ngày càng nhiều và ngày càng mới"
đã cổ võ và thúc đẩy sự phát triển lòng tham ái, khiến con người xa
rời nếp sống tĩnh thức, xa rời và đối nghịch với thiên nhiên, đã
xô con người vào sự phá hoại những nhân tố mà mình dựa vào để sinh
tồn và phát triển. Sự say mê quyền lợi vật chất đã khiến cho nhiều
người quên đi những lợi ích lâu dài của nhân loại. Những kẻ tiếp tục
bảo vệ cho sự phát triển này sẽ nhún vai lãnh đạm trước những tiêu
cực và hiểm họa. Song một ngày nào đó, biết đâu chính họ và con cháu
của họ sẽ trở thành nạn nhân của nghiệp báo đau thương. Chúng ta có
cảm tưởng rằng họ đi giữa cuộc đời với thái độ khá phổ biến của
kẻ lái xe trên đường. Kẻ lái xe thường không nghĩ rằng mình là người
có thể gây ra tai nạn hoặc chịu tai nạn. Trong tiềm thức họ, vấn đề
tai nạn là vấn đề của người khác. Chỉ có người khác mới gây ra tai
nạn hoặc thọ nạn. Đến khi lâm cảnh tai bay họa gởi thì đã muộn rồi.
Lời Phật dạy trong Kinh Pháp Cú thấm thía làm sao!: "Kẻ ngu vì tham
giàu, hại mình và hại người" (kệ 355) và ’’Ác nghiệp chưa chín
muồi, người ngu nghĩ là ngọt. Khi ác nghiệp chín muồi, người ngu chịu
khổ đau" (kệ 69).
Sớm thức tỉnh về “ác nghiệp”
của sự phát triển đã qua, Schumacher, nhà kinh tế học Anh, giữa thập
niên 1970, đã đề nghị một mô hình "Kinh Tế Phật Giáo", một
mô hình kinh tế phi bạo lực, không bóc lột, song hợp tác với thiên
nhiên, dựa trên những nguyên tắc sinh thái lành mạnh và trên một nền
công nghiệp có khuôn mặt con người. Mô hình kinh tế này cổ võ con người
nên sống theo “chánh nghiệp”. Rất tiếc, đến nay chưa có Phật tử
nào triển khai áp dụng hoặc lấy đó làm bàn đạp suy nghĩ tiếp về một
đường hướng phát triển vừa hợp với những phạm trù và xu thế của
thời đại, vừa hợp với hoàn cảnh của đất nước và vừa hợp với
tinh thần Đạo Phật. Schumacher là một bậc trí tuệ lớn, một nhà tiên
tri của phong trào sinh thái từ hai thập niên qua.
Trong cùng trăn trở và nỗ lực
truy tầm một nội dung phát triển mới, không ngầm chứa đại họa cho nhân
loại, Meadows đã công bố năm 1972 “Phúc trình thứ nhất" cho
"Câu lạc bộ Rome" về "Những giới hạn của phát triển".
Phúc trình này đã được dịch ra 29 thứ tiếng, là tiếng chuông đầu tiên
vang dội khắp toàn cầu, đánh thức con người phải suy nghĩ lại và đặt
lại vấn đề phát triển. Tiếp theo đó “Global 2000" – "Phúc
trình lên tổng thống Mỹ" 1980, Mô hình Thế giới Brundtland 1987, v.v…
đã đề nghị những nội dung phát triển bền vững, không phá hoại những
cơ hội phát triển của thế hệ mai sau. Hội nghị Thượng đỉnh về quả
đất 1992 của 178 nước trên thế giới tại Rio de Janeiro, có thể xem như
là một cuộc tổng kết chung, với khẳng định rằng, để “phát triển
lâu bền”, phải “bảo vệ môi trường”.
Hội nghị thượng đỉnh Rio 1992,
tuy gặp phải nhiều ngờ vực và chỉ trích, song đó là một cố gắng lớn,
nhằm tạo khúc quanh mới cho sự phát triển bền vững gắn liền với bảo
vệ môi trường. Nó đã trở thành biểu tượng của một ý thức mới sự
hợp quần chung lãnh trách nhiệm xây dựng cho "một thế giới"
(xóa bỏ sự phân chia "thế giới thứ nhất", "thế giới thứ
hai" và "thế giới thứ ba").
Sự “phát triển lâu bền” được
quan niệm như là một sự phát triển nhằm thỏa mãn những nhu cầu cơ bản
về vật chất, tinh thần và văn hóa cho cả thế hệ hiện tại lẫn thế
hệ tương lai. Một mặt, nó đòi hỏi phải cải thiện những điều kiện
sống trên lãnh vực kinh tế và xã hội sao cho phù hợp với sự bảo tồn
tài nguyên thiên nhiên. Mặt khác, nó đòi hỏi một sự quan tâm và chịu
trách nhiệm chung về những vấn đề môi sinh, kinh tế, văn hóa và xã hội,
trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế. "Sự phát triển lâu bền"
được nhất thể hóa với "sự bảo vệ môi trường". Trong sự nhất
thể hóa này, nội dung của "sự phát triển lâu bền" bao gồm 4
điểm cơ bản:
- Đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của người
dân,
- San bằng hố sâu cách biệt giữa giàu nghèo và
hoàn cảnh xã hội,
- Bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên và
gìn giữ sự trong sạch của môi trường,
- Tạo những điều kiện tốt giúp con người nhận
thức được giá trị làm người, hiểu rõ được những vấn đề chung của
nhân loại và biết rõ những gì ưu tiên cần phải thực hiện trước,
cũng như giúp con người đạt được quyền tự quyết trong cộng đồng.
Về mặt “bảo vệ mội trường”,
chúng ta không thể hiểu một cách hạn hẹp rằng đó chỉ là chống ô nhiễm
không khí, đất đai, sông suối hoặc bảo vệ những loài hoang dại trước
sự diệt chủng. Nội dung của thuật ngữ môi trường, trên mặt xã hội,
được hiểu là hoàn cảnh của con người, của gia đình và của tập thể.
Về mặt không gian, môi trường là địa bàn, là khu vực sinh sống của
con người dù cho rộng hẹp như thế nào chăng nữa. Đó là những công
trình xây dựng. Đó là làng xã, huyện tỉnh, quốc gia và sinh quyển. Về
mặt sinh vật và sinh thái học, môi trường bao gồm giới vô sinh (đất,
nước, không khí) và hữu sinh (con người, giới động và thực vật). Bởi
vậy "bảo vệ môi trường", trên khía cạnh sinh thái, không chỉ
giới hạn trong mục tiêu bảo vệ thiên nhiên và quy hoạc cảnh quan. Nó
còn bao gồm mục tiêu làm thanh lịch quê hương, đất nước, các nơi giải
trí, du lịch và mạng lưới cây xanh trong thành phố. Về mặt vệ sinh và
công nghiệp, mục đích của "bảo vệ môi trường" bao gồm sự giữ
sạch môi trường không khí, nước và đất đai, cũng như xử lí rác và
những chất độc hóa học, làm giảm sự gay gắt của thời tiết và ngăn
ngừa các tia độc hại.
Để thực hiện “sự phát triển
lâu bền” gắn liền với “sự bảo vệ môi trường”, cần phải thi hành
triệt để hàng loạt biện pháp, chủ yếu là ổn định dân số, tăng hiệu
năng của sự sử dụng năng lượng, sử dụng năng lượng mặt trời và sức
gió, sử dụng tiết kiệm các nguồn nguyên liệu, ổn định hệ sinh thái
nông và lạm nghiệp, phân phối kỹ nghệ, giảm thiểu và xử lý ô nhiễm.
Về mặt tinh thần, con người phải thay đổi quan niệm đánh giá thiên
nhiên một cách hời hợt, nhất là phải thay đổi thói quen tiêu dùng.
Nội dung của quan niệm "phát
triển lâu bền" trong nhất thể với "bảo vệ môi trường" trên
đây, gặp gỡ rất nhiều điểm trong nội dung con đường sống Bi Trí Dũng
mà Đức Phật chỉ dạy cho những “ai khôn ngoan muốn tìm hạnh phúc và
ước mong sống với an lành". Nội dung này, một phần đã được mô tả
qua Kinh Từ Bi. Thiết nghĩ cũng nên ôn lại vài điều:
Thứ nhất, mục đích tối thượng
của con đường Bi Trí Dũng là “Đem an vui đến cho muôn loài".
"An vui" là ý nghĩa chân thật của cuộc sống. Ý nghĩa này không nằm
trong giàu sang, địa vị, quyền bính hoặc danh vọng. An vui chỉ đạt được,
khi ba điều kiện tối thiểu sau đây được thỏa mãn: đó là nhu cầu vật
chất tối thiểu được đáp ứng, đó là ô nhiễm, đe dọa và hiểm họa
của môi trường được tiêu trừ và tâm hồn được sung mãn với những
giá trị Chân Thiện Mỹ. Nhưng an vui không chỉ dành riêng cho con người mà
phải lan rộng đến "muôn loài", đến chúng sinh, đến tất cả mọi
tình thế.
Để phục vụ “muôn loài" trước
tiên phải đạt đến một trình độ nhận thức rất cao. Đó là sự thấy
rõ tính bình đẳng của sự sống và giá trị bình đẳng của sự sống
trong mọi sinh thể. Nền tảng của nhận thức này là sự hiểu biết rõ
ràng về đời sống và điều kiện sống của các sinh thể, về tác động
qua lại của chúng, về nguyên nhân và hệ quả thiện ác, đồng thời hoặc
dị thời của mạng lưới duyên sinh trong dòng sinh thành di diệt vô tận.
Kế tiếp là phải mở rộng con tim, một con tim biết thương yêu và quí trọng
sự sống tràn đầy khắp nơi nơi, bất luận trên địa bàn nào, tại sinh
cảnh và trú quán nào, dù "ở gần ta hoặc ở xa ta " (Kinh Từ
Bi), trên không, tại mặt đất, dưới đất, trong nước v.v…. (“Tầng
trên, phía dưới và khoảng giữa", Kinh Từ Bi, Thích Thiện Châu dịch
Việt).
Thứ hai, sự đem an vui đến cho muôn
loài đòi hỏi một ý thức về giá trị bình đẳng của sự sống xuyên
thấu thời gian, từ thế hệ này đến thế hệ khác (“Đã sinh rồi hoặc
sắp sinh ra", Kinh Từ Bi). Cuộc sống và sự phát triển của chúng ta
hôm nay, không thể cướp mất những điều kiện sống và cơ hội phát triển
của con cháu ngày mai, không thể để lại ô nhiễm và hiểm họa cho hậu
duệ và phó mặc chúng giải quyết như thế nào cũng được. Đạo Phật
đã không ngừng khuyên nhủ Phật tử phải thực hiện hạnh tinh tấn (Tứ
chánh cần): "Cố gắng tiêu trừ những điều ác đã sinh. Cố gắng
đè nén những điều ác có thể phát sinh. Cố gắng làm cho những điều
thiện phát sinh. Cố gắng phát huy điều thiện đã sinh". Tinh thần
là sức mạnh chuyển đổi bền bỉ, có khả năng tiêu trừ tiêu cực và
mang chất lượng của Chân Thiện Mỹ đến cho đời.
Thứ ba, sự đem an vui đến cho muôn
loài, đòi hỏi một quyết tâm nhận lấy trách nhiệm vì muôn loài. Trách
nhiệm này cần được thể hiện một cách rốt ráo, với tất cả con tim
và dũng lực của một bà mẹ thương đứa con duy nhất, “dám hy sinh bảo
vệ cho con” (Kinh Từ Bi).
Ba điều vừa nêu trên trong con đường
Bi Trí Dũng có thể giúp Phật tử chúng ta khỏi chạy quanh tìm kiếm những
nội dung và nguyên tắc hành động khác, hầu đóng góp tốt hơn cho đường
hướng phát triển lâu bền gắn liền với sự bảo vệ môi trường hiện
nay. Vấn đề còn lại là Phật tử có thể làm gì một cách cụ thể? Dĩ
nhiên mỗi người có thể tự tìm câu trả lời riêng và hành động thích
ứng với khả năng và hoàn cảnh của mình; song, Phật tử cũng có thể
chung nhau tìm những việc cụ thể vừa hợp với khế lý và khế cơ, vừa
có khả năng cổ động sự trợ lực của nhiều người. Sau đây xin nêu
vài gợi ý:
- Trước hết, mỗi người phải tự bắt đầu từ
bản thân trong cuộc sống hàng ngày. Đức Phật đã đề nghị trong Kinh Từ
Bi rằng Phật tử nên "sống giản dị", "vui với đời
giản dị". Cuộc sống giản dị giúp chúng ta giới hạn nhu cầu của
mình trong chừng mực cần thiết. Thói quen tiêu dùng và lòng ham thích xa
hoa là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài
nguyên bị khai thác và lạm dụng dữ dội, khiến cho nhiều nhân tố phục
vụ sự phát triển ngày mai bị mất đi. Sống thiểu dục và biết đủ,
theo lời Phật dạy, là đóng góp tích cực cho sự ổn định dân số, tiết
kiệm nguyên liệu và năng lượng và làm giảm sức ép vào môi trường và
các hệ sinh thái tự nhiên.
Sống giản dị không có nghĩa là sống
không có chất lượng. Chất lượng của Đạo Phật là "an vui",
thay vì tham lam "bận rộn"; là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay
vì thờ ơ giết hại, sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng
sinh; là hợp tác vì lợi ích chung ("đồng sự và lợi hành") thay
vì cạnh tranh giành giựt cho quyền lợi riêng; là siêu vượt mình để thể
nhập cuộc sống toàn diện, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên
nhiên.
- Quý vị tăng ni và cư sĩ quan tâm đến sự bảo
vệ môi trường, có thể tiếp tay trong các công tác giáo dục và gây ý thức
bảo vệ môi trường, hạn chế sinh đẻ, nâng cao vai trò phụ nữ để thúc
đẩy nhanh sự chuyển đổi thuận lợi cho hoàn cảnh chung v.v…. đặc biệt
là giúp Phật tử mở rộng kiến thức, phân biệt rõ đâu là lý luận do
tham sân si chi phối, đâu là hành động hợp với tinh thần Bi Trí Dũng
trong nghiệp vụ và sinh hoạt hàng ngày.
- Để đóng góp cụ thể cho sự bảo vệ môi trường,
đặc biệt trên khía cạnh bảo vệ cảnh quan và sinh cảnh (biotope), có thể
kiến tạo những cảnh chùa, tại nơi có mặt bằng thuận lợi, thành những
điểm cảnh quan thanh lịch. Ngoài cây cảnh, cây ăn quả, cần trồng thêm
một số cây rừng bản địa. Lý tưởng nhất là xây dựng nhiều tu viện
cạnh rừng ("Chùa Đại Tòng Lâm", "Chùa Lâm Viên"). Tại
đây, nhà chùa lãnh trách nhiệm bảo vệ rừng và biến cải rừng thành
khu bảo tồn thực và động vật hoang dã. Tại những vườn rau thuộc khuôn
viên chùa, nên thử nghiệm phương pháp trồng tỉa sinh học. Từ đó rút
kinh nghiệm đóng góp cho cơ hội chuyển đổi phương pháp canh tác dùng
quá nhiều phân hóa học và thuốc diệt sâu bọ. Ngày xưa, Đức Phật đã
động lòng thương xót những côn trùng quằn quại sau lưỡi cầy, thì
ngày nay, số người áp dụng phương pháp canh tác không đào quốc, tránh
giết hại sinh vật trong đất và tránh phá hủy trú quán của chúng của
chúng, ngày càng đông đảo.
- Quí vị tăng ni nên nên vận động Phật tử “trồng
cây phước đức”, “trồng cây trí đức” thay cho tục lệ “hái lộc”,
“bẻ lộc” hoặc cổ võ Phật tử đóng góp tiền cho việc xây dựng “chùa
lâm viên", vượt thêm một bước xa hơn sự bố thí tiền gạo hoặc
phóng sinh chim cá. Cũng có thể khuyến khích Phật tử xây dựng một môi
trường sống thanh lịch bằng cách làm "sạch và đẹp từ bàn thờ,
trong nhà, ra ngoài sân, đến đường đi và cùng khắp đất nước". Lòng
tôn kính Đức Phật, tình yêu quê hương nhờ đó phát triển mạnh mẽ hơn.
Cuộc phát triển vừa qua
không phải chỉ đem lại cho con người và quả đất toàn những thuận lợi.
Nó cũng gây ô nhiễm, làm hủy hoại thiên nhiên và để lại mầm mống hiểm
họa cho ngày mai. Nhiều học giả đã gọi đó là cuộc khủng hoảng sinh
thái. Nhưng, xưa nay thiên nhiên và môi trường vẫn im lặng, không hề la
hét phản đối bất cứ một sự gây ô nhiễm và đầu độc nào, không hề
đi biểu tình đòi quyền sinh tồn. Những tiếng kêu cấp bách "phải
đặt lại vấn đề phát triển”, “phải bảo vệ thiên nhiên và môi trường",
"đại họa” có thể xảy ra, “phải thay đổi thói quen tiêu
dùng", "phải chuyển đổi tư duy”… tất cả đều phát xuất từ
con người, từ mối âu lo cho sự tồn vong của con người. Ô nhiễm và hiểm
họa đều là hậu quả của tư duy và hoạt động của con người. Cuộc
khủng hoảng được gọi là "khủng hoảng sinh thái", thực chất
là cuộc khủng hoảng văn hóa và tâm linh, phát sinh từ Tham Sân Si của con
người. Đức Phật đã trao tặng cho Phật tử chúng ta vũ khí Bi Trí Dũng
để đối trị Tham Sân Si, để xây dựng nếp sống an vui, giải thoát cho
mình, cho người và cho muôn loài. Đạo Phật không ngừng gieo hạt giống
lành trong con tim và khối óc của Phật tử, không ngừng nhắc nhở Phật tử
phải Tinh Tấn. Nếu chúng ta tinh tấn vun rồng cây thiện, chắc chắn
chúng ta, nếu không hôm nay thì ngày mai, sẽ gặt hái cho mình, cho con cháu
mình và cho đời những quả thiện.