Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHẬT GIÁO TRONG THẾ KỶ MỚI
PHẬT LỊCH 2540 – GIAO ĐIỂM
Tuyển tập 1
***
NHỮNG ĐẠI PHÁP NẠN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
 Hồng Ngọc

 Viết bài cho tuyển tập "Phật Giáo Trong Thế Kỷ Mới" theo phương pháp Tứ Diệu Đế, như ban chủ trương Giao Điểm đề nghị, là một việc có phần khó cho tôi. Vì, trước hết, có một số vấn đề, lúc mô tả hiện tượng thì chính nó đã hàm chứa nguyên nhân tạo tác và cũng hé mở phương thức giải quyết rồi.

Thứ hai, có những sự kiện, cứ để chúng ẩn ẩn, hiện diện, hay qua bóng dáng mờ mờ ảo ảo sẽ làm cho đọc giả có óc suy tưởng và diễn dịch dồi dào hơn, và do đó sẽ có nhiều sáng kiến độc đáo cho các phương thức giải quyết. Tôi nghĩ như thế sẽ tốt đẹp hơn là nói thẳng, nói thực, nhiều lúc sẽ thiếu tế nhị và thiếu ái ngữ.

 Điểm cuối cùng là, dẫu cố gắng đến đâu nhưng nếu có vài ý, vài câu, vài đoạn không được đẹp cho lắm thì quí “đọc giả” cũng hiểu được rằng trong một thời đại mà quyền tự do ngôn luận được công nhận như một điều kiện phổ quát thì vài câu nói thì thào của tôi cũng chẳng lấy đó làm quan trọng, mà tốt hơn là nên suy nghĩ những điều trình bày ấy có đúng hay không. Một thí dụ cụ thể là, cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, Mc Namara, viết cả quyển sách nói rằng, trong cuộc chiến trước đây, Việt Nam là kẻ chính nghĩa và Hoa Kỳ là kẻ phi nghĩa. Nói như thế, nhưng ông cũng chẳng bị bỏ tù hoặc bị chụp mũ là Cộng Sản bao giờ.

 Với vài nhận định nêu trên, tôi viết bài góp ý ngắn này tùy theo ngòi bút đẩy đưa, nhớ gì viết đó. Và cũng chỉ viết được vài khía cạnh nhỏ của một số vấn đề. Trong cách nhìn có tính "ham hố" vì có quá nhiều điều muốn viết muốn nói nhưng chua thể thực hiện, nên chỉ nêu ra một số "hiện tượng" để từ đó hi vọng chúng ta sẽ có biện pháp sửa đổi.

    1. ĐẠI PHÁP NẠN TẠI HẢI NGOẠI

1. Người lãnh đạo không thể đi sau quần chúng

 Lúc bỏ nước ra đi từ năm 1975, đa số hàng tôn túc đều có mộng “lấp biển vá trời”, mang một hoài bão lớn lao cho một cuộc hành trình mới. Nhưng lúc được định cư một thời gian, các mộng ước lúc đầu dần dần trôi theo mây gió, mà nguyên nhân chính yếu là do hàng cư sĩ gây ra. Thay vì khuyến khích giúp đỡ tăng ni tu và học, các tín đồ đã góp tiền dựng lập chùa để có nơi tới lui học đạo, cầu an, cầu siêu, ký linh, ký tự. Đó là một việc làm cần thiết, nhưng lúc có chùa, đa số các hội viên đều bận rộn lo kế sinh nhai, nên tất cả từ việc lớn đến việc nhỏ đều phó thác cho vị trụ trì. Như thế, người Phật tử đã biến vị thầy của mình thành người "nô lệ" cho cái cơ sở vật chất ấy, không còn thì giờ để tu và học thêm, ngay cả thiếu thì giờ để đọc sách, báo bằng Việt ngữ chứ chưa nói đến ngoại ngữ, hay học một môn ngoại điển nào, mà một người sống trên một quốc gia khác, nên biết ít nhiều ngôn ngữ của họ để giao thiệp.

 Hậu quả của vấn đề là, hơn 20 năm qua ở hải ngoại, trong lúc xã hội ngày càng phát triển, kiến thức con người ngày càng mở rộng, thì một số ít các vị lãnh đạo của chúng ta chỉ sử dụng mớ kiến thức học được từ trước năm 1975, mà nhiều lúc, có những điều hay, học được thì đã quên bớt, và có cái đã lỗi thời thì không biết để bỏ đi. Như thế, người Phật tử đã vô tình biến người lãnh đạo của mình tụt hậu, đi sau quần chúng, làm sao lãnh đạo có kết quả tốt được.

 Có người sẽ lý luận rằng, đức Khổng Tử, Phật Thích Ca đâu có học nhiều đâu mà cũng được tán tụng là vạn thế sư biểu, cũng được xưng hô là thiên nhân chi đạo sư. Có thể nói rằng, hầu hết chúng ta không phải là Khổng Tử và chỉ là Phật sẽ thành. Do đó, trong xã hội ngày nay, đòi hỏi người lãnh đạo trước hết phải có tu và thứ đến là phải có học. Nếu sở học, nhất là phần nội điển thấp hơn quần chúng làm sao lãnh đạo được quần chúng.

 Trong lãnh vực Gia Đình Phật Tử (GĐPT) cũng thế. Các huynh trưởng kỳ cựu là những người rất tốt, gần suốt cuộc đời xã thân vì lý tưởng GĐPT, sống chết vì đạo, nhất là qua các thời kỳ nhiễu nhương của thế sự nhân tâm. Nhưng hoàn cảnh xã hội và trình độ nhận thức của thế hệ trẻ ngày nay, đòi hỏi thành phần huynh trưởng kỳ cựu phải cập nhật hóa tư tưởng của mình, chương trình và phương pháp sinh hoạt cũng phải đổi mới cho thích hợp với thời đại tân tiến. Thí dụ, thời xưa, lúc khoa học còn thô sơ, con người phải dùng đến các tín hiệu để liên lạc với nhau, nhưng ngày nay, với điện thoại cầm tay không cần dây (cordless), chúng ta có thể liên lạc được với nhau một cách dễ dàng ngay cả giữa cảnh núi rừng hoang dã. Một bản tin quan trọng cách xa vạn dặm, từ Úc gởi qua Hoa Kỳ, chẳng hạn, chỉ cần vài phút là có thể gửi bằng máy fax, đâu cần phải thổi còi, phất cờ tín hiệu. Đây là một thí dụ trong muôn ngàn vấn đề cần phải cải đổi để phát triển và tồn tại còn không thì GĐPT chỉ còn là các lớp Việt ngữ, hoặc nơi gặp gỡ của giới trẻ với lứa tuổi dưới 18 mà thôi, vì lúc lên đại học, các đoàn sinh này cảm thấy GĐPT không phải là môi trường để họ có được những tiếp thu mới, và người huynh trưởng của họ về khả năng không làm cho họ học thêm được nhiều điều cần thiết. Bởi thế, chúng ta thấy, tại các đô thị, sự sút giảm số lượng đoàn sinh GĐPT có trình độ đại học. Nói rõ hơn, lúc vào đại học, có nhiều em thiếu niên thiếu nữ không còn tiếp tục đến với GĐPT nữa, mà nguyên nhân chính là nơi đây không còn cung ứng cho họ một số kiến thức mới như lúc còn là đoàn sinh oanh vũ.

 Tại chùa của H.T. Thích Đức Niệm miền Nam California, tháng 11, 1981, sau đám tang của huynh trưởng Phan Bản Cẩn, tôi có trình bày tình trạng này với một số anh chị em huynh trưởng cao cấp như anh Nguyễn Hữu Liêm (hiện tại là luật sư, ở San Jose, California), nhưng có lẽ quá sớm đối với nhiều vị ngoại trừ anh Nguyễn Hữu Liêm.

 2. Nạn lạm phát chùa chiền

 Lúc người Phật tử trong nước đọc báo thấy người Việt hải ngoại lập được hơn 250 cảnh chùa. Họ nghĩ rằng tất cả các chùa đều có mái cong, có rồng, có phụng, có trúc, có mai, với cảnh trí u huyền lưng lưng thoát tục, nhưng thực tế không phải vậy. Hiện nay có khoảng trên 20 chùa xây cất có quy củ, số còn lại chỉ là một căn nhà nhỏ (và nhiều vùng cũng chỉ nên có như vậy thôi) với giá tiền mua khoảng dưới 100.000 Mỹ kim. Trả trước 20.000 (hai chục ngàn), số còn lại trả góp khoảng 30 năm, mỗi tháng khoảng 600 Mỹ kim, tiền lời 8% mỗi năm. Nếu trả không được ngân hàng sẽ tịch thu. Do đó, tháng nào vị trụ trì cũng lo nghĩ xoay sở cho đủ tiền trả nợ hàng tháng. Đó là chưa kể tiền điện, điện thoại, nước, gas (chất đốt), thuế và tiền bảo trì. Cũng có chùa, cơ sở nhỏ, nội dung sinh hoạt chưa có tầm cỡ, nhưng dùng danh từ hơi lớn hơn như Quốc Tế, Thế Giới… Danh và Thực chưa phải là một cặp xứng đôi.

 Mặc dầu khó khăn về tài chánh, nhưng nhiều nơi làm chùa không phải vì nhu cầu tín ngưỡng mà vi nhu cầu cá nhân. Có vài người làm chùa cũng để thỏa mãn cái ngã hơn là vì nhu cầu thực tế. Vì thế, có nơi, chùa cách nhau chỉ vài con đường mà số lượng tín đồ quá ít không phải có nhiều chùa như thế. Đó là chưa kể khoảng chừng 15 đến 20 năm nữa là tối đa, chùa sẽ không có bổn đạo, vì số Phật tử lớn tuổi đã qua đời, lớp trẻ thì ít đến vì nhiều lý do: ngôn ngữ bất đồng, thầy nói tiếng Việt mà Phật tử của thế hệ mới đa phần nói tiếng Anh, tiếng Pháp…, trình độ văn hóa chênh lệch, cách tổ chức và nghi lễ không đáp ứng với lối nhìn của thời đại. Đó là chưa nói đến đa số Phật tử ngoại quốc (gốc không phải là người Việt) lại là thành phần hoàn toàn bất đồng ngôn ngữ với nhiều vị thầy của Phật Giáo Việt Nam ở nước ngoài. Hơn 50 năm trước đây, người Nhật phần lớn ở Hạ Uy Di (Hawaii), và người Hoa tại California đã đi con đường mà Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại đang nhầm lẫn ngày hôm nay. Kết quả là, hàng trăm ngôi chùa của hai cộng đồng Phật tử này bị xoá tên trên bản đồ Mỹ Quốc. Hoặc có vài chùa đồ sộ còn lại tại các đảo ở Hawaii, nhưng chỉ để làm cảnh trí cho khách du lịch hơn là chốn thanh quy tu học như trước đây. Rất tiếc, các gương trước mắt ấy, nhưng nhiều người Phật tử chúng ta không học được bài học đích đáng nào, mà cứ vẫn đi vào con đường thất bại của hai cộng đồng Nhật và Hoa nói trên. Tình trạng này, tôi cũng đã có dịp báo động trong buổi họp thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ năm 1980 tại Thiền Viện, số 928 S. New Hampshire, Los Angeles, California, USA, do cố H.T. Thiên Ân làm viện trưởng.

 Nếu nhìn vào lịch sử truyền bá Phật Giáo của các vị tổ sư Ấn Độ và Trung Hoa vào Giao Châu trong các thế kỷ trước, và các vị sư đem đạo Phật Việt Nam vào cộng đồng phương Tây ngày nay, chúng ta rất lấy làm tiếc, nhưng cơ hội vẫn còn, nếu hàng Phật tử xuất gia và tại gia ý thức được vấn đề và có chương trình cụ thể.

 Một con số ước lượng là, Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại mỗi năm phải tốn mất 6 triệu Mỹ kim (mỗi chùa tốn 2 ngànMỹ kim mỗi tháng, 250 chùa, nhân cho 12 tháng) để duy trì và trả nợ tiền mượn ngân hàng mua nhà làm chùa. Nếu số lượng 250 "ngôi" chùa giảm xuống chỉ còn một nửa thì Phật Giáo Việt Nam có thể dành được 3 triệu Mỹ kim mỗi năm để phát triển Phật Giáo trong nước và hải ngoại. Đó là chưa nói đến số lượng còn lại một nửa này (125 ngôi chùa), nếu không có lối truyền đạo nhắm vào người bản xứ, như các vị tổ sư Ấn Độ và Trung Hoa sang Việt Nam trong các thế kỷ trước, thì số chùa còn lại này sẽ bị vắng bóng tại hải ngoại như đã trình bày ở trên.

 Do đó, người Phật tử cúng đường tiền làm chùa thế nào để chánh pháp của đức Như Lai được lưu truyền, chứ không nên thiếu cân nhắc để như đem muối bỏ biển, có thể không được phước mà còn thêm tội, và người có trách nhiệm nên làm thế nào để pháp Lục hòa của Phật được áp dụng, tránh bớt một số việc làm không cần thiết.

 3. Phe ta đánh phe mình

 Một cách tổng quát, tương đối hơn 20 năm qua các giáo phái Tin Lành Việt Nam tại hải ngoại hầu như không làm chính trị, nói rõ hơn là không chống Cộng. Do đó, hiện nay họ truyền đạo rất dễ tại Việt Nam, không ai để ý hoặc nghi ngờ. Trong khi đó cũng có tôn giáo không còn chống Cộng như trước, mà chuyển qua chiến lược ném đá dấu tay tinh vi hơn, xúi dục kẻ khác chống Cộng giùm để tạo áp lực trong nước.

 ề phía Phật Giáo, thì một số đã trúng kế, múc nước cho kẻ khác rửa chân mà cứ tưởng rằng mình là kẻ "anh hùng chống Cộng". Một cách khách quan, có thể nói được rằng, vài vị trong hàng tôn túc, mấy năm qua làm quá nhiều về những công việc mà họ có kinh nghiệm quá ít. Bỏ sở trường, làm sở đoản. Sở trường của quí ngài là tu, học, làm tấm gương đạo hạnh cho thiên hạ soi chung. Nói như giáo sư Cao Huy Thuần "có tu thì có tất cả", không tu thì mồ mả và nhang khói chẳng còn (HN). Nhưng buồn thay, một vài vị chống Cộng có tính hung hăng, mất tư cách, không nghiên cứu tường tận để biết cái nào nên chống cái nào nên bênh, nếu chống thì chống cách nào, bênh thì nên bênh ai bỏ ai, bênh cái đúng, chống cái sai. Chứ không thể làm chính trị theo kiểu con bò rừng, cứ thấy màu đỏ là húc. Mà điển hình là H.T. Thanh Từ, T.T. Khế Chơn, T.T. Phước Trí bị mấy thầy chụp cho cái mũ là Cộng Sản, là tôn giáo vận. Cũng như nhiều năm trước đây có hai, ba thầy ra thông báo lên án chụp mũ H.T. Trí Thủ và H.T. Đôn Hậu nhưng vài tháng sau đó chính mấy vị này lại cử hành lễ truy điệu. Có thể nói rằng, có vài người lợi dụng chiêu bài chống Cộng để chống nhau, tạo sự chia rẽ trong hàng tôn túc, tạo hố sâu giữa Phật tử trong và ngoài nước để có lợi cho ngoại nhân. Chống Cộng thiếu ý thức đã xé nát tập thể tăng tín đồ ra nhiều mảnh.

 Nếu để ý vào các vị "anh hùng chống cộng" này chúng ta sẽ thấy. Lần đại hội Thanh Niên Thiên Chúa Giáo tại Denver, Colorado, Hoa Kỳ bốn năm trước đây, có treo cờ đỏ sao vàng (để lấy lòng), nhưng chúng ta không thấy mấy vị "anh hùng" này chống. Hoặc có nhiều chức sắc Thiên Chúa Giáo từ Việt Nam ra quyên góp tiền tại các nhà thờ ở hải ngoại, chúng ta cũng không thấy mấy "anh hùng" nêu trên ra tuyên cáo chống mà chỉ thấy tình trạng phe ta chống phá phe mình. Đó là chưa kể một số viên chức trong một giáo hội hiện nay giả vờ chống Cộng để che đậy việc buôn bán đầu tư tại Việt Nam, hoặc có vị soạn “kế hoạch kinh tế” du lịch để đầu tư trong nước. Đưa ra hai dẫn chứng này, tôi không hàm ý chụp mũ hai vị là Cộng Sản, nhưng để cho thấy cái mâu thuẫn của vấn đề và cái khó của tình thế. Cũng có một vị khác trong hàng tôn túc hiện đang có chức vụ trong giáo hội, bị dư luận nghi rằng CIA đã móc nối, vì lúc tị nạn trong trại, chỉ ở lại có ba ngày thì được bốc ra ngay, mà không cần qua các thủ tục và qui chế của người tị nạn.

 Nếu ai không chống Cộng, thì bị vài tờ báo có khuynh hướng TCG chụp mũ là Cộng Sản, người đó phải viết bài chống Cộng để minh oan. Như thế, là trúng kế thêm một lần nữa. Thí dụ, hồi tháng 6, 1996, tại Colorado, một bài báo ký tên là Bạch Long đăng trong bản tin Chiến Hữu. Bái viết nói rằng Phật Giáo chống Cộng cò mồi, chống giả hiệu, H.T. Huyền Quang là tên Công Sản. Vì từ đầu năm 1996, GHPGVNTNHN tại Hoa Kỳ không chống Cộng hăng như trước. Lời lẽ của bài viết rất thiếu văn hóa, đáng lý ra, tự nó đã cho thấy giá trị của bài viết như thế nào rồi. Nhưng ngày 10.7.1996, thấy có bức thư của chùa Như Lai viết lên án Cộng Sản để minh oan.

 Người Phật tử rất đau lòng lúc thấy vài đài phát thanh và truyền hình thân TCG (như đài Little Saigon tại quận Cam) không phỏng vấn những vị tôn túc có đạo cao đức trọng, có tầm nhìn xa thấy rộng nhưng thường thấy họ phỏng vấn một vài vị mà tác phong còn thấp kém và kiến thức thì giới hạn, để làm cho thính giả khán giả dèm pha. Tệ hại hơn, là vài vị trong số này lại thích xuất hiện trên đài.

 Bỏ sở trường, làm sở đoản, đi từ trúng kế này đến mắc mưu khác. Tâm của các vị nói đây rất tốt, nhưng sở trường về chính trị muôn mặt quá thô thiển, không biết áp dụng khế lý khế cơ chuyển phát luân vào thời đại mới. Việc làm thiếu nghiên cứu tường tận của vài vị này rất nguy hiểm cho Phật Giáo.

 4. Phật giáo chưa có tầm vóc, vì đệ tử Phật chỉ còn một chúng

 Lúc Phật chuyển pháp luân 26 thế kỷ trước đệ tử của ngài có bốn chúng: tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc (nam cư sĩ), ưu bà di (nữ cư sĩ). Qua các thời đại, Phật Giáo thịnh hành như thời vua A Dục tại Ấn Độ, thời nhà Đường tại Trung Hoa, và thời Lý Trần tại Việt Nam, đệ tử Phật cũng còn bốn chúng hỗ trợ, tương tác lẫn nhau để truyền trì chánh pháp. Nhưng tại Việt Nam, nhất là sau 1963, vì thời cuộc nhiễu nhương, Phật Giáo đi vào con đường tục đế hơn thánh đế, nạn lạm dụng quyền hành, lợi dụng danh nghĩa của một thiểu số cư sĩ để tiến thân, nhất là qua các thời kỳ ứng cử bầu cử. Do đó, các tổ chức giáo hội rất thận trọng trong việc mời một số cư sĩ có khả năng đảm đương công việc của giáo hội. Tuy nhiên, cũng có một số quý thầy trong vài tổ chức Phật Giáo trong cũng như ngoài nước, thấy mấy ông cư sĩ "khó bảo", nên bao quát tất cả các chức vụ ngay cả các công việc mà hàng tăng giới thiếu kinh nghiệm, như vấn đề chính trị, kinh tế và ngoại giao. Có nơi, hình ảnh của cư sĩ trong giáo hội là chỉ để "làm kiểng" hơn là cộng tác chia xẻ các trọng trách. Một vài tổ chức giáo hội hiện nay, trong nước cũng như hải ngoại, thậm chí có nhiều vị tăng cũng như tục nhận chức vụ, nhưng suốt một nhiệm kỳ (vài năm) công việc cũng chẳng thấy thực hiện được bao nhiêu điều đã được giao phó. Nhưng đến kỳ đại hội, cũng thấy có những bản tường trình "ngoạn mục", những bài diễn văn "nảy lửa" mà nội dung và kết quả thì còn khiêm tốn.

 Vì thế, Phật Giáo cần phải điều chỉnh phương pháp tổ chức, sử dụng nhân sự đúng khả năng, qui định và theo dõi các chường trình đã đề xuất. Phật tử tại gia phải qui kính tam bảo, thực sự hộ trì chánh pháp. Bốn chúng đệ tử của Phật lúc nào cũng phối hợp chặc chẽ bổ túc cho nhau để bước vào thế kỷ mới.

      1. ĐẠI PHÁP NẠN TRONG NƯỚC

Lúc gặp vài vị trong giáo hội nói rằng Phật Giáo tại Việt Nam gặp đại pháp nạn, tôi thăm hỏi quan điểm của các đại pháp nạn. Có vị đã trả lời tiền hậu bất nhất, rất xa rời với hiện thực. Tôi có đề nghị nên về Việt Nam để điều nghiên vấn đề tường tận, không nên phỏng đoán tình hình và phản ứng theo cảm tính. Trăm nghe không bằng một thấy. Đối với Phật tử trong nước cũng thế, không nên có tinh thần trọng ngoại, vọng ngoại rất sai lầm. Không phải cái gì có nhãn hiệu nước ngoài là đều tốt đẹp cả. Có điều mà chúng ta không thể tưởng tượng nổi, nhưng có thật, như cuộc thăm dò khoa học cho thấy trên 50% thế hệ trưởng thành của người Hoa Kỳ không biết quả đất quay quanh mặt trời, mỗi năm một lần, vì kinh thánh dạy rằng quả đất phẳng, có cột trụ chống đỡ do Chúa tạo ra, đứng yên một chỗ, mặt trời quay quanh quả đất, nên họ bị ám ảnh từ nhỏ đến lớn (Xin xem cuốn Ki Tô Giáo, Từ Thực Chất Đến Huyền Thoại, và báo West Coast Times, 24.05.1996). Thí dụ: Pháp Quốc là trưởng nữ của tòa thánh Vatican, nhưng hiện nay có 5% Phật Giáo, 6% Tin Lành (theo tuần báo Mai California) và chỉ có khoảng 15% Thiên Chúa còn thực hành tín ngưỡng (in a traditional Roman Catholic country where only about 15% actively practice their faith, Los Angeles Times, Friday, 20.09.1996).

Tóm lại, vì thiếu nghiên cứu tường tận vấn đề, nên bên trong nạn nhân của bên ngoài, bên ngoài nạn nhân của bên trong, vấn đề có phần lệch lạc thiếu chính xác. Nói vậy, tôi không có ý cho rằng các vần đề đều sai mà có cái đúng. Nhưng nên biết cái nào đúng cái nào sai. Nên nhìn vấn đề trong tương quan tương duyên của khế cơ khế lý. Thực tế, Phật Giáo Việt Nam có mấy đại pháp nạn mà phần lớn là tại hải ngoại như đã nêu trên, và sau đây là vài pháp nạn trong nước.

  1. Nạn tăng ni lạm phát, lượng cao, phẩm thấp
  2. Sau 1975, số lượng tăng ni trẻ tại Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhất là những năm gần đây, số Phật tử trẻ xuất gia đông đảo do vài nguyên nhân chính sau đây:

    Lúc thâm hiểu được phần nào giáo lý căn bản của Phật, hàng cư sĩ phát nguyện xuất gia để truyền trì chánh pháp, đem lại lợi ích cho quần sanh. Với cái sơ tâm xuất gia mạnh mẽ, ấp ủ trong lòng hoài bão cao quý ấy, nếu được giáo dưỡng đúng mức, thành phần đông đảo quý hóa này sẽ trở thành những bậc trưởng tử lỗi lạc của đức Như Lai, nắm giữ mạng mạch của Phật Giáo. Bên cạnh những tâm hồn quí báu ấy, cũng có một số rất ít vì hoàn cảnh kinh tế, hoặc vài lý do cá biệt khác nên muốn xa lìa cuộc đời trần thế. Dẫu động cơ nào đưa người Phật tử đến cửa Phật, mà nếu duyên may gặp được vị bổn sư chỉ dạy có phương pháp, gặp được môi trường đào tạo hữu hiệu, thì hàng sơ tâm xuất gia này sẽ là những viên ngọc quí cho Phật Giáo.

    Rất tiếc, một số ít quí vị trụ trì đã nhận chúng xuất gia thiếu cân nhắc, và thiếu nhiều phương diện. Một số ít trường Phật học lại thiếu các vị giáo thọ tài ba, và thiếu phương pháp sư phạm hiện đại, nên vấn đề tu và học của tăng ni thiếu hẳn chất lượng. Nhiều lớp học, mang nặng không khí buồn tẻ, chán nản, kéo dài nhiều năm nhưng kết quả không được như ý muốn. Thí dụ, cuốn kinh Tứ Thập Nhị Chương (có 42 chương rất ngắn), thay vì chỉ dạy mất 10 giờ là xong, có trường, thầy dạy mất từ bốn đến sáu tháng. Nếu tình trạng này không cải tiến kịp thời, thì đó là một đại pháp nạn cho tiền đồ Phật Giáo, vì số lượng tăng ni quá lớn mà phẩm chất vẫn còn khiêm tốn. Chôn vùi thời gian nhiều năm, trong trường lớp, nhưng kết quả thu thập thì còn quá ít.

    Nếu người xuất gia có đạo hạnh kém, kiến thức thô thiển, nhất là về Phật pháp, sẽ làm cho tín đồ ối đố dèm pha, thiếu kính trọng và người ngoài khai thác. Hệ quả của vấn đề là, thay vì quy y Phật Pháp Tăng, tín đồ sẽ quy y với ngoại đạo tà giáo. Tình trạng này không những ảnh hưởng tai hại cho cơ đồ Phật Giáo mà còn làm lung lay nền tảng đạo đức của quốc gia xã hội. Đây cũng là quốc nạn, nguyên nhân do pháp nạn nói trên. Một hôm viếng thăm ngôi chùa tại Long Thành, tỉnh Đồng Nai, tôi thấy số lượng quí chú mới xuất gia tăng từ bốn vị năm 1991, đến 42 vị năm 1995. Tôi phát biểu nửa đùa, nửa thật với vị trụ trì, cũng là chỗ quen thân, rằng thầy nhận người xuất gia quá nhiều là thầy phá Phật Giáo. Vị thầy hiền lành, cẩn trọng hỏi lý do. Tôi kính cẩn thưa rằng, một vị trụ trì lúc thu nhận người xuất gia phải có ba điều kiện tối thiểu:

    Một, có cơm áo để nuôi, nếu phải dùng phần lớn thì giờ để làm rẫy canh tác cho cuộc sống thì không có thì giờ để tu và học. Hai, phải có phương tiện để học cả nội điển lẫn ngoại điển. Ba, thầy phải có thì giờ để hướng dẫn đời sống nội tâm. Kinh nghiệm đời cho thấy, đa số con cái của các gia đình người Hoa (hay thành phần có cửa hàng buôn bán) rất hư hỏng. Vì cha mẹ lo buôn bán, con do người giúp việc nuôi và giáo dục trực tiếp. Như thế, người ở đóng vai làm cha làm mẹ và làm thầy giáo của các đứa bé. Điều đó cho thấy thì giờ cha mẹ dành cho con cũng như thì giờ thầy dành cho đệ tử rất cần thiết, ảnh hưởng đến tư tưởng và nếp sống của thành phần son trẻ.

    Nếu thiếu ba điều kiện cần thiết nêu trên, một số đệ tử lớn lên, có thể sẽ trở thành hiện tượng mà tôi vô phép gọi là "Đường đường tăng tướng, dung mạo khả nghi” thì rất đại họa cho Phật Giáo. Một cư sĩ lúc có hành động thiếu “đạo đức” chỉ mang tiếng cho một gia đình. Nhưng một vị tu sĩ mô phạm thiếu hạnh, sẽ mang tiếng cho cả một tập thể.

    Người Phật tử được dạy rằng “y pháp bất y nhân” nhưng bên cạnh đó, họ cũng được giáo huấn “tăng đáo cũng như Phật Lai”, xem thầy như vị Phật sống. Nếu niềm tin hay thần tượng của họ bị sụp đổ thì cả vũ trụ trong lòng họ cũng sẽ đổ theo. Nói như ý của một triết gia, con người trụy lạc trong dục vọng, còn mất mát ít hơn là mất mát sự tin tưởng say sưa trong lòng họ.

  3. Chưa có một chương trình thiết thực đối với các Phật tử xa đô thị

Nếu tại hải ngoại có vài nơi làm chùa không phải do nhu cầu tín ngưỡng mà vì nhu cầu cá nhân, thì ở trong nước cũng có vài nơi như thế. Một số tăng ni có đệ tử hay thân nhân ở nước ngoài, nên việc quyên góp tiền làm chùa hay tu bổ, nhiều lúc, trở nên một phong trào. Nhưng rất tiếc, là phong trào này chỉ chú trọng đến các tỉnh và đô thị lớn, còn các chùa làng, các nơi hẻo lánh xa thành phố rất ít được quan tâm, nhất là tại Bắc Việt, nơi đó tình trạng bị chiến tranh lâu năm và số người vược biên lại quá ít, nên sự cúng đường đóng góp của Phật tử nước ngoài, so với miền Trung và Nam, quả tình là quá cách biệt. Lục Tổ Huệ Năng dạy, Phật vô nam bắc, nhưng nhiều Phật tử Việt kiều chúng ta thích giúp tại địa phương mình hơn là các nơi khác. Vì thế Phật Giáo miền Bắc ít phát triển về mọi mặt.

Tình trạng lập chùa mới, tu bổ chùa cũ thiếu sự phối trí đồng đều, thì thành phần nhân sự cũng không kém phần trở ngại. Số lượng tăng ni tại Việt Nam trên 20 ngàn, nhưng có được bao nhiêu vị đủ trình độ để làm trụ trì và giảng sư. Có được bao nhiêu vị chịu dấn thân đi đến các vùng quê để thuyết pháp độ sinh. Nhiều quận, xã thôn, 10 năm chưa thấy được bóng dáng một vị sư trong các buổi trong các buổi lễ, còn tại đô thị thì tình trạng tấp nập với những chiếc áo nâu, áo vàng tung bay phất phới.

      1. VÀI GÓP Ý CẢI THIỆN

Để cải thiện các khuyết điểm nêu trên, tôi xin đề nghị vài ý kiến thô thiển.

  1. Tùy theo nhu cầu tín ngưỡng, phương tiện tài chánh, số lượng tín đồ và hoàn cảnh kinh tế của quần chúng địa phương, để giới hạn hoặc gia tăng số lượng xây chùa mới, sửa chùa cũ. Phật Giáo là một tôn giáo đem vui cứu khổ, do đó, không nên làm những ngôi chùa quá nguy nga đồ sộ trước sự nghèo đói của quần chúng, và kêu gọi tín đồ cúng đường đóng góp quá nhiều hoặc làm chùa dư thừa như một vài nơi tại hải ngoại. Số lượng chùa thì nhiều nhưng chẳng có bao nhiêu cái đáng giá.
  2. Phải có tiêu chuẩn tối thiểu về cơ sở vật chất, tài chánh và thì giờ của một vị trụ trì lúc thu nhận đệ tử mới, phải trắc nghiệm, tập sự một thời gian trước lúc cho xuống tóc.
  3. Mở các khóa tu huấn cấp tốc và định kỳ, để bồi dưỡng kiến thức sư phạm mới cho quí vị giáo sư, giáo thọ của các trường Phật Học.
  4. Mở khóa giảng dạy bằng phương pháp hiện đại, đào luyện cấp tốc hoặc tu huấn cho quý vị trụ trì và giảng sư để cung ứng cho nhu cầu phát triển Phật Giáo và thăng tiến quốc gia trong thời đại mới. Nếu không có các khoá huấn luyện tu học thì như đẩy người ra khơi mà không cung cấp hành trang.
  5. Mở lớp học hàm thụ cho các cư sĩ nhất là các vùng xa đô thị.
  6. Muốn phát triển mạnh, hài hòa, không gây đàm tiếu, Phật Giáo Việt Nam trong và ngoài nước có nên suy nghĩ một dòng tu mới bên cạnh dòng thanh tịnh xuất gia hiện có? Dòng này đặt tên là dòng Pháp Sư (Dharma teacher) hay nói nôm na là thầy giảng đạo như mục sư Tin Lành. Dòng pháp sư có quyền lập gia đình, giới luật, nhiệm vụ và y phục khác với giới thanh tịnh, xuất gia. Thật ra đây không phải là điều mới mẻ. Nếu đọc sử Phật Giáo đời Trần, chúng ta thấy, vua Trần Nhân Tông, sư tổ phái Trúc Lâm, không những gọi ngài Tuệ Trung là pháp sư mà xưng tụng là Thượng Sĩ (tức là Bồ Tát) mặc dầu ngài Tuệ Trung có gia đình vợ con. Phật giáo Nhật Bản mạnh, nhờ có sự cải cách. Nhiều vị thiền sư nổi tiếng của một môn phái thiền tại Nhật có gia đình, mà điển hình là thiền sư Suzuki, đạo hạnh và tư tưởng của ngài nhất là bộ Thiền Luận đã dẫn hàng triệu người trí thức Tây Phương đến với đạo Phật. Hiện nay, Phật Giáo Tích Lan (tiểu thừa) tại Hoa Kỳ đang có khóa huấn luyện khoảng trên 20 vị pháp sư, và sư bà Karuna, đệ tử của cố H.T. Thiên Ân cũng làm lễ thọ giới cho vài vị (nam) pháp sư người Hoa Kỳ tại Los Angeles, California.
  7. Đây là một gợi ý mới mẻ đối với Phật tử Việt Nam trong nước, nhưng thời đại cũng cho thấy, cần phải uyển chuyển hợp khế lý khế cơ. Ai có thể thanh tịnh xuất gia càng quí, tấm gương mô phạm muôn đời, nhưng nếu không được trọn vẹn thì nên công khai. Và vị nào từ hàng cư sĩ vào thọ giới và theo dòng pháp sư một thời gian, nếu cảm thấy có thể thanh qui phạm hạnh được, thì giáo hội sẽ làm lễ thọ giới để tiến lên hàng thanh tịnh xuất gia. Như thế, còn hơn là một vài chú mới xuất gia vài năm, nằm trong thế kẹt, tiến thối lưỡng nan. Nếu không có lối thoát đã dự liệu, Phật giáo sẽ gặp trở ngại lớn.

  8. Phật tử tại gia trong và ngoài nước nên qui kính Tam Bảo nhiều hơn nữa, xóa bỏ tất cả các dị biệt, nếu có, từ trước, tham gia tích cực vào các cương trình hoằng dương Phật pháp vào thời đại. Ủng hộ các chương trình bổ ích, cụ thể, từ chối tham gia các công tác Phật sự thiếu nghiên cứu và không thích hợp với khế lý khế cơ mà Phật đã dạy.
  9. Hải ngoại có khoảng gần một triệu Phật tử, nếu tất cả đều ý thức được vấn đề, nỗ lực và tích cực, thường xuyên mỗi năm, mỗi người đóng góp một Mỹ Kim (tổng cộng 1 triệu Mỹ kim mỗi năm) cho bảy chương trình trên. Như thế, Phật Giáo Việt Nam mới có tầm vóc để góp phần vào việc làm tốt đời, đẹp đạo.

  10. Điều kiện của một giáo hội mạnh theo kiểu tôn giáo Tây Phương: Ki Tô Giáo (Thiên Chúa và Tin Lành) mạnh nhờ áp dụng năm điều kiện sau: Huấn luyện, Tổ chức, Đoàn kết, Có tiền, Cuồng tín. Đưa ra năm điều kiện trên, tôi không hàm ý là Phật Giáo muốn mạnh thì phải bắt chước kẻ khác như những việc mà họ đã và đang làm:
    • Dẫn đường hoặc oa rập với các phong trào chiếm thuộc địa trước đây để có tiền
    • Dùng sự hăm dọa như Chúa đày địa ngục, hoặc “tẩy não" để tín đồ trở nên cuồng tín ngu muội cho dễ bảo,
    • Lúc đầu, giúp đỡ, nhưng sau khi đã tẩy não thì bảo phải đóng 10% lợi tức hàng tháng vào nhà thờ, nếu không "Chúa sẽ đày xuống địa ngục"(nhiều giáo phái Tin Lành ở Mỹ áp dụng).

Thời đại này, họ áp dụng con đường xâm chiếm lãnh thổ qua cuốn kinh Thánh và qua lá phiếu. Chúng ta hãy nghe lời phát biểu thấm thía của vị lãnh giãi thưởng Nobel về hòa bình năm 1984 là giám mục Desmond Tutu, đã than thở cho số phận các nước Phi Châu của ông như sau:

"Chúng tôi có đất, các giáo sĩ có cuốn Kinh Thánh. Chúng tôi tin họ và cầu nguyện với cuốn Kinh Thánh trong tay và hai mắt nhắm lại. Lúc mở mắt, chúng tôi có cuốn Kinh Thánh còn các giáo sĩ có tất cả đất đai của chúng tôi”. (We have our lands and they came with their Bible. We believe in them and we pray with the Bible in our hands and our eyes closed. When we open our eyes, we have the Bible and they have our lands. Trích trong cuốn Tại Sao Không Theo Đạo Chúa trang 189, 1994).

Ngoài ra một vài tổ chức có tính tôn giáo áp dụng sáu kế hoạch dài hạn và ngắn hạn như sau:

    1. Ném đá dấu tay, xúi dục kẻ khác chống Cộng để tạo mậu thuẫn. Mà tiếc thay nhiều người bị trúng kế, dọn cỗ cho họ xơi.
    2. Dùng phương tiện ngoại giao cấp cao làm giảm thiểu căng thẳng giữa đôi bên để bành trướng.
    3. Đút lót, hối lộ các cơ quan công quyền để phát triển.
    4. Đưa một số khoa bảng giúp việc cho các cơ quan nhưng thực chất là để lấy tin và làm nội gián.
    5. Tạo điều kiện, giúp phương tiện du học cho một số thành phần trẻ để trồng người, đợi chờ cơ hội chính trị lúc thời cơ đến.
    1. Thay đổi niềm tin người sắc tộc để lập các quốc gia nhỏ trong một quốc gia lớn.

Phật Giáo không có và sẽ không bao giờ có các sách lược và kế hoạch thế tục nói trên, nhưng nêu ra để quí độc giả kiểm nghiệm.

Nhìn vào các tổ chức Phật Giáo, chúng ta không tránh khỏi các điều buồn sau đây:

    • Người Tây Phương đang ồ ạt từ bỏ tín ngưỡng lâu đời của họ thì Phật Giáo thiếu người có tài đức để đáp ứng.
    • Mấy “cậu Ấm” (danh từ của GS Trần Chung Ngọc trong Phật Giáo Hải Ngoại) trúng kế ngoại đạo nhiều lần và cả tin về sách lược của ngoại nhân, quá hố nhưng vẫn chưa thức tỉnh.
    • "Thiên hạ" đi đến các hang cùng ngõ hẻm trên quê hương bằng hai chân, bằng xe đạp, xe gắn máy, ngay cả trực thăng và phi cơ phản lực, thì một vài đoàn thể nhỏ của Phật Giáo vẫn còn nhốn nháo, ngây thơ, đạp lên nhau, bỏ sở trường theo sở đoản. Thật đáng tiếc.
    • Khoa học vừa khám phá trên Hỏa Tinh, hàng triệu năm về trước có đời sống sinh vật. Điều đó nói lên rằng, quả đất không phải là trung tâm của hoàn vũ do Thượng Đế an bày, và điều đó cũng xác quyết lời đức Phật nói về tam thiên đại thiên thế giới và thế giới hoa tạng được mô tả trong kinh Hoa Nghiêm. Và mới đây, Giáo Hoàng John Paul II thừa nhận thuyết tiến hóa của Darwin, nghĩa là công nhận thủy tổ loài người không phải do ông A-dong và bà E-va sinh ra như thánh kinh dạy, và cũng một lần nữa xác định lời dạy của Đức Phật về thuyết tiến hóa. Phật nói “Tất cả chúng sanh đều sẽ thành Phật". Câu nói này bao gồm đầy đủ nội dung và ý nghĩa thuyết tiến hóa của Darwin. Trước những khám phá mới của khoa học về đời sống sinh vật trên Hỏa Tinh, và sự công nhận sai lầm của Ki Tô Giáo về thuyết tiến hóa, người Phật tử rất hãnh diện mình là đệ tử Phật, nhưng cũng không khỏi bùi ngùi vì sự trì trệ của vài tổ chức Phật Giáo trong và ngoài nước hiện nay.

Nov. 15, 1996

Mục lục | Dẫn Nhập | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 1 8 | 19 |

 


Vào mạng: 24-11-2004

Trở về mục "Diễn đàn"

Đầu trang