Hoan nghênh tạp
chí Giao Điểm có sáng kiến đề xuất chủ đề “Phật Giáo Việt Nam
Trong Thế Kỷ Mới”, và mời đông đảo các nhà Phật học trong và ngoài
nước tham gia viết bài và tham luận. Tôi là người trong nước cho nên cho
phép tôi phát biểu nhiều về Phật Giáo Việt Nam, Phật Giáo ở trong nước.
Nếu trong bài, tôi có đề cập đến Phật Giáo nước ngoài, thì cũng chỉ
để liên hệ và so sánh.
Theo tôi, Phật Giáo Việt Nam cần
thiết để các nhà Phật học trong nước cũng như nước ngoài nước quan
tâm nghiên cứu vì những lý do sau đây:
- Phật Giáo Việt Nam có một bề dày lịch sử đáng
kể suốt hơn 18 thế kỷ
Chính cái bề dày lịch sử này tạo
cho Phật Giáo và Việt Nam cơ hội tiếp xúc và hòa nhập vào nhau nhuần
nhuyễn khiến cho nhà thơ cận đại Hồ Dzếnh có thể viết: "Trang sử
Phật,
Đồng thời là trang sử Việt
Trải bao độ hưng suy,
Có nguy mà chẳng mất"
Trong quá trình tiếp xúc và hội nhập
lâu dài đó, đặc biệt là dưới hai triều đại Lý Trần, Phật Giáo thật
sự là quốc giáo với những ông vua Phật tử xuất sắc như Lý Thái Tông
và Lý Thánh Tông, Trần Thái Tông và Trần Nhân Tông. Thời đại Lý Trần
cung cấp cho chúng ta mô hình một Phật Giáo gắn bó với dân tộc và phục
vụ dân tộc, mà vẫn không làm tổn thương gì đến những chân giá trị
tâm linh của đạo. Hai cuộc kháng chiến thắng lợi của nhà Lý chống
quân Tống và của nhà Trần chống quân Nguyên đều diễn ra trong thời kỳ
thịnh nhất của đạo Phật, với hệ tư tưởng chủ đạo và vũ trụ
quan và nhân sinh quan Phật Giáo. Và hệ tư tưởng đó quyết không phải
là một hệ tư tưởng tiêu cực, bi quan, lánh đời như một vài Nho gia muốn
gán ép vì ganh tỵ. Ai bảo chỉ có đạo Khổng mới lo được cho dân, cho
nước, còn đạo Phật chỉ chuyên lo chuyện người chết và thế giới
bên kia, còn đạo Khổng mới thật sự lo chuyện người sống và chuyện
đời nay? Đạo Phật đời Lý Trần đã dứt khoát trả lời vấn đề này
của Tống Nho, và trả lời bằng thực tế của những thành tích giữ nước
và dựng nước vẻ vang chói lọi. Trong những thế kỷ gần đây, Phật
Giáo Việt Nam không có vấn đề chạy theo ngoại bang mà còn tích cực đóng
góp vào công trình đánh đuổi ngoại xâm, giữ gìn giang sơn gấm vóc.
Về sự đóng góp của Phật Giáo
đời Trần, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam đã có công trình nghiên
cứu, xuất bản dưới tiêu đề “Thiền Học Đời Trần”’ trong đó
tôi có viết bài Tổng Kết, mà một số tập san Phật Giáo của Việt Kiều
ở Pháp và Mỹ có đăng lại. Ở đây, tôi không trở lại vấn đề này nữa.
Tất nhiên, mô hình Phật đời Lý hay đời Trần không thể sao chép y
nguyên thành mô hình của Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ 21, mặc dù có một
số người muốn vậy. Vì làm như vậy sẽ là giáo điều, mà Phật Giáo
Lý Trần là một Phật Giáo không giáo điều, không chấp tướng. Lẽ nào
chúng ta lại đối đãi với Phật Giáo Lý Trần với thái độ giáo điều
và chấp tướng?
Khi suy nghĩ về Phật Giáo Việt Nam
ở thế kỷ 21, thì mô hình Phật Giáo Lý- Trần chỉ là một tư liệu tham
khảo tốt mà thôi. Một ví dụ, có một số nhà phật học nước ngoài muốn
và đã đề nghị Phật Giáo nên có quy chế quốc giáo như là dưới thời
Lý-Trần hay là như ở Lào, Campuchia và Thái Lan hiện nay. Tôi cho rằng đó
là một ý muốn và đề nghị rất thiện chí nhưng không cần thiết. Quý
vị cứ đọc quyển “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam” do Việt Triết thuộc
Ủy Ban Khoa Học Xã Hội Việt Nam thì rõ. Hiện nay mà đòi cho Phật Giáo
Việt Nam có quy chế quốc giáo chỉ là gây thêm khó khăn cho Phật Giáo Việt
Nam mà thôi. Tuy nhiên, dẫu không đòi có một quy chế như vậy nhưng chúng
ta vẫn khẳng định một cách dứt khoát là Phật Giáo đã từng có một bề
dày lịch sử hơn 18 thế kỷ ở Việt Nam, và trong quá trình lịch sử đó,
Phật Giáo đã thật sự hội nhập vào nền văn hóa Việt Nam, như một thành
tố không thể chia cắt của nền văn hóa Việt Nam và xã hội Việt Nam.
Chúng ta cũng khẳng định là Phật
Giáo đã cống hiến cho dân tộc Việt Nam những chân giá trị tinh thần,
đã từng thể hiện sáng chói trong sự nghiệp cứu nước và dựng nước
của hai thời đại Lý và Trần và cả các thời bị ngoại bang đô hộ Phật
Giáo đã không làm tay sai cho ngoại bang mà đứng lên chống lại… Nói
tóm lại, Phật Giáo hội nhập lâu đời vào nền văn hóa Việt Nam, gắn
bó với xã hội Việt Nam và dân tộc Việt Nam trong mọi bước đi thăng trầm
của lịch sử, nhưng tuyệt đối không đánh mất những giá trị tâm linh
siêu việt, toàn cầu, có tính vũ trụ của nó (Xem chú thích I ở cuối
bài). Đó là một trong những nét đặc sắc của mô hình Phật Giáo Việt
Nam ở thế kỷ XXI sắp đến này. Tôi gọi đó là đặc sắc thứ nhất của
Phật Giáo Việt Nam, một đặc sắc không thể bỏ qua được, khi chúng ta
bàn về Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ 21.
- Truyền thống bình đẳng và dân chủ của Phật
Giáo Việt Nam
Tất nhiên, trong những văn bản
chính thức của Phật Giáo Việt Nam, không có các khái niệm và từ ngữ
bình đẳng và dân chủ. Thế nhưng tinh thần bình đẳng và dân chủ thì
có, và có rất rõ. Xin nêu một số ví dụ: Phật Giáo Việt Nam từ sớm
đã có quy chế nữ tu sĩ: Sa Di Ni và Tỷ Kheo Ni. Một Tỷ Kheo Ni đời Lý
là Ni Sư Diệu Nhân là một Tổ thuộc thế hệ thứ 17 giòng Thiền Tỳ Ni
Đa Lưu Chi. Hiện nay, ở Việt Nam số Ni đông hơn số Tăng rất nhiều.
Trong khi đó, thì ở các nước Đông Nam Á láng giềng, theo Phật Giáo Nam
Tông, như Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar (Miến Điện) đều không có phụ nữ
xuất gia. Phụ nữ có thể cạo đầu, ở tu viện, nhưng chỉ được mặc
áo trắng, không được mặc áo vàng và hưởng các quyền lợi của tu sĩ.
Tình hình này, theo tôi không đúng với tinh thần bình đẳng của đạo Phật,
mà cũng không phù hợp với lời dạy của Phật Thích Ca. Bởi vì, theo đúng
lời Phật nói với ông A Nan, thì phụ nữ có thể giác ngộ và giải
thoát, chứng quả A La Hán như nam giới vậy. Trong Kinh tạng Pali, có cuốn
"Trưởng Lão Ni Kệ" chép các bài kệ giác ngộ của các Tỷ Kheo
Ni, dưới thời Phật đã chứng quả A La Hán.
Một dấu hiệu bình đẳng và dân
chủ khác của Phật Giáo Việt Nam là vị trí của hàng cư sĩ. Lịch sử
Phật Giáo Việt Nam ghi nhận có những cư sĩ chiếm vị trí hàng đầu
trong giới Phật học nước nhà, được cả hàng tại gia cũng như xuất
gia tôn trọng, không khác gì những bậc thầy trong đạo. Xin đơn cử ở
đây một vài vị mà tất cả chúng ta đều biết tiếng: Vua Lý Thái Tông,
đời Lý, được xem như là học trò đắc pháp của Thiền Sư Thiền Lão
thuộc thế hệ thứ 6 giòng Thiền Vô Ngôn Thông, và vua cũng được xem là
một vị Tổ thuộc thế hệ thứ 7 của dòng Thiền này.
Vua Lý Thánh Tông, cũng không xuất
gia, nhưng cũng được suy tôn là học trò đắc pháp của Thiền Sư Thảo
Đường, và được xem như là vị Tổ thứ 2 của dòng Thiền Thảo Đường.
Dòng Thiền Vô Ngôn Thông còn có hai cư sĩ xuất sắc nữa là Thông Thiên
(thuộc thế hệ thứ 13) và Ứng Thuận (thuộc thế hệ thứ 15). Phật
Giáo đời Trần có Trần Thái Tông, là ông vua khai sáng ra triều nhà Trần,
và là tác giả cuốn "Khóa Hư Lục" nổi tiếng, và nhất là cư
sĩ Tuệ Trung, vị thầy đáng kính của Trần Nhân Tông, là ông vua xuất
gia, là sơ Tổ của phái Thiền Trúc Lâm.
Lịch sử Phật Giáo Việt Nam cận
và hiện đại cũng ghi tên nhiều vị cư sĩ tài ba, như cụ Tâm Minh Lê Đình
Thám, người đã sáng lập ra "An Nam Phật Học Hội", sáng lập ra
trường Phật Học Báo Quốc để đào tạo lớp Tăng tài trẻ, sáng lập
và làm Tổng biên tập tờ báo Phật học "Viên Âm". Ông cũng sáng
lập ra Đoàn "Phật Học Đức Dục”, nhằm truyền bá đạo Phật
trong giới thanh niên trí thức thời bấy giờ. Tác giả bài này cũng là một
trong những thành viên đầu tiên của Đoàn Phật Học Đức Dục, mà bác sĩ
Lê Đình Thám từng là người sáng lập và bảo trợ. Đoàn đã xuất bản
một số sách Phật học, viết theo thể văn mới và có nội dung thiết thực
cho nên đã có tiếng vang nhất định trong giới thanh niên nam nữ học sinh
lúc bấy giờ. Ở ngoài Bắc cũng vào thời ấy, song song với việc thành lập
Hội Phật Giáo Bắc Kỳ, cũng có nhiều cư sĩ có trình độ Phật học
cao, như các cư sĩ Thiều Chửu, tổng biên tập báo "Đuốc Tuệ”’,
Trần Văn Giáp, Lê Dư, Nguyễn Trọng Thuật (ông này là thư ký Ban Nghiên Cứu
Phật Học, được thành lập vào tháng 1 năm 1935). Ở Nam Kỳ lúc bấy giờ,
nổi danh nhất là cụ Chánh Trí Mai Thọ Truyền, người sáng lập ra Hội
Phật Học Nam Kỳ, có trụ sở tại chùa Xá Lợi.
Bình đẳng giữa nam và nữ, bình
đẳng giữa xuất gia và tại gia, sự bình đẳng đó, theo tôi là điều kiện
tiên quyết của mọi triển vọng phát triển lành mạnh của Phật Giáo Việt
Nam, hiện nay cũng như ở thế kỷ XXI. Tôi nhấn mạnh vấn đề này vì nó
phù hợp với truyền thống bình đẳng vốn có của Phật Giáo Việt nam,
đã được minh chứng qua cả bao thế hệ cư sĩ nổi danh trong làng Thiền
Việt Nam, và được Trần Thái Tông tóm gọn trong câu sau đây, có thể là
phương châm chỉ đạo cho Phật Giáo Việt Nam, từ nay và mãi mãi về sau:
"Mạc vấn đại ẩn tiểu ẩn, hư biệt tại gia xuất gia bất câu tăng
tục, chỉ yếu biện tâm bổn vô nam nữ, hà tu trước tướng " (Khoá
Hư Lục) ; Dịch: "Không kể là ẩn dật lớn hay nhỏ, không kể
là tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều cốt yếu là biện tâm, vốn
không phân biệt nam nữ, sao lại còn chấp tướng".
Rõ ràng, Phật Giáo mà Trần Thái
Tông quan niệm không phải là Phật Giáo của riêng người xuất gia, của
riêng giới Tăng lữ, càng không phải là Phật Giáo của riêng nam giới xuất
gia, như hiện nay ở các nước Đông Nam Á theo Phật Giáo Nam Tông… mà là
một Phật Giáo thật sự bình đẳng của cả nam và nữ, của cả xuất
gia và tại gia, nghĩa là của tất cả mọi người. Trong câu trích dẫn của
Trần Thái Tông trên đây, có các từ đại ẩn, tiểu ẩn. Đại ẩn là sống
giữa đời mà vẫn tu đạo và vui với đạo, đúng như lời của Trần Nhân
Tông (cháu ruột Trần Thái Tông) trong bài thơ chữ Hán kết thúc bài phú
"Cư Trần Lạc Đạo" của Vua:
"Cư trần lạc đạo thả tùy
duyên,
Cơ tắc xan kề, khốn tắc miên"
Dịch: "Ở đời vui đạo
hãy tùy duyên,
Hễ đói thì ăn, mệt ngủ liền”.
Đó là lối tu ẩn dật lớn, còn
tu ở chùa, lánh vào núi mà tu chỉ là tiểu ẩn, tức là lối tu ẩn dật
nhỏ. Đúng như vậy, Phật Giáo chỉ cho chúng ta một phương pháp tu hành
không cần phải cạo đầu vào chùa, không cần lánh lên núi sống cô độc
một mình, mà sống ngay giữa đời như người bình thường mà vẫn giác
ngộ và giải thoát. Tôi tin rằng, chừng nào mà Phật Giáo còn hạn chế
và khép mình trong chùa chiền và giới Tăng lữ, thì khó mà nói Phật Giáo
có gốc rễ sâu bền trong một quốc gia xã hội.
Hiện nay, những người Việt Nam bình
thường kể cả một số người mác xít, chỉ cảm thấy có nhu cầu đến
chùa thật sự khi có người thân thuộc qua đời, hay là khi có người ốm
nặng. Chỉ trong những trường hợp như vậy, người ta mới tổ chức lễ
cầu siêu và cầu an. Đó chính là tâm lý rất phiến diện cho rằng đạo
Phật cần cho người chết và người ốm, chứ không cần cho người sống
và khoẻ mạnh! Đây đúng là quan niệm tàn dư của Tống Nho hủ lậu, vẫn
còn ảnh hưởng rơi rớt trong quần chúng nhân dân ta.
Tôi tin là Phật Giáo Việt Nam ở
thế kỷ XXI phải là một Phật Giáo tiếp nối tư tưởng bình đẳng và
dân chủ, không những về tinh thần mà cả trong thiết chế và tổ chức nữa.
Thí dụ: Chúng ta sẽ nghiên cứu lại quy chế "bát kính pháp"
(xem chú thích I cuối bài), đặt Ni chúng vào một địa vị thấp kém hơn
Tăng chúng rất nhiều. Chúng ta cần nghiên cứu bối cảnh xã hội-lịch sử
của quy chế đó. Có người đặt câu hỏi: Phải chăng xã hội thời Phật
là một xã hội phân biệt đẳng cấp và rất trọng nam khinh nữ. Do đó,
Phật đặt ra quy chế bát kính pháp trên thực tế là để bảo vệ nữ giới
khỏi bị nam giới quấy rối? Một lý do nữa là Luật tạng, trong Đại hội
kiết tập lần thứ nhất ở thành Vương Xá đã được kiết tập theo
tinh thần bảo thủ của Thượng tọa Bộ, lúc bấy giờ chiếm đa số
trong số A La Hán tham gia cuộc kiết tập? Dù sao, thì một quy chế như vậy
không còn thích hợp nữa trong thế giới hiện tại, đặc biệt là ở xã
hội Việt Nam, với người phụ nữ "tay hòm chìa khóa", nắm quyền
tài chính trong gia đình (Lệnh ông không bằng cồng bà).
Quan hệ nam nữ trong Chúng cũng như
ngoài xã hội là một loại quan hệ thật sự bình đẳng, hai bên nam nữ
phải thật sự tôn trọng nhau. Tôi nghĩ, quan hệ giữa tại gia và xuất
gia, giữa cư sĩ và tu sĩ cũng phải thấm nhuần một tinh thần bình đẳng
và dân chủ như vậy.
3. Vị trí của tu sĩ và chùa
trong thời đại mới
Hiện nay, ở nước ta, vị trí của
tu sĩ Phật Giáo nổi bật nhất là trong các lễ lạc ở chùa, đặc biệt
là trong các lễ cầu siêu và cầu an. Cũng như nhà chùa chủ yếu là nơi
tu sĩ tổ chức và chủ trì mọi lễ lạc tôn giáo, tất nhiên là có ngoại
lệ, nhưng ngoại lệ ít lắm. Tôi không phủ nhận tác dụng an ủi tạm thời
của các lễ lạc tôn giáo, trong đó có các lễ cầu siêu và cầu an. Nhưng
tình hình sẽ thế nào, nếu trong tương lai, giáo lý về nghiệp của đạo
Phật được phổ biến rộng rãi, trở thành kim chỉ nam cho mọi hành vi
ứng xử của Phật tử. Đến khi ấy, mọi người Phật tử đều giác ngộ
rằng, “con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp,
nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là thai tạng… (Trung Bộ Kinh 3, Kinh Tiểu
Nghiệp Phân Biệt, Bản dịch Thích Minh Châu), tất cả mọi chuyện hạnh
phúc hay bất hạnh xảy ra trong đời mình, đều là do nghiệp, tức là do
những hành động nơi ý, lời nói và thân của mình làm ra từ trước, chứ
không do một Thượng đế hay quỷ thần nào an bài… Muốn có đời sống
an vui, hạnh phúc thì chỉ có một cách là tạo nghiệp thiện, nghiệp
lành, trừ bỏ mọi nghiệp ác, nghiệp bất thiện…Đúng theo lời dạy của
Phật:
"Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật ngôn".
Nghĩa: Bỏ mọi điều ác,
Làm mọi điều lành
Tự làm trong sạch tâm ý,
Là lời dạy chư Phật" (Kinh
Pháp Cú)
Chỉ có bản thân mình, với ý nghĩ
trong sạch, lời nói trong sạch, hành động trong sạch mới có thể làm
trong sạch được bản thân mình, chứ không phải chỉ đi chùa, lễ bái, gọi
Tăng bằng thầy và xưng con là có thể rửa sạch mọi tội lỗi mình đã
phạm và tiếp tục phạm. Tu sĩ là biểu trưng sống động của giác ngộ
và giải thoát. Nhờ tâm của họ được giải thoát cho nên mọi hành động
của họ, lời nói của họ cũng có đạo vị giải thoát. Nếu được như
vậy, họ xứng đáng là bậc đạo sư tâm linh, có khả năng hướng dẫn mọi
người trên con đường giác ngộ và giải thoát. Đó là vị trí phải có,
nên có của người tu sĩ Phật Giáo trong tương lai, ở thế kỷ XXI. Còn nếu
họ không chịu học tập, không lo tu hành, chỉ lo đi cúng và được lợi
dưỡng nhiều nhờ đi cúng, thì họ chỉ là thầy cúng, chứ đâu có phải
là đạo sư tâm linh, đâu có phải là biểu trưng sống động của đạo
giải thoát và giác ngộ. Chúng ta hãy để cho họ yên vị trong nghề thầy
cúng. Nghề đó cũng cần thiết đối với những người bất hạnh, cần
được an ủi, cần được giúp đỡ. Nhưng họ không được rao truyền rằng,
mọi người hãy đến chùa, đến với họ, thì tự khắc mọi nghiệp chướng
sẽ tiêu trừ, mọi tội lỗi sẽ được rửa sạch! Rao truyền như vậy thì
Phật Giáo bị đồng hóa với một số tôn giáo khác, và phải chăng là bật
đèn xanh cho mọi tội ác, bởi lẽ, cứ phạm tội ác rồi đến chùa cúng
lễ và mọi tội ác sẽ được rửa sạch, có khác nào bọn mafia quốc tế
rửa sạch đồng đôla vấy máu qua các thao tác ngân hàng vậy! (Xem chú
thích III cuối bài).
Tôi nhắc lại là tôi không thể
phê bình và phủ nhận tác dụng của lễ bái, mặc dù tác dụng đó là rất
hạn chế và mang nhiều tính phương tiện hơn là cứu cánh. Tôi chỉ phê
bình những ai, dù tăng hay tục, rao truyền rằng, cứ đi chùa, mời chư
Tăng làm lễ cầu an, cúng đường trai tăng là mọi tội ác được tiêu trừ,
mọi nghiệp chướng được xóa sạch. Nói như vậy, có khác nào nói, người
gây nhiều oán thù, chỉ việc đi chùa Hương, đến suốt Giải Oan, múc nước
ở suối giải oan uống, thì mọi oán thù đều xóa sạch! Một người có
chút lương tri, chứ không cần có trình độ Phật học cao, cũng nhận thấy
là muốn giải oan, thì phải thay đổi nếp sống, nghĩa là sống thiện,
không tự mình gây oán thù thêm nữa, thêm bạn bớt thù… chứ không thể
xuống tắm ở suối Giải Oan hay là uống nước suối Giải Oan là có thể
giải trừ mọi oán thù do tự mình gây ra.
Khi Phật còn tại thế, Ngài đã
bác thuyết "tế đàn vạn năng" của Bà La Môn Giáo. Lẽ nào Phật
Giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI lại vẫn đi lại con đường “tế lễ vạn
năng” của Bà La Môn Giáo hay sao?
Lễ bái ở chùa, lễ cầu siêu và
cầu an đều trong chừng mực nó an ủi tinh thần người chết cũng như
người sống, nó nhắc nhủ mọi người dự lễ noi theo lời dạy của Phật
làm mọi điều lành, tránh mọi điều dữ v.v… Chứ lễ bái đâu có khả
năng rửa sạch tội lỗi nếu tâm vẫn còn bất thiện? Phật Giáo Việt
Nam ở thế kỷ XXI phải là Phật Giáo của lý trí, không thể dung túng những
tập tục mê tín dị đoan có thể là nguồn lợi dưỡng đáng kể và người
có trí không thể chấp nhận được. Ở đây, một lần nữa, chúng ta nhắc
lại câu của nhà bác học Albert Einstein ca ngợi “Phật Giáo như một tôn
giáo đáp ứng được những yêu cầu của khoa học hiện đại” (Xem chú
thích II ở cuối bài). Đồng thời, Phật Giáo cũng là tôn giáo rất nhân
bản, nó tôn vinh giá trị con người như là chủ nhân của cuộc sống của
mình, chứ không phải là kẻ cầu xin quỷ thần ban ơn, ban phước.
Vị trí của chùa Việt Nam – ít
nhất là các chùa tiêu biểu – cũng phải có sự thay đổi trong thời đại
mới, ở thế kỷ XXI. Chùa Phật, vẫn là nơi tiến hành các khoá lễ giản
dị, nhưng giàu ý nghĩa biểu trưng, đồng thời phải là một trung tâm Phật
học, một cơ sở văn hóa lớn hoặc nhỏ, với thư viện có đầy đủ ba
Tạng kinh điển, với những sách Phật học và thế học có giá trị, bằng
tiếng Việt và bằng các thứ tiếng khác, một nơi giảng pháp, một nơi tọa
đàm giáo lý, một nơi hành thiền và trao đổi kinh nghiệm hành thiền, một
nơi làm các công tác văn hóa và từ thiện, một nơi có phong cảnh đẹp,
có nhiều cây và hoa, một danh lam thắng cảnh. Nói tóm lại, chùa Phật là
một nơi mà cảnh vật cũng như người (tu sĩ) đều toát lên đạo vị giải
thoát và giác ngộ của đạo Phật.
Đáng tiếc là hiện nay, trong Nam cũng
như ngoài Bắc có một số chùa (không phải là số đông! Mong sao được
như vậy) đã thật sự biến thành những nơi tấp nập cho người ra vào
xin xăm, xin thẻ, nhờ thầy xem đất, xem tướng, bói toán. Những ngôi
chùa trông bề ngoài khang trang to lớn, người ra vào như đi chợ, khói hương
nghi ngút, nhưng thật ra chỉ là những chùa thiếu hương vị giải thoát,
thiếu nhận thức đâu là phương tiện, đâu là cứu cánh của Phật Giáo.
Ngôi chùa Việt Nam ở thế kỷ XXI không thể như vậy được.
Ở đây, nhân tiện, tôi muốn nói
đôi chút về “cái tệ” hái lộc chùa đầu xuân. Tệ này rất là phổ
biến ở miền Bắc. Ở trong Nam, cũng có nhưng ít hơn. Cứ đến mùa xuân
hàng năm người tấp nập đi chùa hái lộc để cầu phước, khiến cho sau
đêm mồng một Tết ta là vườn các chùa đều xơ xác, nhiều cây cành lá
bị bóc trụi. Nếu tục lệ hái lộc chùa là một truyền thống của Phật
Giáo Việt Nam đi chăng nữa, thì truyền thống hái lộc đó phải được cải
tiến, vì không, nó sẽ mâu thuẫn với truyền thống và đạo đức môi trường,
vốn là một truyền thống tốt đẹp của Phật Giáo nói chung và Phật
Giáo Việt Nam nói riêng. Dần dần nên thay thế tục lệ hái lộc bằng
phong trào trồng lộc ở vườn chùa, mỗi năm vào ngày xuân đến. Tất cả
mọi phật tử cần tranh thủ bảo vệ, tôn tạo và phát triển vườn chùa,
biến mỗi vườn chùa thành một công viên quốc gia tầm cỡ nhỏ (miniature
national park). Theo tôi, đây là một vấn đề cấp thiết, không nên chờ đợi
đến thế kỷ XXI mới bắt tay làm, mà phải bắt tay làm ngay trong mùa
xuân tới. Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI phải là một Phật Giáo bảo
vệ môi trường, kể cả môi trường nhân văn và môi trường thiên nhiên,
biến mỗi cảnh chùa thành một phong cảnh Bụt thật sự, đúng theo tinh thần
của câu: "Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt".
4. Phật Giáo Việt Nam tôn vinh con
người, giúp cho con người sống hạnh phúc, hoàn thiện nhân cách và cống
hiến tối đa
Trong thế kỷ sắp tới, giá trị
nhân bản phải là giá trị của mọi giá trị, là thước đo của mọi giá
trị. Mọi phát kiến khoa học, mọi sáng tạo văn học nghệ thuật tôn
giáo cần được đánh giá theo góc độ đó, dựa vào tiêu chuẩn nó đề
cao giá trị nhân bản hay không, có đem lại thêm hạnh phúc cho con người
hay không hay ngược lại chỉ là tang tóc, và bất hạnh, có hay không khích
lệ ý chí vươn lên, và nỗ lực sáng tạo của con người, hay là ngược
lại chỉ làm xói mòn ý chí của con người, khuyên con người cam chịu sự
an bài của số phận.
Lịch sử Phật Giáo Việt Nam ghi nhận
nhiều lời của các nhà Phật học, hay các Thiền Sư khẳng định vị trí
quý trọng của con người. Thí dụ các câu:
"Nhậm vận thịnh suy vô bố
úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”
(Thiền Sư Vạn Hạnh đời Lý)
Dịch ý: Khéo léo vận dụng
(quy luật) thịnh suy thì không còn sợ hãi,
(Nhưng đối với ta) thịnh hay suy
cũng là (mong manh) như hạt sương trên đầu ngọn cỏ.
"Mê chi cầu Phật
Hoặc chi cầu Thiền
Thiền Phật vô cầu…!" (Diệu
Nhân – Ni Sư đời Lý)
Dịch ý: Mê mới cầu Phật
Hoặc mới cầu Thiền
Không cầu Phật, không cầu Thiền".
"Nam nhi tự hữu xung thiên chi,
Hưu hướng Như Lai hành xứ
hành" (Thiền Sư Quảng Nghiêm đời Lý)
Dịch ý: Làm trai có ý chí cao vọt
đến trời,
Thôi, không đi lại con đường của
Phật nữa.
Chúng ta hỏi: Tại sao là Thiền Sư,
là học trò Phật mà lại có những tư tưởng và lời nói trái thường
như vậy? Đó là vì, trước khi nhập Niết Bàn, Phật đã từng khuyên học
trò rằng phải dựa vào bản thân mình, đừng có dựa vào cái gì khác, phải
lấy mình làm ngọn đèn, phải tự thắp đuốc lên mà đi… (Xem các Kinh
Đại Bát Niết Bàn - Trường Bộ Kinh I và Kinh Du Hành - Trường A Hàm I).
Khác biệt với giáo chủ các tôn giáo khác, đức Phật Thích Ca luôn
khuyên mọi người hãy tin tưởng vào khả năng của chính mình để thành
tựu giác ngộ và giải thoát. Ngài nói: "Ta là Phật đã thành, các người
là những vị Phật sẽ thành". Trên thực tế, Phật đã đặt chúng ta
ở một vị trí bình đẳng với Phật, khi Ngài nói một câu như vậy.
Trong bài Kinh: "Các vị ở Kesaputta", thuộc Tăng Chi Bộ tập I, một
lần nữa, Phật lại đặt niềm tin của mình vào con người có khả năng
phân biệt đúng sai, thiện ác, chứ không cần dựa vào sách vở, dư luận,
truyền thống, hay bất cứ một sức mạnh nào khác ở bên ngoài:
"Này các Kalamas, chớ có tin
vì nghe truyền thuyết, chớ có tin vì theo truyền thống, chớ có tin vì
nghe người ta nói, chớ có tin vì được kinh điển truyền tụng, chớ có
tin vì đó là lý luận siêu hình, chớ có tin vì điều đó đúng theo một
lập trường, chớ có tin vào những dữ kiện được đánh giá hời hợt,
chớ có tin vì điều đó phù hợp với định kiến của mình, chớ có tin
vì điều đó được bậc đạo sư của mình nói ra. Nhưng này các Kalamas,
khi nào tự mình biết rõ như sau: Các điều này là bất thiện, các điều
này là có hại, các điều này bị những người có trí chỉ trích, các
điều này thực hiện sẽ đem lại bất hạnh và khổ đau. Này các Kalamas,
khi biết rõ như vậy, thì hãy từ bỏ các điều ấy đi" (Tăng Chi
Bộ Kinh I. Kinh: Các Vị ở Kesapputa, trang 338).
Bài Kinh trích dẫn trên đây có nhiều
bản Hán dịch, Việt dịch và Anh dịch, nội dung chỉ có khác nhau đôi
chút nhưng ý tứ chung của bài Kinh là con người có khả năng tự mình
phán đoán, qua tư duy lô gíc và thực nghiệm đánh giá mọi điều thiện và
bất thiện, đúng và sai, v.v…. Bài này tuy được phát biểu cách đây hơn
hai nghìn năm nhưng đến nay vẫn mang tính thời đại nóng hổi. Nó có giá
trị một thông điệp gửi cho cả loài người, ở ngưỡng cửa của thế
kỷ XXI này, khi loài người đang còn xâu xé tàn sát nhau bởi những định
kiến vô lý về sự khác biệt của tôn giáo và tư tưởng hệ, về sắc tộc
và chủng tộc, những định kiến mà bất cứ một đầu óc lành mạnh và
tỉnh táo nào cũng nhận thấy là trái thường, phi đạo đức, làm sao mà
vẫn lôi kéo được hàng vạn, hàng triệu người vào những cuộc chiến
tranh và thảm sát, đôi khi mang quy mô diệt chủng, không phải chỉ xảy ra
ở Châu Phi hay châu Á lạc hậu, mà ngay cả ở giữa lòng Châu Âu vốn tự
xưng là văn minh và khai sáng!
Đạo Phật ở thế kỷ XXI có nhiệm
vụ đánh thức, khơi dậy niềm tin của con người ở khả năng phán xét
phải trái, thiện ác của bản thân mình, nhất định không nghe theo kẻ cơ
hội và giáo điều, dù chúng mang nhãn hiệu gì. Tôi rất tâm đắc với những
lời phát biểu sau đây của hai ông Vua đầu đời Trần, cả hai đều là
những nhà Phật học lỗi lạc, tức là Trần Thái Tông và Trần Nhân
Tông. Trần Thái Tông viết trong Khóa Hư Lục: "Ngã thân tức Phật
thân thị, vô hữu nhị tướng". Nghĩa: Thân ta tức là thân Phật,
không có hai tướng!
Rõ ràng, Trần Thái Tông nói
câu trên, không phải là nói cho riêng mình mà là nói cho tất cả mọi người,
mọi chúng sanh. Ông viết trong Khóa Hư Lục: "Khái thức Bồ Đề giác
tính, cá cá viên thành…" Nghĩa là "sao lại không biết tính giác
Bồ Đề, mọi người đều có đầy đủ…” (Khóa Hư Lục – Bài “Khuyến
Phát Tâm Văn”). Ý tứ là tất cả mọi người, tất cả chúng sanh đều
có đầu đủ bản tánh giác ngộ ở trong mình, bản tính đó là Phật
tánh, là cái khả năng vốn có của mỗi người chúng ta sẽ thành Phật
trong tương lai.
Trần Nhân Tông cũng nói lại tư
tưởng đó của ông nội là Trần Thái Tông, nhưng với một giọng văn dân
dã hơn:
"Bụt ở trong nhà,
Chẳng phải tìm xa,
Nhân khuẩy bổn, nên ta tìm Bụt.
Chỉn mới hay chính Bụt là ta"
(Cư Trần Lạc Đạo Phú – Hoàng Xuân Hãn dịch nôm)
Chữ khuẩy bổn là quên mất
gốc.
Có thể nói Phật Giáo Việt Nam đã
tôn vinh con người lên địa vị Phật, địa vị của bậc Thánh giác ngộ
tối cao, bậc Thánh đã đạt tới cảnh giới bất tử, an lạc tuyệt đối,
giác ngộ hoàn toàn. Chúng ta vốn là Phật nhưng lại không tự biết, cho
nên cứ đi tìm Phật ở đâu đâu, không chịu quay đầu lại tìm Phật ở
trong bản thân mình. Nhân dân Việt Nam có câu: "Phật ở trong nhà, cầu
Thích Ca ở ngoài đường". Tôi xin phép thay ba chữ ở ngoài
đường bằng các chữ tại chùa. Vì chùa có tượng Phật, có ông Phật
bằng gỗ, sơn son thếp vàng, nhưng ông Phật thật chính là ở trong chúng
ta.
Thế kỷ XXI là thế kỷ của khoa học,
của một Phật Giáo Việt Nam "đáp ứng mọi yêu cầu của khoa học hiện
đại". Thế kỷ XXI cũng là thế kỷ của những giá trị nhân bản, thế
kỷ của con Người. Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI cũng phải là Phật
Giáo tiếp nối truyền thống rất nhân bản, một Phật Giáo tôn vinh con người
và phục vụ con người, đáp ứng những yêu cầu tâm linh cao đẹp nhất của
con người.
Hiện nay, có một vài nhà Thiền Việt
Nam (họ là số ít, nhưng ảnh hưởng của họ không nhỏ) thường nhấn mạnh
tính siêu lý trí của Thiền và coi nhẹ mọi thao tác tư duy lô gíc. Họ
thích thú với những câu trái thường như ngày là đêm, đêm là ngày, cực
ác là thiện, cực thiện là ác… Tôi rất tôn trọng lối tu của quý vị
nhà Thiền đó, nhưng theo tôi, tuyên truyền rộng rãi một lối suy nghĩ trái
thường như vậy là không có lợi, thậm chí còn rất là có hại nữa. Vì
với lối tu và lối suy nghĩ như vậy, chúng ta sẽ mặc nhiên tự biến
chúng ta thành những người trái thường, lập dị, đồng thời cũng biến
đạo Phật thành một cái gì huyền bí, xa lạ với con người và xã hội
loài người. Đạo Phật đề cao trí tuệ thực nghiệm, mà sách Phật
thường gọi là tu tuệ. Chữ tu ở đây, tôi hiểu là thực nghiệm.
Bất cứ một chân lý nào, dù là siêu việt như là Niết Bàn Phật Giáo,
hay là những chân lý tương đối của thế giới hiện tượng, đều phải
qua thực nghiệm mới có thể nắm bắt một cách thấu đáo được. Thí dụ,
chúng ta có thể nhờ tra tự điển mà biết được say rượu đại khái
là do uống nhiều rượu, hơi men bốc lên đầu làm cho đầu óc người mất
tỉnh táo… nhưng đích thực say rượu là thế nào thì chỉ có uống rượu
đến say mới biết, nghĩa là phải tự mình thực nghiệm uống rượu mới
biết. Nói cách khác, tu tuệ không phải là sự hiểu biết do xuất
gia, ở chùa mà có, mà lo do thực nghiệm mà có. Thực nghiệm ở đây
là sống, thực hành, chứ không có nghĩa gì khác. Einstein, khi
nói tới đạo Phật tương lai, cũng nói tới thực nghiệm:
"Covering both the natural and the
spiritual, it should be based on a religious sense, arising from the experience of all
things, natural and spiritual, as a meaningful unity" . Dịch: Bao quát cả (thế
giới) tự nhiên và tâm linh, nó phải dựa trên một ý thức tôn giáo, nảy
sinh từ sự thực nghiệm mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, như là
một tổng thể có ý nghĩa.
Đúng như là nhà bác học Einstein
nói, tất cả mọi vấn đề, thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, cũng như
thuộc lĩnh vực tâm linh, đều phải qua thực nghiệm mới có thể nắm bắt
một cách thấu đáo. Tuy đạo Phật đề cao trí tuệ thực nghiệm, nhưng nó
cũng không xem nhẹ trí tuệ học hỏi và trí tuệ tư duy, mà sách Phật thường
gọi là văn tuệ (học hỏi mà biết) và tư tuệ (tư duy mà biết).
Chúng ta nhớ lại lời Phật nói với những người Kalamas, khi Phật nói đến
“những điều bị những người có trí chỉ trích”, thì đó là
văn tuệ, còn khi Phật nói "tự mình biết rõ các điều này là bất
thiện, là có hại…", đó tức là tư tuệ, là hiểu biết do tự mình
tư duy. Còn khi Phật nói "các điều này, nếu thực hiện sẽ đemlại
bất hạnh và khổ đau” đó tức là tu tuệ, hiểu biết bằng thực nghiệm.
Như vậy, khi có người nói chân lý tối hậu Niết Bàn (là siêu việt lý
trí, tư duy lô gíc) thì họ nói đúng, nhưng khi họ phủ nhận mọi giá trị
của văn tuệ và tu tuệ, mọi giá trị của học hỏi và tư duy lô gíc,
thì họ phạm sai lầm. Nếu thế, thì Phật Thích Ca tán thán ông A Nan là
"đa văn” tức là Phật sai lầm hay sao?
Không phải như vậy, văn tuệ và tư
tuệ đều có giá trị của nó. Chân giá trị con người chính là ở chỗ
nó biết học hỏi những điều nó chưa biết, và ở chỗ có biết tư duy,
lập luận một cách lô gíc. Tư duy lô gíc nhằm phân biệt phải trái, thiện,
ác là một đặc sắc đáng quý của con người. Tại sao con người lại bỏ
rơi đặc sắc đáng quý đó, để rồi nghe theo một số người đầu cơ,
lập ra đủ mọi giáo phái kỳ quặc, tuyên truyền các thuyết về ngày tận
thế, về sống buông thả tình dục để tìm những cảm giác siêu việt,
tuyên truyền nam nữ sống khoả thân thành bầy! Chính lúc này, hơn lúc
nào khác, Phật Giáo phải đề cao khả năng tư duy độc lập của con người
để tìm ra lẽ phải, để phân biệt chính, tà, thiện ác. Vừa rồi, tôi
nói người đầu cơ tôn giáo. Nhưng người đầu cơ chính trị cũng nguy hại
không kém. Chính họ rao truyền những định kiến phân biệt tôn giáo, chủng
tộc, sắc tộc và dân tộc hẹp hòi dẫn tới những cuộc chiến tranh và
xung đột triền miên, đôi khi bột phát thành những cuộc tàn sát có quy
mô diệt chủng!
Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI
phải thật sự và xứng đáng là Phật Giáo của trí tuệ, Phật Giáo của
những người có trí, không có mê tín và cuồng tín, tự mình nương tựa
vào chính mình, không tìm một nơi nương tựa nào khác, tự mình thắp đuốc
lên mà đi, tự mình lấy mình làm ngọn đèn, lấy chánh pháp làm ngọn đèn
v.v… như Phật thường khuyên bảo.
Nếu không có lý trí, không có khả
năng tư duy, thì đúng như Blaise Pascal nói con người là một thứ lau sậy
hèn yếu mà thôi, thế nhưng con người biết tư duy, và khả năng tư duy đó
nâng cao con người lên địa vị tối linh giữa các loài động và thực vật
(L’home n’est qu’un Roseau mais un Roseau pensant – Pascal. Người chỉ là một
thứ lau sậy, nhưng là một thứ lau sậy biết tư duy).
5. Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ
XXI sẽ là một Phật Giáo biện tâm và hướng nội
Thế giới hiện đại là một
thế giới ồn ào, náo loạn, sôi động. Ngoại cảnh càng ồn ào, náo loạn
và sôi động bao nhiêu thì nội tâm càng cần được yên tĩnh, bình lặng
và trong sáng bấy nhiêu. Phật Giáo biện tâm và hướng nội sẽ giúp con
người thành tựu được một nội tâm như vậy. Hướng nội là để cân
bằng với hướng ngoại. Một tờ báo phương Tây đã dùng ảnh dụ sinh động
ví von người hiện đại như một người có một chân buộc vào chiếc
máy bay phản lực còn chân kia thì buộc vào một xe bò kéo! Một tờ báo
khác viết, về mặc khoa học vật lý thì người Mỹ đang ở thời đại
nguyên tử, nhưng về mặt tâm lý học thì người Mỹ đang ở thời đại
đồ đá! Tâm lý học Phật Giáo có thể điều chỉnh tình trạng mất cân
bằng đó của con người hiện đại. Có lẽ vì vậy mà Thiền học Phật
Giáo đã tỏ ra rất hấp dẫn đối với người phương Tây, trong gần một
thập kỷ lại đây, và trong quyển sách “The Way of Zen” (Con Đường Thiền),
tác giả, một người Tây Phương, Alan W. Watts viết: "Thiền là một
trong những quà tặng quý báu nhất của châu Á cho thế giới" (Zen is
one of the most precious gift of Asia to the world – The Way of Zen p.3).
Nhưng xu thế hướng nội của Phật
Giáo Việt Nam còn có một cội rễ sâu xa hơn: Tức là đối với Phật Giáo,
chân lý không phải là năm ở bên ngoài mà là ở bên trong của mỗi người
chúng ta. Tư tưởng đó xuyên suốt lịch sử Phật Giáo Việt Nam từ khi Phật
Giáo du nhập vào đất nước ta. Các phương pháp điều thân, điều tâm
được áp dụng trong các phái Thiền Việt Nam chủ yếu là nhằm điều hòa
nội tâm (điều thân hay điều hơi thở chỉ là phương tiện), nhằm chuyển
dần nội tâm từ tán loạn trở thành định tĩnh, từ chỗ hướng ngoại,
chạy theo thanh sắc v.v… chuyển thành hướng nội, từ chỗ mê mờ trở
thành sáng suốt, từ chỗ thô động, bất kham trở thành nhu nhuyễn dễ sử
dụng, hướng tâm đến đâu là tuỳ theo ý mình. Một người tu tập tâm
và điều hòa được tâm như thế sẽ là một người có sức mạnh phi thường!
Sớ giải Kinh Kim Cang có câu: "Tâm chế nhất xứ, vô sự bất biện".
Nghĩa là tâm được chế ngự vào một nơi thì không có việc gì mà không
làm được!
Trong Kinh tạng Pali, thường ghi lời
Phật khuyến khích học trò mình tu tập tâm, chế ngự và điều phục tâm:
"Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dụng quay cuồng,
Lành thay! điều phục tâm.
Tâm điều an lạc đến. (Pháp
Cú. Kệ 35)
Kẻ thù hại kẻ thù
Oan gia hại oan gia
Không bằng tâm hướng tà
Gây ác cho tự thân.
Điều cha mẹ bà con
Không có thể làm được,
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn. (Pháp
Cú. Kệ 42-43)
Chỉ có hướng nội, thật sự tu tập
tâm và điều phục tâm, chúng ta mới có thể đạt tới kết quả như vậy.
Vì sao? Vì trong con người chúng ta, tâm là kẻ làm chủ. Tâm nghĩ ác, thì
lời nói tùy theo cũng ác, thân hành động cũng ác. Trái lại, nếu tâm nghĩ
thiện, thì lời nói cũng thiện và thân hành động cũng thiện. Trong Kinh
Phật cũng thường nói tâm của Phật sáng suốt, thuần tịnh, nhu nhuyễn dễ
sử dụng, cho nên nếu Phật hướng tâm nhớ lại các kiếp trước của mình,
thì Phật nhớ lại tường tận không phải là một, hai, kiếp sống mà vô
lượng kiếp về trước. Quyền năng siêu nhiên nhớ lại các kiếp sống
trước như vậy, sách Phật gọi là túc mạng thông, hay túc mạng
minh. Với tâm sáng suốt, thuần tịnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng, Phật
còn có nhiều quyền năng siêu nhiên khác nữa, mà sách Phật gọi là sáu
quyền năng siêu nhiên hay sáu phép thần thông.
Trên đây, tôi đã nói thẳng, nói
thật tâm tư của tôi đối với Phật Giáo Việt Nam ở thế kỷ XXI. Ý kiến
chân thành, nhưng lời văn có thể vụng về. Rất mong ban biên tập Giao Điểm
lượng thứ và quý đọc giả gần xa thông cảm.
Tôi cầu mong cho đến thế kỷ XXI
này, (còn bao lâu nữa đâu) Tăng Ni Phật Tử trong nước hòa hợp, Phật tử
trong nước và ngoài nước đều hòa hợp, Phật tử Việt Nam và Phật tử
cả thế giới hòa hợp. Dưới ánh sáng của hạnh lục hòa của Phật
Giáo, cả thế giới là Phật Giáo hay không phải Phật Giáo cũng hòa hợp,
không khác gì một quốc gia thống nhất mà tất cả chúng ta đều là công
dân, là thành viên. Giấc mơ muôn thuở "Bốn biển đều là anh em"
(tứ hải giai huynh đệ) sẽ được thực hiện. Trên thế giới sẽ không
còn chiến tranh nữa.
Minh Chi
(Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt
Nam, Trưởng Ban Phật Giáo Việt Nam)
Phần chú thích
- Bát kính pháp
là tám phép ứng xử của Ni đối
với Tăng, trong đó có các phép như: Ni dù trăm tuổi, khi thấy Tỳ Kheo
Tăng mới thọ giới, cũng phải đứng dậy đón tiếp, hỏi han, lễ bái,
thỉnh ngồi.